Trung Đông : vùng Dầu Sôi Lửa Bỏng

middle_east

Nguyễn Trần Ai

1. TRUNG ÐÔNG Tiền-Hồi GIáo: JAHILIYYA

Thế giới Hồi giáo Trung Ðông ngày nay, đông bắc có Hắc Hải, tây bắc có Ðịa Trung Hải và đảo Cyprus (9,000 km2) với thủ đô Nicosia, kẹp ở giữa hai bể này là Thổ Nhĩ Kỳ (779,000 km2) với thủ đô Ankara. Tây nam Thổ, dọc duyên hải Ðịa Trung Hải là Syria (185,000 km2) với thủ đô Damascus, giáp giới Thổ, rồi đến Lebanon (10,000 km2) với thủ đô Beirut, Israel (21,000 km2) với thủ đô Jerusalem, Jordan (91,000 km2) với thủ đô Amman, đều quay ra Ðịa Trung Hải; các nước này và bắc bộ Iraq gọi chung là Vùng Trăng Khuyết Phì Nhiêu (the Fertile Crescent). Về phía đông các nước này là Iraq (435,000 km2) với thủ đô Baghdad và về phía nam là bán đảo Ả Rập gồm phần chính là Ả Rập Saudi (2,200,000 km2) với thủ đô Riyadh; bán đảo được bao bọc bởi Vịnh Ba Tư ở phía đông, Ấn Ðộ Dương ở phía nam, Hồng Hải ở phía tây; được viền bởi một số tiểu quốc được gọi là sheikh-quốc (sheikhdom) hay emir-quốc (emirate): cực bắc của vịnh Ba Tư có Kuwait (Kuw nghĩa là pháo đài, Kuwait là tiểu pháo đài, 17,000 km2) với thủ đô Kuwait City là một hình tam giác kẹt giữa Iraq và Ả Rập Saudi (vì thế được gọi là cái nách của Vịnh); vào khoảng giữa vịnh sát bán đảo có đảo quốc Bahrain (687 km2) với thủ đô Manama, bán đảo Qatar (11,000 km2) với thủ đô Doha, vươn lên phía bắc như ôm lấy Bahrain; rồi đến Liên Hiệp Emir quốc Ả Rập (UAE = United Arab Emirates, 84,000 km2) với thủ đô Abu Dhabi, tiếp nối về phía nam có Oman (300,000 km2) với thủ đô Muscat, và hai nước Bắc Nam Yemen (531,000 km2) thống nhất năm 1990 với thủ đô Sanaa.

Emir quốc Ả Rập (UAE) gồm 7 sheikh quốc, Abu Dhabi, Ajman, Dubai, Fujairah, Umm al-Qaywayn, Shrjah, Ras al-Khaimah, thành lập ngày 2.12.1971 sau khi Iraq cắt đứt liên lạc ngoại giao với Iran.

Iran (1,684,000 km2) với thủ đô Tehran, phía tây giáp ranh với Thổ và Iraq, phía bắc giáp ranh với Armenia và Azerbaijan rồi đến biển Caspian và Turkmenistan, phía đông giáp ranh với Afghanistan và Pakistan, phía nam là Vịnh Ba Tư vào thập niên 1950 đổi thành Biển Ả Rập.

Về phía tây bán đảo Ả Rập, bên kia bờ Hồng Hải là các nước Phi Châu trong lịch sử có nhiều liên hệ với Trung Ðông Hồi giáo; theo chiều bắc nam là bán đảo Sinai và Ai Cập (1,000,000 km2) với thủ đô Cairo, rồi đến Sudan (2,205,000 km2) với thủ đô Khartoum, Ethiopia (1,221,000 km2) với thủ đô Addis Ababa, Somalia (638,000 km2) với thủ đô Mogadishu; phía tây của Ai Cập là Libya (1,760,000 km2) với thủ đô Tripoli, rồi đến Algeria (2,400,000 km2) với thủ đô Algiers.

Libya là tên người Ý đặt cho hai thuộc địa Tripolitania và Cyrenaica của họ được hợp nhất vào tháng 1.1934.

TT Nasser của Ai Cập định nghĩa người Ả Rập là tất cả những người nói tiếng Ả Rập; như thế người Ả Rập là những người cư ngụ dọc mép phía bắc Phi Châu từ Morocco đến Ai Cập và Trung Ðông. Chúng ta không phân biệt người Ả Rập như mô tả trên đây với dân cư của bán đảo Ả Rập, bây giờ nói rõ hơn là Ả Rập Saudi. Tiếng Anh dùng chữ Arab để chỉ những người của thế giới Ả Rập nói chung và Arabian để chỉ những người của Ả Rập Saudi. 10% người Ả Rập không theo Hồi giáo và hàng triệu người không phải là Ả Rập khắp nơi trên thế giới lại theo Hồi giáo.

*

Tiếng Ả Rập Jahiliyya có nghĩa là thời kỳ ảm đạm, đen tối. Ðó là đặc tính của vùng trước kia có tên là Cận Ðông, sau đổi là Trung Ðông khi người Tây phương nới tầm mắt của họ rộng thêm ra.

Vào tk X TK (thế kỷ thứ mười trước Ki tô), vương quốc của các vua David và Salomon bị chia ra, bắc phần gọi là Israel sau đổi là Samaria và nam phần gọi là Judah với Jerusalem là thủ đô. Các vùng duyên hải Ðịa Trung Hải, bắc được gọi là Phoenicia và nam là Philistia. Philistia biến mất trong lịch sử sau các cuộc xâm lăng của Babylonia. Người Phoenicia cư ngụ tại đồng bằng duyên hải ở phía bắc Israel và phía nam Lebanon ngày nay. Ðế quốc La Mã gọi nam phần là Judea, trung phần là Samaria, bắc phần là Galilee, và sa mạc ở nam phần là Idumea (trong Kinh Thánh là Edom), ngày nay là Negev và Perea ở đông phần sông Jordan.

Năm 586 TK, vua Babylonia là Nê-bu-cát-nết-sa (Nebuchadnezzar) chiếm Jerusalem, phá vương quốc Judah và đền thờ Do Thái, đày các dân bại trận đến Babylonia. (Một chi tiết cho thấy tính thích đóng kịch người hùng của Saddam Hussein: trước khi tấn công Kuwait mấy ngày, ông ta đã đứng trong chiến xa làm theo kiểu xe của vua Nebuchadnezzar khi đánh Do Thái để chụp ảnh.)

Vài thập niên sau, chính dân Babylonia lại bị hàng phục bởi Cyrus người Mede là sáng tổ của tân đế quốc Ba Tư. Cyrus cho phép người Do Thái ở Babylonia hồi hương về Israel và cho lấy tiền công quỹ tái thiết đền thờ tại Jerusalem, do vua Solomon xây trên ngọn núi Moriah lần đầu tiên. Ðó là vụ Yehud ghi trong Kinh Thánh (Ê-sơ-ra 5:1, 5:8). Cựu Ước ghi lại lòng biết ơn của chính Chúa Trời: “Ðức Giê-hô-va… phán về Si-ru rằng: Nó là người chăn chiên của ta; sẽ làm nên mọi sự ta đẹp lòng” (Ê Sai 44:28) và “Ðức Giê-hô-va phán thế này cùng Si-ru, là người xức dầu của Ngài, ta cầm lấy tay hữu ngươi, đặng hàng phục các nước trước mặt ngươi, và ta sẽ tháo dây lưng các vua; đặng mở cửa các thành trước mặt ngươi, cấm không được đóng lại: Ta sẽ đi trước mặt ngươi, ban bằng các đường gập ghềnh; phá vỡ các cửa bằng đồng, bẻ gãy then cài bằng sắt; ta sẽ ban vật báu chứa trong nơi tối, của cải chứa trong nơi kín cho ngươi” (Ê Sai 45:1-2-3). Có lẽ vì thế mà, trong thế giới Hồi giáo, Ba Tư tương đối ít ác cảm với Israel hơn các nước khác.

Các hậu duệ của Cyrus bành trướng đế quốc Ba Tư đến tận biển Aegean, tiếp xúc và đụng độ với Hi Lạp. Về sau A Lịch Sơn đại đế (356-323 TK) của Macedonia chiếm một vùng rộng lớn bao gồm Trung á qua Ba Tư đến tận Ấn Ðộ và về phía nam suốt Syria và Ai Cập và đặt ảnh hưởng Hi Lạp trên đó. Sau khi ông chết, các tướng của ông chia vùng đất này làm ba vương quốc, đặt căn cứ tại Iran, Syria và Ai Cập.

Từ đầu kỷ nguyên Ki tô giáo, Trung ông chia làm hai phần: 1/ đông phần thuộc đế quốc Ba Tư; 2/ tây phần nằm về đông ngạn ịa Trung Hải từ Bosphorus đến lưu vực sông Nile thuộc đế quốc La Mã, gồm Ai Cập (Copt, Misr Ở tiếng Ả Rập misr, số nhiều amsar có nghĩa là đô thị), Sumer và Akkad, Assyria và Babylonia tức là vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia, Kinh Thánh gọi là Aram Naharayim tức là Aram của hai sông).

Năm 64 TK tướng La Mã là Pompey chinh phục Syria và rồi Judea. Năm 31 TK, tướng Mark Antony của triều đại Ptolemy (323-30 TK) và Cleopatra bị đánh bại tại chiến trường Actium nên Ai Cập cũng bị La Mã đô hộ. Chống lại đế quốc La Mã, chỉ còn Ba Tư, và Do Thái với trợ lực của Ba Tư.

Năm 70 SK (sau Ki tô) La Mã chiếm Jerusalem và phá hủy Ðền thờ đã tái thiết lần thứ nhì. Sau cuộc nổi dậy của Bar-Kokhba vào năm 135, La Mã muốn tận diệt Do Thái bướng bỉnh. Jerusalem được đặt tên mới là Aelia Capitolina, các tên Judea và Samaria bị thay bằng tên Palestine theo tên cổ Philistine. Lần này Do Thái không còn Cyrus để cầu cứu nữa và đành đầu hàng La Mã.

**

Năm 325 hoàng đế Constantine (311-337) cải đạo theo Ki tô giáo. Người ta phân vân không biết Ki tô giáo chiếm lãnh đế quốc La Mã hay, ngược lại, đế quốc La Mã đoạt lấy Ki tô giáo để làm một công cụ bành trướng? Dù sao Ki tô giáo cũng đã phần nào bị La Mã hóa.

Sau khi hoàng đế Theodosius chết năm 395, đế quốc La Mã tách làm hai: tây phần đặt trung tâm ở La Mã, đông phần ở Constantinople (về sau người Thổ đặt tên lại là Istanbul) là thủ đô do vua Constantine kiến thiết trên cố đô Byzantium nên dân ở đây vẫn tự nhận là dân La Mã nhưng phần đất này mang tên là đế quốc Byzantine để phân biệt với đế quốc La Mã. Tây phần bị các giống rợ xâm lăng và tàn phá. Ki tô giáo bị phân hóa trầm trọng. Hoàng đế Justinian (527-569) bèn áp đặt một thứ Ki tô giáo quốc doanh để thống nhất. Ki tô giáo lại bị La Mã hóa thêm một lần nữa, trước khi bị Ả Rập hóa thành Hồi giáo.

2. Hồi Giáo Ả Rập: AS SALAAM ALAYKUM

“As salaam alaykum”, Bình an cho tôn ông, “wa alaykim as salaam”, và cho cả tôn ông nữa, bình an. Người Ả Rập chào hỏi nhau như thế. Trong thế giới Hồi giáo, chiến tranh triền miên, nên bình an là khát vọng hàng đầu của các người sống trong thế giới ấy, cũng như đói là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người Tàu nên gặp nhau là họ hỏi đã ăn cơm chưa?

Nghiên cứu Trung Ðông thì chỉ đề cập đến Ả Rập ở giai đoạn chót vì khi các đế quốc lớn trong vùng đã thành hình từ lâu thì chưa có một lãnh thổ nào có tên là Ả Rập trên bản đồ thế giới. Nhưng nghiên cứu Hồi giáo thì nên nghiên cứu Ả Rập đầu tiên vì tôn giáo này xuất phát tại đây.

Những đặc điểm của thế giới Ả Rập là 1/ trong số 200 triệu người Ả Rập hiện nay không phải ai cũng theo Hồi giáo và nhiều người theo Hồi giáo không phải là người Ả Rập, 2/ người Ả Rập không tách thần quyền và thế quyền, 3/ người Ả Rập không có ý niệm quốc gia, đối với họ cả khối Ả Rập là một cộng đồng (ummah), bị chia ra thành nhiều địa phương để tiện việc cai trị nên họ trung thành với ummah hơn là với các nhà cầm quyền, nếu nghĩ đến quê hương thì họ nghĩ đến làng mạc của họ chứ không nghĩ đến nước của họ.

Lịch sử Ả Rập trước Hồi giáo ít được biết, trừ một ký ức mơ hồ về một vương quốc Kinda phồn thịnh vào cuối tk V và đầu tk VI. Nhưng trước đó, có lẽ vào khoảng năm ngàn năm trước đây, những dân du mục Ả Rập, Thổ, Mông Cổ từ bắc, tây và nam kéo đến vùng bán sa mạc miền bắc bán đảo, một số định cư ở ven biên tại những vương địa (principality), về sau chịu ảnh hưởng nặng nề của Ba Tư hoặc của Byzantine, như Palmyra nay là Tadmur ở đông nam Syria, và thủ đô Petra của dân Nabatean, nay ở Jordan, năm 104 bị đế quốc La Mã chiếm đóng và đổi tên là Provincia Arabia, quân trú phòng đóng ở Bosra. Trước đó người La Mã đã gọi vùng này là Arabia Felix tức là Ả Rập Hữu Phước chỉ vì họ mê hai sản phẩm ở vùng này là frankincense (nhựa một thứ cây có mùi thơm) và myrrh (nhựa cây mật nhĩ lạp cũng có mùi thơm). Tân Ước có nói đến ba vua (rois mages) dâng Chúa Hài Ðồng hai thứ nhựa này cùng với vàng.

Khác hẳn miền bắc, miền nam là một vùng trù phú, đồng ruộng phì nhiêu. Các tù trưởng Ả Rập được gọi là sheikh (tiếng Ả Rập là shaykh nghĩa là trưởng lão hay sayyid nghĩa là chủ, thầy), không cha truyền con nối nhưng được tuyển lựa trong gia tộc.

Phần lớn bán đảo Ả Rập được bao bọc bởi nước, Ðịa Trung Hải ở phía bắc, biển Ả Rập ở phía nam, Hồng Hải ở phía tây, và ở phía đông là sông Euphrates chảy ra Vịnh Ba Tư. Giữa Ả Rập và những ranh giới thiên nhiên này tùy lúc có những quốc gia khác chen vào. Cũng tùy lúc con đường thông thương Ðông Tây chạy qua vùng Ả Rập khiến vùng này phồn thịnh; nếu nó băng qua vùng khác thì Ả Rập điêu tàn. Con đường ngắn nhất từ Ðịa Trung Hải sang Ðông phương là qua các lãnh thổ Ba Tư hoặc do Ba Tư kiểm soát, nhưng có nhiều trắc trở vì phải lệ thuộc Ba Tư. Con đường khác hoặc là ở phía bắc từ Tàu qua Thổ đổ về Hắc Hải đến lãnh thổ Byzantine, hoặc là ở phía nam qua Ấn Ðộ Dương. Cả hai con đường này hoặc dẫn đến Vịnh Ba Tư, hoặc đến Hồng Hải rồi từ đấy qua Ai Cập và eo đất Suez, hoặc theo đường bộ qua miền tây Ả Rập từ Yemen đến biên giới Syria.

Năm 325 hoàng đế Constantine tuyên bố Ki tô giáo là quốc giáo của đế quốc La Mã. Từ năm 384 đến 502 Byzantine và Ba Tư hòa hoãn nên con đường thông thương qua Ả Rập bị hoang phế và thay thế bằng những con đường qua Ba Tư, thuận tiện, ít nguy hiểm và đỡ tốn kém hơn. Do đó Ả Rập bị mất mối lợi lớn, rơi vào một thời kỳ đen tối cho đến tk VI, Byzantine và Ba Tư tái chiến, lại phải o bế dân Ả Rập.

Ở ven biên sa mạc về phía Byzantine có vương địa Ghassan, đại khái là lãnh thổ Jordan ngày nay; về phía Ba Tư có vương địa Hira. Cư dân ở cả hai phía đều là Ả Rập, đều theo văn hóa Aram và Ki tô giáo nhưng về chính trị thì một bên theo Byzantine, bên kia theo Ba Tư. Năm 527 hoàng đế Byzantine là Justinian khuyến khích Ghassan khiêu chiến với Hĩra. Hai đế quốc đều cố lôi kéo thêm đồng minh.

Ðế quốc Ba Tư kéo được đảo Tiran-Yotabe ở dưới mỏm bán đảo Sinai, theo Do Thái giáo. Ðế quốc Byzantine dụ được một số dân tộc Ả Rập và Ethiopia là tân tòng Ki tô giáo đang chống người Do Thái ở Yemen và người Ba Tư ở xa hơn. Người Ba Tư tiến chiếm Yemen, đuổi người Ethiopia đi. Vào cuối tk VI, tất cả các phe lâm chiến đều yếu đi. Vào tk VII cả hai đế quốc, Byzantine và Ba Tư, đều bị làn sóng Hồi giáo tràn ngập. Thủ đô Constantinople còn giữ được thêm 700 năm nữa cho đến năm 1453, tuy nhiên đế quốc Byzantine đã bị suy nhược và thu hẹp nhiều. Còn đế quốc Ba Tư thì lọt hẳn vào tay đế quốc Ả Rập Hồi giáo. Các người Ki tô giáo và Do Thái giáo trong lãnh thổ Ả Rập bị Ả Rập hóa hoàn toàn. Một nhóm dân gọi là Hanif là những người Ả Rập đầu tiên theo Hồi giáo.

Ayatollah Mirza Hasan Alhaeri Alehghaghi Aloskooee tóm tắt biến chuyển chớp nhoáng và kỳ lạ này:

Người Ả Rập trước Hồi giáo thường thiếu công cụ cho sự vĩ đại và quyền tối thượng, và họ có những tính hung ác nhất. Người Ả Rập sống trong nghèo khổ và bần cùng, trong ngu dốt, trong bạo hành và không có đức tin, trong sự áp bức mà đám thuộc hạ thường phải chịu, trong độc ác, trong vu cáo và lăng mạ, không kém gì những man mọi của Phi Châu thời cổ. Họ không có khoa học, của cải; họ xa lạ với xã hội của nghệ thuật và mậu dịch, và họ không được thông tin về những chân lý cao cả và xã hội. Vì nhu cầu, họ luôn luôn đến với các triều đình của các vua Yemen và Damascus, và những cá nhân đặc sắc trong bọn họ sống bằng nịnh bợ và thi phú hay bằng trộm cắp. Tuy rằng trong văn hóa của họ có sự quả cảm và tự do tâm hồn, nổi lên ở vài người trong bọn họ nhưng không đủ để tiến bộ. Do đó, qua nhiều thế kỷ, không hề thấy có lấy một chuyển động nhỏ nhặt nhất về phía thành tựu. Suốt hai hay ba ngàn năm không có tiếng nói của văn minh Ba Tư và La Mã, không có tiếng hét của những tiến bộ kỹ thuật và khoa học của Ai Cập và Chaldea (những lân bang gần nhất của họ) đánh thức những kẻ ngu si đang say ngủ này. Nếu ngay cả những người giống như Cyrus hay Darius hay những lãnh tụ không lừng danh khác có nổi lên trong đám họ thì cũng không sao có thể khởi xướng bất kỳ một phong trào nào dù là mong manh nhất vì tình trạng hết thuốc chữa của họ, vì vị trí địa lý khắc nghiệt của Ả Rập và vì thành kiến của những kẻ không ra gì trong tâm trí mù quáng của họ.

Rồi, cái gì xẩy ra khiến những truyện về việc xâm lăng và thống trị thế giới của họ được ngay cả người ngoại quốc thuật lại như là sự kỳ diệu phi thường độc nhất trong lịch sử nhân loại? Trong chưa đầy nửa thế kỷ, những người Ả Rập ấy, trong vinh quang và liệt oanh, đạt đến một tư thế đến nỗi họ không thèm ngồi vào ngai vàng của bất cứ ông vua nước ngoài nào hay đặt vương miện của hoàng đế La Mã lên đầu họ. Những bộ lạc ấy, tản mác trong những đồi cát Ả Rập, đan kết trong thời gian ngắn nhất một sợi dây dài và chắc vươn ra từ những đám bộ lạc rời rạc và tập hợp với những vị thầy của văn minh, từ Tàu đến những vùng hẻo lánh nhất ở Phi châu. Tâm hồn nào đó đã đem sự sống đến cho cái chết của tk VII? Và ai là người đã thổi linh hồn vào xác chết của họ? Và làm sao việc ấy xẩy ra nhanh đến thế và ảnh hưởng đến thế? (Letter from the Shiites, 23-4).

Ảnh hưởng ấy thể hiện bằng 1.3 tỉ tín đồ Hồi giáo trên thế giới, trong số đó 25 triệu sống thường xuyên ở Tây phương, còn lại sống tại hơn 70 quốc gia, đấy là chỉ kể những quốc gia mà dân Hồi giáo là dân bản xứ.

Người tạo nên sự nghiệp phi thường ấy là Muhammad (có nghĩa là Ðấng được tôn vinh, the Glorified), người đã khai phát thời kỳ Quang Minh (Islam), chấm dứt thời kỳ Ðần Ðộn (Jahiliyya), tự xưng là Ngôn sứ (Prophet, thường dịch là Tiên tri, trong Do Thái giáo có nghĩa là người được Thượng Ðế chọn để tiết lộ ý Ngài và khuyến khích dân chúng sám hối và tuân hành luật của Ngài, nên tôi thấy dịch là Ngôn sứ có lẽ đúng hơn).

Ðộng từ Ả Rập “Islam” có nghĩa là hàng phục và phân từ (participle) của nó là Muslim nghĩa là người chịu hàng phục, người tự hiến chỉ cho Allah (Thượng Ðế) mà thôi, chứ không cho thần linh nào khác; như thế nhấn mạnh tính nhất thần của Hồi giáo. Có học giả và tác giả Tây phương dùng chữ Muhammadanism để chỉ Hồi giáo. Ðó là một sự sai lầm làm mất lòng người Hồi giáo vì Muhammad không bao giờ nhận là sáng lập một tôn giáo. Ông chỉ nhắc lại những điều ông đã nghe thiên thần Gabriel mặc khải và những điều ấy được ghi trong kinh QuỖran (= Koran, có nghĩa là nhắc lại, cũng như ông A Nan nói như thị ngã văn). Thân thế và sự nghiệp của Muhammad gọi là Sirah và các lời ngài giảng dạy, bình luận, nhận định là Hadith. Sirah chung với Hadith là Sunnah tức là hành trình, gương mẫu hay truyền thống của Ngôn sứ, là căn bản cho các giáo điều, tín ngưỡng, đạo lý của Hồi giáo. Hadith được soạn thảo thành văn tự có lẽ 50 năm sau khi Ngôn sứ chết, thêm thắt rất nhiều để hình ảnh của ngài được trọn vẹn hơn và để chứng minh tính cách thiêng liêng của luật pháp về sau mới đặt ra ngõ hầu thỏa mãn nhu cầu cho một đế quốc bành trướng quá nhanh và quá rộng. Từ năm 870 đến 915 các học giả Hồi giáo đã phải phân các giai thoại trong Hadith thành các loại đúng, tốt và kém; kết quả là chỉ có 500 đúng nhất và trong số 600,000 giai thoại chọn ra được có 7,000 coi là trung thực, nhưng cũng đủ mô tả sinh hoạt của Muhammad.

Muhammad mất ngày 8.6.632, Ummah chọn một Khalĩfa (từ đó Anh ngữ calif hay caliph) kế vị điều hành cộng đồng. Ban đầu chức caliph (nghĩa là “phó”) do Mahammad đặt ra là một chức vụ rất tầm thường, tương tự như chức lý trưởng của ta, cai quản ummah bé nhỏ như dân trong làng. Nhưng khi ummah bành trướng thành một đế quốc vĩ đại thì caliph trở thành một hoàng đế quyền uy chưa từng có.

Phương pháp tuyển lựa đã đưa đến mâu thuẫn nội bộ, kết quả là bốn caliph đầu tiên được chọn đều bị giết chết. Ðó là:

1/ Abũ Bakr (632-4) là người được chính Ngôn sứ chỉ định thừa kế, được tôn xưng là Khalĩfatu Rasũl Allãh (thừa kế của Ngôn sứ của Allah) và Khalĩfat Allãh (Phó Allah), bị ám sát năm 634; trước khi chết ông đã chỉ định Umar là người thừa kế.

2/ Umar ibn al-Khattab (634-44) được tôn xưng là Amir al-Mu’minĩn, nghĩa là chỉ huy trưởng của người trung thành, lập ra lịch Hồi giáo bắt đầu năm 1 là năm Muhammad chạy về Medina; ông đánh thắng Ba Tư (636), Ai Cập, và Syria khi ấy gồm cả Lebanon, Israel, Palestine và Jordan ngày nay; chiếm lại Jerusalem; ông bị một nô lệ Ba Tư tên là Abul Lulu Firuz ám sát.

3/ Uthman ibn Affan (644-56) thuộc danh gia vọng tộc Umayyad ở Mecca; san định kinh Qu’ran; bành trướng Hồi giáo đến đảo Cyprus, Libya, A Phú Hãn, Ấn Ðộ, Ba Tư; nhờ các cuộc viễn chinh này Caliph Uthman vơ vét tài sản các nơi đem về làm của riêng, lãnh đạo một chế độ tham nhũng và đàn áp của quý tộc mới; bị giết ngày 17.6.656 bởi quân lính bất mãn vì ông thiên vị gia đình ông là phe Umayyad và bất công với phe Hashimite thuộc gia đình Ngôn sứ trong việc bổ nhiệm các chức vụ chính trị; đám tang của ông còn bị những người đã giết ông ném đá.

Ba caliph đầu tiên trên đây theo phái Sunnah, chủ trương rằng những người thừa kế Ngôn sứ không nhất thiết phải có huyết thống với ngài, chỉ cần là Rashidun, nghĩa là “người được hướng dẫn đúng đường”. Ðây là cách chọn lựa theo “đồng thuận” (consensus) trong bộ lạc Quraysh của Ngôn sứ.

4/ Ali ibn Abi Talib (656-61) là điệt nam của Ngôn sứ và là chồng của Fatima, con gái ngài; không màng tranh chấp quyền hành, vẫn sống giản dị, hòa nhã, đem kiến thức uyên bác dạy bình đẳng chủ nghĩa và đạo lý Hồi giáo cho đám đệ tử ngày càng đông; là người đủ tư cách nhất để thừa kế Ngôn sứ thì đã ba lần bị bỏ quên; được đưa lên làm caliph; tháng 1.661 ông bị ám sát bởi một thừa sai của giáo phái cấp tiến gọi là Khawarij, trước theo ông nhưng sau ly khai.

Khawarij, đa số là người Bedouin, là giáo phái thứ ba, quá khích nhất; không chấp nhận bất cứ một chính quyền nào không được họ tự do chấp nhận và sự chấp nhận bất kỳ lúc nào cũng có thể bị thu hồi. Họ chủ trương độc tài đạo đức nhưng lại đòi bình đẳng tuyệt đối, bất cứ tín đồ nào, bất kể lai lịch, đều có thể là caliph nếu được đồng đạo chọn. Họ tự cho là bị gạt ra khỏi quyền lực bởi giới tân qúy tộc Quraysh cũng như bởi hoàng tộc mà đại diện duy nhất còn lại là Ali. Họ tuyên bố là các lầm lỗi của Uthman và Ali là do thiếu đức tin Hồi giáo chứ không phải là do những sở đoản thế nhân; hai vị này chính là những người phản bội và là những người thiếu đức tin. Giáo phái này mở đường cho nhiều giáo phái quá khích từ bấy cho đến nay.

Sau khi Ali chết, tộc Umayyad (ông tổ là Umayya) do Muawiya ibn Abi Sufyan, có bà con với Uthman, lãnh đạo, lúc đó là thống đốc Syria nên thiên đô đế quốc Ả Rập từ Medina sang Damascus ở Syria, xâm lăng Iraq là căn cứ địa của Ali và chiếm Jerusalem là đất của những người theo Ali. Những người Hồi giáo ở Iraq vẫn trung thành với Ali dù ông đã chết; họ tự nhận là Shiat Ali, lập ra giáo phái Shi’a (nghĩa đen là đảng phái) tách rời khỏi ummah; họ là những người Shi’ite. Những người ở lại là Sunni, do chữ Sunnah (nghĩa là gương mẫu hay là tác phong của Ngôn sứ). Ðó là hai giáo phái chính.

Khi ấy dân Ả Rập có nghĩa là những người gốc gác từ bán đảo Ả Rập, đã là bá chủ thiên hạ, thường có thái độ khinh thị những người khác chủng tộc dù đã Ả Rập hóa và theo Hồi giáo, coi những người này như phó thường dân: người Iran, Iraq, Yemen… nhất là những tù binh chiến tranh bị đày ở tỉnh Kufa sát biên giới vùng Trăng Khuyết Phì Nhiêu. Ðương nhiên những người này có cảm tình với giáo huấn bình đẳng của Ali và sẽ trở thành những chiến sĩ cho cuộc cách mạng Shi’a. Họ thỉnh nguyện caliph Uthman can thiệp cho họ thì bị chính ông này đày họ đi Syria cho thống đốc Muawiya đàn áp. Năm 656 quân phiến loạn từ Kufa, Basra gần đó và từ Ai Cập kéo về Medina, hô tên Ali như là lãnh tụ phong trào cải cách của họ. Ali không chủ động được tình hình, để quân nổi loạn giết chết Uthman. Sau Muawiya từ Damascus kêu gọi phục thù cái chết của Uthman, đổ lỗi cho Ali và vận động lật đổ ông để nắm quyền. Bà Ba Aisha, vợ trẻ nhất của Muhammad, đáp ứng, tổ chức một đạo quân đi đánh Ali. Bà nằm trên ghế bố đặt trên lưng lạc đà để chỉ huy nên cuộc chiến gọi là “Chiến tranh Lạc đà”. Có người giải thích thái độ đáng ngạc nhiên của Aisha như sau: mấy năm trước Ali đặt nghi vấn về việc khi đến Mecca bà tư tình với một tên Bedouin trẻ. Cũng có thuyết cho rằng bà Ba viện thông lệ Ả Rập là cha chết thì con cả phải lấy các vợ của cha; Mohammad không có con trai thì Ali là con rể phải đảm đương nhiệm vụ cao cả này nhưng ông không chịu để bà mãi chịu cảnh phòng không chiếc bóng nên bà nổi cơn lôi đình quyết chí rửa hận. Có lẽ cả hai thuyết đều đúng.

Tuy Ali thắng nhưng buồn về nhân tình thế thái và sự phân hóa trong hàng ngũ Hồi giáo ông không về Medina nữa. Ông thuyết pháp tại Mecca rằng Hồi giáo chỉ có thể tồn tại nếu tôn trọng hai nguyên tắc cơ bản: công bình và bình đẳng giữa các đạo hữu, khiến mất lòng giới thượng lưu xã hội. Ông muốn hàn gắn nội bộ Hồi giáo nhưng cho đến tận bây giờ, hai phái Sunnah và Shi’a vẫn chống đối nhau kịch liệt. Năm 661 ông cầu nguyện xong từ trong đền bước ra, một người phái Khawarij bổ một nhát kiếm vào đầu ông. Theo truyền thống, xác ông được đặt lên lưng con lạc đà, chỗ nào nó khụy chân xuống, chỗ ấy là nơi yên nghỉ cuối cùng của ông. Chỗ ấy là thành phố Najaf thuộc nam bộ Iraq ngày nay, một ngôi đền được cất lên để tưởng nhớ ông. Ngày 4.4.2003 quân Mỹ tiến vào Najaf, giáo chủ Ali al-Sistani kêu gọi trung lập không dự vào chiến tranh nhưng hàng trăm tín đồ dàn hàng để bảo vệ đền thờ Al Ali khiến quân đội HK phải rẽ sang đường khác để vào trung tâm thành phố.

Nền tảng tâm linh của phái Shi’a là walaya tức là lòng thương yêu và tôn sùng Ali ấy cũng là tiêu chuẩn để trắc nghiệm đức tin chân chính. Khi người Ba Tư theo phái Shia, Walaya của họ mạnh đến độ họ không muốn tin một người thánh thiện như Ali lại có thể là người Ả Rập!

Phái Shi’a chủ trương phải là dòng dõi của Ngôn sứ mới làm caliph được vì thế họ coi trong 4 caliph đầu tiên, chỉ có Ali là caliph hữu quyền duy nhất. Phái này lại chia thành phe Ali và phe Fatima. Phe Ali chủ trương rằng Ali làm caliph vì là điệt nam của Ngôn sứ chứ không do tư cách là con rể của ngài, tức là chồng Fatima; vì vậy các con của Ali, không cứ là phải với Fatima, mà cả với các vợ khác, dĩ chí đến những người họ hàng với Ali, cũng có quyền nối ngôi.

Họ tin rằng khi Ngôn sứ Mohammad chết Ali đã được chọn làm Imam một cách thiêng liêng. Luận cứ chính và duy nhất của phe Fatima là các con, cháu và hậu duệ của Ali và Fatima đều là những Imam.

Phái Sunnah tin rằng cả 4 caliph đầu tiên đều hữu quyền. Các luật gia phái này diễn dịch giáo lý ijma là sự đồng thuận của các học giả chứ không phải của cộng đồng (ummah), chủ trương rằng lý trí và ý kiến của con người có thể bổ túc cho giáo luật đó là ijtihãd nghĩa là phán quyết độc lập – chấp nhận có thể có nhiều trường phái của luật shari’a. Các trường phái chính còn tồn tại đến ngày nay là Hanafi ở Thổ Nhĩ Kỳ phóng khoáng nhất, Shafi’i dọc theo duyên hải Vịnh Ba Tư và Ấn Ðộ Dương, Maliki ở Bắc Phi và Hanbali ở Ả Rập Saudi là chính thống nhất.

Từ khoảng năm 900 có sự đồng thuận trong phái Sunnah rằng mọi vấn đề quan trọng đã được giải quyết cho nên “cửa ijtihãd đã đóng”. Tuy nhiên luôn luôn có những vấn đề mới, thí dụ vấn đề cà phê, thuốc lá và súng ống nên có luật gia chủ trương phải mở lại ijtihãd. Phái Sunnah càng ngày càng dựa trên taqlid, nghĩa là chấp thuận không thắc mắc các giáo điều đã được thiết lập, một thứ Hồi giáo chính thống. Phái này chủ trương rằng các tín đồ trực diện Thượng Ðế không cần qua trung gian (ám chỉ Imam).

Ðây là dị biệt quan trọng giữa hai phái. Sunnah thường là giáo phái của nhà cầm quyền (caliph), coi như quốc giáo, có số tín đồ đông gấp 10 lần số tín đồ Shi’a. Phái Shi’a là giáo phái của những người bị trị, thất thế, bần cùng, thấp cổ bé miệng, bị đàn áp và bóc lột, hà hiếp và do đó luôn luôn có tinh thần quật khởi, đòi hỏi công lý, bình đẳng, không công nhận thẩm quyền của các caliph và chủ trương cách mạng. Họ phải tìm ra một bán thần á thánh (semideus) cao hơn caliph, hướng dẫn cộng đồng Hồi giáo ở thế gian và làm trung gian giữa người và Thượng Ðế; đó là Imam. Các người Shi’a tin rằng Ali và hai con ông, Hassan và Hussein là 3 imam đầu tiên, tiếp tục truyền xuống cho đến imam XII. Họ cho rằng sau caliph/iman Ali, ummah (cộng đồng Hồi giáo) dưới sự trị vì của các caliph và sultan (tước vị của caliph Thổ) và sự hướng dẫn của Sunnah đã đi lạc hướng và họ cố cải tổ. Họ không chấp thuận ý kiến là ijtihad đã có khi nào bị đóng.

Khi Imam thứ sáu của cánh Fatima là Ja’far al-Sadig chết năm 765, ông đã chỉ định con cả là Ismail làm thừa kế nhưng ông này lại chết yểu. Con kế của Ja’far là Abd-Allah cũng chết. Một số tín đồ đành chọn người con thứ ba là Musa al-Kasim; ông này và con cũng chết nốt. Một số khác chọn con của Isail làm imam thứ bảy, do đó họ có tên là Ismaili hay “Chi Thứ Bảy” của giáo phái Shi’a. Li còn có người tin rằng Ja’far sống hay chết vẫn là imam thứ bảy. Tranh chấp chỉ chấm dứt khi cháu bốn đời của Ja’far là Hasan al-Askari lên làm Imam mới thôi. Ðến năm 873 Hasan chết không có người thừa kế. Người Shi’a tin rằng tất cả các Imam này đều bị người các caliph nhà Umayyad và nhà Abbasid theo phái Sunnah bức tử. Nhưng người ta tin rằng Hasan phải có con và người con này tên là Muhammad được đồng đạo đem giấu để tránh khỏi bị ám hại. Người con này là Mahdi (nghĩa là “Người được Allah hướng dẫn”), tức là chúa cứu thế, là Imam thứ 12 kể từ Ali, năm 878 biến mất trong một cái động dưới đền Samarra tại Iraq, vì thế được gọi là Imam ẩn Nặc, sẽ hiện ra vào thời mạt thế để lập một vương quốc đạo lý nơi trần gian. Những người tin tưởng như thế gọi là “Chi Thứ Mười Hai” (Djafari). Giữa tk XVI và XVIII các người “Chi Thứ Mười Hai” này bỏ căn bản Hồi giáo chân truyền để hội nhập với truyền thống Ba tư, phát triển thành Sufi giáo (Sufism), được người Trung á theo đông, nhất là những người Safavid. Suf là len, Sufi nghĩa đen là “người mặc đồ bằng len”, theo hadith người mặc đồ len thô nhám thì không còn cái “ngã” cũng được gọi là “dervish”), một thứ mật tông Hồi giáo

Chuyên viên về Hồi giáo Edward Mortimer phân tích dị biệt giữa Sunnah và Shi’a:

Hồi giáo Sunnah là giáo điều quyền lực và thành tựu. Shia là giáo điều phản kháng. Khởi điểm của Shia là bại trận: việc bại trận của Ali và gia tộc của ông… Sự hấp dẫn căn bản của nó do đó là đối với những người thất bại và bị đàn áp. Vì thế nó thường là tiếng kêu tập hợp những kẻ thất thế trong thế giới Hồi giáo… nhất là người nghèo và người bị chiếm hữu (Faith & Power).

G.H. Jansen nhận định:

Các dị biệt giáo điều giữa Hồi giáo Sunni và Shiah là: Shiah dĩ nhiên chấp nhận Muhammad và Koran, nhưng trong khi nguồn gốc của luật Sunni là Koran, Hadith của Ngôn sứ, sự đồng thuận của cộng đồng và “tương đương”, bốn căn bản của luật Shiah là Koran, Hadith của Ngôn sứ và các imam, sự đồng thuận của các imam và “lý trí”. Vậy Shiah có bộ luật Hadith của riêng họ và trường phái luật của họ là Jaafari. Người Shiah hành hương Mecca nhưng sự sùng bái thực sự của họ đổ dồn về mồ mả của các con Ali là Hassan và Hussein tại Najaf và Kerbela [Karbala] ở Iraq (Militant Islam, 27).

Năm 1844 Mirza Ali Muhammad tự nhận là Mahdi đang được mong đợi, sáng lập đạo Bahai như là một nhánh của Hồi giáo Shi’a nhưng bị chính giáo phái này coi như phản đạo vì những chủ trương cải cách.

Năm 908 Ubaydallah theo cánh Ismail lên ngôi caliph ở Bắc Phi và năm 969 một người khác, al-Mu’izz chiếm Ai Cập và kiến thiết Cairo làm thủ đô. Năm 1094 khi caliph al-Mustansir chết, cánh Ismail lại chia làm hai nhóm. Một nhóm theo con thứ và là người kế nghiệp ông tại Cairo. Nhóm kia theo con lớn của ông là Hasan-i Sabbah, lúc đó đã kiểm soát được vùng núi Alamut ở Bắc Ba Tư, sửa đổi các giáo điều và chống lại nhà Seljuk. Theo tên của lãnh tụ (hashish), họ còn có tên là “assassin”(kẻ ám sát), rất cuồng tín, nhân danh một Imam vô hình, chuyên reo rắc khủng bố bằng cách ám sát các vua và hoàng gia, các chính khách và tướng lãnh Hồi giáo, cho đến khi bị người Mông Cổ xâm lăng vào tk XIII.

Sau khi Ali bị ám sát năm 661, con cả ông là Hassan (về sau bị bỏ thuốc độc chết), không biết có bị áp lực hay không nhưng không nhận kế vị, lui về tư dinh ở Medina, đề cử Muawiya ibn Abi Sufyan, thống đốc Syria (lúc ấy kinh đô của Hồi giáo là Damascus) và là tùng đệ của caliph Uthman đã bị ám sát, thuộc danh gia Umayyad ở Mecca. Triều đại của nhà Umayyad (660-750) bắt đầu từ đây, tiếp nối với Yazùd là con của Muawiya và sẽ kéo dài gần một thế kỷ, vẫn đóng đô tại Syria.

Theo truyền thống thì tên cổ của Syria là Aram, theo tên dân tộc Aramaean định cư tại Syria và Mesopotamia. Vì thế Syria được gọi là “Aram của Damascus” và Mesopotamia là “Aram của Lưỡng Hà” (Aram Naharayim, hay Aram của Zoba, hay của Aleppo, theo Thánh Kinh Samuel 8:6 và 10:8). Herodotus giải thích rằng tên Syria là do tên Assyria viết tắt. Người Hồi giáo gọi nó là Sham và đô thị chính của nó là Damascus. Người Ả Rập gọi Syria là Sóriya. Ðế quốc Ottoman năm 1865 công nhận tên Syria và người Pháp khi nhận làm nước ủy trị của nó sau đệ nhất thế chiến cũng giữ tên ấy.

Năm 680 là một niên đại tối quan trọng trong lịch sử Hồi giáo. Năm ấy Hussein, con thứ của Ali và là cháu ngoại của Ngôn sứ – được hỗ trợ bởi hai giáo phái Shi’a và Khawarij lúc đó tạm quên cựu hiềm để chống kẻ thù chung – nổi lên ở Iraq, tố cáo nhà Umayyad không có tư cách gì để làm caliph, hơn nữa lại còn là một caliph bất công và độc ác. Ông bị Ubayd Allah ibn Yazid lãnh đạo nhà Umayyad đánh bại ở Karbala, ở phía nam Baghdad ngày nay, bị chặt đầu; toàn gia của ông cũng bị giết, trừ có đứa con nhỏ sống sót. Những người theo ông cũng bị giết hết, tất cả là 70 người. Ðối với phái Shi’a, đây là một ngày lịch sử đánh dấu 1/việc tuẫn tiết của gia đình Ngôn sứ cho lý tưởng công bình; 2/ ác tính của những kẻ đã giết họ; và 3/ tội lỗi của những ai không bảo vệ họ. Biến cố này cũng thay đổi Shi’a từ một tổ chức lỏng lẻo thành một giáo phái. Tín đồ từ khắp nơi, Ấn Ðộ, Hồi Quốc, Iran, Iraq, Lebanon kéo về Karbala khóc cho Ali và Hussein, tự nguyện sẽ giống Ali, sẽ sống như Ali và sẽ chết như Ali.

Tính bất công của nhà Umayyad rõ rệt nhất ở cách kỳ thị chủng tộc, coi Hồi giáo là của Ả Rập và coi những người không phải là Ả Rập, dù có theo Hồi giáo cùng không được cư xử ngang hàng với người Ả Rập.

Dù có những sở đoản, nhà Umayyad đã có công đóng góp rất nhiều cho văn hóa Ả Rập, nhất là nghệ thuật và kiến trúc, ảnh hưởng sang cả Âu Châu Ki tô giáo. Năm 691-2 caliph Abd al-Malik (685-705) của nhà Umayyad xây, ngay tại Núi Ðền Jerusalem, đền “Vòm trên tảng đá” (the Dome on the Rock) là đền Hồi giáo lớn đầu tiên.

Năm 711, nhà Umayyad băng qua eo biển Gibraltar (do chữ Jebel ul-Tarik nghĩa là Núi của Tarik) tràn vào chiếm Y Pha Nho nhưng bị vua Charles Martel của Pháp đánh bại tại trận Poitiers năm 732, nếu không thì cả Âu Châu đã lọt vào tay Hồi giáo Ả Rập.

Từ năm 715, các caliph ngày càng trụy lạc trong những nhà tắm và hoàng cung lộng lẫy, quên rằng Ngôn sứ Muhammad của họ không bao giờ bỏ thói quen ngồi ở sân sau căn nhà tranh vách đất vá lấy quần áo rách. Sự xa hoa và kiêu ngạo của họ là mầm mống của sự suy tàn của triều đại Umayyad. Với caliph thứ 12, Marwan II (744-750), con một phụ nữ nô lệ người Kurd, nó cáo chung khi ông này bị người theo Abbas (Abbasid) đuổi đánh phải chạy sang Ai Cập, trốn trong một nhà thờ Ki tô giáo và bị chém đầu. Dân chúng ở Damascus đào mả các caliph Umayyad vứt xương ra đường để rửa hận.

*

Ngày 9.6.747, Abu Muslim phất cờ đen khởi nghĩa ở Khurasan, một tỉnh đông bắc Iran, chống lại nhà Umayyad và tôn hậu duệ của ak-Abbas, một thúc phụ của Ngôn sứ, lên làm minh chủ; công dân không phải là Ả Rập theo rất đông, tràn khắp Iran rồi kéo sang Iraq, đến năm 749 đã qua được sông Euphrates. Lãnh tụ Abul-Abbas được tôn lên làm caliph ở Kufa với tước hiệu al-Saffah chiếm nốt Iraq và Syria, dứt nhà Umayyad, lập ra triều đại Abbasid, trị vì khắp đế quốc Hồi giáo. Ðiều đáng chú ý là khi còn là Abul-Abbas thì theo Shi’a, đến khi đã thành al-Saffah thì theo Sunnah.

Al-Saffah tạm đóng đô gần sông Euphrates, em ông là al-Mansur (754-775) thiên đô từ Damascus sang bờ sông Tigris, gần vị trí cố đô Ctesiphon của triều đại Ba Tư Sassanid; thủ đô mới lấy tên là Madĩnat al-Salãm (nghĩa là “Ðô thị Hòa Bình”), nhưng dân vẫn quen gọi là Baghdad (nghĩa là “Trời cho”) và trở thành trung tâm dịch thuật các tác phẩm y khoa, toán học, hóa học, luyện kim, triết học viết bằng tiếng Hi Bá Lai, Ba Tư, Hi Lạp, Phạn. Tại đây hoàng cung được kiến thiết theo kiểu mẫu giống Ba Tư hơn là Ả Rập; y phục và nghi thức triều đình cũng vậy. Vì thế có người cho rằng đây là cuộc đảo chính của Ba Tư chống lại Ả Rập, nhưng cuộc cách mạng này cũng được nhiều người Ả Rập theo. Chính mẹ al-Saffãh cũng là Ả Rập, al-Mansũr có mẹ là nô lệ người Berber. Dù sao thì cuộc cách mạng này cũng đã thay đổi cục diện Hồi giáo một cách sâu đậm. Quý tộc Mecca và Medina lu mờ dần. Caliph nay lấy tước hiệu là “Bóng Thượng Ðế nơi Trần gian”. Cũng như người La Mã đã chiếm đoạt Ki tô giáo, người Iran lại chiếm đoạt Hồi giáo.

Các caliph nhà Abbasid trị vì đế quốc Hồi giáo trong 5 thế kỷ, nhưng từ khi al-Mansur trao quyền tể tướng cho Khalid al-Barmaki, gốc tu sĩ Phật giáo của đô thị Balkh ở Ba Tư, thì quyền hành ngày càng bị mất vào tay ông này để rồi cha truyền con nối làm wazir (giống nhà Chúa ở VN và tướng quân shogun ở Nhật) cho đến đời Harun al-Rashid (786-809). Dưới triều ông này, Tây Ban Nha và Bắc Phi đã gần như độc lập (756-800). Năm 868, một cận vệ người Thổ được Baghdad bổ nhiệm làm thống đốc Ai Cập tên là Ahmad ibn Tulun tuyên bố độc lập và sát nhập luôn Syria vào Ai Cập. Vùng biên thùy Syria-Iraq bỏ ngỏ, các bộ lạc Ả Rập Bedouin từ sa mạc tràn vào đòi lại nền độc lập bị mất. Có khi họ đánh phá các vùng đông dân ở Syria và Lưỡng Hà, chiếm cứ các đô thị và lập ra các triều đại vắn số. Khi Harun chết, hai con ông tranh ngôi, al-Amin có thế lực ở kinh đô Baghdad và Iraq, al-Mamun có thế lực ở Iran. Năm 820 tướng Tahir người Iran của al-Mamun, chiếm Khurasan, lập ra một triều đại mới; nhiều tướng khác bắt chước. Tuy phản loạn, họ vẫn công nhận các caliph là thủ lãnh tối cao của Hồi giáo Sunni, tuy là caliph hữu danh vô thực. Vào thời al-Mutasim (833-842) và al-Wathiq (842-847), các wazir thao túng triều đình, tùy ý phế lập các caliph lúc nào cũng được. Thực quyền đã chuyển từ Ả Rập sang Iran.

3. HồI Giáo BA TƯ: ARYANAM

Có lẽ cách nay năm ngàn năm, các sắc dân du mục, gốc Ả Rập, Thổ và Mông Cổ, từ các vùng phụ cận, đã xâm nhập vùng cao nguyên ngày nay là trung tâm của Iran. Vào cuối thiên niên kỷ III TK, dân tộc Elam tản ra từ đồng bằng Lưỡng Hà, leo lên rặng núi Zagros, đem theo nền văn hóa của họ pha trộn phần nào với văn hóa Sumer, vào giữa tk XI TK đã đạt đến một trình độ mỹ thuật phi thường, nhưng họ bị những đoàn người thuộc một giống Ấn-Âu gọi là A Lỵ A (Aryan) di cư từ Trung á, đông ngạn Biển Caspian, tiến vào đánh phá. Ðầu tiên, người giống Media (tức là người Mede) đến vào khoảng tk IX TK, định cư tại rặng núi Zagros; rồi độ một thế kỷ sau đến lượt người Persia (Ba Tư) dừng chân tại Pars (hay Fars) ở trung tâm cao nguyên, lấy nơi đó để phát triển văn hóa của họ và đặt tên đất nước của họ là Iran, do chữ aryanam nghĩa là đất của người A lỵ a. Cho đến năm 1935, Tây phương gọi Iran là Persia hay Persis (Ba Tư), do tên Pars.

Ngày nay, giống người này chiếm 50% dân số Iran, hầu hết nói một ngôn ngữ là tiếng Farsi, theo một tôn giáo là giáo phái Shia Hồi giáo. 50% dân số còn lại chia cho độ 400 sắc dân, quan trọng hơn cả là 12 triệu người Azerbaijan, 6 triệu người Kurd, đến làm nhiều đợt, định cư ở các vùng ven biên, trừ một số theo ngôn ngữ và văn hóa Ba Tư, hầu hết vẫn giữ ngôn ngữ và văn hóa riêng của từng sắc tộc, thí dụ 1.2 triệu dân Turkoman nói một thổ ngữ Thổ và theo giáo phái Sunni.

Trừ dân Kurd, toàn dân, dù theo tôn giáo khác và thuộc chủng tộc khác, đều có tinh thần dân tộc Ba Tư cao độ và tự coi là những người bảo tồn văn hóa cổ truyền Ba Tư và bảo vệ giáo phái Shia Hồi giáo. Sắc thái đặc thù này khiến Iran có hai mặt: Ba Tư và Hồi giáo, nói cách khác là quốc gia chủ nghĩa (nationalism) và cơ bản chủ nghĩa (fundamentalism), mỗi chủ nghĩa có những thời thịnh suy xen kẽ.

*

Từ khi sống chung hòa bình trên cao nguyên Iran, các dân tộc ở đó đã biết thờ Ahura Mazda là thiên lực thiện và giữ một ngọn lửa cháy thường trực trong đền để làm biểu tượng cho lực ấy. Zarathushtra, mà người Hi Lạp gọi là Zoroaster, hoàn chỉnh ý niệm này, lập ra Bái Hỏa Giáo (Zoroastrianism), đề ra thuyết nhị nguyên, Sáng Tạo là Ahura Mazda và Hủy Diệt là Ahriman, tiêu biểu cho thiện và ác, sáng và tối, sống và chết… Hai yếu tố này thường xuyên tranh đấu trong mọi phương diện của cuộc sống, cá nhân và xã hội. Hết tranh đấu thì sự sống cũng hết. Tranh đấu càng mãnh liệt thì cường độ sống càng tăng. Mỗi cá nhân có quyền tự do quyết định đứng ở chiến tuyến nào, Mazda hay Ahriman; tùy quyết định này, khi chết sẽ lên thiên đường hay sa hỏa ngục.

Cả hai dân tộc Media (Mede) và Persia (Perse) đều theo Bái Hỏa Giáo. Cho đến ngày tôn giáo này bị Hồi Giáo thay thế, Iran trải qua bốn triều đại: Achaemenia, Seleucis, Parthia và Sassania.

Bái Hỏa Giáo đã bén rễ ở Iran khi Cyrus chào đời. Zoroaster cho vương quốc của Cyrus phần hồn và Cyrus cho Bái Hỏa Giáo phần xác. Từ sự phối hợp này sinh ra triều đại Achaemenia và đế quốc Ba Tư kéo dài từ tk V TK đến tk III TK.

Nhân vật làm ra lịch sử Iran thời cổ này đã được Cựu Ước đề cập đến, như đã nói trên đây: Cyrus, có lẽ là con của Cambyses, vua của các người Ba Tư ở Pars và Mandane, con của Astyages, vua của Media. Lên ngôi năm 559 TK, ông bành trướng thế lực bằng cách ôn hòa hơn là vũ lực. Năm 550 TK, ông mời vua Media thoái vị để thống nhất Media và Persia, vẫn giữ lễ, một mực cung kính đối với người thất thế. Thuở ấy cũng là thời Tam quốc ở Trung Ðông: Iran, Lydia và Babylon. Cyrus đánh phủ đầu, đem quân tràn qua sông Tigris vào mùa xuân năm 547 TK, chiếm kinh đô Sardis của Lydia, bắt các nghệ nhân đem về kiến thiết thánh địa Pasargadae của ông. Năm 540 TK ông xuất quân giải phóng Babylon khỏi tay nhà vua Nabonidus độc tài. Khi ông vào thành, dân chúng ra qùy lạy và hôn chân ông. Ông dương đông kích tây, tiếng thơm minh quân độ lượng nhân đức đi trước quân đội, mở mang bờ cõi băng qua sông Nile, qua biển Aegean, qua sông Indus, trải dài từ Phi Châu đến Tàu. Ông cư xử theo đúng giáo lý Bái Hỏa Giáo, trị dân theo thiên mệnh, công bình và hòa bình. Năm 530 TK, ông dẫn quân vượt sông Jaxartes tiễu trừ quân Massagetae, giết được con nữ hoàng Tomyris. Nữ hoàng thương con, nổi điên phản công, Cyrus ngã ngựa, Tomyris vung gương chặt đầu ông, quân lính đem xác ông về chôn ở Pasargadae.

Con ông cũng tên là Cambyses nối ngôi, đem quân vây hãm Ai Cập ba năm. Trong nước có loạn, ông đem quân về, chết dọc đường. Năm 521 TK, Darius 28 tuổi lên ngôi, cưới vợ góa của Cambyses và một người con gái của Cyrus để được công nhận là có quyền thừa kế. Nhưng dân vẫn nổi loạn khắp nơi, bị Darius dẹp trong biển máu. Sau đó, Darius cải tổ quân đội và hành chánh hoàn hảo đến nỗi La Mã phải bắt chước. Năm 517 TK ông đem quân vào Punjab, Ấn Ðộ ngày nay và Sind, thu hết vàng chở trên xe cải tiến, rồi kéo quân lên Bắc Phi đến tận Libya. Năm 512 ông tiến quân đến hạ lưu sông Danube, trên đường về, thần phục được vua Macedonia và người Hi Lạp ở Thrace. Ðế quốc Ba Tư lên đến cực đỉnh; Darius cho tổ chức lễ No Ruz ở Persepolis, cách Pasargadae 50 dặm, một lễ đài nguy nga đồ sộ rộng 181,500 dặm vuông, nơi mà 10,000 người gọi là Bất Tử, thuộc các danh gia vọng tộc Media và Persia họp thành quân cận vệ của vua, đứng túc trực trong khi thần dân của đế quốc Ba Tư gồm 29 dân tộc khác nhau, diễn hành trước ngai vàng Achaemenia. Darius chết năm 486 TK, con là Xerxes nối ngôi. Năm 481 TK Xerxes dẫn quân băng qua Hellespont, tràn qua Macedonia, đánh bại quân Spartia, chiếm Nhã Thành (Athens), đốt điện Parthenon đang xây dở dang, nhưng thua quân Hi Lạp ở Plataea. Xerxes chán nản, dẫn tàn quân về Persepolis, vùi đầu vào trụy lạc trong harem, tức là tam cung lục viện Ba Tư. Năm 465 TK ông bị ám sát. Ðến năm 401 TK anh em trong hoàng gia tranh ngôi, tương tàn. Ba Tư của nhà Achaemenia bắt đầu suy thoái.

Năm 332 TK, A Lịch Sơn đại đế của xứ Macedonia vượt Hellespont. Vua Darius III xin dâng đất cầu hòa không được. A Lịch Sơn tiến vào Persepolis, dùng 10,000 ngựa và 5,000 lạc đà chở chiến lợi phẩm, 120,000 lượng bạc, 8,000 lượng vàng, các mỹ phẩm vô số kể. Nhưng chưa hết, A Lịch Sơn, học trò của Aristotle, người tự xưng là đầy tớ của chân và mỹ (không có thiện), đã ra lệnh đốt phá kỳ công mỹ thuật Persepolis, hy vọng là làm thế tất nhiên phá được căn tính Ba Tư. Thì ra từ ngàn xưa mặt trận văn hóa đã quan trọng đến thế.

Sau khi A Lịch Sơn chết vào năm 323 TK, các tướng của ông tranh nhau chia đế quốc ông để lại: tướng Antigonus chiếm Hi Lạp, tướng Ptolemy lấy Ai Cập và Palestine, tướng chỉ huy kỵ binh Seleucis chiếm phần còn lại, Syria, Tiểu á Tế á kể cả Ba Tư.

Cũng vào thời A Lịch Sơn chết, một sắc dân A Lỵ A từ phía đông biển Caspian đến định cư ở Ba Tư và đồng hóa với dân Ba Tư. Trong đám họ, năm 247 TK Arshak nổi lên chiến thắng đế quốc của Seleucis, lập ra triều đại Parthia; năm 163 TK Ba Tư thu hồi độc lập. Năm 36 TK, tại Azerbaizan, họ giết 35,000 trong số 100,000 quân của tướng Mark Antony khiến ông này phải chạy về Ai Cập với vợ là người đẹp Cleopatra, và đế quốc La Mã phải rút về tây ngạn sông Tigris, từ bỏ tham vọng bành trướng sang phía đông. Sau 160 năm đô hộ, văn hóa Hi Lạp vẫn không ảnh hưởng được văn hóa Ba Tư. Triều đại Pathia phóng khoáng, cho dân tự do tín ngưỡng, có công bảo vệ Ba Tư trong gần bốn thế kỷ (163 TK-224 SK).

Ardavan, vua cuối cùng của triều đại Pathia bị Ardashir (226-240 TK) giết để lập ra triều đại Sassania (208-637 SK). Nhận ra được rằng ngôi vua của ông chỉ có thể vững nếu được tôn giáo hỗ trợ, ông cùng các đạo sĩ (magi) phục hưng Bái Hỏa Giáo thành một lực lượng kiểm soát sinh hoạt tâm linh và vật chất của Ba Tư và bắt dân theo. Các nguyên tắc căn bản của Ba Tư, công bằng và độ lượng, không còn nữa. Dưới triều con Ardashir là Shapur I (240-271), Mani (sanh năm 216) xuất hiện ở một làng gần Ctesiphon ở Lưỡng Hà, tự xưng là tông đồ cuối cùng sau Zoroaster, Phật và Jesus, tổng hợp giáo lý của ba vị thành Mani Giáo (Manichaeism). Có lúc Mani được Shapur cho vào triều nhưng các đạo sĩ Bái Hỏa Giáo thấy địa vị bị lung lay bèn cho ông chết một cách từ từ và đau đón vô cùng. Một ông đạo khác là Mazdak nối gót Mani, cũng bị các đạo sĩ ám sát. Shapur I gây chiến với La Mã và trong chiến thắng thứ ba bắt được hoàng đế La Mã Valerian làm tù binh. Ông này chết trong tù. Năm 384 Shapur III (383-388) giảng hòa với La Mã. Năm 560 Khosrow I lên ngôi, thiên đô sang Ctesiphon ở Lưỡng Hà (ngay cạnh Baghdad ngày nay), trưng bầy những cảnh xa hoa ngược hẳn với tính giản dị của Pasargadae buổi ban đầu. Ông chết năm 579, các thừa kế của ông lại Tây tiến, năm 602 vào Byzantium, năm 613 chiếm Antioch, 614 chiếm Jerusalem, 616 chiếm Sardis và Ephesus, 619 chiếm Alexandria và Ai Cập, 620 đế quốc Byzantine bị đẩy lui đến tận Constantinople.

Năm 626 Byzantine phản công, năm 628 đòi Armenia và Mesopotamia, lấy cớ dân hai nơi này đa số theo Ki tô giáo. Ba Tư lại đòi Syria, Palestine và Ai Cập, viện cớ các lãnh thổ này đã được Cambyses, con của Cyrus chinh phục năm 525 TK, tuy ở đó không có người Ba Tư hay người theo Bái Hỏa Giáo.

Hai bên tranh chấp chỉ lợi cho Ả Rập Hồi Giáo.

Năm 636 tám vạn quân tinh nhuệ của nhà Sassania đồn trú ở Qadisiya, một tỉnh nhỏ trên tây ngạn sông Euphrates, phải đối diện một vạn quân Ả Rập ô hợp cháy nắng, quần áo rách mướp bẩn thỉu mang khiên da bò và gươm cong, cưỡi lạc đà của Caliph Umar ibn al-Khattab (634-44). Hai bên cầm cự nhau đến tháng 6,637 tướng Rustam của nhà Sassania khiêu chiến nhưng thất bại, tử trận. Năm 638 Ctesiphon thất thủ, Yazdagird III, vua của các vua (shahanshah), bỏ chạy, triều đại Sassania sụp đổ; quân Ả Rập tiến vào hoàng thành Ctesiphon tráng lệ, cướp phá; sách qúy trong thư viện bị vứt ngổn ngang đầy đường. Lời dạy của Muhammad quả không sai, của cải Ba Tư là cốt để chia cho người Ả Rập. Của cải hôi được không biết cơ man nào mà kể, kích thích lòng tham của người Ả Rập, và quân đội Ả Rập quen mui đến năm 642 lại kéo sang đánh hai trận nhưng bị kháng cự mãnh liệt cho đến năm 648-9, giết được bốn vạn dân Ba Tư, xông vào hôi của ở Persepolis, năm 651 gom tất cả các lãnh thổ Ba Tư thành một quốc gia Ả Rập theo Hồi Giáo.

Hồi Giáo đã thay Bái Hỏa Giáo; Allah đã thay Ahura Mazda; Muhammad đã thay Zoroaster, Ummah thay vua, nhưng Ả Rập không thay được Ba Tư. Nguyên nhân của sự thay thế này là các đạo sĩ Bái Hỏa Giáo cũng như vua đã quên chức năng thiêng liêng của mình, say đắm trong phồn vinh, bắt dân chịu sưu cao thuế nặng để cống hiến cho họ phương tiện hưởng lạc, phản bội lý tưởng Ba Tư. Quân Ả Rập gầy ốm, đói rách và Hồi Giáo giản dị là những tương phản đầy hấp dẫn đối với quần chúng phẫn uất triều đình Sassania. Ahura Mazda đã bị các đạo sĩ Bái Hỏa Giáo giết chết rồi, họ đành chấp nhận Allah. Tuy nhiên không phải là không có sự chống đối lúc ban đầu.

Ðợt chống đối ban đầu là của các thầy cúng Bái Hỏa Giáo bị mất quyền lợi; đợt thứ nhì là của những người từ trước vẫn chống lại đám thầy cúng này, những người mà chúng gọi là theo tà giáo (heresy). Ðó là những người theo Mithras Giáo, Mani Giáo, và nhất là Mazdak Giáo, một thứ cộng sản chủ nghĩa tôn giáo, chống lại Hồi Giáo vì ý thức hệ; đợt thứ ba quan trọng hơn cả là của toàn dân Ba Tư, sau khi chấp nhận và hiểu Hồi Giáo, đã thấy là những người Ả Rập xâm lăng đất nước họ cũng bệ rạc không kém nhà Sassania và những người này theo phái Sunnah nên họ chống lại cả Sunnah lẫn Ả Rập.

Dù sao người Ba Tư vẫn có cái tự hào dân tộc. Vì hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy, họ chấp nhận Hồi giáo và thích ứng với ngay cả văn hóa Ả Rập, ngôn ngữ, văn chương, mỹ thuật, kiến trúc nhưng vẫn bảo tồn được tinh túy Ba Tư. Họ coi Hồi giáo chỉ là vô minh (jahiliyat) và là Bedouin giáo (badviyat) cho đến khi người Ả Rập tiếp xúc được với các cộng đồng Ba Tư ở vùng Lưỡng Hà mới thật sự thành cái thứ Hồi giáo mà người Iran chịu tiếp nhận, sau khi đã cải tổ nó theo giáo phái Shia với văn hóa và căn tính Ba Tư. Tuy nằm trong khối Hồi giáo, Iran có một vị trí riêng là vì thế. Ðiều trớ trêu là tượng trưng cho giáo phái Shia của Iran vẫn là caliph Ali người Ả Rập. Từ đó cho đến tận bây giờ Shia vẫn là quốc giáo của Iran. Iran lúc nào cũng là một khu vực nổi loạn trong thế giới Hồi giáo, là khu an toàn cho những kẻ chống đối trên khắp thế giới. Ở đây họ học được hai kỹ thuật quật khởi: taqija nghĩa là phân tán mỏng để bảo toàn lực lượng và kitman nghĩa là trá hàng hay khổ nhục kế để đánh lừa đối phương, ngõ hầu tồn tại chờ ngày phản công.

**

Trong phần trình bầy Hồi giáo Ả Rập trên đây, chúng ta đã thấy cuộc cách mạng năm 747 của nhà Abbas lật đổ nhà Umayyad để lập ra nhà Abbasid nắm quyền caliph trị vì đế quốc Hồi giáo trong 5 thế kỷ, được coi như cuộc đảo chính của Ba Tư chống lại Ả Rập, về sau thực quyền đã chuyển dần sang Iran.

Khi đó các triều đại Iran theo Hồi giáo Shia đã tuyên bố độc lập: tại đông bộ Iran có nhà Tahirid (821-873), rồi nhà Saffarid (867-903) và nhà Samanid (875-999); ở bắc và tây bộ có nhà Buyid (932-1055) và các nhà khác.

Vào đầu tk IX, đám hải tặc Saffarid từ Khorasan tiến vào định cư ở Trung á (A Phú Hãn và Hồi Quốc ngày nay) thách thức chủ quyền nhà Abbas. Các đô thị xầm uất Tashkent, Bukhara, Samarkand trên bờ sông Oxus có thể so sánh được với các đô thị Ả Rập ở Lưỡng Hà.

Ðến đầu tk X, nhà Saffarid thất thế trước nhà Samanid tự nhận là truyền thừa của nhà Sassania. Bukhara và Samarkand trở thành những trung tâm văn hóa trội hơn cả Baghdad.

Ngày 17.1.946, nhà Buyid tiến chiếm thủ đô Baghdad, chế ngự cả caliph theo giáo phái Sunni tuy vẫn cho được để yên tại chỗ, nhưng đặt thêm chức sultan tức là tướng chỉ huy quân đội, giao cho người em và người anh giữ chức shahanshah, vua của các vua. Vì thế các caliph Sunni cầm quyền cai trị nhưng vẫn lệ thuộc các võ quan Shia. Thiết lập một thánh đô cho giáo phái ở Qom, trong suốt một thế kỷ cầm quyền, nhà Buyid truyền bá giáo phái Shia, cho đến khi bị nhà Seljuk đánh bại. Sau đó phái Shia không còn cơ hội nổi lên được nữa, rút vào Sufi giáo.

Ðầu tk XI, Iran bị nhiều đợt ngoại xâm. Ðầu tiên năm 1045 người Thổ Seljuk từ Trung á tràn vào chế ngự Iran, dùng các wazir (thượng thư) Iran để cai trị, tiếp tục tây tiến để tiêu diệt nốt phần còn lại của đế quốc Buyid. Các cải cách của nhà Seljuk là:

1/ làm suy nhược Shia và đề cao Sunni;

2/ bỏ tước vị caliph, chuyển toàn quyền chính trị và quân sự vào tay sultan, như thế loại trừ đế quyền Hồi giáo của các người thừa kế của Muhammad như Abu Bakr, Ali, nhà Umayyad, nhà Abbas…

Như trên đã nói, nhà Seljuk phải đương đầu với Hasan-i Sabbah thuộc cánh Ismail. Tuy nhiên triều đại này cũng bành trướng được đế quốc từ Bosporus đến tận Turkestan của Tàu, nhưng chỉ tồn tại được hơn 100 năm, cho đến ngày bị quân Mông Cổ đánh bại.

Dưới triều đại Seljuk có một nhân vật nổi tiếng cho đến ngày nay còn được nhắc nhở. Ðó là thi sĩ Jalãl al-Dĩn (có nơi viết là Cellaledin) Rumi (nghĩa là người La Mã vì tiếng Ả Rập Rome là Rum) sinh năm 1207 tại Balkh bắc phần A Phú Hãn thuộc Thổ, mất ngày 17.12.1273 ở Konya, tại đấy hiện có lăng có vòm màu lam ngọc (turquoise, tên nước Thổ Nhĩ Kỳ, Turkey, dẫn xuất từ từ ngữ này). Ông theo Sufi giáo, hòa hoãn với Sunnah hơn. Mấy vần thơ của ông đủ mô tả tinh thần của giáo phái này:

Nơi ta trụ là vô trụ, tung tích của ta là vô tung

Không thân không hồn, ta là hồn của các hồn (Dĩvãn-i Shams-i Tabriz, số 31).

Có người cho Rumi là ông tổ của phong trào hippies trong những thập niên 1960, 1970. vTrong thời kỳ Mông Cổ, vào cuối tk XIII, một người lai nhiều chủng tộc, theo Sufi giáo truyền thống sunni, tên là Sheikh Safi al-Din Fath Ishaq Ardabili, lập một dòng Sufi tại Ardabil. Ðó là môn phái Safavid. Mấy người hậu duệ của Safi al-Din làm một số phép lạ nên đến đầu tk XV nhà Safavid đã bành trướng ảnh hưởng đến tận Azerbaijan, Anatolia, đông Thổ và Iran. Chưởng môn thứ tư Ibrahim nổi tiếng là từ thiện đối với người nghèo khó nhưng vẫn chỉ chuyên chú về việc đạo. Nhưng con ông là Junayd lại có tham vọng chính trị và gây ác cảm với chú và cũng là người giám hộ của ông, ông phải sống tại vùng bây giờ là nam Thổ Nhĩ Kỳ và bắc Syria với các bộ lạc Turkoman. Những người này tôn thờ Junyad như là thừa kế của Ali. Với họ, ông tổ chức dòng tu Sufi thành một đạo quân. Năm 1460 ông xuất quân từ Anatolia, trên đường đi đánh người Ki tô giáo ở Caucasus, tiến vào lãnh thổ của bộ lạc Shirbavan, bị bộ lạc này giết ở bờ sông Kur. Con ông là Haydar tiếp nối sự nghiệp, nắm cả thần quyền lẫn thế quyền, chuyển hướng dần về giáo phái Shia vì tôn sùng Ali. Ông cũng bị bộ lạc Shirbavan giết. Ngày 9.7.1488 con ông là Ali kế nghiệp và rồi cũng chết trận như cha và ông. Em ông là Ismail mới 7 tuổi lên thay. Các người Turkoman tin lãnh tụ nhi đồng này là Mahdi, chúa cứu thế, bỏ cả tù trưởng, bỏ cả đế quốc Ottoman đang trị vì họ để theo Ismail. Tháng 8.1499 Ismail 12 tuổi, tự xưng là shah, công bố vương quốc thống nhất thần quyền và thế quyền đặt dưới một chính phủ vương quyền duy nhất và phân lập hẳn với các nước láng giềng bằng ngôn ngữ và văn hóa Ba Tư, theo giáo phái Shia, trong khi các nước chung quanh theo giáo phái Sunnah. Ông e ngại nhất là đế quốc Thổ Ottoman theo phái Sunnah trải dài suốt Trung Ðông. Hai đối thủ này mâu thuẫn nhau về nhiều phương diện. Một bên theo Shia, bên kia theo Sunnah; một bên trung thành với Iran, bên kia với Thổ. Năm 1514, lãnh thổ nhà Safavid bị Ottoman xâm lăng, Ismail buồn rầu, tuyệt vọng thành trác táng và chết ngày 23.5.1524, mới 37 tuổi; giáo phái Shia vẫn tồn tại sau ông nhưng phải chống trả giáo phái Sunnah của Thổ Ottoman phía tây, của nhà Moghul Ấn Ðộ phía đông và ở Trung á. Năm 1587 shah (vua) Muhammad bị truất phế và thái tử Abbas, con ông, lên kế vị mới 16 tuổi, trị vì 41 năm cho đến 1629, lấy quốc giáo Shia để hợp nhất toàn dân. Các shah kế tiếp đa số đều bất tài, bên ngoài thì bị đế quốc Ottoman và Nga uy hiếp, bên trong thì tham nhũng và trụy lạc. Năm 1722, sultan nghiện rượu Hussein phải nhường Fars và đông Iran cho A Phú Hãn, các tỉnh phía tây cho Ottoman, vùng tây ngạn biển Caspian cho Nga. A Phú Hãn định đưa giáo phái Sunnah vào thay Shia nhưng thất bại, năm 1736 phải triệt thoái trước tướng Nadir Qil Beg.

Nadir Shah muốn phục hồi nền quân chủ và đế quốc Ba Tư, tiến vào Lưỡng Hà và Trung á, năm 1737 tấn công Ấn Ðộ, chiến thắng nhà Moghul, hồi hương với nhiều bao hồng ngọc, lam ngọc, bích ngọc và cái ngai khổng tước (ngai vàng chạm con công). Ông hay nổi cơn điên tàn bạo, bị các tướng giết chết năm 1747. Tiếp theo là nội chiến cho đến 1750, Karim Khan của bộ lạc Zand dẹp yên, lên nắm quyền, nhưng chẳng bao lâu bị nhà Qajar lật đổ, mở ra một kỷ nguyên mới, hiện đại hóa đất nước, sẽ được đề cập đến dưới đây.

4. Hồi Giáo Mông Cổ: TAMERLANE

Giữa tk XII, dân tộc Kara-Khitay gốc Mông Cổ chiếm Transoxiania của nhà Karakhanid, nằm giữa sông Jaxartes và sông Oxus, và thiết lập một đế quốc trải dài từ sông Oxus đến sông Yenisei và biên thùy Tàu. Năm 1141, sultan Sinjar của nhà Seljuk Thổ tổ chức jihad chống lại nhưng bị thua và đến năm 1157 ông chết, thì triều đại Seljuk cũng bắt đầu suy vi.

Mùa xuân năm 1206, hoàng tử Mông Cổ Temujin, tước hiệu là Jenghiz Khan (Thành Cát Tư Hãn) triệu tập các bộ lạc Mông Cổ tại thượng nguyên sông Onon, phất ngọn cờ trắng viền chín cái đuôi yak, mở màn cho một cuộc chinh phục chưa từng có trong lịch sử nhân loại, năm 1215 đông tiến tấn công Tàu, năm 1217 tây tiến tấn công Thổ. Các dân tộc Thổ không theo Hồi giáo và các bộ lạc nam Tây Bá Lợi á cùng quy phục dưới trướng. Năm 1218, quân Mông Cổ chiếm đất của người Kara-Khitay, vượt sông Oxus, chiếm Marv, Nishapur, năm 1219 tràn vào đông Iran.

Ðại hãn Jenghiz Khan bây giờ ngự ở Bắc Kinh, ra lệnh cho cháu là hoàng tử Hulagu đem kỵ binh vượt sông Oxus tràn qua Iran chiếm hết đất của Hồi giáo đến tận Ai Cập. Bị gián đoạn mấy năm sau khi Jenghiz Khan chết (1227), quân Mông Cổ lại tiếp tục xâm lăng tây Iran, Georgia, Armenia, bắc Mesopotamia (1240), đụng độ và áp đảo quân của sultan Anatolia (Thổ) của nhà Seljuk. Tháng 1.1258, quân Mông Cổ quay về Lưỡng Hà rồi tàn phá và hôi của ở Baghdad, ngày 20.2.1258 bắt được caliph al-Mustasim, đá ông đến chết và giết cả nhà ông cùng với 800,000 dân, tuyệt diệt nhà Abbas, là lãnh tụ của Hồi giáo Sunni trong 5 thế kỷ. Sau này, trong công hàm gửi vua Louis IX của Pháp đề nghị bang giao, Hulagu chỉ nhận giết có… 200,000! Các quốc gia phía nam đều hàng phục quân Mông Cổ, tránh được tàn phá và hôi của. Hulagu đặt kinh đô ở Azerbaijan, tự xưng là il-Khan (tiểu Hãn) và Iran trở thành Ilhan quốc (Ilkhanate). Cho đến khi ông chết vào năm 1265, hàng triệu dân Iran đã bị giết hay chết đói. Hai năm trước, Ibn Taymiyyah ra đời sẽ để lại dấu ấn cho đến tận thời đại của chúng ta ngày nay.

Lúc đó người Mông Cổ đã theo Hồi giáo. Ibn Taymiyyah (1263-1328) là một người quá khích chống lại nhà cầm quyền Mông Cổ. Các luật gia Hồi giáo quy định là dân chúng phải tuân lệnh các nhà cầm quyền địa phương nếu họ được caliph công nhận. Ibn Taymiyyah chủ trương rằng sau 4 caliph đầu tiên thì không còn caliph nào khác nữa; rằng dân chúng phải trung thành với nhà cầm quyền các nước Hồi giáo khác nhau, dù có được công nhận hay không, miễn là phải diễn dịch giáo luật Shariah một cách nghiêm chỉnh; rằng thế quyền và thần quyền phải là một; rằng không sống theo Shariah là tội lỗi nhất; rằng người Mông cổ dù đã theo Hồi giáo vẫn là những người không có đức tin và cần phải bị tấn công và trấn lột.

Ðể chứng minh ông là một người cải cách và là người hùng jihad, ông nói xấu Ghazan Khan là cháu nội Hulagu Khan đang cai trị Baghdad, dù đã được một người Sufi là Shaykh al-Juwayni chuyển hóa thành người Hồi giáo mộ đạo. Ông cũng tuyên chiến với Sufi giáo, phái Shia và triết học Hi Lạp; bài khích những người hành hương lăng và mừng lễ mawlid an-nabi (đản sanh) của Muhammad. Càng nói ông càng tỏ ra ngu dốt về nhiều vấn đề, nhưng đặc biệt nhất là ông luôn luôn đem những điều quá khích ra dọa nạt. Ông làm áp lực để ép al-Nasir đang cai trị Syria khai chiến với Ghazan Khan. Ông bị các vị có thẩm quyền tôn giáo cao cấp nhất lên án, bị tống vào tù và chết ở đó. Chết rồi ông vẫn còn di hại cho đến mấy trăm năm sau vì ông là nguồn cảm hứng cho Muhammad ibn Abdul Wahhab (1703-1787) sau này.

Vì Ghazan Khan được một người Sufi chuyển hóa nên Sufi giáo thịnh hành để xoa dịu những đau khổ, tang tóc do chiến tranh gây ra. Họ tổ chức thành những dòng tu, gọi là tariqa, tụ tập để học hỏi và cầu nguyện gọi là dhikr, tức là Nhớ đến Thượng Ðế.

Những người theo Baba Rexheb Beqiri (1077-1166) người Ba Tư truyền bá Sufi giáo sang tận Algeria, Kosovo, Chechnya, tranh đấu để bảo vệ Hồi giáo và tự do của dân chúng ở đó. Những người theo Sayid Ahmed Rifai (chết năm 1182) người Iraq, nổi tiếng về tục xiên lình, lấy dao cắt thịt, nuốt than hồng và chơi với rắn độc để biểu diễn lòng tin. Ahmad Yasavi người Turkestan là người đem Sufi giáo vào Trung á vào tk XII dạy cách thiền kiểu Phật giáo. Giáo phái này sau có thêm một chi do Muhammad Bahauddin Naqshband sinh năm 1317 gần Bukhara thành lập, cùng với phái của Qadri, còn tồn tại cho đến ngày nay. Thi sĩ người Thổ Hajji Bektashi Wali sinh năm 1248 tại Khorasan ở Iran lập ra một giáo phái tương tự Tantra Ấn giáo, cho phép uống rượu và đề cao vai trò của phụ nữ trong giới giáo sĩ, rất thịnh hành ở Hung Gia Lợi thời bị Thổ cai trị. Ðệ tử của ông là Ballem Sultan chuyển hóa Sultan Bayazid II. Từ giáo phái do Omer Halvet thành lập phát sinh những chi phái của Cerrah, Bayram, Gulsheniy, Niyazi Misri. Phái Saadi Jibaw xuất phát từ Palestine; phái Shaza từ Bắc Phi. Ahmed Badawi sinh tại tỉnh Fez, Morocco sau rời sang Ai Cập có những hành trì cực đoan như phái Rifai. Giáo phái Chishti thành lập ở Syria đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá Hồi giáo tại Ấn Ðộ. Quan trọng nhất là phái Mawlawi do thi sĩ Rumi (1207-73), nghĩa là Người Âu Châu, tuy sanh ở Balkh, A Phú Hãn, thành lập, nổi tiếng là các ông đạo quay vì vừa trì chú (dhikr) vừa đứng một chân quay vòng tròn. Sufi giáo phát triển mạnh nhất trong đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau các cuộc xâm lăng của Mông Cổ, Trung Ðông Hồi giáo chia làm ba trung tâm quyền lực chính: Iran, Thổ và Ai Cập. Ở Iran, các khan Mông Cổ về sau theo Hồi giáo nhưng vẫn giữ dân tộc tính và truyền thống Mông Cổ. Các vua Thổ theo Hồi giáo cũng bị ảnh hưởng nặng bởi văn hóa Iran Mông Cổ. Các sultan Mamluk đa số gốc Thổ trị vì Ai Cập tuy chống lại được cuộc xâm lăng của người Mông Cổ nhưng cũng không thoát khỏi ảnh hưởng văn hóa của họ. Ngoài ra còn có hai hãn quốc (khanate) sau cũng theo Hồi giáo, ở Trung á và ở Nga. Hãn quốc Nga gọi là Hãn quốc Kim Mã đa số dân là người Thổ Kipchak.

Ở Trung Á, Timur, biệt hiệu là Lang (đi khập khiễng, lưng gù), tức là Tamerlane (Thiết Mộc Chân hay Thiết Mộc Nhi: 1336-1405), thuộc một bộ lạc Mông Cổ, Tatar, đã được Thổ hóa, nói tiếng Thổ và theo Hồi giáo, lấy một công chúa nhà Thành Cát Tư Hãn, thống lãnh đoàn quân hỗn hợp Mông Cổ và Thổ, năm 1370 khởi nghĩa chiếm Transoxania và Khwarezm; năm 1380 tràn vào Iran; hai lần chiến thắng Hãn quốc Kim Mã; càn quét Ấn Ðộ; sát nhập Iraq; xông vào Syria, cướp phá Damascus, bắt sultan Mamluk thần phục; năm 1394 và 1400 xâm lăng Anatolia (Thổ); 1402 đại thắng quân Ottoman ở gần Ancyre (Ankara ngày nay), bắt được sultan Bayazid; năm 1405 đang chuẩn bị tấn công Tàu thì chết. Ðế quốc vĩ đại của ông tan rã, hậu duệ của ông chỉ còn trị vì ở đông Iran và Transoxania.

5. HồI GIáO THổ NHĩ Kỳ: OTTOMAN

Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) trước kia có tên là Tiểu á Tế á (Asia Minor) hay Anatolia (Hi ngữ có nghĩa là bình minh). Tuy theo Hồi giáo, người Ả Rập vẫn giữ căn tính Ả Rập, người Ba Tư vẫn giữ căn tính Ba Tư, duy có người Thổ là quên hẳn căn tính, chỉ còn biết Hồi giáo và trung thành với Hồi giáo (Sunni) hơn tất cả các dân tộc khác. Vì thế đối với người Tây phương Thổ Nhĩ Kỳ đồng nghĩa với Hồi giáo. Khi Mustapha Kemal làm cuộc cải cách toàn diện, tách thần quyền ra khỏi thế quyền thì đây lại là đặc điểm của Thổ, vì người Ả Rập không tin rằng có thể làm như vậy với Hồi giáo.

Người Thổ có lẽ có họ xa với người Mông Cổ xuất phát từ trung á. Ðiều này chưa được chứng minh cụ thể. Dù sao, lịch sử Thổ bắt đầu bằng các Mamluk (nghĩa là thuộc quyền sở hữu), tức là trẻ con Thổ ở biên giới phía đông đế quốc Iran bị người Hồi giáo bắt, đem về huấn luyện thành nô lệ và lính đánh thuê. Người dùng nhiều Mamlũk nhất là caliph al-Mustasim. Vì thế, quân đội ngày càng nằm trong tay người Thổ, đồng thời Hồi giáo cũng ngày càng bị quân sự hóa, do đó trong thế giới Ả Rập chiến tranh triền miên, người Thổ ngày càng lấn lướt cả người Ả Rập lẫn người Ba Tư. Năm 868, một nô lệ Thổ thành lập một triều đại độc lập ở Ai Cập. Ở Iran, nhà Samanid bị một nô lệ Thổ cướp ngôi, chia thành hai triều đại Thổ:

1/ ở bờ bắc Oxus tức là bên ngoài đế quốc Hồi giáo thì có triều đại Karakhanid, với dân số 200,000 lều, có một khan trị vì, là tập đoàn đầu tiên toàn thể một cộng đồng cải đạo theo Hồi giáo;

2/ ở bờ nam sông Oxus thì có Khurãsãn của triều đại Ghaznavid (962-1186) theo phái Sunni. Ngoài ra còn Hai bộ lạc Thổ, Oghuz và Kipchak cư ngụ gần sông Irtish. Kirchak đuổi Oghuz đi rồi tiến qua nam phần Nga vào Ðông Âu, ở đấy được gọi là Polovtsi và Kuman. Oghuz di tản vào đất Hồi giáo làm nhiều đợt. Ðợt quan trọng nhất do gia đình Seljuk hướng dẫn.

Anh em nhà Seljuk phục vụ nhiều triều đại Hồi giáo, cuối cùng là nhà Ghaznavid. Cháu của họ là Tughrul và Chagri dẫn quân Thổ vào đè bẹp nhà Ghaznavid, năm 1045 xâm chiếm tây phần Iran, năm 1079, chiếm Syria, Palestine và phần lớn Anatolia. Sau khi người Thổ chiếm Anatolia, hoàng tử Seljuk là Suleyman ibn Kutlumush được cử đến để tổ chức tỉnh mới, đến cuối tk XII các thừa kế của ông đã lập xong một vương quốc Thổ hùng mạnh ở đó với thủ đô là Konya và các người Thổ Hồi giáo tiếp tục đến định cư rất đông, đem văn minh Thổ Hồi giáo thay thế văn minh Hi Lạp Ki tô giáo.

Các caliph được duy trì địa vị bù nhìn, quyền bính vào tay các Ðại sultan Seljuk đóng đô ở Khurasan. Năm 1092, Malikshah, Ðại sultan thứ ba, chết, các con hùng cứ các nơi, quan trọng nhất là các vương quốc Kirman, Iraq, Syria và Anatolia, tranh nhau quyền bính nhưng đều triều phục Ðại sultan. Ðang bị phân hóa thì quân Thập Tự Chinh năm 1096 đến càn quét vùng duyên hải Ðịa Trung Hải. Năm 1127, một tướng Thổ của nhà Seljuk tên là Zangi chiếm Mosul rồi thiết lập chính quyền Hồi giáo hùng cường ở bắc Mesopotamia và Syria. Con ông là Nur al-Din chiếm Damacus năm 1154.

*

Tướng Thổ người Kurd là Salãh al-Dĩn (Saladin) được cử đi Ai Cập, năm 1172 tự nắm quyền cai trị, lập ra triều đại Ayyubid; năm 1174 chiếm Syria, năm 1187 triển khai jihãd (thánh chiến), tái chiếm Jerusalem và đuổi Thập Tự quân. Ông chết năm 1193, các thừa kế của ông chia nhau đế quốc Syria-Ai Cập khiến cho Thập Tự quân còn ngắc ngoải thêm một thế kỷ nữa. Năm 1250, sultan nhà Ayyubid tử trận trong cuộc Thập Tự chinh của vua Louis IX của Pháp. Người thiếp của sultan tên là Shajar al-Durr (Cây Trân Châu) nhanh trí, giấu kín tin này, chờ con là Turan Shah ở Lưỡng Hà về, vây hãm Thập Tự quân, vua Louis phải xin hàng, hoàn lại các đất đã chiếm được, bồi thường nặng mới thoát chết. Nhưng sau đó các Mamluk Thổ do tướng Baybars chỉ huy, giết Turan Shah, sáp nhập Ai Cập và Syria làm một, tự xưng sultan, đưa một người thuộc tộc Abbas về làm caliph bù nhìn tại Cairo, cho đến năm 1517 khi Ai Cập bị đế quốc Thổ Ottoman xâm chiếm, chế độ này mới chấm dứt.

**

Osman lập ra triều đại Ottoman, năm 1326 chiếm Brusa, năm 1354 băng qua Dardanelles vào Âu Châu, chiếm Gallipoli và Adrianople, chiến thắng ở Macedonia, Serbia và Bulgaria ở mặt trận Maritza (1371) và Kosovo (1389), thôn tính phần lớn bán đảo Balkan, phần còn lại phải xin triều cống. Sultan Ottoman thứ tư, Bayazid I (1389-1401), đại thắng quân Tây Âu ở Nicopolis năm 1396, nhưng bị Thiết Mộc Chân (Timur, đã nói đến trên đây) bắt tại mặt trận Ankara năm 1402. Ông tự tử trong tù. Các con ông tranh giành quyền bính. Mãi đến năm 1413 Lehmed I mới thắng được các em và con ông, Murad II (1421-1444 và 1446-1451) củng cố lại đế quốc Ottoman, chiến thắng người Hi Lạp, Serb, Hung Gia Lợi và các Thập Tự chinh. Năm 1453, khi Sultan Mehmed al-Fatih (nghĩa là Mehmed Chiến Thắng) thôn tính Constantinople, ông đã khéo bổ nhiệm tu sĩ Hi Lạp George-Gennadios Scholarius làm Trưởng lão Chính Thống giáo được quyền sử lý các vấn đề đạo và đời, kể cả luật pháp của cộng đồng Hi Lạp ở đó. Rồi ông tiếp tục thu nạp khắp vùng Balkan, bành trướng lãnh thổ bao trùm tất cả các lãnh thổ theo Hồi giáo Sunni từ Tây vực Phi Châu đến Phi Luật Tân. Ðế quốc Ottoman chiếm Athens năm 1458, Tabriz năm 1514, Damascus năm 1516, Cairo năm 1517, Belgrade năm 1521, Rhodes năm 1522, Baghdad năm 1534, Buda năm 1541, Tripoli năm 1551, Cyprus năm 1571, từ năm 1529 vây hãm kinh thành Vienna hơn một thế kỷ.

Ðế quốc Ottoman bao la như thế nhưng thành phần tinh nhuệ Thổ thì ít, không đủ để cai quản nên phải nhận thêm các người dân tộc khác dù không theo Hồi giáo như Do Thái và Ki tô giáo. Ðây là lý do khiến đế quốc Ottoman có tinh thần phóng khoáng không kỳ thị chủng tộc, độ lượng, ít khắt khe về tôn giáo, và là địa lợi cho sự phát triển của Sufi giáo. Khi người Ki tô giáo Y Pha Nho và Bồ Ðào Nha đuổi người Do Thái khiến họ phải chạy sang tá túc tại Morocco và đế quốc Ottoman, lúc đó do con Sultan Mehmed là Sultan Bayazid II đã theo Hồi giáo, trị vì. Ông châm biếm hỏi vua Ferdinand của Y Pha Nho làm sao có thể coi là minh quân được khi vua tống cổ những thần dân thông minh và cần cù nhất của ông sang cho kẻ thù Hồi giáo dùng?

Năm 1683, Ottoman bị đánh bại tại chiến trường Vienna. Người Hồi giáo tin rằng việc thất trận này là do thiếu tôn sùng những điều cơ bản tôn giáo

***

Năm 1768, Nga tấn công đế quốc Ottoman, đưa đến hòa ước KóỬók Kaynarca năm 1774, theo đó bán đảo Crimea, vốn là căn cứ của Khan quốc Tatar dưới quyền bá chủ của sultan Ottoman, nay tuyên bố độc lập. Người Tatar nói tiếng Thổ theo Hồi giáo đã cư ngụ tại Crimea từ khi quân Mông Cổ xâm lăng vào tk XIII hay trước nữa. Năm 1783, Nga chiếm Crimea rồi từ đó tiến ra hai bên ở bắc ngạn Hắc Hải, lập ra tỉnh Caucasia năm 1785, chấm dứt chủ quyền Hồi giáo trên Bắc Hải từ nhiều thế kỷ.

Năm 1798, Nã Phá Luân chiếm Ai Cập để chặn đường quân Anh sang Ấn Ðộ, rồi tiến vào Palestine và Syria nhưng bị chặn lại tại Nam Lebanon. Năm 1799, ông bỏ về Pháp nhưng quân đội Pháp vẫn ở lại đến 1801 mới bị quân Anh đánh bật ra để giao Ai Cập lại cho đế quốc Ottoman.

Năm 1876, Ottoman tuyên bố Hiến Pháp, các cường quốc Âu Châu cho đấy là dấu hiệu suy nhược của đế quốc, xúi Serbia sáp nhập Bosnia-Hercegovina và Bulgaria nổi loạn. Năm 1878 Nga tấn công Thổ; Thổ hủy bỏ Hiến Pháp; áo-Hung Gia Lợi chiếm đóng Bosnia-Hercegovina. 30 năm sau, đế quốc Ottoman bị áp lực từ tứ phía, sắp bị phân tán. 1907, Nga và Anh chia nhau Ba Tư, Pháp và Tây Ban Nha chia nhau Morocco. 1908, áo-Hung Gia Lợi trực trị

Bosnia-Hercegovina. Nga khuyến khích Armenia nổi loạn chống Thổ và ủng hộ thánh chiến Serbia phá Thổ. Bulgaria tuyên bố độc lập và bành trướng lãnh thổ qua những phần đất của Thổ ở vùng Balkan. Hi Lạp, Ý, Albania cũng kiếm chuyện với Thổ. Năm 1908, Ottoman khai trương đường Hỏa Xa Hejaz từ Damascus đi Medina để phục vụ khách hành hương thường hay bị bọn Wahhabi và Saud quấy nhiễu dọc đường. Năm 1909, Sultan Abdul Hamid II bị truất phế. Enver, Djemal và Talaat lập tam đầu chế.

Thời đệ nhất thế chiến, Thổ bí mật ký hiệp ước liên minh với Ðức, với mục đích phục hưng đế quốc Ottoman đang xuống dốc. Quân đội Ottoman được Ðức huấn luyện. tháng 12.1914 tái chiếm Kars bị mất vào tay Nga từ 1878, rồi Tabriz ở Iran; đầu 1915 từ Palestine tràn qua Sinai tấn công Kênh đào Suez của Ai Cập dưới sự đô hộ của Anh. Nhưng chiến thắng Thổ không bền. Ngày 22.11.1914 Anh tấn công hải cảng Basra của Ottoman, chiếm một số địa điểm trên bờ sông Tigris và Euphrates và tiến về Baghdad. Ottoman Thổ kêu gọi các nước Hồi giáo phát động thánh chiến, không nước nào theo lại còn quay lại chống Thổ. Cuối năm 1916, quân Anh tiến từ Ai Cập vào Palestine thuộc Ottoman; mùa xuân 1919 chiếm Baghdad ở Iraq và dải Gaza ở Palestine; tháng 12.1917 Jerusalem và tháng 10.1918 Damascus. Ngày 29.10.1918, một phái đoàn Ottoman lên tàu Agamemmon của Hải Quân Anh đậu ngoài khơi Mudros, gần đảo Lemmos để hôm sau ký hiệp ước đình chiến.

Ngày 17.11.1922, sultan Mohammed VI bỏ trốn, đế quốc Ottoman sụp đổ. Thổ Nhĩ Kỳ vì ở vị trị tiếp giáp Âu Châu, đã hấp thụ được nền văn minh cơ khí vật chất ngay từ khi Âu Châu mới lách ra khỏi u tối của thời Trung Cổ (395 đến 1453) bước vào thời Quang Minh, sẽ dẫn đầu cuộc hiện đại hóa ở Trung Ðông.

Người Thổ đầu tiên thay cũ đổi mới là Mustapha Kemal tức là Atatórk mà đã có khi tôi nhắc đến: Kemal đồng hương với A Lịch Sơn đại đế, sanh năm 1881 tại Salonika ở Macedoine thuộc Ottoman (bây giờ là Thessaloniki). Tháng 4.1919, mới 38 tuổi, ông được phái làm Tổng Thanh Tra tại Anatolia. Sáu tháng sau, ông triệu tập một Quốc Hội, tuyên bố độc lập, thiên đô về Angora (bây giờ là Ankara), và lập ra một Minh Ước Quốc Gia quy định những nguyên tắc cho Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ thành lập vào tháng 10.1923. Ông là một nhà cải tổ: gạt sang bên quá khứ Ottoman và Hồi giáo, truất phế cả caliph lẫn sultan, giảm dần quyền lực Hồi giáo trong chính quyền, cấm đội khăn Hồi giáo, đổi giờ làm việc theo Tây lịch, thay chữ Ả Rập bằng chữ La Tinh (Thân Phận Kurd, NgD153).

7. Ả RậP SAUDI = ALSAUD + AL SHAYKH

Ả Rập Saudi tuy là một quốc gia Hồi giáo nhưng không theo giáo phái Sunnah cũng chẳng theo giáo phái ShiỖa. Quốc giáo là Wahhab giáo (Wahhabism), một thứ Hồi giáo cơ bản chủ nghĩa quá khích.

Nhà Al Shaykh (al-Sheikh) gồm các hậu duệ của Shaykh Muhammad ibn Abdul Wahhab. Ông thuộc bộ lạc Banu Tamim (trước kia nhiều thành viên của Khawarij cũng thuộc bộ lạc này) sinh năm 1703 ở Uyaynah thuộc vùng Najd (có nghĩa là cao nguyên) ở trung tâm Ả Rập, mùa hè cực nóng, mùa đông cực lạnh, chỉ có dân Bedouin thường lùa gia súc đến gặm cỏ, nhưng sau lại thành một địa phương quan trọng vì kinh đô Riyadh được kiến thiết gần đấy. Từ nhỏ tính khí ông quái gở đến nỗi cha và anh (tên là Suleyman), là những học giả Hồi giáo, phải sợ, gọi ông là Thiên Lôi và cảnh giác mọi người đề phòng ông. Thiếu thời ông chu du đến Basra, Baghdad, Damascus, Kurdistan, Iran, Ấn Ðộ, định thành thương gia nhưng không được vì vừa quê mùa vừa cục cằn; không thành công trên thương trường nhưng trong những chuyến đi giang hồ ấy ông gặp vài người Anh; họ khuyến khích ông về tham vọng chính trị cũng như nói xấu Hồi giáo. Chẳng bao lâu hai bên thấy thanh toán đế quốc Ottoman là chí hướng chung.

Thu thập được một đám nô lệ Phi Châu làm cận vệ, ông kéo về quê nhà Najd, từ 1737 đến 1740 thuyết pháp được một số người theo (gọi là Wahhabi), phần lớn là những người trẻ tuổi trong họ hàng của ông. Ðã nhập tâm chủ thuyết của Ibn Taymiyyah (đã nói đến trên đây), ông kêu gọi bàn dân thiên hạ ở các tỉnh phồn thịnh vùng Balkan và Thổ, các cổ thành Syria, các cố đô ở Iran và Trung á, các vùng núi non Morocco, Phi Châu nhiệt đới, các đảo xa xôi và Ấn Ðộ mênh mông, tất cả phải tuân phục thứ Hồi giáo ông tưởng tượng ra là nguyên thủy như có từ thời ngôn sứ Muhammad; do đó ông kết tội đế quốc Ottoman, đã trị vì thế giới Hồi giáo từ hơn 200 năm, là phản đạo và hô hào mọi nơi chống đối. Chứng cớ ông đưa ra là cách đó 50 năm, năm 1683 Ottoman đã bị quân Ki tô giáo đánh cho thảm bại tại Trận Vienna (nghĩa là không được Allah bênh).

Giáo lý của ông tóm tắt lại có ba điểm: 1/ nghi thức quan trọng hơn ý định; 2/ cấm cung kính người chết; 3/ không cầu nguyện qua trung gian của Ngôn sứ hay các thánh. Ông còn quy định những chi tiết tỉ mỉ như phải cầu nguyện vào những giờ được ấn định trước, phải cầu nguyện thế nào, trong tư thế ra sao, phải làm lễ xin theo đạo lần thứ nhì tức là lần theo giáo phái của ông, lên án việc hành hương Mecca để viếng lăng Muhammad ở Medina và việc cử hành mawlid an-nabi (lễ khánh đản Ngôn sứ), cấm viết tên ngài trong các đền, các đền không được trang trí bằng bất cứ cái gì; cấm cạo và tỉa râu vì như thế là làm dáng, cấm âm nhạc. Ông tuyên bố là đã sống thánh thiện không kém Muhammad, có khi còn hơn nữa. Anh ông là Suleyman còn tố cáo là ông muốn thêm một khuyến chế vào năm cột trụ Hồi giáo là Ibn Abdul Wahhab không thể sai lầm; ai không tin theo ông đều bị lên án là phản đạo, phải bị giết, vợ và con gái bị hiếp và tài sản bị tịch thu; các giáo phái Hồi giáo như ShiỖa, Sufi đều bị xét là không chính thống và cần phải tiêu diệt và những tín ngưỡng khác phải bị hạ nhục và hủy hoại. Ông ra lệnh đào mả các thánh Hồi giáo, rắc xương ra đường và lăng tẩm dùng làm cầu tiêu công cộng; đốt nhiều sách trừ có kinh Koran; ra lệnh ném đá một phụ nữ ở Uyaynah bị tố cáo là hoang dâm. Những chủ trương của ông rất hấp dẫn đối với đám du đãng sa mạc.

Năm 1744 Ottoman ra một thánh chỉ (fatwa) truy lùng Muhammad Ibn Abdul Wahhab. Cả gia đình lẫn quê hương đều có phe theo phe chống nên ông không về quê Najd được, phải chạy về làng Dariyah trốn.

Dariyah nằm về phía bắc, cách Riyadh (có nghĩa là vườn chà là) 15 cây số, trong một quận lúc đó được cai trị bởi Muhammad ibn Saud của nhà Al Saud, gốc Bedouin thuộc tộc Bani Hanifah, là một vùng khô cằn sỏi đá, dân chúng lạc hậu chỉ có một kế sinh nhai là ăn cướp. Năm 1747 Shaykh Muhammad ibn Abdul Wahhab và Muhammad ibn Saud liên minh với nhau lập ra một chính phủ thô sơ, chia nhau người cưồng tín nắm quyền tôn giáo, kẻ đạo tặc nắm quyền chính trị. Hai nhà này lại cưới gả con cái cho nhau để tình thân hữu thêm bền vững và hậu bối chung của hai nhà sẽ cha truyền con nối nắm trong tay cả thần quyền lẫn thế quyền, duy trì quyền lực và vơ vét của cải.

Năm 1765 Muhammad ibn Saud chết, con là Abdul Aziz ibn Abdul Rahman al Saud đã lấy Tarfad, con gái của Sheikh Abdullah ibn Abdul Lateef là qadi (chánh án), lãnh tụ ulema (giới giáo sĩ) và là dòng dõi huyết thống của Muhammad ibn Abdul Wahhab, lên nối ngôi, đến năm 1788 kiểm soát được phần lớn bán đảo Ả Rập. Năm 1792 Shaykh Muhammad ibn Abdul Wahhab chết, Abdul Aziz toàn quyền, trong ba năm cướp phá Medina, Syria và Iraq, tha hồ cướp bóc, hãm hiếp dân lành, nhất là những người theo Shi’a ở Hasa, một vùng ở ngay phía đông của Najd vì đã từng miệt thị các giáo điều Wahhabi và nhất là vì giầu có hơn dân Bedouin ở Najd. Năm 1801 bọn Wahhabi tấn công thánh địa Karbala của Shi’a, phá lăng Hussein, cháu nội Muhammad và hôi của. Năm 1803 Abdul Aziz bị ám sát chết, con là Saud bin Abdul Aziz nối ngôi

Năm 1802 bọn Wahhabi tấn công Mecca, thống đốc Ottoman là Sharif Ghalib Effendi trốn về đồn Taif, tổ chức dân quân kháng chiến xong lẻn đi Jedda cầu viện, để lại Taif cho 10,000 côn đồ Wahhabi dưới quyền chỉ huy của tên du đãng Salim ibn Shakban bao vây, dụ dân Taif ra hàng, hứa tính mạng được bảo toàn và phụ nữ không bị xâm phạm tiết hạnh, xong lại bất ngờ công đồn vào giết nam phụ lão ấu không sót một người, cướp phá, lấy cả bìa thánh thư bằng da mạ vàng để làm dép. Rồi họ tiến về Mecca; Sahrif Ghalib đánh đuổi nhưng sau cũng phải dâng thành. Bọn Wahhabi xuống chiếm nốt Medina, cướp kho tàng báu vật của Muhammad, các thánh thư, mỹ thuật phẩm, tặng vật tích lũy từ 1000 năm, phá các đền đài và nghĩa địa, cấm hành hương.

*

Ðến đây phải mở một dấu ngoặc để trình bầy về tầm quan trọng quốc tế của những nước nhỏ nhưng giầu vì dầu ở bán đảo Ả Rập. Ðiểm đặc biệt của họ là: 1/ dân các nước này coi nhau như anh em, cùng chung tổ tiên, cùng chia sẻ một di sản, nên có tranh chấp thì cũng chỉ là những chuyện cãi cọ trong nhà và các nước có truyền thống hỗ trợ nhau: năm 1982 Ả Rập Saudi viện trợ Bahrain $600 triệu, UAE cũng viện trợ cho Oman, và Kuwait cho Yemen; nhiều nước còn viện trợ cho các nước Hồi giáo không phải là Ả Rập; 2/ nhờ vị trí địa dư dân các nước này từ xưa đã có những thương thuyền đi đến Iran, Iraq, Ethiopia, Hồi Quốc, Ấn Ðộ, Tàu để buôn bán; người Bồ Ðào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hòa Lan, Anh đã đến vùng này để buôn bán cũng có, để mưu toan lập thuộc địa cũng có, vì thế dân chúng phóng khoáng, quen tiếp nhận những tư tưởng và cách sống từ các chân trời xa lạ; 3/ việc tiếp thu các văn hóa ngoại lai còn được tăng cường bởi lực lượng lao động mà các nước này phải nhận để đáp ứng nhu cầu, đông đến độ nhiều khi dân địa phương thành thiểu số, thí dụ ở Kuwait 60% dân số là người ngoại quốc, ở Qatar tỉ lệ cứ 3 người thì 2 là ngoại quốc, ở UAE, đi cả ngày nói chuyện với cả trăm người vẫn chưa gặp được 1 người bản xứ; vì tiền kiếm được hàng ngày ở đây có khi bằng 50 lần tiền kiếm được ở quê hương nên rất nhiều người nhập cảnh lậu hay cư trú lì (danh từ VC để chỉ việc không chịu về nước khi chiếu khán đã hết hạn). Dĩ nhiên sô sát văn hóa không tránh được, cũng như ảnh hưởng tiêu cực của những công nhân ngoại quốc vì trong số ấy cũng có nhiều tay giang hồ tứ chiếng.

Bahrain tuy tự nhận là người anh em nghèo, bơm được có 44,000 thùng dầu một ngày so với 9 triệu thùng của Ả Rập Saudi và 1 triệu của Kuwait, nhưng lại là nước tiền phong ở Trung Ðông về nhiều mặt: bơm dầu đầu tiên, có phi trường đầu tiên, dùng vệ tinh viễn thông đầu tiên, có TV mầu đầu tiên, đầu tiên phát triển hệ thống giáo dục công lập. Nước này cũng có nhà máy lọc để lọc dầu cho Ả Rập Saudi, có bến cạn để tu bổ, bảo trì các siêu thuyền chở dầu của Na Uy, Ðức, Ðại Hàn, Hi Lạp, Iraq; dùng khí thiên nhiên từ các bãi dầu cho kỹ nghệ biến chế nhuôm nhập cảng từ Úc và quặng sắt từ Ấn Ðộ, Brazil và Peru. Kỹ nghệ ngân hàng và du lịch phát triển mạnh.

Qatar năm 1948 tìm được bãi dầu Ghawar lớn nhất địa cầu, không những trả tiền cho bệnh nhân đi trị bệnh ở nước ngoài mà còn trả lương cho một người đi theo để săn sóc nữa; những chi phí này và các chi phí khác do tiền cho khai thác dầu mỗi năm lên đến $2 tỉ cho một dân số chỉ có 60,000 người.

UAE thu $15 tỉ tiền dầu, đầu tư vào nhiều dự án vĩ đại như phi trường, hải cảng, khách sạn, siêu thị, khu chung cư, nhà máy xi măng, nhưng phần nhiều là không thực tế vì vượt quá xa nhu cầu.

Oman chỉ khai thác được dầu từ 1967 lại có một ông vua lạc hậu, Sultan Said bin Taimur, sợ tiền giấy, tích trữ tiền vàng trên trần lâu đài của ông; cấm dân dùng radio, xe đạp, xe hơi, máy lạnh, kính mát; có lần ông cho người đến khiển trách viên lãnh sự Anh về tội hút thuốc lá trên bao lan lãnh sự quán. Ông gửi con ông là thái tử Qaboos bin Saud đi học ở trường võ bị Anh Sandhurst nhưng khi thái tử về nước thì bị ông quản chế tại gia 3 năm về tội đã sa đọa theo cách sống Anh; bộ đĩa hát Gilbert & Sullivan thái tử đem về bị phá hủy. Cuối thập niên 1960 các bộ lạc ly khai ở vùng núi Dhufar nổi loạn, thái tử Qaboos tuyển lính Jordan và Iran, được Ả Rập Saudi tài trợ, thuê máy bay và sĩ quan Anh, dẹp được loạn, cướp được ngai vàng, mời vua cha cổ hủ lên máy bay đi Luân Ðôn nghỉ mát ở khách sạn Claridges sang trọng cho đến mãn đời, để cho ông canh tân đất nước. Trước kia Oman chỉ có 5 km đường trải nhựa, bây giờ có 2,400 km để cho 80,000 xe hơi chạy; ông cho xây trường học, nhà thương, đặt TV mầu và máy điều hòa không khí, và dĩ nhiên trong hoàng cung phải có bộ đĩa hát Gilbert & Sullivan mới để thay thế bộ đã bị phụ hoàng phá hủy; nhưng ông không bỏ các tập quán cổ truyền. Ở sát Nam Yemen là đồng minh của Tàu cộng và Liên Sô, lại ở vị trí chiến lược, ngay eo biển Hormuz, nơi 6 triệu thùng dầu đi qua mỗi ngày, nên Oman có kinh phí quốc phòng rất cao, lên đến 40% ngân sách, nhưng được Nhật và HK hỗ trợ.

Kuwait tuy nhỏ, lái xe 2 tiếng đồng hồ là đã đi hết chiều ngang, lại đứng hàng thứ 17 trong số các nước giầu nhất thế giới, không ỷ lại vào lợi tức dầu khí, đã phát triển các kỹ nghệ khác, nhất là tài chánh, có cổ phần trong 500 công ty HK, đầu tư tại 45 quốc gia, thu về mỗi năm $10 tỉ. Nước này không có người nghèo, lợi tức đầu người trung bình hàng năm $16,600 và cứ 230 người lại có 1 triệu phú; du học sinh được chính phủ đài thọ học phí và $2,000 mỗi tháng để tiêu vặt; cả nước có 1,600 bác sĩ phục vụ tại 8 bệnh viện và nhiều dưỡng đường tối tân.

**

Từ năm 1755 người Anh đã nhòm ngó Kuwait để bảo đảm an ninh cho con đường bưu chính nhưng bị Ottoman đánh bại năm 1786. Vừa đúng lúc, năm 1787 Muhammad Abdul Wahhab tuyên bố lãnh đạo ummah toàn cầu và ra thánh chỉ fatwa mở thánh chiến jihad chống Ottoman, cộng tác với người Anh Ki tô giáo và xin họ viện trợ vũ khí chống lại người Thổ Hồi giáo. Khi ấy người Anh đã thôn tính nhiều phần đất Iran và các bờ biển lân cận, và Oman do đó kiểm soát được Zanzibar ở Phi Châu; năm 1839 chiếm Aden, ảnh hưởng cả vùng ngày nay là UAE. Bọn Wahhabi không bao giờ chống lại việc ngoại xâm này. Họ hoành hành cướp của giết người khắp bán đảo Ả Rập cho đến năm 1811 bị sultan Ottoman Mahmud II cử thống đốc Ai Cập là Muhammad Ali Pasha sang dẹp. Ông này sai con là Tosun Pasha làm tướng dẫn quân đi đánh nhưng bị đại bại nên ông phải đích thân cầm quân; năm 1812 tăng cường trọng pháo và phối hợp với Sharif Ghalib càn quét khắp tây bộ Ả Rập, đi đến đâu quân nhà Al Saud bỏ trốn đến đó; hai cẩu tặc Wahhabi Mubarak ibn Maghyan và Uthman ul-Mudayiqi bị giải về Istanbul diễu phố trước khi bị chặt đầu phơi ở cổng thành. Sau đó ông sai thứ nam là Ibrahim Pasha đem quân đi càn quét bọn Wahhabi ở Syria, Iraq và Kuwait; năm 1814 Saud bin Abdul Aziz lên cơn sốt rồi chết; thừa kế thứ tư nhà Al Saud là Abdullah ibn Saud bị bắt giải đi Istanbul xử tử cùng với một số Wahhabi; năm 1818 thủ đô Dariyah của nhà Al Saud thất thủ và bị san bằng khiến bọn họ phải chạy về Jedda xin người Anh che chở.

Dù bị thảm bại như vậy bọn Wahhabi từ 1865 vẫn cố chỉnh đốn hàng ngũ, chuyển đại bản doanh về Riyadh gần Dariyah; tù trưởng mới bây giờ là Saud ibn Faysal.

Chiến công hiển hách của Muhammad Ali Pasha còn một sơ hở là quên không dẹp nốt vùng Asir nằm giữa TaỖif và Yemen với khoảng một triệu dân “mọi rợ” đặc biệt tàn ác và cuồng tín. Trong số 19 thủ phạm gây ra vụ phá hoại thảm khốc ngày 11.9.2001 có 15 người Ả Rập Saudi, trong số ấy 12 người quê ở Asir và TaỖif. Charles M. Sennott của tờ Boston Globe tin rằng Osama bin Laden tuyển các tay khủng bố ở vùng này. Tay khủng bố vào hàng lãnh đạo Hani Hanjour cũng là dân TaỖif. Ngày 9.9.2001 (2 ngày trước 9.11) trang web Alsaha loan báo: trong vòng 2 ngày tới, một sự ngạc nhiên lớn sẽ đến từ khu vực Asir của Ả Rập Saudi.

Tại Najd có nhà Al Rashid, liên minh với Ottoman đánh lại nhà Al Saud đến năm 1891 thì đuổi được nhà Al Saud phải bỏ Riyadh chạy sang Kuwait, cũng là địch thủ của nhà Al Rashid, núp dưới trướng người Anh. Cho đến năm 1902 hậu duệ của hai nhà Al Saud và Al Shaykh là Abdul-Aziz ibn Abdur-Rahman ibn Muhammad Al Saud (gọi tắt là Ibn Saud), 21 tuổi từ Kuwait về giết thị trưởng và chiếm thành Riyadh. Mục tiêu đầu tiên là trừ khử nhà Al Rashid. Năm 1915 Al Saud ký hiệp ước xin nhận làm nước bảo hộ của Anh để được giúp tiền và vũ khí đánh nhà Al Rashid. Chiếm được Hasa, ông hòa giải với nhà al Rashid, cưới một công chúa nhà này, gả một công chúa nữa cho em Saud ibn Abdul Rahman của ông, và một công chúa thứ ba cho con cả của ông là Saud ibn Abdul Aziz, như thế tăng 2 lần diện tích vương quốc của ông. Ông được chính quyền Ottoman công nhận là emir (tù trưởng) của Riyadh, được triều đình Anh ban cho tước Hiệp sĩ, năm 1927 được Liên Sô thừa nhận là Vua Hejaz. Với những thắng lợi ngoại giao ấy ông đã đặt nền móng cho cái bây giờ gọi là Ả Rập Saudi được chính thức công bố thành lập năm 1932.

Trong đệ nhất thế chiến tại miền trung bán đảo Ả Rập, ngoài nhà Al Saud còn có Sherif Hussein cai trị, từ 1924 đến 1926 bị nhà Al Saud đánh bại phải chạy đi Damascus (sẽ nói đến dưới đây).

Hai nhà Al Saud và Al Shaykh đã khéo kết nghĩa thông gia để dựa lẫn nhau nổi lên nắm quyền bính một nước vai vế trên chính trường quốc tế, ngỡ rằng như thế sẽ tránh được tranh chấp nội bộ, nhưng vấn đề nội thân ngoại thích lúc nào cũng có. Nhà Al Saud vẫn phải đối phó với một lực lượng tuy đắc lực trong những công tác “bẩn thỉu” nhưng không phải lúc nào cũng dễ bảo: Ikhwan.

***

Ibn Saud chết năm 1953, thái tử Saud bin Abdul-Aziz Al Saud, 51 tuổi, nối ngôi. Tổng giám đốc Dầu Hỏa thuộc Bộ Tài Chánh là Saudi-Abdallah bất mãn vì bị Thất Tỉ Muội tìm cách thao túng giá dầu làm thiệt cho Ả Rập, được thái tử Faisal hỗ trợ, triệu tập đại biểu Iran, Iraq, Kuwait, Venezuela là những nước cùng với Ả Rập Saudi sản xuất đến 80% dầu, thành lập OPEC (Organization of Petroleum Exporting Countries, về sau thêm Qatar, UAE) vào ngày 8.9.1960. Năm 1962 nhà Al Saud lập ra Liên Ðoàn Thế Giới Ả Rập. Cùng năm ấy Không Quân Hoàng gia Saudi tiếp quản căn cứ Dhahran.

Cuối năm 1974, Ả Rập Saudi có 60% cổ phần Aramco. Ðầu thập niên Aramco bị quốc hữu hóa thành Aramco Saudi, tiếp tục ký các khế ước độc quyền xuất cảng dầu với các công ty Mỹ đã tạo ra nó và các nhân viên Mỹ vẫn ở lại làm việc, đem tiền đổ vào túi nhà Al Saud nhiều hơn gấp bội. Các nước khác cũng bắt chước.

Ngoài tiền ra, Ả Rập Saudi còn được các Tổng thống Mỹ, các Quốc Hội và giới quân sự HK liên tiếp bảo vệ. Các đại sứ Mỹ ở đây khi nghỉ việc nhiều người về làm đại sứ danh dự của Ibn Saud tại Hoa Thịnh Ðốn. Họ trở thành những vận động viên đắc lực. Một tổ chức cũng tham gia việc vận động là MEI (Middle East Institute) ở Hoa Thịnh Ðốn. Sáu tuần lễ sau vụ 9.11, cựu đại sứ Wyche Fowler được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Quản trị MEI.

Những công ty khổng lồ, những vị tai to mặt lớn, những định chế cao nhất còn bị tiền dầu chi phối như thế, thì có thể hiểu được lợi tức của những ông hoàng Ả Rập kinh khủng đến thế nào. Một ông mới 25 tuổi cho xây một lâu đài ở Riyadh trị giá $300 triệu (nhà của tỷ phú Bill Gates, Microsoft, ở Bellevue, tb Washington, mới chỉ trị giá $100 triệu) và được lì xì $1 tỉ vì đã giúp AT&T đặt hệ thống điện thoại cho vương quốc.

Cái tật vung tiền qua cửa sổ (cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) này được thừa hưởng từ ông tổ Ibn Saud (làm vua 1932-53). Hồi sinh tiền, bữa ăn trưa của ông ở hoàng cung Riyadh thường có 500 thực khách, cuối mùa Ramadan, vua tặng 3,000 áo choàng viền vàng nhập cảng từ Syria. Một nhà thầu người Lebanon bảo ông không phân biệt nổi bạc ngàn với bạc triệu.

Con ông là Saud bin Abdul Aziz Al Saud (1953-64) lên nối ngôi năm 51 tuổi, xài tiền không kém, đi kinh lý phải có đoàn xe ít nhất là 50 chiếc tháp tùng, ông thì ngự trong một chiếc xe kéo (trailer) khổng lồ có bàn ghế mạ vàng, trong buồng tắm thì các núm cửa, vòi nước bằng vàng khối, giường cỡ quá khổ bọc nhung trần lót gương, dọc đường ông có cái thú là tung hàng nắm tiền vàng, tiền bạc qua cửa sổ xem con nít tranh nhau vồ. ông cho xây nhiều lâu đài, càng về sau càng đắt và trang bị tối tân hơn, có cái có những câu trích từ Koran viết bằng ống neon trên nền cỏ. Tiền dầu nhiều đến thế vẫn chưa đủ cho ông tiêu, đến nỗi phải vay Chase Manhattan và nhiều ngân hàng khác ở New York hàng trăm triệu. Sắp đưa đất nước đến phá sản, ngày 3.11.1964, ông phải truyền ngôi cho em là Faisal rồi đi lưu vong ở Athens và nhiều tỉnh quanh Ðịa Trung Hải bốn năm rưỡi trước khi chết ngày 23.2.1969.

Vua Faisal (1964-75) khác hẳn, không ở lâu đài, ở nhà riêng với vợ con, tự lái xe lấy đi làm, làm việc chăm chỉ và kỹ lưỡng, chủ trương kiệm ước, đưa ra kế hoạch cải cách 10 điểm, bỏ chế độ nô lệ, thân Tây phương, năm 1965 tổ chức hệ thống TV, trong kế hoạch ngũ niên từ 1970 đến 1975 đã tráng nhựa 9,500 cây số đường, cấp phát 75,000 đơn vị gia cư, xây 62 bệnh viện với 7,734 giường và 1,300 trường tiểu và trung học, cấp học bổng cho ai muốn lên đại học, năm 1974 hơn 1/4 triệu nữ sinh đi học ở các trường công lập. Sáng sớm ngày 25.3.1975, sau khi cầu nguyện ra, thấy con người em Musaid ibn Abd al-Aziz có bệnh tâm thần tên là Faisal ibn Musaid, 26 tuổi, đến, ông giơ tay ôm hôn thì bị hắn rút khẩu súng lục bắn 3 phát; được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng sau 1 tiếng đồng hồ thì chết. Ông hoàng trẻ này khi du học ở HK đã bị bắt về ma túy ở Colorado và về tội gây lộn với bạn gái trong quán rượu. Vua đã khiển trách và bắt hắn hồi hương. Hoàng gia luận tội trong 2 tuần lễ và theo đúng luật Hồi giáo, lên án xử trảm nơi công cộng.

Em vua Faisal là thái tử Khalid, 63 tuổi, nối ngôi và một người em khác là Fahd, 54 tuổi, đã từng giữ chức Bộ trưởng Giáo Dục rồi Bộ trưởng Nội Vụ, được cử làm thái tử. Dưới triều đại Khalid (1975-82) có nhiều biến cố quan trọng xẩy ra. Khi ông lên ngôi, giá dầu tăng vọt và lợi tức quốc gia mỗi giờ trong ngày và đêm lúc ấy bằng cả một năm trong thập niên 1930. Ông chủ trương đổi mới, chọn 15 người không phải là hoàng thân làm bộ trưởng. Thái tử Fahd giữ chức đệ nhất phó Thủ tướng, thi hành việc canh tân của vua, dùng tiền dầu cho kế hoạch ngũ niên, phát triển các nhà máy lọc dầu, biến chế khí thiên nhiên và các hóa chất dầu, các nhà máy thép và nhuôm. Trở ngại trong việc thực hiện kế hoạch vĩ đại này là các người trong hoàng tộc nắm các chức vụ trong chính quyền không sẵn sàng tuân lệnh người ngoài, còn các vương tôn công tử lại không chịu học làm chuyên viên. Vì thế phải thuê người ngoại quốc. Trong thập niên 1980, có đến hai triệu chuyên viên người Yemen, Palestine, Ai Cập, Thổ, Ấn Ðộ, Hồi Quốc, Ðài Loan, Nam Hàn, Nam Dương, và cả Việt Nam, phục vụ tại Ả Rập Saudi. Việc phát triển bằng những bước khổng lồ ấy tất nhiên sinh ra nhiều vấn đề; các hải cảng Jedda và Dammam bị kẹt bến, tàu có khi phải chờ 3 tháng mới dỡ được hàng, phải tốn $6 tỉ để mở rộng; lạm phát 50% khiến giá sinh hoạt tăng kinh khủng, một căn nhà 3 buồng ngủ tại Jedda năm 1976 cho thuê $45,000 một năm; chính phủ bỏ ra $300 triệu để xây một khu 32 cao ốc 15 từng với các phòng trang bị tối tân, thảm trải suốt, máy điều hòa không khí khắp nhà, nhưng không ai chịu thuê, vì nhà thầu quên không làm thang máy riêng biệt cho nam và nữ! Chỉ có ở Trung Ðông mới có thể xẩy ra chuyện này. Tây phương hóa đã thua cơ bản chủ nghĩa. Dân hãnh tiến nhờ tiền dầu thả cửa ăn chơi trác táng, xem lén phim bị Hồi giáo cấm, kể cả phim con heo, nốc rượu $200 một chai thâu đêm suốt sáng. Những chuyện bê bối này bị giới giáo sĩ Wahhabi phản đối. Họ còn bất mãn cả về sự cách biệt giầu nghèo trong xã hội ngày càng rõ rệt.

Khí từ các mỏ dầu bốc lên là một cái phiền vẫn phải đốt cho cháy tiêu đi, đến thập niên 1970 tìm ra được cách làm cho khí propane và butane thành chất lỏng để xuất cảng, nay cũng thành nguồn lợi quan trọng. Trong thập niên 1980, một thùng 4 lít dầu giá tại chỗ chỉ có 18 xu nhưng dân chúng phải trả $2.4 để mua 4 lít nước uống. Như thế, dân không có dầu để bán nhưng vẫn phải kiếm tiền để mua nước, thì dĩ nhiên sự sai biệt mức sống giữa những người có dầu và không có dầu lớn đến chừng nào. Nhiều người đã ước, giá như Allah cho Ả Rập nước thay vì dầu thì dân sẽ sướng hơn nhiều. Nước đắt như thế mà có nhà giầu dám mở vòi nước suốt ngày đêm để nghe tiếng nước chảy còn thích thú hơn là nghe nhạc. Thực tế người nào có thể cung cấp nước ở cái sa mạc khổng lồ này sẽ còn giầu hơn cả người có dầu. Trong thập niên 1980, Ả Rập Saudi đã ghi $12 tỉ vào ngân sách cho kinh phí cấp thủy, gồm cả 37 cái đập. Năm 1977, hoàng tử Muhammad ibn Faisal đưa ra kế hoạch kéo tảng băng nổi dài 1 km, nặng 90 triệu tấn, cho phủ mền cách nhiệt, đi 14,000 cây số từ Nam Cực về cảng Jedda ở Hồng Hải rồi để cho tan ra lấy nước, đã chi $1 triệu chỉ để thu thập dữ kiện, đến năm 1981 phải bỏ cái dự án hoang tưởng này. Theo thống kê quốc tế vào năm 1980 hải cảng Jedda là đô thị đắt đỏ nhất thế giới, có chỉ số sinh hoạt 141, trong khi Tokyo 106, Geneva 103, Nữu Ước 84, Luân Ðôn 80.

*******

Người Hồi giáo cho cái nhà Hồi giáo của họ, Dãr al-Islãm, bị bao vây và uy hiếp bởi cái nhà Chiến tranh, Dãr al-Harb, của thế giới bên ngoài, tức là Tây phương và Israel. Thành kiến này đã thấm nhuần trong tâm trí họ khiến họ có khuynh hướng bài ngoại, khi cực đoan thì thành ra cơ bản chủ nghĩa (fundamentalism), một trong những nguyên nhân đã biến vùng Trung Ðông thành vùng dầu sôi lửa bỏng.

Thành kiến này ngấm ngầm trong tiềm thức Hồi giáo, phải đợi đến một nhân vật đặc sắc xuất hiện mới bùng nổ thành trận chiến toàn cầu hiện nay. Người ấy là Juhayman ibn Muhammad ibn-Sayf al-Utaibi, một cựu đại úy Vệ Binh Trắng (Vệ Binh Quốc Gia) và là một wahhabi cuồng tín, theo truyền thống Ikhwan.

Ngày 20.11.1979 là ngày đầu năm 1400 của lịch Hồi giáo, đánh dấu một thế kỷ mới, 50,000 người hành hương đứng chật sân Ðền Lớn ở Qaaba, trung tâm khu Ðại Tự ở Mecca để đọc kinh sáng sớm thì có nhiều tiếng súng nổ, rồi loa phóng thanh loan báo: Ðây là Mahdi, đấng sẽ thanh lọc các trụy lạc trong vương quốc. Mahdi chính là Juhayman. Hàng ngàn người hốt hoảng chen nhau ùa ra 39 cái cửa để thoát thân nhưng các lối ra đã bị chặn bởi quân khủng bố có vũ trang, từ 200 đến 300 người (theo Yossef Bodansky từ 1,300 đến 1,500, theo các nguồn tin Ai Cập và Liên Xô đến 3,500), còn được yểm trợ bởi các mujahiddin đã được huấn luyện thuần thục đến từ Ai Cập, Kuwait, Sudan, Iraq, Bắc Yemen và Nam Yemen, khoảng 500 người cầm đầu được vũ trang và huấn luyện tại Libya và Nam Yemen bởi các sư phụ Ðông Ðức, Cuba và PFLP; 59 người Yemen tham dự được huấn luyện tại Iran và nhận được vũ khí tại tòa đại sứ Iran ở Sana. Sáu ngàn người hành hương nghe Juhayman thuyết pháp xin được cấp khí giới để gia nhập cuộc nổi loạn. Vị imam già của đền, Sheikh Muhammad al Subayil, trốn được vào văn phòng, điện thoại ra ngoài tả hình giáng bọn phản loạn. Họ lựa ra 25-30 người giữ lại làm con tin, còn thả ra hết, vị imam già cũng trà trộn trong đám đông trốn ra thoát.

Khi ấy Ayatollah Khomeini vừa lật đổ ngai vàng của vua Iran nên vua Khalid thận trọng, trước hết kêu gọi và sau khi được sự ủng hộ của ulama mới ra lệnh cho Quân Ðội và Vệ Binh bao vây Ðại Tự nhưng không làm được gì; hai tuần lễ sau phải nhờ lực lượng đặc biệt chống bạo loạn của Pháp, dùng lựu đạn và vũ khí hóa chất mới dẹp được. Kết quả có 127 lính thương vong; về phía phiến loạn có 117 tên bị giết, số còn lại bị bắt rồi đem ra chỗ công cộng chặt đầu. Dù sao biến cố này cũng ảnh hưởng mạnh Osama bin Laden.

Osama bin Muhammad bin Laden sinh năm 1957 ở Riyadh, Ả Rập Saudi, là một trong hơn 50 người con của một người Yemen nhiều vợ, đông con nhưng ít học, trước kia làm cho công ty dầu Aramco, tên là Muhammad bin Laden, vào thập niên 1960 dọn nhà sang miền tây ở Hijaz rồi định cư ở Al-Medina Al-Munawwara. Osama đi học ở Medina rồi ở Jedda.

Sau vụ tăng giá dầu trong thập niên 1970 và khi vùng Hijaz phát triển, Muhammad làm giầu và thân cận được với giới quyền quý, vừa là chúa trùm thầu xây cất riêng của hoàng gia, coi thực hiện những dự án vĩ đại, lòe loẹt, tốn tiền như những đền đài quá khổ ở gần Mecca và Medina, vừa làm những việc ngầm như rửa tiền để tài trợ cho chính nghĩa. Công ty Bin Laden là công ty xây cất lớn nhất Trung Ðông. Osama được cha chọn kế nghiệp, đi học kinh tế và quản trị xí nghiệp ở đại học đường Vua Abdul Aziz ở Jedda từ 1974 đến 1978, nhưng học ít chơi nhiều, thường lẻn đến các hộp đêm, sòng bài, quán rượu ở Beirut, tán gái, say rượu, có khi gây gổ. Năm 1975 Lebanon có nội chiến, Osama hết đến đó ăn chơi được nữa, bèn bắt đầu để ý đến Hồi giáo, đồng ý với dư luận cho rằng Lebanon bị Allah phạt vì đã làm thanh niên Hồi giáo, kể cả và nhất là bản thân ông ta, hư đốn.

Jedda là hải cảng, là chỗ vãng lai của thủy thủ và người ngoại quốc và là nơi xuất phát của thanh niên Hồi giáo đi du học hay du lịch ngoại quốc, tóm lại là nơi đón nhận nền văn hóa tứ xứ, nhất là Tây phương, cũng là nơi người Hồi giáo trí thức nhận ngay ra những thói hư, tật xấu của Tây phương. Năm 1975 vua Faisal được dân Ả Rập Saudi thương mến bị ám sát bởi Faisal ibn Musaid, một ông hoàng trẻ có Tây học, thường đi HK và Âu Châu, lại bị bệnh tâm thần, càng làm cho người Ả Rập tin rằng văn minh Tây phương là độc hại.

Cuối năm 1979 Liên Xô xâm lăng A Phú Hãn, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của Osama. Ông là một trong những người đầu tiên sang chiến đấu ở A Phú Hãn vì một ngày ở A Phú Hãn bằng ngàn ngày cầu nguyện trong đền. Trước hết, ông sang Hồi Quốc, cải tổ và tuyển mộ mujaheddin, đài thọ chi phí vận chuyển cho hàng ngàn quân tình nguyện từ các nơi đến, thành lập căn cứ huấn luyện Masadat Al-Ansar ở A Phú Hãn. Nhân dịp này ông gặp Sheikh Abdullah Yussuf Azzam là nhân vật chính thành lập cái ngày nay gọi là Liên Ðoàn Hồi Giáo Quốc Tế, nòng cốt của phong trào khủng bố quốc tế của Hồi giáo.

Sheikh Abdullah Yussuf Azzam là người Palestine sinh năm 1941 tại một làng nhỏ bé gần Jenin, Samaria, học đạo từ bé tại Jordan, sau vào trường đại học Sharia ở Ðại học đường Damascus, đậu B.A. về Sharia (luật Hồi) năm 1966. Trong Chiến Tranh Sáu Ngày, Israel chiếm quê ông, ông trốn sang Jordan, gia nhập jihad chống Israel, được gửi đi Ai Cập học ở Ðại học đường Azhar, lấy bằng M.A. về Sharia, năm 1970 bắt đầu dạy ở Ðại học đường Amman, 1971 được học bổng quay về al-Azhar, năm 1973 lấy bằng Ph.D; thập niên 1980 sang Mỹ, đến nhiều thành phố quyên tiền cho Jihad A Phú Hãn.

Azzam là một trong những thủ lãnh Huynh đệ đoàn Hồi giáo, nhưng ly khai với cuộc tranh đấu vũ trang của Palestine, vì cho rằng nó là cuộc cách mạng quốc gia chứ không phải là một jihad Hồi giáo (quốc tế) nên bị đuổi, chạy sang Ả Rập Saudi dạy giáo luật ở Ðại học đường vua Abdul Aziz ở Jedda, nơi Osama bin Laden đang theo học. Năm 1979 ông tuyên bố jihad A Phú Hãn, bỏ dạy học đi đánh quân xâm lược cộng sản Nga, nhưng các lãnh tụ Hồi Quốc và A Phú Hãn cho rằng ông dạy học có lợi hơn là đi bắn súng, mời ông dạy ở Ðại Học Ðường Hồi Giáo Quốc Tế ở Islamabad nhưng ông chuyển về Peshwar cho gần biên giới A Phú Hãn. Ở đấy ông lập ra trường huấn luyện jihad và mujahidin Bait ul-Ansar tức là Nhà các Hộ Pháp (Hộ pháp là những người ở Yathrib đã mời Muhammad về lập ra Medina).

Osama bin Laden hoan nghênh ý kiến, có tiền, kiến thức và nhiệt tình để thực hiện, bèn cùng Azzam lập ra văn phòng dịch vụ Mujaheddin Maktab al-Khidamat, sau thành hệ thống quốc tế đi tìm những người Hồi giáo có kiến thức chuyên môn, kỹ sư, bác sĩ, dân buôn lậu ma túy, thu nạp để làm việc cho A Phú Hãn. Vào cuối thập niên 1980, Osama đã có chi nhánh tuyển người tại 50 quốc gia, kể cả HK, Ai Cập, Ả Rập Saudi, và Tây Âu. Azzam và Osama bèn lập ra Masadat Al-Ansar, căn cứ trung ương và là tổ ấm của những người xa nhà cho muhajidin ở A Phú Hãn và Hồi Quốc để huấn luyện và chuẩn bị tinh thần cho họ trước khi tung họ vào chiến trường. Osama nhân dịp này làm quen với các lãnh tụ và muhajidin khắp nơi trên thế giới. Ông đem dụng cụ xây cất hạng nặng từ quê nhà, trước là xe ủi đất của gia đình và về sau là các dụng cụ khác của nhiều công ty Ả Rập Saudi và Vùng Vịnh, để làm đường, đào hào, san đất làm kho, bệnh xá và nhà ở cho các mujahidin ở đông A Phú Hãn. Nhiều cựu sĩ quan quân lực Ai Cập sang huấn luyện, toán đầu theo Ahmad Shawqi al-Islamuli, hiện là một trong những vị chỉ huy khủng bố kỳ cựu nhất của Osama, và anh là Khalid al-Islambuli, người đã ám sát Sadat. Năm 1983 Islambuli tổ chức mạng lưới Karachi để đem lậu người và vũ khí từ Ai Cập đi hay đi đến Ai Cập.

Ðầu thập niên 1980 Osama về Ả Rập Saudi quyên tiền và tuyển người, đồng thời gặp những thân hữu của gia đình như hoàng thân Salman, em vua, hoàng thân Turki, trưởng ban tình báo, và nhiều nhân vật cao cấp khác. Ả Rập Saudi lúc ấy đang lo ngại về sự hiện diện của Liên Xô, Ðông Ðức và Cuba ở Nam Yemen cộng sản, bí mật ủng hộ Tariq al-Fadli, cựu sultan chống cộng của Aden (Nam Yemen). Osama được yêu cầu tổ chức chí nguyện quân để yểm trợ sultan, dĩ nhiên được triều đình Saudi đài thọ chi phí và hỗ trợ. Ông không thành công nhưng từ đó gây được cảm tình với Tariq al-Fadli và các vị chỉ huy Hồi giáo Yemen, nhất là được triều đình Saudi ngưỡng mộ. Ðể tưởng thưởng, vua Fadh giao cho Osama công tác nới rộng Ðền Ngôn sứ ở Medina, có thể lời đến $90 triệu nhưng Osama không nhận chỉ xin triều đình ủng hộ jihad A Phú Hãn. Vua Fahd, thái tử Abdullah, hoàng thân Turki hứa sẽ giúp chính nghĩa A Phú Hãn. Osama cũng chẳng thiệt gì vì công tác mà ông khước từ lại được giao cho cha ông. Về sau ông tâm sự với bạn thân là tài sản và công việc làm ăn của ông tăng cùng với tiền ông bỏ ra cho jihad.

HK ủng hộ và tài trợ jihad A Phú Hãn nhưng không được phép can thiệp trực tiếp, kể cả huấn luyện. Osama không chỉ đánh võ mồm và bỏ tiền ra giúp, mà còn đích thân cầm súng ra mặt trận. Các đồng chí thân cận mô tả ông như là một chiến sĩ cảm tử, lúc nào cũng dẫn đầu xông vào chỗ chết. Ông còn giữ được một khẩu súng Nga Kalashnikov mà ông nói lấy được từ tay một tướng Liên Xô chết tại mặt trận Shaban.

Từ 1984 đến 1988 Osama hay cặp kè với Azzam đi thuyết pháp ở A Phú Hãn, chủ yếu là khuyến khích thi hành nghĩa vụ jihad cả trong chính nghĩa quốc tế như chiến đấu ở A Phú Hãn, lẫn trong việc bảo vệ các anh chị em Hồi giáo bị áp bức bằng cách đánh đổ những chế độ phi-Hồi giáo, ngụ ý những lãnh tụ Hồi giáo cai trị các quốc gia thế tục; hai loại jihad này là thành phần của một nỗ lực lớn hơn: thiết lập một Khilafah (caliph quốc) cho toàn thể thế giới Hồi giáo, tức là thiết lập quyền trị vì của Allah trên hoàn cầu. Azzam rất quan tâm đến HK, cho rằng Mỹ có thể cung cấp các tín đồ có học thức, có khả năng cao cho jihad Hồi giáo quốc tế.

Liên Xô rút khỏi A Phú Hãn vào ngày 15.2.1989. Ngày 24.11.1989, xe hơi của Azzam bị gài mìn điều khiển từ xa nổ tung ở Peshwar. Azzam và 2 con trai cùng 1 người tùy tùng chết.

********

Từ mùa xuân 1995, Phong Trào Hồi Giáo Vũ Trang đã chuyển một số trại huấn luyện chính sang A Phú Hãn, đến 1996 thì hạ tầng cơ sở đã được cơ quan tình báo ISI của Hồi Quốc củng cố, bây giờ sẵn sàng cho Osama bin Laden sử dụng.

Ngày 7.4.1994, chính phủ Ả Rập Saudi tước quyền công dân của Osama bin Laden vì bị ông công khai chống đối và vào giữa tháng 5.1996 vận động Sudan trục xuất ông. Ông bèn chuyển đại bản doanh sang A Phú Hãn, ở tỉnh Nangarhar. Ðầu tháng 7.1996, Robert Fisk của tờ báo Anh Independent phỏng vấn ông ở đấy. Osama tố cáo tội của nhà Al-Saud làm cho dân nghèo khổ (sự hiện diện của HK là nguyên nhân của tình trạng ấy), và sự bất công của Tây phương:

Khi 60 người Do Thái bị giết ở Palestine (vì bị đánh bom tự sát từ đầu năm) thì cả thế giới xúm nhau lại nội trong 7 ngày để chỉ trích hành động ấy, trong khi cái chết của 600,000 trẻ con Iraq (sau khi LHQ trừng phạt Iraq) không được phản ứng như thế. Người Hồi giáo chúng tôi không ưa chế độ Iraq nhưng chúng tôi cho rằng dân chúng và trẻ con Iraq là anh em chúng tôi và chúng tôi quan tâm đến tương lai của họ… Các vị lãnh tụ mà chúng tôi tin tưởng, ulema, đã ban cho chúng tôi một fatwa, bảo chúng tôi phải đuổi Mỹ đi… sự hiện diện quân sự của họ là một sỉ nhục cho dân chúng Saudi… Tôi tin rằng trước sau gì thì Mỹ cũng bỏ Ả Rập Saudi và rằng Mỹ tuyên chiến với dân Saudi có nghĩa là chiến tranh với người Hồi giáo ở mọi nơi. Kháng chiến chống Mỹ sẽ lan ra nhiều, rất nhiều nơi tại các nước Hồi giáo.

Ðầu năm 1998, Osama đem một số nhân viên Ả Rập từ Sudan sang thực hiện chương trình vĩ đại tái thiết tỉnh Kandahar, quê hương của Taliban, bị tàn phá vì chiến tranh. Cuối năm, ông gả con gái lớn cho lãnh tụ Taliban, Mullah Muhammad Omar, và cưới một phụ nữ Pushtun trẻ (có tin đồn là con gái Mullah Omar; nếu đúng thì Osama và Omar người nọ là bố vợ của người kia) làm bà Tư. Những việc này cho thấy ông là một nhà ngoại giao có hạng, đi đến đâu cũng gây được cảm tình.

Giữa tháng 5.1997, an ninh Saudi bắt Sidi Tayyib, một doanh nhân có vợ là bà con với Osama bin Laden. Ông này khai ra những trương mục ngân hàng và doanh nghiệp của Osama ở Hồi Quốc và A Phú Hãn và những vụ chuyển ngân lậu từ đó cho các cộng đồng Hồi giáo ở Luân ôn, Brookkyn, Jersey City và Detroit, đồng thời cung cấp tên của nhiều người giúp Osama trong các dịch vụ tài chánh này. Tuy các tin tức này không chính xác nhưng cũng giúp cho FBI và tình báo Anh điều tra ra những tổ hoạt động ở Nairobi và nơi khác. Trước nguy cơ này, vào tháng 8.1997 Turabi, Osama bin Laden, và Abdul-Majid al-Zandani (lãnh tụ Hồi giáo Yemen) họp ở Khartoum, quyết định Jihad Sudan, được Iran tán thành, hứa chuyển vũ khí Tàu và Iran đến Cảng Sudan và Khartoum bằng đường thủy và hàng không. Ngày 7.8.1998, hai tòa đại sứ HK ở Nairobi và Dar-es-Salaam bị đánh bom (sẽ nói đến dưới đây). Osama và con trai, Muhammad mới 14 tuổi, cùng đoàn tùy tùng phải ở trong hang hầm dưới lòng đất vùng Jalalabad, đông phần A Phú Hãn, gần đó là những hang của các lãnh tụ khủng bố, Ayman al-Zawahiri, Tasser Abdallah, Mustafa Hamzah, Ahmad al-Islambuli.

Từ hang hầm, sử dụng những trang bị truyền tin tối tân nhất của Tây phương mà ông ghét cay ghét đắng, ông điều khiển cả một mạng lưới tài chánh bí mật bao phủ khắp hoàn cầu cho chính ông, cho phong trào Hồi giáo và cho cả Taliban, qua một khu tam giác Amsterdam-Anvir (Bỉ)-Lục Xâm Bảo để rửa tiền quyên được ở Vùng Vịnh và từ các doanh nghiệp khác liên quan đến vô số công ty xây cất, nông nghiệp, nhà thầu ở á Châu, Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh, hoạt động trong các ngành địa ốc, chuyên chở hàng hải, xuất nhập cảng, cho thuê máy bay, đóng tàu, thực hiện các công trình công chánh. Một khu khác cho vùng Viễn Ðông, trục Nam Dương-Mã Lai á, nhận tiền qua mạng lưới Qatar, Kuwait, Hadhramaut (Yemen) và Ý. Osama liên lạc với Mafia Nga, nhất là ở Qatar và Cyprus để vào được xã hội đen của các nước Trung á thuộc Liên Xô trước kia, Ðức và Ðông Âu, đầu tiên là mua chất nổ và vũ khí ở Ukraine đem lậu về Qatar và nhiều nơi khác, sau đến việc chuyển tiền đến địa bàn hoạt động chính của nó (Mafia Nga). Việc mạng lưới tài chánh của Osama bin Laden đem lậu ma túy, gái điếm và rượu vào cung cấp cho dân Hồi giáo ở Qatar và UAE đâu có gì đáng kể so với chính nghĩa! Không ai biết những số tiền truyền tay lên đến bao nhiêu. Chỉ kể một khoản: Taliban buôn ma túy mỗi năm vào khoảng $8 tỉ, Osama giữ lại từ 10 đến 15% tiền hoa hồng cũng đã được trên dưới $1 tỉ.

Với nguồn tài nguyên phong phú như vậy, Osama bin Laden có khả năng sử dụng những vũ khí tối tân giết người hàng loạt. Ông có những trung tâm sản xuất vũ khí sinh hóa ở gần Kandahar và ở Soba, một trong những nông trại của ông ở tây nam Khartoum. Từ đầu tháng 5.1996, vật liệu để chế tạo các vũ khí này được chuyển qua Hồi Quốc. Các độc tố như sarin mua ở nhiều nơi, vi khuẩn chết người như Ebola và salmonella mua ở Nga, botulinum biotoxin mua ở Cộng Hòa Tiệp, anthrax mua của Bắc Cao, chất phóng xạ và thuốc giết sâu bọ mua của Ukraine. Mục tiêu đã được đề ra: độc tố để cho vào các ống dẫn nước, hơi độc để giết người, nấm (fungi) để làm hại hoa mầu. Từ đầu tháng 7.1998, vài chuyên viên Ukraine về hóa học và sinh học phụ trách việc phát triển và sản xuất cũng như huấn luyện cách sử dụng các vũ khí cho một nhóm 7 người Saudi và 1 người Ai Cập đều đã học y, dược và vi trùng học tại Hung Gia Lợi và Lỗ Mã Ni. Ðược huấn luyện ở Kandahar là nhóm đặc công đến từ Ai Cập, Hồi Quốc, Bangladesh và vài quốc gia vùng Vịnh Ba Tư. Trại ở Zenica, Bosnia-Harzegovina huấn luyện các người Hồi giáo Âu Châu do Sheik Omar Bakri tuyển qua một chương trình có các trung tâm ở Anh, Pháp, Bỉ, Ý.

Tháng 9.1998, Ahmad Salamah Mabruk, một vị chỉ huy Jihad Hồi Giáo của Zawahiri, bị bắt ở Azerbaijan và dẫn giải về Ai Cập, khai là Mặt Trận Hồi Giáo Thế Giới Chống Do Thái và Thập Tự Chinh của Osama bin Laden (mà Jihad Hồi Giáo là một bộ phận) có những vũ khí sinh hóa dự định dùng cho các chiến dịch chống Do Thái và HK. Tháng 4.1999, một vị chỉ huy Hồi giáo ở Tây Âu xác nhận tin nói trên và cho biết thêm là những vũ khí ấy mua ở các quốc gia Ðông Âu và thuộc Liên Xô trước kia từ 1996. Người ta biết là Osama từ năm 1996 đã bỏ ra $3 triệu để cố mua một cái va li đựng bom nguyên tử tại Kazakhstan. Năm 1994, một người Hồi giáo Palestine ở Mạc Tư Khoa nói nhờ Mafia Chechnya đã mua được 2 cái va li như thế. Năm 1997, tướng Aleksandr Ivanovich Lebed, cựu trùm an ninh Nga, xác nhận là có nhiều va li bom nguyên tử trong kho vũ khí Nga biến mất. Ðại tá quân báo Liên Xô (GRU) Stanislav Lunev bỏ trốn sang HK vào tháng 3.1992 tiết lộ rằng trong Chiến Tranh Lạnh, GRU và SPETSNAZ (Lực lượng đặc biệt) đã chọn những địa điểm ở những thành phố chính tại HK để cho nổ bom va li. Ðại tá Boris Alekseyev, trưởng Trung Tâm Môi Sinh của bộ Quốc Phòng Liên Bang Nga, cho biết khi được Mạc Tư Khoa cho phép bằng một truyền tin mật mã vô tuyến thì một đoàn viên SPETSNAZ chỉ cần nửa tiếng đồng hồ là chuẩn bị xong một quả bom va li để cho nổ. Osama không cần đến cả việc chuẩn bị này, vì đã có quân quyết tử. Osama cũng giúp nhân, tài lực cho Mafia Chechnya để chống Nga và tiêu thụ ma túy của Taliban, chuyển lậu vũ khí và vật liệu chiến lược. Ông chuyển cho Chechnya $30 triệu tiền mặt và 2 tấn bạch phiến trị giá khoảng $70 triệu tại A Phú Hãn, nhưng tại tại HK hay Tây Âu thì trị giá đến $700 triệu. Tháng 11.1998, TT Aslan Maskhadov của Chechnya loan báo Grozny (thủ đô Chechnya) sẽ công nhận chế độ Taliban ở Kabul, khi ấy mới được Hồi Quốc, UAE và Ả Rập Saudi công nhận.

Vào tháng 7.2003 cô Zulikhan Yelikhadzhiyeva, 20 tuổi, một trong số 36 góa phụ đen người Chechnya đã ôm bom cho nổ ở Mạc Tư Khoa; ngày 24 đã khám phá được ở Tolstopaltsevo gần đó một kho bom tự sát để phản đối người Nga lạm dụng quyền lực.

**********

Osama tổ chức một hệ thống kinh tài riêng dùng al-Qaeda (nghĩa là Cứu Tinh Hồi Giáo), một tổ chức từ thiện ông lập ra cho Azzam vào giữa thập niên 1980, để tài trợ jihad A Phú Hãn và Hồi Quốc, nay để chuyển tiền giúp các trung tâm Hồi giáo và từ thiện khắp thế giới, thực chất là để làm bình phong cho những hoạt động khủng bố.

Osama mua nhà ở Wembley, ngoại ô Luân Ðôn, lập ra Ủy Ban Tư Vấn và Cải Thiện. Vào mùa hè 1998, một số đông quân khủng bố Ai Cập bị ruồng bắt trên khắp thế giới và dẫn độ về Ai Cập, khiến phong trào Hồi giáo mất một số chỉ huy nên phải duyệt xét lại vấn đề nội phản và tổ chức phản gián của họ mãi đến tháng 3 mới xong. 14 vị chỉ huy cao cấp nhất, toàn là đồng chí lâu năm của Osama, được phái đi Anh và HK, Bangladesh, Pháp và Nga; 83 mujaheddin từ nhiều nước Hồi giáo được tuyển lựa và huấn luyện sẵn sàng ứng chiến. Ðể tránh bị lộ tung tích, họ họp thành một tổ chức mới lấy tên là Harakat Jihad Islami, đầu tháng tư đã có căn cứ tại Miến Ðiện, Bangladesh, Palestine, A Phú Hãn, Tajikistan, Eritrea, Chechnya, Bosnia (phụ trách cả Albania và Kosovo).

Từ 10 đến 15.7.1996, một buổi hội thảo ở tỉnh Konli tại biên giới tây bắc giữa Hồi Quốc và A Phú Hãn trong một cái lều vĩ đại quy tụ những lãnh tụ khủng bố thượng thặng của hai mặt trận gọi là A Phú Hãn và Balkan gồm Osama bin Laden, Ayman al-Zawahiri, Abdul Rasul Sayyaf và Ahmad Vahidi, chỉ huy các lực lượng al-Quds, nhiều sĩ quan tình báo Iran và Hồi Quốc, đại diện của Ai Cập, Sudan, Iran và Vùng Vịnh, kể cả những người đang lưu vong hay đang học ở Luân Ðôn, Tehran và Beirut, các chỉ huy lão thành của Hizb-i Islami, HizbAllah, HAMAS.

Abdul Rasul Sayyaf, một viên chức tình báo cao cấp Iran, tuyên bố đã đến lúc phải tính sổ và Iran sẵn sàng trợ cấp tối đa cho chính nghĩa Hồi giáo. Các nhà lãnh đạo thỏa thuận lập ra 1/ một ủy ban kế hoạch, 2/ một ủy ban tài chánh, tiếp liệu, và động viên, 3/ một ủy ban quân sự cao cấp.

Năm 1979, Ðền Lớn ở Mecca bị bọn cuồng tín chiếm (sẽ nói đến dưới đây), từ đó Ả Rập Saudi vẫn lo ngại. Hàng năm lễ hành hương được nhà Saud tổ chức và chủ tọa rất long trọng, với mục đích vừa tôn giáo vừa chính trị, chứng minh họ là người Hộ Pháp bảo tồn Mecca và Medina.

Vua Khalid bị đau tim, tháng 6.1982 thoái vị để thái tử Fahd (1982-1995) lên nối ngôi. Ông này cũng có tiếng xài sang, thường đến hưởng thụ tại một lâu đài nguy nga của ông ở bờ biển Y Pha Nho, nhưng ông làm việc và hành đạo cũng tích cực như chơi bời. Tháng 6.1983, tại hội nghị quốc tế ở Mecca, ông kêu gọi các học giả tôn giáo trong thế giới Hồi giáo duyệt lại giáo luật sharia và diễn dịch lại cho hợp với bối cảnh hiện đại. Ông chủ trương hiện đại hóa nhưng không Tây phương hóa và làm yếu dần thế lực của giới giáo sĩ cơ bản chủ nghĩa, do đó được lòng giới trẻ. Nhưng ông cũng có vấn đề sức khỏe; năm 1992, ông ra một chỉ dụ chỉ định người em cùng cha khác mẹ là Abdullah làm thái tử; năm 1995 bị nhồi máu cơ tim, coi là bất lực về phương diện y học; thái tử Abdullah thực tế trông coi việc nước thay vua, nhưng đến cuối tháng 2.1996 vua lại bình phục và nắm lại quyền. Việc truyền ngôi là nguyên nhân của vụ tranh chấp cung đình giữa ba phe: phe thái tử Abdullah, phe mẫu hậu Sudair và phe trẻ.

Ðể dễ theo dõi, xin liệt kê các triều đại kế tiếp của nhà Al Saud:

Ibn Saud (1932-53), Abdul Aziz Al Saud (53-64), Faisal (64-75), Khalid (75-82), Fahd (82-95 và 96-?).

Như trên đây đã nói, người Ả Rập chỉ có độ hai chục tên cho phái nam và hai chục tên cho phái nữ; nội trực hệ nhà Al Saud đã có ít nhất là 40 hoàng thân Faisal, 43 hoàng thân Khalid, 28 hoàng thân Muhammad, 27 công nương Nura. Vì thế thường phải thêm tên con hay tên cha, ông để phân biệt. Phải để ý kỹ lắm mới khỏi hàm hỗn. Ngay Robert Lacey là người có những liên lạc mật thiết với hoàng gia mà còn lẫn lộn trong một tác phẩm khảo cứu rất công phu của ông:

Một mình trong những người cai trị hiện đại của Vương quốc, Faisal ibn Abdul Aziz là một hậu duệ trực tiếp của Thầy. Ông là con của con gái qadi mà Abdul Aziz đã cưới khi về chinh phục Riyadh năm 1902, và như thế có nghĩa là Faisal có thể truy dòng dõi thẳng ngược lên đến Muhammad ibn Abdul Wahhab. Không phải chỉ có liên hệ huyết thống mà thôi. Thân mẫu Faisal Tarfah chết khi ông còn là một hài nhi, nên ông đã trải qua thuở thơ ấu ở trong gia đường nghiêm khắc của ngoại tổ, Sheikh Abdullah ibn Abdul Lateef, và điều này đã in dấu ấn lên tâm hồn và thớ thịt Faisal bằng khổ hạnh chủ nghĩa với cường độ hiếm có (The Kingdom: Arabia & the House of Saud, 423).

Vua Faisal đề cập đến ở đây trị vì từ 1964 đến 1975 là con vua Saud bin Abdul Aziz Al Saud trị vì từ 1953 đến 1964. Còn Abdul Aziz ibn Abdul Rahman Al Saud, làm vua từ 1765 đến 1803, mới lấy Tarfad là con gái của qadi (chánh án) Sheikh Abdullah ibn Abdul Lateef là dòng dõi huyết thống của Muhammad ibn Abdul Wahhab (chết năm 1792).

Ibn Saud có 17 thê và hàng trăm thiếp, sinh ra ít nhất là 45 hoàng tử (trong số này có thái tử Abdullah), nhưng bà vợ cưng nhất là Hussah bint Ahmad Sudair (đã có với chồng trước Abdul Aziz một con riêng tên là Saad) thuộc một vọng tộc Najd, có với ông bảy hoàng tử rất thân thiết với nhau, gọi là tập đoàn “bảy Sudairi” (dưới đây gọi là phe mẫu hậu), đều giữ những chức vụ quan trọng: vua Fahd, sinh năm 1921, Sultan sinh năm 1927 là Ðệ Nhị Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng Quốc Phòng, Abdul Rahman sinh năm 1931 doanh thương, Turki sinh năm 1933 là Thứ trưởng Quốc Phòng, Nayef sinh năm 1934 là Bộ trưởng Nội Vụ, Salman sinh năm 1936 là thủ hiến Riyadh, Ahmad sinh năm 1940 là Thứ trưởng Nội Vụ. Họ được coi là tân thời nhất trong hàng ngũ tinh hoa của chế độ, theo truyền thống Wahhabi, dựa vào các thế lực Ki tô giáo để dẹp các giáo phái khác nên liên hệ chặt chẽ với HK.

Thái tử Abdullah tuy không ở thế mạnh nhưng đã được vua chỉ định thừa kế và có khi đã là người thực tế cai quản đất nước, chỉ huy Vệ Binh Quốc Gia, cũng khó đánh đổ. Ông sinh năm 1923, là một tín đồ Hồi giáo sùng đạo và có xu hướng bài Mỹ; có tinh thần quốc gia không theo chủ thuyết cơ bản Wahhabi, trái lại chủ trương Hồi giáo đa nguyên trong quyền lợi của sự thống nhất Ả Rập; tuy cương quyết ủng hộ Yasir Arafat, Hamas và những phe Ả Rập kháng chiến chống Israel, lại thuận thảo với vua Hussein và Abdullah của Jordan là những ngươi đã thừa nhận quốc gia Do Thái, ca tụng diễn biến hòa bình bắt đầu từ 1993 ở Oslo và đưa ra sáng kiến hòa bình Do Thái-Palestine vào cuối tháng 4.2002 khi ông thăm TT Bush tại Crawford, Texas, tháp tùng có hoàng tử Abdul-Aziz bin Fahd là con út của vua Fahd, và Shaykh Saad al-Buraik, một giáo sĩ Wahhabi nổi tiếng là ghét Do Thái.

Cầm đầu phe mẫu hậu là hoàng tử Sultan, với tư cách là Bộ trưởng Không Quân và Quốc Phòng có những giao dịch mật thiết với giới lái súng Mỹ nên rất giầu và rất có thế lực đối với HK, lại có con là hoàng tử Bandar sinh năm 1950, làm đại sứ tại HK. Hai cha con ông được người Mỹ biết nhiều nhất vì hay xuất hiện trên TV. Phe mẫu hậu tiếp nối truyền thống Wahhabi cuồng tín, bảo thủ, thâm thù Shia, có nhiều quyền hơn cả và cũng tham nhũng và khắc nghiệt hơn cả, do đó cũng bị dân ghét hơn cả nhưng được Mỹ yêu quí hơn cả. Dưới đây là một vài trường hợp chứng minh chính sách của phe này.

Năm 1980, tù trong khám Dammam hát mừng lễ Hồi giáo Eid al-Fitr, bị các quản ngục Wahhabi vốn ghét ca nhạc, tách họ ra từng nhóm nhỏ và đánh đập; hoàng tử Nayef ra lệnh đánh mỗi người 100 roi không cần xét xử. Học trò nhỏ Shia, bị các thầy Wahhabi nhục mạ vì tín ngưỡng của chúng, phản đối, liền bị hoàng tử Meqran ra lệnh quất mỗi đứa 300 roi. Cũng vì lý do như vậy năm 2001 bốn học sinh trung học Shia ở Najran 16-17 tuổi bị lên án từ 2 đến 4 năm tù và từ 500 đến 800 roi. Một thầy bói Shia tên là Shaykh Mahdi Theab al-Mahaan bị tù 3 năm và ăn 3,000 roi, được thả vào tháng giêng 2002. Tờ Wall Street Journal thuật lại lời của Shaykh Ahmed Turki al-Saab về những khó khăn mà người Hồi giáo Shia ở Ả Rập Saudi phải đối phó khiến ông này bị bắt ngày 15.1.2002, ra tòa ngày 23.4.2002, không có quyền cãi hay nhờ luật sư biện hộ, bị xử 7 năm tù và 1,200 roi. Ðầu năm 2002 một người ở Jedda bị đánh 4,750 roi về tôi thông dâm với chị (hay em) vợ.

Kinh Koran qui định có ba tội bị phạt trượng hình: ngoại tình phải có bốn nhân chứng, phạt không quá 100 roi; phỉ báng phạm danh dự phụ nữ, 80 trượng tối đa; uống rượu, từ 40 đến 80 roi. Hơn nữa đánh đòn cốt ý là làm nhục chứ không phải làm đau: phải đánh bằng vải cuộn lại hay cành cây nhỏ, lại không được đánh hết sức, tay không đươc giơ quá thắt lưng. Thế mà ở Ả Rập Saudi thường dùng gậy gỗ và dây cáp kim loại và bị phạt hàng ngàn roi là thường. Kinh Koran không bằng lệnh Wahabbi.

Nền giáo dục hoàn toàn căn cứ trên chủ thuyết Wahhabi. Ngay từ lớp vỡ lòng, học sinh đã được dạy phải coi ShiỖa là tội lỗi và là một âm mưu Do Thái vì thế phải căm thù cả ShiỖa lẫn Israel. Các thư viện chỉ có sách Wahhabi. Ngày 11.3.2002, trường nữ trung học số 31 ở Mecca bị cháy, 14 người chết và hàng chục người bị thương vì các nữ sinh thấy lửa cháy chạy ra chưa kịp choàng khăn che mặt bị mutawiyin (dân quân tôn giáo hay chí nguyện quân) đuổi quay trở vào và tấn công những người muốn cứu các cô gái lâm nguy. Thái tử Abdullah ra lệnh chuyển việc giáo dục nữ sinh từ thẩm quyền Wahhabi sang cho chính quyền, bị các hoàng thân Sultan và Nayef của phe mẫu hậu phản đối. Dân chúng phẫn uất biểu tình trên toàn quốc, được các người thân Palestine và Shia nhập bọn. Chính quyền đánh đập và bắt bớ để giải tán. Các người cảm tình với bin Laden nhân dịp lên án hỗn loạn nội bộ của nền quân chủ, nhưng cũng không quên chỉ trích thái tử Abdullah đã truất quyền giới giáo sĩ Wahhabi.

Hoàng tử Sultan với tư cách là Bộ trưởng Quốc Phòng là chỉ huy trưởng quân đội. Thái tử Abdullah nắm Vệ Binh Quốc Gia. Các chính khách thường dựa vào quân đội để đảo chính và vào Vệ Binh để chống đảo chính. Việc chống đối giữa hai người ngấm ngầm từ lâu, bộc phát nhân dịp thái tử Abdullah đi họp thượng đỉnh ở Muscat, thủ đô Oman, vào tháng 12.1995. Ở nhà, hoàng thân Sultan triệu tập Hội Ðồng Tối Cao ulema và xin đảo chánh không đổ máu để hỗ trợ ông được chỉ định làm thái tử, đồng thời truất quyền chỉ huy Vệ Binh của thái tử Abdullah, lấy cớ là Vệ Binh của ông đã bất lực trong vụ đánh bom tháng 11.1995. Ulema không những từ chối mà còn đem âm mưu này tố cáo với Abdullah vì cho rằng HK chủ mưu đưa cha con Sultan và Bandar lên nắm quyền. Bảy Sudairi cũng không hoàn toàn là một khối. Hai hoàng thân Salman, thủ hiến Riyadh và Nayef, Bộ trưởng Nội Vụ cấu kết với nhau mưu đồ tranh ngôi thái tử, chống cả Abdullah lẫn hai cha con Sultan-Bandar.

Lúc này tình hình Hồi Quốc rất hỗn loạn, TT Bhutto có thể bị lật đổ vì MQM (Muhajir Qaumi Movement), một phong trào Hồi giáo bạo hành của di dân Ấn Ðộ. Tháng 1.1996, cơ quan tình báo ISI của Hồi Quốc được tin các lãnh tụ MQM sẽ hành hương Mecca và sẽ xin tị nạn chính trị. Bộ trưởng Nội Vụ Hồi Quốc Nasirullah Bahar liền bay sang Riyadh gặp hoàng thân Nayef đề nghị đem Hassan al-Saray liên can đến vụ đánh bom tháng 11.1995 và đang ẩn nấp tại Hồi Quốc đổi lấy các lãnh tụ MQM. Hassan al-Saray bị tra khảo, khai ra một số người hỗ trợ, (kể cả 4 người Saudi đã bị bắt và chặt đầu) và tiết lộ đường dây đem lậu chất nổ và các người khủng bố từ Syria qua Jordan.

Nhờ tin khai thác được từ al-Saray và tin tình báo Jordan, an ninh Saudi chặn được một xe chở hơn 84 pounds chất nổ ở trạm kiểm soát biên giới Jordan-Ả Rập Saudi. Ngày 20.4.1996, hoàng thân Nayef họp báo, nêu lên sự kiện là các can phạm trong vụ đánh bom tháng 11.1995 và vụ chặn bắt chất nổ vừa qua đều là người Saudi, như thế không có người ngoài liên can đến khủng bố ở Ả Rập Saudi. Mấy ngày sau Nayef lại loan tin bắt thêm 4 người liên quan đến vụ đánh bom. Lên TV, một người khai có gặp Osama bin Laden và là bộ hạ của ông này. Hoàng thân Salman tự hào là vẫn bí mật liên lạc với bin Laden nhờ chuyển các hỗ trợ cho các jihad Hồi giáo trên khắp thế giới trong mục đích rất thực dụng là thà mất tiền để bọn khủng bố đi làm ăn chỗ khác để cho Ả Rập Saudi được yên thân.

Tất cả các biến cố này khiến nhóm Salman-Nayef tăng uy tín và cha con Sultan lo ngại. Tháng 4.1996, Sultan làm một cú liều. Sau vụ tán tỉnh ulema bất thành và hết hy vọng làm thái tử, ông mời các thành viên già trẻ của nhóm mẫu hậu họp khẩn cấp ở Riyadh để bàn việc chuyển quyền cho thế hệ trẻ, cảnh giác rằng thái tử Abdullah lên ngôi sẽ hạn chế quyền hành của tập đoàn Sudairi. Nhưng chính Abdullah cũng già rồi, giới trẻ phải chủ động nắm lấy quyền bính và lãnh đạo giới trẻ thì không ai hơn con ông tức là hoàng thân Bandar. Ông được vua Fahd tán thành đề nghị; về sau hoàng thân Bandar bin Sultan và hoàng tử Muhammad bin Fahd, con vua Fahd, liên minh với nhau lãnh đạo thế hệ trẻ. Nhưng ngay trong giới trẻ liên minh này cũng còn những đối thủ khác.

Ibn Saud có 20 người cháu gọi bằng ông nội, trong số ấy ngoài tập đoàn bảy Sudairi và các hoàng tử con vua Fahd, còn có 8 hoàng tử con vua Faisal bin Abdul-Aziz, trong số đó có: Saud sinh năm1941, Ngoại trưởng và hoàng tử Turki, sinh năm 1945, trưởng ban tình báo quốc ngoại cho đến ngày 31.8.2001 bị mất chức vì có tin đồn là rất thân với Osama bin Laden. Công chúa Hayfa con gái vua Faisal lấy hoàng thân Bandar bin Sultan. Qua bà công chúa này, hoàng thân Saud điều đình với hoàng thân Bandar: Saud vẫn giữ chức Ngoại trưởng nhưng Bandar nắm thực quyền ngoại giao, đổi lại Saud không cản đường anh em Bandar. Bandar đồng ý.

Hai hoàng thân con vua Abdul-Aziz là Mishaal sinh năm 1925 có thời làm Bộ trưởng Quốc Phòng (1951-5) và thủ hiến Mecca và Talal sinh năm 1931 trước làm Bộ trưởng Giao Thông (1953-4), Tài Chánh (1960-1), năm 1962 phản đối các hoàng thân phóng túng, phải lưu vong sang Ai Cập, hồi hương năm 1964, làm đặc phái viên tại UNESCO từ 1979 cũng nhẩy ra đòi ghế thái tử.

7. IRAN: từ SHAHANSHAH đến AYATOLLAH

Bắt đầu với triều đại Qajar, Iran là nước nhiệt tâm Tây phương hóa. Với triều đại Pahlavi kế tiếp, công cuộc Tây phương hóa đã lên đến tột đỉnh. Dưới hai triều đại này Shah (vua) trở thành Shahanshah, tức là Vua của các vua. Tiếc rằng công cuộc Tây phương hóa của Iran lần hồi đã biến thành Tây độc hóa và là nguyên nhân của cuộc cách mạng cơ bản chủ nghĩa vẫn còn tiếp diễn đến nay.

Trên đây đã nói đến việc Karim Khan của bộ lạc Zand dẹp yên nội loạn và lên cầm quyền nhưng chẳng bao lâu bị triều đại Qajar thay thế, đặt Iran dưới chế độ độc tài, cổ hủ, ngu dân, bần hàn, lạc hậu và phân hóa.

Agha Muhammad thuở nhỏ bị người Zand bắt làm con tin, đem thiến và nhốt trong cũi, lớn lên thành một quái vật tàn ác thâm thù người Zand, năm 1794 lãnh đạo người Qajar, một bộ lạc Thổ từ Mazandaran, nổi lên tàn sát người Zand, tự xưng shah, đóng đô ở Tehran, năm 1797 bị ám sát. Cháu ông là Fath Ali nối ngôi, củng cố địa vị bằng cách gả 20 công chúa cho các danh gia vọng tộc ở tỉnh và cưới vợ cho 200 hoàng tử toàn là con gái các nhà quyền qúy, đẻ con ra đều được phong vương, đến nỗi người đời ấy châm biếm: “Ở Iran chỗ nào cũng có lạc đà, chấy rận và hoàng thân”. Anh và Nga có tham vọng bành trướng lấn đất, Fath Ali Shah không chống cự nổi, năm 1813 mất Armenia, Georgia và bắc Azerbaijan cho Nga, năm 1828 mất thêm biển Caspian. Ðể gỡ thể diện, Shah đòi tỉnh Herat ở A Phú Hãn, bị người Anh đánh bại, khiến Iran mất cả đất lẫn uy tín.

Ðến đời shah Qajar thứ ba, có người trẻ tuổi tên là Mirza Ali Muhammad tự nhận là “Mahdi” tức là vị cứu thế, là “Bab” tức là người được coi là thừa kế của Muhammad, mở ra chi phái Bahai, dần dần tách khỏi giáo phái Shi’a Hồi giáo, kêu gọi đốt kinh Koran, chặt đầu các mullah, phá cả đền thờ lẫn cung điện và giết hết những người “ngoại đạo”. Dĩ nhiên cả shah lẫn ulama (giới giáo sĩ) Shi’a phẫn nộ. Ở Iran, Shi’a là quốc giáo và giới giáo sĩ là giới qúy tộc Shi’a; thường dân phải tuân lời họ. Ulama gồm các mullah, nghĩa là thầy, phân biệt bởi cái khăn quấn đầu, mầu đen là của hậu duệ Ngôn sứ, mầu trắng là của những người khác. Ðạo Bahai, chống đối cả thần quyền lẫn thế quyền, đang lan tràn khắp Iran, phản kháng các cuộc chiến tranh với Nga và Anh. Năm 1850 Mirza Ali Muhammad, mới 25 tuổi, bị hành quyết. Trong một cuộc đụng độ năm 1851 ở Zenjan, quân đội nhà nước giết hết giáo dân Bahai, nam phụ lão ấu không sót một người.

Khi Shah thứ tư của nhà Qajar là Nasir ed-Din, 17 tuổi lên ngôi năm 1848, sáu nơi trong nước nổi loạn, trong triều thì quan nhiếp chánh Mirza Taqi Khan Farahani Amir-i Nazam, thường gọi là Amir Kabir, lên làm tể tướng, đối ngoại cố giữ thăng bằng giữa hai lực lượng Anh Nga, đối nội giảm dần quyền thế của giới giáo sĩ. Theo tập quán của bộ lạc Qajar, khi vua chết, hoàng thái hậu Mahd Ulya phải thành hôn với tể tướng nhưng Amir Kabir lại chê bà già, muốn cưới con gái bà mới 14 tuổi khiến bà hận quá, nổi lên đánh tể tướng của con nhưng thua trận đầu, bèn quay lại dùng chính shah con bà đánh lại tể tướng. Ngày 11.11.1851 Amir Kabir bị shah cất chức và bị quân hầu cận giết chết, trở thành vị anh hùng tuẫn giáo chống thù trong giặc ngoài.

Năm 1852, theo kiểu mẫu trường võ bị St. Cyr của Pháp, Iran mở viện Bách khoa Darul-Fonun, dạy cả kỹ thuật, toán, ngoại ngữ, và y khoa. Con nhà quyền quý cũng Tây du, nhất là đi Pháp học. Hồi hương, họ cho rằng văn hóa và tôn giáo cổ truyền phải chịu trách nhiệm về hiện tình đất nước. Họ chủ trương hiện đại hóa, Tây phương hóa và thế quyền hóa chính quyền. Họ muốn Iran có tự do, dân chủ và công bằng xã hội. Nhưng Iran của Shi’a nguyên thủy đã có những thứ ấy từ lâu, chính Ali và Hussein đã chả chết vì chống lại độc tài để bảo vệ chúng hay sao? Vì thế, giới giáo sĩ tuy có cảm tình với tư tưởng phóng khoáng Tây phương nhưng vẫn e ngại, vì biết rằng họ không thể uốn nắn văn minh Tây phương theo văn hóa và căn tính của họ như trước kia đã biến cải Hồi giáo của Ả Rập. Trong khi đó những hiện tượng trước mắt càng xác tín với họ rằng chỉ vì không duy trì văn hóa, tôn giáo và căn tính Iran nên Iran mới sa đọa đến thế.

Muốn khoác cho Iran bộ áo văn minh, Nasir ed-Din Shah cho kiến thiết Tehran thành một kinh đô nguy nga tráng lệ, có tường bao quanh với bốn cửa thành, có các công viên với cỏ hoa tốt tươi, có đường xá rộng rãi dưới bóng cây xanh mát, có phố phường với các cửa hàng ban đêm rực sáng ánh đèn, có Hoàng cung Gulistan lộng lẫy đồ sộ khoe sự giàu sang của triều đại, trong đó, bên cạnh cái ngai khổng tước cao 2 thước tây, cẩn 26,733 viên đá quý, trị giá 13 triệu Mỹ kim thời đó, là quả địa cầu đường kính 50 phân tây cẩn 18,200 ca-ra đá qúy để vẽ hình thể các nước, riêng Iran là một quần tụ kim cương nằm bên Vịnh Ba Tư bằng bích ngọc. Shah, bây giờ phải gọi là Shahanshah (vua của các vua), có tám tước hiệu để vinh danh ông. Năm 1873, ông cùng đoàn tùy tùng và cung phi công du Âu Châu; đến Luân Ðôn ông đề nghị tặng $500,000 cho công nương Margaret Beaufort nếu chịu gia nhập haram (nội phủ) của ông, trong đó mới chỉ có 1,600 cung nữ và thái giám. Năm 1878 rồi 1889, ông lại đi Âu Châu, nhưng những lần này ông đã hoàn toàn đổi mới, mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, cạo bộ râu xồm, trút bỏ quần áo rộng thùng thình và cái khăn tày vố, diện Âu phục; ngoài các bà đầm không che mặt, mặc áo hở cổ, hở ngực, ông rất hâm mộ vũ khí Âu Châu và rất muốn dùng kỹ thuật Tây phương. Ông không hề quan tâm đến tình trạng đói khổ của dân. Năm 1890, thuế và tiền tịch thu trong nước không đủ cung cấp cho những phung phí công ngân, shah bán đặc quyền khai thác quặng mỏ, hỏa xa, ngân hàng và tổ chức sổ số cho các cá nhân, công ty và quốc gia Âu Châu. Người dân Iran, nhất là giới thương gia, bazaari, chống đối những nhũng lạm của shah và ảnh hưởng ngày càng tăng của Tây phương bằng quốc gia chủ nghĩa chứ không phải bằng cái thứ dân chủ Tây phương. Ðến khi Shah bán độc quyền mua thuốc hút cho British Imperial Tobacco Company để lấy 15,000 bảng Anh mỗi năm, thì đó là giọt cuối cùng làm tràn ly nước đã quá đầy. Tháng 12.1891, Sheikh Shirazi công bố trên toàn quốc một fatwa (giáo chỉ) chống lại đặc quyền thuốc hút. Shah đành chịu thua, chán nản quay sang ăn nhậu, đi săn và nuôi… mèo bốn chân. Năm 1896, ông bị Muhammad Reza ở Kerman bắn chết. Một ông vua thích súng bị chết vì súng!

Con trai ông là Muzaffar ed-Din, 43 tuổi, kế vị; năm 1900 vay của Nga 22 triệu đồng rúp để du lịch Âu Châu, giao cho một người Bỉ đứng ra thu quan thuế để trả nợ. Dân đói khổ lại thêm nạn châu chấu, đến khi thủ tướng Ain ed-Dawla (đường săng đại huynh Ba Tư) tăng giá đường, thì dân chúng tứ phía nổi lên đòi cách chức thủ tướng. Ngày 12.1.1906 Shah nhượng bộ giới giáo sĩ nhưng vẫn giữ thủ tướng. Trí thức, sinh viên học sinh, thương gia… xuống đường. Shah lại phải nhượng bộ, ngày 7.10.1906 đến dự buổi khai mạc Majlis (Quốc hội). Chính Quốc Hội này biểu quyết 51 điều khoản Hiến Pháp mới, chấm dứt nền quân chủ chuyên chế của Iran. Trên giường bệnh, trước khi nhắm mắt lìa đời, Shah mới chịu phê chuẩn Hiến Pháp. Ðây là một thắng lợi của giới giáo sĩ làm cách mạng, đại diện bởi Muhammad Tabatabai, Abdullah Behbahani và Fazlollah Nuri.

Sheikh Fazlollah Nuri (phe bảo thủ) tố cáo là Hiến Pháp chỉ là sản phẩm Tây phương, phản bội sharia truyền thống, Hồi giáo và tổ quốc. Kết quả là các Luật Bổ Túc năm 1907 phải thêm điều khoản rằng mọi dự luật phải được một ủy ban gồm năm mujtahid (luật gia Shi’a) thông qua mới thành luật được. Thắng lợi rồi, phe bảo thủ và phe lập hiến tiếp tục tranh chấp; rồi đến lượt phe lập hiến phân hóa về quy chế cho tín đồ Shi’a và những người không phải là tín đồ Shi’a. Tabatabai thấy rằng đằng nào thì 90% dân chúng cũng là tín đồ Shi’a nên không thấy những người khác có thể là một hiểm họa. Behbahani lại thấy rằng phe Hiến Pháp cố tình thế quyền hóa chính quyền và đề ra quyền bình đẳng cho Ki tô giáo, Bái Hỏa giáo và phái Sunni là để hạ bệ Shi’a và bọn họ.

Giữa không khí tranh đấu sôi nổi như thế, tháng 1.1907, con của Muzaffar ed-Din Shah là Muhammad Ali, vô hạnh bất tài, lên ngôi shah. Anh và Nga cùng muốn lấy Iran để làm con đường xâm lăng Ấn Ðộ nhưng cả hai đều biết là đụng độ nhau là bất lợi nên ký hiệp ước tháng 8.1907, chia Iran làm hai vùng ảnh hưởng, Nga tại miền bắc, Anh ở miền nam, phần giữa có Tehran để cho Iran. Thấy bênh Shah lợi hơn, Anh trước kia ủng hộ phe Hiến Pháp tức là phe cải cách nay bỏ rơi. Nga thì giúp Shah diệt Quốc Hội (Majlis) để ông nắm lại toàn quyền hành động và phục vụ cho quyền lợi ngoại bang. Ngày 23.6.1908, dân biểu tình chống lại Shah cõng rắn cắn gà nhà. Sĩ quan Nga điều động quân đội chống lại trong 6 giờ, bắt nhiều người biểu tình, trong đó có Tabatabai, Behbahani và một tùng đệ của Shah; một số về sau bị xử bắn. Các tỉnh nổi loạn, lính Nga tiếp tục đàn áp. Dân được trung tâm Shi’a ở Najaf, Iraq tiếp viện. Ngày 15.7.1909, phe Hiến Pháp chiếm cửa nam Tehran, Muhammad Ali Shah phải tị nạn trong đại sứ quán Nga, Majlis coi như thế là Shah thoái vị, đưa con ông là Sultan Ahmed, 12 tuổi, lên ngôi. Phe Hiến Pháp đưa Fazlollah Nuri ra toà và xử tử. Ngày 24.12.1911, nội các của Shah với sự hỗ trợ của 12,000 lính Nga ở bắc Iran đảo chánh chống lại Majlis. Năm 1919, thỏa ước Anh-Ba Tư công nhận độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Iran nhưng cho Anh thế thượng phong. Quốc hội Iran không chịu phê chuẩn. Triều đại Qajar (1795-1925) trị vì Iran 130 năm, đã đến lúc bị nhà Pahlavi thay thế.

*

(còn tiếp)

Trích từ : Vùng Dầu Sôi Lửa BỏngTạp chí Người Dân

1 thoughts on “Trung Đông : vùng Dầu Sôi Lửa Bỏng

Bình luận về bài viết này