Săn lùng Eichmann, truy nã tên quốc xã khét tiếng nhất thế giới (Bài 3)

Neal Bascomb

Trần Quang Nghĩa dịch

3

Sáng hôm sau, ngày 8 tháng 5, sau một đêm dài mất ngủ trong túp lều trên núi, Eichmann thông báo chỉ thị cho binh sĩ. Họ được tự do làm những gì họ muốn; y dự định về thăm gia đình lần cuối rồi trốn vào núi. Với những hoạt động thời chiến của mình, y không hề ảo tưởng rằng quân Đồng minh sẽ coi mình là bất cứ thứ gì khác ngoài một tên tội phạm chiến tranh. Y phải trốn để không bị bắt.

Một mình lội bộ, Eichmann xuống núi, băng qua tuyết đến Blaa-Alm, rồi xuống Altaussee. Khi đến làng vào chiều muộn, y được cho biết Đại đô đốc Karl Dönitz, quyền nguyên thủ quốc gia Đức, đã đồng ý đầu hàng vô điều kiện. Ở thung lũng lân cận, ngay bên kia dãy núi, quân Mỹ đang nhảy múa trên đường phố Bad Ischl. Quân đồng minh sẽ sớm đến Altaussee.

Mặc đồng phục rằn ri và mang theo súng máy, Eichmann lẻn qua làng đến hồ nơi gia đình y sinh sống. Họ đã thuê một căn nhà gỗ nhỏ nhìn ra hồ nước ở cuối Fischerdorf Strasse, một con đường ngoằn ngoèo quanh sườn đồi. Không có thời gian cho một lời tạm biệt dài dòng. Y đã trải qua phần lớn thời gian chiến tranh xa vợ và ba con trai, và y không còn là chàng trai đã gặp Veronika (Vera) Liebl, cô thiếu nữ nhỏ nhắn, mắt xanh của một nông dân Tiệp Khắc, tại một buổi hòa nhạc ở Linz năm 1931.

Vào thời điểm đó, Eichmann là nhân viên bán hàng lưu động 25 tuổi cho Công ty Dầu Vacumn, người thậm chí còn chưa tốt nghiệp trung học. Y xuất thân từ một gia đình trung lưu tử tế có năm đứa con. Anh chàng lái chiếc mô tô màu đỏ ngọc  để gây ấn tượng với bạn gái mới. Dấu vết duy nhất về chính trị của y, cũng  như của họ, là tư cách thành viên  trong một nhóm thanh niên của một tổ chức cựu chiến binh Đức lớn tuổi hơn, tổ chức này có tinh thần dân tộc chủ nghĩa và vận động chống lại “bọn Bolshevik Do Thái”. Năm 1935, Eichmann và Vera kết hôn trong một nhà thờ, bất chấp sự chế nhạo của các đồng đội SS của y, vốn coi thường các nghi lễ tôn giáo. Là một cô gái Thiên chúa giáo ngây thơ, hồn hậu, Vera có cùng sở thích âm nhạc cổ điển như chồng nhưng không quan tâm nhiều đến chính trị và từ chối gia nhập Đảng Quốc xã. Nếu không có sự trỗi dậy của Hitler và Đệ tam Đế chế, cả hai có thể đã sống một cuộc sống yên bình ở Linz. Nhưng Eichmann sớm bị SS lôi cuốn đi, còn Vera tập trung nuôi ba đứa con trai.

Họ không bao giờ thảo luận về các hoạt động của y, và những chuyến thăm không thường xuyên của y cũng như nhiều lần không chung thủy đã tạo ra khoảng cách giữa họ. Bất chấp cuộc hôn nhân căng thẳng, Vera vẫn hết lòng vì chồng.

Eichmann mua một giỏ đậu Hà Lan và một ít bột mì ở Altaussee. Đó là tất cả những gì y có thể tìm thấy. Không giống như một số đồng đội SS của mình, y không giấu giếm là mình có một gia tài bằng vàng và ngoại tệ. Y vô cùng tiếc nuối vì đã không đích thân tống tiền bọn nhà giàu Do Thái – họ sẽ vui lòng đưa cho y bất cứ thứ gì y yêu cầu để đổi lấy mạng sống của mình.

“Chiến tranh đã kết thúc,” y nói với Vera. “Em không cần phải lo lắng. Người Mỹ hoặc người Anh sẽ đến.” Nhưng phòng trường hợp người Nga đến trước, y đưa cho vợ một viên xyanua và một viên cho mỗi con trai của mình. Sau đó y để lại chỉ dẫn cho cô nếu có ai đến nhà điều tra. Y sẽ liên lạc với cô khi đã định cư ở một nơi nào đó an toàn. Sau đó Eichmann đi ra bờ hồ, nơi các con trai của y – Klaus, chín tuổi; Horst, năm; và Dieter, ba tuổi — đang chơi đùa và lần lượt ôm lấy chúng. Trong khi đang xem chúng chơi đùa, bé Dieter bị trượt chân và rơi xuống hồ. Eichmann vớt cậu bé lên khỏi mặt nước, đỡ cậu lên đầu gối và tát cậu nhiều phát. Trong khi đứa con trai la hét, Eichmann quát bảo cậu đừng bao giờ đến gần nước nữa. Y lý luận rằng có thể y sẽ không bao giờ gặp lại các con mình nữa; tốt nhất là tập chúng có một chút kỷ luật. Theo suy nghĩ của y, đây là điều tốt nhất mà một người cha có thể làm cho con mình.

 “Hãy can đảm  và chăm sóc bọn trẻ,” y nói với Vera rồi bước đi. Không có bất kỳ mệnh lệnh nào phải thực hiện, không có lãnh tụ nào để tuân theo, Eichmann trở nên vô dụng. Khi y leo lên núi, Quân đội Hoa Kỳ, bao gồm cả một đội điều tra của Quân đoàn Phản gián (CIC) truy lùng Kaltenbrunner, đang tiến về Altaussee. Đến tối, Eichmann đã đến được Blaa-Alm. Hầu hết Đoàn Thanh niên Hitler và những binh lính khác mà y đưa vào vùng núi đều đã giải tán. Người của y, Waffen-SS và Horia Sima và bảo vệ của y vẫn ở lại, biết rằng mình là mục tiêu của quân Đồng minh.

Eichmann qua đêm trong làng, quyết định tiến lên vùng núi cao hơn vào ngày hôm sau với càng nhiều người cùng đi theo càng tốt. Y chắc chắn rằng mình có thể trốn tránh bị bắt bằng cách ở trong vùng núi mà y  biết rất rõ.

Vào lúc bình minh, người tài xế lâu năm của y, Polanski, hỏi liệu anh ta có thể lấy một trong những chiếc xe của họ và rời đi không. Bây giờ chiến tranh đã kết thúc, anh ta dự định bắt đầu nghề kinh doanh vận tải.

Eichmann đề nghị anh ta lấy một xe tải; đội xe tải giờ đây đã trở nên vô dụng đối với y.

Cuối buổi sáng hôm đó, một trong những sĩ quan SS của y Otto Hünsche, người cũng đã xuống Altaussee để gặp gia đình, trở về với tin tức rằng xe tăng Mỹ vừa tiến vào khu vực. Hünsche đã lẫn tránh họ, ẩn nấp trong cánh đồng bên ngoài Altaussee trước khi quay trở lại Blaa-Alm.

Nhóm của Eichmann đi bộ đến Rettenbach-Alm và trú ngụ trong một số túp lều trên núi. Trong vài ngày tiếp theo, họ trinh sát các ngọn đồi xung quanh để theo dõi đội tuần tra của Đồng minh hoặc quân kháng chiến Áo, những người có thể báo cho người Mỹ biết về hành tung và vị trí của họ. Họ dán biển hiệu cảnh báo rằng bất cứ ai vào khu vực này sẽ bị bắn. Nhưng họ hiểu rằng việc họ bị phát hiện   là điều không thể tránh khỏi. Trong khi Eichmann đi vắng, các đồng đội của y đã quyết định rằng họ không muốn bị phát hiện cùng với sĩ quan giám sát Giải pháp Cuối cùng. Họ bầu Anton Burger để đưa ra nguyện vọng. “Đại tá, chúng tôi đã bàn bạc về tình hình. Chúng tôi không được bắn vào người Anh hoặc người Mỹ, và người Nga sẽ không đến đây,”  Burger đánh liều trình bày. “Ngài đang bị truy lùng như một tội phạm chiến tranh. Chúng tôi thì không. Chúng tôi sẽ rất cảm kích nếu ngài rời khỏi chúng tôi và chỉ định một chỉ huy mới.”

Thái độ bất trung của binh lính khiến y nhức nhối, nhưng Eichmann biết họ nói đúng. Chỉ có Rudolf Jänisch tình nguyện ở lại với y. Họ mặc đồng phục của Không quân Đức đã  mang theo và vứt bỏ giấy tờ tùy thân cũng như bất cứ thứ gì khác có thể tố giác mình. Sau khi nâng ly rượu schnapps chia tay, Eichmann và Jänisch bước đi khỏi Rettenbach-Alm, hướng về phía bắc.

Một năm trước, ở Hungary, Eichmann đã gặp Joel Brand, một đại diện Do Thái, nài nĩ  trao đổi 10.000 xe tải để lấy mạng sống của 1 triệu người Do Thái. Khi Brand liếc nhìn khẩu súng lục của Eichmann đặt trên bàn, viên sĩ quan đã mỉm cười lạnh lùng và nói, “Ông có biết không, tôi thường nghĩ một số người của ông sẽ vui mừng thế nào khi hạ gục tôi. Nhưng đừng quá lạc quan, ông Brand. Có thể thời thế sẽ thay đổi, có thể chúng tôi sẽ thua trong cuộc chiến, nhưng ông sẽ không bắt được tôi đâu … Không, tôi đã sắp xếp mọi cách để chống lại tình huống đó.”

Tất cả đều là khoác lác. Eichmann còn lâu mới chuẩn bị đủ cho cuộc đào thoát. Y có ít tiền, không nhà an toàn, không giấy tờ giả mạo và chỉ có một phụ tá trẻ tuổi vẫn trung thành với y. Khi tiến về Đức, họ thấy quân Đồng minh ở khắp mọi nơi. Lưới đã thắt chặt.

Sau khi hòa bình được đảm bảo, quân Đồng minh nhanh chóng chiếm đóng nước Đức. Thiết quân luật được áp đặt, các trạm kiểm soát được thiết lập tại các cây cầu và ngã tư đường, lệnh giới nghiêm và lịch cắt điện được thiết lập, các đội tuần tra lưu động được cử đi, và binh lính Wehrmacht bị giam giữ trong các trại tù binh. Mục đích là để bảo vệ đất nước, ngăn chặn sự phát triển của một cuộc kháng chiến ngầm có tổ chức, và cung cấp lực lượng cảnh sát thường xuyên để nhanh chóng khôi phục trật tự công cộng

Bộ chỉ huy của Đồng minh đã ban hành chỉ thị cho mọi nhóm quân đội ở mọi khu vực bắt giữ và thẩm vấn bất kỳ thành viên nào của Đảng Quốc xã, bắt đầu từ vòng trong của Hitler và tiếp tục xuống đến các thủ lĩnh nhóm địa phương; thành viên của SD, Gestapo và các chi nhánh khác của SS; và các quan chức cấp cao của cảnh sát, Wehrmacht, Thanh niên Hitler, và bộ tuyên truyền, cùng nhiều cơ quan khác. Các nhà lãnh đạo Đồng minh có ý định trấn áp nước Đức và xóa sạch mọi dấu vết cuối cùng của nhà nước Đức Quốc xã.

Kể từ ngày giải phóng trại tập trung đầu tiên, quân Đồng minh đã tăng đáng kể số lượng cá nhân tận tâm truy bắt lãnh đạo Đức Quốc xã và các tội phạm chiến tranh khác. CIC (Quân đoàn Phản gián), có công việc chính ở Đức là thu thập thông tin tình báo và giúp bảo đảm Quân đội Hoa Kỳ chống lại các điệp viên lật đổ, nhận thấy rằng có rất ít việc phải làm về mặt này khi chiến sự kết thúc, vì vậy họ chuyển sang việc lập danh sách những kẻ bị truy nã gắt gao nhất. Tình báo Anh cũng góp phần vào nỗ lực này, mặc dù lúc đầu ít năng nổ hơn. Đồng minh đã chiêu mộ các nhà điều tra tội phạm chiến tranh, có nhiệm vụ cụ thể là thu thập bằng chứng và bắt giữ những ai bị nghi ngờ có tham gia vào hành động tàn bạo. Ở Versailles, đặc vụ tình báo đồng minh nghiền ngẫm những hồ sơ đã tịch thu được và hồ sơ nhân sự, hình thành sổ đăng ký tội phạm chiến tranh và nghi phạm an ninh. Hồ sơ  đăng ký này, gọi là Cơ quan Đăng ký Trung ương Tội phạm Chiến tranh và Nghi phạm An ninh (CROWCASS), đã được bổ sung vào một danh sách đã dài được biên soạn bởi Ủy ban Tội ác Chiến tranh của Liên hiệp quốc. Vào  tuần đầu tiên của tháng 5, danh sách đã có hơn 70.000 tên. Như Ngoại trưởng Anh Anthony Eden đã tự hào nói trước Hạ viện vào thời điểm đó: “Từ Na Uy đến dãy núi Alps ở Bavaria, quân Đồng minh đang thực hiện cuộc truy lùng lớn nhất trong lịch sử”.

Giới lãnh đạo cấp cao của Đức Quốc xã, được quân Đồng minh xác định và nhắm mục tiêu từ rất lâu trước khi chiến tranh kết thúc, đứng đầu danh sách. Một ngày sau khi Eichmann rút lui vào vùng núi, Đại tá Robert Matteson, một sĩ quan CIC 31 tuổi, tốt nghiệp Harvard, trực thuộc Tập đoàn quân số 3 của Hoa Kỳ, xua quân của mình vào Altaussee. Ông đã được mật báo rằng Kaltenbrunner đang ở trong khu vực với tình nhân của y.  Ngay sau khi đến nơi, binh sĩ của Matteson đã vây bắt ít nhất 20 tên Đức Quốc xã và chiếm giữ biệt thự mà Kaltenbrunner vừa rời đi – cũng như trạm vô tuyến mà qua đó y vẫn giữ liên lạc với Berlin. Vài ngày sau, một chiến binh kháng chiến người Áo địa phương cho biết Kaltenbrunner, phụ tá của y và hai lính canh SS đang ẩn náu trong một cabin săn bắn trên cao ở Totengebirge.

Được hướng dẫn bởi bốn cựu binh sĩ Wehrmacht, những người biết rõ địa hình và được hỗ trợ bởi một biệt đội bộ binh Mỹ, Matteson leo lên núi, cải trang trong trang phục truyền thống vùng núi Alpine và giày mũi nhọn. Cả nhóm đã đi bộ qua vùng tuyết sâu trong đêm để tránh bị phát hiện. Năm giờ sau, lúc trời sáng, họ nhìn thấy căn nhà gỗ. Matteson một mình đi bộ năm trăm thước cuối cùng tới cửa. Trong túi, Matteson có bức thư của tình nhân Kaltenbrunner mà ông đã bắt cô viết, van xin người yêu của mình đầu hàng quân đội Mỹ. Matteson gõ cửa.

Một gã đàn ông không cạo râu mặc thường phục mở hé cửa: “Ông muốn gì?”

“Tôi muốn vào. Tôi lạnh,” Matteson trả lời, giấu súng.

Gã người Đức lắc đầu không. Nhân viên CIC chuyển mảnh giấy của cô tình nhân, và ngay sau khi gã đọc nội dung của nó, gã bèn đóng sầm cửa lại. Qua cửa sổ, Matteson nhìn thấy gã đàn ông chạy ngang qua phòng và chộp lấy một khẩu súng lục ổ quay. Một tên khác đang nằm trên giường cũng  vói tay lấy khẩu súng.  Matteson phóng người về phía bức tường không có cửa sổ và huýt sáo gọi biệt đội của mình. Họ bao vây ngôi nhà và kêu gọi Kaltenbrunner cùng đồng bọn ra đầu hàng. Cánh cửa mở ra và họ bước ra, hai tay giơ cao. Lúc đầu, Kaltenbrunner giả làm bác sĩ quân y, nhưng y đã bị lộ vì chiều cao, vết sẹo trên má và dấu hiệu nhận dạng Gestapo, hình xâm “# 2”.

Kaltenbrunner chỉ xếp sau Himmler trong SS.

Bản thân Himmler cũng không dễ dàng gì. Khi chiến tranh kết thúc, y tập hợp các nhân viên của mình lại và nói: “Này, các quý ông, các ông biết mình phải làm gì bây giờ không? Các ông phải ẩn mình trong hàng ngũ của Wehrmacht.” Himmler đã làm theo lời khuyên của chính mình. Cạo ria mép và ăn mặc như một trung sĩ với miếng che mắt màu đen, y cố gắng vượt qua phòng tuyến của quân Anh cùng với sáu người của mình, nhưng họ bị một đội tuần tra ngẫu nhiên bắt được. Trong một cuộc kiểm tra y tế theo thông lệ trước khi thẩm vấn, Himmler đã cắn một viên xyanua giấu trong miệng và chết mười lăm phút sau đó.

Các thủ lĩnh hàng đầu khác của Đức Quốc xã sớm nhận ra mình bị giam giữ tại nhà tù của quân Đồng minh ở Mondorf-les-Bains, phía đông nam Luxembourg. Hermann Göring đầu hàng trên dãy Alps, khẳng định rằng mình chỉ trao đổi với Tướng Eisenhower. Hai người lính đã thô bạo lôi Göring nặng 264 cân, người từng là chỉ huy thứ hai sau Hitler, ra khỏi xe của y. Đại đô đốc Dönitz, Tướng Alfred Jodl, Thống chế Wilhelm Keitel, và Bộ trưởng Bộ Vũ khí Albert Speer đầu hàng mà không chút phản đối. Fritz Sauckel, người đứng đầu chương trình lao động khổ sai, bị vây bắt khi trốn trong một hang động. Trong một cuộc tuần tra thường lệ, một thiếu tá người Mỹ gốc Do Thái đã nhận dạng được Julius Streicher để râu, một nhà xuất bản cực kỳ bài Do Thái, đang cải trang thành một họa sĩ, tay cầm cọ vẽ. Hans Frank, Toàn quyền Ba Lan, đã cố gắng lẩn trốn giữa đám tù binh Đức, nhưng y quá lo lắng trước nguy cơ bị phát hiện nên đã rạch cổ tay trái và cổ mình, suýt chết

Binh sĩ thuộc Sư đoàn Dù 101 đã phát hiện ra Robert Ley, người đứng đầu Mặt trận Lao động Đức, trong một túp lều trên núi giống trường hợp Kaltenbrunner được tìm thấy. Ngoại trưởng Joachim von Ribbentrop là một trong những người cuối cùng bị bắt. Con trai của một thương gia buôn rượu, người mà Ribbentrop hy vọng sẽ cho y nơi trú ẩn, đã thông báo cho cảnh sát về nơi ở của y. Lính Anh đã bắt giữ Ribbentrop khi y đang nằm trên giường tại nơi ẩn náu ở Hamburg. Mặc bộ đồ ngủ bằng lụa sọc hồng trắng, y ngồi dậy và nói bằng tiếng Anh lưu loát: “Trò chơi đã kết thúc. Xin chúc mừng các bạn.”

Những kẻ phát xít khét tiếng nhất đã rơi vào tay quân Đồng minh trong những tuần đầu tiên chiếm đóng. Mỗi ngày thêm hơn bảy trăm cá nhân trong danh sách tự động bắt giữ đã bị tống vào tù, và bị thẩm vấn nhằm khám phá thêm bản chất hành động của chúng trong chiến tranh để đưa ra tòa xét xử. Nhiều đồng bọn của họ đã được giải quyết theo cách nhanh gọn hơn.

Mặc dù người Nga đã bắt giữ  một số thành viên cấp cao của Đức Quốc xã giao cho Đồng minh xét xử,  họ thường trả thù ngay tại chỗ – trái ngược với lời lên lớp trước đó của Stalin đối với Churchill về sự cần thiết của các phiên tòa công bằng. Với sự giúp đỡ của những người Cộng sản địa phương và những người sống sót trong trại, cơ quan mật vụ bí mật Nga, NKVD, đã bắt giữ nhiều nghi phạm Đức Quốc xã  và chuyển họ đến các nhà tù ở Liên Xô, nơi họ không hề được nhắc đến nữa. Một số khác bị hành quyết, lưng lỗ chỗ vết đạn súng máy.

Người Nga không phải là những người duy nhất thực thi công lý thô bạo. Sau khi chiến tranh kết thúc, các nhóm người Do Thái báo thù – bao gồm những người sống sót trong trại tập trung, những người kháng chiến và binh lính của Lữ đoàn Do Thái (nhóm quân đội đặc biệt do Anh thành lập vào năm 1944 từ những người Do Thái định cư ở Palestine) – đã truy lùng và tiêu diệt bọn Gestapo và SS đã phạm tội chống lại người Do Thái. Haganah, lực lượng phòng vệ mật của người Do Thái có trụ sở tại Palestine, chỉ đạo một số biệt đội này. Một số khác hoạt động hoàn toàn một mình. Thường cải trang thành quân cảnh Anh, các đội bắt giữ nạn nhân vào ban đêm, chở chúng đến một nơi vắng vẻ trong rừng hoặc bên hồ, sau đó bắn hoặc dìm chết chúng. Một nhóm thậm chí còn thực hiện kế hoạch giết 15.000 tù binh Đức bị giam giữ trong một trại của Mỹ gần Nuremberg bằng cách rắc bột thạch tín trắng lên bánh mì của chúng. Hơn 2.000 tù nhân bị trúng độc nhưng không ai chết.

Với rất nhiều quyết tâm tiêu diệt Đức Quốc xã, Adolf Eichmann có một lợi thế: y vẫn chưa bị nhận diện là một tội phạm chiến tranh gộc. Tên của y có trong danh sách của Đồng minh, đặc biệt vì những “hoạt động” của y  ở Tiệp Khắc, nhưng vào thời điểm này y chỉ là một trung tá trong số hàng chục nghìn mục trong danh sách. Đồng minh vẫn chưa biết mức độ tham gia của y vào Giải pháp Cuối cùng. Nếu Đại tá Matteson biết được hoạt động của người đứng đầu Cục IVB4 khi đã bắt được Kaltenbrunner thì có lẽ Eichmann cũng đã bị bắt vài ngày sau. Nhưng do cuộc điều tra của quân Đồng minh về tội ác chiến tranh của Đức Quốc xã bắt đầu muộn nên y đã thoát được.

Eichmann và Janisch lội bộ và quá giang về phía tây từ Altaussee tới Salzburg. Họ trốn tránh quân Đồng minh, ẩn nấp trong cánh đồng khi nghe thấy tiếng binh lính đến gần và ngủ trong những nhà kho bỏ hoang vào ban đêm. Cuộc hành trình năm mươi dặm mất vài ngày, nhưng ngay khi họ nhìn thấy thành phố, một đội tuần tra Mỹ phát hiện ra họ, và họ buộc phải đầu hàng. Eichmann tự giới thiệu mình là Hạ sĩ Không quân Đức Adolf Barth, sử dụng họ của người bán tạp hóa ở Berlin, nhưng không có thêm cuộc thẩm vấn nào nữa. Đội tuần tra đã đưa Eichmann và Jänisch đến một khu trại được dựng lên vội vã, nơi có một vòng dây thép gai duy nhất làm hàng rào và không có đèn pha. Trại đông đúc binh lính Đức bị bắt khi đang lang thang quanh khu vực, tất cả đều mệt mỏi và đói khát và vẫn mặc đồng phục vì thiếu quần áo khác để thay. Hầu hết đều muốn một ít thức ăn dằn bụng và một nơi để ngủ, giống như 9 triệu tù binh chiến tranh đã bị quân Đồng minh giam giữ trên khắp Tây Bắc Châu Âu, và không có nhiều nhu cầu về an ninh.

Ngay khi màn đêm buông xuống, Eichmann và Jänisch lẻn ra khỏi trại và đi bộ đến Salzburg. Mái vòm của nhà thờ chính của thành phố đã sụp đổ, nhiều tòa nhà và nhà ở gần ga xe lửa đã bị san bằng, nhưng Salzburg là một trong số ít thành phố ở Đức và Áo có trung tâm lịch sử còn sót lại sau chiến tranh. Eichmann biết rõ vẻ đẹp trước chiến tranh của nó; y đã hưởng tuần trăng mật ở đó mười năm trước. Trong vài ngày tiếp theo, hai sĩ quan SS ẩn náu trong những con hẻm ngoằn ngoèo lát đá cuội của thành phố cổ, tránh xa lực lượng tuần tra của quân Đồng minh.

Một buổi chiều, Eichmann đi bộ lên lâu đài nổi tiếng từ thế kỷ 11 của Salzburg và nhìn ra vùng nông thôn xung quanh. Y tin rằng mình không đáng phải chạy trốn: y chỉ tuân theo lời thề SS của mình là “Danh dự của tôi là lòng trung thành của tôi” và thực hiện những mệnh lệnh được giao phó. Y cân nhắc xem liệu mình có thay đổi gì so với anh chàng đã đưa cô dâu của mình đến chính nơi này một thập niên trước hay không. Không, y quyết định, y không hề thay đổi. Y biết mình không phải là tên giết người hay kẻ xấu xa.

Sự thật là Eichmann đã phải trải qua một chặng đường dài và phức tạp để đạt đến mức độ cuồng tín đầy thù hận vốn là đặc điểm của y ở Hungary. Sinh ra tại một thị trấn công nghiệp ở Đức, y lớn lên ở Linz, Áo, với thân sinh là một người quản lý thuộc tầng lớp trung lưu, một người theo đạo Tin lành nghiêm cẩn và có tinh thần dân tộc nhiệt thành. Ở Linz, cũng là quê hương của Hitler, cũng như ở Áo và Đức nói chung, phần lớn người dân coi người Do Thái là bọn thấp kém về mặt chủng tộc, những kẻ xâm nhập đại diện cho mối đe dọa song sinh của chủ nghĩa tư bản quốc tế và chủ nghĩa Bôn-sê-vich. Nhưng chủ nghĩa bài Do Thái không phải là động cơ khiến Eichmann trở thành một tên Quốc xã. Thảm họa ở Versailles sau Thế chiến thứ nhất, nhu cầu ổn định của nước Đức và về mặt cá nhân hơn, mong muốn được mặc bộ đồng phục màu nâu lịch lãm giống như bao thanh niên cùng độ tuổi là lý do đầy đủ của y.

Eichmann gia nhập Đảng Quốc xã vào năm 1932. Y đến Đức, được huấn luyện quân sự, đọc thêm về Chủ nghĩa xã hội quốc gia và gia nhập SD, do Reinhard Heydrich đứng đầu. Là một thành viên trong hoạt động tình báo của đảng, Eichmann được giao nhiệm vụ lập danh sách thành viên Hội Tam điểm Đức, những người mà Đức Quốc xã coi là kẻ thù. Siêng năng, chú ý đến từng chi tiết và tôn trọng quyền lực, y đã lọt vào mắt xanh của Edler von Mildenstein, người phụ trách thành lập văn phòng các vấn đề Do Thái. Với mức độ ghê tởm mà Hitler cảm thấy đối với người Do Thái – bằng chứng là vào năm 1935 ban hành Luật Nuremberg, tước bỏ quyền công dân của người Do Thái ở Đức – đó là một bước đi tốt trong sự nghiệp của Eichmann.

Vào thời điểm đó, Mildenstein có thái độ ít độc ác hơn đối với người Do Thái so với nhiều người khác trong SS, tin rằng việc gửi họ đến Palestine là câu trả lời cho vấn đề Do Thái. Mildenstein giao cho Eichmann nghiên cứu Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Trong ba năm tiếp theo, làm việc trong bối cảnh SS đang thay đổi, Eichmann dành cả ngày để viết báo cáo về người Do Thái, giám sát các tổ chức của họ, cố gắng học tiếng Do Thái (thất bại), điều tra các kế hoạch di cư và thậm chí đi đến Palestine vào năm 1937, trong khi đóng giả là một nhà báo cho tờ Berliner Tageblatt. Y nhanh chóng trở thành “chuyên gia” SD về các vấn đề Do Thái. Mặc dù quan điểm của y về người Do Thái đã cứng rắn hơn – y viết trong một bài báo rằng họ là “kẻ thù nguy hiểm nhất” của Đệ tam Đế chế – nhưng y vẫn nghĩ rằng di cư là cách tốt nhất để đối phó với họ.

Năm 1938, Eichmann giành được cơ hội đầu tiên để đưa ý tưởng này vào thực tế khi Đức chiếm đóng Áo. Thiếu úy Eichmann đến Vienna để đại diện cho SD giải quyết 200.000 người Do Thái ở Áo. Sau khi bắt giữ các lãnh đạo chủ chốt của cộng đồng Do Thái, y đã sử dụng nhiều người trong số họ để tổ chức và tài trợ cho việc di cư người Do Thái. Trong văn phòng của mình ở Palais Rothschild, Eichmann cảm nhận quyền lực mình đang dâng trào lần đầu tiên khi viết cho một người bạn, “Họ nằm trong tay tôi; họ không dám bước một bước nếu không có tôi.” Vì sự thành công và “độ cứng rắn cần thiết”, y đã được thăng cấp trung úy. Y cũng có khả năng coi dân Do Thái không phải là con người mà là vật dụng cần được chuyển từ nơi này đến nơi khác. Sau một năm ở Vienna, y được cử đến Tiệp Khắc để thiết lập một hoạt động tương tự ở đó.

Càng có nhiều lãnh thổ do Đức Quốc xã chiếm đóng, càng có nhiều người Do Thái nằm dưới sự kiểm soát của họ, điều đó đồng nghĩa với cơ hội thăng tiến sự nghiệp cho Eichmann. Khi Đức chiếm Ba Lan vào tháng 9 năm 1939, Heinrich Müller, thủ lĩnh mới của Gestapo, đã giao cho Eichmann điều hành Văn phòng Trung ương về Di cư Do Thái, cơ quan chịu trách nhiệm trục xuất người Do Thái đến rìa lãnh thổ do Đức chiếm đóng. Di cư đã kết thúc; trục xuất bắt đầu. Sau cuộc xâm lược Ba Lan, hành động khiến quân Đồng minh tuyên chiến, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của Eichmann là tái định cư 500.000 người Ba Lan để nhường chỗ cho người sắc tộc Đức. Lúc đó y rất thành thạo trong việc di dời các cộng đồng và sắp xếp phương tiện đi lại của họ, nhưng vấn đề chính của y là tìm nơi để gửi họ. Y đưa ra đề xuất tái định cư hàng triệu người Do Thái ở Madagascar (một quốc gia ở Đông Phi), một kế hoạch tàn bạo về quy mô và cách thực hiện, nhưng kế hoạch đó đã thất bại do các sĩ quan cấp trên của y lơ là. Tuy nhiên, Eichmann đã chứng tỏ mình là một phần thiết yếu trong bất kỳ kế hoạch nào liên quan đến vấn đề Do Thái.

Trong khi đó, các gia đình Do Thái trên khắp Ba Lan và các vùng lãnh thổ khác bị quân Đức chiếm đóng đã bị tước đoạt hết nhà cửa, mòn mỏi trong các khu ổ chuột và trại lao động khổ sai. Nhưng nỗi đau khổ và sự sống chết của họ ngày càng không còn liên quan đến Eichmann. Họ là một vấn đề hậu cần cần được giải quyết.

Vào cuối mùa hè năm 1941, Heydrich triệu tập Eichmann đến Berlin và nói với y, “Quốc trưởng đã ra lệnh hủy diệt về mặt thể xác.” Hitler đã ra lệnh tàn sát người Do Thái trong cuộc xâm lược Liên Xô, nhưng giờ đây ông ta muốn số phận tương tự cũng xảy ra với mọi người Do Thái ở châu Âu. Eichmann được cử đi báo cáo về các hoạt động giết người cục bộ đang diễn ra ở Ba Lan dưới sự chỉ đạo của cảnh sát trưởng SS Odilo Globocnik, cũng như các hoạt động do Einsatzgruppen, biệt đội tử thần do Heydrich tổ chức để theo chân Wehrmacht vào Đông Âu và Nga nhằm tiêu diệt người Do Thái, bọn Digan lang thang, bọn  Cộng sản và bất kỳ “kẻ thù” nào khác của Đế chế. Gần Lodz, đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị tập trung lại và chất lên những chiếc xe tải bịt kín rồi bơm khói thải của các phương tiện đó vào. Ở Minsk, họ bị đẩy xuống hố, bị ra lệnh cỡi hết quần áo và sau đó bị bắn từng hàng trăm con người. Bất chấp sự thù ghét của mình đối với người Do Thái, Eichmann vẫn thấy bực mình trước những gì mình nhìn thấy và đã nói với Müller như vậy. Đây không còn là một “giải pháp chính trị,” Eichmann nói. Đồng thời, y lo sợ rằng chính sách mới sẽ làm mất đi sự cần thiết của cơ quan y. Chính nỗi sợ mất vị trí và quyền lực này của mình đã vượt xa những nghi ngại của y, và sau khi cân nhắc kỹ hơn, y chấp nhận sự cần thiết phải loại bỏ người Do Thái ra khỏi châu Âu bằng cách tiêu diệt họ.

Vào ngày 20 tháng 1 năm 1942, Heydrich tập hợp được 15 các quan chức lãnh đạo của Đế chế quan tâm đến vấn đề Do Thái tại một biệt thự ven hồ ở Wannsee, ngoại ô phía tây nam Berlin. Chương trình nghị sự là tạo ra các kế hoạch có hệ thống cho Giải pháp Cuối cùng và tập trung công việc vào tay SS. Eichmann đã chuẩn bị các phúc trình về các biện pháp chống người Do Thái, việc trục xuất và lập thống kê về 11 triệu người Do Thái theo từng quốc gia cho.mục tiêu hủy diệt. Y cũng đã ghi biên bản cuộc họp. Sau đó, y uống rượu brandy với Heydrich và Müller, chúc mừng vai trò lãnh đạo của họ khi họ ngồi bên đống lửa, vừa nhâm nhi vừa đưa mắt nhìn tuyết rơi. Mặc dù chỉ mới được thăng cấp trung tá gần đây, Eichmann đã được giao nhiệm vụ làm “quan chức có thẩm quyền” phụ trách điều phối mọi vấn đề liên quan đến Giải pháp Cuối cùng tại RSHA. Y xua tan mọi cảm giác tội lỗi và khó chịu còn sót lại có thể cảm thấy khi thấy mình  dính líu đến vụ giết người hàng loạt bằng cách tự nhủ rằng chính các ông chủ của y, “các Giáo hoàng,” mới là người “ra lệnh”.

Eichmann đảm nhận công việc mới của mình với sự hăng hái đặc trưng. Y lý luận rằng mình đã không đặt ra chính sách tiêu diệt.mà trọng trách của y chỉ là quản lý việc hoàn thành nó. Càng đưa nhiều người Do Thái đến các trại tử thần,  y càng được lòng cấp trên và y nghĩ rằng mình càng phục vụ tốt hơn cho Đế chế. Y đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đưa hàng triệu người Do Thái trên khắp châu Âu đến chỗ chết. Nhưng với mỗi thử thách, với mỗi thắng lợi, y càng bị ám ảnh hơn về công việc của mình, càng bị thuyết phục hơn về tầm quan trọng của nó và càng bị thu hút bởi quyền lực mà y nắm giữ đối với sự sống chết. Bọn Do Thái không còn là một con người, thậm chí không còn là một đơn vị để di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Do Thái giáo là một căn bệnh đe dọa mọi người Đức. Y viết: “Họ đang cướp đi hơi thở cuộc sống của chúng tôi”. Họ cần phải bị tiêu diệt, và y là người sẽ giải quyết vấn đề này đến cùng. Ở Hungary, Eichmann đạt tới đỉnh cao của sự man rợ. Y là minh chứng sống động cho câu ngạn ngữ “Quyền lực có xu hướng tham nhũng; quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối”.

Khi quan sát Salzburg vào tháng 5 năm 1945, Eichmann cố gắng phủ nhận con người mà  mình đã trở thành, nhưng y không quá ảo tưởng đến mức nghĩ rằng quân Đồng minh sẽ không săn lùng y, đặc biệt là với vai trò công khai bất thường mà y đã đảm nhận ở Hungary. Y muốn quay trở lại Đức vì biết rằng ở đó có cơ hội tránh bị phát hiện tốt hơn ở Áo, nơi y đã dành phần lớn cuộc đời mình. Nhưng nó sẽ không dễ dàng. Từ vị trí thuận lợi cạnh lâu đài, y có thể trông thấy người Mỹ đang canh gác trên tất cả các con đường dẫn vào và ra khỏi Salzburg.

Y tuyển một y tá địa phương để giúp y  và Jänisch trốn thoát. Cô dẫn họ đến trạm kiểm soát và nói với người Mỹ rằng hai hạ sĩ Không quân Đức này rất nghèo và chỉ muốn trở về quê hương. Lính canh để họ đi qua.

Eichmann và Jänisch sau đó cần phải vượt qua biên giới Đức để vào được Bavaria. Ẩn mình bên đường cao tốc, y quan sát một đoàn xe đưa tang với một só thân nhân có lính đi cùng băng qua biên giới mà không bị lính gác Mỹ xét hỏi. Nhưng khi Eichmann và Jänisch đuổi theo thì cả hai đã bị chặn lại. Lần này, một người lính kiểm tra họ kỹ hơn và phát hiện ra một khối hình xăm màu đen dài 1/4 in-xơ  ở mặt dưới cánh tay trái của Eichmann cho biết nhóm máu của y. Eichmann thầm chửi rủa Himmler vì đã ra lệnh các thành viên SS phải xăm hình. Khi ở trên núi, y đã cố gắng đốt cháy hình xăm bằng điếu thuốc đang cháy nhưng vẫn có thể phân biệt được.

Thế là họ  được đưa bằng xe tải đến một trại giam được canh gác nghiêm ngặt. Eichmann tự giới thiệu mình là trung sĩ Barth của Waffen-SS (Lực lượng Vũ trang SS), nhưng trong vài ngày tiếp theo, y không thể không nhận thấy rằng người Mỹ đối xử với các sĩ quan Đức tốt hơn những lính trơn. Khi bị một trung úy Mỹ nói tiếng Đức thẩm vấn, y đã tự tạo ra một danh tính mới cho mình.

Khi bị hỏi tên, y trả lời: “Otto Eckmann.” Đó là một cái tên đủ gần gũi với tên thật đến mức y sẽ trả lời ngay cả khi bị phân tâm. Ngoài ra, nếu ai đó  quen biết gọi tên thật của y, điều đó có thể không làm lính canh nghi ngờ. “Cấp bậc?”

“Thiếu úy, Sư đoàn kỵ binh Waffen-SS số 22.”

“Sinh?”

“Vâng, tất nhiên,” Eichmann nói, với một chút kiêu ngạo, “Ngày 19 tháng 3 năm 1905. Ở Breslau.”

Nó sớm hơn một năm so với năm sinh thực sự của y – rất dễ nhớ – và y đã chọn Breslau vì thành phố này nằm trong tay  người Nga và đã bị tàn phá bởi các chiến dịch ném bom liên tục, mà y ngờ rằng có thể cũng sẽ phá hủy bất kỳ trụ sở đăng ký hộ tịch nào của giáo xứ.

Sĩ quan Mỹ ghi lại những chi tiết này, và sau khi hỏi một số câu hỏi cơ bản về công việc thời chiến của Eichmann, anh ta cho  Eichmann lui ra và ra lệnh cho y trở lại với đội lao động của mình. Viên Trung úy có cả một đơn vị xe vận tải Đức để tra hỏi trước khi hết ngày.

Trong tháng 6, Eichmann và Jänisch được chuyển từ trại tạm thời này sang trại tạm thời khác, sống nhờ khẩu phần lính và than khóc sự mất mát của Đệ tam Đế chế. Trong những chuyến luân chuyển giữa các trại, Eichmann chứng kiến ​​cảnh đổ nát xung quanh mình. Những chiếc xe tăng và ô tô bị phá hủy nằm rải rác trên đường, và những đống kim loại méo mó từng là máy bay nằm rải rác trên cánh đồng. Những cây cầu bị phá hủy và các tuyến đường sắt bị bứt rời, và hầu hết các thị trấn đều hứng chịu các chiến dịch ném bom bừa bãi, các tòa nhà của chúng biến thành đống gạch vụn. Nhưng không có sự tàn phá nào sánh bằng sự tàn phá con người.

Hàng trăm ngàn người tị nạn, nhiều người trong số họ vừa mới được giải thoát khỏi các trại lao động tập trung và khổ sai, lang thang chật cứng các con đường và tràn ngập các ngôi làng mà tù binh đi qua. Ăn mặc không hơn gì giẻ rách, đôi giày tả tơi nhồi nhét giấy báo, họ co ro trong những ngôi nhà trống toác và cháy đen hoặc đi thành từng nhóm nhỏ hướng tới một nơi  vô định, mang theo một số tài sản ít ỏi trong túi vải vắt trên  vai. Họ vội vàng đào mộ hai bên đường để chôn những xác chết bị quên lãng.

Tại một trại trong rừng Bavarian, Eichmann gặp một sĩ quan người Đức tên là Rudolf Scheide, đang làm phụ tá cho chỉ huy trại. Ngoan ngoãn, Eichmann nói rõ  tên thật của mình và giải thích rằng mình muốn được đăng ký dưới tên giả là Eckmann. “Anh muốn làm gì với tên của mình là việc riêng của anh,” Scheide nói với y một cách phớt lờ. Anh ta phải giải quyết với hàng trăm tù binh chiến tranh đến bằng xe tải mỗi ngày.

Vào cuối tháng 6, Eichmann và Jänisch được đẩy lên một chuyến vận tải khác và chuyển đến một trại khác, ở Weiden, cách Nuremberg 50 dặm về phía đông. Trại này là một khu vực rộng lớn có dây thép gai bao quanh. Một biển binh lính, trong đó có hơn 2.000 sĩ quan, chen chúc trong trại, nhiều người phải trú ẩn trong những cái hố họ đào trên mặt đất vì có rất ít lều bạt. Họ sử dụng các rãnh đào làm nhà vệ sinh và chỉ nhận được rất ít thức ăn và nước uống cho hàng nghìn người.

Eichmann đã rơi xuống một con dốc dài kể từ những ngày sống trong một  biệt thự sang trọng nhìn ra Budapest, được người hầu chiều chuộng và uống toàn loại rượu thượng hạng. Tuy nhiên, Weiden chẳng là gì so với những nơi y đã gửi những”kẻ thù của Đế chế” đến.Trong khi Otto Eckmann quần quật trong đội lao động của mình, thì những kẻ thù đó, những người được sống sót, bắt đầu tìm hiểu bản chất vị trí của y trong SS. Chẳng bao lâu nữa Adolf Eichmann sẽ không còn đơn thuần chỉ là một trong số hàng chục nghìn tên bị truy bắt. Y sẽ trở thành mục tiêu chính.

Bình luận về bài viết này