CHƯƠNG 8 : NGƯỜI THỔ BƯỚC VÀO 120 – 487 SH [737 – 1095 CN]
Tamim Ansary
Trần Quang Nghĩa dịch
Điều gì gây ra mọi nỗi lo lắng? Câu trả lời nằm trong câu chuyện chính trị diễn tiến song song với các phong trào trí thức tôi đã mô tả. Từ thời Nhà Tiên Tri qua hai thế kỷ đầu tiên của thời trị vì Abbasid, những người trong thế giới Hồi giáo có lý do đúng đắn để nghĩ rằng mình đang sống ngay tâm điểm của nền văn minh thế giới. Văn hóa Âu châu chưa tồn tại. Ấn Độ đã phân rã thành nhiều vương quốc nhỏ. Phật giáo đã thoái lui về Trung Quốc, và mặc dù thực sự ở đó có các triều đại Đường và Tống một thời hưng thịnh, thống trị một đế chế rộng lớn tương tự như đế chế Hồi lúc đó ở Trung Thế Giới, nhưng Trung Quốc ở quá xa để có thể gây tiếng vang đến những vùng như Mesopotamia hoặc Ai Cập.
Nếu Hồi giáo là trung tâm của thế giới, thế thì lực tác động bên dưới của lịch sử thế giới là việc truy tìm để hoàn thiện và phổ quát hóa cộng đồng Hồi giáo. Mọi vấn để chủ yếu của thời đại – cuộc tranh chấp giữa giáo phái Shi’i và chính thống, triết học và thần học, người Ba Tư và người Ả Rập – có thể được hiểu trong bộ khung này. Một thời gian lâu dài, các nhà quan sát lạc quan có thể nhìn vào các sự kiện thế giới và tin rằng mọi chuyện nói chung tiến lên phía trước. Những gợi ý về phép lạ thiêng liêng từng nở hoa ở Mecca và Medina vẫn còn đâm bông. Đạo Hồi đã thấm đậm sâu sắc và lan xa. Thậm chí người Ấn giáo (Hindu) ở trung tâm Ấn Độ cũng đang suy yếu. Thậm chí Châu Phi hạ Sahara giờ cũng cải sang đạo Hồi. Chỉ ở Trung Quốc và châu Âu tối tăm là hoàn toàn còn nằm ngoài thế giới Hồi giáo. Dường như chỉ là vấn đề thời gian trước khi đạo Hồi hoàn thành vận mệnh của mình và tắm gội các vùng đó bằng ánh sáng đức tin .
Nhưng giấc mơ về một cộng đồng phổ quát của lòng sùng đạo và công chính vẫn còn lẫn tránh ngoài tầm với và rồi bắt đầu trôi tuột đi. Ngay đỉnh cao quyền lực và vinh quang, triều đại kha-lip bắt đầu rạn nứt. Thật ra, khi nhìn lại, các sử gia có thể đoan chắc sự rạn nứt bắt đầu trước khi đạt đến đỉnh cao. Nó bắt đầu khi người Abbasid chiếm lấy quyền lực.
Trong cuộc chuyển giao địa chấn đó, các nhà cai trị mới lừa tất cả người Umayyad vào phòng rồi đập họ đến chết. Vâng, không hoàn toàn tất cả. Một quý tộc Umayyad lỡ hẹn buổi chiêu đãi. Người này, người cuối cùng của dòng họ Umayyad, một anh chàng có tên Abdul Rahman, giả trang trốn khỏi Damascus và hướng thẳng qua Bắc Phi và chạy thục mạng không dừng lại cho đến khi đến chóp mũi xa nhất của thế giới Hồi giáo: Andalusia Tây Ban Nha. Xa hơn nửa y sẽ lọt vào vùng hoang dã sơ khai của châu Âu Cơ đốc.
Abdul Rahman gây ấn tượng với những dân bản địa ở Tây Ban Nha. Một ít tay sừng sõ nổi loạn thuộc nhóm Kharijite lẩn tránh quanh đó nơi tận cùng Trái Đất cam kết tay gươm với chàng trai trẻ. Tại đó ở Tây Ban Nha, quá cách xa trung tâm Hồi giáo, không ai biết nhiều về chế độ mới ở Baghdad và ắt hẳn không cảm thấy phải trung thành với họ. Người Andalusia đã quen coi mình là thần dân của dòng Umayyad, và trước mắt họ là chàng trai Umayyad bằng xương bằng thịt đang yêu cầu được làm kẻ cai trị họ. Trong một thời đại ít nhiễu loạn hơn, Abdul Rahman đơn giản có thể được bổ nhiệm làm thống đốc ở đây và dân chúng dễ dàng chấp nhận anh. Do đó, giờ đây họ chấp nhận anh là thủ lĩnh của họ, và Tây Ban Nha Andalusia trở thành một nhà nước độc lập, tách biệt với phần còn lại của vương quốc kha-lip. Vì thế câu chuyện Hồi giáo bây giờ diễn tiến từ hai trung tâm.
Lúc đầu, đây chỉ là vết nứt chính trị, nhưng khi triều đại Abbasid suy yếu, dòng Umayyad ở Andalusia tuyên bố họ không chỉ độc lập với Baghdad mà, thực ra, còn là một vương quốc kha-lip. Mọi người trong vòng bán kính vài trăm dặm nói, “Ồ, vâng, thưa ngài, ngài nhất định là vị kha-lip của đạo Hồi; chúng tôi chỉ cần nhìn ngài là biết ngay.” Vì vậy chính vương triều kha-lip, cái ý tưởng gần như là thần bí về một cộng đồng tôn giáo đơn lẻ trên toàn thế giới đã vỡ làm hai.
Tuyên bố của Umayyad có một chút vang dội vì kinh đô Cordoba của Andalusia lồ lộ là thành phố lớn nhất ở châu Âu. Ở đỉnh cao của nó, dân số xấp xỉ nửa triệu người và tự hào có đến hàng trăm nhà tắm, bệnh viện, trường học, thánh đường, và những công sở khác. Trong số nhiều thư viện ở Cordoba, thư viện lớn nhất có tiếng là chứa đến 500 ngàn bộ sách. Tây Ban Nha cũng có các trung tâm đô thị khác, các thành phố có đến 50.000 dân vào một thời điểm mà các thị trấn lớn nhất ở châu Âu Cơ đốc không có quá 25 000 dân cư. La Mã một thời hưng thịnh giờ đây chỉ là một ngôi làng, với dân số kém hơn Dayton, Ohio, thưa thớt nông dân và bọn côn đồ kiếm sống giữa các phế tích.
Do đó lúc đầu, rạn nứt chính trị ở Hồi giáo dường như không ám chỉ có sự mất mát gì về đà phát triển văn minh.
Andalusia buôn bán nhộn nhịp với phần còn lại của thế giới văn minh. Nó chuyên chở gỗ, thóc, kim loại, và các nguyên liệu thô vào Bắc Phi và băng qua Địa Trung Hải đến Trung Thế Giới, nhập khẩu từ các vùng này hàng hóa thủ công mỹ nghệ xa xỉ, gốm, đồ đạc, hàng dệt may cao cấp, gia vị v…v. .
Giao thương với các xứ Cơ đốc miền bắc và đông, ngược lại, chỉ nhỏ giọt – vì tình trạng thù địch giữa các vùng miền thì ít mà nhiều hơn là vì dân Âu châu Cơ đốc đúng ra không có gì nhiều để bán và không có tiền nhiều để mua.
Người Hồi chiếm đa số tại Andalusia, nhưng nhiều người Cơ đốc và Do Thái vẫn sống chan hòa ở đó. Tây Ban Nha Umayyad có thể hiềm khích với triều kha-lip Baghdad, nhưng các nhà cai trị của nó cũng đi theo các chính sách xã hội như trong các vùng lãnh thổ được chinh phục của Hồi giáo từ trước đến nay. Cả cộng đồng Cơ đốc và Do Thái đều có các nhà lãnh đạo tôn giáo và hệ thống tư pháp riêng và được tự do thực hành nghi thức và tập quán riêng. Nếu họ gặp tranh chấp với một người Hồi, vụ án được xét xử trong tòa án Hồi theo luật pháp Hồi nhưng các tranh chấp giữa họ với nhau thì được phân xử bởi các thẩm phán riêng của họ theo luật của họ.
Người không đạo Hồi phải đóng thuế thân nhưng được miễn đóng thuế từ thiện. Họ khỏi phải thi hành nghĩa vụ quân sự và không được giữ chức vụ chính trị cao nhất, nhưng các nghề nghiệp và công việc hành chính khác đều mở rộng cho họ. Người Cơ đốc, Hồi, và Do Thái sống với nhau tương đối chan hòa trong đế chế này với tiền đề rằng người Hồi nắm quyền lực chính trị tối cao và ắt hẳn tỏa ra một thái độ ưu việt, xuất phát từ tin tưởng vững chắc nền văn hóa và xã hội của mình biểu thị một trình độ văn minh cao nhất, không khác người Mỹ và người Tây Âu hiện nay có khuynh hướng tương tự đối với người thuộc thế giới thứ ba.
Câu chuyện về Vua Sancho minh họa các cộng đồng hòa thuận với nhau ra sao. Vào thế kỷ 10 CN, Sancho thừa kế ngôi vua Leon, một vương quốc Cơ đốc phía bắc Tây Ban Nha. Chẳng bao lâu thần dân của Sancho bắt đầu đặt cho ông biệt danh Sancho Béo, một biệt danh mà một ông vua không hề thích nghe thần dân mình xì xào một cách bất kính. Sancho tội nghiệp đáng ra nên được gọi chính xác hơn là Sancho Bị Bệnh Béo Phì, nhưng giới quý tộc của ông không thể có được quan điểm phóng khoáng. Họ xem kích cỡ của Sancho như là bằng chứng của tính yếu đuối nội tâm khiến ông không thích hợp để cai trị, vì thế họ hạ bệ ông.
Sancho sau đó nghe tin một thầy thuốc Do Thái có tên Hisdai ibn Shaprut nổi tiếng chữa trị bệnh béo phì. Hisdai lại là ngự y của vị kha-lip ở Cordoba, vì vậy Sancho lên đường tiến về nam với bà mẹ và đoàn tùy tùng để tìm thầy chữa trị. Nhà cai trị Hồi giáo Abdul Rahman Đệ tam chào đón Sancho như một vị khách danh dự và mời ông ở lại cung điện cho đến khi Hisdai thu ông nhỏ lại. Sau đó, Sancho trở về Leon, lấy lại ngôi vua, và ký một hiệp ước thân hữu với Abdul Rahman.
Một vị vua Cơ đốc được chữa trị bởi một thầy thuốc Do Thái tại triều đình của một nhà cai trị Hồi giáo: tại đó bạn nghe được câu chuyện vắn tắt về nước Tây Ban Nha Hồi giáo. Khi người Âu châu nói về Thời Hoàng Kim của đạo Hồi, họ thường nghĩ về vương triều kha-lip Tây Ban Nha, bởi vì đây là lãnh thổ thuộc thế giới Hồi giáo mà người Âu châu biết rõ nhất.
Nhưng Cordoba không phải là thành phố duy nhất cạnh tranh với Baghdad. Trong thế kỷ 10, một thành phố khác nổi lên thách thức địa vị vượt trội của vương triều kha-lip Abbasid.
Khi người Abbasid quyết định cai trị với lập trường giáo phái Sunni, việc đó khích động giáo phái Shi’i đứng lên nổi dậy. Vào năm 347 SH (969 CN) các chiến binh Shi’i từ Tunisia xoay sở nắm được quyền kiểm soát Ai Cập và tuyên bố chính mình mới là triều kha-lip đích thực của Hồi giáo bởi vì (theo họ) họ xuất thân là dòng dõi con gái Fatima của Nhà Tiên Tri, vì lý do đó họ xưng mình là Fatimid. Các nhà cai trị này xây dựng một kinh độ mới toanh gọi là Qahira, tiếng Ả Rập có nghĩa là “chiến thắng”. Ở phương Tây, nó được viết là Cairo.
Triều kha-lip Ai Cập có tài nguyên Bắc Phi và vựa lúa của vùng châu thổ sông Nile để nhờ cậy. Nó toạ lạc đắc địa để cạnh tranh trên thương trường Địa Trung Hải, và thống trị các tuyến đường dọc Biển Đỏ đến Yemen, nhờ đó mở lối vào các thị trường trên bờ Ấn Độ Dương. Khoảng năm 1000 CN, nó ắt hẳn qua mặt cả Baghdad lẫn Cordoba.
Ở Cairo, người Fatimid xây dựng đại học đầu tiên trên thế giới, Al Azhar, vẫn còn hoạt động. Mọi điều tôi đã nói về hai triều kha-lip kia – các thành phố lớn, cửa hàng tấp nập, chính sách phóng khoáng, hoạt động văn hóa và trí thức sôi nổi – đều đúng với triều kha-lip này. Tuy giàu có như vậy,Ai Cập vẫn biểu thị sự phân mảnh khác của điều, về lý thuyết, gọi là cộng đồng phổ quát đơn lẻ. Tóm lại, khi thiên niên kỷ mới đến gần, thế giới Hồi giáo được phân chia thành ba phần.
Ba Triều Kha-lip
Mỗi triều kha-lip đều tự xác nhận mình là triều kha-lip độc nhất và thực sự duy nhất – “một và chỉ một” được kiến tạo theo đúng nghĩa của từ kha-lip. Nhưng bởi vì lúc này cả ba đều chỉ là những hoàng đế thế tục, nên cả ba đều ít nhiều cộng tác với nhau, giống như ba nhà nước thế tục rộng lớn.
Triều Abbasid có lãnh thổ rộng lớn nhất (lúc đầu), và kinh đô họ giàu có nhất, nhưng chính kích cỡ lãnh thổ của họ khiến họ, theo các cách nào đó, là người yếu nhất trong ba triều kha-lip. Cũng giống như khi La Mã bành trướng quá mức đến nổi khó quản trị từ bất kỳ trung tâm đơn lẻ nào và bởi bất kỳ nhà cai trị đơn lẻ nào, thì triều Abbasid cũng vậy. Một bộ máy hành chính phát triển để thực thi các mệnh lệnh của vị kha-lip tạo thành một lớp vỏ cứng thường trực. Vị kha-lip biến mất vào trong thượng tầng ở bên trên bộ máy nhà nước này cho đến khi ông ta trở nên vô hình đối với thần dân của mình.
Cũng giống như các hoàng đế La Mã, các kha-lip Abbasid bao bọc quanh mình một đội cận vệ, trở thành cái đuôi vẫy của con chó. Ở La Mã, nhóm này được gọi là Cận vệ Hoàng đế (Praetorian Guard), và mỉa may thay, nó gồm phần lớn những người Đức được chiêu mộ từ các lãnh thổ của bọn man rợ nằm ở phía bắc biên giới, cũng bọn man rợ này đã giao chiến với quân đoàn La Mã hàng bao thế kỷ và những cuộc rong chơi của họ gây ra mối đe dọa thường xuyên cho trật tự văn minh.
Kiểu dạng tương tự xảy ra trong triều đại kha-lip Abbasid. Ở đây, bọn ngự lâm quân gọi là các mamluk, có nghĩa là “nô lệ,” mặc dù đây không phải là những nô lệ bình thường mà là những chiến binh nô lệ cừ khôi. Như La Mã, vương triều kha-lip bị bọn man rợ du cư phía bắc biên giới quấy nhiễu. Ở trời tây, bọn man rợ phương bắc là người Đức; còn ở đây là người Thổ. (Lúc này không có người Thổ nào cư ngụ tại nơi mà ngày nay gọi là Thổ Nhĩ Kỳ; họ di dân đến vùng này rất lâu sau này. Đất tổ của các bộ tộc Thổ là ở các thảo nguyên trung Á phía bắc Iran và Afghanistan.) Như người La Mã đã làm với bọn Đức, người Abbasid đem về xứ một số người Thổ này – mua chúng từ các chợ nô lệ dọc biên giới – và sử dụng chúng làm cận vệ. Các kha-lip làm việc này vì họ không tin tưởng người Ả Rập và Ba Tư mà họ cai trị và sống chung, bọn người có nhiều dây mơ rễ má, nhiều họ hàng, và nhiều mối quan tâm tác động. Các kha-lip muốn các cận vệ không có liên hệ với ai trừ với chính mình, không nhà cửa trừ triều đình của mình, không trung thành với ai trừ chủ nhân của họ. Vì vậy, các nô lệ họ mua về toàn là trẻ con. Họ nuôi dưỡng chúng như người Hồi trong các trường đặc biệt nơi đó chúng học các kỹ năng chém giết. Khi lớn lên chúng được xung vào đội quân tinh nhuệ tạo thành cánh tay nối dài của vị kha-lip. Thật ra, vì quần chúng không hề trông thấy vị kha-lip nữa, các cận vệ Thổ này trở thành, đối với phần đông, bộ mặt của vị kha-lip.
Tất nhiên là bọn này xấc xước, hung hăng, và tham tàn – chúng được nuôi dạy như thế mà. Thậm chí trong khi bảo vệ cho kha-lip được an toàn, chúng khiến cho ông xa cách với thần dân của mình, các vụ phá phách của chúng càng khiến ông bị dân chúng căm ghét và do đó thêm bất an và lại phải cần thêm cận vệ. Cuối cùng, vị kha-lip phải xây thành phố lính Samarra chỉ để chứa bọn mamluk hay gây rối này, và chính ông phải chuyển đến sống chung với chúng.
Trong khi đó, một gia đình Ba Tư, Buyid, luồn lách vào được triều đình giữ chức cố vấn, thư ký, phụ tá cho vị kha-lip. Chẳng bao lâu, họ nắm quyền kiểm soát bộ máy hành chính và các hoạt động thường nhật của đế chế. Táo tợn hơn, họ truyền thừa chức vụ tể tướng từ cha xuống còn, làm như tước vị này có tính kế thừa. Dòng Buyid, giống như các kha-lip, cũng bắt đầu “nhập khẩu” con cái bọn man rợ Thổ về Baghdad và nuôi dạy chúng trong các khu trại được giám sát chặt chẽ, để lớn lên làm cận vệ cho họ. Một khi phe Buyid đã củng cố xong hệ thống của mình, không ai có thể chống lại họ, bởi vì cận vệ Thổ đến thị trấn ở tuổi còn nhỏ nên chúng không nhớ gì về gia đình, cha me, anh em: chúng chỉ biết có đồng đội chung trường huấn luyện và các khu trại tại đó chúng lớn lên, và chúng chỉ biết trung thành với đồng đội và người điều khiển chúng trong trại lính. Thế là dòng Buyid trở thành một loại triều đại mới ở Hồi giáo. Họ cô lập vị kha-lip nhưng phát lệnh nhân danh ông và tận hưởng cuộc sống cao tột phía sau ngai vàng. Như thế người Ba Tư đã lên vị trí cai trị kính đô của triều kha-lip Ả Rập.
Các tể tướng Ba Tư này không thể cai trị phần còn lại của đế chế, tuy nhiên, họ không màng đến việc ấy. Họ bằng lòng nhường các vùng đất xa xôi cho bất cứ lãnh chúa nào hùng mạnh nhất ở đó cát cứ. Vì vây các thống đốc có uy thế biến thành các ông vua nhỏ, và các triều đại Ba Tư mini sinh sôi trên khắp lãnh thổ trước đây của đế chế Sassanid.
Bạn có thể cho rằng huấn luyện bọn nô lệ thành sát thủ, trao khí giới cho chúng, và bố trí chúng bên ngoài cửa phòng ngủ của bạn sẽ là một ý tồi mà không ai chịu làm vậy, nhưng thật ra gần như mọi người đều làm việc ấy trong các khu vực này: mỗi vương quốc Ba Tư nhỏ thoát ly đều có đội mamluk riêng của mình bảo vệ và cuối cùng khống chế các vua Ba Tư cỏn con.
Như thể điều này chưa đủ, toàn đế chế phải gồng mình ngăn chận toàn bộ tộc du cư Thổ vượt biên giới và gieo tai ương cho thế giới văn minh, giống như La Mã đã chiến đấu để ngăn chận bọn Đức. Cuối cùng người Thổ trở nên quá mạnh không thể bị đánh dẹp, cả bên trong lẫn bên ngoài vương triều kha-lip. Tại một số vương quốc nhỏ nằm bên ngoài, bọn mamluk tàn sát chủ nhân của chúng và dựng lên triều đại riêng của mình.
Trong khi đó, với đế chế đang tàn lụi và tấm áo xã hội đã xơ xác, bọn man rợ bắt đầu xâm nhập vùng biên giới phía bắc, như bọn Đức đã làm ở châu Âu lúc chúng vượt sông Rhine vào lãnh thổ La Mã. Bọn Thổ man rợ đi nhỏ giọt về phương nam với số lượng ngày càng tăng: các chiến binh lì lợm, vừa mới cải sang đạo Hồi và tàn nhẫn theo chủ nghĩa cuồng tín ngây ngô của chúng. Quen với việc cướp bóc như một lẽ sống, chúng phá hủy thành phố và tàn hại mùa màng. Xa lộ không còn an toàn, băng đảng sinh sôi, mậu dịch suy thoái, đói khổ lan tràn. Phe mamluk Thổ đánh nhau với phe du cư Thổ – đúng là bọn Thổ ở đâu cũng hùng mạnh. Đây là một lý đó khiến lo âu phủ lên đế chế trong thời của Ghazali.
Tuy nhiên, một ánh sáng lóe lên ở ven bờ dưới triều đại Ba Tư có tên Samanid. Vương quốc của họ tỏa ra từ các thành phố hai bên bờ sông Oxus, hiện giờ tạo thành biên giới phía bắc của Afghanistan. Tại đây, ngay các trung tâm đô thị lớn của Balkh và Bokhara, nền văn chương Ba Tư hồi sinh, và tiếng Ba Tư bắt đầu cạnh tranh với tiếng Ả Rập làm ngôn ngủ học thuật.
Nhưng người Samanid cũng có lực lượng mamluk, và một tướng lĩnh của họ nhất quyết muốn ra lệnh hơn là nghe lệnh. Tạm biệt, Samanid; chào Ghaznavid. Những người cai trị mới được gọi là Ghaznavid vì họ di đời kính đô họ đến thành phố Ghazni, đông nam Kabul. Triều đại Ghaznavid lên đến đỉnh cao với.một nhà chính phục sống thọ có tên Mahmud, một Charlemagne của Đông Hồi giáo. Khi người đàn ông này đã xong việc, đế chế của ông xoải dài từ Caspian đến Sông Ấn. Như Charlemagne cho mình là một “hoàng đế Cơ đốc nhất”, Mahmud xưng mình là một quân vương Hồi giáo nhất. Ông tự phong là người đồng cai trị thế giới Hồi giáo, đặt cho mình một tước hiệu mới toanh là sultan, có nghĩa đại loại là “tay gươm.” Theo ông, vị kha-lip Ả Rập vẫn còn là người cha tinh thần của cộng đồng Hồi giáo, nhưng ông, Mahmud, cũng là nhà lãnh đạo quân sự quan trọng, Người Cưỡng Chế. Từ thời ông cho đến thế kỷ 20, lúc nào cũng có ít nhất một sultan trong thế giới Ả Rập.
Sultan Mahmud có đủ sáng suốt để bố trí vào công vụ triều đình những viên chức Ba Tư có học vấn. Ông công bố các phần thưởng hậu hĩnh cho giới học thuật, khiến lôi kéo được khoảng 900 thì sĩ, sử gia, nhà thần học, triết gia, và các nhà văn đến với triều đình, góp thêm uy tín cho mình
Một trong các gương mặt văn chương này là nhà thơ Firdausi, tác giá cuốn Shahnama (Sách các Vua), một bộ sử thi của quốc gia Ba Tư từ thuở thời gian bắt đầu đến khi đạo Hồi ra đời, tất cả đều ghép thành cặp câu có vần điệu. Trong Trung Thế Giới ông sánh ngang với Dante. Mahmud vui miệng hứa ban thưởng thì sĩ này một đồng tiền vàng cho mỗi cặp câu sau khi thiên hùng ca này hoàn tất. Ông bị sốc khi Firdausi cuối cùng dâng lên ông tập thơ dài nhất từng được một người đơn lẻ chấp bút: Sách các Vua có hơn 60,000 cặp câu. “Bộ trẫm hứa vàng sao?” Vị sultan chau mày, “Ý trẫm là bạc đó. Một đồng tiền bạc cho mỗi cặp câu.”
Chàng Firdausi bị xúc phạm bỏ đi cái một và dâng tập thơ lên một vị vua khác. Theo truyền thuyết, Sultan Mahmud sau đó ân hận đã đè sẻn và phái các gia nhân đưa các thùng vàng đến để dụ chàng thì nhân trở về. Nhưng khi họ gõ cửa trước của ngôi nhà thi sĩ thì ở cửa sau người ta đang mang thi hài ông đi mai táng.
Sách các Vua biểu thị toàn bộ lịch sử như một trận thư hùng giữa hậu duệ của hai anh em huyền thoại, Iran và Turan, mà (người ta thường cho rằng) đại điện cho Ba Tư và Thổ, theo thứ tự: Iran là vài chính diện, và Turan vai phản diện. Không có gì ngạc nhiên khi Sách các Vua giờ đây là bảo vật của Iran, còn tôi thì thắc mắc có phải thực sự chi phí quá lớn cho cuốn sách khiến vị sultan ngần ngại: có thể ông ta không thích người Thổ đóng vai phản diện của lịch sử.
Firdausi cũng chất đầy sự miệt thị lên người Ả Rập và dành trọn một đoạn thơ dài ở cuối quyển sách mô tả sự hoang dã sơ khai của họ so với tính duyên dáng văn minh của người Ba Tư tại thời điểm đạo Hồi ra đời. Tác phẩm của ông là thêm một dấu hiệu của tình trạng suy thoái quyền lực của người Ả Rập và uy thế đang lên của văn hóa Ba Tư bên trong thế giới Hồi giáo. Thật ra, thái độ của ông ta về người Ả Rập không phải là độc nhất. Như một nhà thơ khác của thời kỳ này đã viết, Sultan Mahmud không chỉ là người đầu tiên bảo trợ cho nghệ thuật; mà ông còn tự hào về số đền thờ Hindu ông đã cướp phá và đã cướp phá chúng sạch sẽ ra sao, cũng như số lượng đồ cướp bóc được từ ngón tay bọn ngoại đạo. Ông kéo đồ cướp được về nhà để trang trí cho kinh đô mình và trả lương cho hơn 900 nghệ sĩ sống tại triều đình. Các cuộc xâm lược Ấn Độ và tàn sát người Ấn giáo biến ông, theo ông nghĩ, thành người hùng của đạo Hồi.
Dân chúng Ả Rập đang ăn cào cào trên đồng ruộng bỏ hoang, sống dở chết dở. Trong khi đó ở Mashad, thậm chí chó cũng có nước đá để uống.
Con trai của Mahmud là Masud xây dựng cho mình một kinh đô mùa đông trên bờ sông Helmand, cách thị trấn thời thơ trẻ của tôi Lashkar gah khoảng một dặm về phía hạ lưu. Phế tích của kinh thành vẫn còn đó. Lớn lên, tôi thường tự hỏi liệu Masud có săn hươu trong cùng rừng cây trên cù lao ở giữa sông nơi tôi và bạn bè thường lang thang, rừng cây thời đó có nhiều mèo rừng, chó rừng, và lợn rừng
Chính Masud cũng là một mẫu người kinh khủng. Quá nặng cân cho hầu hết ngựa, nên ông có thói quen cưỡi voi. Ông có cả một tiểu đoàn voi nhốt trong đồng cỏ lau sậy dọc Sông Helmand. Tuy nhiên, không chút sai lầm khi cho rằng ưu điểm lớn của ông là cơ bắp. Ông bước vào trận chiến với một thanh kiếm chỉ có ông mới mang nổi và một chiếc rìu trận quá khủng không ai nhấc lên được. Thậm chí vị sultan vĩ đại Mahmud cũng phải sợ đứa con này.
Khi vua cha mất, Masud tình cờ đang ở Baghdad. Các quan triều tuyên bố em ông là vị tân vương. Masud vội vã quay về, dọc đường chiêu tập được một đạo quân, lật đổ nhanh chóng em trai mình, và móc cả hai mắt y để bảo đảm ý không còn tái phạm lần nữa. Rồi ông lên ngôi Đế chế Ghaznavid và, như vua cha, gắn chặt nghệ thuật và chiến tranh thành một tổ hợp văn hóa uy lực của sự vĩ đại, vàng bạc và dã man. Tại thời điểm này, dường như quyền thống trị của Ghaznavid sẽ mãi mãi trường tồn.
Vậy mà trong thời cai trị của Masud, bọn Thổ Oghuz hung hãn từ phía bắc ào ạt vượt Sông Oxus tấn công lãnh thổ Ghaznavid. Được dòng họ Seljuk cầm đầu, họ tìm đường vào Khorasan (đông Iran, tây Afghanistan). Bốn lần Sultan Masud tiến ra nghênh chiến với họ trên trận địa. Ba lần ông đẩy lùi họ nhưng đến lần thứ tư, lực lượng của ông bị thảm bại. Năm 1040 ông mất Lashkargah và các căn cứ địa phía tây cho quân Seljuk. Tôi đã mô tả các hành vi đáng sợ của Masud khủng khiếp; giờ hãy tưởng tượng phải cần loại người nào mới có thể đánh bại ông. Masud rút lui về thành phố vua cha xây dựng và sống hết thời cai trị của mình, nhưng những ngày tháng vinh quang của dòng Ghaznavids đã kết thúc. Kỷ nguyên Seljuk đã bắt đầu.
Người Seljuk tiến về phía tây, gậm nhấm dần dần đế chế có căn cứ ở Baghdad. Các thủ lĩnh này không biết đọc biết viết và không cho học tập có hữu ích gì. Một tay kiếm dũng mãnh có thể vung vàng thuê cả trăm thư ký mặt nhợt để đọc và viết cho ông. Họ cướp bóc các thành phố và bắt nộp cống, nhưng thích sống trong lều trại được trang bị đồ đạc sang trọng như có thể đối với một dân tộc liên tục di chuyển. Một khi đã vượt quá biên giới, họ liền bỏ Shaman giáo và cải sang đạo Hồi, nhưng đó là thứ đạo Hồi mì-ăn-liền không liên quan gì với học thuyết và các ý tưởng đạo đức: nó giống nhiều hơn một hệ tư tưởng đánh đấm kiểu Phe Ta và Phe Nó.
Vào năm 1053 CN, một ông hoàng trẻ được phái đi để trị vì tỉnh Khorasan. Tên ông là Alp Arslan, có nghĩa “hùng sư” – một biệt hiệu mà binh lính đặt cho ông. Alp Arslan dẫn theo viên thư ký Ba Tư của mình, chẳng bao lâu nổi tiếng với tên Nizam al-Mulk, có nghĩa ‘trật tự của lãnh thổ”. Alp Arslan nổi bật trong đám đông, không chỉ vì ông cao hơn 6 bộ, mà còn vì ông đã nuôi một bộ râu quá dài đến nỗi ông có thể vắt hai lọn râu qua vai và thòng xuống lưng, và khi ông cưỡi con bạch mã với tốc độ cao, các bím râu bay lên như lá cờ hình roi.
Cố vấn Ba Tư của ông quản trị Khorasan trong vòng trật tự và thúc đẩy nền kinh tế sôi động trở lại, khiến người bảo trợ ông nhận được nhiều uy tín đến nỗi khi người thủ lĩnh Seljuk qua đời và cuộc đấu đá quyền lực thông thường bùng nổ giữa đám anh em, con trai, và cháu họ, Alp Arslan nhanh chóng trỗi dậy chiến thắng, nhờ vào một phần cố vấn của Nizam al-Mulk lắm mưu mẹo. Sau khi lên ngôi sultan, Alp Arslan bắt đầu săm soi bản đồ để xem chinh phục xứ nào tiếp đây.
Ông bành trướng quyền lực của dòng Seljuk vào tận vùng Caucasus và tiếp tục tiến về tây, cuối cùng dẫn quân binh vào Tiểu Á, phần lớn vùng này do Constantinople cai trị, đó là kinh đô pháo đài của một đế chế mà người Hồi còn gọi là La Mã.
Năm 1071, tại vùng ven thị trấn có tên Manzikert, Alp Arslan chạm trán với hoàng đế Byzantine Romanus Diogenes và đập tan quân đội 10 vạn người của ông ta. Ông bắt chính hoàng đế làm tù bình, tin tức chấn động cả thế giới Tây phương. Rồi ông làm một việc không thể nghĩ bàn: ông phóng thích hoàng đế và đưa ông ta về Constantinople với quà cáp và lời cảnh cáo đừng bao giờ gây rối lần nữa, một cử chỉ lịch sự chỉ làm nổi bật sự hùng mạnh của Seljuk và khiến hoàng đế Cơ đốc thêm phần bẽ mặt. Trận Manzikert là một trong những trận đánh thực sự làm thay đổi lịch sử. Lúc này, nó dường như là thắng lợi rực rỡ nhất mà triều Seljuk này có được. Thật ra, nó có thể là lỗi lầm lớn nhất của họ, nhưng không ai nhận thức được điều này cho đến 26 năm tới.
Alp Arslan mất năm sau ở Khorasan, nhưng con trai Malik Shah của ông vẫn đi theo dấu chân của vua cha, và dưới sự kèm cặp chuyên nghiệp của Nizam al-Mulk ông chứng rỏ mình gần như không thua kém vua cha. Chính ông là người đã chinh phục Syria và Vùng Đất Thánh cho người Thổ.
Sự cộng tác giữa tể tướng Ba Tư và hai sultan Seljuk có lợi cho cả hai bên. Các sultan dành hết tâm lực cho việc chinh phục, còn Nizam al-Mulk lo tổ chức các cuộc chinh phục. Có nhiều việc để tổ chức bởi vì các sultan cắt đặt các người thân trông coi các vùng đất khác nhau khi họ tiến quân, và các họ hàng này thường xem các phần lãnh thổ này là sở hữu của mình. Mới ra khỏi thảo nguyên và chân ướt chân ráo đến thành phố, bọn Thổ này không hoàn toàn phân biệt rõ giữa việc đánh thuế và cướp bóc.
Đế Chế Seljuk: Bọn Thổ Xâm Chiếm Thế Giới Hồi Giáo
Nizam al-Mulk thiết lập hệ thống thuế má rạch ròi và một phòng ban gồm các thanh tra kiểm tra bọn thu thuế phòng họ gian lận. Ông sử dụng của cải thu được từ chiến tranh để xây dựng đường xá và tổ chức lực lượng cảnh sát bảo vệ thương buôn họ có thể an tâm vận chuyển hàng hóa. Ông cũng cho lập ra các nhà nghỉ do nhà nước tài trợ cách nhau khoảng một ngày đường cho thuận tiện. Vị tể tướng vĩ đại này cũng xây cất một mạng lưới trường học và cao đẳng gọi là madrassas để dạy các viên chức tương lai của xã hội Hồi giáo một học thuyết đồng nhất. Ông bảo đảm tính đồng nhất của nó bằng cách giao việc soạn thảo chương trình học vào tay các ulama phái Sunni chính thống. Nizam al-Mulk hy vọng thêu dệt một cộng đồng Hồi giáo vững chắc từ ba sợi dây sắc tộc. Người Thổ sẽ giữ gìn trật tự bằng sức mạnh quân sự, người Ả Rập sẽ cung ứng tính thống nhất bằng đóng góp học thuyết tôn giáo, và người Ba Tư sẽ ra tay xây đắp mọi ngành nghệ thuật còn lại của nền văn minh – việc quản trị, triết học, thi ca, hội họa, kiến trúc, khoa học – nâng tầm và làm đẹp cho thế giới. Giai cấp cai trị mới do đó sẽ gồm một sultan Thổ với quân đội của ông, một kha-lip Ả Rập và giới ulama, và một bộ máy hành chính Ba Tư gồm các nghệ sĩ và nhà tư tưởng.
Ông hy vọng tính vững chắc do sự phân công này sinh ra sẽ cho phép nông dân và nhà buôn tạo ra của cải cần để. . . đóng góp thuế cần để. . . tài trợ quân đội cần để. . . giữ gìn trật tự cần để. . . cho phép nông dân và nhà buôn tạo ra của cải.
Nhưng Nizam al-Mulk có một đối thủ đáng gờm đang tiến hành tháo xổ bức tranh thêu của ông, một thiên tài tàn độc có tên Hassan Sabbah, nhà sáng lập Tổ chức Assassin. Tôi gọi họ là một tổ chức mà không gọi là “giáo phái” vốn có tính dòng chính hơn. Họ thuộc một nhánh tách ra từ một nhánh, và nhánh này lại cũng tách ra từ giáo phái Shi’i, và chính Shi’i cũng là một nhánh của đạo Hồi.
Shi’i tin vào một nhân vật tôn giáo khải đạo gọi là imam, lúc nào cũng tồn tại độc nhất trên thế giới. Ngay sau khi một imam qua đời, ân sủng đặc biệt của ngài sẽ chuyển sang một đứa con trai, và ông này sẻ trở thành một imam. Điều rắc rối là khi một imam qua đời, tình trạng bất hòa có thể phát sinh vì làm sao biết được đứa con trai nào sẽ là vị imam tiếp theo. Mỗi sự bất hòa như thế có thể dẫn đến sự rạn nứt sinh ra một nhánh mới của giáo phái
Một mối bất hòa như thế đã từng xảy ra về việc ai là imam thứ 5, đã sinh ra giáo phái Zaidi, cũng được biết dưới tên Phe Thứ Năm. Mối bất hòa càng trầm trọng hơn nữa sau cái chết vị imam thứ 6, dẫn đến sự trỗi dậy của một giáo phái có tên Isma’ilis, những người sẽ trở thành nhánh thống trị của giáo phái Shi’i trong một thời gian, vì nhóm Fatimid đã chiếm đóng Ai Cập và dựng lên một triều kha-lip cạnh tranh chính là người Isma’ilis. Vào cuối thế kỷ 11 chính dòng Isma’ilis lại phân thành hai nhánh. Nhánh thiểu số là mầm mống cách mạng nổi giận khi chứng kiến sự giàu có và phô trương xa xỉ của vị kha-lip Fatimid giờ đang hùng mạnh; họ nguyện dâng hiến cho công cuộc san bằng giàu và nghèo, thêm sức manh cho kẻ hiền nhu, và nói chung đưa dự án Hồi giáo trở về đúng lộ trình. Các thủ lĩnh của phong trao này cử một đặc vụ có tên Hassan Sabbah đến Ba Tư để chiêu mộ thành viên.
Tại Ba Tư, Sabbah phát triển căn cứ quyền lực của riêng mình. Ông chỉ huy một pháo dài có tên Alamut (“ổ đại bàng”), tọa lạc trên dãy núi Elburz phía bắc Iran. Không ai có thể sờ gáy ông ở đó vì lối tiếp cận duy nhất đến pháo đài là một lối đi bộ quá hẹp không thể kham nổi một đạo quân. Làm thế nào Sabbah chinh phục được nó, không ai biết. Một số giai thoại cho rằng ông có dùng đến mưu mẹo, một số khác cho biết ông sử dụng đến phương pháp siêu nhiên, một số lại khẳng định ông đã cải đạo những người trong pháo đài và sau đó chỉ đơn giản mua lại từ người chủ bằng một món tiền nhỏ. Dù cách nào, ở trên Alamut đó, Sabbah bận bịu lo thành lập tổ chức Assassin.
Tổ chức Assassin chuyên thi hành các vụ mưu sát chính trị các nhân vật chóp bu, từ đó người phương Tây đặt ra từ “assassin” để chỉ các sát thủ kiểu này. Nhiều thế kỷ sau, Marco Polo cho rằng các đặc vụ của Sabbah phải phê lá cây thuốc phiện hashish để xốc lên tinh thần trước khi hành sự và do đó họ được gọi là hashishin, từ đó có từ “assassin”. Tôi ngờ cái từ nguyên này, và tôi sẽ kể cho bạn tại sao.
Sabbah là hình mẫu của cha đẻ khủng bố, sử dụng hành động giết người chủ yếu vì mục đích tuyên truyền. Vì ông thiếu tài lực và binh lính để đánh trận hoặc chinh phục các thành phố, ông phái các cá nhân hoặc nhiều lắm là những nhóm nhỏ, đi ám sát các nhân vật được chọn kỹ lưỡng nhằm gây cú sốc do cái chết gây ra. Các sát thủ vạch kế hoạch ám sát hàng tháng trời hoặc thậm chí hàng năm, đôi khi bày trò kết thân với nạn nhân hoặc vào phục vụ cho y và lần lần leo lên chức vị được tin cẩn.
Ở đâu trong quá trình lâu dài này việc phê hashish được cho là đã xảy ra? Nó không ăn khớp. Nhà văn Amin Malouf người Lebanon đề xuất rằng thực sự từ “assassin” ắt hẳn rút ra từ chữ Ba Tư “assas”, có nghĩa là “nền tảng”. Như hầu hết những kẻ ly giáo, Sabbah dạy rằng các mặc khải đã bị làm băng hoại và ông đang dẫn dắt đệ tử trở về với nền tảng. Tất nhiên, mỗi kẻ ly giáo đều có một lý tưởng khác nhau về vấn đề đâu là mặc khải nền tảng. Học thuyết của Sabbah lạc đường hơi xa với giáo lý mà phần đông học giả cho là Hồi giáo. Chẳng hạn, ông dạy rằng trong khi Mohammed đúng là sứ giả của Allah, thì Ali chính là hiện thân thực sự của Allah – cũng như các imam kế tiếp.
Sabbah dạy thêm rằng Kinh Qur’an có một mặt ngoài hoặc ngoại nghĩa nhưng có nhiều tầng ý nghĩa bên trong rất uyên áo. Ngoại nghĩa quy định các nghi thức tôn giáo, các giáo luật hành vì, các mệnh lệnh đạo đức và luân lý; tất cả các điều này dành cho quần chúng cục súc vốn không có khát vọng đi sâu vào kiến thức. Qur’an uyên áo – và mỗi đoạn kinh, mỗi hàng, mỗi chữ đều có ý nghĩa uyên áo – cung cấp một mật mã cho phép người minh triết mở khóa vào mật thư của vũ trụ vạn vật.
Tổ chức Sát Thủ hoạt động như một hội kín tuyệt mật. Ra ngoài xã hội, họ không để lộ thân phận mình hoặc niềm tin thực sự của mình. Do đó không ai biết có bao nhiêu Sát Thủ hoặc ai trong cửa hàng, thánh đường, hoặc bất cứ đâu khác thực sự là Sát Thủ. Những người được chiêu mộ trải qua khóa học giáo lý và huấn luyện kỹ năng chém giết, và một khi đã được nhận vào tổ chức, mỗi thành viên đều có một cấp bậc tùy theo trình độ hiểu biết của mình. Những người vừa được kết nạp sẽ tiến lên từng bậc khi họ thâm nhập xuống tầng ý nghĩa càng sâu hơn trong Kinh Qur’an, cho đến khi họ đến được nền tảng trên đó mọi thứ được xây dựng, khi đó họ được nhận vào vòng trong cùng của Sabbah.
Mặc dù họ bày mưu tính kế trong vòng bí mật tuyệt đối, Sát Thủ lại chuộng ra tay trước thanh thiên bạch nhật: mục tiêu không thực sự là loại bỏ người này hoặc kẻ kia ra khỏi quyền lực mà để tuyên truyền cho dân chúng trên khắp thế giới văn minh biết rằng Sát Thủ có thể giết bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu. Sabbah muốn gieo mối lo lắng cho dân chúng là bất cứ ai họ quen biết- bạn thân nhất, tên đầy tớ tin cẩn nhất, thậm chí người phối ngẫu của mình – đều có thể là một Sát Thủ. Bằng cách này, ông ta hy vọng kiểm soát được các chính sách của những người, không như ông, nắm giữ lãnh thổ, sở hữu tài nguyên, và chỉ huy quân đội.
Các đặc vụ lãnh nhiệm vụ ám sát cho ông ta được gọi là Fedayeen, có nghĩa là “người hy sinh.” Khi họ vạch ra kế hoạch ám sát công khai, họ biết rằng mình sẽ bị bắt và bị giết trong vòng khoảnh khắc sau khi hạ thủ, nhưng họ không ra sức trốn thoát. Đúng ra, chịu chết là yếu tố chủ chốt của nghi thức họ đang thực thi: họ tự xử bằng dao. Bằng cách chấp nhận cái chết, họ để cho chính quyền hiểu rằng thậm chí việc hành hình cũng không làm họ nao núng.
Hội Sát Thủ góp thêm nỗi lo âu cho một thế giới đã lâm vào cảnh loạn lạc. Phe Sunni đấu đá với phe Shi’i. Kha-lip Abbasid ở Baghdad vật lộn với Kha-lip Fatimid ở Cairo. Gần một thế kỷ xâm lăng của người Thổ đã khiến xã hội trở nên tàn bạo. Và bây giờ giáo phái sát thủ này lại vươn dài tua cuốn bí mật của mình lên khắp Trung Đông tiêm cho xã hội một cơn ác mộng dai dẳng.
Hội Sát Thủ tự giới thiệu bằng một loạt các vụ mưu sát sát càng ngày càng ngoạn mục. Họ sát hại các quan chức Seljuk và các giáo sĩ Sunni tiếng tăm. Họ giết hai vị kha-lip. Thường thì họ ra tay ngay trong thánh đường lớn nhất trong lễ cầu nguyện thứ 6, khi họ chắc chắn phải có đông người chứng kiến.
Rồi vào năm 1092 họ sát hại chính Nizam al-Mulk vừa mới về hưu. Không đầy một tháng sau, họ thanh toán chủ nhân của ông ta, Sultan Malik Shah, con trai của Alp Arslan. Trong thời gian vài tuần, họ đã loại ra hai nhân vật quan yếu nhất cho sự thống nhất đang lung lay mà đế chế đang trải qua. Bọn sát nhân này khởi động một cuộc đấu tranh quyền lực hủy diệt trong số các con trai, anh em, anh em họ, và họ hàng dòng Seljuk, cũng như các tên phiêu lưu linh tinh, cuộc đấu tranh khiến phần phía tây đế chế tan rã. Từ Tiểu Á đến Sinai, thực tế là mỗi thành phố đều cuối cùng rơi vào tay một ông hoàng khác – Jerusalem, Damascus, Aleppo, Antioch, Tripoli, Edessa – mỗi nơi đều thực sự là một nhà nước có chủ quyền chỉ thể hiện lòng trung thành với vị sultan ở Baghdad trên danh nghĩa. Mỗi ông hoàng tí tẹo này nằm rúc lên đống tài sản của mình như một con chó ngậm xương và liếc nhìn ngờ vực các ông hoàng khác.
Vào 1095 CN, giấc mơ về một cộng đồng phổ quát đã thất bại ở mức độ chính trị. Giới ulama đang cố níu kéo một cách tuyệt vọng kỷ cương xã hội bằng Kinh Qur’an, hadith, và shari’a. Giới triết gia đã tan tác, còn cố góp thêm tiếng nói càng ngày càng trở nên yếu ớt. Đây là thế giới trong đó Ghazali sống và làm việc, một thế giới trong đó tin cậy vào lý trí có thể dường như là phi lý.
Và rồi thảm họa bắt đầu.