Ký ức chiến tranh (Hồi ức của những binh sĩ Xôviết từng tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại)- Phần 9

HỒI ỨC LÍNH BỘ BINH

Antonina Kotliarova

Antonina Kotliarova

Antonina Kotliarova, 1944

Tôi tên Antonina Aleksandrovna Kotliarova, sinh năm 1923 tại Maskva. Chiến tranh nổ ra ngày 22 tháng Sáu năm 1941, và chúng tôi, những học sinh lớp Tám trường số 1 Quận Lenin, nằm trên phố Tolmachevskii gần Bảo tàng Tret’iakov, đang cùng đi tới khu công viên Triển lãm Thành tựu Kinh tế Quốc dân Toàn Liên bang VDNKh (trước năm 1939 là VSKhV – Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Toàn Liên bang, ngày nay được đổi tên thành VVTs – Trung tâm Triển lãm Toàn Nga. Tuy nhiên mọi người vẫn tiếp tục gọi nó là VDNKh. – LTD). Đột nhiên xuất hiện một thông báo trên radio – sắp có một bài diễn văn của Viacheslav Mikhailovich Molotov. Vì một lý do gì đó mọi người đều chạy tới Quảng trường Trung tâm. Vâng, Molotov đã thông báo rằng quân thù đã tráo trở tấn công đất nước ta. Chúng tôi phải làm gì đây? Chúng tôi gọi về nhà, ở nhà bảo chúng tôi: “Hãy trở về nhà ngay lập tức.” Chúng tôi quay về. Cha mẹ tôi và cha mẹ chồng tôi đã đăng ký để chuyển đi đâu đó trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi ngoài dự kiến.

Vì thế cha của Kolia (Kolia (tức Nikolai) là tên chồng tôi) đi tới Trụ sở Hội đồng Quận Lenin nơi ông bắt tay vào tổ chức các đội dân quân vũ trang, sau đó họ đã chiến đấu trên mọi nẻo đường từ Maskva tới tận Berlin. Còn cha tôi gia nhập quân ngũ làm binh nhất, bởi ông chưa có cấp bậc trong quân đội. Đám thanh niên lúc này chưa được tuyển vào quân đội. Chồng tôi, Nikolai cũng thuyết phục người ta cho anh gia nhập quân đội. Anh ấy đã chiến đấu trong lực lượng xe tăng thiết giáp, làm xạ thủ súng máy. Anh ấy trở về Maskva từ mặt trận, và tôi hỏi anh: “Thế nào, Kolia, ngoài ấy có sợ không?” Và anh ấy trả lời: “Không. Anh nấp đằng sau tháp pháo, bọn anh tiến tới gần bọn Đức, nhảy xuống, nổ súng một chốc rồi cánh bộ binh áp sát tới hỗ trợ và bọn anh lại tiếp tục tiến lên.” Tôi vẫn suy nghĩ một cách ngu ngốc là ngoài đó không hề đáng sợ. Sau này khi chính tôi được ra mặt trận, tôi đã quan sát và tự nhủ: “Làm sao mà một người cao lớn như vậy (anh ấy cao tới gần hai mét) có thể nấp đằng sau cái tháp pháo? Đó đơn giản chỉ là một cái đích ngắm!” Nói chung, tôi cũng muốn được ra mặt trận, nhưng không thành công. Tôi tới làm thợ tiện tại Nhà máy Dụng cụ Cơ khí Sergo Ordzhonikidze. Làm ở đó tôi được nhận khẩu phần hàng ngày là 800 g bánh mì. Thế là, sau khi làm việc trở về nhà, tôi sẽ đến lấy bánh tại tiệm bánh nằm tại Polianka. Tôi sẽ nhận khẩu phần ấy, chia nó làm hai, ăn một nửa với nước lã, và rồi lên giường ngủ. Không thể ngủ ngay được vì tôi vẫn rất đói, trong khi nửa ổ bánh còn lại đang còn nằm trong ngăn kéo… Tôi bò dậy, ăn nốt nửa còn lại, rồi ngủ tiếp và sáng hôm sau đi tới nhà máy. Khi người ta bật còi báo động không kích, chúng tôi vẫn thực hiện nhiệm vụ ngoài đường, thậm chí chúng tôi còn có quyền đi lại khắp Maskva trong khi báo động. Một lần chúng tôi phải trực gác gần một ngôi nhà. Chúng tôi trông thấy ai đó đang đóng mở một cánh cửa sổ trên tầng thượng – có lẽ đó là một kiểu ám hiệu. Lần đó một quả bom rơi trúng cây cầu Malyi Kamennyi. Chúng tôi thông báo điều đó cho người sĩ quan trực. Họ đi kiểm tra, hóa ra ở đó có một mụ đàn bà Đức thường phát ám hiệu cho lũ phi công Đức của mụ. Và chuyện đó xảy ra trong khu vực có một rạp chiếu phim và Nhà máy Tháng Mười Đỏ – phải chăng đó là nơi để ném bom?

Sau cơn hoảng loạn ngày 16 tháng Mười, nhà máy được sơ tán tới Nizhnii Tagil. Tất nhiên, tôi không cùng đi với họ. Tại sao tôi lại ra đi trong khi nghĩa vụ của tôi là phải chiến đấu với bọn phát xít? Tôi tới trụ sở dân ủy, họ vẫn tiếp tục không tuyển tôi. Tôi đã gia nhập Đoàn Thanh niên Komsomol. Do đã ở lại thành phố, tôi cần phải làm việc ở một nơi nào đó. Tôi tới Trường Thương mại số 60, nằm trên Quảng trường Kaluga (hiện là Quảng trường Oktiabr’skaia). Tại đó chúng tôi chế tạo mìn, ít nhất cũng đóng góp được chút gì cho mặt trận. Rồi họ đưa chúng tôi đi kiếm củi đốt cho Maskva. Tôi tới quận Sasovo thuộc quân khu Riazan. Khi từ đó trở về, cuối cùng tôi cũng thuyết phục được cho họ chuyển mình vào đơn vị pháo phòng không gần Maskva. Đó là Trung đoàn phòng không 50, được bố trí tại ga Bulatnikovo. Đầu tiên tôi giữ nhiệm vụ quan trắc đo cao. Nhiệm vụ này yêu cầu phải để một mắt theo dõi mục tiêu cần ngắm, rồi chuyển tọa độ cho PUAZO (thiết bị điều khiển bắn), và rồi chuyển tới khẩu pháo. Kế đó tôi được chuyển tới làm việc với PUAZO. Chúng tôi sử dụng loại pháo 76mm.

A.D. Tinh thần tại trận tuyến hậu phương như thế nào, đặc biệt trong thời kỳ đầu chiến tranh, khi quân ta đang rút lui?

Trong cơn hoảng loạn, người ta đốt sách của Lenin và Stalin trong sân nhà họ. Tôi có một bộ sưu tập tác phẩm của Lenin xuất bản năm ‘24. Tôi đã không đốt hay vứt đi một quyển sách nào. Nhưng tình trạng hoảng loạn thật kinh khủng. Ngày 17 hay 18 tháng Mười tôi đã được thấy người ta chở hàng bao đường và kẹo trên xe trượt qua cầu như thế nào. Toàn bộ Nhà máy Tháng Mười Đỏ đã bị cướp phá. Chúng tôi đi tới Kaluzhskaia Zastava, và thậm chí còn đi xa hơn, ném đá vào những xe ôtô chở các vị tai to mặt lớn đang bỏ trốn. Chúng tôi rất căm phẫn khi thấy bọn họ đang rời bỏ Maskva. Có lẽ như thế là vô pháp luật, nhưng đó là những gì chúng tôi đã làm. Cho tới đầu năm ’42 ta rất hiếm khi bắt gặp người đi ngoài phố ở Maskva. Maskva trở nên hoàn toàn vắng vẻ.

Khi bọn Đức đã hoàn toàn bị đẩy lùi khỏi Maskva, và tôi vẫn còn đang nghĩ rằng mình phải đi chiến đấu với bọn phát xít, tôi phát hiện ra là có một trường dạy xạ thủ bắn tỉa trên đường Silikatnaia. Tôi trở thành một học viên tại đó. Tốt nghiệp với điểm ưu, và do Kolia của tôi và cha chúng tôi đang chiến đấu tại Phương diện quân Belorussia 1, tôi cũng yêu cầu người ta gửi tôi tới đấy. Tôi, xạ thủ hỗ trợ tôi Olga Vazhenina, cùng khoảng mười cô gái nữa tới Phương diện quân Belorussia 1. Lúc này đã là tháng Mười Một năm 1944. Chúng tôi được bố trí trong Tập đoàn quân 47, Sư đoàn 143. Ban đầu chúng tôi đóng tại Praga, gần Varsava. Tiểu đội tôi luôn chiến đấu bên nhau – chúng tôi thuyết phục chỉ huy đừng phân tán chúng tôi vào các đại đội khác.

Vậy là tôi đi săn địch cùng Olga. Ban ngày chọn lấy một vị trí mai phục, rồi chiếm lĩnh nó vào mờ sáng và bắt đầu cuộc săn. Tất nhiên, chúng tôi thường chọn một vị trí sao cho địa hình mặt đất không bị thay đổi, nhằm khiến bọn Đức không thể biết được rằng có ai đó đang nằm phục trước chiến hào của chúng tôi. Thêm vào đó, tại mặt trận tình hình luôn là như sau: vị trí của chúng tôi thì nằm ngoài khoảng trống, còn bọn Đức luôn bố trí trong rừng hoặc dưới các bụi cây.

Đến đây tôi cần kể thêm là huấn luyện là một chuyện, người ta có thể dạy anh rất nhiều thứ ở trường, nhưng khi chúng tôi tới mặt trận, mọi thứ hoàn toàn khác hẳn. Tất nhiên, điều đầu tiên chúng tôi làm ở đấy là nhìn qua lỗ châu mai để xem bọn Đức đang làm chuyện gì. Và ngay ngày đầu tiên một cô gái đến từ Leningrad đã bị giết chết. Cô ấy đã trải qua suốt thời gian Leningrad bị phong tỏa, và ngay ngày đầu tiên sau khi chúng tôi tới mặt trận, khi cô ấy đang quan sát qua lỗ châu mai, một viên đạn xuyên qua và cắm vào ngay dưới mắt cô. Và thế là cuộc đời quân ngũ của chúng tôi bắt đầu bằng một đám tang. 

Khi tôi diệt được tên Fritz của mình, vừa về đến hầm trú ẩn, một phóng viên chạy tới và hỏi xin được phỏng vấn. Tôi không nhớ mình đã nói với anh ta điều gì, nhưng trong suốt ngày hôm ấy và cả ngày tiếp theo, tôi không thể ăn uống hay ngủ ngáy gì được. Tôi biết rằng hắn là một  tên phát xít, rằng chúng đã tấn công đất nước chúng ta, chúng giết chóc, đốt phá, treo cổ đồng bào ta, nhưng hắn vẫn là một con người bằng xương bằng thịt. Thật là một trạng thái tệ hại… Khi giết được tên thứ hai, tôi cũng bị lâm vào tình trạng tương tự. Sao vậy nhỉ? Bởi vì tôi trông thấy rõ hắn qua ống kính ngắm: hắn là một tên sĩ quan còn trẻ. Dường như hắn đang nhìn lại tôi và đột nhiên tôi giết hắn chết. Nhưng hắn là một con người! Thật là một trạng thái kinh khủng. Nhưng sau đó tôi trở nên quen dần. Tôi giết – phải làm như vậy thôi, không còn cách nào khác.

 Chúng tôi giải phóng Varsava. Đó là một thành phố rất lớn. Chúng tôi sử dụng súng trường và cả tiểu liên. Năm quả lựu đạn thay vì hai. Và thế là chúng tôi chiến đấu để giải phóng từng căn hộ, từng mảnh sân, từng gác mái. Cuối cùng là giải phóng hoàn toàn thành phố. 

A.D. Vậy là trong thực tế bà đã chiến đấu như một xạ thủ tiểu liên?

 Vâng. Ở đấy tôi như một xạ thủ tiểu liên, kỹ năng bắn tỉa của chúng tôi không được phát huy. Trước hết, đó là do trong khi ta đang ngắm bắn, ta rất có thể sẽ bị giết chết. Vì vậy chúng tôi hành động như những xạ thủ tiểu liên. Đôi khi sự việc diễn ra như sau: ta đang quan sát, đột nhiên – aha, chỗ kia có nhiều tên Đức đang đứng. Ta quẳng vào đấy một quả lựu đạn, nó làm gọn mọi việc. Tóm lại, sau khi giải phóng Varsava, chúng tôi tiếp tục tiến quân. 

 Sau đó chúng tôi tiến tới sông Vistula, tại đấy có một ngọn đồi. Chúng tôi, những cô gái, cùng 5-7 anh chàng nữa ở lại để giữ nó, còn đơn vị chúng tôi tiếp tục truy kích quân phát xít ở phía trước. Thế là chúng tôi phải giữ ngọn đồi trong suốt hai ngày trời. Ban đêm bọn Đức cố gắng bắt sống một “cái lưỡi” (trong từ lóng quân sự Nga, “cái lưỡi” là một lính địch bị bắt để khai thác tin tức – Oleg Sheremet). Nếu chúng biết được ai đang đối đầu với chúng, chắc chắn chúng sẽ nghiền nát chúng tôi. Nhưng chúng đã không biết được. Chúng tôi không cho chúng làm điều đó. Chúng tôi đẩy lùi mọi đợt tấn công, thậm chí tôi đã phải bắn một khẩu súng chống tăng và một khẩu súng máy. Nó giật lại rất mạnh. Lúc này tôi không cần đến khẩu súng trường của mình, chỉ đôi khi sử dụng kính ngắm của nó để quan sát. Chúng tôi giữ vững ngọn đồi đó, và rồi quân ta đã tới kịp thời.

A.D. Có bao giờ bà sử dụng một khẩu trung liên hay thượng liên không?

Thường là loại Maxim. Tôi nghĩ rằng vào thời gian đấy tại chiến trường chúng tôi có không loại súng khác.

A.D. Bà có được dạy cách sử dụng nó không?

Không, chúng tôi đều đã có kinh nghiệm. Chúng tôi có thể tự làm tất cả. Và nữa, chúng tôi có thị lực và kỹ năng tốt. Xét cho cùng, chúng tôi đã tốt nghiệp một trường dạy bắn tỉa. Chỉ có một chàng trai bị giết chết tại ngọn đồi đấy. Cậu ta ngồi đó, trông rất buồn, có lẽ cậu ấy đã cảm thấy rằng mình sẽ chết. Cậu ấy không lại gần lỗ châu mai hay khẩu súng máy. Cậu ấy chỉ ngồi đó, và tất cả kết thúc… Tôi không biết cậu ấy bị giết như thế nào. Có lẽ cậu ta bị co giật mạnh. Chuyện thường xảy ra khi một người biết rằng mình sắp chết.

A.D. Có lẽ có vài trường hợp mà bà có thể ra một cách chi tiết?

Việc tôi giết người như thế nào ư? Điều đó thật kinh khủng. Tốt hơn là đừng kể. Tôi đã kể cho anh rằng Olga và tôi đang nằm cạnh nhau. Chúng tôi khe khẽ trao đổi với nhau vì bọn Đức đang ở ngay gần trước mặt. Chúng đang nghe ngóng mọi thứ. Xét cho cùng thì chốt quan sát của chúng được bố trí rất tốt. Chúng tôi cố gắng không cử động, trò chuyện với nhau thật khẽ và tìm kiếm một mục tiêu. Khắp người tê bại cả đi! Ví dụ, tôi bảo cô ấy: “Olia, thằng này để tớ.” Cô ấy sẽ hiểu ngay – cô ấy sẽ không bắn tên đó. Sau khi nổ súng tôi sẽ chỉ đóng vai trò quan sát giúp cô ấy. Tôi sẽ nói, ví dụ như: “Đấy, đằng sau cái nhà đó, đằng sau lùm cây đó”, và cô ấy sẽ hiểu ngay phải nhìn chỗ nào. Chúng tôi luân phiên thay nhau nổ súng. Ban ngày chúng tôi luôn có mặt suốt tại vị trí, tới đó và quay về vào ban đêm. Ngày nào cũng vậy. Không có ngày nghỉ. 

A.D. Có phải bà đang nói rằng bà không được di chuyển khẩu súng?

Hoàn toàn không!

A.D. Vậy nó đặt như thế nào? Chỉ đơn giản là tì vào vai hay sao?

Tì vào vai và ngón tay ta luôn đặt trên cò súng. Bởi có thể ta sẽ phải kéo cò vào bất cứ lúc nào. Phạm vi nổ súng là 800 m. Và khi ta quan sát, đột nhiên một mục tiêu xuất hiện. Khi mục tiêu lọt khớp với chữ thập thì tôi nổ súng. Có nghĩa là mục tiêu tự đi vào điểm ngắm. Và tất nhiên, điểm ngắm đó đã được chỉnh sẵn tầm bắn.

Có một trường hợp, xảy ra khi chúng tôi đang lùng sục một khu rừng. Lúc đó đã là cuối chiến tranh, lính cựu cũng không còn nhiều nữa, tất nhiên. Lính bắn tỉa lại phải sử dụng tiểu liên, nhưng khẩu súng trường luôn bên mình chúng tôi. Chúng tôi đi từ một phía rừng, còn đám trinh sát đi phía ngược lại. Và thế là chúng tôi tiến về phía nhau và bắt làm tù binh bất cứ tên nào chúng tôi vớ được. Tại đó tôi đã thả cho một thằng bé đi. Hắn thật còi cọc, mà tôi thì có một đứa em trai cũng trạc như hắn. Tôi thương hại hắn – không giết mà cũng không bắt làm tù binh, mặc dù đáng ra tôi phải làm điều đó. Tôi không biết nữa, có thể sau đó cũng có người giết hoặc bắt hắn làm tù binh, nhưng tôi không hề động tới hắn. 

Có một trường hợp khác, khi chúng tôi đang giải phóng Deutch-Krony, tại đấy có một thị trấn tên như thế. Thị trấn này nằm trong một khu rừng. Và chúng tôi được lệnh phải giải phóng nó. Bắt được rất nhiều tù binh và tiếp tục tiến quân. Đột nhiên, có người đuổi tới phía sau chúng tôi và báo: “Thị trấn đã bị bọn Đức chiếm lại.” Chúng tôi đã đánh tan chúng, nhưng chúng đã từ khu rừng đột nhập lại vào thị trấn. Chúng tôi phải chiếm lại nó lần thứ hai. Nhưng lần này chúng tôi không tha cho bất cứ tên nào nữa – chúng tôi đã phát điên. Chúng tôi đã giết rất nhiều tên ở đó, rất rất nhiều. Chiến tranh là chiến tranh. Chuyện phải diễn ra như thế, không thể khác được.

Chúng tôi kết thúc chiến tranh trên bờ sông Elbe. Chúng tôi đang ở trong những căn nhà của người Đức. Vào lúc 3 giờ sáng chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng còi báo động. Có tiếng súng bắn, nhưng chúng tôi không hiểu, có phải do bọn Fritz bắn không? Tin chiến tranh đã kết thúc được thông báo. Chúng tôi chạy ra sân, tìm được ở đấy một ít rượu mạnh và uống, nhắm với mứt. Nhân tiện kể thêm, trong khi chúng tôi đang tiến công, trung đội tiếp tế luôn tụt lại phía sau. Chúng tôi vừa giải phóng được một ngôi làng, bước vào một ngôi nhà, và ở đó vẫn còn một bữa ăn nóng hổi trên bếp lò. Các cô gái sẽ nói: “Tonia, thử ăn nó đi”. Thế là Tonia ngốc ngếch sẽ ăn thử nó. Nếu tôi không chết ngay, tất cả sẽ cùng ăn bữa ăn đó. Và thậm chí tôi không hề nghĩ rằng mình có thể bị chết. Những suy nghĩ như vậy không bao giờ có trong đầu tôi!

A.D. Tiểu đội của bà có bị tổn thất nào không?

 Không. Thử tưởng tượng xem, vậy mà tất cả chúng tôi vẫn còn sống. Nhưng có hai người bị thương nặng. Lida Medinskaia và Nina Maziarova bị thương trong một đợt pháo kích. Nhưng sau đó họ đã quay trở lại đơn vị tôi và chúng tôi cùng sát cánh bên nhau cho tới khi kết thúc chiến tranh.

A.D. Cánh lính tráng đối xử với bà như thế nào?

 Rất tốt! Đám lính đối xử với chúng tôi rất tốt. Họ bảo vệ chúng tôi, không làm bất cứ điều gì gây hại cho chúng tôi. Đôi khi họ kiếm được cho chúng tôi một thỏi sôcôla hay một thứ gì đó rất khá.

A.D. Quan hệ giữa bà và cư dân những quốc gia được giải phóng như thế nào? Như Đức hay Ba Lan chẳng hạn?

 Thực ra tôi không giao tiếp với dân thường. Nhưng không có ai nấp trong góc đường mà bắn vào lưng chúng tôi.

 A.D. Bà có gửi bưu kiện về nhà không?

 Không. Bưu kiện gì? Chiến lợi phẩm sao? Chúng tôi là lính mà. Không. Sau này, khi ở nước Đức, ta có thể bước vào một căn nhà – nếu ta cần phải thay đồ lót, ta sẽ mở cửa phòng vệ sinh, cởi quần lót ra, vẫn giữ lại quần dài nhưng thay đồ lót ở đấy. Chúng tôi không còn quấn xà cạp nữa, nhưng thay vào đó là 5-6 cái tất dài bằng lụa hay vải Ba Tư, rồi bên ngoài là đi giầy. Và ta có thể tiếp tục lên đường. Vào cuối chiến tranh tôi đã chuốc vạ vào thân cũng vì chuyện ấy. Thay quần áo… Chúng tôi không còn balô, chúng tôi đã bỏ chúng lại với trung đội tiếp tế từ lâu rồi. Mặt nạ phòng độc cũng vậy. Chúng tôi chỉ còn đem theo đạn, lựu đạn và một khẩu súng trường. Và thế là ngay trước khi kết thúc chiến tranh, tôi tìm thấy một ngôi nhà, có đồ lót sạch thêu đăng ten trong phòng vệ sinh. Tôi không thể kiểm tra xem nó như thế nào, đúng không?! Thế là tôi thay tất cả đồ lót, và hóa ra nó đã bị rách và được vá lại từ trước! Và tôi quay về Maskva với một cái quần lót bị vá trên người.

 A.D. Nói chung, làm cách nào bà tắm rửa và giặt quần áo ngoài mặt trận?

 Rất khó thực hiện. Có lần chúng tôi tiến vào một ngôi làng, tại đó có một cái nhà tắm. Chúng tôi vào trong và chật vật lắm mới ra khỏi được – bị ngộ độc carbon monoxide, chúng tôi không biết cách nào sử dụng được nó. Nói chung, rất khó tắm giặt được.

A.D. Thế ngoài đó có rận không?

 Không. Tôi không có con nào. Cánh lính thì có chấy rận. Họ phải húi trọc đầu. Và ở trường người ta cũng cắt t1c cho chúng tôi như tóc đám con trai. Tôi còn nhớ có lần chúng tôi đang đi trong đám đông, Marusia Guliakina đi cuối cùng. Cô ấy đang bị ốm và do đó tóc cô ấy để dài. Có một cô gái đứng bên đường, cô ta nói: “Mẹ ơi, mẹ, xem kìa, đám đàn ông đang đi, trong đó có một người đàn bà!” Chúng tôi đang mặc quần dài và tất cả chúng tôi đều húi cua…

 A.D. Bà nghĩ thế nào về quân Đức?

 Ồ, chúng tôi căm thù chúng!


 

Người phỏng vấn: Artem Drabkin

Dịch từ Nga sang Anh: Oleg Sheremet

Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s