Thách Thức với Người Phụ Nữ Đài Loan trong Thời Kỳ Nhật Bản Đô Hộ (1895-1945)

lin-oshige-families_med_hr

Một gia đình Đài Loan thời Nhật chiếm đóng. Ảnh

Anh Khoa

Ngày nay, Đài Loan có thể được mô tả như là một quốc gia dân chủ tự do khi nữ giới và nam giới gần như có vị trí bình đẳng trong xã hội. Tuy nhiên, vào thế kỷ XIX, gia đình truyền thống Trung Quốc truyền thống và thuyết Nho giáo đã tạo nênmột xã hội Đài Loan phân tầng. Trong thời kỳ này, người phụ nữ có vai trò chính là sinh con nối dõi để có một người nam hợp pháp thừa kế. Tư duy Khổng giáongày nay vẫn đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục Đài Loan, nhưng địa vị của người phụ nữ đã thay đổi đáng kể từ khi Nhật đô hộ quốc đảo (1895-1945). Nhật Bản không có ý định trực tiếp cải cách gia đình và xã hội Đài Loan, nhưng đảo quốc vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng theo truyền thống văn hóa Nhật Bản- bởi thuyết Tân Nho giáo dưới thời Tokugawa. Chính phủ thực dân chủ yếu quan tâm đến việc cải thiện hệ thống hành chính, tăng hiệu quả hiệu suấtnông nghiệp, tối đa hoá sản xuất để củng cố sức mạnh Đế quốc Thiên hoàng, và tạo tiền đề cho cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa. Tuy nhiên, một số chính sách phát triển kinh tế trong thời kỳ thuộc địa đã dẫn đến những thay đổi quan trọng trongxã hội xứ Đài.

Dân Số Đài Loan

Dân số Đài Loan có thể chia thành bốn nhóm: tương ứng với thời điểm họ di cư đến đảo quốc. Nhóm đầu tiên bao gồm những người định cư sớm nhất: các thổ dân của vùng Austronesian, có các đặc điểm văn hoá tương tự của người Mã Lai và người Polynesia.

Khoảng năm 1683, có hơn một trăm nghìn người Trung Quốc đã từng sống tại Đài Loan (Lamley 1981: 292). Lúc đó, tại đại lục đang là thời kỳ hỗn loạn của quá trình chuyển đổi triều đại từ Minh sang Thanh, làn sóng di cư đầu tiên của người Hoa từ đại lục, nay đã định cư vĩnh viễn trên đảo. Dân số Đài Loan đã tăng nhanh chóng, đạt gần hai triệu vào năm 1811, chủ yếu là người Hán đến từ các tỉnh Đông Nam Trung Quốc (Phúc Kiến, Quảng Đông và Giang Tây). Những người Hán này có thể được chia thành các nhóm nhỏ được xác định bởi các phong tục tập quán khác nhau.Hai nhóm chính định cư ở Đài Loan là người Khách Gia và Phúc Kiến. Arthur P. Wolf và Chieh-shan Huang đã làm rất nhiều nghiên cứu thực địa về phong tục địa phương của người Phúc Kiến tại làng Hai-shan, miền bắc Đài Loan. Họ ghi nhận sự thay đổi đáng kể về địa vị của người phụ nữ trong gia đình. Hầu hết các công trình khoa học khác cũng mô tả sự thay đổi trong thời kỳ thuộc địa và bài viết có thể khẳng định rằng phụ nữ trong cả hai nhóm có những thay đổi tương tự.

Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, nhiều người Nhật cũng định cư tại Đài Loan, nhưng đa số đã rời khỏi đảo quốc khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc (Fricke et al 1994: 23). Làn sóng di cư thứ hai của người Hán đến từ đại lục xảy ra vào cuối cuộc nội chiến Trung Quốc khi Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảngquyết định thành lập chính phủ mới tại Đài Loan vào những năm 1950.

Chính sách của Nhật Bản đối với thổ dân Đài Loan thông quasự áp bức và đồng hóa. Hơn nữa, vào thời điểm người Nhật đến đảo quốc, dân số bản địa bắt đầu suy giảm và nền văn hoá đặc trưng dường như hợp nhất với văn hoá Trung Hoa do ảnh hưởng lớn từ những người nhập cư từ đại lục.

Tổ Chức Gia Đình Truyền Thống

Theo truyền thống Trung Hoa, gia đình luôn cóý nghĩa quan trọng hơn các yếu tố cá nhân. Người Khách Gia và Phúc Kiến tin rằng xã hội Đài Loan phải được xây dựng từ các tế bào gia đình và phải tuântheo những truyền thống được họ đem từ đại lục sang.

Điểm đặc trưng nhất của xã hội truyền thống Trung Quốc là chế độ phụ quyền, theo đó người đứng đầu gia đình luôn phải là nam giới lớn tuổi nhất. Như vậy, tài sản và quyền lợi chỉ có thể thuộc về người nam trong gia đình. Cũng như để tang cho cha mẹ, tiếp cận giáo dục và việc làm và nhiều hoạt động khác chỉ được phân chia và kiểm soát bởi đàn ông.

Trước khi tiến hành công nghiệp hóa tại Đài Loan, kinh tế gia đình cần nhiều nguồn lao động, do đó mọi thành viên phải cùng tham gia. Người chủ gia đình (thường là người nam lớn tuổi nhất) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng khi phân chia công việc (Fricke et al 32).

Một đặc tính thiết yếu khác của gia đình Trung Hoa là tài sản chung được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và chỉ có người nam được quyền thừa kế (Fricke et al 26). Từ đó, thân phận và vai trò của người phụ nữ trong gia đình trở nên thấp kém và nhỏ bé so với các thành viên nam.

Sự khác biệt nhất giữa đàn ôngvà phụ nữ trong gia đình thường nằm ở ký ức và kiên nhẫn. Thành viên nam sẽ sống ổn định và không có thay đổi trong suốt cuộc đời, và khi qua đời thì sẽ được con cháu thờ cúng trang trọng (Fricke et al 29). Trong khi đó, nữ giới chỉ là những thành viên tạm bợ trong chính gia đình thân sinh. Do đó, họthường bị xem là vô dụng và buộc phải rời bỏ gia đình ở độ tuổi rất nhỏ hoặc khi kết hôn (Wolf 1972: 32). Khi con dâu về nhà chồng thì họsẽ trở thành một kẻ ngoài cuộc và luôn luôn bị nghi kị, dèm pha (Wolf 35).Vai trò của con dâu chỉ trở nên quan trọng khi có thể sinh con trai để tiếp tục hương hỏa cho gia đình chồng. Phương tiện duy nhất mà một người phụ nữ khi đã kết hôn có thể thực sự thuộc vềgia đình chồng là thông qua một thuật ngữ mà Margery Wolf gọi là “gia đình tử cung (uterine family).”

Wolf giải thích khái niệm này rằng khi phụ nữ lập gia đình thì họ buộc phải rời khỏi gia đình thân sinh và phải trải qua một khoảng thời gian không có bất kỳ mối liên kết nào với gia đình chồng, cho đến khi họ có thể sinh con trai để duy trì nòi giống (Wolf và Huang 33). Hơn nữa, gia đình tử cung đảm bảo sự ổn định, đem lại cho con dâu những mối quan hệ gắn bó và phát triển mạnh mẽ theo thời gian và giữ cho họ một chỗ đứng trong phần mộ tổ tiên khi qua đời (Seaman 1981: 394). Như một biểu tượng của lòng biết ơn lẫn thương hại dành cho số phận của người mẹ, con trai phải thể hiện niềm đau xót tại ngày tang lễ khi “đập vỡ bát máu,” còn được gọi là “lễ tang máu”.Thường được hiểu thông qua việc uống rượu máu để đền bù cho sự đau đớn mà đứa con trai đã gây ra cho mẹ khi ra đời, nói lênlời hiếu thảo hiếu thảo dành cho thân mẫu (Seaman 395).

Tuy nhiên, việc có con trai không còn là điều bắt buộc đối với một người phụ nữ để chính thức trở thành một phần của gia đình chồng. Sau khi kết hôn, cha chồngphải cam kết là luôn lo lắng và chăm sóc con dâu cho đến hết đời (Wolf và Huang 1980: 77). Cũng như trên bàn thờ gia tiên, tên của người vợ sẽ được viết vào gia phả và được con cái thờ tự sau khi qua đời. Những nghĩa vụ này tiếp tục tồn tại ngay cả khi người chồng chết trước vợ hoặc khi vợ qua đời mà không có con cái.

Điều này dường như làm giảm nhẹ tầm quan trọng của người vợ trong gia đình tử cung; tuy nhiên, mối liên kết mà người phụ nữ phát triển cùng với con cái khác biệt đáng kể so với các thành viên của gia đình chồng. Mối quan hệ với bố mẹ chồng thường được khắc họa bởi những nghi kị và đôi khi là cảm giác ghen tuông bởi nỗi lo sợ mất đi mối ràng buộc mạnh mẽ với con trai (Wolf và Huang 85).

Khuôn mẫu của hôn nhân truyền thống phản ánh theo hệ thống phân tầng và quyền hành của các thành viên lớn tuổi là sự tuyệt đối với các thành viên nhỏ tuổi hơn. Cha mẹ thường sắp đặt hôn nhân cho con cái, dựa trên lợi ích tốt nhất cho gia đình (Wolf và Huang 72). Wolf và Huang mô tả các hình thức hôn nhân khác nhau bao gồm “hôn nhân chính và phụ (major and minor marriages)”, cho phép đánh giá mức độ thay đổi của xã hội.

Hình thức hôn nhân phổ biến nhất là “hôn nhân chính”.Trong hình thức này, cha mẹ hai bên đã tiến hành thương lượng về giá phải trả để mua cô dâu trước khi vợ chồng tương lai có thể gặp mặt.Lý tưởng nhất là cô dâu và chú rể không được phép gặp mặt trước ngày cưới-một nghi lễ cho phép người phụ nữ thoát khỏi quyền lực của cha đẻ, và giới thiệu người phụ nữ một cách chính thức với gia đình chồng (Wolf và Huang 73). Khi cô dâu vào gia đình chồng, họ sẽ được xem như là “người ngoài cuộc” và luôn phải đối mặt với những nghi kị và ghen tuông; đôi khi phải trải qua các thử nghiệm khó khăn để chứng minh kỹ năng nội trợ của bản thân. Từ khi kết hôn, người vợ sẽ đến thăm gia đình thân sinh nhưng với vị trí là khách chứ không còn là con gái đến thăm cha mẹ (Wolf và Huang 74). Điều này chứng minh rằng cô dâu từ nay về sau không còn được nhậngiúp đỡ hay bảo vệ từ mẹ cha. Đối với gia đình mới, vai trò của người vợ chủ yếu là tiếp tục sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống.Hơn nữa, gia đình chồng có quyền đòi hỏi cô dâu bất kỳ khoản tiền nào mà cô dâukiếm được (Wolf và Huang 74).

Liên quan đến những thay đổi trong xã hội Đài Loan dưới sự chiếm đóng của Nhật Bản là sự hiểu biết về “hôn nhân phụ”. Trong hình thức hôn nhân này, một bé gái chưa đầy một tuổi sẽ được đưa về nhà chồng và nuôi dạy bên cạnh người chồng tương lai (Wolf và Huang 3). Những cô dâu nhỏ này được gọi là sim-pua. Hình thức này khác với “hôn nhân chính” khi đã làm giảm những hiểu lầm và căng thẳng giữa mẹ chồng và nàng dâu sau này. Trong khi hôn nhân phụ tạo ra một mối quan hệ khác nhau giữa chồng và vợ, và giúp xóa bỏ việc thương lượng về giá phải trả để mua cô dâu giữa hai bên gia đình. Vì thế, gia đình chồng có thể tiết kiệm một số tiền lớn phải trả cho bà mai mối để kiếm tìm những cô dâu thích hợp theo yêu cầu (ngay cả khi còn nhỏ tuổi). Đồng thời hôn nhân phụ giúp mẹ chồng có thể nuôi nấng một cô dâu hoàn hỏa theo cách mà gia đình chồng mong muốn. Hơn nữa, cô dâu tương lai không còn đe dọa mối liên hệ bền vững của gia đình tử cung khi bước vào gia đình chồng (Fricke et al).

Nhiều gia đình vẫn chọn hôn nhân chínhthay vìhôn nhân phụ. Một cuộc hôn nhân chính thường kéo theo nhiều nghi lễ và là cơ hội để thể hiện sự giàu có và địa vị xã hội của gia đình chồng (Wolf và Huang 72).

Sự Thay Đổi Xã Hội

Thornton et al xác định sáu yếu tố góp phần thay đổi xã hội Đài Loan và gia đình truyền thốngTrung Quốc.Bao gồm việc giáo dục toàn dân và bình đẳng khi thừa kế tài sản, chuyển đổi kinh tế gia đình (a labour-intensive family economy) sang kinh tế trả lương (a wage-pooling economy), đô thị hóa và gia tăng sinh kế phi gia đình, tăng trưởng thu nhập và hậu quả của gia tăng tiêu dùng, trỗi dậy của các phương tiện thông tin đại chúng, và tục hóa niềm tin (Thornton et al 1994: 20).

Trước khi Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, các trường học được thành lập và điều hành bởi các dòng họ lâu đời: đất đai được sử dụng để xây các trường học cho các thành viên trong gia đình (Fricke et al 27).Điều đó có nghĩa là giáo dục chỉ dành cho gia đình thượng lưuvà có đủ tài lực để xây dựng cơ sở vật chất, trả lương cho giáo viên và mua tài liệu giảng dạy. Những cơ sở tư nhân này chủ yếu vào việc giáo dục các bé trai.

Trái lại, người Nhật áp dụng một hệ thống giáo dục toàn dân cho cả nam lẫn nữ, được tài trợ bởi nhà nước và không giới hạn trẻ em từ các gia đình thượng lưu. Việc phổ biến giáo dục bắt buộc dẫn đến hai kết quả. Thứ nhất, một thế hệ phụ nữ mới và có học thức dần xuất hiện trong xã hội. Thứ hai, giáo dục công lập giảm thời gian trẻ em ở nhà(Thornton et al 91). Giảm thời gian đồng nghĩavới việc giảm ảnh hưởng mà bố mẹ có thể áp đặtlên con cái. Hơn nữa, trẻ em ngày càng nằm dưới sự quản lý của các thành viên không thuộc gia đình, ví như thầy cô và cũng không nên đánh giá thấp ảnh hưởng từ các học sinh đồng trang lứa.Hệ thống giáo dục này đã đe doạ khuôn khổ cho việc tạo thành một gia đình tử cung của xã hội Đài Loan.

Nền kinh tế gia đình ở Đài Loan được tổ chức trong một khuôn khổ cần nhiềulao động, nơi mọi người cùng đóng góp và tất cả đều được hưởng lợi tùy theo người chủ gia đình quyết định. Khi Nhật Bản kiểm soát Đài Loan, mối quan tâm chính của chính quyền thực dân là tối đa hoá việc khai thác nguồn tài nguyên. Ngoài ra, hai mục tiêu chính là sản xuất và xuất khẩu đường và gạo cũng như củng cố việc độc quyền đối với nền kinh tếquốc đảo (Hermalin et al 1994: 58). Vì vậy, Nhật Bản đầu tư rất nhiều tiền để phát triển Đài Loan, các dự án bao gồm tăng sản lượng nông nghiệp và thiết lập một hệ thống giao thông trên toàn đảo (Thornton và Lin 1994: 2). Xã hội Đài Loan đã dần chuyển mình từ một nền kinh tế thô sơ sử dụng nhiều lao động sang nền kinh tế trả lương và phát triển.

Mặc dù ngày càng có nhiều trẻ em tham gia vào các công việc ngoài xã hội, trẻ vẫn tiếp tục dành dụm tiền mà chúng kiếm được vào quỹ chung của gia đình.Khi các ngành công nghiệp mới bắt đầu xuất hiện, những người làm công tham gia không những vì nhu cầu cá nhân mà còn là đáp ứng nhu cầu cho gia đình. Thornton et al. cho rằng nền kinh tế lao động tiền lương có thể được xem như là một sự mở rộng của nền kinh tế gia đình (Thornton et al 95).

Tuy đóng góp tiền lương vào quỹ chung, mỗi cá nhân tham gia với vai trò cá nhân chứ không phải đại diện chocả gia đình. Bằng cách làm việc ở nhà máy hơn là ra đồng cùng với cha mẹ, sự kiểm soát cũng dần trở nên hạn chế.Con cái tiếp xúc với bạn đồng trang lứa khi làm việc cùng nhau, thường là với người khác giới. Cũng giống như với việc giới thiệu nền giáo dục toàn dân, bằng cách dành nhiều thời gian hơn ngoài xã hội, sự kiểm soát của trụ cột gia đình bị giảm sút và những ảnh hưởng khác từ bên ngoài đã ảnh hưởng tới hành vi và suy nghĩ sau này của trẻ em Đài Loan.

Những Thay Đổi dưới Thời Kỳ Thực Dân Nhật Bản

Một trong những chính sách đầu tiên mà Nhật Bản áp dụng với Đài Loan là việc đăng ký hộ khẩu. Tất cả người Đài Loan được chia thành các nhóm hộ gia đình (chia) và tất cả được nhóm thành các đơn vị làng, xã (pao) (Barclay 1954: 50). Các làng và xã giúp giám sát mỗi thành viên trong gia đình. Các quy định mới này phù hợp với cấu trúc xã hội đảo quốc và không gây căng thẳng giữa thực dân Nhật và dân cư xứ Đài (Barclay 50). Chính sách này cho phép Nhật Bản xây dựng một thể chế quản lý hiệu quả ở quốc đảo. Để theo dõi các nhóm riêng biệt và giám sát dân số, Nhật Bản đã tiến hành một số cuộc tổng điều tra trên toàn đảo. Những cuộc điều tra này rất chi tiết và được các học giả đánh giá cao khi có thể cung cấp rất nhiều thông tin về xã hội Đài Loan trong thời kỳ Nhật chiếm đóng. Hệ thống hộ khẩu ngày nay vẫn đang được sử dụng bởi chính quyền dân chủ và có nhiều ích lợi khi cảnh sát có thể kiểm soát được dân số trên đảo và đề phòng các cuộc biểu tình chính trị có thể xảy ra (Gates 1987: 41). Nhìn chung, bình yên và an toàn trên toàn đảo trong giai đoạn 1895-1940 đạt được thường là do chính sách chính trị cực đoan của người Nhật (Cohen 1976: 13).

Hầu hết các học giả khẳng định rằng việc áp dụng một hệ thống giáo dục toàn dân là sự can thiệp sâu sắc nhất của thực dân Nhật (Fricke et al, Wolf and Huang). Tuy nhiên, việc áp dụng một hệ thống trường học công lập cho phép tất cả trẻ em Đài Loan đều có thể hưởng một nền giáo dục bình đẳng và miễn phí.Năm 1889, Đài Loan chỉ có sáu trường học được thành lập, nhưng đến năm 1906, đã có 180 trường học do chính phủ quản lý (Fricke et al 46). Ban đầu chỉ có một tỷ lệ nhỏ trẻ em trong độ tuổi đi học có thể đến trường. Tuy nhiên, xu hướng trong bốn thập kỷ tiếp theo là số lượng bé trai và gái đi học ngày càng tăng và đến năm 1944, 71% trẻ em trong độ tuổi đi học đăng ký vào các trường tiểu học (Fricke at al 46). Không có gì ngạc nhiên khi có nhiều trẻ trai hơn các bé gái được hưởng nền giáo dục này, nhưng qua nhiều năm, sự chênh lệch này đã giảm dần và vào năm 1944, 81% trẻ em đã được đi học, trong đó có 61% các bé gái được đến trường.

Những bé trai của các gia đình thượng lưuthường là diện đầu tiên ghi danh vào các trường công lập mới thành lập và sau đó trở thành giáo viên, công chức hay thư ký. Ngày càng có nhiều thanh niên quyết định theo đuổi sự nghiệp mà không bị gia đình ngăn cản. Thêm vào đó, một thế hệ phụ nữ “hiện đại” trỗi lên khi là người may mắn được tiếp thu một nền giáo dục hoàn chỉnh ở cấp tiểu học và sau đó dần dấn thânvào xã hội (Lin 2005: 1991).

Trẻ em đi học thường hiếm khi ở nhà cũng như dành nhiều thời gian để tiếp xúc với các bạn bè đồng trang lứa. Qua những mối quan hệ này, tính cách của trẻ dần thay đổi và học được những ý tưởng mới từ trường lớp. Khi trẻ ở trường, cha mẹ không thể kiểm soát hay áp đặt lên trẻ. Đặc biệt là các bé gái, đã học cách đưa ra quyết định mà không cần sự giám sát của mẹ và phát triển một ý thức mới về vai trò và địa vị của bản thân trong xã hội. Từ nay, các bà mẹ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xây dựng mối quan hệ bền vững với con trai và củng cố gia đình tử cung, trong khi vẫn duy trì sự không an toàn và trở thành người ngoài cuộc trong một thời gian dài. Rất khó để có thể tìm hiểu đượchệ quả về vai trò của người vợ và mẹ khi thiếu nguồn tài liệu cũng như rất ít tác phẩm được viết nên bởi những người trong cuộc.

Tuy nhiên, hậu quả khi trẻ em có nhiềutự dohơn được phản ánh qua sự thay đổi của các hình thái hôn nhân. Những thay đổi này cho thấy phụ nữ và đàn ông đã từng bước phản kháng với sim-pua và các cuộc hôn nhân được sắp đặt trước.

Dưới thời Nhật Bản đô hộ (1895-1945), kinh tế Đài Loan tăng trưởng nhanh chóng. Người Nhật đã chirất nhiều tài lực để phát triển nông nghiệp và từ năm 1900 đến năm 1945, khoảng 145 triệu Yên đã được đầu tư vào các cơ sở thủy lợi (Hermalin 59). Việc giới thiệu các hạt giống mới, kỹ thuật canh tác mới và tăng phân lượng hoá học dẫn đến diện tích tưới tiêu tăng từ 195.000 mẫu đến khoảng 530.000 mẫu vào năm 1945 (Hermalin 59). Từ năm 1900 đến năm 1925, tổng sản lượng chung tăng đến 46% và sau năm 1925 đã tăng lên 75% cho đến cuối Thế chiến thứ hai cũng đồng nghĩa với sự kết thúc của việc tăng trưởng liên tục chongành nông nghiệp (Pao-San Ho 1968: 316). Việc mở rộng đường sắt và hệ thống đường bộ dẫn đến việc vận chuyển hàng hoá dễ dàng hơn. Nhu cầu của Nhật đối với các sản phẩm nông nghiệp Đài Loan, đặc biệt là đường, là rất lớn, từ đây đã cho phép nông dân tăng năng suất, bán nhiều sản phẩm hơn và thu được nhiều nguồn lợi hơn.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Đài Loan không phải là ngành duy nhất mà Nhật Bản tiến hành đầu tư. Trong Thế chiến thứ nhất, khai thác than trở thành một trong những ngành công nghiệp chính cùng với sản xuất trà và rượu, đặc biệt là ở phía bắc Đài Loan (Wolf và Huang 199). Phát triển kinh tế mang lại nhiều cơ hội hơn cho người dân ở cả nông thôn và thành phố. Kết quả là ngày càng nhiều các gia đình trở nên giàu có và đã gửi con trai đến các trường trung học để sau này con họ có thể trở thành công chức hoặc giáo viên (Wolf và Huang 198).

Đến cuối giai đoạn thuộc địa, Đài Loan dầntrở thành một quốc gia công nghiệp với tỷ lệ đô thị hóa cao. Vào cuối Thế chiến thứ hai, những ngành công nghiệp mới đã bắt đầu thay thế cho các ngành nông nghiệp ở đảo quốc.

Những thay đổi trong nền kinh tế đã ảnh hưởng đến tổ chức gia đình truyền thống theo nhiều cách. Các thanh thiếu niên gặp nhau ở các nhà máy hoặc nơi làm việc đã phát triển một mối quan tâm mới trong việc chọn người phối ngẫu tương lai. Cùng với phổ cập giáo dục toàn dân, ảnh hưởng của việc phát triển kinh tế đối với xã hội Đài Loan được phản ánh rõ nét trong việc thay đổi các hình thái hôn nhân.

Hình Thái Hôn Nhân

Sự thay đổi đáng kể trong hình thái hôn nhân chỉ bắt đầu từ năm 1920.Trong những năm ấy, dần có một sự giảm mạnh trong các cuộc hôn nhân phụ. Không chỉ số lượng bé trai đã được mai mối với sim-pua giảm dần mà sự gia tăng các cặp vợ chồng được mai mối khi còn nhỏ nhưng từ chối kết hôn sau khi lớn lên cùng nhau (Wolf và Huang 195). Các yếu tố khác phải được xem xét khi nhìn vào những thay đổi của các hình thái hôn nhân. Đó có phải là do cha mẹ hoặc con cái không hài lòng với sự sắp đặt và từ đó đã thúc đẩy sự thay đổi?

Trong trường hợp Đài Loan từ năm 1895 đến năm 1945, một số cá nhân có thể tranh luận rằng hiệu suất nông nghiệp tăng cao đã đem đến sự thịnh vượng cho quốc đảo, cho phép các gia đình nông dân dần có nguồn tài chính dồi dào để nuôi dạy con gái hoặc có trả một giá cao hơn để mua cô dâu nhỏ và chờ con trai trưởng thành để kết hôn(Wolf và Huang 193). Với sự gia tăng về thu nhập, ít người thấy cần thiết phải chi ra một số tiền lớn chỉ để mua một cô dâu (Wolf và Huang 194). Hầu hết mọi người chờ đợi cho đến khi con trai của họ đủ lớn để sắp đặt một cuộc hôn nhân chính, đó là cách để thể hiện sự giàu có và uy tín trong xã hội.

Con cái ngày càng tỏ ra bất mãn đối với sự kiểm soátchặt chẽ từ cha mẹ, đặc biệt là với các cuộc hôn nhân được sắp đặt (Wolf và Huang 198).Thế hệ sinh viên tốt nghiệp từ các trường do Nhật Bản thành lập phần lớn trải qua thời thơ ấu một cách độc lập và giờ đây có nhiều cơ hội việc làm ngoài xã hội hơn. Những cơ hội mới này, trong khi mang lại một sự độc lập hơn về kinh tế, cũng nhưmang lại cho họ nhiều tiếng nói hơn trong các cuộc hôn nhân sắp đặt.Cần lưu ý là nam giới chủ yếu từ chối những cuộc hôn nhân phụ nhưng vẫn tiếp tục để bố mẹ tìm kiếm một người vợ phù hợp (Wolf và Huang 181). Cha mẹ dần nhận ra rằng họ không còn có thể ép buộc con trai cưới những bé gái mà họ đã nuôi nấng rất cẩn thận để trở thành một người vợ hoàn hảo. Wolf và Huang viết rằng việc từ chối kết hôn với một bé gái lớn lên cùng nhau cho thấy “một cuộc nổi dậy nhầm lật đổ sự kiểm soát của cha mẹ về vấn đề hôn nhân” (Wolf và Huang 196).

Vì vậy, khi nhìn vào các hình thái hôn nhân, đặc biệt là trong nửa sau của chế độ thuộc địa Nhật Bản, có thể thấy một sự sụt giảm nghiêm trọng trong hình thức hôn nhân phụ như là hệ quả của nền kinh tế lao động tiền lương. Sức mạnh kinh tế giờ đây nằm trong tay của cả đàn ông lẫn phụ nữ, từ đó đã ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các thế hệvới nhau (Fricke et al 38). Những thay đổi do chính phủ thực dân khởi xướng đã làm suy yếu quyền lực của cha mẹ khi đem lại cho những người trẻ tuổi nhiều cơ hội để kiếm sống độc lập và tự lựa chọn mình với một phối ngẫu phù hợp.

Một người phụ nữ được chồng lựa chọn không còn bị đối xử như một người xa lạ khi vào gia đình chồng. Trong xã hội Đài Loan truyền thống, cô dâu và chú rể không được gặp nhau trước đám cưới và do đó được xem như là một người ngoài và phải đối mặt với rất nhiều nghi kị. Ngược lại, khi người chồng có thểchọn vợ theo ý muốn, sự nghi ngờ giữa cặp đôi sẽ trở nên ít hơn. Tuy nhiên, sự ghen tuông của mẹ chồng dần trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết bởi vì từ đây họ phải cạnh tranh với con dâu để giành giật tình cảm với con trai.

Sự trỗi dậy của những mối quan hệ tình yêu thay vì những cuộc hôn nhân sắp đặt đã làm suy yếu tầm quan trọng của gia đình tử cung như mô tả bởi Margery Wolf. Một người vợ được chồng trực tiếp lựa chọn không nhất thiết phải có mối ràng buộc mạnh mẽ với con cái để đảm bảo cómột vị trí hợp pháp trong gia đình chồng. Tình cảm của người chồng và sự độc lập về kinh tế của người vợ mang lại cho bản thân người phụ nữ một sự an toàn bền vững.

Kết Luận

Tóm lại, hệ thống trường học công lập và các ngành công nghiệp mới được thành lập tại Đài Loan bởi chính phủ thuộc địa Nhật Bản đã tạo ra một không gian mới cho con trẻ có thể đạt được những tương tác mới và cơ hội mới ngoài xã hội.Tự do đồng nghĩa với việc thay đổi các hình thái hôn nhân và có xu hướng từ các cuộc hôn nhân sắp đặt của cha mẹ.

Trong những năm 1950 và 1960, Đài Loan đã trải qua sự phát triển kinh tế vượt bậc kết hợp với sự trỗi dậy của “các cô gái nhà máy (factory girls)” (thuật ngữ do Lydid Kung đề ra). Điều quan trọng là quá trình công nghiệp hóa sau năm 1950 có thể đạt được nhờ những tiến bộ kinh tế trong giai đoạn thực dân và sự ra đời của thế hệ trẻ có học thức.Một phân tích về những thay đổi xã hội trong nửa sau của thế kỷ hai mươi vẫn là một chủ đề thú vị cho các nghiên cứu sâu hơn về sự phát triển của người phụ nữ trong xã hội Đài Loan sau này.


Tài liệu tham khảo

Barclay, George W. Colonial Development and Population in Taiwan. Princeton, New Jersey: Princeton University  Press, 1954.

Cohen, Myron L. House United, House Divided: The Chinese Family in Taiwan. New York: Columbia University Press, 1976.

Diamond, Norma. K’un Shen: A Taiwanese Village. New York: Holt, Rinehart and Winston, 1969.

Fricke, T., J.S. Chang and L.S. Yang.“Historical and Ethnographic Perspectives on the Chinese Family.”Thonton, Arland and Hui-Sheng Lin. Social Change and the Family in Taiwan. Chicaogo: The University of Chicago Press, 1994. 22-48.

Gates, Hill. Chinese Working-Class Lives: Getting by in Taiwan. Ithaca, New York: Cornell University Press, 1987.

Hermalin, A., P.K.C. Liu and D. Freedman.“The Social and Economic Transformation of Taiwan.”Thornton, Arland and Hui-Sheng Lin. Social Change and the Family in Taiwan. Chicago: The University of Chicago Press, 1994. 49-87.

Ka, Chih-ming.Japanese Colonialism in Taiwan: Land Tenure, Development, and Dependency, 1895-1945. Boulder, Colorado: Westview Press, Inc., 1995.

Kung, Lydia. Factory Women in Taiwan. 2nd. New York: Columbia University Press, 1994.

Lamley, Harry J. “Subethnic Rivalry in the Ch’ing Period.” The Anthropology of Taiwanese Society.Ed. Emily Martin Ahern and Hill Gates. Stanford, California: Stanford University Press, 1981. 282-318.

Lin, Chin-ju.“Modern Daughters –in-law in Colonial Taiwanese Families.”Journal of Family History April 2005: 191-209.

Lu, hsin-yi. “Imagining ‘New Women,’ Imagining Modernity: Gender Retoric in Colonial Taiwan,” Women in the New Taiwan: Gender Roles and Gender Consciousness in Changing Society. Ed. Catherine Farris, Anru Lee and Murray Rubinstein. Armonk, New York: M.E. Sharpe, Inc., 2004. 76-98.

Pao-San Ho, Samuel. “Agricultural Transformation under Colonialism: The Case of Taiwan.” The Journal of Economic History Sept. 1968: 313-340.

Seaman, Gary. “The Sexual Politics of Karmic Retribution.”The Anthropology of Taiwanese Society.Ed. Emily Martin Ahern and Hill Gates. Stanford, California: Stanford University Press, 1981. 381-396.

Thornton, A. and H.S. Lin. “Introduction.” Thornton, A. and H.S. Lin. Social Change and the Family in Taiwan. Chicago: The University of Chicago Press, 1994. 1-21.

Thornton, A., et al. “Theoretical Mechanisms of Family Change.”Thornton, Arland and Hui-Sheng Lin. Social Change and the Family in Taiwan. Chicago: The University of Chicago Press,1994. 88-115.

Wolf, Arthur P. and Chien-Shan Huang.Marriage and Adoption in China, 1895-1945. Stanford, California: Stanford University Press, 1980.

Wolf, Margery. Women and the Family in Rural Taiwan. Stanford, California: Stanford University Press, 1972.

 

Bình luận về bài viết này