Săn lùng Eichmann, truy nã tên quốc xã khét tiếng nhất thế giới (Bài 2)

Neal Bascomb

Trần Quang Nghĩa dịch

2

KHI CHIẾN TRANH sắp kết thúc, thế giới sắp phải đối mặt với những tàn tích kinh hoàng mà Sapir đã sống sót. Ngày 12/4/1945, quân Đồng minh mở đường vào Berlin. Vượt qua sông Rhine vài tuần trước đó, quân đội Anh và Canada tiến về phía đông qua miền bắc nước Đức trên xe tăng Sherman của họ. Quân đội Mỹ đã bao vây Thung lũng Ruhr, cắt đứt khu liên hợp công nghiệp của Hitler và mở ra một lỗ hổng lớn ở phía tây đằng trước. Chỉ có một số sư đoàn tồi tàn của Đức đứng giữa 85 sư đoàn Đồng minh và Berlin. Mũi nhọn của Tập đoàn quân số 9 của Mỹ đã thiết lập các đầu cầu trên sông Elbe, chỉ cách thủ đô của Đệ tam Đế chế 60 dặm. Về phía đông Berlin, 1,25 triệu binh sĩ Nga với 22.000 khẩu pháo đang ở trên bờ sông Oder, cách thủ đô chỉ 35 dặm.

Trong khi các lực lượng này tập trung để cuối cùng đánh bại Đức, hai đại tá Wehrmacht (Lực lượng vũ trang Đức Quốc xã) đã treo cờ trắng từ chiếc Mercedes của họ.tiếp cận sở chỉ huy tiền phương của Tiểu đoàn 159 Anh. Họ đưa ra lời đề nghị ngừng bắn cục bộ nhằm trao lại quyền kiểm soát Bergen-Belsen, một trại tập trung bị bệnh sốt phát ban hoành hành nằm cách xe tăng Anh đang tiến tới vài dặm. Cùng ngày hôm đó, Tướng Dwight Eisenhower, tư lệnh tối cao của Lực lượng Viễn chinh Đồng minh, tiến vào trại khổ sai gần làng Ohrdurf. Ông rùng mình trước những gì mình nhìn thấy.

Các báo cáo về hành động diệt chủng của quân Đức đã đến tai quân Đồng minh trong suốt cuộc chiến. Ngay từ mùa hè năm 1941, những nhân viên phá mật mã tại Công viên Bletchley của Anh đã chặn được những bức điện truyền đi mô tả chi tiết về các vụ hành quyết hàng loạt người Do Thái ở Liên Xô. Năm 1942, Witold Pilecki, một thành viên  của phong trào, kháng chiến Ba Lan đã đặt mình ở vị trí có thể bị ném vào Auschwitz, từ đó anh ấy định kỳ gửi đi báo cáo đến được  các chính phủ phương Tây. Hai người Slovakia gốc Do Thái đã trốn thoát khỏi Auschwitz-Birkenau tại đỉnh điểm của sự hủy diệt người Do Thái Hungary, và họ đã cung cấp báo cáo chi tiết về số lượng các phương tiện vận chuyển đến trại, quốc tịch của những người bị chở đến và số phận của họ trong phòng hơi ngạt. Chính lời kể của họ đã dẫn đến làn sóng phản đối gửi đến Đô đốc Horthy chống lại việc trục xuất người Hungary vào năm 1944, trong đó có một lời từ Tổng thống Roosevelt tuyên bố, “Gửi những người theo Hitler, phụ tá, quan chức và tay sai, tới người dân Đức và tất cả các dân tộc khác nằm dưới ách thống trị của Đức Quốc xã, chúng tôi thể hiện rõ quyết tâm trừng phạt tất cả những ai tham gia vào những hành động man rợ này”.

Roosevelt đã đưa ra tuyên bố tương tự ngay từ tháng 10 năm 1942. Hai tháng sau, ngoại trưởng Anh Anthony Eden tuyên bố trước Hạ viện rằng mục đích của Hitler là tiêu diệt người Do Thái. Quan điểm của người Anh vào thời điểm đó, do Winston Churchill viết trong một bức thư gửi nội các của ông năm 1943, là sau khi bị bắt, bọn lãnh tụ Đức phải ra một phiên tòa ngắn gọn để xác định danh tính của chúng và sáu giờ sau đem ra  “xử bắn hết mà không cần tham khảo thẩm quyền cao hơn”. Điều kỳ lạ là Joseph Stalin, người không xa lạ gì với các phiên tòa chuột túi (phiên tòa trá hình, cố ý xem thường các tiêu chuẩn đạo lý và công lý), là người đã kiềm chế Churchill với sự giúp đỡ của Roosevelt. Trong chuyến thăm của Churchill tới Moscow vào tháng 10 năm 1944, Stalin đã nhấn mạnh rằng sẽ không có vụ hành quyết nào xảy ra nếu không được xét xử công bằng, “nếu không thế giới sẽ nói rằng chúng ta sợ phải xét xử chúng.” Tuy nhiên, khi chiến tranh sắp kết thúc, các nhà lãnh đạo Đồng minh vẫn tiếp tục tranh cãi về cách tốt nhất để đưa bọn tội phạm Đức Quốc xã ra trước công lý.

Kế hoạch truy bắt những tên tội phạm này hầu như chưa được chuẩn bị. Đầu tiên, quân Đồng minh gặp khó khăn trong việc xác định ai là mục tiêu phạm tội chiến tranh. Người Anh có quan điểm hạn hẹp rằng quân Đồng minh chỉ nên truy lùng những nhân vật chủ chốt của Đức mà “những tội ác khét tiếng . . . không có vị trí địa lý đặc biệt.” Người Mỹ và người Nga muốn có một định nghĩa rộng hơn nhiều. Điều này dẫn đến một số lượng danh sách tội phạm chiến tranh gây lúng túng.

Đồng minh không chỉ thiếu một danh sách chính xác mà quan trọng hơn là đến tháng 4 năm 1945, họ chỉ tổ chức được bảy đội điều tra, mỗi đội khoảng 5 sĩ quan và 7 binh sĩ để truy tìm những tội phạm chiến tranh này. Ngược lại, một chiến dịch Anh-Mỹ có mật danh Kẹp giấy đã tuyển dụng 3.000 điều tra viên lùng sục khắp Đệ tam Đế chế nhằm bắt giữ các nhà khoa học hàng đầu của Đức và để thu thập thông tin công nghệ trước khi người Nga chạm tay vào cả hai. Những người chịu trách nhiệm truy tìm tội phạm chiến tranh không có đến một mật danh hoạt động. Đó là những ưu tiên của Washington và London khi cuộc chiến ở châu Âu sắp khép lại.

Bất chấp những báo cáo tình báo mà Tướng Eisenhower đã đọc về hành động tàn bạo của Đức, ông thấy mình hoàn toàn không chuẩn bị khi đến thăm trại tử thần Ohrdurf. Được sự hướng dẫn của các cựu tù nhân, ông và tùy tùng của mình nhìn thấy những bệnh nhân trong bệnh viện bị tra tấn dã man và đang chết đói, nằm sát vai nhau, không mong gì hơn ngoài cái chết đang đến. Trong một tầng hầm, ông nhìn thấy giá treo cổ nơi các tù nhân bị treo bằng dây đàn piano đủ lâu để ngón chân của họ chạm sàn, trì hoãn cái chết để kéo dài nỗ đau đớn trước khi về cõi chết. Ở một bãi đất, ông nhìn thấy khoảng 40 xác chết đầy giòi bọ, xếp thành hàng. Ở cánh đồng liền kề, ông chứng kiến thêm 3.200 xác chết, nhiều xác có vết đạn bắn vào sau ót, bên cạnh một giàn củi rõ ràng nhằm mục đích tiêu hủy mọi dấu vết về sự tồn tại của họ. Tướng Omar Bradley, người đi cùng Eisenhower, thậm chí không thể nói ra lời; còn vị Tướng George Patton gan góc đã nôn vào chân tường. Khi rời Ohrdurf, Eisenhower nói với các sĩ quan của mình: “Tôi muốn mọi đơn vị Mỹ nào không làm nhiệm vụ ở tiền tuyến phải đến thăm nơi này. Chúng tôi nghe nói người lính Mỹ không biết mình đang chiến đấu vì điều gì. Bây giờ, ít nhất, anh ta đã biết mình đang chiến đấu chống lại cái gì.” Khi trở lại trụ sở, vị chỉ huy tối cao tâm trí bị chấn động đã gửi thông điệp tới Washington và London yêu cầu các nhà lập pháp và phóng viên báo chí đến Ohrdurf. Ông ta muốn những tội ác này được ghi lại làm tài liệu.

Trong vài ngày tiếp theo, quân Mỹ đã giải phóng các trại lớn hơn như Nordhausen và Buchenwald. Vào ngày 15 tháng 4, người Anh cuối cùng đã tiến vào Bergen-Belsen, mang theo các phóng viên và người quay phim để ghi lại hình ảnh 60.000 “bộ xương biết đi” loạng choạng tiến về phía xe jeep của họ. Một nhà báo của tờ  Evening Standard đã viết: “Sự sỉ nhục của cái chết ở trên mặt đất – những hàm răng nhe ra, khung xương lồ lộ lẽ ra phải thiêng liêng và từng là thiêng liêng đối với những người thân yêu, những thi thể chồng chất trong màu xám khủng khiếp, một vật bé nhỏ đáng thương có móng vuốt thay cho một bàn tay của  bé sơ sinh, vẫn còn nằm trong vòng xương xẩu bảo vệ từng là cánh tay của một người mẹ – tất cả đều có trên đống xác chết của Đức Quốc xã.” Những bức ảnh và đoạn phim thời sự từ Bergen-Belsen và các trại mà Eisenhower mở cửa cho các phóng viên tất cả đều gây một ấn tượng sâu đậm đối với công luận. Biên niên sử Do Thái, tờ báo đã đăng tải thông tin chi tiết về Auschwitz sau khi được người Nga giải phóng vài tháng trước đó, giờ đây đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta phải đợi đến tận bây giờ mới loan tin sâu rộng về vụ ghê tởm này?”

Cuối cùng, nỗi kinh hoàng bằng xương bằng thịt của Giải pháp Cuối cùng đã được tiết lộ một cách sống động tới công chúng và các nhà lãnh đạo của nó. Càng ngày, càng có nhiều bằng chứng khủng khiếp được phát hiện và ghi lại, và việc truy tìm những kẻ chịu trách nhiệm ngày càng trở nên quan trọng.

___

Đến ngày 13 tháng 4, thủ đô vĩ đại một thời của nước Đức đã trở thành đống đổ nát. Các cuộc không kích thường xuyên đã tàn phá thành phố. Khói đen bay khắp đường phố, thường che khuất ánh nắng. Tiếng còi báo động rền rĩ không ngừng. Người dân Berlin len lỏi qua sương mù để đến văn phòng và nhà máy của họ và xếp hàng dài để lấy thức ăn. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Họ chào nhau bằng cụm từ “Còn Sống”.

Tại 116 Kurfürstenstrasse, sự sống còn thống trị tâm trí của Gestapo. Họ đã chuyển đến tòa nhà hầm hố với những căn phòng ngoại cỡ và những cầu thang lát đá cẩm thạch, nơi Eichmann đặt văn phòng của y sau khi những quả bom cháy xé toạc trụ sở chính Prinz Albrecht Strasse của họ. Một buổi chiều, Eichmann, người đã trở lại Berlin vào tháng 12 trước đó khi quân Nga tràn vào Budapest, tình cờ gặp một số sĩ quan Gestapo đồng nghiệp của y đang tụ tập trong một hội trường. nơi vào những ngày mà quân Đức Quốc xã đang tràn qua Châu Âu, y đã từng chơi đàn violon với một số nhân viên của y phụ họa. Một cái bàn đã được dựng lên và một viên chức bộ phận, có nhiệm vụ làm giấy tờ giả, đang ghi chép lý lịch mới  mà mỗi sĩ quan muốn để y có thể làm giấy chứng nhận việc làm, thư từ công ty và những giấy tờ khác.  Ở phía cuối hội trường, đứng tách biệt khỏi đám người đang xô đẩy xin những giấy tờ này, Eichmann nhìn khinh bỉ các sĩ quan SS đang kiếm cách để trở thành nhân viên bán bảo hiểm.và những nghề ngõng tương tự để tránh bị quân Đồng minh bắt giữ.

Chỉ huy của y, Heinrich Müller, đến đứng bên cạnh y. “Ồ, Eichmann? Có chuyện gì với anh vậy?”

“Tôi không cần những giấy tờ đó.” Eichmann vỗ nhẹ vào khẩu súng lục Steyr trong bao súng. “Nhìn đây: Đây là hộ chiếu của tôi. Khi tôi không còn lối thoát nào khác, đây là phương sách cuối cùng của tôi. Tôi không cần bất cứ thứ gì khác.”

Müller nói: “Nếu chúng ta có 50  Eichmann thì chúng ta đã tự động giành chiến thắng trong cuộc chiến này rồi”. Eichmann nở mũi tự hào về lời nhận xét này.

Eichmann có những quan niệm lãng mạn về việc ẩn náu trong “hang cáo” Berlin. Kể từ khi trở về từ Budapest, nơi y thoát khỏi sát sao đợt pháo kích của Nga vào đêm Giáng sinh, y đã xây dựng một hầm trú ẩn bên dưới 116 Kurfürstenstrasse có chứa một máy phát điện, hệ thống thông gió và đủ dầu hỏa, đồ sơ cứu, nước và thực phẩm để dùng trong nhiều  tuần. Bên ngoài, y đã cho lính của mình biến đống đổ nát thành vị trí phòng thủ với bẫy xe tăng và ổ súng bắn tỉa. Nếu điều tồi tệ nhất xảy đến, Eichmann đã có sẵn viên xyanua.

Nhưng kế hoạch ẩn náu trong hang ổ của mình để chờ đợi cuộc tiến công của quân Đồng minh đã bị cản trở bởi Himmler. Tên trùm SS này đã triệu tập Eichmann đến trụ sở mới của hắn ta trong một lâu đài bên ngoài thủ đô. Himmler háo hức đàm phán với quân Đồng minh hơn bao giờ hết, đã ra lệnh cho Eichmann tập hợp 1.200 người Do Thái nổi tiếng nhất bị giam giữ tại trại Theresienstadt, phía tây bắc Praha và chở họ đến dãy Tyrolean Alps giữ làm con tin, để Himmler có thể mặc cả mạng sống của họ.

“Tôi chưa bao giờ lạc quan đến thế. Chưa bao giờ. Chúng ta sẽ có được một hiệp ước tốt hơn ở Hubertusburg [Hiệp ước giữa Phổ và Áo vào cuối Chiến tranh Bảy năm năm 1763 tại Đức: ND],” Himmler nói và vỗ vào đùi mình. “Chúng ta sẽ mất một ít lông, nhưng đó vẫn sẽ là một hiệp ước tốt hơn.”

Trong vài giờ còn lại trước khi cuộc tấn công vào Berlin bắt đầu, Eichmann trở lại văn phòng của mình và tập hợp đơn vị đang tuyệt vọng của mình lại. Y chào tạm biệt họ, nói rằng mình đã thua trận và họ nên làm những gì có thể để giữ mạng sống. “Đối với tôi,” anh nói, “không còn gì thú vị trên thế giới này ngoài việc chiến đấu đến cùng và chỉ nghĩ đến việc tìm thấy cái chết của mình trong cuộc đấu tranh này.” Sau đó, y nói một cách gay gắt, “Tôi sẽ vui vẻ và hạnh phúc nhảy xuống hố khi biết rằng cùng với tôi là 5 triệu kẻ thù của Đế chế.” Năm triệu là số người Do Thái mà Eichmann ước tính đã bị tiêu diệt trong Giải pháp Cuối cùng. Bất chấp niềm tự hào về thành tích của mình, y đã đốt cháy tất cả hồ sơ của văn phòng.

Sau lời chia tay đó, Eichmann lái xe về phía nam trên một chiếc xe bọc thép chở quân chạy giữa lực lượng Nga và Mỹ tới Praha để truyền lệnh cho chỉ huy SS địa phương về vụ trục xuất người Do Thái khỏi Theresienstadt. Từ Praha, Eichmann khởi hành đến Innsbruck, Áo để chuẩn bị đón các con tin. Trên đường cao tốc vắng vẻ, một máy bay chiến đấu của quân Đồng minh đã tấn công xe của Eichmann. Y thoát khỏi cuộc tấn công này, nhưng lại vướng vào một vụ bỏ bom tại một thị trấn công nghiệp ở phía bắc Tyrol. Y bị ném văng ra khỏi xe, chiếc xe đã bị phá hủy. Đó là ngày 17 tháng 4. Một ngày trước đó, quân Nga đã bắt đầu cuộc tấn công cuối cùng vào Berlin.

Eichmann đã nhanh chóng trưng dụng một chiếc Fiat Topolino nhỏ bé để tiếp tục cuộc hành trình của mình. Khi y đến được Innsbruck, y đã thông báo cho Franz Hofer, lãnh đạo Đảng Quốc xã ở Tyrol, về sự xuất hiện sắp tới của 1.200 người Do Thái. Hofer đang bận tâm đến chuyện khác và không hợp tác. Eichmann sau đó sắp xếp hai khách sạn ở Đèo Brenner để làm nơi ở cho các con tin. Y cố gắng liên lạc với Praha để bắt đầu việc trục xuất, nhưng đường dây điện thoại đã ngừng hoạt động. Y sẽ phải quay lại Praha để đảm bảo rằng mệnh lệnh của Himmler được thực hiện.

Trên đường đi, y dừng lại tại Linz, ở Thượng Austria, để thăm cha mình, và cha y đã nói với y rằng những chỉ thị của Himmler không có ý nghĩa gì nhiều tại giai đoạn cuối này của cuộc chiến. Nhưng Eichmann cảm thấy cần phải tuân theo mệnh lệnh và y rời quê hương chỉ vài giờ sau khi trụ sở cảnh sát bang bị ném bom tan tành bởi một cuộc không kích của quân Đồng minh. Tập đoàn quân số 3 của Mỹ sẽ sớm theo sau.

Ở Praha, Eichmann tìm thấy một vùng đất hoang vắng. Hầu hết bộ chỉ huy SS đã chạy tán loạn, ngoại trừ người đứng đầu, người đã nói với y, “Không còn gì ở Berlin. . .  Người Nga đã xuyên thủng.”

Đang loay hoay tìm hiểu xem mình nên làm gì, Eichmann đã liên lạc với Ernst Kaltenbrunner qua điện thoại ở Altaussee. Kể từ vụ ám sát Reinhard Heydrich năm 1942, Kaltenbrunner là người đứng đầu Reichssicherheitshauptamt (RSHA), hay Văn phòng Chính An ninh Đế chế, một chi nhánh quyền lực trong SS điều hành các cơ quan tình báo trong và ngoài nước, Gestapo và cảnh sát hình sự. Ông ta ra lệnh cho Eichmann đến Altaussee để nhận thêm chỉ dẫn. Vụ người  Do Thái Theresienstadt đã bị lãng quên. Eichmann leo lên chiếc Fiat của mình và lái xe dọc theo đường cao tốc, tuân theo mệnh lệnh từ cơ quan chỉ huy đang sụp đổ từ trên xuống.

Vào ngày 30 tháng 4, quân Nga tiến tới trung tâm Berlin. Hồng quân đã nhanh chóng tràn ngập thành phố với quy mô hỏa lực tuyệt đối. Hai tuần trước, vào đúng 3 giờ sáng, một trận pháo kích khủng khiếp từ 40.000 khẩu đại pháo đã báo trước sự xuất hiện của quân giải phóng Nga. Từng đợt máy bay ném bom hạng nặng nối tiếp nhau. Giờ đây, xe tăng của họ lăn bánh trên đường phố trung tâm Berlin, phá hủy bất kỳ tòa nhà nào bị nghi ngờ là nơi ẩn náu của lính Đức. Bộ binh Hồng quân theo sau, tràn qua mọi chướng ngại vật trên đường phố bằng cách bắn bazooka xuyên qua các bức tường sân và tầng hầm.

Súng phun lửa đã tiêu diệt những kẻ trốn trong hầm. Thi thể nhiều người ráng sức trốn thoát khỏi cuộc giao tranh, cả dân thường và binh lính, nằm rải rác trên đường phố, bụi từ gạch vụn và đá phủ lên hình hài bất động của họ.

Năm mươi bộ  dưới Phủ Thủ tướng, trong một hầm trú ẩn kiên cố gồm ba mươi phòng, Adolf Hitler từ chối chạy trốn khỏi Berlin. Trong hai tuần qua, ông ta đã đi từ việc hứa hẹn một chiến thắng thần kỳ trong phút chốc đến tím tái vì giận dữ, tay chân run rẩy, tin chắc rằng cuộc chiến sắp tới sẽ thảm bại. Chỉ còn lại những lời thóa mạ  của ông đối với người Do Thái là không thay đổi. Quyền chỉ huy của ông đã sụp đổ: Himmler, Hermann Göring và các tướng lĩnh của ông đã phản bội lòng tin của ông bằng cách bắt đầu các cuộc đàm phán hiệp ước, và mối liên hệ của ông với thế giới bên ngoài đã giảm xuống mức nhỏ giọt. Khi quân Nga đang tiến gần đến lớp vỏ đang cháy âm ỉ của Reichstag (tòa nhà Quốc hội Đức) gần đó, Hitler rút lui về phòng, uống một liều xyanua và tự bắn vào thái dương bên phải bằng khẩu súng lục Walther của mình. Đế Chế Nghìn Năm đã cáo chung.

Những người trung thành với Hitler – từ vòng trong của ông ta, những người chỉ mới gần đây thống trị toàn bộ châu Âu, cho đến lực lượng SS, các sĩ quan cùng phe, những người hàng ngày nắm trong tay mình sự sống và cái chết –giờ  không có chút quyền lực nào. Hầu hết những tay chơi nhỏ đã cởi bỏ đồng phục và bỏ trốn. Trong tháng qua, giá một chiếc ô tô có xăng, giấy tờ giả mạo và Sao Vàng thực đã lên tới mức ngất ngưởng. Trong số các lãnh đạo cao nhất, chỉ có Joseph Goebbels, Martin Bormann và hai vị tướng khác vẫn ở cùng Hitler trong hầm trú ẩn khi Quốc trưởng tự  lấy mạng mình. Phần còn lại của vòng trong đã rời bỏ Berlin trong những ngày và tuần trước đó. Goebbels chọn cách tự tử, vợ ông cũng vậy. Sáu đứa con bơ vơ của họ không còn lựa chọn nào khác. Cả hai tướng lĩnh cũng tự sát. Bormann, thư ký riêng của Hitler, đã liều lĩnh lao mình một cách tuyệt vọng qua vòng vây của Liên Xô. Y biến mất, được cho là đã chết, mặc dù cái chết của y chưa bao giờ được xác nhận.

____

Khi Eichmann đến Altaussee vào ngày 2 tháng 5, ngôi làng ven hồ đông đảo các lãnh đạo Đảng Quốc xã và thành viên Gestapo, Sicherheitsdienst (SD: Cục An ninh) và các đơn vị khác từ Berlin. Nằm giữa một thung lũng rừng cây hẹp dưới chân những đỉnh núi phủ tuyết cao hai dặm của dãy núi Dachstein và Totengebirge, ngôi làng có vị trí hoàn hảo để sử dụng như một pháo đài dãy Alps mà quân Đồng minh vô cùng lo sợ. Hai con đường dẫn vào làng có thể dễ dàng bị ngăn chặn và bất kỳ máy bay ném bom nào cũng sẽ gặp khó khăn khi đánh vào trung tâm của nó. Tuy nhiên, Eichmann biết rằng chuyện đó chỉ là chuyện hoang đường. Không có pháo đài nào trên núi, cũng không có kế hoạch phối hợp nào cho các hoạt động du kích sau phòng tuyến địch. Tuy nhiên, nó đã tạo ra một địa điểm ẩn náu khỏi Berlin. Cùng với các sĩ quan SS khác, Eichmann, người đã biết đến khu vực này từ khi còn là một cậu bé, đã chuyển gia đình đến ở đó khi chiến tranh đã quay lưng lại với họ. Không chậm trễ, y đi thẳng đến một biệt thự bên ngoài thị trấn nơi Kaltenbrunner đóng quân. Một trợ lý dẫn Eichmann vào phòng ăn, nơi ông chủ của họ đang chơi bài.

Kaltenbrunner mặc áo khoác SS, quần trượt tuyết và đi ủng. Cao 6.7 bộ, với cánh tay là thân cây và một vết sẹo sâu chạy từ má tới hàm hình búa tạ, thủ lĩnh của RSHA là một người có vẻ ngoài oai phong. Là một người bạn của gia đình ở Linz, ông ta đã góp phần giúp Eichmann gia nhập SS và nói với y vào thời điểm đó, “Cậu đó: Cậu thuộc về chúng tôi.”

“Mọi việc sẽ diễn tiến tốt đẹp chứ?” Eichmann hỏi, hy vọng có tin tức từ Berlin.”Rất tệ,” Kaltenbrunner trả lời.

Ông ta yêu cầu trợ lý mang cho Eichmann một ly cognac, và trong khi họ uống rượu, ông nói với Eichmann rằng Hitler đã chết. Eichmann choáng váng. Y đã tôn thờ Quốc trưởng, tin rằng một con người đã thăng tiến từ hạ sĩ lên lãnh đạo toàn nước Đức đáng để cho y phục tùng một cách mù quáng. Bây giờ Hitler đã ra đi và Đệ tam Đế chế cũng đã mất.

Kaltenbrunner ra lệnh Eichmann đưa một số bình lính vào núi và thiết lập lực lượng kháng chiến. Ông giải thích rằng điều này sẽ mang lại cho Himmler một số ảnh hưởng trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Đồng minh.

Hai người chia tay mà không có nhiều lễ nghi hay tình cảm. Khi Eichmann rời khỏi phòng, y còn nghe thấy Kaltenbrunner lặng lẽ lẩm bẩm với chính mình: “Toàn chuyện vớ vẩn. Cuộc chơi đã kết thúc.”

Tuyệt vọng trong việc tìm kiếm phương hướng, Eichmann dốc sức thực hiện nhiệm vụ của mình như thể số phận của nước Đức vẫn chưa được định đoạt. Y đã tuyển dụng một số cán bộ trong bộ phận của mình, bao gồm cả thư ký riêng, Rudolf Jänisch, và Anton Burger, người đã ở bên y kể từ những ngày y ở Vienna. Họ tiếp quản khách sạn Park và tập hợp khoảng hai trăm người, một tập hợp tạp nham gồm Waffen-SS và Thanh niên Hitler, nhiều người bị tàn tật do thương tích hoặc ít được huấn luyện quân sự. Trước khi Eichmann lên núi, Kaltenbrunner đã chỉ thị y đưa tên phát xít Romania Horia Sima và một số dân quân Cận vệ Sắt của hắn đi cùng trong nhiệm vụ. Người đứng đầu RSHA đang mưu tính loại bỏ các tên tội phạm chiến tranh ra khỏi Altaussee để tránh dính líu đến chúng. Kaltenbrunner có ảo tưởng rằng mình thuộc một chủng tộc khác.

Lo sợ một cuộc tấn công của quân Đồng minh, một bác sĩ từ bệnh viện địa phương cầu xin Eichmann rời khỏi làng với  đội quân chiến đấu của y. Sau khi trang bị cho người của mình với trang phục mùa đông, vũ khí,  vàng và đồng Mác, và một đội xe tải, Eichmann dẫn đầu họ lên núi. Y có đủ súng trường tấn công và bazooka để gây tổn hại cho kẻ thù ít nhất một tháng

Một trận mưa tuyết nặng nề bắt đầu rơi, và những binh lính nhanh chóng bị buộc phải xúc tuyết để dọn đường cho xe jeep và xe truyền tin. Đến lúc mặt trời mọc ngày hôm sau, đại đội đã đến được nột ngôi làng miền núi Blaa-Alm, trên dãy Alps.

Trong chuyến đi bộ đường dài, Eichmann đã gặp đủ người của mình để biết rằng họ là một lũ không được huấn luyện bài bản, vô tổ chức và tệ nhất là không vâng lời, và do đó không có tinh thần đoàn kết kháng chiến. Tại Blaa-Alm, y đưa ra điều tồi tệ nhất, trao cho mỗi người 5.000 Mác, ghi lại mọi khoản chi tiêu tài chính vào một sổ tay. Những người lính rời đi mà không phản đối. Eichmann sau đó ra lệnh huấn luyện vũ khí cho những binh sĩ còn lại và cử Burger, một vận động viên trượt tuyết thành thạo, đi trinh sát ngôi làng Rettenbach-Alm, ở cao hơn trong vùng núi.

Khi Burger quay trở lại, Eichmann dẫn lực lượng của mình đến ngôi làng và bố trí họ vào một số túp lều trên núi. Sau vài ngày, một mệnh lệnh do Kaltenbrunner gửi đến với chỉ thị của Himmler: “Cấm bắn vào người Anh và người Mỹ.” Mệnh lệnh cuối cùng mà Eichmann nhận được từ Đế chế đã loại bỏ sự cần thiết của đội quân ô tạp của y. Sẽ không thể có chỗ đứng cuối cùng vẻ vang. Cuộc chiến của Eichmann đã kết thúc.

Bình luận về bài viết này