Những cánh đồng máu : Tôn Giáo và Lịch Sử Bạo Lực (Bài 1)

Karen Armstrong

Trần Quang Nghĩa dịch

Giới thiệu

 Mỗi năm ở Israel cổ đại, vị trưởng giáo mang hai con dê vào đền thờ Jerusalem vào Ngày Lễ Chuộc Tội.  Ông ta hiến tế một con để chuộc tội cho cộng đồng và sau đó đặt tay lên con dê kia, chuyển mọi tội lỗi của dân ông lên đầu nó, và đuổi con vật đầy tội lỗi ra khỏi thành phố, theo đúng nghĩa đen là đổ tội lỗi đến nơi khác.  Theo cách này, Moses giải thích, “con dê sẽ mang theo mọi lỗi lầm của họ vào nơi sa mạc.” Trong nghiên cứu kinh điển về tôn giáo và bạo lực, René Girard lập luận rằng nghi lễ dê tế thần nhằm xua tan sự tranh chấp giữa các nhóm trong cộng đồng.  Theo cách tương tự, tôi tin rằng, xã hội hiện đại đã tạo ra một vật tế thần của lòng tin.

 Ở phương Tây, ý tưởng cho rằng tôn giáo vốn dĩ là bạo lực giờ đây được coi là điều được nhìn nhận và dường như là điều hiển nhiên.  Là một người viết về tôn giáo, tôi liên tục nghe thấy tôn giáo tàn ác và hiếu chiến như thế nào, một quan điểm mà hầu như lần nào cũng được thể hiện theo cùng một cách: “Tôn giáo là nguyên nhân của tất cả các cuộc chiến tranh lớn trong lịch sử.”  Tôi đã nghe câu này nói ra như một câu thần chú từ các nhà bình luận và bác sĩ tâm thần Mỹ, các tài xế taxi ở London và các học giả Oxford .  Đó là một nhận xét kỳ lạ.  Rõ ràng là hai cuộc thế chiến  không xảy ra vì lý do tôn giáo.  Khi thảo luận về nguyên nhân mọi xung đột bạo lực, các nhà quân sử  thừa nhận rằng có nhiều yếu tố xã hội, vật chất và ý thức hệ có liên quan với nhau, một trong những yếu tố chính là sự cạnh tranh về nguồn tài nguyên khan hiếm.  Các chuyên gia về bạo lực chính trị hoặc khủng bố cũng nhấn mạnh rằng con người phạm tội ác vì nhiều lý do phức tạp. Tuy nhiên, hình ảnh hung hăng của đức tin tôn giáo trong ý thức thế tục của chúng ta không thể xóa nhòa đến nỗi chúng ta thường xuyên chất những tội lỗi bạo lực của thế kỷ 20 lên lưng “tôn giáo” và đẩy nó vào vùng hoang dã chính trị.

 Ngay cả những người thừa nhận rằng tôn giáo không phải chịu trách nhiệm về tất cả bạo lực và chiến tranh của loài người vẫn coi sự hiếu chiến thiết yếu của tôn giáo là điều hiển nhiên.  Họ cho rằng “thuyết độc thần” đặc biệt không có tính khoan dung và một khi mọi người tin rằng “Chúa” đứng về phe mình thì việc thỏa hiệp trở nên bất khả thi.  Họ trích dẫn các cuộc Thập tự chinh, Tòa án Dị giáo và Chiến tranh Tôn giáo của thế kỷ 16 và 17  Họ cũng chỉ ra hàng loạt vụ khủng bố xảy ra đây được thực hiện dưới danh nghĩa tôn giáo để chứng minh rằng Hồi giáo đặc biệt hiếu chiến.  Nếu tôi vặn lại bằng cách đề cập đến giáo lý bất bạo động của Phật giáo, thì họ liền bẻ lại lại rằng Phật giáo là một triết lý thế tục, không phải là một tôn giáo.  Ở đây chúng ta đến với trung tâm của vấn đề.  Phật giáo chắc chắn không phải là một tôn giáo như từ này đã được hiểu ở phương Tây từ thế kỷ XVII và XVIII.  Nhưng quan niệm về “tôn giáo” ở phương Tây hiện đại của chúng ta có phong cách riêng và lập dị.  Không có truyền thống văn hóa nào khác có bất cứ điều gì giống như vậy, và ngay cả những người theo đạo Cơ đốc ở châu Âu thời tiền hiện đại cũng sẽ thấy nó bị thu nhỏ và xa lạ.  Trên thực tế, nó làm phức tạp bất kỳ nỗ lực nào nhằm tuyên bố về xu hướng bạo lực của tôn giáo.

 Mọi thứ còn phức tạp hơn nữa, trong khoảng 50 năm nay, giới học thuật đã thấy rõ ràng rằng không có một cách phổ quát nào để định nghĩa tôn giáo. Ở phương Tây, chúng ta coi “tôn giáo” là một hệ thống nhất quán gồm các tín ngưỡng, thể chế và nghi lễ bắt buộc,  tập trung vào một vị thần siêu nhiên, mà hành động của ngài về cơ bản là riêng tư và bị che kín kẻ khỏi mọi hoạt động “thế tục”.  Nhưng những từ trong các ngôn ngữ khác mà chúng ta dịch là “tôn giáo” hầu như luôn đề cập đến một điều gì đó lớn hơn, mơ hồ hơn và bao quát hơn.  Tiếng Ả Rập din biểu thị toàn bộ lối sống.  Dharma (Pháp) trong tiếng Phạn cũng là “một khái niệm ‘tổng thể’, không thể dịch được, bao gồm luật pháp, công lý, đạo đức và đời sống xã hội.” Từ điển Cổ điển Oxford khẳng định chắc chắn: “Không có từ nào trong tiếng Hy Lạp hay tiếng Latinh tương ứng với từ ‘tôn giáo’ trong tiếng Anh.”  Ý tưởng về tôn giáo như một sự theo đuổi cá nhân và có hệ thống về cơ bản hoàn toàn không có ở Hy Lạp cổ điển, Nhật Bản, Ai Cập, Lưỡng Hà, Iran, Trung Quốc và Ấn Độ. Kinh thánh tiếng Do Thái cũng không có bất kỳ khái niệm trừu tượng nào về tôn giáo ;  và các giáo sĩ Do Thái không thể diễn đạt ý nghĩa của đức tin bằng một từ duy nhất hoặc thậm chí trong một công thức, vì Kinh Talmud được thiết kế rõ ràng để đưa toàn bộ cuộc sống con người vào phạm vi thiêng liêng.

Nguồn gốc của từ religio (tôn giáo) trong tiếng Latinh cũng không rõ ràng.  Nó không phải là “mục tiêu lớn lao nào đó” nhưng mang hàm ý không chính xác về nghĩa vụ và điều cấm kỵ;  nói rằng việc tuân thủ thờ cúng, đời sống gia đình trong sạch, hoặc gìn giữ lời tuyên thệ chính là religio đối với bạn có nghĩa là bạn buộc phải làm điều đó.  Từ này có một ý nghĩa mới quan trọng trong số các nhà thần học Kitô giáo sơ khai: một thái độ tôn kính đối với Chúa và vũ trụ nói chung.  Đối với Thánh Augustine (khoảng 354–430 CN), tôn giáo không phải là một hệ thống nghi lễ và học thuyết cũng không phải là một truyền thống lịch sử được thể chế hóa mà là một cuộc gặp gỡ cá nhân với sự siêu việt mà chúng ta gọi là Chúa cũng như mối liên kết gắn kết chúng ta với thần thánh và với nhau  Ở châu Âu thời trung cổ, religio ám chỉ đời sống tu viện và phân biệt tu sĩ với linh mục “thế tục”, một người sống và làm việc trong thế gian (saeculum).

 Truyền thống đức tin duy nhất phù hợp với quan niệm hiện đại của phương Tây về tôn giáo như một thứ gì đó được hệ thống hóa và riêng tư là Cơ đốc giáo Tin lành, vốn, như tôn giáo theo nghĩa này của từ, cũng là sản phẩm của thời kỳ đầu hiện đại.  Vào thời điểm này, người châu Âu và người Mỹ đã bắt đầu tách tôn giáo ra khỏi chính trị, bởi vì họ cho rằng, dù không hoàn toàn chính xác,  các trận tranh cãi thần học của Phong trào Cải cách hoàn toàn chịu trách nhiệm cho Chiến tranh Ba mươi năm.  Niềm tin rằng tôn giáo phải bị loại trừ một cách nghiêm ngặt khỏi đời sống chính trị được gọi là lý tưởng hiến pháp của quốc gia-nhà nước có chủ quyền. Các triết gia và chính khách đi tiên phong trong học thuyết này tin rằng họ đang quay trở về tình trạng thỏa đáng hơn từng tồn tại trước khi có nhiều giới giáo sĩ Thiên chúa giáo đầy tham vọng đã nhầm lẫn hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt.  Nhưng trên thực tế, ý thức hệ thế tục của họ là một sự đổi mới triệt để như nền kinh tế thị trường hiện đại mà phương Tây đang đồng thời nghĩ ra.  Đối với ai không phải phương Tây, những người chưa từng trải qua quá trình hiện đại hóa đặc biệt này, cả hai sự đổi mới này đều có vẻ không tự nhiên và thậm chí là không thể hiểu được.  Thói quen tách biệt tôn giáo và chính trị hiện nay ở phương Tây đã trở thành thông lệ đến nỗi chúng ta khó có thể đánh giá được mức độ cấu kết của cả hai trong quá khứ.  Nó không hề chỉ đơn giản là vấn đề nhà nước “sử dụng” tôn giáo;  cả hai không thể chia cắt.  Việc phân tách chúng sẽ giống như cố gắng tách rượu gin ra khỏi ly cocktail.

 Trong thế giới tiền hiện đại, tôn giáo thấm nhuần mọi khía cạnh của cuộc sống.  Chúng ta sẽ thấy rằng một loạt các hoạt động hiện được coi là trần tục đã được trải nghiệm một cách thiêng liêng sâu sắc: phát quang rừng, săn bắn, thi đấu bóng đá, trò chơi xúc xắc, thiên văn học, trồng trọt, xây dựng nhà nước, kéo co, quy hoạch thị trấn, thương mại, uống rượu mạnh,  và đặc biệt nhất là chiến tranh.  Các dân tộc cổ đại không thể thấy được “tôn giáo” kết thúc và “chính trị” bắt đầu từ đâu.  Điều này không phải vì họ quá ngu ngốc để hiểu được sự khác biệt mà vì họ muốn đầu tư mọi thứ họ làm với giá trị tối hậu.  Chúng ta là những sinh vật luôn đi tìm kiếm ý nghĩa và, không giống như các loài động vật khác, rất dễ rơi vào tuyệt vọng nếu chúng ta không hiểu được ý nghĩa của cuộc đời mình.  Chúng ta thấy khó chịu đựng được viễn cảnh về sự tuyệt chủng không thể tránh khỏi của mình.  Chúng ta lo lắng trước những thảm họa thiên nhiên và sự tàn ác của con người và nhận thức sâu sắc về sự yếu đuối thể chất và tâm lý của chúng ta.  Chúng ta ngạc nhiên khi thấy mình đang ở đây và muốn biết tại sao.  Chúng ta cũng có một khả năng tuyệt vời cho tính tò mò.  Các triết học cổ đại đã bị mê hoặc trước trật tự của vũ trụ;  họ ngạc nhiên trước sức mạnh bí ẩn đã giữ cho các thiên thể nằm trong quỹ đạo của chúng và giữ các vùng biển trong giới hạn của chúng, đồng thời đảm bảo rằng trái đất thường xuyên hoạt động trở lại sau mùa đông khan hiếm lương thực, và họ mong muốn được tham gia vào sự tồn tại giàu có và thường xuyên hơn này.

Họ thể hiện niềm khao khát này dưới dạng triết lý trường tồn, được gọi như vậy bởi vì nó đã hiện diện, dưới một hình thức nào đó, trong hầu hết các nền văn hóa tiền hiện đại. Mỗi người, đồ vật hoặc trải nghiệm đơn lẻ đều được xem như một bản sao, một cái bóng mờ nhạt,  về một thực tại mạnh mẽ và bền bỉ hơn bất cứ điều gì trong kinh nghiệm thông thường của họ nhưng họ chỉ thoáng thấy trong những khoảnh khắc thấu thị ​​hoặc trong giấc mơ.  Bằng cách bắt chước theo nghi thức những gì họ cho là cử chỉ và hành động của những bản ngã thay thế trên trời của họ—dù là các vị thần, tổ tiên hay các anh hùng trong nền văn hóa—dân gian tiền hiện đại cảm thấy mình bị cuốn vào chiều kích không gian tồn tại rộng lớn hơn của họ.  Con người chúng ta hết sức giả tạo và có xu hướng hướng tới các nguyên mẫu và mô hình một cách tự nhiên. Chúng ta không ngừng cố gắng cải thiện bản chất hoặc tiến  gần đến  lý tưởng vượt hơn mọi thứ tầm thường hàng ngày.  Ngay cả tật sùng bái người nổi tiếng đương đại của chúng ta cũng có thể được hiểu là biểu hiện của sự tôn kính và khao khát được mô phỏng theo những hình mẫu “siêu phàm”.  Cảm thấy bản thân được kết nối với những thực tế phi thường như vậy sẽ thỏa mãn một khao khát thiết yếu.  Nó chạm vào bên trong chúng ta, nâng chúng ta vượt ra ngoài chính mình trong giây lát, để chúng ta dường như sống với con người của mình đầy đủ hơn bình thường và cảm thấy tiếp xúc với những dòng chảy sâu xa hơn của cuộc sống.  Nếu chúng ta không còn tìm thấy trải nghiệm này trong nhà thờ hay đền thờ, chúng ta sẽ tìm kiếm nó trong hoạt động nghệ thuật, tham dự buổi hòa nhạc, tình dục, ma túy—hoặc chiến tranh.  Loại hoạt động cuối cùng này có liên quan gì đến những khoảnh khắc xuất thần khác  có thể không quá rõ ràng, nhưng nó là một trong những tác nhân lâu đời nhất của trải nghiệm ngây ngất.  Để hiểu tại sao, sẽ rất hữu ích khi xem xét sự phát triển của giải phẫu thần kinh của chúng ta.

 Mỗi chúng ta không chỉ có một mà đến ba bộ não cùng tồn tại một cách khó khăn.  Trong phần sâu nhất của chất xám, chúng ta có một “bộ não cũ kỹ” mà chúng ta thừa hưởng từ loài bò sát đã vật lộn để thoát khỏi chất nhờn nguyên thủy cách đây 500 triệu năm.  Với ý định sinh tồn của chính mình, hoàn toàn không có xung lực vị tha, những sinh vật này chỉ được thúc đẩy bởi các cơ chế thúc giục chúng kiếm ăn, chiến đấu, chạy trốn (khi cần thiết) và sinh sản.  Những người được trang bị tốt nhất để cạnh tranh không thương tiếc nhằm kiếm thức ăn, xua đuổi mọi mối đe dọa, thống trị lãnh thổ và tìm kiếm sự an toàn sẽ  để lại tính di truyền tự nhiên trong gen của họ, vì vậy những xung động tự cho mình là trung tâm này chỉ có thể tăng cường mạnh thêm. Nhưng đôi khi sau khi loài động vật có vú xuất hiện, chúng đã tiến hóa cái mà các nhà thần kinh học gọi là hệ viền, có lẽ khoảng 120  triệu năm trước. Được hình thành trên phần lõi não có nguồn gốc từ loài bò sát, hệ viền thúc đẩy tất cả các loại hành vi mới, bao gồm bảo vệ và nuôi dưỡng con non cũng như hình thành liên minh với các cá thể khác vốn  vô giá trong cuộc đấu tranh sinh tồn.  Và như vậy, lần đầu tiên, chúng  sở hữu khả năng yêu thương và chăm sóc những sinh vật khác ngoài chính mình.

 Mặc dù những cảm xúc hệ viền này sẽ không bao giờ mạnh mẽ như những động lực “tôi là trên hết” vẫn phát ra từ cốt lõi loài bò sát của chúng ta, con người chúng ta đã phát triển một sợi dây cứng cáp đáng kể để có sự đồng cảm với các sinh vật khác, và đặc biệt là đối với đồng loại của chúng ta.  Cuối cùng, nhà triết học Trung Quốc Mạnh Tử (khoảng 371–288 TCN) khẳng định rằng không ai hoàn toàn không có sự đồng cảm như vậy.  Nếu một người nhìn thấy một đứa trẻ đang lảo đảo trên bờ giếng, sắp rơi xuống, anh ta sẽ cảm nhận được tình trạng khó khăn của nó trong chính cơ thể mình và sẽ theo phản xạ, không cần suy nghĩ cho bản thân, lao tới cứu đứa trẻ.  Sẽ có điều gì đó hoàn toàn sai trái với bất kỳ ai  đi ngang qua một khung cảnh như vậy mà không mảy may lo lắng.  Tuy nhiên, đối với hầu hết, những tình cảm cần thiết này, Mạnh Tử nghĩ, phần nào tùy thuộc vào ý chí cá nhân.  Bạn có thể dập tắt những mầm chồi nhân từ này cũng giống như bạn có thể làm tê liệt hoặc biến dạng thể chất của mình.  Mặt khác, nếu bạn trau dồi chúng, chúng sẽ có được sức mạnh và sự năng động của riêng mình.

Chúng ta không thể hoàn toàn hiểu lập luận của Mạnh Tử nếu không xem xét phần thứ ba của bộ não.  Khoảng hai mươi nghìn năm trước, trong Thời đại đồ đá cũ, loài người đã phát triển một “bộ não mới”, tân vỏ não, ngôi nhà của năng lực lý luận và sự tự nhận thức giúp chúng ta tránh xa những đam mê bản năng, nguyên thủy.  Do đó, con người trở nên đại khái như ngày nay, chịu sự thúc đẩy xung đột của ba bộ não riêng biệt.  Những người đàn ông thời kỳ đồ đá cũ là những kẻ giết người thành thạo.  Trước khi phát minh ra nông nghiệp, họ phụ thuộc vào việc giết mổ động vật và sử dụng bộ não lớn của mình để phát triển một công nghệ cho phép họ giết những sinh vật lớn hơn và mạnh hơn mình rất nhiều.  Nhưng sự đồng cảm của họ có thể đã khiến họ khó chịu.  Hoặc chúng ta có thể kết luận như vậy từ các xã hội săn bắn hiện đại.  Các nhà nhân chủng học quan sát thấy rằng những người trong bộ lạc cảm thấy lo lắng tột độ về việc phải giết những con thú mà họ coi là bạn bè và người bảo trợ mình và cố gắng xoa dịu nỗi đau khổ này bằng nghi lễ thanh tẩy.  Ở sa mạc Kalahari, nơi khan hiếm gỗ, thổ dân buộc phải dựa vào vũ khí hạng nhẹ chỉ có thể sượt qua da.  Vì vậy, họ xức chất độc lên mũi tên của mình để giết chết con vật — chỉ giết chết từ từ..  Với tình đoàn kết khôn tả, người thợ săn ở lại với nạn nhân đang hấp hối của mình, khóc khi nó khóc và tham gia một cách tượng trưng vào cơn hấp hối của nó.  Các bộ lạc khác mặc trang phục động vật hoặc bôi máu và phân của con thịt  lên tường hang động, theo nghi thức đưa sinh vật trở lại thế giới âm ty nơi nó đến.

 Những người thợ săn thời kỳ đồ đá cũ có thể đã có cách hiểu tương tự. Những bức vẽ trong hang động ở miền bắc Tây Ban Nha và tây nam nước Pháp là một trong những tài liệu sớm nhất còn tồn tại về loài người chúng ta.  Những hang động được trang trí này gần như chắc chắn có chức năng phụng vụ, vì vậy ngay từ đầu nghệ thuật và nghi lễ đã không thể tách rời.  Vỏ não mới của chúng ta khiến chúng ta nhận thức sâu sắc về bi kịch và sự phức tạp trong sự tồn tại của chúng ta, và trong nghệ thuật, cũng như trong một số hình thức thể hiện tôn giáo, chúng ta tìm thấy một phương tiện để buông bỏ và khuyến khích những cảm xúc nhẹ nhàng, hệ viền chiếm ưu thế.  Những bức bích họa và bản khắc trong mê cung Lascaux ở Dordogne, bức sớm nhất đã 17.000 năm tuổi, vẫn khiến du khách kinh ngạc.  Trong sự miêu tả tuyệt vời của họ về các loài động vật, các nghệ sĩ đã nắm bắt được tâm trạng cơ bản xung quanh  người thợ săn.  Với ý định kiếm thức ăn, sự hung dữ của họ được giảm bớt bởi sự đồng cảm tôn trọng đối với những con thú mà họ buộc phải giết, những con vật mà họ trộn máu và mỡ với sơn của họ.  Nghi lễ và nghệ thuật đã giúp những người thợ săn bày tỏ sự đồng cảm và tôn kính (tôn giáo) đối với con thú bè bạn của mình—giống như Mạnh Tử sẽ mô tả khoảng mười bảy thiên niên kỷ sau—và giúp họ sống với nhu cầu giết thịt.

 Ở Lascaux không có hình ảnh nào về tuần lộc vốn là món ăn chủ yếu trong chế độ ăn của những người thợ săn này. Nhưng cách đó không xa, ở Montastruc, người ta đã tìm thấy một tác phẩm điêu khắc nhỏ, chạm khắc từ ngà voi ma mút vào khoảng 11.000 năm trước Công nguyên, vào khoảng cùng thời điểm những bức tranh Lascaux sau này.  Hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Anh, nó mô tả hai con tuần lộc đang bơi. Người nghệ sĩ chắc hẳn đã chăm chú quan sát con mồi của mình khi chúng bơi qua sông hồ để tìm kiếm đồng cỏ mới, khiến chúng trở nên đặc biệt dễ bị săn đuổi bởi những người thợ săn.  Anh ta cũng cho thấy tính dịu dàng đối với các nạn nhân của mình, truyền tải vẻ đau đớn không thể nhầm lẫn trên nét mặt của chúng mà không có chút gợi ý thương cảm nào.  Như Neil MacGregor, giám đốc Bảo tàng Anh, đã lưu ý, độ chính xác về mặt giải phẫu của tác phẩm điêu khắc này cho thấy rằng nó “rõ ràng được tạo ra không chỉ với kiến ​​thức của một thợ săn mà còn với sự thành thạo của một người xẻ thịt, một người không chỉ nhìn  vào con vật của mình mà còn cắt xẻ chúng ra.  Rowan Williams, cựu tổng giám mục Canterbury, cũng đã phản ánh sâu sắc về “sự phóng khoáng to lớn và giàu trí tưởng tượng” của những nghệ sĩ thời kỳ đồ đá cũ này: “Trong nghệ thuật giai đoạn này, bạn thấy con người đang cố gắng hòa nhập hoàn toàn vào dòng chảy của cuộc sống, để họ trở thành một phần của toàn bộ quá trình của đời sống động vật đang diễn ra xung quanh họ… và đây thực sự là một sự thôi thúc rất tôn giáo.” Từ giai đoạn đầu tiên, sau đó, một trong những mối bận tâm chính của cả tôn giáo và nghệ thuật (cả hai không thể tách rời) là nuôi dưỡng ý thức cộng đồng—với thiên nhiên, thế giới động vật và đồng loại của chúng ta.

Chúng ta sẽ không bao giờ quên hoàn toàn quá khứ săn bắn hái lượm của mình, đó là thời kỳ dài nhất trong lịch sử loài người.  Mọi thứ mà chúng ta coi là con người nhất—bộ não, cơ thể, khuôn mặt, lời nói, cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta—đều mang dấu ấn của di sản này. Một số nghi lễ và huyền thoại do tổ tiên thời tiền sử của chúng ta nghĩ ra dường như vẫn tồn tại trong các tập tục sau này là các nền văn hóa biết chữ.  Theo cách này, hiến tế động vật, nghi thức trung tâm của gần như mọi xã hội cổ đại, các nghi lễ săn bắn thời tiền sử được bảo tồn và vinh dự dành cho con thú đã hy sinh mạng sống của mình cho cộng đồng. Phần lớn cái mà ngày nay chúng ta gọi là “tôn giáo” ban đầu bắt nguồn từ sự thừa nhận  về sự thật bi thảm rằng sự sống phụ thuộc vào sự hủy diệt các sinh vật khác;  các nghi lễ đã được giải quyết để giúp con người đối mặt với tình trạng khó xử không thể giải quyết này.  Tuy nhiên, bất chấp sự tôn trọng, tôn kính và thậm chí là tình cảm thực sự dành cho con mồi, những người thợ săn cổ đại vẫn là những kẻ giết người tận tụy.  Hàng thiên niên kỷ chiến đấu với những loài động vật to lớn hung dữ có nghĩa là những nhóm đi săn này đã trở thành những đồng đội gắn bó chặt chẽ với nhau, là hạt giống của quân đội hiện đại của chúng ta, sẵn sàng mạo hiểm mọi thứ vì lợi ích chung và bảo vệ đồng loại của mình trong những lúc nguy cấp. Và còn một cảm xúc mâu thuẫn nữa  để được hòa giải: có lẽ họ yêu thích sự phấn khích và mãnh liệt của cuộc săn lùng.

 Ở đây một lần nữa hệ thống viền lại phát huy tác dụng.  Viễn cảnh giết chóc có thể khơi dậy sự đồng cảm của chúng ta, nhưng trong chính hành động săn bắn, đột kích và chiến đấu, cũng chính vùng cảm xúc này lại tràn ngập serotonin, chất dẫn truyền thần kinh chịu trách nhiệm tạo ra cảm giác ngây ngất mà chúng ta liên kết với một số dạng trải nghiệm tâm linh.  Vì vậy, điều xảy ra là những hoạt động theo đuổi bạo lực này được coi là những hoạt động thiêng liêng, tuy nhiên điều đó có vẻ kỳ lạ đối với sự hiểu biết của chúng ta về tôn giáo.  Mọi người, đặc biệt là đàn ông, đã trải qua một mối liên kết chặt chẽ với các chiến binh đồng đội của họ, một cảm giác vị tha mãnh liệt khi mạo hiểm mạng sống của họ vì người khác và được sống trọn vẹn hơn.  Phản ứng này đối với bạo lực vẫn tồn tại trong bản chất của chúng ta.  Phóng viên chiến trường Chris Hedges của tờ New York Times đã mô tả một cách khéo léo chiến tranh là “một lực lượng mang lại cho chúng ta ý nghĩa”:

 Chiến tranh khiến thế giới trở nên dễ hiểu, một hoạt cảnh đen trắng giữa họ và chúng ta.  Nó đình chỉ suy nghĩ, đặc biệt là suy nghĩ tự phê bình.  Tất cả cúi đầu trước nỗ lực tối cao.  Chúng ta là một.  Hầu hết chúng ta sẵn sàng chấp nhận chiến tranh miễn là chúng ta có thể xếp nó vào một hệ thống niềm tin cho rằng đau khổ xảy ra sau đó là cần thiết vì lợi ích cao hơn, vì con người không chỉ tìm kiếm hạnh phúc mà còn cả ý nghĩa.  Và chiến tranh bi thảm đôi khi là cách mạnh mẽ nhất trong xã hội loài người để đạt được ý nghĩa.

 Cũng có thể là khi họ tự do kiềm chế những xung động hiếu chiến từ vùng sâu nhất trong não bộ, các chiến binh cảm thấy đồng điệu với những động lực cơ bản và không thể lay chuyển nhất của sự tồn tại, những động lực của sự sống và cái chết.  Nói cách khác, chiến tranh là một phương tiện đầu hàng trước sự tàn nhẫn của loài bò sát, một trong những động cơ mạnh mẽ nhất của con người, mà không bị rắc rối bởi những cú huých tự phê bình của tân vỏ não.

Do đó, chiến binh trải nghiệm trong trận chiến sự siêu việt mà những người khác tìm thấy trong nghi lễ, đôi khi có tác dụng bệnh lý.  Các bác sĩ tâm thần điều trị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) cho các cựu chiến binh đã lưu ý rằng khi hủy hoại người khác, những người lính có thể trải qua cảm giác tự khẳng định gần như thuộc tình dục.   Tuy nhiên, sau đó, khi họ đấu tranh để gỡ rối những cảm xúc thương hại và tàn nhẫn, những người mắc PTSD có thể thấy mình không thể hoạt động như những con người mạch lạc.  Một cựu chiến binh Việt Nam đã mô tả một bức ảnh chụp anh ta đang nắm tóc hai cái đầu bị chặt đứt;  ông nói, chiến tranh là “địa ngục”, một nơi mà “sự điên rồ là lẽ tự nhiên” và mọi thứ “vượt ngoài tầm kiểm soát”, nhưng, ông kết luận:

 Điều tồi tệ nhất mà tôi có thể nói về bản thân mình là khi tôi ở đó, tôi đã rất sống động.  Tôi yêu nó theo cách bạn có thể thích một liều adrenaline cao, cách bạn có thể yêu bạn bè, những người thân của mình.  Thật viển vông và là điều chân thực nhất từng xảy ra… Và có lẽ điều tồi tệ nhất đối với tôi bây giờ là sống trong thời bình mà không có được khả năng cao như vậy trở lại.  Tôi ghét những gì khả năng cao đó nhắm tới, nhưng tôi yêu khả năng cao đó.

 “Chỉ khi chúng ta ở giữa cuộc xung đột thì sự nông cạn và trống rỗng của phần lớn cuộc đời chúng ta mới trở nên rõ ràng,” Hedges giải thích.  “Những điều vụn vặt chi phối cuộc trò chuyện của chúng tôi và ngày càng chi phối các buổi phát thành, truyền hình. Và chiến tranh là một loại thần dược hấp dẫn.  Nó cho chúng ta một giải pháp, một nguyên nhân.  Nó cho phép chúng ta trở nên cao quý.” Một trong nhiều động cơ đan xen thúc đẩy đàn ông ra chiến trường là sự tẻ nhạt và vô nghĩa của cuộc sống thường nhật trong gia đình.  Sự khao khát mãnh liệt tương tự sẽ buộc những người khác trở thành nhà sư và nhà khổ hạnh.

 Người chiến binh trong trận chiến có thể cảm thấy được kết nối với vũ trụ, nhưng sau đó không phải lúc nào anh ta cũng có thể giải quyết được những mâu thuẫn nội tâm này.  Chúng ta đã có cơ sở khá rõ ràng rằng có một điều cấm kỵ nghiêm trọng đối với việc giết hại đồng loại của mình—một chiến lược tiến hóa đã giúp giống loài của chúng ta tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chiến đấu.  Nhưng để tự mình làm như vậy, chúng ta bao bọc nỗ lực của mình trong một thần thoại—thường là thần thoại “tôn giáo”—tạo khoảng cách giữa chúng ta và kẻ thù.  Chúng ta phóng đại sự khác biệt với đối thủ, có thể là chủng tộc, tôn giáo hoặc hệ tư tưởng.  Chúng ta phát triển các câu chuyện để thuyết phục bản thân rằng y không thực sự là con người mà là quái vật, phản đề của trật tự và lòng nhân đạo.  Ngày nay, chúng ta có thể tự nhủ rằng chúng ta đang chiến đấu vì Chúa và đất nước hoặc rằng một cuộc chiến cụ thể nào đó là “chính đáng” hoặc “hợp pháp”.  Nhưng sự khuyến khích này không phải lúc nào cũng được giữ vững.  Ví dụ, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Chuẩn tướng S. L. A. Marshall của Quân đội Hoa Kỳ và một nhóm các nhà sử học đã phỏng vấn hàng nghìn binh sĩ từ hơn 400 đại đội bộ binh từng cận chiến ở Châu Âu và Thái Bình Dương.  Những phát hiện của họ thật đáng kinh ngạc: chỉ 15 đến 20 phần trăm lính bộ binh có thể bắn thẳng vào kẻ thù;  phần còn lại cố gắng tránh nó và đã phát triển các phương pháp phức tạp để bắn nhầm trật hoặc loay hoay nạp lại vũ khí để tránh bị đồng đội phát hiện.

Thật khó để vượt qua bản chất của một người.  Để trở thành  chiến binh hiệu quả, những binh sĩ được tuyển mộ phải trải qua một cuộc nhập môn khắc nghiệt, không khác những gì các nhà sư hoặc hành giả trải qua, để khuất phục cảm xúc của mình.  Như nhà sử học văn hóa Joanna Bourke giải thích quá trình này:

 Các cá nhân phải được đập vỡ để xây dựng lại thành những người đàn ông chiến đấu hiệu quả.  Các nguyên lý cơ bản bao gồm phi cá nhân hóa, đồng phục, thiếu sự riêng tư, các mối quan hệ xã hội bị ép buộc, lịch trình chặt chẽ, thiếu ngủ, mất phương hướng, sau đó là các nghi thức tổ chức lại theo quân luật, các quy tắc tùy tiện và hình phạt nghiêm khắc.  Các phương pháp bạo hành tương tự như các phương pháp được thực hiện bởi các chế độ nơi người ta được dạy cách tra tấn tù nhân.

 Vì vậy, chúng ta có thể nói, người lính phải trở nên vô nhân tính như “kẻ thù” mà anh ta đã tạo ra trong tâm trí mình.  Thật vậy, chúng ta sẽ thấy rằng trong một số nền văn hóa, thậm chí (hoặc có lẽ đặc biệt) những nền văn hóa tôn vinh chiến tranh, chiến binh bằng cách nào đó đã bị vấy bẩn, bị ô nhiễm và là đối tượng của sự sợ hãi—vừa là một nhân vật anh hùng vừa là một ác nhân cần phải khiếp sợ, bị tách biệt.  .

 Do đó, mối quan hệ của chúng ta với chiến tranh rất phức tạp, có thể vì nó là một quá trình phát triển tương đối gần đây của con người.  Những người săn bắn hái lượm không thể chấp nhận bạo lực có tổ chức mà chúng ta gọi là chiến tranh, bởi vì chiến tranh đòi hỏi quân đội lớn, sự lãnh đạo bền vững và nguồn lực kinh tế vượt xa tầm với của họ. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những ngôi mộ tập thể từ thời kỳ này gợi ý về một số vụ thảm sát,  nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy những con người đầu tiên thường xuyên đánh nhau. Nhưng cuộc sống của con người đã thay đổi mãi mãi vào khoảng năm 9000 trước Công nguyên, khi những người nông dân tiên phong ở Levant học cách trồng và tích trữ ngũ cốc hoang dã.  Họ đã tạo ra những vụ thu hoạch có thể hỗ trợ dân số lớn hơn bao giờ hết và cuối cùng họ đã trồng được nhiều lương thực hơn mức cần thiết. Kết quả là dân số loài người tăng đột ngột đến mức ở một số vùng, việc quay trở lại cuộc sống săn bắt hái lượm trở nên không thể.  Giữa khoảng năm 8500 TCN và thế kỷ thứ nhất của Công nguyên—một khoảng thời gian ngắn đáng kể so với bốn triệu năm lịch sử của chúng ta—trên khắp thế giới, một cách hoàn toàn độc lập, tuyệt đại đa số loài người đã chuyển đổi sang cuộc sống nông nghiệp.  Và cùng với nông nghiệp là nền văn minh;  và với nền văn minh, chiến tranh.

 Trong các xã hội công nghiệp hóa của chúng ta, chúng ta thường hoài niệm về thời đại nông nghiệp, tưởng tượng rằng con người thời đó sống lành mạnh hơn, gần gũi với đất đai và hài hòa với thiên nhiên.  Tuy nhiên, ban đầu, nông nghiệp đã trải qua một chấn thương.  Những khu định cư ban đầu này rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi năng suất đột ngột có thể quét sạch toàn bộ dân số, và thần thoại của họ mô tả những người nông dân đầu tiên chiến đấu trong một trận chiến tuyệt vọng chống lại tình trạng cằn cỗi, hạn hán và nạn đói.  Những bộ xương còn sót lại cho thấy những người ăn thực vật thấp hơn những người đi săn ăn thịt một cái đầu, dễ mắc bệnh thiếu máu, bệnh truyền nhiễm, sâu răng và rối loạn xương. Trái đất được tôn kính như Nữ thần Mẫu và sự phong phú của bà được trải nghiệm như một sự hiển linh;  bà ấy được gọi là Ishtar ở Mesopotamia, Demeter ở Hy Lạp, Isis ở Ai Cập và Anat ở Syria.  Tuy nhiên, bà ấy không phải là một sự hiện diện an ủi mà cực kỳ bạo lực.  Mẹ Trái đất thường xuyên chia cắt các người phối ngẫu cũng như kẻ thù của bà – giống như ngô được nghiền thành bột và nho bị nghiền nát thành bã không thể nhận ra.

 Nông cụ được miêu tả là vũ khí làm tổn thương trái đất, vì vậy những mảnh đất canh tác trở thành những cánh đồng máu.  Khi Anat giết chết Mot, vị thần của sự vô sinh, bà ấy cắt ông ta làm hai bằng một chiếc liềm nghi lễ, sàng lọc ông ta trong một cái sàng, nghiền ông ta trong cối xay và rải những mảnh thịt chảy máu của ông ta trên cánh đồng.  Sau khi tàn sát kẻ thù của Baal, thần mưa ban sự sống, bà tô điểm cho mình bằng phấn hồng và lá móng, làm một chiếc vòng cổ bằng tay và đầu những nạn nhân của mình, rồi lội máu đến đầu gối để tham dự bữa tiệc khải hoàn.

 Những huyền thoại bạo lực này phản ánh thực tế chính trị của đời sống nông nghiệp.  Vào đầu thiên niên kỷ thứ chín trước Công nguyên, khu định cư ở ốc đảo Jericho trong thung lũng Jordan có dân số ba nghìn người, điều không thể xảy ra trước khi nông nghiệp ra đời.  Giê-ri-cô là một thành lũy kiên cố được bảo vệ bởi một bức tường lớn chắc hẳn đã tiêu tốn hàng chục nghìn giờ nhân công để xây dựng. Trong vùng khô cằn này, các kho lương thực dồi dào của Giê-ri-cô sẽ là thỏi nam châm thu hút những người du mục đói khát.  Do đó, thâm canh nông nghiệp đã tạo ra những điều kiện có thể gây nguy hiểm cho mọi người ở thuộc địa giàu có này và biến đất canh tác của nó thành những cánh đồng máu.  Tuy nhiên, Giê-ri-cô là một điều khác thường—một dấu hiệu của tương lai.  Chiến tranh sẽ không trở nên phổ biến trong khu vực này trong 5.000 năm nữa, nhưng có một khả năng, và ngay từ đầu, dường như bạo lực có tổ chức quy mô lớn không liên quan đến tôn giáo mà liên quan đến trộm cắp có tổ chức.

Nông nghiệp cũng đã đưa ra một kiểu xâm lược khác: bạo lực thể chế hoặc cấu trúc trong đó một xã hội buộc mọi người phải sống trong cảnh khốn cùng và khuất phục đến mức họ không thể cải thiện số phận của mình.  Sự áp bức có hệ thống này được mô tả có thể là “hình thức bạo lực tinh vi nhất,” và, theo Hội đồng Giáo hội Thế giới, nó xuất hiện bất cứ khi nào “các nguồn lực và quyền lực được phân bổ không đồng đều, tập trung vào tay một số ít, những người không sử dụng chúng để giúp tất cả các thành viên có thể thành tựu bản thân, mà sử dụng một phần của chúng để tự thỏa mãn hoặc cho mục đích thống trị, áp bức và kiểm soát các xã hội khác hoặc những người yếu thế trong xã hội mình.” Nền văn minh nông nghiệp đã tạo ra  bạo lực có hệ thống này lần đầu tiên trở thành hiện thực trong lịch sử loài người.

 Các cộng đồng thời kỳ đồ đá cũ có lẽ là theo chủ nghĩa quân bình vì những người săn bắn hái lượm không thể hỗ trợ một tầng lớp đặc quyền không chia sẻ khó khăn và nguy hiểm trong hoạt động săn bắn. Bởi vì những cộng đồng nhỏ này sống ở mức gần đủ sống và không tạo ra thặng dư kinh tế, nên sự bất bình đẳng về của cải là không thể.  Bộ lạc chỉ có thể tồn tại nếu mọi người chia sẻ thức ăn mà họ có.  Cái trị bằng cách cưỡng bức là không khả thi vì tất cả những người đàn ông khỏe mạnh đều có vũ khí và kỹ năng chiến đấu giống hệt nhau.  Các nhà nhân chủng học đã lưu ý rằng các xã hội săn bắt hái lượm hiện đại là không có giai cấp, rằng nền kinh tế của họ là “một loại chủ nghĩa cộng sản”, và rằng mọi người được tôn vinh vì những kỹ năng và phẩm chất, chẳng hạn như sự hào phóng, lòng tốt và sự điềm tĩnh, mang lại lợi ích cho cộng đồng như một  toàn bộ. Nhưng khi trong các xã hội sản xuất nhiều hơn mức họ cần, một nhóm nhỏ có thể khai thác phần thặng dư này để làm giàu cho chính mình, giành độc quyền bạo lực và thống trị phần dân số còn lại.

 Như chúng ta sẽ thấy trong Phần Một, bạo lực có hệ thống này sẽ chiếm ưu thế trong tất cả các nền văn minh nông nghiệp. Trong các đế chế ở Trung Đông, Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu, những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, một nhóm nhỏ tinh hoa, chiếm không quá 2% dân số, với sự giúp đỡ của một nhóm nhỏ tùy tùng, đã cướp bóc  quần chúng một cách có hệ thống sản phẩm mà họ đã trồng để nuôi dưỡng lối sống quý tộc của mình.  Tuy nhiên, các nhà sử học xã hội lập luận, nếu không có sự sắp xếp bất công này, loài người có lẽ sẽ không bao giờ tiến bộ vượt quá mức đủ sống, bởi vì nó tạo ra một tầng lớp quý tộc rảnh rỗi để phát triển nghệ thuật và khoa học văn minh giúp cho sự tiến bộ trở nên khả thi.  Tất cả các nền văn minh tiền hiện đại đều áp dụng hệ thống áp bức này;  dường như không có sự thay thế.  Điều này chắc chắn có ý nghĩa đối với tôn giáo, vốn thấm nhuần mọi hoạt động của con người, bao gồm cả việc xây dựng nhà nước và chính quyền.  Thật vậy, chúng ta sẽ thấy rằng chính trị tiền hiện đại không thể tách rời khỏi tôn giáo.  Và nếu một tầng lớp cầm quyền áp dụng một truyền thống đạo đức, chẳng hạn như Phật giáo, Cơ đốc giáo hoặc Hồi giáo, giới tăng lữ quý tộc thường điều chỉnh hệ tư tưởng của họ để nó có thể hỗ trợ cấu trúc bạo lực của nhà nước.

 Trong Phần Một và Hai, chúng ta sẽ khám phá tình thế tiến thoái lưỡng nan này.  Được thiết lập bằng vũ lực và được duy trì bằng sự xâm lược quân sự, chiến tranh là điều cần thiết đối với nhà nước nông nghiệp.  Khi đất đai và những người nông dân canh tác nó là nguồn của cải chính, thì việc chinh phục lãnh thổ là cách duy nhất để một vương quốc như vậy có thể tăng doanh thu của mình.  Do đó, chiến tranh là không thể thiếu đối với bất kỳ nền kinh tế tiền hiện đại nào.  Giai cấp thống trị phải duy trì quyền kiểm soát các làng nông dân, bảo vệ đất canh tác của mình trước những kẻ xâm lược, chinh phục thêm đất đai và đàn áp tàn nhẫn bất kỳ dấu hiệu nào về sự bất phục tùng.  Một nhân vật quan trọng trong câu chuyện này sẽ là hoàng đế Ấn Độ Ashoka (khoảng 268–232 TCN).  Kinh hoàng trước những đau khổ mà quân đội của ông đã gây ra cho một thành phố nổi loạn, ông đã không ngừng phát huy đạo lý về lòng trắc ẩn và lòng khoan dung nhưng cuối cùng không thể giải tán quân đội của mình.  Không quốc gia nào có thể tồn tại nếu không có binh lính của mình.  Và một khi các quốc gia phát triển và chiến tranh đã trở thành một thực tế của cuộc sống con người, thì một lực lượng thậm chí còn lớn hơn—sức mạnh quân sự của đế chế—thường dường như là cách duy nhất để giữ hòa bình.

Lực lượng quân sự cần thiết cho sự trỗi dậy của các quốc gia và cuối cùng là đế chế đến mức các nhà sử học coi chủ nghĩa quân phiệt là dấu hiệu của nền văn minh.  Người ta khẳng định rằng nếu không có quân đội kỷ luật, ngoan ngoãn và tuân thủ luật pháp, xã hội loài người có lẽ vẫn ở mức nguyên thủy hoặc thoái hóa thành những bầy đàn gây chiến không ngừng. Nhưng như mối xung đột bản thân giữa các tác động của bạo lực và lòng trắc ẩn , tính không mach lac giữa cứu cánh hòa bình và  phương tiện bạo lực sẽ vẫn chưa được giải quyết.  Thế tiến thoái lưỡng nan của Ashoka là thế tiến thoái lưỡng nan của chính nền văn minh.  Và tôn giáo cũng sẽ tham gia vào cuộc giằng co này.  Vì tất cả hệ tư tưởng nhà nước tiền hiện đại không thể tách rời khỏi tôn giáo, nên chiến tranh chắc chắn mang đậm yếu tố thiêng liêng.  Thật vậy, mọi truyền thống đức tin lớn đều theo dõi thực thể chính trị mà nó phát sinh;  không tôn giáo nào trở thành “tôn giáo thế giới” nếu không có sự bảo trợ của một đế chế hùng mạnh về quân sự, và do đó, mỗi tôn giáo sẽ phải phát triển một hệ tư tưởng đế quốc. Nhưng tôn giáo đã góp phần vào bạo lực ở các quốc gia mà nó gắn bó chặt chẽ ở mức độ nào ?  Chúng ta có thể đổ lỗi cho chính tôn giáo bao nhiêu về lịch sử bạo lực của con người?  Câu trả lời không đơn giản như phần lớn diễn ngôn phổ biến của chúng ta gợi ý.

  • ● ●

 Thế giới của chúng ta đang bị phân cực một cách nguy hiểm vào thời điểm mà nhân loại có mối liên kết chặt chẽ —về mặt chính trị, kinh tế và điện tử—hơn bao giờ hết.  Nếu chúng ta muốn đương đầu với thách thức của thời đại chúng ta và tạo ra một xã hội toàn cầu, nơi tất cả các dân tộc có thể chung sống trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, thì chúng ta cần đánh giá tình hình của mình một cách chính xác.  Chúng ta không thể chấp nhận những giả định quá đơn giản về bản chất của tôn giáo hoặc vai trò của nó trên thế giới.  Điều mà học giả người Mỹ William T. Cavanaugh gọi là “huyền thoại về bạo lực tôn giáo” đã phục vụ tốt cho người phương Tây ở giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa, nhưng trong ngôi làng toàn cầu của chúng ta, chúng ta cần có một cái nhìn sắc thái hơn để hiểu đầy đủ tình trạng khó khăn của mình.

 Cuốn sách này tập trung chủ yếu vào các truyền thống Áp-ra-ham của Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo vì chúng là những truyền thống được chú ý nhiều nhất vào lúc này.  Tuy nhiên, vì có một niềm tin phổ biến rằng thuyết độc thần, niềm tin vào một Chúa duy nhất, đặc biệt dễ dẫn đến bạo lực và không khoan dung, nên phần đầu tiên của cuốn sách sẽ xem xét nó theo quan điểm so sánh.  Trong các truyền thống trước các tín ngưỡng của Áp-ra-ham, chúng ta sẽ thấy không chỉ lực lượng quân sự và một hệ tư tưởng thấm nhuần điều thiêng liêng đều cần thiết như thế nào đối với nhà nước mà còn thấy rằng ngay từ thời xa xưa đã có những người đau khổ về tình thế tiến thoái lưỡng nan của bạo lực cần thiết và đề xuất cho “tôn giáo”  cách để chống lại những thôi thúc hung hăng và hướng chúng đến những mục đích nhân ái hơn.

 Tôi sẽ không có thời gian nếu cố gắng đề cập đến tất cả các trường hợp bạo lực có liên quan đến tôn giáo, nhưng chúng ta sẽ khám phá một số trường hợp nổi bật nhất trong lịch sử lâu đời của ba tôn giáo Áp-ra-ham, chẳng hạn như các cuộc thánh chiến của Joshua, lời kêu gọi thánh chiến, các cuộc Thập tự chinh,  Tòa án dị giáo và Chiến tranh tôn giáo châu Âu.  Rõ ràng là khi những người tiền hiện đại tham gia vào chính trị, họ đã suy nghĩ theo phạm trù tôn giáo và đức tin đó đã thấm nhuần cuộc đấu tranh của họ để tìm hiểu thế giới theo một cách có vẻ xa lạ với chúng ta ngày nay.  Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện.  Để nhại theo một đoạn quảng cáo của Anh: “Thời tiết ảnh hưởng đến nhiều thứ khác nhau—và tôn giáo cũng vậy.”  Trong lịch sử tôn giáo, cuộc đấu tranh cho hòa bình cũng quan trọng như cuộc thánh chiến.  Những người theo đạo đã tìm ra tất cả các loại phương pháp khéo léo để đối phó với cơ chế quyết đoán của bộ não loài bò sát, kiềm chế bạo lực và xây dựng các cộng đồng tôn trọng, nâng cao cuộc sống.  Nhưng cũng như với Ashoka, người đã đứng lên chống lại tính hiếu chiến có hệ thống của nhà nước, họ không thể thay đổi hoàn toàn xã hội của mình;  điều họ có thể làm nhiều nhất là đề xuất một con đường khác để thể hiện những hành động tử tế và đồng cảm hơn để mọi người sống cùng nhau.

Khi chúng ta đến thời kỳ hiện đại, trong Phần Ba, tất nhiên, chúng ta sẽ khám phá làn sóng bạo lực đòi quyền lợi tôn giáo nổ ra trong những năm 1980 và lên đến đỉnh điểm là sự tàn bạo ngày 11 tháng 9 năm 2001. Nhưng chúng ta cũng sẽ xem xét bản chất của  chủ nghĩa thế tục, mặc dù có nhiều lợi ích, nhưng không phải lúc nào cũng đưa ra một giải pháp thay thế hoàn toàn hướng đến hòa bình cho ý thức hệ  nhà nước tôn giáo.  Các triết lý hiện đại thuở ban đầu cố gắng lập lại hòa bình cho châu Âu sau Chiến tranh Ba mươi năm trên thực tế đã có một nét tàn nhẫn của riêng chúng, đặc biệt là khi giải quyết những thương vong của thế hệ hiện đại thế tục, những người thấy nó tha hóa hơn là trao quyền và giải phóng.  Điều này là do chủ nghĩa thế tục không thế chỗ tôn giáo nhiều như tạo ra những nhiệt tình tôn giáo mới.  Khao khát của chúng ta về ý nghĩa tối thượng đã ăn sâu đến mức các thể chế thế tục của chúng ta, đặc biệt nhất là nhà nước-dân tộc, gần như ngay lập tức có được hào quang “tôn giáo”, mặc dù chúng kém tinh tế hơn các thần thoại cổ xưa trong việc giúp mọi người đối mặt với thực tế nghiệt ngã hơn của số phận con người, vốn không có câu trả lời dễ dàng.  Tuy nhiên, chủ nghĩa thế tục không có nghĩa là kết thúc câu chuyện.  Trong một số xã hội đang cố gắng tìm đường đến hiện đại, nó chỉ thành công trong việc làm tổn hại đến tôn giáo và làm tổn thương tâm thức của những người không được chuẩn bị để bị giật mạnh ra  khỏi lối sống và nhận thức đã luôn nâng đỡ họ.  Liếm vết thương của mình trong sa mạc, vật tế, với nỗi phẫn uất đang âm ỉ, đã quay trở lại thành phố đã xua đuổi nó.

Mục lục

Giới thiệu

Phần Một ♦NHỮNG KHỞI ĐẦU

  1. Nông dân và Người chăn gia súc
  2. Ấn Độ: Con đường cao quý
  3. Trung Quốc: Những chiến binh và người quân tử
  4. Thế tiến thoái lưỡng nan của người Do Thái

Phần Hai ♦ GÌN GIỮ HÒA BÌNH

  1. Chúa Giêsu: Không thuộc thế giới này sao?
  2. Byzantium: Bi kịch của Đế chế
  3. Thế tiến thoái lưỡng nan của người Hồi giáo
  4. Thập tự chinh và thánh chiến

Phần ba ♦ THỜI HIỆN ĐẠI

  1. Sự xuất hiện của “Tôn giáo”
  2. Chiến thắng của thế tục
  3. Tôn giáo chống trả
  4. Thánh Khủng bố
  5. Lời bạt Thánh chiến Toàn cầu

2 thoughts on “Những cánh đồng máu : Tôn Giáo và Lịch Sử Bạo Lực (Bài 1)

Bình luận về bài viết này