Thật khó có câu trả lời toàn diện cho câu hỏi trên, ngay cả với thời hiện tại, vì mức sống của mỗi tầng lớp dân cư là khác nhau. Huống hồ gì quay ngược lại gần 140 năm trước. Nhưng may mắn thay, nhờ vào các tài liệu lưu trữ, chúng ta có thể có một cái nhìn sơ lược về chi phí, lương bổng, giá nhà cửa, ruộng vườn, thuế khóa thời đó. Xin liệt kê ra sau đây một vài chi tiết.
1. NĂM 1883
Gia Định Báo số ra ngày 8/12/1883 (vài tháng sau trào vua Tự Đức) có đăng giá một tạ gạo loại 1 giao tại be tàu là 2.06 đồng bạc. Mỗi tạ gạo thời đó là 60kg. Cho nên chúng ta tính ra được giá mỗi kg gạo bán buôn là 3.4 xu.
Giá gạo giao tại mạn tàu hiện nay tại Sài Gòn là khoảng 10.000 VNĐ/kg. Nghĩa là 3.4 xu thời xưa tương đương với 10.000 VNĐ hiện nay. Suy ra mỗi đồng bạc thời xưa có sức mua bằng 291 ngàn VNĐ bây giờ.
Ngoài ra, mỗi đồng bạc Đông Dương khi đó quy đổi ra được 24,4935g bạc nguyên chất. Tính theo giá bạc hiện tại thì mỗi đồng Đông Dương bằng 428 ngàn VNĐ thời nay.
Còn một căn cứ khác để tính toán, đó là giá một tờ Công Báo Đông Dương là 10 xu, giá của tờ Gia Định báo có lẽ cũng bằng vậy. Gia Định báo xuất bản mỗi tuần một số, đặt báo nguyên năm là 4 đồng. Báo Tuổi Trẻ cuối tuần hiện nay cũng ra mỗi tuần một số, giá đặt báo nguyên năm là 612 ngàn VNĐ. Nên suy ra mỗi đồng Đông Dương tương đương 153 ngàn VNĐ. Nhưng con số này chỉ để tham khảo vì độ dày mỏng của hai tờ báo sẽ khác nhau nên giá thành sẽ khác nhau.
Do đó nếu căn cứ theo bản dự toán ngân sách của chính quyền Pháp tại thuộc địa Nam Kỳ cho cùng năm 1883, chúng ta sẽ có lương của các vị chức sắc và viên chức như sau:
+ Thống đốc Nam Kỳ: 12.000 đồng/năm. Tương đương 297tr/tháng thời nay theo giá gạo, hoặc 428tr/tháng nếu tính theo giá bạc.
+ Đốc phủ sứ: 960 đồng/năm. Tương đương 23tr3/tháng thời nay theo giá gạo, hoặc 34tr2/tháng nếu tính theo giá bạc.
+ Tri phủ: 600 đồng/năm. Tương đương 14tr5/tháng thời nay theo giá gạo, hoặc 21tr4/tháng nếu tính theo giá bạc.
+ Tri huyện: 480 đồng/năm. Tương đương 11tr6/tháng thời nay theo giá gạo, hoặc 17tr1/tháng nếu tính theo giá bạc.
+ Giáo viên hạng nhất người bản địa: bằng với lương tri huyện. Giáo viên hạng nhì người Âu: 1.400 đồng/năm. Tương đương 33tr9/tháng thời nay theo giá gạo, hoặc 49tr9/tháng nếu tính theo giá bạc.
+ Y tá hạng nhất người Á: 160 đồng/năm. Tương đương 3tr8/tháng thời nay theo giá gạo, hoặc 5tr7/tháng nếu tính theo giá bạc.
+ Y tá người Âu: 500 đồng/năm. Tương đương 12tr1/tháng thời nay theo giá gạo, hoặc 17tr8/tháng nếu tính theo giá bạc. Y tá trưởng là 600 đồng/năm. Dược sỹ: 480 đồng/tháng. Bác sỹ: 1.145 đồng/năm (40tr8/tháng nếu tính theo giá bạc).
Thuế thân năm 1883 là 0,4 đồng/năm/người trên 18 tuổi. Tương đương 116 ngàn VNĐ/năm tính theo giá gạo, hoặc 171 ngàn VNĐ/năm tính theo giá bạc.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể tham khảo giá cả tại chợ Nam Vang (Phnompenh) năm 1883, xin liệt kê một vài mặt hàng như sau:
+ Ngà voi: 310 đồng/tạ. (132tr/tạ)
+ Gạc nai: 7,25 đồng tạ
+ Lúa: 0.57 đồng/tạ (68kg)
+ Gạo đã giã: 1,85 đồng/tạ (60kg)
+ Tiêu: 11,5 đồng/tạ
+ Muối: 0,3 đồng/tạ
+ Tơ Cao Miên: 220 đồng/tạ
+ Vi cá: 27 đồng/tạ
…
Mại dzô! Mại dzô!
2. THAY ĐỔI SAU 18 NĂM
Đến năm 1901, tức là 18 năm sau, thì lương của Thống đốc Nam Kỳ tăng 4,1%. Đốc phủ sứ tăng 25%. Tri phủ tăng 50%. Tri huyện tăng 35%. Giáo viên tăng 25%. Y tá lương tăng 100% (gấp đôi). Giám đốc bệnh viện lương tăng 177%.
Giá mỗi tờ Công Báo tăng gấp đôi và giá đặt báo Gia Định cũng tăng gấp đôi. Không rõ giá gạo là bao nhiêu.
Nhưng lúc này, mỗi đồng Đông Dương chỉ còn được đúc bằng 24,3g bạc nguyên chất mà thôi. Nên giá mỗi đồng tương đương với 423 ngàn VNĐ hiện nay.
Trên báo Gia Định ngày 21/8/1900, có một tin đáng chú ý là việc bán đấu giá hai thửa đất công tại tỉnh Bắc Liêu, mỗi thửa rộng khoảng 2 sào 90 thước, giá khởi điểm từ 5,9 đồng (2tr5).
Ngoài ra, báo còn đăng thông cáo về việc một người ở tỉnh Tân An làm di chúc, để lại tài sản cho Hội giảng đạo tại Nam Kỳ một số nhà đất ở các làng khác nhau với giá ước tính như sau:
+ Hai sở nhà ngói, cả đồ gia dụng, tám gian phố ngói: ước giá 1500 đồng (634tr).
+ Một sở đất 5 cao: ước giá 15 đồng.
+ Một sở ruộng 12 mẫu: 25 đồng.
+ Một sở ruộng 10 mẫu: 1000 đồng.
+ Bốn sở ruộng và đất: 4500 đồng.
Một số thông tin chi tiết khác rút ra từ Dự Toán Ngân Sách cho Nam Kỳ năm 1901 do toàn quyền Paul Doumer phê duyệt như sau:
Đốc phủ sứ lương 100 đồng/tháng (42tr, tính theo giá bạc). Tri phủ lương 75 đồng/tháng (31tr7). Tri huyện lương 54 đồng/tháng. Chánh tổng (như huyện Bình Chánh hiện nay) lương 12,5 đồng/tháng.
Y sỹ 50 đồng/tháng (21tr, tính theo giá bạc). Giáo viên hạng danh dự của trường trung học 56,25 đồng/tháng. Thư ký hạng nhất là 52 đồng/tháng. Thư ký phụ việc là 29 đồng/tháng. Thư ký học việc là 16,6 đồng/tháng (có người được 20 đồng). Trưởng toán cảnh sát : 30 đồng/tháng.
Lao công bệnh viện: 8 – 11 đồng/tháng. Đầu bếp bệnh viện 13 đồng/tháng. Người làm vườn: 17,2 đồng/tháng (7tr2). Phụ vườn: 9 đồng/tháng (3tr8).
Ngoài tiền lương thì nhà nước sẽ đóng thêm vào quỹ lương hưu cho nhân viên là 4%.
Trợ cấp tiền ăn cho nhân viên nhà nước ở Vũng Tàu là 3 đồng/tháng. Nhân viên ở Hà Tiên là 1 đồng/tháng.
Đồng phục cho quản giáo trưởng trại giam: 62.5 đồng/năm. Đồng phục cho mỗi giám thị trại giam: 41.67 đồng/năm. Đồng phục cho mỗi nhân viên cấp dưới ở trại giam: 20 đồng/năm.
Học bổng sang Pháp học là 66,6 đồng/tháng. Số học bổng cấp cho nam nhiều hơn nữ.
Học bổng cho trẻ em Pháp hoặc con lai được công nhận là 50 đồng/tháng. Cho trẻ em Việt hoặc con lai không được công nhận là 33,3 đồng/tháng cho nam, và 25 đồng/tháng cho nữ.
Số học bổng cấp cho trẻ em Việt nhiều hơn cho trẻ em Pháp, nhưng tổng giá trị thì thấp hơn. Không rõ tại sao học bổng cho trường Y Hà Nội (8 đồng/tháng) lại thấp hơn rất nhiều so với xứ Nam Kỳ, có lẽ do Nam Kỳ là đất thuộc địa, còn miền Bắc là xứ bảo hộ mà thôi?
Lương cho người châu Âu vẫn cao hơn vài lần so với lương người bản địa (gọi là “ngạch người bổn quấc”). Họ nhận tiền francs Pháp chứ không phải đồng Đông Dương.
Năm 1901, quy đổi ra đồng Đông Dương thì Thống đốc Nam Kỳ nhận 1.041 đồng/tháng (438tr), trong khi đốc phủ sứ người Việt nhận 100 đồng/tháng (42tr). Trợ giúp người Âu (concierge, hồi đó gọi là “thí sai”) trong khu cách ly dịch bệnh: 104 đồng/tháng. Người Việt làm concierge thông thường ở ngoài khu dịch bệnh là 25 đồng/tháng. Các Sơ người châu Âu trong bệnh viện Chợ Quán: 41,6 đồng/tháng, gấp 2,5 lần so với Sơ người Việt (16.6 đồng/tháng). Giáo viên nữ hạng nhì người Âu nhận 138,8 đồng/tháng, gấp 3 lần so với giáo viên nam hạng nhì người bản địa (45,8 đồng/tháng).
Phí cấp hộ chiếu là 15 đồng (một năm trước đó, phí chỉ có 6 đồng). Cấp giấy phép sử dụng vũ khí: 4 đồng, tái tục lại mỗi nửa năm: 2 đồng. Súng bắn xa và súng đánh giặc không được cấp phép cho người Việt và người ngoại quốc phương Đông.
Đến năm 1901 thì thuế thân là 1 đồng/năm (chỉ đánh vào người bản địa). Dân Sài Gòn đóng gấp đôi, dân Chợ Lớn đóng thêm 5%. Nhà sư, trưởng làng, và người trên 60 tuổi được miễn.
Mở rộng mốc thời gian ra một chút, theo một bài báo trên Tân Văn năm 1936 thì thuế thân lúc đó tăng lên thành 5,5 đồng. Thuế có vẻ thấp vậy nhưng một số người cùng đinh không có tiền để đóng, họ phải lẩn trốn, và chính quyền thì đi bắt bớ. Nếu không có tiền đóng thuế thì phải đi lao động công ích, như đào kênh vét rạch, cho nhà nước để trừ thuế.
Báo viết có quan một tỉnh kia không cấp giấy chứng nhận thuế cho dân, trả lương thấp hơn, hoặc quỵt lương khi họ làm lao động công ích. Mà dân muốn ra tố cáo thì bị xét giấy thuế thân (bắt buộc luôn phải mang theo bên người, mỗi giấy có mã số riêng như thẻ căn cước thời nay vậy), không có giấy thì bị bắt nên dân cũng không ra dám tố cáo mà trốn luôn. Muốn đi làm thuê để kiếm tiền trả thuế cũng không được, vì có thể bị bắt khi chưa đóng thuế. Nên người ta phải đi ăn trộm, ăn cắp để có tiền mà sống. Nói chung vụ này phức tạp! Nhưng có lẽ tình cảnh này không đại diện cho toàn xã hội.
Cũng phải nói thêm là thuế thân ở Việt Nam có từ thời nhà Trần, là một dạng của thuế lao dịch (hay sưu dịch, ngày nay gọi là nghĩa vụ lao động công ích). Thời Pháp ở Nam Kỳ thì họ bỏ lao dịch vô hạn định mà chỉ lấy cố định 5 ngày công tối đa mỗi năm thôi, và có thể trả tiền để chính quyền thuê người làm thay. Khi Pháp bảo hộ ở miền Bắc và miền Trung, họ giảm từ sưu dịch vô hạn định xuống còn 48 ngày, rồi giảm xuống còn 30 ngày, trong đó có 10 ngày lao động bắt buộc, 10 ngày thay bằng tiền thuế thân, và 10 ngày có thể trả tiền hoặc lao động tùy người dân chọn.
Ở thuộc địa Nam Kỳ không có lao động bắt buộc, mà chỉ có thuế thân. Trong khi ở đất bảo hộ thì có cả hai loại. Sau đó năm 1918 và 1920 thì hai miền kia cũng bãi bỏ lao động sưu dịch, chỉ còn thuế thân.
Đến thời VNDCCH thì khôi phục lại là 30 ngày. Thời CHXHCNVN là 10 ngày, người dân được phép trả tiền để thay cho lao động. Đến khi Việt Nam tham gia vào công ước chống lao động cưỡng bức thì bắt buộc phải bãi bỏ quy định này từ năm 2006 (nhưng vẫn bắt đóng quỹ phòng chống thiên tai, lũ lụt).
—
Sebgei Alpha