Mục tiêu đào tạo tiến sĩ: Xưa và Nay

Một đám rước vinh quy bái tổ (Lều chõng ngày xưa)

Một đám rước vinh quy bái tổ (Lều chõng ngày xưa)

Nguyễn Ngọc Lanh

Vài lời ngoài bài

Cảm hứng để viết bài này là một tin thời sự hôm nay (02-7-2015) trên báo Vietnamnet, nói rằng Cán bộ Hà Nội có hơn 4.000 tiến sĩ, thạc sĩ. Có thể hiểu: Trong số cán bộ của Hà Nội đang có 4.000 người vốn được đào tạo để làm nghề nghiên cứu khoa học, nay bỏ nghề, để làm nghề khác – chẳng liên quan gì tới mục tiêu đào tạo. Tiến sĩ được đào tạo để nghiên cứu khoa học, diễn viên được đào tạo để biểu diễn trên sân khấu. Thợ nề thì xây tường. Phi công thì lái máy bay… Câu hỏi: Nếu các đối tượng này khi ra trường lại làm “cán bộ” thì sẽ ra sao?

Để trả lời, xin so sánh hai câu tương đương nhau:

Cán bộ Hà Nội có hơn 4.000 tiến sĩ, thạc sĩ

Cán bộ Hà Nội có hơn 4.000 diễn viên múa (!).

Nực cười chưa? Nhưng cụ Phạm Quang Nghị, bí thư thành ủy, tiến sĩ, đã lý giải vấn đề, để nó… hết nực cười, mà trở thành đương nhiên phải thế (!). Để rồi xem tiếp.

Phải nói ngay về những gì cùng tên, nhưng lẫn lộn nội dung.

Nước ta, nhiều khi cùng tên gọi, nhưng nội dung khác hẳn nhau. Không thiếu các ví dụ. Cùng gọi “mận” nhưng là hai thứ quả khác nhau, tùy miền Nam, Bắc. Dẫu sao, nó chưa gây rắc rối gì lắm.

Hai ví dụ dưới đây đã gây rắc rối ở các mức độ.

– Chế độ phong kiến: cùng tên, nhưng khác nhau về nội dung giữa phương Đông và phương Tây. Đó là vì trước đây, khi các cụ ta phải dịch chữ féodalisme (tên một chế độ ở châu Âu), các cụ đã gán cho nó cái tên sẵn có của ta: phong kiến. Kỳ thực, đây là hai chế độ khác hẳn nhau. Chính do vậy, chúng ta cứ sưng sưng nói rằng nổi loạn ở Tây Sơn là cuộc cách mạng. Và chúng ta sẽ ngỡ ngàng khi cụ Phan Khôi nói: Việt Nam chưa có chế độ phong kiến.

Wikipedia (từ điển mở, phổ thông) cũng phân biệt rất rõ.

Chú thích: Cái chế độ mà chúng ta gọi là “Phong kiến” ở phương Tây trong lòng nó có sẵn những nội lực (ví dụ, sự lớn mạnh của giai cấp tư sản với nền kinh tế hàng hóa mạnh) để tự nó tiến lên chế độ tư bản bằng một cuộc cách mạng, đưa đến nền dân chủ ngày càng hoàn thiện. Còn phong kiến phương Đông chỉ thay triều đại, nhưng trước-sau vẫn là chế độ chuyên chế. Dù có hàng chục khởi nghĩa Tây Sơn, cũng vậy thôi. Dưới tác động của ngoại lực (ví dụ, ách thực dân, hoặc sự du nhập một chủ nghĩa) có thể làm thay đổi chế độ, nhưng nhiều khi chỉ thay đổi nửa vời, thậm chí chỉ thay đổi về hình thức (vẫn nặng căn phong kiến, hoặc vẫn là phong kiến trá hình). Ví dụ, chế độ “mới” cũng vay mượn các khái niệm của chế độ tư bản, như: “dân chủ” (nhưng không cho tự ứng cử), “tự do” (nhưng cấm lập hội), “pháp quyền” (nhưng một đảng)… Từ đó, sinh ra các khái niệm “đối lập” rất khôi hài: Dân chủ tư sản đối lập với dân chủ XHCN (!). Chúng ta hiểu vì sao khi Marx khi nghiên cứu phương thức sản xuất châu Á lại không xếp nó vào “phong kiến”. Đề tài này thú vị, nhưng không liên quan bài này.

– Liên quan bài này: Tiến sĩ (tây) và tiến sĩ (ta) khác hẳn nhau. Khác về mục tiêu đào tạo (một đằng làm quan, một đằng nghiên cứu khoa học), do vậy cũng khác về nội dung đào tạo và cách thức thi cử… Các cụ ta, khi cần dịch chữ doctor (docteur) đã gán cái tên mà ta có sẵn “tiến sĩ” cho nó, mà không biết rằng tác hại sẽ không nhỏ. Tiến sĩ nho học chấm dứt đào tạo từ năm 1919, đến nay chẳng còn cụ nào. Các vị tiến sĩ tân học đang sống lên tới 24 ngàn, nhưng nhiều vị hành xử chẳng khác tiến sĩ nho học khi xưa (!) chẳng lẽ vô hại? 

Phần 1. Đào tạo tiến sĩ thời xưa

A. Hai cách chọn nhân tài: Tiến cử và thi tuyển

1. Xuất xứ cái tên cử nhân, tiến sĩ

– Bên Tàu cách nay ba ngàn năm và bên ta cách nay một ngàn năm, khi muốn có người tài, Nhà Nước “nghe ngóng” tiếng đồn trong dân để chọn những cá nhân nổi tiếng về học vấn và đạo đức, đặng thu dụng và trọng dụng. Bên ta, thời Đinh và Tiền Lê cũng vậy. Đối tượng được chọn – khi Phật Giáo thịnh hành – thường là các vị sư. Ví dụ, sư Khuông Việt nức tiếng “đạo cao, đức trọng”.

– Về sau, cách tốt hơn để chọn nhân tài là kêu gọi mọi người tiến cử. Nói nôm, đó là giới thiệu người tài. Nhờ vậy, nguồn nhân lực để chọn dồi dào hơn nhiều. Lâu ngày thành lệ. Đọc sách Đông Chu Liệt Quốc (nói về thời cách ta gần 3000 năm) thấy chuyện “tiến cử” rất phổ biến. Những nhân vật kỳ tài cũng nhờ tiến cử mà thi thố được tài năng. Bên ta cũng học theo cách này.

– Tiến cử, gồm “tiến” và “cử” là hai mức tôn vinh khác nhau. Nước ta chưa có chữ, do vậy “người được cử” (tiếng Việt) nếu gọi theo chữ Hán (để có thể ghi vào văn bản, sổ sách) sẽ là Cử Nhân – đã đủ vinh dự. Cử nhân, nếu xuất sắc, còn được tiến dẫn lên tận vua, do vậy danh xưng phải khác. Thế là, “cử” được thay bằng “tiến” (để thêm trang trọng); và “nhân” được thay bằng “sĩ” (để tăng tôn vinh). Đó là xuất xứ của từ ngữ Tiến Sĩ và Cử Nhân, được dùng tới nay. 

2. Tiến cử nhất định phải thay bằng thi cử

Khi số người được tiến cử vượt nhu cầu, nhất là khi trình độ giữa họ quá chênh lệch (lạm phát tiến và cử) đương nhiên phải “thi”; và thi phải “đậu” (không rụng, rớt) mới được “cử” – tức bổ nhiệm. Cạnh tranh nảy lửa mới được chọn, nhưng người được chọn vẫn bị gọi bằng cái tên cũ rích: Cử nhân, Tiến sĩ (nghe, cứ như không phải thi). Nói khác, tên gọi “cử nhân”, “tiến sĩ” lúc này không còn chính xác nữa. Tuy nhiên, chúng chưa gây tác hại gì, cứ sử dụng, rồi sẽ quen tai.

B. Mục đích đào tạo cử nhân, tiến sĩ thời xưa

1. Chỉ có một mục đích: đó là sản xuất nhân sự cho bộ máy hành chính. Gồm Quan và Lại.

– Tiến sĩ làm quan, cử nhân làm lại. “Lại” là nhân viên dưới quyền “quan”. Tiến sĩ làm quan tại triều, hoặc đứng đầu một đơn vị hành chính trực thuộc triều đình. Nếu lại tận tâm, quan liêm chính: Đó là hồng phúc cho cả triều đình, lẫn cho dân. Dân yên, triều đình ổn. Nếu ngược lại, quan thì tham, lại thì ô (tham quan, ô lại), dân mất niềm tin, triều đại đi vào mạt vận. Xưa, nay đều vậy.

Ngày xưa, chỉ có hai loại quan: quan văn và quan võ. Khi Giáo Dục đã đi vào quy củ, muốn làm quan phải qua các kỳ thi nghiêm ngặt. Từ thượng cổ, Trung Hoa chưa bao giờ từ bỏ ý đồ đô hộ nước ta, nhưng một ngàn năm gần đây, 90% thời gian nước ta có hòa bình, do vậy việc đào tạo quan văn bao giờ cũng chiếm ưu thế. Bài này chỉ bàn chuyện đào tạo nhân sự cho hệ thống quan văn.

2. Các kỳ thi Nho Học phải chọn được đúng đối tượng

Điều này phụ thuộc vào nội dung thi và cách thức thi. Thi cử nước ta đã trải ngàn năm, do vậy cách thức và nội dung các kỳ thi dần dần được cải tiến để chọn được những người có năng lực thích hợp nhất với công việc mà người đó phải thực hiện khi được bổ nhiệm. Sẽ nói ở dưới.

3. Khen, chê vô lối

Cách thức và nội dung thi cử “ngày xưa” đã trở nên hết sức lạc hậu (so với yêu cầu thời hiện đại). Nhận định này rất đúng. Ngay từ thời Đông Kinh Nghĩa Thục, các cụ ta đã vạch ra đầy đủ và chính xác. Nhưng không phải vì thế là cứ chê lấy, chê để, chê lấy được, chê vô lối.

Có người chê cách thi và nội dung các kỳ thi Nho Học: Ai đời, bắt người ta học và thi những thứ vô bổ. Ví dụ, đề thi ngày xưa bắt thí sinh… làm một bài thơ (!). Thử hỏi, thơ thì cần gì trong công vụ?

Để còn xem: Đây là chê đúng, hay chê vô lối. Số bài chê bai cách thức và nội dung thi cử “ngày xưa” không thiếu, thậm chí đã… thừa. Thừa, vì đây là những bài chê bai vô lối, chê lấy được. Giống như người thời nay dám chê là “ngu” khi tổ tiên thời tiền sử cứ (lười biếng) cam sống trong hang, mà không chịu làm nhà.

4. Thử khen cái chơi

Bài này thử khen cách thức và nội dung thi cử “ngày xưa”; coi thử “ngày nay” có thể học được tổ tiên những gì chăng. Để khỏi chê vô lối, chúng ta cần nghĩ rằng nếu tổ tiên ngu xuẩn thì con cháu khó mà thông minh.

Vậy, xin nói vắn tắt: Cách thức và nội dung các kỳ thi Nho học ngày xưa rất thích hợp để tuyển chon quan văn. Nói khác, đây là cách đào tạo rất chuyên nghiệp. Về quy chế, nó đủ chặt chẽ để không lọt lưới những của giả (như ngày nay); về phẩm chất, nó tuyển được những người thích hợp nhất cho công vụ (khác ngày nay); về số lượng, nó không sản xuất thừa, để đến nỗi tiến sĩ, cử nhân bị ế (như ngày nay).

C. Các kỳ thi để chọn quan văn

1. Quản lý nội dung học và thi

Nhà nước và xã hội tiểu nông rất nghèo, nên không thể có mạng lưới giáo dục phổ cập do nhà nước trả lương. Cũng giống như ngân quỹ thời đó không thể duy trì một đội quân chuyên nghiệp. Đừng thấy vậy mà chê bai vô lối, lại không nghĩ rằng sự phát triển giáo dục hiện nay liệu có vượt khả năng chịu đựng của nền kinh tế (?) khiến trường-lớp, thầy-cô, học sinh… cứ nhếch nhác thế nào ấy (!).

Tiết kiệm và hiệu quả nhất, Nhà nước thời xưa chỉ cần quản lý nội dungcách thức thi. Thế là đủ để thầy và trò (hầu hết là các trường – lớp tư nhân, tự phát và nhỏ bé) cứ răm rắp theo đó mà học và dạy. Nếu làm khác, nhất định sẽ thi trượt. Khóc, chẳng ai thèm thương. “Học để thi” là động cơ mạnh nhất để người học không tiếc công sức. Đã nói rồi, nếu Nhà Nước quản lý tốt nội dung và cách thức thi cử, để đảm bảo rằng các kỳ thi sẽ tuyển chọn được những con người đạt hai tiêu chuẩn: 1- có năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội và công việc tương lai; và 2- đủ năng lực mưu cầu hạnh phúc cho bản thân. Nói tóm lại, nếu việc học đem lại “công, tư lưỡng lợi” thì sợ gì mà không khuyến khích “học để thi”?. Một thí sinh thời xưa, chỉ cần qua được kỳ thi “đọc thông, viết thạo” là có thể làm được “ông đồ” dạy dăm-bảy đứa trẻ 5-10 tuổi, được phụ huynh trả bằng thóc gạo. Thời nay, cha hoặc ông là cử nhân mà không thể kèm cặp con cháu đang học tiểu học. Kỳ chưa?

2. Nội dung thi

Hoàn toàn công khai, ví dụ, phải học tứ thư (4 quyển sách), ngũ kinh (năm quyển kinh) và những sách khác… Không khó để tìm hiểu tên gọi và nội dung vắn tắt của mỗi quyển. Điều cần nói là những nội dung trong các sách này có thích hợp và cần thiết để làm nhiệm vụ “quan văn” hay không. Sẽ nói ở dưới. Học, tất nhiên cần thuộc, nhưng quan trọng hơn, là phải hiểu. Và quan trọng nhất là phải vận dụng được. Cách thi phải khảo sát đúng những năng lực này. Xin cứ xem tiếp.

3. Cả thảy có 4 kỳ thi

Chỉ cần xem từ điểm mở wikipedia, đã rất đủ về các kỳ thi nho học. Quan trọng là nội dung và cách thi như vậy, đã chọn ra được người thích hợp nhất để làm quan văn hay không.  

a- Kỳ đầu, là thi hàng xứ. Xứ ngày xưa (xứ Đông, xứ Đoài) không rộng như sau này (xứ Bắc kỳ), nên số thí sinh dự thi không quá tải. Đây là kỳ khảo hạch để chọn ra những người “đọc thông, viết thạo” – nghĩa là đủ tư cách dự kỳ thi sắp tới, tức thi Hương. Ngày nay, chúng ta học quốc ngữ, chỉ cần 3 tháng là “đọc thông viết thạo”. Với chữ Hán thì không thể dưới 3 năm. Ví dụ, thí sinh nghe giám khảo đọc, rồi theo đó chép vào giấy thi. Nếu nghe đã không hiểu, làm sao chép nổi vào bài? Một từ (chữ Hán) đọc lên – tuy đồng âm nhưng có nhiều nghĩa – nhiều cách viết. Nghe đọc, phải hiểu nghĩa mới có thể viết đúng. Qua được kỳ thi này, dù không thi tiếp (thi Hương) đã đủ vin dự. Về quê, đã được tôn trọng; nếu cần có thể dạy dăm bảy đứa học trò. Đây là cách đào tạo “thầy đồ cấp thấp nhất” rất hiệu quả, tiết kiệm. Càng vinh dự, nếu là người đứng đầu kỳ thi này (gọi là ông “đầu xứ”). Ông xứ Tố (Ngô Tất Tố), ông xứ Nhu (Nguyễn Khắc Nhu) nhiều người đã nghe tên.

b-Thi Hương.

Theo quy định từ năm 1434 (bắt đầu đi vào quy củ), thi Hương có 4 bài, nhưng gọi là “kỳ” vì nộp bài xong phải đợi kết quả chấm bài khá lâu, nhất là những kỳ đầu (chưa loại bớt thí sinh). Phải qua kỳ 1 mới được vào kỳ 2, cứ thế cho hết 4 kỳ. Xong việc, tốn cả 1-2 tháng. Dù chỉ qua được kỳ 1, đã đủ vinh dự (gọi là ông nhất trường), qua được kỳ thứ hai (gọi là ông nhị trường). Về quê, đây là những thầy đồ đầy tín nhiệm – có thể dạy đám trẻ lớn tuổi. Qua được 3 kỳ, có học vị tú tài; rất dễ được dân làng cử làm hương chức. Đây là “quan văn” cấp làng. Ai qua cả 4 kỳ, được học vị cử nhân, có quyền dự thi Hội.

Sau đây là nội dung thi Hương

Kỳ I. Hỏi nghĩa của Kinh và của Sách (kinh nghĩa, thư nghĩa). Câu hỏi thi chỉ đòi hỏi thí sinh hiểu sách (tứ thư, ngũ kinh) và viết ra được những mình hiểu là đạt yêu cầu. Đây chỉ là khảo sát thuần túy kiến thức. Khỏi nói, có lẽ ngàn năm nữa, thoạt đầu của thi cử vẫn là hỏi kiến thức. Vấn đề là những kiến thức này có ích dụng gì trong tương lại hay không. Té ra, nó đắc dụng ngay ở bài thi sau.

Kỳ II. Soạn thảo “chiếu và chế” (tức là văn bản do vua ban hành), và “biểu” (là văn bản ông quan trình bày công việc, hoặc ý kiến đề đạt lên vua). Đây chính là những việc mà quan văn phải làm nhiều nhất trong cuộc đời làm quan. Đã đành, lời lẽ phải phù hợp với chủ thể; nhưng khó nhất là vận dụng và trích dẫn (ý và lời) của tứ thư, ngũ kinh và các sách khác… đưa vào chiếu, chế, biểu… sao cho thích hợp. Xin hãy đọc những “chiếu” của vua Quang Trung do Ngô Thì Nhận soạn thảo.

Chú thích. Người thời nay khó hiểu những giáo điều ghi trong tứ thư, ngũ kinh thì có ích gì (và vận dụng thế nào) trong Chiếu, Chế, Biểu… Xin so sánh chuyện Liên Xô, Trung Quốc với thời xưa. Thời xưa, vua lên ngôi do cha truyền cho, do vậy không thể (và không cần) thuộc làu làu tứ thư, ngũ kinh như các quan văn. Nhưng “chiếu” của vua lại phải thể hiện vua vận dụng Nho Giáo ở trình độ “siêu”. Các quan văn nào vận dụng tốt, viết được “chiếu, chế” giúp vua, vua vừa ý, nhất định được ưu đãi. Các lãnh tụ CS (gồm cả các vị ở bộ chính trị bên Liên Xô, Trung Quốc) cũng như vua – không thể thuộc chủ nghĩa Mac-Lenin như các quan văn của chế độ mới. Họ lên ngôi không phải do thi cử, mà do tiến cử. Quan văn của chế độ mới phải soạn thảo diễn văn cho họ, trước hết là những diễn văn cần vận dụng chủ nghĩa…

Kỳ III. Thí sinh phải làm một bài thơ, hoặc phú (theo một chủ đề nào đó). Cứ tưởng nó vô bổ cho công việc “làm quan” sau này. Kỳ thực, đây là sự khảo sát trình độ điêu luyện về Hán văn của thí sinh.

Chú thích. Quan văn có nhiệm vụ soạn thảo văn bản là điều dễ hiểu. Khốn nỗi, văn bản được soạn thảo bằng Hán Văn (nước ta chưa có chữ). Do vậy, Hán văn thật sự là một ngoại ngữ, “người thường” đọc không nổi, viết không nổi và hiểu không nổi, nếu không được ai giảng giải cho. Học ngoại ngữ đến trình độ có thể làm được thơ, quả là “siêu”. Thí sinh phải làm thơ là do vậy. Khó, là làm sao cho đúng luật. Nhưng khó hơn là ý và hồn trong bài thơ. Thí sinh chỉ cần làm bài thơ “đúng luật thơ” là được. Chỉ cần họ “làm” được thơ, nếu họ “sáng tác” khi làm bài, càng được đánh giá cao. Nói chung, thơ làm trong kỳ thi rất khó được lưu truyền.

Con cháu thời nay nên hiểu biết đầy đủ hơn để nhớ ơn Nguyễn Trãi khi ông thảo ra những văn bản “bút chiến” với giặc Minh, kèm cả thơ – tất nhiên bằng chữ Hán. Hoặc khi ông viết Bình Ngô Đại Cáo, không những để bố cáo với quốc dân, mà còn dành cho ngàn đời con cháu. Đó cũng là Tuyên Ngôn với nhà Minh (họ đã đọc, đã nhụt ý chí xâm lăng). Nếu thời nay, chúng ta ít hiểu về “phú” thì áng hùng văn này chính là một dạng phú. Cứ hai câu một (là một cặp) đối nhau về ý, về luật bằng-trắc (đọc lên, nghe trầm bổng, êm tai) và cả về vần. Đi sứ, tiếp sứ, phải biết đối đáp và biết làm thơ để thù tạc với nhau, gây tình hữu nghị. Sứ nước ta phải đủ trình độ Hán văn để có thể đối đáp, biện minh, tranh nghị mà không thất thố và không nhục mệnh vua. Sứ thần Giang Văn Minh là thế. Văn bản ngoại giao cũng vậy. Văn bản do Ngô Thì Nhậm viết thay Quang Trung gửi sang nhà Thanh đã góp phần rất lớn để vua Càn Long công nhận vua ta là An Nam Quốc Vương và tiếp đãi vua ta cực kỳ trọng thể. Khảo sát khả năng “làm” thơ của thí sinh là có lý do. Khi đi học, do vậy học trò cũng được thầy ra các chủ để để họ tập làm thơ. Khi thi, vớ được chủ đề đã từng luyện tập thì thật là may. Gọi là “trúng tủ”.

Kỳ IV. Thi văn sách. Thường đầu đề hỏi về kế sách trị nước. Năng lực này rất cần để sau này ông quan viết ra mưu kế, đường lối, sách lược… dâng lên vua, hoặc khi được vua hỏi. Quan văn có trình độ đề xuất kế sách trị quốc, an dân lf một trong những tiêu chuẩn phải khảo sát trong kỳ thi. Trong thi Hương, nó phân biệt cử nhân với tú tài.

c- Thi Hội (ở kinh đô)

Dành cho các cử nhân muốn thành tiến sĩ. Số tài liệu phải học nhiều hơn (thêm: Bắc Sử, Nam Sử, Cương Mục, Văn Tuyển…). Vẫn thi 4 bài, với câu hỏi khó hơn. Phải qua được cả 4 bài (kỳ) mới được vào thi Đình.

d- Thi Đình (ở kinh đô): do đích thân vua ra đề thi. Thường đậu 100%.

3. Số lượng tiến sĩ

Khi muốn nói toàn thể các quan, ví dụ khi vua mở “đại triều”, ta có thành ngữ “văn võ bá quan” (bá = bách = trăm). Như vậy, tổng số quan ở triều đình không nhiều lắm. Nếu mỗi vị quan làm việc 25-30 năm, thì mỗi năm chỉ có khoảng 3-7 vị về hưu. Các kỳ thi chỉ bổ khuyết cho đủ số. Suốt ngàn năm thi cử, nước ta chỉ có ngót 3000 tiến sĩ nho học. Và chỉ cần như vậy. Nếu 1000 năm vừa qua, nước ta có 24.000 tiến sĩ, đố ai hình dung nổi số kiếp dân này sẽ bi thảm đến đâu.

Chú thích. Phong kiến là chế độ độc đoán, nhưng rõ ràng, cách làm thời phong kiến lại tiến bộ, công bằng, công khai hơn cách làm hiện nay. Hiện nay, muốn làm thượng thư hoặc quan đầu tỉnh (bộ trưởng, chủ tịch tỉnh) chẳng cần thi, cũng chẳng cần được dân bầu, mà chỉ cần tiến cử. Thực chất, đó là giới thiệu người vào danh sách ứng cử cấp ủy. Số lượng dôi dư không nhiều, do vậy đã có tên trong danh sách bầu, xác suất trúng cử là rất cao. Mà đây là chuyện nội bộ đảng, nhưng dân cứ phải chấp nhận kết quả. Trúng cử tỉnh ủy, đương nhiên thành cỡ giám đốc sở. Trúng cử trung ương, đương nhiên là chủ tịch tỉnh, bộ trưởng hoặc cỡ gì đó tương đương… Nói khác, từ tiến cử, lẽ ra phải tiến tới thi, rồi mới cử. Dường như chúng ta đi giật lùi? Có được địa vị cao sang theo cách này, lẽ ra phải tự thấy ngượng. Nhưng chẳng ông quan nào thấy ngượng, mà ngược lại, cứ nhơn nhơn tự đắc mỗi khi ra trước công chúng.

(còn tiếp)

 

4 thoughts on “Mục tiêu đào tạo tiến sĩ: Xưa và Nay

  1. Pingback: Mục tiêu đào tạo tiến sĩ: Xưa và Nay (tiếp) | Nghiên cứu lịch sử

  2. Reblogged this on Ooker's blog and commented:
    Tiến cử, gồm “tiến” và “cử” là hai mức tôn vinh khác nhau. Nước ta chưa có chữ, do vậy “người được cử” (tiếng Việt) nếu gọi theo chữ Hán (để có thể ghi vào văn bản, sổ sách) sẽ là Cử Nhân – đã đủ vinh dự. Cử nhân, nếu xuất sắc, còn được tiến dẫn lên tận vua, do vậy danh xưng phải khác. Thế là, “cử” được thay bằng “tiến” (để thêm trang trọng); và “nhân” được thay bằng “sĩ” (để tăng tôn vinh). Đó là xuất xứ của từ ngữ Tiến Sĩ và Cử Nhân, được dùng tới nay.

    Thích

Bình luận về bài viết này