Ký ức chiến tranh (Hồi ức của những binh sĩ Xôviết từng tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại)- Phần 10

HỒI ỨC CỦA PHI CÔNG

Yurii Khukhrikov

2

Tôi tên Khukhrikov, Iurii Mikhailovich, người Maskva chính gốc đời thứ tư, thậm chí có thể là thứ năm. Dòng họ tôi làm nghề đánh xe ngựa ở Dorogomilovo. Cụ tổ tôi, Stepan Khukhrikov, là một trong những người đánh xe ngựa đầu tiên ở Dorogomilovo. Ông chở hàng hoá và hành khách trong khu vực ga Kiev. Ở đấy trước đây có ngõ, đường cụt và chợ mang tên Khukhrikov. Chợ Khukhrikov nằm trước cầu Borodino nếu bạn đi từ tòa nhà Bộ Ngoại giao, về phía sông Maskva. Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống quân sự. Cha và chú tôi đều là quân nhân chuyên nghiệp. Họ đã tham gia chiến tranh từ năm 1914, và sau Cách mạng thì làm việc trong Ban Giám đốc kỹ thuật của Bộ Tổng Tham mưu từ năm 1921. Cha tôi mang hàm đại tá còn chú tôi là thiếu tướng. Tôi sinh năm 1924, lớn lên và đi học tại Christưie Pruđưi, đối diện Coliseum mà nay là Nhà hát Sovremennik.    

Từ 1930 cho tới 1941 tôi học ở Trường Số 311 trên phố Lobkovski, nay là phố Makarenko. Tôi học chung với Iurii Nagibin [một nhà văn Soviet nổi tiếng] (đấy là theo họ mẹ của ông, còn khi này tên ông ta là Frumkin). Tôi cũng học với Zhenia Rudneva [Evgeniia Rudneva – người phụ nữ sau này trở thành phi công ném bom đêm]. Cô ấy hơn tuổi tôi, đã tham gia Học viện Hàng không từ trước chiến tranh. Đó là những người tôi đã cùng học chung.

Năm 1940, không biết hay dở thế nào tôi lại gia nhập một câu lạc bộ hàng không. Họ quay tôi đủ kiểu – nói rằng tôi còn quá trẻ. Nhưng cuối cùng tôi cũng đạt được nguyện vọng và họ bắt tôi phải mang tới giấy cam kết đồng ý từ cha mẹ. Lần đầu tôi cất cánh là trên một chiếc U-2, vào tháng 9 năm 1940, tại sân bay gần  Maskva.

Năm 1941 tôi 17 tuổi. Chúng tôi chuyển từ Kraskovo tới Scherbinka, gần Podolsk. Ở đấy có một cánh đồng rất phẳng. Chúng tôi bố trí thành một sân bay, dựng lều và bay. Ngày lễ Mùng Một tháng Năm, tôi, với danh nghĩa là học viên câu lạc bộ hàng không, tham gia lễ diễu hành cuối cùng trong thời bình tại Quảng trường Đỏ.

Tháng Bảy năm 1941 tôi tốt nghiệp. Họ cấp cho tôi giấy chứng nhận đã hoàn tất khóa học. Nó giúp tôi rất nhiều sau này. Tất cả các câu lạc bộ đều gửi học viên tới học viện hàng không. Chúng tôi đều tưởng là sẽ được đưa đi Tbilisi. Nhưng vì chiến tranh đã bắt đầu, tất cả những ai tốt nghiệp năm 1941 đều được chuyển tới Saratov, nơi tập lái máy bay SB. Người ta gọi chúng là “những cây nến”. Chúng hoàn toàn không được bảo vệ, thêm nữa chúng được làm từ hợp kim đuya-ra nên hễ trúng đạn hay mảnh đạn là cháy bùng lên. Tôi bắt đầu tập bay loại này, và rồi có lệnh từ Bộ Quốc phòng: “Chuyển Học viện Saratov về Lực lượng Đổ bộ đường không”. Lập tức họ gửi tới các loại tàu lượn: US-4, US-5, Sh-10, G-9 và “Stakhanovets”. Tất cả chúng đều là loại tàu lượn thể thao. Cũng có cả loại chuyên dụng cho lính nhảy dù – “RotFront-8” và “RotFront-11”. Các công trình sư có kinh nghiệm cũng tới đây – Iudin, Anokhin và một số người khác. Chúng tôi lập tức được đổi sang học lái tàu lượn. Các tàu lượn được kéo bởi các loại máy bay U-2, R-5, SB, Douglas v.v. Bằng cách này chúng tôi mau chóng tích lũy những kinh nghiệm cần thiết. Máy bay phải lượn một vòng tròn và tới độ cao 500-600 mét thì chúng tôi tách khỏi máy bay. Chúng tôi lượn vòng và phải hạ cánh xuống một vị trí đã chuẩn bị sẵn. Anh không được mắc dù chỉ một sai lầm nhỏ khi lái những tàu lượn đó. Ví dụ như sau khi lượn xong vòng cuối, nếu anh tính toán sai, anh có thể mất độ cao ngay trước điểm hạ cánh và khi đó không gì có thể giúp anh ngóc đầu lên – tàu lượn làm gì có động cơ ! Thế là anh rơi. Cho nên chúng tôi thường nhắm tàu hơi vượt quá đích đến một chút cho an toàn. Khi đáp, chúng tôi nghiêng cánh và chúi xuống, điều này cho phép ta hạ dần độ cao và đáp xuống với độ lệch không đáng kể. Chúng tôi không bay trên Saratov mà cách thành phố khoảng 30 km, ở đó có mấy làng người gốc Đức sinh sống. Cư dân tại đấy đã bị trục xuất đi đâu không biết nhưng những ngôi làng này vẫn chưa bị ai chiếm dụng. Đó là nơi chúng tôi sống và học bay. Thảo nguyên Volga trải dài. Một nơi tuyệt vời để bay tàu lượn.

Sau đó tôi vượt qua khóa huấn luyện dành cho chỉ huy các nhóm biệt kích vu hồi: sử dụng thuốc nổ, đánh cận chiến, chống lại chó canh. Vâng, chúng tôi đeo găng tay, mặc áo khoác dày và chống lại lũ chó. Như mọi người khác, đến tháng Mười năm 1941 tôi gửi một lá đơn đề nghị được chuyển sang lái máy bay tiêm kích. Đơn được chấp nhận! Ngày 31 tháng 12 tôi được chuyển tới một học viện không quân tiêm kích. Ở đấy ngay lập tức chúng tôi được học lái các loại máy bay UT-1, UT-2, I-16. Sân bay Belyi Kliuch của chúng tôi cách thành phố Uianovsk 18 cây số, không xa dòng Volga. Một sân bay tuyệt vời, có tầm nhìn hạ cất cánh rất tốt.

À, tôi quên kể rằng vào tháng Mười tôi và anh bạn thân Boria Bezrukov, người đã cùng học phổ thông và chung câu lạc bộ hàng không với tôi, sau đó lại gặp nhau tại học viện Saratov, được lệnh phải chuyển thứ gì đó tới Maskva. Người ta đóng kiện, niêm phong – còn chúng tôi tới, ký nhận và chuyển đi. Rồi tôi và Boria quyết định, một cách cương quyết, rằng phải tìm cách ra mặt trận.

Chúng tôi xâm nhập tuyến đầu. Tìm cách có được mấy khẩu tiểu liên, học cách bắn chúng. Có mấy khẩu pháo 45mm triển khai gần chúng tôi, điều khiển bởi những tay lính cựu. Đó là những người thực sự có kinh nghiệm. Nhưng nhân viên mật vụ ở đấy làm việc cũng thật cừ. Họ nhận ra ngay chúng tôi là người lạ:

“Các anh là ai? Từ đâu tới?” Chúng tôi kể cho họ nghe tất cả.

“Các anh có giấy tờ gì?” Đấy là lúc tờ chứng nhận của câu lạc bộ hàng không và giấy tờ xác nhận công tác chuyển hàng của chúng tôi tới Maskva đã cứu chúng tôi thoát.

“Biến đi và không được quay lại!” Chúng tôi thu dọn và chuồn nhanh. May mắn quá giang xe cộ, chúng tôi quay lại Saratov và không ai phát hiện ra chuyến bỏ trốn của chúng tôi. Tất cả chuyện đó diễn ra trong không hơn một tuần, ít nhất là không ai chú ý tới. Nhưng tôi cũng được nhận huy chương “Vì đã bảo vệ Maskva”. Sau khi tôi từ Saratov chuyển tới Ulianov thì Boria hy sinh. Khi chúng tôi bay tàu lượn đêm, có 8 người phải ngồi trong mỗi tàu lượn như những hành khách. Boria rất vui vì được ngồi trong vai hành khách. Chiếc tàu va chạm vào máy bay kéo, sợi cáp vướng vào cánh tàu và xé toạc nó. Tất cả mọi người trên tàu lượn đều thiệt mạng.

Chúng tôi bắt đầu được huấn luyện ở Ulianovsk, rồi một lệnh từ trên tới yêu cầu phải tái huấn luyện để bay máy bay cường kích IL-2.

A.D. Máy bay có được chuyển tới không?

Có. Họ đưa tới hơn 30 cái từ Kuibyshev.

Tôi tốt nghiệp Học viện Ulianovsk vào năm 1943. Sao lâu thế à? Là tôi may mắn đấy! Rất nhiều người chỉ tốt nghiệp sau khi chiến tranh kết thúc! Họ chỉ chọn những ai xuất sắc nhất, để có thể dạy chúng tôi ít nhất – lý do là không đủ xăng cho huấn luyện.

3

Vị trí khẩu đội phòng không 8.8cm PaK43 của Đức. Ảnh chụp từ buồng lái máy bay IL-2.

Rồi họ chuyển chúng tôi tới sân bay dự bị tại Diad’kov, nằm cách Dmitrov 18 km về phía Bắc. Tại đấy phi công được học các kỹ thuật chiến đấu – ném bom và xạ kích. Tất cả những khóa học ấy chỉ chiếm khoảng vài giờ bay. Khả năng không cho phép làm hơn. Một tuyển dụng viên từ mặt trận sẽ tới – và anh sẽ ra đi cùng anh ta.  Zhora Parshin tới chỗ chúng tôi – anh ấy là một phi công Át! Một phi công cường kích mặt đất! Anh ấy đã hạ 10 máy bay trên một chiếc IL! Anh đã chiến đấu suốt từ đầu cho tận tới khi kết thúc chiến tranh. Một người tuyệt vời. Sau này tôi thường gặp lại anh ở Leningrad tại đại lộ Liteinyi.

Còn khi anh ấy tiếp nhận chúng tôi là vào năm 1944. Chúng tôi được nhận vào trung đoàn Không quân Cường kích mặt đất 566. Đây là trung đoàn đầu tiên được nhận danh xưng Cận vệ – Solnechnogorsk. Nó đã chiến đấu ở đây, tại Maskva. Gần như tất cả mọi người đều hy sinh. Từ năm 1941 tại trận Maskva, chỉ còn Afonia Machnyi sống sót, thậm chí anh ấy đã bị mất trí nhớ sau khoảng năm chục phi vụ. Từ năm 1942 thì chỉ còn Leva Korchagin sống sót, từ 1943 thì còn được một nhúm, và cứ thế đấy. Trong suốt chiến tranh trung đoàn mất 105 phi công và 50 xạ thủ. Trong số 28 người chúng tôi tới sư đoàn thì 15 hy sinh. Mất mát như thế đó.

Tôi được đưa vào Phi đội 1 của Trung đoàn 566. Mykhlik làm phi đội trưởng. Sau này trở thành hai lần Anh hùng Liên Xô. Chúng tôi là dạng may mắn – đấy đang là thời kỳ yên tĩnh giữa hai chiến dịch nên có điều kiện để tiếp tục được huấn luyện, bay theo đội hình và bay tới một khu vực quy định. Chiến tranh tiếp diễn và chúng tôi bắt đầu tung hết sức chiến đấu trên bầu trời Baltics. Trung đoàn chúng tôi chiến đấu chủ yếu ở Phương diện quân Trung tâm và Phương diện quân Leningrad.

Chúng tôi chiến đấu trên máy bay IL-2. Chúng là loại máy bay tuyệt nhất vào thời đó! Mang được 600 kg bom, 8 quả tên lửa, 300 viên đạn 23mm cho 2 khẩu đại bác VIa và 3600 viên cho hai khẩu súng máy. Xạ thủ ngồi sau sử dụng một súng máy 12.7mm Berezin, 10 quả lựu đạn tầm xa DAG-10 cho máy bay để bảo vệ khoảng không tầm thấp phía sau. Nếu một máy bay Đức xuất hiện, anh chỉ cần ấn một cái nút, thế là một quả lựu đạn bung dù và nổ tung khoảng 150 m phía sau máy bay. Thêm vào đó còn có một khẩu súng máy bộ binh và lựu đạn cầm tay.

4

Một đợt đột kích vào vị trí tập trung xe cộ. Ảnh chụp từ buồng lái máy bay IL-2.

A.D. Người ta nói máy bay IL-2 rất khó điều khiển?

Không. Không đúng hẳn. Máy bay tiêm kích I-16 thì đúng thế. Nhất là lúc hạ cánh.

A.D. Theo ông xạ thủ ngồi sau có tác dụng thế nào?

Xạ thủ phía sau là cần thiết. Hiệu quả của anh ta thì khỏi phải bàn!

A.D. Ông đã từng lái loại IL-2 bọc thép toàn thân chưa

Đã từng. Tất cả các máy bay này đều được trang bị radio rất tốt. Nhược điểm duy nhất là chúng tôi phải ngồi ngay trên một thùng xăng: một thùng dưới ghế ngồi, một ở phía trước và một ở giữa tôi và xạ thủ. Chúng tôi ngồi trên một thùng xăng lớn.

Chúng tôi bắt đầu chiến đấu tại Baltics, vượt qua Prussia và kết thúc chiến tranh tại Wittenberg, nơi mà từ đó chúng tôi thực hiện những phi vụ tới Koenigsberg và thậm chí tận Danzig.

Chúng tôi bị bắn trúng đôi lần. Một viên đạn bắn trúng cánh máy bay trong phi vụ thứ hai mươi tám. Chúng tôi thoát được một cách kỳ diệu – cái lỗ đạn rộng tới khoảng một mét! Nếu bị trúng đạn, bạn có thể ngửi ngay thấy mùi kim loại cháy. Tôi ngửi thấy mùi đó. Quay đầu lại – thấy một cái lỗ toang hoác. Nhưng tôi đã gặp may – Sóng chấn động và mảnh của nó văng về phía người xạ thủ. Chân anh ta bị cắt nát. Hệ thống liên lạc bị cắt đứt. Chúng tôi hạ cánh ở Wittenberg. Tôi hạ cánh, tắt động cơ, nhảy ra cánh máy bay – người xạ thủ, Viktor Shakhaev, người Siberi, sinh năm 1926, đang nằm đó. Mọi người chạy tới chỗ chúng tôi, kéo anh ta ra. Vừa kịp để cứu chân của anh. Hóa ra tôi cũng bị thương. Một mảnh đạn sượt qua gáy. Nó xuyên qua chỗ nào nhỉ? Họ muốn đưa tôi tới bệnh viện nhưng tôi từ chối. Chiến tranh kết thúc với tôi tại Wittenberg. Tôi đã bay được 84 phi vụ.

Cuối tháng Năm năm 1945 họ chọn người trong các trung đoàn của sư đoàn chúng tôi để tham dự Lễ Diễu hành mừng Chiến thắng. Họ chọn những người cao 1 m 80 và gửi tới Koenigsberg để tập luyện. Tay trung sĩ của chúng tôi là một huấn luyện viên rất cừ.  Đầu tháng Sáu chúng tôi được chuyển lên một chuyến xe lửa và hở tới Maskva. Tại đó chúng tôi được bố trí vào một tiểu đoàn hỗn hợp gồm các phi công của Phương diện quân Belorussia 3. Chỉ huy của chúng tôi là tướng Prutkov, sư đoàn trưởng sư đoàn Cận vệ Cường kích mặt đất Stalingrad số 1. Họ cho chúng tôi áo bay, giầy ủng và mũ. Đó là một không khí hạnh phúc, tuyệt vời. Chúng tôi sống ở doanh trại Chernyshevskie, gần Shabolovka. Chúng tôi đi chơi đâu à? VDNKh (Trung tâm Triển lãm Toàn Liên bang – LTD), gần cầu Crimea và một vài nơi khác. Khẩu phần Voroshilov đặc biệt trong bữa ăn, thậm chí có cả bánh mì trắng. Tôi cũng cần kể rằng thức ăn tại mặt trận cũng rất tuyệt. Lễ Diễu hành diễn ra ngày 24 tháng Sáu. Tôi cũng được dự tiệc mừng ở đấy.

5

IL-2 (có dấu mũi tên) đang thoát ra sau một đợt công kích.

A.D. Ông bay ở vị trí số 2 hay vị trí biên đội trưởng? 

 Ngoài mặt trận mọi người ban đầu đều phải bay ở vị trí số 2. Vasia Mykhlik cùng tôi bay khoảng 40 phi vụ. Rồi anh ấy tới Maskva để nhận Ngôi Sao vàng Anh hùng Liên Xô và chỉ quay lại vào cuối tháng Tư (năm 1945). Khi đó tôi đã là biên đội trưởng. Hai phi vụ cuối cùng tôi đã dẫn đầu tám chiếc – cả một phi đội. Đấy là ngày 8 tháng Năm. Phi vụ đầu vào lúc 10 giờ sáng, phi vụ thứ hai khoảng 2 giờ chiều. Tới bán đảo Zemland. Chúng tôi lượn trên mọi ngóc ngách của nó. Rồi trở về. Họ đã nạp xăng để chúng tôi bay tiếp phi vụ thứ ba. Chúng tôi lăn ra đường băng, sẵn sàng chờ lệnh. Bỗng tham mưu trưởng Nikolai Ivanovich Borkov chạy tới chỗ chúng tôi: “Ura, quay lại. Kết thúc rồi!” Chúng tôi tắt máy, vãi đạn lên trời để ăn mừng. Chiến tranh đã kết thúc! Và rồi tôi tiếp tục bay IL và MIG trong một thời gian dài.

A.D. Người ta nói cứ 7 xạ thủ bị giết mới có 1 phi công chết, điều này có đúng không?

Không. Để tôi giải thích cho anh. Chúng tôi có 105 phi công và 50 xạ thủ hy sinh, tại sao? Bởi trung đoàn chiến suốt từ đầu tới cuối chiến tranh. Nửa đầu trên loại máy bay IL một chỗ ngồi. Còn nửa sau trên loại hai chỗ ngồi. Trong hầu hết mọi trường hợp cả hai cùng hy sinh. Một phi công cường kích mặt đất, theo các số liệu được thống kê, thường bay khoảng 7 tới 8 phi vụ là chết. Con số thống kê là thế đó.

A.D. Ông có được yểm trợ bằng máy bay tiêm kích không?

Luôn luôn. Trong chiến dịch Prussian (Đông Phổ – LTD) chúng tôi thường được hộ tống bởi trung đoàn Normandie-Niemen.

A.D. Nhiệm vụ chiến đấu có được phân công rõ cho từng ngừơi trong phi đội không?

Điều này không cần thiết. Tùy theo mỗi phi vụ.

A.D. Ông thường tham gia loại phi vụ nào nhất?

Thường là ném bom các vị trí ở tuyến đầu. Có lần tôi phải đi bộ để trinh sát trước. Tay chỉ huy bộ binh bảo tôi:  “Các anh không cần phải nổ súng. Chỉ cần bay tới xuất hiện ở đây. Thế là đủ rồi. Còn nếu các anh công kích, các anh sẽ luôn là các khách mời đặc biệt của chúng tôi!”. Đánh đắm tàu thuyền đậu trong cảng, và có 4 lần công kích các sân bay địch. Đấy là một công việc đáng sợ! Chúng luôn được bảo vệ rất tốt. Công kích những nơi tập trung xe thiết giáp. Vâng, để chống lại các mục tiêu quân sự ấy, hàng trăm máy bay được tung ra, nhằm mục đích quét sạch mọi thứ khỏi mặt đất.

A.D. Cái gì nguy hiểm hơn, pháo phòng không hay tiêm kích đối phương?

Pháo phòng không. Tất nhiên vào thời kỳ đầu chiến tranh, đám tiêm kích thực sự đe dọa mạng sống các phi công cường kích mặt đất chúng tôi. Nhưng cuối chiến tranh là pháo phòng không. Đó thật là một công việc rùng rợn! Có đến hàng chục khẩu pháo phòng không cỡ nhỏ được bố trí và nã đạn vào cùng một mục tiêu. Và xung quanh là những cụm khói nhỏ màu đen từ những khẩu phòng không cỡ trung. Bạn phải bay mà không thể đoán trước khẩu nào sẽ … bắn trúng mình. Tất nhiên chúng tôi cũng thực hiện phương án để chống phòng không.

Chúng tôi thường bay cách nhau từ 30 tới 50 m. Khi tới chiến tuyến chúng tôi dãn ra – khoảng cách là 150 m. Và đánh võng máy bay từ bên này qua bên kia. Rồi chúng tôi tạo thành một vòng tròn phía trên mục tiêu và bắt đầu ra tay. Có một ít tiêm kích yểm hộ phía trên. Công thức là thế đấy.

A.D. Ông thường phải thực hiện bao nhiêu bước thao tác?

Tùy theo hoàn cảnh. Có thể xảy ra tình huống bị phản công – khi đó thì lạy Chúa! Khi đó thì chỉ có một thao tác. Anh phải sử dụng mọi vũ khí ngay lập tức – tên lửa, đại bác, bom. Nếu hỏa lực bắn lên không mạnh lắm thì sử dụng làm 4 tới 6 lần. Sau đó người biên đội trưởng phải đủ khôn khéo, sao cho người bay số 2 có thể theo kịp. Chúng tôi tiếp cận mục tiêu theo đội hình, nếu thời tiết cho phép, ở độ cao 1200-1400m, và thoát đi sau khi tập hợp lại, cũng theo đội hình, ở cùng cao độ trên.

6

Một khẩu pháo tự hành Đức, có thể là loại StuG III. Ảnh chụp từ buồng lái của IL-2.

A.D. Chỗ nào là điểm yếu nhất của IL-2?

Động cơ. Ở hai cánh thì ít nhiều gì cũng không sao. Nếu một thùng xăng bị trúng đạn thì cũng chưa đến nỗi tệ lắm. Sao thế nhỉ? Là vì khi tiếp cận mục tiêu, chúng tôi mở công tắc xả carbon dioxide từ hộp chứa vào đầy các khoảng trống trong các thùng nhiên liệu. Nếu một viên đạn xuyên qua thân và trúng thùng nhiên liệu, hóa chất tự hàn sẽ lấp kín lỗ thủng, xăng sẽ không thoát ra, và sẽ không có bốc hơi nhiên liệu, do đó không dẫn tới bốc cháy.

A.D. Tên lửa sử dụng có hiệu quả không?

Đó là loại tên lửa 82 mm. Tất nhiên, chúng tôi bắn chúng ở khu vực lân cận mục tiêu. Nhưng trên tuyến đầu thì các mục tiêu ở khắp nơi, binh lính và xe cộ tập trung với mật độ rất cao. Một chùm là hiệu quả nhất – một quả trượt thì chắc chắn quả khác sẽ trúng mục tiêu. Chúng tôi cũng dùng loại RS-132, nhưng chỉ đeo theo 2 quả. Trong trường hợp ấy chúng tôi đem ít bom hơn – chỉ 200 kg. Thường chúng tôi dùng loại RS-82, đôi khi tới 16 quả.

A.D. Máy bay của ông có lắp pháo 37 mm không?

Chúng ta có loại IL dùng pháo 37 mm, 40 viên đạn cho mỗi khẩu. Nhưng tôi không bay loại đó. Chúng không hiệu quả lắm.

A.D. Bộ binh Đức được bảo vệ hiệu quả không?

Chúng thường chỉ có một cách bảo vệ – tập trung các ụ pháo phòng không. Không chỉ một khẩu đội mà tập trung ở bốn cụm theo bốn góc. Đôi lúc tôi đếm được tới 40 khẩu – chúng bắn lên liên tục, không ngớt. Pháo phòng không cỡ nhỏ đặc biệt nguy hiểm.

A.D. Có bao giờ ông tấn công bổ nhào không?

Luôn luôn là công kích bổ nhào, từ khoảng 30 tới 40 độ. Anh sẽ không có đủ thời thời gian để sử dụng tất cả vũ khí nếu bổ nhào với một góc lớn hơn. 30 tới 40 độ – đó là góc cho phép sử dụng hết toàn bộ các loại vũ khí cùng một lúc.

A.D. Ông đã sử dụng loại bom diệt tăng lần nào chưa?

Có. Chúng tôi đã thực hiện khoảng 280 lần. Có cả loại bom 25 kg, 50 kg và 100 kg – 4 khoang chứa, sức chứa 600 kg. Chúng tôi thường trút bom từ độ cao trên1400-1500 m. Nếu trời có mây thì là 400-600 m, nhưng thường chúng tôi kết hợp với kíp nổ chậm.

A.D. Thường ông bay khoảng bao nhiêu phi vụ một ngày ?

Đôi khi là 3 … nhưng có khi nhiều lắm. Nhiều lắm.

Nếu ai đó nói không sợ thì chắc chắn là nói dối. Cái khoảng khắc chờ đợi là lúc sợ nhất và khó chịu nhất. Ví dụ như họ có thể nói: “Lúc 14 giờ tại sân bay này”.  Anh ngồi đó: 14 giờ – chưa thấy gì, 14 giờ 30 – chưa thấy gì, 15 giờ – vẫn chưa có lệnh! Hay khi anh đang trong buồng lái, chờ một phi vụ đi phóng tên lửa, và mãi chẳng thấy. Chân cẳng bắt đầu run rẩy. Một nỗi sợ hãi thực sự bắt đầu trỗi dậy. Sau cùng là không gì bảo đảm anh không bị bắn hạ trong khi thực hiện phi vụ. Nhưng khi một quả tên lửa bắn vào không trung, đầu anh bắt đầu tập trung theo nhiều hướng khác nhau và nỗi sợ sẽ dần dần biến mất. Kế đó là một cảm giác khó chịu xuất hiện khi anh tiếp cận mục tiêu nhưng không thể tấn công ngay lập tức. Chúng sẽ có thời gian chuẩn bị và bắn trả. Khi bắt đầu tấn công thì, người phi công khởi sự công việc, dõi tìm mục tiêu, nhấn cò, phóng tên lửa, nã súng máy, pháo, nhấn nút ASSh-41 (Nút thả bom khẩn cấp. Bom sẽ thả ngay khi buông nút ra, hay nếu anh muốn thả đồng loạt tất cả bom thì cũng nhấn nút ấy).

A.D. Làm cách nào xác định hiệu quả oanh kích của một phi vụ?

Mỗi người đều có một máy camera gắn theo khẩu pháo, nó làm việc khi anh đang khai hỏa. Nếu anh bắn cháy một cái xe, nó sẽ ghi lại. Nếu anh bắn một chiếc tăng, nó cũng sẽ ghi lại. Thêm vào đó, các xạ thủ ngồi sau trang bị những camera quay góc rộng. Thường luôn có hai người như thế trong mỗi nhóm. Chúng quay được một vùng rộng, và sau khi hạ cánh chúng tôi đem phim đi tráng. Thêm nữa, khi tiến tới chiến tuyến chúng tôi thiết lập liên lạc với một người quan sát, thường là một đại diện của sư đoàn không quân. Chúng tôi có thể nhận rõ giọng nói của anh ta. Anh ta sẽ thông báo cho chúng tôi: “Các bạn, qua phải một chút. Tốt”. Anh ta cho chúng tôi lệnh tấn cong. Thông báo điểm bom rơi. Bước thứ hai là xác nhận kết quả. Sự xác nhận của anh ta được ghi lại để công nhận chính thức.

A.D. Và ông làm thế nào để giúp các phi công mới hòa nhập?

Cũng thường thôi. Sau khi tốt nghiệp các phi công được đưa tới các trung đoàn dự bị. Ném bom và oanh kích các mục tiêu mặt đất bằng pháo và súng máy. Rồi một người tuyển dụng sẽ tới. Chúng tôi sẽ phải luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

A.D. Còn khi ở trung đoàn chiến đấu?

Sau khi trải qua thủ tục trên, chúng tôi được chuyển tới trung đoàn và bố trí vào một phi đội. Phi đội trưởng sẽ bay với từng người, trắc nghiệm thử thách mức độ sẵn sàng của từng cá nhân, và chọn ra người sẽ bay số 2 với mình. Tôi đã ngay lập tức được chọn bay chung với phi đội trưởng. Tôi chỉ bay chung với anh ấy. Tôi yêu bay lượn và hầu như đã được chọn ngay từ đầu.  

A.D. Trong đơn vị của ông có chiếc IL-10 nào không?

Tất nhiên. Nhưng chỉ sau chiến tranh. Chất lượng của chúng cũng thế. Cùng trọng lượng, xạ thủ, chỉ huy, phi công. Cấu trúc thì phức tạp hơn. Diện tích cánh nhỏ hơn một chút. Vũ khí tương tự. Hai khẩu pháo và hai súng máy. Tầm bắn có khác chút xíu. Nhưng hầu như là giống IL-2. 

A.D. Có khi nào ông bắn phải đồng đội không?

Chỗ chúng tôi có một phi công Hai lần Anh hùng Liên Xô Len’ka (Leonid) Beda, chúng tôi đã cùng học với nhau. Một con người cẩu thả. Dù sao chúng ta cũng không nên nói xấu về người đã khuất. Có lần một vị tướng tới, chúng tôi được lệnh tập hợp. Vị tướng chú ý tới anh ta:

“Họ?”

“Beda” (“Beda”, trong tiếng Nga có nghĩa là “tai họa” – LTD.)

“Tôi đang hỏi họ của anh là gì!”

“Beda, thưa đồng chí chỉ huy!”

Len’ka đã giết lầm 118 người vào cuối chiến tranh. Đó không phải là lỗi của anh ta, họ đã ra lệnh cho anh trước khi bay: “Hãy ném bom mục tiêu đó “. Nhưng trước khi đó anh ta phải bay tới mục tiêu đã. Có lẽ mất khoảng 30 phút. Khi họ bay tới, tình hình đã thay đổi. Quân ta đã chiếm được nơi đó, nhưng không ai thông báo cho anh ta. Phi đội oanh tạc mục tiêu – 118 người chết. Anh ta trở về, họ tước huân chương của anh, nhưng ngay lập tức điều tra và trả lại chúng. Sau này anh ta trở thành Tư lệnh Không quân Quân khu Belorussia.

A.D. Đã khi nào ông phải đối đầu với máy bay địch không?

Tôi chưa lần nào tham gia không chiến, nhưng xạ thủ phía sau cũng không khi nào phải ngồi chơi – sau khi rút khỏi một đợt công kích anh ta nã đạn vào các mục tiêu trên mặt đất.

A.D. Có trường hợp hèn nhát lung lạc nào không?

Chỉ một vài trường hợp đơn lẻ xảy ra. Có lần, khi tay N. đang dẫn đầu một phi đội lớn, khoảng 20 máy bay, anh ta rút lui trước khi tới được mục tiêu và đưa toàn bộ phi đội về sân bay. Ra tòa án binh. Chịu bảy năm tù. Nhưng sau đó anh ta chiến đấu tốt – được 4 Huân chương Cờ đỏ.  Cũng có những kẻ ranh mãnh. Một số ít thôi, nhưng có. Hắn vẫn tìm cách giữ độ cao. Chúng tôi thì bay, còn hắn cứ lơ lửng ở trên, rồi hạ xuống độ cao 1000 m, thả bom và nhập vào phi đội. Nhưng chúng tôi thấy hết mọi điều.

A.D. Các ông có nện hắn ta không?

Chỉ cảnh cáo hắn. Bảo hắn là: “Sasha, anh mà còn làm thế lần nữa, chúng tôi sẽ bắn hạ anh”. Hắn đã phá vỡ sự phối hợp của chúng tôi ! Chúng tôi bay ở cao độ 600 m, hắn lại ngóc đầu lên nên cao độ trở thành 1200 m. Sự phối hợp bị đứt đoạn. Lời cảnh cáo được thực hiện.

A.D. Có hiện diện một phi đội cường kích mặt đất trừng giới nào không?

Không. Họ gửi các sĩ quan phạm lỗi tới chỗ chúng tôi, không nhất thiết phải là phi công. Họ sẽ phải bay 10 phi vụ với nhiệm vụ xạ thủ súng máy.

A.D. Cái gì giúp xem xét kết quả một phi vụ chiến đấu?

Chỉ có cách ném bom mục tiêu địch với các tấm ảnh minh chứng.

A.D. Các ông có khi nào bị rơi máy bay do lỗi kỹ thuật không?

Các kỹ thuật viên làm việc rất tốt. Nếu một máy bay không trở về do lỗi kỹ thuật thì phải có điều gì đó khá nghiêm trọng xảy ra. Tất cả những chuyện đó sẽ được điều tra cẩn thận.

A.D. Ông có áp dụng chiến thuật đặc biệt nào không?

Có. Anh thực hiện xong bước một, rồi tới bước thứ hai, và họ sẽ thông báo từ mặt đất: “Hãy chờ một lát, để cho bộ binh xông lên, chúng tôi sẽ thông báo cho các anh vị trí mục tiêu kế tiếp”. Thế là chúng tôi dừng lại trên bầu trời, còn họ thông báo mục tiêu kế tiếp dựa trên các thông tin từ vị trí quan trắc tiền tiêu.

A.D. Các ông có thực hiện phi vụ trong khoảng thời gian tạm dừng chiến dịch không?

Những hoạt động căng thẳng nhất diễn ra trong thời gian thực hiện các chiến dịch. Những lúc như thế chúng tôi phải bay rất nhiều, nhưng chỉ khi nào được yêu cầu, và đã có các chuẩn bị tương ứng. Tổ lái và trang thiết bị phải được chuẩn bị kỹ. Trong những khoảng thời gian tạm dừng chiến dịch chúng tôi cũng bay. Để thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật. Tất nhiên là với lực lượng nhỏ hơn. Chúng tôi thường được gửi đi hỗ trợ cho bộ binh hay để tiêu diệt những đội hình hành quân của địch. Ví dụ như Pokryshkin bay hơn 500 phi vụ, tham gia 84 trận không chiến. Anh ta đã bắn hạ 59 máy bay. Tôi cũng đã tham gia 84 phi vụ chiến đấu. Thế nhưng nếu bạn chuyển hiệu quả tác chiến của tôi thành tiền thì tôi chắc chắn cũng không hề thua kém anh ta. Tôi có thể khẳng định điều này. Tất nhiên là đôi tay các phi công cường kích mặt đất luôn ngập máu đến tận khuỷu. Nhưng đấy là nhiệm vụ của chúng tôi, và tôi cho rằng chúng tôi đã làm việc rất hiệu quả. Chúng tôi đã phải làm mọi việc trên đời. Vâng, và Chúa hẳn không chỉ đơn giản ban cho chúng tôi những “cây thập giá”.


Phỏng vấn:  Artem Drabkin

Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân

1 thoughts on “Ký ức chiến tranh (Hồi ức của những binh sĩ Xôviết từng tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại)- Phần 10

  1. Pingback: Ký ức chiến tranh (Hồi ức của những binh sĩ Xôviết từng tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại)- Phần 1 | Nghiên Cứu Lịch Sử

Bình luận về bài viết này