Người Nga đòi trả bang Alaska 150 năm sau ngày ký giấy bán cho Mỹ

1

Năm 2017 những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu ở Nga đang kỷ niệm 150 năm ngày bán Alaska cho Mỹ, một số người trong đó kêu gọi chính quyền Trump trả lại lãnh thổ cho họ. Sự kiện bán Alaska năm 1867 ít được chú ý ở Mỹ, nhưng ở Nga, nó đã mang lại những ký ức đầy cay đắng.

Ngày 30 tháng 3 năm 1867, Ngoại trưởng Hoa Kỳ William H. Seward và phái viên Nga là Nam tước Edouard de Stoeckl đã ký Hiệp ước bán Alaska cho Mỹ. Chỉ bằng một nét bút, Sa hoàng Alexander II đã nhượng lại Alaska, chỗ đứng cuối cùng còn sót lại của nước Nga ở Bắc Mỹ cho Hoa Kỳ với giá 7.2 triệu USD, kết thúc cuộc phiêu lưu kéo dài 125 năm của Nga ở Alaska. Ngày nay Alaska là một trong những bang giàu có nhất của Hoa Kỳ nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chẳng hạn như dầu mỏ, vàng và cá, cũng như vùng đất hoang sơ rộng lớn và vị trí chiến lược như một cửa sổ nhìn thẳng vào Nga và cửa ngõ cho người Mỹ tiến vào Bắc Cực.

Vậy điều gì đã thúc đẩy Nga rút khỏi Alaska?

Vào đầu thế kỷ 18, Sa hoàng Pyotr Đại đế muốn biết vùng đất châu Á mở rộng bao xa về phía đông đã tổ chức hai cuộc thám hiểm dưới sự chỉ huy của Vitus Bering, một nhà hàng hải người Đan Mạch phục vụ cho hải quân Nga. Năm 1741, Vitus Bering đã thành công vượt qua eo biển sau này được mang tên ông và nhìn thấy núi Saint Elias, gần nơi mà ngày nay là làng Yakutat, Alaska và dù không lâu sau ông qua đời vì bệnh vào tháng 12 năm 1741, chuyến thám hiểm là một thành công đáng kinh ngạc đối với nước Nga.

Nhưng việc duy trì những khu định cư này không hề dễ dàng. Người Nga ở Alaska – lúc đỉnh cao không quá 800 người. Ngoài ra, Alaska quá lạnh để cho phép trồng trọt và do đó không thuận lợi để định cư. Theo lời của Ty Dilliplane, một nhà khảo cổ học chuyên nghiên cứu về thời kỳ Alaska của Nga, lãnh thổ xa xôi là “Siberia của Siberia” —một nơi khó cung cấp tiếp tế và thậm chí còn khó bảo vệ hơn.

Có một thực tế là Alaska rất khó phòng thủ và Nga trong những năm 1854 – 1856 đang rất thiếu tiền mặt do chi phí của cuộc chiến ở Crimea với liên quân Anh – Pháp. Vì Anh quốc, kẻ thù của Nga đang sở hữu Canada (vào thời điểm đó có khoảng 2,5 triệu dân), Sa hoàng sợ mất lãnh thổ của mình ở Bắc Mỹ mà không có bất kỳ khoản bồi thường nào và ông quyết định thực hiện một thỏa thuận giao dịch với người Mỹ.

Nhiều người đã chế nhạo Ngoại trưởng William H. Seward vì đã mua Alaska từ Nga vào năm 1867. Những người chỉ trích tổng thống Johnson và William H. Seward đã gọi việc Mỹ mua vùng lãnh thổ phía bắc này – gấp đôi diện tích của Texas – là “Seward’s Folly”, “Công viên gấu Bắc Cực của Johnson,” và “Walrussia.”

Nhưng hóa ra William H. Seward lại là một nhà kinh doanh khôn ngoan. Ở Alaska, ông đã thấy trước tiềm năng về vàng, lông thú và thủy sản, cũng như thương mại nhiều hơn với Trung Quốc và Nhật Bản. Người Mỹ lo ngại rằng Anh có thể cố gắng thiết lập sự hiện diện trên vùng đất này và việc mua lại Alaska sẽ giúp Mỹ trở thành một cường quốc ở Thái Bình Dương. Vì vậy, một thỏa thuận với những hậu quả địa chính trị khôn lường đã được ký kết, và người Mỹ dường như đã nhận được một món hời khá lớn với số tiền 7,2 triệu USD của họ.

Với Alaska, Hoa Kỳ đã sở hữu khoảng 370 triệu mẫu đất hầu hết là hoang sơ – tương đương gần một phần ba diện tích của Liên minh châu Âu. Hàng trăm tỷ USD từ dầu cá voi, lông thú, đồng, vàng, gỗ, cá, bạch kim, kẽm, chì và dầu mỏ đã được sản xuất ở Alaska trong những năm qua và Alaska vẫn còn trữ lượng hàng tỷ thùng dầu. Chỉ riêng mỏ dầu Prudhoe Bay do BP điều hành đã đạt sản lượng 12,5 tỷ thùng.

Một số nhà sử học coi giao dịch này là một sai lầm thiển cận của Sa hoàng Alexander II khi từ bỏ các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Alaska, đặc biệt là dầu và khí đốt, với cái giá bèo bọt 7,2 triệu USD – khoảng 125 triệu USD ngày nay. Năm 2021, thu nhập trung bình của người dân Alaska là 73.181 USD, gấp gần 7 lần thu nhập đầu người ở Nga (11.654 USD)

“Nếu Nga chiếm hữu Alaska thì ngày nay tình hình địa chính trị trên thế giới sẽ khác”, Sergey Aksyonov, thủ tướng Crimea tuyên bố trên truyền hình Nga. Andrei Znamenski, giáo sư lịch sử tại Đại học Memphis, nói rằng những lời kêu gọi đòi lại Alaska không chỉ giới hạn ở những người cực đoan. “Đó là một tình tiết rất thuận lợi cho những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người muốn nước Nga bành trướng”.

Bất chấp quan điểm của những người theo chủ nghĩa dân tộc, Điện Kremlin không cho thấy có ý định chiếm lại Alaska giống như khi nước này sáp nhập Crimea vào năm 2014. Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergey Lavrov đã tuyên bố với một tờ báo Nga, báo “Luận cứ và sự thật”: “Tất nhiên, ngày kỷ niệm có thể khơi dậy những cảm xúc đa dạng. Nhưng đó là một dịp tốt để làm mới lại những kỷ niệm về những đóng góp của người Nga trong việc khám phá lục địa châu Mỹ”. Lavrov cũng cho biết thêm: “Nga là một quốc gia hòa bình. Chúng tôi không có yêu sách lãnh thổ liên quan đến các nước láng giềng của chúng tôi. Chúng tôi quan tâm đến việc được bao quanh bởi các quốc gia thịnh vượng, giàu có mà chúng tôi sẽ xây dựng quan hệ đối tác trên tinh thần láng giềng tốt đẹp.”

Người Nga đã cai trị Alaska như thế nào?

Khi Bering tìm thấy Alaska vào năm 1741, đây là nơi sinh sống của khoảng 100.000 người, bao gồm Inuit, Athabascan, Yupik, Unangan và Tlingit. Chỉ có 17.000 người trên quần đảo Aleutian. Chỉ riêng trên quần đảo Aleutian, người Nga đã bắt làm nô lệ hoặc giết hàng ngàn người Aleut. Dân số của họ giảm mạnh xuống còn 1.500 người trong 50 năm đầu tiên bị Nga chiếm đóng do sự kết hợp của chiến tranh, dịch bệnh và nô lệ. Vào thời điểm chuyển giao, ước tính chỉ có 50.000 người bản địa còn lại, cũng như 483 người Nga và 1.421 người Creoles (hậu duệ của đàn ông Nga và phụ nữ bản địa).

Những người theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở Nga đã nghĩ gì về sự kiện bán Alaska cho Mỹ năm 1867?

– Nga đã không bán Alaska cho Mỹ vào năm 1867. Chính phủ Nga chỉ cho Mỹ thuê khu vực này trong một khoảng thời gian không xác định. Alaska nhất định sẽ quay trở lại với Nga.

– Sa hoàng Alexander II, người dàn dựng việc bán Alaska cho nước Mỹ là một kẻ hèn hạ và đồi bại, người có tâm hồn yếu ớt đã bị dắt mũi bởi một đoàn quân tư bản Do Thái đang muốn tước đoạt các vùng đất lịch sử của Nga ở Châu Âu và Châu Mỹ.

– Những người Nga đầu tiên chạm trán với thổ dân Alaska đã đối xử với họ bằng lòng trắc ẩn và nhân từ. Sự phản kháng người Nga gặp phải từ người bản địa là do bọn Mỹ xúi giục, người bản địa không đủ khả năng để tự bảo vệ mình và chỉ có sự hướng dẫn và lãnh đạo từ người Nga mới giúp họ tồn tại và thịnh vượng.

– Lịch sử của Alaska do người Mỹ viết là một sự bóp méo có tính toán, được viết bởi những tay sai tư bản. Người dân Nga ngày nay kêu gọi chính phủ của họ lấy lại những quê hương lịch sử, chính đáng của Nga, trong đó Alaska là một phần không thể thiếu.

Đó là một chủ đề yêu thích của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga. Svetlana Alexievich, người đoạt giải Nobel năm 2015 và đã viết nhiều tác phẩm về nước Nga thời hậu Xô Viết nhận xét vô số người Nga ngày nay đổ lỗi cho Gorbachev và Yeltsin về sự hỗn loạn ở Nga và mong mỏi sự ổn định và đáng tin cậy của nước Nga thời Stalin, nơi bất chấp sự thiếu thốn và sợ hãi, cuộc sống có thể dự đoán được. Việc so sánh cuộc “phản quốc” năm 1991 với cuộc “phản quốc” năm 1867 là điều phổ biến và những người yêu nước Nga hoài cổ háo hức kể lại những câu chuyện về tổ quốc Nga bị lừa dối và tâm hồn Nga bị phản bội như thế nào.

Hình minh họa:1/ Bản đồ bang Alaska thuộc Hoa Kỳ2/ Đường ống dẫn dầu Trans-Alaska dài 1.287km nối mỏ dầu Prudhoe Bay tới cảng Valdez3/ Quang cảnh thành phố cảng Valdez, Alaska về đêm4/ ….


Vĩnh Khang

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s