“Tiếng Việt từ TK 17: vài nhận xét về bản quốc ngữ Sấm Truyền Ca và Lập Quốc Kinh – phần 44A”

      Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này ghi lại vài nhận xét về bản chữ quốc ngữ Sấm Truyền Ca và Lập Quốc Kinh, qua lăng kính của chữ quốc ngữ từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm đồng thời. Rất tiếc là chưa tìm ra bản Nôm Sấm Truyền Ca hay Lập Quốc Kinh, do đó bài này phải dựa vào các dạng chữ quốc ngữ viết tay còn để lại. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f= false.

Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Sấm Truyền Ca (STC), Lập Quốc Kinh (LQK), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức), TNNL (Thiên Nam Ngữ Lục) …v.v… Kí, kì còn có thể viết là ký/kì (Kí  ~ tên người, tên sách) và trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm.

  1. Giới thiệu tổng quát

Qua sự giới thiệu của PGS TS Đoàn Lê Giang và LM Võ Tá Khánh (4/2024), người viết (NCT) nhận được quyển sách đối chiếu Sấm Truyền Ca bằng chữ quốc ngữ (pdf) – xem chi tiết ở Tài liệu tham khảo/mục 14. Theo tác giả Phan Văn Cận thì nguyên bản STC bằng chữ Nôm do thầy cả Lữ Y Đoan soạn năm 1670, ông đã phiên ra chữ quốc ngữ từ năm 1816 đến năm 1820. Tác giả Paulus Tạo còn ghi nhận ảnh hưởng của các LM Pháp khi ông chép lại STC (khoảng 1885). Chính các năm trên (1670, 1816-1820, 1885) đã gợi ý cho người viết dựng một khung thời gian quy chiếu để khảo sát các tài liệu chép tay này thuận lợi hơn. Phần này ghi lại bốn mốc thời gian quan trọng để có thể xác định STC liên hệ đến giai đoạn nào, dựa vào các cách dùng trong STC. Ảnh hưởng của Kinh Dịch khá rõ nét trong các tác phẩm Hán Nôm thời trước, và cũng trong tinh thần của nội dung STC, người viết (NCT) sẽ chú trọng đến cách dùng thì HV và thời để thử xem STC được soạn và cập nhật qua các thời kì nào. Chữ thì và các biến âm chừ, giờ, giây, thời có phạm trù nghĩa rộng và sâu: Kinh Dịch từng viết là “Chu Dịch nhật bộ thư, khả nhất ngôn nhi tế chi, viết: thì (thời)” – tạm dịch/NCT cả bộ Kinh Dịch có thể nói gom lại thành một lời/chữ là thời. Bài này chú trọng vào chữ thì và thời (kỵ huý vua Tự Đức – xem mục 1.3 bên dưới). Đây chỉ là một trong các tiêu chí cho ta khả năng xác định phần nào ngôn ngữ và thời đại của người soạn/cập nhật STC/LQK hay người chép lại …

1.1 Từ điển Việt Bồ La, Phép Giảng Tám Ngày (1651)

Các cách dùng xuất hiện trong STC và cũng có mặt trong VBL và PGTN:

a) Sấm truyền (lời tiên tri, sấm truyền/sách thánh là cách dùng cũ so với kinh Thánh bây giờ). Sấm truyền xuất hiện 1 lần trong VBL và 16 lần trong PGTN. Sấm Truyền từng là một quyển kinh dịch ra tiếng Việt (có thể là chữ Nôm?) lưu truyền ở Đàng Trong, theo nội dung lá thư ngày 22/8/1731 của LM Alexandre de Alexandris: để ý tựa đề là Sấm Truyền chứ không phải là Sấm Truyền Ca, và có thể đặt nghi vấn về tác giả của STC có phải là LM Lữ Y Đoan hay không – trích từ bài viết “Linh mục Louis Đoan và Sấm Truyền Ca” của LM Đào Quang Toản (24/11/2023).

b) Sinh thì (~ qua đời, chết)

c) Hằng ngày dùng đủ (ghi lại hai lần: mục dùng và mục đủ – VBL, Kinh Lạy Cha)

d) Thậm (~ rất)

e) Cả và (~ tất cả, cả)

f) Của ăn (~ đồ ăn)

g) nhắc (VBL ghi đi nhắc, Béhaine/Taberd/Theurel/ĐNQATV ghi nhúc nhắc, STC ghi cà nhắc so với tiếng Việt hiện đại). Các cách dùng tương tự có thể là một tiêu chí thú vị để xác định thời kỳ soạn/chép lại STC – tiêu chí này không nằm trong phạm vi bài viết này.

h) Vô thường

i) Đang thì[2] (thời xuân xanh, thời trẻ)

PGTN trang 235

i) Tức thì

VBL trang 843

…v.v…

VBL và PGTN chỉ ghi dạng thì, không ghi dạng thời. Các bản Nôm của Maiorica cũng cho thấy dạng thì 時. Để ý dạng tức thì xuất hiện[3] trong VBL một (1) lần và 20 lần trong PGTN.

1.2 Tự điển của Béhaine (1772/1773), Taberd (1838)

Tự điển Béhaine (1772/1773) – Taberd ở Đàng Trong chép lại hoàn toàn mục tức. Theurel (1877 – Đàng Ngoài) cũng ghi tức thì, thêm 2 cách dùng tức khắc và lập tức (cùng nghĩa).

Béhaine/Taberd/Theurel đều ghi dạng đang thì như PGTN hàm ý tuổi xuân (thời còn trẻ).

Các cách dùng xuất hiện trong STC và cũng có mặt trong tự điển Béhaine và Taberd:

a) Kinh Thánh

b) Tuần (bắt đầu mang nét nghĩa 7 ngày, cũng còn nghĩa 10 ngày như VBL/PGTN)

c) Ngày thứ bảy[4] (bây giờ là ngày Chúa Nhật/Chủ Nhật)

…v.v…

Tự điển của LM Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) không ghi dạng thời, tuy nhiên tự điển của LM Theurel (1877, Kẻ Sở – Đàng Ngoài) dựa vào công trình/tự điển của Béhaine/Taberd (Đàng Trong) có ghi dạng thời và mốc thời gian ra đời (1860), học giả Huỳnh Tịnh Của ghi chi tiết thêm về nguyên nhân thay đổi là ‘mắc quốc huý mà đọc trại” (ĐNQATV, 1895):

Ở Đàng Ngoài, dạng thì có mặt thường xuyên trong các bản văn bằng chữ quốc ngữ vào cùng thời kì (cuối TK 18, đầu TK 19). Thí dụ như trong các tài liệu chép tay của cụ Philiphê Bỉnh chẳng hạn:

Trang 19 – Sách sổ sang chép các việc (Philiphê Bỉnh, 1822): Ngô Thì Nhậm 吳時任 (1746-1803) ghi là Ngô thị Nhậm, so với cách gọi Ngô Thời Nhiệm sau này. Nên nhớ rằng Philiphê Bỉnh (1759-1833) sống cùng thời với Ngô Thời Nhiệm, đây là lần đầu tiên tên ông được viết bằng chữ quốc ngữ, các dạng này cho ta nhiều thông tin hữu ích.

Trang 30, bản chép tay Các Điều Ngắm của LM Philiphê Bỉnh, ghi thì thế (~ thời thế). Các tài liệu chữ quốc ngữ ở Đàng Trong và Đàng Ngoài cho thấy dạng thời không có mặt vào cuối TK 18 và đầu TK 19, cũng như vào TK 17 (dựa vào VBL/PGTN và các thư/tài liệu viết tay bằng chữ quốc ngữ cùng thời …).

1.3 Kỵ huý vua Tự Đức (từ khoảng năm 1860 cho chữ quốc ngữ)

Thì HV 時 trùng với tên của vua Tự Đức (1829-1883) – Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (阮福洪任), khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Thì (阮福時) – cho nên chữ Nôm phải viết khác hơn dạng 時 và âm thì phải đọc trại ra thành thời.

Vì kỵ huý[5] mà chữ Nôm thì viết khác hơn, các dạng khác nhau có thể là

Bộ nhật ở bên phải thay vì bên trái 𪰛

Bộ nhật ở trên thay vì ở bên trái

Dùng chữ thìn 辰

Bỏ nét giữa của chữ nhật

Bỏ hẳn chữ/bộ nhật để chữ thì trở thành chữ tự 寺 (thành phần hài thanh của chữ thì)

…v.v…

Một điểm nên nhắc ở đây là cần phải thận trọng vì dễ lẫn lộn giữa cách viết cổ hơn hay dị thể/giản thể với chữ kỵ huý: thí dụ như thì có các dạng khác là

Ngoài ra nên kể đến Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, gồm 1027 câu thơ lục bát soạn xong vào năm 1870. Tác phẩm Nôm này, được soạn từ lệnh vua Tự Đức, hoàn toàn không dùng chữ thì/thời hay vần thì, vần thời. Điều này cho thấy thời vua Tự Đức quy định kỵ huý (quốc huý) rất nghiêm ngặt. Xem lại các cách đọc của chữ thì 時, có dạng cổ (chữ hiếm) là 旹 với 㞢 là chi 之 (thanh mẫu thường 常, vận mẫu chi 之 bình thanh) có các cách đọc theo phiên thiết

市之切 thị chi thiết (TVGT, NT, ĐV, QV, TV, VH, TTTH, LTCN 六書正譌) – TVGT ghi (chữ 時) 从日寺聲 tòng nhật tự thanh, và (chữ 旹) 从日㞢作 tòng nhật chi tác.

辰之切 thần chi thiết (CV, Trùng Đính Trực Âm Thiên/TĐTAT)

上紙切 thượng chỉ thiết (VB)

TNAV ghi vận bộ chi tư 支思 (dương bình) – để ý các nguyên âm i (chi, thì), ư ai (tư, tai)

CV ghi cùng vần/bình thanh 時 旹 塒 蒔 漦 鰣 匙 𦑡 提 (thì để) – để ý các nguyên âm i (thì) và ê (đề, để).

禪侍切 thiện thị thiết (TViB)

土紙切, 音氏 thổ chỉ thiết, âm thị (TVi)

施持切, 音匙 thi trì thiết, âm thi (CTT)

時吏切 thì lại thiết, âm thệ  音逝 (TVi)

Giọng BK bây giờ là shí (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông si4 và các giọng Mân Nam 客家话 [客英字典] shi2 [沙头角腔] si2 [梅县腔] she2 shi2 [宝安腔] si2 [客语拼音字汇] si2 [陆丰腔] shi3 [台湾四县腔] sii2 [海陆腔] shi2 [东莞腔] si2, 潮州话 si5, tiếng Nhật shi và tiếng Hàn si.

…v.v…

Phụ âm đầu lưỡi xát /ʂ/ (viết là sh-, đọc theo giọng Nam) của giọng Bắc Kinh/BK bây giờ tương ứng với phụ âm đầu lưỡi tắc /tʰ/ (viết là th- tiếng Việt) như shàng, shǒu, shuǐ, shí (BK) – thượng, thủ, thủy, thì (HV). Trong trường hợp của tương quan shí (BK) – thì (HV): để ý là vào TK 17 (thời VBL), phụ âm xát s(h)- chưa hoàn toàn đổi thành phụ âm tắc t(h)- như các dạng dùng tương đương vi sang – vi thang, lơ xơ/lơ thơ, Thuận (Thŏận) Hóa/Sinua, sự – thờ (sự thượng đế ~ thờ vua trên/VBL)… Thành ra ngoài dạng thì[6], tiếng Việt còn bảo lưu một số phụ âm mặt lưỡi qua dạng ch- và gi-, td. giờ, chừ, giây (so với các vận bộ ghi trong TNAV và CV ở bên trên) …v.v… Không có bản Nôm STC/LQK nên bài viết này tập trung vào chữ quốc ngữ qua các bản chép tay (sđd).

1.4 Khoảng đầu TK 20 (td. bản STC năm 1910)

Mốc thời gian thứ tư là vào khoảng đầu TK 20 khi một số lớn thuật ngữ khoa học kỹ thuật Tây phương nhập vào tiếng Việt, và đặc biệt là vào năm Kỷ Mùi (1919) khi kỳ thi Nho học cuối cùng ở VN được tổ chức ở Huế (ngoài Bắc thì bỏ thi Hương năm 1915). Ảnh hưởng của chữ quốc ngữ (và tiếng Pháp) đã lan rộng từ Đàng Trong; thí dụ như Truyện Kiều đã có các bản bằng chữ quốc ngữ như của học giả Trương Vĩnh Ký (Sài Gòn, 1875), Abel des Michels (Hà Nội, 1884/1885), Edmond Nordemann (Hà Nội, 1897), Kiều Oánh Mậu (Hà Nội, 1902) …v.v… Các cách dùng xuất hiện trong STC và LQK so với tiếng Việt hiện nay (năm 2024):

a) Lạc viên ~ Ê Đen, Yên Đan ~ vườn vui vẻ/TGTN, vườn diệu quang (Béhaine/Taberd Đàng Trong, Philiphê Bỉnh Đàng Ngoài) ~ vườn địa đàng

b) Thời đại

c) Thời gian

d) Chu kỳ (~ chu kì)

e) Không gian

f) Thị trường

g) Tự do

h) Tâm lý

i) Nhậu (uống) – nhậu nước ~ uống nước là cách dùng vào thời Béhaine/Taberd, bây giờ thì không ai dùng nhậu nước (uống nước), nhậu chè (uống chè). Để ý STC dùng ăn nhậu (theo nghĩa hiện đại – có mặt trong ĐNQATV). Khuynh hướng đổi nghĩa theo thời gian là một tiêu chí để xác định thời kỳ soạn văn bản STC nhưng không nằm trong phạm vi bài này:

Lấy tiền ăn nhậu, sống còn mặc ai (STC câu 2426)

j) Ngũ châu

k) Phát ngôn viên

l) Giải phóng

m) Vợ nhỏ (VBL ghi vợ lẻ, vợ mọn, thiếp)

n) Bá láp bá xàm

…v.v…

Phương ngữ Đàng Trong vào thời cận đại thể hiện rất rõ nét trong STC và LQK, thí dụ như các câu sau (Nguyễn Văn Nhạn 20/12/1956):

Nhớ ngày thứ bảy dành riêng thờ trời (LQK câu 1516)

Là ngày tất cả xả hơi

Ngoài thì đồng áng trong thời gia trang (LQK câu 1518)

Thịt con bò bị chết kia (LQK câu 1631)

Sả đôi, hai chủ đem vìa mà ăn

Xả hơi, xả khói, xổ hơi là làm cho hơi thoát ra theo cụ Huỳnh Tịnh Của vào thập niên 1890 (ĐNQATV), chưa mang nét nghĩa mở rộng là nghỉ mệt (không làm việc) như ý của câu 1517. Vìa (~ dìa, dề – khuynh hướng ngạc hoá của âm về) là phương ngữ miền Nam VN, vẫn còn nghe thấy hiện nay. Đây cũng là một tiêu chí quan trọng để khảo sát STC và LQK, tuy nhiên không nằm trong phạm vi bài viết này. Bài viết này chú trọng vào vần thời của các câu này như B1 là trời, B2 là hơi và B3 là thời – phần sau sẽ đi vào chi tiết thêm.

  1. Vần thì và vần thời trong thơ lục bát

Một cấu trúc cơ bản của thể thơ lục bát là dựa vào thanh bằng (tắt là B gồm có dấu huyền và không dấu) và thanh trắc (tắt là T, gồm các dấu hỏi, sắc, nặng, ngã):

B    B    B    T    T    B    B    B1

B    B    B    T    B    B2

B    B    B    T    T    B3   B    B

Hay một biến thể như bên dưới, tuy nhiên vẫn tuân thủ vần B1 – B2 – B3: thí dụ như nguyên âm -i của vần thì có độ mở miệng nhỏ, phù hợp với các nguyên âm -e, -ê (hay ia) thường gặp trong thơ lục bát. Các chữ B1, B2 và B3 phải hợp vần như câu 2582 đến câu 2584 trong STC

Ăn ngon mặc ấm mở màng hồ ly (BBTTTBB B1) B1 = ly

Ngắm xem Du-Tiệp xuân thì (TBBTB B2) B2 = thì

Mày râu đĩnh ngộ, nết đi hào hùng (BBTTTBB B3) B3 = đi

Vì kỵ huý vua Tự Đức, chữ thì phải thay đổi (chữ viết hay âm đọc), tuy nhiên nếu nằm trong trường hợp B1, B2 và B3 thì cả ba chữ phải đổi cho hợp vần. Điều này rất khó cho tác giả (soạn giả) vì ba (3) chữ cùng một vần và trong câu văn khác nhau, không đơn giản (và tự do) như chỉ đổi một chữ ở các vị trí khác hơn B1/B2/B3. Nếu có thay đổi một chữ vì kỵ huý thì hai chữ kia vẫn còn giữ vần nguyên thuỷ (td. giấu đầu lòi đuôi/NCT). Nhờ vào cấu trúc khá ổn định này (td. vần thì, vần thời) trong thể thơ lục bát mà ta có khả năng xác định chính xác hơn thời kì xuất hiện[7] của văn bản dựa vào các dạng thì và thời (kỵ huý).

2.1 Vần thì trong Thiên Nam Ngữ Lục (TNNL, khoảng cuối TK 17)

TNNL (sđd) có 8136 câu thơ lục bát bằng chữ Nôm, 2 bài thơ Nôm và 31 bài thơ chữ Hán. TNNL không dùng vần thời, thí dụ một vần thì từ câu 428 đến câu 430 trong 91 vần thì (và khoảng 101 chữ thời cùng trên 20 chữ thì mà người viết/NCT đã khảo sát) cho thấy cấu trúc B1/B2/B3 rất chặt chẽ:

Biên danh tràng áo để người làm bia (câu 428)     B1=bia, B2=chi, B3=thì

Nhẫn chi ai lại điều chi,

Dưới thì đất xét, trên thì trời soi (câu 430)

…v.v…

Ngay cả một bài thơ chữ Hán (trước câu 4715) trong TNNL trích từ Tam Quốc Chí theo thể thất ngôn Đường luật cũng có vần thì

Tích nhật A Man tá Hán thì

Khi tha quả phụ dữ cô nhi

Thuỳ tri tứ thập niên thiên hạ

Quả phụ cô nhi tái bị khi

Vần thì trong TNNL (không dùng vần thời) dẫn đến một khả năng là bản Nôm này đã soạn trước thời vua Tự Đức, hay nguyên bản chưa bị ‘nhuận sắc’ hay sao chép lại sau thời kỵ huý này. Có trường hợp dùng vần thời trong TNNL (câu 4584) theo quán tính của tiếng Việt cận đại, tuy nhiên lại lạc vận so với vần thì (âm cổ hơn):

Câu 4582         B1 = bì

Câu 4583         B2 = kỳ

Câu 4583         B3 = thời – đáng lẽ là âm thì (độ mở miệng nhỏ) thì hợp vận. Có lẽ cách dùng thời đã quá phổ thông vào thế hệ trước cho đến ngày nay, cho nên các học giả Nguyễn Lương Ngọc/Đinh Gia Khánh (sđd) theo phản xạ tự nhiên mà phiên âm là thời.

2.2 Truyện Kiều và vần thì (khoảng đầu TK 19)

Truyện Kiều chữ Nôm có 3254 câu, chữ thì xuất hiện 94 lần so với vần thì xuất hiện 6 lần, thí dụ như câu 62 đến câu 64 (bản Nôm 1866)

淡僊娘𧘇初𱺵𰙔兒

Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi (câu 62)

浽名才色没時

Nổi danh tài sắc một thì (câu 63)

吨嗃外𨷶劎之燕鸚

Xôn xao ngoài cửa kém gì yến anh (câu 64)

…v.v…

Cả 6 vần thì đều hợp vần -ì (như gì, thì, chi, đi, về, kia …) khác hẳn với vần -ời (như trời, dời, nơi, lời, người, đời …) – thí dụ như các câu 2946 đến 2498 bản Nôm 1866:

𬋟湄㐌別𱥯番対移

Nắng mưa đã biết mấy phen đổi dời? (câu 2946)

𠄼𩄲俸体詔𡗶

Năm mây bỗng thấy chiếu trời (câu 2947)

欽頒勑旨旦尼停停

Khâm ban sắc chỉ đến nơi rành rành (câu 2948)

…v.v…

Từ cách dùng vần thì 時 trong Truyện Kiều (không dùng vần thời), ta có cơ sở để đưa đến kết luận là Truyện Kiều đã được soạn ra trước[8] thời vua Tự Đức.

2.3 I Nê Tử Đạo Vãn (in năm 1838 – Đàng Trong)

I Nê Tử Đạo Vãn (viết tắt là INV) là truyện viết theo thể lục bát[9] gồm có 566 câu bằng chữ quốc ngữ, in trong phần sau của cuốn tự điển La Tinh – Việt tác giả LM Taberd[10] (1838). Đặc biệt là có phần dịch ra tiếng La Tinh, Anh và Pháp cho nên rất dễ kiểm tra cách dùng trong truyện. Cũng như tự điển Việt – La Tinh (1838), tự điển La Tinh – Việt này không có dùng dạng thời mà chỉ có dạng thì. INV cũng không dùng dạng thời, vần thì xuất hiện hai (2) lần trong trang 133 và 111 so với chữ thì xuất hiện 29 lần.

INV trang 133 (sđd)

INV trang 111 (sđd)

Một điểm đáng nêu lên ở đây là cách kí âm tên ngoại quốc bằng chữ quốc ngữ trong INV: có khuynh hướng dùng dạng đơn giản hơn, td. sử dụng hai (2) âm tiết như Elizabeth thì ghi là Sa ve (các bản Nôm của Maiorica kí âm là I Sa Mã/Ve 衣 沙 瑪), Barnabas kí âm là Na bê …v.v… Khuynh hướng đơn giản hoá[11] như trên cũng thường gặp trong STC và LQK, đây cũng là một tiêu chí quan trọng để xác định ‘niên đại’ của các bản chữ quốc ngữ này – tuy nhiên không thuộc phạm vi bài viết nhỏ này. Truyện bằng thơ lục bát INV cho thấy vào đầu TK 18 chữ thời không có mặt ở Đàng Trong so với chữ thì.

2.4 Vần thì và thời trong STC và LQK

Bản chép tay chữ quốc ngữ Sấm Truyền Ca (STC) có 3604 câu theo thể lục bát, còn bản chép tay Lập Quốc Kinh (LQK) có 1632 câu. Tổng số chữ thì dùng là 83 lần so với vần thì xuất hiện 21 lần. Tổng số chữ thời dùng là 22 so với vần thời xuất hiện 46 lần.

Vần thì trong STC từ câu 2622 đến 2624 (tức thì):

Nổi cơn giận dỗi chẳng cần xét suy (câu 2622)

Bắt đem tống ngục tức thì

Du-tiệp bình tĩnh bước đi vào tù (câu 2624)

Vần thời trong STC từ câu 3070 đến 3072 (tức thời):

Nếu ai ăn cắp bắt đem tôi đòi (câu 3070)

Vô can thì thả đi xuôi

Các bao lớn nhỏ tức thời phanh phui (câu 3072)

Vần thì trong STC, trong đang thì, td. từ câu 1386 đến 1388:

Yến giao, Gia cước qua thời ấu nhi (câu 1386)

Yến giao trong tuổi đang thì

Rành tay săn bắn, giỏi nghề ruộng nương (câu 1388)

Nhưng lại có lúc dùng đang thời, hợp với các vần ngời, rồi:

Con ôi cha đến giờ sinh thì rồi (câu 3438 – bản chép tay của Paulus Tạo[12])

Cầu trời phù hộ đang thời

Trở về đất tổ rạng ngời thỉ chung (câu 3440)

Sinh thì (nghĩa là qua đời, chết – từ thời VBL/PGTN) hiện diện trong STC (xem câu 3438 bên trên chẳng hạn, hay câu 1343 “Trăm bảy lăm tuổi sinh thì”). Tuy nhiên dạng sinh thời cũng có mặt trong câu 1625 (hàm ý lúc sống, hoàn toàn trái nghĩa với chết):

Nhờ đây thiên hạ cầu yên cuộc đời (câu 1624)

Sinh thời công việc của ngươi

Tới đâu cũng có tay trời chở che (câu 1626)

Giả sử vần thì không thay đổi từ nguyên bản (nếu có), và vần thời hiện diện sau các sắc chỉ kỵ huý vua Tự Đức – do đó 46 vần thời (cập nhật sau thời vua Tự Đức) tương ứng với 138 câu thơ thêm vào trong tổng số 5236 câu trong STC và LQK. Nếu kể thêm các chữ thời dùng riêng thì tổng số các câu thơ thêm vào ít nhất là khoảng 3.1 %, đây là dựa vào tiêu chí “vần thì – vần thời”. Số câu dùng chữ thì và vần thì trong STC và LQK là 2.8 % so với số câu dùng chữ thời và vần thời là 3.1 %. Vần thời trong STC và KLQ cho thấy khả năng cập nhật sau các sắc chỉ kỵ huý tên vua Tự Đức, nhất là ở Đàng Ngoài khi còn chịu ảnh hưởng của triều đình Huế. Ở Đàng Trong, có thể mất một thời gian nữa từ ngày Pháp xâm chiếm Nam Kỳ Lục Tỉnh, để thấy ảnh hưởng sâu rộng của các lệnh kỵ huý trong ngôn ngữ đại chúng.

  1. Tiểu kết cho phần 1

Vào TK 17, khi các giáo sĩ CG sang Á Đông truyền đạo thì toàn bộ Kinh Thánh (như cách hiểu thời nay) không là chủ lực trong quá trình giảng giáo lý và thu nhập bổn đạo. Các tài liệu chính quy vào giai đoạn này thường ngắn và gọn như Mười Điều Răn, Phép giảng căn bản cho người muốn vào đạo (td. Phép Giảng Tám Ngày/de Rhodes), các điều cơ bản của Thiên Chúa Giáo (td. Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông/Maiorica), cuộc đời đức Chúa Giê Su hay Đức Mẹ Maria (Maiorica)…v.v… Có lẽ từ bối cảnh trên mà STC và LQK đã phôi thai. Nếu còn các bản Nôm Sấm Truyền Ca hay Lập Quốc Kinh, thì ta được nhiều thông tin chính xác hơn thay vì chỉ có các bản chép tay từ đầu TK 19. Dựa vào các bản chép tay bằng chữ quốc ngữ, nhất là từ thể thơ lục bát, người viết đề nghị một tiêu chí để khảo sát chữ quốc ngữ của STC và LQK: vần thì và vần thời cùng với chữ thì/thời[13]. Dĩ nhiên còn có các tiêu chí khác cũng thú vị không kém như phương pháp kí âm tên người hay tên nước ngoài, khuynh hướng thay đổi cách dùng/ngữ nghĩa (lịch đại), phương ngữ Đàng Trong … Tuy nhiên các tiêu chí trên không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này so với vần thì và vần thời. Chữ thì và vần thì (không có vần thời) xuất hiện khoảng 4.9 % trong Thiên Nam Ngữ Lục, so với khoảng 3.4 % trong Truyện Kiều. I Nê tử đạo vãn có khoảng 6.2 % chữ thì và vần thì. Chinh Phụ Ngâm (theo thể song thất lục bát) có khoảng 2.2 % chữ thì và vần thì. Chữ thời và vần thời xuất hiện khoảng 3.1 % trong các bản chép tay STC và LQK, so với chữ thì và vần thì là khoảng 2.8 %. Điều này cho ta cơ sở giải thích các bản chữ quốc ngữ này đã được cập nhật (thêm vào bản cũ hơn) sau thời vua Tự Đức, phù hợp với ghi nhận về công lao chỉnh sửa bản cũ của LM Phao Lô Qui (1885) từ Paulus Tạo. Hi vọng bài viết này là một động lực và gợi ý cho người đọc tìm hiểu sâu xa về STC và LQK, cũng như khám phá nhiều kết quả thú vị hơn về chữ quốc ngữ, ngay từ thuở bình minh trong quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại.

  1. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

2) Philiphê Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

                           (1822) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị”. Các tài liệu viết tay khác của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

3) Jean Bonet (1899) “Dictionnaire annamite-français : langue officielle et langue vulgaire” có thể tham khảo trên trang này https://www.lexilogos.com/vietnamien_dictionnaire.htm

4) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).

5) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

6) Hội Khai Trí Tiến Đức – ban văn học (1931/1954) “Việt Nam Tự Điển” NXB Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội).

7) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

8) Nguyễn Lương Ngọc/Đinh Gia Khánh (1958) “Thiên Nam Ngữ Lục” phiên âm, chú thích và giới thiệu – NXB Văn Hoá (Hà Nội).

9) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

                                    (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

                                   “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

                                   “Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

10) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (Dictionarium Latino-Annamiticum – completum et novo ordine dispositum – 1838).

11) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).

12) Nguyễn Cung Thông (2013) “Tản mạn về từ Hán Việt – phần 6.2” có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn http://e-cadao.com/ngonngu/tanmantuhanvietthoithi.htm

13) Đào Quang Toản (2023) “Linh mục Louis Đoan và Sấm Truyền Ca” có thể đọc toàn bài trên trang https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/linh-muc-louis-doan-v-sam-truyen-ca/

14) Tủ Sách Nước Mặn và Học Viện Công Giáo (2023) “Sấm Truyền Ca – ấn phẩm đối chiếu để phục hồi nguyên bản” dạng pdf = có thể tham khảo tài liệu này trên mạng như https://vietcatholic.net/Media/Bible%20in%20vietnamese%20poetry%20synoptically%20viewed.pdf …v.v… 

15) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

                                         (1905) “Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin” Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.

Phụ Trương

  1. Truyện Nôm Trinh Thử (khuyết danh)

Ta thử dùng tiêu chí ‘vần thì – vần thời lục bát’ cho Truyện Trinh Thử[14] để xem kết quả ra sao. Truyện Trinh Thử chữ Nôm có 566 câu thơ lục bát và 2 bài thất ngôn Đường luật. Có tất cả 13 chữ thì, 5 chữ thời và 8 vần thì (không có vần thời), thí dụ như

Là Hồ sinh vốn thiện danh đang thì (câu 4)

Nhiều bề cách vật trí tri

Tiếng muông chim lại hay suy nên lời (câu 6)  …v.v…

Vần -ì còn hợp với các vần -ê, -ia (độ mở miệng nhỏ) – so với các vần như -ời (đời, mời, người …) cũng hiện diện trong cùng một văn bản. Điều này hỗ trợ cho khả năng Truyện Trinh Thử được soạn trước thời vua Tự Đức, phù hợp với nhận xét của một số học giả tiền bối như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ cho rằng truyện này soạn vào thời trước nhà Nguyễn (td. hậu Trần …). Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh thì truyện này có gốc là một tác phẩm văn xuôi chữ Hán tên là “Đông thành trinh thử truyện” vào hậu bán TK 19, tác giả có thể là một danh sĩ cùng thời[15]. Một số người lại cho rằng truyện này do Nguyễn Hàm Nghi (em ruột Nguyễn Hàm Ninh) ở Quảng Bình viết vào thời thực dân Pháp mới sang …vv…

  1. Chinh Phụ Ngâm (Khúc) – Đoàn Thị Điểm (1705-1746/1748) diễn Nôm từ thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn (khoảng 1710 – 1745).

Chinh Phụ Ngâm có 412 câu song thất lục bát cho thấy chữ thì xuất hiện 6 lần, so với vần thì xuất hiện 1 lần trong các câu 374, 375 và 376:

Sức tý dân tiêu sắt tri tri (câu 374)

Máu Đan Vu đầu Nguyệt Thị[16],

Ấy thì buổi uống, ấy thì buổi ăn (câu 375)

…v.v…

Vần thì cho thấy bài thơ Nôm (nguyên bản, chưa bị ‘nhuận sắc’ sau này) viết trước thời vua Tự Đức. Một điểm đáng chú ý về vần thì trong bản chữ Hán, cũng như đã ghi nhận trong mục 2.1 Thiên Nam Ngữ Lục, trong bản phiên âm chữ quốc ngữ – các tác giả Viện Việt Học[17] đã ghi là thời trong câu 222 (xem bản chụp lại ở bên dưới) thành ra lạc vận! Đáng lẽ phiên là thì mới hợp vận (hợp vần với y, nghi, khi, si …). Câu 413 “Trì liên diệc hữu tịnh đầu thời”: nên phiên là thì để hợp với các vần vi, ty, tri …v.v…

  1. Chúa Thao Cổ Truyện

Truyện thơ Nôm theo thể lục bát, không rõ tác giả và năm in, nhưng cốt truyện thì dựa vào giai đoạn lịch sử của chiến tranh Trịnh-Mạc từ năm 1592 đến năm 1677, khi nhà Mạc hoàn toàn bị dẹp. Tuy là hư cấu nhưng Chúa Thao Cổ Truyện (tắt là CTCT) có nhiều dữ kiện phù hợp với lịch sử giai đoạn này. CTCT[18] có 478 câu thơ lục bát, các cách dùng cho thấy khả năng soạn trong khoảng TK 18. CTCT có 1 chữ thì và 33 chữ thời (đáng lẽ là thì), 2 vần thì và 6 vần thời (đáng lẽ là thì). Các cách dùng vần thì và chữ thì 時 时 cho thấy khả năng CTCT soạn trước thời vua Tự Đức. Thí dụ một đoạn dưới đây cho thấy là vần thì hợp vận hơn so với vần thời (trang 8 – bản chụp lại từ bản sao của Maurice Durand để lại cho thư viện đại học Yale).

B1 = gì, B2 = kì, B3 = thời (đáng lẽ là thì mới hợp vận).


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com  

[2] Đang/đương thì 當時 cũng xuất hiện trong các tài liệu của LM Maiorica, như trong ĐCGS quyển chi cửu trang 23 khi viết về cuộc đời Đức Chúa Giê Su: “chẳng để sống cho đến già, chết khi đang thì mà chữa kẻ liệt đã” hay trong Các Thánh Truyện Tháng Hai trang 116 (Maiorica) “Người chịu đòn cùng sự thương khó nhiều ngày hơn kẻ đang thì, mà chịu bằng lòng mạnh sức” …v.v… Cụ Huỳnh Tịnh Của ghi đang thì là thì xuân xanh (ĐNQATV) cũng như Taberd/Béhaine (định nghĩa juventus/L là tuổi xanh) nhưng thêm một nét nghĩa nữa là hiện thời (~ đương thời – trong tiếng Việt hiện đại). Đang thì nghĩa là ngay bây giờ hay ngay lúc đó trong tiếng Trung Hoa (dum/L), tương đương với cách dùng đang khi của tiếng Việt vào thời VBL cho đến ngày nay.

[3] Để chỉ một sự việc xẩy ra liên tục, ngôn ngữ thường dùng nhiều cách diễn đạt như trong tiếng Việt thì có ngay khi, ngay lúc, ngay lập tức, vừa khi, liền, tức thì, liền tức thì, bỗng chốc … Cụm từ HV tức thì 即時 hiện diện rất lâu đời, ít nhất là đã được Ban Cố (33-92) dùng trong Hán Thư.

[4] Tham khảo thêm chi tiết về cách gọi ngày trong loạt bài “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – các cách dùng chúa nhật/chúa tàu/chúa nhà/thiên chúa” phần 6 và 6A cùng tác giả/NCT – trang này chẳng hạn http://chimvie3.free.fr/93/nguyencungthong/ncthong_TiengVietTuTheKy17_93.htm …v.v…

[5] Tham khảo thêm “Chữ Húy Việt Nam Qua Các Triều Đại” GS Ngô Đức Thọ – NXB Văn Hoá 1997. Theo học giả Paul Schneider trong cuốn “Dictionnaire Historique Des Ideogrammes Vietnamiens” (NXB Universite de Nice-Sophia Antipolis, 1990 – trang 795)  đề nghị rằng chữ thời thay thế cho thì từ năm 1860, dựa vào lệnh kỵ huý của vua Tự Đức (Theurel cũng ghi năm này – xem hình chụp trang 4 trong bài).

[6] Tham khảo các bài viết về chữ thì cùng tác giả (NCT) “Tiếng Việt từ TK 17: các cách dùng trống một, giữ/cầm canh, nhà điếm/ dỏ, trắc ảnh, thì – giờ” (phần 42), hay các khái niệm văn hoá/truyền thống về thời gian như đơn thì – đa thì trong bài viết “Tản mạn về từ Hán Việt thì – thời (phần 6.2)” trên trang này chẳng hạn https://dotchuoinon.com/2013/05/27/tan-man-ve-tu-han-viet-thoi-thi-phan-6-2/ …v.v…

[7] Một số địa danh vì kỵ huý nên thay đổi rất sớm (so với chữ quốc ngữ thì – thời) như Thì Trung trở thành Phương Trung (năm Tự Đức thứ 1/1847) – trích từ bài viết của TS Nguyễn Thuý Nga TÌM HIỂU VIỆC ĐỔI ĐỊA DANH Ở TỈNH HÀ NỘI THỜI NGUYỄN QUA LỆ KIÊNG HÚY – Tạp chí Hán Nôm, Số 4(101) 2010; Tr.62-71.

[8] Dầu rằng trong các bản Nôm Truyện Kiều có vài chữ kỵ huý như thì có khi viết là 𪰛, nhưng dễ giải thích – là vì bản Nôm (td. 1870 – bản Kinh đời Tự Ðức) đã được ‘nhuận sắc’ hay sao chép lại vào thời này.

[9] Tuy nhiên có vài đoạn ‘biến thể’ như dùng thơ 7 chữ (song thất), hay vài câu chỉ có hai chữ/thơ gởi cho nhau…

[10] Tham khảo tài liệu này trên mạng như trang này https://commons.wikimedia.org/w/index.php?title=File:Dictionarium_Latino-Anamiticum.pdf&page=943

[11] Thí dụ các tên nước như Pha Lang Sa (Pháp Lan Tây)  > Pháp quốc > Pháp, Ý Đại Lợi  (Ý Đại Lí Á)> Ý, Nhật Bản > Nhật, America > Mỹ quốc/châu > Mỹ …v.v… STC ghi Aegyptus (Ai Cập) là Ê Giếp > Giếp so với cách ghi I Chi Tô 衣 支 蘇 (chữ Nôm thời Maiorica) – nước Ychitô > Ai Cập; STC kí âm Bethlehem là Bảo-liêm có hai âm tiết, chữ Nôm Maiorica ghi là Bát Li Âm 八离陰 …v.v…

[12] Bản Nguyễn Văn Nhạn ghi câu 3439 là “Cầu trời phù hộ hưng thời”.

[13] VBL không có mục thì (nhưng có mục giờ với nhiều chi tiết), tuy nhiên chữ thì xuất hiện 14 lần. So với Bản Báo Cáo về tiếng an Nam hay Đông Kinh (BBC) có đến 28 lần dùng thì. PGTN có 1035 chữ thì hay khoảng 1.9 % cho tổng số chữ.

[14] Tham khảo tài liệu này trên mạng như https://www.thivien.net/H%E1%BB%93-Huy%E1%BB%81n-Quy/Trinh-th%E1%BB%AD/group-hO9juuRluY7HT0JCMU0PBA

[15] Người viết (NCT) vẫn còn tra cứu thêm các dữ kiện hỗ trợ cho khả năng Truyện Trinh Thử lại xuất hiện vào hậu bán TK 19 ???

[16] Một số tác giả phiên Nôm câu này là “Máu Thiền vu quắc Nhục Chi”.

[17] Tham khảo toàn bản Hán văn và Hán Việt trang này chẳng hạn  chrome-extension://efaidnbmnnnibpcajpcglclefindmkaj/https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/b/b9/%E5%BE%81%E5%A9%A6%E5%90%9F%E6%9B%B2.pdf   

[18] Có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn https://findit.library.yale.edu/catalog/digcoll:14815…v.v..

Bình luận về bài viết này