Hội nghị Yalta 1945: Trật tự mới và kẻ thắng người thua

Crimea annexation. Political map of Crimean crisis 2014.

Yalta ở phía đông nam bán đảo Crimea. Trong thời gian hội nghị năm 1945 rimea thuộc Nga, Ukraine là một cộng hòa trong Liên bang Xô Viết. Nguồn: Fotolia, ID #63215246

Tôn Thất Thông

Ngay cả khi chiến tranh chưa chấm dứt, hội nghị Yalta không những quyết định số phận nước Đức, mà còn số phận của châu Âu và Viễn Đông trong nhiều năm sau. Ranh giới Oder-Neisse {1} đã được định đoạt và gắn liền với sự kiện này là việc trục xuất hàng triệu người dân Đức ra khỏi quê hương của họ. Sau này, sự kiện Trung Hoa trở thành cộng sản, nước Triều Tiên bị chia đôi và đến năm 1950 chiến tranh nam bắc bùng nổ, và sau đó biến cố Việt Nam, Campuchia và Lào vào năm 1975, tất cả các sự kiện đó đều có nguồn gốc từ Yalta (xem [7] trang 606).

Giáo sư Hubertus Prinz zu Löwenstein, Sử gia

Trên góc nhìn của những người nghiên cứu chính sách đồng minh đối với nước Đức sau 1945, Yalta có một tầm quan trọng đặc biệt. Tại đó không phải chỉ có những đường nét phác thảo được thỏa thuận, mà sự phân chia lãnh thổ Đức, tương lai kinh tế và chính trị nước Đức được tranh luận rất gay go để cuối cùng các thỏa thuận mang tính lịch sử được ghi rõ trong biên bản hội nghị. Sau khi Đức Quốc xã đầu hàng, hội nghị Potsdam tháng 7.1945 chủ yếu là làm nốt công việc còn đọng lại tại Yalta để hoàn tất bước đầu một trật tự mới cho nước Đức và cho cả châu Âu theo cách nhìn của ba cường quốc Hoa Kỳ, Liên Xô và Anh.

Sau khi Đức Quốc xã tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng: thắng Ba Lan trong vòng một tháng (tháng 9.1939), thắng ba nước Bỉ, Hà Lan và Luxemburg trong vòng một tuần (tháng 5.1940), chiếm Paris, Verdun và ép Pháp đầu hàng trong vòng sáu tuần (tháng 6.1940), Thủ tướng Anh Winston Spencer Churchill hoảng hốt nhận thấy rằng liên minh châu Âu không thể thắng được Đức Quốc xã như đã dự kiến khi tuyên chiến với Đức trước đó một năm. Trước thực tế này, Churchill cho rằng yếu tố duy nhất để thắng Đức là sự tham chiến của Hoa Kỳ, cho nên một loạt hội nghị thượng đỉnh được vận động tổ chức trong bối cảnh đó. Khi Nhật tấn công Pearl Harbor ngày 7.12.1941, tổng hành dinh hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ, nước này không có chọn lựa nào khác là tuyên chiến với phe trục Đức-Ý-Nhật. Kể từ đây, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Delano Roosevelt nắm quyền chủ động trong các hội nghị thượng đỉnh của đồng minh bao gồm hơn 15 hội nghị. Yalta là hội nghị sau cùng trước khi chiến tranh chấm dứt và cũng là hội nghị quan trọng nhất về mặt chính trị, không những cho châu Âu mà cả những lục địa khác trong nhiều thập niên sau.

Đến giữa năm 1944, quân đội Đức Quốc xã bắt đầu tan rã trên hầu hết các chiến trường. Quân đồng minh cũng đã đổ bộ vào Tây Âu và mở những mặt trận mới ở vùng Địa Trung Hải và Đông Âu. Tổng thống Roosevelt thấy đã đến lúc ba nguyên thủ cần thỏa thuận với nhau những giải pháp chính trị cho châu Âu và châu Á sau chiến tranh. Một loạt đề nghị về thời điểm và địa điểm (Hy Lạp, Marocco, Iran v.v…) đều không được đồng ý. Stalin cứ nhởn nhơ như thế cho đến cuối năm và bất chợt đề nghị Yalta thuộc bán đảo Crimea bên bờ Hắc Hải, nơi nghỉ mát nổi tiếng của Nga Hoàng trong suốt mấy thế kỷ trước. Thế là hội nghị được tổ chức vào ngày 4.2.1945 tại Yalta, một chiến trường khốc liệt mà Liên Xô vừa đẩy lùi Đức Quốc xã mấy tháng trước đó – tháng 5.1944.

Cuộc họp diễn ra hoàn toàn bí mật. Báo chí công cộng không hề biết gì về hội nghị Yalta. Họ chỉ biết qua một thông báo trước đó một tuần rằng có một cuộc họp của Tam Hùng (Big Three) tại khu vực Hắc Hải (Black Sea).

Thành phần tham dự của ba bên cũng nói lên tầm quan trọng đặc biệt của phiên họp (xem [18] trang 82): Nó không những giải quyết chiến lược quân sự để chấm dứt chiến tranh, mà còn thương lượng nhiều vấn đề quan trọng thời hậu chiến. Mỗi phái đoàn có năm người chỉ đạo các cuộc họp lớn nhỏ giữa ba bên. Phía Hoa Kỳ, ngoài Tổng thống Roosevelt còn bộ trưởng ngoại giao Edward Stettinius, chuyên gia châu Âu William Leahy, tổng tư lệnh quân đội George Marshall và tư lệnh hải quân Ernest King. Phía Liên Xô, ngoài Stalin còn có bộ trưởng ngoại giao Wjascheslaw Molotow, thống soái Nicolai Kusnezov, tổng tư lệnh quân đội Alexei Antonow và tư lệnh không quân Chudjakow. Phía Anh, ngoài Churchill còn có bộ trưởng ngoại giao Anthony Eden, cố vấn quân sự Alan Brooke, tư lệnh không quân Charles Portal và thống soái Harold Alexander. Riêng hai phái đoàn Anh và Hoa Kỳ có tổng cộng 700 thành viên. Phía Liên sô thì cũng đông đảo không kém, và có ít nhất 35 cán bộ cao cấp của công an chìm.

Lấy kết quả của hội nghị Teheran cuối tháng 11.1943 làm nền tảng, mục đích hàng đầu của hội nghị Yalta là giải quyết các vấn đề chính trị trên thế giới khi chiến tranh chấm dứt. Sau hai ngày họp, thông cáo báo chí số 1 được phổ biến trên truyền thông (xem [17] trang 95) cho biết đại cương mục đích của hội nghị: „Mục đích của chúng tôi [Hoa Kỳ, Liên Xô và Anh] là phác thảo kế hoạch để tiêu diệt hoàn toàn kẻ thù chung, đồng thời thiết lập cơ sở để phối hợp với các nước đồng minh xây dựng nền hòa bình lâu dài“ […] „Các cuộc thảo luận trong hội nghị sẽ thiết lập kế hoạch chiếm đóng nước Đức, các vấn đề chính trị và kinh tế của châu Âu được giải phóng và sẽ đưa ra đề nghị sớm thành lập một tổ chức quốc tế nhằm bảo vệ hòa bình một cách lâu dài“.

Cũng không đến nỗi cường điệu nếu nói rằng bản đồ Trung Âu và Đông Âu sẽ được vẽ lại tại Yalta. Hội nghị bắt đầu ngày 4.2, kéo dài tám ngày và chấm dứt hôm 11.2.1945 bằng một bản thông cáo chung. Vào thời điểm này, quân đồng minh Tây Phương đã thâm nhập vào lãnh thổ nước Đức, chỉ còn 40 cây số cách bờ tây sông Rhein, cách Berlin 600 cây số. Quân Liên Xô thì đã đến bờ đông sông Oder, cách Berlin 80 cây số. Như thế là diện tích đất do Liên Xô giành lại từ Đức rộng gấp ba lần diện tích mà Anh-Mỹ-Pháp giành được ở phía tây. Sự sụp đổ của Đức Quốc xã chỉ còn là vấn đề thời gian, vài tháng hay thậm chí vài tuần.

Stalin hẳn có dự kiến khôn ngoan khi chọn địa điểm họp này. Trước hết, Liên Xô đến đó với tư thế của kẻ thắng trận hơn hẳn những nước đồng minh còn lại, báo chí sẽ tường thuật rằng bản đồ thế giới được vẽ lại trên vùng đất lịch sử của Liên Xô. Stalin cũng muốn phô diễn cho Roosevelt thấy mức thiệt hại mà Liên Xô phải gánh chịu trong chiến tranh, và không hẳn là quá đáng để chúng ta tin rằng, việc cài đặt hệ thống nghe lén trong các phòng của Anh và Hoa Kỳ cũng dễ dàng hơn (trùm gián điệp của Liên Xô cũng có mặt tại đó nhưng chỉ ở sau hậu trường).

Sau nhiều lần từ chối và cuối cùng đề nghị họp tại Yalta, Stalin cũng đã tính toán một thời điểm thuận lợi. Stalin sẽ đến hội nghị với hào quang chiến thắng: Liên Xô đã áp sát vào Berlin và chỉ chờ ngày tổng tấn công buộc Hitler đầu hàng. Stalin cũng muốn tạo một thế trận đã rồi không đảo ngược lại được: các nước Đông Âu đã nằm trong vòng kiềm tỏa của hồng quân Liên Xô.

Ý đồ của ba nguyên thủ khi đến Yalta là gì?

Nội dung thảo luận tại hội nghị tất nhiên bị ảnh hưởng nặng bởi ý đồ và cả nhân cách của ba vị lãnh tụ.

ttt_yalta_1945_with_churchill_roosevelt_stalin

Churchill, Roosevelt và Stalin tại hội nghị Yalta. Nguồn: US National Archives, US Army- commons.wikipedia.org,

Chúng ta hãy bắt đầu bằng nước chủ nhà với nguyên thủ Stalin. Trong suốt cuộc đời thanh niên Stalin thường trực sống trong sự đe dọa của đối thủ chính trị cho nên đã hình thành trong con người ông một bản tính không khoan nhượng. Đối với Stalin, hoặc là liên kết hành động, hoặc là đập tan đối thủ. Thỏa hiệp chưa hề được Stalin coi trọng (xem [19] trang 78).

Khác với Roosevelt và Churchill đã sống trên nhung lụa và theo học các trường tinh hoa (Elite schools) từ thưở nhỏ, Stalin từ lúc vị thành niên đã biết tổ chức các băng đảng khủng bố, đã có kinh nghiệm về những vụ cướp ngân hàng tại quê hương Georgia của ông. Nếu như Stalin ít khi công kích hai đồng minh trong những lần gặp gỡ từ trước, điều đó không có nghĩa rằng Stalin sẵn sàng thỏa hiệp với hai đối tác này, mà chẳng qua đó là một sự tính toán khôn ngoan. Stalin biết rằng để giữ sức bật mạnh của quân đội và để chiến thắng Hitler, Liên Xô hoản toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí khổng lồ từ Hoa Kỳ. Stalin cũng không quên dặn dò các chính quyền lâm thời ở Đông Âu là phải dấu bớt bộ mặt cộng sản cho đến lúc chấm dứt chiến tranh.

Quan tâm hàng đầu của Stalin là chiếm toàn bộ khu vực Đông Âu để làm vòng đai an ninh đồng thời làm bàn đạp để bành trướng sang phía tây. Nơi đó sau khi đẩy lùi quân Đức ra khỏi các nước Đông Âu, Liên Xô đã thiết lập được những chính phủ lâm thời do các nhóm du kích thân cộng sản điều khiển. Anh và Mỹ cũng không dễ dàng gì mà thay đổi được cục diện chính trị ở đây, chỉ có vùng đất còn lại để thương thuyết là lãnh thổ Ba Lan sẽ thế nào? Quan tâm thứ hai của Stalin là việc chia vùng kiểm soát nước Đức. Đối với Stalin, nước Đức từ thế kỷ trước đã trở thành mối đe dọa đối với an ninh Liên Xô, ngoài ra việc bành trướng thế lực sang Tây Âu sẽ dễ dàng hơn nếu Liên Xô khống chế được nước Đức. Sau cùng là chuyện thuần vật chất: bồi thường chiến tranh, tháo gỡ cơ sở công nghiệp, kiểm soát sản lượng than ở vùng Ruhr và Saarland ở phía tây v.v…Những giải pháp chính trị khác chỉ là vấn đề thứ yếu, và Stalin chỉ dùng nó như là để mặc cả với hai nguyên thủ kia mà thôi.

Trong hội nghị này, Stalin biết rõ Roosevelt đang cần Liên Xô, Churchill thì không có một tầm vóc đáng sợ. Cuộc sắp xếp ai thắng ai thua ở hội nghị này có vẻ như đã hoàn tất. Điều mà trước đây Churchill sợ và Stalin mong muốn đã xảy ra: hầu hết khu vực Đông Âu đã có vết chân của hồng quân Liên Xô.

Nhân vật thứ hai của hội nghị, nhưng cũng là nhân vật quan trọng số một trong cuộc thế chiến II phải kể đến Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Delano Roosevelt. Ông được xem là một trong ba vị Tổng thống lỗi lạc hàng đầu của Hoa Kỳ, vị Tổng thống Hoa Kỳ duy nhất trúng cử ba nhiệm kỳ liên tiếp, người đã đưa nước Mỹ thoát khỏi Đại suy thoái thập niên 1930, đã thiết kế một chương trình vĩ đại chống nạn suy thoái và thất nghiệp. Khi chiến tranh vừa bắt đầu, Roosevelt – mặc dù vẫn chủ trương không can thiệp trực tiếp – đã không ngần ngại chuyển hướng và thúc đẩy công nghiệp chiến tranh, do đó Hoa Kỳ đã trở thành nguồn cung cấp vũ khí khổng lồ cho tất cả các nước tham chiến từ châu Âu sang Á và Phi, đẩy tổng sản lượng Hoa Kỳ (GDP) lên gấp đôi chỉ sau 5 năm. Bất chấp những hoạt động phá hoại của tàu ngầm Đức, Hoa Kỳ đã cung cấp đến Liên Xô 16 triệu tấn dụng cụ chiến tranh được chuyên chở trên 2.600 tàu vận tải đường biển, gần 500.000 xe vận tải và hơn 10.000 xe chiến đấu, hơn 35.000 xe mô-tô và gần 3.000 xe chuyên chở đại pháo; 1045 đầu máy xe lửa, 10.000 xe chở hàng, 120 xe lửa vận chuyển nguyên liệu, 2,6 triệu tấn chất đốt và 4,5 triệu tấn lương thực (xem [19] trang 78).

Với sức mạnh hùng hậu sau lưng, Roosevelt đến hội nghị với phong thái của người cầm cân nẩy mực. Đồng thời Roosevelt tính toán rằng, với lòng hiếu thắng của lãnh đạo Nhật, kết hợp với lòng can đảm đến dộ cuồng tín của binh lính Nhật, Hoa Kỳ chắc phải hy sinh 500.000 quân nhân để thắng Nhật trên chiến trường châu Á. Đấy là chưa kể nổi lo sợ rằng Hitler nay mai cũng sẽ chế tạo được bom nguyên tử.

Cho nên mục đích quan trọng hàng đầu của Roosevelt khi đến hội nghị là tìm cách nhanh chóng thắng trận và sớm chấm dứt chiến tranh. Thứ hai, ông muốn có vai trò số một trong địa bàn châu Âu, đồng thời thuyết phục Stalin tham chiến chống Nhật tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Mục đích thứ ba của Roosevelt là đạt được thỏa thuận về đề tài yêu thích số một của ông: Việc thành lập Liên Hiệp Quốc. Chuyện chiếm đóng tại châu Âu thì Roosevelt không quan tâm lắm và cũng không úp mở trả lời cho Stalin: “chắc chắn quốc hội chúng tôi sẽ không cho phép tôi giữ quân tại đây lâu hơn hai năm”. Một phán đoán quá lạc quan và chắc chắn Stalin cũng mừng thầm về kế hoạch bành trướng tại châu Âu. Chuyện vật chất thì hoàn toàn không có gì quan trọng đối với Hoa Kỳ.

Nhìn chung thì những đòi hỏi “khiêm tốn” ấy có lẽ xuất phát từ sự tin tưởng quá đáng của Roosevelt đối với Stalin. Mặc dù Churchill cũng như các tướng tá trong bộ chiến tranh Hoa Kỳ đã nhiều lần lưu ý, nhưng có lẽ do ảnh hưởng của cố vấn thân tín James F. Byrnes, người được cho là có thiện cảm với Liên Xô, Roosevelt cho rằng Stalin là đối tác có thể tin cậy được. Ông cũng không ngần ngại tuyên bố là “tôi thích ông ta [Stalin] và có lẽ ông ta cũng thích tôi” (xem [19] trang 78). Chỉ hơn sáu tuần sau, với một báo cáo mật của đại sứ Hoa Kỳ Averell Harriman tại Moscow, Roosevelt đã phải thừa nhận rằng, mình đã phán đoán sai về Liên Xô và Stalin. Có quá trễ hay chăng? Cũng cần nói thêm rằng, Roosevelt đã lâm bệnh nặng từ hai năm trước, ông đến hội nghị với tình trạng sức khỏe đã suy sụp. Sau đó ông mất vào tháng 4.1945, hai tháng sau hội nghị. Trong bối cảnh đó, cộng thêm ưu thế quân sự của Liên Xô đã áp sát Berlin, cộng thêm mâu thuẫn không che dấu được giữa Hoa Kỳ và Anh, Stalin có thừa điều kiện thuận lợi để thương lượng trả giá với các đối tác tại Yalta.

Nhân vật thứ ba, cũng là nhân vật phức tạp nhất trong Tam Hùng, là Churchill. Đối với Stalin thì Churchill không còn là nhân vật đáng gờm nữa như trước đó mười năm. Sự thất trận và thiệt hại của Anh trên mọi lục địa đã đẩy vị nguyên thủ này vào thế bị động và tiếng nói không còn trọng lượng. Đối với Hoa Kỳ thì Churchill “là một chúa trùm đế quốc tham lam, chỉ muốn bảo vệ tài sản của vương quốc Anh tại các thuộc địa, bất chấp thực tế là sẽ có hàng ngàn lính Mỹ tử vong tại đó [để đánh bại phe trục]” (xem [19] trang 79). Cả Roosevelt cũng nhiều lần biểu lộ thái độ lạnh nhạt với chính sách thuộc địa của Anh. Trước công luận, ông không ngần ngại bày tỏ cảm tình với cuộc đấu tranh bất bạo động của Gandhi, hoặc dòi hỏi độc lập của Marocco, Nam Dương v.v…

Từ trước tới sau, từ tư tưởng tới nhân cách, Churchill vẫn là một gương mặt đáng sợ tại các thuộc địa, một chúa trùm đế quốc với tinh thần quốc gia cực đoan. Qua chiến tranh ông cũng thấy vương quốc rộng lớn đang lung lay, không những do sự tấn công của Hitler tại Bắc Phi mà cả Nhật ở châu Á. Dù là người chống cộng triệt để, ông vẫn phải duy trì ngoại giao quan hệ tốt đẹp với Stalin, đồng thời ve vuốt Roosevelt để đạt những hỗ trợ thường xuyên, nhưng về mặt hiểu biết con người Stalin thì Churchill là bậc thầy của Roosevelt và ông cũng phần nào ngăn chận bớt những nhượng bộ này tới nhượng bộ khác của Roosevelt đối với Stalin.

Trong thế đứng đó, vai trò của Churchill vô cùng phức tạp. Trước hết, Churchill là người hiểu quá rõ lịch sử tranh chấp giữa Anh với Pháp, Đức, Ý, Áo và Nga, cho nên quan tâm hàng đầu của Anh là một châu Âu hòa bình ổn định mà trong đó Anh có vai trò quan trọng nhất có thể khống chế chính trị các nước khác. Đức thì sẽ thua trận, Pháp đã bị hạ nhục và không có vai trò gì nữa, Ý đã tan nát, những nước còn lại không là đối thủ của Anh.Thứ hai, với truyền thống liên minh với Ba Lan, Churchill muốn đạt được một giải pháp thỏa đáng về lãnh thổ Ba Lan, đồng thời giữ cho Ba Lan không rơi vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô. Cụ thể, Churchill muốn có bầu cử dân chủ ở Ba Lan và các nước đông nam châu Âu (Jugoslavia, Hungry, Czechoslovakia, Romania). Thứ ba, Churchill muốn thắng Nhật trên chiến trường châu Á mà không phải trả lại độc lập cho những thuộc địa sẽ được giải phóng từ tay Nhật. Thứ tư, Churchill muốn có một giải pháp ở Bắc Phi và vùng chung quanh Địa Trung Hải có lợi cho Anh. Ngay cả trước khi hội nghị bắt đầu, Churchill không úp mở nói với lãnh đạo Kremlin: “Hãy để cho chúng tôi khu vực Hy Lạp, Jugoslawia và Ý, ngược lại tôi sẽ nhượng bộ cho quí vị các vùng khác” (xem [19] trang 79).

Churchill biết rằng Roosevelt không hề ủng hộ chính sách thuộc địa của Anh, và cũng biết rằng Stalin có thể mặc cả với mình trên nhiều vấn đề. Đứng trước hai nhân vật “vĩ đại” này, Churchill cảm thấy rất khó thương thuyết với hai vị lãnh đạo không những có nhiều tham vọng cá nhân mà còn có lực lượng hùng hậu đằng sau. Con đường Churchill chọn lựa là: phải làm cho hai nhân vật này tranh cãi triền miên trên nhiều vấn đề, rồi tùy cơ ứng biến. Chú thích phụ: Phái đoàn Anh được Liên Xô phân chia vào biệt thự Woronzow khiêm tốn bên cạnh cung điện tráng lệ Livadia của đoàn Hoa Kỳ, và người ta cũng dễ dàng nhận thấy gương mặt kém vui của Churchill trong tình huống đó .

Cũng cần nói thêm, cả Churchill và Roosevelt đều nghĩ rằng cuộc chiến với Nhật có thể kéo dài lâu, và cả hai đều chưa được báo cáo cụ thể rằng, việc thử bom nguyên tử ở Hoa Kỳ có dấu hiệu sẽ thành công. Cho nên Roosevelt và Churchill đều muốn Liên Xô tham chiến ở châu Á và sẵn sàng nhượng bộ Stalin trong những vấn đề khác. Roosevelt còn muốn đi xa hơn: Ông dự kiến Hoa Kỳ và Liên Xô sẽ là hai cột trụ của Liên Hiệp Quốc để bảo vệ hòa bình thế giới (!). Điều trớ trêu cho loài người là, đôi khi số phận của hàng triệu con người có thể bị ảnh hưởng nặng nề vì nhận thức đúng hay sai của nguyên thủ một nước lớn.

Ba thành viên hội nghị thỏa thuận những gì?

Mỗi bên một ý định, cho nên chưa bao giờ trong lịch sử có một hội nghị với nhiều đề tài khác nhau như thế. Cũng chưa bao giờ số phận của hằng trăm triệu con người được quyết định bởi rất ít người như thế. Sau tám ngày hội họp, thế giới đã được phân chia rành rọt như những miếng bánh ngọt trên bàn tiệc. Thế giới sau những ngày họp không còn là thế giới trước đó. Một trật tự mới đã được thiết lập. Tốt hay xấu hơn? Đáng vui hay buồn? Điều đó còn tùy thế đứng và cách nhìn của mỗi người.

Hội nghị chấm dứt ngày 11.2.1945 với một tuyên bố chung. Ba bên đồng ý rằng một tổ chức quốc tế sẽ được mở rộng, sẽ họp vào tháng 4.1945 để chuẩn bị một hiến chương và tiến tới sự hình thành tổ chức lấy tên là Liên Hiệp Quốc, có khả năng bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới. Liên Hiệp Quốc được cải tổ về việc thành lập Hội đồng Bảo an có năm thành viên thường trực (Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh ngoài ra thêm Trung Hoa và Pháp – nếu hai nước này đồng ý tham gia). Mỗi thành viên thường trực có quyền phủ quyết trên mọi vấn đề. Về mặt trận Thái Bình Dương, Liên Xô đồng ý tham chiến với điều kiện được hưởng những điều kiện thuận lợi về vấn đề Mông Cổ, Sakhalin, Kurile v.v… Hội nghị cũng có những thỏa thuận về biên giới đối với Yugoslavia, Ý, Áo, Iran. Biên giới Ba Lan thì được giải quyết một phần, phần còn lại sẽ được xác định trong một phiên họp sau này.

Riêng về những quyết định liên quan đến nước Đức bại trận, cả ba nước đưa ra những quyết định về lãnh thổ, chính trị và kinh tế với mục đích làm suy yếu nước Đức và ngăn chận mầm mống chiến tranh trong tương lai có thể xảy ra xuất phát từ nước này. Có những quyết định chưa ngã ngũ hoàn toàn và sẽ được giải quyết tại một hội nghị trong tương lai. Hay nói môt cách đơn giản: Ba nguyên thủ đã thống nhất ý kiến là những vấn đề quan trọng về biên giới chưa được thống nhất. Những quyết định tại Yalta có thể tóm tắt như sau:

  1. Về lãnh thổ, cả ba nước lấy biên giới Đức năm 1937 làm chuẩn và chia phần đất ở đông bắc (vùng Königsberg) cho Liên Xô, vùng bắc (Danzig và vùng biển) thuộc Ba Lan. Ngoài ra, biên giới phía đông sẽ được xử lý trong một hội nghị sau này, tinh thần là sẽ cắt bớt một vùng đất của Đức dành cho Ba Lan để bù lại phần đất phía đông của nước này đã bị sát nhập vào Liên Xô trong chiến tranh. Khu vực đông nam (vùng Schlesien) chưa có quyết định cụ thể {4}.
  2. Cả ba nước dự kiến, nhưng chưa có quyết định cụ thể, sẽ chia nước Đức thành nhiều nước nhỏ với mục đích “giữ cho nước này suy yếu lâu dài để tránh nguy cơ chiến tranh”.
  3. Phần lãnh thổ còn lại có thể được chia làm ba khu vực do lực lượng quân sự của các nước liên hệ kiểm soát: đông thuộc Liên Xô, nam và tây nam thuộc Hoa Kỳ, bắc và tây bắc thuộc Anh. Ngoài ra Pháp có thể được chia một phần đất, nếu Pháp đồng ý. Phần đất cho Pháp sẽ cắt bớt từ khu vực của Hoa Kỳ và Anh và do hai nước này quyết định trên cơ sở thương lượng với Pháp, Liên Xô không can thiệp vào. Ngoài ra, Berlin cũng được chia làm bốn vùng kiểm soát của bốn bên và một ủy ban kiểm soát có bốn thành phần với quyền phủ quyết trên mọi vấn đề {5}.
  1. Về mặt kinh tế, cấm nước Đức sản xuất tất cả các món hàng có thể được sử dụng cho chiến tranh kể cả các xe vận tải, kỹ nghệ đóng tàu và kỹ nghệ hàng không. Nhiều món hàng trong lĩnh vực hóa học bị cấm. Ngành công nghiệp nặng cũng bị cấm. Công nghiệp tiêu dùng chỉ được phép sản xuất đến mức vừa đủ để một mặt bồi thường chiến tranh và mặt khác nâng cao đời sống, nhưng mức sống không được cao hơn các nước chung quanh. Chính sách hạn chế phát triển kinh tế sẽ được cụ thể hóa trong một hội nghị sau.
  1. Đức phải chịu bồi thường chiến tranh cho các nước đã gánh chịu hậu quả chiến tranh và đã góp phần vào cuộc chiến đấu chống Đức Quốc xã đến thành công. Giá trị bồi thường không tính bằng tiền, mà bao gồm ba bộ phận: a) Tháo gỡ và tịch thu cơ sở sản xuất, tài sản trong và ngoài nước kể cả chứng khoán, các công ty con và tài sản các loại. Chương trình này kéo dài hai năm; b) Trong vòng mười năm sau chiến tranh, sản lượng quốc dân sẽ được trích ra một phần để trang trải bồi thường; c) Cung cấp lao động cưỡng chế.Một ủy ban kiểm tra bồi thường sẽ được đặt tại Moscow bao gồm ba nước. Ủy ban này sẽ xác định chương trình hoạt động cũng như qui định cụ thể số lượng, chủng loại và giá trị của các sản phẩm bồi thường. Ba nước đề nghị tổng số bồi thường là 22 tỉ đô-la, trong đó 50% thuộc về Liên Xô.
  1. Về vấn đề tội phạm chiến tranh, một ủy ban gồm bộ trưởng ngoại giao của ba nước sẽ được thành lập và qui định phương thức xử lý các tội phạm chiến tranh.

(Toàn văn bản tiếng Anh có thể xem tại http://avalon.law.yale.edu)

Hội nghị Yalta: ai thắng ai thua?

Hội nghị chấm dứt sau tám ngày tranh luận quyết liệt. Bộ mặt thế giới đã thay đổi. Các vùng ảnh hưởng phân chia cho ba cường quốc đã được qui định rành rọt chỉ sau tám ngày tại Yalta. Nhưng thật là bi tráng, đó là những quyết định vô cùng khập khiễng đạp lên số phận của hàng chục quốc gia từ Âu sang Á. Không ai có thể ngờ rằng „chỉ 12 ngày sau khi ký kết thỏa ước Yalta, Sir Winston [Churchill] đã lo sợ khả năng có thể sánh vai cùng người tiền nhiệm Neville Chamberlain đi vào lịch sử bằng hình ảnh bi thảm. Chamberlain thì đã mở rộng cửa cho Hitler. Churchill thì quá tin cậy vào Stalin“ (xem ghi chú {3} và tài liệu [22] trang 217)

Điều lo sợ ấy đã xảy ra chỉ sau một thời gian ngắn khi thoả ước chưa ráo mực.

Về phần Thủ tướng Anh Neville Chamberlain, tại hội nghị Munich tháng 9.1938 khi Hitler nhiều lần lặp lại rằng dòi hỏi về Tiệp là đòi hỏi sau cùng về lãnh thổ, ngày 30.9.1938 cả ba nước Anh, Pháp và Ý đồng ý để Đức thâu tóm 22.000 Km² vùng Sudeten của Tiệp. Cả ba nước cho rằng, thỏa ước Munich sẽ là công cụ hữu hiệu để bảo vệ hòa bình châu Âu. Kết quả là gì? Chưa đầy một năm sau, Hitler tấn công Ba Lan, thế chiến II bùng nổ với mức độ thiệt hại có một không hai trong lịch sử loài người. Đấy là vai trò lịch sử bi thảm của một thủ lãnh chính trị. Chamberlain và các đồng nghiệp của ông tại Pháp và Ý chưa nhận thức được rằng, tin cậy và nhân nhượng những kẻ hiếu chiến cũng là nguyên do thúc đẩy chiến tranh sớm xảy ra.

Churchill cũng đi vào lịch sử không kém phần bi tráng. Cả hai nhân vật lãnh đạo đồng minh phương Tây được xem là xuất chúng, Churchill và Roosevelt, đã quá tin cậy vào Stalin và dễ dãi nhượng bộ cho Liên Xô nhiều ưu thế tuyệt đối ở Đông Âu và Đông Á. Thật khó lòng để chúng ta tin rằng hai vị nguyên thủ lỗi lạc này không suy đoán được hậu quả nào sẽ đổ lên đầu nhiều dân tộc trong vòng đối tượng thương thuyết của họ. Tại Đông Âu, hơn mười nước rơi vào vòng kiềm chế tuyệt đối của Liên Xô trong một giải đất rộng mênh mông gần hai triệu cây số vuông với số phận của gần 150 triệu người. Tại đây, nền dân chủ mà họ xây dựng từ hơn nửa thế kỷ trước bỗng một sớm một chiều tan thành mây khói, và thay vào đó là hàng loạt chế độ toàn trị được dựng lên phục vụ cho ý thức hệ cộng sản đứng đầu là Liên Xô. Chẳng lẽ Roosevelt và Churchill không thấy trước thực tế này? Điều gì đã khiến hai vị nguyên thủ Anh Mỹ, vốn nổi danh là chống cộng sản, có thể đẩy số phận của các nước Đông Âu vào tay Liên Xô? Người ta đang chờ câu trả lời thỏa đáng.

Tại Đông Á, những thỏa thuận về Mông Cổ, Sakhalin, Kurile, vùng biển Trung Hoa đã tạo cho Liên Xô một ưu thế chính trị mà các triều đại Nga Hoàng cũng chưa hề đạt được trong nhiều thế kỷ trước. Nếu ngay sau đó vài năm, phong trào cộng sản có đất nẩy mầm ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, Churchill và Roosevelt tất phải biết trước? Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 cũng là hệ quả tất yếu khi Stalin bắt đầu có ảnh hưởng ở đó. Chẳng lẽ Roosevelt và Churchill không tiên đoán được?

Nếu chúng ta biết mức độ thân thiện gần như nhu nhược của Roosevelt đối với “Uncle Joe” (xem {6} và tài liệu [8]) thì chúng ta cũng biết tại sao ông có thể nhượng bộ Stalin đến mức như thế. Roosevelt giống một gã trai tơ đầy sức quyến rũ, đang say đắm chạy theo một thiếu nữ (tên là Stalin) kiều diễm và dày dạn tình trường. Ông đến hội nghị với lòng tin rằng sẽ đoạt được trái tim của người đẹp mà không có mảy may nghi ngờ rằng, thiếu nữ ấy chỉ là một goá phụ nhiều đời chồng và đầy nghệ thuật quyến rũ nam giới để móc hầu bao. Roosevelt cũng không hề hay biết rằng, Stalin đã nghi ngờ và sợ hãi liên minh Hitler và đồng minh phương Tây vào giờ phút cuối và tất nhiên Stalin đã chuẩn bị biện pháp đối phó (xem [3]). Kết quả hội nghị Yalta dường như là kết quả của những cuộc tán tỉnh Roosevelt-Stalin. Cũng không có một dấu hiệu cỏn con nào để phán đoán rằng sự tin cậy của Roosevelt trong những trò tán tỉnh ấy bắt đầu lung lay (xem {7} và tài liệu [10] trang 10 và 12). Roosevelt không hề sử dụng ưu thế tuyệt đối của Hoa Kỳ – nước duy nhất cung cấp vũ khí cho Liên Xô – để ép Stalin. Roosevelt dường như đã nhượng bộ, đã thỏa thuận dựa vào cảm nhận cá nhân và những toan tính không minh bạch về quyền lực và lãnh thổ.

Ba vị nguyên thủ khi đến Yalta, tùy bản lãnh và sự khôn khéo trong thương lượng, đều thu gặt được kẻ ít người nhiều. Chỉ có hàng chục quốc gia với hàng trăm triệu con người ở Đông Âu và châu Á là nạn nhân bất đắt dĩ của một cuộc trả giá không sòng phẳng. Đầu thập niên 1980, khi cuộc đấu tranh dân chủ tại Đông Âu đi vào bế tắt và lực lượng dân chủ ở đó không còn hy vọng vào tương lai thành công, giáo sư sử học Rainer Blasius viết như sau: “Đối với họ, Yalta là một thất bại chua cay của đồng minh phương Tây khi thỏa thuận chia cắt châu Âu năm 1945 và đã đẩy họ [những người dân chủ Đông Âu] vào cuộc sống sau bức màn sắt” (xem [2]).

Nhiều nước thuộc địa Anh-Pháp trước đây tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Roosevelt và Churchill qua Hiến Chương Đại Tây Dương năm 1941 {8} với hy vọng sẽ được độc lập. Họ không ngần ngại kề vai sát cánh với chính quyền thuộc địa, cũng không hề sợ hy sinh người và của để chống phe trục Đức-Ý-Nhật đến chiến thắng cuối cùng. Họ được gì trước và sau Yalta? Không có gì hết! Churchill không mang vấn đề ra thảo luận trên bàn hội nghị, Roosevelt hoàn toàn im tiếng. Người ta cũng không hề nghe Tổng thống Truman, người kế vị Roosevelt, đề cập đến điều 3 của Hiến Chương Đại Tây Dương trong suốt tám năm cầm quyền sau đó. Các nước thuộc địa vẫn trắng tay. Và sau khi thế chiến II chấm dứt, vẫn còn hàng triệu người hy sinh trước khi họ dành được độc lập.

Yalta đã đi vào lịch sử bằng ấn tượng như thế!

Tôn Thất Thông
Cuối năm 2015

(Để hình dung thêm sự liên hệ giữa hội nghị Yalta và các hội nghị thượng đỉnh khác, độc giả có thể tham khảo sách Vươn Lên Từ Vực Thẳm của tác giả do Phương Nam và Hồng Đức liên kết xuất bản tháng 11.2015)  

Các con số trong {} là ghi chú
Các con số trong [] là sách tham khảo

Ghi chú

  1. Neisse là sông nhánh từ hướng đông nam đổ vào bờ đông sông Oder. Toàn bộ lãnh thổ Đức ở phía đông sông Oder và sông Neisse bị cắt cho Ba Lan và Liên Xô
  2. Tài liệu tham khảo [7] trang 606 H.P. zu Löwenstein
  3. Trước tình hình căng thẳng tại châu Âu, Thủ tướng Anh Chamberlain ký thỏa ước Munich năm 1938 với Hitler đồng ý để Hitler thiết lập chế độ bảo hộ lên Tiệp với hy vọng Hitler sẽ không phát động chiến tranh. Chamberlain bị ép buộc phải từ chức Thủ tướng Anh 8 tháng sau khi chiến tranh bắt đầu.
  4. Trong hội nghị Potsdam cuối tháng 7.1945, Đức mất luôn vùng đất phía đông sông Oder cũng như một phần vùng Schlesien cho đến bờ đông sông Neisse. Như thế, nước Đức mất tổng cộng khoảng 120.000 cây số vuông, gần một phần tư lãnh thổ của năm 1937. Trong lúc đó thì Ba Lan mất 180.000 cây số vuông cho Liên Xô.
  5. Sau hội nghị Potsdam cuối tháng 7.1945, Anh và Hoa Kỳ thỏa thuận nhường cho Pháp khu vực ở phía tây là Saarland, cộng thêm vùng đất tam giác Karlsruhe-Mainz-Trier (một phần của Rheinland Pfalz hiện nay) và tam giác Karlsruhe-Basel-Konstanz (vùng tây nam Baden-Würtemberg hiện nay).
  6. Trong những câu chuyện bên lề các buổi họp chính thức, Roosevelt thường gọi Stalin một cách thân mật là Uncle Joe (xem tài liệu [8]).
  7. Giáo sư Robert Nisbet dùng thuật ngữ Roosevelt-Stalin-Flirts (xem [10]).
  8. Điều 3 Hiến Chương Đại Tây Dương: “Hai nước [Hoa Kỳ và Anh] tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân các nước trong việc chọn lựa thể chế chính trị mà họ mong muốn, và hai nước cũng muốn rằng họ có quyền đòi lại chủ quyền đã mất do nước khác cướp đi“.

Tài liệu tham khảo

        Sách

  1. Antony Beevor
    Sự sụp đổ 1945

    Berlin. The downfall 1945
    ISBN 01-4101-747-3
  2. Rainer Blasius & Rheinhard Veser
    Châu Âu giải phóng trước bức màn sắt

    Befreites Europa vor Eisernem Vorhang
    Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) 10.2.2015
  3. Gosztony, Peter
    Năm 1945 Stalin đã sợ liên minh Hitler và đồng minh phương Tây
    Stalin fürchtete 1945 ein Bündnis zwischen Hitler und den Westmächten
    Der Spiegel 47/1969 trang 175-184
  4. Andreas Hillgruber
    Lịch sử Đức 1945-1986.

    “Vấn đề Đức“ trong chính trị thế giới
    Deutsche Geschichte 1945-1986.

    Die “Deutsche Frage” in der Weltpolitik
    ISBN 31-7009-844-6
  5. Guido Knopp
    Thế kỷ của chúng ta. Những ngày số phận nước Đức
    Unser Jahrhundert. Deutsche Schicksalstage

    ISBN 34-4215-044-2
  6. Christian Grafvon Krockow
    Dân tộc Đức trong thế kỷ 1890-1990
    Die Deutschen in ihrem Jahrhundert 1980-1990

    ISBN 34-9919-195-4
  7. Hubertus Prinz zu Löwenstein
    Lịch sử Đức

    Deutsche Geschichte
    ISBN 37-7660-920-6
  8. Golo Mann
    Lịch sử Đức thế kỷ 19 và 20

    Deutsche Geschichte des 19. und 20. Jahrhunderts
    ISBN 37-6321-736-3
  9. Charles L. Mee
    Hội nghị Potsdam
    Meeting at Potsdam.

    Bản dịch của Renata Mettenheimer: Die Potsdamer Konferenz
    ISBN 34-5302-108-8
  10. Robert Nisbet
    Roosevelt và Stalin

    Roosevelt and Stalin
    Bản dịch tiếng Đức của Hans-Ulrich Seebolm:
    Roosevelt und Stalin

    ISBN 35-4834-907-2
  11. Nikolaus von Preradovich
    Lịch sử Đức trong thế kỷ 20

    Deutsche Geschicht im 20. Jahrhundert
    ISBN 39-2072-200-0
  12. Diether Raff
    Lịch sử Đức từ cổ đại đến Cộng hòa Liên bang

    Deutsche Geschichte vom alten Reich zur Bundesrepublik
    ISBN 34-5403-384-1
  13. Waldemar Schütz
    Lich sử Đức thế kỷ 20

    Deutsche Geschichte im 20. Jahrhundert
    ISBN 39-2072-200-0
  14. Wilhelm Treue
    Lịch sử Đức tập II – Từ Metternich cho đến bây giờ
    Deutsche Geschichte Band II – Von Metternich bis zur Gegenwart

    ISBN 38-9350-062-6
  15. Yalta Conference Protocol
    Biên bản hội nghị Yalta, Crimea
    Protocol of the Proceedings of Crimea Conference
  16. Georg Bönisch
    Rơi xuống vùng không đáy, phần 3

    Absturz ins Bodenlose, Teil 3
    Spiegel số 17/1985, trang 151-174

    Tạp chí

  17. Arthur Conte
    Phân chia thế giới, phần 1

    Die Teilung der Welt, Teil 1
    Tạp chí Der Spiegel, số 16/1965, trang 76-99
  18. Arthur Conte
    Phân chia thế giới, phần 2

    Die Teilung der Welt, Teil 2
    Tạp chí Der Spiegel, số 18/1965, trang 72-90
  19. Arthur Conte
    Tam Hùng của Yalta

    Die Grossen Drei von Jalta
    Tạp chí Der Spiegel, số 16/1965, trang 78-99
  20. Peter Hoeres
    Im lặng tuyệt đối.

    Đồng minh không quan tâm đến sự thành công của Staufenberg.
    Absolutes Stillschweigen. Die Alliierten hatten kein Interesse an einem Erfolg Stauffenbergs.

    Tạp chí FOCUS, số 39/2007
  21. Wolfgang Malanowski
    1945: Rơi xuống vùng không đáy

    1945: Absturz ins Bodenlose
    Tạp chí Der Spiegel số 15/1985, trang 158-177
  22. Walter Mayr
    Trận sân nhà của Stalin

    Stalins Heimspiel
    Spiegel Special, số 2/2005, trang 214-217
  23. Charles L. Mee
    Stalin: „Nước Đức là gì?“
    Stalin: „Was ist Deutschland?“

    Tạp chí Der Spiegel số 13/1997, trang 174-188
  24. Norbert F. Pötzl
    Cuộc diễn tập lớn

    Der grosse Showdown
    Tạp chí Der Spiegel, số 3/2010, trang 132-139 

    Các trang mạng:

    (Một vài trang mạng sau đây có thể không còn hoạt động sau khi tài liệu được đăng tải. Chúng tôi xin chân thành cáo lỗi nếu chuyện đó xảy ra và mong độc giả thông báo cho chúng tôi biết. Ngoài những dữ liệu trích dẫn trong bài viết này, tác giả không chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực và tính thời sự của các trang mạng)

  25. http://avalon.law.yale.edu
    Đại học Yale, Hoa Kỳ. Đồ án Avalon

    University of Yale, USA. Project Avalon
    (Bộ sưu tập có giá trị về tài liệu lịch sử từ thời tiền sử)
  26. http://www.bundesarchiv.de/
    Trung tâm lưu trữ tài liệu liên bang

    Das Bundesarchiv
    (Bộ sưu tập lớn nhất của Đức về tài liệu và hình ảnh lịch sử)
  27. http://www.spiegel.de
    Tạp chí Tấm Gương
    Der Spiegel

    (Một trong vài tạp chí được xem là có giá trị nhất nước Đức, thành lập năm 1947)

 Nguồn bài đăng

Bình luận về bài viết này