Đông Nam Á cận-hiện đại

dong nam a

PGS TS Văn Ngọc Thành

A. MỘT SỐ QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á THỜI KỲ CẬN ĐẠI 

1/PHILIPPIN THỜI KỲ CẬN ĐẠI                                                                     

       I- Philíppin trước khi thực dân Tây Ban Nha xâm lược 

         Trước khi bị người Tây Ban Nha xâm chiếm, Philíppin chưa đạt tới trình độ phát triển chế độ phong kiến tập quyền như ở các nước phương Đông khác. Ngoài một số vùng chịu ảnh hưởng ít nhiều của phong kiến Ấn Độ và Inđônêxia, còn hầu hết những vùng còn lại đều trong tình trạng lạc hậu. Xã hội Philíppin mới bước vào sự phân hoá giai cấp và hình thành nhà nước. 

       Xã hội chia làm 3 đẳng cấp: thủ lĩnh, dân tự do và nô lệ, nhưng ranh giới giữa thủ lĩnh và dân tự do không cách biệt lắm. Thậm chí người dân công xã bình thường vẫn có thể trở thành thủ lĩnh thông qua bầu cử dân chủ. Điều này chứng tỏ tàn tích của chế độ thị tộc tồn tại khá nặng nề.

       Theo nhiều nhà nghiên cứu thì quan hệ phong kiến ở quần đảo này phát triển cùng lúc với sự có mặt của người châu Âu ở đây, có nghĩa là vào đầu thế kỷ XVI. Do tình trạng chia cắt về địa lý trên quần đảo chưa từng có một ông vua chuyên chế kiểu phương Đông. Tầng lớp quí tộc phong kiến có nhiều đặc quyền còn người nông dân công xã là người sở hữu trên thực tế ruộng đất công xã và không phải nộp thuế cho nhà nước. Họ chỉ có nghĩa vụ đi lính cho vua. Người nô lệ vốn là tù binh hay con nợ và không đóng vai trò quan trọng trong sản xuất. Họ chủ yếu phục vụ trong gia đình quí tộc.

       Tình trạng kinh tế của Philíppin không đồng đều giữa các vùng. Ở những vùng ven biển do có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài nên kinh tế phát triển hơn, còn vùng sâu trong nội địa, trình độ kỹ thuật rất thấp kém, thậm chí đang ở giai đoạn cuối của xã hội nguyên thuỷ (mặc vỏ cây, chưa biết làm nhà, vũ khí bằng cung, tên).

       Như vậy, trước khi người Tây Ban Nha xâm chiếm Philíppin, ở đây đang tồn tại chế độ chính trị và kinh tế lạc hậu, tàn dư xã hội nguyên thuỷ còn hết sức nặng nề. Đó là điều kiện thuận lợi để thực dân Tây Ban Nha dễ dàng xâm lược và đặt ách đô hộ của mình.

       II- Sự xâm lược và chính sách thống trị của Tây Ban Nha

       1- Sự xâm lược của Tây Ban Nha

       Vào đầu thế kỷ XVI, Tây Ban Nha là nước phát triển nhất là ở châu Âu và nắm quyền thống trị trên biển Đại Tây Dương. Các thương nhân Tây Ban Nha có mặt ở khắp nơi trên thế giới.

       Ngày 16/3/1521, Magienlăng đến Philíppin. Tại đây ông ta đã gây chiến với tù trưởng Lapu Lapu ở đảo Mắctan và bị bắn chết. Lapu trở thành người anh hùng đầu tiên của Philíppin chống quân xâm lược(1). Sự giàu có của quần đảo Philíppin qua chuyện kể của những thuỷ thủ còn sống sót đã thúc dục chính phủ Tây Ban Nha tìm cách chiếm vùng đất này.

       Năm 1565, chính phủ Tây Ban Nha phái Lơgátspi chỉ huy đạo quân xâm lược Philíppin. Cuộc chiến đấu chống quân xâm lược của nhân dân Philíppin diễn ra anh dũng, nhưng tình trạng biệt lập về lãnh thổ, thiếu thống nhất trong hành động đã làm cho phong trào chống xâm lược lần lượt thất bại. Vùng chiếm đóng của Tây Ban Nha dần dần mở rộng. Đến năm 1572, về cơ bản cuộc chiến tranh xâm lược đã hoàn thành và ách thống trị của Tây Ban Nha ở Philíppin đã được thiết lập.

       2- Ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha ở Philíppin.

       Để cai trị Philíppin, Tây Ban Nha áp dụng chế độ thác quản (Encommiendas) đặt nhân dân Philíppin dưới quyền thống trị trực tiếp của bọn thực dân. Thực chất đây là chế độ nông nô tàn khốc. Người nông dân chịu sự bóc lột trực tiếp của địa chủ Tây Ban Nha. Đàn ông Philíppin từ 16 tuổi đến 60 tuổi hàng năm phải đóng thuế như sau: 10 rêan cho nhà nước, 1 rêan cho nhà thờ, 1 rêan cho ngân khố của huyện. Thuế này có thể trả bằng tiền hay hiện vật. Ngoài tô nộp cho địa chủ, nông dân còn phải thực hiện nghĩa vụ lao dịch với ít nhất 52 ngày trong 1 năm. Bởi vậy, đời sống nhân dân rất khó khăn. Nạn bắt người bán sang châu Mỹ làm nô lệ thường xuyên xẩy ra. Những người chống đối chính quyền thực dân bị bắt cũng bị biến thành nô lệ.

        Chính quyền Tây Ban Nha sử dụng đạo Thiên chúa làm công cụ thống trị  tinh thần. Trong quá trình bành trướng của đạo Thiên chúa có sự xung đột gay gắt với đạo Ixlam ở các đảo phía nam. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của chính quyền, đạo Thiên chúa ngày càng mở rộng, đẩy lùi và đánh bại đạo Ixlam vào giữa thế kỷ XIX. Thủ đoạn mà các giáo sĩ đạo Thiên chúa thường dùng là cưỡng bức, bắt các tù trưởng buộc cả bộ tộc theo đạo. Nếu thuyết phục mãi không được sẽ dùng lưỡi gươm để cưỡng bức. Bởi vậy Philíppin là nước châu Á có tỷ lệ dân số theo đạo Thiên chúa đông nhất (80% dân số). Nhà thờ và các tu viện chiếm nhiều vùng đất đai rộng lớn. Chúng bóc lột nông dân cả phần hồn lẫn phần xác.

       Chế độ thống trị của Tây Ban Nha đã loại bỏ tầng lớp thống trị bản xứ, người Tây Ban Nha trực tiếp cai trị các địa phận. Các tù trưởng, quí tộc phong kiến mặc dù được miễn các thứ thuế và các nghĩa vụ tạp dịch nhưng lại chẳng có quyền hành gì. Họ trở  thành người thu thuế và chịu trách nhiệm về hành vi của nhân dân vùng mình ở. Họ và vợ con thường bị bọn thực dân đánh đập, sỉ nhục. Bởi vậy, các tù trưởng và quý tộc người Philíppin rất phẫn uất và thường nổi dậy đấu tranh.

       Để xoa dịu tinh thần của quần chúng, cuối thế kỷ XVII, chính quyền Tây Ban Nha tiến hành một số cải cách:

       – Chia Philíppin thành 16 tỉnh (đến đầu thế kỷ XIX, lại chia thành 34 tỉnh) đứng đầu là người Tây Ban Nha. Bộ máy hành chính do người Philíppin quản lý nhưng dưới sự giám sát của người Tây Ban Nha.                                                                                                                                                                                                                                        

       – Mở trường học theo kiểu phương Tây cho tầng lớp trên của người Philíppin học tập nhằm đào tạo đội ngũ tay sai người bản xứ.

       Với cải cách này, chính quyền thực dân đã tạo ra một bộ máy tay sai người bản xứ để làm cơ sở cho chế độ thực dân. Giai cấp phong kiến Philíppin trở thành tầng lớp quan lại phục vụ cho chính quyền thực dân. Chúng được phép bóc lột nông dân nhưng về hình thức không được quyền sở hữu ruộng đất. Tuy nhiên trên thực tế, chúng vẫn cướp đoạt được ruộng đất của nông dân bằng nhiều thủ đoạn, nhất là qua con đường cho vay nặng lãi. Người nông dân ngày càng bị mất đất, bị bần cùng hoá.

       Cho đến cuối thế kỷ XVIII, chính quyền Tây Ban Nha vẫn thực hiện chính sách đóng cửa Philíppin để độc quyền bóc lột nhân dân nước này. Vì thế, kinh tế Philíppin không phát triển được. Nhưng chính sách này chỉ có thể làm chậm sự bành trướng kinh tế của các nước tư bản vào Philíppin mà không thể ngăn chặn được quá trình này. Trước sự xâm nhập ngày càng tăng của hàng hoá các nước khác vào Philíppin, năm 1785, chính quyền Tây Ban Nha lập “Công ty Hoàng gia Philíppin” để dành độc quyền ngoại thương ở nước này và cạnh tranh với các công ty của các nước khác trên thị trường châu Á. Về khách quan, Công ty Hoàng gia Philíppin góp phần làm suy yếu tình trạng biệt lập, mở rộng khả năng giao lưu với bên ngoài, từ đó tạo điều kiện cho kinh tế Philíppin phát triển.

       Dưới sức ép của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha buộc phải mở cửa Philíppin cho các nước này vào tự do buôn bán. Mỹ là nước đầu tiên được phép tự do buôn bán trong các hải cảng của Philíppin. Philíppin bị cuốn vào quĩ đạo kinh tế tư bản chủ nghĩa với tư cách là nơi cung cấp hàng nông nghiệp và tiêu thụ hàng hoá công nghiệp.

       Sự xâm nhập của hàng hoá từ bên ngoài ngày càng tăng đã góp phần thúc đẩy kinh tế hàng hoá ở Philíppin phát triển và tạo điều kiện cho giai cấp tư sản dân tộc ra đời. Nhiều đồn điền của tư sản và địa chủ Philíppin xuất hiện, thuê nhân công làm việc. Mặt khác đầu thế kỷ XIX, các công ty nước ngoài tăng cường đầu tư vào Philíppin lập nhà ngân hàng, nhà máy, công xưởng. Điều này để góp phần thúc đẩy quan hệ sản xuất TBCN ở Philíppin phát triển.

       III – Cuộc cách mạng tư  sản  cuối thế kỷ  XIX
       1- Sự thức tỉnh của dân tộc Philíppin

       Đầu thế kỷ XIX, dưới ảnh hưởng của cách mạng tư sản lần thứ nhất ở Tây Ban Nha (1801-1814) và phong trào giải phóng dân tộc ở Mỹ latinh, phong trào giải phóng dân tộc ở Philíppin phát triển mạnh.

       Năm 1823, sĩ quân và binh lính người Philíppin do Nôvalét lãnh đạo đã khởi nghĩa chiếm thành phố Manila và dinh Toàn quyền nhưng sau đó bị đàn áp.

       Năm 1824, nông dân ở đảo Xêbu và năm 1844, nông dân Nêgôcốt khởi nghĩa. Đáng chú ý là khởi nghĩa nông dân do Kơrútxơ lãnh đạo.

       Trong các cuộc khởi nghĩa nửa đầu thế kỷ XIX, giai cấp phong kiến đã tham gia, nhưng lực lượng đông đảo nhất vẫn là nông dân. Các cuộc khởi nghĩa này trước hết nhằm giải quyết mâu thuẫn dân tộc và sau đó giải quyết mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ (địa chủ Tây Ban Nha và Philíppin).

       Khởi nghĩa Kavíttơ: nguyên nhân trực tiếp để cuộc khởi nghĩa nổ ra là do quyết định của chính quyền thực dân bắt công nhân công binh xưởng Kavíttơ  đóng thuế. Điều đó đã gây nên sự bất mãn trong công nhân và binh lính. Ngày 21/1/1872, công nhân và binh lính Kavíttơ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa kéo dài trong 3 ngày thì bị đàn áp.

       Cuộc khởi nghĩa Kavíttơ được coi mở đầu cho giai đoạn đấu tranh quyết liệt của phong trào giải phóng dân tộc ở Philíppin.

       2- Hôxê Ridan và tổ chức Liên minh Philíppin.

       Hôxê Ridan sinh năm 1861, trong một gia đình thương nhân gốc Hoa, vì có tư tưởng không phục tùng Tây Ban Nha nên gia đình ông bị quản thúc, mẹ ông bị bắt giam khi ông mới 10 tuổi. Gia đình đã có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành tư tưởng của Ridan. Ngay từ khi là học sinh trung học, Ridan đã nhận được giải nhất về thơ ca với bài thơ “Gửi thanh niên Philíppin”, trong đó ông kêu gọi thanh niên:

               “Hỡi hy vọng của Tổ quốc

                        Hãy đấu tranh cho tương lai tươi sáng của Philíppin

       Ông học ngành y tại đại học tổng hợp Mađrít, nhưng ông còn theo học nhiều bộ môn khác như triết học, văn học, hội hoạ, điêu khắc và các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý. Sau này ông đã sử dụng được 22 ngôn ngữ khác nhau. Những cuốn tiểu thuyết “Đừng đụng đến tôi” và “Cách mạng” cùng với những vần thơ ca ngợi tự do, lòng yêu tổ quốc của ông thực sự đã thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân Philíppin. Ông đã bóc trần cảnh sống khổ nhục của người nông dân và dân tộc Philíppin. Nhưng H. Ridan không tìm ra phương pháp đấu tranh và con đường cứu nước cho dân tộc. Ông cho rằng, chính quyền Tây Ban Nha sẽ trả tự do độc lập cho Philíppin. Tư tưởng của Ridan phản ánh tư tưởng của giai cấp tư sản Philíppin yếu đuối, ôn hoà. Cùng với những đồng chí của mình, Ridan đấu tranh đòi:

       – Quyền bình đẳng giữa người Philíppin và Tây Ban Nha

       –  Người Philíppin được cử đại biểu vào nghị viện.

       –  Bảo vệ quyền tư hữu tài sản.

       –  Tự do buôn bán.

       Năm 1892, Hôxê Ridan thành lập tổ chức “Liên minh Philíppin” tổ chức này gồm nhiều tầng lớp tham gia: địa chủ, tư sản, tiểu tư sản và cả một số nông dân. Liên minh đề ra nhiệm vụ:

       – Thống nhất cả quần đảo thành một quốc gia lớn mạnh.

       – Chống bạo lực và bất công.

       – Phát triển giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp và buôn bán.

       – Thi hành cải cách.

       Những nhiệm vụ trên thể hiện nguyện vọng của giai cấp tư sản Philíppin và của Hôxê Ridan, phản đối đấu tranh bạo lực, không tin vào lực lượng của nhân dân. Ông chỉ chú trọng hoạt động trong giới trí thức. Ông cho rằng chỉ cần biện pháp giáo dục cũng sẽ cải thiện đời sống nhân dân và chỉ có bằng con đường cải cách mới dành độc lập, tự do cho Philíppin.

       Những hoạt động của H. Ridan làm kẻ thù lo sợ và chúng đã xử tử ông  vào ngày 30/12/1896. Ông đã không hề biện hộ cho mình, không run sợ trước cái chết và hiên ngang bước ra pháp trường. Lòng yêu nước và khí phách của người anh hùng vang vọng mãi trong bài thơ “Lời vĩnh biệt cuối cùng của tôi” viết đêm 29/12/1896, trước khi ra pháp trường.

       3- Bônêphaxiô và tổ chức Liên hiệp những người con yêu quí của nhân dân.

       Bônêphaxiô sinh ngày 30/11/1863, ở Manila, trong một gia đình lao động. Lúc đầu Bônêphaxiô tham gia vào Liên minh Philíppin với tư cách là đại diện cho tầng lớp bình dân, nhưng ông không đồng tình với tư tưởng cải lương của tổ chức này nên đã thành lập tổ chức bí mật: “Những người con yêu quý của  nhân dân” (viết tắt là Katipunan) vào năm 1892. Tham gia tổ chức là những người bình dân và trí thức tiểu tư sản. Lần đầu tiên trong lịch sử Philíppin có một tổ chức là Katipunan đã đặt vấn đề giành độc lập dân tộc cho Philíppin. Tuy nhiên Katipunan không có cương lĩnh rõ ràng. Trong “Mười lời răn người con nhân dân” do Bônêphaxiô viết, mang đầy màu sắc tôn giáo phản ánh lòng tin ngây thơ vào sự bình đẳng tuyệt đối, vào sự thắng lợi của lòng từ thiện.

       Năm 1896 là năm phát triển mạnh nhất của Katipunan về số lượng. Liên minh có chi hội ở nhiều nơi và trở thành một tổ chức quần chúng.

       4- Cách mạng Philíppin (1896-1898).

  1. a) Giai đoạn I của cuộc cách mạng.

       Ngày 23/8/1896, Ban lãnh đạo Katipunan quyết định khởi nghĩa. Với khẩu hiệu “Chiến thắng hay là chết”, mọi người tham gia hội nghị xé thẻ thuế thân để biểu thị sự quyết tâm.

       Ngày 28/8/1896, Bônêphaxiô phát động khởi nghĩa. Hàng vạn quần chúng nổi dậy. Binh lính người bản xứ trong quân đội thực dân cũng ngả về phía cách mạng. Chính quyền cách mạng thành lập ở nhiều vùng. Sự đàn áp của kẻ thù, thắng lợi bước đầu của cách mạng đã làm cho một bộ phận tư sản và địa chủ do Emilio Aghinanđô đứng đầu tham gia vào cuộc khởi nghĩa. Aghinanđô xuất thân từ giai cấp địa chủ và đã từng giữ chức thị trưởng thành phố Cavíttơ. Ông tham gia vào Katipunan, phát động khởi nghĩa và giành được chính quyền tại Cavíttơ. Để cướp đoạt thành quả cách mạng, Aghinanđô đã quyết định thủ tiêu Katipunan và giết người lãnh đạo của nó là Bônêphaxiô. Tại hội nghị ngày 23/3/1897, phái ủng hộ Aghinanđô giành thắng lợi, Katipunan bị thủ tiêu, nước cộng hoà Philíppin được thành lập do Aghinanđô làm tổng thống. Ngày 10/5/1897, Bônêphaxi ô bị xử bắn. Như vậy, quyền lãnh đạo cách mạng hoàn toàn rơi vào tay giai cấp tư sản, địa chủ.

       Toàn quyền Tây Ban Nha Rive tìm mọi cách tiêu diệt cách mạng. Y tiến hành đàm phán với Aghinanđô và hứa sẽ cải cách nền chính trị ở Philíppin nếu Aghinanđô giải tán chính phủ cộng hoà. Ngày 18/11/1897, hai bên ngừng bắn và kí hiệp ước. Theo hiệp ước thì chính quyền Tây Ban Nha đồng ý tiến hành cải cách ở Philíppin nhưng lại có thêm điều khoản rằng cải cách như thế nào sẽ phụ thuộc chính phủ Tây ban nha. Biện pháp thực thi hiệp ước gồm:

       – Quân đội Aghinanđô phải đầu hàng.

       – Aghinanđô và các thành viên chính phủ phải tị nạn tại Hồng Công.

       – Tây Ban Nha trả cho Aghinanđô và quân du kích 80 vạn pêsô.

       Ngày 27/12/97, Aghinanđô rời Philíppin, phó mặc tương lai Philíppin vào “lòng thương” của bọn cướp nước. Bản chất nửa vời, sợ cách mạng của giai cấp tư sản, địa chủ đã không cho phép họ cùng nhân dân lao động tiến hành cách mạng đến cùng. Hy vọng của Aghinanđô vào sự cải cách của Tây Ban Nha chỉ là ảo vọng.

  1. b) Giai đoạn II (1898) của cuộc cách mạng.

       Tuy Aghinanđô đầu hàng nhưng ngọn lửa chiến tranh cách mạng vẫn tiếp tục bùng nổ ở nhiều nơi. Để không bị gạt khỏi vai trò lãnh đạo cách mạng, ở Hồng Công, Aghinanđô lập “Hội đồng ái quốc” và bắt liên lạc với phong trào trong nước. Tháng 4/1898, chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha bùng nổ. Nhằm nhanh chóng chiếm Philíppin, Mỹ đã bắt liên lạc với Aghinanđô, yêu cầu phát động chiến tranh chống Tây Ban Nha và hứa bảo đảm độc lập cho Philíppin sau giải phóng.

       Ngày 2/5/1898, hạm đội Mỹ do Điuây chỉ huy đánh tan hạm đội Tây Ban Nha ở vịnh Manila. Cuối tháng 5, Aghinanđô về nước. Aghinanđô vẫn ngây thơ cho rằng Mỹ là người cứu tinh cho nền độc lập của Philíppin.

       Ngày 12/6/1898, ở Kavíttơ, Aghinanđô tuyên bố nền độc lập của Philíppin. Tuyên ngôn độc lập mang tính chất chống đế quốc và phong kiến  nên đã khích lệ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của quần chúng. Nhiều tỉnh được giải phóng, thủ đô Manila bị quân cách mạng bao vây. Nhưng ngày 13/8/1898, quân Mỹ đổ bộ lên Philíppin, tấn công và chiếm Manila. Mỹ ngăn cấm không cho lực lượng cách mạng tiến vào Manila với mục đích biến Manila thành bàn đạp để tấn công nước Cộng hoà Philíppin.

       Tháng 11/1898, Hiến pháp mới của nước cộng hoà được ban bố (gọi là Hiến pháp Malôlốt, vì được thông qua tại thành phố Malôlốt – thủ đô của cách mạng). Trong Chương 1 của Hiến pháp đã tuyên bố “chủ quyền thuộc về nhân dân”,  quyền tự do dân chủ của nhân dân được ghi nhận, quyền lập pháp nằm trong tay Quốc hội. Đây là một trong những bản hiến pháp tiến bộ nhất trên thế giới lúc bấy giờ.

       Ngày 10/12/1898, Mỹ và Tây Ban Nha ký hiệp định Pari, theo đó Tây Ban Nha nhượng lại quần đảo Philíppin cho Mỹ với giá 20 triệu USD. Cuộc cách mạng của nhân dân Philíppin đã góp phần quyết định sự diệt vong của chế độ thực dân Tây Ban Nha ở Philíppin và đã bị Mỹ cướp thành quả tại bàn hội nghị.

        Ngày 4/2/1899, chiến tranh Philíppin – Mỹ bùng nổ. Quân cách mạng trang bị lạc hậu đã bị thất bại  trước đội quân xâm lược Mỹ. Tháng 3/1901, Aghinanđô và các thành viên của chính phủ cộng hoà bị bắt. Ông ta đã kêu gọi nhân dân hạ vũ khí đầu hàng quân xâm lược Mỹ. Từ đây, Philíppin trở thành thuộc địa của Mỹ.

       Cách mạng Philíppin thất bại do những nguyên nhân sau:

       Cuộc cách mạng Philíppin do giai cấp tư sản lãnh đạo. Phần lớn tư sản Philíppin gắn chặt với kinh doanh ruộng đất, chỉ có một số ít kinh doanh công thương nghiệp. Họ có mối ràng buộc với chính quyền thuộc địa nên dễ dao động thoả hiệp với chúng. Bởi vậy, họ sẵn sàng đầu hàng kẻ thù, bán rẻ quyền lợi dân tộc khi cách mạng gặp khó khăn.

        Cách mạng Philíppin bùng nổ trong lúc chủ nghĩa đế quốc đang phát triển, bởi vậy tương quan lực lượng bất lợi  cho cách mạng.

        Lực lượng lãnh đạo thiếu cương lĩnh ruộng đất đúng đắn do đó không động viên được tuyệt đại đa số nông dân tham gia. Trong quá trình diễn biến của cách mạng có lúc vì áp lực của phong trào quần chúng, chính quyền Aghinanđô đã đưa ra chính sách ruộng đất rất hạn chế như tịch thu ruộng đất của nhà thờ và địa chủ phản bội dân tộc nhưng thực ra số ruộng đất này lại lọt vào tay giai cấp tư sản còn nông dân không được hưởng quyền lợi gì. 

(1) Đoàn thám hiểm của Magienlăng ra đi từ Tây Ban Nha  ngày 20/9/1519 , với 5 thuyền và 265 người, nhưng đến ngày  6/9/1922 chỉ còn 1 thuyền với 18 người trở về với vàng và hương liệu đủ để trang trải cho chuyến đi.

2/ CAMPUCHIA THỜI CẬN ĐẠI                                                                                

       I – Sự xâm nhập của thực dân Pháp vào Cămpuchia

       1- Tình hình Cămpuchia trước khi thực dân Pháp xâm lược

       Sau một thời kỳ phát triển cực thịnh (từ thế kỷ IX- thế kỷ XV) với nền văn minh Ăngco huy hoàng, từ thế kỷ XVI, vương quốc Cămpuchia rơi vào tình trạng suy thoái. Năm 1594, tướng Xiêm Pranaút cầm đầu đạo quân 10 vạn người chiếm kinh đô Lôvéc của Cămpuchia. Hoàng thân em trai vua cùng 10 vạn dân bị bắt làm nô lệ. Vua Satha và hoàng tộc phải trốn sang Lào. Từ đây bắt đầu thời kỳ Cămpuchia thường xuyên không ổn định bởi chiến tranh của các tập đoàn phong kiến trong nước và nước ngoài.

       Từ cuối thế kỷ XVI, ở Cămpuchia tồn tại chính quyền phong kiến không tập trung. Về danh nghĩa, vua là người có quyền tối thượng nhưng trên thực tế quyền lực còn bị phân chia thành 3 nhánh với 3 vương phủ:

       – Vương phủ của phó vương được quyền cai quản và thu thuế 7 tỉnh.

       – Vương phủ thái tử được quyền cai quản và thu thuế 5 tỉnh.

       – Vương phủ của Hoàng thái hậu cai quản và thu thuế 3 tỉnh.

       Đạo Phật là quốc giáo ở Cămpuchia. Các nhà chùa cũng bao chiếm nhiều ruộng đất và có nhiều nông dân lệ thuộc.

       Vào thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha đặt chân đến Cămpuchia, tiếp đó các thương nhân Tây Ban Nha, Hà Lan cũng có mặt ở nước này.

       2- Thực dân Pháp biến Cămpuchia thành thuộc địa

       Ngay từ năm 1662, linh mục Lui Sơvơrơi là người Pháp đầu tiên trong “Hội truyền bá niềm tin” đã có mặt ở Uđôn (Cămpuchia) trong 3 năm để truyền đạo. Tuy nhiên, vì Cămpuchia là quốc gia Phật giáo nên việc truyền bá đạo Thiên chúa không có kết quả.

       Năm 1845, khi Ang Dương lên làm vua ở Cămpuchia, tình hình nước này ngày càng khó khăn do sức ép của thế lực phong kiến Xiêm. Lợi dụng cơ hội đó, các giáo sĩ Pháp tìm cách lôi kéo vua Ang Dương. Vào năm 1853, chúng thuyết phục vua Ang Dương cầu cứu Pháp, gửi thư và tặng phẩm cho hoàng đế Napôlêông III. Năm 1856, giám mục Milơ với cương vị là thầy dạy của thái tử và thầy thuốc của vua Ang Dương đã bố trí để triều đình Pháp cử sang Cămpuchia đoàn sứ thần do Môngtinhi cầm đầu. Đoàn này về bề ngoài là để đáp lễ nhưng thực chất chuẩn bị ký với Cămpuchia một hiệp ước. Xiêm biết được tin này đã tìm mọi cách ngăn cản, nên âm mưu ký hiệp ước của Pháp bị thất bại.

       Năm 1859, thái tử Angvôlay Chơrêlang nối ngôi vua Cămpuchia với danh hiệu là Nôrôđôm. Giám mục Milơ vốn là thầy của vua nên càng có ảnh hưởng ở Cămpuchia. Tháng 3/1861, theo đề nghị của Milơ, đô đốc Sácne từ Sài gòn đến Cămpuchia đưa thư và tặng phẩm mừng Nôrôđôm. Nhưng nhân dân Cămpuchia dưới sự lãnh đạo của hoàng thân Xivôtha đã tấn công chiếm kinh đô Uđôn buộc Nôrôđôm phải chạy sang Băngcốc cầu cứu. Sau khi đàn áp được cuộc khởi nghĩa của Xivôtha, Nôrôđôm ngày càng lệ thuộc Xiêm, mọi việc trong nước đều do tên công sứ Xiêm Panhirắt quyết định.

       Sau khi chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ (tháng 6/1862), Pháp chuẩn bị lực lượng để chiếm Cămpuchia. Tháng 4/1863, Đơ Lagrê chỉ huy đoàn tàu chiến ngược dòng Mê Công tiến vào Uđôn. Mặc dù Xiêm tìm cách ngăn cản nhưng bất chấp sự có mặt của viên công sứ Xiêm, thống đốc Nam kỳ, đô đốc Đơ Lagơrăngđie đã trực tiếp gặp Nôrôđôm và bắt vua Nôrôđôm ký bản Hiệp ước bảo hộ vào ngày 11/8/1863 với nội dung:

  1. Pháp nhận bảo hộ Cămpuchia và được cử Khâm sứ bên cạnhnhà vua Cămpuchia. Ngược lại,  Cămpuchia cũng có đại diện ở Sài Gòn (điều 1, 4).
  2. Người Pháp được tự do cư trú ở Cămpuchia và khi phạm tội chỉ bị toà án Pháp xử(điều 6, 9).
  3. Hàng hoá của Pháp vào Cămpuchia khi có giấy phép của Thống đốc Nam kỳ thì không phải chịu thuế. Hàng hoá của Cămpuchia vào Nam kỳ khi có giấy phép của vua Nôrôđôm thì không phải chịu thuế (điều 10, 11).
  4. Hạm đội Pháp, các nhà bác học, các nhà thám hiểm đến Cămpuchia được cả hai bên giúp đỡ và bảo vệ (điều 12, 14). Pháp được tự do truyền đạo ở Cămpuchia (điều 15).
  5. Vì nhu cầu quân sự, Cămpuchia nhường cho Pháp đất đóng đồn và dựng kho ở Chơrui Changva (sát thủ đô Phnôm Pênh), cho Pháp được đẵn gỗ để đóng tàu (điều 16, 18).
  6. Pháp cam kết giúp vua Cămpuchia chống ngoại xâm và nội phản. Chính phủ Pháp công nhận Nôrôđôm là quốc vương Cămpuchia và tặng vua 1 tàu thuỷ có binh lính, sĩ quan do Pháp đài thọ, huấn luyện (điều 19, 20).

       Bản hiệp ước này gây nên sự phản đối mạnh mẽ của  nhân dân Cămpuchia cũng như  của Xiêm và Anh. Sứ thần Xiêm Panhirắt dùng áp lực doạ nạt vua Nôrôđôm, còn Anh đòi Pháp phải huỷ bỏ hiệp ước. Kết quả ngày 1/12/1863, Nôrôđôm lại bị ép  ký với  Xiêm bản hiệp ước “bảo hộ” với nội dung chủ yếu như sau:

  1. Xiêm coi Cămpuchia là một nước chư hầu và Nôrôđôm là phó vương Cămpuchia. Hàng năm Cămpuchia phải cử sứ thần sang Băngcốc triều cống và báo cáo tình hình.
  2. Xiêm sẽ bổ nhiệm các tỉnh trưởng của Cămpuchia. Khi Cămpuchia có loạn, phó vương Cămpuchia phải báo cho Xiêm biết, Xiêm sẽ cử quân bảo vệ phó vương.
  3. Hai tỉnh Báttambăng và Ăngco thuộc về Xiêm.
  4. Xiêm sẽ chuyển lại cho vua Nôrôđôm mũ, ấn, kiếm và cử phái viên đến Cămpuchia tổ chức lễ đăng quang.

       Pháp kịch liệt phản đối hiệp ước này và đe doạ sử dụng lực lượng quân sự.  Xiêm buộc phải nhượng bộ Pháp do không được Anh ủng hộ. Để dàn hoà mâu thuẫn giữa Pháp – Xiêm, hai bên ký Hiệp ước Băngcốc vào ngày 15/7/1867 với nội dung sau:

  1. Xiêm thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Cămpuchia, còn Pháp cắt cho Xiêm các tỉnh Báttambăng và Ăng Co.
  2. Huỷ bỏ bản hiệp ước giữa Xiêm và Cămpuchia tháng 12/1863.

       Hiệp ước này là sự thỏa thuận chia phần giữa hai kẻ cướp trên mảnh đất Cămpuchia.

       Sau khi gạt Xiêm ra khỏi Cămpuchia, Pháp buộc vua Nôrôđôm ký thêm hiệp ước nô dịch mới vào đêm 17/6/1884, với nội dung chủ yếu sau: 

  1. Vua Cămpuchia chấp nhận mọi cải cách về hành chính, tư pháp, tài chính, thương nghiệp do chính phủ Pháp tiến hành.
  2. Các quan chức bản xứ ở các tỉnh được giữ nguyênnhưng phải chịu sự điều khiển và kiểm soát của Pháp
  3. Các ngành thuế khoá, thương chính, giao thông thành những ngành riêng do người Pháp nắm giữ.
  4. Chính phủ bổ nhiệm các viên công sứ người Pháp đứng đầu các tỉnh của Cămpuchia. Công sứ có quyền duy trì trật tự trị an và kiểm soát các nhà chức trách địa phương.

       Ngoài ra hiệp ước qui định rõ vua Cămpuchia được hưởng lương của Pháp và viên khâm sứ Pháp có quyền gặp vua bất cứ lúc nào. Với hiệp ước này, Cămpuchia thực sự trở thành một nước thuộc địa của Pháp.

       II- Phong trào đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Cămpuchia

       Trước nguy cơ mất nước, nhân dân Cămpuchia đã đứng dậy cầm vũ khí chống xâm lược, đặc biệt từ khi giai cấp phong kiến hoàn toàn đầu hàng quân xâm lược phong  trào đấu tranh phát triển với qui mô mới.

       1 – Khởi nghĩa của hoàng thân Xivôtha (1861-1892).

       Thái độ nhu nhược sẵn sàng bán rẻ quyền lợi dân tộc cho ngoại bang của Nôrôđôm đã làm cho một bộ phận trong giai cấp phong kiến căm phẫn. Họ đã lãnh đạo nhân dân đứng dậy khởi nghĩa với người đứng đầu là hoàng thân Xivôtha.

       Phong trào nổ ra đầu tiên ở Công Pông Xoài và Bắc Biển Hồ vào năm 1861. Nghĩa quân đánh chiếm dinh tổng đốc tỉnh Ba Phnôm. Phong trào phát triển nhanh chóng khắp các tỉnh phía đông sông Mê Công. Triều đình phong kiến cầu cứu Pháp và Xiêm. Trước sự chênh lệch về lực lượng, phong trào tạm lắng vào cuối năm 1862.

       Cuối năm 1876, Xivôtha lại phát động khởi nghĩa ở Công Pông Xoài. Nghĩa quân áp dụng chiến thuật du kích khiến cho kẻ địch với số lượng áp đảo nhưng không thể nào tiêu diệt được. Cuộc khởi nghĩa tồn tại đến tháng 10/1892, sau khi Xivôtha ốm và từ trần thì mới bị dập tắt.

       2 – Khởi nghĩa của Acha Xoa (1863-1865).

       Acha Xoa xây dựng căn cứ  ở vùng Tơrêang Takeo (Đông Nam Cămpuchia). Năm 1864, nghĩa quân chiếm được tỉnh Cam Pốt và áp sát Phnôm Pênh. Từ năm 1865, Acha Xoa lấy tỉnh Châu Đốc, Hà Tiên làm căn cứ đồng thời liên kết với khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Huân để chống Pháp. Trong trận chiến đấu ngày 19/8/1866, Acha Xoa bị thương và sa vào tay giặc, khởi nghĩa thất bại.

       3 –  Khởi nghĩa Pucômbô (1866-1867).

       Vốn là nhà sư có tinh thần yêu nước, Pucômbô đã từng bị giam lỏng ở Sài Gòn nhưng sau đó trốn thoát. Ông đến vùng biên giới Cămpuchia-Việt Nam tập hợp nhân dân các dân tộc Việt, Khơ me, Chăm… đứng lên chống Pháp.

       Ngày 7/6/1866, nghĩa quân tấn công đồn Pháp ở Tây Ninh tiêu diệt phần lớn số lính Pháp trong đồn.

       Ngày 14/6/1866, nghĩa quân tập kích đánh tan đội quân Pháp gồm 150 tên do tên trung tá Mácsedơ  chỉ huy, giết chết tên trung tá cùng nhiều lính địch.

       Nghĩa quân đã phối hợp hoạt động với nghĩa quân Trương Quyền, Võ Duy Dương ở vùng An Giang gây cho địch nhiều thiệt hại.

       Từ tháng 8/1866, nghĩa quân chuyển sang hoạt động ở vùng Đông Bắc Cămpuchia. Trong tháng 8 và tháng 10/1866, nghĩa quân đánh tan đạo quân đàn áp  của triều đình Cămpuchia.

       Việc triều đình nhà Nguyễn để mất 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ đã gây khó khăn cho nghĩa quân Pucômbô. Nghĩa quân mất một khu vực căn cứ, nơi cung cấp sức người, sức của cho cuộc chiến đấu. Cuối năm 1867, địch tập trung lực lượng bao vây căn cứ của nghĩa quân ở Côngpông Thom. Tương quan lực lượng bất lợi cho nghĩa quân. Pucômbô bị thương, bị bắt và bị giết. Cuộc khởi nghĩa thất bại.

       4-  Hoạt động của thái tử Yucăngtơ (1900).

       Là con trai của Nôrôđôm nhưng Yucăngtơ  bất bình với chính sách đầu hàng của vua cha nên đã tìm cách tố cáo tội ác của chế  độ thực dân. Tại Pháp, ông đã viết báo tố cáo tội ác của thực dân Pháp, vạch trần sự dã man của chúng. Hoạt động của thái tử Yucăngtơ  có  tiếng vang lớn ở Pari.

       5  –  Khởi nghĩa của nhà sư Ăng Snuôn (1905).

       Nhân dân tỉnh Stungtreng (Bắc Cămpuchia) nổi dậy khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của nhà sư Ăng Snuôn. Khởi nghĩa tồn tại trong một thời gian ngắn thì bị thất bại.

       Ngoài ra, đầu thế kỷ XX,  ở Cămpuchia còn nổ ra các cuộc đấu tranh của nhân dân Bátđomboong do Kathatoóc và Vixe Nhu lãnh đạo (1907-1908) và cuộc khởi nghĩa của các dân tộc thiểu số do Pa Trangluông lãnh đạo.

       Như vậy từ nửa sau thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhân dân Cămpuchia liên tiếp đứng dậy chống xâm lược. Điều đó chứng tỏ tinh thần bất khuất kiên cường của nhân dân Cămpuchia. Tuy nhiên do tính chất phân tán, trình độ tổ chức và nhất là do sự chênh lệch về lực lượng nên các cuộc khởi nghĩa lần lượt bị thất bại.

3/ XIÊM THỜI CẬN ĐẠI 

       I- Nước Xiêm trước khi CNTB phương Tây xâm nhập

       1- Thống nhất đất nước và chính sách bành trướng của các vua Xiêm

       Đến nửa đầu thế kỷ XVIII, Xiêm trở thành một trong những nước phong kiến lớn ở bán đảo Trung ấn và chế độ phong kiến đạt đến đỉnh cao nhất. Nhưng sau đó, sự tranh giành quyền lợi trong giai cấp thống trị  đã làm cho Xiêm bị suy yếu và đến năm 1767 bị Miến Điện chinh phục. Dưới sự lãnh đạo của Tắc Xin nền độc lập của Xiêm được khôi phục vào năm 1768. Tắc Xin lên ngôi vua, tiêu diệt các tập đoàn phong kiến cát cứ và thống nhất đất nước. Nhưng đến năm 1782, lợi dụng  sự thất bại của Tắc Xin trước cuộc khởi nghĩa do Bun Nắc đứng đầu, tướng Chao Paia Tracơri đã cướp ngôi vua và tự phong là Rama I (1782-1809), bắt đầu triều đại Rama tồn tại đến ngày nay ở Thái Lan.

       Rama I tiến hành xâm lược các nước láng giềng. Các tiểu quốc ở Lào, Mã Lai lần lượt phải nhận sự bảo hộ của Xiêm. Xiêm còn can thiệp vào Việt Nam, giúp Nguyễn ánh đánh Tây Sơn vào năm 1785 (Hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 5 vạn quân và 300 chiến thuyền sang xâm lược Việt Nam đã bị Nguyễn Huệ đánh bại tại Rạch Gầm-Xoài Mút  thuộc Mỹ Tho). Năm 1833, quân Xiêm lại tiến hành xâm lược Việt Nam một lần nữa và cũng bị thất bại.

       2- Chính trị -xã hội.

       Cũng giống như các quốc gia phong kiến khác, ở Xiêm vua là người đứng đầu nhà nước. Giúp việc cho vua có 3 hội đồng:

       –  Hội đồng các hoàng thân (Chao pha).

       –  Hội đồng các quan đứng đầu các bộ (Cờ rôm).

       –  Hội đồng các quan tư pháp (Brắc nan).

       Hai bộ có vai trò quan trọng nhất là bộ nội vụ và bộ chiến tranh. Khi có chiến tranh,  thượng thư hai bộ này đều trở thành tướng chỉ huy quân đội. Toàn quốc chia thành nhiều tỉnh, có nội và ngoại tỉnh tuỳ vị trí địa lý và tính chất phụ thuộc.

       Hệ thống đẳng cấp phong kiến ở Xiêm khá phức tạp. Dưới vua có các chức quanđó là Chao pha và Chao thường cai trị ở tỉnh lớn nhất; Chao pai-a đứng đầu các bộ hoặc các tỉnh lớn; Pai-a là quan trong các bộ, cai trị tỉnh nhỏ; dưới đó còn có các chức như Phơra, Lu ăng, Cum, Mươn…; Các chức quan thấp nhất ở thôn xã là Nai-pan, Nai-rốt, Nai-xíp. Tất cả các chức tước này đều cha truyền con nối. Trên danh nghĩa nhàvua là người sở hữu tối cao về ruộng đất, nhưng trên thực tế nhà vua tiến hành phân cấp ruộng đất tuỳ theo chức tước. Như Chao pha được 5 vạn khoảnh, Chao pai-a: 1 vạn, Nai pan 25- 400 khoảnh.

       Nông dân gồm có 2 loại: Pơraiban là dân tự do và Kha bị tước quyền tự do (nô lệ). Nông dân Pơraiban có ruộng đất nhưng phải thực hiện nghĩa vụ lao dịch cho nhà nước mỗi năm 3-4 tháng, phải nộp 1/10 thu nhập của mình cho nhà nước. Kha (nô lệ) có mấy loại, có loại là con nợ bị nô dịch, phải bán vợ con cho chủ. Họ có thể chuộc mình để trở thành người tự do. Còn Pơrailuăng vốn là tù binh bị bắt trong chiến tranh và con cháu của họ. Đến giữa thế kỷ XIX họ có khoảng 12 vạn người. Họ cũng có thể tự chuộc mình để trở thành người tự do. Nô lệ: Vốn là tù binh, do mua bán, con nợ, phạm nhân. Họ không có quyền chuộc mình và suốt đời chịu sự lệ thuộc hoàn toàn vào giai cấp phong kiến. Nhìn chung, đến thế kỷ XIX phần lớn Kha đã trở thành nông dân lệ thuộc, tuy nhiên thân phận của họ vẫn còn hết sức nặng nề.

       Từ nửa đầu thế kỷ XIX,  ở Xiêm xuất hiện mầm mống kinh tế TBCN. Nhiều công trường thủ công ra đời. Nó thuộc sở hữu tư nhân và nhà nước. Công nhân phần lớn là người Hoa. Tuy nhiên, những mầm mống này không phát triển được vì bị xã hội phong kiến kìm hãm.

       II- Xiêm bị biến thành một nước nửa thuộc địa (1855-1896).

       Ngay từ thế kỷ XV, các thương nhân châu Âu đã đến Xiêm buôn bán và ý đồ chiếm nước này ngày càng bộc lộ rõ. Trước tình hình đó, triều đình Xiêm ra lệnh đóng cửa, không cho thương nhân nước ngoài buôn bán. Mãi đến những năm 20 của thế kỷ XIX, trước áp lực ngày càng tăng của các nước phương Tây, Xiêm phải thực hiện chính sách mở cửa.

       Sau khi hoàn thành xâm chiếm Ấn Độ, một phần Mã Lai và Miến Điện Anh bắt đầu nhòm ngó Xiêm. Do điều kiện xâm lược Xiêm chưa chín muồi nên Anh dùng áp lực ngoại giao để gây ảnh hưởng ở đây. Tháng 4/1855, toàn quyền Anh ở Hồng Công là Baoninh đến Băng Cốc ép vua Xiêm là Môngcút (Rama IV 1851-1868 ) phải ký hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên với nội dung sau:

       –  Người Anh được quyền lãnh sự tài phán ở Xiêm.

       –  Người Anh được tự do buôn bán ở Xiêm, hàng Anh nhập vào Xiêm chỉ chịu 3% thuế.

       –  Người Anh được tự do khai mỏ, buôn bán thuốc phiện mà không bị đánh thuế.

       –  Tàu chiến của Anh có thể tự do ra vào các cửa sông.

     Tiếp theo Anh, các nước khác cũng bắt Xiêm ký các hiệp ước tương tự: năm 1856 với Mỹ,  Pháp, năm 1858  với Đan Mạch, tiếp đó với Bồ Đào Nha, Hà Lan, Đức, Thuỵ Điển, Na Uy, ý, Bỉ, Nga. Chính quyền Xiêm muốn lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước tư bản để chúng kìm chế lẫn nhau, tránh cho Xiêm không bị biến thành thuộc địa của một nước nào đó. Nhưng điều đó để lại hậu quả tai hại đối với xã hội Xiêm. Đây là màn đầu để biến Xiêm thành một nước nửa thuộc địa.

       Xiêm trở thành nơi cung cấp lương thực, nguyên liệu và là thị trường cho các nước tư bản. Hàng loạt ngành thủ công truyền thống và công trường thủ công bị phá sản do hàng công nghiệp tràn vào Xiêm ngày càng tăng. Tuy nhiên, về khách quan, sự xâm nhập của các nước phương Tây đã đẩy nhanh sự tan rã của nền kinh tế tự nhiên, mở rộng sự phát triển của kinh tế uất hàng hoá. Một số nhà máy mới được xây dựng và tầng lớp tư sản xuất hiện ở Xiêm.

       Từ đầu những năm 90, sau khi chiếm xong Miến Điện, Anh muốn biến Xiêm thành thuộc địa của mình. Còn Pháp sau khi chiếm xong Việt Nam, Cămpuchia và Lào cũng muốn tiến tới độc chiếm Xiêm. Quan hệ Pháp – Anh trở nên căng thẳng xung quanh vấn đề Xiêm. Để tránh một cuộc chiến tranh bất lợi cho cả hai bên, Pháp đã đề nghị Anh trung lập hoá Xiêm, biến Xiêm thành vùng đệm nằm giữa 2 hệ thống thuộc địa của Anh và Pháp.

       Ngày 15/1/1896, Hiệp ước Luân Đôn đã được ký giữa Anh và Pháp mà không có sự tham gia của Xiêm. Theo đó, phía Tây sông Mê Nam thuộc ảnh hưởng của Anh, phía Đông thuộc Pháp, thung lũng sông Mê Nam có thủ đô Băng Cốc thuộc quyền quản lý của vua Xiêm và được tự chủ. Hiệp ước cũng cấm Anh, Pháp ký hiệp ước tay đôi với nước thứ 3 nhằm can thiệp vào khu vực này. Với hiệp ước này, Xiêm trở thành một nước nửa thuộc địa của Anh và Pháp.

       III- Sự phát triển quan hệ TBCN ở Xiêm đầu thế kỷ XX

       1- Cải cách của Rama V và Rama VI.

       Khi lên cầm quyền vào năm 1868, Chulaloongcon (Rama V) mới 16 tuổi. Ngay từ nhỏ, ông đã được các gia sư người Anh dạy dỗ nên ông giỏi ngoại ngữ (Bà Lêonôuen – người Anh là gia sư đầu tiên, tiếp đó là ông Morent). Từ năm 1868-1873, quyền hành đất nước nằm trong tay hội đồng nhiếp chính, bởi vậy Chulaloongcon đã nhân dịp cơ hội này đi thăm  và học tập tại Inđônêxia và Ấn Độ. Các chuyến đi này đã củng cố nhận thức của nhà vua về sự cần thiết phải canh tân đất nước. Cuối thế kỷ XIX đầu  thế kỷ XX, Rama V đã tiến hành cải cách với mục tiêu nhằm canh tân đất nước theo con đường TBCN đồng thời vẫn duy trì quyền lực của giai cấp phong kiến Xiêm. Cuộc cải cách này diễn ra trong một thời gian dài từ năm 1874 đến đầu thế kỷ XX.

        Năm 1874,  Rama V tuyên bố xoá bỏ chế độ nô lệ tồn tại lâu đời ở Xiêm, quy định từ nay sẽ không ai còn bị nô lệ và việc bán mình chuộc nợ là bất hợp pháp. Thật ra, trước đó, Rama IV cũng đã ban bố sắc lệnh liên quan đến chế độ nô lệ. Theo sắc lệnh này, cấm đàn ông bán vợ để trả nợ, không được bán thanh niên trên 15 tuổi làm nô lệ. Nhưng Rama V đã đi xa hơn cha mình. Đến năm 1905,  chế  độ nô lệ dưới mọi hình thức bị thủ tiêu ở Xiêm.

        Rama V tuyên bố xoá bỏ chế độ lao dịch cho nhà nước. Hàng năm, nông dân thoát cảnh đi lao dịch với thời gian 3 tháng, nhưng họ phải nộp một khoản tiền cho chính quyền địa phương.

       Năm 1892, Rama V ban hành cải cách bộ máy hành chính theo mô hình của Đức. Với cải cách này vua vẫn là người có quyền lực tối cao, nhưng bên cạnh vua có hội đồng nhà nước đóng vai trò cơ quan tư vấn, thảo luật pháp, hoạt động giống như nghị viện. Bộ máy hành pháp là hội đồng chính phủ gồm 12 bộ  trưởng. Các bộ trưởng đều được đào tạo ở các nước Anh, Pháp, Đức. Toàn quốc chia làm 18 tỉnh, dưới tỉnh là huyện, xã, thôn.

        Năm 1892, RamaV ban hành cải cách tài chính, xoá bỏ chế độ thầu thuế nhằm tránh sự tuỳ tiện của chính quyền địa phương. Việc thu thuế do nhân viên nhà nước trực tiếp tiến hành. Chế độ phạt tù vì thiếu nợ bị bãi bỏ. Trước kia người ta ước tính bọn thầu thuế đã thu 5-6 triệu  stécling và chỉ nộp cho nhà nước 1- 2 triệu stécling (cách làm phổ biến là thu thuế không có biên lai và do vậy có thể thu đi thu lại nhiều lần). Cải cách này đã làm tăng ngân sách nhà nước và giảm bớt sự sách nhiễu của bọn thầu thuế.

        Rama V cũng khuyến khích xuất khẩu gạo bằng cách giảm nhẹ thuế ruộng đất cho nông dân miền Trung là nơi sản xuất 95% sản lượng lúa gạo của đất nước. Bởi vậy, sản lượng gạo xuất khẩu nhanh chóng tăng lên. Nếu năm 1885, Xiêm xuất khẩu 225.000 tấn gạo thì đến năm 1900 tăng  gấp 2 lần (500.000 tấn). Nền kinh tế Xiêm có chuyển biến quan trọng. Vào năm 1893, tỷ trọng giữa xuất và nhập khẩu hàng hoá là 5/1. Các nhà máy nhất là nhà máy xay xát gạo ra đời ngày càng nhiều. Năm 1890, riêng Băng Cốc có 25 nhà máy xay được trang bị máy móc trong đó có nơi thuê tới 400 công nhân. Nhà máy cưa lớn đầu tiên ra đời năm 1894. Công ty xe điện thành lập năm 1867, sớm nhất ở Đông nam á.

       Sau khi  Rama V chết, Vatriravut  lên  ngôi  vua  với  danh  hiệu   là       Rama VI (1910-1925). Ông đã tiếp tục sự nghiệp cải cách  của  cha    mình. Rama VI tiếp tục ban bố các sắc lệnh mới. Tháng 1/1911, ông ban bố sắc lệnh thủ tiêu hoàn toàn chế độ nô lệ dưới mọi hình thức.

        Ông chú trọng phát triển nông nghiệp, tăng diện tích trồng trọt. Bởi vậy, lượng gạo xuất khẩu năm 1910 tăng gần gấp đôi so với năm 1900 (900.000 tấn)

         Ông khuyến khích xây dựng nhà máy mới. Năm 1912, Băng Cốc có 50 nhà máy xay hoạt động. Tăng cường xây dựng đường sắt, km đường sắt đầu tiên được xây dựng vào năm 1892. Đến năm 1914, Xiêm đã có 2000 km đường sắt.

       Nhìn chung, với cải cách của Rama V và Rama VI, nền kinh tế TBCN bước đầu phát triển ở Xiêm. Nhưng nền kinh tế đó không dựa trên cơ sở vững chắc, nó lệ thuộc vào tư bản nước ngoài và phần lớn nằm trong tay người Hoa. Các chính sách cải cách chỉ nhằm xuất khẩu ( chủ yếu là  gạo và gỗ ) sang các nước châu Âu mà không đụng chạm đến cơ sở tồn tại của chế độ phong kiến nên không tạo điều kiện cho Xiêm tiến mạnh lên con đường  tư bản chủ nghĩa.

       2- Cuộc đấu tranh để xoá bỏ các hiệp ước bất bình đẳng.

       Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Xiêm mở rộng các cuộc thương lượng ngoại giao để từng bước thủ tiêu các hiệp ước bất bình đẳng đã từng ký với các nước đế quốc.

       Năm 1897, sau khi ký các hiệp ước với Anh, Pháp, Rama V đi sang một số nước châu Âu gặp chính phủ Anh, Pháp, Đức, Nga… Nhưng cuộc hội đàm giữa Xiêm và Pháp vào năm 1899, không đi đến kết quả.

       Nhưng từ đầu thế kỷ XX, trước ảnh hưởng và sự xâm nhập ngày càng tăng của Nhật và Đức ở Xiêm, để bảo vệ quyền lợi của mình, Pháp đã ký với Xiêm  các hiệp ước sau:

       – Tháng 2/ 1904, hai bên ký hiệp ước, trong đó Xiêm phải cắt cho Pháp một số tỉnh thuộc hữu ngạn sông Mê Công (Mêlupơrây, Tônlêrêpu, Bátxắc ) và hai vùng Cơrát, Đanxai trên vịnh Xiêm. Ngoài ra, Xiêm phải nhường cho Pháp một số đất đai dọc sông Mê Công để xây dựng hải cảng. Còn Pháp, trả lại cho Xiêm tỉnh Chantaburi  và công nhận chủ quyền của Xiêm ở vùng hữu ngạn sông Mê Công thuộc tỉnh Luông Phabăng. Pháp với Xiêm xây dựng đường sắt Phnôm pênh-Báttambăng.

       – Năm 1907, Pháp, Xiêm ký hiệp ước mới, Pháp buộc Xiêm nhường các tỉnh Báttambăng, Xiêmriệp và Xixôphôn để đổi lấy Cơrát và Đanxai. Tổng cộng số đất đai mà Xiêm phải nhường cho Pháp là hơn 2 vạn km2 nhưng đây chủ yếu là đất đai của Lào và Cămpuchia đã bị Xiêm chiếm. Pháp phải từ bỏ quyền lãnh sự tài phán ở Xiêm.

       Năm 1909, Xiêm ký hiệp ước với Anh trao cho Anh một số tỉnh như Kelantan, Tơrenganu và Kêđác vốn là những tỉnh của Mãlai lệ thuộc Xiêm. Anh từ bỏ quyền lãnh sự tài phán và đồng ý cho Xiêm vay tiền xây dựng đường sắt xuyên Malắcca.

       Đến năm 1909, quyền lãnh sự tài phán của các nước tư bản nhìn chung đã bị bãi bỏ ở Xiêm. Đó là thắng lợi của chính sách ngoại giao khôn khéo của Xiêm nhượng đất đai của các nước lệ thuộc để giành lấy nền độc lập. Tuy nhiên, trên thực tế Xiêm vẫn phụ thuộc Pháp, Anh (nhất là Anh) về tài chính và ngoại giao. Bởi vậy, cuộc đấu tranh để thoát khỏi ách lệ thuộc vào nước ngoài, giành độc lập hoàn toàn vẫn được các chính phủ sau đó tiếp tục.

4/ INDONESIA THỜI KỲ CẬN ĐẠI                                                                                

       I- Inđônêxia và sự xâm lược của các nước phương Tây

       1- Xã hội Inđônêxia trước khi Hà Lan xâm lược

       Trước khi thực dân Hà Lan xâm lược Inđônêxia, xã hội Inđônêxia đang bước vào giai đoạn suy vong của chế độ phong kiến. Vương triều Magiapahít bị chia năm xẻ bảy. Giava – hòn đảo lớn nhất, nơi có 2/3 dân số Inđônêxia sinh sống, bị chia làm 2 vương quốc: Bantam và Mataram. Ngay 2 vương quốc này cũng không thống nhất mà bị chia thành nhiều tiểu quốc.

       Công xã nông thôn vẫn là hình thức tổ chức phổ biến ở Inđônêxia. Người nông dân công xã là người sử dụng ruộng đất nhưng không có quyền thừa kế. Ngoài ruộng đất công làng xã, còn có ruộng đất thuộc sở hữu của quí tộc phong kiến đó là thái ấp.  ở đây, nông dân nhận ruộng đất của quí tộc và nộp tô cho chúng. Số tô thường chiếm 1/2 đến 2/3 thu hoạch của người dân.

       Đến đầu thế kỷ XVII, công xã nông thôn lâm vào khủng hoảng, tình trạng mua bán ruộng đất và tập trung ruộng đất vào tay địa chủ giàu có ngày càng nhiều, phần lớn nông dân công xã không có ruộng đất. Quyền hành của bọn quí tộc trong công xã ngày càng tăng. Mặt khác, sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá đã dần dần phá vỡ  tính chất tự nhiên của nền kinh tế. Đặc biệt, ở vùng duyên hải, nền kinh tế thủ công nghiệp, thương nghiệp rất phát triển. Thế lực kinh tế của lãnh chúa vùng duyên hải ngày càng lớn đã làm tăng yếu tố li khai khỏi chính quyền trung ương.

       Như vậy, trước khi bị Hà Lan xâm lược, xã hội phong kiến  Inđônêxia đã lâm vào khủng hoảng. Điều đó tạo cơ hội cho Hà Lan xâm lược đất nước này.

       2- Sự xâm lược của tư bản phương Tây.

       Trước thế kỷ XV, các nước phương Tây hiểu biết về phương Đông rất ít, việc buôn bán với phương Đông nằm trong tay người ả rập. Bởi vậy, vàng bạc của châu Âu bị hao hụt rất nhiều do phải mua hàng hoá của lái buôn ảrập. Phong trào tìm vàng để phát triển kinh tế ở châu Âu dấy lên sôi nổi vào cuối thế kỷ XV.

       Mùa xuân 1498, Vaxcô Đơ Gama chỉ huy 4 tàu đến Canlicút ở Ấn Độ. Chuyến đi này đã làm rung động cả châu Âu và đã lôi cuốn các thương nhân châu Âu kéo sang phương Đông. Con đường hàng hải Tây- Đông đã mở ra dẫn tới cuộc cách mạng thương nghiệp ở châu Âu. Bồ Đào Nha là nước đi tiên phong trên lĩnh vực này.

       Năm 1511, Bồ Đào Nha chiếm Malắcca (Malaixia). Năm 1512, họ xây dựng cứ điểm trên đảo Ambon (Inđônêxia) và năm 1592, xây  dựng  pháo  đài ở Técnát. Do lực lượng có hạn, Bồ đào nha chỉ xây dựng các cứ  điểm  dọc bờ  biển mà không chiếm cứ đất đai. Từ các cứ điểm này sẽ tiến hành các cuộc chiến tranh chinh phục các vùng đất, bắt lãnh chúa ở đó cống nạp, tiến hành buôn bán bằng lừa đảo và ăn cướp. Họ còn tiến hành buôn bán nô lệ ở Inđônêxia. Năm 1522, người Tây Ban Nha cũng có mặt ở Inđônêxia, họ chiếm đảo Tido và lập thương điếm ở đây. Sự có mặt của Tây Ban Nha đã gây nên mâu thuẫn giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Kết quả là hai bên dàn xếp với nhau, Bồ Đào Nha trả cho Tây Ban Nha một số vàng, còn Tây Ban Nha rút khỏi Inđônêxia và chuyển sang hoạt động ở Philíppin.

       Sau khi thoát khỏi ách đô hộ của Tây Ban Nha, từ nửa sau thế kỷ XVI, Hà Lan phát triển mạnh mẽ. Trước kia, thương nhân Hà Lan là người môi giới vận chuyển hàng hoá phương Đông từ Lixbon (thủ đô Bồ Đào Nha) sang các nước châu Âu nhưng từ sau khi Hà Lan độc lập, các tàu buôn Hà Lan bị cấm đến các cảng của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, vì vậy các thương nhân Hà Lan liền lập nhiều công ty để tìm đường buôn bán với phương Đông. Năm 1595, người Hà Lan mở cuộc viễn chinh đầu tiên sang phương Đông. Năm 1596, đoàn thương thuyền do Hốtman chỉ huy cập bến Giava. Từ đó đến năm 1602, số thuyền buôn của Hà Lan không ngừng tăng lên (1602 có 65 chiếc).

       Để cạnh tranh có hiệu quả với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, năm 1602 chính phủ Hà Lan cho thành lập công ty Đông Ấn (Vereenigde Oost  Indische compagnie – V.O.C) với số vốn đầu tiên là 6,5 triệu gunđen. Sau đó, công ty này trở thành mẫu mực cho các  công ty khác cùng loại và là hiện tượng độc đáo trong lịch sử cướp bóc thuộc địa. Công ty được quyền thay mặt nghị viện ký các thương ước, tiến hành chiến tranh, xây dựng pháo đài, tổ chức quân đội, xét xử các quan chức của mình… nói chung quyền hạn của công ty như quyền hạn của một chính quyền nhà nước. Nghị viện còn qui định quyền hạn của công ty có hiệu lực trong 21 năm và có thể gia hạn. Thực tế, quyền lực của công ty tồn tại tới 200 năm.

       Trong quá trình xâm lược Inđônêxia, công ty Đông Ấn có kẻ cạnh tranh là Bồ Đào Nha, nhưng Bồ Đào Nha là đối thủ yếu nên dần dần bị gạt bỏ khỏi Inđônêxia. Vào năm 1609, Hà Lan chiếm Ambon và Técnát từ tay Bồ Đào Nha. Năm 1619, người Hà Lan xây dựng thành phố Batavia phía Bắc Giava, thành phố này về sau trở thành trung tâm của đất thực dân Hà Lan. Để chiếm Inđônêxia, thực dân Hà Lan đã không từ thủ đoạn nào. Chúng ủng hộ giai cấp phong kiến để đàn áp khởi nghĩa nông dân, lợi dụng mâu thuẫn trong các tập đoàn phong kiến để ký các hiệp ước bất bình đẳng. Đến cuối thế kỷ XVI,  Hà Lan đã thống trị toàn bộ đảo Giava.

       Mác nhận xét: “Lịch sử việc cai trị thuộc địa của người Hà Lan là một bức tranh miêu tả những sự giết hại, phản trắc, sa đoạ và đê tiện, không thời nào sánh kịp”.

       Mục đích của công ty Đông Ấn Hà Lan trong thời kỳ đầu là vơ vét hàng hoá, chủ yếu là hương liệu để bán ở thị trường châu Âu. Chúng không chủ trương chiếm đất để cai trị trực tiếp vì công ty chưa có khả năng trực tiếp thống trị. Chúng không tước quyền cai trị của lãnh chúa phong kiến mà dựa vào lực lượng này để vơ vét hàng hoá, chỉ có khi nào thật cần thiết chúng mới can thiệp vào công việc nội bộ của các tiểu quốc phong kiến. Lừa lọc, bạo lực, sách nhiễu luôn luôn đi liền với hoạt động buôn bán của công ty Đông Ấn. Nếu như công ty phải mua một sản phẩm nào đó thì giá cả do công ty tự ý quyết định. Thường người Hà Lan mua gia vị bằng mọi thứ hàng hoá  kể cả đồ cũ không cần thiết đối với người bản xứ. Trong lúc đó số hàng hoá của Inđônêxia đưa sang châu Âu mang lại món lời từ 7 – 10 lần so với giá mua.

       Từ giữa thế kỷ XVIII, vai trò của Hà Lan trong nền kinh tế thế giới ngày càng suy giảm. Anh vươn lên trở thành nước tư bản hùng mạnh nhất. ở phương Đông, công ty Đông Ấn Hà Lan phải cạnh tranh quyết liệt với công ty Đông Ấn của Anh và ngày càng thất thế. Việc Hà Lan chỉ chú trọng vào thương nghiệp, chỉ biết bóc lột mà không xây dựng công nghiệp đã không tạo ra chỗ đứng vững chắc cho công ty. Đến năm 1785, nợ của công ty lên tới 55 triệu gunđen, năm 1795, nợ 125 triệu gunđen. Bởi vậy, năm 1799, công ty phải tuyên bố giải tán. Công ty Đông Ấn Hà Lan đóng vai trò mở đường xâm chiếm thuộc địa đã vĩnh viễn bị loại bỏ sau 200 năm tồn tại.

       3- Phong trào đấu tranh của nhân dân Inđônêxia.

       Chính sách của công ty Đông Ấn đã làm cho nông dân lâm vào tình trạng khốn khổ, còn giai cấp phong kiến cũng căm tức thực dân Hà Lan khi chúng can thiệp vào quyền thế tập của các xuntan. Bởi vậy, phong trào đấu tranh của nhân dân đã bùng nổ ở nhiều nới. Khởi nghĩa của Tơrunô Giôgô nổ ra vào năm1675. Những người khởi nghĩa nêu cao khẩu hiệu chống nước ngoài và khôi phục vương triều Magiapahít. Được sự giúp đỡ  của các thế lực phong kiến phản bội, đến năm 1678, thực dân Hà Lan mới đàn áp được cuộc khởi nghĩa.

       Cuộc nổi dậy do Surapatti lãnh đạo trong những năm 1683-1719. Vốn là người lính trong quân đội thực dân, Surapatti bất bình với chính sách phân biệt chủng tộc của Hà Lan nên đã lãnh đạo nhân dân đứng lên phản kháng. Ông dã xây dựng được một vương quốc độc lập và đã kiên trì lãnh đạo cuộc kháng chiến kéo dài gần 16 năm (1703-1719). Sau khi ông chết, cuộc kháng chiến do con trai Surapatti lãnh đạo còn kéo dài đến năm 1767 mới chấm dứt.

       Nhìn chung, những cuộc đấu tranh trong thời kỳ đầu ở Inđônêxia đều do một bộ phận tiến bộ trong giai cấp phong kiến lãnh đạo. Nông dân là lực lượng tham gia đông đảo nhất.

       II- Sự thống trị của Hà Lan và Anh ở Inđônêxia.

       1- Sự thống trị của Hà Lan thời kỳ Đan Đên.

       Đầu thế kỷ XIX, Hà Lan bị Pháp chiếm và  buộc phải tham gia vào chính sách “bao vây kinh tế” đối với Anh. Đan Đên là tổng đốc của Hà Lan ở Inđônêxia thời kỳ này. Ông ta thực hiện một loạt chính sách :

       –  Đan Đên cho chấn chỉnh lại quân đội, tăng cường tuyển mộ binh lính người bản xứ, xây dựng hệ thống giao thông và pháo đài khắp trong quần đảo.

       –  Để giải quyết vấn đề tài chính, Đan Đên tăng cường chính sách bóc lột bằng cách tăng thuế. Đồng thời, y củng cố hình thức bóc lột phong kiến bằng cách bán từng vùng đất đai rộng lớn cho người châu Âu và Trung Quốc. Người mua đất có quyền sở hữu đất và cai quản  cư dân ở đó.

       –  Giữ độc quyền mua bán gạo, muối.

       Chính sách của Đan Đên vẫn không giữ được cái ghế của y. Tháng 8/1811, Đan Đên bị gọi về nước, Giansên lên thay làm tổng đốc ở Inđônêxia.

       2- Nền thống trị của Anh ở Inđônêxia (1811-1815).

       Tháng 8/1811, quân Anh đổ bộ vào Inđônêxia và hầu như không gặp sự kháng cự nào đáng kể của Hà Lan. Giansên phải đầu hàng, Inđônêxia rơi vào tay người Anh. Lúc đầu, Anh thực hiện chính sách mua chuộc các lãnh chúa phong kiến nhưng khi chiếm xong Inđônêxia, chúng liền thay đổi. Râyphơrít, tổng đốc Anh cho chia Giava thành 16 quận và cho các lãnh chúa phong kiến giữ chức quận trưởng nhưng quyền hành ở quận chủ yếu nằm trong tay viên quan người Anh. Các lãnh chúa trở thành bù nhìn lĩnh lương của thực dân Anh. Nếu lãnh chúa nào không phục tùng lập tức bị cách chức.

       Chính quyền Anh tuyên bố quốc hữu hoá ruộng đất, biến nông dân thành tá điền cho Anh. Ruộng đất được chia ra các loại tốt xấu khác nhau và phải nộp tô thuế chiếm từ 1/5 – 1/2 thu hoạch.Họ tiếp tục thực hiện chính sách bán đất cho người Ấn Độ và Trung Quốc để xây dựng đồn điền trồng cây hương liệu và gia vị. Đồng thời, người Anh ra lệnh cấm buôn bán và sử dụng nô lệ.

       Trong thời kỳ thống trị của Anh, nền thương nghiệp, kinh tế hàng hoá cũng phát triển mạnh hơn trước. Nhưng tình trạng cuộc sống của nông thôn không có gì thay đổi. Sau khi Napôlêông I  thoái vị, Inđônêxia được Anh trả lại cho Hà Lan.

       3- Chế độ cưỡng bức trồng trọt.

       Để độc quyền khai thác và bóc lột Inđônêxia, Hà Lan đã thực hiện các chính sách sau:

        Chính sách bảo hộ mậu dịch: ưu tiên cho hàng hoá Hà Lan và đánh thuế nhập khẩu cao đối với hàng hoá các nước khác, nhờ vậy hàng nhập khẩu của Hà Lan vào Inđônêxia tăng hơn trước. Chẳng hạn như hàng dệt của Hà Lan chiếm 2/3 hàng dệt nhập khẩu vào Inđônêxia.

        Trong nông nghiệp, thực hiện chính sách cưỡng bức trồng trọt (do Vanđen Bốt – tổng đốc Hà Lan đề ra). Theo đó thì nông dân phải đem 1/5 đất đai của mình trồng cây công nghiệp do chính phủ Hà Lan qui định như mía, cà phê, thuốc lá, chàm… Nông dân bán số hoa lợi này lấy tiền nộp chính phủ thay thuế. Nơi nào đất đai do công xã quản lý thì toàn thể nông dân công xã chịu trách nhiệm trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch nộp cho chính phủ. Trên thực tế, số đất giành trồng cây công nghiệp cho chính phủ  chiếm  1/2,  thậm chí 2/3  diện tích. Theo qui định, số ngày công làm việc trên ruộng đất đó là 66 ngày, nhưng trên thực tế nông dân phải mất 200 ngày. Để thực hiện chính sách  này, thực dân Hà Lan đã dựa vào địa chủ quan lại bản xứ. Nhằm lôi kéo giai cấp phong kiến, chính quyền Hà Lan đã cho chúng được khôi phục lại tước hiệu cũ, được quyền thế tập và sử dụng đất đai vĩnh viễn, mặt khác chúng còn được hưởng tỷ lệ nhất định số thu nhập về trồng trọt của nông dân. Bởi vậy, giai cấp phong kiến Inđônêxia ra sức cấu kết với chính quyền thực dân để bóp nặn nhân dân.

       Chính sách cưỡng bức trồng trọt đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Hà Lan. Chỉ trong 40 năm thi hành, số lợi nhuận thu được bằng cả 200 năm thu nhập của công ty Đông Ấn. Số tiền này được đầu tư vào sản xuất công nghiệp ở  Hà Lan và Inđônêxia.

       4- Khởi nghĩa của Đipônêgôrô (1825-1830).

       Ngày 20/7/1825, quân đội Hà Lan tấn công lâu đài của Đipônêgôrô vì ông đã phản đối chính sách phế lập các xuntan và can thiệp vào quyền thừa kế của các lãnh chúa. Lập tức, Đipônêgôrô kêu gọi các lãnh chúa và nông dân đứng dậy chống quân Hà Lan. Đã có 70 lãnh chúa và hàng vạn quần chúng nhân dân từ khắp nơi tham gia nghĩa quân. Quân khởi nghĩa đã dùng chiến thuật du kích gây cho kẻ thù nhiều tổn thất nặng nề. Biết không thể giành thắng lợi bằng quân sự, chính quyền thực dân dùng chính sách mua chuộc các lãnh chúa phong kiến bằng cách hứa trả lại những quyền lợi trước kia của họ. Nhiều lãnh chúa rời bỏ phong trào. Chúng còn dùng thủ đoạn lừa đảo thương lượng, bắt Đipônêgôrô tại bàn đàm phán. Tháng 5/1830, Nêgôrô bị đày đi Mênađô. Cuộc khởi nghĩa kết thúc.

       III- Chế độ thống trị của Hà Lan và phong trào giải phóng  dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

       1- Chế độ thống trị của Hà Lan cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

       Vào những năm 70, nền công nghiệp Hà Lan phát triển khá mạnh, tư bản Hà Lan đòi chính phủ phải mở cửa để được tự do kinh doanh. Bên cạnh đó, các nước Anh, Mỹ cũng ép chính phủ Hà Lan phải mở cửa Inđônêxia để tự do buôn bán. Bởi lý do đó nên năm 1850,  thực  dân  Hà Lan bỏ độc quyền thương mại trên biển Inđônêxia và năm 1860, phải mở 16 cảng cho tàu nước ngoài vào buôn bán. Năm 1870, chính quyền thuộc địa bỏ chế độ cưỡng bức trồng trọt.

       Chính phủ Hà Lan đề ra chính sách ruộng đất, khẳng định quyền chiếm hữu ruộng đất của nông dân và phạm vi ruộng đất do chính phủ sở hữu. Số ruộng đất do chính phủ sở hữu bán cho tư bản Hà Lan và tư bản nước ngoài hoặc có thể cho thuê. Đến năm 1914, tư bản nước ngoài chiếm 1/4  diện tích trồng trọt và chúng đã lập 2100 đồn điền trồng cây công nghiệp (ký ninh, mía, thuốc lá, ô liu, cao su).

       Mặt khác, Hà Lan đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt ở Inđônêxia. Từ năm 1905, chính phủ Hà Lan thực hiện chính sách mở cửa để điều hoà mâu thuẫn giữa các nước đế quốc với nhau đồng thời tránh tình trạng bị một nước đế quốc nào đó xâm chiếm Inđônêxia.

       Các công ty của Anh, Mỹ đã tăng cường đầu tư vào Inđônêxia. Trước chiến tranh thế giới I, ở Inđônêxia có 2 công ty dầu lửa nổi tiếng là công ty BPM do tư bản Hà Lan chiếm 60% số vốn, còn Anh 40% và công ty N.K.P.M do tư bản Mỹ lũng đoạn.

       Chính quyền thực dân tìm cách ngăn cản sự phát triển của công nghiệp dân tộc Inđônêxia. Các xí nghiệp của tư sản dân tộc chỉ được phép hoạt động trong phạm vi hạn chế như trong ngành làm mũ, dệt chiếu, đan rổ rá, dệt vải thô và thuốc lá. Thường các xí nghiệp chỉ có ít công nhân, nhiều nhất cũng không quá 200 công nhân. Hầu hết kỹ thuật của các xí nghiệp này có trình độ kỹ thuật lạc hậu nên rất khó khăn trong quá trình cạnh tranh.

       2- Phong trào giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

  1. a) Cuộc kháng chiến của nhân dân Achê:

       Đến năm 70 của thế kỷ XIX, trên đảo Xumatơra của Inđônêxia vẫn còn một vương quốc giữ được nền độc lập của mình đó là vương quốc Achê. Nhiều lần Hà Lan phái sứ thần đến vương quốc này để yêu cầu giao lưu buôn bán nhưng đều bị cự tuyệt. Sau khi kênh đào Xuyê hoàn thành (năm 1869), Hà Lan muốn khống chế eo biển Malắcca để từ đó khống chế đường hàng hải sang Viễn Đông nên đã tìm cách chiếm Achê.

       Tháng 4/1873, Hà Lan phái quân đội sang xâm lược Achê, đội quân này bị thiệt hại nặng nề buộc phải rút khỏi Achê. Tháng 10/1873, Hà Lan lại mở cuộc tấn công lần thứ 2. Nhân dân Achê đã tiến hành chiến tranh du kích, tiêu hao sinh lực địch. Mặc dù hao tổn nhiều tướng tá và quân lính  nhưng Hà Lan vẫn không chiếm được Achê. Chúng buộc phải chuyển sang đóng đồn ở một số vị trí quan trọng trong vương quốc này.

  1. b) Phong trào của nông dân:

       Điển hình của phong trào nông dân là phong trào do Samin lãnh đạo vào khoảng năm 1890. Samin không thừa nhận nền thống trị của Hà lan, tuyên truyền trong nông dân chống lại chính sách thuế khoá vô lý của bọn thực dân. Nhưng Samin chủ trương không dùng bạo lực mà đấu tranh hoà bình để phản đối chính phủ và dần dần cải thiện đời sống nông dân. Tư tưởng phản kháng của Samin dưới tác động của làn sóng cách mạng dân tộc dân chủ đầu thế kỷ XX đã bùng lên thành các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Thực dân Hà Lan phải vất vả lắm mới đàn áp được các cuộc khởi nghĩa này.

  1. c) Phong trào của giai cấp tư sản:

       Năm 1908, tổ chức Buđi Utômô (Lương tri xã) thành lập ở Giava. Tổ chức này ra yêu sách đòi chính quyền thực dân cải thiện sinh hoạt xã hội, đòi phát triển văn hoá dân tộc. Năm 1909, tổ chức Hiệp hội sinh viên Ấn Độ và sinh viên Inđônêxia  ở Hà Lan  thành lập. Đến năm 1922, tổ chức này đổi tên thành Hiệp hội sinh viên Inđônêxia.

       Năm 1911, Hội thương nhân Hồi giáo thành lập, với mục đích đấu tranh bảo vệ quyền lợi thương nhân.

       Nhìn chung, phong trào của giai cấp tư sản ở Inđônêxia chủ yếu nhằm đấu tranh vì quyền lợi của chính họ và bằng con đường cải lương nên không có tác dộng đáng kể đến chính sách của chính quyền thực dân.

       Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Inđônêxia, đội ngũ giai cấp công nhân ngày càng đông đảo. Đến cuối thời kỳ cận đại, Inđônêxia có  6 triệu công nhân, trong đó có 50 vạn là công nhân công nghiệp. Giai cấp công nhân Inđônêxia sớm thức tỉnh trước vận mệnh dân tộc. Họ đã có tổ chức của mình vào đầu thế kỷ XX.

       Năm 1905, Hiệp hội công nhân đường sắt thành lập.

       Năm 1908, Hiệp hội công nhân  xe lửa thành lập.

       Tháng 12/1914, Liên minh xã hội dân chủ Inđônêxia ra đời, tháng 5/1920, tổ chức này đổi tên thành Đảng Cộng sản Inđônêxia và tháng 12/1920,  Đảng Cộng sản Inđônêxia gia nhập Quốc tế Cộng sản. Sự ra đời của Đảng Cộng sản đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của phong trào công nhân Inđônêxia. Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đã diễn ra dưới hình thức bãi công, biểu tình, mít tinh, biểu tình thị uy đã liên tục diễn ra.

       Như vậy, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới sự tác động của nền kinh tế TBCN, ở Inđônêxia giai cấp công nhân và giai cấp tư sản đã ra đời và cùng bước lên vũ đài đấu tranh chính trị. Dưới ảnh hưởng của phong trào cách mạng thế giới, Inđônêxia bước vào giai đoạn dân tộc thức tỉnh. Nhân dân Inđônêxia bắt đầu đấu tranh với ý thức xây dựng một nước Inđônêxia độc lập, dân chủ và tự do.

 5/ LÀO THỜI CẬN ĐẠI     

          1- Nước Lào trước khi thực dân Pháp xâm lược

       Cuối thế kỷ XVII, vương quốc Lạn Xạng (thành lập từ thế kỷ XIV với vị vua đầu tiên là Pha Ngừm) trở nên suy yếu. Các tập đoàn phong kiến thường xuyên gây chiến tranh để giành quyền lợi. Trên thực tế từ sau năm 1694, đất nước Lào chia thành 3 tiểu quốc: Viêngchăn, Luông Phabăng và Chămpaxắc.

       Từ nửa sau thế kỷ XVIII, Xiêm bắt đầu nhòm ngó Lào. Năm 1778, Xiêm tấn công các mường Lào. Đến cuối thế kỷ XVIII, Xiêm đã biến các tiểu quốc Lào  lệ thuộc Xiêm với mức độ khác nhau.

       – Đối với tiểu quốc Chămpaxắc (Hạ Lào), Xiêm lựa chọn người lên làm vua và cử quan lại đến cai trị biến thành tiểu quốc này thành nước chư hầu.

       – Đối với tiểu quốc Viêngchăn là tiểu quốc lớn nhất (lãnh thổ gồm Viêngchăn, Xiêng Khoảng và Đông Bắc Thái Lan hiện nay), Xiêm sát nhập phần lớn đất đai vào lãnh thổ mình, phần còn lại cử quan lại người Xiêm sang cai trị.

       – Đối với tiểu quốc Luông Phabăng, Xiêm đặt ách bảo hộ lên tiểu quốc này. Bên cạnh vua Luông Phabăng có viên công sứ người Xiêm nắm mọi quyền hành, vua Luông Phabăng chỉ là bù nhìn.

       Nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân Lào bùng nổ chống ách thống trị của Xiêm, trong đó tiêu biểu nhất là khởi nghĩa của Chậu Anụ. Tuy nhiên, do sự phân tán, thiếu đoàn kết của các mường Lào mà các phong trào đấu tranh chống quân xâm lược Xiêm đều thất bại.

       2- Quá trình của thực dân Pháp biến Lào thành thuộc địa.

       Năm 1860, người Pháp đầu tiên đến Lào là Henri Mouhot, một nhà nghiên cứu lịch sử tự nhiên. Henri đã ở Lào 3 tháng và đã bị chết do sốt ác tính.

       Năm 1865, chính quyền Pháp cử 2 pháo thuyền ngược dòng Mê Công đến Viêngchăn, Luông Phabăng. Sau đó Pháp còn cử nhiều đoàn thám hiểm nghiên cứu đất Lào với nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó A.Pavie có vị trí quan trọng nhất. Năm 1887, Pavie được cử làm phó lãnh sự hạng nhì ở Luông Phabăng. Tại đây, ông ta đã giúp đỡ vua Luông Phabăng và hoàng gia thoát khỏi giặc phỉ Đèo Văn Trì (từ Tây Bắc Việt Nam lấn sang), nên tranh thủ được sự cảm tình của vua Luông Phabăng. Từ đó, Pavie  đề nghị với chính phủ Pháp xúc tiến xâm lược Lào.

       Năm 1886, Chính phủ Pháp phái đạo quân do đại tá Pernót chỉ huy từ Hà Nội – Lai Châu đến Thượng Lào tiến vào Luông Phabăng. Sự có mặt của quân Pháp ở Thượng Lào đã làm cho quan hệ Pháp – Xiêm căng thẳng. Pháp tiếp tục lấn tới đưa 3 đại đội tiến sang Hạ Lào (Mường Phin, Khăm Muộn) và một đại đội đóng ở Xiêng khoảng. Các cuộc xung đột lẻ tẻ giữa quân đội Xiêm – Pháp  thường xuyên nổ ra. Cuộc chiến tranh Pháp – Xiêm sắp sửa bùng nổ. Nhưng do Anh không ủng hộ nên Xiêm buộc phải nhượng bộ. Ngày 13/10/1893, hiệp định Pháp – Xiêm được ký kết, theo đó sông Mê Công được lấy làm ranh giới giữa Xiêm và Đông Dương thuộc Pháp. Với hiệp định  năm 1893, chế độ cai trị của thực dân Pháp được chính thức thiết lập ở Lào.

       Sau khi gạt Xiêm ra khỏi Lào, Pháp lập tức bắt tay vào tổ chức bộ máy cai trị. Bên cạnh vua Lào có một uỷ viên chính phủ Pháp nắm toàn quyền về Lào. Lúc đầu, Pháp chia Lào thành 2 khu vực: Thượng Lào gồm 6 tỉnh lấy Luông Phabăng làm thủ phủ, Hạ Lào có 7 tỉnh lấy Khoổng làm thủ phủ. Mỗi tỉnh có một viên khâm sứ nắm mọi quyền hành. Về sau, Pháp hợp nhất 2 khu vực làm một và đặt thủ phủ ở Xavannakhẹt, sau đó chuyển về Viêngchăn. Dưới tỉnh là mường, mỗi mường có nhiều tà xẻng, mỗi tà xẻng có nhiều bản. Đứng đầu chính quyền địa phương là những tên tay sai trung thành người Lào.

       Pháp thực hiện chính sách vơ vét Lào, thực hiện chế độ lao dịch nặng nề bắt nhân dân đi phu 60-100 ngày/năm. Chúng đặt ra nhiều loại thuế mới như thuế thân bắt nam giới từ 18 đến 60 tuổi phải đóng. Chúng không chú ý mở mang công nghiệp mà chỉ tập trung mở rộng đồn điền trồng cây công nghiệp. Chính sách của thực dân Pháp đã làm bùng nổ phong trào chống xâm lược của nhân dân Lào.

       3- Phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Lào.

  1. a) Phong trào chống Pháp của Phò Càđuột (1901 – 1903).

       Là một nông dân ở tỉnh Xavannakhẹt, Phò Càđuột vô cùng căm tức trước hành động xâm lược, bóc lột của Pháp,  nên đã lãnh đạo nhân dân đứng dậy khởi nghĩa vào năm 1901. Mùa xuân  năm 1902, cuộc khởi nghĩa phát triển mạnh ở vùng đồng bằng Xavannakhẹt. Tháng 3 – 4 năm 1902, nghĩa quân chiếm Khêmarát, Xoỏngkhôn và bao vây thị xã Xavannakhẹt…

       Quân Pháp vội điều lực lượng từ Nam kỳ lên và đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa, giết chết 200 nghĩa quân.

       Nghĩa quân rút về hoạt động ở vùng Xêpôn trên đường số 9 gần biên giới Lào-Việt. Sau đó căn cứ của nghĩa quân lại lùi về Huội Longcong vùng Kengcốc. Cuối năm 1902, trong một cuộc tấn công của Pháp, Phò Càđuột  và nhiều nghĩa quân rơi vào tay kẻ thù. Cuộc khởi nghĩa kéo dài đến đầu năm 1903 thì tan rã.

  1. b) Khởi nghĩa của Ong Kẹo và Kommađam (1901-1937)

       Cuối  năm 1900, ở Xanavẳn bắt đầu tiến hành những buổi lễ kỳ lạ trên núi Phù Kham và xuất hiện một người tên là My (tên thật của Ong Kẹo) có uy tín lớn trong nhân dân. Lời sấm truyền “Đã đến lúc tống cổ bọn xâm lược” lưu truyền rộng rãi trong nhân dân đã tạo nên bầu không khí chống Pháp mới.

       Ong Kẹo là người dân tộc Nghé (một chi của Lào Thơng) ở tỉnh Xaravẳn. Ông đã cùng với Kommađam tập hợp lực lượng người Lào Thơng phát động khởi nghĩa. Ngày 12/4/1901, nghĩa quân tấn công lính Pháp ở chùa Tha Teng mở đầu cho cuộc khởi nghĩa.

       Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng khắp cao nguyên Bôlôven. Nghĩa quân sử dụng chiến thuật du kích, tập kích quân Pháp gây cho chúng nhiều thiệt hại. Tháng 5/1901, nghĩa quân tấn công và chiếm đồn Konketu trên biên giới Lào -Việt.

       Sau những trận đánh trong năm 1905-1906, nghĩa quân tạm ngừng hoạt động để củng cố lực lượng. Nhân cơ hội này, biết không thể đàn áp được nghĩa quân, Pháp đã sử dụng kế lừa bỉ ổi. Công sứ Pháp là Phenle giả vờ thương lượng mời Ong Kẹo đến chùa Xaravẳn. Tại đây tên công sứ Phenle đã bắn chết Ong Kẹo vào ngày 13/10/1907. Từ đây, nghĩa quân lại xiết chặt hàng ngũ xung quanh Kommađam.

       Dưới sự lãnh đạo của Kommađam nghĩa quân tiếp tục đánh tan các cuộc tấn công của Pháp, mở rộng địa bàn hoạt động. Tháng 9/1936, Pháp huy động một lực lượng quân đội lớn với 5 tiểu đoàn bộ binh, 200 thớt voi, nhiều đơn vị  kỵ binh với sự hỗ trợ của không quân tấn công vào căn cứ Phù Luổng. Kommađam đã bị  hy sinh. Ba con trai ông tiếp tục chiến đấu đến tháng 7/1937 mới bị bắt. Cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thất bại.

  1. c) Khởi nghĩa Chậu Pachay (1918-1922).

       Cuộc khởi nghĩa nổ ra trên một vùng rộng lớn gồm phần Bắc Lào và nhiều tỉnh Tây Bắc Việt Nam với thành phần tham gia chủ yếu là người H’mông.

       Chính sách thuế thuốc phiện bắt người H’mông phải nộp 2 kg thuốc phiện trong một năm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa  dưới sự lãnh đạo của Pachay (ông là người đứng đầu bản H’mông ở Mường Sơn, Sầm Nưa).

       Ngày 4/12/1918, nghĩa quân đánh trận phục kích đoàn xe Pháp ở bản Nậm Ngan, quân Pháp tung lực lượng tấn công căn cứ của nghĩa quân, Pachay rút lui về Sơn La (Việt Nam). Nghĩa quân đã phục kích tiêu diệt nhiều lính Pháp (trong đó có tên quan ba Gôchiê).

       Mùa hè năm 1919, cuộc khởi nghĩa lan rộng khắp vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào trên một diện tích rộng 4 vạn km2. Nghĩa quân đã nhiều lần đánh tan các cuộc tấn công vào căn cứ của địch.

       Trong năm 1920, diễn ra các trận giao chiến dữ dội giữa quân đội Pháp và nghĩa quân. Mặc dù chênh lệch lực lượng nhưng nghĩa quân tiếp tục sử dụng chiến thuật, du kích quấy rối kẻ thù. Từ cuối năm 1920, khởi nghĩa bị suy yếu dần. Để tránh sự truy lùng của địch, các đơn vị của Pachay phải phân tán từng lực lượng nhỏ. Cuối năm 1922, kẻ thù đã thực hiện nội gián, ám sát Pachay. Cuộc khởi nghĩa bị tan rã.

       Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Lào đều mang tính chất tự phát, cục bộ địa phương và thường gắn với yêu cầu cụ thể của cư dân từng vùng. Các cuộc khởi nghĩa này đã chứng tỏ tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân Lào.

B. MỘT SỐ QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á THỜI KỲ HIỆN ĐẠI

I.KHÁI QUÁT VỀ PHONG TRÀO GIẢI PHÓNG DÂN TỘC Ở ĐÔNG NAM Á TỪ NHỮNG NĂM 20 ĐẾN 1945

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX những tư tưởng dân chủ tư sản đã xuất hiện và có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Đông Nam Á. Sự ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản vào Đông Nam Á đi theo nhiều con đường khác nhau nhưng trực tiếp nhất vẫn là từ công cuộc duy tân của Minh Trị ở Nhật Bản, cuộc đấu tranh của nhân dân Ấn Độ và chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc. Cùng với quá trình hình thành quan hệ tư bản chủ nghĩa ở Đông Nam Á và sự phát triển của ý thức dân tộc ở khu vực này, những tư tưởng dân chủ tư sản đã thổi vào Đông Nam Á  một làn gió mới, một ý niệm mới vượt qua khuôn khổ của tư tưởng phục hồi các vương triều phong kiến, hướng tới chế độ dân chủ tiến bộ hơn. Quá trình mở cửa ra thế giới bên ngoài, tiến hành chấn hưng đất nước thông qua các cuộc cải cách của Chulalongcon(1868 – 1910) ở Thái Lan đã giúp nước này thoát khỏi địa vị thuộc địa, đồng thời cũng nói lên những ảnh hưởng của cuộc cải cách ở Nhật Bản đối với khu vực. Vương quốc Xiêm đã sử dụng con đường ngoại giao để giữ vững vương quyền, thu hồi các vùng lãnh  thổ và mở đường cho Xiêm đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, trường hợp Xiêm chỉ nói lên tính chất độc đáo của khu vực cũng như chỉ ra một khả năng thoát khỏi thân phận thuộc địa. Ở các nước khác, làn gió dân chủ tư sản đã tạo nên không khí chính trị sôi động của các cuộc đấu tranh đòi độc lập dân tộc. Cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc đã mang những nội dung mới và có những hình thức mới. Đó là sự xuất hiện các học hội hay trường học như Đông kinh nghĩa thục ở Việt Nam, Buđi Utômô ở Inđônêxia… hay việc mở rộng truyền bá nền giáo dục mới với ý thức phục hưng dân tộc, phát triển kinh tế đất nước và tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật mới… Các tổ chức chính trị được thành lập và họat động tích cực như: Ở Inđônêxia có “Hội thương nhân Hồi giáo”, sau đó đổi thành “Hiệp hội Hồi giáo”, ở Mãlai có phong trào cải cách tôn giáo “Kaummuda”, ở Miến Điện có ” Hội thanh niên Phật giáo Miến Điện “, ở Việt Nam có Duy tân hội và Quang phục hội… Những họat động này đã góp phần thức tỉnh lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc của nhân dân Đông Nam Á, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh phát triển trong giao đoạn tiếp theo. 

          Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, các nước đế quốc càng tăng cường chính sách khai thác và bóc lột thuộc địa để giải quyết những khó khăn trong nước, do vậy đời sống của nhân dân Đông Nam Á càng trở nên cùng cực, mâu thuẫn dân tộc với đế quốc càng thêm sâu sắc. Những biến đổi trong đời sống kinh tế, xã hội ở Đông Nam Á do chính sách khai thác thuộc địa của các nước đế quốc mang lại cùng với sự ảnh hưởng to lớn của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga đã dẫn đến sự xuất hiện và phát triển một xu hướng mới trong cuộc đấu tranh dành độc lập Đông Nam Á: xu hướng vô sản.

          Cùng với xu hướng tư sản đã xuất hiện từ trước, xu hướng vô sản trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á đã nhanh chóng phát triển. Trong giai đoạn này nhiều đảng cộng sản đã xuất hiện trong khu vực. Tháng 5 năm 1920, Đảng Cộng sản Inđônêxia được thành lập và nhanh chóng trở thành một lực lượng chính trị quan trọng, đại diện cho những nguyện vọng của nhân dân Inđônêxia. Tiếp theo, tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ba nước Đông Dương (tháng 10 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương). Cũng trong năm 1930, Đảng Cộng sản Xiêm, Mã lai và Philippin được thành lập (vào tháng 4 và tháng 11). Ở Miến Điện, Đảng Cộng sản được thành lập năm 1939… Dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở một số nước trong khu vực đã vùng dậy đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc (Inđônêxia, Việt Nam, Miến Điện…).

          Cùng với xu hướng vô sản, trong những năm 20,30, phong trào dân tộc tư sản đã có những bước tiến rõ rệt. Mục tiêu của phong trào không chỉ là họat động chính trị để khai trí, chấn hưng quốc gia mà nó được đề xuất rõ ràng: đòi quyền tự chủ về chính trị, quyền tự do kinh doanh… đồng thời, các chính đảng của tư sản dân tộc đã được thành lập, có tôn chỉ, mục đích rõ ràng thay cho các hội, nhóm của tầng lớp sỹ phu phong kiến tiến bộ ở giai đoạn trước. Lực lượng đóng vai trò nổi bật trong phong trào dân chủ tư sản ở giai đoạn này là tầng lớp trí thức. Với những ảnh hưởng của các tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây cũng như của các phong trào dân tộc ở Ấn Độ, Trung Quốc, tầng lớp trí thức tiểu tư sản trở thành bộ phận cấp tiến trong giai cấp tư sản và tiểu tư sản, là ngòi nổ trong những cuộc đấu tranh ở Đông Nam Á. Chẳng hạn như: các cuộc đấu tranh đòi cải cách quy chế đại học đòi tự trị của sinh viên Miến Điện trong những năm 30 đã dẫn đến “Phong trào Thakin”, (có nghĩa là những người chủ đất nước); phong trào đấu tranh chống thực dân Anh, đòi quyền tự trị của nhân dân Mãlai cũng phát triển từ phong trào đòi cải cách Hồi giáo và dùng tiếng Mãlai trong nhà trường ; ở Inđônêxia, Đảng Dân tộc được thành lập năm 1927, do Xucácnô đứng đầu, đã nhanh chóng thu hút các lực lượng dân tộc để tổ chức Đại hội nhân dân Inđônêxia (gồm 90 đảng phái và tổ chức chính trị) vào năm 1931, biểu thị sự thống nhất dân tộc, thông qua các nghị quyết về ngôn ngữ, quốc huy, quốc ca…

          Mặc dù có sự khác biệt về ý thức hệ nhưng cả xu hướng vô sản và tư sản cùng song song tồn tại trong phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á, trong một chừng mực nhất định, cả hai xu hướng đã có lúc kết hợp với nhau. Sở dĩ có điều đó là vì đối với nhân dân Đông Nam Á, mục tiêu giải phóng dân tộc là lớn nhất và kẻ thù lớn nhất của tất cả các lực lượng là chủ nghĩa đế quốc. Đây là tiền đề khách quan cho sự ra đời các mặt  trận dân tộc thống nhất sau này.

          Năm 1940, phát xít Nhật tràn vào Đông Nam Á. Lợi dụng ”chính sách Muy-ních phương Đông”, Nhật bản đã nhanh chóng chiếm trọn khu vực này từ nay các nước Âu, Mỹ. Cuộc sống của nhân dân Đông Nam Á càng trở nên khốn quẫn hơn do những  chính sách phát xít của Nhật Bản. Cũng từ đây, nhân dân Đông Nam Á chĩa mũi nhọn của cuộc đấu tranh vào phát xít Nhật. Do vậy, nét mới trong phong trào giải phóng ở Đông Nam Á giai đoạn này là sự ra đời mặt trận dân tộc thống nhất và lực lượng vũ trang cách mạng ở hầu hết các nước. Chẳng hạn như: ở Việt Nam có Việt Nam độc lập đồng minh và các đội cứu quốc quân, sau đó là Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ở Philippin có Đồng minh dân chủ Philippin với đội quân Húcbalaháp trong những năm 1942 -1944, ở Mãlai có Liên hiệp Mãlai chống Nhật cùng các đơn vị Quân đội nhân dân, ở Miến Điện có Liên hiệp tự do nhân dân chống phát xít cùng với Quân đội quốc gia Miến Điện…

          Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc của các nước trong khu vực Đông Nam Á là yếu tố quyết định để nhân dân các nước này đứng lên chớp thời cơ, tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước. Thời cơ đó xuất hiện với sự thất bại của chủ nghĩa phát xít trên thế giới, đặc biệt là thời điểm phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Nhân dân các nước Inđônêxia, Việt Nam và Lào đã đứng lên chớp thời cơ, tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tuyên bố nền độc lập của mình. Đặc biệt, với tầm vóc vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám và bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, cuộc cách mạng ở Việt Nam trở thành một trường hợp điển hình của phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á và trên thế giới. Ở các nước khác, các lực lượng yêu nước và quân đội vũ trang đã anh dũng chống phát xít Nhật, giải phóng phần lớn đất đai trong nước. Tuy nhiên, thời cơ giành độc lập ở các nước này đã bị bỏ lỡ bởi quân đội các nước đế quốc đã quay trở lại dưới danh nghĩa (hoặc nấp bóng) các nước Đồng minh. Dã tâm của chủ nghĩa đế quốc cùng với những thỏa thuận của các nước Đồng minh đã buộc nhân dân Đông Nam Á phải tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong nhiều năm.

1. CUỘC ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN LÀO CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ THẮNG LỢI CỦA CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NĂM 1945

Năm 1983, thực dân Pháp ép buộc triều đình Băngkốc phải ký kết hoà ước thừa nhận quyền đô hộ của Pháp ở Lào, biến Lào trở thành một xứ của Đông Dương thuộc Pháp. Cũng từ đây, cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân đất nước Triệu Voi để dành độc lập dân tộc đã diễn ra hoà chung với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Campuchia. Tiêu biểu là các cuộc đấu tranh do ông Kẹo và Commađam lãnh đạo (1901-1936), phong trào đấu tranh của nhân dân Xavanakhet do Mèo Ca Duột lãnh đạo (1902), cuộc khởi nghĩa của nhân dân Mèo (Lào Xủng) ở vùng núi cao Bắc Lào do Chao Pha Pachay khởi xướng (1918-1921). Ngoài các phong trào lớn này, trong những năm 20 của thế kỷ XX, ở Lào còn có những phong trào chống Pháp lẻ tẻ nổ ra nơi này nơi khác, chẳng hạn như phong trào Luông Văn, Phu Vông ở Hạ Lào, phong trào Khukhăn ở Viêngchăn, phong trào của người Khạ Phu Nọi, người Co, người Lự ở Bắc Lào v.v… Tất cả các cuộc đấu tranh đã nói lên ý chí quật cường và khả năng cách mạng của nhân dân Lào. Tuy nhiên, do các phong trào nổ ra đều mang tính chất tự phát, lẻ tẻ, không có đường lối lãnh đạo đúng đắn nên đều đi đến thất bại.

      Mặc dù đã thiết lập chế độ cai trị ở  Lào hơn 30 năm nhưng những chính sách của thực dân Pháp vẫn làm cho nước Lào hầu như còn đứng bên rìa quỹ đạo của nền kinh tế thực dân. Tuy nhiên, vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX, tư bản Pháp đã đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư khai thác thuộc địa Đông Dương, trong đó Lào cũng được chú ý hơn. Mặc dù vậy, những nhân tố mới trong đời sống kinh tế xã hội Lào vẫn còn ít ỏi, ở Lào mới có mấy chục người có bằng thành chung (cấp 2), mươi người có bằng tú tài (cấp 3) hoặc cao đẳng sư phạm và 14 y, dược sỹ. Cả nước có 13.775 phu làm đường. Dù rằng những con số này chứng tỏ chưa thể nói đến một tầng lớp trí thức và một giai cấp công nhân ở Lào trong giai đoạn này, nhưng đó là những nhân tố hết sức quan trọng tạo ra sự biến chuyển mới của cách mạng Lào. Tầng lớp này dù rất ít ỏi, nhưng có điều kiện để thu nhận được những tư tưởng cấp tiến nhờ học vấn và tiếp xúc với một bộ phận người Việt … Vai trò của tầng lớp này càng trở nên quan trọng hơn khi mà giai cấp phong kiến Lào không còn ảnh hưởng gì ngoài làm tay sai cho Pháp, khi ở Lào không có điều kiện cho sự ra đời của tư sản dân tộc, và khi các cuộc khởi nghĩa đều đi đến thất bại.

          Trong bối cảnh nêu trên, ngày 3 tháng2 năm1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của phong trào cách mạng của ba nước nói chung, của cách mạng Lào nói riêng. Đến năm 1933 Đảng Cộng sản Đông Dương mới bắt đầu có những họat động ở Lào và năm 1935,một số chi bộ cộng sản đã được tổ chức, họat động ở các thị xã thành phố lớn như Viêngchăn, Luông Phabăng, Savanakhẹt, Pacsê…Đầu năm1936, các cuộc đấu tranh của công nhân đã bắt đầu diễn ra, đầu tiên ở ngành khai thác mỏ, tiếp đó là của phu làm đường. Cũng từ năm 1936, hoà cùng với phong trào cách mạng Đông Dương, cách mạng Lào đã có những hình thức đấu tranh mới. Nhiều cuộc biểu tình, bãi thị, bãi khoá nổ ra ở các thành phố, các Hội ái hữu, Tương tế, Thanh niên dân chủ được thành lập, sách báo công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương, của mặt trận dân chủ Đông Dương được phổ biến rộng rãi.

          Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, thực dân Pháp ở Đông Dương hèn nhát đầu hàng bọn quân phiệt Nhật, câu kết với Nhật đàn áp dã man phong trào cách mạng Đông Dương. Từ đây, nhân dân Lào cũng như nhân dân Việt Nam và Campuchia rơi vào cảnh một cổ hai tròng. Dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương, tù năm 1942, phong trào cách mạng ở Lào dần dần được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1943, quần chúng nhân dân được thu hút rộng rãi vào Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc.

          Sau cuộc đảo chính của Nhật ngày 9 tháng 3 năm 1945, cao trào chống Nhật chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra ở Lào. Các nhóm “Lào tự do” (Lào Itxala) được thành lập, thu hút đông đảo các lực lượng quần chúng. Trên cơ sở sự phát triển của phong trào quần chúng, lực lượng vũ trang yêu nước Lào bắt đầu hình thành. Tháng 4 năm 1945, chiến khu Nake( tỉnh Xacon) được thành lập và lực lượng vũ trang cách mạng ra đời. Từ lực lượng ban đầu gồm 40 thanh niên Lào và Việt kiều yêu nước đã nhanh chóng tăng lên 120 chiến sĩ với 16 khẩu súng. Đây là lực lượng nòng cốt để làm cơ sở cho việc xây dựng các đội tự vệ chiến đấu mang tên “tự vệ Itaxala”.

       Ngày 13 tháng 8 năm 1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, tổng khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam thành công. Những người cách mạng Lào đã sáng suốt chớp thời cơ, kêu gọi “nhân dân Lào đứng lên giành chính quyền từ tay giặc Nhật, không để thực dân Pháp quay trở lại “.

          Tin thắng lợi của Tổng khởi nghĩa 19 – 8 ở Hà Nội được truyền đến Thủ đô Viêngchăn vào ngày 20 – 8 đã có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ nhân dân Lào vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 23 tháng 8, một cuộc mít tinh lớn của quần chúng cách mạng Viêngchăn có lực lượng vũ trang hỗ trợ, đã được tổ chức tại Chợ Mới, với những khẩu hiệu: “Nước Lào độc lập muôn năm ! Hoan nghênh Việt Nam độc lập!”. Trước khí thế mạnh mẽ của quần chúng, viên tỉnh trưởng Viêngchăn ngả  theo cách mạng. Chính quyền cách mạng ở Viêngchăn được thành lập, ra lời kêu gọi nhân dân đoàn kết, bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ đất nước .

          Từ cuối tháng 8 đến thượng tuần tháng 9 năm 1945, phong trào khởi nghĩa đã lan rộng khắp nước Lào: Xavannakhet ngày 23 tháng 8, Thakhet ngày 25 – 8, Xiêng khoảng ngày 27 – 8, Sầmnưa ngày 9 – 9, Phongxalỳ ngày 10 – 9… Trên cơ sở những thắng lợi to lớn đó, ngày 8 tháng 10 năm 1945, Hoàng thân Xuphanuvông đã triệu tập Hội nghị Itxala toàn quốc tại Thàkhẹt. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã nhất trí bầu Xuphanuvông làm Chủ tịch Lào Itxala. Các đội vũ trang yêu nước ở Thàkhẹt và Xavanakhẹt được tổ chức thành “Quân vệ quốc Lào”. Đây là những nhân tố quan trọng bảo đảm cho cách mạng Lào tiếp tục phát triển mạnh mẽ .

          Ngày 12 tháng 10 năm 1945, Chính phủ lâm thời Itxala được thành lập ở Viêngchăn do Hoàng thân Phátxaxát làm Thủ tướng, Hoàng thân Xuphanuvông giữ chức Bộ trưởng Bộ ngoại giao kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Lào. Chính phủ lâm thời đã công bố bản Tuyên ngôn độc lập, sau đó ban hành Hiến pháp tạm thời, quy định: “Nước Lào là một khối thống nhất, mỗi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật; nhân dân các dân tộc Lào được hưởng mọi quyền tự do trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, mỗi công dân có trách nhiệm tôn trọng pháp luật và bảo vệ quốc gia; chế độ chính trị của nước Lào độc lập là quân chủ lập hiến, chủ quyền thuộc về nhân dân, nhà Vua là quốc trưởng”.              

Trước thắng lợi của nhân dân Lào, thực dân Pháp vẫn ngoan cố tìm cách chống phá cách mạng Lào…Chúng câu kết với Mỹ, Anh, sử dụng các lực lượng phản động, đưa quân chiếm đóng cố đô Luông Phabăng (tháng 9 – 1945). Lúc bấy giờ, quân Tưởng cũng kéo vào Luông Phabăng với danh nghĩa giải giáp quân Nhật. Quân Pháp ở Luông Phabăng có hai đại đội được trang bị đầy đủ. Trước tình hình đó, Mặt trận Itxala ra sức tập hợp nhân dân yêu nước Luông phabăng đẩy mạng công cuộc chuẩn bị  khởi nghĩa vũ trang. Ngày 18 tháng 10 năm 1946, Luông Phabăng đã bị bao vây. Quần chúng nhân dân đã nổi dậy đấu tranh vũ trang, chiếm giữ các công sở của địch. Kết quả, ngày 4 tháng 1 năm 1946, 14 tên Pháp sống sót cuối cùng đã phải tháo chạy khỏi Luông Phabăng. Cuộc cách mạng của nhân dân Lào thắng lợi trong phạm vi cả nước.

Thắng lợi của cách mạng Lào năm 1945 là một trong những đỉnh cao của phong trào giải phóng dân tộc trên bán đảo Đông Dương và khu vực Đông Nam Á ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Với thắng lợi này, nhân dân Lào đã tạo nên những tiền đề cho chính mình trong quá trình phát triển tiếp theo của cách mạng.

2. CUỘC ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN CAMPUCHIA CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

Cũng như ở Việt Nam, thực dân Pháp đã thi hành những chính sách thống trị vô cùng tàn bạo đối với nhân dân Camphuchia. Về kinh tế, chúng biến Camphuchia thành thị trường tiêu thụ hàng hoá, khai thác nguyên liệu, bóc lột nhân công và cho vay nặng lãi. Thực dân Pháp nắm giữ toàn bộ các ngành kinh tế chủ chốt của Camphuchia, làm cho ngành thủ công nghiệp phá sản, ruộng đất của nông dân dần tập trung vào tay thực dân Pháp và bọn phong kiến phản động. Ngoài ra, thực dân Pháp còn bóc lột nhân dân bằng hàng trăm thứ thuế khác. Về chính trị mọi quyền hành đều nằm trong tay thực dân Pháp. Song song với chế độ thuộc địa, thực dân Pháp vẫn duy trì, củng cố chế độ phong kiến tay sai. Chúng còn thực hiện các chính sách chia rẽ, gây thù hằn giữa các dân tộc, tôn giáo, bóp nghẹt tất cả các quyền dân chủ của nhân dân. Ngoài ra, trong cuộc chiến trang thế giới Pháp còn bắt hàng ngàn thanh niên Camphuchia đi làm bia đỡ đạn cho chúng. Về văn hoá xã hội, thực dân Pháp triệt để thực hiện các chính sách ngu dân. Trong hơn nửa thế kỷ cai trị, chúng chỉ đào tạo được 2 bác sĩ người địa phương trong số 3 triệu người Khơme. Đến năm 1939, cả nước mới có 8 bác sĩ, 4 dược sĩ…Trong các trường học, thực dân Pháp nhồi sọ cho học sinh hiểu sai lịch sử dân tộc, học bằng chữ Pháp là chính. Với hệ thống nhà tù nhiều hơn trường học, hơn 90% dân số Camphuchia bị mù chữ, các tệ nạn xã hội lan tràn khắp nơi.

Dưới ách áp bức của bọn thực dân phong kiến phản động, nhân dân Camphuchia đã liên tiếp đứng dậy đấu tranh. Lịch sử Camphuchia đã ghi lại những cuộc đấu tranh anh dũng, quật cường của Achaxoa ( 1864 – 1895), phong trào Visanhiêu (1907) và nhiều cuộc đấu tranh vũ trang khác ở Côngpôngtrạch, Battambăng, Xtungcheng trong những năm 1914 – 1918 nhằm chống thuế, chống bắt phu, bắt lính…

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp tăng cường chính sách khai thác thuộc địa của chúng ở Đông Dương nói chụng, ở Camphuchia nói riêng. Mặc dù từ những năm 20 của thế kỷ XX, tư bản Pháp đã bắt đầu xâm nhập vào Camphuchia nhưng nền kinh tế nước này vẫn phát triển rất yếu ớt, bởi lẽ “một chính sách hướng tới công nghiệp hoá xứ này (Đông Dương) sẽ là một tội lỗi”(1). Các đồn điền trồng cao su, ngô, lúa, cà phê, hồ tiêu phục vụ cho xuất khẩu đã tăng lên, đồng thời việc xây dựng đường sá cũng được bắt đầu. Công nghiệp phát triển chậm chạp, chỉ có 3 nhà máy xây xát gạo, 6 nhà máy ép dầu, một số cơ sở khai thác mỏ đá, nhưng lại có tới 8 nhà máy rượu. Đời sống của người dân Camphuchia ngày càng khốn cùng. Theo một cuộc điều tra, vào năm 1937, tỷ lệ tử vong của trẻ em trong thành phố Phnômphênh trung bình chiếm 60% tổng số người chết, và tỷ lệ tử vong của trẻ em trong lứa 1 tuổi chiếm 91%. Sự khốn cùng của nhân dân đã làm cho phong trào đấu tranh tiếp tục phát triển. Đó là phong trào khởi nghĩa của ông Mưnmia ( 1918 -1920), đấu tranh chống thuế của nhân dân tỉnh CôngpôngChư năng (1926), xung đột vũ trang ở Battambăng (1930), cuộc nổi dậy của dân tộc Phanoong ( 1935), phong trào của các nhà sư Acha Miêt và Acha Pơring trong những năm 1930 – 1935. Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh này đều đi đến thất bại do tính chất tự phát, lẻ tẻ và thiếu tổ chức.

Từ những năm 30 của thế kỷ XX, ở Camphuchia đã xuất hiện những xu hướng mới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc: xu hướng tư sản và vô sản. Xu hướng tư sản đã phát triển mạnh mẽ đặc biệt từ năm 1935, do nhà sư Acha Hem Chiêu đứng đầu. Là một giáo sư trường cao đẳng Phật học, Acha Hem Chiêu chủ trương lợi dụng hình thức thuyết pháp của Phật giáo để vận động lòng yêu nước, chống Pháp trong quần chúng nhân dân. Nhờ vậy, từ năm 1935 phong trào phát triển ở Phnômpênh và nhanh chóng lan rộng. Chủ trương của Acha Hem Chiêu có ảnh hưởng lớn trong các tầng lớp sư sãi, học sinh, thị dân và binh lính Camphuchia. Acha Hem Chiêu thành lập nhóm yêu nước mang tên Độc Lập và ra tờ báo Độc Lập để phát triển phong trào. Từ năm 1942 – 1943, khi phát xít Nhật ngày càng lấn át thực dân Pháp ở Đông Dương, nhóm Độc lập bắt đầu phân hoá cả về chủ trương, đường lối lẫn tổ chức. Acha Hem Chiêu chủ trương dựa vào thực dân Pháp để chống Nhật, còn Sơn Ngọc Thành lại chủ trương dựa vào Nhật để giành độc lập dân tộc. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương ( 9-3-1945), Sơn Ngọc Thành trở thành thủ tướng chính phủ bù nhìn thân Nhật ở Camphuchia, còn ở Acha Hem Chiêu vẫn tiếp tục giữ lập trường chống Nhật của mình.

Cùng với phong trào mang xu hướng tư sản do các nhà sư tiến bộ khởi xướng, từ năm 1930 ở Camphuchia cũng đã xuất hiện xu hướng vô sản. Sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Đông Duơng đã nhanh chóng cử các Đảng viên Nhật cán bộ Việt Nam sang họat động, gây dựng cơ sở ở Phnômpênh và Côngpôngchàm. Cuối năm 1931, Đảng đã tổ chức cơ sở ở Căngđan, Crachê và đến năm 1934 ở Camphuchia đã có Ban cán sự Đảng với hơn 30 Đảng viên. Những họat động của Đảng đã làm xuất hiện nhiều hình thức đấu tranh mới như bãi công, đình công, biểu tình của công nhân các đồn điền cao su Takeo, Côngpôngchàm…Trong thời kỳ 1936 – 1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng ở Camphuchia phát triển thêm một bước mới. Năm 1937, một Uỷ ban hành động được thành lập để hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội. Các sách báo tiến bộ của Đảng được lưu hành rộng rãi và thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, trí thức và viên chức cùng đông đảo nhân dân.

Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Phát xít Nhật từng bước chiếm Đông Dương, đẩy nhân dân Đông Dương lâm vào cảnh một cổ hai tròng. Cũng như ở Việt Nam và Lào, thực dân Pháp đã hèn nhát dâng Camphuchia cho quân phiệt Nhật Bản. Chính sách của Nhật là biến Camphuchia thành cơ sở quân sự và vơ vét nguyên liệu phục vụ chiến tranh. Hậu quả của chính sách kinh tế của Nhật, Pháp đã dẫn tới tình trạng hàng vạn nông dân Camphuchia bị phá sản. Đồng thời, Nhật tìm cách ủng hộ những khát vọng về lãnh thổ của giới cầm quyền Băngkốc, buộc Pháp phải nhường cho Thái Lan tỉnh Xiêmriệp và Batđomboong ( 5- 1941) nhằm khoét sâu thêm tình trạng thù địch giữa các dân tộc trên bán đảo Trung – Ấn mà trước đó Pháp đã thực hiện. Đối với nhân dân Camphuchia, Nhật tìm cách đánh lừa bằng cách đưa ra những khẩu hiệu ” Châu Á” huyễn hoặc hay hứa giúp đỡ, thủ tiêu chế độ thuộc địa của thực dân da trắng, khôi phục lại chủ quyền của Camphuchia. Mắc phải cạm bẫy của Nhật, phong trào ” yêu nước” của những người theo  ” chủ nghĩa dân tộc Khơme” đã nhanh chóng trở thành trò chơi trong tay cơ quan tình báo chính trị của  phát xít Nhật, và trở thành công cụ của Nhật để chống phá cách mạng Camphuchia (Nhật đã lập ra tổ chức do thám tay sai gọi là Neopoitui” và chính phủ tay sai do Sơn Ngọc Thành đứng đầu).

Bên cạnh những chính sách của Nhật, vào thời gian này thực dân Pháp lại thi hành chính sách hai mặt về chính trị, một mặt chúng thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh nhân dân (Đảng Cộng sản Đông Dương bị khủng bố ở Camphuchia), mặt khác lại giở trò ve vãn nhân dân Camphuchia để chuẩn bị hất cẳng Nhật khi có điều kiện. Chúng tuyên truyền các khẩu hiệu lừa bịp như (“Pháp – Miên  phục hưng ” hay lập lờ, hoài cổ như “Hãy xứng với tổ tiên Ăngco của chúng ta”…

Những chính sách trên đây của Nhật, Pháp làm cho lực lượng yêu nước của Camphuchia bị chia rẽ và tổn thất nghiêm trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, từ năm 1939 – 1941 cách mạng Đông Dương chuuyển hướng chiến lược, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên nhiệm vụ hàng đầu và vấn đề đó được giải quyết trong khuôn khổ của mỗi nước. Tháng 5 năm 1941, Đảng đã thành lập tổ chức Cao Miên độc lập đồng minh, tuy nhiên khi Chiến tranh thế giới II kết thúc và phát xít Nhật đầu hàng, do tương quan lực lượng nên ở Camphuchia vẫn không nổ ra cuộc cách mạng như dự định. Chính quyền vẫn nằm trong tay vua Xihanúc và thủ tướng bù nhìn thân Nhật Sơn Ngọc Thành.

        Ngày 03 tháng 10 năm 1945, thực dân Pháp lại nổ súng đánh vào Phnômpênh. Chính phủ của Sơn Ngọc Thành đổ nhào và Xinanúc một lần nữa cúi đầu chấp nhận quyền “bảo hộ” của thực dân Pháp.

II. VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á TỪ SAU 1945

ừ xa xưa Đông Nam Á vốn là một chỉnh thể với những nét đặc trưng riêng của nó. Đây là một khu vực khá rộng trải ra từ khoảng 920 kinh Đông đến 1040 kinh Đông và từ khoảng 280 vĩ Bắc, chạy qua xích đạo đến 150 vĩ Nam. Vị trí này tạo cho Đông Nam Á có những điều kiện tự nhiên độc đáo (là khu vực nhiệt đới gió mùa duy nhất trên thế giới), thích hợp với sự sinh trưởng của cây cỏ, muông thú và sự giàu có về sản vật, tài nguyên. Tuy nhiên, mãi đến cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai người ta mới xem xét Đông Nam Á như một thực thể địa – chính trị, văn hoá, lịch sử.

          Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Đông Nam Á bước vào một thời kỳ phát triển mới với những nội dung lớn như: đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước, phát triển kinh tế xã hội đồng thời với quá trình xây dựng, thiết lập các mối quan hệ khu vực để phát triển. Về tổng thể, những nội dung này diễn ra đan xen với nhau trong sự phát triển của các nước Đông Nam Á.

          – Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, về cơ bản các nước Đông Nam Á đã giành được độc lập từ năm 1975, trừ Brunây đến 1984 mới tuyên bố độc lập.

          Khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Đông Nam Á trở thành khu vực tranh chấp giữa Nhật Bản với các nước đế quốc thực dân đang thống trị ở đây. “Chính sách Muy-ních phương Đông” của phương Tây đã tạo điều kiện cho phát xít Nhật nhanh chóng chiếm Đông Nam Á. Tiếp đó là sự phản công của Đồng minh phương Tây. Thực tế này đã tạo ra một thời kỳ “hỗn mang” để các lực lượng dân tộc ở Đông Nam Á phát triển nhanh chóng, các khu căn cứ cách mạng ra đời ở nhiều nước, các lực lượng chính trị tích cực hoạt động (Việt Nam, Inđônêxia, Miến Điện, Lào, Philippin, Malaixia…), chuẩn bị cho một giai đoạn đấu tranh mới. Sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, Inđônêxia, Việt Nam, Lào đã kiên quyết đứng lên tuyên bố nền độc lập của mình.

          Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, được sự hẫu thuẫn của các cường quốc, nhằm đè bẹp làn sóng cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á và không muốn mất vùng đất giàu có phì nhiêu này, các đế quốc thống trị cũ đã sử dụng “chính sách pháo hạm” để quay lại thống trị Đông Nam Á. Thực dân Pháp trở lại Đông Dương, Hà Lan trở lại Inđônêxia, Mĩ trở lại Philippin, Anh trở lại Miến Điện, Malaixia. Sự ngoan cố của các đế quốc thực dân, ý chí đấu tranh giành độc lập của nhân dân Đông Nam Á cùng với sự chi phối của mối quan hệ quốc tế lưỡng cực, làm cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Đông Dương, trở nên hết sức quyết liệt, đẫm máu.

          Những ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của Liên Xô từ sau Chiến thế giới thứ hai và thắng lợi của cách mạng Trung Quốc năm 1949, làm cho các nước đế quốc Đông Nam Á hết sức lo ngại về “sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản” ở khu vực này. Do vậy chúng tìm cách thay đổi chính sách thực dân, đặc biệt là từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 của Việt Nam. Chủ nghĩa thực dân cũ chuyển dần sang chủ nghĩa thực dân mới, các quốc gia Đông Nam Á lần lượt tuyên bố độc lập: Philippin (4-7-1946), Miến Điện (4-1-1948), Inđônêxia (27-12-1949), Mãlaixia (31-8-1957), Singapo (1963). ở Đông Dương cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra hết sức quyết liệt và mang tính chất của cuộc chiến tranh cách mạng, đến năm 1975 mới kết thúc thắng lợi, ở Brunây đến năm 1984 mới tuyên bố độc lập.

          – Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ở các nước Đông Nam Á được bắt đầu từ những thời điểm khác nhau, do các nước trong khu vực giành độc lập ở những thời điểm khác nhau. Giữa các nước cũng có sự khác nhau về con đường phát triển. Các nước Đông Dương xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội, trong lúc đó các nước khác tìm cách dựa vào phương Tây, phát triển nền kinh tế thị trường. Trong thế giới “lưỡng cực”, sự khác nhau giữa hai nhóm nước Đông Nam Á đã được sử dụng để tạo ra sự đối đầu trong khu vực. Khi Liên Xô tan rã, xu thế đối thoại trong khu vực cũng diễn ra với việc giải quyết vấn đề Campuchia (1991) . Con đường phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á vẫn được Việt Nam lựa chọn và xu thế hoà nhập khu vực vẫn diễn ra. Điều này cho thấy những xung đột giữa hai nhóm nước trong suốt hàng thập kỷ qua là biểu hiện của xung đột ý thức hệ trong quan hệ quốc tế.

          Sau những thất bại của chiến lược “thay thế nhập khẩu” ở những năm 60 của thế kỷ XX, các nước trong khu vực thuộc tổ chức Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã chuyển sang chiến lược “hướng vào xuất khẩu” và thu được những kết quả to lớn. Singapo trở thành một trong “bốn con rồng châu Á”, Inđônêxia, Thái Lan… cũng đã tích cực chuẩn bị để “cất cánh”. Thực tế đó cùng với sự thất bại của mô hình kinh tế kế hoạch hoá ở Liên Xô buộc các nước theo xu hướng xã hội chủ nghĩa phải tiến hành cải cách. Thực chất của công cuộc cải cách này là thiết lập nền kinh tế thị trường, mở cửa thu hút vốn đầu tư, kỹ thuật. Đến nay, công cuộc cải cách đã thu được những kết quả to lớn ở Việt Nam.

          Xem xét sự phát triển của các nước Đông Nam Á người ta có thể thấy khu vực này có những nét riêng, dường như là trái ngược, trong sự phát triển chung của thế giới. Trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đã trở thành một trào lưu thống nhất, các nước đang phát triển đoàn kết chặt chẽ với nhau về mục tiêu chung. Tuy nhiên, ở Đông Nam Á lúc bấy giờ bị phân hoá thành hai nhóm nước đối địch nhau. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương người ta còn thấy cả quân lính một số nước trong khu vực tham gia vào đạo quân xâm lược Mĩ, chống phá cách mạng  Đông Dương. Khi “chiến tranh lạnh” tan rã, ở nhiều nơi trên thế giới đã diễn ra những xáo trộn, biến động to lớn bởi sự bùng nổ của vấn đề dân tộc, sắc tộc và xu hướng li khai. ở Đông Nam Á tình hình có vẻ như ngược lại. Những tác động từ bên ngoài đã không gây ra một sự đảo lộn nào về chính trị trong khu vực, công cuộc đổi mới của Việt Nam  được tiến hành thận trọng và có kết quả, ngay cả vấn đề Campuchia được xem là  tiêu điểm số 1 của quốc tế lúc bấy giờ, cũng diễn ra trong hoà bình, ổn định. Trên bình diện toàn khu vực, quá trình hoà nhập giữa các dân tộc diễn ra mạnh mẽ. Sự kiện tháng 1 – 1992, khi Việt Nam và Lào tham gia Hiệp ước Bali, trở thành quan sát viên của ASEAN đã mở đầu cho quá trình đi đến sự hoà hợp giữa hai nhóm nước trong khu vực, tiến tới xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực thống nhất, ổn định và phát triển.

          Sự ổn định về chính trị là tiền đề cho sự phát triển. Chính tổ chức ASEAN đã góp phần tạo ra sự ổn định để các nước thành viên phát triển mạnh mẽ. Do vậy sự hoà hợp giữa các quốc gia trong khu vực càng tạo điều kiện hơn nữa cho sự phát triển của khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà Đông Nam Á đang trở thành điểm thu hút đầu tư của thế giới.

          Năm 1997, Đông Nam Á lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất từ trước lớn nay. “Cơn bão tài chính tiền tệ” này đã lan khắp châu Á mà trung tâm tàn phá của nó vẫn là Đông Nam Á. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các nước này phải mất 5 năm mới có thể khôi phục. Tuy nhiên, với những nỗ lực phi thường, các nước Đông Nam Á đã nhanh chóng vượt qua cơn khủng hoảng, bước đầu phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước trong khu vực tính đến tháng 11 – 1999 là 2,6% đến 3%. Nếu so với tốc độ tăng trưởng  -7,5% năm 1998 thì đây quả là sự phục hồi đầy ấn tượng  của các nước Đông Nam Á.

 

Bảng 6: Tăng trưởng và lạm phát ở các nước Đông Nam Á từ 1989 – 1993 (Đơn vị:%)

Tên nước

Tỷ lệ tăng trưởng

Tỷ lệ

lạm phát

Năm GDP Nông nghiệp Công nghiệp Dịch vụ
1 2 3 4 5 6 7
 Cămpuchia 1989199019911992 3,51,27,67,0 7,11,26,71,9 1,7- 2,18,915,6 – 1,12,78,411,2 55,0141,8197,075,0
  Inđônêxia 19891990199119921993 7,57,16,65,86,3 3,32,01,33,63,6 7,89,79,97,58,7 9,37,35,85,84,9 6,47,49,27,59,5
 Lào 1989199019911992 13,46,74,07,0 9,98,7- 1,78,3 35,016,219,97,5 12,5- 2,28,83,8 62,935,113,49,8
  Malaixia 19891990199119921993 8,79,78,78,07,6 6,00,30,022,62,5 11,013,210,38,56,9 8,511,810,210,29,4 2,83,14,44,73,9
  Myanma 1989199019911992 3,72,8- 1,010,9 4,41,8- 2,413,6 15,45,50,111,8 – 0,43,10,37,4` 27,217,631,321,0
  Philippin 19891990199119921993 6,22,7- 0,80,31,8 3,00,5- 0,2- 0,41,5 7,42,6- 2,7- 0,51,8 7,04,00,40,71,9 12,214,218,78,97,6
  Xingapo 19891990199119921993 9,28,36,75,88,1 – 6,6- 7,6- 9,40,70,1 8,39,17,85,08,9 9,98,06,26,37,7 2,43,53,42,32,5
  Thái Lan 19891990199119921993 12,311,67,97,47,5 9,7- 3,74,43,12,6 17,516,212,410,611,0 9,513,25,35,96,3 5,46,05,74,13,7
  Việt Nam 19891990199119921993 8,05,36,08,37,5 6,94,92,26,33,2 – 2,86,09,111,211,4 17,311,18,28,59,4 34,467,567,037,715,0

Nguồn: United Nations: Economic and Social Survey Asia and the Pacific 1993, New York, p.29, 30a (Dẫn theo: Nguyễn Anh Thái (CB) lịch sử thế giới hiện đại, tập IV, N. Đại học quốc gia Hà Nội, H,1996, trang 92 – 93).

Bảng 7:  Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 1999 của một số nước Đông Nam Á.

(Đơn vị: %)

Tên nước Số liệu dự đoán vào tháng 4/1999 Số liệu tháng 11 – 1999
Inđônêxia 0,0 2,0
Malaixia 0,7 3,0
Philippin 2,4 3,0
Thái Lan 0,0 4,0
Xingapo 1,0 5,0
Việt Nam 5,0
Lào 5,2
Cămpuchia 4,0

                            

          – Cùng với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước sau khi giành được độc lập dân tộc, các nước Đông Nam Á cũng từng bước tạo lập và phát triển mối quan hệ giữa mình với các nước láng giềng trong khu vực cũng như với cả khu vực. Quá trình xây dựng và phát triển các mối quan hệ trong khu vực chịu tác động mạnh mẽ của các mối quan hệ quốc tế.

          Nhìn chung, trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” các nước Đông Nam Á phân chia thành hai trận tuyến đối địch nhau. Sự phân hoá này đã xuất hiện trong tiến trình của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á. Phong trào đấu tranh giành độc lập ở Đông Nam Á thực ra là tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tuy nhiên cuộc cách mạng này được tiến hành không giống nhau giữa hai nhóm nước Đông Nam Á, sự khác nhau này, các nước đế quốc đã lợi dụng để tạo nên mâu thuẫn giữa cách mạng Đông Dương với các nước trong khu vực. Do vậy, trong thời gian này người ta thấy sự hiện diện của quân đội Thái Lan, Philippin … ở Miền Nam Việt Nam. Đây là biểu hiện của sự đối đầu về ý thức hệ trong xu hướng phát triển của các nước Đông Nam Á. Chống lại cách mạng Đông Dương, nhóm nước Đông Nam Á phát triển theo xu hướng tư sản tìm cách dựa hẳn  vào Mĩ và Tây Âu, Nhật Bản, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, kỹ thuật để phát triển đất nước.

          Sau thắng lợi của cách mạng Đông Dương năm 1975, những bất đồng giữa hai nhóm nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn tồn tại. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do các nước trong khu vực lo ngại trước tiềm lực quân sự của Việt Nam, họ cho rằng Việt Nam có thể can thiệp vào tình hình đất nước của họ. Chính vì thế sự căng thẳng giữa hai nhóm nước càng trở nên gay  gắt xoay quanh “vấn đề Campuchia”, khi Việt Nam đưa quân tình nguyện sang giúp đỡ nhân dân Cămpuchia chống lại họa  diệt chủng năm 1979.

          Sau khi Hiệp định Pari về vấn đề Cămpuchia được ký kết ngày 23 -10 – 1991 xu thế hoà giải, hoà nhập ở Đông Nam Á đã diễn ra mạnh mẽ. Quá trình hoà nhập ở khu vực Đông Nam Á diễn ra với tổ chức Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) là trung tâm.

          Ra đời năm 1967, tổ chức ASEAN đáp ứng  cho những thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài khu vực, đồng thời nó cũng là tiếng nói thể hiện sự trưởng thành của ý  thức khu vực. Từ chỗ là một tổ chức lỏng lẻo về cơ cấu và non yếu về hoạt động, ASEAN đã dần dần khẳng định được vị trí của mình trên các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt từ năm 1976, được đánh giá là một tổ chức khu vực hoạt động thành công nhất trên thế giới. Từ 5 nước thành viên ban đầu, năm 1984 Brunây trở thành thành viên thứ 6, năm 1995 Việt Nam trở thành thành viên thứ 7. Sự kiện này đánh dấu sự kết thúc của quá trình chia rẽ giữa các nước Đông Nam Á. Đến nay ASEAN đã đại diện cho 10 thành viên trong khu vực.

1/ LÀO TỪ SAU 1945

a, Thời kỳ đấu tranh bảo vệ nền độc lập và hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (1945 – 1975).

          – Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954).

          Tháng 8 – 1945 phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, ở Việt Nam, cách mạng tháng Tám bùng nổ và thắng lợi. Chớp thời cơ thuận lợi đó nhân dân Lào đã vùng lên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn phong kiến tay sai (2-10-1945). Nhân dân Viêng Chăn đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền (được gọi là cuộc “cách mạng Tu la”, tức là cách mạng tháng Mười), Chính phủ Lâm thời nhà nước Lào độc lập được thành lập. Ngày 12 – 10, Chính phủ Lào ra mắt quốc dân ở thủ đô Viêng Chăn và trịnh trọng tuyên bố trước thế giới về nền độc lập của Lào.

          Trên thực tế, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Lào đã bắt đầu ngay trong quá trình tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Đến tháng 3 – 1946, thực dân Pháp chuyển từ chính sách lấn chiếm sang chính sách vũ trang xâm lược Lào, cuộc kháng chiến toàn quốc ở Lào chính thức bùng nổ. Được sự hỗ trợ của nhân dân, cuộc chiến đấu của các lực lượng vũ trang Lào đã diễn ra  ở nhiều thành phố lớn nhằm giam chân địch, tản cư dân chúng, sau khi Thà Khẹt (nằm trên bờ sông Mêkông) bị thất thủ, Chính phủ cách mạng lâm thời Lào phải chuyển sang Na Khon (Thái Lan), phong trào tiêu  thổ kháng  chiến diễn ra khắp nơi.

          Sau khi hoàn thành việc chiếm đóng các thành phố Lào, thực dân Pháp đưa vua Lào Xixava trở lại ngôi vua và con trai vua Xixavang Vatthana làm thủ tướng Chính phủ bù nhìn tay sai. Trước tình hình đó, Chính phủ cách mạng lâm thời Lào  bắt đầu phân hoá. Sự phân hoá trong hàng ngũ kháng chiến ở các quân khu của tỉnh  cũng diễn ra. Cách mạng Lào đang đứng trước sự thử thách lớn.

          Thực hiện chủ trương kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, cách mạng Lào chuyển hướng hoạt động về các vùng nông thôn, rừng núi. Tháng 10-1946, được sự giúp đỡ của Việt Nam, các lực lượng kháng chiến ở Savana Khẹt, Khăm muộn, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa đã tiến hành Đại hội thành lập Uỷ ban giải phóng  Đông Lào (tại  Vinh, Việt Nam) bầu Nuhắc Phumxavẳn làm chủ tịch. Đến năm 1947, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, các chiến khu dần dần được thành lập ở Tây Lào, Thượng Lào và Đông Bắc Lào. Sang năm1948, các căn cứ địa kháng chiến đã xuất hiện trên tất cả các địa bàn ở Lào tạo thành thế cài răng lược của cuộc chiến tranh nhân dân.

          Ngày 20-1-1949 tại Sầm Nưa, đồng chí Cay Xỏn Phomvihẳn chính thức tuyên bố thành lập đơn vị đầu tiên  của Quân giải phóng nhân dân Lào, lấy tên là “Látxavông”. Sự ra đời của Quân giải phóng nhân dân Lào đã thống nhất các lực lượng vũ trang ở Lào vào một tổ chức thống nhất, tiếp tục đưa cách mạng Lào phát triển. Đội Latxavông nhanh chóng phát triển, mở rộng nhiều khu du kích rộng lớn ở Mường Xinh, Luông Phabăng, Sầm Nưa, Viêng Chăn, Khămmuộn, Atôpơ, Xaravan, Xavana Khẹt…

          Trên cơ sở thống nhất các tổ chức kháng chiến ở Lào, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1950, hơn 100 đại biểu của các căn cứ kháng chiến trong toàn quốc đã tiến hành Đại hội đại biểu quốc dân Lào. Đại hội đã quyết định: thống nhất các tổ chức quần chúng, thành lập mặt trận Lào tự do (Neo Lào Itxala) và bầu Ban chấp hành Trung ương  Mặt trận Lào tự do; thành lập Chính phủ kháng chiến Lào, do Hoàng thân  Xuphanuvông đứng đầu; ra bản cương lĩnh 12 điểm,  xác định mục tiêu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Lào; xác định tên đất nước là Pathét Lào, quy định quốc kỳ, quốc ca và thông qua bản Tuyên ngôn của Đại hội. Rõ ràng đây là sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của nhân dân các bộ tộc Lào, nó có tác dụng  cổ vũ, đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong toàn quốc, đánh dấu bước chuyển biến cơ bản của cuộc kháng chiến, mở ra giai đoạn  phát triển toàn diện về quân sự, chính trị của cuộc kháng chiến. Với sự ra đời của Pathet Lào (nước Lào) một quốc gia dân tộc Lào mới đang thực sự hình thành.

          Bước sang năm 1951, một sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với cuộc chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, đó là Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương họp vào tháng 2-1951. Căn cứ vào sự trưởng thành cũng như sự đòi hỏi khách quan của cách mạng mỗi nước, Đảng Cộng sản Đông dương quyết định giao phó cho giai cấp công nhân mỗi nước trách nhiệm lãnh đaọ cách mạng ở nước mình. Tiếp đó,  tháng 3 -1951, Liên minh Việt – Lào – Khơ me được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau. Những sự kiện này đã thúc đẩy những hoạt động chung, phối hợp chiến đấu giữa quân và dân ba nước Đông Dương, đưa cách mạng Lào phát triển cả bề rộng và bề sâu.

          Bước sang năm 1953, cục diện chiến trường Lào phát triển tạo điều kiện cho sự phối hợp trên quy mô toàn Đông Dương, chiến dịch Thượng Lào (8-4 đến 3-5-1953) liên quân Lào – Việt đã giải phóng tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Phongsalì, tiêu diệt 2800 tên địch ( 1/5 tổng số quân Pháp ở Lào đầu năm 1953), tạo thế uy hiếp đối với thực dân Pháp.

          Phát huy thắng lợi, cuối thu 1953, liên minh chiến đấu Việt- Lào – Khơ me đã nhất trí mở cuộc tiến công chiến lược mùa khô 1953-1954 nhằm đập tan kế hoạch Nava. Với tư tưởng “quan điểm toàn cục”, “lợi ích bộ phận phục tùng lợi ích chung”, cách mạng Lào đã đóng góp to lớn của mình vào thắng lợi chung thông qua các chiến dịch  lớn: chiến dịch Trung Lào tháng (12-1953) tiêu diệt 2200 tên địch, giải phóng phần lớn tỉnh Xavanakhẹt, Khăm muộn, đẩy địch về cố thủ ở Sênô; chiến dịch Nam Lào (cuối tháng 1-1954 đến cuối tháng 2-1954), tiêu diệt 3000 tên địch, giải phóng Atôpơ, cao nguyên Bôlôven và phía Nam Xaravan, nối vùng giải phóng Trung Lào với Nam Lào; ở Bắc Lào, phối hợp với bộ đội Việt Nam, tháng 1-1954 quân đội Lào  đã tấn công Mường Khoả, quét sạch quân địch ở Nâm Hu, tiến sát Luông Phabăng, giải phóng tỉnh Phongsalỳ. Khu giải phóng mở rộng thêm 10.000km2, nối liền một dải với Sầm nưa và với vùng Tây Bắc của Việt Nam. Những thắng lợi này đã đẩy quân Pháp dồn về căn cứ Điện Biên Phủ. Trong cuộc tấn công 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ, những hoạt động phối hợp chiến đấu ở Lào, Campuchia tiếp tục được đẩy mạnh. Nhân dân Lào tự hào  xem chiến thắng Điện Biên Phủ “là thắng lợi của tình đoàn kết liên minh chiến đấu toàn diện giữa quân đội và nhân dân ba nước mà Việt Nam là trụ cột.” (1)

          Với chiến thắng Điện Biên Phủ, ở Lào quân Pháp rút khỏi nhiều vị trí, hơn 1/2  đất đai và 1/2 dân số đã được giải phóng. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết. Hiệp định quy định: Các nước tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Lào, Việt Nam, Cămpuchia; ngừng bắn đồng thời trên cả ba nước Đông Dương, quân đội nước  ngoài phải rút khỏi Đông Dương, không được phép lập căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ ba nước Đông Dương và mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước. ở Lào, lực lượng kháng chiến được tập kết tại 2 tỉnh Sầm Nưa và Phong salỳ.

          Mặc dù Hiệp định Giơnevơ không phản ánh đúng những thắng lợi của nhân dân Lào cũng như nhân dân ba nước Đông Dương nhưng nó đánh dấu sự thắng lợi vẻ vang của 9 năm kháng chiến của dân tộc Lào. Từ hai bàn tay trắng, lực lượng cách mạng Lào đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế, và có 2 tỉnh làm căn cứ địa. Đó là những tiền đề cho những thắng lợi tiếp theo của cách mạng Lào.

          – Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ và tay sai (1954 – 1975).

          Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, âm mưu giành giật Đông Dương của Mĩ bộc lộ ngày càng rõ rệt. Viện trợ Mĩ cho thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương ngày càng tăng (1950:19%, 1952: 35%, 1953: 43%, 1954: 73%). Ngoài sự giàu có tài nguyên, Lào có biên giới tiếp xúc với Trung Quốc và Việt Nam nên Mĩ càng quyết tâm thay thế thực dân Pháp ở đây. Bằng “viện trợ” về kinh tế và quân sự, Mĩ đã dần dần nắm được quyền chi phối về kinh tế và quân sự của Chính phủ phản động phái hữu do Kàtày đứng đầu. Ngày 19-8-1954, Mĩ ngang nhiên đặt Lào dưới sự bảo hộ của khối quân sự SEATO.

          Trong suốt thời kỳ từ 1954 đến 1975, cách mạng Lào phát triển với sự vận động của ba lực lượng chính trị trong xã hội: lực lượng cách mạng – lực lượng phản cách mạng – và lực lượng dân chủ tiến bộ theo xu hướng dân chủ tư sản. Sự lớn mạnh của các lực lượng dân chủ tiến bộ theo xu hướng  dân chủ  tư sản ở giữa sẽ giải thích hiện tượng cách mạng Lào có sự thành lập và tan rã nhiều lần của các  Chính phủ Liên hiệp. Trong những năm 1954-1975 cuộc đấu tranh cách mạng chống đế quốc Mĩ và tay sai của nhân dân Lào phát triển qua 4 giai đoạn chủ yếu sau đây:

          Giai đoạn từ 1954 đến 1959: Thắng lợi cơ bản của cách mạng Lào trong giai đoạn này là việc bảo vệ hai tỉnh căn cứ cách mạng Sầm Nưa, Phong salỳ và triển khai lực lượng cách mạng ở 10 tỉnh, sự ra đời và tan rã của Chính phủ Liên hiệp lần thứ nhất.

          Sau khi dựng lên Chính phủ Kàtày, Mĩ sử dụng số viện trợ 50 triệu đô la cho bọn tay sai  tiến hành một cuộc chiến tranh không tuyên bố chống lại các lực lượng cách mạng Lào và đàn áp mọi xu hướng yêu nước. Trong suốt hai mùa khô 1954 – 1955, 1955 – 1956 chúng tập trung 14 tiểu đoàn với cố vấn Mĩ, Pháp tấn công vào khu tập kết của lực lượng kháng chiến ở Sầm Nưa và Phong salỳ, đồng thời chúng đàn áp đẫm máu những người kháng chiến cũ ở 10 tỉnh còn lại. Tuy nhiên, lực lượng cách mạng Lào vẫn không ngừng lớn mạnh, liên tiếp bẻ gãy các đợt tấn công của địch, tiêu diệt 5000 tên. Về chính trị, ngày 22-3-1955, Đại hội thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Lào được khai mạc ở HủaPhan (Sầm nưa). Sau 16 ngày làm việc, Đại hội đã quyết định thành lập Đảng Nhân dân Lào (tháng 2-1972, Đại hội II đổi tên là Đảng Nhân dân cách mạng Lào). Đây là bước phát triển mới của cách mạng Lào. Tiếp đó, ngày 6-1-1956, Đại hội Mặt trận Lào tự do (NeoLào Itxala) tiến hành ở Sầm Nưa, đề ra các biện pháp thu hút đông đảo các lực lượng tiến bộ vào cuộc cách mạng. Đại hội quyết định đổi tên thành Mặt trận Lào yêu nước (NeoLào Hắcxạt), bầu Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch.

          Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng cách mạng Lào không chỉ được sự ủng hộ của quần  chúng nhân dân cả nước mà còn tranh thủ  được các tầng lớp trung gian và lôi kéo nhiều nhân vật trong Quốc hội  và trong Hoàng tộc. Do vậy, ngày 4-7 -1956, trước sức ép của Quốc hội Viêng Chăn, Kàtày buộc phải từ chức. Ngày 9 – 8- 1957, Chính phủ mới do Hoàng thân Suvana Phuma làm Thủ tướng được thành lập, tạo cơ sở cho sự ra đời  Chính phủ Liên hiệp ngày 19 -11 -1957.

          Với sự ra đời của Chính phủ Liên hiệp, Neo Lào Hắcxạt cùng các lực lượng kháng chiến nhanh chóng tỏa về các địa bàn nông thôn, thành thị ở khắp 10 tỉnh, tích cực hoạt động. Uy tín của Neo Lào Hắcxạt ngày càng lên cao trong cả nước. Trước “nguy cơ cộng sản ở Lào”, ngày 16-8-1957 Mĩ giật dây, gây sức ép lật đổ Chính phủ Liên hiệp, lập Chính phủ mới do Phủi Sananicon cầm đầu, âm mưu tiêu diệt lực lượng kháng chiến Lào. Với viện trợ Mĩ, Phủi  Sananicon đưa số ngụy quân từ 17.000 tên lên 40.000 tên, điên cuồng chống phá cách mạng Lào.

          Giai đoạn từ 1959 – 1962: Thắng lợi cơ bản của cách mạng Lào ở giai đoạn này là đã bảo toàn được lực lượng, chuyển hướng đấu tranh cách mạng đưa đến Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào và sự thành lập Chính phủ Liên hiệp lần thứ II.

          Trước sự phản bội của bọn Phủi Sananicon, lực lượng kháng chiến Lào đã nhanh chóng phá vòng vây rút về các vị trí tập kết để bảo toàn lực lượng, chuyển hướng đấu tranh: từ hợp pháp công khai sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, phát động nhân dân nổi dậy chống đế quốc Mĩ và bọn tay sai. Theo đề  nghị của cách mạng Lào, quân tình nguyện Việt Nam lại sang sát cánh cùng quân, dân Lào chống kẻ thù chung

            Phía chính quyền tay sai: mâu thuẫn, xung đột ngày càng trầm trọng. Ngày 28-12-1959, Mĩ đưa Phumi Nôsavăn lên thay Phủi Sananicon. Tuy nhiên mâu thuẫn ngày càng sâu sắc. Kết quả là ngày 9-8-1960, sỹ quan, binh lính tiểu đoàn dù số 2, “con cưng” của ngụy quân, do đại uý Koongle chỉ huy, đã tiến hành đảo chính, đưa Hoàng thân Suvana Phuma trở lại làm thủ tướng. Bọn Phumi Nôsavăn tháo chạy sang Thái Lan, dựa vào Mĩ, Thái lập nên một Chính phủ khác ở Savanakhẹt. Trong lúc đó cách mạng Lào vẫn phát triển mạnh mẽ. Lực lượng Pathét Lào đã giành chính quyền ở nhiều nơi, nhất là Bắc Lào. Mặt trận yêu nước (Neo Lào Hắc xạt) đã gặp gỡ với Chính phủ của Savana Phuma ở Viêng Chăn, ra tuyên bố cần thiết về việc thành lập Chính phủ Liên hiệp.

          Hoảng sợ trước tình hình đó, được Mĩ, Thái Lan giúp đỡ, bọn Phumi Nôsavăn tấn công vào Viêng Chăn  lấn chiếm các vùng ở Nam Lào. Chính phủ Suvana Phuma đã rút khỏi Viêng Chăn an toàn. Đến đây ở Lào xuất hiện ba chính quyền cùng tồn tại. Lực lượng cách mạng Lào vẫn tiếp tục phát triển và vươn lên giành nhiều thắng lợi. Về quân sự, mùa khô năm 1960 – 1961, bộ đội Pathét Lào cùng các lực lượng yêu nước phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam đã mở chiến dịch tấn công ở nhiều nơi. Kết quả đã giải phóng được cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, kiểm soát một vùng rộng lớn bao gồm các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phong Sa Lỳ, phần lớn Luông Pha Băng, một phần tỉnh Nậm Thà, Viêng Chăn, Khăm Muộn, Savanakhẹt và 1/2 khu Nam Lào. Về chính trị, Neo Lào Hắc Xạt đã lập trụ sở cho Chính phủ trung lập ở Khang Khay (thuộc cánh đồng Chum). Nhờ đó nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã đặt quan hệ ngoại giao và cơ quan đại diện kinh tế, văn hoá bên cạnh Chính phủ ở Khang Khay. Bọn Phumi Nôsavăn bị cô lập cao độ. Đến năm 1962, quân dân Lào cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam tiếp tục giáng trả cho bọn Phumi Nôsavăn những đòn chí mạng ở Nậm Thà. Vùng giải phóng được mở rộng 2/3 lãnh thổ và 1/2 số dân. Tình hình này buộc Mĩ và bọn Phumi Nôsavăn phải tìm cách đàm phán.

          Ngày 12- 6 – 1962, tại cánh đồng Chum, đại biểu ba phái đã ký kết văn kiện thành lập Chính phủ Liên hiệp dân tộc lần thứ hai, Chính phủ gồm 19 thành viên, do Hoàng thân Suvana Phuma làm Thủ tướng. Ngày 24 – 6 -1962, Chính phủ Liên hiệp họp phiên đầu tiên, ra lệnh đình chỉ chiến sự trên toàn lãnh thổ, cử bộ trưởng ngoại giao Kinim Phônsêna đến Giơnevơ tham gia ký kết vào các văn bản của Hội nghị quốc tế về Lào (họp từ 16 -5 -1961 với sự tham gia của 14 nước). Ngày 23-7-1962 các nước tham gia Hội nghị quốc tế về Lào đã ký kết hai văn  kiện: Tuyên bố về nền trung lập của Lào và Nghị định thư kèm theo tuyên bố đó. Sự kiện này là bước phát triển mới của cách mạng Lào, địa vị quốc tế của cách mạng Lào được củng cố, vị trí trong Chính phủ được tăng cường cả thế và lực.

           Giai đoạn từ 1963 – 1973: Thắng lợi cơ bản của cách mạng Lào trong giai đoạn này là đã đánh bại cuộc “chiến tranh đặc biệt” cũng như “chiến tranh đặc biệt tăng cường” của đế quốc Mĩ và tay sai, phát triển mọi mặt ở các khu giải phóng và sự thành lập Chính phủ Liên hiệp lần thứ ba.

           Trên thực tế, chỉ 9 tháng sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ về Lào, Chính phủ Liên hiệp ba phái không còn tồn tại. Ngày 19-4-1964, theo lệnh Mĩ, bọn Phumi Nôsavăn, Kuprasit, Xihổ đã tiến hành đảo chính lật đổ Chính phủ Liên hiệp. Đế quốc Mĩ dùng tiền của xây dựng một đội quân ngụy đông 7 vạn tên, lập “đội quân bí mật” (còn gọi là “lực lượng đặc biệt” do Vàng Pao chỉ huy với 2 vạn tên…). Từ ngày 11-6-1964, Mĩ tiến thêm một bước cực kỳ nghiêm trọng trong việc trực tiếp xâm lược Lào, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân tại thị trấn Khang Khay, sau đó lan rộng ra các vùng giải phóng ở Lào. “Mỗi ngày có tới 300 lượt máy bay ném gần 1000 tấn bom và rốc két xuống vùng giải phóng Trung và Hạ Lào”(2). Với công thức ngụy cộng với cố vấn Mĩ và hoả lực Mĩ, từ năm 1963 Mĩ và bọn tay sai đã liên tiếp mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng như chiến dịch Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng (tháng 5-1963) Nậm Thôn (cuối 1963), “Xam Xơn”, “Xòn Xay” (1964)… Cùng với các cuộc càn quét là chính sách “bình định” nhằm dồn dân, tách nhân dân ra xa lực lượng cách mạng.

          Trước sự phá hoại của Mĩ và bọn tay sai, phối hợp với nhân dân Việt Nam, Cămpuchia, cách mạng Lào vẫn phát triển những bước vững chắc. Nhân dân Nam Lào đã góp phần bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh, các lực lượng vũ trang Pathét Lào đã đóng vai trò nòng cốt trong việc bẻ gãy các kế hoạch “Chiến tranh đặc biệt” của địch. Những chiến thắng vang dội như Cánh Đồng Chum (1965-1966), Nam Lào (1966-1967), Nậm Bạc (11-1967), Pha thi (1967-1968)… đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của các lực lượng vũ trang yêu nước Lào. Đặc biệt, chiến thắng Nậm Bạc (1-1968) đã đập tan phương thức tác chiến của Mĩ ở Lào (lực lượng cơ động Ngụy + “lực lượng đặc biệt” + hoả lực tối đa  của Mĩ).

          Trước nguy cơ phá sản của “chiến tranh đặc biệt”, Mĩ chuyển sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào với nội dung là đẩy mạnh đến mức cao nhất cuộc “chiến tranh đặc biệt”. Viện trợ Mĩ tăng gấp đôi, đưa số quân Ngụy từ 130 tiểu đoàn lên 150 tiểu đoàn, “lực lượng đặc biệt” từ 64 tiểu lên 86 tiểu đoàn, 12.000 “cố vấn” Mĩ và hơn 40.000 lính Thái Lan tham chiếm, mở các cuộc hành quân càn quét qui mô lớn nhằm tiêu diệt cách mạng Lào: Cuộc hành quân “Samakhi II”  (3 -1969), chiến dịch Cù Kiệt (8 – 1969)…

          Trước âm mưu mới của kẻ thù, cách mạng Lào  càng tăng cường sự gắn bó, đoàn kết với nhân dân Việt Nam và ngày càng thu được nhiều thắng lợi lớn hơn. Các cuộc hành quân của địch lần lượt được bẻ gãy. Từ tháng 2 – tháng 4-1970, Liên quân Lào – Việt đã chủ động mở cuộc tiến công vào sào huyệt của “lực lượng đặc biệt” ở Sảm thông, Long Chẹng và giải phóng hoàn toàn hai vùng này. Từ ngày 8 – 2 đến 23 – 3 – 1971, quân đội Lào – Việt mở chiến dịch phản công, đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” ở đường Chín Nam Lào, mở ra triển vọng mới cho cách mạng Đông Dương. Tiếp đó, tháng 12 – 1971, chiến dịch Cánh Đồng Chum bắt đầu, sau ba tháng đã giải phóng một khu vực rộng lớn với hơn 1 vạn dân, đẩy quân ngụy Viêng Chăn và  quân Thái Lan vào tình trạng không thể phục hồi.

          Với những thắng lợi to lớn về quân sự, vùng giải phóng được mở rộng với 4/5 lãnh thổ và hơn 1/2  số dân. Tại các vùng giải phóng đã  có  sự phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá. Có thể nói công cuộc xây dựng một nước Lào mới đã được triển khai ở đây. Trên cơ sở đó từ ngày 3 – 2 – 1972 đến 6 – 2 – 1972, Đại hội Đảng Nhân dân Lào được triệu tập tại Sầm Nưa đã đề ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Lào là “Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, làm cho nước Lào trở thành một nước hoà bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng”. Đại hội cũng thông qua bản sửa đổi Điều lệ và đổi tên thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào

          Thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Dương, ngày 27 – 1 – 1973, Mĩ buộc phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. ở Lào, đế quốc Mĩ và bọn tay sai phải ký hiệp định Viêng Chăn ngày 21 – 2 – 1973 về lập lại hoà bình và hoà  hợp dân tộc. Chính phủ Liên hiệp (lần thứ ba) và Hội đồng quốc gia chính trị Liên hiệp được thành lập… Thủ đô Viêng Chăn và kinh đô Luông Phabăng được trung lập hoá theo quy chế đặc biệt. Đây là những điều kiện mới đưa cách mạng Lào tiến lên một bước phát triển mới.

          Giai đoạn từ 1973 – 1975: Nội dung cơ bản của giai đoạn này là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước.

          Với việc ký kết Hiệp định Viêng Chăn, Lào tạm thời bị chia thành 3vùng: vùng giải phóng, vùng trung lập (Viêng Chăn, Luông Phabăng) và cùng do phái hữu kiểm soát, với ba chính quyền cùng tồn tại. Sau khi ký kết Hiệp định, Mĩ vẫn tiếp tục ngoan cố dính líu quân sự ở Lào, tiếp tục viện trợ quân sự (310 triệu đô la trong năm tài khoá 1973- 1974), thúc ép bọn phái hữu lấn chiếm vùng giải phóng. Thậm chí chúng còn giật dây cho bọn Thaoma, Sananicon làm đảo chính quân sự ở Viêng Chăn ngày 20-8-1973… Tuy nhiên, tình thế không thể đảo ngược đã buộc chúng phải ký tiếp Nghị định thư ngày 14 – 9 -1973 về việc quy định tổ chức Chính phủ lâm thời. Trên cơ sở đó, ngày 5-4-1874, Chính phủ Liên hiệp được thành lập do Hoàng thân Suvana Phuma làm Thủ tướng, Hoàng thân Suphanuvông được cử làm Chủ tịch Hội đồng quốc gia chính trị hiệp thương.

          Trong điều kiện mới, cách mạng Lào tiến hành đấu tranh chính trị, chĩa mũi nhọn vào lực lượng phái hữu trong Chính phủ, kết quả, ngày 10-7-1974, “Quốc hội Viêng Chăn” – thành trì chính trị của bọn tư sản thân Mĩ – bị giải tán. Đồng thời, Đảng Nhân dân cách mạng Lào chủ trương tích cực chuẩn bị lực lượng, tạo thời cơ để tiến lên giành thắng lợi quyết định.

          Xuân hè 1975, cuộc tổng tiến công chiến lược của quân và dân Việt Nam đã nổ ra và giành thắng lợi hoàn toàn, tạo thêm những điều kiện hết sức thuận lợi cho cách mạng Lào. Trước tình hình đó, ngày 5-5-1975, Bộ chính trị trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã họp và nhất trí với đánh giá của Tổng bí thư Cayxỏn Phomvihẳn: “Hiện nay cách mạng  Lào đang trực tiếp đứng trước thời cơ hiện thực và tình thế cách mạng, vấn đề giành chính quyền đã đặt ra rõ ràng và cấp bách”(1).

          Thực hiện lời kêu gọi của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, từ tháng 5 đến tháng 8-1975 phong trào khởi nghĩa đã diễn ra ở nhiều nơi như Sêđôn, Chămpasắc, Attôpơ, Păcsê, Viêng Chăn, Luông Phabăng, Savanakhẹt… Toàn bộ chính quyền từ trung ương cũng như 15 tỉnh, 4 thành phố, 67 mường đã về tay nhân dân. Cuối cùng, ngày 23-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thủ đô Viêng Chăn, đánh dấu việc hoàn thành cơ bản việc giành chính quyền trong cả nước. Chính phủ Liên hiệp tỏ ra không còn thích hợp nữa.

          Trong hai ngày, 1 và 2-12-1945, 246 đại biểu tiến hành Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại thủ đô Viêng Chăn. Đại hội đã quyết định xoá bỏ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ Cộng hoà dân chủ nhân dân, cử Xuphanunvông là  Chủ tịch nước và thành lập Chính phủ mới do Cayxỏn Phomvihẳn làm Thủ tướng. Đảng Nhân dân cách mạng Lào trở thành Đảng cầm quyền(3).

          Sự kiện lịch sử này đánh dấu sự kết thúc thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mở ra một thời kỳ mới trong sự phát triển của Lào – “thời kỳ nhân dân các dân tộc ở Lào thực sự làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình và tiến bước trên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa rạng rỡ dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Nếu tính từ năm 1778, khi bọn phong kiến Xiêm đặt ách thống trị ở Lào, sự kiện này đã kết thúc vẻ vang cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các bộ tộc Lào kéo dài suốt 197 năm. Đây là thắng lợi trọn vẹn nhất, to lớn nhất, đưa dân tộc Lào bước vào kỷ nguyên mới.

b, Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ở Lào từ 1975 đến nay.

          Sau 1975, tình hình kinh tế – xã hội ở Lào gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu, sau hơn 30 năm chiến tranh tàn phá, nền kinh tế  Lào càng trở nên lạc hậu hơn: trên 90% cư dân vẫn sống với nghề trồng lúa truyền thống mà tổ tiên để lại, nền công nghiệp dân tộc hầu như chưa có gì ngoài một số ngành khai thác lâm sản mà bọn thực dân đã sử dụng để vơ vét tài nguyên. Bên cạnh đó, trình độ văn hoá của nhân dân còn hết sức thấp kém, 97% dân số mù chữ, người dân vẫn sống với những tập tục lạc hậu của họ từ cổ xưa.

          Với sự giúp đỡ của Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã thực hiện đường lối xây dựng và phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, do trình độ thấp kém cả về kinh tế lẫn xã hội nên quá trình xây dựng nền kinh tế theo mô hình xã hội chủ nghĩa mà Liên Xô đưa ra đã diễn ra với tốc độ chậm chạp ở Lào. Cho đến năm 1985 ở Lào mới xây dựng được 2932 hợp tác xã công nghiệp với 195.576 hộ, chiếm khoảng 30,6% hộ nông dân. Trong nông nghiệp, theo thống kê năm 1986, khu vực nhà nước chiếm 66,1%, tư nhân chiếm 30% công tư hợp doanh chiếm 3,9% duy nhất có ngành tài chính ngân hàng là do nhà nước nắm giữ.

          Với sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, trong những năm 80 của thế kỷ XX, công cuộc xây dựng đất nước đã thu được những thành tựu đáng kể, vững chắc. Trong nông nghiệp, hàng năm thu hoạch khoảng 1,2 đến 1,4 triệu tấn thóc. Về cơ bản Lào đã tự túc được lương thực từ năm 1984. Về công nghiệp, đã có bước tiến đáng kể, nhất là công nghiệp nhẹ. Năm 1986, ở Lào có 407 xí nghiệp các loại, thu hút khoảng 20% số dân và cung cấp khoảng 10% thu nhập quốc dân.

          Bước vào thập kỷ 90, cũng như các nước trong  khu vực, Lào nhanh chóng tìm cách mở cửa,  hoà nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Tính đến năm 1999, Lào đã thu  hút được 766 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 3 tỷ đô la (Mĩ, 1,5 tỷ đôla, Hàn Quốc 633.000 đô la,… Việt Nam xếp thứ 14 trong số các nước đầu tư Lào). Năm 1997-1998 Lào chịu tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, đặc biệt là từ Thái Lan, một nước láng giềng và cũng là bạn hàng lớn nhất của Lào. Đến nay, nền kinh tế Lào vẫn đang gặp khó khăn song đang đi dần vào ổn định. Năm 1999, theo báo cáo của Quốc hội Lào, tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của Lào tăng 5,2%, trong đó sản xuất nông – lâm nghiệp tăng 5%, công nghiệp và thủ công nghiệp tăng 7,5%, dịch vụ tăng 4%. Năm 1999, diện tích gieo trồng lúa đạt 687,000 ha, sản lượng đạt  hơn 2 triệu tấn, cà phê đạt 19,5 nghìn tấn… Các nhà máy sản xuất phân bón, điện năng, bia,… được xây dựng mới và chuẩn bị hoạt động. Ngoài nhà máy thuỷ điện Nậm Ngừng công suất 921 triệu KW/giờ, nhà máy thủy điện Nam hưng – Hỉn Bun (công suất 210KW), nhà máy thủy điện Nam Lực (công suất 60MW) cũng sắp đưa vào hoạt động. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không được củng cố và mở rộng. Các ngành giáo dục, y tế, văn hoá cũng có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, đến nay đời sống nhân dân Lào vẫn đang ở mức độ thấp, bình quân thu nhập quốc dân tính theo đầu người mới đạt 258 đô la. Bên cạnh đó, lạm phát còn quá cao (Năm 1999 là 140%), nợ nước ngoài là 2,2 tỷ USD (Dự trữ ngoại tệ chỉ khoảng 0,2 tỷ USD).

          Về đối ngoại, Lào có quan hệ gắn bó chặt chẽ với Việt Nam. Nhìn chung Lào đang thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, lấy đối ngoại  làm đòn bẩy phát triển kinh tế. Từ tháng 7-1992, Lào đã trở thành quan sát viên của tổ chức ASEAN và năm 1997 đã trở thành thành viên chính thức đầy đủ của tổ chức này.

 

(1) Điện mừng của Khămtày Siphănđon, Bộ trưởng Bộ quốc phòng nước CHDCND Lào; Báo Quân đội nhân dân, ngày 8- 5 – 1984.

(2) Theo Hãng thông tin A.P, ngày 8 -1 – 1966 

(3) Biên niên sự kiện chiến tranh cách mạng Lào, tập3, trang 313.

(4) Cayxỏn Phomvihẳn, Một vài kinh nghiệm chính trị và một số vấn đề về phương hướng mới của cách mạng Lào, NXB Sự thật, Hà Nội 1975. Trang 30.

2/ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA CAMPUCHIA TỪ SAU 1945

  1. Thời kỳ 1945 – 1979:

          – Giai đoạn 1945 -1954:

          Tháng 8 – 1945, trong lúc nhân dân Việt Nam và sau đó nhân dân Lào nổi dậy làm cách mạng và cướp chính quyền về tay mình, thì ở Cămpuchia, tuy phong trào cách mạng có lên cao nhưng không dẫn tới sự bùng nổ cách mạng. Chính quyền phản động Sơn Ngọc Thành, tay sai của phát xít Nhật, vẫn tiếp tục tồn tại.

          Ngày 9-10-1945 Pháp tấn công vào Phnômpênh – Chính phủ thân Nhật của Sơn Ngọc Thành đổ nhào.  Xihanúc một lần nữa ký vào bản hiệp định tạm thời ngày 7-7-1946 với thực dân Pháp, chấp nhận quyền “bảo hộ” của Pháp một lần nữa. Tuy nhiên, những người yêu nước Cămpuchia vẫn tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: ở Batđomboong, Xiêm riệp đã xây dựng lực lượng Khơme Ixarắc từ năm 1946, đến đầu năm 1948, Uỷ ban giải phóng Đông nam Cămpuchia và hội Ixarắc ra đời, ở Tây nam Cămpuchia đã xuất hiện quân khu Tây nam gồm 4 tỉnh Takeo, Campốt, Kôngpông Xpê, Kôngpông Chơnăng do Sơn Ngọc Minh lãnh đạo… Từ năm 1948, Uỷ ban giải phóng ở các khu ra dời, Uỷ  ban  đóng vai trò như tổ chức chính quyền ở khu giải phóng và chỉ đạo cuộc chiến tranh du kích. Đến cuối 1949 đầu 1950, lực lượng vũ trang ở các khu giải phóng đã khá lớn mạnh, đủ sức chống trả các cuộc càn quét của thực dân Pháp ở cấp 2 tiểu đoàn.

          Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng  sản Đông Dương, cách mạng Cămpuchia đã phát triển những bước đầu tiên, vững chắc. Từ năm 1950, phong trào kháng chiến phát triển mạnh mẽ. Bấy giờ thực dân Pháp ngày càng sa lầy ở chiến tranh Đông Dương và đế quốc Mĩ bắt đầu can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh này.  Yêu cầu thống nhất tất cả lực lượng cách mạng trong cả nước được đặt ra. Từ ngày 17đến 19 – 4 – 1950, những người kháng chiến Cămpuchia đã tiến hành Đại hội quốc dân. Đại hội quy tụ 200 đại biểu, đại diện cho toàn quốc, nhất trí đề ra đường lối kháng chiến: trường kỳ, tự lực cánh sinh, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, thành lập và củng cố mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố liên minh Việt – Cămpuchia – Lào… Đại hội đã bầu ra Uỷ ban dân tộc Trung ương tức là Chính phủ kháng chiến Cămpuchia, do Sơn Ngọc Minh làm chủ tịch; Đại hội cũng đã thành lập Mặt trận Khơme  Ixarắc. Ngày 19 – 4 – 1950, Chủ tịch Sơn Ngọc Minh trịnh trọng đọc bản tuyên ngôn độc lập, kêu gọi toàn dân đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù giành độc lập cho Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân. Sự kiện này đã đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Cămpuchia phát triểu lên một trình độ mới.

          Trước sự phát triển của phong trào kháng chiến, thực dân Pháp quay sang thủ đoạn mới: “Dùng người Khơme đánh người Khơme” và chia rẽ lực lượng dân tộc Cămpuchia bằng cách phê chuẩn Hiệp ước Ôriôn – Mênipông (ký 11-1949) công nhận nền “độc lập” của Cămpuchia nằm trong khối Liên hiệp Pháp vào ngày 29-11-1950.

          Nhận rõ âm mưu của Pháp và bọn tay sai, lực lượng kháng chiến Cămpuchia vẫn tích cực đấu tranh và nhanh chóng phát triển. Ngày 19-6-1951, trên cơ sở thống nhất các lựclượng vũ trang trong toàn quốc, quân đội cách mạng chính thức thành lập, lấy tên là Quân đội  Ixarắc. Tháng 7-1951, Hội nghị Đại biểu các tổ chức cộng sản toàn Cămpuchia đã quyết định thành lập Đảng của mình lấy tên là Đảng Nhân dân cách mạng Cămpuchia.

          Cuối 1952, tình hình chính trị, quân sự và tài chính  của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương hết sức nguy  kịch. Trong bối cảnh đó  từ tháng 6 -1952, Xihanúc đã tiến hành một cuộc vận động ngoại giao (còn gọi là “cuộc thập tự chinh của Quốc vương vì nền độc lập của Cămpuchia”) buộc Chính phủ Pháp phải ký hiệp ước “trao trả độc lập cho Cămpuchia” ngày 9-11-1953. Tuy nhiên, Hiệp ước lại quy định quân đội Pháp vẫn tiếp tục chiếm đóng Cămpuchia và Cămpuchia vẫn nằm trong khối Liên hiệp Pháp.

          Từ năm 1952, phong trào chiến tranh du kích ở Cămpuchia phát triển mạnh mẽ, thắng lợi ở nhiều trận lớn ở Batđomboong, Cămpốt… đến cuối 1953 đầu 1954 lực lượng vũ trang Khơme Ixarắc đã trưởng thành với tư cách là quân đội chính quy. Đông Xuân 1953 – 1954, khu giải phóng của lực lượng kháng chiến đã được mở rộng tới 40.000km2 với hàng vạn dân. Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ ở Việt Nam  và chiến trường Lào, lực lượng Khơme Ixarắc đã đẩy mạnh đánh địch trên  khắp các mặt trận, giải phóng thị xã Xuônnai, tiêu diệt hàng ngàn tên địch và mở rộng thêm vùng căn cứ du kích.

          Sau thất bại ở Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký kết hiệp định Giơnevơ, công nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ ở Cămpuchia, Lào, Việt Nam. Hiệp định cũng quy định tất cả các lực lượng quân đội Pháp rút khỏi lãnh thổ Cămpuchia, vĩnh viễn chấm dứt chế độ thống trị thực dân Pháp ở Cămpuchia.

          – Giai đoạn 1954 – 1970:

          Ngày 6-8-1954, thực hiện Hiệp định Giơnevơ, Cămpuchia đình chiến. Những người kháng chiến Cămpuchia trở về sống hợp pháp trong cộng đồng dân tộc. Cămpuchia dưới sự dẫn dắt của Xihanúc lựa chọn con đường hoà bình, trung lập, không tham gia bất cứ liên minh chính trị hoặc quân sự nào, tiếp nhận viện trợ từ mọi phía, miễn là không có điều kiện ràng buộc.

          Ngày 2-3-1955 Xihanúc nhường ngôi cho cha là Nôrôđôm Xuvra Marit và đứng ra thành lập Cộng đồng xã hội bình dân, gọi tắt là Sangkun – một hình thức tập hợp nhiều đảng phái, nhiều lực lượng chính trị  nhằm phục vụ cho đường lối hoà bình trung lập của đất nước. Đảng Nhân dân cách mạng Cămpuchia lúc này chuyển hướng sang đấu tranh chính trị và tham gia vào Sangkun.

          Đường lối hoà bình, trung lập cùng với chính sách hoà hợp dân tộc đã tạo điều kiện cho Cămpuchia đẩy mạnh công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Có thể thấy sự phát triển của Cămpuchia qua bảng sau:

Bảng 8: Tình hình kinh tế ở Cămpuchia 1955 và 1968

  1955 1968
Doanh nghiệp Nhà nước 0 28 xí nghiệp
Công tư hiệp doanh 0 29 xí nghiệp
Tư nhân 650 xí nghiệp 3700 xí nghiệp
Sản lượng lúa 1.484.000 tấn 3.251.000 tấn

 

          Trong thời gian này Cămpuchia ngày càng có quan hệ chặt chẽ với các nước xã hội chủ nghĩa. Đối với cách mạng Việt Nam, Chính phủ Cămpuchia cũng có thái độ tích cực, lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam dân chủ cộng hoà, công nhận đại diện của Mặt trận dân tộc  giải phóng Miền Nam Việt Nam, công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam…

          Lo sợ trước một nền “trung lập vô đạo đức”, một Cămpuchia “hoá đỏ”, ngày 18-3-1970, Mĩ đã xúi giục, hậu thuẫn cho các thế lực tay sai thân Mĩ ở Cămpuchia, do Lo Non – Xirich  Matắc đứng đầu, tiến hành cuộc đảo chính lật đổi Xihanúc, phá hoại nền hoà bình, trung lập ở Cămpuchia và đưa Cămpuchia vào quỹ đạo của cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ trên bán đảo Đông Dương. Cuộc đảo chính ngày 18-3-1970 ở Phnômpênh là kết quả của những tác động mạnh mẽ của quan hệ quốc tế “lưỡng cực” và quan hệ khu vực mà Chính phủ Xihanúc muốn né tránh. Đối với nhân dân Cămpuchia cuộc đảo chính tạo ra một cục diện mới, lực lượng cách mạng và phản cách mạng được sắp xếp lại. Mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Cămpuchia với đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai phản động đã nổi lên hàng đầu.

          – Giai đoạn 1970 – 1975:

          Ngay sau cuộc đảo chính, với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mĩ xâm lược của nhân dân Cămpuchia đã phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, từ sau Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương tháng 4-1970, lực lượng kháng chiến ở Cămpuchia  càng phát triển mạnh mẽ, vùng giải phóng được mở rộng ở các miền của đất nước. Ngày 23-3-1970, Mặt trận thống nhất dân tộc Cămpuchia ra đời. Tiếp đó, ngày 4-5-1970 Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Cămpuchia được thành lập do Xihanúc làm Quốc trưởng, lực lượng vũ trang cách mạng Cămpuchia cũng được thành lập.

          Để đối phó với cách mạng Cămpuchia, Mĩ  chủ trương tiến hành “Khơme hoá chiến tranh”, tăng cường viện trợ cho Chính phủ tay sai. Thậm chí chúng còn phái khoảng 10 vạn quân Mỹ và ngụy Sài Gòn, cùng 33% lực lượng phi pháo của toàn miền Nam Việt Nam yểm trợ, ồ ạt kéo vào Cămpuchia để  giúp cho Chính phủ Lonnon. Tuy nhiên, Chính phủ Lonnon ngày càng rơi vào thế bế tắc, nội bộ chia rẽ thành ba phái (Lonnon, Xirích, Sơn Ngọc Thành). Từ 1970 đến 1972 chính quyền Lonnon đã phải trải qua 7 lần khủng hoảng trầm trọng, phải cải tổ nội các.

          Sau những thắng lợi chiến lược, đánh bại cuộc hành quân “Chenla I” (tháng 9 đến tháng 12-1970) và “Chenla II” (tháng 4 đến tháng 12-1971), quân và dân Cămpuchia dồn dập tấn công địch khắp trong cả nước. Từ tháng 9-1973, lực lượng vũ trang Cămpuchia chuyển sang tấn công, bao vây thủ đô Phnômpênh và các thành phố Batđomboong, Uđông, Campốt… Đến đầu năm 1975, cách mạng Cămpuchia đã vươn lên thế áp đảo quân thù. Vùng kiểm soát của  nguỵ quyền Phnômpênh chỉ còn trong bán kính không đầy 10km, ở các thành phố khác còn không đầy 3 – 4km. Chính quyền Mĩ phải khẩn cấp viện trợ 222 triệu USD và tăng gấp đôi  cầu hàng không cho Phnômpênh. Tuy nhiên, đây chỉ là những cố gắng tuyệt vọng cuối cùng. Ngày 1-4-1975, thị trấn Niếc lương – một vị trí cố thủ lớn của địch bị thất bại. Sau đó một ngày, Sứ quán Mĩ cùng tất cả cố vấn quân sự, dân sự Mĩ phải tháo chạy. Ngày 14-4-1975, quân giải phóng Cămpuchia đánh vào khu trung tâm. Đúng 0h30phút ngày 17-4-1975 quân giải phóng đã chiếm vị trí cuối cùng là Bộ quốc phòng quân ngụy Lonnon. Cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân  Cămpuchia kết thúc  thắng lợi.

          – Giai đoạn 1975 – 1979:

          Ngay trong ngày thắng lợi của nhân dân Cămpuchia, ngày17-4-1975, tập đoàn lãnh đạo Khơme đỏ Pônpôt – Iêngxari đã phản bội lại cách mạng, phản bội dân tộc, đưa đất nước Cămpuchia vào một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử. Tập đoàn Pônpôt – Iêngxari đã xua nhân dân ra khỏi các thành phố, buộc họ phải sống và lao động  trong các trại tập trung ở nông thôn. Chúng thực hiện chính sách diệt chủng một cách có hệ thống, có tổ chức theo tinh thần của Pônpôt: “chúng ta chỉ cần 2 triệu người để  xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Kết quả là sau 4 năm cầm quyền chúng đã giết hại hơn 3 triệu người dân vô tội. Cùng với chính sách diệt chủng, bọn Pônpôt – Iêngxari tìm cách huỷ diệt tận gốc rễ mọi trật tự bình thường ở Cămpuchia (dồn dân, tiêu diệt trí thức, phá huỷ trường học, chùa chiền, nhào nặn xã hội Cămpuchia theo mô hình “công xã”…). Về đối ngoại chúng cắt đứt mọi liên hệ với thế giới bên ngoài (trừ Trung Quốc) và gây chiến tranh biên giới Tây Nam với Việt Nam.

          Trước sự phản bội của tập đoàn Pônpôt – Iêngxari, nhân dân Cămpuchia lại tiếp tục đứng lên. Từ tháng 5-1978 phong trào đấu tranh đã diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi, đặc biệt là ở miền Đông Cămpuchia. Ngày 02-12-1978, những người cách mạng Cămpuchia đã thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cănpuchia.

          Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cămpuchia và sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, các cuộc nổi dậy của nhân dân Cămpuchia đã diễn ra khắp nơi. Ngày 7-1-1979, thủ đô Phnômpênh được giải phóng, chế độ Pônpôt – Iêngxari bị lật đổ. Dân tộc Cămpuchia bước vào thời kỳ hồi sinh, tiến hành xây dựng đất nước.

  1. Thời kỳ 1979 đến nay.

          Sau gần một thập kỷ chiến tranh ác liệt, nhân dân Cămpuchia đã chịu bao đau thương, tổn thất. Do vậy, ngay từ năm 1979, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Cămpuchia (được xây dựng tại Đại hội III, tháng 1-1979), nhân dân Cămpuchia vừa phải thực hiện công cuộc hồi sinh, xây dựng lại đất nước bị tàn phá, vừa phải tiến hành cuộc chiến tranh kéo dài chống lại các thế lực đối lập liên kết với nhau chống phá cách mạng.

          Trong giai đoạn 1979-1991, Hội đồng nhân dân cách mạng – cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hoà nhân dân Cămpuchia –  đã đề ra mục tiêu “xây dựng thành công một nước Cămpuchia hoà bình, độc lập, dân chủ, trung lập, không liên kết và tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Ngay sau khi đánh đổ tập đoàn Pônpôt – Iêngxari, chính quyền mới bắt tay vào việc đưa cuộc sống xã hội trở lại nề nếp bình thường: Mở lại các chợ, phát hành tiền tệ, mở trường học, bệnh viện, chùa chiền, giúp các gia đình ổn định lại cuộc sống, ổn định sản xuất. Nhờ vậy, ngay trong năm 1979 nạn đói đã được đẩy lùi và đến năm 1980 đã được khắc phục về cơ bản. Hơn 60 xí nghiệp,  nhà máy nhanh chóng được khôi phục và đi vào sản xuất.

          Nhờ sự nỗ lực của toàn thể dân tộc và sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Việt Nam, nền kinh tế Cămpuchia ngày càng ổn định. Năm 1987, sản lượng lúa đạt 2,324 triệu tấn, cả nước có khoảng 2 triệu trâu bò, 1 triệu con lợn, 5 triệu gia cầm và đánh bắt được hơn 82.000 tấn cá. Nền công nghiệp cũng nhanh chóng phục hồi, phát triển. Đến năm 1988, Cămpuchia đã khôi phục, mở rộng và xây dựng thêm gần 200 xí nghiệp, sản xuất được khối lượng lớn hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và dành một phần xuất khẩu.

          Về chính trị,ngày 1-5-1981 nhân dân Cămpuchia đã tiến hành Tổng tuyển cử, chính quyền được hợp pháp hoá. Ngày 25-6-1981, Hiến pháp được thông qua khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đến tháng 4-1982, Hiến pháp có sửa đổi, đổi tên nước từ Cộng hoà nhân dân Cămpuchia thành Nhà nước Cămpuchia, và quy định “Cămpuchia là một nước độc lập, có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hoà bình, dân chủ, trung lập và không liên kết”.

          Đặc điểm nổi bật của tình hình Cămpuchia ở giai đoạn này là sự tồn tại của hai vùng kiểm soát và ba lực lượng.  Ngoài chính quyền do Đảng Nhân dân cách mạng lãnh đạo còn có mặt trận thống nhất dân tộc của Xihanúc,  tàn quân Khơme đỏ Pônpôt – Iêngxari – Khiêu Xamphon. Đằng sau mỗi lực lượng là sự hẫu thuẫn của một thế lực quốc tế nào đó. Tình hình này đã dẫn đến sự mất ổn định kéo dài ở Cămpuchia cũng như của các nước trong khu vực.

          Để thúc đẩy việc tiến tới một giải pháp chính trị cho vấn đề Cămpuchia, tháng 9-1989, quân tình nguyện Việt Nam đã chủ động và đơn phương rút khỏi Cămpuchia. Sau nhiều  năm thương lượng, các bên Cămpuchia đã đi đến thoả thuận thành lập Hội đồng dân tộc tối cao Cămpuchia (SNC) do Xihanúc làm Chủ tịch. Ngày 23-10-1991, tại Hội nghị quốc tế về Cămpuchia, tổ chức ở Paris, Hiệp định về một giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc xung đột Cămpuchia đã được ký kết.

          Căn cứ vào Hiệp định Pari về vấn đề Cămpuchia, dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc, từ ngày 23 đến ngày 27-5-1993, cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến được tiến hành ở Cămpuchia. Ngày 21-9-1993, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới, thiết lập nền quân chủ lập hiến. Xihanúc trở lại ngai vàng sau 38 năm từ bỏ. Hunxen (Đảng Nhân dân Cămpuchia) và N.RanaRiddh (Mặt trận thống nhất dân tộc vì một nước Cămpuchia độc lập, trung lập, hoà bình và hợp tác, viết tắt là FUNCINFEC) làm đồng Thủ tướng. Khơme đỏ tự mình loại khỏi quá trình hoà giải dân tộc và đi đến chỗ diệt vong. Nhân dân Cămpuchia bước vào một thời kỳ mới với nhiều thử thách mới.

          Đến nay, công cuộc xây dựng lại đất nước Cămpuchia vẫn đang là một nhiệm vụ đầy gian khó, nền kinh tế Cămpuchia vẫn chủ yếu dựa vào sự trợ giúp của nước ngoài (năm 1999, viện trợ chiếm 60% ngân sách quốc gia). Năm 1998, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Cămpuchia là 2%, dự trữ ngoại tệ là 0,3 tỷ USD, lạm phát 13%. Năm 1999 các con số này là 4%, 0,4 tỷ USD và 6,5%. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Cămpuchia mới chỉ đạt 270 USD.

          Ngày 30-4-1999 Cămpuchia trở thành thành viên chính thức của ASEAN.

3/ VƯƠNG QUỐC THAILAND TỪ SAU 1945

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, về hình thức Thái Lan là một nước độc lập nhưng trên thực tế nằm dưới ảnh hưởng của các nước đế quốc, đặc biệt là Anh. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Thái Lan ở vào địa vị một nước bại trận, do liên minh với phát xít Nhật tham gia cuộc chiến tranh chống lại các nước Đồng minh trong thời gian chiến tranh. Vì thế quân đội Anh đã vào chiếm đóng ở Thái Lan với âm mưu khôi phục lại địa vị cũ của mình. Tuy nhiên, Mĩ đã tìm mọi cách để hất cẳng Anh ở Thái Lan. Với ưu thế về kinh tế và quân sự, tư bản Mĩ ngày càng xâm nhập mạnh mẽ vào Thái Lan.

          Sau luồng gió tự do dân chủ trong những năm 1946 -1947, Thái Lan thiết lập một chế độ độc tài quân sự từ những năm 40  đến những năm 70 của thế kỷ XX. trong thời gian này giới quân sự Thái Lan chi phối nền chính trị của đất nước nên các cuộc đảo chính quân sự thường xảy ra. Từ cuộc đảo chính tháng 11-1947 đến cuộc đảo chính 1957, hay những sự thay đổi Chính phủ liên tiếp trong những năm 70 đều do giới quân sự tiến hành mà mục tiêu của nó là thiết lập một chế độ độc tài quân sự, chống lại các tư tưởng tự do dân chủ, đặc biệt là đàn áp những người cộng sản, thi hành chính sách thân Mĩ, chống lại cách mạng Đông Dương. Vì vậy, trong tháng 9, 10-1950, Mĩ đã ký với chính quyền Thái Lan hiệp định viện trợ kinh tế và kỹ thuật Mĩ – Thái và hiệp định quân sự Mĩ – Thái. Tháng 9-1954, Thái Lan gia nhập khối phòng thủ Đông Nam Á (SEATO) và Bộ chỉ huy quân sự của khối này được đặt tại Băngcốc do các tướng lĩnh cao cấp Thái Lan đứng đầu. Vì vậy viện trợ kinh tế của Mĩ cho Thái Lan cũng không ngừng tăng lên. Nếu trong thời gian 1950 -1956, tổng số tiền viện trợ của Mĩ là 104,6 triệu USD thì đến năm 1957-1965 là 294 triệu USD. Đáng chú ý là sau 1965, khi Thái Lan tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam thì số viện trợ càng tăng nhanh: 1966: 56 triệu USD, 1967: 77 triệu USD, 1968: 100 triệu USD. Ngoài ra Nhật Bản, Tây Đức và Anh cũng tăng  viện trợ cho Thái Lan.

          Trong chiếc thòng  lọng kinh tế và chính trị ngày càng thắt chặt, Chính phủ tư sản Thái Lan không ngừng tiếp tay cho đế quốc Mĩ thực hiện kế hoạch xâm lược Đông Dương. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, Thái Lan đã thực sự trở thành một căn cứ quân sự của Mĩ. Trên lãnh thổ Thái Lan, 6 sân bay quân sự được xây dựng, trong đó có sân bay Utapao có thể đón nhận máy bay chiến lược B52 lên xuống. Cảng Satahip trở thành quân cảng lớn nhất ở Thái Lan dành cho tàu chiến Mĩ. Từ các căn cứ này, máy bay và tàu chiến Mĩ xuất kích đánh phá các nước Đông Dương. Hơn thế nữa Thái Lan còn trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Tháng 3-1967, một bộ phận sư đoàn “Rắn hổ mang” gồm 2300 lính Thái Lan được điều sang miền Nam Việt Nam. Cuối 1968, số binh lính Thái Lan ở chiến trường Việt Nam lên đến 5000 người. Tháng 2-1959, quân đoàn “Báo đen” gồm 1.2000 người sang gây tội ác ở Việt Nam. Đến tháng 4-1972 thì những tên lính Thái Lan mới rút khỏi Việt Nam.

          Những chính sách đối nội và đối ngoại của Thái Lan càng làm cho tình hình kinh tế – xã hội trong nước thêm căng thẳng, không khí chính trị luôn ở trong trạng thái nghẹt thở. Vì vậy các cuộc đấu tranh  đòi quyền tự do dân chủ luôn diễn ra. Trong những năm 60, đã có những tổ chức chủ trương tiến hành đấu tranh vũ trang chống nền độc tài quân sự: Tổ chức “Mặt trận yêu nước Thái Lan” chủ trương tiến hành đấu tranh vũ trang từ năm 1965. Đến 1968, quân du kích đã nổi dậy ở nhiều nơi, đặc biệt là họ đã tấn công vào cả sân bay Uđontani (tháng 8-1968)… Phối hợp đấu tranh là các tầng lớp trong xã hội. Từ những năm 70, sinh viên Thái Lan đã liên tiếp tổ chức đấu tranh chính trị, lôi kéo các tầng lớp khác trong xã hội tham gia (năm 1972 có 55 cuộc đấu tranh, năm 1973 có 128 cuộc bãi công với sự tham gia của 30 nghìn công nhân, viên chức…). Phong trào đấu tranh đặc biệt lên cao vào năm 1973, chính quyền đã phải huy động cảnh sát đàn áp làm 72 người bị chết. Nhà vua đã phải nhượng bộ, tổ chức bầu cử, thành lập Chính phủ mới. Tuy nhiên, đến tháng 10-1976 các thế lực độc tài đã phản công. Quân đội và cảnh sát đã tấn công vào trường Đại học Thămmasắc làm 72 người chết, 200 người bị thương (6-10-1976), mở đầu chiến dịch khủng bố trong toàn quốc.

          Mặc dù phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ bị khủng bố nhưng phái quân sự đã phải nhượng bộ. Sau sự kiện 1973, hoạt động của các đảng phái chính trị trở nên sôi động hơn và giai đoạn 1973 -1976 được xem là giai đoạn “thử nghiệm dân chủ ở Thái Lan”. Năm 1976, một Chính phủ Liên hiệp quân đội – dân sự được dựng lên. Tuy nhiên năm 1977 Chính phủ này lại bị lật đổ, quyền lãnh đạo đất nước lại thuộc về phe quân sự. Ngay trong nửa đầu thập kỷ 80, giới quân sự còn tiến hành thêm 5 cuộc đảo chính nhằm duy trì quyền lực của phái quân sự.

Sự ra đời của chế độ quân chủ lập hiến ở Thái Lan năm 1932 được gắn với phái quân sự và mãi đến năm 1978, quốc hội lưỡng viện mới được thành lập về hình thức. Có thể nói, lịch sử chính trị Thái Lan là lịch sử của việc quân đội nắm quyền lãnh đạo đất nước. Từ năm 1932 đến năm 1978, ở Thái Lan xảy ra 14 cuộc đảo chính với sự ra đời của 12 bản hiến pháp khác nhau. Nếu tính từ năm 1932 đến năm 1990, ở Thái Lan đã diễn ra 19 cuộc đảo chính quân sự, 17 lần thay đổi thủ tướng. Trong số 17 thủ tướng do bầu cử, cầm quyền tổng cộng 14 năm, 7 thủ tướng quân sự cầm quyền trong 43 năm .

Sự bất ổn định về chính trị, xã hội do giới quân sự mang lại càng làm cho nền kinh tế Thái Lan gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã trải qua hai thập niên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội với bốn kế hoạch dài hạn (kế hoạch 6 năm lần thứ nhất 1961 – 1966, kế hoạch  5 năm lần thứ hai 1967 – 1971, lần thứ ba 1971 – 1976, lần thứ tư 1977 – 1981) nhưng đại đa số nhân dân Thái Lan, đặc biệt là nông dân, hầu như không được hưởng lợi ích của sự phát triển. Vào đầu năm 1980, tỷ lệ dân cư sống trong tình trạng nghèo khó tuyệt đối ở miền Bắc là 36%, ở Đông Bắc là 27%, miền Nam 25%, miền Trung – khu vực phát triển nhất trong nước- cũng tới 12%, sự bất bình đẳng về thu nhập làm cho mâu thuẫn về xã hội thêm gay gắt, tạo thành mối đe doạ đối với sự ổn định chính trị  của Thái Lan ngay từ bên trong.

Sự phát triển của nền nông nghiệp Thái Lan cho tới đầu những năm 80 của thế kỷ XX đều theo khuôn mẫu của những thế kỷ trước, vẫn áp dụng những kỹ thuật có năng suất thấp và phương pháp quảng canh. Về công nghiệp, mặc dù đã có những bước tiến lớn, thu hút được 7% lực lượng lao động toàn quốc và đóng góp 37% tổng sản phẩm quốc dân vào năm 1979, nhưng trong cơ cấu công nghiệp thì  công nghiệp chế biến vẫn là quan trọng nhất, trong lúc đó các ngành công nghiệp đóng tàu và chế biến  đã ở tình trạng bão hoà của thị trường nội địa và tình trạng giá nhập nguyên vật liệu cao.

Trước những sức ép về xã hội và những đòi hỏi của công cuộc phát triển của đất nước, Thái Lan đã tìm cách thoát ra bằng những cải cách về chính trị lẫn kinh tế và xã hội.

Về chính trị, Thái Lan từng bước dân chủ hóa đời sống chính trị đất nước, tạo ra những bước để thực hiện cơ chế dân chủ . Trước năm 1978, Hiến pháp Thái Lan quy định Quốc hội không do dân bầu mà do Chính phủ bổ nhiệm, với 2/3 số thành viên là các quan chức quân đội và cảnh sát. Đến năm 1978, sau thời kỳ đầu của dân chủ 1973 – 1976, bản hiến pháp 1978 đã có sự nhượng bộ của giới quân sự, thể hiện qua việc họ chấp nhận một Hạ nghị viện do bầu cử, giới quân sự vẫn nắm quyền chi phối việc bổ nhiệm các Thượng nghị sỹ để thông qua đó khống chế nền chính trị đất nước. Thượng viện được sử dụng như là công cụ của giới quân sự để họ thực thi quyền  lực của mình. Tuy nhiên, sự thiếu vắng một nền dân chủ thực sự ở Thái Lan đã làm cho nền kinh tế bị kìm hãm. Bởi vì trong nền kinh tế tự do cạnh tranh phát triển thì độc tài về chính trị sẽ không còn phù hợp. Do vậy, ngày 11-10-1997, một bản hiến pháp mới được thông qua với quy định Thượng viện cũng được thành lập thông qua bầu cử. Hiến pháp 1997 đã tạo điều kiện cho sự tham gia của công dân và bộ máy chính trị, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của các nhóm đặc quyền, đặc lợi, nhất là giới quân sự, trong nền chính trị Thái Lan. Cuộc bầu cử Thượng viện ngày 4 – 3 – 2000 xem như đã mở ra “chương mới” cho nền chính trị Thái Lan, quá trình chuyển từ bộ máy lãnh đạo bị giới quân sự thao túng sang Chính phủ dân sự được thành lập thông qua bầu cử rộng rãi đã được bắt đầu, mặc dù còn nhiều thử thách (chẳng hạn như cảnh sát Thái Lan cho biết khoảng 540 triệu USD đã được trao tay trong việc mua bán phiêú bầu.(1) Nhưng đây là một xu thế không thể đảo ngược mà một số nước trong khu vực cũng vừa trải qua (cuộc tổng tuyển cử ở Inđôniaxia ngày 7 – 6 – 1999, Malaixia ngày 29 – 11 – 1999).

Về kinh tế, những khó khăn của đất nước đã làm cho Thái Lan tìm đến một chiến lược kinh tế mới, chiến lược công nghiệp hoá hướng vào xuất khẩu. Đây là chiến lược đã và đang thực hiện có kết quả tốt ở Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapo . Để thực hiện chiến lược này, Thái Lan đã chọn những ngành công nghiệp mà đất nước mình có lợi thế, như ngành chế biến thực phẩm, dệt, các nghề thủ công truyền thống (chế tạo đá quý, đồ trang sức…), đồng thời chủ trương phát triển các ngành công nghiệp điện tử, hoá dầu, chế tạo ôtô và một số ngành kỹ thuật cao khác.

Điểm đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế là Thái Lan đã tính đến cả nông nghiệp trong sự phát triển kinh tế. Trong chiến lược kinh tế, nông thôn được xem là ở hàng đầu, gắn với kế hoạch công nghiệp hoá. Bên cạnh những chiến lược phát triển kinh tế đó, Thái Lan đã ban bố luật đầu tư hết sức hấp dẫn, giành nhiều ưu đãi cho các nhà kinh doanh nước ngoài: Miễn thuế nhập khẩu trang thiết bị, máy móc, miễn thuế thu nhập từ 3  đến 8 năm … Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội lần thứ năm được đưa ra tháng 10 – 1981 là đi theo chiến lược phát triển kinh tế này. Chính Thủ tướng Breni Tinxulanon đã tập hợp trí tuệ của hơn 700 chuyên gia kinh tế hàng đầu của đất nước để vạch ra các biện pháp phát triển.

Nhờ các chiến lược phát triển đúng đắn, Chính phủ Thái Lan đã thành công trong việc phục hồi nền kinh tế của đất nước. Năm 1986, năm kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc dân 5 năm lần thứ năm được xem là năm phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế Thái Lan: tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đạt 7%, giá trị xuất khẩu tăng 39,5% so với năm 1985. Nếu những năm 60 nông nghiệp chiếm 40% tổng  thu nhập quốc dân thì năm 1986 chỉ còn 17%. Lạm phát giảm từ 11,6% trong những năm trước xuống còn 2,8%. Đồng thời, chương trình phát triển nông thôn thu được những kết quả to lớn.

Được khích lệ bởi những thành tựu trên, nền kinh tế Thái Lan tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo. Đến năm 1988, giá trị sản phẩm công nghiệp tính theo đầu người của Thái Lan đã gấp hai lần so với Inđôniaxia, ngang với Đài Loan, Tổng thu nhập quốc dân đạt 47 tỷ USD. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng năm 1988 được đánh dấu như là năm “cất cánh” của nền kinh tế Thái Lan. Năm 1988, tốc độ tăng trưởng kinh tế  đạt 13%, tiếp đó, năm 1989 là 12% và năm 1990 là 10%. Bước vào thập kỷ 90, tốc độ tẳng trưởng ổn định ở mức 7 – 8%. Tổng sản phẩm quốc dân tính theo đầu người năm 1990 là 1.418 USD, 1992 là 1.605 USD, 1993 là 1.905 USD, 1994 là 2.085 USD.

Như vậy, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Thái Lan đã từng bước biến đổi để trở thành một nước có nền kinh tế nông, công nghiệp khá phát triển. Thái Lan đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Hai mũi nhọn chính của nền kinh tế Thái Lan là ngành dịch vụ và công nghiệp chế tạo. Tuy nhiên, những khuyết tật trong hệ thống chính trị của Thái Lan cùng các  nhân tố khác đã làm bùng nổ cơn khủng khoảng tài chính – tiền tệ năm 1997, làm cho nền kinh tế đang trên đà “cất cánh” bị chao đảo. Do vậy, mặc dù không khí đen tối của cuộc khủng hoảng vẫn bao trùm, nhưng Hiến pháp năm 1997 vẫn được đưa ra. Điều này càng khẳng định quyết tâm của Thái Lan đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp mới (NIC) trong thời gian tới.

Đến nay, kinh tế Thái Lan đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997 – 1998. Năm 1999, dự trữ ngoại tệ của Thái Lan đã được khôi phục ở mức cao hơn dự trữ trước khi sự khủng hoảng nổ ra. Tốc độ tăng sản lượng công nghiệp chế tạo – một mũi nhọn của kinh tế Thái Lan, đã lên tới 9% năm 1999. Những tiến bộ ở Thái Lan đã đưa nước này lên hàng các quốc gia dẫn đâù quá trình phục hồi kinh tế châu Á.

Sự phát triển của nền kinh tế trong hai thập kỷ qua là cơ sở đảm bảo cho Thái Lan thi hành một chính sách đối ngoại chủ động hơn trong quan hệ quốc tế. Trong quan hệ với Mĩ, Nhật, Tây Âu, Thái Lan đã chủ động hơn, mặc dù các mối quan hệ này vẫn được Thái Lan xem là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình. Bên cạnh đó, Thái Lan có quan hệ gắn bó với Trung Quốc. Đối với các nước Đông Dương, chính sách của Thái Lan đã có những thay đổi lớn. Năm 1988, sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng Xạtxai Chuhavan đưa ra chủ trương “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường” và từ chỗ là nước mâu thuẫn gay gắt nhất với ba nước Đông Dương trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã từng bước xoá bỏ mâu thuẫn, cùng giải quyết vấn đề Cămpuchia, cải thiện quan hệ với ba nước Đông Dương và tạo điều kiện để xây dựng tư tưởng “ASEAN 10” thành công.

(1)  Xem “First – ever Senate election test democary in ThaiLand”, Asiaweek, March 4th 2000.

 

CUỘC ĐẢO CHÍNH NGÀY 19-9-2006 Ở THAILAND

Văn Ngọc Thành – Đàm Thị Đào

Nếu như lịch sử hiện đại của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á cho đến khi kết thúc chiến tranh lạnh có thể phác họa bằng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, các cuộc kháng chiến chống xâm lược, các cuộc cách mạng,… thì lịch sử hiện đại của Thailand lại mang màu sắc khác và cần được phác họa theo cách khác. Sẽ không thái quá khi cho rằng, có thể dựng lại diện mạo lịch sử nước Thái từ năm 1991 trở về thời điểm năm 1932 bằng hàng chục các cuộc đảo chính nối tiếp nhau. Cuộc đảo chính năm 1991 tưởng chừng là chương kết thúc câu chuyện trường kỳ về đảo chính ở Thailand. Nhưng, như một tất yếu, ngày 19 – 9 – 2006 đảo chính vẫn xảy ra. Trong phạm vi một bài viết nhỏ này chúng tôi không có tham vọng nghiên cứu tất cả các vấn đề liên quan mà chỉ xin đề cập đến một sốkhía cạnh về cuộc đảo chính này nhằm góp phần tìm hiểu rõ hơn hiện tượng đảo chính ở Thailand.

  1. “Đảo chính” (“coup d’état”) là hành động tìm cách lật đổ thay thế chính quyền trung ương hiện hành bằng cơ quan quyền lực khác ngoài khuôn khổ pháp luật, tức là nó chống lại nhà nước bằng các biện pháp không theo hiến pháp. Bởi thế nên đảo chính dù diễn ra dưới hình thức nào, đổ máu hay không đổ máu, vẫn là hành động đáng bị lên án đối với nhiều người, nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tính chất và xu hướng chính trị của đảo chính có thể là tiến bộ hay phản động tuỳ theo mục đích của các lực lượng làm đảo chính và lợi ích của các thế lực mà các lực lượng đó đại diện. Và, “hài hước thay lịch sử!”(1), những ngoại lệ “tuy nhiên” của nó đôi khi lại là nét thường gặp trong lịch sử một dân tộc, một quốc gia cụ thể. Đảo chính ngày 19 – 9 – 2006 ở Thailand là một trường hợp như vậy.

Đảo chính không phải là cách mạng. Đảo chính kiểu Thailand chỉ thực hiện nhiệm vụ thay đổi bộ phận lãnh đạo cũ bằng bộ phận lãnh đạo mới, dân sự hay quân sự. Và nguồn gốc sâu xa của chúng đều bắt nguồn từ những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước trong từng thời điểm nhất định.

Theo “Vai trò của phe quân nhân Thailand ở ngã tư đường” của Anan Samudavajia, một cuộc đảo chính có thể xảy ra nếu xuất hiện những điều kiện sau:

  1. Nhà vua và nền an ninh của đất nước bị nguy hiểm thực sự.
  2. Nhà nước bị đe dọa do một sự can thiệp của một kẻ địch bên ngoài và sự can thiệp này được thấy và được chứng minh một cách rõ ràng.
  3. Sự đấu tranh giữa các nhóm và các giai cấp khác nhau diễn ra khắp trong nước tạo thành một cuộc khủng hoảng dữ dội.
  4. Chính phủ tỏ ra bất lực và không thể làm gì được để dẹp tan xáo trộn và duy trì tình trạng ổn định.

Bốn tiêu chí trên do một viên tướng nêu ra(2). Tất nhiên, dù chúng xuất hiện đồng thời hoặc riêng biệt thì một cuộc đảo chính vẫn có khả năng bùng nổ. Phần lớn các cuộc đảo chính ở Thailand đều xuất phát từ điều kiện 3 và 4. Cuộc đảo chính ngày 19 – 9 – 2006 cũng thế.

Nguyên nhân sâu xa của cuộc đảo chính ngày 19-9-2006 đã hình thành trong suốt thời gian Thailand được điều hành theo “phong cách Thaksin”. “Phong cách Thaksin”(3) bao trùm lên toàn bộ cục diện nước Thái về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội,… Nó góp phần giúp Thailand đạt được bước phát triển mới trong những năm đầu của thế kỷ XXI, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Thành tựu này giải thích tại sao Thaksin lại là vị thủ tướng đầu tiên trong lịch sử hiện đại Thailand tại nhiệm qua hết một kỳ bầu cử(4), và tái đắc cử thêm hai nhiệm kỳ nữa. Tuy nhiên, “phong cách Thaksin” cũng tạo ra những lực lượng đối lập mạnh mẽ cho Thaksin, trong đó tầng lớp trung lưu với thượng lưu thành thị và phần đông giới quân sự giữ vị trí chủ chốt. Lực lượng thứ nhất phát động các cuộc biểu tình chống chính phủ trên đường phố trong suốt những tháng đầu năm 2006, dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng trầm trọng. Lực lượng thứ hai đưa cuộc khủng hoảng đó lên đỉnh điểm, đồng thời chấm dứt nó bằng hành động đảo chính. “Phong cách Thaksin” trở thành nguồn gốc quyết định sự kiện ngày 19-9-2006. Ngoài ra phải kể đến một số lí do quan trọng mang tính khách quan mà chính phủ Thaksin không may gặp phải. Đó là nạn tham nhũng tràn lan trong bộ máy quan liêu di căn từ các thời kỳ trước, sự gia tăng những tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn lậu vũ khí, buôn bán và sử dụng ma túy… sản phẩm của nền văn hóa “mở” thời hiện đại, và nhất là tình trạng tái phát bạo loạn ở miền Nam từ đầu năm 2004 khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Những vấn đề may này không được giới cầm quyền giải quyết tốt (miền Nam, tham nhũng) hoặc giải quyết bằng những biện pháp quá cứng rắn (trong cuộc chiến chống ma túy)(5) đã góp phần làm trầm trọng hơn những mâu thuẫn ủ sâu giữa người dân với chính quyền để rồi tất cả thẩm thấu vào nhau và cùng phát nổ ở cuộc khủng hoảng chính trị vào đầu năm 2006. Cuộc đảo chính ngày 19-9 là kết quả trực tiếp từ cuộc khủng hoảng này.

Như vậy, đảo chính ở Thailand luôn được xem là giải pháp khả thi để dẹp yên những xáo trộn trong nước và duy trì trạng thái ổn định. Nó liên quan đến đặc thù xã hội và tâm lý cộng đồng người Thái nói chung.

Một số nhà nghiên cứu đã chứng minh, Thailand khó có thể bước vào những cuộc cách mạng sâu rộng, triệt để. Thực tế, theo đúng nội hàm của khái niệm “cách mạng”, lịch sử Thailand chưa từng có một cuộc cách mạng nào. Cuộc cách mạng năm 1932 thay đổi thể chế quân chủ sang quân chủ lập hiến, nhưng cái gọi là “quân chủ lập hiến” đó cũng chỉ mang tính chất nửa vời(6). Hay cuộc cách mạng sinh viên năm 1973, thực chất là một cuộc đấu tranh bạo lực theo khuynh hướng dân chủ tư sản, và chỉ thu hút được một bộ phận quần chúng thành thị, cuối cùng lại đi tới chỗ thỏa hiệp với giai cấp tư sản.

Trong phần kết cuốn “Thailand là thế đó!”, Tanaka Tadaharu cho rằng “Thailand là một xã hội khó thay đổi”(7). Người Thái ngay từ thuở bé thơ đã được dạy bảo phải tôn thờ: “Nhà vua, Phật giáo, và Đất nước” – ba biểu tượng thiêng liêng của quốc gia dân tộc. Tư tưởng này dần thấm sâu vào tâm hồn, “trở thành một phần xương thịt của người Thailand” (8). Nó tạo cho họ một tâm lý rộng mở, bao dung, ưa cuộc sống yên ổn nhưng lại không có những hoài bão cao siêu, không theo đuổi một lý tưởng gì đến cùng (thậm chí “tôn sùng cá nhân hơn lý tưởng”, tôn vinh người có danh tiếng, người mình kính yêu bất chấp lý tưởng và lợi ích xã hội(9). Có lẽ vì thế mà người Thái vô duyên với cách mạng. Mỗi khi tình hình trong nước lên cơn sốt, đảo chính lại được chấp nhận như một cách hạ nhiệt tự nhiên. Sự kiện ngày 19-9-2006 cũng thuộc “thói quen” này.

  1. Các cuộc đảo chính ở Thailand thường xảy ra bất ngờ, trong không gian hẹp, và nhanh chóng kết thúc. Trừ một vài cuộc đảo chính và âm mưu đảo chính bị thất bại, đa phần đều đạt được mục đích đề ra.

Cuộc đảo chính ngày 19-9-2006 bùng nổ vào đúng thời điểm Thaksin đang ở New York (Mỹ) tham dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Toàn bộ diễn biến của cuộc đảo chính đều hiện hữu ở thủ đô Bangkok, trung tâm chính trị, quyền lực của Thailand. Không gian đảo chính có chăng được mở rộng sang Mỹ qua mạng lưới truyền thông, nơi Thaksin chuẩn bị phát biểu về “Tương lai dân chủ ở châu Á”. Quỹ thời gian cho các sự kiện thuộc về đảo chính diễn ra cũng chưa trọn vẹn một ngày. Mỗi sự kiện không gắn liền với ngày, tháng mà đi liền với giờ, phút cụ thể. Những hành động quyết định của quân đội thuộc về ban đêm, nhưng những điều bất thường thì đã xuất hiện từ buổi sáng ngày 19-9-2006.

Cuộc đảo chính không bắt đầu bằng một tiếng súng hay một hồi đại bác, mà hiệu lệnh của nó là các giai điệu ca ngợi Tổ quốc và Hoàng gia được Đài truyền hình phát đi khắp cả nước thay vì các chương trình bình thường như mọi ngày. Bởi vậy, Bangkok đã trải qua cuộc đảo chính từ thính giác đến thị giác trong đêm 19-9. Rất nhẹ nhàng, binh lính tiến hành đảo chính nhanh chóng lật đổ chính phủ Thaksin trong vài giờ mà không có bất cứ sự cản trở nào, không mất một viên đạn nên cũng không có máu đổ. Dù đã dự cảm trước, người dân Thailand, nhất là dân Bangkok vẫn cảm thấy bất ngờ. Nhưng rồi họ nhanh chóng đón nhận sự thay đổi chính trị này và nụ cười lại nở trên môi(10).

  1. Sau khi chính phủ Thaksin bị phế truất, nền kinh tế có chao đảo nhẹ đôi chút vẫn tiếp tục phát triển, nền chính trị dần ổn định dưới sự điều hành của chính phủ lâm thời, trật tự xã hội không bị xáo trộn. Cục diện nước Thái đương thời dường như chỉ thay đổi ở một bộ phận thuộc thượng tầng kiến trúc khi có sự góp mặt của giới quân sự và một ngài thủ tướng không phải Thaksin trong chính phủ lâm thời mà tương lai sẽ được quyết định bằng một cuộc bầu cử mới vào cuối năm 2007. Nhìn từ các cuộc đảo chính trước đó, cuộc đảo chính này đã thể hiện bước phát triển tiếp theo của nền dân chủ Thailand trong phạm vi ảnh hưởng của quân đội.

Cuộc đảo chính quân sự năm 1932 không chỉ biến Thailand thành nước quân chủ lập hiến, mà còn đưa quân đội Thái lên nắm giữ quyền lực chính trị. Sức mạnh cũng như ảnh hưởng của họ từ đây có thể sánh ngang với Hoàng gia – đại diện là nhà vua. Nếu như vua Thailand có một vị thế đặc biệt và tối cao tới mức chưa bao giờ một lực lượng đối lập nào dám công khai hoặc bóng gió ý định chống đối ông, thì cũng ít có một lực lượng chính trị nào đủ khả năng chi phối tầng lớp sĩ quan cao cấp trong quân đội. Trước năm 1973, các cuộc đảo chính đều đưa giới quân nhân lên chấp chính. Thông lệ này chỉ bị gián đoạn bởi phong trào dân chủ do sinh viên khởi xướng vào tháng 10-1973 và kéo dài đến năm 1976 có nhiều người gọi đây là cuộc “Cách mạng sinh viên” vì nó đã hạ bệ tướng Thanom Kittikachon, đưa các thủ tướng dân sự Sanya Dharmasakti, Seny Pramoj, Kukrit Pramoj lần lượt thay nhau lên lãnh đạo Thailand. Nhưng gọi đây là cuộc đảo chính phi quân sự có lẽ phù hợp hơn với đặc điểm của nước Thái. Lực lượng tham gia bao gồm sinh viên và quần chúng Bangkok, bằng tinh thần kiên quyết đấu tranh đã thực sự làm xuất hiện một nền dân chủ. Dù nền dân chủ này còn ít nhiều mang tính “thử nghiệm” và đoản mệnh nhưng nó đã làm dấy lên một động thái chính trị mới ở Thailand. Ba năm sau thời gian tồn tại của phong trào sinh viên, cuộc đảo chính quân sự năm 1976 lại tiếp tục đưa các tướng lĩnh quân đội lên chấp chính, nhưng họ đã tỏ ra ôn hòa và dân chủ hơn. Các đời thủ tướng như Prem Tinsulanonda (1980-1988), Chatichai Choonhavan (1988-1991) đều không lấy thân phận quân nhân để chấp chính(11) (đặc biệt chính phủ Chatichai được coi là chính phủ dân sự đầu tiên kể từ năm 1976). Cuộc đảo chính quân sự năm 1991 đã đưa tướng Suchinda Kraprayoon lên làm thủ tướng qua một cuộc bầu cử, nhưng Suchinda nhanh chóng bị phong trào đấu tranh của quần chúng hạ bệ. Dường như đến thời điểm này, khi chiến tranh lạnh kết thúc và chủ nghĩa cộng sản không còn là một nguy cơ nữa, thì sự có mặt trên chính trường của giới quân sự có vẻ lạc lõng. Họ tạm rút vào hậu trường, nhường cho các nhà phi quân sự như Chuan Leekpai, Chavalit Yongchaiyudh, Thaksin Shinawatra đạo diễn sân khấu chính trị Thái. Nền dân chủ Thailand quá độ lên một bước cao hơn. Cuộc đảo chính vừa qua của quân đội Thái là hành động can dự vào công việc chính trị của đất nước sau một thời gian dài lực lượng này vắng bóng. Điều đáng nói, họ đã không trực tiếp tham gia chấp chính mà chỉ đóng vai trò cố vấn tạm thời cho chính phủ lâm thời của tướng về hưu Surayud Chulanont được lập ra sau đó.

Từ sự phân tích trên, chúng ta có thể thấy mặt đóng góp hay ý nghĩa của các cuộc đảo chính đối với tiến trình phát triển của lịch sử hiện đại Thailand, đồng thời thấy được ảnh hưởng sâu sắc cũng như vai trò của lực lượng quân đội Thái trước mối lâm nguy của đất nước.

Tương lai Thailand sẽ ra sao với sự trở lại vai trò của quân đội là điều không dễ dàng dự báo trước. Mọi chuyện bất ngờ vẫn thường ập đến ở đất nước quân chủ lập hiến chưa bao giờ xảy ra chiến tranh hay cách mạng này. Có lẽ vì vậy mà Thailand chưa từng phải trả những cái giá quá đắt trên con đường phát triển. Nhưng đổi lại, nó vẫn phải đứng trong hàng ngũ những nước đang phát triển và cần đến đảo chính như một “phương thuốc” đồng hành.

Sau cuộc đảo chính ngày 19-9-2006, người ta đã tưởng tượng ra một viễn cảnh xa xôi rằng Thailand sắp trở lại thời kỳ của những chính phủ độc tài trong quá khứ, rằng Thailand vừa kinh qua “những ngày tháng đen tối của nền dân chủ”(12)… Nhưng đã một năm, kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính đến nay, tình hình mọi mặt của Thailand vẫn không vượt ra ngoài quỹ đạo phát triển bình thường của nó (dù bạo loạn ở miền Nam chưa thực sự chấm dứt, dù còn xảy ra chuyện này, chuyện kia mà bất kỳ quốc gia nào cũng có). Sau một thời gian chuẩn bị, mặc cho những tranh cãi, bất đồng trongcông chúng, ngày 19 tháng 8 năm 2007, một cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp mới của Thailand, thay thế cho Hiến pháp năm 1997, đã được tổ chức(13). Kết quả: 57,8% cử tri tán thành Hiến pháp mới và nó đã trở thành luật. Bản hiến pháp mới này thay thế bản Luật tối cao của Vương quốc, bản Hiến pháp tạm thời năm 2006.

Như vậy, với Thailand, tất cả những phương cách giới lãnh đạo đất nước sử dụng, dù hợp hiến hay không hợp hiến, đem lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, đều được đa số dân chúng chấp nhận. Cho đến thời điểm hiện nay, cuộc đảo chính ngày 19-9-2006 ở Thailand cũng đang được đa số chấp nhận như các cuộc đảo chính trước đó.

 

Chú thích

* Khoa Lịch sử – Trường ĐHSP Hà Nội.

(1) Chữ dùng của Will Durant trong Lịch sử văn minh Ấn Độ (Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê), Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, Hà Nội 2003, tr. 248.

(2) Tanaka Tadaharu, Thái Lan là thế đó, Thông tấn xã Việt Nam. (1985), tr. 12

(3) “Phong cách Thaksin”:

Về kinh tế: Coi Thái Lan như một công ty và nền kinh tế đất nước như công việc kinh doanh.

Về chính trị: Tập trung quyền lực vào tay Thủ tướng và Đảng Thai Rak Thai, kiềm chế hiến pháp.

Về xã hội: Áp dụng những biện pháp quản lý mạnh tay.

(Xem: Pasuk Phongpaichit và Chrit Beker, Thaksin Shinawatra – Thương trường và chính trường, Nhà xuất bản Thông tấn, 2005).

(4) Trong lịch sử Thái Lan, chưa từng có vị thủ tướng dân bầu nào trước Thaksin giữ được ghế Thủ tướng qua hết một nhiệm kì.

(5) Trong cuộc chiến chống ma túy do chính phủ Thái Lan phát động từ đầu năm 2003 đến cuối năm đã làm 2500 người chết, trong đó có nhiều cái chết mờ ám (Xem: Pasuk Phongpaichit và Chrit Beker, Thaksin Shinawatra – Thương trường và chính trường, Nhà xuất bản Thông tấn, 2005, tr. 264).

(6) Thực tế Hoàng gia, đứng đầu là nhà vua vân có quyền lực đáng kể trong đới sống chính trị của đất nước.

(7) Tanaka Tadaharu, “Thái Lan là thế đó”, Thông tấn xã Việt Nam, 1985, tr. 141.

(8) Nguyễn Khắc Viện, Thái Lan – một số nét chính về kinh tế, chính trị, xã hội và lịch sử, Nhà xuất bản Thông tin lý luận, Hà Nội 1987, tr. 163.

(9) Nguyễn Tấn Đắc, Văn hoá Đông Nam Á, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 2003, tr.269.

(10) Thái Lan vốn được mệnh danh là “mảnh đất của những nụ cười” (Land of smiles ) (Xem: Nguyễn Tấn Đắc, Văn hoá Đông Nam Á, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 2003, tr.269).

(11) Năm 1957, Chatichai rời khỏi lĩnh vực quân sự, bước vào hoạt động ngoại giao.

(12) Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, 28-10-2006.

(13) Xem: – CDA unanimously accepts draft constitution, Bangkok Post, 6 July 2007.

                   The Nation, 6 July 2007.

(ĐĂNG TẠI TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU ĐÔNG NAM Á – SÔ 1 – 2008)

4/ CỘNG HÒA INDONESIA TỪ SAU 1945

  1. a) Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Inđônêxia.

Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, nhân dân Inđônêxia đã tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại ách thống trị của phát xít Nhật. Khởi nghĩa nông dân ở Xingapaina, Intôramadu, Xêmarang…, những cuộc bạo động ở Blita, Kêridi, các cuộc nổi dậy của nông dân, trí thức, học sinh ở các thành phố lớn… đã giáng những đòn mạnh mẽ vào nền thống trị bọn chiếm đóng. Ngày 14-8-1945 Chính phủ Nhật Bản chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Mặc dầu bộ chỉ huy quân đội chiếm đóng Nhật Bản bưng bít tin này, nhưng nó đã lan truyền khắp nơi. Binh lính Nhật hoang mang, mất tinh thần, các tổ chức cách mạng ráo riết hoạt động, quần chúng nhân dân hồi hộp đón chờ những sự kiện trọng đại sắp xẩy ra. Tình hình rất căng thẳng.

Dưới áp lực của phong trào quần chúng, đặc biệt là các tổ chức thanh niên chống Nhật, đêm 16-8-1945, Xucácnô, Hatta, Ratgiman và những thành viên khác của Uỷ ban trù bị độc lập cùng với các đại biểu các nhóm thanh niên chống Nhật, đã cùng nhau bàn bạc về việc soạn thảo “Tuyên ngôn độc lập”. Bác sỹ Xucácnô được giao chấp bút văn kiện này.

10 giờ sáng ngày 17-8-1945 trước hàng trăm người tụ tập  ở ngôi nhà riêng của Bác sỹ Xucátnô(1), nhà số 56 phố Pêgansan Timua, Xucácnô đã đọc bản tuyên ngôn độc lập lịch sử trước các đại biểu sinh viên, công nhân, viên chức, thương gia và các tầng lớp nhân dân khác của thủ đô Giacácta.

“Chúng tôi, nhân dân Inđônêxia, trịnh trọng tuyên bố nền độc lập của Inđônêxia. Các vấn đề liên quan tới việc chuyển giao chính quyền và các vấn đề khác sẽ được quyết định một cách thận trọng trong thời gian ngắn nhất.

                                                      Giacácta, 17 – 8 – 1945

                               Thay mặt nhân dân Inđônêxia: Xucácnô, Hatta”(2).

Mặc dù, lời lẽ trong bản tuyên ngôn rất thận trọng khi nói về việc chuyển giao chính quyền nhưng tuyên bố đã được quần chúng nhân dân đón nhận như một lời kêu gọi khởi nghĩa. Cuộc cách mạng tháng Tám chống phát xít Nhật giành độc lập bùng nổ. ở các thành phố lớn như Giacácta, Xurabaya… quần chúng nhân dân đã nổi dậy chiếm các công sở, đài phát thanh và giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ngày 18 – 8 – 1945, Hội nghị Uỷ ban trù bị độc lập gồm đại biểu các đảng phái, đoàn thể đã họp thông qua Hiến pháp và bầu Xucácnô làm Tổng thống nước Cộng hoà Inđônêxia, Hatta là Phó Tổng thống.

Sau khi giành được độc lập, cũng như nhân dân Việt Nam, nhân dân Inđônêxia phải tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, chống cuộc xâm lược trở lại của thực dân Hà Lan được đế quốc Anh giúp đỡ.

Ngày 29 – 9 -1945, các đơn vị đội quân Anh bắt đầu vào Giacácta với danh nghĩa giải giáp quân Nhật. Quân Anh công khai khuyến khích bọn thực dân Hà Lan thiết lập lại ách thống trị thực dân. Ngày 4 – 10 – 1945 người đứng đầu chính quyền thực dân Hà Lan Vanmốc  (Van Mook) đến Giacacta, cùng ngày các đơn vị quân đội của Hà Lan cùng theo quân Anh vào Inđônêxia. Các cuộc xung đột đã diễn ra nhiều nơi. Ngày 5 – 11 – 1945, Quân đội nhân dân Inđônêxia được thành lập. Mặc dù, trang bị còn thiếu thốn nhưng Quân đội nhân dân Inđônêxia đã anh dũng chiến đấu trong trận đầu tiên ở Xurabaya. Đến tháng 11 – 1945 cuộc chiến tranh chống thực dân Hà Lan đã lan rộng ở Inđônêxia.

Những sự kiện ở Inđônêxia ngày càng lôi cuốn sự chú ý của dư luận quốc tế. Do vậy, Anh không dám trực tiếp ủng hộ Hà Lan về quân sự trong cuộc xâm lược Inđônêxia nữa. Ngày 27-3-1946, Hà Lan buộc phải đàm phán với Chính phủ Inđônêxia (do Xaria đứng đầu). Tháng 7 – 1946 Chính phủ mới ở Hà Lan, đứng đầu là L.Bâylơ, thông qua quyết định cử phái đoàn đến Inđônêxia nối lại đàm phán. Cuộc đàm phán Hà Lan – Inđônêxia kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11 – 1946, ban đầu ở thủ đô Giacácta, sau đó chuyển đến Lingagiati. Ngày 15 – 11- 1946 Hiệp định Lingagiati được ký kết, nội dung hiệp định nêu lên rằng: Hà Lan công nhận về thực tế chính quyền Cộng hoà Inđônêxia ở Giava, Mađura và Xumatơra – một khu vực chiếm 80%  dân số cả nước. Nước Cộng hoà cùng với các đảo khác thành lập các quốc gia “Tự trị” dưới sự kiểm soát của Hà Lan; đến trước tháng 1 – 1949 sẽ phải thành lập “Liên hiệp Hà Lan – Inđônêxia”. Đây rõ ràng là sự thoả hiệp với kẻ thù của Chính phủ Xaria, vì thế quần chúng nhân dân đã kịch liệt phản đối. Tháng 6 – 1947, Chính phủ Xaria phải từ chức, một Chính phủ Liên hiệp do Sariphutdinh đứng đầu bao gồm cả Đảng Cộng sản Inđônêxia, được thành lập, Chính phủ Sariphútđinh tiến hành các biện pháp cải cách dân chủ trong nước.

Tháng 9 – 1948 Đảng Matsumi, một Đảng hồi giáo thiên hữu, gây ra “sự kiện Mađium” để phát động một chiến dịch “chống cộng”. Hàng nghìn người cộng sản và các phần tử dân chủ yêu nước bị giết hại. Nhiều lãnh tụ nổi tiếng của Đảng cộng sản Inđônêxia trong đó có Mutxê, đã bị hy sinh.

Ngày 19 – 12 – 1948 Hà Lan xé bỏ hiệp ước Lingagiati, bất chấp quyết định đình chiến của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, huy động 150.000 quân gây chiến trở lại. Hội đồng Chính phủ Inđônêxia  họp khẩn cấp và quyết định thành lập nội các đặc biệt ở Xumatơra, trong đó có Xucácnô, Hatta, để tiến hành đàm phán và lãnh đạo nhân dân, còn lại được rút vào rừng để tiến hành đấu tranh vũ trang. Thực dân Hà Lan đã bắt các lãnh tụ ở Xumatơra và giam giữ họ ở đảo  Banca. Trong khi Xucácnô và Hátta bị giam cầm, cuộc kháng chiến của nhân dân Inđônêxia tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các lực lượng yêu nước đã đoàn kết lại, mặt trận chống đế quốc được phục hồi. Đến mùa xuân năm 1949 lực lượng kháng chiến ở Giava đã làm chủ gần như toàn bộ (trừ những thành phố lớn). ở Calimantan và Xunatơra lực lượng kháng chiến cũng làm chủ được nhiều vùng. Ngày 4-3-1949, A.H.Naxutiong, chỉ huy lực lượng kháng chiến ở Giava, đã ra lệnh chuyển sang phản công.

  Trước ý chí quyết tâm của nhân dân Inđônêxia và sự lên án của dư luận quốc tế, thực dân Hà Lan một lần nữa phải đi đến đàm phán. Ngày 7-5-1949, đại biểu Hà Lan và Inđônêxia đã ký Hiệp định đình chiến. Xucacnô cùng các nhà lãnh đạo khác của Inđônêxia được trả lại tự do để chuẩn bị họp Hội nghị bàn tròn ở La Hay.

  Từ ngày 23-8 đến 2-11-1949, dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Hà Lan Đrâyxơ, Hội nghị bàn tròn đã diễn ra ở La Hay. Macxêphun dẫn đầu đoàn đại biểu Hà Lan, Hatta dẫn đầu đoàn đại biểu Cộng hoà Inđônêxia, Vanmốc đại diện cho vùng lãnh thổ Hà Lan chiếm đóng, Xuntan Pôntianaka Hamit II đại diện cho 15 Chính phủ bù nhìn. Các bên đã ký kết hiệp ước Lahay, theo đó, muộn nhất đến ngày 30-12-1949, Hà Lan phải “trao trả chủ quyền” cho Cộng hoà Inđônêxia, đồng thời Inđônêxia phải cùng với 15 xứ “tự trị” thành lập nước Cộng hoà liên bang Inđônêxia và nước Cộng hoà liên bang này phải cùng với Vương quốc Hà Lan thành lập Liên hiệp Hà Lan – Inđônêxia, do Nữ hoàng Hà Lan đứng đầu. Ngoại giao và thương mại của Inđônêxia phải lệ thuộc Hà Lan… Hiệp định còn quy định các vấn đề về Tây Irian sẽ giải quyết sau.

  Hiệp ước La Hay đã tạo ra cơ sở vững chắc để nhân dân Inđônêxia tiến lên giành độc lập hoàn toàn cho đất nước. Tuy nhiên, việc đặt Inđônêxia trong khối Liên hiệp Hà Lan – Inđônêxia là sự hạn chế của các nhà cách mạng dân chủ tư sản Inđônêxia trong cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập cho đất nước.

  Từ sau năm 1949, những người cộng sản Inđônêxia đã củng cố và phát triển lực lượng. Đảng Cộng sản Inđônêxia thực hiện sách lược liên minh với Đảng Quốc dân để chống lại các Chính phủ phản động của các lực lượng thân hữu.

  Ngày 27-12-1949, thực dân Hà Lan chính thức trao trả toàn bộ chủ quyền lãnh thổ (trừ miền Tây Irian) cho Inđônêxia. Trong nửa đầu năm 1950, cuộc đấu tranh của các lực lượng yêu nước, đòi độc lập dân tộc phát triển mạnh mẽ. Ngày 15-8-1950, Xucácnô chính thức tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Inđônêxia thống nhất. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh nhằm xoá bỏ những  ảnh hưởng của thực dân Hà Lan vẫn được tiếp tục trong những năm tiếp theo.

     Được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, Tổng thống Xucácnô đã thi hành nhiều chính sách tiến bộ nhằm khôi phục và củng cố nền độc lập của đất nước: Phế bỏ phái đoàn cố vấn quân sự của Hà Lan ở Inđônêxia (1953), hủy bỏ các khoản nợ vay của Hà Lan (4-8-1956), thu hồi miền Tây Irian (1963)  và thi hành rộng rãi các quyền tự do dân chủ trong nước. Nhờ vậy, đến giữa những năm 60 nền độc lập dân tộc của Inđônêxia được củng cố vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

 

  1. Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước:

     Từ những ngày sắp giành độc lập, Xucácnô đã mô hình hoá tư tưởng Marhaenism của mình bằng “Pantja Sila(3) được xem là 5 nguyên tắc xây dựng đất nước. Đó là:

     – Quyền tin tưởng ở Thượng Đế: mỗi người dân Inđônêxia phấn đấu nhằm mục đích đoàn kết và hữu nghị với toàn thế giới.

–    Chủ nghĩa quốc gia: Quốc gia Inđônêxia không phải của riêng cá nhân nào hay nhóm nào. Đó là một quốc gia “tất cả cho tất cả”.

     –  Chủ nghĩa dân chủ: nhân dân có quyền có tiếng nói trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của quốc gia. Chính phủ là đại diện của nhân dân.

     – Công bằng xã hội: mọi người đều sống hạnh phúc, không nghèo khổ.

     Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân Inđônêxia từ sau ngày độc lập đến nay vẫn chưa thực hiện được các nguyên tắc này một cách đầy đủ. Ngay cả trong những năm Xucácnô cầm quyền (đến 1965) ông cũng không tuân thủ 5 nguyên tắc trên một cách trọn vẹn, đầy đủ.

Về chính trị: Từ năm 1950 đến năm 1965, nền chính trị ở Inđônêxia tỏ ra thiếu ổn định bởi sự mâu thuẫn giữa các lực lượng chính trị trong nước. Giai đoạn từ năm 1950 đến 1957, Xucácnô  chủ trương xây dựng một nền chính trị dân chủ tự do hoặc dân chủ đại nghị. ở giai đoạn này thường diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt về chính trị giữa các đảng phái tư sản, mà chủ yếu là giữa hai đảng mạnh nhất là: Đảng Hồi giáo Matsumi và Đảng Dân tộc Inđônêxia. Do không đảng nào giành được ưu thế áp đảo nên các nội các thường mang tính chất Liên hiệp và không ổn định. Việc thường xuyên thay đổi nội các (mỗi nội các nắm quyền trung bình không quá 8 tháng) đã phá vỡ mọi khả năng thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ. Bên cạnh đó là các cuộc bạo động ly khai của các sỹ quan quân đội ở Xumatơra, Calimantan, Xulavêdi được các thủ lĩnh Đảng Matsumi và Đảng xã hội hậu thuẫn, nổ ra từ cuối năm 1956. Do đó, từ tháng 3-1957, Tổng thống Xucácnô chuyển sang thực hiện “chế độ dân chủ có chỉ đạo” mà thực chất là thiết lập chế độ quyền lực tối cao thuộc về tổng thống. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng càng trở nên sâu sắc và mâu thuẫn giữa các lực lượng đối lập trong xã hội càng tăng lên. Vì thế “những sự kiện 30-9” năm 1965 đã bùng nổ, chấm dứt giai đoạn cầm quyền của Xucácnô, đưa Tướng Xuháctô – đại diện phái quân sự lên cầm quyền.

     Sau khi lên cầm quyền, Xuhactô thiết lập chế độ “trật tự mới” và muốn nhấn mạnh đến sự khác biệt của “trật tự mới” với giai đoạn trước. Tuy nhiên, chỉ có một điều khác biệt, đó là quyền lực trong  “trật tự mới” nằm trong tay phái quân sự. Các nhà lãnh đạo mới của Inđônêxia một mặt đàn áp dữ dội Đảng Cộng sản Inđônêxia, cấm các tổ chức dân chủ hoạt động, đồng thời thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế vai trò và ảnh hưởng của các đảng chính trị khác. Ví dụ: năm 1973, các đảng Hồi giáo được sát nhập thành Đảng thống nhất và phát triển, các đảng còn lại (Đảng Dân tộc, Đảng Thiên chúa giáo…) hợp nhất thành Đảng Dân chủ và các đảng mới này không được phép hoạt động ở các vùng nông thôn. Trong lúc đó chính quyền ra sức hậu thuẫn, nâng đỡ tổ chức các nhóm chức năng (Golkar), biến nó thành một tổ chức xã hội rộng rãi, làm chỗ dựa cho chính quyền. Quyền lực của phái quân sự ngày càng được củng cố, tăng cường. Mặc dù không tham gia bầu cử nhưng quân đội vẫn được giành riêng 100 ghế trong Quốc hội. ở Hội nghị hiệp thương nhân dân, phái quân sự là phái lớn thứ hai, sau Gônka (Golkar). Những quy định này vẫn còn giá trị trong cuộc bầu cử năm 1999 vừa qua.

     Về chính sách ngoại giao, trong những năm 1950 – 1965 Inđônêxia  thi hành nhiều chính sách tiến bộ, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc trên thế giới. Tháng 4-1955, Inđônêxia đã đứng ra đăng cai Hội nghị á – Phi lần thứ nhất với tinh thần Băng đung nổi tiếng trong lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh đó Inđônêxia cũng thi hành một chính sách khá cực đoan với nước láng giềng Malaixia và một số nước trong khu vực. Từ năm 1965, Xuháctô lên cầm quyền và chính sách đối ngoại của Inđônêxia cũng có những thay đổi quan trọng: từ bỏ khuynh hướng cực đoan, phiêu lưu để thực hiện đường lối ngoại giao ôn hoà, cởi mở. Ngoài việc bình thường hoá với các nước trong khu vực, trước hết là với Malaixia, tham gia trở lại các tổ chức quốc tế (Liên Hợp Quốc, Quỹ tiền tệ Quốc tế….). Inđônêxia đã phát triển quan hệ chặt chẽ với các nước tư bản phát triển cả về kinh tế lẫn chính trị, đồng thời duy trì và phát triển quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước đang phát triển. Nhìn chung Inđônêxia thực hiện đường lối đối ngoại trung lập tích cực. Vì vậy, Inđônêxia là nước duy nhất trong tổ chức ASEAN có quan hệ ngoại giao với Việt Nam khá tốt đẹp trong thời kỳ trước 1991. Inđônêxia đã có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Cămpuchia (tổ chức các hội nghị JIM I, JIM II…) và tích cực vận động hoà hợp giữa hai nhóm nước trong khu vực Đông Nam Á.

     Về kinh tế, xã hội: Sau khi giành được độc lập, Inđônêxia bắt đầu công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ Inđônêxia chủ trương phát triển kinh tế theo con đường tư bản tư nhân, tuy nhiên mức độ tiến hành qua mỗi thời kỳ cũng khác nhau. Trong những năm 1950-1947, nhà nước có một vai trò khá quan trọng trong việc  điều chỉnh nền kinh tế: Quốc hữu hoá một phần tài sản của tư bản nước ngoài, hạn chế việc di chuyển lợi nhuận, kiểm soát tài chính, ngân hàng… Nhờ vậy, đến giữa những năm 50, các chỉ tiêu sản xuất trong nước hầu hết đạt mức trước chiến tranh, từ 1951 – 1957, mức tăng tổng sản phẩm quốc dân trung bình hàng năm là 5,2%. Từ năm 1957 đến 1965, vai trò của Nhà nước càng được đẩy mạnh với hy vọng giành lại những vị trí then chốt trong nền kinh tế đang nằm trong tay tư bản nước ngoài. Cùng với việc mở rộng và củng cố bộ phận kinh tế quốc doanh, ủng hộ bộ phận kinh tế tập thể (các hợp tác xã), Chính phủ Inđônêxia đã tiến hành quốc hữu hoá tài sản của tư bản Hà Lan và sau đó là tư bản Anh, Mĩ, Malaixia. Tuy nhiên, nền kinh tế Inđônêxia đã bắt đầu suy thoái. Sản xuất suy giảm, ngân sách thiếu hụt, lạm phát mạnh và giá sinh hoạt tăng. Năm 1957, tổng sản phẩm quốc dân tính theo đầu người là 131 USD, đến năm 1961 giảm xuống còn 83USD. Năm 1965 các ngành công nghiệp hoạt động với 25-30% công suất. Sản xuất nông nghiệp tăng chậm hơn mức tăng dân số. So với năm 1957, giá sinh hoạt năm 1965 tăng 360 lần.

     Từ sau năm 1965, khi giới quân sự lên nắm quyền, trong đường lối phát triển kinh tế của Inđônêxia có sự thay đổi quan trọng. Chính phủ đã đề ra chương trình ổn định và phục hồi kinh tế (1967-1968). Nền tảng của chương trình phát triển kinh tế, xã hội được đưa ra là những nguyên tắc của nền kinh tế mở cửa, không kiểm soát và phi quan liêu hoá, hoạt động của cơ chế thị trường tự do, tự do hoạt động của tư bản nước ngoài, tự do xuất khẩu lợi nhuận. Để được sự trợ giúp của tư bản nước ngoài và  gây lòng tin với họ, Inđônêxia quyết định trả lại các xí nghiệp, nhà máy của nước ngoài (1967). Đồng thời, Chính phủ thi hành chính sách liên kết với giới kỹ trị vốn là những trí thức học ở phương Tây về và phần lớn thuộc các đảng cánh hữu đã bị cấm trong những năm “dân chủ có chỉ đạo”. Đối với người Hoa, Chính phủ đã cố gắng đồng hoá họ về chính trị và pháp lý, liên kết với họ về kinh tế(4).

     Nhờ có những biện pháp thích hợp, kinh tế Inđônêxia đã có những bước chuyển biến tích cực: nạn lạm phát bị ngăn chặn, năm 1966 lạm phát 650%, năm 1967 còn 120%, 1968 còn 85%. Sản xuất lương thực phát triển tốt, năm 1968 sản lượng lúa gạo là 10,5 triệu tấn, tăng 19% so với năm 1965.

     Những kết quả bước đầu của chính sách kinh tế và xã hội ở Inđônêxia đã tạo được lòng tin cho tư bản trong cũng như ngoài nước. Đến năm 1968, Inđônêxia đã vay được khoảng 724 triệu USD và tư bản nước ngoài đầu tư khoảng 366 triệu USD (chưa tính nguồn đầu tư trong ngành dầu khí). Điều này càng tạo thuận  lợi cho sự phát triển của nền kinh tế. Những năm 70 đã chứng kiến tốc độ phát triển nhảy vọt của Inđônêxia từ 2,5% (trong những năm 60) lên 7 – 7,5% hàng năm. Trong những năm 1970-1987, tốc độ tăng sản phẩm quốc dân bình quân là 7,8%. Nếu tính trong giai đoạn 1965-1985 thì tốc độ bình quân là 6,9 – 7,1%, thu nhập bình quân đầu người tăng 4,5 – 4,9%. Về công nghiệp, từ năm 1970-1981, tốc độ phát triển của ngành khai khoáng là 11-12%, ngành công nghiệp chế tạo từ 12-14%. Về nông nghiệp, đáng kể nhất là thành công của Inđônêxia trong bước đầu thực hiện cuộc “cách mạng xanh”. Nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước nên việc sản xuất lương thực đã có những kết quả to lớn. Sản lượng gạo tăng từ 8,5 triệu tấn năm 1961 lên 27-28 triệu tấn năm 1987-1988. Từ năm 1984, Inđônêxia đã tự túc được lương thực và bắt đâù có dư để xuất khẩu.

     Nhờ những thành quả kinh tế trên nên đời sống Inđônêxia đã từng bước cải thiện. Đến giữa những năm 80, thu nhập bình quân đầu người của Inđônêxia là 530USD, được xếp vào hàng các nước có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế của Inđônêxia chủ yếu dựa vào nguồn xuất khẩu dầu mỏ, tăng trưởng tuy cao nhưng không ổn định (hàng năm nguồn thu nhập từ dầu mỏ chiếm trung bình 30% thu nhập quốc dân và 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu). Vì vậy, vào đầu thập kỷ 80, khi các nước tư bản lâm vào tình trạng suy thoái thì nền kinh tế Inđônêxia  cũng bị đình trệ do thu nhập từ dầu khí bị giảm sút, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống còn 1,2%, lạm phát tăng nhanh. Năm 1983, Chính phủ Inđônêxia tuyên bố cải cách kinh tế vĩ mô toàn diện trên cơ sở chấn chỉnh và cải tổ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, mở rộng tư nhân hoá và tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao nguồn tích luỹ trong nước. Nội dung cải cách kinh tế của Inđônêxia tập trung vào việc xây dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định trên cơ sở thắt chặt tài chính, tăng nguồn thu thông qua đa dạng hoá sản phẩm  xuất khẩu, không chỉ phụ thuộc vào dầu mỏ.  Mặt khác, cải cách còn tập trung vào các mục tiêu như: tự do hoá hơn nữa chính sách mở cửa bên ngoài, thực hiện phương châm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Những biện pháp trên đã mang lại hiệu quả nhất định trong việc khắc phục tình trạng suy thoái của nền kinh tế. Tổng sản phẩm quốc dân đã tăng lên: Năm 1986-1987: 2,4%, 1987-1988: 4,2% và trong những năm đầu của thập kỷ 80 là 6,5%. Tỷ lệ lạm phát ở  mức dưới 10%.

     Sự phát triển đã làm cho cơ cấu kinh tế Inđônêxia có những thay đổi quan trọng. Nếu như những năm mới độc lập, nông nghiệp chiếm 65% tổng sản phẩm quốc dân thì đến năm 1995, tỷ lệ này giảm xuống còn 28% trong khi tỷ lệ công nghiệp và dịch vụ chiếm 72%. Hàng năm Inđônêxia khai thác khoảng 510 triệu thùng dầu khô, 7,3 triệu tấn phân bón, 16 triệu tấn xi măng, 1,3 triệu tấn thép, 271 nghìn xe ô tô các loại, 410 nghìn xe máy, 11,1 triệu máy thu hình màu,  3,1 triệu rađiô caset. Cả nước có 1,4 triệu máy điện thoại, trung bình 0,77 máy trên 100 dân).

     Những thành công trong lĩnh vực kinh tế là cơ sở cho việc cải thiện đời sống nhân dân. Inđônêxia được đánh giá là một trong những nước thành công trong chương trình phát triển nông thôn và vấn đề dân số. Chương trình giáo dục phổ cập và y tế cộng đồng đặc biệt được nhà nước quan tâm, chiếm 15% ngân sách phát triển trong năm 1994.

          Năm 1997, Inđônêxia lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á và chịu những tác động nặng nề nhất. Cuộc khủng hoảng đã làm cho những mâu thuẫn chính trị càng trở nên trầm trọng, xu hướng li khai tăng lên, mâu thuẫn xung đột giữa các tôn giáo, tộc người trở nên gay gắt. Các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân diễn ra thường xuyên. Tình hình này càng làm cho cuộc khủng hoảng càng trở nên trầm trọng. Ngày 21-5-1998, Xuháctô đã phải tuyên bố từ chức, chấm dứt 23 năm cầm quyền ở Inđônêxia, ông Habibie lên thay. Tuy nhiên sự thay thế này cũng không làm cho tình hình sáng sủa hơn. Năm 1999, Inđônêxia đã tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ 1965, kết quả là một Chính phủ dân sự được thành lập do ông Abdurahaman Wahid làm Tổng thống, bà Mêgawati (con gái cố Tổng thống Xucácnô) làm PhóTổng thống. Sau khi lên cầm quyền, Chính phủ mới đã tiến hành nhiều biện pháp để ổn định chính trị, đặc biệt là giải quyết vấn đề ĐôngTimo (1999),  đồng thời tiến hành chấn chỉnh lại nền kinh tế, trước hết là trong lĩnh vực ngân hàng, kiểm toán và các công ty. Nhờ vậy nền kinh tế Inđônêxia đã có những chuyển biến đáng mừng bước đầu. Năm 1999, lạm phát giảm 1/2 (22,7%) so với năm 1998 (59,6%), tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 2% (so với -10% trong cuộc khủng hoảng), số người thất nghiệp còn 6,5 triệu người (so với 20 triệu người năm 1998). Các nhà đầu tư đã bắt đầu quay trở lại làm ăn ở Inđônêxia (năm 1999 đầu tư trực tiếp vào Inđônêxia khoảng gần 10 tỷ USD). Hiện nay Chính phủ của ông Wadid đang tiếp tục cải cách cả về kinh tế lẫn chính trị. Tháng 8-2000, nội các Inđônêxia đã được cải tổ lại với 26 thành viên, thay vì 35 thành viên như trước kia. Quyền lực của phái quân sự đang được thu hẹp dần. Tuy nhiên, những thách thức đối với Inđônêxia còn rất lớn. Trước hết là sức ép xã hội từ 6,5 triệu người thất nghiệp và những mâu thuẫn, xung đột trong xã hội, bên cạnh đó là số nợ nước ngoài khổng lồ (năm 1996 nợ 118tỷ USD, chiếm 40%GDP, năm 1998 nợ 140 tỷ USD) không thể giải quyết nhanh chóng. Tư tưởng Pentja Sila vẫn là ước mơ của người dân Inđônêxia.

 

(1) Dự định ban đầu Tuyên ngôn độc lập sẽ đọc tại quảng trường Icađa (nay là Mécđêca), sau đó đọc trước nhà riêng của Xucácnô vì lý do tránh sự va chạm xung đột có thể xảy ra với quân Nhật.

(2) Dần theo Phong trào giải phóng dân tộc ở Inđônêxia (1942-1945), Mátxcơva 1970, trang 70, bản tiếng Nga.

(3) Pantja Sila có nghĩa là 5 viên đá quý.

(4) Tư sản người Hoa ở Inđônêxia đóng vai trò lớn  trong ngành ngân hàng, thị  trường tiền tệ tự do (họ nắm 1/2 số tiền mặt lưu thông), trong buôn bán (chiếm 4/5 khối lượng buôn bán)./.

5/  HIỆP HỘI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á (ASEAN) 

  1. Sự thành lập tổ chức AEAN, tuyên bố Băngcốc 8-8-1967.

     Hiệp hội các nước Đông Nam Á  (viết tắt theo tiếng Anh là ASEAN) được thành lập ngày 8-8-1967 tại Băngcốc thủ đô Vương quốc Thái Lan. Sự thành lập tổ chức ASEAN trước hết là sự biểu hiện tư tưởng khu vực đã trưởng thành ở Đông Nam Á nói chung, ở các nước thành viên ASEAN  nói riêng. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa khu vực đã hình thành và nhanh chóng phát triển, nhiều tổ chức khu vực đã xuất hiện: Liên đoàn Arập (1950), tổ chức các nước Trung – Mĩ (1951), Hiệp ước về nhất thể hoá 5 nước Trung – Mĩ (1960), thị trường chung châu Âu (1957), tổ chức đoàn kết châu Phi (1963)…. tình hình đó đã tác động đến các nước Đông Nam Á nói chung và các nước ASEAN nói riêng. Đến năm 1965, trừ Brunây còn lại hầu hết các nước Đông Nam Á đã giành được độc lập dưới các hình thức khác nhau, sau khi giành được độc lập, bộ máy nhà nước của các nước Đông Nam Á bước đầu được củng cố, ý thức dân tộc, nhân tố cơ bản để các nước Đông Nam Á giành được độc lập, được phát triển một bước mới, để bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước. Đây chính là cơ sở các nước Đông Nam Á tìm cách tập hợp nhau lại dưới hình thức một tổ chức để đối phó với những thách thức trên con đường phát triển của họ.

     Nhu cầu thành lập một tổ chức khu vực của  Đông Nam Á càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn vào thập kỷ 60, khi tình hình thế giới và khu vực có những thay đổi quan trọng,trước hết là các mối quan hệ quốc tế đang diễn ra trong khu vực. Cuộc chiến tranh Đông Dương, đặc biệt là ở Việt Nam, đang được phát triển đến đỉnh cao, cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đẩy đế quốc Mĩ vào thế thất bại lại ngày càng nặng nề. Trong lúc đó các cường quốc khác trên thế giới như Liên Xô, Anh, Pháp, Trung Quốc đã  đưa ra các kế hoạch của mình về châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng. Tình hình này đòi hỏi các nước Đông Nam Á phải có biện pháp xử lý một cách khôn khéo nhằm tránh né các xung đột quốc tế có thể ảnh hưởng đến mình. Đồng thời, sau khi giành độc lập dân tộc, bộ máy nhà nước của một số quốc gia có khuynh hướng phát triển tư bản chủ nghĩa ở Đông Nam Á được củng cố, Chính phủ các nước này đều chú trọng đến việc phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá. Tuy nhiên, nhìn chung các nước này đều đứng trước những thách thức về chính trị, kinh tế trong nước cũng như những xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ giữa họ với nhau. Trong tình hình đó, nhu cầu tập hợp nhau lại dưới hình thức một tổ chức để đối phó với các thách thức trên càng trở nên cấp bách.

     Ngoài những lý do chung nói trên, các nước Inđônêxia, Xingapo, Philippin, Malaixia, Thái Lan đều có những mục đích riêng của mình khi vận động thành lập một tổ chức khu vực.

     Xuất phát từ những yêu cầu trên,quá trình vận động thành lập một tổ chức khu vực ở Đông Nam Á đã xuất hiện khá sớm. Tháng 1 năm 1959, Hiệp ước hữu nghị và kinh tế Đông Nam Á ra đời bao gồm 2 nước Malaixia và Philippin. Tháng 7-1961, Hiệp hội Đông Nam Á (ASA), bao gồm Malaixia, Philippin và Thái Lan được thành lập. Tiếp đó tháng 8-1963, một tổ chức gồm Malaixia, Philippin, Inđônêxia, gọi tắt là MAPHILINĐO, được thành lập. Tuy nhiên, các tổ chức này đều không thể tồn tại được lâu do sự bất đồng giữa các thành viên và sự thiếu hợp tác của Inđônêxia (bởi chính sách đối đầu của Inđônêxia và Malaixia). Cho đến sau sự kiện tháng 9-1965 ở Inđônêxia, khi chính quyền quân sự của Tướng Suháctô có những thay đổi trong chính sách đối ngoại, nhất là với các nước trong khu vực, xu hướng liên kết khu vực ở Đông Nam Á có điều kiện phát triển nhanh chóng.

     Cuối năm 1966, ngoại trưởng Thái Lan đã gửi đến các ngoại trưởng Inđônêxia, Malaixia, Philippin và Xingapo bản dự thảo về việc tổ chức “Hội các quốc gia Đông Nam Á về hợp tác khu vực”.Sau nhiều cuộc thảo luận, tháng 8-1967 ngoại trưởng 5 nước Thái Lan, Inđônêxia, Philippin, Malaixia và Xingapo đã họp ở Băngcốc và ngày 8-8-1967 đã tuyên bố về việc thành lập Hiệp hội  các nước Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức ASEAN chính thức được thành lập.

     Bản tuyên bố do 5 nước sáng lập ASEAN đưa ra ngày 8-8-1968 còn được gọi là tuyên bố Băngcốc hay tuyên bố ASEAN, trong đó nêu rõ mục đích thành lập của tổ chức này qua việc trình bày 7 mục tiêu sau đây:

     “1. Thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hoá trong khu vực, thông qua các nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác nhằm tăng cường cơ sở cho một cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á hoà bình thịnh vượng;

  1. Thúc đẩy hoà bình và ổn định khu vực bằng việc tôn trọng công lý và nguyên tắc luật pháp trong quan hệ giữa các quốc gia trong vùng và tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc;
  2. Thúc đẩy sự cộng tác và giúp đỡ lẫn nhau trong các vấn đề cùng quan tâm trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, văn hoá, khoa học kỹ thuật và hành chính;
  3. Giúp đỡ lẫn nhau dưới hình thức đào tạo và cung cấp các phương tiện nghiên cứu trong các lĩnh vực giáo dục, chuyên môn, kỹ thuật và hành chính;
  4. Cộng tác có hiệu quả hơn để sử dụng tốt hơn nền nông nghiệp và các ngành công nghiệp của nhau, mở rộng mâụ dịch kể cả việc nghiên cứu các vấn đề buôn bán hàng hoá quốc tế, cải thiện các  phương tiện giao thông, liên lạc và nâng cao mức sống của nhân dân;
  5. Thúc đẩy việc nghiên cứu Đông Nam Á;
  6. Duy trì sự hợp tác chặt chẽ cùng có lợivới các tổ chức quốc tế và khu vực có tôn chỉ và mục đích tư tự và tìm kiếm các cách thức nhằm đạt được một sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các tổ chức này.”(1)

Với những mục tiêu trên ASEAN đã “thành lập được nhóm hạt nhân các nước Đông Nam Á chính thức nhận lấy trách nhiệm củng cố hợp tác khu vực. Hơn nữa, lần đầu tiên nhóm hạt nhân 5 quốc gia này đã có thể đòi quyền đại diện cho lợi ích của Đông Nam Á như một khu vực”(2) . Tuyên bố Băngcốc  không phải là một hiệp ước có tính pháp lý, ràng buộc chặt chẽ  các hội viên và biến tổ chức ASEAN thành một thực thể pháp lý như NATO, SEATO mà chỉ là một thoả thuận lỏng lẻo, mức độ ràng buộc thấp. ASEAN không phải là một tổ chức siêu quốc gia, chỉ đạo các hội viên mà là cơ quan phối hợp các hoạt động của các nước hội viên, dung hoà quyền lợi dân tộc giữa họ với nhau và giữa từng nước hội viên với quyền lợi tập thể của cả 5 nước. Cấp quyết định cao nhất lúc bấy giờ là Hội nghị ngoại trưởng hàng năm.

     So với ASA và MAPHILINDO, ASEAN là một bước chuyển mới trong các cố gắng của các nước Đông Nam Á tiến tới thành lập một tổ chức hợp tác khu vực. Cùng với thời gian, những biến đổi của tình hình thế giới khu vực và của chính ASEAN, tổ chức này đã phát triển, hoàn thiện dần và trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất suốt hơn 40 năm qua.

b, Những sự kiện chính  trong quá trình phát triển của tổ chức ASEAN.

     – Tuyên bố Cuala Lămpơ (còn gọi là tuyên bố ZOPPAN)

     Sau một thời gian hoạt động yếu ớt, ngày 17-7-1971, tại Cuala Lămpơ, thủ đô Malaixia, ngoại trưởng 5 nước thành viên ASEAN đã ký một bản tuyên bố khẳng định cam kết của ASEAN đối với việc duy trì hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á và quyết định sẽ cùng nhau xúc tiến các nỗ lực cần thiết để tranh thủ các nước công nhận Đông Nam Á là một khu vực hoà bình, tự do và trung lập (ZOPFAN), không có sự can thiệp dưới bất cứ hình thức hoặc phương cách nào của các cường quốc bên ngoài.

     Với tuyên bố ZOPFAN, ASEAN đã bắt đầu có tiếng nói chính trị của mình đối với khu vực và quốc tế, chấm dứt thời kỳ dò dẫm ban đầu.

     – Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ nhất (1976).

     Từ ngày 23 đến 24-2-1976, tại Bali (Inđônêxia), Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ nhất đã được tổ chức. Tại đây, các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước thành viên ASEAN đã cùng nhau ký kết 2 văn kiện quan trọng:

Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, còn gọi là Hiệp ước Bali, đặt khuôn khổ cho nền hoà bình lâu dài ở khu vực trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết hoà bình các tranh chấp trong khu vực và kêu gọi hợp  tác có hiệu quả trên các lĩnh vực nông – công  nghiệp, thương mại và  cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế vì lợi ích chung của các nước trong khu vực.

     Tuyên bố về sự hoà hợp ASEAN : Nêu rõ những mục tiêu và nguyên tắc bảo đảm sự ổn định chính trị ở khu vực như đẩy mạnh hợp tác trên các lính vực phát triển kinh tế và văn hoá, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp thiên tai, hợp tác trong các chương trình phát triển khu vực, phát triển hoà bình các cuộc tranh chấp ở khu vực, đồng thời xác định rõ những lĩnh vực hợp tác cụ thể về kinh tế.

Hội nghị cũng đã đẩy mạnh việc thống nhất quan điểm, phối hợp lập trường và tiến hành hoạt động chung giữa các nước thành viên về những vấn đề khu vực và quốc tế  cùng quan tâm.

     Về tổ chức, Hội nghị đã ký Hiệp định thành lập Ban thư ký ASEAN để phối hợp hoạt động giữa các uỷ ban và dự án hợp tác ASEAN. Với những nội dung trên đây, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ nhất đã đánh dấu bước phát triển mới của ASEAN. Tôn chỉ, mục đích của ASEAN được hoàn thiện hơn nhằm đáp ứng sự thay đổi mới của khu vực (cách mạng Đông Dương thắng lợi, Mĩ phải rút khỏi Đông Dương), hoạt động của ASEAN chuyển mạnh sang hợp tác kinh tế, văn hoá, cơ cấu tổ chức đã chặt chẽ hơn với Ban thư ký ASEAN có trụ sở tại Giacácta (Inđônêxia).

     – Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ hai (1977).

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ hai được tổ chức từ ngày 4 đến 5-8-1977, tại Cuala Lămpơ (Malaixia) nhằm tiến hành kỷ niệm 10 năm thành lập ASEAN  và điểm lại  những hoạt động trong quá trình thực hiện các chương trình hợp tác đã đề ra tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất. Hội nghị đã đạt được 2 kết quả quan trọng:

     Thứ nhất: Cơ cấu lại uỷ ban hợp tác ASEAN để chuẩn bị cho việc mở rộng sự hợp tác của ASEAN trên mọi lĩnh vực;

Thứ hai: Chính thức hoá các cuộc đối thoại của ASEAN với các nước công nghiệp phát triển nhằm nâng cao vai trò của ASEAN trong cộng đồng quốc tế.

     – Kết nạp Brunây Đaruxalam (7-9-1984).

 Từ năm 1981 Brunây Đaruxalam là quan sát viên của ASEAN. Theo Hiệp ước  ngày 7-9-1979 ký giữa Quốc vương Brunây với Chính phủ Anh, ngày 31-12-1983 Brunây trở thành nước độc lập.

     Ngày 7-1-1984, Brunây nộp đơn xin gia nhập ASEAN và ngày 7-1-1984 Brunây được kết nạp vào ASEAN tại một nghi lễ trọng thể tổ chức tại Giacácta. Kể từ đó Brunây trở thành thành viên thứ 6 của tổ chức ASEAN.

     – Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ ba (1987).

     Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ ba được tổ chức ở Manila (Philippin)  từ ngày 14 đến 15-12-1987, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tổ chức ASEAN. Tại Hội nghị, những người đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN đã thông qua các văn kiện quan trọng sau đây:

     Tuyên bố Manila năm 1987: bày tỏ quyết tâm của các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy, củng cố sự đoàn kết, hợp tác ở khu vực, giải quyết các tranh chấp trong khu vực bằng phương pháp hoà bình, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại, khuyến khích hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân vào sự hợp tác ASEAN;

     Nghị định thư sửa đổi của điều 14 và 18 của Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (Hiệp ước Bali năm 1987) để các nước ngoài khu vực cũng có thể tham gia.

     Hiệp ước khuyến khích và đảm bảo đầu tư ASEAN;

     Nghị định thư về việc mở rộng danh mục thuế   ưu đãi theo thoả thuận ưu đãi buôn bán ASEAN (PTA).

     Về cơ cấu tổ chức, Hội nghị đã quyết định thành lập cơ chế liên bộ trưởng (JMM) bao gồm các Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng kinh tế; thể chế hoá cuộc họp các quan chức cao cấp (SOM) và cuộc họp các quan chức kinh tế cao cấp (SEOM).

     Tại Hội nghị các vị đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN quyết định sẽ gặp nhau 3 – 5 năm một lần.

       Như vậy, ngoài những biện pháp cụ thể, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ ba đã tiếp tục hoàn thiện tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội, đồng thời tổ chức của Hiệp hội cũng được củng cố, phát triển một bước mới.

          – Hội nghị  thượng đỉnh ASEAN lần thứ tư (1992).

          Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ tư được tổ chức ở Xingapo từ ngày 27 đến 28 – 1 -1992. Hội nghị thông qua một số quyết định và văn kiện quan trọng sau đây:

          Tuyên bố Xingapo năm 1992: khẳng định quyết tâm  của ASEAN đưa sự hợp tác chính trị và kinh tế lên tầm cao hơn và mở rộng hợp tác  sang lĩnh vực an ninh.

          Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN, trong đó nêu lên 3 nguyên tắc của sự hợp tác: hướng ra bên ngoài, cùng  có lợi và linh hoạt đối với sự tham gia của các nước thành viên trong chương trình, dự án  hợp tác; xác định rõ 5 lĩnh vực hợp tác kinh tế cụ thể  là thương mại – ngân hàng, vân tải – liên lạc và du lịch; nhấn mạnh “hoà giải” là phương châm giải quyết những điểm khác nhau giữa các nước thành viên trong việc giải thích và thực hiện Hiệp định khung  này; quyết định sẽ thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) trong vòng 15 năm (tại Hội nghị các bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 26 ở Chiềng Mai (Thái Lan) tháng 9 – 1994, các nước ASEAN đã quyết định rút lui ngắn thời hạn hình thành AFTA xuống đến năm 2003).

          Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) quy định các biện pháp cũng như các giai đoạn cho việc từng bước giảm thuế nhập khẩu, tiến tới thực hiện AFTA (CEPT được xem là công cụ để thông qua đó hình thành AFTA).

          Về cơ cấu tổ chức, Hội nghị quyết định tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 3 năm một lần; thành lập hội đồng AFTA cấp bộ trưởng để theo dõi, thúc đẩy việc thực hiện (CEPT và AFTA); giải tán 5 uỷ ban kinh tế và giao cho SEAM đảm nhận việc giám sát các hoạt động kinh tế ASEAN; cải tổ và tăng cường bộ máy Ban thứ ký ASEAN, trong đó có việc nâng cấp Tổng thư ký ASEAN lên hàm Bộ trưởng (1)

          – Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) được chính thức thành lập tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 26 tại Singapo, tháng 7-1993, để trao đổi ý kiến về các vấn đề  chính trị và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cuộc họp đầu tiên của ARF (ARF1) cấp Bộ trưởng Ngoại giao diễn ra ngày 2 – 7 – 1994 tại Băng kốc (Thái Lan) với sự tham gia của 18 ước: 6 nước thành viên ASEAN, 7 nước đối thoại của ASEAN (Mỹ, Nhật Bản, Canada, Liên minh châu Âu, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Hàn Quốc), 3 nước quan sát viên của ASEAN (Việt Nam, Lào, Papua Niu Ghinê) và 2 nước hiệp thương của ASEAN (Nga, Trung Quốc). ARF được tổ chức mỗi năm một lần. Đến nay ARF đã thu hút sự tham gia của nhiều nước trong cũng như ngoài khu vực Đông Nam Á để bàn về các vấn đề chính trị và an ninh khuvực châu Á – Thái Bình Dương.

– Kết  nạp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (28 – 7 – 1995)

Ngày 22 – 7 -1992, Việt Nam và Lào chính thức tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác năm 1976, nhân Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 25 tại Manila (Philippin). Ngay sau lễ ký Hiệp ước, ASEAN  tuyên bố Việt Nam và Lào là quan sát viên của ASEAN, cùng với Papua Niu Ghinê. Kể từ đó Việt Nam được mời tham dự các cuộc họp hàng năm của Ngoại trưởng các nước ASEAN tại Xingapo (1993) và Thái  Lan (1994) cũng như một số cuộc họp khác của ASEAN. Từ đầu năm 1994, Việt Nam đã được mời tham gia vào một số dự án hợp tác chuyên ngành của ASEAN trên 5 lĩnh vực: khoa học – kỹ thuật, văn hoá – thông tin, môi trường, y tế và dulịch.

Sau khi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 27 tại Băng kốc (Thái Lan) khẳng định sẵn sàng chấp nhận Việt Nam là thành viên ASEAN, Việt Nam đã tích cực tiến hành các cuộc trao đổi ý kiến  cùng nhau đẩy nhanh quá trình chuẩn bị  cho Việt Nam gia nhập ASEAN. Ngày 17 – 10 – 1994, Việt Nam đã gửi thư cho Chủ tịch Uỷ ban thường trực ASEAN là Brunây, chính thức đặt vấn đề Việt Nam muốn gia nhập ASEAN.

Ngày 27 – 7 – 1995, Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 28 họp tại Banđa Sêni Bêgaoan (Brunây). Sau ngày làm việc đầu tiên, Cămpuchia và Mianmar tham gia Hiệp ước Bali 1976 và Cămphuchia được công nhận là quan sát viên của ASEAN. Ngày 28 – 7- 1995, ASEAN đã long trọng tổ chức lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN, trở thành thành viên thứ bảy của tổ chức này. Quan hệ Việt Nam – ASEAN bước sang một chương  mới, sự kiện này được ông Ajit Singh, Tổng thư ký đầu tiên của ASEAN, đánh giá rằng “việc mở rộng một số thành viên là một trong các mốc quan trọng nhất của ASEAN”. Đặc biệt, với sự tham gia của Việt Nam, ASEAN đã được nhân lên sức mạnh và khẳng định việc thống nhất khu vực Đông Nam Á trong một đại gia đình(3).

– Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ năm (1995).

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ năm họp tại Băng kốc (Thái Lan) vào ngày 14 đến 15 – 12 – 1995. Hội nghị tập trung giải quyết các vấn đề tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước  thành viên và xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực phi hạt nhân. Kết quả, Hội nghị đã ký kết Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân trong khu vực; Hội nghị đề ra việc đẩy mạnh xây dựng khu vực tự do buôn bán ASEAN (AFTA) vào năm 2003, thảo luận về “các tam giác phát triển” trong khu vực. Ngoài ra Hội nghị còn thảo luận về việc mở rộng số thành viên của ASEAN.

– Hội nghị Thượng đỉnh Âu – Á  (ASEM).

Tháng 3 – 1996, lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị Thượng đỉnh Âu -á được tổ chức tại Băngcốc (Thái Lan). Tham dự Hội nghị gồm nguyên thủ của 15 nước Liên minh châu Âu (EU),7 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các vị nguyên thủ đã thảo luận những vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, văn hoá, khoa học – kỹ thuật giữa hai tổ chức ASEAN và EU. Đây là một hội nghị có ý nghĩa lịch sử trọng đại: lần đầu tiên những người đứng đầu các nước trong Liên minh châu Âu đã ngồi bàn bạc với những người đứng đầu các nước trong ASEAN một cách hoàn toàn bình đẳng, hữu nghị, tự nguyện theo tinh thần hai bên cùng có lợi(4).

– Kết nạp Lào và Mianmar (7 – 1997)

Từ  ngày 23 đến 29 – 7 – 1997, Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 30 diễn ra ở Cuala Lămpơ (Malaixia). Tại cung Hữu nghị của khách sạn Sunway Langoon, lễ kết nạp hai thành viên mới của ASEAN đã được diễn ra trọng thể, Lào và Mianma trở thành  thành viên chính thức, đẩy đủ của tổ chức ASEAN. Sự kiện này đã nâng số hội viên của tổ chức lên 9 nước và mở ra  triển vọng về một ASEAN 10 trong tương lai gần.

– Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 6 (1998)

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 6 diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam) trong hai ngày 15 và 16 -12 – 1998, cuộc họp cấp cao này diễn ra trong một thời điểm khá đặc biệt: đây là cuộc Hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng của ASEAN trong thế kỷ XX, đồng thời nó diễn ra vào thời điểm các nước thành viên ASEAN đang lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính hết sức nghiêm trọng. Việt Nam đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho cuộc hội tụ của hơn 600 đại biểu đến từ 9 nước thành viên và từ các nước khác.

Với chủ đề “Đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển đồng đều”, các nhà lãnh đạo của nước ASEAN đã thông qua hai văn kiện đặc biệt quan trọng, đó là Tuyên bố Hà Nội và Chương trình hành động Hà Nội.

Tuyên bố Hà Nội, với 34 điểm, thể hiện quyết tâm chính trị của ASEAN ra sức củng cố đoàn kết và tăng cường hợp tác nhằm sớm phục hồi kinh tế, nhanh chóng khắc phục khó khăn do khủng hoảng kinh tế – tài chính gây ra, củng cố hoà bình, ổn định và phát triển khu vực, tăng cường vai trò và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế. Bản tuyên bố đã khẳng định tầm quan trọng của sự đoàn kết nội bộ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trong khu vực.

Chương trình hành động Hà Nội gồm 10 chương với 269 biện pháp đẩy mạnh hợp tác  trên 10 lĩnh vực quan trọng nhằm phục hồi và gia tăng sự liên kết kinh tế ASEAN cũng như sự  hợp tác giữa ASEAN với các nước, các tổ chức khác trên thế giới.

Cùng với hai văn kiện còn có “Tuyên bố về các biện pháp đẩy mạnh” và các Hiệp định khác được ký kết. Trong đó kết quả nổi bật nhất là các nước ASEAN thống nhất sẽ rút ngắn thời hạn thực hiện AFTA xuống 1 năm, đến năm 2002 AFTA sẽ được hoàn thành, áp dụng thuế suất hàng nhập khẩu trong khu vực ở mức 0 – 5%. Ba nước Việt Nam, Lào và Mianmar sẽ thực hiện AFTA đẩy đủ vào năm 2006 và 2008. Hội nghị cũng đã đồng ý kết nạp Vương quốc Cămpuchia làm thành viên thứ 10 của ASEAN.

Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 của ASEAN đánh dấu nỗ lực phối hợp đầu tiên ở cấp cao nhất nhằm giúp các nước thành viên vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính khu vực. Hội nghị đã góp phần nâng cao uy tín chính trị của Việt Nam, đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế có lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(5).

– Kết nạp Campuchia (30 – 4 – 1999).

Thực hiện quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 (12 – 1998), ngày 30 – 4 – 1999, Ngoại trưởng của 10 nước thành viên đã hoàn tất các thủ tục về việc kết nạp Campuchia làm thành viên thứ 10 của ASEAN. Lễ kết nạp được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Sự kiện này đã “mở ra một giai đoạn mới cho các nước Đông Nam Á khai thác tất cả những tiềm năng của khu vực để phát triển”(6)’.

– Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ VII tại Brunây Đaruxalam (11-2001)

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ VII diễn ra tại Brunây Đaruxalam từ ngày 5 đến ngày 6-11-2001. Hội nghị khẳng định lại Chương trình hành động Hà Nội (HPA) vẫn là định hướng quan trọng để thực hiện Tầm nhìn ASEAN; đẩy mạnh liên kết ASEAN, nhất là trong lĩnh vực kinh tế; tập trung trao đổi vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển, giúp các thành viên mới. Tại diễn đàn này Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố chung chống khủng bố. 

– Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ VIII tại Phnômpênh, Campuchia (11 – 2002)

Tại Hội nghị, ASEAN nhất trí cần tiếp tục duy trì hoà bình ổn định, tăng cường hợp tác chính trị, an ninh, cải thiện hình ảnh và vị thế của ASEAN, giải quyết các bất đồng theo phương thức ASEAN; nhấn mạnh cần triển khai nhanh các sáng kiến, chương trình đã có qua các biện pháp chính sau:

+ Tăng cường liên kết nội khối, giảm hàng rào phi quan thuế, cải thiện môi trường đầu tư để tăng buôn bán, đầu tư nội khối trước bối cảnh các thị trường truyền thống của ASEAN giảm mạnh bởi suy thoái kinh tế thế giới.

+ Nâng cao khả năng cạnh tranh  của ASEAN.

+ Tập trung triển khai các dự án ưu tiên, nhất là về thu hẹp khoảng cách, giúp các thành viên mới, phát triển Tiểu vùng như Mê-công.

+ Xác định lại mục tiêu phát triển của ASEAN và nghiên cứu chiến lược phát triển của Hiệp hội để tiến tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN có tính đến những kinh nghiệm của Liên minh Châu âu.

Tại đây, Hội nghị Cấp cao ASEAN – Ấn Độ lần đầu tiên được tổ chức và các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí họp Cấp cao ASEAN + Ấn Độ hàng năm. ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), coi đây là một bước quan trọng tiến đến hình thành Bộ Quy tắc ửng xử ở Biển Đông (COC); và ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN – Trung Quốc, theo đó dự kiến thời điểm hoàn thành Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN – Trung Quốc là năm 2010 (với 6 nước ASEAN cũ) và 2015 với 4 nước ASEAN mới.)

 – Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ IX tại Bali, Inđônêxia (10-2003)

Kết quả quan trọng nhất của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ IX là các Lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (Tuyên bố Bali II) nêu những định hướng chiến lược lớn của ASEAN với mục tiêu thành lập một cộng đồng ASEAN liên kết mạnh, tự cường vào năm 2020 với ba trụ cột chính là hợp tác chính trị-an ninh (Cộng đồng An ninh ASEAN-ASC), hợp tác kinh tế (Cộng đồng kinh tế ASEAN-AEC), và hợp tác xã hội/văn hoá (Cộng đồng xã hội/văn hoá ASEAN-ASCC). Nhằm triển khai Tuyên bố Ba-li II, ASEAN sẽ xây dựng Chương trình Hành động để thông qua tại Cấp cao ASEAN-10 tại Viêng-chăn tháng 11-2004.

Tại đây, Trung Quốc chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác (TAC). Nhật Bản ký với ASEAN Khuôn khổ Đối tác Kinh tế toàn diện (CEP), cụ thể hoá các bước đi xây dựng CEP ASEAN – Nhật trong đó có Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Nhật; nêu sáng kiến tổ chức hội nghị ASEAN-Nhật Bản về đầu tư bên lề Cấp cao Kỷ niệm ASEAN – Nhật Bản tháng 12-2003.  Tại Cấp cao ASEAN+Ấn Độ: Hai bên ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Ấn Độ, trong đó có lộ trình xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Ấn Độ (FTA) và chương trình Thu hoạch sớm. Ấn Độ cũng chính thức tham gia Hiệp ước TAC

Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Nhật Bản, Tô-ky-ô (12-2003)

Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN – Nhật Bản là một trong những hoạt động kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN – Nhật Bản. Tại Hội nghị này, Lãnh đạo ASEAN và Nhật đã ký “Tuyên bố Tôkyô về quan hệ đối tác ASEAN – Nhật năng động và bền vững trong thiên niên kỷ mới” cùng với“Kế hoạch hành động”. Tuyên bố khẳng định ASEAN và Nhật quyết tâm phát triển quan hệ toàn diện trong khuôn khổ “đối tác chiến lược“; nêu 7 chiến lược hành động chung về hợp tác trên các lĩnh vực: kinh tế – tài chính, phát triển, an ninh – chính trị, phát triển nguồn nhân lực, văn hoá – xã hội, giao lưu nhân dân, hợp tác Đông Á, và hợp tác trên các vấn đề toàn cầu. Trong đó, trọng tâm lớn nhất là hợp tác kinh tế, phát triển, đặc biệt là phát triển các tiểu vùng tăng trưởng của ASEAN như lưu vực Mêcông và BIMP-EAGA (Khu vực tăng trưởng Đông ASEAN gồm Bru-nai, Inđônêxia, Malaixia và Philíppin). Ngoài 2 văn kiện trên, Ngoại trưởng Nhật ký Tuyên bố ý định tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và Ngoại trưởng Inđônêxia thay mặt các nước ASEAN ký Tuyên bố đồng ý việc Nhật tham gia TAC. Nhật sẽ hoàn tất thủ tục trình Quốc hội và Nhật Hoàng để có thể sớm chính thức tham gia TAC.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ X và các Cấp cao liên quan tại Viênchăn, Lào (11/2004)

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN X, các vị lãnh đạo đã thông qua một số quyết định quan trọng sau:

            + Để thực hiện Tầm nhìn ASEAN2020 và Tuyên bố Bali II, các vịlãnh đạo ASEAN đã ký Chương trình hành động Viênchăn (VAP) sau khi hoàn tất Chương trình hành động Hà Nội (HPA) nhằm xâydựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với 3 trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế,văn hoá-xã hội, trong đó có hợp phần về IAI nhằm thu hẹp khoảng cách phát triểngiữa các nước thành viên ASEAN. Các vị lãnh đạo cũng thông qua các Kế hoạch hành động xây dựng Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC) và Cộng đồng Văn hoá – xã hội ASEAN (ASCC); đồng thời ký Hiệp định khung về 11 lĩnh vực ưu tiên liên kết của ASEAN nhằm xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Các Lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ nhất (EAS-1) vào năm 2005 tại Malaixia.

          + Lần đầu tiên đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN với Ốtxtrâylia và Niu Dilân để kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại. Tại Hội nghị, các vị Lãnh đạo ASEAN cùng với Ốtxtrâylia và Niu Dilân đã ký “Tuyên bố chung của các Lãnh đạo nhân dịp Cấp cao kỷ niệm ASEAN với Ốtxtrâylia và Niu Dilân”, đề ra phương hướng và biện pháp tăng cường quan hệ đối thoại trong thời gian tới.

          + Trong dịp này, Hàn Quốc và Nga đã chính thức tham gia vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC)

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ XI và các Cấp cao liên quan tại Kuala Lămpơ, Malaixia, 11 – 14/12/2005:

+ Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN XI, các Lãnh đạo đã ra Tuyên bố về Xây dựng Hiến chương ASEAN đề ra phương hướng và nguyên tắc chỉ đạo; thành lập và giao nhiệm vụ cho Nhóm các nhân vật nổi tiếng (EPG) nghiên cứu và đề xuất những khuyến nghị thực tiễn; và sau này sẽ lập Nhóm soạn thảo Hiến chương.

Các vị lãnh đạo cũng nhất trí cần xem xét khả năng sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, nhất là về kinh tế, sớm hơn 5 năm so với thỏa thuận trước, và có linh hoạt đối với những nước chưa sẵn sàng; nhất trí tập trung nỗ lực cao hơn và huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình và kế hoạch hành động chính như Chương trình Hành động Viênchăn (VAP) và Sáng kiếnliên kết ASEAN (IAI), nhất là về liên kết kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển; nhấn mạnh phải không ngừng củng cố đoàn kết và thống nhất, thúc đẩy ý thức cộng đồng và hướng trọng tâm về người dân; duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc hợp tác khu vực.

+ Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ nhất (EAS-1) được tổ chức nhân dịp này là bước phát triển mới có ý nghĩa, góp phần thúc đẩy xu thế đối thoại và hợp tác vì phát triển ở khu vực, thể hiện tính năng động và vai trò quan trọng của ASEAN. Nội dung thảo luận tập trung vào những vấn đề lớn cùng quan tâm hiện nay. Các nhà Lãnh đạo 16 nước tham dự EAS-1 (10 nước thành viên ASEAN, Ốtxtrâylia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Niu Dilân) đã ký Tuyên bố về EAS để xác định phương hướng và khuôn khổ cho EAS, xác định EAS là diễn đàn để đối thoại và hợp tác về các vấn đề lớn cùng quan tâm về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội; coi đây là tiến trình mở với ASEAN đóng vai trò chủ đạo, bổ sung và hỗ trợ cho các diễn đàn khu vực hiện có, họp hàng năm do ASEAN chủ trì nhân dịp Cấp cao ASEAN; và sẽ tiếp tục xem xét để hoàn thiện một số vấn đề cụ thể liên quan.

+ Cấp cao ASEAN + 3 đã ký Tuyên bố chung khẳng định lại tầm quan trọng của tiến trình ASEAN + 3, coi đây là công cụ chính cho việc xây dựng Cộng đồng Đông Á (EAc).

+ Cấp cao ASEAN – Nga lần đầu tiên đã ký hoặc thông qua nhiều văn kiện quan trọng tạo cơ sở và khuôn khổ xây dựng quan hệ đối tác toàn diện và lâu dài, nhất là “Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ”.

+ Nhân dịp này, các Ngoại trưởng ASEAN đã ký với các đối tác Tuyên bố về mở rộng và làm sâu sắc Quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Nhật, và Hiệp định khung về Quan hệ Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Hàn Quốc. 

– Hội nghị Cấp cao lần thứ XII và các Cấp cao liên quan tại Xêbu, Philippin (1-2007)

+  Hội nghị Cấp cao ASEAN-XII tập trung thảo luận việc đẩy nhanh hợp tác nội khối và hướng xây dựng Hiến chương ASEAN. Các nước đều nhất trí cho rằng xây dựng Hiến chương ASEAN có tầm quan trọng to lớn, thể hiện ý chí mạnh mẽ của các nước đối với việc xây dựng một Hiệp hội vững mạnh; đồng thời đẩy mạnh hợp tác nội khối thông qua xây dựng khung pháp lý cho các hoạt động hợp tác ASEAN. Lãnh đạo các nước ASEAN đã giao cho Nhóm đặc trách soạn thảo Hiến chương hoàn tất dự thảo Hiến chương để trình Cấp cao ASEAN-XIII tại Xinhgapo nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập ASEAN.

+ Về hợp tác kinh tế, Hội nghị nhất trí sẽ hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, đồng thời sẽ đẩy mạnh hơn nữa quá trình hình thành các Khu vực mậu dịch tự do hoặc các Thỏa thuận hợp tác kinh tế toàn diện với các đối tác bên ngoài.

+ Kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo các nước ASEAN đã ký kết và thông qua các văn kiện gồm: Công ước ASEAN về Chống khủng bố, Tuyên bố Xêbu về Đề cương xây dựng Hiến chương ASEAN, Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của người lao động nhập cư, Tuyên bố Xêbu về Hướng tới một Cộng đồng đùm bọc và chia sẻ, Tuyên bố Xêbu về Đẩy nhanh thời hạn hình thành Cộng đồng ASEAN vào 2015, Tuyên bố của Phiên họp đặc biệt Cấp cao ASEAN-12 về HIV/AIDS và Tuyên bố về WTO.

_+ Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình hợp tác ASEAN+3; nhất trí Tuyên bố chung lần 2 về Hợp tác Đông Á (dự kiến sẽ được thông qua tại Cấp cao ASEAN+3, Xinhgapo tháng 11/2007) với nội dung đề ra những định hướng toàn diện cho tiến trình ASEAN+3 và hợp tác Đông Á.

+ Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 2 tập trung thảo luận về hợp tác an ninh năng lượng và trao đổi ý kiến về phương hướng triển khai các hoạt động trong khuôn khổ EAS.

– Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ XIII và các Cấp cao liên quan tại Xinhgapo (11-2007)

+ Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-13, lãnh đạo các nước ASEAN đã ký thông qua Hiến chương ASEAN, tạo cơ sở pháp lý và thể chế cho Hiệp hội gia tăng liên kết khu vực, trước hết là hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Các lãnh đạo cũng khẳng định quyết tâm đẩy nhanh Cộng đồng ASEAN, ký Đề cương Cộng đồng Kinh tế và nhất trí sớm hoàn tất Đề cương Cộng đồng Chính trị-An ninh và Văn hóa-Xã hội để thông qua tại Cấp cao ASEAN-14.

Nhân dịp này, Lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Tuyên bố ASEAN về Môi trường bền vững và Tuyên bố ASEAN về Hội nghị lần thứ 13 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu.

+ Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, lãnh đạo các nước ASEAN+3 đã ký Tuyên bố chung về Hợp tác Đông Á lần 2 và thông qua Kế hoạch Hành động của tiến trình ASEAN+3 giai đoạn 2007-2017.

– Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 3, Lãnh đạo các nước tham gia nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên 5 lĩnh vực ưu tiên (năng lượng, tài chính, giáo dục, thiên tai và dịch bệnh); thúc đẩy liên kết kinh tế, hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu. Lãnh đạo các nước đã ký Tuyên bố Singapore về Môi trường, Năng lượng và Biến đổi Khí hậu.

Như vậy, sau hơn 40 năm tồn tại và phát triển, mặc dù gặp nhiều khó khăn, phức tạp về kinh tế, chính trị, chịu sức ép của các nước lớn từ nhiều phía, song Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã khẳng định được vị thế của mình trong khu vực cũng như trên thế giới. Từ chỗ là một khu vực non yếu, không tên tuổi, ASEAN đã khẳng định  mình qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các hội viên trên tất  cả các mặt an ninh chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội. Qua quá trình vận động, tôn chỉ, mục đích của ASEAN cũng như cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Giới nghiên cứu đều thống nhất rằng, ASEAN là một tổ chức khu vực thành công nhất từ hơn 4 thập kỷ qua và thành công lớn nhất của tổ chức này là đã tạo lập được một “tinh thần ASEAN” và  một “cách thức ASEAN”. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN tháng 7  – 1995 là đáp ứng  lợi ích dân tộc cũng như lợi ích toàn khu vực.

Cũng cần phải thấy rằng những thách thức, khó khăn của ASEAN còn ở phía trước. Đó là sự phát triển của khu vực sau khủng hoảng kinh tế – tài chính, là các cuộc xung đột, li khai đang diễn ra, nhất là ở Inđônêxia, và những tranh chấp về biên giới, biển Đông giữa các nước hội viên. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý  ở Đông Timo diễn ra vào ngày 30 – 8 – 1999 đã dẫn đến việc một quốc gia mới đang ra đời ở Đông Nam Á. Tương lai Đông Timo có thể trở thành thành viên thứ 11 của ASEAN hay không? Câu trả lời còn ở phía trước nhưng sự phát triển của ASEAN đã chỉ ra rằng sự ổn định của khu vực là nhân tố quan trọng dẫn đến những thành công trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của các hội viên cũng như của tổ chức ASEAN.

 

 

 

(1) Bộ ngoại giao – Vụ ASEAN, Hiệp hội các nước Đông Nam á (ASEAN), NXB chính trị quốc gia, H.1995, trang 189-190.

(2) M.A. Khaldin, ASEAN không ảo tưởng, M.1983, trang 41 (Tiếng Nga).

(3) Các sự kiện từ khi thành lập ASEAN đến diễn đàn khu vực ASEAN chúng tôi dựa theo cuốn: Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) của Bộ ngoại giao, NXB Chính trị quốc gia, H.1995.

(4)  Tuần báo Quốc tế, số 32 (239) từ 6-8 đến 12-8-1987, trang 1

(5) ASEM được tổ chức theo sáng kiến của ASEAN (GôChốc Tông đưa ra). Đến nay ASEM đã tổ chức được 7 cuộc hội nghị: ASEM I (1996), ASEM II (1998, ở London), ASEM III (2000, ở Xơun, Hàn Quốc), ASEM IV (2002, ở Copenhaghen, Đan Mạch), ASEM V (2004, ở Việt Nam), ASEM VI ( 2006, ở Helsinki, Phần Lan), ASEM VII (2008, ở Bắc Kinh, Trung Quốc).

(6) Ngay trước, trong và sau Hội nghị đã lần lượt diễn ra các chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của các vị: Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Philippin, Thủ tướng Nhật Bản, Phó chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Cămpuchia.

(7) Phát biểu của Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Tân Chiến tại cuộc họp báo quốc tế ở Hà Nội.

 

Nguồn bài đăng

Bình luận về bài viết này