Nhận thức về nghiên cứu lịch sử

lich su 5.jpg

Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa 

Vấn đề nhận thức được nhắc đến trong tiểu luận này không phải là nhận thức bản thể của triết học hay xã hội học mà là một mối quan hệ tương quan giữa nhận thức và ngôn ngữ, đó là một phương pháp siêu hình học với một tiền đề bất định, nhưng không phải là tiền đề vô căn cứ. Bởi lẽ, chúng ta đang nhận thức quá khứ bẳng những tác động của nhận thức xã hội, tức là toàn bộ tri thức nhân loại hiện có, được xem là kinh nghiệm xã hội.

Trong sử học, việc nhận thức khách quan, tức nhận thức không phụ thuộc vào tâm lý nhà sử học là điều cần thiết. Nhưng liệu việc nhận thức lịch sử dưới tác động của kinh nghiệm tri thức lịch sử có khả thi. Đó chính là hai thái cực hoàn toàn trái ngược nhau trong sử học trước và sau thế kỉ XVIII.

Phong kiến và các xã hội có nhà nước cho đến nó luôn có một cơ quan chép sử, đó là thái cực tiêu cực của nhận thức lịch sử. Sau các công trình triết học về phương pháp luận từ các nhà khai sáng thế kỉ XVII cho đến triết học duy vật biện chứng cách đây hai thế kỉ, đã tạo ra một bước tiến mới trong nhận thức lịch sử, đó chính là phân tách rạch ròi một công việc ghi chép sự kiện đơn thuần mà thường gắn với thiểu số thống trị, thành một nền khoa học chân chính có đối tượng và phương pháp nghiên cứu cụ thể.

Tuy nhiên, dưới tác động của kinh nghiệm xã hội, và tính bất khả tri thức xã hội của cá nhân dần dẫn đến một tình trạng sai lệch trong nghiên cứu lịch sử. Hầu như các tập hợp kinh nghiệm tri thức lịch sử đang được hiểu nhầm là một công trình nghiên cứu lịch sử chính thống.

Nếu ngụy biện cho rằng, đó là việc kế thừa các công trình đi trước thì hoàn toàn như đã nói, biện luận vô căn cứ, là lời hư vô trong trò chơi ngôn ngữ mà triết học thế kỉ XX đã từng rất sôi nổi.

Thực chất, chúng ta không thể thoát khỏi những kinh nghiệm nhận thức của nhân loại, cho nên việc trước tiên là phải nắm được toàn bộ những kinh nghiệm đó, hay nói một cách đơn giản là toàn bộ tri thức, nhưng điều đó là bất khả thi.

Chỉ có thể giới hạn đối tượng và lĩnh vực của hữu thể nhận thức xã hội, mà người ta đã khái quát trong một cụm từ “khoa học”, hay rõ hơn là một ngành khoa học cụ thể, mà ở đây là sử học.

Nếu như nắm được toàn bộ những tri thức về lịch sử, chúng ta mới đạt được nhận thức mới, và xây dựng một hệ thống ngôn ngữ nhận thức mới tác động và bổ sung ngược về cho nhận thức xã hội, đây không phải là một quan hệ biện chứng mà là một xu thế phát triển. Và công cụ để làm được điều đó chính là có một phương pháp cụ thể, phương pháp phê phán, mà trong sử học là phê phán phương pháp và sử liệu.

Đây là toàn bộ những gì khái quát nhất về một nhận thức lịch sử và cái ranh giới monh manh giữa một công trình khoa học – một nhà nghiên cứu lịch sử so với một công việc tổng hợp tư liệu, ghi chép – một người viết sử.

 

 

Bình luận về bài viết này