Trao đổi với Andrea Hoa Pham (2)

Ảnh. Một nhóm dân làng chài ở Đà Nẵng năm 1906

Hồ Trung Tú .

Đã định là không viết gì nữa, chuyện đã qua một năm rồi, có nghe nói gì đó từ Andrea Hoa Pham cũng giả lơ, không bận tâm nữa. Thế nhưng chị ấy lại về, lại đi nói chuyện, lại trả lời phóng vấn, có mấy người hiểu ngữ âm là gì đâu nên cứ đem ý của tôi, giọng Quảng Nam là giọng Cham nói tiếng Việt ra hỏi, ý chị sao, và bao giờ cô ấy cũng bảo đó là vớ vẩn. Rồi dư luận hùa theo nữa, đọc thấy thật buồn. Không lên tiếng không được và đây là bài 2 sau bài “Chính chỗ khác nhau với cái gốc Thanh Nghệ mới giúp nhận ra nguồn gốc giọng Quảng” *.

Bài này sẽ các nội dung chính sau

  1. Việc không chú dẫn nguồn của sách “Nguồn gốc…” nêu ra để phân tích, phê phán.
  2. Việc hiểu về các tư liệu lịch sử và câu chuyện người Cham bị giết, ra đi cả hay ở lại,
  3. Về các lập luận (không có chứng minh) khi chị Andrea Hòa Phạm bảo không tìm thấy bất cứ “dây mơ rễ má gì với tiếng Chăm” (228)

Phần một:  Những gì của Caesar thì hãy trả lại cho Caesar.

Faceboook của chị Andrea Hoa Pham (sau đây nhiều chỗ gọi tắt là chị) ngày 30 tháng 12/2023, viết: “Những nhà nghiên cứu thực sự. Không nổi xung lên khi có ai đó nói khác luận điểm mình”…. “Đó là những nhà khoa học thực sự. Những nhân cách lớn. Mục tiêu cuối cùng của họ không phải là danh tiếng, tranh khôn, bè phái hay lợi lộc, mà là ngày càng đến gần với sự thật nhất”.

Đọc bài đó tôi chợt nhận ra đây là lần đầu tiên tôi được chị ghi nhận là nhà nghiên cứu (và đã là nhà nghiên cứu thì không được nổi xung), và có thể nói chuyện sòng phẳng với chị, khi chị bảo chị chỉ là một người “nói khác”. Chính sự nỗ lực của chị nhằm phủ nhận những đóng góp của tôi đã dẫn dắt đến các tranh luận kéo dài. Và ai mới là người vì “danh tiếng, tranh khôn, bè phái hay lợi lộc” cũng cần phải chỉ rõ. Chỉ rõ điều này ra cũng thực sự mệt vì phải đọc những trang sách lung linh những hình ảnh cá nhân của chị, sự vất vả của chị khi đi đến nới này đi đến nơi kia , may mắn gặp được người này, bắt gặp được âm nọ.

Trong sách của mình, ngay lần xuất bản đầu năm 2011 tôi đã tự nhận là mình nghiệp dư, những kết luận đưa ra là những hình dung về cuộc sống của tổ tiên mình, là những lời tự giải đáp cho những thắc mắc của chính bản thân mình, rằng tại sao cha ông mình từ Bắc vào nhưng mình lại khác với ngoài Bắc dữ vậy? Không chỉ khác về giọng nói mà khác cả nếp ăn nếp ở, khẩu vị cách nghĩ, cách yêu? Cái gì làm nên những biến đổi này ?

Ở phần giọng nói người Quảng Nam tôi cũng đã nói rõ ở trang 128 rằng: “Giọng nói Quảng Nam, và rộng hơn là Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, là một hiện tượng đặc biệt cho đến nay nhiều người nêu lên nhiều giả thiết, giả định thế nhưng thử tìm cách tiếp cận và giải thích tại sao lại như vậy thì chưa có một công trình cụ thể nào. Hiện tượng thì rõ thế nhưng giải thích nó là chuyện vô cùng khó, nó đụng chạm đến những vấn đề lịch sử đã thành mờ ảo và chưa có tiền lệ. Vì vậy, ở đây chỉ là những cảm nhận đầu tiên về vấn đề giọng nói của người Quảng Nam dựa trên một số ý kiến, công trình đáng tin cậy của các chuyên gia ngôn ngữ đi trước, cùng với những suy luận logic dựa trên những điều đã có ấy. Chính vì vậy nó không thoát khỏi sự non kém của một người nghiệp dư. Hơn nữa, nhắm vào đối tượng là người đọc phổ thông, chúng tôi chọn cách diễn đạt phiên âm đơn giản chứ không dùng đến các ký hiệu ngữ âm của các nhà ngôn ngữ học và điều này chắc chắn sẽ gây khó chịu với các nhà chuyên môn. Tuy vậy, như đã nói, cuốn sách này như một sự khai phá vào một giai đoạn lịch sử “mờ mờ nhân ảnh” hơn là một công trình hoàn chỉnh, nếu chờ đợi đến khi hội đủ tất cả các điều kiện thì e sẽ không biết đến bao giờ, vì vậy xin hãy xem đây như là những viên gạch đầu tiên, những nhát cuốc đầu tiên xới lên cái mảnh đất còn và đang ẩn chứa rất nhiều những vỉa quặng quý giá về nhiều mặt trong kho tàng văn hóa người Việt. Nó có thể sai nhưng có thể ngay điều sai ấy cũng đẩy vấn đề thoát khỏi con số không đáng sợ”.

Đấy, nó sai thì chị bảo nó sai đi, sao lại không một dòng chú thích ở cuối trang để người đọc biết ai là “người đã nói sai”, nói sai ở đâu, để chị bỏ công ra phê phán.  Tệ hơn nữa, là chị còn dùng những bài phỏng vấn, những phát biểu trên báo, trên mạng xã hội để miệt thị tôi là người không biết gì về ngôn ngữ nên không cần dẫn nguồn, không cần tham khảo!

Trong nghiên cứu, một câu ca dao, một câu chuyện dân gian khi dùng đến người ta cũng dẫn nguồn; và sách chị cũng vậy, rất nhiều tài liệu không phải chuyên ngành ngôn ngữ chị vẫn dẫn đầy đủ đấy thôi (một ví dụ là  bài báo “Chuyện ma Hời trên đồi trâu” trên báo Sức khỏe và Đời sống ngày 10/4/2022, …). Nhưng chuyện tôi nói trong cả một cuốn sách để chị tìm tòi phê phán, chị lại lờ đi không dẫn, hẳn là có ý đồ , e là có liên quan đến các ý niệm “danh tiếng, tranh khôn, bè phái lợi lộc…”

Nghiên cứu ngôn ngữ là một thứ vô cùng chuyên sâu, vào trang web của Viện ngôn ngữ hoặc khoa Ngôn ngữ học của các trường đại học ta sẽ thấy rất nhiều những bài nghiên cứu vô cùng công phu, nó hé lộ cho ta thấy cả cội nguồn người Việt, đó là một câu hỏi chưa lời đáp, thế nhưng tất cả thật khiêm tốn, nhỏ nhẹ, in lên tạp chí chuyên ngành rồi thôi, có in sách cũng đặt vào các thư viện rồi xong. Đâu có ai ồn ào như chị, in sách , bán rồi đi nói chuyện khắp nơi. Quả thực ở đây nó có cái gì đó bất thường. Sách chuyên ngành thì phải giới chuyên ngành đọc. Công trình toán của Ngô Bảo Châu đâu có in mà phổ biến được, phải không ? Vậy hà cớ gì chị lại làm cái việc trước không ai làm và sau chắc cũng  không ai  bắt chước như thế? Đằng sau đó có gì liên quan đến “danh tiếng, tranh khôn, bè phái lợi lộc…” ?

Các nhà nghiên cứu trước như Hoàng Thị Châu trong cuốn “Tiếng Việt trên các miền đất nước” cũng đặt vấn đề ở mức giả định rằng người Việt di cư vào đây đã tiếp xúc với người Chàm, người Hoa Minh Hương, người Katu, người Khmer… nên giọng nói sẽ có những thay đổi, nhưng đặt vấn đề thẳng thừng rằng giọng Quảng Nam chính là giọng người Chàm nói tiếng Việt thì chỉ có tôi nêu và đưa ra các lập luận bảo vệ trong một cuốn sách. Và chị nhiều lần lấy nêu luận điểm đó ra để phản biện.

Trang 216 chị viết: “Người ta nghĩ ngay đến cộng đồng người Chăm, chủ nhân cũ của vùng đất này.

Trang 217 chị viết: “Khi bàn luận về khả năng những tộc người khác cùng sống trên vùng đất Quảng Nam có thể tác động lên giọng nói của người Việt đến mức làm thay đổi diện mạo ngữ âm của nó, người ta thường giả định đó là người Chăm vì họ vốn là những chủ nhân trên mảnh đất này. Nhưng để nói cho rõ đó là tiếng Chăm gì, các âm gì của tiếng Việt đã bị tác động và tác động như thế nào thì không hề nói đến.

Rất nhiều những chỗ chị dùng đại từ “người ta” như thế.

Trang 276 chị viết: “ Cũng như mọi thứ khác trên đời, giọng Quảng Nam không rơi từ trên không xuống. Nó cũng không phải là kết quả của thuỷ thổ, khí trời, nguồn nước, và không phải là kết quả của “một cộng đồng nào đó đã thay đổi tiếng nói của họ” (nghĩa là thay đổi hoàn toàn giọng nói) như vài suy tư lãng mạn từ một nhận xét chung chung”.

 

Ngoài tôi ra ai có suy tư lãng mạn đó? Chị muốn dùng phiếm chỉ để dễ cười cợt, mỉa mai chăng?

Lý thú nhất là trang 230, chị viết: “Có ý kiến cho rằng các giọng địa phương từ Quảng Nam vào Phú Yên khác nhau là do những thời kỳ di dân khác nhau của người Việt hay Chàm vào sâu về phía Nam, mặc dù không giải thích rõ ràng vì sao những người đi sau lại nói khác đi, và vì sao chỉ khác ở một số âm hay vần nhất định nào đó”. Ồ, đó rõ ràng là ý kiến của tôi (sách Có 500 năm… trang 148, tôi viết: “Và dĩ nhiên thứ tiếng Việt do những người Chàm đã từ bỏ tiếng mẹ đẻ để nói tiếng Việt này, tạo nên giọng nói không hề có trên cõi đời này trước đó, nay mới xuất hiện là đầu tiên, là thứ nhất. Và sau đó, giọng Nam Thu Bồn, giọng Quảng Ngãi rồi Bình Định, Phú Yên mới thứ tự hình thành theo những bước đi của lịch sử về sau này”. Và tôi giải thích bước đi ngữ âm trùng khớp với bước đi Nam tiến ở các trang sau đó.

Vậy là tôi có cố công giải thích theo logic lịch sử đấy chứ sao lại không được? Nhưng quan trọng là tại sao chị vẫn kiên trì xóa tên tôi khỏi mọi điều chị đưa ra để phản biện vậy?

Các chuyên ngành khoa học có các phương pháp chuyên biệt, nhưng ngành nào cũng phải phù hợp với luận lý học (logic học). Và trong trường hợp chưa thể tìm ra những chứng cứ chuyên môn, vẫn có thể dùng logic học để bổ khuyết.

Gần cả chương 6 (từ trang 217 đến trang 249), chị viết chỉ để phản biện quan niệm giọng Quảng Nam là giọng người Cham nói tiếng Việt. Đầu tiên chị bảo là sẽ chứng minh nhưng cho đến cuối chương cũng toàn là những lập luận. Có những lập luận thật ngô nghê như trang 220 chị viết: “(quan điểm giọng Quảng Nam nam là giọng người Cham nói tiếng Việt) không giải thích được dù người Chăm sống cùng người Việt ở khắp mọi nơi trên đất Việt, thậm chí cả ngoài Bắc, nhưng chỉ riêng ở Quảng Nam thì người Chăm và người Quảng Nam đã làm gì đó khiến rung chuyển tận gốc rễ một hệ thống để biến nó thành một hệ thống khác hẳn?” Chị làm cứ như là người Cham có phép thuật hay sự lôi cuốn như các ca sĩ K-Pop hấp dẫn lôi cuốn lắm vậy, ai gặp cũng bắt chước nói theo.

Để hình thành một giọng nói như giọng Quảng ở bắc Quảng Nam người Chàm ở huyện Điện Bàn xưa này đã có hơn 100 năm tập nói (1306-1402). Đó là thời gian chúng ta không có bất cứ tư liệu nào ngoài chuyện vùng đất này, từ Hải Vân đến Thu Bồn, đã thuộc vào Việt nhưng hoàn toàn chưa có chính quyền. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng, năm 1306, vua Trần sai Đoàn Nhữ Hài vào Hoá Châu để tuyên dụ, chọn người địa phương (Chiêm Thành) trao cho quan tước, cấp ruộng đất, miễn tô thuế để vỗ về. Và có một bằng chứng vô cùng hay không thuộc chính sử là theo gia phả họ Phan Đà Sơn thì ông Phan Công Thiên, một người Cham, được nhà Trần phong tước để cai trị người Cham. Những tư liệu này cho thấy tiếng Việt lúc này được sử dụng trong môi trường dân cư là người Cham gần như tuyệt đối. Người Việt vào đây là ai, thuộc nhóm dân cư có phương ngữ nào ta không thể biết chắc. Những lập luận về người Thanh Nghệ của chị là mãi hơn 100 năm sau đó, lúc giọng Quảng đã hình thành, ổn định. Nên việc chứng minh người Thanh Nghệ vào tạo nên giọng Quảng là không đứng vững về mặt lịch sử.

Trong môi trường đó, môi trường họ nói với nhau như ngôn ngữ thứ hai, kéo dài cả 4-5 thế hệ thì việc hình thành một phương ngữ mới đâu có gì lạ.  Còn việc người Cham đi các nơi, thậm chí ra Bắc như chị nói thì họ là số ít, họ bị xem thường, miệt thị thì họ càng dễ mất giọng đi chứ sao lại thành giọng Quảng trên đất Bắc được? Còn chuyện tại sao cũng người Cham nhưng người Cham ở phía Bắc đèo Hải Vân nói tiếng Việt lại ra giọng Huế, chị nêu như một lập luận vô cùng mạnh mẽ, không phải một lần, để phản bác quan điểm giọng Quảng Nam là giọng người Chàm nói tiếng Việt.  Ở đây, chị giả vờ quên đi lý thuyết “tiếp xúc và biến đổi” mà chị viện dẫn làm tiêu đề cho cuốn sách của chị?! Sao chị không tự hỏi và giải thích giùm, tại sao người Thanh Nghệ cũng vào Huế,  Bình Định, Phú Yên mà không ra giọng Quảng?!

Rõ ràng quan điểm giọng Quảng chính là giọng người Chàm nói tiếng Việt là một động lực, niềm cảm hứng để chị phản biện, để chị đi tìm một lời giải đáp khác phù hợp với “truyền thống” hơn, đó là người Việt là một khối thống nhất và không có bất cứ một tác động bên ngoài nào lên tiếng Việt cho dù tiếng Việt đã có những biến đổi đi rất xa như Haudricourt nói với Cao Xuân Hạo.

Nhưng tại sao chị lại biến cái nguồn động lực, niềm cảm hứng để chị phản biện ấy thành bóng ma và không trao cho nó bất cứ một cái tên người phát biểu nào cho dù chị nhiều lần chế giễu (vài suy tư lãng mạn) cái luận điểm người Chàm nói tiếng Việt ấy?

Nói thẳng ra luôn rằng, chị lấp liếm những chuyện ấy chỉ vì cái âm a mà chị gọi là “âm a trứ danh” (trang 185).

Tôi, dân không chuyên, thấy âm a-oa độc đáo ở giọng Quảng Nam (tôi gọi là tên đầu têu làm biến lệch hầu hết các nguyên âm (2011, trang 132) nên nghĩ đó là dấu vết của người Chàm, ngữ hệ Nam Đảo, nói tiếng Việt. Chị thấy âm này có ở Thanh Nghệ và gọi nó là “âm a trứ danh” (2023, trang 185). Và giờ, trên Facebook, chị lại phát hiện tiếp âm a này, theo Ferlus, có trong triếng Arem, và hứa sẽ tiếp tục theo đuổi nó. (Thực ra các nhà nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt đã kết luận từ lâu rằng tiếng Việt, nhất là vùng khu 4 cũ thuộc ngữ hệ Môn-Khmer. Arem cũng thuộc nhóm này nên việc một vài làng ở Thanh Nghệ có cách nói giống Arem, thậm chí là Nguồn, Pọng, Chức… là điều hiển nhiên và nó càng củng cố thêm quan điểm những ốc đào thổ ngữ chính là những cộng đồng dân cư thuộc các dân tộc khác nhau chuyển sang nói tiếng Việt sớm muộn khác nhau mà thành. Bài sau về giọng Huế hy vọng sẽ nói sâu hơn về chuyện này).

Nhận thấy âm a của Quảng Nam là một hiện tượng quá sức đặc biệt, chị biết đây sẽ như là một châu Mỹ chưa được phát hiện. Và thế là chị đã xóa sạch tất cả mọi dấu vết về những ai trước đó đã đề cập đến.

Sách tôi xóa thì dễ rồi, một tay mơ, viết cho vui, xóa dễ thôi; nhưng kỳ lạ nhất là với Haudricourt, ông tổ (theo nghĩa đen) của ngành ngôn ngữ học Việt Nam chị cũng xóa sạch dấu vết.

Trong bài viết “Nhận xét về các nguyên âm của một phương ngữ ở tỉnh Quảng Nam”. Giáo sư Cao Xuân Hạo, Tạp chí Ngôn ngữ số 2/1986, trang 22-29, viết “Trong các phương ngữ của tiếng Việt mà chúng ta từng biết không có một phương ngữ nào cho thấy một sự chuyển đổi nguyên âm đi xa như vậy. Khi tôi (CXH) trình bày một số hiện tượng trên đây cho A.G.Haudricourt, nhà ngữ học Pháp thấy đó là một điều lạ không những đối với các phương ngữ của tiếng Việt mà ngay cả đối với toàn thể khối ngôn ngữ trên bán đảo Ấn-Chi, vì ở khu vực này các hệ thống nguyên âm, dù là những thứ tiếng khác nhau về nguồn gốc, đều rất giống nhau và đã tỏ ra rất bền vững trong lịch sử; ở khắp vùng Đông Nam Á, theo Haudricourt, hình như chưa từng thấy ở đâu có miêu tả một sự chuyển đổi đi xa như vậy”.

Mặc dù ở trang 81 chị đã viết “Tất cả các nghiên cứu khác có nhắc đến nguyên âm trong các từ như cá, gà, đều nhận định đây là một nguyên âm rất khác lạ so với các phương ngữ khác” nhưng nhận định của Haudricourt nặng ký hơn chứ, nhưng vẫn không được chị nhắc đến. Haudricourt chỉ là cái tên để tham khảo cuối sách thôi chứ không có bất cứ trích dẫn nào. Một âm a kéo theo cả hệ thông nguyên âm tiếng Việt bị biến đổi, và ông tổ ngành ngôn ngữ nói:  “ở khắp vùng Đông Nam Á,  hình như chưa từng thấy ở đâu có miêu tả một sự chuyển đổi đi xa như vậy”; điều đó  thật là hấp dẫn nếu ta là người đầu tiên giải đáp được câu hỏi mà ông tổ ngành ngôn ngữ nêu ra.

Đến đây bạn đọc hẳn cũng đã có thể hiểu được cái niềm vui của người khi biết mình là người đầu tiên, người phát hiện một hiện tượng độc đáo trong ngôn ngữ, như là người đầu tiên tìm ra một con thú lớn chưa được thế giới ghi nhận, tên nó sẽ được cộng đồng khoa học thế giới lấy tên người phát hiện ra nó mà đặt cho. Và để làm người đầu tiên thì phải biết xóa hết các dấu vết của những người gợi mở trước đó.

Và, vẩn vơ tôi nghĩ, nếu không có sách tôi, không có ai nêu ra quan điểm rằng giọng Quảng Nam là giọng người Chàm nói tiếng Việt, ai cũng nghĩ rằng giọng Quảng Nam là giọng người Việt có gốc Thanh Nghệ hay đâu đó ngoài Bắc vào như các gia phae đều ghi thế, thì chị có tự dưng bỏ công chứng minh giọng Quảng có gốc Thanh Nghệ hay không? Giọng Phú Bình Định Phú Yên nói a thành e rồi chị có định bỏ công không? Tôi nghĩ rằng nên vì ở Quảng Nam giọng Quảng đã có từ trước 1403 rất xa, nhưng giọng Phú Yên thì chỉ xuất hiện từ sau 1611, Yếu tố nào để biến a thành e chắc dễ khảo sát hơn là a thành oa của Quảng Nam.

Niềm cảm hứng lớn thế mà chị làm như không hề biến đến làm tôi hắt hơi nhảy mũi hoài.

Không chỉ phần ngôn ngữ  mà ngay phần lịch sử nhiều chỗ chị dùng những luận điểm mà tôi đã mất rất nhiều công sức mới viết ra được; chị dùng một cách tự nhiên như không khí miễn phí vậy. Trang 211 chị viết: “Sau khi bị tách rời khỏi quê hương cũ một thời gian dài, nhất là trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, một số đặc trưng ấy đã hoà nhập vào giọng Quảng Nam hiện đại và được giữ lại cho đến nay. Đó là quan điểm của sự phân kỳ lịch sử Nam tiến được tôi lần đầu nêu ra và phân tích trong sách Có 500 năm như thế. Trước “Có 500 năm như thế”, chưa ai nói đến Lũy Thầy, lũy Trường Dục có vai trò thế nào trong việc hình thành bản sắc của người Đàng Trong trong đó có giọng nói. Trong sách “Có 500 năm”, trang 157 tôi viết: “Có nghĩa rằng giai đoạn này hoàn toàn không có cuộc di dân nào của người Việt đến vùng Nam Hải Vân (tức Điện, Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa). Đây là lát cắt, đứt với mạch nguồn bản quán lần thứ hai đáng chú ý tạo nên quãng thời gian cần thiết để những nét văn hóa tính cách mới hình thành có điều kiện ổn định để tạo thành bản sắc, mà khi đã thành bản sắc thì khó phai mờ”. Để nêu lên những điều như thế không hề dễ. Bao nhiêu người đi trước về nghiên cứu lịch sử Đàng Trong đã có ai đề cập đến chuyện đó đâu! Thế mà đến chị, chị dùng cách phân kỳ đó mà chẳng một lời dẫn nguồn. Nhỡ như mai đây có người chứng mình nó sai thì chị sai theo tôi hay sao? Hay sẽ đến lúc đó mới bảo đó là ý của Hồ Trung Tú? Không ghi nhận người khác là điều tệ hại nhất trong nghiên cứu khoa học, chị biết mà. Cái này nó thuộc về đạo đức của người nghiên cứu khoa học. Tôi không biết trường Đại học Florrida của chị sẽ nghĩ gì khi biết tất cả những điều này.

Xin kết thúc bài này ở đây; bài tiếp theo sẽ  có bàn về chuyện tại sao cũng Chàm mà ở Huế thì không có giọng Quảng Nam. Và tại sao lại có câu chuyện làng Mỹ Lợi giữa đất Huế mà nói giọng Quảng Nam. Chuyện này chắc sẽ lý thú hơn là chuyện cái gì của Caesar thì hãy trả lại cho Caesar này.

* https://nghiencuulichsu.com/2023/12/20/chinh-cho-khac-nhau-voi-cai-goc-thanh-nghe-moi-giup-nhan-ra-nguon-goc-giong-quang

Bình luận về bài viết này