Về lễ hội truyền thống ở Việt Nam trong xã hội đương đại

MẤY SUY NGHĨ VỀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI ĐƯƠNG ĐẠI  (Qua trường hợp vùng Tây Nam Bộ)

nhunglehoidocdaoomientaynambo3.2.jpg

Huỳnh Thiệu Phong

Theo các nguồn tư liệu đáng tin cậy, cả nước Việt Nam hiện nay có trên dưới 8000 lễ hội hằng năm.

(1) Nhà Kinh tế học người Nhật là Michio Morishima đã từng có một phát biểu cho thấy sức mạnh mềm của giá trị văn hóa trong sự tiến bộ của một quốc gia đứng từ khía cạnh kinh tế: “Không một nước nào tiến lên được mà lại xem thường quá khứ của mình (truyền thống dân tộc). Quá khứ áp đặt quá trình phát triển tiếp theo của đất nước. Các chính sách kinh tế thiếu sự nhìn nhận lịch sử chẳng khác gì những trò cực kỳ phiêu lưu”. Nhận định đó cho thấy sức mạnh của giá trị văn hóa trong bối cảnh ngày nay. Nếu trước đây, người ta dựa vào chỉ số GDP để đánh giá sự phát triển của một quốc gia thì trái lại, hiện nay người ta sử dụng một chỉ số toàn diện hơn để đánh giá – chỉ số HDI (Human Development Index). Đây là chỉ số không chỉ đánh giá thu nhập của công dân một quốc gia, mà nó còn nhìn nhận cả các phương diện khác trong đời sống của công dân, trong đó bao hàm cá chất lượng của đời sống (tức có liên quan đến yếu tố văn hóa). Bên cạnh đó, trong sự cấu thành tổng thể của một nền văn hóa dân tộc, lễ hội là một hiện tượng văn hóa đặc biệt. Sở dĩ nói như vậy vì lễ hội là không gian, là điều kiện, là động lực cũng như là cơ hội để gìn giữ các giá trị truyền thống đã được hình thành, lưu giữ và hun đúc trong tiến trình lịch sử của bất kỳ dân tộc nào. Và sự tồn tại cho đến ngày nay của lễ hội đã minh chứng một thực tế, những gì tốt đẹp nhất, là tinh hoa văn hóa của dân tộc mới được gìn giữ qua sự khắc nghiệt của thời gian. Hơn nữa, trong bối cảnh xã hội như hiện nay, các quốc gia đang trong quá trình toàn cầu hóa, thế giới mà chúng ta đang sống trong đó là một “thế giới phẳng” (the flat world) như chính Thomas Friedman từng nói, việc nghiên cứu và nhìn nhận vai trò của lễ hội là hết sức khẩn thiết.

Bài viết này góp phần thể hiện một góc nhìn về một nội dung rất nhỏ trong tổng thể hướng nhận thức ấy. Tác giả lấy đó làm mục tiêu để hoàn thành bài viết bằng việc thể hiện một vài suy nghĩ vể lễ hội truyền thống ở Việt Nam qua điển cứu vùng văn hóa Tây Nam Bộ – một vùng văn hóa mang trong mình khá nhiều những đặc trưng tại Việt Nam.

(2)   Trước tiên, có lẽ là cần thiết để trao đổi thêm về các khái niệm “lễ hội truyền thống”, “lễ hội cổ truyền” và “lễ hội dân gian”. Trước tiên là hai khái niệm “lễ hội truyền thống” và “lễ hội cổ truyền”. Trong tiếng Anh, người ta sử dụng từ “traditional” để chỉ tính truyền thống. Trong khi đó, tiếng Việt lại xuất hiện thêm từ “cổ truyền”. Vậy, vấn đề đặt ra là “cổ truyền” và “truyền thống” có khác nhau hay không? Tôi cho rằng, ở cặp khái niệm này có sự tương đồng, đó là chỉ những sự vật, hiện tượng được tạo ra trong quá khứ (tức nó mang tính lịch sử)[1]. Tuy nhiên, nó không hoàn toàn đồng nhất. Sự khác nhau của chúng nằm ở tính bền vững. Một cách cụ thể hơn, tôi cho rằng “truyền thống” là những gì thuộc về quá khứ, song nó đồng thời cũng mang tính thời đại, hay nói cách khác, sự tồn tại của nó là có sự thay đổi để thích nghi nhưng vẫn giữ được bản chất vốn có của nó (chẳng hạn như đối với lễ hội, có thể người ta lược bớt các nghi lễ trong phần lễ thức hay thay thế các nghi lễ xưa bằng những nghi lễ tượng trưng), và thêm một điểm nữa đó là vì nó có sự thay đổi để thích nghi mà do vậy, yếu tố “truyền thống” mang chức năng giáo dục và có ý nghĩa trao truyền những gì là tốt đẹp cho các thế hệ sau, điều này là hoàn toàn trùng khớp với quan điểm của Hồ Liên: Dĩ nhiên, lịch sử sẽ sàng lọc và thải loại những gì cần bỏ. Nhưng những gì còn lại đến hôm nay làm thành một mảng đời sống tinh thần của người Việt…” [5, tr.70]. Trái lại, “cổ truyền” lại mang tính cổ xưa, hay nói cách khác, nó là những giá trị có ý nghĩa và chỉ phù hợp trong quá khứ; mà đã là quá khứ thì hiển nhiên trong quá trình tồn tại của mình, nó sẽ bộc lộ những hạn chế trong xã hội đương đại vì không còn phù hợp nữa. Nói như Ngô Đức Thịnh, chì có thể xem những yếu tố được gọi là “cổ truyền” chính là những “tàn dư” hay những “di vết”[2].

Bên cạnh đó, một số học giả cũng thường sử dụng cụm từ “lễ hội dân gian” khi đề cập đến nội dung của lễ hội. Về vấn đề này, tác giả cho rằng nó không cần thiết. Thông thường, người ta thường dùng khái niệm “dân gian” để khu biệt với khái niệm “bác học”. Tuy nhiên, như đã đề cập, lễ hội thường là một hoạt động do con người (hay đúng hơn là một cộng đồng người) sáng tạo ra và vì lẽ đó, tự thân nó đã bao hàm ý niệm “dân gian” rồi. Hơn nữa, trong nền di sản văn hóa dân tộc của Việt Nam, bộ phận “văn hóa bác học” thường rất mờ nhạt. Mặt khác, lễ hội sẽ là một hoạt động được lặp đi lặp lại một cách thường xuyên và mang tính cố định và nhờ vậy, nó đã trở thành một nếp sống và thói quen của dân gian. Với các lí do đó, quan điểm tôi cho rằng chỉ cần sử dụng cách gọi “lễ hội truyền thống” là đã bao hàm toàn vẹn ý nghĩa của nó, thay vì sử dụng các cách gọi kia.

Vấn đề thứ hai là cách sử dụng từ “đương đại”. Trong tiếng Anh, có một từ là “contemporary” để chỉ ý niệm “đương đại”. Và ta có thể hiểu một cách khái quát, xã hội đương đại là giai đoạn có sự chuyển biến và thay đổi về các khía cạnh trong xã hội của một quốc gia; mà các quốc gia ngày nay lại đang trong xu thế toàn cầu hóa, do đó mà xã hội đương đại thực chất là để ám chỉ đến một xã hội hội nhập với việc các quốc gia đang xích lại gần nhau hơn thông qua con đường giao thương kinh tế, giao lưu văn hóa. Vì lẽ đó, toàn bộ nội dung của bài viết này thực chất là đề cập đến quan điểm cá nhân về vấn đề hội nhập văn hóa thông qua một hiện tượng văn hóa, đó là lễ hội.

(3)   Hiện nay, khái niệm “lễ hội” vẫn chưa nhận được sự thống nhất trong cách định nghĩa. Giáo sư (GS) Nguyễn Duy Quý – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam từng phát biểutrong Hội thảo Khoa học “Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại)” (tổ chức vào tháng 3 năm 1993): “Lễ hội truyền thống là một xã sinh hoạt tổng hợp bao gồm các mặt tinh thần và vật chất, tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật, linh thiêng và đời thường…” [14, tr.82]. Bên cạnh đó, khi đề cập đến lý thuyết lễ hội, GS. Trần Ngọc Thêm và các cộng sự lại cho rằng: Lễ hội là sự tổng hợp cái linh thiêng và cái trần thế, nhằm thể hiện lòng biết ơn và bày tỏ nguyện vọng cùng sự cầu mong của mình đối với tổ tiên và các thế lực siêu nhiên trong vũ trụ; phân bố theo không gian; có khuynh hướng thiên về tinh thần; mang đặc tính mở (lôi cuốn mọi người tìm đến); mục đích nhằm duy trì quan hệ bình đẳng giữa các thành viên trong làng xã” [11, tr.269]. Mặt khác, học giả Nguyễn Duy Hinh lại cho rằng: “Lễ hội không phải là mê tín dị đoan mà là một cách ứng xử thông minh, khôn ngoan của con người đối với những sức mạnh vô hình hay hữu hình mà con người không thể lý giải được” [14, tr.80].

Tuy có cách tiếp cận khác nhau, song thực tiễn cho thấy các nhà nghiên cứu đều thống nhất việc lễ hội là sản phẩm cấu thành từ hai hoạt động (hay thành tố): LỄ và HỘI. Lúc ban đầu, lễ hội thường là lễ hội nguyên hợp, tức chưa có sự phân lập thành phần lễ và phần hội cũng như các hoạt động văn hóa khác, chúng được diễn ra đồng thời, hòa quyện vào nhau. Điều này là dễ hiểu, bởi lẽ con người là động vật bậc cao, biết tư duy nhờ vào nhận thức. Ngay từ thuở hồng hoang, con người đã ý thức được sự nhỏ bé của mình trước vũ trụ bao la và thiên nhiên kì vỹ. Vì vậy, con người xem những hiện tượng tự nhiên ấy là sự linh thiêng và phi phàm. Nguyên do đó ngoài việc là cơ sở để lễ hội được hình thành, nó còn là điều kiện để tín ngưỡng và tôn giáo sơ khai ra đời vì thông qua lễ hội, đặc biệt là phần lễ, con người xem đó là phương tiện, là cơ hội để con người có thể giao tiếp với thần linh và các đấng siêu nhiên khác. Về sau này, khi xã hội càng phát triển, trình độ tư duy của con người cũng cao hơn thì: “Các nghi lễ cúng tế cũng phải tiến triển theo, và dần dần trở thành hệ thống nghi lễ rất phức tạp, đa dạng và phong phú” [4, tr.25].

Nói tóm lại, trải qua quá trình chọn lọc, một số nghi lễ bị mai một đi, trong khi đó, một số khác lại được duy trì thường xuyên, dần dần trở thành truyền thống, thành phong tục tập quán. Lễ hội được hình thành trong những điều kiện văn hóa, xã hội khác nhau. Và khi nó được lặp đi lặp lại thường xuyên thì nó hiển nhiên trở thành lễ hội truyền thống.

Theo các nguồn tư liệu đáng tin cậy, cả nước Việt Nam hiện nay có trên dưới 8000 lễ hội hằng năm. Con số này sẽ rất khó chuẩn xác vì công tác thống kê các lễ hội là một việc làm không hề đơn giản[3]; đặc biệt là với nước ta – một quốc gia có sự hiện hữu của nhiều tộc người với nhiều địa bàn cư trú khác nhau. Chính vì sự hiện diện của quá nhiều lễ hội đã đặt ra câu hỏi: Do đâu mà Việt Nam lại có nhiều lễ hội như vậy?

Thứ nhất, xuất phát từ chính bản tính của con người Việt, họ là những người “… không đi theo hướng nhận thức để đối phó với tự nhiên, chế ngự, làm chủ nó. Họ tìm cách thích ứng với tự nhiên, lựa chiều mà sống theo lối phải chăng, hài hòa, tôn trọng tự nhiên” [5, tr.51]. Thật vậy, con người Việt Nam đã từ lâu được biết đến với những đặc trưng nổi bật trong tính cách. Đó là những con người thuần nông, chất phác. Hiển nhiên, trong sự thích nghi với yếu tố môi sinh, người Việt ở mỗi vùng miền lại có sự khác biệt đôi chút, nhưng đó là khi chúng ta xét một cách tỉ mỉ. Còn đứng ở góc nhìn chung nhất, người Việt vẫn là những người trung hậu, hiền hòa, linh động, trọng tình…

Thứ hai, nhìn từ yếu tố địa-văn hóa, vì sinh sống trong môi trường của nền văn minh nông nghiệp nên do đó, người Việt đã sáng tạo ra những hoạt động dựa vào chu kỳ sinh trưởng của chính sản phẩm của nền nông nghiệp ấy. Mặt khác, cũng chính vì đặc thù ấy mà nhu cầu cần được nghỉ ngơi cũng tăng cao hơn so với con người trong các xã hội khác, vì suy cho cùng, con người nói chung “dù ở đâu hay làm gì, để liên tục phục hồi và duy trì chức năng sinh lý của hoạt động con người, thì, bên cạnh thời gian dành cho làm ăn, cũng phải có lúc nghỉ ngơi…” [15, tr.153-154]. Bên cạnh đó, vì con người là sinh vật xã hội, có tư duy và biết lựa chọn để đưa ra quyết định, do đó mà ngoài những sinh hoạt (nghỉ ngơi, ăn chơi) cá nhân, còn có thể có những sinh hoạt cộng đồng. Và lễ hội cũng dựa vào đó mà hình thành, tồn tại và phát triển.

(4)   Với tổng số trên dướ 8000 lễ hội của cả nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích hơn 3,9 triệu hecta, là nơi trù phú về tài nguyên thiên nhiên đã “chiếm giữ” riêng cho mình 1234 lễ hội [2, tr.60]. Hơn nữa, đây là vùng đất đã trải qua một quá trình giao thoa văn hóa đa tộc người trong dòng chảy lịch sử.Cũng nằm trong bối cảnh tương đồng khá nhiều trên các bình diện mục đích, nghi thức, không gian và thời gian lễ hội (vì tương đồng từ nền tảng nông nghiệp lúc nước), người Việt vùng Tây Nam Bộ cũng đã sáng tạo ra các lễ hội để phục vụ cho nhu cầu vật chất và tinh thần của mình. Song, với xuất phát điểm là vùng đất trẻ, người Việt với sự sáng tạo của mình đã tạo nên những lễ hội với một số đặc điểm khác biệt sau:

Một là, đồng hành cùng lịch sử khai phá vùng đất phía Nam của Tổ quốc, sự hình thành và phát triển của lễ hội tại đây cũng không vượt quá tuổi đời 300. Hay nói khác đi, tuổi đời của lễ hội là hoàn toàn trùng khớp với tuổi đời của vùng đất Tây Nam Bộ. Điều này là dễ hiểu khi mà con người – với tư cách là chủ thể văn hóa, chính là nhân tố quyết định đến sự hình thành của lễ hội. Trong quá trình sinh sống trên địa vực của vùng đất mới, họ mới sáng tạo ra những lễ hội để phục vụ cho chính đời sống tinh thần của chính cộng đồng mình.

Hai là, so với vùng “đất tổ” là Bắc Bộ và khu vực Duyên hải miền Trung, lễ hội ở Tây Nam Bộ là không đa dạng và sự phân bố cũng không nhiều bằng, song về quy mô thì khá lớn. Phạm vi tác động của một vài lễ hội vượt quá không gian vốn có của chính lễ hội đó. Thực tiễn này có thể được thấy thông qua các lễ hội lớn như: Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Lễ hội Kỳ Yên ở một số địa phương hay Lễ hội Nghinh Ông ở một số tỉnh thành.

Ba là, đây là vùng đất mới, thuở đầu khai hoang đầy khó khăn, hiểm nguy và thử thách. Khi mà lễ hội được hình thành như một vỏ bọc, một phương tiện để cộng đồng gửi gắm và truyền tải những ước mơ, khát vọng của mình đến với các đấng siêu nhiên, cầu mong một cuộc sống yên bình, ấm no; với lí do như vậy đã tạo nên những lễ hội mang nội dung hết sức đời thường. Đối tượng tôn thờ trong lễ hội thường mang tính dân giã và ít có hơi hướng truyền thuyết vì nó gắn với dân gian một cách mạnh mẽ. Thêm vào đó, chính vì sự tác động từ điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng đất này, tính cách con người vùng Tây Nam Bộ cũng “thoáng” hơn, “mở” hơn và hệ quả dẫn đến là nghi thức trong lễ hội cũng ít có phần rườm rà và cứng nhắc như ở các vùng văn hóa khác.

Bốn là, cũng liên quan đến tính “mở thoáng” của con người Việt vùng đất mới, lễ hội ở Tây Nam Bộ nhìn chung cũng đa dạng về sắc thái hơn. Ở mỗi lễ hội, việc bóc tách các giá trị trầm tích bên trong nội dung của lễ hội là một công việc phức tạp và tốn nhiều thời gian, bởi lẽ trên bước đường di cư và hỗn cư ấy, người Việt với tâm thế bao dung, dễ dàng chấp nhận và dung hoa các yếu tố văn hóa tộc người khác đã tiếp thu rất nhiều văn hóa của các tộc người khác. Điều này tạo nên sự đa dạng, đa sắc và đa năng của lễ hội. Ở đấy, lễ hội không chỉ của người Việt, mà nó còn là lễ hội của cả vùng đất, một không gian cư trú đa tộc người vì nó chính là sản phẩm được cấu thành từ sự cộng hưởng đa chiều.

Cũng như khái niệm về “lễ hội”, sự phân loại lễ hội hiện nay cũng đang tồn động khá nhiều quan điểm. Việc phân loại lễ hội thực chất là việc đặt ra các tiêu chí để dựa vào đó tiến hành phân loại. Chẳng hạn như đối với Dương Thanh Xuân, tác giả cho rằng lễ hội hiện nay có thể chia ra 3 nhóm: Lễ hội của cộng đồng – lễ hội liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng – lễ hội liên quan đến nhân vật lịch sử [16, tr.33]; gần giống với quan điểm này là quan điểm của GS. Trần Ngọc Thêm, từ cách nhìn hệ thống, ông đã phân loại lễ hội thành 3 nhóm: Lễ hội (liên quan đến cuộc sống) trong mối quan hệ với tự nhiên – lễ hội trong mối quan hệ với xã hội – lễ hội liên quan đến cộng đồng [10], [11]. Ở góc nhìn khác, dựa vào tiêu chí “cơ sở thờ tự”, Nguyên Xuân Hồng khi tiến hành phân loại lễ hội truyền thống ở vùng Tây Nam Bộ lại chia ra thành các nhóm: lễ hội tại đình – lễ hội tại đền – lễ hội tại miếu – lễ hội tại lăng/ dinh/ miếu/ đình thờ Cá Ông [2, tr.60].

Vậy nên, với các quan điểm đó ta thấy sự phân loại của các học giả là có lí do của riêng họ. Tùy vào mục đích của nghiên cứu mà họ sẽ có sự phân loại khác nhau, dù rằng mỗi quan điểm đều bộc lộ những hạn chế nhất định. Trong các quan điểm ấy, với bài viết này tôi đồng tình với quan điểm của Trần Ngọc Thêm vì căn cứ vào cách phân loại ấy, ta có thể bao quát những giá trị, phản ánh đầy đủ những đặc trưng của vùng đất này.

Theo đó, với nhóm lễ hội liên quan đến cuộc sống trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, Trần Ngọc Thêm đánh giá làkhá nghèo nàn so với các vùng văn hóa khác. Nguyên nhân bắt nguồn từ yếu tố điều kiện tự nhiên thuận lợi, do vậy mà nhu cầu viện trợ thần linh (yếu tố quan trọng cấu thành nên lễ hội) là không đáng kể. Nổi bật nhất trong các loại lễ hội liên quan đến môi trường tự nhiên, đáng kể nhất là lễ hội Cá Ông (hay còn gọi là lễ hội Nghinh Ông – thờ cá biển) và lễ hội Cầu Ngư (thờ cá đồng). Ở lễ hội này, ta thấy lớp giao lưu văn hóa Việt – Chăm biểu hiện khá rõ nét vì căn cứ vào khá nhiều quan điểm thì tục thờ Cá Ông chỉ xuất phát từ khu vực miền Trung trờ vào khu vực Nam Bộ mà thôi vì “Tại Bắc vi ngư, tại Nam vi thần”.

Với nhóm lễ hội liên quan đến cuộc sống trong mối quan hệ với môi trường xã hội, nhóm này chủ yếu đề cập đến những nhân vật lịch sử, có công trong việc phát triển và bảo vệ dân làng trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong khá nhiều lệ hội thuộc nhóm này, lễ hội đáng chú ý nhất là lễ hội Nguyễn Trung Trực – một anh hùng dân tộc trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp; ông là người nổi tiếng với chiến công đốt cháy chiến hạm Esperance của Pháp trên sông Nhật Tảo năm 1861.

Cuối củng là nhóm lễ hội liên quan đến đời sống cộng đồng: đây là nhóm lễ hội phong phú nhất trong số 3 nhóm lễ hội theo quan điểm phân loại của Trần Ngọc Thêm và các cộng sự. Theo đó, ở Tây Nam Bộ, đáng kể nhất là Lễ hội Kỳ Yên (Cầu An). Đối với lễ hội Kỳ Yên trong xu thế ngày nay, do chịu tác động từ điều kiện kinh tế-xã hội mà lễ cúng được giản lược nhiều, song về phạm vi tác động thì khá rộng. Bên cạnh đó, miếu thờ các vị thần dân gian không chỉ có ở các cộng đồng làng xã, mà còn có ở các hộ gia đình, trong đó nổi trội nhất là việc thờ Bà Chúa Xứ. Lễ hội Bà Chúa Xứ là một lễ hội có quy mô cấp quốc gia. Lễ hội Bà Chúa Xứ chiếm đa số trong số các lễ hội tại miếu (nếu phân loại lễ hội dựa vào tiêu chí “cơ sở thờ tự”) và đang thể hiện vai trò của mình trong việc góp phần “làm kinh tế bằng văn hóa”.

(5)   Với một cách nhìn khái quát như vậy, có thể nhận thấy mấy ý nghĩa to lớn của lễ hội truyền thống vùng Tây Nam Bộ trong bối cảnh xã hội đương đại như sau:

Lễ hội truyền thống là dấu hiệu nhận biết những giá trị truyền thống của dân tộc,nhà nghiên cứu Hồ Liên có một nhận xét rất đích xác, đó là: Một phương thức tồn tại và lưu truyền yếu tố thiêng liêng trong văn hóa của người Việt là lễ hội dân gian” [5, tr.68]. Lễ hội ở Tây Nam Bộ đã phản ánh một lịch sử khẩn hoang đầy gian nan, nó còn cho thấy sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa người Việt với các tộc người anh em đang cùng chung sống trên mảnh đất này. Lễ hội Nguyễn Trung Trực, lễ hội Kỳ Yên, lễ hội Nghinh Ông hàm chứa trong đó hệ thống quan niệm về thời gian gồm: (thời gian) vũ trụ – sinh học – lịch sử – tâm lý (tâm linh). Đó là tấm gương phản ánh cho những thế hệ sau biết và nhớ về lịch sử khẩn hoang của cha ông, biết và nhớ về tinh thần đấu tranh kiên cường để bảo vệ vùng đất mà của cha ông.

Việc tổ chức các lễ hội còn biểu hiện các hình thức ứng xừ của con người với tự nhiên, với cộng đồng, với chính mình, với đấng thiêng liêng. Thông qua các hình thức ứng xử ấy, người ta có thể nhận biết được các quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan của người Việt. Chẳng hạn như: lễ hội tổ chức là xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân; việc lễ hội được tổ chức là cơ hội để con người thể hiện sự sùng kính của mình đối với đức tin mình đã chọn.Bên cạnh đó, lễ hội giúp chúng ta có thời gian trở về với cái bản ngã của mình, trở về với cội nguồn dân tộc Hay như việc tổ chức lễ hội sẽ cho ta thấy rõ chức năng giao tiếp với thần linh và chức năng giải trí, sinh hoạt; cả hai chức năng này đều tồn tại trong mối quan hệ với hoạt động sản xuất vật chất. Mà hoạt động sản xuất vật chất của văn hóa Việt Nam lại chính là sản xuất nông nghiệp…

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống,nhận biết các giá trị truyền thống trong lễ hội là cơ sở, là tiền đề để công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống được thực hiện một cách hiệu quả hơn. Lịch sử đã chứng minh, trong những giai đoạn đất nước bị xâm lược, chính các lễ hội trong phạm vi làng là môi trường bảo trữ cho các giá trị văn hóa của dân tộc và “… nếu không có làng xã với các lễ hội và phong tục thì cũng không có văn hóa Việt Nam” [13, tr.61].

Lễ hội chính là biểu hiện thuộc phạm trù giá trị văn hóa phi vật thể, việc bảo tồn nó sẽ khó khăn và phức tạp hơn so với văn hóa vật thể vì rất khó để chúng ta thấy được những giá trị trầm tích của nó, nếu chỉ đơn thuần quan sát ngoại quan và chưa nắm được giá trị bản chất của nó. Thực tế cho thấy, có giá trị văn hóa phi vật thể nếu trước đây không được quần chúng hóa một cách sâu rộng thì nguy cơ biến mất hoặc bị mai một là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong xã hội đương đại, khi đứng trước hai xu hướng ngược chiều nhau: Giữ lại những gì của mình hay tập trung vào tiếp thu những tinh hoa nhân loại, việc lưu giữ và bảo tồn lễ hội càng tăng thêm muôn phần gian nan. Vì vậy, các nhà quản lý văn hóa cần quan tâm và đặc biệt là phải có sự thống nhất trong nhận định và đề xuất các giải pháp kết hợp song song việc bảo tồn và khai thác, nhằm góp phần vào sự phát triển bền vững xã hội của đất nước.

Như đã đề cập, sự hình thành của lễ hội có bao gồm phần nghi lễ, mà nghi lễ lại có mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng dân gian (hoặc xa hơn nữa là sự tiếp nhận các yếu tố của tôn giáo). Việc bảo tồn các giá trị của lễ hội do vậy cũng đồng thời là một phương thức bảo tồn các giá trị liên quan đến văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy vậy, trong bối cảnh hội nhập đương đại, việc biến tướng các giá trị văn hóa đang là một xu hướng phổ biến. Nguyễn Minh Khải khi đề cập đến đặc điểm của đời sống tôn giáo và tín ngưỡng của người Việt hiện nay cũng đã có chỉ ra đặc điểm “tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam có những biến thái mới theo hướng thế tục hóa, thương mại hóa” [3, tr.121]. Do vậy, muốn cho lễ hội trở thành một hình thái hoạt động văn hóa mang nhiều ý nghĩa lịch sử và lợi ích xã hội, những người quản lý văn hóa phải biết gạn đục khơi trong, nhìn nhận cái hay cái đẹp, cũng như phải nhận diện những tiêu cực, lạc hậu trong lễ hội. Đấy mới là bảo tồn!

Cố kết cộng đồng, mỗi cộng đồng hình thành và tồn tại trên những nền tảng khác nhau, song tất cả đều không ngoài mục đích gắn kết vì cùng cư trú trên một lãnh thổ (cộng cư), gắn kết để phát triển kinh tế (cộng hữu), gắn kết để thờ chung các đối tượng siêu nhiên vì cùng chung số phận (cộng mệnh) và cuối cùng là gắn kết để cùng thụ hưởng những giá trị văn hóa do chính họ sáng tạo (cộng cảm).

Dù như thế nào đi nữa, lễ hội vẫn giữ một chức năng cố kết cộng đồng, bằng những biểu hiện cụ thể của sự cộng cảm…” Suy cho cùng, khi mà lễ hội được tạo ra thì nó cũng không nằm ngoài mục đích là để đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng và do vậy, nó hiển nhiên cũng sẽ là sản phẩm mang dấu ấn của cộng đồng đó. Hàm nghĩa sâu xa của lễ hội không đơn thuần dừng lại ở cảm quan về thời gian, mà còn thể hiện ở cảm quan về không gian. Không gian lễ hội thực chất là sự đổi mới một không gian thông thường thành một không gian văn hóa đặc biệt. Sự tác động của lễ hội trên phạm vi không gian càng rộng bao nhiêu thì khi đó, tính cố kết cộng đồng của nó cũng sẽ càng mạnh theo bấy nhiêu [7], điều này là đúng với nhận xét của cố GS. Trần Quốc Vượng, đó là:“… Với hội lễ, con người không chỉ cảm thông lẫn nhau, mà, hơn thế nữa, còn cảm thông và hội nhập với “đất-trời”, với cảnh vật bao quanh…” [15, tr.159].

Tạo nguồn thu kinh tế,làm kinh tế thông qua văn hóa không còn là cái gì đó quá xa lạ trong thời đại kinh tế thị trường như ngày nay. Tuy nhiên, làm như thế nào cho hiệu quả lại là một vấn đề không đơn giản. Nếu hỏi rằng giai đoạn nào là phù hợp nhất để phát triển kinh tế thông qua văn hóa thì xin thưa, chưa khi nào phù hợp hơn ngay chính bối cảnh như hiện nay. Áp lực từ cuộc sống hiện đại và những tệ nạn xã hội đang dần hiện hữu trong đời sống con người, vô hình trung đã tạo ra những trở ngại trong tâm lý, phá bỏ sự cân bằng trong tinh thần của con người. Chính lúc này, lễ hội như một cứu cánh hữu hiệu cho sự giải tỏa các áp lực về tinh thần và tâm lý ấy. Quay dòng tiến trình phát triển của lễ hội, ta thấy khởi điểm các nghi lễ thờ cúng ban đầu thường mang tính ích dụng, song về sau này, chúng dần được hoàn thiện về tính thẩm mỹ. Sự hoàn thiện ấy cũng không nằm ngoài mục đích: con người tham gia vào lễ hội không đơn thuần chỉ là để thỏa mãn nhu cầu tâm linh (tức được giao tiếp với các thực thể tối thượng), mà bên cạnh đó, họ còn mong muốn được thỏa mãn nhu cầu vui chơi.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Quốc Thắng đã từng đưa ra nhận định: “Lễ hội cổ truyền, một loại hình sinh hoạt cộng đồng đã và đang chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa – xã hội Việt Nam không chỉ bởi vì nơi đây đã có số lượng đông đảo người tham gia mà còn là vì nơi đó đang bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc có thể xây dựng thành những trọng điểm du lịch (main destination) của các địa phương, lẫn quốc gia!” [9, tr.153]. Xét trên phạm vi vùng Tây Nam Bộ, ta thấy hiện nay có rất nhiều lễ hội đã được ứng dụng vào khai thác thành công để phát triển du lịch, qua đó góp phần tăng nguồn thu nhập cho địa phương nói riêng và toàn vùng nói chung. Song, bất kỳ một sự kiện hay hiện tượng nào cũng có hai mặt của nó. Tạo được nguồn thu nhập cho địa phương cũng đồng nghĩa với việc nhiều mặt trái được tạo ra. Vì vậy, quản lý lễ hội thông qua hoạt động du lịch trong bối cảnh xã hội đương đại là việc làm rất quan trọng.

            Vậy nên, đối với vấn đề này, cần trước tiên có sự nhận thức đúng đắn về bản chất của việc khai thác này. Theo Huỳnh Quốc Thắng, để quản lý hiệu quả các lễ hội để phát triển kinh tế, cần xử lý tốt các cặp quan hệ: (1) Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong lễ hội – (2) Phong tục, tập quán và hủ tục – (3) tín ngưỡng, tôn giáo với mê tín và dị đoan [9, tr.153-155]. Tôi cho rằng, trong ba cặp quan hệ ấy, cần chú trọng vào cặp phạm trù thứ ba là: tín ngưỡng, tôn giáo với mê tín và dị đoan. Vì như đã đề cập, suy cho cùng thì lễ hội cũng có mối quan hệ mật thiết với tôn giáo tín ngưỡng. Do vậy, một khi đã chấp nhận lễ hội là ta phải chấp nhận “mê tín” (lòng tin mê muội). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phân biệt cặp phạm trù “mê tín dị đoan” với “tôn giáo, tín ngưỡng”, vì chúng ta chỉ có thể chống cái dị đoan (tức là những phi giá trị ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng).

Nói tóm lại, lễ hội là một bảo tàng sống để con người tìm về với bản chất và giá trị văn hóa của dân tộc. Đồng hành chung với chiều dài lịch sử của dân tộc, lễ hội truyền thống của Việt Nam đã mang trong mình nhiều ý nghĩa văn hóa, có chức năng giáo dục cao. Trong bối cảnh xã hội đương đại, lễ hội đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn nhiều thách thức để minh chứng cho giá trị của nó. Làm như thế nào cho hiệu quả, vừa có thể bảo tồn nhưng đồng thời không để nó lạc hậu so với thời đại là một câu chuyện dài hơi và chưa có hồi kết, đặc biệt là trong một bài viết ngắn như thế này. Cuối cùng, với những đặc trưng của vùng đất mới Tây Nam Bộ, lễ hội tại đây cũng đã bộc lộ những ý nghĩa to lớn của nó. Nó cũng là sự kế thừa đầy ý nghĩa các giá trị lễ hội truyền thống của dân tộc, góp phần làm cho di sản văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú và đa dạng hơn trong bối cảnh đương đại./.

    H.T.P

Sài Gòn, 17.03.2017

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Ngọc Hòa,(Chủ biên) (2014), Sự biến đổi những giá trị xã hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia.
  2. Nguyễn Xuân Hồng (2009), “Phác họa về lễ hội dân gian/truyền thống của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Di sản Văn hóa (số 2), tr.60-63.
  3. Nguyễn Minh Khải (2013), Tín ngưỡng tôn giáo và thực hiện chính sách tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia.
  4. Nguyễn Quang Lê (2014), Bản sắc văn hóa qua lễ hội truyền thống người Việt, Nxb Khoa học Xã hội.
  5. Hồ Liên (2002), Đôi điều về cái thiêng và văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc.
  6. Lê Hồng Lý (2006), “Khai thác các giá trị văn hóa và lễ hội truyền thống ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển du lịch”, Tạp chí Văn hóa Dân gian (số 2), tr.37-42.
  7. Nguyễn Tri Nguyên (2004), “Bản chất và đặc trưng tín ngưỡng dân gian trong lễ hội cổ truyền Việt Nam, Tạp chí Di sản Văn hóa (số 7), tr.27-32.
  8. Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh (2014), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh
  9. Huỳnh Quốc Thắng (2015), “Quản lý lễ hội cổ truyền và phát triển du lịch (Qua lễ hội Bà Chúa Xứ – Châu Đốc – An Giang)”, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học“Trải nghiệm ý tưởng Việt Nam”, Đại học Sài Gòn.
  10. Trần Ngọc Thêm (2000), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục.
  11. Trần Ngọc Thêm (2014), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb Văn hóa – Văn nghệ.
  12. Ngô Đức Thịnh (Chủ biên) (2014), Giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống và biến đổi, Nxb Chính trị Quốc gia.
  13. Ngô Đức Thịnh (2006), “Ngày xuân bàn về lễ hội cổ truyền”, Tạp chí Cộng Sản (số 2+3), tr.59-63.
  14. Thế Thị Vân, Nguyễn Thị Thu Duyên (2012), Lễ hội dân gian Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Công an Nhân dân.
  15. Trần Quốc Vượng (2014), Trong cõi, Nxb Hội nhà văn.
  16. Dương Thanh Xuân (2011), Nghiên cứu lễ hội truyền thống Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển du lịch (Luận văn Thạc sĩ Địa lí học), Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

 

Chú thích:

[1]Hiện nay có quan điểm cho rằng “truyền thống thường được hiểu là trước năm 1945, sau năm 1945 thì gọi là lễ hội hiện đại” [14, tr.80-81].

[2]Xem thêm trong Ngô Đức Thịnh (2014), Giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống và biến đổi, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.19.

[3]Về việc thống kê tổng số lễ hội hằng năm ở nước ta, qua khảo sát tư liệu, tác giả nhận thấy có sự khác nhau trong việc đưa ra con số thống kê. Cụ thể, Nguyễn Xuân Hồng cho rằng cả nước có chính xác là 7966 lễ hội [2, tr.60], Nguyễn Tri Nguyên thì cho rằng cả nước có trên 8000 lễ hội [7] và đồng quan điểm với ông là Dương Thanh Xuân với việc đưa ra con số cụ thể là 8902 [16, tr.26]. Trong khi đó, GS. Nguyễn Văn Dân lại cho rằng cả nước có 9000 lễ hội hằng năm, riêng tháng Giêng đã có hơn 1000 lễ hội (với 65 lễ hội cấp Quốc gia). Do đó, bài viết này chỉ sử dụng cách gọi “trên dưới 8000 lễ hội”.

1 thoughts on “Về lễ hội truyền thống ở Việt Nam trong xã hội đương đại

  1. Xin chào! Tôi có thể tham khảo thêm câu trích dẫn trong bài viết ‘Nhà Kinh tế học người Nhật là Michio Morishima đã từng có một phát biểu cho thấy sức mạnh mềm của giá trị văn hóa trong sự tiến bộ của một quốc gia đứng từ khía cạnh kinh tế: “Không một nước nào tiến lên được mà lại xem thường quá khứ của mình (truyền thống dân tộc). Quá khứ áp đặt quá trình phát triển tiếp theo của đất nước. Các chính sách kinh tế thiếu sự nhìn nhận lịch sử chẳng khác gì những trò cực kỳ phiêu lưu”’ ở sách hoặc tác phẩm nào?
    Xin cảm ơn

    Thích

Bình luận về bài viết này