Cù Tuấn dịch từ The New York Times.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các chính phủ và công ty tin rằng mối quan hệ kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn sẽ dẫn đến sự ổn định hơn. Nhưng cuộc chiến tại Ukraina và đại dịch đang đẩy thế giới đi theo hướng ngược lại và làm đảo lộn những ý tưởng đó.
Các bộ phận quan trọng của nền kinh tế tích hợp đang bị tháo dỡ. Các quan chức Mỹ và châu Âu hiện đang sử dụng các biện pháp trừng phạt để tách các bộ phận chính của nền kinh tế Nga – nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới – ra khỏi nền thương mại toàn cầu và hàng trăm công ty phương Tây đã tự ngừng hoạt động tại Nga. Trong bối cảnh đại dịch, các công ty đang tổ chức lại cách thức lấy hàng vì chi phí tăng cao và sự chậm trễ khó lường trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các quan chức và giám đốc điều hành phương Tây cũng đang cân nhắc lại cách thức làm ăn với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vì căng thẳng địa chính trị, và việc Đảng Cộng sản Trung Quốc lạm dụng nhân quyền và sử dụng công nghệ tiên tiến để củng cố việc kiểm soát chuyên quyền khiến các giao dịch của các công ty với Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn.
Các động thái này đi ngược các nguyên lý cốt lõi của các chính sách kinh tế và đối ngoại thời hậu Chiến tranh Lạnh do Mỹ và các đồng minh của họ áp dụng, và các chính sách này thậm chí đã được các đối thủ như Nga và Trung Quốc cũng sử dụng.
Edward Alden, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết: “Chúng ta đang hướng đến là một thế giới bị chia rẽ hơn về mặt kinh tế, mà sẽ phản ánh một điều đương nhiên, đó là thế giới của chúng ta hiện tại đang chia rẽ hơn về mặt chính trị. Tôi không nghĩ rằng hội nhập kinh tế có thể tồn tại trong thời kỳ chính trị tan rã như thế này.”
“Toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có làm giảm xung đột không?” ông nói thêm. “Tôi nghĩ câu trả lời là có, cho đến khi câu trả lời là không.”
Sự phản đối toàn cầu hóa đã đạt được động lực nhờ các chính sách thương mại của chính quyền Trump và đường lối “Nước Mỹ trên hết”, và khi lực lượng cánh tả tiến bộ trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng đại dịch và cuộc xâm lược Ukraina của Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đã mang đến sự giải tỏa của tính không chắc chắn của trật tự kinh tế hiện có.
Tổng thống Mỹ Biden hôm 18/3 cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng sẽ có “hậu quả” nếu Bắc Kinh viện trợ vật chất cho Nga cho cuộc chiến ở Ukraina, như một lời đe dọa ngầm về các lệnh trừng phạt. Trung Quốc đã chỉ trích các lệnh trừng phạt đối với Nga, và Le Yucheng, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một bài phát biểu hôm 19/3 rằng “không nên vũ khí hóa việc toàn cầu hóa”. Tuy nhiên, Trung Quốc ngày càng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế – các quốc gia như Lithuania, Na Uy, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nằm trong số các mục tiêu của nước này.
Kết quả của tất cả sự gián đoạn này cũng có thể là sự chia cắt thế giới thành các khối kinh tế tách rời, khi các quốc gia và công ty bị thu hút vào các góc nhìn của hệ tư tưởng với các thị trường và nhóm lao động khác biệt, như thế giới đã phân liệt trong phần lớn thế kỷ 20.
Ông Biden đã định hình chính sách đối ngoại của mình về mặt ý thức hệ, như một sứ mệnh thống nhất các nền dân chủ chống lại các chế độ chuyên quyền. Ông Biden cũng cho biết ông đang ban hành một chính sách đối ngoại đối với tầng lớp trung lưu của Mỹ, và trọng tâm của đó là yêu cầu các công ty Mỹ chuyển các chuỗi cung ứng và sản xuất quan trọng ra khỏi Trung Quốc.
Mục tiêu này được đưa ra một cách cấp bách do sự tan rã của các liên kết toàn cầu trong hai năm đại dịch, điều này đã khiến các công ty mạnh nhất thế giới nhận ra rằng họ cần tập trung vào không chỉ hiệu quả và chi phí mà còn cả khả năng phục hồi. Trong tháng này, các biện pháp phong tỏa mà Trung Quốc áp đặt để ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19 đã một lần nữa đe dọa làm đình trệ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tác động kinh tế của một sự thay đổi như vậy là rất không chắc chắn. Sự xuất hiện của các khối kinh tế mới có thể thúc đẩy một cuộc tái tổ chức lớn trong các dòng tài chính và chuỗi cung ứng, có khả năng làm chậm tốc độ tăng trưởng, và dẫn đến một số thiếu hụt và tăng giá cho người tiêu dùng trong ngắn hạn. Nhưng những tác động lâu dài hơn đến tăng trưởng toàn cầu, tiền lương của công nhân và nguồn cung cấp hàng hóa thì khó đánh giá hơn.
Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết, cuộc chiến đã khởi động một “lực lượng phi quân sự hóa mà có thể gây ra những tác động sâu sắc và khó lường”.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà điều hành đã thúc đẩy toàn cầu hóa để mở rộng thị trường, khai thác lao động giá rẻ và các tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo. Đặc biệt, Trung Quốc được hưởng lợi từ điều này, trong khi Nga hưởng lợi từ xuất khẩu khoáng sản và năng lượng. Hai nước này đã trở thành các nền kinh tế lớn: Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển chiếm hơn 50% nền kinh tế toàn cầu, trong khi Trung Quốc và Nga cộng lại chiếm khoảng 20%.
Quan hệ thương mại và kinh doanh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn rất bền chặt, mặc dù mối quan hệ này ngày càng xấu đi. Nhưng với các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây đối với Nga, nhiều quốc gia không phải là đối tác trung thành của Mỹ giờ đây đã nhận thức rõ hơn về những nguy cơ bị ràng buộc về mặt kinh tế đối với Mỹ và các đồng minh.
Nếu ông Tập và ông Putin tạo ra một liên minh kinh tế của riêng mình, họ có thể thu hút các quốc gia khác đang tìm cách bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây – một công cụ mà tất cả các tổng thống Mỹ gần đây đều sử dụng.
Dani Rodrik, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Trường Harvard Kennedy, cho biết: “Sự phụ thuộc lẫn nhau của bạn có thể trở thành vũ khí để chống lại bạn. “Đó là bài học mà tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia đã hiểu và đang bắt đầu cải thiện nội bộ”.
Ông nói thêm, chiến tranh Ukraina đã “có thể đóng một cái đinh vào quan tài của quá trình siêu toàn cầu hóa.”
Trung Quốc và Nga ngày càng thực hiện các bước để ngăn che xã hội của họ, bao gồm cả việc thiết lập các cơ chế kiểm duyệt nghiêm ngặt trên mạng internet, vốn đã ngăn cản công dân của họ không tiếp xúc với các quan điểm nước ngoài và một số hoạt động thương mại. Trung Quốc đang nỗ lực biến các ngành công nghiệp quan trọng trở thành có tính tự cung tự cấp, bao gồm cả các công nghệ như chất bán dẫn.
Và Trung Quốc đã đàm phán với Ả Rập Xê Út để thanh toán một số giao dịch mua dầu bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, theo tờ Wall Street Journal đưa tin; Nga cũng đang thảo luận việc tương tự với Ấn Độ. Những nỗ lực này cho thấy mong muốn của các chính phủ nước này trong việc loại bỏ các giao dịch dựa trên đồng đô la, một nền tảng của sức mạnh kinh tế toàn cầu của Mỹ.
Trong nhiều thập kỷ, các quan chức và chiến lược gia nổi tiếng của Mỹ khẳng định rằng một nền kinh tế toàn cầu hóa là trụ cột của cái mà họ gọi là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, và rằng các mối quan hệ thương mại và tài chính sẽ ngăn các cường quốc gây ra chiến tranh. Mỹ đã giúp đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001 trong nỗ lực đưa hành vi kinh tế của nước này – và, một số quan chức hy vọng sẽ khiến cả hệ thống chính trị của nước này – phù hợp hơn với phương Tây. Nga cũng tham gia tổ chức này vào năm 2012.
Nhưng cuộc chiến của ông Putin và những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc ở châu Á đã thách thức những quan niệm đó.
Alina Polyakova, chủ tịch Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, một nhóm nghiên cứu ở Washington, cho biết: “Toàn bộ ý tưởng về trật tự quốc tế tự do là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ ngăn chặn các xung đột kiểu này. “Nếu các bạn tự ràng buộc mình với nhau, vốn là mô hình của châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thì những thiệt hại sẽ rất nhiều nếu bạn gây chiến, nên không quốc gia nào sẽ lựa chọn đi gây chiến cả. Chà, bây giờ chúng tôi đã thấy điều này đã được chứng minh là sai. “
Bà nói: “Những hành động của Putin đã cho chúng ta thấy rằng có thể là thế giới mà chúng ta đang sống, nhưng đó không phải là thế giới mà Putin, hoặc Trung Quốc đang sống.
Mỹ và các đối tác đã tách Nga ra khỏi phần lớn hệ thống tài chính quốc tế bằng cách cấm các giao dịch với ngân hàng trung ương Nga. Họ cũng đã cắt đứt Nga khỏi hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng toàn cầu mang tên SWIFT, đóng băng tài sản của các nhà lãnh đạo và giới tài phiệt Nga, đồng thời cấm xuất khẩu công nghệ tiên tiến của Mỹ và các quốc gia khác sang Nga. Nga đã trả lời bằng các lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm, ô tô và gỗ của Nga sang các nước trên.
Các hình phạt có thể dẫn đến những chia ly khá kỳ quặc: các lệnh trừng phạt của Anh và châu Âu đối với Roman Abramovich, nhà tài phiệt người Nga sở hữu đội bóng Chelsea ở Anh, đã ngăn không cho câu lạc bộ này bán vé hoặc hàng hóa.
Khoảng 400 công ty đã chọn tạm ngừng hoặc rút hoạt động khỏi Nga, bao gồm các thương hiệu mang tính biểu tượng của chủ nghĩa tiêu dùng toàn cầu như Apple, Ikea và Rolex.
Trong khi nhiều quốc gia vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng của Nga, các chính phủ đang lên chiến lược làm thế nào để không còn lệ thuộc này. Washington và London đã công bố kế hoạch chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga.
Câu hỏi nổi bật là liệu một ngày nào đó, có bất kỳ hình phạt nào do Mỹ đầu trò liệu sẽ được áp dụng đối với Trung Quốc hay không, một quốc gia chiếm phần lớn hơn và không thể thiếu đối với nền kinh tế toàn cầu so với Nga.
Ngay cả bên ngoài cuộc chiến Ukraina, ông Biden vẫn tiếp tục nhiều chính sách của chính quyền Trump nhằm tách các bộ phận của nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc và trừng phạt Bắc Kinh vì các hoạt động thương mại của nước này.
Các quan chức Mỹ đã giữ nguyên mức thuế mà ông Trump đã áp đặt, áp dụng cho khoảng 2/3 hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Bộ Tài chính Mỹ đã tiếp tục áp đặt các lệnh cấm đầu tư đối với các công ty Trung Quốc có quan hệ với quân đội nước này. Và vào tháng 6 năm 2022, một đạo luật sẽ có hiệu lực tại Mỹ cấm nhiều hàng hóa được sản xuất toàn bộ hoặc một phần ở khu vực Tân Cương.
Bất chấp tất cả những điều đó, nhu cầu đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đã tăng cao trong cơn đại dịch, khi người Mỹ vung tiền mua hàng trực tuyến. Thâm hụt thương mại tổng thể của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục vào năm ngoái, được đẩy lên do thâm hụt ngày càng lớn với Trung Quốc và các khoản đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc thực sự đã tăng tốc vào năm ngoái.
Một số nhà kinh tế đã kêu gọi hội nhập toàn cầu nhiều hơn, chứ không phải ít hơn. Phát biểu tại một hội nghị ảo hôm thứ Hai, Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới, đã thúc giục một động thái hướng tới “tái toàn cầu hóa”, cho biết “Các thị trường quốc tế sâu sắc hơn, đa dạng hơn vẫn là lựa chọn tốt nhất của chúng tôi cho khả năng phục hồi nguồn cung.
Nhưng những mối quan hệ kinh tế đó sẽ còn căng thẳng hơn nữa nếu quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, và đặc biệt là nếu Trung Quốc viện trợ đáng kể cho Nga.
Bên cạnh những cảnh báo gần đây đối với Trung Quốc từ ông Biden và Ngoại trưởng Antony J. Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết cơ quan của bà sẽ cấm bán công nghệ quan trọng của Mỹ cho các công ty Trung Quốc nếu Trung Quốc cố gắng cung cấp công nghệ bị cấm cho Nga.
Trong khi đó, sự không chắc chắn đã khiến mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc trở nên trầm lắng. Trong khi nhiều ngân hàng lớn và các công ty tư nhân của Trung Quốc đã đình chỉ tương tác với Nga để tuân thủ các lệnh trừng phạt, các nhà quản lý tài sản nước ngoài dường như cũng đã bắt đầu chuyển tiền của họ ra khỏi Trung Quốc trong những tuần gần đây, có thể là để đề phòng các lệnh trừng phạt.
Mary Lovely, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết bà không mong đợi Trung Quốc sẽ “đặt cược tất tay” với Nga, nhưng cuộc chiến vẫn có thể làm căng thẳng quan hệ kinh tế bằng cách làm xấu đi quan hệ Mỹ-Trung.
Bà nói: “Hiện tại, có rất nhiều sự không chắc chắn về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ ứng phó với những thách thức như thế nào do nhu cầu hỗ trợ ngày càng cấp thiết của Nga. Sự không chắc chắn về chính sách đó là một cú hích khác đối với các công ty đa quốc gia, mà đã phải suy nghĩ lại về các chuỗi cung ứng.”