Bàn thêm về việc tham gia đánh dẹp nội loạn, ngoại phỉ của Phạm Thận Duật

anh-pham-than-duat.png

Phạm Thận Duật (1825–1885)

Khổng Đức Thiêm 

1 . PHẠM THẬN DUẬT VỚI CUỘC NỔI DẬY NHÂM TUẤT (1862):

Sau khi người Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, Giám mục Thiên chúa giáo Retord muốn dựng tại Việt Nam “một ông vua theo đạo Thiên chúa dưới sự bảo trợ của nước Pháp” nên vào năm 1861 đã kéo Tạ Văn Phụng, người tự xưng là hậu duệ nhà Lê với tên gọi Lê Duy Phụng được Giám mục này kéo từ nơi đang lẩn trốn ở Hồng Công trở lại Bắc Kỳ để phất ngọn cờ Phù Lê – diệt Nguyễn với lời Tuyên cáo:

“Vì cảnh lầm than của dân ta và vì hoàn cảnh của gia đình ta, ta quyết định phải trả thù cho chính đáng để rửa cái nhục phải chịu biết bao đau khổ, để cho đạo Thiên chúa được truyền bá khắp nơi ở Bắc Kỳ và để cho dân chúng sống trở lại thái bình và hạnh phúc”[1].

Hầu như lập tức vì đã có sự chuẩn bị từ trước, Trung sĩ Charles Duval bí mật đến Bắc Kỳ vào đầu năm 1862 để tiếp xúc và viện trợ súng đạn của phương Tây cho Tạ Văn Phụng nhằm mục đích đẩy mạnh cuộc nội chiến, gây áp lực với Tự Đức. Với sự vũ khí tối tân của Duval, Phụng tung ra được những cuộc tấn công mạnh mẽ và chớp nhoáng trong nhiều tỉnh ở Bắc Kỳ, liên kết với Cai Vàng – thủ lĩnh theo đạo Thiên chúa, cầm đầu cuộc nổi dậy Nhâm Tuát trên đất Lạng Giang.

Đại Nam thực lục – Chính biên (Đệ tứ kỷ – Q. XXVI) cho biết:

“Nguyễn Thịnh ở Bắc Ninh (người huyện Phượng Nhãn, nguyên làm Cai tổng, theo đạo Gia tô) tự xưng làm Nguyên súy, suy tôn tên giặc trốn là Huân lên làm Minh chủ (Huân về năm Tự Đức thứ 8, mạo làm dòng dõi nhà Lê, tự xưng là Minh chủ. Sau bọn lũ bị tan trốn lánh, nhiều lần treo giải tìm bắt chưa được) thông đồng với bọn giặc ở mặt sông hạt Quảng Yên, tụ họp bọn lũ vài nghìn người, xâm đánh phủ Lạng Giang. Phó lãnh binh là Tôn Thất Trụy, đem quân đánh không được, quân bèn tan vỡ. Bọn giặc bèn đánh vào các huyện hạt Yên Dũng, tiến vây tỉnh thành. Việc ấy tâu lên. Vua sai Đô thống Tôn Thất Hàn sung làm Tổng đốc Quân vụ đại thần, thống quản các đạo biền binh tiến đánh. Lĩnh Bố chính Khánh Hòa là Nguyễn Đăng Hành, Hình bộ biện lý là Tôn Thất Đản, Hộ bộ Lang trung là Hà Văn Hanh, đều chuẩn cho ra miền Bắc làm Thương biện quân vụ. Lại sai các tỉnh Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Yên, thông sức cho trong thuộc hạt, chiêu mộ lấy người giỏi giang khỏe mạnh cho nhiều, đem đi hiệp sức đánh giặc”[2].

Về sự việc này, Kiều Oánh Mậu cho biết chi tiết hơn:

“Cũng năm ấy, [Tự Đức năm thứ 15 (1862)], tháng 2, có tên tội phạm đang trốn tránh ở Bắc Ninh, ngụy xưng là Thượng công (ông Thượng), tên Cai Vàng, tức Nguyễn Văn Thịnh, người xã Sơn Đình, huyện Phượng Nhãn, dẫn đồng đảng cùng Nguyên soái Lý Hạnh, ngụy Tiền quân tên Cận, ngụy Quận công tên Lý Chuột khởi loạn tại xã Đại Đào (tên đúng là Thái Đào. TG), huyện Phượng Nhãn. Tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh – Thái Nguyên) Nguyễn Văn Phong, phái ủy quan Lãnh binh dẫn viên Quản vệ đến cùng Đốc đồng phủ Lạng Giang và trú phòng được nơi Vinh Tựu, hội nhau đi tiễu trừ[3]. Đảng giặc chia làm hai cánh đánh úp. Quan Lãnh binh tử trận, viên Quản vệ và Trú phòng đều chết, số binh lính tử thương rất nhiều. Giặc ấy thừa thắng đến uy hiếp phủ thành. Quan Tri phủ Lạng Giang Nguyễn Văn Tiến thua chạy. Vợ của Cai Vàng lại càng ranh mãnh, tuổi hơn 20, tay cầm song kiếm, cưỡi ngựa như bay, lúc đầu đánh phá phủ Lạng Giang giao chồng đóng giữ rồi tự mình dẫn đồng đảng cùng với tên Nguyễn Đình Tri hợp sức đánh huyện Văn Giang. Nàng tới đâu là quan binh tan vỡ tới đó, không ai dám chống cự. Nàng nghe nói chồng ở Lạng giang, bị quan quân đánh lấy lại phủ thành, bèn nói với đồng đảng rằng: “Quan binh nào dám càn rỡ như thế? Một khi ta xắn quần lên chỉ sợ chúng chạy không kịp đó thôi”. Rồi nàng lên ngựa, chỉ huy quân đội, ngay đêm ấy tới Lạng Giang, đột trận chém giết, quan quân kinh hãi thoái lui. Các viên phủ, huyện ở Lục Ngạn, Yên Thế, Quế Dương, Gia Bình đều bỏ thành mà chạy”[4].

Nguyễn Văn Huyền trong Bước đầu tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp Phạm Thận Duật cho rằng:

“Năm 1858, khi thăng Tri phủ Lạng Giang (vẫn kiêm Tri huyện Quế Dương), ông được cử về chấm thi trường Nam Định, nơi thầy học ông – Hoàng giáp Phạm Văn Nghị – đang giữ chức Đốc học. Đó đúng là lúc sĩ khí xứ Nam Hạ đang sôi sục phẫn uất vì sự kiện Pháp đánh chiếm Đà Nẵng, mà triều Nguyễn vẫn còn đang tranh biện chiến – hòa, chưa ngã ngũ. Người đại diện tiêu biểu cho tinh thần yêu nước đó là Phạm Văn Nghị đã dâng sớ – mà người đương thời gọi là Trà Sơn kháng sớ, một mực xin quyết đánh và xin đứng ra tổ chức một đội quân tình nguyện Nam tiến đánh giặc. Những sự kiện ấy hẳn có tác động mạnh mẽ đến Phạm Thận Duật (và người thầy học, đồng thời là người cha nuôi ấy cũng đã thấy rõ tài năng và chí khí của học trò mình, cho nên ông đã trực tiếp dâng biểu tiến cử Phạm Thận Duật để triều đình lưu ý trọng dụng, Tự Đức sai ghi lại để đợi dùng[5].

Chấm thi xong, Phạm Thận Duật trở về Bắc Ninh, giữ chức vụ cũ và phải đương đầu ngay với phỉ ở địa phương, một tình thế chung cực kỳ rối ren ở các tỉnh thượng du và trung du thuở ấy. Căn do là từ hai đầu mối. Một đằng là bọn phỉ Trung Hoa, tàn dư của phong trào nông dân Thái Bình Thiên quốc bị nhà Thanh bên ấy đàn áp, chạy giạt sang Việt Nam biến chất thành phỉ – ta quen gọi là Thanh phỉ hoặc phỉ Tàu – chiếm cứ vùng thượng du nước ta. Một đằng khác là bọn phỉ ở Đông Bắc với tên cầm đầu Tạ Văn Phụng. Y là tay sai thực dân Pháp, đã từng theo chân Pháp đánh phá Đà Nẵng, rồi quay ra Bắc, liên kết với bọn Tàu ô cướp biển, lũ côn đồ trộm cướp trong nội địa lợi dụng lòng hoài mộ nhà Lê và oán hận triều Nguyễn của nhân dân Bắc Hà, nổi dậy đánh phá quấy rối hậu phương ta, trợ thủ cho giặc ngoài xâm lược.

Năm 1862, đồng đảng của tên Phụng đem quân vây đánh huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang. Quân phủ, huyện vừa ít, vừa yếu, Phạm Thận Duật phải mộ thêm đinh tráng, chia thành đội ngũ để phòng giữ nội hạt. Huyện, phủ lần lượt thất thủ. Ông phải đưa quân về tỉnh thành cùng các quan sở tại chia nhau chống giữ. Tỉnh thành Bắc Ninh bị bao vây đến ba vòng, tin tức trong ngoài không thông đến vài tháng. Sau phải nhờ có quân từ các tỉnh Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Yên kéo tới mới giải cứu được. Phạm Thận Duật kịp thời thúc quân truy kích, dụ hàng được khá nhiều người theo bọn Phụng và nhanh chóng ổn định được tình hình địa phương. Chính vì vậy mà trong vụ này ông không bị bắt tội vì để mất phủ thành”[6].

Có lẽ Nguyễn Văn Huyền đã nhầm lẫn về người giữ chức vụ Tri phủ Lạng Giang khi đó. Chứng cớ là, Đại Nam thực lực – Chính biên (Đệ tứ kỷ – Q. XXVI) ghi nhận: “Nhâm Tuất, Tự Đức năm thứ 15 (1862). Bọn thổ phỉ vây phủ Lạng Giang (thuộc Bắc Ninh). Tri phủ là Lê Huy Trạc (Cử nhân, người Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa) bị chết. Trước đây, giặc đóng giữ phủ thành, Huy Trạc mới được lệnh bổ thụ Tri phủ phủ ấy. Huy Trạc hăng hái nói: 4 cõi phải đắp lũy nhiều, là nhục cho quan đại phu. Tức thì đem hơn 10 người thủ hạ, từ biệt mẹ đi nhậm chức. Anh là Huy Khánh cũng cùng đi. Khi đến tỉnh liền theo quan binh đi đánh giặc, lấy lại được phủ thành. Đến đây mới được hơn 1 tháng, giặc lại hợp bọn lũ vây phủ. Huy Trạc chống cự lại, trải hơn 10 ngày, quân tiếp viện không đến. Giặc xông vào thành, Huy Trạc ra sức đánh hăng, cùng với anh là Huy Khánh đều bị giặc bắt được, luôn mồm chửi bọn giặc tàn tệ, đều bị giặc giết chết.

Vua nghe tin khen ngợi, truy tặng cho hàm Hàn lâm viện Thị độc, con được tập ấm Cửu phẩm văn giai, Huy Khánh cũng tặng Cửu phẩm (rồi sau hằng tháng cấp cho mẹ Huy Trạc mỗi tháng tiền 3 quan, gạo 3 phương)”[7].

Sau khi Lê Huy Trạc chết, Đồng Đức Tấu được cử làm Tri phủ Lạng Giang, điều này được Đại Nam thực lục – Chính biên (Đệ tứ kỷ – Q. XXVII) ghi nhận:

“Nhâm Tuất, Tự Đức năm thứ 15 (1862) mùa đông, tháng 12… Bọn giặc Thịnh chiếm giữ phủ Lạng Giang. Tri phủ là Đồng Đức Tấu đem bọn Cai tổng Nguyễn Ngọc Chấn đi đánh, chém được tên giặc Tuyển (Thượng thư của giặc lĩnh Tổng đốc Bắc Ninh) thu được voi, ngựa, khí giới. Giặc đều lủi trốn, lấy lại được phủ thành”[8]

Vậy vào những thời điểm trên, Phạm Thận Duật làm gì và ở đâu.

Chúng tôi cho rằng, trong 2 năm 1858 – 1859 ông ở trong đoàn Hà đê sứ đôn đốc việc đê điều ở sông Thiên Đức; năm 1860 mới được bổ làm Tri phủ Lạng Giang nhưng tới đầu năm 1861 bị giáng hạ một cấp xuống thự Tri phủ Lạng Giang như Đại Nam thực lục – Chính biên (Đệ tứ kỷ – Q. XXIV) đã chép:

“Tân Dậu, Tự Đức năm thứ 14 (1861), mùa xuân, tháng giêng… Trước đây đê sông Thiên Đức vỡ, những dân ở ngoài đê như Đổng Xuyên, Phù Cái 15 xã thôn bùn cát lầy lội, xin đem đất ở ngoại đê đổi cho dân nội đê để di cư vào nội đê được sớm, dân các xã nội đê cũng bằng lòng giúp đỡ cho. Việc đã giao xét làm. Đến bấy giờ đem việc tâu lên. Vua cho là các xã ấy liền năm bị nạn nước lụt, cho được di cư. Các viên làm đê trước vì làm đê bất lực phải giáng cấp có thứ bậc khác nhau (người làm đê trước là Nguyễn Văn Phong, Bùi Tuấn đều giáng 2 cấp; Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Văn Vĩ, Trần Thế Mỹ, Phạm Thận Duật đều giáng 1 cấp, đều được lưu dụng”[9].

Sau khi bị giáng làm thự Tri phủ Lạng Giang, Phạm Thận Duật vẫn còn cơ hội đóng góp cho việc giữ và giải vây cho phủ thành. Theo Khổng thị phổ gia của họ Khổng làng Châu Xuyên, tổng Thọ Xương, huyện Bảo Lộc, nơi đặt phủ thành Lạng Giang thì vào thời điểm đó có Cán tổng kiêm Cán chương nhị huyện (Bảo Lộc, Phượng Nhãn là ông Khổng Văn Giát trong tay có nhiều đinh tráng, khi Cai Vàng chiếm được phủ thành cho người đến dụ nhưng kiên quyết không theo mà đem binh dũng phối hợp với quân đội triều đình còn lại lúc này do Phạm Thận Duật chỉ huy. Do có kẻ nội phản, ông bị sát hại. Quan đầu tỉnh đã biên chép công lao, tư về Huế. Ông được triều đình phong tặng Bát phẩm văn giai và được vua Tự Đức ban tặng 4 chữ vàng KHẢNG KHÁI KIÊN TIẾT (khí tiết kiên trung, giữ lòng khảng khái). Bộ Lễ sức cho 6 xã Thọ Xương, Đông Nham, Hà Vị, Nam Xương, Cung Nhượng, Hòa Yên hàng năm đến ngày kỵ nhật (26-3) mỗi xã mang một con lợn quay cùng rượu, gạo đến nhà thờ để tế. Dân hai huyện Bảo Lộc, Phượng Nhãn cung tiến đôi liễn nội dung như sau:

Bất dữ tặc cẩu, sinh thệ thư do tại

Năng sử Thiệu giả, khuyến tước thưởng thậm minh

(Không cấu kết với giặc, lời thề xưa còn tươi nguyên nét mực

Hành sử như ông Thiệu, được phong tước là hết sức chính đáng)

Những điều ghi chép trong Khổng Thị phổ gia phù hợp với sách Bắc Ninh toàn tỉnh dư địa chí do Đỗ Trọng Vĩ biên soạn vào năm Thành Thái thứ 3 (1891): “Năm Tự Đức thứ 15, thảo khấu nổi lên như ong. Hào mục hai huyện Phượng Nhãn, Bảo Lộc mộ được nhiều người đi đánh giặc như Cán tổng Khổng Văn Giát ở Châu Xuyên, Chánh tổng Nguyễn Tử Trường ở Đông Nham, Phó tổng Nguyễn Tử Xoa ở Đào Tràng, Nguyễn Tử Hậu ở Dĩnh Kế, Viên tử Nguyễn Huy Du ở Thọ Xương đều bị giặc giết hại chết”[10]

Việc chiêu mộ dân chúng kể trên đều có công lao của Phạm Thận Duật.

Ở bài viết của mình, Nguyễn Văn Huyền hình như tránh nói đến một thực thể là cuộc nổi dậy Nhâm Tuất do Cai Vàng Nguyễn Văn Thịnh đứng đầu. Một phần, có thể tác giả sợ đụng chạm tới một phong trào lâu nay giới sử học quen gọi là khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình nhà Nguyễn, phần khác tác giả cho rằng quy đổi phong trào ấy là bọn phỉ Đông Bắc với tên cầm đầu  Tạ Văn Phung thì dễ làm nổi bật công trạng của Phạm Thận Duật hơn. Bởi, nói tới Cai Vàng lúc này đồng nghĩa với việc phụng mệnh triều đình đàn áp dã man những cuộc nổi dậy chống lại cường quyền của nhân dân.

Chúng tôi nghĩ rằng, đã đến lúc phải chỉ ra bản chất thật của cuộc nổi dậy Nhâm Tuất và đặt lại vị trí của nó trong tổng phổ chung của chuỗi sự kiện dồn dập diễn ra của mấy năm đầu thập niên 60 thế kỷ XIX.

Theo Trịnh Như Tẩu trong Bắc Giang địa chí ấn hành vào năm 1937 thì nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc nổi dậy là mối thù giữa phụ thân Cai Vàng bị Tri phủ Lạng Giang tên là Đề Hành. Nuôi chí trả thù, lại được thày học cũ là Tú Bái – một người vốn có ác cảm với bọn chấp chính đương thời, nhận giúp việc quân cơ, nên Cai Vàng càng quyết tâm khởi nghĩa. Ông xây dựng căn cứ ở Thái Đào – một khu vực nằm giữa quãng quách Sơn Đình – phủ lỵ Lạng Giang[11].

Mặc dù, sau khi chiếm được phủ thành Lạng Giang, kẻ thù chính là Tri phủ Lạng Giang (Đề Hành hoặc Nguyễn Văn Tiến – như Trịnh Như Tấu, Kiều Oánh Mậu ghi lại) trốn thoát về tỉnh thành Bắc Ninh, Cai Vàng đã muốn giải giáp binh mã, vì dù sao cũng trả được nỗi thù nhà. Một tình thế mới xuất hiện với nhân vật tự xưng là dòng dõi nhà Lê, mang tên là Lê Duy Uẩn (tức Tú Bái, tức Lê Duy Huân) được tôn làm Minh chúa của cuộc nổi dậy. Để tạo thêm sức mạnh cho cuộc chuyển đổi thù nhà thành nợ nước giương cao ngọn cờ Phù Lê diệt Nguyễn, người vợ ba của Ông – bà Lê Thị Miên, trở thành cháu gái của Lê Duy Uẩn.

Rõ ràng, cuộc nổi dậy Nhâm Tuất của Cai Vàng chỉ là sự trùng hợp đồng thời với mưu đồ của Tạ Văn Phụng bởi mục đích ban đầu cũng như diễn tiến của nó trải ra trên một cung đường khác biệt, có minh chúa riêng đủ để tập hợp lực lượng trong màu cờ Phù Lê diệt Nguyễn của mình. Đưa cuộc nổi dậy này vào phạm trù hải phỉ của Tạ Văn Phụng chúng tôi e rằng có sự ngộ nhận ở đây, đành rằng về khách quan nó góp phần cùng nhiều phong trào khác khiến triều đình nhà Nguyễn phải ký Hiệp ước đình chiến với người Pháp – Tây Ban Nha vào ngày 5-6-1862 và vào năm 1864, cuộc nổi dậy Nhâm Tuất thất bại cũng là thời điểm Tạ Văn Phụng bị bắt và bị giết.

Cai Vàng có thể chỉ vì phụ thân bị sát hại và có thể vì nhiều giáo dân trong vùng khi đó bị sát hại đã nổi dậy. Chính ngọn lửa nhỏ do ông thắp lên đã bị lợi dụng và bị ngọn gió Phù Lê diệt Nguyễn thổi bùng thiêu cháy, tàn hại biết bao xóm làng và sinh linh khắp cả một vùng rộng lớn từ Bắc Ninh sang Hưng Hóa, Sơn Tây, Tuyên Quang. Và, ở một khía cạnh nào đó nó đã góp phần làm suy yếu sức đề kháng của triều đình, tạo điều kiện để Pháp dễ dàng đánh chiếm Bắc Kỳ vào nqm Quý Dậu (1873).

Từ những dẫn chững và luận đề kể trên, chúng tôi cho rằng vai trò và vị thế của Phạm Thận Duật đối với các sự kiện diễn ra trên đất Lạng Giang những năm 1862 – 1864 chỉ bó hẹp trong một giới hạn nhất định. Chính điều đó khiến ông không bị triều đình trị tội vì để mất thành và luôn mong muốn cùng thày học của mình lên đường vào Nam chiến đấu như Đại Nam thực lục – Chính biên (Đệ tứ kỷ – Q. XXX) xác nhận: “Giáp Tý, Tự Đức năm thứ 17 (1864), mùa thu, tháng 9… cho gọi Thương biện ở Nam Định là Phạm Văn Nghị về Kinh đợi lựa bổ. Văn Nghị lấy cớ bị ốm xin từ. Vua sai Văn Nghị cử người quen biết. Văn Nghị đem bọn học trò là Nguyễn Ban, Đặng Phác và Phạm Thận Duật sung cử, chuẩn cho ghi vào sổ để dùng”[12].

Ngay trong năm đó, Phạm Thận Duật có chỉ gọi về Kinh làm Viên ngoại lang Bộ Lễ, hàm Chánh ngũ phẩm nhưng chỉ ít lâu sau đó, ông lại trở về Lạng Giang chính thức nhậm chức Tri phủ.

2 . LẠNG GIANG VÀ SỰ NGHIỆP CHỐNG NGOẠI PHỈ, NỘI LOẠN CỦA PHẠM THẬN DUẬT (1865 – 1876):

Phủ Lạng Giang thời Phạm Thận Duật gồm 6 huyện (Yên Dũng, Phượng Nhãn, Bảo Lộc, Yên Thế, Lục Ngạn, Hữu Lũng) trải ra ở phần lớn vùng trung du bán sơn địa và thượng du tỉnh Bắc Ninh. Tuy dân cư thưa thớt nhưng diện tích đất đai, sông ngòi, đồi núi còn lớn rộng hơn 3 phủ còn lại của tỉnh Bắc Ninh (Bắc Hà, Từ Sơn, Thuận An). Nhìn nhận giá trị về địa chính trị, địa quân sự của một nơi từng được coi là khu vực thông sang Kinh Quảng, giáp ranh cùng tướng Hán (Ngô Thời Nhậm), một khu vực rừng cây rậm rạp, đồi cao đồi thấp như bát úp, các mạch núi chót vót, sông suối quanh vòng (Phan Huy Chú), Tự Đức đã chỉ ra Lạng Giang là chỗ đất trung châu, là nơi xung yếu có thể kiểm soát không chỉ Bắc Ninh mà còn đối với Lạng Sơn, Hải Dương và Quảng Yên. Nổi tiếng là địa bàn có vị thế chiến lược vô cùng trọng yếu, Lạng Giang cũng vang danh là vùng đất nghịch như nhận xét của danh tướng Tôn Thất Thuyết:

Lạng Giang nhất đái, tổng thị đạo uyên

Địa giai tặc tẩu, dân gian tặc binh

(Cả dải Lạng Giang đều ổ cường đạo

Đất là đất giặc, dân là lính giặc)

Các sách vở cũ, khi viết về tính cách của người dân vùng đất Lạng Giang đều dùng đến chữ dũng hãn, có thói quen đao kiếm, quê mùa thô lậu và chưa được thuần hậu. Trong dân gian không mấy người không biết câu truyền ngôn Lạng Giang thục, thiên hạ túc (bao giờ dân đất Lạng Giang hòa hợp cái chung, cả nước no đủ).

Chỉ tính từ thời Trần cho tới thời Lê, đã có hàng chục cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nổ ra trên đất Lạng Giang của các thủ lĩnh Tề (1354), Nguyễn Bổ (1379), Trần Cảo (1516 – 1521), Dương Văn Cán (1579), Đinh Văn Trú (1785). Dưới triều Gia Long (1802 – 1819) và Minh Mệnh (1820 – 1840) có gần 40 cuộc nổi dậy phản kháng, trong đó có nhiều cuộc giương cao ngọn cờ Phù Lê diệt Nguyễn.

Sau một thời gian trị nhậm tại phủ Lạng Giang, bằng đôi mắt thần tình và một trí tuệ thâm hậu, Phạm Thận Duật đã có một tầm nhìn vượt hẳn những góc nhìn có phần ác cảm của người đương thời đối với vùng đất và con người nơi đây:

“Người xưa lo, ở chỗ Bắc Ninh ta là nơi khống chế được Cao Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn[13], ở gần nước Thanh, là cửa ngõ lớn của Bắc Kỳ. Lạng Giang lại là đất xung yếu của Bắc Ninh ta. Bắc Kỳ xem Bắc Ninh ta làm động tĩnh, mà Bắc Ninh ta lại xem Lạng Giang làm động tĩnh. Phong tục của người Lạng Giang chuộng thô chất, biết dũng cảm để làm việc nghĩa. Thời đầu nhà Trần, Hưng Đạo vương xếp Lạng Giang đứng thứ hai sau Vạn Kiếp, nơi giỏi sử dụng dân. Trai tráng đều là binh, nhà giầu đều là nơi sự trữ lương thực.

Bạch Đằng, Vạn Kiếp mấy lần đại thắng, bẻ gẫy được quân Nguyên, sự nghiệp anh hùng vĩ đại vẻ vang, người đời còn truyền mãi. Bọn phỉ nước Thanh là mối họa ở nơi biên trấn của ta từ bốn năm năm rồi. Lời dạy bảo mực thước thứ nhất là chuẩn bị, hối thúc hương binh, luyện tập để phòng vệ.

Hai là theo việc cũ như người thời Trần chế ngự quân Nguyên. […]. Chỉ còn cách khuyến khích hương ấp cũng là để chia sẻ công việc bên trong, khiến cho trai tráng đều là binh sĩ, nhà giầu đều là kho lương, mong cho Lạng Giang ngày nay còn được như Lạng Giang ngày xưa chăng? Lấy việc giữ yên Lạng Giang, một vùng biên cảnh để làm vững chãi một mặt trường thành phía Bắc của nước ta chăng?”[14].

Từ giữa thế kỷ XIX, cả một vùng rừng núi rộng lớn của phủ Lạng Giang như Hữu Lũng, Lục Ngạn, Bảo Lộc, Phượng Nhỡn và Yên Thế rơi vào cảnh điêu tàn bởi nạn cướp phá, bắn giết bởi lũ Thanh phỉ. Hơn bao giờ hết nhân dân địa phương lại phải bày tỏ tinh thần thượng võ và lòng yêu quê hương tha thiết của mình.

Đầu năm 1860, Lục Ngạn trở thành một bãi chiến trường. Bọn Lý Đại Ích, Ninh Quốc Kim, Ngô Lăng Vân thường quấy phá Lục Ngạn, nhất là khu vực tổng Cương Sơn giầu có. Theo Đại Nam thực lục – Chính biên (Đệ tứ kỷ – Q. XXII) thì Lãnh tri phủ Lạng Giang là Trần Thiệu đem dân chúng cự lại, nhưng bị thua trận và đã hy sinh anh dũng[15].

Đến năm 1866, nạn Thanh phỉ hoành hành còn ác liệt hơn nhiều. Vẫn theo Đại Nam thực lục – Chính biên (Đệ tứ kỷ – Q. XXXVI): “Toán giặc ở đất Thanh cướp nhiễu các huyện Bảo Lộc, Lục Ngạn, Quan Phó sứ đồn điền là Nguyễn Đình Nhuận cùng viên tri huyện Lục Ngạn là Nguyễn Tố Lập cùng giáp đánh không lợi. Tố Lập bị mất tích, suất đội là Thân Văn Định bị giết [Triều đình] sai đề đốc Nguyễn Văn Thân đem quân đến đánh, bọn giặc lẻn trốn rồi lại kéo đến cướp phá các huyện Lộc Bình, An Bác”[16].

Đứng trước tình hình dân lành bị tàn hại, quan quân bị mất mát và thua trận nhiều, vua Tự Đức phải sức cho các phủ, huyện tổng, lý tập hợp dân dõng, thủ hạ đóng giữ các nơi hiểm yếu, hậu thưởng cho người lập công, nghiêm trị kẻ chứa dấu và theo phỉ. Lại cử Ông Ích Khiêm làm Khâm phái Bắc Ninh tiễu phỉ sứ mang quân đi đánh dẹp; đồng thời giao cho Phạm Thận Duật và Nguyễn Hữu Thân lên tiền trạm để chốt giữ và chiêu dụ lũ phỉ ở Lục Ngạn[17]. Trong năm 1867, Phạm Thận Duật đã cùng Ông Ích Khiêm đã diệt hàng trăm tên và bắt sống 65 thổ phỉ.

Công việc dẹp Thanh phỉ tưởng như đã tạm yên thì năm 1868 trùm Thanh phỉ Ngô Côn đem 2000 thủ hạ tràn vào Lục Ngạn, Bảo Lộc, Phượng Nhãn giết chết Lãnh án sát Bắc Ninh là Tôn Thất Phan, Phó quản cơ Phan Văn Diên ở Hả Hộ (khi đó thuộc Bảo Lộc, nay là Lục Ngạn). Nhiều làng mạc bị đốt phá, nhiều dân thường bị giết hại. Có lẽ từ trước tới nay quân đội triều đình chưa phải đối phó với lực lượng thổ phỉ nào mạnh mẽ được trang bị vũ khí đầy đủ đến thế. Ngoài súng ống, hỏa mù chúng lại tỏ ra rất thiện chiến khi trên lưng ngựa lúc xung trận, khiến cho quân đội triều đình đâm bắn không kịp, phần nhiều thua chạy.

Một lần nữa, Tự Đức lại phải ra lệnh cho cử nhân, tú tài, thân hào, tổng lý tập hợp dân dõng không phân biệt lương giáo, đều chiểu theo tổng xã, theo địa hạt mà tuần phòng, treo giải thưởng trị giá hàng vạn lạng bạc cho những ai bắt sống hoặc giết được Ngô Côn.

Lũ Thanh phỉ tràn sang Yên Thế và xuống đồng bằng, đi đến đâu cũng tàn sát, giết người cực kỳ man rợ. Các địa phương vừa trải qua đau khổ, chết chóc do cuộc khởi nghĩa Nhâm Tuất (1862) gây ra, vẫn còn chìm trong cảnh thê lương tiêu điều lại phải hứng chịu cảnh tang thương do lũ Thanh phỉ Ngô Côn reo rắc vào năm Kỷ Tỵ (1868):

Nhâm Tuất có loạn Cai Vàng

Đến năm Kỷ Tỵ hai hàng giặc Ngô

Năm 1869, Ngô Côn rải quân khắp Lục Ngạn, Phượng Nhãn, Kim Anh, Hiệp Hòa và Yên Thế rồi kéo đến Bắc Ninh, áp tới cửa thành phía trước khí thế rất mạnh. Nguyễn Văn Phong, Bùi Tuấn cố thủ trong thành được Ông Ích Khiêm mang quân từ Kim Anh về giải vây, bắn chết Ngô Côn. Tàn quân của hắn vội kéo chạy về Đài Bạng (Yên Phong) rút chạy. Mãi đến lúc này, Đề đốc Lưỡng Quảng là Phùng Tử Tài mới đem quân vào Bắc Ninh, đánh qua loa vài trận rồi vội vã cho mời sư lập đàn chay, cầu siêu độ cho các tướng sĩ đi đánh bị chết trận rồi định ngày đêm đem quân sĩ về mặc cho tại Yên Thế, tàn quân Ngô Côn do bọn Tăng Á Trị, Hoàng Vãng, Tô Quốc Hán, Đặng Vãn cầm đậu tụ tập đông như muỗi. Nhân dân địa phương phải tự lo xây dựng lấy lực lượng vũ trang, để tiến hành một cuộc chiến đấu ngoan cường và bền bỉ nhằm bảo vệ quê hương, làng xóm.

Đối với Lục Ngạn, lũ tàn quân của Ngô Côn trở lại chiếm cứ các khu vực dọc chân núi Huyền Đinh – Yên Tử. Năm 1870, Ông Ích Khiêm cùng Phan Thận Duật, Lê Bá Thận, Nguyễn Hùng, Lê Văn Sĩ đã hội quân chém được 180 đầu Thanh phỉ. Chưa kịp yên vị thì đầu năm 1871 lũ Thanh phỉ khác mà sử sách nhà Nguyễn ghi là Lông Bông từ địa hạt nước Thanh lại tràn sang tụ họp với tàn quân của Tô Quốc Hán, Đặng Vãn, tràn tới các nơi, từ Cương Sơn đến Vô Tranh, Mỹ Nương. Tháng 10-1871, Tăng Á Trị bị dân binh xã Nghĩa Phương bắn chết. Năm 1872, Trần Văn Giản và Nguyễn Văn Hợp là người xã Khám Lạng, Chỉ Tác đã chỉ huy dân dõng đánh tan được bọn Tô Quốc Hán, Đặng Vãn buộc chúng phải chạy sang Tuấn Đạo và ở đây đã bị Thị sư Nguyễn Oai đem 400 quân, 1 cỗ voi tiếp tục truy kích. Cả một vùng Lục Ngạn, Bảo Lộc, Phượng Nhỡn tạm thời trở lại yên ổn.

Đồng hành với nạn Thanh phỉ, trên đất Lạng Giang khi đó còn bị giày xép bởi cuộc nổi dậy của Quận Tường (1866 – 1874)[18] và Đại Trận (1870 – 1875)[19], tiêu hao nhiều sức lực và binh tướng của triều đình. Với Phạm Thận Duật, đây là thời kỳ lao đao và vất vả nhất của ông trên đất Bắc Ninh.

Ngay khi cuộc nổi dậy của Quận Tường bùng nổ, một số thủ lĩnh còn sót lại trong cuộc nổi dậy Nhâm Tuất như Lê Duy Linh, Đồ Khang, Tuần Chinh, Quản Sơn, Cả Bắc, Ba Quý… đều lần lượt quy phụ, tạo thế cho phong trào này mở rộng ảnh hưởng sang cả vùng Kim Anh, Đa Phúc. Từ Yên Thế, Quận Tường di chuyển căn cứ tới núi Vệ Linh (Kim Anh). Tuy nhiên, vào năm 1867 căn cứ Vệ Linh bị quân đội triều đình triệt phá. Trước thế bất lợi, năm 1868 Quận Tường liên kết với toán Thanh phỉ do Ngô Côn cầm đầu, hoành hành cướp phá khắp tỉnh Bắc Ninh rồi “trốn vào xã Phú Tàng, Bắc Ninh đi cướp bừa bãi, Phó lãnh binh vũ Văn Phùng đi đánh cũng bị chết tại trận, tặng hàm Lãnh binh. Hộ đốc Bùi Tuấn, Bố chính Hà Duy Trinh, Án sát Phạm Thận Duật đều phải cách, lưu tại chức”[20]. Mùa thu năm 1869, Quận Tường “tụ họp ở các huyện Đa Phúc, Kim Anh, Yên Phong thuộc Bắc Ninh [triều đình] sai Đề đốc Hà Nội Đặng Văn Siêu ở lại Bắc Ninh cùng Án sát Phạm Thận Duật hợp nhau cùng đánh”[21].

Khi Ngô Côn bị giết, Phạm Thận Duật cùng Đặng Văn Siêu, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Nhuận được giao cầm quân tấn công vào căn cứ Thanh Tước (Kim Anh) – nơi Quận Tường vừa thu nạp thêm 4000 nghĩa binh. Quân triều đình bị phản công dữ dội. Tướng Hoàng Hữu Tài bị giết ở Quán Tình (Đông Ngàn). Phạm Thận Duật bị bao vây ở Tiên Dược (Kim Anh) khiến Hoàng Tá Viêm phải đưa 2000 quân cùng lực lượng của tri phủ Từ Sơn Trương Quang Đản đến ứng cứu. Đại Nam thực lục – Chính biên (Đệ tứ kỷ – Q. VLIV) ghi lại:

“Trước đây, bọn giặc ra hàng lại vây thành Lạng, giặc trốn ở Bắc Ninh là tên Tịch (xưng bậy là Đại nguyên soái), lại nổi lên, bè lũ đi theo đến hơn 4.000 người, bọn ấy có lũ tên Chuyên, tên Đài, tên Nhiễm, tên Chích là ác hơn cả), quấy nhiễu bừa các hạt Đông Ngàn, Kim Anh, Đa Phúc, ở quân thứ phái Hoàng Hữu Tài (nguyên chức phó Võ học) đánh nhau với giặc ở Quán Tỉnh (thuộc huyện Đông Ngàn) bị chết trận. Thống đốc là Hoàng Tá Viêm ủy cho Nguyễn Văn Tường đem quân (hơn 2.000 người) đi đánh. Bố chính Bắc Ninh là Phạm Thận Duật đem thủ dõng hợp lại cùng đánh, đánh nhau với bọn giặc ở xã Tiên Dược (thuộc huyện Kim Anh), bọn giặc tan vỡ, tên đầu sỏ giặc sợ hãi trốn thoát. Tin thắng trận tâu lên, Hoàng Tá Viêm được thưởng quân công 2 cấp; Nguyễn Văn Tường được khai phục Quang lộc tự khanh; Phạm Thận Duật được thưởng quân công 1 cấp. Đến nay, các phủ huyện chặn chỗ hiểm yếu dò bắt được đầu mục giặc là bọn Đỗ Văn Đạo, Nguyễn Văn Năm 11 tên, đều đem giết cả (khi ấy Hữu Tài (hàm Thị giảng phải giáng được lưu nhiệm) vì đem quân tiến lên trước, hăng hái xông vào đánh giặc, được đặc cách truy tặng hàm Thị giảng học sĩ, cấp cho tiền tuất gấp đôi, chiểu lệ cho con được tập ấm, để khuyến khích những kẻ có thực lòng với chức vụ”[22].

Cũng theo Đại Nam thực lục – Chính biên (Đệ tứ kỷ – Q.XLV), Tự Đức cho rằng:

“Hoàng Tá Viêm từ khi vâng mệnh cai quản quân cùng với Thị sư Lê Tuấn, được vua ban cho thanh gươm của vua, cho tùy tiện được phép thay đổi các quan to, tự ý phủ dụ, nhận kẻ đầu hàng, vua đều nghe theo cả. Đến nay, thế giặc ngày một lan rộng, dọc biên giới báo tin cấp bách, lại xin phái thêm quân để đánh dẹp. Nhân thế vua giáng dụ quở trách bắt phải đánh dẹp ngay. Lại sai quan quân thứ và quan tỉnh quan văn là Bùi Tuấn, Lê Hữu Thường, Trần Bình, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Kỷ, Hồ Trọng Đĩnh, Lương Quy Chính, Mai Quý, Phạm Thận Duật, Vũ Huy Huyến, Nguyễn Huy Du, Đặng Duy Trinh, Nguyễn Thứ, Lưu Tiến Điền, Hoàng Diệu, Nguyễn Mậu Kiến, Nguyễn Di, Nguyễn Quế, Trần Quang Trọng, Hoàng Tướng Hiệp, Phạm Hữu Thước, Nguyễn Phan, Nguyễn Văn Thận, Nguyễn Tạo; quan võ là Đinh Hội, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Ban, Trần Mân, Lê Văn Trinh, Nguyễn Văn Nhuận, Nguyễn Bưu và bọn Trần Đình Túc, Nguyễn Văn Tường, Đặng Huy Trước, Trần Thiện Chính, Vũ Văn Đức, Vũ Trọng Bình phải hết lòng bày mưu đặt kế để giúp các tướng soái về những chỗ thiếu sót”[23].

Mặc dù cuộc nội loạn do Quận Tường, Đại Trận chưa được dẹp yên nhưng vào cuối năm 1874 “vua cho là Hà Nội ở giữa, bốn mặt công việc càng nhiều, Tổng đốc Trần Đình Túc già yếu, kiểm xét không thể khắp được, chuẩn cho Bố chính Bắc Ninh Phạm Thận Duật thự Tuần phủ Hà Nội để giúp bàn tính”[24]. Tuy nhiên, chỉ một hai tháng sau lại gọi ông về Kinh dợi chỉ bổ đi nơi khác.

Theo Đại Nam thực lục – Chính biên (Đệ tứ kỷ – Q. LIII):

“Ất Hợi, Tự Đức năm thứ 28 (1875), mùa xuân, tháng 2… Bấy giờ toán giặc Bắc Ninh chưa dẹp yên, hai đoàn Chu – Triệu[25] lại làm phản. Vua cho là Nguyễn Uy ở Bắc Ninh đã lâu, chi phí rất nhiều, rút cục không được việc chút nào, chuẩn cho giải chức (rồi giao cho Tôn Thất Thuyết kiêm hàm ấy sai phái làm việc ở quân thứ Thái Nguyên), lấy Tham tán Tôn Thất Thuyết đổi bổ làm Tuần phủ, hộ lý Tổng đốc Ninh – Thái kiêm việc quân Ninh – Thái – Lạng – Bằng. Lại cho là việc phòng tiễu Bắc Ninh rất khẩn, nên đặt thêm Tuần phủ. Vua cho lấy nguyên thự Tuần phủ Hà Nội Phạm Thận Duật thăng thư Tuần phủ Bắc Ninh”[26].

Khi đó, Đại Trận đang tập hợp lực lượng tại “xã Thượng Phúc, huyện Kim Anh ước 400 người, là một toán giặc nhỏ đi cướp ăn, về sau hùa theo nhau bè lũ đến hơn 2.000 người kết hợp với giặc lẩn trốn của nước Thanh [tức hai đoàn Chu – Triệu] chia ra quấy nhiễu các phủ huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Thị sư Nguyễn Uy tâu xin 1.000 quân tinh nhuệ để giúp đánh dẹp. Vua mới sai Tham tán Tôn Thất Thuyết đem theo bọn Trương Văn Đễ và quan quân đến ngay hạt Bắc đánh dẹp”[27].

Tháng 3-1875, Phạm Thận Duật được lệnh đem lực lượng của Bắc Ninh phối hợp với quân chính quy tấn công vào cơ sở của Đại Trận ở Việt Yên. Theo Đại Nam thực lục – Chính biên (Đệ tứ kỷ – Q. LIII) thì:

“Quan quân thứ và quan tỉnh Ninh – Thái Tôn Thất Thuyết sai bọn Đề, Tán là Nguyễn Văn Hùng, Trương Văn Đễ, Ngô Tất Ninh, Trương Văn Ban chia đường đánh giặc người Thanh, người Kinh ở các nơi An Viên, Đông Lỗ, xông pha tiến quân như mưa đều hạ được đồn lũy, bắt được đầu sỏ giặc là tên Trận (ngụy xưng Đại nguyên soái), đem chém, bêu đầu cho mọi người biết. Bắt chém giặc người Thanh, người Kinh trên 1.400 tên, thu được khí giới vô kể. Tin thắng trận tâu lên, vua làm thơ ghi việc vui, thưởng cho Thuyết thăng thự Tổng đốc Ninh – Thái, gia thưởng cho 1 bài đeo bằng ngọc quý, 1 nhẫn vàng khảm ngọc châu hỏa tề, kim tiền Long vân khế hội hạng nhất, hạng nhì mỗi thứ 1 đồng. Bọn Đề, Tán được thăng thưởng có thứ bậc”[28].

Kiều Oánh Mậu cũng ghi lại sự kiện này:

“Tự Đức năm 28, Ất Hợi (1875), tên Trận, người xã Ngọc Lý, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Ninh, ngụy xưng là Đại nguyên súy, cùng với ngụy Lãnh binh tên Lạc, người xã Phú Mẫn, huyện An Phong, ngụy Lãnh binh tên Dung, người xã Đông Đồ, huyện Kim Anh, và sinh đồ nọ ở Nghệ An làm ngụy Quân sư, họp bọn khởi giặc ở xã Ngọc Lý, cướp lấy hai con trâu cày của chú y để khao quân, đánh phá huyện Yên Thế. Viên Đồng [Tri] phủ bị bắt. Trên tỉnh phái Lãnh binh đem quân đi trừ bắt. Nhưng quan binh bị thất lợi, Lãnh binh cũng bị bắt, quan Đề đốc Bảng bị tử trận. Thế giặc rất càn rỡ. Chúng lại dẫn giặc Tàu Chu Kiến Tân hơn ba ngàn người xuống hai thôn Đông Lỗ.

Năm ấy, quan Hộ đốc Ninh – Thái [Bắc Ninh và Thái Nguyên] Tôn Thất Thuyết lãnh chức Tổng đốc Quân vụ Ninh – Thái – Lạng – Bình [Bắc Ninh – Thái Nguyên – Lạng Sơn và Cao Bằng] đi đến huyện An Dũng, lần lượt phân phái Đề đốc Nguyễn Văn Hùng, Tán lý Trương Đăng Đệ cầm binh chia ra đi trừ giặc. Giặc ấy chiếm cứ nơi hiểm trở chống lại quan binh. Quan quân công hãm thôn trên, lấy được đồn giặc. Giặc ấy rút lui tụ tập ở thôn dưới cố thủ. Quan Đề đốc nghiêm lệnh quan binh đương đêm đội mưa vây đánh. Đảng giặc thế cùng nên đâm liều đánh dữ, xông ra đánh để thoát vòng vây hơn mười lần. Quan binh dựa vào lũy huyết chiến, giết giặc rất nhiều. Ngày 28 tháng 3, quan Đề đốc lại nghiêm lệnh quan binh đem hết lực lượng xông vào đánh phá, một loạt giựt đồn sấn vào bắt giết, bắt được toàn bọn, liền đem tên Trận ra giết trị tội, đem đầu hắn đến các tỉnh ở Bắc Kỳ bêu lên cho dân chúng xem. Tướng sĩ vẫn tiếp tục đi trừ dẹp, dư đảng đều dẹp yên. Năm đó, vua có bài thơ rằng:

                        Khói trận rợp đen, trống dậy trời

                        Lấy đồn, thò túi dễ chơ chơi.

                        Dứt cành, sóc hết mong năm ngã,

                        Ba ngách thủ cùng, huyệt phá rồi”[29].

Tháng 10-1875, Tự Đức “sai Tổng đốc Ninh – Thái Tôn Thất Thuyết đến quân thứ Thái Nguyên chuyên coi việc quân; lấy Tuần phủ Bắc Ninh Phạm Thận Duật làm Hộ lý Tổng đốc. Khi ấy Thuyết ở Bắc Ninh, phái viên nước Pháp nghi kỵ, Thuyết xin cho người làm thay, tuân lệnh đến Thái Nguyên, Tuyên Quang coi việc đánh dẹp. Vua nhân đấy, sai Thuyết dẹp xong giặc ở Thái Nguyên, đến ngay quân thứ Tuyên Quang, Hưng Hóa đổi làm Hiệp đốc Quân vụ đại thần, cùng với Hoàng Tá Viêm dẹp xong giặc còn lại và xử trí đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc (khi ấy phái viên nước Pháp ở Hà Nội, Hải Dương lại lo về đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc, nói phao mê hoặc ồn ào, vua nghe biết, bảo các quan Hải Dương, Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Ninh, Nam định đều phải một lòng lo việc nước, tùy tiện làm cho thỏa đáng, để đều được yên ổn)”[30].

Tháng 6-1876, Tự Đức cho thự Hữu tham tri bộ Binh Lê Hữu Tá đổi làm thự Tuần phủ Hộ lý Tổng đốc Ninh – Thái vì nguyên Hộ đốc Phạm Thận Duật có bệnh cáo nghỉ. Sau khi bệnh lui, tháng 9-1876 Phạm Thận Duật chính thức rời Bắc Ninh về Kinh làm Tả tham tri bộ Lại kiêm Tả phó Đô ngự sử Viện Đô sát.

Như vậy là Phạm Thận Duật có tới 20 năm (1857 – 1876) gắn bó với mảnh đất Bắc Ninh – trong đó phân nửa thời gian có mặt trên mảnh đất Lạng Giang đầy máu lửa.

Những ngày tháng binh đao tao loạn đó, những con người đày khí phách trên đất Lạng Giang ngã xuống vì sự an nguy của đất nước luôn để lại trong ký ức của ông niềm cảm phục sâu đậm, được ông ghi lại trong Đại nghĩ Bắc tỉnh quan điện Lục Ngạn huyện Tri huyện Như Trai Nguyễn Khanh văn (Nghĩ thay quan lại Bắc Ninh viếng Tri huyện Lục Ngạn Như Trai Nguyễn Khanh):

“Than ôi! Như Trai sao mà bỏ đi nhanh đến thế! Vì dũng mà chết hay sao? Một cái chết mà khiến cho kẻ thì thương, kẻ thì cười, kẻ thì hận, kẻ thì tiếc, khó mà nói hết cái tình lý khác nhau thay. Trận chiến ở Gia Sơn mạo hiểm, khinh địch mà tiến để lọt vào tay giặc là hận rồi. Giặc muốn để ông sống, nhưng quả quyết chửi giặc mà chết, chẳng còn mặt mũi nào mà nhìn mà nghe được nữa, thật là tiếc thương xót xa vậy. Đã thế, khi ta tiến, giặc lui, chúng đem thi thể ông về chặt ra, sự tiếc thương bi phẫn, uất hận lại thành tiếng cười khả ố của chúng. Ôi từ sự việc ở biên cương mà ném bút, cầm gươm thề một lòng giết giặc. Tuy con đường lên Cao Lạng không tránh khỏi gian nan nguy hiểm, chiến đấu chẳng khiếp sợ. Không thể nói rằng vì khiếp sợ mà chiến đấu. Nếu khiếp sợ thì làm sao dám dũng cảm chiến đấu để dẫn đến cái chết. Ta muốn làm trong sạch vùng biên giới tây bắc phát triển như thời Trần thời Lê ngày trước. Bọn giặc ở biên cương đã gây biết bao tai họa để chứa chất biết bao phẫn nộ để thần và người đều muốn cùng rút kiếm ra để đánh bại bọn giặc. Giặc phải lui là do sự linh thiêng của đền Vạn An, ngâm bài thơ thần để đánh bại giặc phương Bắc là do sự linh thiêng của đền Phượng Nhãn. Hai ngôi đền đó đều nằm trên đường từ Lạng Giang đi Lục Ngạn, cách không xa nơi ông mất có sự linh thiêng của thần rút kiếm, ngâm thơ để giết giặc phương Bắc chăng? Ôi, tai họa trời giáng xuống ở Lục Ngạn sao lại thảm khốc đến vậy?

Từ năm Kỷ Mùi (1859) đến nay, trên dưới bẩy tổng bốn lần bị bọn phỉ phá tán, trước sau năm huyện quan thì ba người chết vì nạn. Nay dân bị tan tác trước cái chết của ông, sự minh bạch ung dung, hai huyện quan chết trước chẳng thể theo kịp. Lấy việc nghe được của triều đình do dân ta thuật lại cũng là để an ủi ông chút ít còn ẩn chứa hương thơm mà thôi. Trước linh cữu ông, một trận mưa to đổ xuống sân cỏ, rót vài chén rượu xin ông chứng giám cho chăng”[31].

Không chỉ với người đồng bào hy sinh vì việc nước mới để lại trong lòng ông nỗi xót xa, day dứt, thương cảm mà đối với tướng lĩnh nhà Thanh sang giúp tiễu trừ Thanh phỉ như Đô đốc Quảng Tây Phùng Tử Tài ông cũng đoái thương, cảm phục như trong Thư tặng Thanh quốc Phùng súy vãng tiêu Ngô Côn phỉ đảng (Thư tặng Phùng tướng quân nhà Thanh đi dẹp bọn phỉ Ngô Côn):

                          “Sông ngòi kiềng thú dữ,

                          Rừng núi hóa tro tàn.

                          Đuổi giặc gian lao tướng,

                          Đun xe mệt mỏi dân.

                          Chuột vẫn rình kẽ hở,

                          Sói chẳng hẹn ngày tan.

                          Những thẹn mình là chủ

                          Phải nhờ quân đại nhân”[32]

Chúng ta mới điểm qua được một phần việc làm của Phạm Thận Duật của nửa đầu thời kỳ ở chốn quan trường. Nếu nhìn xuyên suốt cuộc đời ấy, ta có thể thấy ở ông thu gọn cả một khối mâu thuẫn của thời đại. Hết lòng dẹp loạn, diệt phỉ để bảo vệ vương triều nhưng cuối cùng lại bị chính vương triều ấy bắt tay thỏa hiệp với phương Tây đẩy ông sang thế đối nghịch. Hết lòng vì nước, thiết tha và luôn quý mến từng mảnh đất do tổ tiên để lại nhưng rồi đến phút cuối cùng của cuộc đời, hồn cốt của ông phải gửi lại nơi đại dương mênh mông.

Nhân 130 năm ngày ông đi xa (23-11-1885) những người tỉnh Bắc chúng tôi xin thắp nén tâm nhang hướng về nơi trùng khơi xa, nơi ông vĩnh viễn chọn làm chỗ gửi gắm tấm lòng kiên trung vì nước, vì dân.

 

                                                       Hà Nội, mùa đông Ất Mùi

                                                            Khổng Đức Thiêm

Chú thích:

[1] Dẫn lại Yoshiharu Tsuboi. Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa. Hội Sử học Việt Nam xb, H.1993, tr.272.

Theo Kiều Oánh Mậu. Bản triều bạn nghịch liệt truyện (Sài Gòn, 1963) thì: “Tự Đức năm thứ 14, Tân Dậu (1861), tháng 5, Lê Duy Phụng tự xưng dòng dõi của vua Lê Cảnh Hưng, thao lược hơn người, giao du rất rộng, cùng đồng đảng là Tiền quân Lý Độ, Trung quân Lý Ước, Hậu quân Tài Cầm khởi loạn ở châu Vạn Ninh. Phàm các thuyền buôn của Tàu và của ta qua lại đều phải trình nộp thuế trước rồi lĩnh bằng của chúng thì mới được vô sự. Bọn giặc biển nhà Thanh cũng lấy chứng thư ấy mà dùng.

    Tháng 7, bọn chúng đánh pha thành phủ Hải Ninh. Những viên Tri phủ, Tri huyện phủ Tiên Yên và Yên Hưng đều bị bắt. Quan Tổng đốc tỉnh Hải Dương Nguyễn Quốc Cẩm được lệnh đi chỉ huy điều khiển, bèn thương lượng và ủy nhiệm viên Đề đốc Lê Văn Tiến cùng đi trừ giặc. Quan binh bất lợi, Đề đốc tử trận. Thế giặc ngày càng mạnh, chúng kéo đến vây thành Quảng Yên. Quan binh đóng cửa thành cố thủ. Bọn giặc đi dụ các tỉnh Nam Kỳ, Bắc Kỳ khiến cùng khởi lên để hưởng ứng. Hải Dương thì có viên Tú tài Trần Thế Khanh (tức Tú), Bắc Ninh thì có Nguyễn Văn Thịnh (tức Cai tổng Vàng)”.

[2] Đại Nam thực lục, tập bẩy, Nxb. Giáo dục, H.2006, tr.763.

[3] Nguyên văn chữ Hán: Ninh Thái Tổng đốc Nguyễn Văn Phong, phái ủy Lãnh binh quan, suất Quản vệ lai Đốc đồng Lạng Giang phủ, Trú phòng Vinh Tựu xứ hội tiễu được Trần Khải Văn dịch như trên. Theo chúng tôi trú phòng được nơi Vinh Tựu, hội nhau đi tiễu trừ phải dịch là Trú phòng hội quân đi tiễu trù mới phù hợp với ngữ cảnh đoạn sau.

[4] Kiều Oánh Mậu, Sđd, tr.135 – 136.

[5] Chúng tôi cho rằng sự kiện này xảy ra vào năm 1864 (xin xem phần sau của bài viết).

[6] Phạm Thận Duật toàn tập, Nxb. Văn hóa thông tin, H.2000, tr.38 – 40.

[7] Đại Nam thực lục, tập bẩy, Sđd, tr.777. Theo Đại Nam liệt truyện, q.41 thì Huy Trạc, người Thanh Hóa, được bổ Tri phủ Cẩm Giàng (có lẽ là Bình Giang, vì Cẩm Giàng chỉ là đơn vị cấp huyện, chưa bao giờ là cấp phủ và khi đó Cẩm Giang thuộc phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương) vào năm Tự Đức thứ 7 (1854). Tuy nhiên, cũng sách này lại viết: “Bấy giờ, giặc cỏ đương đánh phá phủ thành. Huy Trạc được lệnh bổ, cương quyết mang hơn 10 người thân thuộc tùy tòng, từ giã mẹ ra đi nhậm chức. Anh là Huy Độ (chữ Độ và chữ Khánh của Hán tự có tự dạng gần giống nhau nên sách dịch Khánh, sách dịch Độ, không rõ sách nào đúng) vốn là người hữu ái, thấy thế nguy, đi theo với em. Khi đến nơi, theo đạo quân tỉnh Bắc đến lấy lại được phủ thành. Mới được hơn 1 tháng, giặc lại đến quây đánh. Huy Trạc đem hết lực lượng chống giữ. Thế rồi sức kiệt thành vỡ. Huy Trạc cùng anh đều bị bắt, mắng giặc không chịu khuất, giặc đều giết cả”.

Căn cứ vào ngữ cảnh của đoạn văn trên, ta có thể hiểu, sau khi thành phủ Lạng Giang bị chiếm, Tri phủ Nguyễn Văn Tiến bỏ chạy, Lê Huy Trạc được bổ làm Tri phủ Lạng Giang và mới nhậm chức được hơn 1 tháng đã bị chết trận. Xem thêm Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Nxb. Thuận Hóa, 2014, tr.685.

[8] Đại Nam thực lục, tập bẩy, Sđd, tr.800. Sau sự kiện này, phủ lỵ Lạng Giang được rời về xã Cao Thượng (Yên Thế).

[9] Đại Nam thực lục, tập bẩy, Sđd, tr.800. Sau sự kiện này, phủ lỵ Lạng Giang được rời về xã Cao Thượng (Yên Thế), tr.699.

[10] Tham khảo thêm Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm, Nxb. KHXH, H. 2009, tr.275. Theo Cao Xuân Dục, Huy Du lúc nhỏ chí khí khẳng khái, gặp quân thổ khấu đánh hãm phủ Lạng Giang, tiến vây tỉnh thành Bắc Ninh đã đi đường tắt tới Lạng Sơn xin cho triệu mộ binh lính đánh giặc. Du cùng với binh Lạng Sơn đều tiến, thu lại phủ Lạng Giang, thứ tới Xương Giang. Sớm hôm sau bọn giặc đến đánh dữ, quân Lạng Sơn lui trước, Du bị giặc bắt không khuất, bị giết. Triều đình tặng Hàn lâm viện Biên tu.

[11] Trịnh Như Tấu cho rằng Cai Vàng mang lực lượng lên Yên Thế xây dựng căn cứ, vì trận đầu tiên đánh vào thành phân phủ Lạng Giang đóng ở Cao Thương (Yên Thế), sau đó mới về đánh phủ thành Lạng Giang ở Châu Xuyên (Bảo Lộc). Ở đây chúng tôi nghiêng về chỉ dẫn của Kiều Oánh Mậu.

[12] Đại Nam thực lục, tập bẩy, Sđd, tr.876.

[13] Phạm Thận Duật toàn tập, Sđd, tr.533 dịch là Lạng Giang là sai vì nguyên văn Hán ngữ là Ngô Ninh khống chế Cao Thái Lạng nhĩ Thanh quốc.

[14] Đây là đoạn trích trong văn bản Nghĩ Bắc Ninh khai hạ Hình bộ Thượng thư Nguyễn trí sự (Thay mặt tỉnh thần Bắc Ninh mừng Thượng thư bộ Hình họ Nguyễn về nghỉ hưu) công bố trong Phạm Thận Duật toàn tập, tr.531-533.

Người được nhắc tới trong văn bản này là Thượng thư bộ Hình Nguyễn Huy Bính tên tự là Bảo Sơn, người làng Thương, tổng Thọ Xương, huyện Bảo Lộc (nay thuộc thành phố Bắc Giang), từng là Án sát sứ Ninh Bình, Bố chánh sứ Bắc Ninh. Khi con trai là Huy Duy chết trận, ông xin về quê mộ quân chống lại Cai Vàng. Trước khi trở thành Thượng thư bộ Hình, ông từng là Tuần phủ Hà Nội, Tuần phủ Lạng Bình, Thư Thượng thư bộ Công. Khi nghỉ hưu được thăng Thượng thư bộ Công.

Đoạn dịch trong Phạm Thận Duật toàn tập nhầm tên tự của Nguyễn Huy Bính thành quê quán cần được sửa lại.

[15] Đại Nam thực lục, tập bẩy, Sđd, tr.646.

[16] Đại Nam thực lục, tập bẩy, Sđd, tr.1061.

[17] Đại Nam thực lục, tập bẩy, Sđd, tr.1066.

[18] Quận Tường tên thật là Nguyễn Văn Tường, quê ở làng Châu, xã Ngô Xá, tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế (nay thuộc xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).

[19] Đại Trận tên thật là Giáp Văn Trận, quê ở làng Lý, xã Ngọc Lý, tổng Ngọc Cục, huyện Yên Dũng (sau tổng này chuyển sang huyện Yên Thế, nay thuộc Tân Yên).

[20] Đại Nam thực lục, tập bẩy, Sđd, tr.1180.

[21] Đại Nam thực lục, tập bẩy, Sđd, tr.1204.

[22] Đại Nam thực lục, tập bẩy, Sđd, tr.1268 – 1269.

[23] Đại Nam thực lục, tập bẩy, Sđd, tr.1306.

[24] Đại Nam thực lục, tập tám, Nxb. Giáo dục, H. 2006, tr.7

[25] Hai đoàn Chu – Triệu được dùng để chỉ các nhóm do bọn họ Chu (Chu Kiến Tân, Chu Tường Lân), bọn họ Triệu (Triệu Hoa Đan, Triệu Ba Đan, Triệu Phúc Trinh, Triệu Phúc An, Triệu Tam Tài) cầm đầu, trước đây lệ thuộc vào tốp Thanh phỉ của Đặng Vãn, vào Bắc Kỳ từ những năm 60 của thế kỷ XIX, năm 1867 đã xin hàng phục nhưng chỉ một năm sau lại gây rối ở Sơn Tây, Thái Nguyên. Đến đầu năm 1874, chúng lại đem lực lượng 300 tên ra thú tội ở Thái Nguyên nhưng lại ngấm ngầm bắt tay với Đại Trận.

[26] Đại Nam thực lục, tập tám, Sđd, tr.103.

[27] Đại Nam thực lục, tập tám, Sđd, tr.67.

[28] Đại Nam thực lục, tập tám, Sđd, tr.106-107.

[29] Kiều Oánh Mậu. Bản triều nghịch bạn liệt truyện, Sđd, tr.204-207.

[30] Đại Nam thực lục, tập tám, Sđd, tr.141.

[31] Phạm Thận Duật toàn tập, Sđd, tr.559-561.

[32] Phạm Thận Duật toàn tập, Sđd, tr.430.

Bình luận về bài viết này