Lược sử các Giáo Hoàng- Bài 1

Christopher Lascelles

Trần Quang Nghĩa dịch

Ghi chú về Tựa đề

Từ Latin Pontifex kết hợp từ pons (cầu) với facere (làm). Maximus có nghĩa là ‘vĩ đại nhất’. Do đó Pontifex Maximus có nghĩa là ‘Người xây cầu vĩ đại nhất’.

Pontifex Maximus là tước hiệu ban đầu được trao cho trưởng tế ngoại giáo của Collegium Pontificum, Viện Tư Tế ở La Mã cổ đại. Vai trò của Pontifex Maximus là bắt nhịp cầu nối con người và các vị thần bằng cách giải thích những điềm báo để xác định sự ưu ái và cố vấn của thần linh cho Viện Nguyên lão về các vấn đề liên quan. Danh hiệu này ban đầu có thể được sử dụng theo nghĩa đen, được trao cho những người xây cầu bắc qua sông Tiber, dòng sông thiêng liêng của La Mã cổ đại.

Tước hiệu này được khao khát vì uy danh của nó và được chiếm đoạt độc quyền bởi các gia đình La Mã nổi tiếng. Năm 63 trước Công nguyên, Julius Caesar được bầu làm Pontifex Maximus và giữ chức vụ này cho đến khi ông qua đời vào năm 44 trước Công nguyên, sau đó các hoàng đế La Mã tự động đảm nhận tước vị này cho đến cuối thế kỷ thứ tư. Kết quả là trong vài trăm năm các hoàng đế La Mã vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu giới tư tế ngoại giáo.

Cùng thời điểm Cơ đốc giáo trở thành quốc giáo của đế quốc, Hoàng đế Gratian (367-83) đã từ bỏ tước hiệu này và phong nó cho Giám mục La Mã, người từ đó trở thành đại giáo sĩ của Đức tin Thiên chúa giáo với trách nhiệm bảo vệ giáo lý và giữ gìn đức tin thuần khiết. Thuật ngữ ‘pontiff’, đôi khi được sử dụng để gọi giáo hoàng, có nguồn gốc từ Pontifex, và nhiều nhà thờ và lăng mộ giáo hoàng ở La Mã mang tên dòng chữ ‘Pont. Max’.

Ngày nay, tước hiệu Supreme Pontiff chỉ là một trong nhiều tước vị do giáo hoàng nắm giữ. Danh sách chính thức là: Giám mục La Mã, Đại diện Chúa Giêsu Kitô, Người kế vị Ông Hoàng các Tông đồ, Người Xây cầu Tối cao của Giáo hội Hoàn vũ, Tổng Giám mục Ý, Tổng Giám mục Tỉnh La Mã, Nguyên thủ Nhà nước Thành phố Vatican và Tôi tớ của các tôi tớ của Chúa.

“Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”

Tin Mừng Matthew, 7:20

GIỚI THIỆU

Ý kiến ​​​​về các giáo hoàng có nhiều phạm trù: từ sự tôn sùng ngờ nghệch, đến thái độ thù địch ăn sâu, đến nhận thức mơ hồ về một chuỗi các ông già không thích đáng ‘phán truyền’ một cách khó hiểu bằng tiếng Latinh và đội một chiếc mũ ngộ nghĩnh. Nhưng lịch sử của các giáo hoàng là một vấn đề nghiêm túc. Giáo hoàng ngày nay là một nhà lãnh tụ của thế giới, quốc vương của Thành phố Vatican rộng 108,7 mẫu Anh, và là người đứng đầu tinh thần của một tôn giáo có hơn một tỷ tín đồ. Dù quan điểm của bạn về ông ấy là gì, không thể phủ nhận rằng ông ta vẫn có ảnh hưởng lớn trên trường thế giới. Khi ông ấy nói, thế giới lắng nghe.

Trong khi chức vị giáo hoàng đã có ảnh hưởng sâu sắc đến  lịch sử thế giới, lịch sử của chính nó đôi khi rất kỳ lạ đến mức khó tin. Các giáo hoàng đã từng cầm đầu đạo quân giáo hoàng, từng phải cải trang để tẩu thoát, từng làm cha những đứa con (trong đó có cả các giáo hoàng tương lai), và từng cho phép tra tấn. Các ngài đã từng  bị bắt, bị hành hung, bị sát hại và thậm chí bị rút phép thông công. Nỗ lực làm mù mắt một giáo hoàng dẫn đến việc tái thành lập Đế chế La Mã ở phương Tây. Trong khi một số giáo hoàng từng được ngưỡng mộ và tôn trọng, những người khác lại bị ghét bỏ đến mức đám tang của họ bị gián đoạn và tượng của họ bị phá bỏ sau khi họ qua đời. Một số giáo hoàng biểu hiện các triệu chứng hoang tưởng và rối loạn tâm thần lâm sàng và nhiều vị là kẻ thù của tự do và tiến bộ, gây chia rẽ hơn là đoàn kết. Câu chuyện của họ là một câu chuyện phức tạp và mâu thuẫn.

Trong cuốn sách này, tôi đã cố gắng xem xét lịch sử của các giáo hoàng qua các thời đại từ góc nhìn toàn cảnh. Tôi đã ghi lại sự thật nhưng tôi cũng hướng cái nhìn phê phán vào cuộc đấu tranh để thể hiện những lý tưởng của Cơ đốc giáo và, khi thích hợp, sẽ vạch trần mức độ mà nhiều vị rất thiếu những ý tưởng đó hoặc, trong nhiều trường hợp không hề quan tâm đến chúng. Tất nhiên, có một số giáo hoàng xuất sắc và tôi cũng cố gắng nêu bật những điều này.

Đây không phải là một công việc học thuật. Cuốn sách này hướng tới độc giả phổ thông, những người không có nhiều thời gian và đang tìm kiếm một cái nhìn tổng quan dễ tiếp cận, không bị cản trở bởi những thuật ngữ giáo hội và những tranh cãi mang tính học thuật. Một cuốn sách dài như thế này nhất thiết phải là một lời giới thiệu trong đó sự đơn giản hóa là điều tất yếu và trong đó có hai ngàn năm lịch sử chỉ có thể tóm tắt bằng những nét khái quát.

Tôi đã cố gắng trình bày những điểm nổi bật, vì việc chú ý như nhau đến mọi vị sẽ là điều buồn tẻ và không có tính hướng dẫn và xem xét ảnh hưởng không cân xứng của một số tính cách. Hơn nữa, gần 17 phần trăm các giáo hoàng phục vụ chưa đầy một năm, và như bất kỳ chính trị gia nào cũng sẽ nói với bạn, điều này không để lại nhiều thời gian để tạo dấu ấn cho một người. Nếu bạn muốn đọc tiểu sử của mỗi vị giáo hoàng liên tiếp nhau, tôi giới thiệu cho bạn tác phẩm xuất sắc Tự điển Oxford về các Giáo hoàng. Nếu bạn muốn đọc thêm về chủ đề này, thư mục ở cuối cuốn sách này có thể hữu ích. Tôi mang ơn những tác giả này – Thiên chúa giáo, Tin lành và vô thần – mà các tác phẩm của họ tôi đã tham khảo để viết nên tác phẩm này.

Christopher Lascelles Luân Đôn, tháng 4 năm 2017

MỞ ĐẦU

Ngay sau 8 giờ tối ngày 13 tháng 3 năm 2013, Jorge Mario Bergoglio, Giáo hoàng mới được bầu, Giáo hoàng đầu tiên không phải người châu Âu trong gần 1.300 năm và là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Châu Mỹ Latinh, chuẩn bị xuất hiện trên ban công trung tâm ở mặt tiền tầng hai của Vương cung thánh đường Thánh Peter ở La Mã. Hàng chục ngàn người đã đi từ khắp nơi trên thế giới để chứng kiến ​​cuộc bầu cử của ngài và đã kiên nhẫn tập trung tại Quảng trường Thánh Peter trong buổi lễ ban phước lành đầu tiên của giáo hoàng. Xung quanh ngài là một số cố vấn có vai trò đảm bảo rằng ngài tuân thủ các nghi thức tuyển cử.

Theo truyền thống, tân giáo hoàng sẽ mặc ‘mozzetta’, một chiếc áo choàng dài đến vai bằng nhung đỏ được trang trí bằng lông trắng và có viền lông chồn. Nhưng khi chiếc áo choàng được Đức ông Guido Marini, người chủ trì nghi lễ của Giáo hoàng, mang đến cho ngài, Francis  đã khiến tất cả những người xung quanh ngạc nhiên khi nói rằng ngài không muốn mặc nó. Sau đó, một vị hồng y phó tế mở hai cánh cửa kính khổng lồ và đi trước ngài ra ban công để giới thiệu ngài với đàn chiên của mình và với thế giới, với dòng chữ Latinh ‘Habemus Papum’ (Chúng tôi có một giáo hoàng).

Sau sự chào đón cuồng nhiệt của đám đông bên dưới, Francis  chào các hồng y của mình không phải bằng cách ngồi trên ngai giáo hoàng như thông lệ mà bằng cách đứng. Sau đó, ngài từ chối chiếc xe limousine của Giáo hoàng đã được sắp xếp để đưa mình trở lại dinh thự Vatican để dùng bữa tối mà thay vào đó, ngài cùng các hồng y khác lên chiếc xe buýt đưa đón đã được bố trí sẵn cho họ. “Chúng ta đã đến cùng nhau nên chúng ta sẽ đi cùng nhau,” ngài nói với họ.

Ngày hôm sau, khi Tổng Giám mục Georg Gänswein, chủ hộ giáo hoàng, giới thiệu với Francis căn hộ của ngài trên tầng ba của Điện Tông Tòa nơi các giáo hoàng đã cư trú hơn 1.000 năm, Francis nhận xét thẳng thắn, ‘Có đủ chỗ cho 300 người ở đây. Tôi không cần tất cả không gian này.” Thay vào đó, ngài đã chọn ở lại Casa Santa Marta, một ngôi nhà nghỉ năm tầng ở rìa Thành phố Vatican nơi tiếp rước các linh mục và giám mục đến tham quan.

Người phát ngôn của Vatican, ngạc nhiên như bất cứ ai về hành động của giáo hoàng, chỉ có thể lắp bắp ‘Ngài ấy đang thử nghiệm lối sống này, tuy đơn giản, nhưng cho phép mình sống hòa mình trong cộng đồng với những người khác.’

Và tin tức cứ tiếp tục đến. Giáo hoàng đã từ chối đôi dép màu đỏ đặc trưng của giáo hoàng, ngài thích đi đôi giày đen cũ mòn của mình; giáo hoàng đã yêu cầu tài xế của mình dừng lại ở khách sạn nơi ngài đã ở trước khi mật nghị bắt đầu để thanh toán hóa đơn để ‘làm gương tốt’; đích thân giáo hoàng đã gọi đến sạp báo địa phương của ngài ở Argentina để hủy đăng ký đặt báo; giáo hoàng đã đề nghị các giám mục  đồng nghiệp của mình ở Argentina đừng lãng phí tiền bạc đến La Mã dự lễ tấn phong của ngài mà thay vào đó lấy tiền đó tặng cho người nghèo; Giáo hoàng đã ẩn danh rời khỏi khuôn viên Vatican để đến thăm một người bạn đang bị bệnh trong bệnh viện. Những chuông điện thoại reo vang. Và đó thực sự là một tin tức lớn. Có vẻ như người đàn ông ngồi trên đỉnh cao của một tôn giáo tuyên xưng sự khiêm tốn, tình yêu thương, tính đạm bạc và giản dị đang cố gắng sống theo phúc âm mà mình rao giảng.

Nhưng tất nhiên, câu hỏi lớn là tại sao? Không phải tại sao việc Giáo hoàng tránh xa sự phô trương và đãi ngộ dành cho chức vụ của mình, lại đáng đưa tin như vậy, mà là tại sao mọi người lại ngạc nhiên trước hành động của ngài ấy. Chắc chắn không phải là không có lý khi mong đợi người đứng đầu Giáo hội Thiên chúa giáo hành động theo cách phù hợp với giáo huấn, luân lý và nguyên tắc của  người được cho là sáng lập nên Giáo hội?

CHƯƠNG 1

Khởi Thủy

“Nhà sử học, xuyên qua sương mù của thời gian, cố gắng truy tìm nguồn gốc của Giáo hội La Mã, tìm thấy rất ít sự thật và rất nhiều ước đoán. Ông ta phải đối mặt với sự bồi đắp ồ ạt của truyền thống và huyền thoại sau này, nhưng gần như hoàn toàn thiếu vắng những ghi chép đương đại.”

Geoffrey Barraclough

Ngay từ nền tảng của mọi quyền thế và do đó là quyền lực cũng như của cải của Giáo hội Thiên chúa giáo và ‘tính ưu việt’ của giáo hoàng nằm ở hai câu trong Tin Mừng Matthew của Tân Ước:

Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô (Peter), nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

Matthew 16:18-19

Tên của Peter (Phêrô ) là Simon trước khi Jesus  đổi tên ông thành Kephas, có nghĩa là ‘đá’ trong tiếng Aramaic, ngôn ngữ được Chúa Jesus  và môn đệ của ngài sử dụng. Chúng ta biết Kephas là Peter, vì các sách phúc âm được viết bằng tiếng Hy Lạp và bản dịch tiếng Hy Lạp của từ ‘đá’ là Petros. Vài thế kỷ sau khi Jesus  thốt ra những lời này, một vị giáo hoàng đã nhìn thấy trong đó bằng chứng rằng Jesus coi Peter là nền tảng của Giáo hội và rằng Người đã trao cho Peter quyền trên tất cả các Kitô hữu.

Có một bản văn khác, lần này là trong Tin Mừng John, cũng được viện dẫn để hậu thuẫn lập luận này:

Khi ăn rồi, Jesus  phán cùng Si-môn Phê-rơ rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng? Phê-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Jesus  phán rằng: Hãy chăn những con chiên con ta.

Ngài lại phán lần thứ hai cùng người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng? Phê-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Jesus  phán rằng: Hãy chăn chiên ta.

John 21:15-16

Vì Peter được cho là đã chết ở La Mã nên Giám mục La Mã được coi là người kế vị Thánh Peter và đại diện của Chúa Kitô trên trái đất, có đầy đủ quyền lực tối cao và thẩm quyền pháp lý phổ quát để cai trị Giáo hội.

Vậy chính xác người này là ai mà Jesus đặt niềm tin tưởng như vậy? Các sách Phúc âm cho chúng ta biết rằng Peter là một ngư dân đến từ Capernaum, trên bờ hồ Galilee thuộc đất nước Israel ngày nay. Ông đã kết hôn và các sứ đồ khác cũng vậy.7 Ông cũng có 8 chiếc thuyền đánh cá riêng, điều này cho thấy ông không nghèo. Các sách phúc âm cũng tiết lộ rằng ông ta có thể bốc đồng và bạo lực (chúng ta được biết rằng ông đã cắt đứt tai một người hầu của thầy tế lễ thượng phẩm trong thời gian Jesus bị bắt). Ông bị Jesus buộc tội là thiếu đức tin, và ông đã công khai phản bội Jesus khi bị thách thức sau khi bị bắt, mặc dù đã hứa sẽ trung thành. Thay vì vâng phục bằng bất cứ giá nào, Peter hỏi Jesus rằng ông sẽ được ban gì để đổi lấy việc từ bỏ mọi sự và theo ngài.Tuy nhiên, bất chấp những khiếm khuyết rất con người của ông, sau sự phục sinh, Peter dường như đã được biến đổi thành một diễn giả đầy quyền lực trước công chúng và một người làm phép lạ có thể làm người chết sống lại. Phúc âm John kể rằng Jesus nói với Peter mình sẽ tử đạo, nhưng không có chỉ dẫn về thời gian và địa điểm.

Theo truyền thống Thiên chúa giáo – không phải Tân Ước – Peter đã dành 25 năm phục vụ ở La Mã với tư cách là giám mục và cùng với sứ đồ Phao-lô (Paul), đã tử đạo tại thành phố này vào khoảng năm 64-67 sau Công Nguyên. Cái chết của họ là một phần của cuộc đàn áp khủng khiếp đối với những tín đồ theo đạo Cơ đốc do lệnh của hoàng đế Nero (54-68 sau Công nguyên), người, cùng với những hành vi tàn ác ngang ngược khác, đã biến những tín đồ Cơ đốc thành những ngọn đuốc sống để thắp sáng khu vườn của mình. Nhà thờ trích dẫn lăng mộ của Thánh Peter, nơi xây dựng vương cung thánh đường Thánh Peter ban đầu, làm bằng chứng về sự hiện diện của Thánh Peter ở La Mã.

Việc cả Peter và Paul được cho là đã chết ở La Mã đã được lợi dụng để coi thành phố này có quyền ưu tiên hơn bất kỳ thành phố nào khác nơi các nhà thờ được thành lập bởi các sứ đồ của Jesus

Vì những tuyên bố này của Giáo hội Thiên chúa giáo là rất cơ bản đối với thể chế của giáo hoàng, chúng ta hãy điều tra chúng một cách ngắn gọn trước khi chuyển sang lịch sử những người kế vị Thánh Peter.

Việc Peter có vai trò dẫn đầu trong các môn đệ Chúa Jesus được Tân Ước chứng thực: Peter là người đầu tiên đáp lại lời mời gọi của Jesus; ông được nhắc đến đầu tiên trong bất kỳ danh sách sứ đồ nào; ông là tông đồ đầu tiên nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh; và là người đầu tiên rao giảng cho đám đông vào Lễ Ngũ Tuần. Đó là một danh sách đầy ấn tượng về những điều đầu tiên, nhưng lại là một câu hỏi khác liệu Jesus có yêu cầu Peter đại diện cho ngài trên trái đất, thành lập và lãnh đạo Giáo hội của ngài, cũng như truyền lại cây gậy quyền lực này cho những người khác, những người sẽ đến lượt họ lãnh đạo Giáo hội với tư cách là những người kế vị ngài hay không. Thật không may, nó không rõ ràng như Giáo hội muốn chúng ta tin tưởng.

Sự hiện diện của Peter ở La Mã

Không có bằng chứng chắc chắn nào về việc Peter  từng đến thăm La Mã hoặc chết ở đó – mặc dù cũng không có bằng chứng chắc chắn nào cho nhiều điều chúng ta giả định về thế giới cổ đại. Trong khi Sách Công vụ xác định Peter chắc chắn ở cả Jerusalem và Antioch (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhất, lại không có đề cập nào đến việc ông đến La Mã hoặc từng làm giám mục ở đó. Tân Ước có cung cấp một lá thư, được cho là do Peter viết, nói rằng ông đang ở ‘Babylon’, từ mã hóa của tín đồ Cơ đốc thuở đầu để chỉ La Mã. Nhưng ngoài điều này ra, Giáo hội hoàn toàn dựa vào truyền thống truyền miệng và vào lời kể của một số Giáo phụ đầu tiên viết vào thế kỷ thứ hai, những người có thể đã dựa hoặc không dựa vào các tài liệu sau đó bị tiêu hủy. Trong mọi trường hợp, không có tài liệu viết nào trước đó liên quan đến Peter  ở La Mã còn tồn tại.

Một lập luận cho rằng nếu Christ thực sự bổ nhiệm Peter lãnh đạo Giáo hội của ngài, và nếu Peter thực sự đã thành lập, lãnh đạo hoặc thậm chí giám sát Giáo hội ở La Mã, rồi bị xử tử và chôn cất ở đó, thì chắc chắn sẽ có đề cập rõ ràng đến sự hiện diện của ông tại thành phố trong Tân Ước, phần lớn được viết sau khi Peter qua đời? Trên thực tế, không chỉ nơi Peter qua đời mà cả số phận của ông nói chung đều được Tân Ước xử lý một cách đặc biệt mơ hồ. Lần cuối cùng chúng ta nghe về ông là một câu trong Sách Công vụ nói rằng Peter đã rời đi và đi đến một nơi khác. Từ lúc này trở đi, Paul thay thế và được nhắc đến thường xuyên hơn Peter. Thực ra, chúng ta biết về Paul trong Tân Ước nhiều hơn tất cả các sứ đồ khác gộp lại. Paul đã làm nhiều hơn Peter trong việc thiết lập Giáo hội thông qua hoạt động truyền giáo của ông và chuyến viếng thăm La Mã của ông được đề cập một số chi tiết trong Công vụ 27 và 28. Vậy thì tại sao Peter không được nhắc đến dù chỉ trong một trong những lá thư của Paul gửi đến hoặc nhận được từ người La Mã?

Bất kể sự thật về mối quan hệ của Peter  với thành phố là gì, một ngôi mộ đã được xây dựng ở đó vào khoảng năm 160 sau Công Nguyên, khoảng 100 năm sau ngày ông qua đời, và chính ngôi đền này đã được Giáo hội La Mã sử ​​dụng để chứng minh cho những tuyên bố của mình. Chính tại địa điểm này mà Hoàng đế Constantine đã xây dựng vương cung thánh đường Thánh Peter đầu tiên vào thế kỷ thứ tư. Năm 1968, Giáo hoàng Paul VI thông báo rằng một số xương được khai quật từ bên dưới vương cung thánh đường là của một người đàn ông khoảng 61 tuổi, có niên đại từ thế kỷ thứ nhất, và tiếp đó tuyên bố rằng đó là xương của Thánh Peter. Tuy nhiên, điều này không thể được chứng minh, nhất là vì nó dựa trên giả định mong manh rằng ngôi đền ban đầu được xây dựng trên nơi chôn cất Peter .

Thẩm quyền phổ quát của Thánh Peter

Ngoài việc thiếu bằng chứng vật chất hoặc bằng văn bản đương thời chứng tỏ Thánh Peter từng là Giám mục La Mã, còn có điều chắc chắn là không có gì cho thấy quyền lực của ông trong Giáo hội là tối cao hoặc có ý định được truyền riêng cho những người kế vị ông; còn ít chắc chắn hơn nhiều là nó phải được liên kết vĩnh viễn với một thành phố. Thật vậy, Sách Công vụ và các lá thư Tân Ước cho thấy rằng nhiều thẩm quyền đã được chia sẻ trong các cộng đồng Cơ-đốc nhân đầu tiên.

Có nhiều chỗ trong Tân Ước đề cập đến việc “các trưởng lão” của Giáo hội đưa ra các quyết định tập thể. Những người này có thể là những người cải đạo sớm hoặc những người nổi bật nhờ kinh nghiệm, kiến ​​thức, trí tuệ hoặc tuổi tác của họ. Chỉ đến đầu thế kỷ thứ nhất, các giáo hội Châu Á ở Palestine, Syria và Tiểu Á, nơi Kitô giáo lần đầu tiên phát triển, mới bắt đầu chính thức hóa cơ cấu lãnh đạo của họ, hiểu rằng một cộng đồng đang phát triển cần có sự lãnh đạo, quản lý đúng đắn và một phương tiện phân xử trong các trường hợp tranh chấp. Những cơ cấu này bao gồm các giám mục và linh mục, những người bổ nhiệm các phó tế (nam và nữ) để xử lý các công việc hành chính và phân phát kinh phí, và họ lẽ ra đã được bầu chứ không được bổ nhiệm. Bản thân các nhà thờ không giống với những gì chúng ta nhận thấy ngày nay, với những tòa nhà được chỉ định để những người thờ phượng gặp nhau. Đúng hơn, những tín đồ Cơ đốc sẽ gặp nhau thành từng nhóm nhỏ tại nhà riêng, thường lén lút vì sợ thu hút sự chú ý của chính quyền. Trong hoàn cảnh như vậy, phạm vi phát triển hệ thống phân cấp có tổ chức sẽ rất hạn chế.

Điều chúng ta biết là người dân trong các cộng đồng này có thói quen viết thư cho nhau để khích lệ nhau khi đối mặt với sự bắt bớ và chia sẻ vấn đề đức tin. Do đó sẽ rất hữu ích để có thể gửi lá thư tới một người cụ thể trong cộng đồng mà họ nhắm tới. Các cộng đồng địa phương hẳn đã bầu chọn người mà họ tin là phù hợp nhất để đại diện cho họ, với những người đứng đầu các cộng đồng lớn nhất trong các thành phố chính tự nhiên đạt được uy tín lớn nhất. Họ cũng có thể cần một phát ngôn viên – tương đương với một người quản lý quan hệ công chúng – đại diện cho họ với cơ quan chức năng và để chống lại tin đồn vu khống. Như Judith Herren viết, ‘từ khởi đầu khiêm tốn này với tư cách là người được đề cử để đại diện một cộng đồng cụ thể, vị trí giám mục đã phát triển thành một vị trí cao quý hơn’.

Thẩm quyền của Peter trong thánh thư còn lâu mới mang tính phổ quát. Trên thực tế, có một số ví dụ về việc người khác có thẩm quyền hơn ông. Trong Sách Công vụ 23, chính các sứ đồ đã sai Peter và môn đồ John đến Sa-ma-ri. Nếu Peter được trao quyền tối cao trong Giáo hội thì có phải chính ông mới là người sai đi không? Chúng ta được cho biết rằng một trong những anh em của Jesus, Gia-cơ (James), được bổ nhiệm làm người đứng đầu hội thánh ở Jerusalem và lời nói của ông gợi ý rằng ông cũng đưa ra những quyết định phổ quát. James nói với các anh em Cơ-đốc nhân của mình: ‘Vì vậy, tôi đã quyết định rằng chúng ta sẽ không gây khó khăn cho những người ngoại đang quay về với Đức Chúa Trời.’ Điều này ngụ ý rằng giới lãnh đạo của Giáo hội cư trú tại Jerusalem, một sự kiện hợp lý vì chính hội thánh tại Jerusalem là nơi đã cử những người truyền giáo đi truyền bá phúc âm hoặc là nơi ít nhất quyền lãnh đạo của Giáo hội sơ khai đã được chia sẻ. Tại một thời điểm, còn lâu mới nhận ra được thẩm quyền của Peter, Paul thậm chí còn khiển trách ông ta vì thói đạo đức giả. Về phần mình, Peter chỉ tự coi mình là trưởng lão trong số những trưởng lão khác.

Những câu Kinh thánh quan trọng mà Giáo hội khẳng định rằng Peter là tảng đá trên đó Jesus sẽ xây dựng Giáo hội của Ngài chỉ có thể được tìm thấy trong Tin Mừng Matthew. Nếu Jesus thực sự có ý định thành lập một Giáo hội và bổ nhiệm Peter lãnh đạo Giáo hội đó, thì chắc chắn các tài liệu phúc âm khác sẽ đề cập đến điều này. Hơn nữa, chỉ bốn câu sau đó, Jesus đã liền quở trách Peter rằng: “Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Như vậy, ngay lập tức sau khi Jesus trao cho Peter quyền trói buộc mọi sự trên trái đất và trên trời, ngài lại gọi ông là Satan. Mặc dù không có cá nhân nào hoàn hảo trong Kinh thánh – ngay cả chính Jesus cũng trải qua những giây phút yếu đuối – tuy nhiên điều này khó lòng là một sự hậu thuẫn rõ ràng.

Thật thú vị khi lưu ý rằng hai chương sau trong cùng một phúc âm, Jesus nói với tất cả các môn đệ rằng bất cứ điều gì họ buộc ở dưới đất cũng sẽ bị ràng buộc ở trên trời, ngụ ý rằng không chỉ Peter mới được trao quyền đó. Trong John 20:23, Jesus cũng nói với các môn đồ rằng tất cả họ đều có khả năng tha tội. Nhưng chắc chắn điều cốt yếu là những sự kiện được mô tả trong Bữa Tiệc Ly trong Tin Mừng Luke, trong đó các môn đệ tranh cãi xem ai sẽ được coi là lớn nhất. Nếu Jesus thực sự đã nói rõ rằng ngài muốn Peter thành lập và lãnh đạo Giáo hội, thì tại sao lại xảy ra việc tranh luận về câu hỏi này? Dù sao đi nữa, câu trả lời của Jesus rất rõ ràng: ‘Các vua dân ngoại thống trị họ; và những kẻ thực thi quyền lực đối với họ tự gọi mình là Nhà hảo tâm. Nhưng các anh không được như vậy. Ngược lại, người lớn nhất trong anh em phải như người trẻ nhất, và người chỉ huy phải như người phục vụ.’ Nói cách khác, ngài nói rõ rằng không ai trong số họ phải lớn hơn người nào. Peter hiểu rõ thông điệp này. Không giống như các giáo hoàng tương lai, thường yêu cầu mọi người phải quỳ trước mặt mình và hôn chân mình, Thánh Peter vẫn khiêm nhường. Sách Công vụ cho chúng ta biết rằng khi một người tên là Cornelius sấp mình xuống dưới chân ông một cách tôn kính, Peter bảo ông đứng dậy và nói rằng mình chỉ là một con người.

Vậy thì làm thế nào mà Giám mục La Mã giành được vị trí có thẩm quyền đối với Giáo hội? Nhà sử học John Julius Norwich nói rằng ‘lý do rõ ràng cho việc [Peter] được thăng chức (với tư cách là người đứng đầu Giáo hội Thiên chúa giáo) là khi, trong thế kỷ thứ hai, nhà thờ ở La Mã đã giành được quyền ưu tiên thực sự đối với các nhà thờ đồng hương của mình – phần lớn nhờ uy tín La Mã là kinh đô đế quốc – nó tìm cách biện minh cho vị trí của mình: và ở đó, nằm sẵn sàng trong tay, là Matthew 16:18. Nói cách khác, quyền tối thượng của tòa giám mục La Mã hầu như không có gì liên quan đến sự hiện diện của Peter ở đó và mọi thứ đều liên quan đến thực tế rằng La Mã về mặt lịch sử là thành phố quan trọng nhất trong Đế chế La Mã. Tòa thánh La Mã đã sử dụng các phúc âm để xác nhận tính ưu việt của nó có tính hồi tố thay vì đạt được tính ưu việt nhờ các câu phúc âm, như Giáo hội vẫn muốn chúng ta tin. Từ đây chỉ là một bước nhỏ để Tòa thánh La Mã tuyên bố mình là trọng tài toàn cầu và trung tâm mệnh lệnh của Giáo hội. Như chúng ta sẽ thấy, điều này càng được củng cố khi Kitô giáo trở thành tôn giáo chính thức của Đế chế La Mã vào cuối thế kỷ thứ tư và các thành phố có nhà thờ được cho là do các tông đồ thành lập sẽ được cấp địa vị tương xứng với tầm quan trọng dân sự của chúng.

Tất nhiên là có nhiều cộng đồng quan trọng và hưng thịnh khác hoàn toàn hợp lý khi coi mình ngang bằng hay hơn hẳn về tính ưu việt so với La Mã, bao gồm các thành phố có nhà thờ được thành lập bởi các sứ đồ như Jerusalem, Antioch và Alexandria. Khi mà các giám mục La Mã cố gắng thực hiện quyền tài phán đối với những nhà thờ này, họ đã vấp phải sự chống đối mạnh mẽ.

Những người kế vị ban đầu của Thánh Peter

Nếu có những thắc mắc về Thánh Peter, hồ sơ lịch sử cũng không đầy đủ về bốn hoặc năm người tiếp theo được đề cập trong danh sách các giáo hoàng ban đầu. Mặc dù có rất ít điều trong lịch sử cổ đại hoặc trung cổ có thể được xác minh một cách chắc chắn, nhưng việc thiếu hiểu biết về những người từng giữ chức vụ giám mục của La Mã cho đến tận cuối thế kỷ thứ ba là kết quả của việc các ghi chép bị hủy hoại trong các cuộc đàn áp Kitô hữu đã diễn ra trong thời gian đó và sau đó.

Annuario Pontificio (Niên giám Giáo hoàng), thư mục chính thức của Tòa Thánh, tuyên bố rằng ngày bắt đầu và kết thúc của các triều đại giáo hoàng đầu tiên là không chắc chắn trong hai thế kỷ đầu, nhưng điều này giả định trước hết rằng chúng ta biết ai là một vài giáo hoàng đầu tiên mà thực sự chúng ta không biết. Trong khi chắc chắn là có một số đảm nhận vai trò lãnh đạo nhiều hơn những người khác trong thời kỳ đó, không có bằng chứng nào cho thấy những người này tự nhận mình là người kế nhiệm Peter chứ đừng nói gì đến người đại diện của Chúa Kitô trên mặt đất. Hơn nữa, niềm tin rằng việc Đấng Christ sắp trở lại thế gian khiến cho vai trò lãnh đạo chính thức lâu dài trở thành vấn đề thứ yếu. Chỉ đến thế kỷ thứ hai, khi Giáo hội cảm thấy cần thiết phải biên soạn một danh sách các giám mục ở La Mã để chứng minh khẳng định của mình rằng việc giảng đạo thực sự của Giáo hội đã được truyền từ giám mục này sang giám mục khác, thì những người này mới được bổ nhiệm trở về trước trong vai trò người kế vị Thánh Peter.

Những cái tên Linus, Anacletus (trong lần lặp lại này hay lần khác) và Clement xuất hiện trong danh sách các giáo hoàng lâu đời nhất còn tồn tại, nhưng không có ghi chép lịch sử nào khác tồn tại về những nhân vật này. Ngoài ra, nhiều danh sách trong số này không còn tồn tại ở dạng ban đầu (hầu hết các bản thảo cổ đều là bản sao của các bản sao) và niên đại của chúng trái ngược nhau. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là không có danh sách nào thực sự bắt đầu với Peter. Như Geoffrey Barraclough, một nhà sử học về Giáo hoàng thời Trung cổ đã chỉ ra rằng tục lệ coi Peter là Giám mục đầu tiên của La Mã chỉ xuất hiện vào khoảng năm 220.

Danh sách sớm nhất về các giáo hoàng, được biên soạn bởi một Cơ đốc nhân đến từ Syria tên là Hegesippus, được cho là viết vào khoảng thời gian năm 150 mặc dù niên đại này không thể được xác minh vì tài liệu gốc đã bị mất. Irenaeus (mất khoảng 200), một giám mục từ Gaul,  đã viết danh sách của mình khoảng 30 năm sau nhưng bằng chứng hỗ trợ mà ông đưa ra cho danh sách này cùng lắm là giả mạo. Hippolytus, một nhà thần học thế kỷ thứ ba, cũng đã lập một danh sách, nhưng giống như danh sách của Hegesippus, không có phiên bản gốc nào còn tồn tại. Danh sách chính thức sớm nhất mà chúng ta có – Liber Pontificalis – có niên đại từ năm 354 nhưng dữ kiện trong hai thế kỷ đầu tiên không đáng tin cậy.

Vậy chúng ta biết gì về Linus, Anacletus và Clement? Chúng ta không biết gì về Linus ngoại trừ việc ai đó có cái tên này được đề cập trong Tân Ước Không có gì được biết đến là Anacletus (hay Cletus). Chúng ta không biết một trong hai người này đã chết như thế nào, mặc dù Liber Pontificalis không đáng tin cậy nói rằng họ đã ‘được trao vương miện tử đạo’. Theo như Clement được cho biết, chúng ta chỉ có một tài liệu tham khảo tạm thời về một người có tên đó. Theo truyền thuyết, Clement đã tử đạo dưới triều đại của Hoàng đế Trajan: dường như được Trajan cử đi làm việc ở một số mỏ đá cẩm thạch ở Pontus (đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ), Clement được cho là đã cải đạo rất nhiều công nhân sang Cơ đốc giáo đến nỗi ông bị hành quyết bằng cách trói vào mỏ neo và ném xuống biển.

Một lá thư có vẻ là của Clement tồn tại, rõ ràng là tài liệu Kitô giáo đích thực sớm nhất bên ngoài Tân Ước, trong đó ông trả lời một vụ tranh cãi liên quan đến việc phế truất một số linh mục ở thành phố Corinth. Clement khẳng định quyền tông truyền của các giám mục và linh mục với tư cách là những người cai trị Giáo hội và kêu gọi phục hồi họ. Bởi vì bức thư này mang giọng điệu uy quyền của giáo hoàng nên nó thường được coi là bằng chứng cho thấy Clement đang lãnh đạo Giáo hội vào thời điểm đó. Tuy nhiên, quyền tác giả của bức thư này vẫn chưa chắc chắn.

Bước sang đầu thế kỷ thứ hai,  các giáo hoàng kế vị sau  Clement cai trị từ 5 đến 10 năm mỗi vị. Một số người trong số họ có thể đã chịu tử đạo vì đức tin của mình dưới các cuộc bức hại định kỳ của nhà nước, nhưng nói chung chúng ta biết rất ít về họ.

La Mã là một trung tâm tôn giáo

Mặc dù chúng ta không thể nói nhiều về những người lãnh đạo cộng đồng Cơ đốc giáo ở La Mã trong những ngày đầu, nhưng chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng sự sống còn của một tôn giáo mới không bao giờ là một kết luận biết trước được. Kinh đô của đế chế tràn ngập nhiều tôn giáo, giáo phái và tông phái khác nhau bên cạnh tín ngưỡng truyền thống của người La Mã và giáo phái hoàng gia. Thần Mithras của Ba Tư, nữ thần Isis của Ai Cập, vị thần của người Do Thái trong Cựu Ước, các vị thần truyền thống của La Mã và Chúa Jesus đều được tôn kính hoặc thờ cúng gần nhau dưới những cặp mắt khi hiền lành khi hiểm ác của các hoàng đế La Mã. Việc các tín đồ của một tôn giáo truyền đạo cho những người theo tôn giáo khác là điều không bình thường, nếu không muốn nói là bị ngăn cấm. Tuy nhiên, miễn là họ giữ thái độ khiêm tốn và tôn kính đúng mức đối với hoàng đế và các vị thần La Mã – điều này có thể chỉ liên quan đến việc dâng cúng một nhúm hương – những tín hữu theo các tôn giáo không phải La Mã vẫn thường được chấp nhận. Một tôn giáo, nếu không đặc biệt xúc phạm đến người dân La Mã hoặc các vị thần của họ, thì sẽ trở thành một tôn giáo được chấp thuận – và sau đó được nhà nước bảo vệ. Người La Mã coi trọng truyền thống và phong tục của tổ tiên, nên các tôn giáo cổ xưa như Do Thái giáo được đặc biệt tôn trọng.

Cơ đốc giáo ban đầu được nhà nước dành cho sự bảo vệ pháp lý tương tự như nhà nước đã dành cho Do Thái giáo. Quả thực, Cơ đốc giáo đã nảy sinh trong các cộng đồng Do Thái nên chính quyền La Mã không phân biệt hai cộng đồng này. Tuy nhiên, cộng đồng Do Thái sớm bắt đầu phàn nàn với chính quyền về giáo phái Cơ đốc mới. Mối quan tâm chính của họ là những tín đồ Cơ đốc đang thu hút mọi người rời xa đạo Do Thái bằng cách lên án những yêu cầu phải tuân theo những giáo luật nghiêm khắc do Mose đặt ra. Người Do Thái đã tuân thủ những luật lệ như vậy trong nhiều thế kỷ để biện minh cho mình trước mặt Đức Chúa Trời. Ngược lại, giáo phái mới tuyên bố rằng Jesus là Đấng Messiah – Đấng cứu rỗi được hứa hẹn và kỳ vọng của dân Do Thái – và tất cả những gì cần thiết để đạt được cuộc sống vĩnh hằng là tin vào ngài. Đó là một thông điệp hấp dẫn đối với mọi thành phần trong xã hội, giàu và nghèo, mặc dù có lẽ đặc biệt đối với những kẻ đang sa lầy trong nghèo đói và không có nhiều hy vọng những nỗi đau khổ của mình sẽ được bù đắp trong kiếp sống  tương lai. Nhưng đối với các nhà lãnh đạo Do Thái bảo thủ thì đó là điều vô nghĩa nguy hiểm. Jesus rõ ràng không phải là Đấng Messiah mà người Do Thái mong đợi, vì Đấng Messiah đó sẽ đến trong vinh quang, dẫn họ ra khỏi ách áp bức và khôi phục vương quốc trần thế của David. Jesus  không những không đáp ứng được bất kỳ tiêu chí nào trong số này, mà còn chết như một tên tội phạm thông thường.

Lúc đầu, chính quyền phớt lờ những khiếu nại này. Họ còn có những vấn đề cấp bách khác cần giải quyết hơn là cuộc tranh chấp giữa người Do Thái và một trong những giáo phái nhỏ của họ. Nhưng mối lo ngại ngày càng tăng khi những tín đồ Cơ đốc bắt đầu truyền đạo cho những công dân La Mã khác, cho rằng tôn giáo của họ là tôn giáo chân chính duy nhất và tất cả các tín ngưỡng khác đều là thờ thần tượng và tội lỗi. Chính ông ta, chứ không phải những tín đồ Thiên Chúa, đã tuyên bố rằng ‘Ta là đường đi, sự thật và sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua ta’. Các Kitô hữu miễn cưỡng thừa nhận sự tồn tại của các vị thần ngoại giáo nhưng họ coi những vị thần ấy như ma quỷ và tin rằng những người ngoại giáo sẽ phải chịu hình phạt đời đời sau khi chết vì đi theo các vị thần ngoại đạo là chống đối với Chúa Trời chân thật. Thông điệp này, hoàn toàn có thể hiểu được, khiến nhiều người cảm thấy rất khó chịu. Tuy nhiên, đối với nhiều người, niềm vui mà những tín đồ Cơ đốc thể hiện, cũng như việc nhảy múa và ca hát trong các buổi họp đạo của họ là một điểm thu hút lớn khi so sánh với những nghi lễ dân sự buồn tẻ, cưỡng ép của quốc giáo. Trong khi tôn giáo nhà nước tập trung vào sức mạnh thể chất và an ninh của nhà nước, thì Chúa Trời của Cơ đốc giáo dường như quan tâm đến hạnh phúc của những người theo Ngài, thậm chí đến mức yêu thương họ. Nó thực sự có tính cách mạng.

Tín đồ Thiên Chúa đã thu hút sự chú ý tiêu cực bởi việc họ không sẵn sàng bày tỏ sự tôn kính thích đáng đối với hoàng đế, họ tôn thờ một vị vua khác và việc họ từ chối hiến tế các vị thần La Mã là một hành động mà chính quyền coi là phạm thượng. Không tôn kính hoàng đế bị coi là lật đổ, và việc chọc giận các vị thần đã định hình chỉ có thể dẫn đến bất hạnh. Việc các thành viên của giáo phái tôn thờ một tên tội phạm đã đủ tệ rồi, nhưng việc họ thách thức các truyền thống lâu đời của La Mã là không thể chấp nhận được. Đế chế có thể đã cởi mở với niềm tin phong phú, nhưng lòng trung thành với nhà nước là không thể thương lượng được. Không lâu sau, việc tuyên xưng Cơ đốc giáo bị coi là tội ác chống lại nhà nước.

Nếu việc bác bỏ niềm tin của người La Mã khiến những tín đồ Cơ đốc không được lòng chính quyền và đồng bào của họ, thì việc tách mình ra khỏi xã hội mà họ đang sống chắc chắn không giúp ích gì cho chính nghĩa của mình. Rodney Stark đã chỉ ra rằng các hoàng đế vào thời điểm đó rất sợ những người âm mưu chống lại họ, lo sợ ‘tất cả các tổ chức chính thức đều tạo cơ hội cho các âm mưu chính trị’. Ông tiếp tục chỉ ra rằng họ có những lý do xác đáng. ‘Trong số 76 vị hoàng đế lên ngôi từ thời Augustus cho đến khi Constantine lên ngôi [306], chỉ có 19 vị chết tự nhiên. 7 người thiệt mạng trong trận chiến, 42 người bị sát hại… và 6 người bị buộc phải tự sát.’

Hơn nữa, những tín đồ Cơ đốc từ chối những thú vui trần thế và thường áp dụng lối sống khổ hạnh –  một cách tiếp cận kì lạ không mấy hấp dẫn. Người ta đồn rằng nghi lễ đáng chú ý nhất của Cơ đốc giáo có liên quan đến việc ăn thịt đồng loại – việc ăn ‘thân thể và máu’ của đấng Christ cũng gây ra mối lo ngại đáng kể. Cuối cùng, trong một xã hội ưa chuộng vũ khí và hiếu chiến, những tín đồ Cơ đốc tuyên xưng hòa bình, điều này khiến họ phải đối mặt với “sự khinh miệt và khiển trách của những người ngoại giáo, những người tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với Đế quốc La Mã nếu cả cộng đồng chấp nhận một triết lý hèn hạ như vậy”. Do đó, có vẻ như Cơ đốc giáo đã được số phận định sẵn sẽ đi theo con đường của tất cả các giáo phái lỗi thời khác.

Bình luận về bài viết này