Hồ Chí Minh với việc triệu tập Hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương

Gen-commons.jpg

Trần Hoàng

Việc triệu tập hội nghị quốc tế Genève năm 1954 về Đông Dương do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Hồ Chí Minh với những hoạt động ngoại giao của mình đã góp phần thúc đẩy quá trình giải quyết chiến tranh bằng biện pháp hòa bình. Giải quyết chiến tranh bằng biện pháp hòa bình là mong muốn của Hồ Chí Minh và nhân dân ta từ khi cuộc chiến chưa diễn ra. Đến những năm 1953 – 1954, quan điểm giải quyết chiến tranh bằng biện pháp mới xuất hiện ở thực dân Pháp. Song do sự ngoan cố của họ, với sự thất bại của Điện Biên Phủ, họ mới chịu ngồi vào bàn đàm phán. Trong thời gian này, Hồ Chí Minh đã có những hoạt động đối ngoại đẩy mạnh quá trình triệu tập Hội nghị này. Song do chịu nhiều yếu tố quốc tế, việc đàm phán giữa Việt Nam và Thực dân Pháp bị ảnh hưởng bởi nhân tố quốc tế. Hồ Chí Minh với việc triệu tập Hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh triệu tập hội nghị giải quyết chiến tranh bằng biện pháp.

1. Thực dân Pháp đề ra kế hoạch mới với mục đích “giải quyết vấn đề Đông Dương bằng con đường thương lượng”

Thực dân Pháp sau gần 8 năm tham chiến trên mặt trận Đông Dương đã có nhiều thay đổi. Trên chiến trường, quân Pháp tổn thất nặng nề và liên tiếp bị sa lầy. “Pháp bị thiệt hại gần 390.000 quân. Kinh tế nước Pháp lâm vào khó khăn nghiêm trọng, chiến phí ở Đông Dương từ 3,2 tỷ Franc năm 1945 đã lên tới 556 tỷ franc năm 1953, trong đó 71% là viện trợ của Mỹ. Những cuộc khủng hoảng nội các do ảnh hưởng trực tiếp của cuộc chiến tranh Đông Dương và phong trào phản đối “cuộc chến tranh bẩn thỉu” của nhân dân Pháp và dư luận quốc tế diễn ra mạnh mẽ, khiến cho ý chí xâm lược của thực dân Pháp bị lung lay. Đồng thời, trong chính giới Pháp cũng xuất hiện khuynh hướng muốn giải quyết cuộc chiến tranh thông qua con đường thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh”[1].

Như tướng Henri Navarre, người chỉ huy quân đội ở đã nhận xét: “Chưa bao giờ các nhà cầm quyền của chúng ta (Pháp) có được thời gian làm việc liên tục. Đối địch với Hồ Chí Minh – lãnh tụ chính trị duy nhất, và tướng Giáp – tổng tư lệnh duy nhất từ đầu chiến tranh đến nay, 19 chính phủ kế tiếp của chúng ta đã đưa ra năm cao ủy (ông De Jean là người thứ sáu) và sáu tổng chỉ huy (mà tôi là người thứ bảy). Chúng ta chưa bao giờ có một đường lối chính trị nhất quán để theo đuổi”.

Ông nói thêm về tình hình nước Pháp. “Ở Pháp không khí tinh thần thật khủng khiếp: thờ ơ, lạnh nhạt nếu không nói là thù ghét, sự phản bội công khai phơi bày, vụ buôn lậu tiền bạc, vụ bê bối của các tướng lĩnh v.v.”

Từ đó, ông rút ra “đối với các nhà trị và quân sự, cuộc chiến Đông Dương bây giờ chỉ còn là một việc phải thanh toán cho rồi”[2]

Trước tình hình đó, ngày 13/07/1953, trong một phiên hợp ngoại trưởng Mỹ – Anh – Pháp ở Wasinhton, Ngoại trưởng Pháp Biđôn nêu lên ý kiến muốn giải quyết vấn đề Đông Dương bằng con đường thương lượng. Mỹ không đồng ý, còn Anh chưa có ý kiến. Trong thời gian này, “Thủ tưởng Pháp thông báo cho tướng Nava, người đang chỉ huy ở Đông Dương, biết lập trường của chính phủ Pháp là muốn thương lượng với Việt Minh để đình chiến Đông Dương sau khi có đình chiến ở Triều Tiên. Thủ tướng Pháp chỉ thị cho Navarre nhanh chóng thảo ra một kế hoạch chiến lược mới nhằm xoay chuyển tình thế buộc đối phương phải chấp nhận giải pháp thương lượng theo những điều kiện mà Pari có thể chấp nhận được tưc là những điều kiện chấm dứt một cách “danh dự” cuộc chiến tranh đã quá kéo dài”[3].

Ngày 24/07/1953, Navarre đệ trình lên Chính phủ Kế hoạch quân suwjj mới gồm hai giai đoạn: 1953 – 1954: phòng ngự chiến lược ở miền bắc Việt Nam, tấn công chiến lược ở Nam vĩ tuyến 13 đi đôi với việc tăng cường quân cơ động bằng xây dựng ngụy quân và tăng viện từ Pháp sang; 1954 – 1955: tấn công chiến lược ở miền Bắc, giành thắng lợi quân sự to lớn, buộc đối phương điều đình theo điều kiện của Pháp.

Kế hoạch đó không chỉ nhận được ủng hộ của Chính phủ Pháp mà còn nhận được sự tán đồng của Chính phủ Mỹ. Mỹ đã hứa viện trợ thêm cho Pháp 385 triệu đô la để thực hiện kế hoạch này. “Cả Pháp và Mỹ đều muốn đánh một đòn quyết liệt để giành phần thắng cuối cùng. Nếu đạt được mục đích này thì chẳng những đánh bại lực lượng kháng chiến Việt Nam mà còn ngăn chặn sự lan tràn của “làn sóng cộng sản” ở vùng Đông Nam Á và nhờ đó nâng cao uy thế của các cường quốc tư bản”[4]. Bản thân Mỹ nghĩ rằng làn sóng Cộng sản sẽ bị chặn lại khi kế hoạch này thành công.

Thực hiện kế hoạch trên, trong hè – thu 1953, Nava mở hàng chục cuộc càn quét trong vùng chúng chiếm đóng ở Bắc Bộ, Bình Trị Thiên và Nam Bộ, nhảy dù tập kích Lạng Sơn, tăng cường biệt kích thổ phỉ ở Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, mở cuộc tiến công lớn vào vùng Nho Quan (Ninh Bình).

Tháng 10/1953, do sức ép của Mỹ, Chính phủ Pháp thương lượng để trao độc lập giả hiệu cho chính quyền bù nhìn. Để làm áp lực với Pháp, Bảo Đại triệu tập “Quốc dân đại hội”, ra Nghị quyết đòi độc lập hoàn toàn và rút ra khỏi Liên Hiệp Pháp. Điều này làm cho chính giới Pháp bất bình. Ngày 20/10/1953, tại Quốc hội Pháp đã diễn ra cuộc tranh cãi rất gay gắt về vấn đề Đông Dương buộc thủ tướng Lanien phải tuyên bố sẽ tìm mọi cách để thương lượng với Việt Minh đi đến đình chiến ở Đông Dương. Ngày 12/11/1953, Lanien một lần nữa tuyên bố: “Nếu một giải pháp danh dự xuất hiện trong khung cảnh địa phương hoặc trong khung cảnh quốc tế, nước Pháp sẽ sung sướng chấp nhận một giải pháp ngoại giao cho việc tranh chấp”. Quốc hội Pháp ra Nghị quyết về chính sách đối với Đông Dương, gồm 3 điểm:[5]

– Phát triển quân đội 3 nước liên kết.

– Bằng mọi cách thương lượng đạt đến bình định chúng ở Châu Á.

– Hoàn thiện độc lập cho ba nước liên kết trong Liên hiệp Pháp.

2. Từ việc đình chiến ở Triều Tiên đến xu hướng giải quyết chiến tranh Đông Dương bằng biện pháp hòa bình

Sau khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Stalin qua đời vào tháng 3/1953, đã để lại hai hậu quả nghiêm trọng: Một là, xuất hiện tình hình không ổn định trong bộ máy lãnh đạo tối cao với sự thay đổi liên tục người cầm quyền, kể cả vụ sát hại không xét xử một số nhân vật có thế lực là Beria; Hai là, sự thay đổi về đường lối đối ngoại theo xu hướng hòa dịu với Mỹ. Do vậy. Liên Xô rất sự yên ổn trên bình diện quốc tế để rảnh tay giải quyết những vấn đề nội bộ và dồn sức vào hướng trọng tâm của họ là Châu Âu, đặc biệt là vấn đề Berlin và nước Đức.[6] Ở trong trạng thái ấy, Liên Xô muốn chấm dứt chiến tranh ở khu vực Viễn Đông, hòa hoãn với Mỹ.

Chính vì vậy, Liên Xô đã nhận lời Anh và Pháp điều đình với Chính phủ Triều Tiên giải quyết vấn đề chiến tranh ở Bán đảo này bằng thương lượng hòa bình. Đến ngày 27/07/1953, Hiệp định đình chiến ở Bàn Môn Điểm được kí kết dựa trên cơ sở giữ nguyên trạng thái hai miền. Kết cục của chiến tranh Triều Tiên thúc đẩy xu hướng giải quyết các cuộc xung đột vũ trang ở Viễn Đông bằng thương lương hòa bình và khởi động quá trình các nước lớn tìm cách giải quyết vấn đề Đông Dương thông qua một giải pháp quốc tế. Đến ngày 04/08/1953, Liên Xô bắt đầu vận động Mỹ, Anh, Pháp hợp Hội nghị năm nước lớn có Trung Quốc tham gia để tìm cách giải quyết tình hình căng thẳng ở Viễn Đông.

Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh viết: “Không có cuộc xung đột quốc tế nào mà không có thể giải quyết bằng thương lượng”[7]. Các tổ chức quốc tế như Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới (10/09/1953), Liên Hiệp Công đoàn thế giới (10/1953) ra nghị quyết kêu gọi chấm dứt chiến tranh, giải quyết hòa bình về vấn đề Đông Dương.[8]

Từ đình chiến ở Triều Tiên là thắng lợi của phe dân hòa bình thế giới và là một thất bại cho phe đế quốc gây chiến nhất là Mỹ. Ngày 07/08/1953, Hồ Chí Minh cho rằng ở Triều Tiên đã đình chiến nhưng chưa đi đến hòa bình vì “ở Mỹ có bọn phá. Nên anh em Trung – Triều rất tỉnh táo để đề phòng”. Về việc nó có ảnh hưởng đến Việt Nam, Người cho rằng là “có”. Vì “Triều Tiên là một phần của phe dân chủ hòa bình, Triều Tiên thắng lợi là ta thắng lợi”, “Triều Tiên cho ta thấy kinh nghiệm là phải đánh bao giờ cho đế quốc qụy, nó biết không thể đánh được nữa, nó mới chịu đàm phán. Đừng có ảo tưởng mình muốn đàm phán là nó đàm phán… Ta cũng phải đánh cho Pháp quỵ. Lúc ấy, có đàm phán mới đàm phán, chứ không phải đưa đàm phán ra là nó đàm phán ngay đâu. Đừng có ảo tưởng. Mục đích của nó là xâm lược. Nó mất 99% còn hy vọng 1%, nó vẫn đánh. Phải đánh nó quỵ nó mới chịu”[9].

Hồ Chí Minh nắm lấy và giương cao ngọn cờ hòa bình, mở cuộc tấn công trên mặt trận ngoại giao. Chủ trương trên được Người thể hiện rõ trong bài phỏng vấn của báo Expressen (Thụy Điển), ngày 26/11/1953. Lúc đó, để góp phần thúc đẩy chính phủ Pháp đàm phán với Việt Nam Dân chủ cộng hòa, phóng viên báo Expressen (Thụy Điển), thông qua sứ quán Thụy Điện ở Bắc Kinh gửi bài phỏng vấn đề Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh nói rằng: “… Nếu chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”[10].

Hồ Chí Minh cũng bày tỏ quan điểm về sự ngừng bắn hay một cuộc đình chiến có thực hiện được không và trên căn bản nào, Người nói: “Miễn là Chính phủ đình chỉ cuộc chiến tranh xâm lược thì cuộc đình chiến ở Việt Nam thực hiện. Cơ sở đình chiến ở Việt Nam là chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam”

Với thái độ của Chính phủ Việt Nam nếu có một nước trung lập đứng ra dàn xếp cuộc thương lượng, Hồ Chí Minh nói: “Nếu có những nước trung lập nào muốn cố gắng xúc tiến việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng cách thương lượng, thì sẽ được hoanh nghênh, nhưng việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp”[11].

Sau lời tuyên bố đó, có đoàn thể nhân dân và nhiều nhà chính trị Phâp lên tiếng đòi chính phủ Lanien phải tiến hành đàm phán ngay với Chính phủ Hồ Chí Minh. Bị sức ép của dư luận, ngày 03/12/1953, Chính phủ Pháp tuyên bố muốn biết lập trường của Việt Minh bằng con đường chính thức và tỏ ý sẵn sàng xam xét việc lập lại hòa bình, bảo đảm độc lập cho các quốc gia liên kết.

3. Thực dân Pháp tăng cường xây dựng Điện Biên Phủ thành “pháo đài bất khả xâm phạm” nhằm đàm phán trên thế mạnh

Cũng vào ngày 03/12/1953, sau khi đã chiếm được Điện Biên Phủ (20/11/1953), Navarre đã tăng cường lực lượng và xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, một pháo đài bất khả xâm phạm. Đưa một lực lượng lớn quân cơ động và xây dựng một pháo đài kiên cố ở Điện Biên Phủ, Navarre hy vọng Điện Biên Phủ sẽ là “cái chìa khóa để bảo vệ Thượng Lào”, một “bàn xoay” có thể xoay đi bốn phía Việt Nam, Lào, Miếu Điện, Trung Quốc. “Từ Điện Biên Phủ quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của đối phương nếu họ đến đây”[12].

Trước tình hình đó, tại kì hợp thứ ba Quốc hội khóa I, Người nói: “Chúng ta ủng hộ phong trào hòa bình thế giới nhưng chúng ta tuyệt đối chớ có ảo tưởng rằng, hòa bình là một việc dễ dàng. Hòa bình phải do đấu tranh gian khổ mới giành được”[13]. Trên tinh thần ấy, Hồ Chí Minh và Bộ chính trị quyết đinh đẩy mạnh hơn nữa cuộc kháng chiến của nhân dân ta trong Đông Xuân 1953 – 1954. Mục tiêu được xác định: Khắc phục mọi khó khăn, sử dụng mọi biện pháp giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán, phá vỡ thế cơ động tập trung của chúng, điều động từng bộ phận chủ lực của chúng ra những hướng khác nhau rồi chọn những hướng thuận lợi cho ta mà tiêu diệt chúng.[14] Các chiến dịch diễn ra mạnh mẽ, đã làm phân tán lực lượng của địch.

Ngày 6/12/1953, Hồ Chí Minh và bộ chính trị quyết định mở cuộc chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ được Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”[15].

Từ đó, chúng ta thấy rằng Điện Biên Phủ đã trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và Pháp trên toàn chiến trường Đông Dương, trong khi đó, Hội nghị triệu tập Hội nghị quốc tế về hòa bình ở Đông Dương ngày càng đến gần.

Trước sức ép của dư luận trong nước và quốc tế, ngày 08/12/1953, tại Bermudes (một hòn đảo thuộc Anh từ năm 1612 tại quần dảo Antilles), Ngoại trưởng Pháp một lần nữa yêu cầu Anh, Mĩ ủng hộ Pháp tìm lối thoát ra khỏi chiến tranh Đông Dương. Anh thỏa thuận với Mỹ, Pháp sẽ cùng hành động sớm để giải quyết vấn đề Đông Dương, triệu tập Hội nghị Tứ cường Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp tại Berlin theo gợi ý của Liên Xô để bàn biện pháp làm dịu tình hình căng thẳng trên thế giới, bao gồm cả vấn đề Đông Dương. Mặc dù vậy, với việc triển khai kế hoạch mới, Chính phủ Pháp vẫn đang chờ đợi một thắng lợi quân sự trước khi đi đến thương lượng.

Cũng trong lúc này, ngày 19/12/1953, nhân ngày Toàn quốc kháng chiến, tiếp tục khẳng định lập trường giải quyết chiến tranh bằng con đường hòa bình. Người nói: “… Nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sẵn sàng nói chuyện”[16]. Lời tuyên bố này là một đòn tấn công chính trị, ngoại giao, cô lập địch, phân hóa hàng ngũ của chúng, đề cao thiện chí của ta làm tăng thêm khả năng giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam và Đông Dương.

Hội nghị Berlin khai mạc ngày 25/01/1954 với sự tham gia của các ngoại trưởng Liên Xô, Mĩ, Anh và Pháp. Tính tới thời điểm này, , Pháp khi đó muốn triệu tập hội nghị ở Genève bàn về Đông Dương, vì khi đó tiếng súng của quân dân ta chưa nổ lên trên đồi Him Lam ở Điện Biên Phủ, Navarre đang tự hào về tập đoàn 49 cứ điểm và tin tưởng ở viện trợ quân sự mà Mỹ sẽ rót vào Đông Dương, và Pháp có thể đàm phán trong thế mạnh.

Đến ngày 18/02/1954, Hội nghị kết thúc, ra thông báo, ghi nhận sẽ triệu tập Hội nghị Genève vào ngày 26/04/1954. Tại đó “vấn đề lập lại hoà bình ở Đông Dương cũng sẽ được xem xét tại hội nghị có sự tham dự của các đại biểu Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và các nước hữu quan”[17].

Ngày 20/02/1954, thủ tướng Ấn Độ Nerhu ra lời kêu gọi ngừng bắn ở Đông Dương để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thảo luận vấn đề Đông Dương trong hội nghị Genève sắp tới. Ngoại trưởng Indonesia Soenarjo ra tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi đó. Nhân dân Nhật Báo Bắc Kinh có xã luận hoanh nghên nghị quyết của Hội nghị Berlin. Ngay cả. Ngày 10/03/1954, Quốc hội Pháp hoanh nghênh việc triệu tập Hội nghị Genève tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh Đông Dương, đảm bảo an ninh cho các quốc gia liên kết trong khối Liên Hiệp Pháp.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa hoanh nghênh việc triệu tập Hội nghị Genève về Đông Dương. Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị xác định “Hội nghị Giơnevơ là một bước tiến tới làm cho tình hình thế giới và Viễn Đông bớt căng thẳng… Việc đấu tranh để khôi phục hòa bình ở Việt Nam là ý nguyện của nhân dân ta, nhưng chúng ta phải biết rằng chỉ có chiến thắng địch mới có thực hiện được hòa bình chân chính. Bởi vậy, chúng ta đừng có ảo tưởng hòa bình sẽ đến một cách dễ dàng”[18].

4. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, khẳng định quyền đại biểu chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Genève về Đông Dương

Ngày 13/03/1954, quân đội ta bắt đầu nổ súng tấn công Điện Biên Phủ. “Điện Biên Phủ từ những ngày đầu chiến sự đã làm các giới hữu trách trong chính phủ Paris ngạc nhiên. Trong mấy tuần, các giới chính trị và quân sự ở Pháp cũng như ở Mỹ và Anh, đều trải qua một con sốt đặc biệt”[19]. Ngày 20/03, thủ tướng Pháp củ Êli sang Mỹ xin viện trợ quân sự khẩn cấp để cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Ngày 3/4/1954, Quốc hội Mỹ đưa ra ba điều kiện về việc Mỹ can thiệp vào Đông Dương. Tưc là Mỹ không muốn “đơn thân độc mã” chiến đấu, Mĩ muốn “quốc tế hóa” chiến tranh, thành lập khối quân sự Đông Nam Á gồm 10 nước cùng hành động. Đến ngày 23/04 mặc dù Pháp đồng ý cho Mỹ thành lập nhưng Anh không đồng ý. Cuộc vận động cứu nguy cho Điện Biên Phủ của Pháp thất bại.

Từ giữa tháng 4, vòng vây của quân ta ở Điện Biên Phủ ngày càng khép chặt, quân Pháp ở đây có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Trước tình thế đó, các cườn quốc phương Tây nóng lòng muốn nhanh chóng mở hội nghị bàn về vấn đề Đông Dương. Chính trong lúc này, vấn đề bàn về “các nước hữu quan” trở nên sôi nổi.

Mặc dù đã có nghị quyết triệu tập Hội nghị quốc tế Genève về Đông Dương, song quyền đại biểu chính thức của Việt Nam Dân chủ cộng hòa không được các nước phương Tây chấp nhận. Ngày 22/04, Ngoại trưởng Anh, Pháp và Mỹ hợp tại Pari đưa thành phần các nước “hữu quan” song lại gạt bỏ quyền đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Pháp được Anh và Mĩ ủy quyền thương lượng với Liên Xô về thành phần những “nước hữu quan” tham dự Hội nghị Genève về Đông Dương. Ngày 27/04 tại Genève hai Bộ trưởng Ngoại giao Pháp và Liên Xô thảo luận vấn đề này. Song kể Pháp và Anh, Mĩ đều không khẳng định quyền đại diện của Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngược lại, Liên Xô cho rằng ngoài năm nước như trong Hội nghị Berlin và bốn nước hữu quan ở Đông Dương (Vương quốc Lào, vương quốc Campuchia, Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Cho đến cuối tháng 4, sự thất bại của tướng De Castrie không còn nghi ngờ gì nữa, những người lãnh đạo Pháp lại thúc giục Mỹ tiến hành yểm trợ bằng không quân đánh phá các căn cứ hậu cần và con đương tiếp tế của kháng chiến. Mỹ thấy rằng không còn hi vọng cứu vãn Điện Biên Phủ nữa nhưng vẫn đề nghi không quân Hoàng gia Anh phối hợp can thiệp vào Đông Dưng. “nhằm làm cho người Pháp thấy rằng họ vẫn còn các đồng minh hùng mạnh”. Anh đã kiên quyết từ chối với lời tuyên bố của thủ tướng Churchill trong phiên hợp khẩn cấp của nội các: “Cái mà họ yêu cầu chúng ta tiến hành là giúp họ ào việc lừa dối để Quốc hội (Mỹ) tán hành một hoạt động quân sự, bản thân nó không có tác dụng mà lại có thể đẩy lùi thế giới vào miệng hố chiến tranh to lớn”[20]. Và điều quan trọng, mà chính phủ không muốn để nước Anh dính vào một cuộc chiến tranh mà họ cảm thấy không thể chiến thắng.

Trong lúc các nước phương Tây chưa đồng ý về quyền đại diện chính thức của Việt Nam dân chủ Cộng hòa ở Hội nghị Genève thì ngày 1/5, quân và dân Việt Nam mở đợt tấn công cuối cùng vào Điện Biên Phủ. Nhận thấy quân đội Pháp sắp phải thừa nhận một sự thất bại không thể cứu vãn nổi ở Điện Biên Phủ, ngày 2/5 ba nước Anh, Mỹ và Pháp vội vàng thông báo cho Liên Xô biết Phương Tây đồng ý Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đại biểu chính thức dự Hội nghị Genève bàn về hòa bình ở Đông Dương.

Tuy nhiên, nước Pháp và các đồng minh đã quá muộn để có thể thực hiện mưu đồ đàm phán trên thế mạnh, ngày 7/5 trước một ngày Hội nghị Genève về Đông Dương được khai mạc, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Với sự thắng lợi này, trong thu khen ngợ bộ dội, dân công, thanh niên xung phong và Đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ ngày 8/5/1954, Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”[21]. Chiến thắng Điện Biên Phủ là “thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu” nhưng nó là “phát súng” cho khai mạc Hội nghị quốc tế về hòa bình ở Đông Dương, một chiến dịch khẳng định sự thắng lợi của cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung là Pháp.

Như vậy, Với lòng kiên trì vì hòa bình của dân tộc, thắng lợi của dân tộc, Hồ Chí Minh đã luôn kiên trì đấu tranh vì độc lập dân tộc, ngăn ngừa chiến tranh, giải quyết chiến tranh bằng con đường hòa bình. Đến năm 1953, xu thế hòa dịu mới xuất hiện ở các cường quốc, thì điều kiện ấy đã có lợi cho phương pháp Hồ Chí Minh hướng tới từ lâu. Mặc dù hội nghị Genève về Đông Dương đã được triệu tập song quyền đại biểu của nhân dân ta, của chính phủ ta không được công nhận. Song với thắng lợi to lớn đã mở đường cho cuộc đấu tranh ngoại giao, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã trở thành “đại biểu chính thức” từ sự thừa nhận của các cường quốc cũng như sức mạnh của chúng ta thấy được điều đó. “Đại biểu chính thức” là quyền xứng đáng của Việt Nam ta trên một hội nghị quốc tế về Đông Dương và Việt Nam ta. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”. Hồ Chí Minh với việc triệu tập Hội nghị Genève là một vấn đề có ý nghĩa vô cùng to lớn, là sự khởi đầu cho một cuộc đấu tranh ngoại giao trên bàn “hội nghị quốc tế”. Nó thể hiện sự thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thắng lợi của việc triệu tập Hội nghị, thắng lợi trên mặt trận quân sự, thắng lợi vì quyền “đại biểu chính thức” dẫn đến thắng lợi trên bàn Hội nghị, thắng lợi đó dẫn tới việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, tiến tới thống nhất, độc lập.


 

Chú thích:

[1] TS. NGND. Phan Ngọc Liên (2010), Chiến sĩ quốc tế Hồ Chí Minh – hoạt động thực tiễn và lý luận cách mạng (sách tham khảo), NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.277.

[2] Henri Navarre, Thời điểm của những sự thật, tr. 49-51 dẫn theo GS. NGND. Vũ Dương Ninh (2016), Cách mạng Việt Nam trên bàn cờ quốc tế – lịch sử và vấn đề, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.87.

[3] TS. Đặng Văn Thái (2004), Hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống thực dân Pháp, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 228.

[4] GS. NGND. Vũ Dương Ninh (2016), sđd, tr.83.

[5] TS. NGND. Phan Ngọc Liên (2010), sđd, tr.229.

[6] GS. NGND. Vũ Dương Ninh (2016), sđd, tr.89.

[7] Hoàng Nguyên (2015), Hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương, NXB. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.27.

[8] TS. Đặng Văn Thái (2004), sđd, tr. 230.

[9] Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.7, tr.112-113.

[10] Hồ Chí Minh (2009), sđd, t.7, tr.168.

[11] Hồ Chí Minh (2009), sđd, t.7, tr.169..

[12] TS. Đặng Văn Thái (2004), sđd, tr. 235.

[13] Hồ Chí Minh (2009), sđd, t.5, tr.427.

[14] TS. Đặng Văn Thái (2004), sđd, tr. 234.

[15] Hồ Chí Minh (2009), sđd, t.5, tr.429.

[16] Hồ Chí Minh (2009), sđd, t.7, tr.192.

[17] Ô.P. Gioay, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Giơnevơ 1954, Nxb Thông tin lý luận, H, 1981, tr.336 dẫn theo PGS, TS Lê Văn Thịnh (06/09/12015), Liên Xô với việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương – Hội nghị Giơnevơ 1954, http://khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn/lien-xo-vi-vic-gii-quyt-cuc-chin-tranh-ong-dng-hi-ngh-ginev-1954/

[18] Mấy nhận xét của Trung ương Đảng về Hội nghị Giơnevơ trước lúc bàn về vấn đề đình chiến ở Đông Dương, ngày 27/02/1954, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I dãn theo TS. Đặng Văn Thái (2004), sđd, tr. 238.

[19] F. Joyaux, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (Genève 1954, tr.122 dẫn theo GS. NGND. Vũ Dương Ninh (2016), sđd, tr.84.

[20] GS. NGND. Vũ Dương Ninh (2016), sđd, tr.88.

[21] Hồ Chí Minh (1995), sđd, t.7, tr.272.

1 thoughts on “Hồ Chí Minh với việc triệu tập Hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương

  1. Một bài viết thiếu yếu tố khách quan và thiên về HCM nên không giá trị . Có thể thấy điều đó qua cách gọi chính thế Quốc gia VN – được quốc tế công nhận, trừ các nước xhcn- của Quốc trưởng Bảo Đại là chính thể bù nhìn nên đã nói lên tất cả giá trị bài viết .

    Thích

Bình luận về bài viết này