Những hồi chuông gióng vội (Trao đổi tiếp với GS. Phạm Việt Hưng về Thuyết Tiến hóa)

The-Grand-Design-of-Life.jpg

Hà Văn Thùy

Báo Đại Kỷ Nguyên ngày 06/01/2019 đăng trang trọng bài Khoa học đã gióng lên 3 hồi chuông báo tử dành cho Thuyết Tiến Hóa của GS. Phạm Việt Hưng*: “Theo bài báo “Life, A Grand Design / Sự sống, một Thiết kế Vĩ đại”(1), vừa được công bố ngày 20/08/2018, “tòa lâu đài tiến hóa” dựa trên hai trụ cột:

Một, Giả thuyết Đột biến Gene ─ giả thuyết cho rằng đột biến gene sẽ dẫn tới biến đổi hệ gene, làm cho loài biến đổi, tức là dẫn tới tiến hóa.

Hai, Giả thuyết Phi Tạo sinh (Abiogenesis) ─ giả thuyết cho rằng sự sống đầu tiên ra đời một cách ngẫu nhiên từ vật chất không sống.

Nhưng những khám phá MỚI NHẤT của sinh học di truyền vừa được công bố cách đây vài ba tháng đã để lộ cho thấy những vết nứt trầm trọng không thể cứu chữa của cả hai cột trụ nói trên, dự báo sự sụp đổ tất yếu của “tòa lâu đài tiến hóa”.

Từ đó ông gióng lên ba hồi chuông báo tử cho thuyết tiến hóa:  

1. Đột biến gene chống lại sự tiến hóa!  

2. DNA ty thể cho thấy không có tiến hóa! Và

3. Hội nghị khoa học quốc tế coi thuyết tiến hóa là một “trò lừa bịp.”

Vì lịch sự, xin miễn bàn tới cái gọi là “Hội nghị khoa học quốc tế Istanbun,”chỉ xin thưa đôi điều về hai hồi chuông đầu.

  1. Hồi chuông thứ nhất: Đột biến gene chống lại sự tiến hóa!

Căn cứ vào bài báo Evolution vs Mutation Meltdown and Genetic Entropy (Sự thoái hóa do đột biến gene và sự suy giảm trật tự chống lại sự tiến hóa), tác giả khẳng định: “loài không thể thay đổi, không có sự tiến hóa ─ cái gọi là “vĩ tiến hóa” (macro-evolution) hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng.”

Trước hết cần thấy, “Đột biến gene chống lại sự tiến hóa” là một phán đoán không mang tính khoa học. Bởi lẽ, đột biến gen có loại xấu, có loại tốt. Mặt khác, cần phải biết đột biến nào xảy ra trong hoàn cảnh nào mới có thể nói có tác động tới tiến hóa hay không? Chỉ nói chung chung “Đột biến gene chống lại sự tiến hóa” là thiếu sự chuẩn mực khoa học! Trong quá trình sống, cơ thể sinh vật phát sinh những đột biến cả lợi và hại. Những gì bất lợi thì bị chọn lọc tự nhiên loại bỏ. Những gì có lợi được củng cố và tăng cường, trở thành kiểu hình (phenotype) mới của sinh vật. Kiểu hình (phenotype) là những nét, những đặc điểm bề ngoài. Điều này được thể hiện ngay trong sự phân loại sinh vật. Dưới loài (specy) là chủng (race) và cuối cùng là thứ (variety). Điều này có nghĩa là, trong cùng một loài đã xuất hiện những cá thể có sự khác biệt nhận ra được để rồi xếp chúng vào trong một chủng và trong một chủng lại chia thành những thứ khác nhau. Như vậy sinh vật thường xuyên có sự phân ly. Tuy nhiên, trong cơ cấu bộ gen của chủng không có gì thay đổi vì vẫn cùng một loài. Nhưng khi xảy ra tai biến môi trường kéo dài sẽ khiến cho những thứ hay chủng không thích nghi được bị tiêu diệt. Những thứ, những chủng thích nghi được thì tồn tại. Nếu tai biến môi trường đủ dài về thời gian sẽ khiến cho hầu hết cá thể của loài bị tiêu diệt trong khi một số ít thích nghi được thì sống sót và một thứ hay một chủng trở thành loài mới. Chính lúc này, đột biến làm nên tiến hóa. Điều này xảy ra với con người khoảng 200.000 năm trước nhưng khoa học có thể xác nhận qua bộ gen của người hiện đại Homo sapiens và loài người tiền nhiệm bị tiêu diệt của nó. Ta có thể kiểm định điều này từ kết quả khảo cổ Hồ nước mặn Magadi Kenia. Bằng dự án nghiên cứu lớn, khảo cổ học khám phá: Tại vùng Hồ, nửa triệu năm trước xảy ra khô hạn khốc liệt hàng trăm nghìn năm, mọi động vật có vú bị tiêu diệt thì 320.000 năm trước, Homo sapiens xuất hiện (2). Giải thích sao về hiện tượng này? Chỉ có thể là, trong thời gian đó, tại vùng Hồ, cũng có những cá thể của loài người nào đó (Homo sp) đang sống. Do khô hạn nên phần lớn chết dần chết mòn. Nhưng lại có những cá thể xuất hiện đột biến gen chịu khát. Kết quả là, qua “nút thắt cổ chai,”những cá thể này sống sót và trở thành loài mới Homo sapiens! Rõ ràng là, trong điều kiện khắc nghiệt của chọn lọc tự nhiên, đột biến tốt tạo ra loài mới, tiến bộ hơn loài tiền nhiệm. Một hiện tượng như vậy không phải là đột biến tạo ra tiến hóa thì gọi là gì? Nói đột biến gene chống lại sự tiến hóa còn cho thấy một cách hiểu rất sai về Thuyết Tiến hóa. Muốn có bằng chứng về tiến hóa ở loài người, phải tìm về Hồ Magadi Kenia 320.000 năm trước để so sánh bộ gen của loài Homo sp nào đó vừa tuyệt chủng và Homo sapiens mới xuất hiện! Xét nghiệm gen người đang sống bình yên hiện nay để tìm “đột biến gây tiến hóa”khác nào leo tít lên ngọn cây rồi la lớn: “Chẳng thấy con cá nào!”

  1. Hồi chuông thứ hai: DNA ty thể cho thấy không có tiến hóa!

Dẫn công trình của Stoeckle và Thaler : 90% các loài động vật xuất hiện gần như cùng một lúc với con người vào một thời điểm không xa chúng ta lắm ─ khoảng từ 100.000 đến 200.000 năm trước đây (3), rồi tác giả eureka: “Có nghĩa là chẳng hề có tiến hóa gì cả! Đây là một đòn trời giáng lên Thuyết Tiến hóa!”

Nhưng sự thật thế nào? Stoeckle và Thaler công bố trên Human Evolution:

  1. Khoảng 200.000 năm trước đã xảy ra tai họa khủng khiếp, tiêu diệt gần hết loài người cùng động vật.
  2. Cũng từ đây, loài người cùng động vật được tái sinh mà mỗi loài đều từ cặp bố mẹ duy nhất.
  3. Những quần thể mới được tạo ra từ các loài tồn tại từ lâu.
  4. Chỉ số đa dạng sinh học (Biodiversity) của con người cũng ở vào mức trung bình như mọi loài động vật khác.

Có lẽ do không hiểu ý nghĩa của những khám phá trên nên Giáo sư Phạm Việt Hưng vội vàng cho đó là dự báo sự sụp đổ tất yếu của “tòa lâu đài tiến hóa”. Trong khi thì đó sự thật ngược lại, hoàn toàn có thể khẳng định, bốn phát hiện trên không hề phủ định Thuyết Tiến hóa mà ngược lại, khiến cho lý thuyết này trở nên sáng tỏ hơn.

Trước hết xin thưa, khẳng định DNA ty thể cho thấy không có tiến hóa là một phát ngôn thiếu sự thận trọng khoa học! Bởi lẽ DNA ty thể (mtDNA) quá phổ biến, có mặt trong tất cả sinh vật giống cái nên cho rằng DNA ty thể cho thấy không có tiến hóa là thiếu chuẩn mực: chưa ai xét nghiệm được DNA ty thể của mọi sinh vật trong tất cả các giai đoạn phát triển. Trong trường hợp này chỉ có thể nói: DNA ty thể của sinh vật đang sống không cho thấy sự tiến hóa.

Nói rằng công trình của Mark Stoeckle và David Thaler chứng minh cho Thuyết Sáng tạo là xuyên tạc khám phá của họ: Những quần thể mới được tạo ra từ các loài tồn tại từ lâu.”Điều này có nghĩa là, những cá thể xuất hiện khoảng 200.000 trước không tự nhiên có mà được tạo ra từ các loài đã sống trước đó! Điều này khẳng định, sự sống là dòng liên tục, không hề có chuyện con người cùng động vật hiện nay được bắt đầu từ số không (zero).

Phát hiện của Mark Stoeckle và David Thaler hoàn toàn không chứng minh cho Sáng thế ký: 200.000 năm trước, Chúa lấy đất sét nặn ra con người theo hình hài của Ngài? Nếu đúng vậy thì con người hoàn toàn là sáng tạo của Chúa, một sản phẩm chưa từng có trên đời! Đó phải là độc bản đầu tiên và duy nhất, không giống với bất cứ vật gì đã có, mang đi đăng ký bản quyền! Nhưng thực tế không phải vậy! 100.000 năm trước đó, tức 300.000 năm cách nay, người Ma-rốc xuất hiện: “Các cư dân của di chỉ Ma-rốc không phải là Homo sapiens ngày nay. Hộp sọ của họ ít tròn và dài hơn của chúng ta, có lẽ là dấu hiệu của sự khác biệt giữa bộ não của chúng ta và họ. Tuy nhiên, răng của họ gần giống với răng của con người hiện đại và khuôn mặt của họ trông giống như chúng ta. Đây là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng sự tiến hóa của con người hiện đại có vẻ cổ xưa hơn và phân tán rộng hơn ở Châu Phi so với các khám phá trước đó.” (4) Không chỉ vậy, cả di truyền, cả khảo cổ học khẳng định, cái sinh vật xuất hiện 200.000 năm trước, được đặt tên là Homo sapiens có sự gần gũi không chỉ với  Australopitecus, Neanderthal, Denisovan mà 98% bộ gen giống với vượn! Rõ ràng, “sáng tạo” của Chúa nếu có, chỉ  là “nhái” theo những gì có trước! Do vậy, không thể nói Chúa sáng tạo mà cùng lắm là chung vốn làm nên con người hôm nay từ một sản phẩm gần như hoàn thiện của quá trình tiến hóa!

Đúng là Stoeckle và Thaler khám phá rằng, loài người và hầu hết động vật được tái sinh từ một cặp bố mẹ duy nhất. Về mặt di truyền, khi truy ngược từ những người đang sống, cuối cùng sẽ dẫn tới người mẹ đầu tiên cho một quần thể. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là vào thời điểm con người ra đời 200.000 năm trước, chỉ có duy nhất một cặp đôi. Di truyền học khẳng định, phải có người sống trước họ. Và cùng thời gian sống của họ, cũng có mặt những phụ nữ khác. Dưới đây là sơ đồ phát triển của 11 phụ nữ sau 8 thế hệ: mọi con cháu thế hệ thứ 8 đều quy về cặp cha mẹ duy nhất.(5)

Untitled

Số phụ nữ có mặt và số người sinh ra sau 8 đời

Kinh thánh nói, Chúa lấy đất sét nặn ra con người rồi hà hơi đem lại sức sống cho nó. Như vậy là, Chúa yêu thương nên đã sáng tạo ra con ngưới theo cách đặc biệt. Không chỉ được nặn ra theo hình hài của Chúa mà còn nhận được hơi ấm tức linh hồn của Ngài. Với sự ưu ái như vậy của Đấng sáng tạo thì con người phải có thể chất đặc biệt siêu việt, khác hẳn với loài vật. Tuy nhiên, phát hiện của Stoeckle và Thaler cho thấy sự thật khác: không chỉ mang bộ gen rất gần với động vật mà ngay cả độ đa dạng sinh học (Biodiversity – genetic entropy), ở con người cũng chỉ tương đương với mọi động vật khác: Chỉ số đa dạng sinh học (Biodiversity) của con người cũng ở vào mức trung bình như mọi loài động vật khác. Như vậy, trong thực tế, khác với Kinh thánh, Thiên nhiên rất công bình, không ưu ái con người hơn bất cứ loài vật nào!

  1. Về những “thách đố” của phe sáng tạo.

Trong bài, GS Phạm Việt Hưng đưa ra hai thách đố cổ điển của phe sáng tạo, đó là tìm được một hóa thạch chuyển tiếpchỉ ra được Nguồn mã DNA. Hãy thử xem sự thách đố đó như thế nào?

Trước hết xin được nói về Nguồn mã DNA. Nguồn mã DNA là gì? Đó là mẩu DNA đầu tiên, nguyên thủy để từ đó sinh ra mọi DNA sau này. Muốn vậy phải trở lại nơi bắt đầu của sự sống. Xin hỏi sự sống bắt đầu từ đâu và bao giờ? Không phải là câu hỏi Sphinx mà là câu hỏi không có lời đáp! Muốn có lời đáp, ta phải trở về nơi và thời điểm mà sự sống đầu tiên xuất hiện. Tìm ở đâu trong thế giới mông lung 3,8 tỷ năm trước! Giả sử có phép màu trở lại với ngày giờ cùng nơi chốn ấy thì cái vật cần tìm cũng không còn! Mẩu DNA đầu tiên xuất hiện nơi vật thể sống đầu tiên. Nhưng rồi cùng với thời gian nó mất đi theo quy luật sinh lão bệnh tử trong khi sự sống cứ sinh sôi, ngày thêm phức tạp. Đòi tìm lại Nguồn mã DNA là trò chơi vô tăm tích của những kẻ ưa đùa nhả! Phi tạo sinh là một giả thuyết tuy không thể chứng minh nhưng cũng không thể phản bác. Mãi mãi nó vẫn là giả thuyết hữu lý nhất về nguồn gốc sự sống!

Còn chuyện loài trung gian? Thế nào là loài trung gian? Xin quý vị đưa ra một định nghĩa?! Giữa con vượn hàng triệu năm trước và kẻ viết bài này có biết bao con vật được dân gian gọi là dã nhân – người hoang dã: Australopitecus, Neanderthal, Denisovan, người Vượn Java, người Vượn Bắc Kinh… không chỉ rất gần gũi về hình dạng mà bộ gen giống nhau đến 98%! Cái con vật hàng triệu đô ấy đang bị giam trong định kiến chấp nhất của người thách đố! Người viết có kinh nghiệm cay đắng về chuyện này. Sau 80 năm khai quật và khảo cứu văn hóa Lương Chử – kinh đô của nước Xích Quỷ huyền thoại, năm 2016 các học giả Trung Quốc lập hồ sơ trình UNESCO xin cấp Bằng Di sản Văn hóa thế giới cho di chỉ vĩ đại này nhưng bị từ chối vì không có chữ viết. Có nghĩa là họ không thừa nhận Giáp cốt văn Lương Chử! Không còn gì để nói về sự dốt nát và óc định kiến của những bậc thầy văn hóa!

4 . Giáo sư Phạm Việt Hưng là nhà toán – cơ học. Sinh học không phải chuyên môn ruột của ông. Do vậy, qua hai bài viết, thể hiện kiến thức của ông trong lĩnh vực này được tạo nên nhờ công nghệ “thu-phát”: đọc rồi nói lại mà không phải được kiểm định qua trải nghiệm tự thân của nhà chuyên môn nhờ khảo cứu trực tiếp của mình. Cách làm này thường trực đối đầu với hai mối nguy: không phải mọi điều đăng trên báo, dù là những tạp chí uy tín nhất, luôn đúng. Và hai: với những cái đúng thì việc giải mã của người không chuyên môn cũng là vấn đề. Thường xảy ra là sự bất cập trong đánh giá những chỗ tế vi nhất của tri thức. Giáo sư không là ngoại lệ. Khái quát vội vàng Đột biến gene chống lại sự tiến hóa là một thí dụ. Vốn kính nể vị giáo sư thành danh ở nước ngoài nên tôi thật sự thất vọng khi đọc những dòng này:“Chọn lọc tự nhiên” là cái gì mà nó có khả năng “chọn lọc”? Khả năng chọn lọc ắt chỉ có thể có ở những thực thể có trí tuệ, có trí thông minh? Vậy nếu Tự Nhiên là một thực thể có trí tuệ thông minh thì Tự Nhiên chính là Đấng Sáng tạo, tức là Chúa! Tóm lại, bản thân khái niệm “chọn lọc tự nhiên” (natural selection) đã là một khái niệm mơ hồ không rõ ràng, một khái niệm của chủ nghĩa tự nhiên (scientism) nhưng rốt cuộc lại chống lại chủ nghĩa tự nhiên.” “Tệ đến vậy sao?” Tôi tự hỏi. Nhưng rồi hiểu ra: ở trường phổ thông ông không được học về Thuyết Tiến hóa? Thuyết Tiến hóa có hai thành phần, là đột biến di truyền và chọn lọc tự nhiên. Đột biến di truyền là yếu tố cần: không có đột biến thì không có tiến hóa. Nhưng đột biến chỉ trở thành tiến hóa khi được chọn lọc tự nhiên chấp nhận… Chọn lọc tự nhiên là nền tảng của Thuyết Tiến hóa. Không hiểu chọn lọc tự nhiên có nghĩa là không hiểu Thuyết Tiến hóa. Phản bác một lý thuyết khoa học trong khi không hiểu nó là gì sao tránh khỏi khôi hài?! Nhưng ngẫm lại, âu đó cũng là căn bệnh lây nhiễm trầm kha của kẻ sỹ xứ Annam!

 Sài Gòn, tháng Giêng, 2019


* Phạm Việt Hưng. Khoa học đã gióng lên 3 hồi chuông báo tử dành cho Thuyết Tiến Hóa. Đại Kỷ Nguyên, 06/01/2019    https://www.dkn.tv/ban-doc/3-hoi-chuong-bao-tu-da-giong-len-gianh-cho-thuyet-tien-hoa.html

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Việt Hưng. “Life, A Grand Design / Sự sống, một Thiết kế Vĩ đại” https://viethungpham.com/2018/08/20/life-a-grand-design-su-song-mot-thiet-ke-vi-dai/
  2. Bernhart Owen et al. Progressive aridification in East Africa over the last half million years and implications for human evolution. PNAS October 8, 2018 https://doi.org/10.1073/pnas.1801357115
  3. All humans are descended from just TWO people and a catastrophic event almost wiped out ALL species 100,000 years ago, scientists claim.

https://www.dailymail.co.uk/news/article-6424407/Every-person-spawned-single-pair-adults-living-200-000-years-ago-scientists-claim.html

  1. Michael Greshko. These Early Humans Lived 300,000 Years Ago—But Had Modern Faces. http://news.nationalgeographic.com/2017/06/morocco-early-human-fossils-anthropology-science/ PUBLISHED JUNE 7, 2017
  2. Ann Gauger. Does Barcoding DNA Reveal a Single Human Ancestral Pair?

https://evolutionnews.org/2018/12/does-barcoding-dna-reveal-a-single-human-pair/

7 thoughts on “Những hồi chuông gióng vội (Trao đổi tiếp với GS. Phạm Việt Hưng về Thuyết Tiến hóa)

  1. Pingback: Share – Những hồi chuông gióng vội (Trao đổi tiếp với GS. Phạm Việt Hưng về Thuyết Tiến hóa) — Nghiên Cứu Lịch Sử – Nguyen Phi Long

  2. Khi thảo luận, cần thống nhất với nhau về khái niệm “loài”.
    HIện nay, chưa thu được bằng chứng “loài” này (nhờ tiến hóa) mà biến thành “loài” khác.

    Trong loài chó, do sự đột biến gen và được chọn lọc của môi trường, cho nên hiện này có hàng trăm (ngàn) “chủng” chó. Chó ta, chó Nhật, chó rừng… Tất cả vẫn nằm trong “loài” chó.
    Sự thích nghi với môi trường KHÔNG phải là tiến hóa.
    Không được phép nói người da trắng tiến hóa hơn da vàng, da đen.
    Một tiêu chuẩn để xác định các chủng chó (hay chủng người) nằm trong cùng một loài là… chúng có bộ nhiễm sắc thể giống nhau về số lượng, hình thể (dưới kính hiển vi) và cấu trúc cơ bản về DNA. Minh chứng là khi phổi giống (lai) giữa các chủng (trong một loài) vẫn thu được thành công. Ông Tây Đen lấy Bà Tây Trắng vẫn đẻ sòn sòn.

    Thuyết Tiến Hóa xếp “lớp” cá nằm dưới “lớp” lưỡng cư (ếch nhái) nhưng không có bằng chứng đột biến nào tạo ra các động vật trung gian.

    Thích

  3. Trong bài “Khoa học đã gióng lên 3 hồi chuông báo tử dành cho Thuyết Tiến Hóa” Phạm Việt Hưng thật khôi hài khi kết tội các giả thuyết khoa học là lừa bịp nhưng lại tin rằng Chúa – người thiết kế mới là chân lý. Có vẻ sắp ra đời một Đại Bịp (Megahoax) chăng?

    Thích

  4. Thuyết tiến hóa cũng chỉ là thuyết thôi ,còn nhiều điều tranh cãi …không phải là một định luật ép người khác coi là đúng tuyệt đối .Mọi người đều có quyền nghi ngờ không tin vào nó ,tôi không phải là nhà khoa học nên không dám bình luận nhận định ,chỉ có điều thấy cái gọi là Thuyết tiến hóa nó sao sao đó .

    Thích

  5. Bản thân mình cũng đã học qua thuyết tiến hóa hồi học phổ thông và cũng có đọc qua loạt bài của TS. Phạm Việt Hưng về thuyết này. Tuy nhiên mình ko thực sự ủng hộ bên nào, vì mỗi bên đều có những lý lẽ và dẫn chứng thuyết phục của bên mình.

    Tác giả viết có vẻ khá hợp lý khi phản bác lại TS. Phạm Việt Hưng. Nhưng chỗ này hình như có vấn đề. Tác giả vừa đề cập là “Tuy nhiên, trong cơ cấu bộ gen của chủng không có gì thay đổi vì vẫn cùng một loài”. Xuống đến bên dưới sau khi bị chọn lọc tự nhiên đào thải “một số ít thích nghi được thì sống sót và một thứ hay một chủng trở thành loài mới. Chính lúc này, đột biến làm nên tiến hóa”. Rõ ràng đang là từ cùng 1 loài (cơ cấu gene ko thay đổi) tự dung sao lại thành loài mới được nhỉ. Chỗ này viết khá gượng ép và hình như đang cố gò người đọc theo định hướng của người viết.

    Thích

  6. Thưa cụ Thùy, công nghệ gen hiện nay, có cho phép chúng ta nghĩ rằng cách đây hàng chục vạn năm có một đàn khỉ ở Etiopia đợc cấy gen rồi đột biến phát triển thành người (gốc khỉ), sau đó, chúng truyền tỏa ra khắp nơi và hình thành nên giống người hiện nay được không ạ?

    Thích

  7. Pingback: Lời sau cùng thưa với Gs Phạm Việt Hưng | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s