Truyện thơ các dân tộc thiểu số

khanpieu010

GSTS Nguyễn Xuân Kính

  1. Quá trình sưu tầm, công bố truyện thơ các dân tộc thiểu số

Truyện thơ các dân tộc thiểu số là một thể loại văn học dân gian thuộc loại hình tự sự, bao gồm những tác phẩm có hình thức văn vần, được kể, được hát, được ngâm, đọc (kể cả trước và sau khi đã được ghi chép) và thường có nội dung thể hiện thân phận con người và cuộc sống lứa đôi. (1)

  1. Điểm lại việc sưu tầm, công bố truyện thơ các dân tộc thiểu số theo từng thập niên

Lịch sử công bố truyện thơ dân gian các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được bắt đầu vào nửa cuối những năm 50 của thế kỉ XX. Tác phẩm nào có vinh dự được công bố đầu tiên? Đó là truyện thơ Thái Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu).

Năm 1957, bản dịch truyện thơ này do Điêu Chính Ngâu thực hiện được

xuất bản ở Hà Nội (2). Năm sau, cũng tác phẩm này, được Sở Văn hoá Khu tự trị Thái Mèo xuất bản, do Điêu Chính Ngâu, Hà Hem, Cầm Biêu khảo đính. Theo lời của nhà văn Mạc Phi, bản tiếng Việt do Sở Văn hoá Khu tự trị Thái Mèo xuất bản dài hơn bản do Nhà xuất bản Hội Nhà văn công bố là 30 câu. (3) Cả hai lần công bố đều là bản dịch tiếng Việt. Như thế, lần đầu tiên truyện thơ của dân tộc Thái được đến với bạn đọc cả nước. Cũng theo lời nhà văn Mạc Phi, tác phẩm này chưa hề được nói đến trên sách báo thời Pháp thuộc.

Năm 1960, Hà Hem, Lò Văn Cậy, Mạc Phi khảo đính, biên soạn một bản Xống chụ son sao (tiếng Thái), gọi tắt là bản 1960. Bản này có dung lượng dài hơn các bản tiếng Việt đã công bố năm 1957 (tại Hà Nội), 1958 (tại Tây Bắc); diễn biến của cốt truyện và của tâm trạng nhân vật có sự nhất quán rõ rệt, tất cả những chỗ lầm lẫn đã phát hiện đều được so sánh, sửa lại. Năm 1961, Nhà xuất bản Văn hoá (thuộc Viện Văn học, Hà Nội) công bố bản dịch tiếng Việt dựa trên bản tiếng Thái năm 1960. Trong bản dịch này, nhà văn Mạc Phi đã thực hiện công việc khảo dị, chú thích hết sức kĩ lưỡng và cẩn thận. Còn nguyên bản tiếng Thái Xống chụ xon xao được Sở Văn hoá Khu tự trị Thái Mèo xuất bản năm 1962 (không in phần dịch tiếng Việt).

Năm 1961, Ty Văn hoá Cao Bằng xuất bản Nam Kim – Thị Đan (truyện thơ Tày) do Vũ Khoanh sưu tầm, Hoàng Hưng hiệu đính. (4)

Năm 1962, Nhà xuất bản Văn hoá công bố tập Văn học thiểu số trong bộ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam. Tập này do Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Mạc Phi, Hoàng Thao, Hà Văn Thư biên soạn. Tập này có mục “Truyện thơ”, với bản dịch tiếng Việt các tác phẩm sau: Nam Kim – Thị Đan (dân tộc Tày, do Nông Minh Châu trích dịch và chú thích), Út Lót – Vi Điêu (dân tộc Mường, do Đinh Sơn sưu tầm và trích dịch), Hùy Nga – Hai Mối (dân tộc Mường, trích dịch, tài liệu của Ty Văn hoá Hoà Bình), Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu, dân tộc Thái, trích bản dịch tiếng Việt của Mạc Phi đã được Nhà xuất bản Văn hoá công bố năm 1961), Khun Lú – náng Ủa (Chàng Lú – nàng Ủa, dân tộc Thái, trích bản dịch của Mạc Phi).

Như thế là năm 1962, Khun Lú – náng Ủa chỉ mới được trích dịch. Theo nhà văn Mạc Phi, những bản sách cổKhun Lú – náng Ủa là sách được người Thái chép bằng bút lông, mực nho trên giấy rướng, một thứ giấy mà đồng bào gọi là “chỉa năng sa”. Đây là một thứ giấy bản làm bằng vỏ cây rướng (một loại dó) do nhân dân địa phương tự sản xuất. Cho đến năm 1964, chỉ tính riêng những bản sách quý còn trọn vẹn từ trang đầu đến trang cuối được lưu trữ tại Sở Văn hoá – Thông tin Khu tự trị Tây Bắc cũng đã có tới trên hai chục bản. Tất cả các bản sách này “đều không có ghi một chỉ dẫn nào về chủ sách, người chép sách, sách sao theo bản nào, được tiến hành tại đâu, vào ngày tháng năm nào?” (5). Tháng 8 năm 1962, Sở Văn hoá Khu tự trị Thái – Mèo (sau đổi là Sở Văn hoá – Thông tin Khu tự trị Tây Bắc) đã cho công bố một văn bản Chàng Lú – nàng Ủa in máy, nguyên văn tiếng Thái, dài 1912 câu, sách dày 80 trang, khổ 13 x 19 cm. Đây là bản in đầu tiên của tác phẩm. Bản in này lấy một bản chép tay sưu tầm được ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La làm bản chính. Trong khi hiệu đính, những người soạn có đem so sánh, khảo dị với nhiều bản chép tay khác. “Nói chung, văn bản được xác lập một cách nghiêm túc, có công phu” (6). Năm 1964, bản dịch Chàng Lú – nàng Ủa của Mạc Phi được xuất bản tại Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội. Cũng giống như bản dịch Tiễn dặn người yêu, bản dịch này được nhà văn tiến hành khảo dị, chú thích rất kĩ lưỡng.

Năm 1964, Nhà xuất bản Văn học công bố hai tập Truyện thơ Tày – Nùng, do nhà thơ Nông Quốc Chấn giới thiệu. Trong hai tập này có bản dịch bảy truyện thơ: Nam Kim – Thị Đan (bản dịch của Nông Viết Toại, Hà Vũ Khoanh, Hoàng Rạng); Lưu Đài – Hán Xuân (bản dịch của Hoàng An Định); Kim Quế (bản dịch của Hoàng Tuấn Nam); Truyện chim sáo (bản dịch của Hoàng An Định); Đính Quân (bản dịch của Nông Minh Châu); Quảng Tân – Ngọc Lương (bản dịch của Nông Minh Châu); Trần Châu (bản dịch của Hoàng Quyết). (7) Việc in ấn được thực hiện chính xác, khoa học, nhiều từ ngữ, chi tiết khó hiểu được chú giải thoả đáng đối với người đọc tiếng phổ thông.

Về truyện thơ Mường, năm 1964, Nhà xuất bản Văn học in cuốn sách Truyện thơ Mường với bản dịch bốn tác phẩm: Út Lót – Hồ Liêu, Nàng Nga – Hai Mối, Nàng Ờm – chàng Bồng Hương, Nàng Con Côi, do Minh Hiệu và Hoàng Anh Nhân sưu tầm, dịch và giới thiệu. (8) Khâu xử lí dị bản được tiến hành khoa học. Thí dụ, có nhiều bảnÚt Lót – Hồ Liêu, Minh Hiệu ghi được sáu bản có đủ từ đầu đến cuối cốt truyện. Nhưng mỗi bản lại có những điểm khác nhau, về số lượng, có bản ngắn chỉ độ 150 câu, bản dài nhất gần 500 câu, có đoạn ở bản này được kể tới gần một trăm câu thì ở bản khác lại chỉ tóm lại trong vài câu. Ngoài sáu bản trên, Minh Hiệu còn ghi được hàng chục đoạn lẻ tẻ, khá chi tiết từ lời kể của những người nhớ không đầy đủ. Trong khi dịch, Minh Hiệu đã so sánh, đối chiếu và chắp nối, chỉnh lí lại, để có một bản tương đối hoàn chỉnh. Sau đó, người biên soạn đem đọc cho một số nghệ nhân và cán bộ người dân tộc Mường nghe. “Những người được hỏi ý kiến đều nhất trí thừa nhận bản dịch này vừa giữ được nội dung thống nhất, vừa đầy đủ các chi tiết, và trật tự sự việc xảy ra cũng hợp lí hơn. Về lời thơ được chọn lấy ở các bản khác nhau để dịch vào bản này cũng làm được tương đối thoả đáng”. (9)

Về truyện thơ H’mông, năm 1964, truyện thơ Lù chạ ua nhăng (Tiếng hát làm dâu), do Bùi Lạc sưu tầm, Bùi Lạc và Mạc Phi dịch, chú thích, được Nhà xuất bản Tây Bắc công bố. Lúc này, tác phẩm được gọi là “dân ca”. Đáng chú ý, đây là một truyện thơ được công bố đồng thời cả bản dịch tiếng Việt và bản phiên âm tiếng dân tộc. Đáng quý hơn nữa, công việc này lại do một nhà xuất bản địa phương thực hiện.

Năm 1967, Nhà xuất bản Văn học công bố tập Dân ca Mèo (10) do Doãn Thanh sưu tầm, biên dịch. Sách không có phần phiên âm tiếng dân tộc. Ở đây có truyện thơ Nàng Nhàng Dợ – chàng Chà Tăn (11).Truyện này khá phổ biến ở vùng Sa Pa (Lào Cai).

Như vậy, ở những năm 60 của thế kỉ XX, bên cạnh truyện thơ Thái, đã có thêm truyện thơ Tày – Nùng, truyện thơ H’mông, truyện thơ Mường được xuất bản.

Năm 1973, truyện thơ Xống chụ xon xao do Mạc Phi dịch được Nhà xuất bản Văn học tái bản, có sửa chữa. Ở đây chỉ có bản dịch tiếng Việt.(12)

Cùng năm 1973, Nhà xuất bản Văn hoá công bố truyện thơ Mường Đang vần va do Đinh Văn Ân sưu tầm và dịch. Truyện này còn có một tên gọi khác là Vườn hoa núi Cối. Người Mường ở Hoà Bình có lưu truyền truyện này. Bản do Đinh Văn Ân sưu tầm là một dị bản của người Mường ở bản Thải, châu Phù Yên, tỉnh Sơn La. Sách này không có phần phiên âm tiếng dân tộc.

Cũng trong năm 1973, truyện thơ Thái Khăm Panh (do Bùi Văn Tiên, Vương Anh, Hoàng Anh Nhân phiên âm, dịch) được Ty Văn hoá Thanh Hoá xuất bản. Tuy đây là một quyển sách do địa phương xuất bản nhưng có cả phần phiên âm tiếng Thái và bản dịch tiếng Việt. Để công bố tác phẩm này, Tiểu ban Văn nghệ dân gian của tỉnh Thanh Hoá đã tiến hành việc đối chiếu các văn bản tiếng Thái với lời kể của các nghệ nhân. Sau khi bản phiên âm và bản dịch được hoàn thành, bản thảo đã được trình bày tại hai cuộc tọa đàm, được các nghệ nhân và các vị lãnh đạo người dân tộc đọc lại, góp ý rất chi tiết. (13). Đây là một cách làm việc khoa học.

Năm 1976, Tráng Đồng (tập truyện thơ dân gian dân tộc Mường) do Mai Văn Trí, Bùi Thiện sưu tầm, biên dịch, chú thích và giới thiệu được Nhà xuất bản Văn hoá, Hà Nội công bố. Tập sách gồm có ba truyện thơ (Tráng Đồng, Cun Đủ Lang Đà, Vườn hoa núi Cối) được sưu tầm ở Hoà Bình. Đáng chú ý là, nếu những người sưu tầm, biên dịch khác cho rằng Út Lót – Hồ LiêuNàng Nga – Hai Mối là hai tác phẩm riêng rẽ thì nhóm biên dịch sách này căn cứ vào “nhiều mối liên hệ trùng lặp và bằng vào sự kể lại của một số nghệ nhân am hiểu nhiều truyện”, đã xếp chúng vào một tác phẩm và lấy tên là truyện “Cun Đủ Lang Đà” (14). Sách Tráng Đồng không có phần phiên âm tiếng Mường.

Năm 1977, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc tái bản Xống chụ xon xao (bản dịch của Mạc Phi), Khăm Panh (bản dịch của Bùi Văn Tiên, Vương Anh, Hoàng Anh Nhân).

Năm 1978, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc công bố truyện thơ Tần Chu (tức Trần Châu) của người Tày, do Cần Slao Slec chú thích, Nông Phúc Tước giới thiệu (15).

Năm 1979, Nhà xuất bản Văn học in lần thứ hai tập VI có tên là Văn học dân tộc ít người của bộ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam. Ở lần xuất bản này, tập thể tác giả được ghi như sau: “Nông Quốc Chấn chủ biên, giới thiệu; Hoàng Thao, Hà Văn Thư, Mạc Phi, Trần Văn Tấn biên soạn chú giải”. Đúng như ban biên soạn đã viết, kể từ tháng 5 năm 1962 (khi tập Văn học dân tộc thiểu số ra đời) đến khi họ chuẩn bị bản thảo để xuất bản lần này, “đã hơn 15 năm qua. Trong thời gian ấy, việc sưu tầm và giới thiệu vốn cổ văn học dân tộc ít người càng được đẩy mạnh, tiến hành có hệ thống và khoa học hơn. Bằng chứng là sự ra mắt độc giả hàng loạt cuốn trường ca, truyện thơ, các loại dân ca, truyện cổ… của nhiều dân tộc do các nhà xuất bản ở trung ương cũng như ở địa phương các tỉnh trên miền Bắc ấn hành”. Tuy rằng văn học cổ truyền của nhiều dân tộc ở miền Nam “chưa được khai thác và giới thiệu thoả đáng” (do đất nước bị chia cắt tới 30/4/1975) nhưng “chúng ta đã có nhiều cố gắng về mặt này” (16). So với tuyển tập ra đời năm 1962, tuyển tập Văn học dân tộc ít người ra mắt năm 1979 dồi dào hơn và mới hơn về tư liệu. Do đó, “thực chất cơ cấu tuyển tập Văn học dân tộc ít người lần này khác cuốn thứ nhất rất nhiều” (17). Tuyển tập lần này in thành hai quyển. Ở quyển hai có 16 truyện  thơ của năm dân tộc được trích in. Đó là bốn truyện thơ Mường: Út Lót – Hồ Liêu (Minh Hiệu sưu tầm, dịch), Huỳ Nga – Hai Mối (M.T. dịch theo bản sưu tầm của Đinh Công Niết), Nàng Ờm – chàng Bồng Hương (Hoàng Anh Nhân sưu tầm, dịch), Vần va (Đinh Ân sưu tầm, dịch); năm truyện thơ Tày – Nùng: Truyện chim sáo (Hoàng An Định sưu tầm, dịch), Nam Kim – Thị Đan (Nông Viết Toại sưu tầm, dịch), Lưu Đài – Hán Xuân (Hoàng An Định sưu tầm, dịch), Quảng Tân – Ngọc Lương (Nông Minh Châu sưu tầm, dịch), Trần Châu (Hoàng Quyết sưu tầm, dịch); bốn truyện thơ Thái: Tiễn dặn người yêu (Mạc Phi dịch), Chàng Lú – nàng Ủa (Mạc Phi dịch), Khăm Panh (Bùi Văn Tiên, Vương Anh, Hoàng Anh Nhân sưu tầm, dịch), Tóng Đón – Ăm Ca (Lò Văn Sỹ dịch); một truyện thơ Giáy: Pi Ít Trai Phù Sỹ (Thèn Sèn sưu tầm, dịch); hai truyện thơ H’mông: Nhàng Dợ và Chà Tăng (Doãn Thanh sưu tầm, dịch), Tiếng hát làm dâu (Bùi Lạc, Mạc Phi sưu tầm, dịch).

Như thế, ở những năm 70, bên cạnh việc tái bản những tác phẩm đã in từ thập kỉ trước, cả hai dân tộc Thái, Mường đều tiếp tục công bố truyện thơ mới được sưu tầm. Cho đến những năm 70, ngoài truyện thơ của bốn dân tộc Thái, Tày, Mường, H’mông, có thêm truyện thơ của dân tộc Giáy được người đọc cả nước biết đến; tuy rằng việc giới thiệu truyện thơ của dân tộc này còn hạn chế: chỉ mới tóm tắt nội dung và trích dịch (18).

Năm 1981, tập VI: Văn học dân tộc ít người (của bộ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam) được tái bản, in lại 16 bản trích dịch truyện thơ của năm dân tộc (Thái, Tày, Mường, H’mông, Giáy) mà bạn đọc đã được biết từ năm 1979.

Năm 1983, Sở Văn hoá – Thông tin Bắc Thái xuất bản cuốn sách Tam Mậu Ngọ do Bế Sĩ Uông, Ma Trường Nguyên sưu tầm, phiên âm, dịch, biên soạn và giới thiệu. Sách này công bố bản dịch một truyện thơ Nôm Tày, sưu tầm ở Bắc Cạn.

Năm 1983, Nhà xuất bản Văn hoá công bố Truyện thơ Chàm do Tùng Lâm, Quảng Đại Cường sưu tầm, biên soạn. Sách này chỉ có bản dịch tiếng Việt, gồm bảy truyện thơ:

  1. Hoà-nô (theo Nhà xuất bản Văn hoá, truyện này còn có tên là Tề-wa-mừ-nô);
  2. Y-nha Pa-tờ-ra;
  3. Hai anh em;
  4. Hoàng tử Um-rúp và cô gái chăn dê;
  5. Công chúa A-mi-sa-ra;
  6. Hoàng hậu Cư-mi-ra;
  7. Aria Chăm – Bni.

Trong số bảy truyện trên, các truyện 2, 4, 6, 7 có ghi tên người kể. Trong nhóm sưu tầm, biên soạn, Quảng Đại Cường là người Chăm. Rất tiếc đây là một tập sách kém chất lượng, thậm chí có hại (19). Sách này kém chất lượng vì Quảng Đại Cường không căn cứ vào văn bản mà chỉ dịch theo trí nhớ, vì có những chỗ dịch giả bịa ra với ngộ nhận rằng làm như vậy là “nâng cao” “cho phù hợp với nhân sinh quan thời đại” (20).

Năm 1984, bản chữ Thái La tinh Xống chụ xon xao do Mạc Phi sưu tầm và biên soạn được Nhà xuất bản Văn hoá công bố. Sách này không có bản dịch tiếng Việt.

Năm 1984, Nhà xuất bản Văn học công bố Dân ca H’mông. Sách này ghi: Doãn Thanh sưu tầm, dịch; Hoàng Thao tuyển, chỉnh lý; Chế Lan Viên giới thiệu. Sách này chỉ có bản dịch tiếng Việt. Trong phần “Tiếng hát làm dâu” có trích truyện thơ Nàng Dợ – Chà Tăng (tr. 229 – 250), trích truyện thơ A Thào – Nù Câu (tr. 250 – 268) và in đầy đủ bản dịch một tác phẩm lấy tên là truyện thơ Tiếng hát làm dâu Tây Bắc (tr. 268 – 284). Văn bản Tiếng hát làm dâu Tây Bắc (từ lời dịch đến chú thích) giống bản dịch Tiếng hát làm dâu (1964) của Bùi Lạc, Mạc Phi đến 97 – 98%.

Năm 1986, Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành Tuyển tập truyện thơ Mường, hai tập, do Hoàng Anh Nhân tuyển lựa và giới thiệu. Người soạn quan niệm “bản sử thi vĩ đại Đẻ đất đẻ nước” cũng là truyện thơ và dành trọn tập I cho nó” (21). Tập II dành cho bản dịch của bốn truyện thơ được lưu truyền ở Thanh Hoá: Út Lót – Hồ Liêu(bản dịch của Minh Hiệu), Nàng Nga – Hai Mối (Minh Hiệu sưu tầm, biên dịch, chỉnh lí), Nàng Ờm – chàng Bồng Hương (Hoàng Anh Nhân sưu tầm, biên dịch), Nàng Con Côi (Hoàng Anh Nhân sưu tầm, dịch).

Năm 1987, bản dịch truyện thơ Mường Vườn hoa núi Cối của Đinh Văn Ân được tái bản.

Như thế, trong những năm 80, có thêm bản dịch của truyện thơ Chăm được công bố, nâng thành con số đã có sáu dân tộc thiểu số có truyện thơ được xuất bản. Đáng tiếc bản dịch truyện thơ Chăm không đảm bảo giá trị khoa học và tính nghiêm túc.

Năm 1991, Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố truyện thơ Ú Thêm của người Thái do Hà Văn Ban, Hoàng Anh Nhân sưu tầm và biên dịch, Đặng Nghiêm Vạn giới thiệu. Sách này có cả bản chữ Thái, bản phiên âm chữ Thái và bản dịch (22).

Về truyện thơ của người Cao Lan, năm 1991, Uỷ ban Nhân dân huyện Đoan Hùng và Sở Văn hoá – Thông tin và Thể thao tỉnh Vĩnh Phú xuất bản bản dịch Kó Lau Slam (Truyện tình thơ Cao Lan) do Lâm Quý biên dịch.

Trong các năm 1990 – 1991, theo lời mời của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, GS. Đặng Nghiêm Vạn đã chủ trì một nhóm biên soạn gồm có PGS. TS. Đặng Văn Lung, GS. Lương Ninh, các nhà nghiên cứu Lục Văn Pảo, Chu Thái Sơn, Nguyễn Hữu Thấu, GS. Đặng Nghiêm Vạn và PGS. Lê Trung Vũ. Đến cuối năm 1991, tuyển tập do nhóm biên soạn tiến hành đã hoàn thành. Năm 1992, bộ sách được công bố với tên gọi Tuyển tập văn học các dân tộc ít người ở Việt Nam. Tuyển tập gồm bốn quyển, chỉ có bản dịch tiếng Việt, “vì chưa có điều kiện giới thiệu các tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ”. (23). Quyển thứ hai của tuyển tập có năm truyện thơ Mường: Tráng Đồng (sử dụng bản dịch của Mai Văn Trí và Bùi Thiện đã công bố năm 1976), Út Lót – Hồ Liêu (sử dụng bản dịch của Minh Hiệu đã công bố năm 1986), Vườn hoa núi Cối (sử dụng bản dịch của Mai Văn Trí (24), Bùi Thiện đã công bố năm 1976), Nàng Ờm – chàng Bồng Hương (sử dụng văn bản của Hoàng Anh Nhân công bố năm 1986 trong Tuyển tập truyện thơ Mường), Nàng Nga – Hai Mối (sử dụng văn bản của Minh Hiệu công bố năm 1986); có ba truyện thơ Thái: Xống chụ xon xao (sử dụng bản dịch của Điêu Chính Ngâu đã công bố năm 1957), Chàng Lú – nàng Ủa (sử dụng bản dịch của Mạc Phi đã in năm 1964), Ú Thêm (tuyển tập không đề là sử dụng bản dịch nào, qua đối chiếu chúng tôi thấy đây là bản dịch đã công bố trong sách Trường ca Ú Thêm do Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố năm 1991); có các truyện thơ H’mông: Tiếng hát làm dâu (sử dụng bản dịch của Doãn Thanh đã công bố các năm 1967, 1984), Nàng Dợ – Chà Tăng (sử dụng bản trích dịch của Doãn Thanh đã công bố các năm 1967, 1984), A Thào – Nù Câu (sử dụng bản trích dịch của Doãn Thanh đã công bố năm 1984), Tiếng hát làm dâu Tây Bắc (sử dụng bản dịch của Doãn Thanh công bố năm 1984). Quyển thứ ba của tuyển tập có ba truyện thơ Tày: Đính Quân, Nam Kim – Thị Đan, Lưu Đài – Hán Xuân (sử dụng bản dịch đã công bố trong Truyện thơ Tày Nùng (năm 1964), riêng đối với Lưu Đài – Hán Xuân, ông Lục Văn Pảo “đã dịch lại” những chỗ của bản dịch trước không thật dễ hiểu” (25); có bảy truyện thơ Chăm (là bảy truyện đã được Tùng Lâm, Quảng Đại Cường công bố năm 1983).

Như vậy, trên cơ sở kế thừa các thành tựu đã được công bố thành sách, trong Tuyển tập văn học các dân tộc ít người ở Việt Nam, GS. Đặng Nghiêm Vạn và các cộng sự đã giới thiệu năm truyện thơ Mường, ba truyện thơ Thái, một số truyện thơ H’mông, ba truyện thơ Tày, bảy truyện thơ Chăm. Có trường hợp các soạn giả làm công việc giám định bản dịch của người đi trước (như việc ông Lục Văn Pảo đã thực hiện đối với truyện thơ Lưu Đài – Hán Xuân). Còn ở nhiều trường hợp khác, nhóm biên soạn không giám định, không phân tích bản gốc, bản dịch, lấy nguyên xi cả bảy truyện thơ Chăm kém chất lượng (đã được phân tích ở trên). Đáng tiếc hơn, đối với những chú thích đã có ở các bản dịch trước nhằm giúp bạn đọc người Kinh (Việt) và đồng bào các dân tộc khác dễ tiếp nhận hơn và hiểu đúng hơn tác phẩm thì ở tuyển tập này, những người biên soạn lại bỏ đi. Thí dụ, trước khi trình bày bản dịch Nàng Dợ – Chà Tăng, Doãn Thanh có một đoạn tiểu dẫn cho biết tác phẩm này được lưu truyền khá phổ biến ở vùng Sa Pa, tỉnh Lao Cai, do ông Thào A Lử làm ở tuyên giáo xã Lao Chải, huyện Sa Pa kể bằng tiếng H’mông. Trong lời của nhân vật Chà Tăng ở bản dịch năm 1967 của Doãn Thanh (tr. 91) có ba dòng như sau:

“Nàng ở lại, nàng như cái chổi của mẹ của cha quét dọn (25b).

Quét dọn trên nhà dưới bếp

Ta đi, ta đi như chim lấu dì chinh (25c) ca hát chốn rừng xanh…”

Doãn Thanh đã giải thích:

(1) Ý nói nên chăm chỉ công việc nhà

(2) Lấu dì chinh (lâur zix txinh): loài chim cu, chim mái ấp trứng, chim đực chỉ quanh quẩn ở bên, mùa rét không gáy tiếng nào.

Trong quyển thứ hai của tuyển tập (tr. 649 – 650), các soạn giả bỏ đoạn tiểu dẫn của Doãn Thanh, không in nghiêng lấu dì chinh và cũng bỏ hai chú thích trên.

Năm 1993, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc công bố truyện thơ Thái Hiến Hom – Cầm Đôi do Lò Văn Cậy sưu tầm, biên soạn, Đinh Văn Ân dịch. Đây là sách song ngữ (gồm chữ Thái La tinh và bản dịch tiếng Việt).

Năm 1993, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc in cuốn sách Kó Lau Slam. Sách này có bản phiên âm tiếng Cao Lan và bản dịch thơ. Với nguyên tác là thơ bảy tiếng (bảy âm tiết) trường thiên (26), Lâm Quý dịch ra thơ Việt theo thể tự do.

Năm 1994, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc công bố Truyện thơ Nôm Tày, tập I do Hoàng Quyết và Triều Ân sưu tầm, dịch thuật, chú thích, giới thiệu. Tập này giới thiệu năm truyện thơ: Nhân Lăng, Bioóc Lả, Chiêu Đức, Lý Thế Khanh, Nho Hương. Sau lời nói đầu dài 4 trang, tập này gồm hai phần. Phần đầu là bản dịch tiếng Việt bốn tác phẩm, phần sau là bản phiên âm tiếng Tày. Sách này không có nguyên bản chữ Nôm Tày. Nếu nguyên tác là thơ bảy tiếng, không gieo vần chân như thơ Đường luật, mà vị trí gieo vần giống như hai câu song thất (trong thể song thất lục bát) của người Việt thì bản dịch cũng gieo vần như vậy (27). Trước mỗi bản dịch, dịch giả đều có bài viết ngắn phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật và cả hạn chế của tác phẩm. Phần chú giải phong phú, với dung lượng câu chữ ở từng chú giải vừa phải giúp người đọc rộng rãi hiểu tác phẩm dễ hơn. Thí dụ, ở bản dịch truyện thơ Nhân Lăng có 130 chú thích. Đối với người đọc là người Việt (Kinh) hoặc là các dân tộc khác, việc chú thích, chẳng hạn, như thế này là rất cần thiết: “(1) Hoa mạ, một loài hoa rừng nở vào mùa xuân, hương rất thơm”. (tr. 93). Bản dịch truyện thơ Bióoc Lả có 137 chú thích. Bản dịch truyện thơ Chiêu Đức có 206 chú thích. Bản dịch truyện thơ Lý Thế Khanh có 334 chú thích. Bản dịch truyện thơ Nho Hương có 261 chú thích.

Năm 1994, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc công bố truyện thơ Nam Kim – Thị Đan do Hoàng Quyết biên dịch. Với nguyên tác là “thơ bảy chữ trường thiên gieo vần lưng” (chữ dùng của Hoàng Quyết), dịch giả dịch theo thể song thất lục bát. Sau bản dịch là phần phiên âm tiếng Tày.

Năm 1995, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc công bố Tuyển tập truyện thơ dân gian Mường do Bùi Thiện sưu tầm, biên soạn, dịch. Không có bản phiên âm tiếng Mường, sách này giới thiệu bản dịch 12 truyện thơ (theo quan niệm của soạn giả) dưới đây:

  1. Dạ Dần trồng hoa
  2. Vua Dần vái thơi
  3. Đón bông cơm vía lúa
  4. Sinh nứa – Cờ pèn
  5. Đẻ Núi trọc
  6. Chàng Khoong Kheng
  7. Nàng Vật Nga (tức Truyện nàng Hằng Nga)
  8. Chàng Thông Đế Thông Đền
  9. Tráng Đồng
  10. Chàng Chiết Chiết
  11. Vườn hoa núi Cối
  12. Cun Đủ lang Dà (gồm hai truyện Út Lót – Hồ Liêu (còn gọi là Út Khót – Hồ Liêu) Nàng Nga – Hai Mối).

Khác với Bùi Thiện, ở đây có  tám tác phẩm mà chúng tôi không quan niệm là truyện thơ (từ số 1 đến số 8).Cuốn sách chưa được biên tập cẩn thận. Các truyện số 3 và số 4 có tên gọi ở lời nói đầu và mục lục khác với tên gọi ở bên trong (xem các trang 47, 58). Việc viết hoa, viết thường hết sức tuỳ tiện, thiếu nhất quán.

Năm 1996, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, công bố Văn học Chăm. Tập II: Trường ca, do Inrasara biên soạn. Trong tập này có truyện thơ Um Mưrup. (Ở sách của Tùng Lâm và Quảng Đại Cường (1983), đây là truyện Hoàng tử Um-rúp và cô gái chăn dê). Đây là cuốn sách biên soạn công phu, khoa học, trình bày tư liệu theo kiểu đối sánh: một bên là bản phiên âm tiếng Chăm, trang bên là bản dịch tiếng Việt.

Năm 1996, Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành Truyện thơ và đồng dao Thái miền Tây Nghệ An do La Quán Miên sưu tầm và dịch. Sách gồm hai phần: phần đầu là truyện thơ; phần sau là đồng dao. Trong phần truyện thơ, người soạn giới thiệu bốn tác phẩm: Trông mường, Chim phượng hoàng, Chàng Hún Lu nàng Ùa Piểm, Nàng Căm chàng Ín. Mỗi tác phẩm đều có phần phiên âm tiếng Thái và bản dịch tiếng Việt, cuối phần phiên âm tiếng Thái có ghi rõ tên, địa chỉ người cung cấp tác phẩm. Theo quan niệm của chúng tôi, hai tác phẩm đầu thuộc về dân ca, không phải là truyện thơ.

Tổng tập văn học Việt Nam là một bộ sách đồ sộ do GS. Đinh Gia Khánh làm Chủ tịch Hội đồng biên tập. Theo kế hoạch ban đầu, bộ sách gồm 36 tập với khoảng hơn 40 quyển. Năm 1980, Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố tập 1 và tập 36, tức là cắm hai cái mốc đầu tiên và kết thúc của bộ sách. Rất tiếc, trong quá trình biên soạn, do tình hình tư liệu, do có sự điều chỉnh trong việc đánh giá một số tác giả, trào lưu văn học (28), đến năm 1997 là lúc in xong tất cả công trình, bộ sách không chỉ không thống nhất về khổ sách giữa các tập (29) mà còn vượt quá con số 36 tập, tuy rằng một số tập đã phải chia thành tập A, tập B. (Thí dụ, tập 28 dành để giới thiệu phần văn xuôi lãng mạn (các sáng tác văn xuôi của Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ, Thạch Lam, Xuân Diệu), do GS. Hà Minh Đức làm chủ biên, công bố năm 1994, in thành hai tập 28A và 28B). Các tập 37A, 37B, 37C do GS. Đặng Nghiêm Vạn làm chủ biên, in xong năm 1996, dành để giới thiệu văn học các dân tộc thiểu số. Tổng tập văn học Việt Namđặt cho mình nhiệm vụ là giới thiệu một cách có hệ thống diện mạo lịch sử một nghìn năm văn học viết của Việt Nam từ thế kỉ X cho đến ngày 2 tháng 9 năm 1945 với bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bộ sách này, việc GS. Đặng Nghiêm Vạn tuyển vào cả văn học dân gian là một việc làm chưa đúng chỗ. Trong phần văn học dân gian các dân tộc thiểu số, có những truyện thơ sau: ba truyện thơ Thái (Tiễn dặn người yêu,Chàng Lú – nàng Ủa, U Thềm), ba truyện thơ Tày (Đính Quân, Nam Kim – Thị Đan, Lưu Đài – Hán Xuân), năm truyện thơ Mường (Vần Va, Tráng Đồng, Út Lót – Hồ Liêu, Nàng Ờm – chàng Bồng Hương, Nàng Nga – đạo Hai Mối), các truyện thơ H’mông (Tiếng hát làm dâu, trích Nàng Dợ – Chà Tăng, trích A Thào và Nù Câu), bảy truyện thơ Chăm (đưa tất cả các truyện trong sách Truyện thơ Chàm của Tùng Lâm và Quảng Đại Cường đã in năm 1983 vào đây) (30).

Trong hai năm 1997 – 1998, Hội Văn học nghệ thuật và Sở Văn hoá – Thông tin – Thể thao tỉnh Sơn La công bố bộ sách Truyện thơ trường ca dân gian Thái gồm ba tập bằng tiếng Thái cổ (không có bản dịch tiếng Việt), trong đó tập 1 (in năm 1997) giới thiệu mười truyện thơ: Xống chụ xôn xao, Khun Lú – nàng Ủa, Ý Đón Ý Đăm, Ý Nọi Náng Xưa, Náng ý Tú, Náng Phôm Hom, Tạo láng Hôm Náng Hai, Hiến Hom, Tóng Đón Ăm Ca, Xông Ca Xy Cáy; tập 2 (in năm 1997) giới thiệu 11 truyện thơ: Quám Khun Tính, Quám Ca Đông, Quám Kén Kẻo, Út Ỏ, Ngú Háo, U Thến, Thi Thốn, Pha Mệt, Pha Cáng, Thi Thặt, Náng Cống Cắm Đanh; tập 3 (in năm 1998) giới thiệu hai truyện thơ: Trái Kắm, Sam Lướng – Inh Lái.

Năm 1999, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc in truyện thơ Thái Ý nọi – nàng Xưa (Em bé – nàng Hổ) do Lò Ngọc Duyên sưu tầm và dịch. Sách gồm có các phần: lời giới thiệu, tóm tắt nội dung, phần tiếng Việt, phần phiên âm tiếng Thái, phần chữ Thái cổ.

Năm 1999, Nhà xuất bản Giáo dục công bố Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam do Viện Văn học chủ trì,gồm năm tập (bảy quyển). Tập V dành cho sử thi và truyện thơ, do Đặng Văn Lung và Sông Thao biên soạn và tuyển chọn. Phần truyện thơ gồm có hai truyện thơ Mường (Nàng Nga – Hai Mối, Nàng Ờm – chàng Bồng Hương), hai truyện thơ Tày (Nam Kim – Thị Đan, Lưu Đài – Hán Xuân), bốn truyện thơ Thái (Chàng Lú – nàng Ủa, Tiễn dặn người yêu, Tào Hủn Lu – Náng Ông Piềm, Chim Yểng), hai truyện thơ Chăm (Hoàng hậu Cưrima, Aria Chăm Bni). Mười truyện thơ này đều không có bản phiên âm tiếng dân tộc và sử dụng các bản dịch của Minh Hiệu, Hoàng Anh Nhân, Nông Viết Toại, Hoàng An Định, Hoàng Quyết, Mạc Phi, Điêu Chính Ngâu,… ở các sách đã xuất bản. Đáng tiếc là hai truyện thơ Chăm do sử dụng bản dịch từ Truyện thơ Chàm (1983) nên đã một lần nữa “xã hội hoá” những sai lầm của Tùng Lâm và Quảng Đại Cường (31).

Như vậy, trong những năm 90 việc xuất bản mới và tái bản truyện thơ các dân tộc thiểu số phong phú hơn về số lượng so với những năm 80. Ở thập kỉ này, có nhiều sách song ngữ được xuất bản, đặc biệt Hội Văn học nghệ thuật và Sở Văn hoá – Thông tin – Thể thao tỉnh Sơn La đã công bố 23 truyện thơ Thái bằng chữ Thái Đen. Với soạn giả Inrasara, truyện thơ Chăm được biên dịch công phu và xuất bản dưới dạng sách song ngữ (tuy chưa có chữ Chăm, chỉ có phần phiên âm đặt đối sánh với bản dịch tiếng Việt). Đã có thêm truyện thơ của dân tộc Cao Lan được xuất bản, nâng số lượng các dân tộc có truyện thơ được giới thiệu với người đọc cả nước lên con số bảy (Thái, Tày, Mường, H’mông, Giáy, Chăm, Cao Lan).

Năm 2000, Tổng tập văn học Việt Nam được Nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản “có chỉnh lí và bổ sung”. Trong một năm, 42 tập (khổ 16 x 24 cm) của cả bộ sách cùng ra mắt bạn đọc. Ở lần xuất bản này, các tập 37A, 37B, 37C thành các tập 39, 40, 41. Phần truyện thơ các dân tộc thiểu số vẫn là phần đã công bố năm 1996, không có sửa chữa, bổ sung. Và như vậy, đây là lần thứ ba, bảy truyện thơ do Tùng Lâm và Quảng Đại Cường biên dịch được xuất bản (32).

Năm 2000, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc cho ra mắt cuốn Tiễn dặn người yêu (Xống chụ xon xao) do Nguyễn Khôi biên soạn. Sau “Lời nhà xuất bản”, sách gồm các phần sau:

+ Bản chữ Thái;

+ Bản dịch thơ, chú thích của nhà văn Mạc Phi;

+ Bản phiên âm tiếng Thái;

+ Bản dịch thơ của Điêu Chính Ngâu;

+ Bản chuyển thơ Việt của Nguyễn Khôi;

+ Bài viết “Xống chụ xon xao bản tình ca bất hủ” của Vương Trung, nhà thơ dân tộc Thái;

+ Bài “Đôi lời về Xống chụ xon xao” của Nguyễn Khôi.

Bản chữ Thái (tr. 8 – 74) là bản chụp chữ viết tay, được thực hiện chưa thật khoa học (33).

Trong một cuốn sách, người biên soạn đem đến cho người đọc hai bản dịch của hai dị bản với hai phong cách dịch khác nhau (một của Điêu Chính Ngâu, một của Mạc Phi) đối với một kiệt tác là điều bổ ích.

Nguyễn Khôi không dùng từ “dịch” mà dùng cụm từ “chuyển thể thơ” để gọi việc ông chuyển Xống chụ xon xao sang thơ Việt theo thể song thất lục bát. Theo lời tác giả với khoảng 180 câu đầu vào truyện và tả cảnh thai nghén của “mẹ yêu”, ông đã “gom” lại còn 12 câu mở đầu cho bản chuyển thể của mình (tr. 412 – 413). Như đã thấy ở trên, năm 1994, nhà giáo Hoàng Quyết đã dùng thể song thất lục bát để dịch Nam Kim – Thị Đan. Khi dịch, ông “vừa cố gắng tôn trọng từng lời trong nguyên bản, vừa dịch thoát ý theo từng câu. Do vậy có nhiều câu không hạ được vần” (34).So sánh như vậy để thấy rằng Nguyễn Khôi đã chuyển thể, đã phóng tác, chứ không “dịch”(35) Xống chụ xon xao. Đây là một việc làm khá mới mẻ. Chúng tôi ghi nhận nhiệt tình và sự tự tin của soạn giả Nguyễn Khôi (xem các tr. 395 – 396, 400, 412 – 413). Còn việc tiếp nhận bản chuyển thể này như thế nào, hưởng ứng nó ra sao phụ thuộc vào khẩu vị của từng bạn đọc. Cuốn sách này đã bỏ một số chú thích trong bản dịch của Mạc Phi, có những chỉ dẫn không chính xác đối với bạn đọc, không đáng tin cậy.

Năm 2000, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La công bố Đang vần va (tức truyện thơ Vườn hoa núi Cối) của dân tộc Mường, do Đinh Văn Ân sưu tầm, dịch, chú thích và giới thiệu. Như đã nói ở trên, trong các năm 1973, 1987 bản dịch này đã được xuất bản. Nhưng vì chưa có phần tiếng Mường nên nó chưa đáp ứng được nhu cầu của đông đảo bạn đọc, nhất là bạn đọc người Mường. Vì vậy, lần này Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La đã công bố cả phần tiếng Mường và phần tiếng Việt.

Năm 2001, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc ấn hành cuốn sách Truyện cổ và dân ca Thái vùng Tây Bắc Việt Nam, do Nguyễn Văn Hoà sưu tầm, biên dịch. Sách này giới thiệu bản kể truyện dân gian Khun Lù – nàng Ủa (36). Đáng chú ý, người soạn đã giới thiệu bản dịch tiếng Việt truyện truyền miệng dưới dạng văn xuôi, nguyên bản truyện thơ tiếng Thái và phần dịch ra thơ tiếng Việt theo thể lục bát. Đây là cách làm công phu, khoa học. Những ấn phẩm như thế này chỉ có thể được in trong điều kiện kinh tế đất nước không gặp khó khăn hoặc được nước ngoài tài trợ. Cuốn sách của Nguyễn Văn Hoà đã được xuất bản dưới sự tài trợ của Quỹ Thụy Điển – Việt Nam phát triển văn hoá.

Năm 2002, Nhà xuất bản Kim Đồng công bố bản dịch Tiễn dặn người yêu của Mạc Phi. Sách không có bài tiểu luận và không ghi các dị bản.

Năm 2002, Nhà xuất bản Đà Nẵng công bố bộ sách Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam do Đặng Nghiêm Vạn chủ biên, nhóm biên soạn còn có Lê Trung Vũ, Nguyễn Thị Huế, Đỗ Hồng Kỳ, Trần Thị An và Tăng Kim Ngân. Bộ sách gồm bốn tập (sáu quyển). Tập 4 dành cho việc giới thiệu truyện thơ. Đó là bốn truyện thơ Thái:Tiễn dặn người yêu (sử dụng bản dịch của Mạc Phi, bản in năm 1977), Chàng Lú – nàng Ủa (sử dụng bản dịch của Mạc Phi đã công bố năm 1964), U Thềm (sử dụng bản dịch của Hà Văn Ban, Hoàng Anh Nhân đã công bố năm 1990), Út Ỏ về Kinh (trích, sử dụng bản in trên Tạp chí Dân tộc học, số 4 năm 1979); năm truyện thơ Mường:Tráng Đồng (sử dụng bản dịch của Mai Văn Trí (37) và Bùi Thiện đã công bố năm 1976), Út Lót – Hồ Liêu (sử dụng bản dịch của Mai Văn Trí (38), Bùi Thiện đã công bố năm 1976), Nàng Ờm – chàng Bồng Hương (sử dụng bản dịch của Hoàng Anh Nhân đã công bố năm 1986), Nàng Nga – Hai Mối (sử dụng bản dịch của Minh Hiệu đã công bố năm 1986), bốn truyện thơ Tày: Nam Kim – Thị Đan (bản dịch của Nông Viết Toại, Hà Vũ Khoanh, Hoàng Rạng đã công bố năm 1964, nhóm biên soạn dùng bản in lại năm 1996 từ Tổng tập văn học Việt Nam, tập 37C), Lưu Đài – Hán Xuân (sử dụng bản dịch của Lục Văn Pảo đã in trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 37C), Đính Quân (bản dịch của Nông Minh Châu đã công bố năm 1964, nhóm biên soạn dùng bản in lại trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 37C), Bioóc Lả (sử dụng bản dịch của Hoàng Quyết và Triều Ân đã công bố năm 1994); các truyện thơ H’mông:  A Thào – Nù Câu (trích, sử dụng bản dịch của Doãn Thanh đã công bố năm 1984), Tiếng hát làm dâu (sử dụng bản dịch của Doãn Thanh đã công bố năm 1967).

Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam chưa có phần tiếng dân tộc, chỉ có bản dịch tiếng Việt. Trong “Lời nói đầu” in ở tất cả các quyển sách, GS. Đặng Nghiêm Vạn cũng nhận thấy việc chỉ “giới thiệu các tác phẩm đã biên dịch qua chữ quốc ngữ” là “điều đáng tiếc và ít nhiều cũng đáng trách” (tr. 12 ở tất cả sáu quyển). Ông đã rất đúng khi hiểu rằng muốn có những cuốn sách xuất bản bằng song ngữ “là việc không dễ dàng, vì cần có vốn đầu tư lớn, một tổ chức điều hành rất khoa học và cơ bản nhất, là có những người nhiệt tình và hiểu biết”, (tr. 12 ở tất cả sáu quyển, chỗ in đậm là do N.X.K nhấn mạnh).

Ông viết tiếp: “Dân trí được nâng cao, con người sẽ tự ý thức hơn về lịch sử, về vốn văn hoá của cha ông để lại. Nếu thế hệ đương đại không lưu ý bảo tồn những vốn cổ của các dân tộc, nếu không lưu ý giới thiệu những văn bản bằng tiếng mẹ đẻ, hoặc chí ít cũng lưu giữ lại ở một số cơ quan có thẩm quyền; thì sau này con cháu có quyền chất vấn chúng ta, những nhà nghiên cứu đương thời, đã để mất, để rơi vào dĩ vãng những tinh hoa văn học của tổ tiên. Thế hệ chúng ta phải chịu trách nhiệm về những mất mát này” (tr. 12 ở tất cả sáu quyển) (39).

Khác với những bộ sách khác của cùng nhóm biên soạn do GS. Đặng Nghiêm Vạn chủ trì, ở bộ tổng tập này (cụ thể là trong tập 4), nhóm biên soạn đã không giới thiệu một truyện thơ nào của dân tộc Chăm.

Có một số tác phẩm được nhóm biên soạn xếp vào truyện thơ (Nguồn gốc người Dao, Rồng và người chia đất,…), còn chúng tôi thì không tán thành. Tập 4 có quá nhiều lỗi chính tả, lỗi in sai (40)

Năm 2003, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc công bố truyện thơ Thái Tình anh em (Pi noọng lẩu khôm, pi noọng đôm nâu) do

Tô Hợp sưu tầm, biên dịch, với dạng sách song ngữ (41).

Năm 2003, Nhà xuất bản Văn học công bố Chữ Nôm Tày và truyện thơ do Triều Ân chủ biên. Trong sách này, các soạn giả giới thiệu bản dịch năm truyện thơ: Nàng Kim, Nàng Hán (tức Lưu Đài – Hán Xuân, N.X.K chú), Nàng Quyển, Nàng Ngọc Long, Nàng Ngọc Dong; riêng Nàng Ngọc Dong có cả phần phiên âm tiếng Tày

Ở thế kỉ trước, nước ta có những bộ sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (những năm 60 – 70) và Tổng tập văn học Việt Nam (những năm 80 – 90). Theo lời GS. Nguyễn Duy Quý, những bộ sách đó “một phần đã đáp ứng” được yêu cầu của những công trình “có tính chất tổng hợp, giúp cho người đọc khi cần có thể tra cứu nhanh và tìm thấy những tư liệu, chi tiết cụ thể trong cái đại dương mênh mông là nền văn học Việt Nam”; chúng “đã hoàn thành được cơ bản sứ mạng lịch sử của chúng và đang mong chờ những công trình mới tiếp theo” (42). Đó là lí do của việc ra đời bộ Tinh tuyển văn học Việt Nam vào năm 2004, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố. Bộ sách này gồm tám tập, chia thành mười quyển. Tập 2 giới thiệu cho văn học các dân tộc thiểu số. Tập này gồm hai quyển, quyển một dành cho văn học dân gian, quyển hai dành cho văn học hiện đại. Trong quyển hai, nhóm biên soạn (gồm nhà thơ Nông Quốc Chấn và ông Nông Quốc Thắng, trưởng nam của nhà thơ) để một mục cho truyện thơ của bốn dân tộc (Chăm, Mường, Tày, Thái). Đối với dân tộc Chăm, các soạn giả giới thiệu một truyện (Hoàng tử Um Rúp và cô gái chăn dê) với văn bản đã công bố năm 1983 của Tùng Lâm và Quảng Đại Cường (43). Đối với dân tộc Mường, các soạn giả không giới thiệu trọn vẹn, mà chỉ trích hai truyện thơ: Huỳ Nga – Hai Mối (bản dịch của M.T), Út Lót – Hồ Liêu (bản dịch đã được công bố năm 1985). Đối với dân tộc Tày, các soạn giả cũng không giới thiệu trọn vẹn tác phẩm, mà chỉ trích hai truyện thơ: Chim sáo (bản dịch của Hoàng An Định đã công bố năm 1964) và Nam Kim – Thị Đan (bản dịch của Nông Viết Toại đã công bố năm 1964). Đối với dân tộc Thái, các soạn giả trích giới thiệu đoạn cuối của tác phẩm Xống chụ xon xao (bản dịch của nhà văn Mạc Phi đã công bố năm 1961). Nói chung, việc tuyển chọn, biên soạn chưa bộc lộ sự dụng công của các soạn giả, bởi vì các vị vẫn tiếp tục sử dụng một văn bản kém chất lượng đối với truyện thơ Chăm, bởi vì các vị khi dùng bản dịch của Mạc Phi đã không có những giải thích cần thiết, gây ra sự khó hiểu đối với bạn đọc. Ở bản trích dịch này, trong khảo dị có những thông tin như: “Bản B và bản C không chép hai câu này” (44), “Các bản khác chép…”.(45). Người đọc không hiểu bản B và bản C là bản nào, các bản khác là những bản nào? Có tìm đọc bản dịch của Mạc Phi, người đọc mới biết được rằng, bản B là bản do Phòng Văn nghệ thuộc Sở Văn hoá Khu tự trị Thái – Mèo tổ chức sưu tầm vào năm 1958, bản C là bản do Phòng Văn nghệ nói trên tổ chức sưu tầm vào năm 1957, “các bản khác: gồm một số bản chép tay ở Tong Cọ, Tong Lạnh (Thuận Châu), Chiềng Cọ (Mường La), Chiềng Mung (Mai Sơn)… sưu tầm năm 1959 – 1960” (46).

Năm 2004, Nhà xuất bản Văn học ấn hành Ba áng thơ Nôm Tày và thể loại của Triều Ân. Trong sách này,Truyện Thị Đan được giới thiệu cả bản chữ Nôm, bản phiên âm và bản dịch.

Năm 2004, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc công bố truyện thơ H’mông Luk tẩuv Hmôngz do Hờ A Di sưu tầm, biên dịch. Sách này có cả phần phiên âm tiếng dân tộc. Tập sách này giới thiệu 12 truyện thơ được sưu tầm ở vùng Sông Mã, tỉnh Sơn La, đó là các truyện: Cuộc đời của Chứ Dạ Lia và Dợ Pạ Mỉ (Tsưz Zax Liê thiêz Nzơưv Pax Miv gơư Luz nênhx), Chế Phệnh (Chêr Fênhx), Pạ Nhia (Pax Nhiêl), Giàng Giao Câu (Zax Zoz Câuz), Tú Tủa và Gầu Dụ (Tuz Tuôv Thiêz Muôv Gâux Njuv), Gầu Li – Nụ Dia (Gâux Hli thiêz Nux Nziêv), Tạo giống người (Tsiv nôngz nênhx), Gầu Giao Mỉ (Gâux Zoz Miv), Chàng Vàng Cha – nàng Dụa Pa (Tuz Đrâul Vax Tsaz – nzơưv Nzuôx Pal), Dênh Dạ Dủa và Chỉ Dênh Thại (Zênhz Zax Zuôv thiêz Tsiv Zênhz Theix), Nụ Do và Gầu Nú (Nux Zoz thiêz Gâux Hnuz), Tộng Li (Tộngx Lik).

Năm 2005, Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố Truyện nàng Nga – đạo Hai Mối do Cao Sơn Hải biên dịch, có cả phần phiên âm tiếng Mường. Đây là một công trình công phu, nghiêm túc.

Về truyện thơ Ba Na, năm 2005, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc in cuốn Joh duch {um (Câu chuyện về nàng Bum) do {ok Ange\p hát kể, Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm, Siu Pết, Nguyễn Quang Tuệ dịch nghĩa. Đây là sách song ngữ. Như vậy là cho đến năm 2005, truyện thơ của tám dân tộc đã được công bố (47).

Năm 2006, Nhà xuất bản Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh công bố Aryia Cam (Trường ca Chăm) do Inrasara biên dịch. Sách này có một số truyện thơ Chăm. Ở đây có cả chữ Chăm cổ, phần phiên âm ra tiếng Việt và bản dịch tiếng Việt.

Năm 2008, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc công bố sách Duch {um Dăm Sơdang, giới thiệu hai truyện thơ Ba Na với hình thức song ngữ. Trong hai truyện này, có truyện đã được công bố từ năm 2005.

Trong chín năm của mười năm đầu thế kỉ XXI, việc công bố truyện thơ các dân tộc thiểu số được tiến hành có phần nhiều hơn trước, đặc biệt có nhiều truyện thơ được xuất bản dưới hình thức song ngữ. Đối với truyện thơ Thái, truyện thơ Chăm, nhiều tác phẩm được in với bản chữ Thái (hoặc chữ Chăm cổ), bản phiên âm và bản dịch. Đến đây, lần đầu tiên truyện thơ của Tây Nguyên được sưu tầm và công bố, với công đầu thuộc về Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ. Những tư liệu mới này lại đặt ra vấn đề để các nhà nghiên cứu chuyên ngành suy nghĩ thêm về giới thuyết truyện thơ.

  1. Điểm lại việc sưu tầm, công bố truyện thơ các dân tộc thiểu số theo từng dân tộc

Như trên đã thấy, từ năm 1957 đến năm 2008 đã có truyện thơ của tám dân tộc được sưu tầm và xuất bản.

Truyện thơ Ba Na từ năm 2005 đến 2008 mới được giới thiệu hai tác phẩm là Duch Bum, Dăm Sơdang, đều do Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm và công bố, đều được xuất bản dưới hình thức song ngữ.

Truyện thơ Chăm được độc giả biết đến từ năm 1996 và sau đó là năm 2006 với các tác phẩm Um Mưpup, Aryia Cam,… những truyện thơ này do Inrasara biên dịch. Tuy được công bố muộn nhưng những truyện thơ này đã được biên dịch, biên dịch chu đáo, chú thích kỹ lưỡng và đều được xuất bản dưới hình thức song ngữ. Những nỗ lực của nhà thơ, nhà sưu tầm Inrasara càng chứng minh rõ những sai lầm của Tùng Lâm và Quảng Đại Cường khi hai tác giả này biên dịch và công bố vào năm 1983 những văn bản mang tên là truyện thơ Chăm (dịch), nhưng về thực chất đây không phải là truyện thơ Chăm đích thực.

Truyện thơ Giáy cho đến nay chỉ mới được tóm tắt nội dung và trích dịch một tác phẩm vào năm 1979.

Truyện thơ H’mông được công bố lần đầu vào năm 1964 với tác phẩm Tiếng hát làm dâu do Bùi Lạc sưu tầm, xuất bản dưới hình thức song ngữ. Cho đến nay đã có 15 truyện thơ của người H’mông được sưu tầm và công bố, trong đó 13 truyện được giới thiệu dưới hình thức song ngữ, hai truyện chỉ có bản dịch tiếng Việt.

Truyện thơ Mường được trích dịch và xuất bản từ năm 1962 với hai tác phẩm là Út Lót –  Hồ Liêu Truyện nàng Nga – đạo Hai Mối. Từ đó đến năm 2005 tất cả có tám truyện thơ Mường được sưu tầm và xuất bản, trong đó có hai tác phẩm được xuất bản dưới hình thức song ngữ: Vườn hoa núi Cối Truyện nàng Nga – đạo Hai Mối. Tác phẩm được công bố nhiều lần nhất là Truyện nàng Nga – đạo Hai Mối, với 13 lần, trong đó số lần được trích dịch là năm, số lần được dịch toàn bộ là bảy, một lần vừa dịch toàn bộ vừa in song ngữ.

Truyện thơ Sán Chay mới được giới thiệu một tác phẩm là Kó Lau Slam (Truyện cô Lưu Ba). Tác phẩm này do nhà thơ Lâm Quý sưu tầm và biên dịch, với hai lần công bố. Lần thứ nhất được in vào năm 1991 chỉ với bản dịch tiếng Việt. Lần thứ hai được in song ngữ vào năm 1993.

Truyện thơ Tày được giới thiệu lần đầu vào năm 1962. Từ đó cho đến năm 2004, tất cả có 16 truyện thơ được công bố, trong đó có bảy tác phẩm được giới thiệu dưới hình thức song ngữ trong cùng một lần xuất bản (Nam Kim – Thị Đan, Nhân Lăng, Bioóc Lả, Chiêu Đức, Lý Thế Khanh, Nho Hương, Nàng Ngọc Dung). Ngoài việc hai lần được trích dịch và hai lần được in toàn bộ bản dịch, truyện thơ Trần Châu có một lần được in riêng bản phiên âm tiếng Tày. Tác phẩm được xuất bản nhiều lần nhất là Nam Kim – Thị Đan (còn gọi là Truyện Thị Đan) với 13 lần, trong đó trích dịch bốn lần, in toàn bộ bản dịch sáu lần, in song ngữ toàn bộ tác phẩm hai lần (còn một lần xuất bản chúng tôi chưa được đọc).

Truyện thơ Thái được công bố sớm nhất vào năm 1957 với bản dịch Tiễn dặn người yêu. Từ đó đến năm 2004 đã có 27 tác phẩm được công bố, trong đó có 18 tác phẩm chỉ mới được công bố bản chữ Thái cổ (chưa có bản phiên âm tiếng Việt và bản dịch). Chín tác phẩm còn lại đã được dịch ra tiếng Việt, trong đó có tám tác phẩm vừa được dịch ra tiếng Việt vừa có bản phiên âm tiếng Thái (hoặc chữ Thái cổ). Tác phẩm được công bố sớm nhất và nhiều lần nhất là Tiễn dặn người yêu, với 18 lần. Tác phẩm được công bố sớm thứ hai và cũng nhiều lần thứ hai là Chàng Lú – nàng Ủa, với 12 lần.

  1. Nhận xét

Trong lịch sử 50 năm sưu tầm và công bố, trong số tám dân tộc có truyện thơ xuất bản, ba dân tộc có nhiều truyện thơ nhất là Thái, Tày, Mường. Truyện thơ được công bố sớm nhất, nhiều lần nhất và có nhiều bản dịch nhất làXống chụ xon xao của người Thái. Điều này không phải ngẫu nhiên. Về truyện thơ này, khi bàn về văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, PGS. TS. Lê Trường Phát đã viết: “Nếu cần một tác phẩm văn học cổ truyền để đặt lên đó vòng nguyệt quế vinh quang thì không tác phẩm nào sánh được với Xống chụ xon xao” (48). Truyện thơ được giới thiệu dưới dạng song ngữ đầu tiên là Lù chạ ua nhăng (Tiếng hát làm dâu) của người H’mông, do Bùi Lạc và Mạc Phi dịch, do Nhà xuất bản Tây Bắc (một nhà xuất bản ở địa phương) công bố. Càng ngày, chúng ta càng nhận thức được tầm quan trọng của loại sách song ngữ. Chỉ khi nào một tác phẩm truyện thơ của một dân tộc thiểu số được giới thiệu với bản chữ cổ (hoặc bản phiên âm) và bản dịch tiếng Việt, với những chú thích đầy đủ, khi đó việc công bố tác phẩm mới đạt yêu cầu về mặt khoa học. Bên cạnh nhiều bản dịch được công bố có sự lao động công phu về khảo dị văn bản, về chú thích các từ ngữ, các phong tục, (thí dụ các bản dịch do nhà văn Mạc Phi thực hiện), cũng có những bản dịch kém chất lượng do cách làm việc cẩu thả, hoặc do sự hạn chế của nhận thức. Nhiều tuyển tập, tổng tập ra đời (trên cơ sở kế thừa các thành tựu cụ thể của việc sưu tầm, biên dịch đối với từng truyện thơ), đem đến cho giới nghiên cứu những công cụ tra cứu thuận tiện và bức tranh tổng thể về truyện thơ các dân tộc thiểu số. Khi đặt các truyện thơ của nhiều dân tộc trong cùng một tập sách, người đọc dễ dàng so sánh, nhận ra cái chung và nét riêng giữa chúng. Đáng tiếc, cho đến nay chưa có một tuyển tập, tổng tập nào giới thiệu các truyện thơ dưới hình thức song ngữ. Một số người làm tuyển tập, tổng tập đã bỏ qua khâu giám định văn bản, thiếu sự lao động công phu.

Trên đây, chúng tôi đã nhìn lại quá trình sưu tầm và công bố truyện thơ các dân tộc thiểu số theo từng thập niên và theo từng dân tộc. Bên cạnh những tác phẩm đã được xuất bản, tại kho lưu trữ của Hội Văn nghệ dân gian ViệtNam, còn không ít những truyện thơ do các hội viên sưu tầm, biên dịch chưa được xuất bản. Danh sách những tác phẩm đó, những dị bản đó được thể hiện ở danh mục tài liệu về truyện thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam (xin xem ở cuối tập 22 của Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam).

  1. Lịch sử nghiên cứu truyện thơ các dân tộc thiểu số

Thực ra, việc tách bạch công tác sưu tầm, biên soạn với công tác nghiên cứu chỉ có ý nghĩa tương đối. Nếu người sưu tầm, biên soạn có khả năng nghiên cứu, đã hiểu đúng đối tượng thì công việc sưu tầm sẽ được tiến hành nhanh hơn, cho kết quả khả quan hơn và việc biên soạn cũng khoa học hơn. Ngược lại, nếu tài liệu sưu tầm, biên soạn phong phú, chính xác sẽ giúp cho nhà nghiên cứu đi đến những kết luận gần chân lý hơn.

  1. Điểm lại lịch sử nghiên cứu truyện thơ các dân tộc thiểu số theo thời gian

Trong những năm 50 của thế kỷ XX, chỉ có một bài giới thiệu về truyện thơ Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) của Điêu Chính Ngâu.

Trong những năm 60, các tài liệu nghiên cứu là những bài giới thiệu mở đầu sách sưu tầm, hợp tuyển, những bài tạp chí, một mục nhỏ trong giáo trình đại học về văn học dân gian. Các tài liệu này thiên về phân tích giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của một truyện thơ cụ thể. Những truyện thơ được phân tích thuộc các dân tộc Thái, Tày, Mường.

Trong những năm 70, chất lượng nghiên cứu truyện thơ các dân tộc thiểu số được nâng cao. Đáng chú ý nhất là bài viết “Tìm hiểu quá trình hình thành truyện thơ Tiếng hát làm dâu” (1972) của GS. TSKH. Phan Đăng Nhật (bút danh lúc đó là Phan Nhật).

Trong những năm 80, càng ngày truyện thơ càng được khẳng định là một thể loại riêng, đã có một số công trình dành những mục nghiên cứu truyện thơ nhiều dân tộc. Việc làm này đòi hỏi các tác giả sau khi nghiên cứu kỹ truyện thơ từng dân tộc, phải khái quát cao. Có thể dẫn ra những trang viết của nhà thơ Nông Quốc Chấn và GS. Phan Đăng Nhật trong Lịch sử văn học Việt Nam (1980), của GS. Phan Đăng Nhật trong Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (Trước Cách mạng tháng Tám 1945) (1981), của PGS. TS. Võ Quang Nhơn trong Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam (1983). Bên cạnh những đóng góp rất đáng trân trọng, những tác giả vừa nêu chưa thoả đáng khi quan niệm Khảm hải (Vượt biển) của người Tày là truyện thơ.

Trong những năm 90, hai công trình sáng giá nhất là bản luận án Tiến sĩ của PGS. Lê Trường Phát Đặc điểm thi pháp truyện thơ các dân tộc thiểu số (bảo vệ năm 1997) và bài viết của GS. Nguyễn Tấn Đắc về truyện thơ U Thền (công bố trên Tạp chí Văn hoá dân gian năm 1991).

Trong chín năm đầu của thế kỷ XXI, nhiều công trình nghiên cứu về truyện thơ Tày được công bố. Nhà nghiên cứu Hoàng Triều Ân có hai cuốn sách in chung và in riêng: Chữ Nôm Tày và truyện thơ (chủ biên, 2003), Ba áng thơ Nôm Tày và thể loại (2004). PGS. TS. Vũ Anh Tuấn công bố chuyên luận Truyện thơ Tày nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại (2004). Với Joh duch {um (Câu chuyện về nàng {um) (2005), với Duch {um Dăm Sơdang (2008), trên cơ sở công bố tư liệu truyện thơ Ba Na, trong bài “Đi tìm truyện thơ Bahnar” (2008), Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ đặt ra một vấn đề rất thú vị: phải chăng trong điều kiện xã hội chưa phân hoá giàu nghèo, chưa có áp bức bóc lột, vẫn có mặt truyện thơ?

  1. Điểm lại lịch sử nghiên cứu truyện thơ các dân tộc thiểu số theo từng loại tài liệu

2.1. Các bài giới thiệu in ở đầu các cuốn sách công bố tác phẩm, ở đầu các hợp tuyển, tuyển tập

Nhìn chung, trong mỗi lần công bố một tác phẩm truyện thơ cụ thể, thường có bài phân tích các dị bản, bàn về giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, bàn về những hạn chế của tác phẩm. Đa số các bài này do người biên soạn viết, có một số ít trường hợp do một người có tên tuổi viết giới thiệu, chẳng hạn, năm 1984, nhà thơ Chế Lan Viên viết về dân ca H’mông (trong đó có truyện thơ) (49).

Đúng như PGS. TS. Lê Trường Phát đã đánh giá, những ý kiến của những nhà sưu tầm, dịch và giới thiệu truyện thơ các dân tộc thiểu số “tuy chưa đặt vấn đề xem xét truyện thơ trong toàn cảnh của một thể loại văn học nhưng lại chứa đựng những nhận xét, những chỉ dẫn rất đáng quý đối với việc nghiên cứu truyện thơ như là một thể loại” (50). Thí dụ, về Xống chụ xon xao, từ năm 1957, Điêu Chính Ngâu đã có gợi ý về tính bản địa của tác phẩm, phản ánh thái độ yêu mến, trân trọng của người Thái Tây Bắc thời xưa và lòng say mê, yêu thích của người Thái thời hiện đại đối với tác phẩm này, nêu lên giá trị nội dung và đặc sắc ngôn ngữ của tác phẩm (51).

Các bài viết của Mạc Phi, Minh Hiệu đều đề cập đến vấn đề dị bản của tác phẩm văn học dân gian và cách xử lý (52).

Bài viết “Mấy ý nghĩ về truyện thơ cổ Tày – Nùng” (1964) của Nông Quốc Chấn có những nhận xét quan trọng. Về “cách bố cục câu chuyện”, ông viết: “Truyện nào cũng được sắp xếp thành từng chương, từng tiết, từng đoạn” (53). Ông nhận thấy: “Cách kể không cầu kỳ phức tạp mà nôm na dễ hiểu. Khi chấm dứt đoạn trước để bước vào đoạn sau, lúc nào cũng có câu: “Lại ca đoạn…” (nghĩa là: bây giờ lại kể sang đoạn…). Khi diễn tả, ý chính của mỗi đoạn được nhấn rất mạnh, thậm chí được nhắc đi nhắc lại nhiều lần” (54). Như vậy, “Nông Quốc Chấn đã phát hiện ra một đặc điểm chung trong bút pháp mô tả: sự lặp đi lặp lại theo một công thức sẵn có nào đó đến thành ra ước lệ” (55).Về thể thơ và lời thơ, nhà thơ có những nhận xét ngắn gọn và chính xác (56).

2.2.Các bài in trên tạp chí, tập san

Nhiều bài viết về truyện thơ các dân tộc thiểu số được in trên các tập san, tạp chí. Thí dụ, các bài: “Giá trị truyện thơ Xống chụ xon xao” (Mạc Phi, Nghiên cứu văn học (57),Hà Nội, 1961, số 5). “Tiếng hát làm dâu, tiếng hát đau thương căm hờn, tiếng thiết tha hy vọng nghìn đời của người phụ nữ Mèo” (Tô Hoài, Tạp chí Văn học, Hà Nội, 1965, số 2), “Những vết tích của Vần va khụ cún tìm thấy ở Cao Phong (Hoà Bình)” (Phan Đăng Nhật, Tạp chí Văn học, Hà Nội, 1975, số 4), “Truyện thơ Khăm Panh, khúc ca bi tráng của đồng bào Thái chống chủ nghĩa bành trướng Đại Hán” (Đỗ Hồng Kỳ, Văn hoá dân gian, Hà Nội, 1984, số 2), “Về hiện tượng xen kẽ giữa văn vần và văn xuôi trong truyện kể dân gian” (Lê Trường Phát, Tạp chí Văn học, Hà Nội, 1987, số 4), “Truyện Nôm Tày” (Lục Văn Pảo, Văn hoá dân gian, Hà Nội, 1992, số 3), “Truyện thơ Chăm” (Trương Sĩ Hùng, Nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội, 1993, số 2), “Truyện thơ Đông Nam Á và truyện thơ Nôm Việt Nam – một vài so sánh bước đầu” (Vũ Tuyết Loan, Văn hoá dân gian, Hà Nội, 1994, số 4; 1995, số 1), “Truyện thơ các dân tộc thiểu số – một thể loại văn học, hai phong cách ngôn ngữ” (Lê Trường Phát, Ngôn ngữ và đời sống, Hà Nội, 1996, số 2),…

Trong số những bài viết ấy, có bài do dựa vào nguồn tư liệu không đảm bảo độ tin cậy nên giảm giá trị học thuật như bài viết về truyện thơ Chăm. Trong số những bài viết ấy, có một số bài giàu hàm lượng khoa học. Trước hết, cần kể đến bài “Tìm hiểu quá trình hình thành truyện thơ Tiếng hát làm dâu” của GS. TSKH. Phan Đăng Nhật (58). (Tạp chí Văn học, Hà Nội, năm 1972, số 3). Trong bài viết, GS. Phan Đăng Nhật đã so sánh kết cấu của truyện thơ Tiếng hát làm dâu với kết cấu sáu kiểu bài dân ca “Tiếng hát làm dâu” và kết cấu của dân ca tiếng hát tình yêu. “Bằng cách lập sơ đồ cốt truyện của truyện thơ, rồi đối sánh từng phần của hệ thống cốt truyện đó với kết cấu của các kiểu dân ca thuộc hai hệ thống dân ca nói trên, tác giả bài báo kết luận một cách đầy thuyết phục rằng”: (59) “Truyện thơ Tiếng hát làm dâu tiếp thu cả dân ca Tiếng hát làm dâu Dân ca tình yêu” (60). Vì vậy vấn đề truyện thơ đặt ra “mới hoàn chỉnh” (61) và “mâu thuẫn trung tâm mới được nâng cao” (62). Tác giả khẳng định: “Vậy quá trình hình thành truyện thơ Tiếng hát làm dâu là quá trình tiếp thu dân ca Tiếng hát làm dâu, một sự tiếp thu có lựa chọn, nâng cao, hệ thống hoá; một quá trình chuyển hoá từ khái quát đến cụ thể, từ phiếm chỉ đến cá thể hoá, từ rời rạc đến hệ thống. Đó là quá trình từ trữ tình đến tự sự, hay nói đúng hơn, quá trình tự sự hoá dân ca trữ tình” (63), quá trình chuyển hoá đó “đến truyện thơ thì có một bước nhảy vọt từ lượng đến chất…”(64). Bước nhảy vọt đó là căn cứ khoa học cho phép người nghiên cứu xếp truyện thơ Tiếng hát làm dâu ngoài phạm vi dân ca, ngay chỗ giáp ranh của thể tài. Tuy vậy cũng không nên gán ghép cho truyện thơ là tự sự hoàn toàn; đây là một thứ tự sự trữ tình, không thể cắt đứt hoàn toàn với dân ca được” (65). Mặt khác, cũng bằng cách chuyển hoá như trên, những mảnh tâm tình trong Dân ca tình yêu được thu hút và hệ thống hoá lại, tạo thành phần đầu của truyện thơ Tiếng hát làm dâu. Một quá trình “nhặt” những câu, những đoạn ở bài hát làm dâu ngắn “pha” vào bài hát làm dâu dài, rồi tìm một cái tên bất kỳ nào đó đặt cho nhân vật như thế là một quá trình dài, bởi nhiều người tham gia đặt lời, tham gia hát, tham gia cái việc “nhặt” và “chắp” và chuyển hoá. Tính tập thể trong sự sáng tạo, biểu diễn Tiếng hát làm dâuấy có cơ sở ở “mối thương cảm đối với người phụ nữ, lòng căm phẫn chế độ cũ đày đọa con người” (66). Đúng như Lê Trường Phát nhận xét, từ sự phân tích quá trình hình thành truyện thơ Tiếng hát làm dâu qua tay tập thể, qua nhiều đời như thế, GS. Phan Đăng Nhật “gợi lên một vấn đề rất hay về hướng phân tích nội dung phản ánh cũng như hình thức phản ánh của nó trong mối quan hệ giao lưu văn hoá giữa người H’mông với các dân tộc khác sống xen kẽ cùng nhau”(67).

Nếu bài viết của GS. Phan Đăng Nhật tiếp cận một truyện thơ cụ thể của người H’mông bằng cách phân tích cấu trúc và nghiên cứu lịch sử tác phẩm, từ đó gợi ý về cách tiếp cận thích hợp với một tác phẩm văn học dân gian thì bài viết của GS. Nguyễn Tấn Đắc lại tiếp cận một truyện thơ Thái trong mối quan hệ khu vực. Trên Tạp chí Văn hoá dân gian năm 1991, trong bài viết “Thử tìm hiểu nguồn gốc truyện U Thền của người Thái ở Việt Nam”, GS. Nguyễn Tấn Đắc cho rằng, truyện thơ này là sự kết hợp giữa type truyện quỷ móc mắt các bà hoàng hậu và type truyện người trần lấy vợ tiên. Sau khi so sánh với các truyện cùng kiểu loại ở năm nước Đông Nam Á lục địa, tác giả viết: “Qua một ít so sánh ở trên, có thể nêu nhận xét là tuy cùng tiếp nhận từ hai type truyện của Ấn Độ, các bản của Lào, Campuchia, Thái Lan và Miến Điện đã giữ gần nguyên vẹn vũ trụ văn hoá Ấn Độ và hệ thống type – tiết, motif của từng truyện, trong khi đó người Thái ở Việt Nam lại có xu hướng tước bỏ nhiều yếu tố đặc trưng của vũ trụ và văn hoá Ấn Độ, và mức độ thay đổi một số tiết và motif cũng lớn hơn. Đơn giản là vì các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Miến Điện đã tiếp nhận hai type truyện đó cùng với cả nền văn hoá tôn giáo Ấn Độ, còn người Thái ở Việt Nam thì phải chuyển đổi chúng cho phù hợp với vũ trụ văn hoá và quan niệm đạo đức của mình. Và vì vậy mà các bản của người Thái ở Việt Nam càng xa với bản gốc” (68).

Trên Tạp chí Văn học năm 1997, Lê Trường Phát công bố bài viết “Về mô hình cốt truyện của truyện thơ các dân tộc thiểu số”. Tác giả nhận xét: Ở truyện thơ Nôm người Việt (Kinh), “mọi người hầu như đã nhất trí rằng phần lớn cốt truyện của thể loại này được xây dựng theo mô hình “kết thúc có hậu” gồm ba chặng: Gặp gỡ – Tai biến – Đoàn tụ. Nói “phần lớn” bởi lẽ mô hình cốt truyện này chỉ áp dụng với những tác phẩm mà đề tài chủ đạo là tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, đây là đề tài chủ yếu, cơ bản của thể loại” (69).

Ở truyện thơ các dân tộc thiểu số, với 20 tác phẩm (của năm dân tộc: Thái, Tày, Mường, H’mông, Chăm) đã được dịch sang tiếng Việt, Lê Trường Phát nhận thấy loại tác phẩm có kết thúc bi kịch (kết thúc không có hậu) chiếm số lượng áp đảo. Ông lập bảng thống kê dưới đây:

Tổng số truyện thơ thể hiện đề tài tình yêu đến 1997 đã sưu tầm được Tỉ lệ giữa hai kiểu               kết thúc: bi kịch/              có hậu
+ Thái      4 tác phẩm

+ Tày – Nùng 7 tác phẩm

+ Mường        4 tác phẩm

+ H’mông      3 tác phẩm

+ Chăm          2 tác phẩm

3/1

2/5

4/0

2/1

2/0

 Cộng             20 tác phẩm   13/7

Lê Trường Phát khẳng định: Ở truyện thơ các dân tộc thiểu số, “kiểu kết thúc bi kịch mới phổ biến và tiêu biểu” (70). Ông mô hình hoá kiểu cốt truyện với kết thúc bi kịch như sau:

Gặp gỡ và Bị ngăn trở Một hoặc

Yêu nhau Rẽ duyên cả hai đều chết

“Riêng ở nhóm truyện thơ Tày – Nùng, tình hình ngược lại: kiểu “kết thúc có hậu” chiếm tỉ lệ lấn át”(71). Sở dĩ có hiện tượng này, “chính là do vai trò tham gia sáng tạo tác phẩm của các Nho sĩ, thầy đồ người Việt miền xuôi lên; họ mang theo ảnh hưởng của truyện Nôm Việt vào truyện thơ Tày – Nùng. “Kết thúc có hậu” là một cách để dân gian tấn công (tất nhiên trong mơ ước” vào lễ giáo phong kiến (mà thực chất là tín điều Nho giáo) trong lĩnh vực tình yêu và hôn nhân”(72). Theo Lê Trường Phát, còn ở những dân tộc khác như Thái, H’mông, Chăm, phần nào nữa Mường, vai trò tham gia sáng tạo truyện thơ chủ yếu thuộc về dân gian và trí thức của chính các dân tộc đó (những người này chủ yếu tuân thủ truyền thống văn hoá nghệ thuật của dân tộc họ), vai trò của các Nho sĩ miền xuôi lên, của các ông đồ Việt và của Nho giáo rất mờ nhạt, thậm chí ở những dân tộc H’mông, Chăm, Thái, vai trò này “không có gì” (73). Bên cạnh lý do là sự có mặt hay vắng mặt vai trò của Nho sĩ người Việt, của Nho giáo, còn có nguyên nhân thuộc về đặc điểm thi pháp thể loại dẫn đến sự lựa chọn kiểu kết thúc bi kịch. Ở loại cốt truyện có kết thúc này, chính những người thân hại nhau. Lê Trường Phát dẫn lời Arixtôt (384 – 322 tr. CN) để tăng thêm sức thuyết phục cho lập luận của ông: “Chỉ có giữa những người thân mà xảy ra sự việc bi thảm… đấy mới là những điều mà nhà thơ cần tìm, làm như thế là để bi kịch, qua cách (khêu gợi nên) sự xót thương và sợ hãi, thực hiện sự thanh lọc các cảm xúc tương tự nơi người đọc – người nghe. Nói khác đi, đặc điểm thi pháp này nếu đứng từ góc độ xã hội – lịch sử mà nhìn nhận, mang ý nghĩa tố cáo hiện thực quyết liệt; nhưng còn cần đứng từ góc độ mỹ học để đánh giá nữa: truyện thơ lựa chọn điểm dừng cho cốt truyện đúng vào lúc sự việc vận động, phát triển đến đỉnh điểm bi kịch của nó nhằm tạo một kết thúc có ý nghĩa tẩy rửa (katharsis), làm trong sạch tâm hồn mọi người do chỗ nó thoả mãn được lòng yêu sự công bằng. Quả thật dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam đã chọn được cho thể loại truyện thơ một kiểu kết thúc (phổ biến và tiêu biểu) mang ý nghĩa mỹ học sâu sắc” (74).

2.3. Những chương, mục trong các sách chuyên khảo

Truyện thơ các dân tộc thiểu số còn được đề cập trong các cuốn sách. Năm 1980, Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố Lịch sử văn học Việt Nam, tập I. Đây là tập mở đầu cho bộ lịch sử văn học Việt Nam, do Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì(75). Tập I gồm bốn phần. Phần mở đầu trình bày đại cương lịch sử văn học Việt Nam, viết về tiếng nói và chữ viết, sự phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam. Phần thứ nhất viết về văn học trong buổi đầu dựng nước. Phần thứ ba trình bày văn học viết từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XIX. Toàn bộ phần thứ hai (với 72 trang) viết về văn học các dân tộc thiểu số, do Nông Quốc Chấn và Phan Đăng Nhật chấp bút. Phần này có chín chương; trong chương VIII có một mục dành cho truyện thơ. Tuy chỉ được bàn đến trong mười trang nhưng việc được đặt thành một mục riêng trong sách Lịch sử văn học Việt Nam của một cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu đất nước, truyện thơ đã hiện diện với tư cách là một thể loại văn học. Các tác giả đã bàn về “hai luồng hình thành truyện thơ”, đã chứng minh: “Vấn đề trung tâm của các truyện thơ nói về tình yêu là cuộc sống đau khổ của những đôi trai gái bị thất bại trong yêu đương, do xã hội cũ gây nên” (76).

Trong mục này, những truyện thơ được nhắc đến, được phân tích là Tiếng hát làm dâu, Nàng Nga – Hai Mối, Tiễn dặn người yêu, Nam Kim – Thị Đan, Chàng Lú – nàng Ủa, Kim Quế, Nàng Con Côi, Lưu Đài – Hán Xuân, Truyện chim sáo, Đính Quân, Quảng Tân – Ngọc Lương, Trần Châu, Nàng Ờm – chàng Bồng Hương, Út Lót – Hồ Liêu (77). Trong cuốn sách Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám 1945), (xuất bản năm 1981), tại chương IV: Loại hình văn học hát, GS. Phan Đăng Nhật dành một mục cho truyện thơ. Ở đây, tác giả quan niệm truyện thơ là “những tác phẩm văn vần, dài hơi, tổng hợp, vừa có tính chất tự sự vừa có tính chất trữ tình nhưng phần lớn là tự sự, nằm trong các bộ phận văn học dân gian mà các dân tộc gọi chung là gầu hay lù chạ (Mèo), khắp (Thái), xường (Mường)…” (78). Tác giả xác định: sử thi ra đời trong thời cổ, là những tác phẩm “dài hơi, chứa đựng một vấn đề chính trị xã hội có tầm khái quát” (79), còn truyện thơ là sản phẩm của thời kì đấu tranh giai cấp phát triển. Tác giả phân loại truyện thơ và phân tích từng loại. Người viết cho rằng, “truyện Nôm miền xuôi cũng như truyện thơ miền núi đều là bước nối giữa văn học dân gian và văn học thành văn, đều mang tính chất của cả hai hình thức văn học nói trên” (80). GS. Phan Đăng Nhật kết luận: “Truyện thơ đánh dấu một bước phát triển cao của văn học cổ truyền các dân tộc thiểu số. Ở loại hình này, các dân tộc đã đạt được những thành tựu xuất sắc về chất lượng cũng như về số lượng. Truyện thơ đã tập hợp tinh hoa các loại, thể văn học, đồng thời cũng ảnh hưởng sâu sắc đến các loại, thể phát triển sau nó” (81).

Trong cuốn sách gồm có bảy chương của nhiều tác giả Các dân tộc Tày – Nùng ở Việt Nam (xuất bản năm 1992), chương VII: “Ngôn ngữ và văn học dân gian” do Lục Văn Pảo viết. Ở chương này, tác giả đã đánh giá trữ lượng truyện thơ Tày Nùng. Chỉ riêng số tác phẩm mà riêng ông Lục Văn Pảo thu thập được đã là 42 truyện. “Những tư liệu một người có được, tất nhiên là còn xa sự thực nhiều. Nhưng chỉ từ số lượng trên đây đã thấy kho tàng này là rất đồ sộ, (…)” (82). Cũng theo đánh giá của Lục Văn Pảo (ở thời điểm năm 1992), truyện thơ Tày Nùng mới được giới thiệu với bạn đọc bằng tiếng Việt khoảng một phần năm. Tác giả không xếp Khảm hải (Vượt biển)vào thể loại truyện thơ (83).

2.4. Sách chuyên khảo về truyện thơ

Năm 2004, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội công bố chuyên khảo Truyện thơ Tày nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại của PGS. TS. Vũ Anh Tuấn. Về nguồn gốc của truyện thơ Tày, tác giả phân tích cả nguồn gốc nội sinh trong quá trình phát triển văn hoá tộc người và nguồn gốc ngoại sinh trong quá trình tiếp biến văn hoá tộc người. Về quá trình phát triển, tác giả nêu ra ba thời kì như sau:

+ Thời kì đầu tiên là thời kì có số lượng áp đảo của loại truyện thơ về đề tài tình yêu, nghiêng về đặc điểm trữ tình giàu chất thơ biểu hiện tâm trạng (84). Loại truyện thơ này kế thừa truyền thống trữ tình của dân ca. Thời kì này ở vào khoảng trước thế kỉ XVII (85).

+ Thời kì thứ hai là “sự hình thành và phát triển chủ yếu những truyện thơ về sự nghèo khổ. Trong đó, phần lớn là những truyện cổ tích sinh hoạt được kể lại bằng thơ” (86). Ở thời kì này, “truyện thơ tình yêu tiếp tục phát triển nâng cao, nhưng đây là thời điểm ý thức cá nhân về quyền sống đã trở thành khát vọng cháy bỏng trong một thời đại phong kiến toả chiết mạnh mẽ. Do đó, màu sắc lãng mạn nhạt dần để thay vào đó tính phản kháng quyết liệt đến mức không còn kết thúc có hậu ở những truyện mang đậm bản sắc tộc người”(87). Thời kì này là từ thế kỉ XVII trở đi” (88).

+ Thời kì thứ ba là thời kì “nở rộ khuynh hướng truyện thơ đề tài chính nghĩa có cách kết thúc thiên về thuyết giáo đạo đức. Đây cũng là thời kì chữ Nôm Tày đã hoàn chỉnh, thời kì giao lưu Tày – Kinh có tính đột biến và cũng là thời kì bùng nổ đấu tranh giai cấp, cả cộng đồng Tày trực tiếp tham gia vào làn sóng nông dân khởi nghĩa” (89). Ở thời kì này, truyện thơ Tày “được mang một hình thức tồn tại mới: thành văn. Người tiếp nhận truyện thơ Tày đã có thể thụ hưởng bằng những cách thức khác nhau: đọc, ngâm, kể, hát” (90). Ở thời kì này, “truyện thơ Nôm Tày đã được hoàn thiện và thật sự trở thành điểm nối giữa văn học dân gian với văn học thành văn” (91). Thời kì này, theo Vũ Anh Tuấn, có lẽ bắt đầu từ giữa thế kỉ XVIII trở đi (92).

Về thi pháp, PGS. TS. Vũ Anh Tuấn phân tích thi pháp cấu trúc truyện thơ, đặc điểm thi pháp nhân vật và đặc điểm thi pháp lời văn nghệ thuật truyện thơ Tày.

Tuy còn một số luận điểm, nhận xét còn có thể thảo luận, tuy còn một vài chỗ thiếu chính xác, về cơ bảnTruyện thơ Tày nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại của PGS. TS. Vũ Anh Tuấn là một chuyên khảo có giá trị khoa học, nghiên cứu một cách có hệ thống và công phu về truyện thơ Tày. Truyện thơ của dân tộc Thái, dân tộc Mường phong phú không kém và cũng đã được sưu tầm, công bố không ít, nhưng cho đến nay giới nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc thiểu số nước ta chưa có được những công trình tương tự về chúng như cuốn sách của Vũ Anh Tuấn.

2.5. Những chương, mục trong các giáo trình đại học

Trong số các giáo trình đại học, năm 1963, Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam. Tập I (Văn học dân gian) do các tác giả Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Côn, Nguyễn Nghĩa Dân, Lý Hữu Tấn, Hoàng Tiến Tựu, Đỗ Bình Trị, Lê Trí Viễn biên soạn, đã viết về truyện thơ các dân tộc thiểu số (93). Giáo trình chưa dùng thuật ngữ truyện thơ và xếp nó vào chương “Trường ca dân tộc”. Sau khi “bàn khá sơ lược về truyện thơ nói chung”, giáo trình đi sâu giới thiệu, phân tích một tác phẩm cụ thể” (94). Đó là Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu). Việc phân tích tác phẩm này do Bùi Văn Nguyên và Hoàng Tiến Tựu chấp bút. Các tác giả đặt nó đồng đẳng với Đam San, gọi nó là “trường ca”, “bản tình ca”. Họ phân tích đây là “một thảm kịch đầy nước mắt về tình yêu trong xã hội cũ”, (95) là “một bài ca chiến đấu cho mối tình chung thuỷ sáng ngời”(96). Về mặt nghệ thuật, các nhà giáo cho rằng: “Xống chụ xon xaolà một trường ca, nhưng cũng ít nhiều có dáng dấp một truyện thơ, (…)” (97). Các ông phân tích lối trùng điệp, lối tương phản của nghệ thuật trong tác phẩm này.

Giáo trình nêu trên xuất bản năm lần. Lần thứ nhất vào năm 1961, tại Nhà xuất bản Giáo dục. Ở lần này, truyện thơ chưa được bàn và tác phẩm Xống chụ xon xao chưa được giới thiệu. Như trên đã nói, năm 1963 nó mới được bàn đến. Từ lần xuất bản thứ ba (1970) đến lần xuất bản thứ năm (1978), sách này đều ghi “có sửa chữa”. Trong ba lần xuất bản sau, riêng mục “Xống chụ xon xao” (mà chúng tôi đã đối chiếu giữa các lần công bố) đều không sửa chữa, có nghĩa là, đến năm 1978, giáo trình về văn học dân gian của khối các trường đại học sư phạm vẫn xếp Xống chụ xon xao cùng với Đam San thuộc trường ca, vẫn cho rằng tác phẩm này chưa phải là một truyện thơ đích thực, chỉ “ít nhiều có dáng dấp một truyện thơ” (98).

Như đã nói, giáo trình văn học dân gian của nhiều tác giả thuộc khối các trường đại học sư phạm in lần thứ năm (lần cuối cùng) vào năm 1978. Trong hai năm 1990 – 1991, một giáo trình văn học dân gian mới được viết cho các trường đại học sư phạm ra đời. Giáo trình này có tên là Văn học dân gian Việt Nam, gồm hai tập, do hai người viết. Tập I do PGS. Đỗ Bình Trị viết, Nhà xuất bản Giáo dục công bố năm 1991. Tập II do PGS. Hoàng Tiến Tựu viết, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1990. Tập II phân tích văn học dân gian người Việt theo thể loại. Tập I gồm bốn chương: Chương I: “Dẫn luận”; chương II: “Sự phát triển lịch sử của văn học dân gian Việt Nam”; chương III: “Văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam”; chương IV: “Công tác sưu tầm văn học dân gian”. Trong chương III, PGS. Đỗ Bình Trị đã dùng thuật ngữ truyện thơ, phân truyện thơ các dân tộc thiểu số thành hai loại (theo đề tài), phân tích kĩ truyện thơ H’mông Nhàng Dợ và chàng Chà Tăng, truyện thơ Thái Tiễn dặn người yêu. Ông có những nhận xét rất tinh tế. Thí dụ, nhắc đến việc Nhàng Dợ và Chà Tăng “lìa bỏ tất cả, dấn thân đến nơi xa lạ” (99), tác giả viết: “(…) tình sử của họ, biết đâu, chẳng đã gieo mầm cho cuộc chạy trốn của vợ chồng A Phủ”(100). Về “thiên nhiên trong Tiễn dặn người yêu, tác giả cho rằng nó “chưa bao giờ là thiên nhiên tươi tắn” (101). Đến Đỗ Bình Trị (1991), giáo trình đại học về văn học dân gian của khối các trường đại học sư phạm đã chấm dứt một hạn chế: “xếp các trường ca Tây Nguyên và truyện thơ các dân tộc thiểu số vào cùng một thể loại”(102).

Năm 2002, Nhà xuất bản Đại học sư phạm công bố Giáo trình văn học dân gian (dành cho ngành Ngữ văn, hệ đào tạo từ xa), do PGS. TS. Phạm Thu Yến (chủ biên) cùng các đồng tác giả là PGS. TS. Nguyễn Bích Hà và PGS. TS. Lê Trường Phát chấp bút, gồm 12 phần, trong đó có một phần “giới thiệu sơ lược về văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam”. Phần này do PGS. TS. Lê Trường Phát viết. Ở đây, tác giả đã giới thiệu sơ lược ba “tác phẩm đặc sắc” nhất của folklore ngôn từ các dân tộc thiểu số. Đó là Đẻ đất đẻ nước (sử thi Mường), Đam San (sử thi Ê Đê) và Tiễn dặn người yêu (truyện thơ Thái) (103).

Khác với các trường đại học sư phạm, ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, (103b) từ năm 1962 cho đến năm 1977, trong các giáo trình đã xuất bản về văn học dân gian, các tác giả không trình bày phần văn học dân gian các dân tộc thiểu số (104). Năm 1983, một giáo trình dành riêng cho phần văn học này mới được xuất bản. Đó là Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam của Võ Quang Nhơn, do Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp công bố. Sách gồm bảy chương, trong đó chương bảy dành cho “Truyện thơ”.

“Căn cứ theo phương thức diễn xướng, lưu truyền và nguồn gốc kế thừa của truyện thơ các dân tộc”, tác giả phân chia “truyện thơ thành bốn nhóm lớn sau đây:

– Nhóm truyện thơ gắn với sinh hoạt nghi lễ dân gian.

– Nhóm truyện thơ kế thừa truyền thống tự sự của truyện cổ dân gian các dân tộc.

– Nhóm truyện thơ kế thừa truyền thống trữ tình của thơ ca dân gian các dân tộc.

– Nhóm truyện thơ thiên về khuynh hướng thuyết giáo đạo đức của truyện thơ Nôm Kinh” (105).

Tác giả phân tích kĩ từng nhóm. Ở nhóm thứ nhất, các tác phẩm được phân tích là Táy pú xớc (Ông cha đánh giặc) của người Thái, Đặng Hành và Bàn Đại Hộ của người Dao, Khảm hải (Vượt biển) của người Tày. Ở nhóm thứ hai, các truyện thơ được phân tích là Chim sáo, Nàng Kim Quế (đều của dân tộc Tày). Ở nhóm thứ ba, các truyện thơ được phân tích là Tiễn dặn người yêu của người Thái, Nàng Ờm – chàng Bồng Hương, Út Lót – Hồ Liêuđều của người Mường, Tiếng hát làm dâu của người H’mông, Nam Kim – Thị Đan của người Tày,… Ở nhóm thứ tư, các truyện thơ được phân tích đều là sáng tác của dân tộc Tày: Lưu Đài – Hán Xuân, Trần Châu, Quảng Tân – Ngọc Lương.

Đúng như PGS. TS. Lê Trường Phát đã đánh giá, trong giáo trình của PGS. TS. Võ Quang Nhơn, “truyện thơ được phân tích một cách toàn diện, tổng thể toàn thể loại. Quan điểm bao trùm ở đây là quan điểm lịch sử: trong khi đối với thể loại sử thi anh hùng, giáo trình dứt khoát xếp vào phạm trù văn học dân gian thì thể loại truyện thơ, một mặt được đưa vào một giáo trình bộ môn văn học dân gian, một mặt lại được đặt vào tiến trình văn học các dân tộc ít người đi từ văn học dân gian đến văn học thành văn” (106). Cách PGS. Võ Quang Nhơn phân loại truyện thơ “đương nhiên là không xuất phát từ một tiêu chí nhất quán (lúc thì căn cứ vào phương thức và môi trường diễn xướng, lúc thì căn cứ vào dung lượng của yếu tố trữ tình hay tự sự, lúc lại căn cứ vào nội dung xã hội thuần tuý) nên không chặt chẽ. Tuy nhiên, nếu coi đó chỉ là một giả thiết cho tiện trình bày vấn đề thì quả thật nó cho phép sau đó giáo trình dễ dàng phát hiện ra những đặc điểm thi pháp của mỗi nhóm trong toàn bộ đặc điểm thi pháp của thể loại” (107).

Năm 1990, theo quy trình đào tạo hai giai đoạn đối với bộ môn Văn học dân gian, Trường Đại học tổng hợp Hà Nội biên soạn “giáo trình cơ sở, được viết dưới dạng tinh giản và diễn đạt phù hợp với tư duy sinh viên” (108). Giáo trình này trình bày cả văn học dân gian người Việt và folklore ngôn từ các dân tộc thiểu số. Truyện thơ các dân tộc thiểu số được trình bày riêng thành một mục. Đây chính là chương năm của giáo trình in năm 1983 của PGS. TS. Võ Quang Nhơn được chuyển nhập về đây.

Năm 1997, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành Văn học dân gian Việt Nam của các tác giả Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên và Võ Quang Nhơn. Đây là sự in gộp bộ sách Văn học dân gian (1972 – 1973) của Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên với cuốn sách Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam (1983) của Võ Quang Nhơn thành một tập sách khổ lớn, đồ sộ. Sau đó, tập sách in gộp này (trong đó của chương PGS. Võ Quang Nhơn viết về truyện thơ các dân tộc thiểu số) được xuất bản nhiều lần.

2.6. Luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ

Về lĩnh vực đào tạo, bản luận án tiến sĩ Ngữ văn Đặc điểm thi pháp truyện thơ các dân tộc thiểu số của PGS. Lê Trường Phát (bảo vệ năm 1997) là một công trình chuyên sâu về thi pháp truyện thơ các dân tộc thiểu số. Sau khi trình bày lịch sử vấn đề một cách chân thực và chính xác, tác giả bản luận án phân tích truyện thơ các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh truyện thơ các nước Đông Nam Á khảo sát kết cấu cốt truyện và nhân vật, bàn về một số phương diện thuộc ngôn ngữ của truyện thơ các dân tộc ít người.

Từ năm 2000 đến nay, có nhiều luận văn thạc sĩ viết về truyện thơ các dân tộc ít người: Truyện Nôm Tày, điểm nối giữa văn học dân gian và văn học Tày (Hà Bích Hiền, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 2000), Nghiên cứu thi pháp truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” (Xống chụ xon xao) dân tộc Thái (Ngô Thị Thanh Quý, Trường Đại học sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên, 2001), Dịch và giới thiệu truyện thơ “Tử Thư – Văn Thậy” vùng Ngân Sơn, Bắc Cạn trong hệ thống truyện thơ Tày (Hà Thị Bình, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 2002), Bước đầu tìm hiểu một vài đặc điểm của truyện thơ Thái “Chàng Lú – nàng Ủa” về phương diện thi pháp (Lò Xuân Dừa, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 2002), Khảo sát đặc điểm truyện thơ Cao Lan “Kó Lau Slam” (Lê Hồng Sinh, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 2003), Hình tượng người phụ nữ trong truyện thơ Mường về đề tài tình yêu (Đình Đức Giang, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 2003), Truyện thơ “Ú Thêm” nhìn từ góc độ thế giới nhân vật (Nguyễn Ngọc Anh, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 2005), Góp phần tìm hiểu thi pháp truyện thơ “Tiễn dặn người yêu (Xống chụ xon xao)” của dân tộc Thái (Nguyễn Ngọc Bảo, Trường Đại học sư phạm Hà Nội), Số phận người phụ nữ Thái qua một số truyện thơ tiêu biểu của người Thái Tây Bắc (Hoàng Thị Hương Loan, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 2006), Tìm hiểu truyện thơ Tày “Nhân Lăng” về phương diện thi pháp kết cấu cốt truyện và nhân vật (Đỗ Thị Hồng Thuý, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 2006),…

  1. Nhận xét

Trong lịch sử nghiên cứu truyện thơ các dân tộc thiểu số, GS. TSKH. Phan Đăng Nhật, PGS. TS. Võ Quang Nhơn, PGS. TS. Lê Trường Phát và PGS. TS. Vũ Anh Tuấn là những người có công trình, bài viết khá sớm và họ có nhiều công trình đáng chú ý hoặc về cách tiếp cận, hoặc về chất lượng khoa học. Họ không chỉ là những nhà nghiên cứu mà còn là những nhà giáo ở bậc đại học và sau đại học. Họ đã truyền dạy không mệt mỏi về văn học dân gian các dân tộc thiểu số nói chung, truyện thơ các dân tộc ít người nói riêng cho rất nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Nhìn lại việc nghiên cứu truyện thơ các dân tộc ít người, chúng ta thấy sản phẩm của công việc này có nhiều dạng. Thứ nhất là những bài giới thiệu, nghiên cứu in ở đầu các tác phẩm hoặc mở đầu các hợp tuyển, tuyển tập. Thứ hai là những bài công bố trên các tạp chí. Thứ ba là những cuốn sách viết về văn học dân gian các dân tộc ít người, trong đó có truyện thơ. Thứ tư là sách chuyên khảo về truyện thơ. Thứ năm là giáo trình đại học về văn học dân gian, trong đó có mục dành cho truyện thơ. Thứ sáu là luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ viết về truyện thơ (109). Trong sáu dạng kể trên, các dạng thứ nhất, thứ hai và thứ sáu chiếm số lượng nhiều hơn cả. Những dạng còn lại chiếm số lượng ít hơn, thậm chí rất ít. Cho đến nay chỉ có một cuốn sách chuyên khảo duy nhất về truyện thơ Tày của Vũ Anh Tuấn, như vậy là ở dạng tài liệu thứ tư chỉ có một đơn vị tài liệu. Nếu gộp tất cả sáu dạng tài liệu nghiên cứu này rồi đem so sánh với số lượng công trình nghiên cứu về một số thể loại khác như truyện cổ tích, dân ca, sử thi, thì chúng ta sẽ thấy số lượng công trình nghiên cứu về ba thể loại vừa nêu phong phú hơn.

Những vấn đề, phương diện nghiên cứu về truyện thơ các dân tộc thiểu số đã được đặt ra và giải quyết không ít. Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục giải quyết hoặc cần đặt ra.

III. Góp thêm suy nghĩ

Ở phần này, sau khi bàn thêm về khái niệm truyện thơ các dân tộc thiểu số, chúng tôi chỉ xin nhắc lại một câu hỏi (của GS. Phan Đăng Nhật) và nêu thêm một câu hỏi nữa để thỉnh giáo giới nghiên cứu.

  1. Chung quanh các khái niệm “truyện thơ” và “truyện thơ các dân tộc thiểu số”

Trong Từ điển thuật ngữ văn học do PGS. Lê Bá Hán, GS. TS. Trần Đình Sử, GS. Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên (bản in năm 2004 của Nhà xuất bản Giáo dục là bản in đã được sửa chữa, bổ sung, là bản cập nhật nhất) không có mục từ truyện thơ, mà chỉ có mục từ truyện Nôm với lời giải thích như sau: “Thể loại tự sự bằng thơ dài rất tiêu biểu cho văn học cổ điển Việt Nam, nở rộ vào cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, do viết bằng tiếng Việt, ghi bằng chữ Nôm nên được gọi là truyện Nôm (110).

Cũng trong sách này, có mục từ trường ca, ở cuối mục từ này có đoạn viết: “Ở Việt Nam các truyện thơ dài như Truyện Kiều, Tiễn dặn người yêu,… được gọi là truyện thơ, các tác phẩm trữ tình dài được gọi là ngâm khúc. Tên gọi “trường ca” một thời dùng chỉ các sử thi dân gian như Đam Săn, nay thường được dùng để chỉ sáng tác thơ dài của các tác giả như Bài ca chim chơ rao của Thu Bồn, Theo chân Bác của Tố Hữu” (111).

Nhìn ở góc độ thể thơ, có truyện thơ được sáng tác theo thể thơ Đường luật, có truyện thơ được sáng tác theo thể lục bát. Đối với người Việt, theo PGS. Nguyễn Lộc, “truyện thơ Nôm Đường luật ra đời trước thế kỉ XVIII, từ thế kỉ XVIII trở đi không thấy có nữa. Còn truyện Nôm lục bát thì chưa rõ ra đời từ lúc nào, chỉ biết nó phát triển mạnh nhất trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX” (112).

Truyện thơ Nôm thuộc phạm trù văn học viết (văn học bác học) hay văn học bình dân? Trước đây, các nhà nghiên cứu thường chia ra làm hai loại: “truyện Nôm hữu danh và truyện Nôm khuyết danh. Truyện Nôm hữu danh là loại truyện biết rõ tên tác giả; còn truyện Nôm khuyết danh là loại truyện chưa biết tác giả là ai. Thực ra lối phân chia này thuần tuý có tính chất hình thức, mà không nói lên một đặc điểm nào về nội dung hay về thể loại. Bởi vì chỉ cần tìm ra tên tác giả của một truyện Nôm khuyết danh nào đó là nghiễm nhiên ta có thể xếp cái truyện Nôm vốn khuyết danh kia vào kho tàng những truyện Nôm hữu danh, mà không phải băn khoăn, thắc mắc về một điều gì. Cách phân chia như thế không phải là việc phân loại khoa học, và do cái ranh giới không có tính chất khoa học ấy, cho nên việc nghiên cứu truyện Nôm khuyết danh như một thể loại hay một loại hình, không thể đem lại kết quả xác đáng được” (113).

Theo quan niệm truyền thống của giới nghiên cứu nước ta, có hai loại truyện Nôm. Các tác phẩm Truyện Kiều(của Nguyễn Du), Hoa tiên (của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện), Sơ kính tân trang (của Phạm Thái), Nhị độ mai(chưa rõ tác giả), Truyện Tây sương (của Lý Văn Phức) được gọi là truyện Nôm bác học. Các tác phẩm Phạm Tải – Ngọc Hoa, Tống Trân – Cúc Hoa, Phương Hoa, Lý Công được gọi là truyện Nôm bình dân. Phần lớn truyện Nôm bác học có tên tác giả, hầu hết truyện Nôm bình dân là khuyết danh.

Truyện Nôm bác học được xếp vào dòng văn học viết, còn truyện Nôm bình dân được xếp vào dòng văn học nào? Về vấn đề này, có hai quan niệm.

Một quan niệm cho rằng, truyện Nôm bình dân là cái dấu nối giữa văn học dân gian và văn học viết. Vì thế, trong giáo trình văn học dân gian của Trường Đại học sư phạm Hà Nội và giáo trình văn học dân gian của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ đầu những năm 60 của thế kỉ XX cho đến hơn 20 năm sau, truyện Nôm bình dân không được phân tích với tư cách là một thể loại văn học dân gian. Tuy nhiên, chính các nhà nghiên cứu văn học viết có uy tín cũng đã có những ý kiến thừa nhận những yếu tố dân gian của nhóm tác phẩm truyện Nôm bình dân. Thí dụ, từ năm 1978, nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc đã cho rằng, “chắc chắn tác giả của nó không phải thuộc tầng lớp trên, mà thuộc tầng lớp dưới”. Truyện Nôm bình dân thường được viết dựa theo những câu chuyện cổ tích của ta chứ không phải dựa theo những cốt truyện của Trung Quốc như truyện Nôm bác học. Truyện Nôm bình dân được sáng tác ra để kể là chính, chứ không phải là để xem để đọc. Nói chung, cách sáng tác của truyện Nôm bình dân cũng có tính cách tập thể, một chừng mực nào giống như cách sáng tác của truyện cổ tích (114).

Quan niệm thứ hai cho rằng, truyện Nôm bình dân thuộc phạm trù văn học dân gian. Tiêu biểu cho quan niệm này là GS. Kiều Thu Hoạch. Ông đã triển khai luận điểm của mình trong luận án Tiến sĩ Ngữ văn và sau đó nội dung của luận án đã được Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố thành sách vào năm 1993: Truyện Nôm nguồn gốc và bản chất thể loại. Trong công trình này, ông đã điểm lại lịch sử nghiên cứu một cách đầy đủ, khách quan, phân tích nguồn gốc và quá trình phát triển của thể loại, khảo sát thi pháp và chức năng tư tưởng – thẩm mĩ của truyện Nôm. Cuối cùng, ông kết luận rằng, “truyện Nôm bình dân chính là những sáng tác dân dã nằm trong văn hoá dân gian” (115). Viện Nghiên cứu văn hoá (trước đây là Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian) đồng tình với quan niệm của GS. Kiều Thu Hoạch. Khi Viện Nghiên cứu văn hoá phối hợp với Nhà xuất bản Khoa học xã hội biên soạn và công bố Tổng tập văn học dân gian người Việt, truyện Nôm bình dân là một thể loại văn học dân gian (116).

Trên đây là tình hình của truyện Nôm bình dân người Việt.

Ở văn học các dân tộc thiểu số cũng có truyện thơ dân gian. 

Như đã nói ở trên, từ năm 1962, trong tập Văn học dân tộc thiểu số (thuộc bộ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam), các vị Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Mạc Phi, Hoàng Thao, Hà Văn Thư đã dành hẳn một phần gọi làTruyện thơ, trong đó trích giới thiệu Nam Kim – Thị Đan, Huỳ Nga – Hai Mối, Tiễn dặn người yêu, Chàng Lú – nàng Ủa,…

Mở đầu bài Dẫn luận này, chúng tôi đã xác định:

Truyện thơ các dân tộc thiểu số (117) là một thể loại văn học dân gian thuộc loại hình tự sự, bao gồm những tác phẩm có hình thức văn vần, được kể, được hát, được ngâm, đọc (kể cả trước và sau khi đã được ghi chép) và thường có nội dung thể hiện thân phận con người và cuộc sống lứa đôi.

Khi nói truyện thơ các dân tộc thiểu số thuộc loại hình tự sự, có hình thức văn vần thì chúng ta thấy đó là hai điều hiển nhiên.

Về các hình thức diễn xướng (kể, hát, ngâm, đọc) thì không phải truyện thơ của dân tộc nào cũng được thể hiện bằng tất cả bốn hình thức đó. Viết về truyện thơ của dân tộc mình, một nhà thơ, một nhà nghiên cứu người Chăm đã viết: “Người Chăm không kể thơ bao giờ, họ chỉ ngâm (hari) hay đọc (pwơc) thơ. Và ariya có nghĩa là: thơ, thể thơ, trường ca tuỳ theo văn cảnh mà dịch” (118).

Về truyện thơ H’mông (luk tẩuv Hmôngz), Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc giới thiệu: “Đồng bào Mông “hát luk tẩuv” chứ không “kể luk tẩuv”. Chính vì vậy mà luk tẩuv Hmôngz có cốt truyện, có nhân vật với lời diễn xướng riêng, mang âm điệu buồn, khi hát lên nó dễ đi vào lòng người, khiến người ta thấm ngấm những đạo, những đời trong đó” (119). GS. Phan Đăng Nhật cho biết: Khi ông đọc một bài dân ca Tiếng hát làm dâu rồi đọc một truyện thơ Tiếng hát làm dâu và hỏi đồng bào H’mông “xem có khác gì nhau, thì đồng bào trả lời: cũng là “gầu uô nheng” (bài hát làm dâu) cả thôi; chỉ có điều cái này là “uô nheng lú” (làm dâu ngắn), còn cái kia là “uô nheng giế” (làm dâu dài)” (120).

Đối với truyện thơ của người Thái, có một phương thức diễn xướng là hát. “Nói về cái hay cái đẹp, cái sức lôi cuốn của Tiễn dặn người yêu, từ xưa nhân dân đã có câu ví: “Hát Tiễn dặn lên, gà ấp phải bỏ ổ, cô gái quên hái rau, anh đi cày quên cày”(121). Người Thái cũng ngâm thơ. Khi viết về sự tồn tại của các dị bản Tiễn dặn người yêu,nhà văn Mạc Phi nêu ra bốn nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân “do điệu ngâm thơ có khác nhau. Ở Yên Châu, điệu ngâm kéo dài nhưng câu thơ chỉ cần ít chữ; ở Mường Lay, điệu ngâm gọn, câu thơ gọn; ở Thuận Châu điệu ngâm trầm bổng, chuốt dài, câu thơ cần nhiều chữ và âm thanh cao, thấp hoà hợp thì ngâm mới hay” (122). Người Thái còn có hình thức đọc truyện thơ (123).

Tất cả truyện thơ Tày đều được sáng tác theo thể thơ bảy tiếng. “Với thể thơ này, người viết có thể miêu tả những câu chuyện dài, người đọc có thể dùng để ngâm, hát theo nhiều điệu (điệu kể chuyện, điệu phong slư)” (124).

Người Mường cũng hát kể truyện thơ (125).  

Đối với những dân tộc đã có chữ viết như Thái, Tày, Chăm, họ ghi chép truyện thơ. Ở người Thái, người ta chép bằng bút lông, mực nho trên giấy rướng (một loại giấy dó, do nhân dân địa phương tự sản xuất) (126) “Thời trước, nhiều người cạy cục tìm người chép hộ Sống chụ son sao và trả công chép bằng giá một con trâu. Gia tài cha mẹ để lại cho con cái, trong những vật quý nhất có khẩu súng và quyển sách; quyển sách quý nhất trong mọi quyển sách quý là Sống chụ son sao. Lúc kháng chiến(*), nhiều gia đình tản cư phải bỏ lại cả nồi ninh, chăn đệm nhưng sách Sống chụ son sao thì sống theo người, chết theo người, nhất định không bỏ lại. Những người phải ở lại vùng địch tạm chiếm thì giấu sách vào hang tránh địch đốt phá thiêu huỷ” (127).

Nhà ngôn ngữ Lục Văn Pảo, “một chuyên gia giỏi về chữ Nôm Tày và truyện Nôm Tày” (128) khẳng định: “Không có chữ Nôm Tày thì không có truyện thơ Tày tồn tại như hiện nay”(129). “Truyện thơ Nôm Tày được ghi lại bằng chữ Nôm, hay nói một cách khác, cho tới nay những truyện được ghi bằng chữ Nôm mới là truyện thơ. Ngoài ra, không có truyện nào bằng thơ mà lại không dùng chữ Nôm để ghi lại” (130). Theo Lục Văn Pảo, chữ Nôm Tày chủ yếu được hình thành trên cơ sở chữ Nôm Kinh, cấu tạo của chữ Nôm Tày được xác lập theo lối hình thanh mà phần thanh đều được đọc theo âm Hán Việt vốn đã tồn tại và phát triển lâu đời. Do vậy, điều kiện trước hết để đọc được chữ Nôm Tày là phải đọc được những chữ Hán thông dụng theo âm Hán Việt. Vào khoảng cuối thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII đã xuất hiện chữ Nôm Tày trong văn bản thi ca (131). GS. Kiều Thu Hoạch nhận xét: “Có điều đáng chú ý là thời điểm xuất hiện và phát triển truyện Nôm Tày, cũng rất trùng hợp với thời điểm xuất hiện và phát triển truyện Nôm Kinh nói chung” (132).  “(…) truyện thơ Nôm Tày cũng giống truyện thơ Nôm Kinh ở chỗ, truyện thơ Nôm chỉ có bản ghi chép bằng chữ Nôm của các truyện kể dân gian, vốn lưu truyền bằng miệng trong nhân dân các làng bản từ lâu đời. Nguồn truyện dân gian này thường được “lưu truyền trong các buổi tối dưới áng trăng, nhân dân già trẻ quây quần trên một sàn nhà nọ, nghe nghệ nhân dân gian kể chuyện bằng thơ. Truyện cứ lưu truyền thêm bớt, gọt giũa… khi gần hoàn chỉnh, một nho sĩ nào đó ghi chép lại bằng văn tự Nôm Tày. Người đời sao chép, vẫn có quyền gọt giũa cho hay hơn, bởi nó là tác phẩm văn học dân gian”.(*) Nguồn cội và quy trình diễn biến của thể loại truyện Nôm Tày đúng là như vậy” (133).

Chữ Chăm là thứ chữ viết được công nhận đã xuất hiện sớm nhất ở Đông Nam Á, vào cuối thế kỉ IV (sau Công nguyên) từ đó đến nay, qua nhiều lần cải biến, đã có năm loại chữ (134). “Trước kia sách Chăm được chép trên giấy bản Tàu hay trên những miếng lá buông ghép lại với lỗ để xỏ dây. Sau này, thời Pháp, họ dùng giấy xi măng, tuy thô nhưng khá bền. Giấy bút, mực, hiếm và khá đắt nên mỗi trang giấy có ghi chữ Chăm họ đều rất quý. Tuyệt không ai dám đốt đi hay dùng nó làm giấy loại. Cách đây không lâu, phải tốn một xe trâu thóc (800 kg) mới thuê được thợ chép sách để có nguyên bản Akayet Dewa Mưno chỉ dài 460 câu Ariya/ lục bát Chăm” (135).

Không phải ngẫu nhiên, trong một thời gian dài từ 1963 đến 1978, giáo trình của các trường đại học sư phạm về văn học dân gian Việt Nam xếp chung sử thi và truyện thơ vào một thể loại. Cả hai đối tượng này đều giống nhau ở dung lượng của tác phẩm (dài hơn tác phẩm của nhiều thể loại khác, ở thể văn (văn vần), ở phương thức phản ánh (tự sự) và ở phương thức diễn xướng (hát kể).

Để phân biệt truyện thơ và sử thi với tư cách là hai thể loại, cần nêu rõ sự khác nhau giữa chúng.

Theo GS. TSKH. Phan Đăng Nhật, sự khác nhau giữa truyện thơ và sử thi thể hiện ở chỗ: “Sử thi ra đời chủ yếu do nhu cầu phản ánh và hỗ trợ cuộc chuyển hoá của lịch sử (chủ yếu bằng chiến tranh) để hình thành Nhà nước, hình thành Quốc gia” (136). Còn “truyện thơ ra đời do nhu cầu lịch sử – xã hội của thời đại của nó. Lúc bấy giờ trong xã hội các dân tộc thiểu số đã xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa tình yêu chân chính của đôi lứa với đòi hỏi khắt khe, lạnh lùng nhiều khi tàn bạo của gia đình và xã hội; mâu thuẫn giữa người nghèo khó và kẻ giàu sang; mâu thuẫn giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Lúc này vấn đề thân phận của con người được đặt ra và đòi hỏi phải đáp ứng thoả đáng” (137).

Luận điểm của GS. Phan Đăng Nhật là: Trong xã hội phân chia giai cấp, có mâu thuẫn giữa người nghèo và kẻ giàu, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, lúc đó truyện thơ ra đời và phát triển. Từ năm 1980 (viết chung với nhà thơ Nông Quốc Chấn) qua năm 1981, đến năm 2004, GS. Phan Đăng Nhật nhất quán theo hướng suy nghĩ này. Nhận xét của ông gặp gỡ suy nghĩ của PGS. TS. Võ Quang Nhơn. Năm 1983, PGS. TS. Võ Quang Nhơn viết rằng, “sự phân biệt giàu nghèo và theo đó là sự xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp” là một trong những tiền đề để truyện thơ ra đời.(3) (138). Về đề tài của truyện thơ, PGS. Võ Quang Nhơn cho rằng chúng rất phong phú. “Chúng đề cập đến nhiều mặt trong hiện thực xã hội của các dân tộc anh em; hoặc thân phận những đứa trẻ mồ côi; hoặc cuộc sống cực nhục của những người lao động nghèo khổ; hoặc khát vọng lập công cứu nước trả thù nhà của các chàng trai; hoặc các mốc lịch sử lớn trong đời sống các dân tộc… Đặc biệt là đề tài về cuộc đấu tranh cho tự do yêu đương, cho quyền sống của người phụ nữ trong lòng xã hội cũ là một đề tài khá phổ biến. Đó là khát vọng dân chủ thiết tha, mãnh liệt của quần chúng trong lòng xã hội phong kiến mà quyền sống con người bị chà đạp, bóp nghẹt nặng nề, được phản ánh vào trong nền văn học truyền thống các dân tộc anh em” (139).

Từ 2005 đến 2008, khi công bố truyện thơ dân gian Ba Na, tác giả Nguyễn Quang Tuệ tỏ ý băn khoăn trước những nhận định của các tác giả Võ Quang Nhơn, Phan Đăng Nhật về chế độ xã hội mà ở đó truyện thơ ra đời. Theo Nguyễn Quang Tuệ, Dăm Sơdang Duch {um là hai truyện thơ, khác với dân ca, khác với sử thi. Nếu công nhận hai tác phẩm này là truyện thơ thì vấn đề đặt ra là sẽ có cả truyện thơ ra đời trong điều kiện xã hội chưa phân chia giai cấp. Nguyễn Quang Tuệ viết: “Tài liệu nghiên cứu dân tộc học nước ta xác nhận đến trước 1945, người bản địa Tây Nguyên nói chung, người Bahnar tỉnh Gia Lai nói riêng ở vào giai đoạn cuối của chế độ xã hội nguyên thuỷ. Ra đời và tồn tại trong xã hội tiền giai cấp, nơi mà về cơ bản sự phân biệt giàu nghèo còn rất mơ hồ, quả là truyện thơ dân gian Bahnar không thể đề cập đến cuộc đấu tranh giai cấp hay những bức bách của con người bé nhỏ dưới xã hội phong kiến. Nghĩa là có phần khác với những câu chuyện cùng loại của đồng bào dân tộc ít người phía Bắc, hai truyện thơ mà chúng tôi giới thiệu trong tập sách này chủ yếu nói về tình yêu trai gái, những câu chuyện bắt đầu từ tình cảm riêng tư. Dễ dàng nhận ra đó là những mối tình ngang trái, những tình cảm éo le hay những lệ tục xưa cũ nhưng tuyệt nhiên chưa thấy bóng dáng của tầng lớp trên, nhà nước,…” (140).

Khi bàn về truyện thơ, chúng tôi quan tâm đến các tiêu chí: hình thức diễn xướng, loại hình tự sự, hình thức văn vần, nội dung thường thể hiện thân phận con người và cuộc sống lứa đôi. Chúng tôi chưa bàn nhiều đến việc truyện thơ ra đời trong xã hội nào. Tất nhiên, trong xã hội có giai cấp, vấn đề thân phận con người, vấn đề cuộc sống riêng tư, vấn đề hạnh phúc lứa đôi được đặt ra tập trung hơn, có thể gay gắt hơn, quyết liệt hơn. Nhưng có lẽ trong điều kiện xã hội chưa phân chia giai cấp, từ thuở ấu thơ của loài người, vấn đề thân phận, vấn đề ý thức về cá nhân có lẽ không hoàn toàn vắng bóng. Trên Báo Tuổi trẻ (Cơ quan của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh) số ra ngày 23 tháng 9 năm 2008, trong bài “Trẻ đổi tính, đổi nết”, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Anh dẫn ra hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là bé gái M.A. 3 tuổi, cách đây một tháng mẹ sinh thêm em bé. Từ đó, M.A. trở nên bướng bỉnh, mẹ nói không nghe, suốt ngày chọc phá để em bé khóc. Tối ngủ M. A. đòi nằm cạnh em nhưng lại nằm chèn lên tay hoặc chân em để em thức giấc khóc cả đêm, mẹ mắng thì M.A. lại khóc to hơn em. Trường hợp thứ hai là bé S. 6 tuổi, vừa vào lớp 1, vốn là đứa con ngoan học giỏi, tính tình ôn hoà, nhưng khi mẹ sinh em bé được ba tuần thì S. nói lắp. Gia đình đưa S. đi khám tâm lý mới biết là từ khi có em bé cha mẹ ít quan tâm đến S.. Có lần S. muốn bế em nhưng mẹ không cho và nói học bài xong rồi đi ngủ trước. Lúc đó S. thấy nghẹn ngào như bị hắt hủi và nói “Con, con, con biết rồi”, sau lần đó cứ trả lời bài trên lớp là S. nói lắp. Tác giả giải thích: “Trong suy nghĩ của nhiều gia đình, việc sinh thêm một em bé không tác động gì đến đứa con đầu. Tuy nhiên thực tế họ gặp không ít khó khăn trong việc làm sao cho đứa lớn bớt ganh tỵ và chọc phá em. Trẻ dễ bị tác động bởi sự thay đổi lớn trong gia đình và việc có thêm một em bé nữa là một thay đổi lớn mà trẻ gặp phải. Cho dù cha mẹ vẫn thương yêu trẻ, nhưng trong lòng trẻ vẫn thường trực nỗi lo bị chia xẻ và bị bỏ rơi vì em bé đã chiếm mất chỗ. Chính vì thế trẻ tìm cách lấy lại vị trí của mình với những biểu hiện ngang ngạnh, dành tình cảm với em, phá đám nhiều hơn”. Trong nhiều bước mà tác giả khuyên các bậc cha mẹ nên thực hiện để giúp trẻ không lo lắng về việc phải chia xẻ tình cảm và sợ bị bỏ rơi, có bước “dành thời gian quan tâm đến trẻ để trẻ cảm thấy không bị bỏ rơi và cô đơn” (141).

Nếu chúng ta coi trẻ thơ là hình ảnh thơ ấu của loài người thì bài báo vừa nêu dẫn chúng tôi đến suy nghĩ rằng, trong điều kiện xã hội chưa phân biệt kẻ giàu người nghèo, người ta vẫn có thể có ý thức về thân phận mình. Các tác phẩm được Nguyễn Quang Tuệ công bố có hình thức văn vần vốn được hát trong dân gian, có độ dài đáng kể, nói về những mối tình ngang trái, những tình cảm éo le. Những tác phẩm ấy có xếp vào thể loại truyện thơ không? Có lẽ sự băn khoăn của Nguyễn Quang Tuệ là sự băn khoăn khẳng định.

  1. Tại sao truyện thơ là thể loại chỉ có ở các nước Đông Nam Á, các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không có?

Một nhà Việt Nam học người Nga, GS. TSKH. N.I. Niculin nhận định: “Những thể loại khác nhau của truyện thơ, như đã được mọi người thừa nhận, là một tài sản vô cùng quý báu của nền văn học dân tộc Việt Nam. Truyện thơ bắt nguồn từ văn học dân gian, với tư cách là những thể loại, chúng tạo thành một bộ phận đặc biệt tiêu biểu cho thơ ca Việt Nam. Truyện thơ đã làm cho văn học Việt Nam khác hẳn với truyền thống ở Viễn Đông mà nó gắn bó mật thiết. Các nhà thơ ở Viễn Đông đã tạo nên những kiệt tác của loại tiểu phẩm trữ tình – loại thơ tứ tuyệt của Trung Quốc, thơ ba câu của Triều Tiên, loại thơ Xi-sjô (năm câu) của Nhật Bản. Tuy nhiên, những nền văn học đó không hề biết đến những tác phẩm truyện thơ dài. Về mặt này văn học Việt Nam gần gũi với các nền văn học của các dân tộc khác ở Đông Nam Á (Campuchia, Thái Lan, Lào, Malaixia) cũng như các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam” (142).

Trong các bài viết của mình, GS. Nguyễn Tấn Đắc và TS. Vũ Tuyết Loan đã đề cập đến nhiều truyện thơ của các nước Đông Nam Á.

  1. TSKH. Phan Đăng Nhật tán thành GS. TSKH. N.I. Niculin khi nhà nghiên cứu người Nga cho rằng, các dân tộc Đông Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản không hề có thể loại truyện thơ (143). GS Phan Đăng Nhật đặt câu hỏi: “Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân của tình hình trên?” và hẹn “sẽ trình bày vào dịp khác”. Cho đến nay vẫn chưa thấy ông công bố ý kiến giải thích. Còn GS. Kiều Thu Hoạch thì cho rằng, người Hán ở vùng Hoa Đông cũng chỉ có vài tập truyện thơ dân gian. “Vào những năm 30 của thế kỉ XX, các học giả Hồ Thích, Chu Quang Tiềm đều có bàn về hiện tượng vì sao truyện thơ của người Hán kém phát triển. Đại khái, Hồ Thích cho rằng người Hán là một dân tộc chất phác, không giàu sức tưởng tượng, nên hiếm có truyện thơ, còn Chu Quang Tiềm thì cho rằng người Hán thích thơ trữ tình mà ít phát triển thơ tự sự, do đó không phát triển truyện thơ,…”(144). Nếu thông tin của GS. Kiều Thu Hoạch là chính xác (và chúng tôi cũng tin là chính xác) thì những luận điểm của hai học giả Trung Quốc cần được thảo luận. Trong bài báo của mình, GS. Kiều Thu Hoạch không đặt trọng tâm nghiên cứu vào vấn đề chúng ta đang bàn. Rất mong giới nghiên cứu tiếp tục quan tâm, chỉ ra một cách thuyết phục những nguyên nhân, những điều kiện, những yếu tố nào dẫn đến việc nhiều dân tộc ở nhiều quốc gia Đông Nam Á có truyện thơ, việc nhiều dân tộc ở các nước Đông Á không có truyện thơ?
  2. Tại sao có sự giống nhau giữa hai câu thơ song thất trong thể song thất lục bát của người Việt và thể thơ bảy tiếng của người Tày?

Thể song thất lục bát của thơ ca Việt ra đời từ bao giờ, chưa ai trả lời được. Chỉ biết rằng đến cuối thế kỉ XV nó đã có mặt trong sáng tác của Lê Đức Mao. Nó là thể thơ gồm từ một (chỉ thấy ở trong ca dao, dân ca) đến nhiều khổ. Mỗi một khổ gồm bốn dòng (hai dòng 7 tiếng + một dòng 6 tiếng + một dòng 8 tiếng) là đơn vị tế bào của thể thơ này. Thí dụ:

Trong cung quế, âm thầm chiếc bóng

Đêm năm canh, trông ngóng lần lần

Khoảnh làm chi bấy, chúa xuân

Chơi hoa cho rữa nhị dần lại thôi!

(Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều)

Về vần, đây là khuôn hình sau khi thể thơ này đã hình thành trọn vẹn:

Dòng thơ Vị trí tiếng
1 2 3 4 5 6 7 8
Dòng 7 (trắc)     trắc   bằng   trắc (vần  
Dòng 7 (bằng)     bằng   trắc (vần)   bằng  
Dòng 6   bằng   trắc   bằng (vần)    
Dòng 8   bằng   trắc   bằng (vần)   bằng (vần)

Ở thể thơ bảy tiếng của người Tày, tiếng thứ bảy của dòng đầu vần với tiếng thứ năm của dòng sau. Đây là tám dòng mở đầu truyện thơ Nam Kim – Thị Đan:

Dú đai rà lấn tuyện khao sâư

Mảc bút căm chang mừ liển chép

Chép ăn tuyện hoa nguyệt tuyên se

Rầư dằng định phua mìa gỏi chứ

Chứ điếp cần tởi đú Thị Đan

Tuyện tuyền se tởi lăng tởi nả

Pi ất mùi kết á Thị Đan

Nam Kim điếp noọng nàng đâư toọng (145).

(Nhà giáo Hoàng Quyết (người Tày) dịch theo thể song thất lục bát:

Thảnh thơi chép truyện đời lưu lại

Suốt canh chày mãi mãi bút nghiên

Tình yêu truyện ấy lưu truyền

Kể cho những bạn nhân duyên lỡ làng

Có mối tình Thị Đan đời cổ

Thành câu chuyện lưu để ngàn năm

Ất Mùi kết với Thị Đan

Nam Kim thầm nhớ chứa chan trong lòng) (146)

Chúng ta thấy có một số trường hợp cách hiệp vần ở hai câu song thất (của người Việt) giống hệt với cách hiệp vần của thơ bảy tiếng người Tày: tiếng thứ bảy của dòng đầu vần trắc vần với tiếng thứ năm của dòng sau. Cũng có trường hợp ở thể thơ của người Tày, tiếng thứ bảy của dòng đầu vần bằng vần với tiếng thứ năm của dòng sau:

Cừn vằn giá thán vọng răng lai

Cẩu bươn pà mẻ khai rừ phuối (147)

Trường hợp này chỉ giống hai dòng song thất Việt ở chỗ: tiếng thứ bảy của dòng đầu vần với tiếng thứ năm của dòng sau. Còn sự khác nhau thể hiện ở chỗ thơ Việt hiệp vần trắc, thơ Tày hiệp vần bằng.

Ở loại thơ Đường (tiểu loại thất ngôn) của người Hán, toàn bộ các trường hợp hiệp vần đều theo vần chân. Thí dụ, đây là bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hoả đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

(Có bản dịch:

                Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều

 Trăng tà chiếc quạ kêu sương

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ

 Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn) (148)

Qua sự so sánh ở trên, chúng ta thấy hai câu bảy của thể song thất lục bát của người Việt và thể thơ bảy tiếng của người Tày có khi rất giống nhau về cách hiệp vần (ở vị trí tiếng và hiệp vần trắc), có khi giống nhau một phần (ở vị trí tiếng gieo vần). Sự giống nhau vừa nêu là do ngẫu nhiên hay là do mối quan hệ ảnh hưởng? Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, truyện thơ Nôm Tày chịu ảnh hưởng của thơ Nôm Việt, chứ không ai phân tích thơ bảy tiếng của người Tày chịu ảnh hưởng của thể thơ song thất lục bát Việt.

  1. Lời tri ân

Tổng tập truyện thơ các dân tộc thiểu số do Nguyễn Xuân Kính và Vũ Quang Dũng biên soạn. Mặc dù chúng tôi đã rất cố gắng nhưng rất khó tránh khỏi thiếu sót, hạn chế. Trong quá trình làm việc, chúng tôi đã kế thừa thành tựu sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch của hàng chục nghệ nhân, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu: Vương Anh, Đinh Văn Anh, Hoàng Triều Ân, Đinh Văn Ân, Sần Cháng, Hờ A Di, Cao Sơn Hải, Nguyễn Văn Hoà, Inrasara, Bùi Lạc, Điêu Chính Ngâu, Hoàng Anh Nhân, Mạc Phi, Lâm Quý, Hoàng Quyết, Doãn Thanh, Bùi Tiên, Nguyễn Quang Tuệ,… Trong quá trình biên soạn, chúng tôi đã thỉnh giáo GS. TSKH. Phan Đăng Nhật, nhà thơ Cao Sơn Hải, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoà và đã nhận được những chỉ dẫn bổ ích. PGS. Hoàng Văn Ma và nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoà đã xem lại phần phiên âm tiếng Tày và phiên âm tiếng Thái. PGS. TS. Trần Thị An, PGS. TS. Nguyễn Thị Huế (Viện Văn học), Thạc sĩ Lê Hồng Sinh (Trường Trung cấp sư phạm Yên Bái), TS. Nguyễn Hằng Phương (Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên), họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng (Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ) đã giúp đỡ chúng tôi về tài liệu. Các cử nhân: Cao Thị Hải, Lư Thị Thanh Lê, Hà Mai Hương và Thạc sĩ Vũ Hoàng Hiếu đã có đóng góp trong việc thu thập và kiểm tra tư liệu.

Mặc dù nhóm biên soạn đã rất nỗ lực, song nếu không có sự chỉ giáo, giúp đỡ, đóng góp nói trên, tổng tập truyện thơ sẽ không có được kết quả như hôm nay. Xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu và những đóng góp hiệu quả của các nhà nghiên cứu, sưu tầm lão thành, các vị tiền bối khả kính, các đồng nghiệp và bạn bè thân quý.

Ghi Chú:

(1) Chúng tôi sẽ trở lại quan niệm này ở phần III của bài Dẫn luận.

(2) Điêu Chính Ngâu (1957), Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội. Ở đây chúng tôi ghi tên sách và phụ đề tiếng Việt đúng như ở bìa và tr.3. Có những cách phiên âm khác nhau của nhiều tác giả. Các nhà Thái học Tòng Kim Ân và Nguyễn Văn Hoà phiên âm là Xống chụ xon xao. Chúng tôi theo cách phiên âm này.

(3) Mạc Phi dịch và giới thiệu (1961), Tiễn dặn người yêu (Xống chụ son sao), Nhà xuất bản Văn hoá, Hà Nội, tr.3. Ở đây chúng tôi ghi tên sách và phụ đề đúng như ở bìa và tr.3.

(4) Chúng tôi chưa được đọc sách này. Hiện nay ở Thư viện Quốc gia không có. Chúng tôi có được thông tin về sách này qua: Phan Đăng Nhật (1981), Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, tr. 247.

(5) Mạc Phi dịch, khảo dị, chú thích (năm 1964), Chàng Lú – nàng Ủa (Khun Lú – náng Ủa), Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 7. Chúng tôi được biết: Ngày 27/10/1962, Khu Tự  trị Thái Mèo được Quốc hội đổi tên là Khu Tự trị Tây Bắc. 

(6) Mạc Phi (1964), sđd, tr. 7.

(7) Ở tập II còn có Vượt biển, bản dịch của Hoàng Hạc. Chúng tôi không quan niệm tác phẩm này là truyện thơ.

Nam Kim – Thị Đan còn được gọi là Truyện Thị Đan. Lưu Đài – Hán Xuân còn được gọi là truyện Nàng Hán. Trần Châucòn được gọi là truyện Tần Chu.

(8) Trang 3 đề sách xuất bản năm 1963, ở cuối sách ghi thời gian nộp lưu chiểu là tháng 2 năm 1964.

Út Lót – Hồ Liêu còn có các tên khác: Út Lót – Hồi Liêu, Út Lót – Vi Điêu,…

Nàng Nga – Hai Mối còn có các tên khác Huỳ Nga – Hai Mối, Nàng Nga – đạo Hai Mối, Truyện Nghì Nga, Truyện con Nga, Truyện Huỳ Nga, Truyện Vì Nga – Hai Mối…

(9) Minh Hiệu, Hoàng Anh Nhân (1964), Truyện thơ Mường, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 13 – 14.

(10) Cùng chỉ một dân tộc, có nhiều cách gọi khác nhau: Mèo, H’mông, Hmông, Mông. Từ điển tiếng Việt (do Hoàng Phê chủ biên, Viện Ngôn ngữ học chủ trì, Nxb. Đà Nẵng, 2002) ghi ở “Phụ lục I: Các dân tộc ở Việt Nam”: “H’mông (Mèo)”, nghĩa là cách gọi như trong ngoặc đơn đến nay vẫn được chấp nhận, nhưng ít được dùng.

(11) Doãn Thanh (1967), Dân ca Mèo, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 89 – 114. Dân ca Mèo không có phần phiên âm tiếng H’mông.

(12) Chúng tôi ghi tên phiên âm tác phẩm đúng như ở bìa sách và tr. 3. Như vậy, tên phiên âm của cùng một tác phẩm do Mạc Phi dịch ở các lần xuất bản cũng đã khác nhau.

((13) Vũ Ngọc Khánh giới thiệu; Bùi Văn Tiên, Vương Anh, Hoàng Anh Nhân phiên âm, dịch (1973), Truyện Khăm Panh, Ty Văn hoá Thanh Hoá xuất bản, tr. 3-4.

(14) Mai Văn Trí, Bùi Thiện (1976), Tráng Đồng, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, tr. 12.

(15) Chúng tôi chưa được đọc sách này, hiện nay ở Thư viện Quốc gia Hà Nội và ở Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc không có. Chúng tôi gọi điện thoại hỏi ông Nông Phúc Tước (hiện ở thành phố Thái Nguyên), được ông cho biết sách này không có bản dịch tiếng Việt, chỉ có bản tiếng dân tộc.

(16) “Cùng bạn đọc”, in trong: Nông Quốc Chấn chủ biên, giới thiệu (1979), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam. Tập VI. Văn học dân tộc ít người (quyển một), Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 39.

(17) “Cùng bạn đọc”, sđd, tr. 39.

(18) Năm 1974, trên Tạp chí Dân tộc học số 2, Triệu Hữu Lý dịch từ tiếng Dao sang tiếng Việt tác phẩm Truyện Đặng Hành và Bàn Đại Hộ. Trong chuyên luận chưa xuất bản, PGS. TS. Lê Trường Phát nhận xét rằng, tác phẩm này “kể về công cuộc tìm đất, di cư và định cư của dân tộc Dao từ miền Nam Trung Quốc sang Việt Nam. Với một đề tài như vậy, Đặng Hành và Bàn Đại Hộ có dáng dấp của một tác phẩm thuộc thể loại sử thi nhiều hơn – cho dù vẫn được dịch giả gọi tên là truyện.” (Lê Trường Phát (1997), Đặc điểm thi pháp truyện thơ các dân tộc thiểu số, luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, tr. 6. Chúng tôi chia sẻ nhận xét này.

Chúng tôi cũng không quan niệm Bàn Hộ là truyện thơ. Về tác phẩm này, xin xem: Triệu Hữu Lý sưu tầm, biên soạn, chú thích (1982), Bàn Hộ (Trường ca dân tộc Dao), Nxb. Văn hoá, Hà Nội.

Theo TS. Trần Hữu Sơn, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Dự án Bảo tồn sách cổ của người Dao đã khảo sát, thống kê được 684 quyển sách cổ của người Dao. Riêng ngành Dao Tuyển ở hai huyện Bảo Thắng và Bảo Yên đã có 43 truyện thơ dài (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 5 năm 2008). Chúng tôi chưa được phép tiếp xúc với nguồn tài liệu này, vì đến tháng 12 năm 2008, Dự án này mới kết thúc.

(19) Inrasara (2008), Văn hoá – xã hội Chăm nghiên cứu và đối thoại, sđd, ở tr. 55, tác giả viết: “(…) cuốn Truyện thơ Chàm được in lại trong năm tuyển, tổng tập tầm cỡ mươi năm qua, trong khi nó đã bị đưa ra phê phán nhiều lần rằng đây không phải của Chăm đúng là Chăm. Tốn tiền của nhân dân rất vô ích (và cả có hại)” .

(20) Inrasara (2008), sđd, tr. 108. 

(21) Hoàng Anh Nhân tuyển lựa và giới thiệu (1986), Tuyển tập truyện thơ Mường, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tập I, tr. 14.

(22) Hà Văn Ban, Hoàng Anh Nhân (1991), Trường ca Ú Thêm, Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Trang 3 của sách này ghi năm xuất bản là 1990; trang cuối cùng ghi nộp lưu chiểu tháng 1 năm 1991.

(23) Đặng Nghiêm Vạn chủ biên (1992), bản “Khải luận” trong Tuyển tập văn học các dân tộc ít người ở Việt Nam, quyển thứ nhất, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 28.

(24) Đặng Nghiêm Vạn chủ biên (1992), sđd, quyển thứ hai, tr. 229 ghi “Mai Trí” là thiếu chính xác.

(25) Đặng Nghiêm Vạn chủ biên (1992), sđd, quyển thứ ba, tr. 161.

(26) Đó là nhìn chung, cá biệt như ở các tr. 90, 91, 92, 94,… cũng có những câu (dòng) ba tiếng.

(27) Ở phần sau, chúng tôi xin phân tích cụ thể vần trong thơ Nôm Tày và vần trong bản dịch.

(28) Tập 1 và tập 36 xuất bản trước Đổi mới (1986) là sáu năm. Bản đề cương tổng thể của bộ tổng tập này được soạn trước năm 1980.

(29) Tập 1 và tập 36 (in năm 1980) khổ sách 16 x 20 cm. Sau này các tập khác in theo khổ lớn hơn (16 x 24 cm), thí dụ tập 3A xuất bản năm 1991 là in theo khổ 16 x 24. Năm 1997, những người chủ trì phải in lại nội dung tập 1 và nội dung tập 36 với hình thức sách khổ 16 x 24. 

(30) Đây là lần thứ hai nhóm biên soạn do GS. Đặng Nghiêm Vạn chủ biên công bố lại bản dịch bảy truyện thơ Chăm kém chất lượng của Tùng Lâm và Quảng Đại Cường. Lần thứ nhất, như đã nói ở trên, là năm 1992 với Tuyển tập văn học các dân tộc ít người ở Việt Nam.

(31) Trong sách Truyện thơ Chàm (1983), tên truyện là Hoàng hậu Cư-mi-ra (tr.2, 85); ở tập V của bộ Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, tr. 1075, 1107 người soạn viết sai tên truyện thành Hoàng hậu Cưrima. Chúng tôi cho rằng viết sai (không phải dị bản), bởi vì ở trong tác phẩm, vẫn viết Cưmira. 

(32) Trong số đó, hai văn bản Hoàng hậu Cưmira Aria Chăm Bni được in tới lần thứ tư.

(33) Theo thư của cụ Nguyễn Văn Hoà viết ngày 7/7/2008 gửi cho chúng tôi. Vì cụ là Uỷ viên Ban Chủ nhiệm Chương trình Thái học, am hiểu tiếng Thái, chữ Thái và văn học Thái nên chúng tôi đã nhờ cụ đọc cuốn sách của ông Nguyễn Khôi và cho nhận xét.

(34) Hoàng Quyết sưu tầm, dịch, giới thiệu (1994), Nam Kim – Thị Đan (truyện thơ Nôm Tày), sđd, tr. 9.

(35) Hiểu “dịch” theo nghĩa chính xác của từ này.

(36) Những người khác gọi là Khun Lú – náng Ủa (Chàng Lú – nàng Ủa).

(37) và (38)Đặng Nghiêm Vạn và các cộng sự ghi “Mai Trí” (thiếu tiếng “Văn”).

(39) Theo chỗ chúng tôi được biết, GS. Đặng Nghiêm Vạn và các cộng sự khi biên soạn bộ Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam không được một cơ quan, tổ chức nào đầu tư kinh phí cho khâu chuẩn bị bản thảo. Sách in xong, nhóm biên soạn được Nhà xuất bản Đà Nẵng trả nhuận bút. Đây là loại sách khó tiêu thụ đối với bạn đọc rộng rãi. Chúng tôi ghi nhận sự hào hiệp (không vì lợi nhuận vật chất) của Nhà xuất bản Đà Nẵng.

(40) Sách này còn có nhiều chỗ thiếu chính xác. Thí dụ, ở các tr. 531, 554 sách Tổng tập văn học Việt Nam (do GS. Đinh Gia Khánh làm Chủ tịch Hội đồng biên tập) được gọi là Tuyển tập văn học Việt Nam, ở các tr. 295, 358 người dịch “Mai Văn Trí” được gọi là “Mai Trí”. Tại tr. 309 trong đoạn tiểu dẫn về truyện thơ Út Lót – Hồ Liêu, những người soạn viết: “Truyện chọn trong tập III Tuyển tập truyện thơ Mường (Thanh Hoá) của Minh Hiệu do Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, ấn hành 1986”. Như đã nói ở trên, năm 1986, Nxb. Khoa học xã hội ấn hành Tuyển tập truyện thơ Mường, hai tập, do “Hoàng Anh Nhân tuyển lựa và giới thiệu”. Bộ sách này không có tập III. Xin nói thêm, ngay cả khi GS. Đặng Nghiêm Vạn giới thiệu về sách do ông viết, ông biên soạn cũng thiếu chính xác. Tại bìa 4 của cuốn sách Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam (2003), Nxb. Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, ông nhắc về một cuốn sách như sau: “Văn học các dân tộc miền núi – chủ biên – 1992”. Đây chính là bộ sách gồm bốn quyển Tuyển tập văn học các dân tộc ít người ở Việt Nam, Đặng Nghiêm Vạn chủ biên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992. 

(41) Theo Tô Hợp, Quám khắp pi noọng lẩu khôm, pi noọng đôm nâu dịch theo nghĩa Thái đen là: Tiếng hát anh em rượu đắng, anh em ngửi thối. Anh em ngoài dòng họ kết bạn rượu với nhau, vui vẻ say sưa, nhưng khi có việc nhờ đến thì tìm cách từ chối, lẩn tránh. Còn anh em trong dòng họ, anh em ruột thịt thì không thể bỏ nhau được.

(42) Nguyễn Duy Quý (2004), “Lời giới thiệu” in ở đầu tất cả mười quyển sách, tr. 7. Ở đây người viết chưa chính xác khi cho rằng: “Một vài công trình như Hợp tuyển thơ văn Việt Nam Tổng tập văn học Việt Nam ra mắt độc giả vào những năm 60 và 90 của thế kỉ trước, (…)”. Thực ra, bộ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam gồm 6 tập, được xuất bản không chỉ vào những năm 60, thí dụ: tập 2 và tập 6 xuất bản năm 1962, tập 1 xuất bản năm 1972. Còn bộ Tổng tập văn học Việt Namkhông chỉ xuất bản ở những năm 90, thí dụ: tập 1 và tập 36 xuất bản năm 1980.

(43) Đã có bản dịch song ngữ truyện thơ Chăm Um Mưrup của Inrasara (1996) mà nhóm biên soạn còn dùng bản do Tùng Lâm, Quảng Đại Cường biên dịch là không thoả đáng.

(44) Nông Quốc Chấn chủ biên (2004), Tinh tuyển văn học Việt Nam, tập 2, quyển 1: Văn học các dân tộc thiểu số, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 283.

(45) Nông Quốc Chấn chủ biên (2004), Tinh tuyển văn học Việt Nam, tập 2, quyển 1, sđd, tr. 283. 

(46) Mạc Phi dịch và giới thiệu (1973), Tiễn dặn người yêu (Xống chụ xon xao), Nxb. Văn học, Hà Nội, in lần thứ hai có sửa chữa, tr. 50.

(47) Nếu kể cả Đăm Kteh Mlan của người Ê Đê thì có chín dân tộc có truyện thơ được sưu tầm, dịch và xuất bản. Xin xem: Nguyễn Hữu Thấu sưu tầm, biên dịch, chỉnh lý (2003), Khan Đăm Săn và khan Đăm Kteh Mlan, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, hai tập. Nhà xuất bản gọi Đăm Kteh Mlan là sử thi thì chưa ổn; còn Nguyễn Hữu Thấu gọi là “khan” như cách gọi của người bản địa. Tác phẩm này có phải là truyện thơ hay không thì vẫn còn phải tiếp tục thảo luận.

(48) Phạm Thu Yến chủ biên, Lê Trường Phát, Nguyễn Bích Hà (2002), Giáo trình văn học dân gian, Nxb. Đại học sư phạm, Hà Nội, tr. 239.

(49) Chế Lan Viên (1984), “Tâm hồn và tiếng hát Hmông”, in trong Dân ca Hmông, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 15 – 40. Sách này viết Hmông (chữ H không có dấu ’).

(50) Lê Trường Phát (1997), Đặc điểm thi pháp truyện thơ các dân tộc thiểu số, luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, tr. 11.

(51) Lê Trường Phát (1997), tlđd, tr. 11 – 13.

(52) Xin xem: bài viết của Mạc Phi trong Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu), 1961, bài viết của Mạc Phi trong Chàng Lú – nàng Ủa (1964), bài viết của Minh Hiệu về truyện thơ Út Lót – Hồ Liêu, in trong Truyện thơ Mường (1964).

(53) Nông Quốc Chấn (1964) “Mấy ý nghĩ về truyện thơ cổ Tày – Nùng”, trong sách Truyện thơ Tày – Nùng, tập I, sđd, tr. 20.

Nhân đây, xin đính chính về xuất xứ của một đoạn văn trong cuốn sách Truyện thơ Tày nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại (2004) của Vũ Anh Tuấn. Ở tr. 14, khi đề cập đến “bài giới thiệu chung hai tập Truyện thơ Tày – Nùng” của Nông Quốc Chấn, tác giả Vũ Anh Tuấn viết như sau: “Về kết cấu cốt truyện thơ, ông (tức Nông Quốc Chấn – N.X.K chú thích) viết: “Kể theo trật tự thời gian tuyến tính, bố cục thành từng chương đoạn. Đặc điểm đó cho thấy truyện thơ chưa vượt khỏi quỹ đạo của sáng tác văn học dân gian về phương diện cách kể”. Về giá trị nghệ thuật…”. Hai câu in nghiêng được Vũ Anh Tuấn cho là của Nông Quốc Chấn. Thực ra, không phải thế. Đó là văn của Lê Trường Phát (1997), tlđd, tr. 27.

(54) Nông Quốc Chấn (1964), bđd, tr. 20.

(55) Lê Trường Phát (1997), tlđd, tr. 27.

(56) Nông Quốc Chấn (1964), bđd, tr. 21.

(57) Cơ quan ngôn luận của Viện Văn học: Từ 1960 đến tháng 6 năm 1963 là Tập san Nghiên cứu văn học, từ tháng 7 năm 1963 đến tháng 12 năm 2003 là Tạp chí Văn học, từ tháng 1 năm 2004 đến nay là Tạp chí Nghiên cứu văn học.

(58) Trong bài viết, tác giả ghi tên là Phan Nhật.

(59) Lê Trường Phát (1997), tlđd, tr. 19.

(60) Phan Nhật (1972), “Tìm hiểu quá trình hình thành truyện thơ Tiếng hát làm dâu”, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 3, tr. 69.

(61) Phan Nhật (1972), bđd, tr. 69.

 (62) Phan Nhật (1972), bđd, tr. 69.

(63) Phan Nhật (1972), bđd, tr. 67.

(64) Phan Nhật (1972), bđd, tr. 68.

(65) Phan Nhật (1972), bđd, tr. 68.

((66) Phan Nhật (1972), bđd, tr. 71.

(67) Lê Trường Phát (1997), bđd, tr. 20.

(68) Nguyễn Tấn Đắc (1991), “Thử tìm hiểu nguồn gốc truyện U Thền của người Thái ở Việt Nam”, Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 4, tr. 36.

(69) Lê Trường Phát (1997), “Về mô hình cốt truyện của truyện thơ các dân tộc thiểu số”, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 7, tr. 52. Những chỗ in nghiêng là do L.T.P.

(70) Lê Trường Phát (1997), bđd, tr. 54. Những chỗ in nghiêng là do L.T.P.

(71) Lê Trường Phát (1997), bđd, tr. 54.

(72) Lê Trường Phát (1997), bđd, tr. 54. 

(73) Lê Trường Phát (1997), bđd, tr. 54 – 55.

(74) Lê Trường Phát (1997), bđd, tr. 55 – 56. Những chỗ in đậm là Lê Trường Phát trích dẫn Arixtôt. Những chỗ in nghiêng là do Lê Trường Phát nhấn mạnh.

(75) Đến bây giờ vẫn chưa thấy tập II. Hiện nay, Viện Văn học đang chủ trì việc biên soạn một bộ lịch sử văn học Việt Namkhác.

(76) Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (1980), Lịch sử văn học Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 129.

(77) Ngoài ra, các tác giả dành nhiều sự quan tâm cho Vượt biển. Như đã nói ở trên, chúng tôi không quan niệm đây là truyện thơ.

(78) Phan Đăng Nhật (1981), Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám 1945), Nxb. Văn hoá, Hà Nội, tr. 181 – 190.

(79) Phan Đăng Nhật (1981), sđd, tr. 190.

(80) Phan Đăng Nhật (1981), sđd, tr. 208.

(81) Phan Đăng Nhật (1981), sđd, tr. 209.

(82) Bế Viết Đẳng, Khổng Diễn, Phạm Quang Hoan,… (1992), Các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Nam, Viện Dân tộc học xb, Hà Nội, tr. 293.

(83) Bế Viết Đẳng, Khổng Diễn, Phạm Quang Hoan,… (1992), sđd, tr. 293 – 294.

(84) Vũ Anh Tuấn (2004), Truyện thơ Tày nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 71.

(85) Vũ Anh Tuấn (2004), sđd, tr. 110.

(86) Vũ Anh Tuấn (2004), sđd, tr. 72.

(87) Vũ Anh Tuấn (2004), sđd, tr. 72. Chỗ in nghiêng là do V.A.T.

(88) Vũ Anh Tuấn (2004), sđd, tr. 114.

(89) Vũ Anh Tuấn (2004), sđd, tr. 72 – 73. 

(90) Vũ Anh Tuấn (2004), sđd, tr. 73. Chỗ in nghiêng là do V.A.T. Chúng tôi sửa lại: “Nguồn tiếp nhận…” = “Người tiếp nhận…”.

(91) Vũ Anh Tuấn (2004), sđd, tr. 73.

(92) Vũ Anh Tuấn (2004), sđd, tr. 117.

(93) Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Côn, Nguyễn Nghĩa Dân, Lý Hữu Tấn, Hoàng Tiến Tựu, Đỗ Bình Trị, Lê Trí Viễn (1963), Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, tập I (Văn học dân gian), Nxb. Giáo dục, Hà Nội. Sách gồm 460 trang. Từ lần in thứ ba trở đi, tên sách bỏ hai tiếng “Giáo trình” và tập này in thành hai phần (đóng thành hai quyển).

(94) Lê Trường Phát (1997), tlđd, tr. 29.

(95) Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Côn,… (1963), sđd, tr. 250.

(96) Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Côn,… (1963), sđd, tr. 258.

(97) Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Côn,… (1963), sđd, tr.

(98) Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Côn,… (1970), Lịch sử văn học Việt Nam, tập I. Văn học dân gian, phần II, tr. 149. Lần in thứ năm (1978) ở phần II, tr. 124.

(99) Đỗ Bình Trị (1991), Văn học dân gian Việt Nam, tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 224.

(100) Đỗ Bình Trị (1991), sđd, tr. 224.

(101) Đỗ Bình Trị (1991), sđd, tr. 230.

(102) Lê Trường Phát (1997), tlđd, tr. 29.

Xin nói thêm, trong giáo trình xuất bản năm 1991, PGS. Đỗ Bình Trị phân tích khá dài Khảm hải (Vượt biển) và quan niệm tác phẩm này là sử thi. Ông Lục Văn Pảo, nhà nghiên cứu Hoàng Triều Ân, GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh và chúng tôi không quan niệm Vượt biển là truyện thơ. 

(103) Phạm Thu Yến chủ biên (2002), Giáo trình văn học dân gian, Nxb. Đại học sư phạm, Hà Nội, tr. 236 – 240. Cụm từ “tác phẩm đặc sắc” là của L.T.P.

Một phần hậu thân của trường này là Trường Đai học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học quốc gia Hà Nội.

(104) Xin xem:

a/ Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (1962), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

b/ Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972 – 1973), Văn học dân gian, Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, hai tập. Trong các năm 1977, 1991, bộ sách này được tái bản.

(105)Võ Quang Nhơn (1983), Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, tr. 396.

(106) Lê Trường Phát (1997), tlđd, tr. 30 – 31.

(107) Lê Trường Phát (1997), tlđd, tr. 31.

(108) Lê Chí Quế chủ biên, Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ (1990), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội. Sách này được xuất bản nhiều lần, tại nhiều nhà xuất bản. Ở đây chúng tôi trích theo bản in lần thứ hai, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 1996, tr. 3.

(109) Cách phân loại này chỉ có tính chất tương đối, chẳng hạn, trong quá trình thực hiện luận án tiến sĩ, PGS. Lê Trường Phát đã công bố bài viết có liên quan đến nội dung luận án trên Tạp chí Văn học; chẳng hạn, lời giới thiệu của nhà thơ Chế Lan Viên ở đầu tập Dân ca Hmông (1984) cũng đã công bố trên Tạp chí Văn học, số 6 năm 1979.

(110) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 372.

(111) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên (2004), sđd, tr. 377.

(112) Nguyễn Lộc (1978), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, tập 2, Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.

(113) Nguyễn Lộc (1978), sđd.

(114) Nguyễn Lộc (1978), sđd, tr. 283.

(115) Kiều Thu Hoạch (1993), Truyện Nôm nguồn gốc và bản chất thể loại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 254.

(116) Viện Khoa học xã hội Việt Nam (2002 – 2006), Tổng tập văn học dân gian người Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 19 tập. Tập 12 giới thiệu truyện Nôm bình dân; tập này xuất bản năm 2005 do GS. Kiều Thu Hoạch biên soạn.

(117) Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tuyệt đại đa số văn học các dân tộc thiểu số thuộc phạm trù văn học dân gian, bởi vậy nói truyện thơ Tày, Thái,… tức là nói truyện thơ dân gian Tày, Thái,…

(118) Inrasara (2008), sđd, tr. 127. 

(119) Hờ A Di sưu tầm, biên dịch (2004), Luk tẩuv Hmôngz (Truyện thơ Mông), Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, tr. 6.

(120) Phan Đăng Nhật (1972), bđd, tr. 62.

(121) Mạc Phi dịch và giới thiệu (1961), Tiễn dặn người yêu (Xống chụ son sao), Nxb. Văn hoá, Hà Nội, tr. 29.

(122) Mạc Phi dịch và giới thiệu (1961), sđd, tr. 6.

(123) Đoạn văn dưới đây trong sách của Điêu Chính Ngâu (1957), sđd, tr. 6 – 7 cho thấy người Thái có hình thức đọc truyện thơ:

Trong khi nhân dân hết lòng yêu chuộng Sống chụ son sao, trích ra từng đoạn dài để ca hát trong lúc cưới xin, răn nhủ nhau nhớ ơn cha mẹ, “chung thuỷ với người yêu thì giai cấp phong kiến luôn luôn ghìm giữ nhân dân bằng những câu khuyên: Đọc Sống chụ son sao không nên đọc hết, đọc hết ma quỷ sẽ làm cho điên”, hoặc: “Vợ chồng mới cưới, đọc Sống chụ son sao gia đình sẽ tan vỡ”, v.v…

(124)Nông Quốc Chấn (1964), “Mấy ý nghĩ về truyện thơ cổ Tày – Nùng”, trong sách Truyện thơ Tày – Nùng, tập I, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.21.

(125) Đinh Văn Ân sưu tầm, chú thích, giới thiệu (1973), Đang vần va (truyện thơ dân gian Mường), Nxb. Văn hoá, Hà Nội, tr. 7.

(126) Mạc Phi dịch, khảo dị, chú thích (1964), Chàng Lú – nàng Ủa (Khun Lú – náng Ủa), truyện thơ Thái, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.5.

(*) Lúc kháng chiến: Thời gian chống Pháp 1946 – 1954 (N.X.K chú).

(127) Điêu Chính Ngâu dịch và chú thích (1957), sđd, tr. 7.

(128) Kiều Thu Hoạch (2007), Truyện Nôm lịch sử phát triển và thi pháp thể loại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 269.

(129) Lục Văn Pảo (1992), “Truyện Nôm Tày”, Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 3.

(130) Lục Văn Pảo (1992), bđd.

(131) Kiều Thu Hoạch (2007), sđd, tr. 271.

(132) Kiều Thu Hoạch (2007), sđd, tr. 271.

(133) Kiều Thu Hoạch (2007), sđd, tr. 272. (*) Đoạn văn này Kiều Thu Hoạch trích của Hoàng Quyết và Triều Ân.

(134) Inrasara (2006), Ariya Cam, trường ca Chăm, Nxb. Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 9 – 10.

(135) Inrasara (2006), sđd, tr. 10 – 11. Ở đây tác giả nhắc đến Akayet Dewa Mưno. Đây là một sử thi. Trong sách này, còn có tác phẩm truyện thơ, thí dụ: Ariya Cam – Bini. 

(136) Phan Đăng Nhật (2004), “Truyện thơ”, in trong cuốn sách của Vũ Anh Tuấn (2004), sđd, tr. 401

(137) Phan Đăng Nhật (2004), “Truyện thơ”, sđd, tr. 401.

(138) Võ Quang Nhơn (1983), Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, sđd, tr. 393.

(139) Võ Quang Nhơn (1983), Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, sđd, tr. 395 – 396.

(140) Nguyễn Quang Tuệ (2008), Duch {um Dăm Sơdang, truyện thơ Bahnar, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, tr. 19.

(141) Nguyễn Thị Ngọc Anh (2008), bđd, tr. 9. Chỗ in đậm là do chúng tôi nhấn mạnh.

(142) N.I. Niculin (1972), “Mấy vấn đề nghiên cứu và giới thiệu văn học Việt Nam ở Liên Xô”, Tạp chí Văn học, số 2, PGS. Lê Sơn dịch. Trong bản dịch không in nghiêng. Những chỗ in nghiêng là do GS. Phan Đăng Nhật nhấn mạnh năm 2004.

(143) GS. Phan Đăng Nhật viết: “N.I. Niculin là trưởng ban văn học Á Phi của Viện Nghiên cứu văn học thế giới, là chuyên gia có uy tín về văn học Việt Nam. Những kết luận của ông về truyện thơ Việt Nam, trong mối quan hệ so sánh với văn học các dân tộc châu Á và Đông Nam Á trên đây là đáng tin cậy”. (Phan Đăng Nhật (2004), bđd, tr. 403). Chúng tôi nghĩ, khi viết văn học Trung Quốc không có truyện thơ, có thể là Niculin chỉ nghĩ đến văn học của người Hán, nhận xét của Niculin có lẽ chưa chính xác khi xem xét văn học các dân tộc thiểu số của Trung Quốc.

(144) Kiều Thu Hoạch (2001), “Về truyện thơ của người Thái ở Vân Nam – Trung Quốc”, bđd, tr. 449.

(145) Hoàng Quyết sưu tầm, dịch, giới thiệu (1994), Nam Kim – Thị Đan (truyện thơ Nôm Tày), Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, tr. 47.

(146) Hoàng Quyết sưu tầm, dịch, giới thiệu (1994), sđd, tr. 10.

(147) Hoàng Quyết sưu tầm, dịch, giới thiệu (1994), sđd, tr. 49.

(148) Nguyễn Xuân Kính (2006), Thi pháp ca dao, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 151 – 152.

Nguồn bài đăng

1 thoughts on “Truyện thơ các dân tộc thiểu số

Bình luận về bài viết này