Minh -Trung Quốc và Đông Nam Á trong thế kỉ XV : Một đánh giá mới

ming navy power.jpg

Tác giả: Geoff  Wade

Viện nghiên cứu châu Á

Đại học Quốc gia Singapore/ Tháng 7/2004

Nguyễn Quốc Vương dịch

Dẫn Nhập. 

Vào đầu thế kỉ 14 ở Trung Quốc nhà Nguyên rơi vào tình trạng suy thoái trên cả phương diện quyền lực chính trị và sức mạnh quân sự. Tình trạng này đã mang đến cơ hội và sự khích lệ đối với nỗ lực tìm kiếm quyền lực hay đơn giản hơn là tự vệ của các đối thủ khác. Tình trạng quân phiệt hóa cao độ của xã hội Trung Hoa trong thời kỳ này đã tạo ra các cuộc chiến tranh giữa quý tộc Nguyên, các thủ lĩnh cát cứ địa phương, những kẻ buôn lậu và các cánh quân khởi nghĩa – thứ tạo nên bộ mặt của các thập kỉ tiếp theo. Vào trước những năm 1350, các cánh quân khởi nghĩa đã biến “Trung Quốc” nơi những kẻ thống trị nhà Nguyên kiểm soát thành nhiều nước và các nước này thôn tính lẫn nhau. Một thủ lĩnh quân khởi nghĩa tên là Chu Nguyên Chương (Zhu Yuan-zhang) cuối cùng đã có khả năng kiểu soát và mở rộng những vùng lãnh thổ rộng lớn và lập nên nhà nước Trung Quốc mới – nhà nước được ông ta gọi là Đại Minh. Bằng sự ra đời của kinh đô Nam Kinh (Nan-jing) năm 1368, Chu (Nguyên Chương) đã dựng nên một triều đại mới có quyền lực kéo dài đến tận năm 1644(1). Tuy nhiên ngay cả sau khi kinh đô Nam Kinh được xây dựng, quân đội nhà Minh vẫn phải đánh lại các lực lượng kình địch trong những trận chiến lớn. Trong một trận đánh như thế với Koko Temur – qúy tộc nhà Nguyên, quân Minh đã bắt sống 85.000 quân và 15.000 ngựa chiến. Tuy nhiên trước thời điểm đó, quân Minh cũng đã chiếm đóng thủ đô của quân Nguyên ở Dadu và đổi tên nó thành Bei-ping (Bắc Bình) và sự thống nhất quốc gia tiến triển thuận lợi.

Minh e ngại những người Mông Cổ – những kẻ đã bị đuổi ra khỏi Trung Quốc nhưng vẫn có ảnh hưởng lớn tới chính sách đối nội và đối ngoại ở những thế kỉ tiếp theo và nó cũng tạo nên cơn ớn lạnh của người sáng lập nhà Minh ở thủ đô cứ điểm cuối cùng(2). Sau khi đóng đô ở Nam Kinh, phong thái tử và hoàng hậu, đặt ra sáu bộ và chỉ định các quan chức quản lý chủ yếu, Chu Nguyên Chương đã ban hành bộ luật mới của nhà Minh. Tất cả những việc làm đó đã đặt nền tảng cho triều đại mới.

Trong những năm 1370, Chu Nguyên Chương đã mở rộng cơ cấu bộ máy nhà nước triều Minh và có lẽ một phần do đa nghi mà ông đã lập ra nhiều cung điện với số lượng hoạn quan ngày càng tăng đóng vai trò như những cố vấn tin cậy và can gián trong việc trị dân. Cơ cấu quản lý do ông tạo ra này được duy trì ở những bộ phận quan trọng tới những người kế nghiệp của vương triều. Cơ cấu triều đình và hệ thống quản lý này đã được bắt đầu và thực thi cả trong chính sách đối nội và đối ngoại của nhà Minh suốt 280 năm tiếp theo.

 

Chính sách đối ngoại của nhà Minh và Đông Nam Á

 

Như chúng ta thấy trong cả các tư liệu chữ Hán chính thức và không chính thức, những kẻ cầm quyền nhà Minh coi mình hoặc ít nhất cũng mô tả mình như những minh quân sáng suốt thay trời cai trị Trung Quốc và xa hơn là “toàn bộ hạ giới”. Điều này đòi hỏi rằng họ sẽ “cấp phong thái ấp” cho các “chư hầu” ở xung quanh – những kẻ sẽ phải “triều cống” Đại Minh. Và điều này đã tạo ra nền tảng của những nghi lễ hoa mĩ trong mối quan hệ với nhà Minh dựa trên sự kiểm soát hành chính tức thời(3).

Tuy nhiên không phải tất cả các nhà nước Đông Nam Á đều đồng ý với điều trên mà thậm chí vị trí đối lập của họ với Trung Quốc rất rõ ràng thể hiện ngay trong cả các văn bản chữ Hán. Ví dụ như vào giữa thế kỉ 15, Krung Phra Nakhon Sri Ayudhya, người đứng đầu nhà nước Ayudhya từ chối tuân theo lời yêu cầu cúi đầu về phía bắc để bày tỏ sự tôn kính hoàng đế nhà Minh của sứ thần nhà Minh và sứ thần nhà Minh đã bị “cô lập” và chết sau đó(4). Tuy nhiên bất chấp những ví dụ như thế, việc có được sự công nhận từ nhà Minh ngoài mặt đã trở thành quan trọng đối với một số người đứng đầu các nhà nước và nó đã đóng vai trò rất rõ ràng trong chính trị và kinh tế của Đông Nam Á trong khoảng thời gian này. Nhà Minh đóng vai trò như là đối trọng với các Hegemon (từ gốc Hy Lạp có nghĩa là đế chế hay nước có quyền lực lớn chi phối các nhà nước khác – chú thích của người dịch) khác như Majapahit và đưa ra chính sách nhắm tới cả mối quan hệ “triều cống” – thương mại với Trung Quốc và hệ thống an ninh đặc biệt. Sự tham dự vào hệ thống này được những người Việt (annals) chấp nhận không úp mở và nó được ghi chép lại ví dụ như vua Đại Việt đã từng “cầu phong” nhà Minh năm 1457(5).

Mối quan hệ giữa nhà Minh và Đông Nam Á cũng trở thành chủ đề chú ý của học thuật(6) và dựa trên cơ sở của những tác phẩm này cũng có một vài nghiên cứu tổng quát có thể giải quyết trước. Cũng cần phải nói ngay rằng đã có sự trao đổi sứ giả thường xuyên giữa nhà Minh Trung Quốc và các nước ở Đông Nam Á. Một trong những hành động đầu tiên của các vua Minh trong việc thể hiện quyền lực là phái sứ thần tới các nước khác để thông báo về sự lên ngôi của họ. Các sứ giả nhà Minh cũng có thể được phái tới các nước với những chức năng khác bao gồm “phong cấp” hoặc là tham dự lễ tang của ông vua nào đó. Những sứ giả này thường bị giám sát bí mật bởi rất nhiều cơ quan của Lục Khoa. Một vài ví dụ dưới đây cũng đủ nói lên chức năng của những phái đoàn nói trên (ít nhất là những gì được phát biểu ra ngoài).

 

1. Thăm viếng lễ tang của vua Champa năm 1452(7).

2. Thăm viếng lễ tang của vua Xiêm và “sắc phong” cho con trai ông ta năm 1453(8).

3.  Sắc phong cho vua Malacca năm 1459(9)

4. Sắc phong cho vua Annam năm 1460(10)

5. Sắc phong cho vua Champa năm 1478(11)

Một nhân tố chính khác trong sự tác động qua lại giữa nhà Minh và các nhà nước ở Đông Nam Á là “triều cống” – thứ được công nhận rộng rãi như là một nhân tố mạnh mẽ thúc đẩy mậu dịch. Nó đã trở thành chủ đề của hàng loạt các bài báo và có một danh sách các bài báo tuyệt vời, thứ có thể được dùng để  lần tìm  ra những phái bộ tới nhà Minh chí ít là của các nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á trong phần lớn thế kỉ 15(12). Sự thiếu tập trung vào các phái bộ đó trong bài báo này sẽ là trách nhiệm của một số lượng lớn các nghiên cứu đã được tiến hành hơn là những chỉ dẫn về sự quan trọng tương đối của chúng.

Cho dù có ai đó hoài nghi các tư liệu chữ Hán phản ánh những gì xảy ra ở Đông Nam Á trong thế kỉ 15 hay ai đó cho rằng mối quan hệ  “sắc phong” và “triều cống” mà các tư liệu nhà Minh có viết chẳng qua cũng chỉ là sự trao đổi ngoại giao giữa những nhà nước đi nữa thì chúng tôi vẫn khẳng định chắc chắn rằng nhà Minh đã có sự can dự sâu sắc vào Đông Nam Á trong suốt thế kỉ.

Để biết được ảnh hưởng của nhà Minh đối với Đông Nam Á trong thế kỉ 15, có lẽ trước tiên chúng ta cần xem xét xem những chính sách nào được các vua kế tiếp của nhà Minh theo đuổi trong vùng.

Phần đầu của bài báo này sẽ nghiên cứu về niên đại của những chính sách đó và tiếp theo sẽ cố gắng tổng hợp các chính sách và hành động riêng lẻ sao cho mạch lạc để làm rõ xem nhà Minh và các cơ quan của nó đã tác động tới Đông Nam Á trong suốt thế kỉ như thế nào.

Các chính sách liên quan tới Đông Nam Á của Minh Thái Tổ (Minh Tai-zu)/ Triều vua  Hồng Vũ (Hong-wu)

Vào đầu vương triều, Chu Nguyên Chương, hoàng đế đầu tiên của nhà Minh đã đưa ra những lời huấn thị đối với các thế hệ đi sau. Những châm ngôn này bao gồm lời khuyên đối với Hội đồng quân sự tối cao chỉ ra nước nào đe dọa quân sự đối với Minh và nước nào không. Ông ta nói rằng những nhà nước ở phía bắc là nguy hiểm trong khi những nước phía nam không chứa đựng sự đe dọa và không phải là đối tượng của những cuộc tấn công không xác đáng(13). Tuy nhiên,  bất chấp điều đó hoặc cũng có thể là do hậu quả của chính sách đó mà các quốc gia ở phía nam nhà Minh đã phải gánh chịu những ảnh hưởng lớn nhất từ sự bành trướng của nhà Minh trong thế kỉ tiếp theo.

 

Xâm lược  các nước  ở Vân Nam (Yun-nam)

 

Năm 1369, không lâu sau ngày Chu Nguyên Chương lập ra vương triều, ông ta đã ra tuyên bố  về “Các quốc gia Vân Nam và Nhật Bản” (Vân Nam Nhật Bản Đẳng Quốc)(14).

Sự công nhận Vân Nam như một quốc gia từ rất sớm này về sau đã thay đổi nhanh chóng. Trước năm 1380, Vân Nam được coi như là lãnh thổ của Trung Quốc kể từ triều Hán(15)và có 250.000 quân đã được triển khai tấn công nước này và chiếm được Da-li, Li-jian và Jin-chi năm 1382. Bằng cách đó người sáng lập triều Minh đã giành quyền kiểm soát các trung tâm đô thị chính của vùng tây bắc mà ngày nay gọi là Vân Nam bao gồm cả những vùng có nhiều người Thái sinh sống.

Trước năm 1387, Minh Thái Tổ đã thể hiện rõ tham vọng của mình khi chuẩn bị tấn công vào nước  Bai-yi (Mong Mao) nằm ở phía nam nơi ông ta đã xâm chiếm trước đó, một viên tướng được phái tới Shi-chuan để mua 10.000 gia súc kéo cày. Những gia súc này được dùng để cày những cánh đồng nuôi quân phục vụ cho cuộc viễn chinh lâu dài. Dưới sự chỉ huy của tướng Mu Ying quân Minh đã tấn công Bai-yi bằng súng và giết được 30,000 người(16).  Si Lun-fa, vua của nước này đã bị buộc phải trả toàn bộ chi phí cho quân đội nhà Minh trong cuộc chiến bành trướng này và đổi lại ông ta được công nhận là vua của Ba-yi(17). Khi Dao Gan-meng nổi dậy chống lại Si Lun-fa năm 1397, chính quyền Trung Quốc đã  cung cấp nơi trú ẩn cho vị vua chạy trốn và đưa quân tới đánh lại Dao Gan-meng và đưa Si Lun-fa trở lại ngôi vua và lấy một dải đất rộng lớn cắt cho nhà Minh coi như là trả ơn sự giúp đỡ(18). Nhà Minh cũng mở rộng lãnh thổ của mình tới những nhà nước như Lu-chuan, Meng-yang, Mu-bang, Meng-ding, Lư Giang (Lu-jiang), Gan-yai, Da-huo và Wan Dian dưới các triều vua khác nhau(19). Đây là sự bắt đầu của chính sách chia để trị, thứ được theo đuổi suốt thời nhà Minh và nó đã có ảnh hưởng sâu sắc tới những nhà nước người Thái  ở vùng cao.

 

Những “cơ quan bản xứ” của Vân Nam.

 

Những chính thể (nhà nước) mới được “dựng nên” (hoặc được công nhận) ở Vân Nam dưới triều vua đầu tiên của nhà Minh được nhà Minh coi là các “cơ quan bản xứ” (tusi, Thổ ty), như trước đó đã từng và chức này thường được cha truyền con nối. Thông qua các viên quan này, nhà Minh đã tiến hành kiểm soát và chiếm đoạt kinh tế bằng việc đưa ra yêu cầu triều cống và các thứ thuế khác. Che-li (Chiang Hung), nhà nước Thái, tiền thân của Sipsong Panna, đã được công nhận như là “Thổ ty” vào năm 1384 với vị trí của người cai trị được giữ nguyên. Năm 1385, nhà Minh lập ra Cơ quan tối cao (Chief-office) Yin-yuan-luo-bi dian ở tỉnh Nguyên Giang (Yuan-jiang), Vân Nam  (gần sông Hồng). Nhà nước Thái này có một “viên chức tối cao luân chuyển”  và một phó viên chức bản xứ. Viên chức luân chuyển vốn nằm trong bộ máy quan liêu chính thức của nhà Minh còn viên phó thì hiển nhiên thuộc gia đình đã nắm quyền lãnh đạo từ trước đó(20). Ở đây, về sau chúng ta chứng kiến sự bắt đầu của quá trình ở đó các nhà nước vốn có của Đông Nam Á đã dần dần bị hấp thụ vào nhà nước Trung Hoa.

Sự bóc lột kinh tế ở Vân Nam.

Trong qúa trình các nhà nước dần dần bị hấp thụ vào Minh, các nhà nước này phải gánh những yêu cầu triều cống rất rộng như lao dịch và những nghĩa vụ khác bao gồm cả binh dịch. Ví dụ, ở trường hợp của nhà nước Tai Mao của Lu-chuan/Ping-mian, triều đình nhà Minh đã đòi 15.000 ngựa, 500 thớt voi và 30.000 gia súc từ vua Shi Lun-fa vào năm 1397(21). Về sau, ở Lu-chuan bạc trở thành thứ được nộp cống thay cho lao dịch. Số  lượng bạc ban đầu được quy định là 6.900 “lạng”(liang)(22) nhưng sau đó nó tăng gần gấp ba lên tới 18.000 “lạng”. Khi người ta nhận ra rằng không thể đáp ứng nổi yêu cầu này số lượng bạc yêu cầu đã giảm trở về khối lượng ban đầu(23). Rất nhiều các loại thuế nữa đã được áp dụng đối với các nhà nước khác và được cưỡng ép thực hiện thông qua sử dụng quân đội hoặc đe dọa bằng quân sự.

Triều cống/mậu dịch 

Triều đại Hồng Vũ (Hong-wu) được đánh dấu bằng việc thường xuyên gửi sứ thần Trung Hoa tới nước ngoài và tiếp nhận sứ thần đến bằng đường biển từ các nước như Annam, Champa, Căm-pu-chia, Xiêm, Cochin ( Nam Bộ -có lẽ chỉ Đàng Trong – chú thích của người dịch), San Fo-qi, Java, Nhật, Ryukyu (Lưu Cầu – nay là Okinawa – chú thích của người dịch), Bru-nây và Triều Tiên. Dường như họ hướng về Trung Quốc bởi sự nhân nhượng về mậu dịch luôn sẵn có để triều cống sứ thần và  các phần thưởng đã được ban cho các ông vua – những người đã “triều cống”(24). Tuy nhiên, cỗ máy ngoại giao mậu dịch cũng bị một vài kẻ bên trong triều Minh sử dụng cơ cấu cai trị để thực thi ảnh hưởng và kiểm soát. Có một bản tấu của sứ thần Champa đã được trình lên và hậu quả là  Hồ Duy Dung (Hu Wei-Yong), tể tướng của nhà Minh từ năm 1377 tới 1380 đã trở thành đối tượng điều tra nghiêm khắc và sau đó đã bị xử tử với tội danh làm phản(25). Sự dính líu có thể của Hồ Duy Dung trong những mối liên hệ phi chính thức với những nhà nước ở Đông Nam Á trước đó đã được bàn thảo bởi Wolters(26) và không cần phải nhắc lại ở đây. Chỉ cần biết rằng rất có khả năng giới quan liêu nhà Minh đã có dính líu sâu nặng với các nhà nước trên biển Đông Nam Á trước những năm 1390.

Cấm biển

Vào đầu những năm 1370, những người sống ở vùng duyên hải Trung Quốc bị cấm không được vượt đại dương ngoại trừ những nhiệm vụ chính thống(27). Các viên chức quân sự Phúc Kiến (Fu-jian) những người vốn đã từng tự mình cử người băng qua biển tham gia vào các hoạt động mậu dịch đã bị trừng phạt sau đó không lâu(28). Sự cấm đoán này được tái khởi động năm 1381 và một sắc lệnh từ triều đình có nội dung “nghiêm cấm thần dân liên lạc với người nước ngoài” được ban ra năm 1390(32). Sự thường xuyên của những cấm đoán này gợi ý rằng chúng không mấy có liệu lực và lí do biện hộ cho lệnh cấm của triều đình là “vào thời kỳ đó ở Quảng Đông/Quảng Tây,  Triết Giang (Zhe-jiang) và Phúc Kiến có những người dân nghèo. Họ không hề biết đến điều này (lệnh cấm) và thường xuyên tự ý tiến hành mậu dịch với người nước ngoài”. Năm 1394, tài liệu cho biết rằng trước đó đã có lệnh cấm áp đặt đối với những nhà buôn nước ngoài tới Trung Quốc và chỉ có Ryukyu (tức Lưu Cầu, nay là Okinawa của Nhật – chú thích của người dịch), Cam-pu-chia và Xiêm được phép tới Trung Quốc và triều cống. Vào thời gian này, những người dân thường Trung Quốc bị cấm không được dùng bất cứ thứ hàng hóa và hương liệu nào của nước ngoài(33). Lệnh cấm không được tự ý ra buôn bán bên ngoài được tái ban hành năm 1397(34). Cho dẫu vấn đề những sự cấm đoán này có gây ảnh hưởng thực sự tới mậu dịch trên biển giữa Trung Quốc và Đông Nam Á hay không không được thể hiện một cách rõ ràng, trực tiếp trên các văn bản của nhà Minh nhưng có lẽ thông qua các nghiên cứu khảo cổ sâu hơn người ta có thể chắp nối lại sự thăng trầm trong mậu dịch biển giữa Trung Quốc và Đông Nam Á trong suốt thời gian này.

Những chính sách liên quan tới Đông Nam Á của Minh Thành Tổ (Ming Cheng-zu)/ Triều đại Vĩnh Lạc (Yong-le) (1403-1424). 

Hiểu biết về hoàng đế Kiến Văn (Jian-wen) (1399-1402) người kế nghiệp Minh Thành Tổ (Ming Cheng-zu) hầu như bị mất mát toàn bộ do hậu quả của nội chiến và  cuộc đảo chính do chú ông ta là Chu Lệ (Zhu Di) tiến hành. Và kết quả là Chu Lệ (Zhu Di) ra sức tẩy xóa tất cả các bằng chứng về sự cai trị của cháu mình trong các tư liệu lịch sử. Và như vậy, mối liên hệ giữa nhà Minh Trung Quốc và Đông Nam Á trong thời kì lịch sử tồi tệ này buộc phải tồn tại trong vương quốc của sự phỏng đoán.

Tuy nhiên trong thời kì của Vĩnh Lạc, gọi thế vì Chu Lệ  đã đặt tên triều đại mình như vậy, nó được ghi chép lại bằng văn bản rất tốt và ở đó  diễn ra phần lớn những sự trao đổi qua lại đầy kịch tính giữa Minh và Đông Nam Á.

Giống như cha ông ta, sau khi nắm trong tay quyền lực, Chu Lệ đã  yêu cầu Bộ Lễ gửi tới các nước những “chỉ dụ” yêu cầu họ triều cống(35). Trong cùng năm, ông ta cũng lập ra Cơ quan giám sát mậu dịch biển tại các tỉnh Triết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông (Guang-dong), nhằm kiểm soát việc buôn bán trên biển với tất cả các nước ngoài(36). Năm 1405, yêu cầu xây dựng các khu nhà ở các tỉnh nói trên được đưa ra nhằm phục vụ những sứ thần của nước ngoài đến đây(37). Có thể thấy rõ rằng vào giai đoạn đầu của vương triều hoàng đế  Vĩnh Lạc đã có kế hoạch tiến hành nhiều việc với các nước châu Á trên biển.

Cùng thời gian này, tân hoàng đế cũng có mối quan tâm quảng bá nền văn hóa ưu việt của Minh tới phần còn lại của thế giới và cuối cùng ông ta đã  cấp 10.000 bản sao cuốn Liệt nữ truyện (Biographies of Exemplary Women) cho các nhà nước ngoài Trung Hoa để dạy dỗ họ về đạo đức(38). Chưa có bất cứ một mô-típ nào của dạng văn bản này xuất hiện trong văn học Đông Nam Á được nghiên cứu. Các cuốn lịch triều đình cũng được chuyển tới các nhà nước Đông Nam Á bởi Bộ Lễ(39). Một số cuộc viễn chinh lớn tới Đông Nam Á cũng ghi dấu vương triềuVĩnh Lạc.

Sự xâm lược Đại Việt 

Năm 1406, trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng và sức mạnh quyền lực của nhà Minh tại Đại Việt – quốc gia vốn được nhà Minh biết đến với cái tên An-nan (An Nam) – hoàng đế Vĩnh Lạc  đã gửi tới một ông vua bù nhìn có tên Chen Tian-ping (Trần Thiên Bình)(40). Trần Thiên Bình đã bị giết trên đường tới quốc gia này.

Việc người Việt Nam giết Trần Thiên Bình ngay lập tức đã trở thành lý do để Vĩnh Lạc tiến hành một cuộc xâm lăng đối với quốc gia này(41) tuy nhiên hành động này thực ra đã được chuẩn bị chu đáo từ trước đó. Cũng trong năm 1406, hai đạo quân khổng lồ của Trung Quốc được phái theo hai đường khác nhau qua Vân Nam và Quảng Tây vào Đại Việt. Những chiến dịch và hành động quân sự sau đó đã được giải quyết với một vài chi tiết trong một vài tác phẩm bao gồm cuốn Vietnam, Hồ Quý Ly, and the Ming (1371-1421). Quân Trung Quốc tuyên bố rằng đã có 7 triệu người Việt bị giết trong chiến dịch tiên phong đánh chiếm nước này(42). Năm 1407, Jiao-zhi(43)(Giao Chỉ) trở thành tỉnh thứ 14 của Minh – Trung Quốc và tình trạng này duy trì cho đến tận năm 1428 khi nhà Minh bị người Việt ép phải rút quân. Tuy nhiên trong khoảng thời gian 21 năm này các cuộc xung đột hầu như không dứt.

Ngay khi quân đội nhà Minh kiểm soát được quốc gia này, sự thay đổi đã bắt đầu. Trong năm đầu tiên, 7600 nhà buôn và nghệ nhân (bao gồm cả thợ đúc súng) bị bắt ở Đại Việt đã bị giải về kinh đô nhà Minh (ngày nay là Nam Kinh)(44). Sự tước đoạt những thành viên giỏi nhất của xã hội chắc chắc đã có ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội của người Việt. Về sau, thêm nhiều đội quân người Hoa và không phải người Hoa được phái tới đây để cố duy trì sự kiểm soát bề ngoài và những cơ quan cai trị dân chúng trải trên diện rộng đã được thiết lập. Trước năm 1408, Jiao-zhi (Giao Chỉ) có 41 khu và 208 hạt(45) tất cả đều bị quản lý theo mô thức Trung Hoa nhưng có nhiều viên chức là người Việt. Trong nỗ lực làm sâu sắc thêm cách thức Trung Hoa, các trường Nho giáo được lập ra và người Hán được cử tới đây dạy học(46). Bất kể quyền lãnh đạo chính trị bị ném bỏ nhiều như thế nào vào cuối những năm 1420 khi nhà Minh rút đi, di sản cai trị từ sự chiếm đóng của người Trung Hoa chắc chắn đã gây ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội Việt Nam.

Năm 1407 cũng là năm chứng kiến sự ra đời của cơ quan giám sát mậu dịch biển được thành lập tại thành phố Yu-tun ở Jiao-zhi (Giao Chỉ) trong khi hai cơ quan khác cũng giống như thế được lập ra tại Xin-ping (Tân Bình) và Shun-hua (Thuận Hóa) vào năm 1408. Do đó trong vòng hai năm, đã có 3 cơ quan giám sát mậu dịch biển được lập ra trong tỉnh mới này và một số lượng tương tự cũng tồn tại ở Trung Quốc. Điều này diễn giải rõ ràng rằng Minh muốn kiểm soát mậu dịch biển với phương nam và muốn bóc lột kinh tế thông qua sự kiểm soát này(47). Sự bóc lột kinh tế khác ở tỉnh mới này có liên quan tới thuế ngũ cốc, thuế sơn, thuế gỗ vang (sapan), lông chim bói cá, chim công, hương liệu hàng năm và chiếm độc quyền trong buôn bán vàng, bạc, muối, sắt và cá. Thêm vào đó, các hoạn quan cũng được  phái tới Giao Chỉ để thu thập châu báu cho hoàng đế tuy nhiên có một nửa số châu báu thu được rơi vào tay của các hoạn quan này. Sự tham lam của các hoạn quan này, ít nhất được mô tả trong các bản kê khai của nhà Minh, đã khiến cho hoàng đế nhà Minh phải can thiệp trong một vài trường hợp chỉ định. Hoàng đế Hong-xi (Hồng Hi) đã không chấp thuận phái viên hoạn quan Ma Qi tới Giao Chỉ khi viên hoạn quan này  cố gắng để được tái chỉ định nhằm kiểm soát vàng, bạc, hương liệu và ngọc trai ở xứ này vào năm 1424(48).

Trước năm 1414, nhà Minh đã kiểm soát tốt miền bắc Đại Việt và có điều kiện để mở rộng về phương nam và đã lập ra thêm 4 hạt nữa thuộc vùng ở phía nam vốn trước đó thuộc quyền quản lý của Champa(49). Vai trò của sự chiếm đóng Đại Việt của người Trung Hoa  đối với việc người Việt mở rộng lãnh thổ xuống phương Nam sau đó và cuối cùng là sự sụp đổ của Champa là thứ không thể không chú ý.

Nhưng những thứ thuế và đòi hỏi của nhà Minh đưa ra ở tỉnh mới này có nghĩa rằng nó chưa có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu tại chỗ. Mặc dù hàng ngàn “lính bản xứ” từ 9 đạo quân ở Giao Chỉ được thuê mướn vào làm ở trong các nông trang quân sự trong năm 1426, nhưng vẫn không đủ để nuôi mọi người và lực lượng binh lính và trong những năm 1420 đã rất nhiều lần ngũ cốc đã được vận chuyển tới Giao Chỉ(50). Những sự thiếu thốn nói trên chắc chắc đã có ảnh hướng lớn tới cấu trúc và sự ổn định xã hội trong vùng đi kèm với các cuộc chiến liên miên và những đòi hỏi quá đáng của Trung Hoa. Hàng loạt những chính sách thuộc địa mà nhà Minh theo đuổi(51) rõ ràng đã có ảnh hưởng rộng lớn tới xã hội Việt Nam lúc đó cũng như sự phát triển của quốc gia của người Việt trong tương lai sau này.

Sự xâm lược nhà nước Vân Nam dưới tay Vĩnh Lạc (Yong-le) 

Trước khi Vĩnh Lạc xâm lược Đại Việt năm 1406, ông ta đã can dự vào các hoạt động xâm lược mở rộng lãnh thổ ở Vân Nam. Năm 1403 nhà Minh đã thành lập các đội quân mới ở các biên giới xa xôi với hai đạo quân lớn được lập ra tại Teng-chong và Yong-chang chịu sự chỉ huy trực tiếp của Hội đồng quân sự địa phương Vân Nam(52). Nơi đây đã trở thành các căn cứ từ đó những hoạt động chiếm đóng và kiểm soát các cùng đất của người Thái đã được theo đuổi tiếp sau đó. Cùng năm, cơ quan chỉ huy mới (Trưởng Quan Ty) được lập ra ở Vân Nam tại Zhe-le Dian, Da-hou, Gan-yai, Wan Dian,  Lư Giang (Lu-jiang)(53) và trong năm 1406 có 4 cơ quan nữa cũng được lập ra tại quận Ning-yuan mà ngày nay là Sip Song Chau Tai của Việt Nam(54). Hai quốc gia Thái là Mu-bang (Hsenwi) và Meng-yang trong vùng đất ngày nay là bắc Miến Điện đã được “công nhận” như là một đơn vị quản lý dân sự và quân sự dưới tay nhà Minh vào năm 1404(55). Khi một loạt các quốc gia Thái không tuân theo các yêu cầu mà hoàng đế nhà Minh đưa ra, các hành động quân sự được triển khai nhằm trừng phạt họ. Ví dụ như vào năm 1405, Mu Sheng viên chức đại diện người Hoa ở  Vân Nam (Yu-nan) đã mở cuộc tấn công vào Ba-bai (Lanna)(56).

Sau một loạt sự công nhận hay chấp nhận vị trí bề trên của triều Minh, các viên thư lại hay viên chức người Hán được bổ nhiệm tới các “cơ quan bản xứ” để “giúp đỡ” các nhà cai trị truyền thống và đảm bảo rằng lợi ích của nhà Minh được bảo vệ. Các viên thư lại người Hoa được bổ nhiệm để tiến hành các công việc liên quan tới tiếng Hoa trong rất nhiều cơ quan bản xứ của Vân Nam trong năm 1404(57), trong khi các vị trí thư lại luân phiên tương tự (tất cả đều là người Hán) đã được lập ra trong 7 cơ quan chính ở Vân Nam năm 1406(58). Các nhà nước “Cơ quan bản xứ”  sau đó đã trở thành đối tượng bị yêu cầu nộp vàng/bạc thay thế cho lao dịch được đặt dưới sự giám sát của Bộ Ngân Khố(59) đồng thời cũng bị yêu cầu cung cấp quân đội để trợ giúp nhà Minh trong các chiến dịch. Ví dụ như Mu-bang đã bị yêu cầu gửi quân đánh lại Ba-bai (Lanna) vào năm 1406(60). Mô hình bóc lột này đã tiếp tục trong suốt thời gian tồn tại của vương triều.

 

Các cuộc hành trình tiến hành bởi Trịnh Hòa (Zheng He) và các hoạn quan khác.

 Z- The route of the voyages of Zheng He's fleet.

Việc phái đi các các viên hoạn quan dẫn đầu các phái đoàn trên biển tới “Đại dương phía Tây” (biển Đông Nam Á phía tây Borneo và Ấn Độ Dương) cũng như các phái đoàn khác vốn ít được biết tới hơn tới Đông Dương (ngày nay là Philippines, Borneo và Đông Indonesia) là một trong ba mũi nhọn bành trướng xuống phía nam do hoàng đế Vĩnh Lạc theo đuổi. Sứ thần được biết đến rộng rãi nhất là Trịnh Hòa hay cũng được gọi là “San-bao” hay “Tam Bảo” và xung quanh viên hoạn quan này đã có rất nhiều huyền thoại. Các đô đốc hoạn quan khác bao gồm có Wang Gui-tong và Hou Xian. Các sứ thần là hoạn quan như Trương Khiên (Zhang Qian) chịu trách nhiệm trong các chuyến đi tới các quốc gia ở trên biển Đông Dương như Bo-ni, Pangasinan, Sulu và Luzon và đảm nhận cả việc đưa các sứ thần hay các ông vua ở đó tới Trung Quốc. Những nhiệm vụ do các viên hoạn quan đảm đương, giống như sự bành trướng của Vĩnh Lạc vào Vân Nam và sự chiếm đóng Đại Việt, là nhằm tạo ra tính hợp pháp của ông vua tham vọng quyền lực, phô trương sức mạnh của nhà Minh, bắt các quốc gia mà nhà Minh biết khuất phục và vơ vét châu báu cho triều đình(61). Để đạt được các mục đích này, lực lượng thủy quân phải đảm bảo lớn và mạnh. Việc đóng thuyền đã được bắt đầu gần như ngay khi hoàng đế Vĩnh Lạc nắm quyền trong tay. Năm 1405, ngay sau khi Trịnh Hòa lên đường trong chuyến viễn chinh đầu tiên, Triết Giang (Zhe-jiang) và các ủy ban quân sự địa phương đã được lệnh đóng 1180 chiếc thuyền đi biển. Trước năm 1408, công việc được chuyển giao cho các bộ ở trung ương và Bộ Công (Ministry of Works) đã được lệnh đóng 48 chiếc “thuyền quý”(63).

Kích cỡ và số lượng thuyền đồng hành với các viên đô đốc hoạn quan trong các chuyến đi tới Đông Nam Á đã trở thành chủ đề gây tranh cãi. Tuy nhiên có vẻ chắc chắn rằng một vài chiếc trong số đó có chiều dài hơn 250 feet(64) (feet – số ít là foot, đơn vị đo độ dài của Anh, 1 foot = 0, 3048m – chú thích của người dịch). Mill gợi ý rằng: “Có vẻ có lý khi kết luận rằng con thuyền lớn nhất của Trịnh Hòa (Zheng He) có thể dài tới 300 feet,  rộng 150 feet và chiếm khối lượng nước khoảng 3100 tấn(65). Những con tàu này có khả năng chở kỵ binh và những thứ giống như téc nước. Các hạm đội di động khoảng từ 50 tới 100 chiếc thuyền và  tiến hành cuộc hành trình tới 2 năm. Các ghi chép chữ Hán thế kỉ 16 cho biết có 27.500 người  đã đồng hành trong các phái đoàn lớn nhất tới Tây Dương(66). Điểm quan trọng ở đây không nằm ở khía cạnh kĩ thuật của các hạm đội mà đơn giản nó lưu ý rằng chúng là các hạm đội khổng lồ lớn hơn bất cứ một hạm đội nào khác tồn tại trên thế giới ở vào khoảng thời gian đó. Các hạm đội này đã chết rất chậm. Một “lực lượng triều đình khám phá đất nước ngoài” (Hạ Bang Quan Quân) vẫn còn tồn tại và được dùng trong các chuyến đi ít nhất tới Champa vào năm 1453(67).

Để cho phép các hạm đội vĩ đại này băng qua Ấn Độ Dương tới Châu Phi, cần phải tạo ra các bưu trạm và đồn trú ở nơi ngày nay thuộc Đông Nam Á. Những cơ sở này được lập ra ở thành phố cảng Malacca và ở phía cực bắc eo biển Malacca tới Samudera. Eo Malacca có lẽ vẫn là thứ có giá trị sống còn trong thế kỉ 15 khi toàn bộ sự liên kết quốc tế phụ thuộc vào đường biển hơn cả bây giờ và kiểm soát đường thủy này là bước quan trọng đầu tiên trong việc kiểm soát khu vực. Nó cũng nói lên rằng nhà Minh  giúp đỡ sự trưởng thành của chính thể mới ở Mallacca và vì thế căn cứ được bảo vệ.  Bằng cách ấy mối quan hệ giữa Malacca và Minh được duy trì mật thiết trong phần lớn thế kỉ 15. Mức độ phát triển của thành phố cảng Malacca và thành phố cảng bắc Sumatran của Samudera, một sản phẩm của chính sách nhà Minh ở Đông Nam Á trong thế kỉ 15 cần phải được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.

Khía cạnh quân sự của những chuyến đi này cần phải được nhấn mạnh bởi vì các học giả của Trung Quốc hiện tại coi đây là “những chuyến đi hữu nghị”. Một tỉ lệ lớn những thành viên của các chuyến đi này là binh sĩ và trong tài liệu tham khảo Minh thực lục (Ming shi-lu) năm 1427 viết có “10.000 lính thiện chiến – những người đã từng được phái tới Tây Dương”(68). Điều này nói lên rằng một tỉ lệ lớn các thành viên của những hạm đội này là binh sĩ được huấn luyện tốt. Điều này rõ ràng nói rằng lực lượng như thế đã đóng vai trò đe dọa chủ yếu và rất hữu ích trong việc thúc đẩy những ông vua cứng đầu nước ngoài đi tới triều Minh. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm khác khi cần tới mối đe dọa khác ngoài quân đội và lịch sử các cuộc hành trình của Trịnh Hòa đầy ắp bạo lực bởi vì các đô đốc hoạn quan đã cố gắng thực thi cho được những yêu cầu của hoàng đế nhà Minh. Những hành động quân sự chính bao gồm:

 

Tấn công vào Old Port (1407)

 

Vào đầu thế kỉ 15, Old Port (Cựu Cảng) gần Palembang ở Sumatra đã trở thành nhà của một số lượng lớn người Hoa. Sau khi nó được nhà Minh để mắt tới vào năm 1405, nhà lãnh đạo địa phương Liang Dao-ming đã tới Trung Quốc. Năm 1407, Trịnh Hòa trở về từ chuyến đi lớn đầu tiên ra nước ngoài và mang về cùng một “hải tặc” có tên Chen Zu-yi bắt được ở Old Port kèm lời tấu rằng:  “y đã giả vờ đầu hàng nhưng bí mật âm mưu tấn công quân đội triều đình”(69).  Hạm đội nhà Minh báo cáo rằng đã có 5000 người bị giết với 10 chiếc thuyền bị đốt cháy và 7 chiếc bị bắt trong trận đánh. Sau đó vào cùng năm, nhà Minh công nhận nhà nước ở Old Port. Tuy nhiên,  do có số lượng lớn người Hoa sống ở đây bao gồm cả cựu binh sĩ và dân thường, những người từ Quảng Đông và Phúc Kiến sống ở đó cho nên ít ai nghĩ rằng đây là một quốc gia. Mà trái lại, nó được thừa nhận như là một “Truyền Úy sứ ty”, một khái niệm thường được dùng để chỉ những nhà nước không phải do người Hoa cai trị ở biên giới Trung Hoa. Người được chỉ định làm tổng quản-Shi Jin-qing- giống như những người được bổ nhiệm bởi Trịnh Hòa trở thành người cai trị địa phương thay cho nhà Minh(70). Trong thời gian Vĩnh Lạc  cai trị, Malacca đã tìm kiếm lãnh thổ của Old Port có lẽ là bởi vì nguồn gốc của nhưng người cai trị Malacca là ở Sumatra hoặc có thể đó là sự đe dọa. Cho dù là gì đi nữa thì yêu cầu được đưa ra theo gợi ý của nhà Minh đã nói lên rằng nhà Minh đã kiểm soát nhà nước đó ở mức độ nhất định. Các tài liệu tham khảo chữ Hán đương đại liên quan đến nhà nước này kết thúc năm 1430 ngụ ý rằng số phận của nó gắn chặt với sự tiếp tục có mặt của nhà Minh ở Đông Nam Á, thứ nói lên rằng các ông vua này thực sự đã trở thành công cụ của nhà Minh.

Bạo lực ở Java (1407) 

Năm 1407,  quân của Trịnh Hòa đổ bộ lên Java nơi đặt dưới chính thể của Majapahit, một trong những đối thủ cạnh tranh chính của nhà Minh trong việc giành quyền bá chủ khu vực biển Đông Nam Á. Trong một trận đánh tiếp theo, có khoảng 170 lính nhà Minh bị giết. Các ghi chép chữ Hán nói rằng lực lượng người Hoa “lên bờ để buôn bán”, “nơi vua phía Đông đã cai trị”, điều này gợi nhắc rằng người Hoa đã can dự có chủ ý hay không chủ ý vào cuộc nội chiến của người Java. Để đáp trả, nhà Minh  hối thúc vua phía Tây của Java (có lẽ là vua của Majapahit) bồi thường. “Ngay lập tức trả 60.000 lạng (liang)(72) vàng để bồi thường cho mạng sống của họ và để chuộc lại tội ác của các ngươi…Nếu không tuân theo sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài đưa quân tới trị tội các ngươi. Những gì xảy ra ở An Nam là một minh chứng”(73). Sự đe dọa ám chỉ nói trên là cuộc xâm lược của nhà Minh vào Đại Việt. Cách thức của quân đội các nước thực dân Châu Âu ở châu Á sau này: đòi bồi thường theo sau các hành động mạo hiểm của chính quân đội của họ có lẽ sẽ là sự so sánh hữu ích về chủ nghĩa cơ hội phong kiến.

Đe dọa Miến Điện (Burma) (1411) 

Trong những năm đầu cầm quyền, trong khi ganh đua với Ava-Burma nhằm tranh giành ảnh hưởng ở Vân Nam, Vĩnh Lạc đặc biệt quan tâm tới nhà nước Mu-bang (Hsenwi). Khi sứ thần của Mu-bang đến triều Minh vào năm 1409, theo như tường trình thì đã có những lời phàn nàn về Na-luo-ta, vua của Ava-Burma, lời đáp trả của Vĩnh Lạc có đoạn sau: “ Na-luo-ta, với mảnh đất đẹp đẽ của hắn, là kẻ ăn ở hai lòng và đang hành động sai trái. Ta đã biết điều đó từ lâu. Lý do mà ta chưa phái quân đội tới là vì ta e ngại rằng những người lương thiện sẽ bị thương.  Ta đã phái người đi cùng lời dạy bảo yêu cầu hắn  thay đổi con đường và làm lại từ đầu. Nếu hắn ta không thay đổi, ta sẽ lệnh cho các tướng lĩnh đưa quân tới. Quân đội sẽ tấn công từ đường biển và các ngươi có thể bố trí kị binh bản xứ tấn công từ trên bộ. Tên đê tiện đó sẽ không thể chống đỡ nổi”(75). Điều này ám chỉ lực lượng thủy quân đang ở trên biển phía tây dưới sự chỉ huy của đô đốc Trịnh Hòa, người cùng với Jing-hong và Hou Xian, những người đã được lệnh tiến hành nhiệm vụ khác ở biển tây. Sự đe dọa này của hoàng đế nhà Minh nhấn mạnh bản chất quân phiệt đầy hăm dọa của các cuộc hành trình trên biển.

Tấn công Srilanka (1411) 

Có lẽ sự kiện nói lên nhiều nhất về bản chất của các cuộc hành trình đường biển dưới sự chỉ huy của các viên hoạn quan là sự xâm lược quân sự vào Srilanka, bắt sống nhà vua và đưa ông ta về kinh đô của nhà Minh (nay là Nam Kinh) năm 1411. Nó xảy ra trong quá trình trở về của phái đoàn doTrịnh Hòa, người đã đưa quân Minh tới bờ biển phía tây của tiểu lục địa Ấn Độ bao gồm Quilon, Cochin và Calicut. Theo những tư liệu của nhà Minh, trong chuyến hành trình ra bên ngoài, vua Sri Lanka là Ya-lie-ku-nai-er (Alagakkonara)(76) đã “xấc xược và bất kính”, điều này có nghĩa rõ ràng rằng ông ta đã không công nhận sự  ưu việt của Minh và sứ thần của nhà Minh. Ông ta cũng được mô tả như một bạo chúa bản xứ – người đã “dụ dỗ” Trịnh Hòa trở lại hòn đảo vì thế mà Trịnh Hòa đã có thể cướp được chúng. Điều này, theo lịch sử chính thống của nhà Minh, là những thứ đã làm trỗi dậy sự thù địch khiến cho Trịnh Hòa xâm chiếm kinh đô bắt sống vua, tiêu diệt quân đội của ông ta và đưa vua cùng gia quyến về triều Minh(77). Cũng có một kịch bản tương tự ở Vân Nam, nhà Minh đã chỉ định ra một nhà vua bù nhìn thay thế cho người đã bị bắt cóc, và có lẽ ông ta đã đóng vai trò đem lại những lợi ích cho nhà Minh(78). Binh lính người Hoa – những người trở về từ cuộc viễn chinh tới Sri Lanka được trọng thưởng với mức độ và cách thức giống y như phần thưởng đã dành cho lực lượng xâm lược Đại Việt năm 1406 và điều này nói lên rằng mục đích của các đội quân đó là như nhau(79).

Tấn công và bắt sống Su-gan-la của Samudera (1415) 

Một ví dụ khác về mục đích và phương pháp của phái đoàn trên biển có thể thấy vào năm 1415 khi Su-gan-la, theo như ghi chép thì là “thủ lĩnh của những tên cướp Samudera”, bị Trịnh Hòa đưa tới Trung Quốc. Theo MInh thực lục (Ming shi-lu), Su-gan-la (Iskander?) đã âm mưu giết vua bản xứ là Zainuli Abidin, chiếm đoạt vương miện và tức giận vì sứ thần Trung Quốc đã không công nhận ông ta là nhà vua và không ban cho ông ta quà tặng. Do đó ông ta đã dẫn quân lính chống lại nhà Minh nhưng bị đánh bại và chạy trốn tới Lambri. Ông ta bị bắt tại đó cùng với vợ và các con và bị đưa về trừng phạt ở Trung Quốc bằng thuyền(80). Trong khi những sự kiện xảy ra trong năm 1414 và 1415 vẫn còn trong mờ mịt thì điều rõ ràng là Trịnh Hòa và quân đội của ông ta đã can dự vào một cuộc nội chiến ở bắc Sumatra ủng hộ phe thân nhà Minh và tham gia cuộc chiến chống lại phe kia. Một lần nữa, chúng ta thấy một ví dụ về sự viễn chinh bằng đường biển với vai trò chính của quân đội trong nỗ lực phô bày hòa bình kiểu Minh (pax Ming) ở vùng mà ngày nay được chúng ta biết tới là khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.

Những ví dụ bên trên gợi nhắc rằng những đội quân được phái ra nước ngoài trong thế kỉ 15 là nhằm tạo ra sự công nhận sự ưu việt của Minh từ tất cả các quốc gia khác trong thế giới biển mà nhà Minh biết tới. Những ai không công nhận uy quyền tối thượng của Minh đã trở thành mục tiêu của quân đội. Cũng không phải tất cả các quốc gia đều cần tới sự đe dọa bằng quân sự. Những lợi ích theo sau “nghĩa vụ triều cống” đã gợi nhắc một vài  nước gần như là vui vẻ thực thi triều cống và nhà  vua đích thân tới Trung Quốc.

Tuy nhiên, số lượng các vua Châu Á tới Trung Quốc bởi các phái đoàn  của Trịnh Hòa nói lên rằng đe dọa đã là một yếu tố quan trọng. Có rất ít ví dụ khác về những ông vua tới thăm các quốc gia khác trong Đông Nam Á trong thời kì này điều này nói lên rằng đã có một sức ép lớn đặt lên họ buộc họ phải tới triều Minh và bày tỏ tình trạng thuộc cấp trước hoàng đế Trung Hoa.

Các chính sách liên quan đến Đông Nam Á của Minh Tuyên Tông (Ming Xuan-zong/ Vương triều Tuyên Đức (Xuan-de) (1426-1435)

Sự cai trị của hoàng đế Tuyên Tông (Xuan-zong )được đánh dấu bằng quyết định duy trì kinh đô của nhà Minh ở Bắc Kinh(82) (Beijing) thay vì đưa nó trở lại Nam Kinh, có lẽ nó được gợi cảm hứng từ sự bình yên rõ ràng của biên giới phía bắc. Sự di chuyển kinh đô của nhà Minh có khả năng thể hiện sự di chuyển mối quan tâm và chú ý của nhà Minh ra xa hơn nữa khỏi khu vực các vương quốc Đông Nam Á. Charles Hucker phát biểu rằng hoàng đế Tuyên Tông đã “không có tham vọng nào đối với việc phiêu lưu bành trướng hay sự nghiệp mới đầy kịch tính. Trái lại, ông thiên về thắt chặt cơ cấu chính quyền và có lẽ hơn hết là làm dịu bớt nỗi đau khổ của mọi người”. Ông ta cố gắng làm theo đúng thể thức quản lý tư pháp và làm sống lại các chuyến  hành trình do các hoạn quan dẫn đầu vốn đã được hoàng đế Nhân Tông (Ren-zong) trước đó chấm dứt(84)và nó có lẽ đã gợi nhắc rằng những phái đoàn này có xu hướng giống như  những người tìm kiếm nguồn thu thuế.

Đại Việt 

Đối với phía nam thì vấn đề chính thuộc về Giao Chỉ tức Đại Việt bị chiếm đóng thứ thừa hưởng từ những hoàng đế đi trước. Chính hoàng đế Tuyên Tông đã quyết định chấm dứt sự can dự của nhà Minh vào Việt Nam khi nó trở nên rõ ràng rằng nhà Minh không thể duy trì được phí tổn quân sự  hay trấn áp được quân đội mà họ đang phải đối mặt. Bằng quyết định này của nhà Minh, tướng Lê Lợi của Việt Nam đã cử người đại diện của ông ta tới triều Minh vào năm 1427 để thương thuyết một mối quan hệ mới giữa người Việt và nhà Minh(85). Trong các cuộc thương thuyết kéo dài – thứ diễn ra vào những năm tiếp theo, người Việt phủ nhận  cầm tù bất cứ người Trung Hoa nào hay bắt giữ  vũ khí của họ và tuyên bố rằng tất cả các viên chức người Hoa và quân lính đã được gửi trả lại Trung Quốc. Cái tên An Nam được phục hồi như là cái tên tiếng Hán chính thức để chỉ chính thể này tuy nhiên vài năm sau thì nhà Minh đã công nhận “quốc gia” Đại Việt.

Sự phục hồi các phái đoàn do hoạn quan dẫn đầu 

Dưới triều vua này, các phái đoàn  do hoạn quan dẫn đầu đã được tái khởi động trong đó có chuyến đi do Trịnh Hòa chỉ huy đi tới duyên hải Châu Phi năm 1431-1433(87).  Để biết thêm chi tiết chính xác về nhiệm vụ này cùng với lịch trình, ngày tháng tới các cảng nước ngoài mời xem phần trích trong cuốn Qian-wen-ji của Zhu Yun-ming, do Mill dịch(88).

Chính sách Vân Nam 

Tại Vân Nam sự kiểm soát hành chính Trung Hoa được mở rộng trong thời gian tồn tại triều vua này với sự ra đời của các đồn cảnh sát ở các con đường ở Teng-chong và Wei-yuan trong năm 1433(89). Sự quản trị quân sự trước đó – đội quân Yong-chang – đã được đổi thành khu  Lư giang (Lu-jiang), một cơ quan dân sự trực thuộc Ủy ban quản trị tỉnh Vân Nam như thể sự kiểm soát của người Hoa đã được thống nhất. Trong cùng năm, nhà Minh “thành lập” cơ quan tối cao Dong-tang, bên trong lãnh thổ người Miến như một cố gắng nhằm chia tách lãnh thổ và sức mạnh của chính thể Ava-Burma(90). Các “cơ quan bản xứ” khác cũng được “thành lập” (được công nhận bởi nhà Minh) bao gồm cơ quan Niu-Wu ở  lãnh thổ Ha-ni/Akha(91). Tương tự như vậy, các trạm dịch cũng được lập ra để giúp cho mối liên lạc giữa triều đình nhà Minh với quân đội và các cơ quan cai trị dân sự trong vùng(92). Cùng vói việc đòi hỏi các ông vua của các chính thể trong khu vực Đông Nam Á phục tùng bằng những chuyến đi của thuyền chiến Trịnh Hòa, nhà Minh cũng gửi các sứ thần đi thực thi các nhiệm vụ khác với những yêu cầu được đưa ra với các chính thể  bao gồm cả chính thể lớn hơn là Vân Nam. Những nhiệm vụ như thế cũng được hỗ trợ bởi các viên hoạn quan được gửi tới các nước khác. Năm 1433, viên hoạn quan Yun Xian đã dẫn về triều đình sứ thần từ các chính thể ở Vân Nam như Mu-bang, Lu-chuan/Ping-mian, Ava-Burma, Meng-ding, Jing-dong và Wu-sa, Wei-yuan, Guang-yi, Zhen-kang, Wan Dian, Nan Dian Da-hou và Teng-chong cũng như Lu-jiang, Gan-yai, Cha-shan, Wa Dian, và Meng-lian(93). Những nhà nước này có dân số chiếm số đông là người Thái và các chính thể người Miến ở bắc Ayudhya và tây Lào

Chính sách liên quan đến Đông Nam Á của Ming Anh Tông (Ming Ying-zong) và Ming Đại Tông (Ming  Dai-zong)/ Triều vua Chính Thống (Zheng-tong), Cảnh Thái (Jing-tai ) và Thiên Thuận (Tian-shun )(1436-1464)

Ba triều đại nói trên được kết thành một trong tư liệu Minh thực lục (Ming shi-lu) dưới miếu hiệu Anh Tông (Ying-zong ) nói lên rằng hai triều đại của hoàng đế Anh Tông bị ngắt quãng bởi sự trị vì của Minh Đại Tông (Ming Dai-zong) do hậu quả của việc vua trước đó bị người Mông Cổ bắt một thời gian ngắn trong chiến dịch năm 1449(94). Điều đó thậm chí nhấn mạnh rằng biên giới phía bắc quan trọng như thế nào trong tâm trí của vua Minh trong giai đoạn này tuy nhiên nó cũng không thể ngăn trở nhà nước này can dự vào các hoạt động nhằm gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới lục địa Đông Nam Á. Chính biên giới Vân Nam đã trở thành tâm điểm của tương tác Minh – Đông Nam Á trong suốt 28 năm.

Tấn công quân sự vào các nhà nước “Vân Nam”

 

Ba cuộc tấn công nhằm vào nhà nước Tai Mao vốn được người Trung Hoa biết đến với cái tên Lu-chuan(95) kéo dài từ năm 1838 tới năm 1445 đã không được chú ý đúng mức trong những nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á. Tuy nhiên, chúng lại là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử Đông Nam Á dẫn đến kết quả làm tan vỡ ra từng mảnh  nhà nước lớn nhất này.

Nhà lãnh đạo Si Ren-fa của Tai Mao trong những năm 1430 đã cố gắng phục hồi lãnh thổ trước đó nằm trong tay cha ông là Si lun-fa nhưng nó đã bị tán nhỏ bởi các chính sách ngay từ sớm của nhà Minh. Ông ta đã có được sự kiểm soát đối với Gan-yai, Nan Dian, Teng-chong, Lư Giang (Lu-jiang) và Jin-chi vào trước năm 1438 khi triều đình cử các tướng lĩnh tới giúp đô đốc địa phương Mu Sheng đánh lại ông ta(96). Trong khi lực lượng người Hoa tuyên bố thành công bước đầu thì sau đó 50.000 lính từ khắp  nam Trung Quốc đã được động viên trong năm 1439 trong cuộc bành trướng lớn lần thứ nhất vào Lu-chuan(97). Khoảng năm 1440, người ta nói rằng 120.000 lính sẽ trở nên cần thiết nếu như Si Ren-fa giành được thắng lợi lần nữa(98). Điều này nói lên sức mạnh của nhà nước Mong Mao trong thời gian này. Năm 1441, triều đình nhà Minh ra lệnh mở một cuộc bành trướng nữa do tướng Jiang Gui và Wang Ji chỉ huy(99). Wang Ji đã dẫn 50.000 lính hướng về Shang Jian trên sông Salween trong năm đầu tiên và tuyên bố rằng quân ông ta đã chiếm được và phá hủy Lu-chuan vào năm 1442 nhưng Shi Ren-fa đã chạy thoát(100). Vào tháng 8 năm 1442, một cuộc bành trướng nữa được tiến hành nhắm vào Lu-chuan(101) và cả Wang Ji và Jiang Gui được tái triệu tập nắm vai trò chỉ huy. Năm 1444 cũng chứng kiến sự sụp đổ của Lu-chuan, căn cứ quyền lực của Si Ren-fa, giết chết Si Ren-fa và sự ra đời của Hội đồng bình định Long-chuan của nhà Minh (chắc chắn đây là lần đầu tiên sử dụng khái niệm Tuyên phủ ty trong lịch sử Trung Quốc) để thay thế một phần cho Lu-chuan. Một tù trưởng Lu-chuan cũ là Gong Xiang người đã chạy theo nhà Minh sau đó đã được chỉ định là người đứng đầu cơ quan này(102). Những chi tiết về các cuộc bành trướng quân sự này được cung cấp bởi Liew(103).

Một cuộc bành trướng quân sự nữa có ảnh hưởng lớn lao tới các nhà nước Đông Nam Á ở vùng cao đã được tiến hành vào năm 1448 để bắt Si Ji-fa, con của Si Ren-fa. Vào thời điểm tương đương với tháng 4 hoặc tháng 5 năm 1448, chỉ dụ của triều đình được chuyển tới Wang Ji lệnh cho ông ta bắt sống Si Ji-fa và các tù trưởng của Meng-yang(104). Các chính thể  đầu hàng như Ava-Burma, Mu-bang, Nan Dian, Gan-yai và Long-chuan cũng bị yêu cầu cung cấp binh lính tham gia đánh lại Si ji-fa(105). Những mệnh lệnh của triều đình đưa tới Wang Ji đã tiên đoán sự đổ vỡ do cuộc bành trướng tạo ra trong vùng. “Hắn (Si Ji-fa) có thể chạy trốn vào lãnh thổ Ava-Burma và sẽ được dân ở đây cất giấu. Nếu vậy, hãy bắt sống họ khi tình thế yêu cầu làm sao để người Di biết sợ và Đại Quân sẽ không bị rơi vào cảnh trống rỗng”(106). Trong khi Wang Ji báo cáo rằng cuộc tấn công vào khu vực phòng thủ của Si Ji-fa đã thành công(107) nhưng sau đó các ghi chép cho biết Wang Ji đã phải xoay xở như thế nào trong việc tìm kiếm lợi thế con người từ “các viên chức bản xứ” và ông ta đã bị đánh bại bởi Si Ji-fa như thế nào trên thực tế(108).

Năm 1454, một lần nữa lực lượng Trung Quốc lại được phái đi lần này là nhằm vào Si Ken-fa và những thủ lĩnh khác ở Meng-yang, những người đã tự lập ra vương triều và kình địch với những người mà nhà Minh chỉ định(109).

Sự bóc lột kinh tế ở Vân Nam

 

Việc tăng cường kiểm soát các chính thể phi Hán ở vùng Vân Nam đã đem lại cho nhà Minh cơ hội lớn hơn để đưa ra các đòi hỏi kinh tế vừa để tăng nguồn thu ngân khố nhà nước vừa có tiền chi trả cho khoản chiến phí khổng lồ trong những cuộc bành trướng đã đề cập bên trên. Điều này chắc chắn đã gây nên những ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội bị kiểm soát bởi những kẻ được nhà Minh thừa nhận. Năm 1447, thậm chí Li Guan người đứng đầu cơ quan cai trị ở Vân Nam cũng bày tỏ mối lo lắng về ảnh hưởng của chính sách bóc lột thứ nhà Minh thực thi bằng cách trực tiếp hay gián tiếp: “các viên chức địa phương đã được bổ nhiệm mà không có sự điều tra đầy đủ và họ đã bị thúc ép trong việc chi trả vàng và bạc thay thế cho lao dịch. Người Di đã phải cuống lên và điều này đã tạo ra kết quả là họ nuôi dưỡng sự căm giận và giết lẫn nhau…Người ta yêu cầu rằng những khoản chi trả có sự đồng ý rõ ràng bằng vàng, bạc phải được  hủy và rằng họ chỉ phải yêu cầu mang các sản phẩm của địa phương vào những thời điểm được điều chỉnh”(110).

Chúng tôi cũng đọc thấy trong năm 1949 các quan chức nhà Minh đã cho những người không phải là người Hoa vay tiền, dẫn dụ họ vào kinh tế tiền tệ  rồi sau đó lấy những cánh đồng và con cái họ thay cho món nợ họ phải trả như thế nào(111). Sự bóc lột trực tiếp khác đối với người dân trong vùng còn được thấy trong các tư liệu năm 1458 nơi ghi chép rằng vùng đất bao quanh Teng-chong, tiền đồn chính của người Hoa trong vùng, đã bị các quan chức người Hoa cưỡng đoạt và người dân bị chia thành các gia đình nông dân và phải chịu nghĩa vụ đóng thuế. Điều này khiến cho rất nhiều người dân chạy trốn khỏi vùng(112). Chúng ta có thể thấy ở đây những khía cạnh của quá trình thuộc địa hóa mà ở đó các chính thể phi Hán đã nhập vào các vùng của người Hoa.

Có được sự cân bằng giữa bóc lột kinh tế ở những vùng mới chiếm được hoặc là những vùng sáp nhập ở Vân Nam và gắng duy trì sự ổn định xã hội và kiểm soát các vùng này là điều mà nhà Minh và các cơ quan của nó tranh luận không dứt. Bất chấp những lời phàn nàn rằng sự ổn định xã hội đang đứng trước nguy cơ ở Vân Nam trong những năm 1440 do thuế má, Bộ Ngân Khố từ chối giảm mức đóng góp vàng bạc bị yêu cầu và cho rằng: “chúng là hệ thống cũ bắt đầu từ thời vua Hồng Vũ và rất khó để hủy bỏ chúng”(113) . Bằng chứng cho thấy các chính thể mới sáp nhập đã bị coi là nguồn ngân sách được nhấn mạnh bởi những sự kiện trong những năm 1460 khi diễn ra sự thiếu hụt vàng trong ngân khố trung ương và kết quả là thuế thu bằng bạc ở Vân Nam đã chuyển sang nộp bằng vàng. Chỉ sau khi quan chức Vân Nam khuyên ngăn rằng không có vàng ở Vân Nam chính sách này mới được điều chỉnh trở lại”(114).

Những đòi hỏi về vàng, bạc và ngựa – những thứ mà nhà Minh áp đặt lên các chính thể của người Thái ở Vân Nam đã không chỉ làm suy yếu các chính thể này mà còn khiến cho các chính thể này phải chấp nhận thêm các yêu sách khác của nhà Minh. Ví dụ trong những năm 1440, Mu-bang (Hsenwi, Theinni) dàn quân của mình giúp lực lượng người Hoa triển khai quân đánh Si Ren-fa và đổi lại là sự hủy bỏ một khoản nợ khổng lồ khoảng 14.000 lạng (liang) bạc đối với nhà nước Trung Hoa (thứ đã được nhà Minh đơn phương áp đặt). Năm 1448,  vàng, bạc, gạo, tiền giấy, bò, ngựa là món nợ thay cho lao dịch của tám tỉnh ở Vân nam cộng thêm Jin-chi, Teng-chong, Gan-yai, Nan Dian, Long-chuan, Che-li, Meng-yang, Mu-bang, Meng-ding, Meng-gen, Wei-yuan, Wan Dian, Zhen-kang và Da-hou, phần lớn là các chính thể người Thái trải rộng ngay dọc theo biên giới Đông Dương, đã được hủy bỏ và đổi lại bằng sự giúp sức về quân sự để phá hủy sức mạnh của chính thể Mong Mao của Lu-chuan(115).

Chính sách liên quan đến Đông Nam Á của Minh Hiếu Tông (Ming Xian-zong)/ Triều vua Thành Hóa  (1465-1487) 

Triều vua Thành Hóa (Cheng-hua) chứng kiến nhà Minh có can dự nặng nề trong các hành động quân sự ở trên nhiều vùng biên giới. Ở phía bắc, Vạn Lý Trường Thành (Great Wall) được mở rộng thêm 600 dặm ở Thiểm Tây (Shaan-xi) để chống lại người Mông Cổ trong khi đó cũng có những cuộc bành trướng quân sự lớn vào lãnh thổ Jurchen vào khoảng giữa các năm 1465 và 1479. Đối với phương nam, đã có hàng hoạt các hoạt động bành trướng bằng quân sự giữa các năm 1465 và 1472 nhằm vào các chính thể người Dao (Yao) mà ngày nay là Quảng Đông và Quảng Tây và trong các cuộc bành trướng này đã diễn ra các trận đánh đẫm máu nhất của thế kỉ(116).

Các cuộc bành trướng này đã bẻ gãy sống lưng của nhiều chính thể truyền thống và bằng phương cách tương tự các cuộc bành trướng nhằm vào Vân Nam trong những năm 1440 đã  phá hủy các chính thể và xã hội ở đây.

Chính sách đối với Vân Nam

 

Trong triều vua này, tại vùng Vân Nam đã có những cố gắng đồng hóa các nhà lãnh đạo không phải là người Hoa vào thứ quái thai tạo ra bởi người Hoa thông qua việc gửi những người thừa kế của các “cơ quản bản xứ” này tới học tại các trường Nho Giáo. Hoàng đế Hiến Tông (Xian-zong) đã nói ra điều này vào năm 1481 trong chỉ dụ các thuộc hạ ở Vân Nam như sau: “ các người cần dẫn dụ tất cả các cơ quan bản xứ cử người thừa kế của họ đi học, như là một phần thưởng mà bộ gợi ý. Bằng cách này, lề thói của man và mo(117) trong việc tranh giành sự kế ngôi sẽ dần mất đi mà ảnh hưởng văn minh với tính chính trực và đúng đắn của người Hoa sẽ vươn xa”(118).

Sự bóc lột kinh tế tại các chính thể ở vùng Vân Nam và trên thực tế là ở tất cả các vùng ở phía nam của nhà Minh trong suốt triều vua này đã thể hiện rất rõ trong bản tấu được trình lên hoàng đế năm 1476 bởi Shang Lu, người đứng đầu bộ phụ trách nhân sự. Ông ta tâu rằng: “trong những năm gần đây  Quảng Đông, Vân Nam và những nơi khác đã triều cống các loài cây tốt hiếm và chim quý,  thú lạ, ngọc trai, đá quý cùng đồ vàng bạc. Những thứ này không phải là từ tay những người cho mà luôn luôn được lấy từ người dân. Nếu chúng không thể lấy từ người dân, chúng sẽ được lấy  từ các cơ quan bản xứ và người Di. Để lấy được một vật triều cống phải mất đến 10 lần rắc rối”. Shang Lu đi tới ghi chép rằng Vân Nam rất gần với An Nam(119) và rằng các chính thể đặc biệt nghiêng về hướng nổi loạn, ngụ ý rằng có khả năng An Nam có thể sẽ có mối quan hệ đồng minh với các chính thể trong vùng do hậu quả của việc bóc lột kinh tế đối với họ dựa trên hệ thống của nhà Minh(120).

Đại Việt 

Đại Việt là chính thể gây sự quan ngại đặc biệt đối với  nhà Minh trong suốt triều vua Thành Hóa (Cheng-hua). Một bản tấu trình lên triều đình nhà Minh  năm 1481 bởi Chen Yue người đứng đầu Bộ Chiến tranh đã khái quát mối quan ngại  này như sau: “Nước An Nam cách xa về phía Tây Nam 10.000 dặm (1 dặm Trung Quốc tương đương 0.5km – chú thích của người dịch) và nó có đường biên giới với Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây. Dưới triều vua Vĩnh Lạc (1403-1424), quân triều đình đã chinh phục được nó và chia nó thành các quận huyện. Về sau các viên tướng đã mất quyền kiểm soát và nó lại trở lại cách thức ban đầu. Bây giờ nó lại đã trở thành ác quỷ và bằng quân đội nó đã tiến về phía Đông nuốt chửng Champa và ở phía tây thì sáp nhập Lào. Nó cũng đã đưa đến sự sụp đổ của Ba-bai, gửi sắc chỉ giả tới cơ quan bình định Che-li (Chiang Hung) và giết các sứ thần từ melaka. Chúng ta không thể không quan ngại điều này. Một vài năm trước, một vài người dân biên giới trở về từ An Nam và phàn nàn rằng những người trong quốc gia đó có xu hướng tấn công Vân Nam và họ chỉ từ bỏ khi có sự mắng mỏ của Thái hậu… Các sứ thần từ Champa cũng nói rằng An Nam đã chuẩn bị 3000 tàu chiến và có dự định tấn công Hải Nam (Hai-nan). Chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó”(121).

Cùng năm, ba  thượng thư cao tuổi đã xúi giục vua Chăm đang sống lưu vong chống lại Đại Việt và hứa hẹn giúp đỡ cũng như sẽ trả lại lãnh thổ Chăm sau khi chiếm được Đại Việt(122). Mục đích rõ ràng là muốn Đại Việt phải lo lắng tới biên giới phía Nam để giảm đi mối đe dọa đặt lên Trung Quốc. Tuy nhiên hoàng đế Hiến Tông (Xian-zong) không tán thành việc đưa nhà Minh can dự vào một cuộc chiến tranh mới ở phương Nam và không đưa ra hồi đáp nào đối với lá thư cảnh báo về ông vua người Việt.

Sự quan ngại khác về Đại Việt cũng thể hiện rõ trong một tấu trình khác của Bộ Ngân Khố năm 1482, thúc giục cấm việc buôn lậu đồng từ Vân Nam vào Việt Nam, thứ sẽ “giúp Giao Chỉ sản xuất vũ khí”(123). Những vũ khí này có lẽ là súng. Sun Laichen  đã viết rất bao quát về tầm quan trọng của súng đối với nhà nước của người Việt và sự mở rộng của nó xuống phía nam, phía tây và phía bắc trong thế kỉ 15 bằng công nghệ mà ông cho rằng nó đã được cung cấp thông qua sự chiếm đóng của nhà Minh trong phần đầu của thế kỉ(124).

Buôn bán đường biển tư nhân với Đông Nam Á 

Trong tư liệu Minh thực lục (Ming shi-lu) được ghi vào thời điểm tương đương ngày 4 tháng 1 năm 1485, chúng ta đọc được những dòng sau: “Khi 37 chiếc thuyền lớn – những chiếc đã có liên hệ với người nước ngoài cắm neo ở khu vực thuộc thẩm quyền của tỉnh Triều Châu (Chao-zhou) ở Quảng Đông, phó Khâm sai chịu trách nhiệm đánh lại hải tặc Nhật Bản Yao Ying và Phó khâm sai giám sát điều tra đường biển Zhao Hong cùng  phó khâm sai tuần tra biển Weng Yan đã chỉ huy quân lính truy đuổi chúng và chém được 85 cái đầu”(125).

Thực tế sự chạy trốn của 37 chiếc thuyền đang buôn bán ở bên ngoài Triều Châu và gần như là vào Đông Nam Á cho thấy ít nhất trong thời kỳ này và bất chấp những lệnh cấm chính thức, mậu dịch đường biển của các cá nhân người Hán với khu vực  vẫn sôi nổi  thậm chí hậu quả của những sự bắt giữ đôi lúc còn làm cho những người có liên quan thêm phấn khích.

“Dùng Di đánh Di” (Dĩ di công Di) 

Liên quan tới cuộc tiến công  của quân Trung Quốc vào Ava-Burma trong những năm 1440, nhà nước Trung Hoa giải thích rằng quân đội triều đình không thể thâm nhập sâu vào trong Burma do tình hình môi trường và khó khăn trong việc duy trì đường tiếp tế(143). Đây là câu trả lời cho những hạn chế của sức mạnh  triều đình trong lịch sử: Nhà Minh đã dùng rộng rãi những lực lượng quân đội của các chính thể không phải người Hán mà nhà Minh đã kiểm soát được hay có ảnh hưởng. Trong nỗ lực sáp nhập các chính thể của Vân Nam, thật tiện lợi (nhưng không phải lúc nào cũng thành công) khi dùng lực lượng bản xứ hơn là huy động và di chuyển lực lượng quân đội ở các vùng của người Hán.

Lịch sử của Vân Nam vào cuối thế kỉ 14 và suốt thế kỉ 15 đã lấp đầy những minh chứng như thế. Năm 1389, Si Lun-fa của Bai-yi (chính thể Mong Mao) bị nhà Minh yêu cầu truy đuổi và bắt sống các “quân phiến loạn” ở Vân Nam(144). Hai năm sau, hoàng đế Hồng Vũ thuê quân lính của Ba-bai (Lanna) tấn công Bai-yi(145). Khi nhà Minh có xu hướng tấn công Ava-Burma năm 1409, Mu-bang được lệnh chuẩn bị quân lính của mình cho cuộc tấn công trên bộ trong khi quân Minh tấn công từ trên biển(146). Mu-bang (Hsenwi) thường xuyên là một con tốt trong những mưu đồ Ming-Burma bởi vì nó nằm giữa và trở thành đối tượng yêu cầu của hai nước này.

Trong những cuộc viễn chinh chống lại Lu-chuan vào những năm 1430, những mệnh lệnh của triều đình được chuyển tới các tướng lĩnh viết rằng: “Dĩ Di công Di là một kế sách hay đã từng được người xưa dùng. Các ngươi hãy dùng nó:”. Đó chính là lý do tại sao vào năm 1438, nhà Minh chấp nhận “món quà” của Mu-bang và Da-hou để dàn 10.000 quân của họ tấn công Lu-chuan(147). Tiếp theo, trong những năm 1440, các chính thể của Mu-bang, Ava-Burma, Che-li, Ba-bai/Da-dian, Wei-yuan và Shi Dian được lệnh hợp nhất các cánh quân của họ và dẫn quân chống lại Si Ren-fa của Lu-chuan(148) trong khi các chính thể Wei-yuan và Shun-ning cũng được thưởng vì đã cung cấp sự giúp đỡ vể quân sự(149).

Một lần nữa vào năm 1447, khi Su Ji-fa tăng cường quyền lực ở Meng-yang, nhà Minh đã yêu cầu Ava-Burma và Mu-bang cung cấp binh lính để tấn công Meng-yang(150). Các báo cáo về sau cho biết 100.000 quân lính của Mu-bang và Ava-Burma đã tham dự vào việc san phẳng căn cứ của Si Ji-fa ở núi Gui-ku phía tây của Irrawaddy. Việc sử dụng “quân bản xứ” của nhà Minh không hề dịu đi trong thế  kỉ 16 và thời gian sau đó.

Chia để trị 

“Khi có sự bất đồng giữa Yi và Di(151), lợi ích sẽ thuộc về Trung Quốc”, đây là câu văn do Chen Yon-bin, khâm sai ở Vân Nam trong thập kỉ đầu của thế kỉ 17. Nhưng  nhận thức này đã trở thành một bộ phận của tư tưởng chính trị Trung Quốc suốt cả thiên niên kỉ và nó chắc chắn đã được đưa vào các chính sách của nhà Minh trong thế kỉ 15.

Mục đích của “chia để trị” sẽ đạt được bằng nhiều cách. Phương pháp chủ yếu là chia nhỏ các chính thể lớn thành các đơn vị nhỏ hơn, sau đó làm cho họ trở thành địch thủ của nhau và họ ít trở thành mối đe dọa đối với Trung Quốc. Đây là những gì đã xảy ra vào cuối thế kỉ 14 ngay khi giúp Si Lun-fa tái kiểm soát chính thể của mình ở Lu-chuan/Ping-mian (Mong Mao), các vua Minh đã chia lãnh thổ của nó thành Lua-chuan, Meng-yang, Mu-bang, Meng-ding, Lư Giang (Lu-jiang), Gan-yai, Da-hou và Wan Dian và đặt nó dưới sự cai trị của những ông vua khác nhau. (152). Và sự giải thích là: “những nhà nước xung quanh Lu-chuan đã có các ông vua của mình từ suốt thời xa xưa đến nay. Chúng chưa bao giờ được hợp nhất”(153). Sự quan ngại của giới quan liêu Trung Hoa cũng được tìm thấy trong bản tấu trình do viên quan Liu  Qui trình lên năm 1443, trong quá trình lập kế hoạch tấn công Lu-chuan. Ông ta viết rằng sau cuộc viễn chinh đánh Lu-chuan, “Ava-Burma sẽ được thưởng vì công trạng đã đạt được và sẽ tìm kiếm sự chia cắt đất đai của Lu-chuan giữa nó và Mu-bang. Nếu họ không được nhận họ sẽ oán giận trong khi nếu họ được nhận những vùng Yi này sẽ lớn mạnh cả về lãnh thổ lẫn dân số. Sức mạnh của họ sẽ tăng lên và sau đó người ta sẽ không thể kiếm soát được chúng. Trong khi loại bỏ một Lu-chuan, chúng ta sẽ tạo ra hai Lu-chuan khác”(154).

Các ví dụ khác còn rất nhiều. Một cố gắng của nhà Minh trong việc chia cắt quyền lực của các thực thể lớn ở miền nam được tìm thấy trong năm 1404 với những nỗ lực chia cắt Ba-bai/Da-dian (Lanna) thành Ba-bai/Da-dian (có lẽ là Chiang Mai) và Ba-bai/Zhen-nai (Chiang Rai)(155). Điều này cuối cùng không thành công bất chấp những cuộc tấn công có người Hán bảo trợ nhằm vào Lanna(156). Năm 1406, Thổ ty Meng-lian được lập như là một phương tiện làm suy giảm quyền lực của chính thể người Thái Meng-ding(157). Năm 1409, tỉnh hạt Zheng-kang được lập ra để làm suy giảm lãnh thổ của Wan Dian(158) trong khi một cố gắng tương tự do nhà Minh tiến hành nhằm chia tách chính thể người Thái Che-li (sau này là Sipsong Panna nằm ở trung tâm của Chiang Hung) thành Che-li và Che-li/Jing-an vào năm 1421 nhằm làm giảm quyền lực của nó và cho phép chỉ định các viên chức hành chính và quân sự người Hoa ở đây sau đó đã thành công nhưng chỉ tồn tại có một thập kỉ(159). Năm 1406 Thổ ty của Meng-lian được lập ra như là công cụ làm suy giảm quyền lực của chính thể người Thái ở Meng-ding(160). Sự thành lập của Thổ ty Meng-mian ở Jing-dong (Kengtung) – ngày nay là do nhà Minh tiến hành cũng làm suy yếu quyền lực của chính thể này.

Nhà Minh cũng thường ủng hộ các vị vua sẽ lên kế tục như là một sự mở rộng của chính sách chia để trị. Gong Xiang của chính thể người Thái Lu-chuan đã được ủng hộ trong những năm 1440 như là một cách để bẻ gẫy sức mạnh của Si Ren-fa và sau đó được cho cai trị ở chính thể mới được lập ra ở Long-chuan. Sau đó trong thế kỉ này, Zhao Sai, em trai của Si Ji-fa (con trai của Si Ren-fa) vua của chính thể Meng-yang đã được thuê vào làm ở Bộ phận may đồng phục của nhà Minh với hy vọng rằng  cuối cùng sẽ sử dụng ông ta đánh lại anh trai mình(161).

Nhiều ví dụ thú vị khác được tìm thấy ở các vương quốc trên biển đặc biệt ở trường hợp của Old Port/Palembang và Sri Lanka, nơi các nhà vua bị bắt đi hoặc bị thay thế. Những việc này đã được liệt kê chi tiết ở trên phần có liên quan đến triều vua Vĩnh Lạc ( Yong-le)

Những nỗ lực của nhà Minh nhằm chia cắt sức mạnh của các chính thể người Thái ở “Vân Nam” rộng lớn, nơi luôn luôn được hỗ trợ bằng sự đe dọa sử dụng lực lượng quân đội một cách ngấm ngầm hay công khai, đã tiếp tục trong suốt cả vương triều. Các lời hứa hẹn cũng được sử dụng nhưng hiếm khi được thực hiện. Ở vào thời điểm sau khi quân đội đánh bại Lu-chuan trong những năm 1440, Mu-bang (Hwensi) đã tìm kiếm phần lãnh thổ của Lu-chuan thứ mà hoàng đế nhà Minh đã hứa hẹn trước trận đánh, nhà Minh sợ rằng điều này sẽ làm gia tăng sức mạnh của Mu-bang nên đã khuyên giải rằng những người dân trong vùng Meng-sa, Ming-ying và Meng-meng trong lãnh thổ này đã tự lập ra các cơ quan của họ và vì vậy không còn đất để ban cho nữa(162). Lại nữa vào những năm 1490 với sự thất bại của Si lu và sự chiếm được lãnh thổ của Man-mo (Bhamo), nhà Minh đã “lập ra” trụ sở mới của Man-mo mà không trao nó cho những người đòi hỏi (Meng-mi hoặc Mu-bang) những người đã là công cụ trong sự chiếm đoạt đó(163).

Chính sách biển và triều cống/thương mại 

Để cố gắng đảm bảo sự độc quyền nhà nước trong mậu dịch biển, các vua Minh đã ban hành đi ban hành lại các lệnh cấm đối với buôn bán đường biển tư nhân. Nhiều lệnh cấm được ban hành trong suốt cuối thế kỉ 14 được trình bày chi tiết ở phần về triều vua Hồng Vũ ở trên. Sự thường xuyên của việc ban hành những chỉ dụ như thế ngụ ý rằng chúng nếu không bị phớt lờ thì chí ít cũng  được dân chúng xem nhẹ. Những ảnh hưởng mà các phái đoàn do các hoạn quan dẫn đầu ở một phần ba thế kỷ 15 đối với thương mại tư nhân chưa bao giờ được tiếp cận thực sự nhưng việc chúng kích thích mối liên hệ thương mại đường biển tư nhân với Đông Nam Á sau đó là điều không phải bàn cãi. Năm 1435, cùng với sự chấm dứt của các phái đoàn do các hoạn quan chỉ huy, các nỗ lực vẫn tiếp tục nhằm ngăn chặn những người ngoài cơ quan nhà nước ra nước ngoài. Trong năm đó, vào thời kì đầu của triều vua Chính Thống (Zheng-tong), Bộ Ngân Khố yêu cầu các hải cảng phải được canh gác để đảm bảo rằng những người ở vùng duyên hải không dính líu vào các hoạt động bên ngoài quốc gia(164).

Cho dù những lệnh cấm này có thực sự gây ảnh hưởng tới mậu dịch biển giữa nam Trung Quốc và Đông Nam Á hay không chúng cũng không xuất hiện rõ ràng ngay lập tức trong các văn bản của nhà Minh và có lẽ chỉ thông qua các nghiên cứu khảo cổ học mới có thể chắp nối lại, thông qua các bằng chứng về nguyên liệu, về dòng chảy thủy triều trong thương mại biển giữa Trung Quốc và Đông Nam Á trong suốt thế kỉ này.

Có một cố gắng nhỏ trong việc các tư liệu chính thống chữ Hán ẩn chứa bản chất thương mại cần thiết của hệ thống triều cống/thương mại trong thời kì này. Ba cố vấn cấp cao về thương mại biển được lập ra để xử lý các món hàng buôn bán – cả hàng hóa của nhà nước và hàng hóa thuộc về các sứ thần. Một vài sự trao đổi mậu dịch đó được miêu tả chi tiết trong các văn bản của nhà Minh. Ví dụ vào năm 1425, Arya Huang Fu-xin, một sứ thần người Hoa ở nước ngoài từ Java(165)đã được “ban thưởng” 159.050 ding tiền giấy. Nhận một phần thưởng khổng lồ như thế điều đó có nghĩa rằng đây là khoản tiền trả cho các hàng hóa thương mại(166). Thương mại tư nhân được tiến hành bởi các sứ thần cũng bị bỏ qua. Nó được ghi lại hiếm hoi vào năm 1427 rằng một sứ thần người Java tên là Aryu Xu-li-man(167) và những người khác đã cung cấp triều cống thay mặt cho chính họ và họ đã được ban thưởng để bù lại giá trị của chúng(168). Trong một lời làm chứng đặc biệt năm 1447, một sứ thần từ Xiêm đã mặc cả với các quan chức nhà Minh về giá cả của “bát đá” (có lẽ là khoáng nê-frit) thứ ông ta đã mang đến Trung Quốc. Ông ta đưa ra yêu cầu 250 guan tiền giấy cho mỗi jin nhưng rồi ông ta cũng chỉ được trả có 50 guan và bị nói rằng đừng mang tới nữa(169).

Nhưng lợi nhuận từ hệ thống triều cống/mậu dịch rõ ràng là tuyệt vời đối với những ai tới Trung Quốc mà cũng có lẽ vì thế mà nó đã khiến nhà Minh ban hành chỉ dụ yêu cầu các sứ thần chỉ được đến vào những dịp nhất định(170). Năm 1443, các quan chức của Quảng Đông phàn nàn rằng sứ thần từ Java đến quá thường xuyên và đưa ra những yêu cầu quá đáng đối với quan chức địa phương(171). Vào khoảng năm 1453 phái bộ lớn của người Java đã đưa ra nhiều yêu cầu đến độ chỉ dụ được ban ra yêu cầu họ chỉ cần gửi tới một chánh sứ, một phó sứ và một vài người theo hầu tới triều đình(172). Nhưng điều này không có nghĩa là chỉ có người Java nhìn thấy lợi nhuận. Ví dụ như vào năm 1478, sứ thần của An Nam đã bị cấm mang số lượng lớn hàng hóa buôn bán tới Trung Quốc(173). Vào khoảng năm 1501, những quy định mới cho phép các sứ thần triều cống người nước ngoài buôn bán chỉ trong 5 ngày với những thương nhân từ hai tỉnh gần Bắc Kinh, những người đã tấu trình rằng họ không biết những người Đông Nam Á muốn thứ gì. Theo như sự miêu tả chính thống thì quyết định này đã bị thay đổi(174). Sự sắp xếp được đặt ra ở nơi đầu tiên nói rằng hệ thống triều cống/mậu dịch không được các vua nhà Minh nhìn nhận như một khía cạnh kinh tế quan trọng đặc biệt  vào đầu thế kỉ 16.

Vào khoảng năm 1510, hệ thống triều cống/mậu dịch đã tách khỏi nhau khá rõ ràng, đi kèm với sứ bộ triều cống thông thường, một loạt các nhà buôn “vượt biển” (Phiếm biển thương khách) đã xuất hiện trong các bản tấu trình của các tỉnh miền duyên hải(175). Hệ quả tất yếu của sự phát triển này là thuế chiết khấu đã được đánh vào các thuyền buôn này. Tình huống trên biển mới vì vậy đã nổi lên đặc biệt là ở đội ngũ các nhà buôn người Hoa và các nhà buôn khác đi ra nước ngoài. Vào năm 1514, một bản tấu trình từ Quảng Đông viết rằng:

 Gần đây, chính phủ đã cho phép đánh thuế chiết khấu (đối với các thuyền và hàng hóa) và đã có buôn bán cởi mở. Điều này đã dẫn tới việc hàng ngàn người xấu xa đóng những chiếc thuyền lớn, tự ý mua súng, can dự vào nhưng hành động xấu xa trên biển, ngầm liên kết với rất nhiều người Di và đem lại nhiều điều có hại cho khu vực(176).

Tình hình buôn bán rộng mở này đã đánh dấu sự đối lập với các lệnh cấm trên biển(177) – thứ đã đóng vai trò là ba-ri-e cản trở thương mại trong phần lớn thế kỉ 15 và sự thay đổi rõ ràng đã đưa tới sự thúc đẩy thương mại tư nhân giữa Đông Nam Á và các hải cảng của nam Trung Hoa. Tuy nhiên những vấn đề xã hội nó mang đến vùng duyên hải đã dẫn tới kết quả là các quan chức địa phương tấu trình đi tấu trình lại phản đối nó và đề nghị  đưa việc buôn bán trở lại giới hạn trong phạm vi các phái bộ triều cống(178). Điều này dẫn tới sự ban hành các quy định mới của năm 1524 kiềm chế thương mại tư nhân của người Hoa với “người nước ngoài và Di” và đóng cửa các cơ quan tư vấn thương mại biển và trong năm 1530 đưa ra yêu cầu phá dỡ các tàu đi biển lớn(180).

Và cũng chính  vào thời gian “cửa sổ” này ở giữa cuối thế kỉ 15 và năm 1524 mà người Bồ Đào Nha lần đầu đặt chân đến Nam Trung Quốc và trước đó đã xâm chiếm Malacca. Sự kiện người Bồ Đào Nha đến đây có ý nghĩa quan trọng trong những mỗi liên hệ cuối cùng mà thương mại Trung Hoa phát triển hoàn hảo(181).

Sự bùng nổ của thương mại tư nhân trong đầu thế kỉ 16 cũng gợi nhắc rằng sự thay đổi mà Hamashita(182) nhìn thấy xảy ra dưới nhà Thanh, nhờ đó giống như là kết quả của việc chống lại chính sách triều cống/mậu dịch, nhà nước Trung Hoa “đã buộc phải chuyển từ vai trò buôn bán thương mại độc quyền thành người thu thuế”, đã diễn ra vào cuối thế kỉ 15 và đầu thế kỉ 16.

Sự bóc lột kinh tế. 

Như đã từng nói tới trong phần nghiên cứu biên niên nói trên,  những yêu sách về kinh tế và các yêu cầu khác mà nhà Minh đặt ra đối với các chính thể và thuộc địa ở biên giới đã được điều chỉnh đảm bảo có đủ tích lũy trong vùng để có thể kiềm chế sự tăng lên quá mức sức mạnh của hệ thống cai trị địa phương và cũng đảm bảo không kích động sự nổi loạn của người dân trong chính thể đó. Những  chính thể “mới gắn vào” được coi như kẻ cung cấp vàng, bạc và những đồ giá trị khác như ngọc trai, đá quý, lao dịch, ngựa, binh lính và những thứ khác.

Tách rời khỏi sự bóc lột kinh tế cấp độ nhà nước trong việc thu thuế bằng bạc, yêu cầu binh dịch và những đòi hỏi khác, các chính thể Vân Nam, giống như các quốc gia trên biển và Đại Việt đã phải đối phó với sự chiếm đoạt làm của riêng do những viên hoạn quan được triều đình bổ nhiệm tiến hành. Đôi khi, sự quá đà của họ cũng làm cho chính quyền trung ương khó chịu. Ví dụ vào năm 1429, hai hoạn quan là Vân Tiên (Yun Xian) và Thừa Lượng (Xu Liang) đã bị triệu hồi về từ Vân Nam nơi họ được phái tới với tư cách là sứ thần bởi vì “những người này đã liên tục tạo ra sự ghen tị, căm tức và cả hai đều xúi giục các quan chức địa phương tham gia vào những việc thù hận, chém giết và ngăn trở, phá rối các sứ thần khác”(183). Vào cuối những năm 1420, hoạn quan Mã Kì (Ma Qi) đã bị buộc tội ngược đãi người dân ở Giao Chỉ dẫn đến sự phản loạn và sự nổi dậy của Lê Lợi(184). Việc  rút các “hoạn quan phụ trách thu vàng, bạc” từ Mu-bang (Hwensi) về giữa những năm 1430(185)(cùng thời gian các chuyến đi do các hoạn quan chỉ huy cũng khép lại) dường như diễn tả rằng cho tới thời gian đó chính quyền đã chỉ định các viên chức trung ương quản lí việc thu thập vàng, bạc ở các thuộc địa biên giới. Tuy nhiên, sự kéo lùi này chỉ là tạm thời.

Hiện tượng  bóc lột kinh tế tàn tệ được tiến hành bởi các viên hoạn quan đã tiếp tục tồn tại trong suốt cả thế kỉ, với bản tấu trình do quan thanh tra địa phương Vân Nam  trình lên năm 1499 buộc tội Cát Khánh (Ji Qing), viên hoạn quan phòng thủ  Jin-chi về tội thu thế nặng quá mức, khiến cho người Yi phải chạy trốn, nuôi quân đội riêng,  bán các đội quân đã được huấn luyện và nói chung là một loạt các hoạt động tham lam và bất chính khác(186). Thêm nữa vào đầu thế kỉ 16, Tôn An (Sun An), viên hoạn quan làm tổng quản cho Jin-chi/Teng-chong,  tiền đồn chính ở nơi xa xôi của người Hán ở Vân Nam đã được lệnh “ thu thập các thứ lạ và tốt, vàng, bạc, ngọc trai và những thứ khác. Hồ sơ về sự bóc lột kinh tế tàn tệ của các hoạn quan còn tiếp tục trong cả thế kỉ 16.

Cho dù có sự thay đổi của vùng đi chăng nữa thì có thể thấy rõ chính sách rõ ràng của nhà minh trong việc bóc lột kinh tế đối với các chính thể ở biên giới với những đòi hỏi ngày một tăng tiến. Sau những liên lạc ban đầu thông qua chiến tranh hay đe dọa, nhà Minh đưa ra những khoản tiền bồi thường  hay các khoản chi trả lớn khác. Điều này sau đó đã được hệ thống hóa thành sự chi trả thường xuyên bằng vàng hay bạc “thay cho lao dịch” mà theo sau là sự chỉ định hoặc công nhận của Trung Quốc đối với người cai trị ở địa phương đó. Đồng thời, người dân ở trong vùng bị lôi kéo vào nền kinh tế Trung Quốc. Khi quá trình này tiến triển thích đáng, thuế thân hay thuế đánh theo hộ gia đình, thuế thương mại được đặt ra. Mục đích của quá trình này nhằm làm suy giảm sự độc lập của người cai trị chính thể địa phương và cung cấp các công cụ kinh tế mà nhờ đó nhà nước Trung Quốc có thể đáp ứng được chi phí quản lý của nó ở những vùng này đang ngày một tăng lên. Trong thế kỉ 15 chúng ta thấy nhà Minh đã theo đuổi những chính sách này ở các chính thể mà nó đã đánh bại hoặc khuất phục bằng sự đe dọa ở Vân Nam và cả ở Đại Việt, nơi nhà Minh đã có được trong một thời gian.

Chính sách xui khiến ( thuyết phục) con người.

Giống như trong vài sự nghiệp( công trình)  thực dân  khác, sự mở rộng của nhà nước Trung Hoa vào Vân Nam và Việt Nam được song hành cùng với dòng chảy người Hán vào những vùng trước đây không nằm dưới sự chiếm đóng của người Hán. Đôi khi sự di chuyển này là không cố ý, ví dụ như vào năm 1439, khi những tên tội phạm người Hán-những kẻ không có khả năng chuộc tội bằng gạo đã được đưa tới các vùng ở Vân Nam(188).

Những chính sách khác thứ đã khuyến khích sự di chuyển của người Hán tới những vùng mới bị chiếm đóng bao gồm sự thành lập của các đồn điền và các nông trang quân sự (quân điền). Một trong những yếu tố giới hạn sự bành trướng của nhà Minh là lượng ngũ cốc dự trữ dùng để nuôi binh lính và sau đó là các viên chức và những người định cư. Các quân điền và đồn điền được lập ra nhằm cung cấp nguồn ngũ cốc này. Năm 1426, trong những năm cuối Minh chiếm đóng Đại Việt, có ít nhất 8000 “lính bản xứ” ( Thổ quân) từ 9 đội quân ở Giao Chỉ (Jiao-zhi) được đưa vào làm việc trong các quân điền(189). Trong khi việc mở những nông trại như vậy ở Vân Nam dễ được nhận ra trong suốt vương triều, những năm 1490 chứng kiến sự nổi lên đầy ấn tượng của chúng dưới sự chỉ huy của các viên đô đốc mới(190). Thậm chí vào cuối thế kỉ 16, nhà Minh đã lập kế hoạch di chuyển sâu hơn xuống phía Nam trong đó có ghi rằng “Khi 6 zhao (ngụ ý nói tới ty bình định) được bình định,  đèo Ba-xiong sẽ bị chọc thủng và hàng ngàn dặm đất sẽ được mở ra với 10.000 đồn điền”(191).

Cùng với sự mở rộng phạm vi bộ máy nhà nước Trung Hoa và những vùng do người Hán sinh sống còn có một hành động khác, thứ được gọi là hệ thống kai-zong ( Khai trung)(192). Hệ thống này có liên quan tới việc bán độc quyền muối của nhà nước cho các thương nhân để lấy ngũ cốc và các thương nhân được yêu cầu chở chúng tới những vùng nơi binh lính biên giới  đang đóng quân. Hệ thống này được đặt ra ở Vân Nam trong thời vua Hồng Vũ (Hong-wu) (1368-1398) để nuôi lực lượng quân Minh được phái tới chiếm đóng vùng này. Trong những năm 1420, bằng việc nhà Minh chiếm Việt Nam, các thương nhân thích bán ngũ cốc của họ cho quân lính ở Việt Nam hơn là tiếp tục cung cấp cho Vân Nam(193). Trong những năm 1430, hệ thống này đã rất thịnh hành ở Da-li và Jin-chi tại Vân Nam để cung ứng cho lực lượng chống lại Si Ren-fa của Lu-chuan. Nó vẫn tiếp tục được sử dụng trong năm 1445 để nuôi những người xây dựng thành phố có thành bao quanh ở Teng-chong, một tiền đồn mới của người Hán ở Vân Nam(194). Một cuộc bành trướng đánh Si Die của nhà nước Thái ở Meng-mi (Mongmit) năm 1493 đã tạo ra sự tái du nhập hệ thống này ở trong vùng(195).

Hệ thống đã đóng một vai trò lớn trong việc bành trướng của nhà nước Trung Hoa, trước hết là nuôi binh lính những người tham gia các hoạt động quân sự nhằm phục vụ mục đích bành trướng của nhà Minh và thứ hai là trên thực tế nhiều thương nhân thay vì vận chuyển ngũ cốc tới những nơi xa xôi đã lập ra các nông trang của chính họ với các lao động được thuê mướn từ các vùng biên giới và trồng các ngũ cốc địa phương sau đó bán lấy muối. Nó cũng góp phần khuyến khích sự định cư của người Hán ở những vùng này, và một khi hệ thống Kai-zong không còn nữa, các đồn điền và người lao động sẽ được duy trì thường xuyên và sau đó các vùng này với các cư dân người Hán sẽ nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước Trung Hoa(196)

Sự tăng trưởng số lượng Hán sinh sống ở khu vực biển Đông Nam Á trong thế kỉ 15 là kết quả của những nhân tố nhà nước và nhân tố phi nhà nước.  Chúng ta đọc thấy các thành viên của phái đoàn người Hán chạy trốn tới Căm-pu-chia vào năm 1404(197) và không có lý do gì để cho rằng trong số 10 ngàn binh lính và thủy thủ đó những ai là người đi cùng với những phái đoàn do các viên hoạn quan dẫn đầu tới Đông Nam Á và ai là những người chạy trốn tới đó hay ai là những ở lại đó đơn giản vì đắm tàu hay mỗi khi tàu ghé lại cảng. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, cũng có rất nhiều các hoạt động thương mại tư nhân với Đông Nam Á trên biển trong thế kỉ 15 cũng như những báo cáo về những cộng đồng người Hoa lớn ở Palembang ở Sumatra, tại Tuban và Gerisik ở Java và ở Malacca và Ayudhya, một vài trong số các cộng đồng này có khả năng bắt nguồn từ những hoạt động thương mại như thế trong thế kỉ 15 hoặc là sớm hơn(198).

Những ảnh hưởng nói chung (khái quát) của chính sách đối với Đông Nam Á thế kỉ 15 của nhà Minh.

Để khép lại bài báo này, một vài bình luận ngắn có lẽ sẽ trở nên cần thiết ở các vùng( lĩnh vực) đặc biệt nơi chính sách nhà Minh đã ảnh hưởng tới Đông Nam Á trong thế kỉ 15. Đây không phải là sự phân tích các ảnh hưởng của nhà Minh đối với khu vực mà đơn giản chỉ là các ghi chép về lĩnh vực đó thứ cần được tập trung nghiên cứu sâu hơn.

Những thay đổi ở Địa hình chính trị Đông Nam Á-Vân Nam

Như đã đề cập chi tiết trong các phần ở trên, nhà Minh đã thúc bách các chính thể người Thái của “Vân Nam” và chính sách chia để trị đã được theo đuổi trong suốt thế kỉ 15 và hiển nhiên đóng một vai trò quan trọng trong việc xé nhỏ quyền lực người Thái. Sự đổ vỡ của chính thể Mong Mao vào cuối thể kỉ 14 và một lần nữa vào giữa thế kỉ 15 đã làm gián đoạn sự vươn lên của một chính thể thứ có thể đã đóng vai trò tương tự như Sukhothai hay Lan-xang đối với các chính thể Thái ở vùng cao(199) . Sự khởi đầu của việc chuyển đổi một số lượng lớn của các chính thể ở vùng cao Đông Nam Á thành các đơn vị do người Hán cai trị(200) là một trong những đặc điểm chính ghi dấu lịch sử của Đông Nam Á trong thế kỉ 15. Sự suy sụp và phá hủy dần dần của các chính thể Thái khổng lồ như chính thể Mong Mao không nghi ngờ gì nữa đã thay đổi lớn lao tiến trình (hướng/dòng chảy) của lịch sử Đông Nam Á lục địa.

Trong lịch sử không có sự “giá như” nhưng sự phá hủy của một trong những chính thể Thái lớn và sự hấp thụ lãnh thổ cũng như dân cư vào nhà nước Trung Hoa chắc chắn đã tạo ra một cấu trúc chính trị, xã hội mới ở Đông Dương phía nam sông Dương Tử (Yangtze).

Những thay đổi ở Việt Nam và Cham-pa 

Sự xâm lược và chiếm đóng Đại Việt của nhà Minh đã có ảnh hưởng lớn tới Đông Nam Á lục địa. Bằng việc mở rộng biên giới của tỉnh mới của mình là Giao Chỉ đặc biệt là về phía Nam, trong một phần tư thế kỉ kiểm soát, nhà Minh đã để lại cho Đại Việt thứ được sống lại vào cuối những năm 1420 với một chính thể rộng lớn hơn nó đã từng trước đó. Những kĩ thuật mới, công cung cụ cai trị mới và các nhân tố khác du nhập bởi nhà Minh trong cuộc xâm lược cũng góp phần giúp cho nhà Lê có năng lực mở rộng biên giới của minh trong thế kỉ tiếp theo, cho phép nó tiêu diệt chính thể Chăm và sáp nhập cả lãnh thổ Champa và lãnh thổ Lào.

Thay đổi ở Malacca và Samudera. 

Sự kiểm soát mà nhà Minh thực thi ở eo Malacca thông qua các căn cứ quân sự tại mũi eo trong một phần ba thế kỉ 15 cũng tạo ra ảnh hưởng to lớn tới bản đồ chính trị của vùng. Sự hậu thuẫn của nhà Minh đối với Malacca được nhấn mạnh với những đi lặp đi lặp lại tới Trung Quốc của các ông vua Malacca hầu như chắc chắn đã cho phép nhà Minh đặt căn cứ ở đây. Dường như có một sự đồng thuận nói chung trong các học giả khi cho rằng sự trỗi dậy nhanh chóng của Malacca trong thế kỉ 15 có một phần là nhờ vào mối quan hệ gần gũi với nhà Minh.

Mối quan hệ giữa nhà Minh với Samudra không mấy rõ ràng từ các nguồn tư liệu nhưng những sự thực như nhà Minh có một căn cứ quan trọng trên hòn đảo gần ngay duyên hải Samudran, các sứ thần Samudran thường tới triều Minh, quân Minh có mặt ở đây để tham dự cuộc chiến để ủng hộ Zainuli Abidin, vua Samudra đã nói lên rằng sự hậu thuẫn của nhà Minh cũng rất quan trọng đối với sự tồn tại của chính thể này ít nhất là trong một phần ba thế kỉ 15.

Sự thay đổi trong bản đồ chính trị Đông Nam Á – Sự  suy giảm ảnh hưởng của Majapahit.

Sự nổi lên của Minh như là một diễn viên chính trị chính ở thế giới Đông Nam Á trên biển vào đầu thế kỉ 15 đã có ảnh hưởng tới  khả năng của Majapahit(201) trong việc tiếp tục sự làm chủ của nó đối với đế chế rộng lớn. Sự hiện diện của nhà Minh, với sự chia cắt Javavà cuộc nội chiến ghi dấu ấn vào đầu thế kỉ 15 trên hòn đảo này(202), không còn nghi ngờ gì nữa đã có ảnh hưởng tới Sumatra, bán đảo Malay, Bru-nây và vùng ngày nay là phía nam Philippines.

Thay đổi trên bản đồ kinh tế Đông Nam Á-Mạng lưới kinh tế mới 

Những chính sách mà nhà Minh theo đuổi đã ảnh hưởng tới kinh tế Đông Nam một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trong thế kỉ 15 có thể phân thành một số lĩnh vực sau:

Nhà Minh đã duy trì trên danh nghĩa  mối quan hệ “mậu dịch độc quyền của triều đình”(203) với các chính thể/nền kinh tế ở Đông Nam Á như Annam, Cam-pu-chia, Champa, Java, Malacca, Palembang, Samudera và Xiêm(204)cũng như với chủ nhân của các chính thể/nền kinh tế nhỏ hơn. Thêm nữa, những chuyến đi do các viên hoạn quan dẫn đầu trong một ba thế kỉ ( cũng như những người không phải nhà nước đã duy trì buôn bán từ Trung Quốc tới Đông Nam Á và ngược lại trong phần lớn thế kỉ 15), có nghĩa rằng những hàng hóa của Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Độ do Trung Quốc đòi hỏi chắc chắn đã được mua với một số lượng lớn trong thế kỉ này. Ví dụ vào năm 1390, 171.000 (hơn 100 tấn)(205) hương liệu đã được chuyến tới kinh đô Trung Hoa bởi các sứ thần từ Xiêm (Siam). Ảnh hưởng mà những đòi hỏi thương mại độc quyền đưa ra đối với các nhà cai trị Đông Nam Á trên phương diện mô hình, phạm vi và hệ thống kinh tế là vấn đề có lẽ cần phải được xem xét sâu hơn. Việc có được đồ sứ , lụa và các đồng tiền Trung Quốc của các nhà cai trị Đông Nam Á thông qua việc buôn bán này cũng có thể đã tạo ra khả năng giúp họ duy trì mạng lưới kinh tế địa phương có lợi cho chính họ.

Thay đổi trên bản đồ kinh tế Đông Nam Á-Sự nổi lên của các cảng mậu dịch mới.

Sự phát triển rõ rệt của mậu dịch biển trong suốt thế kỉ cũng thúc đẩy sự nổi lên của các cảng mới. Malacca với tư cách như là một tiền đồn thương mại đã được đề cập trước đó. Reid(207)cũng viết về sự nổi lên của các chính thể-cảng như là kết quả của “sự cất cánh thương mại xung quanh năm 1400” và  sự trăng trưởng trong thương mại trong sự khởi đầu của “kỉ nguyên thương mại” và sự tăng tiến của quá trình đô thị hóa thứ diễn ra tiếp sau đó ở những thành phố cảng này. Sự trỗi dậy của các cảng ở bắc Java là điểm đặc biệt đáng chú ý trong xu hướng này(208)

 


 

Chú thích:

(1)  Để biết thêm chi tiết về  di sản để lại của nhà Nguyên và sự thành lập của nhà Minh xin xem F.W. Mote, Imperial China 900-1800, Cambridge Mass., Havard University Press, 1999, pp.517-583;  F.W.Mote, “The Rise of the Ming Dynasty 1330-1367” trong cuốn Cambride History of China.

(2)  Chu Nguyên Chương đã  kiểm soát Kai-feng, tên cũ của kinh đô Song (Song capital) và nơi sinh của Feng-Yang (Hao-zhou),  cũng như Trường An, kinh đô của Hán, Đường và các kinh đô tiềm năng khác. Tuy nhiên cuối cùng ông ta chọn Ying-tian (nay là Nam Kinh) có lẽ bởi vì nó cách xa  khu trung tâm của người Mông Cổ.

(3)  Có thể tham khảo một số luận văn của các học giả có tên tuổi của nước ngoài viết về mối quan hệ đối ngoại của các vương triều Trung Hoa như  J.K. Fairbank (biên soạn), The Chinese World Order: Traditional China’s Foreign Relations, Cambrige, Massachussetts, 1968; Moriss Rossabi (biên soạn) China Among Equals: The Middle Kingdom and Its Neighbors 10th-14thCenturies; and Mark Mancall (biên soạn), China at the Center: 300 Years of Foreign Policy(Transformation of Modern China series) New York, Free Press, 1984.

 

(4) Minh Hiến Tôn thực  lục (Ming  Xian-zong  shi-lu), quyển 229.4a và Vũ Tông thực  lục (Wu-zong shi-lu), quyển   2.19a.

(5) Chen Ching-ho, (Đại Việt Sử Kí toàn thư), Tokyo, 1985-86. Xem trang 635 và 641.

(6)  Các tác phẩm của Wang Gung Wu, J.V.G. Mills, Oliver Wolters, Roderich Ptak và Sun Laichen rất nổi tiếng trong lĩnh vực này bao gồm: “ The Opening of Relations between China and Malacca” trong cuốn do J.S Bastin và R. Roolvink  biên soạn có tên “Malayan and Indonesian Studies: Essays Presented to SirRichard Winstedt, London, trang 87-104; “Early Ming relations with Southeast Asia: A Background Essay, In Fairbank, The Chinese World Order, “The First Three Rulers of Malacca” trong tạp chí Journal of theRoyal Asiatic Society Malaysian Baranch, số 41 (1968) trang 11-12 và “China and Southeast Asia 1402-24@ trong J.Chen và N. Tarling ( biên soạn)  Social History of China and Southeast Asia, Cambride 1970, trang 375-402; J.V.G Mill’ Ma Huan, Ying-yai Sen-lan, “The Overall Survey of the Ocean’s Shores” (1433), Cambridge University Press for the Hakluyt Society, Extra Series No. XLII, 1970; bài “Chinese Navigators in Insulinde about A.D.1500” trong Archipel 18 (1979), trang 69-93; cuốn The Fall or Srivijaya in Malay History, Ithaca, Cornell University Press, 1970; các tiểu luận của Roderich Ptak tập hợp trong China and the Asian Seas: Trade, Travel, and Visions of the Other (1400-1750), Ashgate, ( tuyên tập nghiên cứu, 638), 1998 và  China’s Seaborne: Trade with South and Southeast Asia1200-1750, Ashgate ( tuyển tập nghiên cứu, 640), 1999, Fei Hsin Hsing-cha’a sheng-lan: The overall Survey of the Star Raft do J.VG. Mill dịch, Roderich Ptak, Harrassowitz Verlag biên tập, chú thích, hiệu đính, Wiesbaden 1996; bài viết  “Chinese Military Technology and Dai Viet: c.1390-1497” trong cuốn Viet Nam: Borderless Histories do Nhung Tuyết Trần và Anthony Reid  biên soạn ( Madison, Wisconsin: University of Wisconsin Press); bài “ Military Technology Transfer from Ming China and the Emergence of Northern Mainland Southeast Asia (c.1390-1527) trong tạp chí Journal of Southeast Asian Sdudies số 34 ( tháng 10 năm 2003) và “Chinese Military Technology and Dai  Viet: c.1390-1497,  Luận văn điện tử của Viện Nghiên cứu Châu Á số 11 ( tháng 9 năm 2003), http://www.ari.nus.edu.sg/docs/wps/wps03_011.pdf

(7) Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  218. 1a.

(8) Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  225. 11a-b

(9) Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  306.5a-b

(10) Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  306.5a-b

(11) Hiến Tông thực lục (Xian-zong shi-lu),  quyển 181.2a-b.

(12)  Watanabe Hiroshi, “ An Idex of Embassies and Tribute Missions from Islamic Countries to Ming China (1368-1466) as Recorded in Ming shih-lu, Classified According to Geogaraphic Area” trong Memoirs of the Research Department of the Tokyo Bunko, số 33 (1975), trang 285-347.

(13)  Thái Tổ thực lục (Tai-zu shi-lu),  quyển  68. 4a-b.

(14)  Thái Tổ thực lục (Tai-zu  shi-lu), quyển 39.1b.  Tài liệu tham khảo khác về Vân Nam với tư cách là một quốc gia có thể tìm thấy tại  Thái Tổ thực lục (Tai-zu shi-lu), quyển  53.9a-b.

(15) Thái Tổ thực lục (Tai-zu shi-lu), quyển  138.5a-b.

 

(16) Thái Tổ thực lục (Tai-zu shi-lu), quyển 189. 14b-16a.

(17)  Thái Tổ thực lục (Tai-zu shi-lu), quyển  198.2a-b.

(18) Thái Tổ thực lục (Tai-zu shi-lu), quyển  255.2a-b và 255.8a-b

(19) Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  15.2a và 16.3a.

(20)  Thái Tổ thực lục (Tai-zu shi-lu), quyển 172.5b

(21)  Thái Tổ thực lục (Tai-zu shi-lu), quyển  190.3b

(22)  Đơn vị đo khối lượng của người Trung Quốc, thường được coi là một “Ao-xơ Trung Quốc”. Trong thời Minh, nó tương đương khoảng 37 gram.

(23)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 17.6a

(24)  Năm 1384, người ta nói rằng các hàng hóa mang tới bởi sứ thần thực thi triều cống không bị đánh thuế. Xem Thái Tổ thực lục (Tai-zu shi-lu), quyển  158.5.

(25)  Có vẻ như sự thất bại của sứ thần Champa năm 1379 đã châm ngòi cho vụ điều tra Hu Wei-Yong và thuộc hạ. Vụ việc đã đẩy ông ta vào tù và cuối cùng bị xử tử cùng với 15.000 người khác. Để biết thêm chi tiết mời xem phần viết về Hu Wei-Yong trong cuốn sách Dictionary of Ming Biography của L.Carrington Goodrich và Chaoying Feng, New York, Columbia University Press, 1976, trang 638-641.  Đồng thời xem thêm The Cambride History of China – Volume 7: The Ming Dynasty 1368-1644 Part 1, trang 155, 162-164 của Frederich W.Mote và Denis Twitchett.

(26)  O.W.Wolters, The Fall of Srivijaya in Malay History, Oxford, OUP, 1970, trang 68-70.

(27)  Thái Tổ thực lục (Tai-zu shi-lu), quyển  70.3b

(28)  Thái Tổ thực lục (Tai-zu shi-lu), quyển 70.7a-b.

(32)  Trong nguyên tác tác giả dùng chữ  “foreign fan”. Tác giả chú thích: đây là một thuật ngữ dùng để chỉ người nước ngoài, thường được dùng để ám chỉ những người đến từ những vương quốc trên biển.

(33)  Thái Tổ thực lục (Tai-zu shi-lu), quyển 231.2a-b

(34)  Thái Tổ thực lục (Tai-zu shi-lu), quyển 252.2b

(35)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển   12b.7a

(36)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  22.3a-b

(37)  Thái Tông Thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  46.1a

(38)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 34.3a

(39) Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 185.1a

(40)  Thái Tổ thực lục (Tai-zong  shi-lu), quyển  52. 6a-7a.

(41)  Nhưng cũng trong năm này, hoàng đế này tuyên bố: “An Nam bị tách biệt trong một xó xỉnh trên đại dương. Từ thời xa xưa nó đã là một quận huyện của Trung Hoa”. ( Tai-zong shi-lu, juan 58.1a).

(42) Thái Tổ thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  68.3b-7a.

(43)  tức nước Đại Việt bị chiếm đóng

(44)  Thái Tổ thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 71.6a.

(45)  Thái Tổ thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  80.3b-4a.

(46)  Tuyên Tông thực lục (Xuan-zong shi-lu), quyển 3.12b-13a.

(47)  Sự quan trọng của mậu dịch biển Việt Nam trong thời kì này được  Momoki Shiro nhấn mạnh trong  bài “Đại Việt and The South China Sea Trade: From the 10th to the 15th Century” trong Crossroads, Vol 12, No.1 (1998).

(48) Nhân Tông thực lục (Ren-zong shi-lu), quyển  4a, 5b-6a

(49)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 149.4b-5a

(50)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển   250-6b và Tuyên Tông thực lục (Xuan-zong shi-lu), quyển 24.8a

(51)  Để biết thêm về sự thảo luận xung quanh sự xâm lược, chiếm đóng Đaiọ Việt và sự cai trị tại đây của Trung Quốc trong thế kỉ 15 mời xem Geoff  Wade “Ming Colonial Armies in 15th-Century Southeast Asia” trong  Karl A. Hack và Tobias Rettig, The Armed Leviathan: Colonial Armies in Southeast Asia, London, Routledge Curzon.2004.

(52)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  23.4b.

(53)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 16.3a

(54)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  32.1a

(55)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  32.1a

(56)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  49.1a-b

(57)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  35.2b.

(58) Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 55.1b

(59)  Xem thêm ví dụ trong Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu),  quyển 17.6a.

(60)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  57.2a-b

(61)  Những viên hoạn quan được  hoàng đế nhà Minh phái tới Giao Chỉ ( Đại Việt bị chiếm đóng) và Vân Nam  cũng can dự vào việc vơ vét đá quý, vàng và ngọc trai. Một tài liệu muộn hơn vào năm 1459 cho biết việc lấy vàng là công việc chính của các chuyến hành trình này. Mời xem Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 307.3b

(63)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  279.1a

(64)  Việc tuyên bố rằng vài chiếc thuyền của Zheng he dài 450 feet nói chung đã được coi là điều không thể. Để tham khảo thêm những ghi chép văn học có chứa dữ liệu về kích cỡ những chiếc thuyền của Zheng He mời xem Robert Finlay, The Treasure Ships of Zheng He: Chinese Maritime Imperialism in the Age of Discovery, trong Terrae Incognitae, 23 (1991), trang 1-12,  đoạn ba, chú thích 11.

(65)  J.V.G Mills, Ma Huan: Ying-yai Sheng-lan, “the Overall Survey of the Ocean’s Shore” (1433), Cambaridge, Published for Hakluyt Society by Cambridge University Press, 1970. Xem trang 31.

(66)  Mills, Ma Huan, trang 15.

(67)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 231.15a.

(68)  Tuyên Tông thực lục (Xuan-zong shi-lu), quyển  26.2a

(69)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  71.1a

(70)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  71.5a

(72)  Đơi vị đo khối lượng của người Trung Quốc, thường được coi là một “Ao-xơ Trung Hoa”. Trong thời nhà Minh nó tương đương với 37gram.

(73)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  71.6a-b.

(75) Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  94.5b

(76)  Có lẽ  là Vira Alakesvara (Alagakkonara), tể tướng dưới thời vua Bhuvanekabahu V( trị vì từ 1372-1408). Xem Chandra Richard de Silva, Sri Lanka: A History, New Dehli, Vikas Publishing House, 1987. trang 94-95.

(77)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 118.2a-b

(78)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  130.1b-2a.

(79)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 168.1a-b

(80)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  168.1a-b

(82)  Chính thức được hoàng đế Vĩnh Lạc  chọn làm kinh đô năm 1420.

(84)  Cai trị trong khoảng thời gian 1424-1425

(85) Tuyên Tông thực lục ( Xuan-zong shi-lu), quyển  32.9b-10b

(87)  Những lý do khiến ông ta được phái đi có trong Tuyên Tông thực lục (Xuan-zong shi-lu), quyển 67.3b-4a

(88)  Milss, Ma Huan, Ying-yai  Shen-lan trang 14-19.

(89) Tuyên Tông thực lục (Xuan-zong shi-lu), quyển 106.7a-b

(90)  Tuyên Tông thực lục (Xuan-zong shi-lu), quyển 106 7a-b

(91) Tuyên Tông thực lục ( Xuan-zong shi-lu), quyển  106.7b

(92)  Tuyên Tông thực lục (Xuan-zong shi-lu), quyển  106.8a

(93)  Tuyên Tông thực lục (Xuan-zong shi-lu), quyển  106.8b..

(94)  Để biết thêm chi tiết về chiến dịch này và sự kiện bắt sống hoàng đế mời xem Frederick W.Mote và Denis Twitchett, The Cambdrige History of China-Volume 7: The Ming Dynasty 1368-1644, phần 1 trang 319-325.

(95)  Nằm ở vùng ngày nay là tây Vân Nam và Bắc Miến Điện

(96) Anh Tông thực lục ( Ying-zong shi-lu), quyển  44.7b.

(97 ) Anh Tông thực lục ( Ying-zong shi-lu), quyển  51.7a-b.

(98)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  73.11b-12a.

(99)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  75.6a.

(100)  Anh Tông thực lục  (Ying-zong shi-lu), quyển  86.6a-7b và 88.8a-9b.

(101)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  127.1b.

(102)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 127.1b.

(103)  Liew Foon Ming: “The Luchuan-Pingmian Campaigns (1436-1449) in the Light of Official Chinese Historiography”, trong Oriens Extremus (1996:2).

(104)  chính thể có tên Mong Yan trong tiếng  Shan hoặc Mong Kawng trong tiếng Miến hoặc cũng gọi là Mo-hnyin hay Mogaung…

(105)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  164.5a-6a

(106)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 164.5a-6a

(107)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  175.8b

(108)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 179.7b-8a

(109) Anh Tông  thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 141.4b-5a

(110)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  156.1a

(111)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  150.3a

(112)  Anh  Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 298.5a

(113)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  156.1a

(114)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  335.1b

(115) Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 189.3b

(116)  Xem Frederick  W.Mote và Denis Twitchett, The Cambridge History of China-Volume 7: The Ming Dynasty 1368-1644  Part 1, trang 377-384 để biết chi tiết về các cuộc chiến tranh của nhà Minh tấn công người phương Nam.

(117)  Hai khái niệm này được dùng để chỉ người không phải người Hán.

(118)   Hiến Tông thực lục (Xian-zong shi-lu), quyển  212.6a-b

(119) Đại Việt

(120)  Hiến Tông thực lục (Xian-zong shi-lu), quyển 155.7b-9b

(121)   Hiến Tông thực lục (Xian-zong shi-lu), quyển 219.5a-b

(122)  Hiến Tông thực lục (Xian-zong shi-lục), quyển   219.6a-7b

(123) Hiến Tông thực lục ( Xian-zong shi-lu), quyển  220.2a-3a

(124)  Mời xem Sun Laichen “Chinese Military Technology and Dai Viet: c.1390-1497” trong Nhung Tuyết Trần và Anthonny Reid, eds., Viet Nam: Borderless Histories, Madison, Wisconsin: University of Wisconsin Press, 2004.

(125)  Hiến Tông thực lục (Xian-zong shi-lu), quyển 259.5b


(126)  Hiến Tông thực lục (Xiao-zong shi-lu), quyển 148.6b-9a

(127) Hiến Tông thực lục (Xiao-zong shi-lu), quyển  167.4b-5b

(128)  Hiến Tông thực lục (Xiao-zong shi-lu), quyển  73.3a-b

(129) Vũ Tông thực lục (Wu-zong shi-lu), quyển 25.1a

(130)  Vũ Tông thực lục (Wu-zong shi-lu),  quyển 124.3a

(131) Tư Tông thực lục (Shi-zong shi-lu), quyển 4.27b.

(132)  Hiến Tông thực lục (Xian-zong shi-lu), quyển 39.10a-b

(133)  Hiến Tông thực lục (Xiao-zong shi-lu), quyển  35.4a-5a

(134)  Hiến Tông thực lục (Xiao-zong shi-lu), quyển  172.3a-b

(135)  Hiến Tông thực lục (Shi-zong shi-lu), quyển  118.2b-3a

(136)  Hiến Tông thực lục (Shi-zong shi-lu), quyển 169.1a-2b.

(137) Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  35.2b. Những so sánh thú vị có thể được vẽ ra với với những cư dân và cố vấn từ Anh được chỉ định tới Ấn Độ và Malay trong ở 4 thế kỉ rưỡi sau đó.

(138)  Từ  Vân Nam dường như có nghĩa rộng trong thời nhà Minh, bao gồm bất cứ chính thể nào ở vùng phía nam được kiểm soát bởi cơ quan thẩm quyền ở Côn Minh. Trong  ý nghĩa này nó được dùng giống như là từ “The West” được dùng trong sự bành trướng của châu Âu băng qua lục địa Bắc Mĩ.

(139)  Xem ví dụ trong Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 57.5b, nơi vào tháng 8 năm 1439, 8,364 người được ban thưởng hoặc được bổ nhiệm vì những công trạng trong chiến dịch chống Si Ren-fa tại Lư Giang (Lu-jiang). Cùng với việc thăng chức cho những người Hoa có liên quan, các tù trưởng không phải người Hoa cũng được thăng thưởng thành các viên quan bình định trong khi các đô đốc bản xứ thì được thăng lên làm các viên chức cảnh sát.

(140) Khái niệm Động xuất hiện trong tiếng Thái (Zhuang or Dong) là từ có nghĩa  là vùng dẫn nước của một sông suối. Nó được sử dụng rộng rãi ở nhũng vùng mà ngày nay là một phần của phía nam Trung Quốc như là một đơn vị quản lý lãnh thổ. Trong thế kỉ trước khái niệm vẫn được sử dụng trong lãnh thổ mới của Hồng Kông. Xem James Hayes, “The Pattern of Life in the New Territories in 1898”, Journal of the Hong Kong Branch of the Royal Asiatic Society, New Series, Vol. 2 (1962), trang 75-102.

(141)  Trong một bản tấu trình lên hoàng đế về chiến thắng các viên đô đốc nhà Minh những người đã chiếm Đại Việt viết rằng đã giết được 7 triệu binh lính người Việt. Xem Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  68.3b-7a. Thậm chí có lẽ là khoa trương ở các bản tấu khác của nhà Minh còn cho biết con số người chết khổng lồ của cả hai bên.

(142)  Năm 1407, 7.700 nhà buôn và nghệ nhân bao gồm thợ đúc súng đã bị cưỡng bức đưa đi từ An Nam tới kinh đô nhà Minh mà ngày nay là Nam Kinh (Thái Tông thực lục, quyển 71.6a)


(143)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  103.2a

(144)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 198.2a-b.

(145)  Thái Tông thực lục (Tai-zu shi-lu), quyển  210.3a.

(146)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 94.5a-b

(147)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 46.9b.

(148)  Anh Tông thực lục  (Ying-zong shi-lu), quyển  76.4b.

(149)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 81.5b-6a

(150)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 152.2b-3a

(151)  Cả Yi và Di đều là khái niệm chỉ những người không phải là người Hán.

(152)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 14.2a và 16.3a

(153)  Thái Tổ thực lục (Tai-zu shi-lu), quyển  244.2b-4a.

(154)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  105.2b-3a

(155)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 31.5a-b

(156)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  49.1a-b

(157)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển   233.4b và 235.1b-2a

(158)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 94.3b-4a

(159)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển   233.4b và 235.1b-2a

(160) Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển  53.3a

(161)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển   154.7a

(162)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 150.7a-8a.

(163)  Hiến Tông thực lục (Xiao-zong shi-lu), quyển 195.3a-4a

(164) Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu,), quyển 7.8a.

(165) Nó là điều thông thường khi người Hoa sống ở các nước Đông Nam Á tham gia vào hệ thống triều cống/mậu dịch thứ tạo ra mối liên hệ giữa các chính thể này với nhà Minh. Năng lực ngôn ngữ, cảm quan về văn hóa và có lẽ cả quan hệ thương mại đảm bảo rằng họ có ưu thế hơn những người khác. Đó cũng giải thích tại sao hệ thống triều cống/mậu dịch của nhà Minh giúp tăng cường hệ thống mậu dịch người Hoa khắp các quần đảo. Xem thêm Cahn Hok-lam, “The  ‘Chinese Barbarian Official’in the Foreign Tribute Missons to China During the Ming Dynasty”, Journal of the American Oriental Society, Vol, 88 (1968) trang 411-418.

(166) Nhân Tông thực lục (Ren-zong shi-lu),  quyển  10.1a. Dường như không có ghi chép nào về sự lưu hành tiền giấy Trung Hoa ở Đông Nam Á và có lẽ phần thưởng như thế đã được quy đổi ra hàng hóa thương mại trước khi sứ thần dời Trung Hoa.

(167)  Có lẽ là Aryua Suleiman

(168)  Tuyên Tông thực lục (Xuan-zong shi-lu), quyển   33-5a

(169)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 157.8a-b

(170)  Thông thường là 3 năm 1 lần.

(171)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  106.8a-b.

(172)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển  234.3b

(173)  Hiến Tông thưc lục (Xian-zong shi-lu), quyển  176.5a-b

(174)  Hiến Tông thực lục (Xiao-zong shi-lu), quyển  170.5b-6a

(175) Vũ Tông thực lục (Wu-zong shi-lu), quyển  65.8b-9a

(176)  Vũ Tông thực lục (Wu-zong shi-lu), quyển  113.2a

(177) Những ghi chép nói trên cũng được trình bày chi tiết trong Bodo Wiethoff, Die Chineseische Seeverbotspolitik und der private Uberseehandel von 1368 bis 1567, Wiesbden, 1963 và Chang Tseng-hsin, Maritime Activities on the South-east Coast of  China in the Latter Part of the Ming Dynasty Vol.1, Taipei, 1988. Xem trang 3-16

(178)  Để biết xem ví dụ  xem Vũ Tông thực lục (Wu-zong shi-lu), quyển 113.2a năm 1514; Vũ Tông thực lục (Wu-zong shi-lu), quyển  123.4b năm 1515; Vũ Tông thực lục (Wu-zong shi-lu), quyển 149.9a-b năm 1517 và Tư Tông thực lục (Shi-zong shi-lu), quyển  2.14b-5a.

(180)  Tư Tông thực lục (Shi-zong shi-lu), quyển  108.7a

(181) Để biết thêm chi tiết, xem  các tác phẩm của Chang Tseng-hsin  về thời kì này như Maritime Activities on the South-east Coast of China và vô số các bài báo của Jin Gouping trong Zong-pu guan-zi shi-di kao-zheng, Macau, Macau Foundation, 2000.

(182) Hamashita Takeshi, “The Tribute Trade System and Modern Asia”, Memoirs of the Research department of the Tokyo Bunko, No.46 (1988), trang 7-23. Xem trang 23.

(183)  Tuyên Tông thực lục (Xuan-zong shi-lu), quyển  52.9b

(184)  Tuyên Tông thực lục (Xuan-zong shi-lu), quyển  57.7b-8a

(185)  Anh Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 2.12a.

 

(186)  Hiếu Tông thực lục (Xiao-zong shi-lu), quyển 153.10b-11b

(188)  Anh  Tông thực lục (Ying-zong shi-lu), quyển 64.5b-6a

(189)  Tuyên Tông thực lục ( Xuan-zong shi-lu), quyển 17.11b-12a

(190)  Hiếu Tông thực lục (Xiao-zong shi-lu), quyển 48.2a

(191)  Thần Tông thực lục (Shen-zong shi-lu), quyển 338.4b-5a

(192)  Một trong những nghiên cứu chi tiết nhất về hệ thống Kai-zong trong thời Minh là công trình của Lee Lung-wah “The Kai-zong System During the Minh Dynasty”

(193)  Tuyên Tông thực lục (Xuan-zong shi-lu), quyển 7.9a-b

(194) Anh Tông thực lục (Yin-zong shi-lu), quyển 131.8b-9a

(195) Hiếu Tông thực lục (Xiao-zong shi-lu), quyển 80.1a-b

 

(196) Để biết thêm chi tiết và nghiên cứu hệ thống về sự di cư của người Hán tới những vùng vốn không thuộc về người Hán xem James Z.Lee, “The Political Economy of a Frontier: Southwest China, 1250-1850, Havard University Asia Center (forthcoming), và đặc biệt là chương 4- Immigration.

(197)  Thái Tông thực lục (Tai-zong shi-lu), quyển 34.1a-b

(198)  Về ví dụ xem Chang Pin-tsun, “ The First Chinese Diaspora in Southeast Asia” trong  Roderich Ptak và Dietmar  Rothermund  “Emporia, Commodities and Entrepreneurs in Asia Maritime Trade, c.  1400-1750 trang 13-27

(199) Những lý do được viện ra giải thích cho sự kém cỏi của đế chế Thái đã được chỉ ra bởi Nick Tapp trong “A new state in Tai regional studies: The challenge of local histories” trong Andrew Turton (biên soạn), Civility and Savagery: Social Identity in Tai States, Richmond Surrey, Curzon Press, 2000, trang 351-59; và Craig Reynolds trong “Review article: Tai-land and its others” trong South East Asia Research, No.11( March, 2003), trang 114-15.

(200)  Khái niệm Đông Nam Á lục địa ở đây được định nghĩa là “That which is not China” ( phần đất không phải là Trung Quốc). Nó cũng có nhiều cách hiểu khác

(201) Tuy nhiên C.C. Berg đã đặt ra nghi vấn  liệu sự phụ thuộc vào Majapahit được ghi trong Nagrakertagama có chút cơ sở lịch sử nào hay không. Mời xem D.G. E. Hall, A History of  South-East Asia, London, Macmillan, 1970,  Xuất bản lần thứ 3, trang 86-87.

(202) Xem Slametmuljana, A Story of Majapahit, Singapore University Press 1976, trang 192.  Các chi tiết rõ hơn có trong Pararaton. Xem I Gusti Putu Phalgunadi, The Pararaton: A Study of the Southeast Asia Chronicle, New Delhi, Sundeep Prakashan, 1996, trang 131-133.

(203) Thường được biết đến như là “hệ thống triều cống”

(204)  Để biết chi tiết về các phái đoàn tới Trung Quốc từ các chính thể trong thời kì này xem Chang Pin-tsun “ The First Chinese Diaspora in Southeast Asia” trong Roderich Ptak và Dietmar Rothermund, Emporia, Commodities and Entrepreneurs in Asian Maritime Trade, c.1400-1750. (in lại trong Felipe Fernandez-Armesto “The Global Opportunity, volume 1 của An Expanding World series, Varirum1995). Một danh sách các phái đoàn này có thể thấy ở trang 28. Một danh sách các phái đoàn đến Trung Quốc và từ Trung Quốc tới các chính thể này trong một phần tư thế kỉ có thể tìm thấy trong Wang Gungwu “China and Southeast Asia 1402-24” trong Community and Nation: China, Southeast Asia and Australia, Sydney, ASAA in conjunction with Allen and Unwin, 1992 trang 119 và 123.

(205) Để biết thêm chi tiết về việc vận chuyển hương liệu qua khu vực, chủ yếu trong thời kì sau, xem các chương về đinh hương và hạt tiêu trong David Bulbeck, Anthony  Reid, Lay Cheng Tan và Yiqi Wu (biên soạn), Southeast Asian Exports since the 14th Century: Cloves, Pepper, Coffee and Sugar, Singapore ISEAS, 1998.

(207) Anthony Reid, Southeast Asia in the Age of Commerce 1450-1680. Volume Two: Expansion and Crisis, New Haven, Yale University Press. Xem trang 10-15 và “The City and Its Commerce” trang 62-131.

(208)  Tham khảo tri thức nền tảng trong Anthony Reid “The Rise and the Fall of Sino-Javanese Shipping”, trong Charting the Shape of Early Modern Southeast Asia, ISEAS, 2000, trang 56-84. Đặc biệt nên xem phần “Chinese and the Rise of Pasisir Muslim States”, trang 66-69.

Nguồn bài đăng

 

Bình luận về bài viết này