Đi tìm hoá thân của Chúa

human-clipart-hominid-644391-3261078

Hà Văn Thùy

(Trao đổi với GS. Phạm Việt Hưng về bài Sự sống, một thiết kế vĩ đại)

Trang mạng Thôn Minh Triết đăng bài Sự sống, một thiết kế vĩ đại * của GS. Phạm Việt Hưng, đề cập những vấn đề lớn của khoa học và nhận thức. Một bài viết với nhiều tâm huyết và tri thức đáng để suy ngẫm. Xin được trao đổi với Ông đôi điều.

  1. Vật chất – ý thức và thứ tự-hỗn độn

Do lối tư duy phân tích (chủ biệt) nên ở phương Tây hình thành quan niệm nhị nguyên, chia thế giới làm hai mặt đối lập: sáng-tối, tốt-xấu, nội dung-hình thức, vật chất-ý thức… Từ đây sinh ra triết học duy lý. Trong khi đó, do thói quen tư duy tổng hợp (chủ toàn), phương Đông quan niệm thế giới là Một: vạn vật đồng nhất thể. Sáng-tối, tốt-xấu, vật chất-ý thức, âm-dương… chỉ là hai mặt của cùng một sự vật, bất khả phân chia, trong quan hệ song trùng lưỡng hợp (dual unit). Nguyên lý gốc của phương Đông là: Nhất âm nhất dương chi vị đạo! Câu này nghĩa rộng nhưng có thể hiểu nôm na: từ cuộc đời đến tự nhiên vũ trụ là sự tổng hòa của âm và dương.

Trước khi tiếp xúc với phương Tây, phương Đông không hề phân định rạch ròi giữa vật chất với tinh thần. Trong quan niệm vẫn bị đánh giá là thô sơ, phương Đông coi mọi vật từ con người tới cây cỏ thậm chí hòn đá đều có linh hồn. Không chỉ vật chất mà lời nói, tinh thần cũng có sức mạnh. Sau 2500 năm phương Đông chiêm nghiệm “đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh” thì các nhà vật lý lượng tử mới giác ngộ: khi nhận ra sóng thì nó đã là hạt; khi nhận biết là hạt thì nó đã là sóng rồi! Khi vật chất phát triển tới mức cao nhất là bộ não thì sinh ra tinh thần, trí tuệ. Khi tinh thần phát triển tới mức cao (ở những người có khả năng đặc biệt hay nhà tu, thầy pháp) thì tạo ra sức mạnh tác động tới vật chất. Do vậy, từ xa xưa phương Đông coi vật chất và tinh thần là một. Tinh thần, thông tin cũng làm nên sức mạnh như vật chất. Bây giờ thì khoa học nhận ra: chẳng có vật chất, chẳng có tinh thần. Tất cả chỉ là năng lượng!

Phương Đông từ xưa nhận ra vũ trụ tưởng như hỗn độn mà lại có trật tự: thiên hạ đồng quy nhi thù đồ – Vạn vật quy vào một mối, được sắp xếp lớp lang như cái màng nhện. Sau này, khi tiếp xúc với thuyết nguyên tử, ta hiểu rằng vũ trụ có trật tự từ trong bản thể của nó là nguyên tử. Không có tổ chức nào chặt chẽ hơn nguyên tử với hạt nhân vững chắc cùng những điện tử quay chung quanh. Thay đổi dù chỉ một điện tử, tính chất của nguyên tử đã khác. Trật tự của thiên nhiên còn thể hiện trong thứ tự nghiêm nhặt của các nguyên tố trong Bảng Tuần hoàn Menđeleev. Như vậy, theo quan niệm phương Đông, trật tự không chỉ thuộc giới sinh vật mà chung cho cả vũ trụ!

  1. Nguồn gốc sự sống

Trong rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc sự sống, tôi nghiêng về ý tưởng cho rằng, hàng tỷ năm trước, trong điều kiện nhất định của môi trường, sáu nguyên tố C,H,O,N,S,P hóa hợp với nhau tạo ra giọt coaseva. Hàng tỷ giọt được tạo ra ngẫu nhiên và rồi cũngàng tỷ giotH

 tan ra một cách ngẫu nhiên trong vũ trụ vô

cùng. Nhưng rồi, cũng ngẫu nhiên có những giọt keo “biết” hút dưỡng chất từ bên ngoài để lớn lên. Và điều kỳ diệu xảy ra: sự sống xuất hiện! Đặc điểm quan yếu nhất của sự sống là trao đổi chất. Giọt keo lớn dần, tới lúc nào đó khi kích thước quá lớn, nó tự tách đôi: một đứa con ra đời- đánh dấu sự sinh sản đầu tiên trong vũ trụ! Đặc điểm thứ hai của sự sống xuất hiện. Và cứ thế, vũ trụ có thêm những giọt keo biết trao đổi chất, biết sinh sản! Sẽ có rất rất nhiều hạt keo như thế bị tan ra, bị biến mất do tác động của nhiệt độ, của gió, mưa, của độ chua, độ mặn…  Nhưng cũng có những giọt sống sót. Trong điều kiện đó, nó sinh sản nhiều lên. Và rồi, những giọt “khôn ngoan” nhất trong số đó học được lối thích nghi với môi trường, bằng cách dồn chất keo bên trong nó chảy về một phía và “con vật” tự đưa mình tới nơi thích hợp hơn. Tính chất thứ ba của sự sống xuất hiện: biết di chuyển để thích ứng với môi trường. Môi trường là khái niệm rộng. Không chỉ là khoảng không gian bao quanh nó mà còn là cả vũ trụ. Đó là Mặt trời chiếu sáng, là Mặt trăng làm nên thủy triều. Là năm hành tinh Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vần vụ trên bầu trời tác động tới nó qua lực hấp đẫn. Do Trái đất quay theo trục nghiêng và quay về bên trái nên từ trường Trái đất tác động lên nó… Thích ứng với tập hợp những thông tin ấy, giọt keo nhỏ nhoi gắn sinh mệnh của mình với vũ trụ. Theo thời gian hàng tỷ năm, nhờ hấp thụ dưỡng chất từ môi trường, nhờ năng lượng từ vũ trụ, những chất hữu cơ bên trong con amip trở nên phức tạp hơn. Tới lúc nào đó một “cơ quan” chuyên biệt có chức năng chỉ đạo hoạt động của nó ra đời. Cái cơ quan ấy được truyền qua những thế hệ sau. Mặc nhiên, “mã di truyền” đơn giản nhất hình thành và rồi, theo năm tháng cũng phức tạp, tinh vi dần lên tới lúc ta có mẩu DNA đầu tiên… Vật chất sống được tạo ra như vậy chứ không phải là “sự kết hợp ngẫu nhiên của các phân tử vô cơ” như Giáo sư Phạm Việt Hưng diễu cợt.

Tại sao sự sống bất đối xứng? Lẽ giản đơn, là đứa con do vũ trụ bất đối xứng sinh ra nên nó không thể khác. Hay nói cụ thể hơn: do sự xoay của Trái đất tác động. Vòng xoay trái đất cuốn chất lỏng trong tế bào chảy theo dòng xoắn khiến cho cặp đôi DNA mỏng manh, mềm mại bơi trong dòng dịch tế bào cũng xoắn theo! Từ xa xưa, người phương Đông nhận ra vũ trụ bất đối xứng. Kinh Dịch nói: tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số – cái số gốc của vũ trụ là ba phần dương và hai phần âm! Năm 1957, chàng trai trẻ người Hoa Dương Chấn Ninh “ẵm”giải Nobel vật lý nhờ đưa ra dự báo: phân rã hạt nhân nguyên tử, cho ra ba phần vật chất dương và hai phần vật chất âm là do nắm được nguyên lý này của Dịch.

Tôi không thể hình dung nổi chuyện có một nhà thiết kế vĩ đại tạo ra mọi điều trong vũ trụ mênh mông hàng tỷ năm. Sự việc có lẽ đơn giản hơn nhiều: sự sống ngay từ khi xuất hiện đã buộc phải vận hành trong quy luật thép: thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong – theo trời thì sống, chống trời thì chết! Sau rất nhiều cái chết, cơ thể sống “học khôn” để vận động theo quy luật của vũ trụ. Tạo hóa dường như rất công bằng: ban hành “pháp luật” hợp lý và nghiêm khắc rồi để cho vạn vật vận động, tự sáng tạo mình. Chính là quá trình chọn lọc tự nhiên cùng sự thích nghi lâu dài của sinh vật đã làm nên sự sống đa dạng.

  1. Những lần đau đẻ của Chúa

Darwin không phải người đầu tiên đề xuất sự tiến hóa của sinh vật. Ý tưởng này ra đời trước cả  Socrates. Khoảng năm 610 TCN triết gia Hy Lạp Anaximander đã khẳng định con người tiến hóa từ loài cá trên biển và đưa bằng chứng qua những di vật xương hóa thạch và cách cá mập nuôi con.

Đã quá nhiều giấy mực ca ngợi Darwin nhưng càng nhiều hơn giấy mực rủa xả ông. Ở đây xin bàn đôi chút. Trước hết, xin GS Như và GS Hưng xem lại. Phân loại học sử dụng các thuật ngữ Ngành, Lớp, Bộ, Họ, Giống, Loài và cuối cùng là Thứ hay Chủng. Hai vị đã lẫn Giống với Loài nên dễ gây hiểu lầm.

Tiến hóa của loài người là câu chuyện nan giải, suốt thế kỷ XX khoa học bất lực trong lầm lẫn. Nhưng sang thế kỷ này, nhờ di truyền học và nhiều thành tựu khảo cổ học, sự việc đã trở nên rõ ràng hơn. Trong bảng phả hệ, người thuộc Họ Người Hominidae, Giống Người Homo. Giống người có nhiều loài khác nhau, đã bị tuyệt diệt, nay chỉ còn duy nhất loài chúng ta Homo sapiens tồn tại. Từ hóa thạch, khoa học biết tới Australopithecus, Homo heidelbergensis, Homo habilis, Homo erectus, Homo denisovan, Homo Neanderthal … Tuy nhiên, do mẫu vật quá ít và chưa có điều kiện giải trình tự DNA nên hiểu biết về họ còn hạn chế. Năm 1998, lần đầu tiên, di truyền học phát hiện, loài chúng ta được sinh ra ở Đông Phi khoảng 180.000 tới 200.000 năm trước. Sau nhiều năm, nhờ khảo cổ học, con số được tính chính xác là 195.000 năm. Nhưng rồi ngày 6 tháng 7 năm 2017, tạp chí National Geogrephic công bố bài viết của Michael Greshko : “Những con người sống 300.000 năm trước nhưng có khuôn mặt của người hiện đại.” Bài báo cho biết: mới tìm thấy hóa thạch hominins khoảng 300.000-350.000 năm tuổi tại Jebel Irhoud Marốc. Đó là đại diện cho giai đoạn tiến hóa sớm nhất của Homo sapiens. Các phát hiện được công bố đã lấp đầy khoảng cách rất quan trọng trong số liệu hóa thạch của con người. Các cư dân của di chỉ Ma-rốc không phải là Homo sapiens ngày nay. Hộp sọ của họ ít tròn và dài hơn của chúng ta, có lẽ là dấu hiệu của sự khác biệt giữa bộ não của chúng ta và họ. Tuy nhiên, răng của họ gần giống với răng của con người hiện đại và khuôn mặt của họ trông giống như chúng ta. Đây là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng sự tiến hóa của con người hiện đại có vẻ cổ xưa hơn và phân tán rộng hơn ở Châu Phi so với các khám phá trước đó.” (2)

Khám phá Ma-rốc đã đẩy thời gian xuất hiện của con người lên hơn 100.000 năm. Điều này cho thấy, đột biến tạo ra loài chúng ta xảy ra sớm hơn. Một câu hỏi nảy sinh: phải chăng, người Ma- rốc là đai diện sớm nhất của Homo sapiens? Có nghĩa là loài chúng ta xuất hiện 300.000 năm trước, ở Tây Phi? Rất may, chúng ta sớm có câu trả lời. Bài báo “Quá trình khô hạn ở Đông Phi trong nửa triệu năm qua và tác động đối với sự tiến hóa của con người.” đăng trên Kỷ yếu Viện Hàm lâm quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) hôm 8.10. 2018 trình bày kết quả khảo cổ Hồ nước mặn Magadi, nằm ở cực nam của Thung lũng Tách giãn Lớn trong lưu vực đá núi lửa đứt gãy Kenia, có diện tích khoảng 100 km². Xin trích những dòng sau:

“… Các điều kiện khô hạn trong lưu vực Magadi trùng với sự kiện Mid-Brunhes và trùng với sự tuyệt chủng của động vật có vú ở Rift Nam Kenya giữa 500.000 và 400.000 năm trước. Giai đoạn khô hạn 525.000 đến 400.000 năm được phát triển ở Rift Nam Kenya giữa thời kỳ các công cụ Acheulean cuối cùng được báo cáo (khoảng 500.000 năm) và trước sự xuất hiện của các hiện vật Trung kỳ Thời đồ đá (khoảng 320.000 năm). Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng việc tăng cường khô hạn và biến đổi môi trường giữa Trung và Hậu Pleistocene có thể là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển về thể chất và văn hóa của người Homo sapiens ở Đông Phi.” “… Nghiên cứu này chứng minh các bằng chứng lục địa, cốt lõi cho sự gia tăng liên tục về độ khô hạn kể từ khoảng 575.000 năm trong lưu vực Magadi, với sự thay đổi đáng kể từ sự kiện Mid-Brunhes (430.000 năm). Sự khô hạn mạnh mẽ trong lưu vực Magadi tương ứng với sự tuyệt chủng của động vật và những thay đổi trong các bộ công cụ trong bể Olorgesailie gần đó. Dữ liệu của chúng tôi phù hợp với biến đổi khí hậu như một động lực quan trọng trong quá trình tiến hóa hominin, nhưng cũng gợi ý rằng việc tăng cường khô hạn có thể có ảnh hưởng đáng kể đến nguồn gốc của Homo sapiens hiện đại và sự khởi đầu của Trung kỳ Thời Đồ đá.” (3)

Bài báo cho thấy, những giai đoạn hạn hán khủng khiếp kéo dài hàng trăm ngàn năm ở “cái nôi của loài người” – thung lũng Great Rift Valley ở Đông Phi – gây nên sự tuyệt chủng hàng loạt của nhiều động vật có vú nhưng lại thúc đẩy sự tiến hóa của các hominin  Nhờ có sự tiến hóa đó, vào khoảng 315.000-320.000 năm trước, một loài mới được sản sinh ra là Homo sapiens (người tinh khôn hay người hiện đại).

Khám phá Hồ Magadi chỉ ra, trong điều kiên khô hạn liên tục, một dạng hominin đã thích ứng và chuyển hóa thành Homo sapiens. Có cơ sở để tin rằng, người Khôn ngoan ra đời sớm nhất tại đây rồi di cư tới Ma-rốc khoảng 300.000 năm trước.

Giả sử có người thiết kế vĩ đại thì lúc này cơ sự sẽ ra sao? Phải chăng ông (bà) ta, một tay gieo tai họa môi trường, hủy diệt hàng loạt sinh linh còn tay kia rút từ nách ra con vật đi bằng hai chân được thiết kế đặc biệt để sau này gọi là Homo sapiens?

Nhưng sọ Ma-rốc là cái sọ hiếm hoi tìm được: người Ma-rốc đã tuyệt diệt! Chỉ tới 195.000 năm cách nay, tại Ethiopia mới xuất hiện một dạng Homo sapiens khác, nhanh chóng lan tỏa ra toàn thế giới, trở thành đại diện duy nhất của loài người, không có liên quan trực tiếp về di truyền với cả người Magadi cũng như người Ma-rốc. Vì không để lại gen trong DNA loài người hôm nay nên cố nhiên, người Magadi và người Ma-rốc đã tuyệt diệt trước khi loài chúng ta ra đời. Câu hỏi đặt ra: nguyên nhân nào làm cho hai dạng người này biến mất? Để giải thích, các học giả cho rằng, dù có đầu tròn giống chúng ta, nhưng do hộp sọ dài chứng tỏ não chưa phát triển nên không thich ứng được với thay đổi của môi trường. Đáp án này không phải hoàn toàn vô lý khi ta nhìn vào nguyên nhân làm cho người Magadi ra đời.

Từ trình bày trên có thể đưa ra nhận định: khoảng 320.000 năm trước, do khu vực Hồ Magadi khô hạn kéo dài khiến cho người Homo sapiens magadian xuất hiện rồi di cư tới Ma-rốc. Nhưng sau đó, do không thích ứng với thay đổi tiếp theo của môi trường, dòng người này đã tuyệt diệt. 195.000 năm cách nay, một dạng Homo sapiens mới, được ra đời trên đất Ethiopia và trở thành tổ tiên của loài người hiện nay.

Tới đây nảy sinh vấn đề thú vị cần suy ngẫm: trong thời gian hơn trăm nghìn năm từ 320.000 BP đến 195.000 BP xảy ra hai sự kiện là người Ma-rốc và người Ethiopia ra đời, cùng ở Đông Phi và cùng thuộc loài Homo sapiens. Người Ma-rốc bị tuyệt diệt trong khi người Ethiopia chiếm lĩnh Trái đất. Giải thích điều này như thế nào? Sẽ có cách giải thích là, do con người sinh ra ở Ma-rốc có bộ óc chưa hoàn chỉnh. Còn sau đó, nhờ bộ óc hoàn chỉnh, người Ethiopia sống sót! Như vậy, phải gọi “cái sự hơn”này là gì? Gọi là “tiến hóa” được chăng? Nếu được phép dùng chữ “tiến hóa”thì sự tiến hóa này gọi là gì? Phải chăng là “sự tiến hóa trong loài, từ bậc thấp lên bậc cao hơn?” Chưa có câu trả lời thỏa đáng! Một vấn đề chưa thể lý giải khác: hai dạng người sinh ra vào thời gian khác nhau nhưng sao lại cùng một loài Homo sapiens? Rõ ràng là vấn đề về sự tiến hóa của con người vẫn còn không ít chuyện cần làm rõ. Tuy nhiên vì vậy mà phủ định sự tiến hóa của loài người thì quá dũng cảm!

Giáo sư Phạm Việt Hưng tuyên bố: “Nhưng sau hơn 150 năm kể từ khi Darwin công bố cuốn “Về Nguồn gốc các loài” (On the Origin of Species, 1859), hóa thạch vẫn luôn luôn nói KHÔNG đối với Thuyết tiến hóa.” Sự thực không phải như vậy. Xin trích dẫn bài báo Sự thật không ngờ về thời ‘ăn lông ở lỗ‘ trên trang Khoahoc.tv có đoạn: Loài trung gian giữa vượn và người đã được tìm thấy từ lâu. Trong quá trình tiến hóa của con người vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Vì tiến hóa là một quá trình dài, trải qua nhiều giai đoạn trung gian nên việc phát triển từ vượn lên người chậm chạp và qua nhiều hình thái khác nhau. Trong đó nhiều người cho rằng, mắt xích từ vượn lên người vẫn còn thiếu và hoàn toàn bí ẩn với nhân loại. Chính vì vậy nhiều giả thuyết không phù hợp đã ra đời, họ cho rằng, các sinh vật bí ẩn mang dáng người như  Bigfoot, hay Người Tuyết Yeti chính là trung gian giữa vượn và người hiện đại. Nhưng thực ra mắt xích trung gian đã được tìm thấy từ lâu – Australopithecus và người Homo habilis. Hai mắt xích này đã được tìm thấy vào năm 2010. Hóa thạch tìm thấy đã chỉ ra các đặc điểm tương tự như vượn: thấp, tay rất dài, chân ngắn, không có đuôi nhưng lông đã ít dần, hộp sọ to hơn, sinh sống hoàn toàn trên mặt đất. Những bằng chứng trung gian giữa vượn và người càng ngày càng được phát hiện liên tục và là một điều không quá đỗi bí ẩn.” (4)

1.png

“Các loài Australopithecus đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của loài người. Giống Homo có nguồn gốc từ Australopithecus tại một thời điểm sau ba triệu năm trước. Thêm vào đó, họ là những con người đầu tiên sở hữu một số gen nhất định, được gọi là SRGAP2 trùng lặp, làm tăng chiều dài và khả năng của các tế bào thần kinh trong não. Một trong những loài đã phát triển thành giống Homo ở châu Phi khoảng hai triệu năm trước (ví dụ Homo habilis), và cuối cùng là loài người hiện đại, H. sapiens sapiens.” [5]

 Còn loài người đang sống hiện nay thì sao? Có tiến hóa nữa không? Chỉ có thời gian mới trả lời được! Từ kinh nghiệm Hồ Magadi, chuyện có thể xảy ra là, vào thời diểm nào đó trong tương lai, một tai biến môi trường do thiên nhiên hay do chính con người gây ra, khiến cho nhân loại diệt vong. Chỉ một nhóm người nào đó sống ở nơi thuận lợi hơn may mắn thoát nạn để rồi đột biến gen, trải qua hàng trăm ngàn năm thành loài người khác!

Sự sống – một thiết kế vĩ đại. Nhưng người thiết kế là ai? Nếu mọi con đường cùng đến La Mã thì mọi sự thiết kế cuối cùng cũng dẫn tới Chúa trời. Kinh thánh nói, Chúa sáng tạo con người. Nhưng câu hỏi nảy sinh: con người ấy là ai? Chỉ là loài người Khôn ngoan Homo sapiens chúng ta thôi sao? Nếu vậy thì Chúa chẳng có lòng lành!  Người Đứng thẳng được sinh ra ngoài ý Chúa?! Nếu thực có lòng lành thì Ngài đã lấy đất sét sông Nile tạo ra con người theo mẫu hình của mình. Đó là người Đứng thẳng Homo erectus hai triệu năm trước. Con người hoàn toàn giống Chúa, kể cả khuôn mặt thô và bộ óc khiếm khuyết! Nhưng rồi khi thiên nhiên khắc nghiệt tiêu diệt con cái của Chúa thì Ngài cay đắng nhận ra thất bại.

2.png

Phải hàng trăm nghìn năm sau, vừa rút kinh nghiệm, vừa tự hoàn thiện bản thân để có não tiến bộ hơn, khuôn mặt “dễ coi” hơn, Chúa sinh ra người Marốc. Nhưng rồi người Marốc cũng bị diệt vong, Chúa nhận ra thêm một lần thất bại. Và phải hàng trăm nghìn năm sau, vừa “phấn đấu hoàn thiện bản thân” vừa học khôn từ thiên nhiên nên bộ não của Ngài trở nên hoàn chỉnh. Đến một ngày đẹp trời 195.000 năm trước, tại phúc địa xứ Ethiopia, Chúa sinh hạ loài chúng ta Homo sapiens, một sản phẩm đúng theo mẫu hình của Ngài khi đó! Như vậy là chúng ta càng phải cảm ơn Chúa vì Ngài sinh ra chúng ta không hề dễ dàng mà phải qua nhiều lần đau đẻ. Trong thời kỳ thai nghén dài vô tận, chúa phải kỳ công học khôn ở thiên nhiên để tự hoàn thiện mình… từ chân tay đến đầu óc! Chúa thật lòng lành nhưng liệu có toàn năng?

Kinh Thánh viết, Chúa sinh ra con người theo hình hài của mình. Nhưng thiển nghĩ, có lẽ không phải vậy. Chính CON NGƯỜI khi cần nơi nương tựa cho tâm hồn yếu đuối của mình đã tưởng tượng ra Chúa theo hình hài của mình rồi phóng chiếu lên tầm vũ trụ. Chúa an ủi con người nhưng rồi tới lúc nào đó trở thành công cụ nô dịch con người!

 

                                                                                                           Sài Gòn, cuối Thu 2018


                                                                                   

*https://www.thonminhtriet.com/2018/10/su-song-mot-thiet-ke-vi-ai_16.html

4 thoughts on “Đi tìm hoá thân của Chúa

  1. Chỉ là do các thượng phụ tưởng tượng ra đức chúa trời thôi chứ làm gì có thực. Nếu có thực thì Ngài phải thấy Trái đất và các hành tinh cùng Mặt trời quay xung quanh tâm (ngay tại mặt trời) chứ, làm sao lại có chuyện thui chết Giordano Bruno và rút phép thông công Galileo Galilei chứ!?

    Thích

    • Nhưng tại sao lại “phải tiến hoá” lên con người làm gì ? Con vượn chả thích nghi với môi trường hoang dã hơn con người sao ? Nói như triết gia Henri Bergson thì nếu thuyết tiến hoá mà đúng thì thế giới chỉ “ toàn cỏ dại” thôi. Vì quả thật cỏ dại là thích nghi hơn cả các loài. Và thực chất chỉ có vi khuẩn là thích nghi nhất. Nghĩa là thế giới này chỉ toàn vì khuẩn khỏi cần tiến hoá chi cho mệt ! Rõ ràng nếu theo lý luận của các nhà tiến hoá thì rút cục cũng không cần sự sống ra đời làm gì ! Bởi vì thế giới chỉ toàn đất đá vô tri là ổn nhất !
      Nhưng sự sống đã xuất hiện ! Vì khuẩn đã xuất hiện ! Và từ 3 tỷ năm nay nó vẫn tồn tại không hề biến đổi sang loài nào trong khi hàng triệu loài cũng xuất
      hiện và dĩ nhiên cả loài người cùng tồn tại ! Trong số đó loài người tuy có bộ não phát triển nhất lại là loài kém thích nghi nhất so với tất cả các loài vật. Chỉ riêng điều đó đã chứng tỏ loài người không hề tiến hoá gì so với các loài vật. Vậy loài người ở đâu ra ?

      Thích

      • Tôi có thắc mắc là nếu bạn nói con người là loài có bộ não phát triển nhất và là loài kém thích nghi nhất vậy tại sao con người có thể tự tạo ra lửa, tạo ra nơi trú ẩn, công cụ… để thích nghi với mọi loại điều kiện thời tiết, thậm chí là ra ngoài môi trường không gian.
        Và nếu bạn nói chúa tạo ra con người thì tại sao ông ta lại làm điều đó ?
        Mục đích tạo ra con người là gì ?

        Thích

  2. Pingback: Lời sau cùng thưa với Gs Phạm Việt Hưng | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s