Gia Định báo ở Thư viện Quốc Gia Pháp và những điều chưa biết

 

Võ Xuân Quế

Gia Định báo (GĐB) là tờ báo chữ Quốc Ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Cho đến nay, những người nghiên cứu đều nhất trí rằng GĐB ra số đầu tiên vào ngày 15/04/1865 ở Sài gòn và đình bản ngày 1/1/1910[1]. Tuy nhiên, chưa ai xác định được trong thời gian đó GĐB đã phát hành tất cả bao nhiêu số và số cuối cùng là số nào, hiện còn lưu giữ ở đâu không?

Theo tác giả Lê Minh Quốc, thư viện Viện Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh (TVLS)[2] hiện còn lưu giữ 197 số GĐB in trên giấy của các năm: 1882 (48 số), 1883 (45 số), 1884 (52 số) và 1885 (52 số) và Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh[3] (TVKHTH) lưu giữ 121 số GĐB của các năm: 1865 (3 số), 1874 (24 số), 1875 (24 số), 1876 (15 số), 1895 (8 số), 1897 (4 số), 1898 (6 số), 1899 (3 số) và 1900 (34 số).

Tác giả cho biết các số báo này cũng đã được chụp microfilm. Biết được thông tin này tôi tự hỏi không hiểu vì sao hai thư viện này không đưa lên mạng các số báo hiện còn lưu giữ và đã được chụp microfilm để những người quan tâm có thể đọc được nguồn tư liệu quý hiếm này, giống như cách làm của Thư viện Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc là không biết Thư viện Quốc gia Việt Nam hiện còn lưu giữ được bao nhiêu số GĐB, song số báo được đưa lên mạng chỉ có 4 số của một năm duy nhất là năm 1890 (theo truy cập ngày 1/7/2021)[4].

Mới đây, khi tìm hiểu về tờ báo này, tôi tình cờ phát hiện thấy Thư viện Quốc gia Pháp còn lưu giữ khá nhiều số GĐB kể từ năm 1866 đến năm 1906 và từ năm 2019, các số báo này đã dần dần được số hóa và công bố miễn phí trên trang mạng của thư viện. Từ trang mạng này, những ai quan tâm đến GĐB đều có thể truy cập và đọc được các số báo với chất lượng rất tốt một cách dễ dàng.

Dưới đây là 424 số GĐB ấn hành trong 26 năm từ 1866 đến 1906 trên trang của Thư viện Quốc gia Pháp (https://gallica.bnf.fr/) mà chúng tôi đã đọc được (truy cập lần cuối cùng vào ngày 1/7/2021), xếp theo thời gian:

  1. Năm 1866: 10 số
  2. Năm 1867: 12 số
  3. Năm 1868: 7 số
  4. Năm 1869: 16 số
  5. Năm 1870: 10 số
  6. Năm 1871: 3 số
  7. Năm 1874: 1 số
  8. Năm 1881: 1 số
  9. Năm 1883: 3 số
  10. Năm 1884: 17 số
  11. Năm 1887: 12 số
  12. Năm 1888: 4 số
  13. Năm 1889: 3 số
  14. Năm 1890: 40 số
  15. Năm 1891: 51 số
  16. Năm 1892: 38 số
  17. Năm 1893: 44 số
  18. Năm 1894: 40 số
  19. Năm 1895: 19 số
  20. Năm 1897: 35 số
  21. Năm 1898: 3 số
  22. Năm 1899: 11 số
  23. Năm 1900: 1 số
  24. Năm 1901: 3 số
  25. Năm 1902: 6 số
  26. Năm 1906: 1 số (số 52 của năm thứ bốn mươi, ra ngày 24/12)

Như vậy, GĐB còn lưu giữ được ở Thư viện Quốc gia Pháp không chỉ nhiều hơn về số lượng mà còn dài hơn cả về thời gian (26 năm với 424 số) so với TVLS (4 năm với 197 số) và TVKHTH (9 năm với 121 số) cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam (1 năm 4 số) cộng lại.

Tìm hiểu sơ bộ 424 số báo lưu giữ tại địa chỉ này về một số khía cạnh, chúng tôi nhận thấy như sau:

  1. Về thời gian ấn hành:

Thời gian ấn hành của GĐB không thống nhất giữa các năm, thậm chí giữa các tháng. Tháng ấn hành ít nhất là 1 số và tháng nhiều nhất là 5 số.

– Từ năm 1866 đến tháng 2 (số 2) năm 1869 báo ra mỗi tháng một lần, như được ghi trên măng sét “Tờ báo nầy mỗi tháng Tây cứ ngày rằm in ra một lần ai muốn mua cả năm phải trả 6 góc tư”

– Từ tháng 3 (số 3) năm 1869 trở đi mỗi tháng ra bốn số, như ghi trên măng sét “Mỗi tháng in một tháng in ra 4 kỳ, cứ ngày mồng một, mồng tám, mười sáu, hai mươi bốn mà phát”. Tuy nhiên, năm 1869 có một điểm đáng chú ý là: Từ tháng 3 đến ngày mồng 8 tháng 9 (tức trước khi Trương Vĩnh Ký được giao phụ trách) báo bắt đầu ra 4 số một tháng và có một sự “đổi mới” về cách ghi thời gian trên măng sét cũng như sắp xếp nội dung trong tờ báo, với các số riêng về “Công vụ” và số riêng về “Tạp vụ”.

Với 12 số có trên dữ liệu mà chúng tôi đọc được trong thời gian này có 2 số “Công vụ” và 10 số “Tạp vụ”. Hai số “công vụ” (một số ghi trên tên báo, một số ghi dưới tên báo trong măng sét) ghi năm là “Năm thứ nhứt, số 3” và “Năm thứ nhứt, số 5” ở cột giữa, phía trên măng sét. Thời gian bên cột phải phía trên măng sét ghi là Giáng sinh 1869 tháng Juin, ngày mồng một” (số 3) và Giáng sinh 1869 tháng Aout, ngày mồng một” (Số 5). Còn thời gian ở cột giữa phía trên trong măng sét với các số “Tạp/tập vụ” (số thì ghi trên tên báo, số ghi dưới tên báo) đều ghi là “Năm thứ năm”.

1

  Măng sét của 2 số “Công vụ” và “Tạp vụ” riêng của GĐB năm 1869

Tuy nhiên, số báo in ra mỗi tháng 4 lần chỉ tiếp tục đến tháng 8 năm 1870. Còn từ tháng 9 năm 1870 trở đi số báo in ra rút xuống còn mỗi tháng 2 lần “cứ ngày 15 và 30 tháng tây thì phát ra” và tiếp tục ít nhất đến tháng 5 năm 1874. Vì từ năm 1875 đến năm 1880, do trên dữ liệu của Thư viện không có số báo nào nên chúng tôi không biết được mỗi tháng báo được in ra bao nhiêu số.

– Từ tháng 7/1881 báo đã trở lại “Mỗi một tháng in ra 4 lần, cứ mỗi ngày thứ 3 trong tuần lễ thì phát.” Tuy nhiên, mặc dù ghi như thế, song thời gian báo in ra lại khác. Chẳng hạn trên số báo có được của tháng 7/1881, ghi là “ngày thứ bảy, 9 Juillet năm 1881” (chứ không phải thứ 3, ngày 11 theo dương lịch). Một số tháng khác cũng có tình trạng tương tự, tức báo ra ngày thứ bảy. Từ năm 1890 trở đi báo ra vào ngày thứ 3 hàng tuần và tháng có 5 ngày thứ 3 thì báo cũng ra 5 số (chẳng hạn như tháng tháng 4, 9, 12/1890).

– Nhưng 3 số có được của tháng 12 năm 1901 cho thấy báo lại ra vào ngày thứ 2 hàng tuần. Mặt khác có một điều rất đáng chú ý là trên ba số này báo đều ghi năm thứ ba mươi sáu, nhưng số ra ngày 16/2/1901 ghi là số thứ 7, số ra ngày 23/12 ghi là số 8 và số ra ngày 30/12 là số 9. Như vậy, theo cách đánh số này thì cả năm 1901 GĐB chỉ ấn hành 9 số, vì đây là ba số cuối cùng của năm? Đáng tiếc là không có các số trước đó nên chúng tôi không kiểm tra và khẳng định được điều này.

– Năm 1902 và 1906, GĐB cũng ra vào ngày thứ hai hàng tuần với mỗi tháng ít nhất là 4 số và cả hai năm này báo đều ra mỗi năm 52 số.

  1. Hình thức và nội dung trên măng sét

Măng sét GĐB thay đổi rất nhiều lần cả về hình thức và nội dung. Trong một bài viết, Lê Minh Quốc viết rằng “Theo những thống kê trên những số báo đọc được thì manchette của Gia Định Báo thay đổi 4 lần.” Nhưng với 424 số báo đọc được, chúng tôi thấy măng sét của GĐB báo đã có nhiều lần thay đổi hơn với hình thức và nội dung khác nhau, như sau:

– Năm 1866: Hai dòng trên cùng chia làm 3 cột. Cột bên trái ghi năm âm lịch. Ví dụ: số 4 năm 1866, ghi Bính dần niên chánh tam ngoạt (nguyệt) sơ nhứt nhật; Cột giữa ghi: Năm thứ hai, No 4. Cột phải ghi Giáng sinh 1866 tháng Avril ngày rằm (không ghi thứ trong tuần). Ở giữa, dòng trên là 3 chữ Nho cỡ lớn, dòng dưới 3 chữ Gia Định báo cỡ lớn. Dưới cùng là dòng chữ Quốc Ngữ: “Tờ báo nầy mỗi tháng Tây cứ ngày rằm in ra một lần ai muốn mua cả năm phải trả 6 góc tư.” Măng sét này duy trì cho đến số 19 năm 1869 (ra ngày 8/9/1869).

– Từ số 20 (ra ngày 24/9/1869)  có một sự thay đổi là thời gian âm lịch bên cột trái phía trên của măng sét ghi theo số cả ngày và tháng (Kỷ tị niên. Ngày 19 tháng 8). Số báo đã thay cách viết theo tiếng Pháp (No.) được thay bằng chữ Quốc Ngữ (Số/Số thứ).

– Từ số 5 (ra ngày 16/2/1870) có sự thay đổi: Cột giữa phía trên có thêm ba chữ in khổ nhỏ của tên báo: Gia Định báo ở dòng trên cùng, đồng thời tháng âm lịch được ghi bằng chữ (tháng giêng). Thời gian báo ra cùng với cách thức và giá mua báo phía dưới chữ Gia Định báo được tách thành hai cột “Ngày phát nhựt trình” bên trái và “Giá mua nhựt trình” bên phải.

– Từ năm 1874 ba chữ tên báo bằng chữ Quốc Ngữ đã xuất hiện ở dòng trên và ngăn với ba chữ Nho tên báo với một đường kẻ. “Ngày phát nhựt trình” cũng thay đổi từ 4 lần xuống còn 2 lần.

– Từ năm 1881 tên báo bằng chữ Nho không còn dùng nữa (Theo Lê Minh Quốc là từ số 26 năm 1880). Ba cột trên cùng chỉ in thành một dòng, trong đó đáng chú ý thời gian ở cột bên phải được ghi với thứ (thứ bảy, chứ không phải thứ ba) ngày tháng năm viết theo trật tự tiếng Việt, tuy tên tháng vẫn viết theo tháng tiếng Pháp (Ngày thứ bảy, 9 juillet năm 1881).

– Từ năm 1887 có sự thay đổi là: Cột giữa in thành 3 dòng với: “Republique Francaise” (dòng trên cùng), “Liberté-Égalité-Fraternité” (dòng giữa) và dòng dưới các thông tin theo thứ tự: Năm âm lịch-Thứ tự năm của báo-số báo.

– Từ năm 1900 đến năm 1906, năm âm lịch ở dòng dưới cùng cột giữa chuyển sang góc trái, cùng dòng sau ngày tháng âm lịch. Phía dưới tên báo cũng không còn hai cột “Ngày phát nhựt trình” và “Giá mua nhựt trình” như trước.

– Các số từ 1866 (có lẽ cả các số năm 1865) đến số 27/1869, ngay phía dưới măng sét có bảng thông tin thủy văn, ngày, giờ trăng rằm, trăng mọc và trăng lặn, cùng với ngày nước lớn tại Cần giờ, Sài gòn. Nhưng từ số 28/1869 (ra ngày 1/12/1869) trở đi báo không còn bảng này nữa.

Đáng chú ý, vì con chữ được đúc và mang từ Pháp sang nên chữ cái Đ trong âm tiết “Định” của tên báo “Gia Định” trên măng sét được thêm vào một gạch ngang ở giữa trong đa số trường hợp. Nhiều trường hợp khác chữ cái Đ lại thiếu nét ngang.

  1. Về người phụ trách:

– Từ năm 1865 đến số 19/1869 do E. Potteaux (thông phán) phụ trách.

– Từ số 20 (24/9/1869) đến năm 1871 do Trương Vĩnh Ký phụ trách. Riêng số 28 (ra ngày 1/12/1869) báo ghi “Lãnh thể việc nhựt trình: G. Janneau.”

2

Nghị định đặt P. Trương Vĩnh Ký làm “GĐB tổng tài trên GĐB ra ngày 24/9/1869

– Theo Lê Minh Quốc “Các số báo năm 1872 cuối trang 4 lại in E.Potteau. Ông này giữ chức chánh tổng tài đến số 4 năm 1882 thì chức vụ này được chuyển giao lại cho E.P (tức Ernest Potteaux-VXQ.”[5] Tuy nhiên, do không đọc được các số báo năm 1872, 1873 nên chúng tôi không kiểm chứng được thông tin này.

– Số thứ 3 năm 1874, báo do J.Bonet phụ trách. Theo Trần Nhật Vy “Bonet còn làm chánh tổng tài của báo cho tới những năm 1881”. Do thiếu các số báo trong thời gian này nên chúng tôi không kiểm tra được, nhưng với số 19 (ra ngày 9/7/1881), tên người phụ trách được ghi ở cuối trang 3 (193) là Huc F. (Thông phán).

– Từ số 41 (1/12/1883)  đến số 15 (14/4/1891) E. Potteaux

– Số 16 (21/4/1891) ghi Boscq ở trang 11.

– Từ số 17 (28/4/1891) trở đi không ghi người phụ trách mà chỉ ghi nơi in ở trang cuối cùng.

Trong bài viết đã dẫn ở trên Lê Văn Cẩn có viết “Người chủ biên cuối cùng của GĐB là ông Diệp văn Cương – Nghị định ngày 20/9/1908 do XLTV Thống đốc Nam Kỳ Outrey ban hành, đăng trong “Tập san hành chính Nam Kỳ (Bulletin administratif de la Cochinchine) năm 1908, trang 2864, cho thấy trước ngày 21/5/1908, việc chủ biên tờ GĐB do ông Nguyễn Văn Giàu đảm trách và kể từ ngày 21/5/1908, việc biên tập được giao cho ông Diệp văn Cương.” Tuy nhiên, vì không có các số báo của thời gian này nên chúng tôi không kiểm tra được thông tin này của tác giả. Một số người (trong đó có cả Lê Minh Quốc) cho rằng Paulus Của cũng có thời gian phụ trách Gia Định báo. Song qua 424 số báo đọc được ở nguồn này, chúng tôi không bắt gặp số nào có ghi Paulus Của là người phụ trách, mà tên ông chỉ xuất hiện như là tác giả dưới các bài viết.

Như vậy, thông tin về những người phụ trách Gia Định báo cho thấy trong hơn 40 năm lưu hành, Gia Định báo có nhiều người phụ trách (hay làm chủ bút) với những khoảng thời gian khác nhau. Trong số những người này Ernest Potteaux, thông phán là người có thời gian phụ trách lâu nhất. Còn Trương Vĩnh ký chỉ phụ trách trong thời gian khoảng 3 năm (1869-1871)[6], với tổng cộng 66 số báo (năm 1869: 16 số, năm 1870: 33 số và năm 1871:19 số), trong đó có 1 số do G. Janneau phụ trách là số 28 (ra ngày 1/12/1869).

Sở dĩ trong vòng 3 năm Trương Vĩnh ký chỉ làm “Tổng tài” 65 số báo vì từ tháng 9 năm 1870 trở đi, tức 1 năm sau khi ông được giao nhiệm vụ này, số GĐB in ra mỗi tháng rút từ 4 số xuống chỉ còn 2 số, ra vào ngày 1 và 15 hàng tháng. Mặt khác, về số trang, trong thời gian này tất cả các số Gia Định báo đều có số trang tối thiểu, mỗi số chỉ 4 trang. Trong khi đó nhiều năm khác, nhiều số Gia định báo có 8 trang, 12 trang và nhiều số có 16 trang.

Có điều, khác với các số báo do những người khác phụ trách, các số báo do Trương Vĩnh Ký làm tổng tài đăng nhiều bài của các tác giả khác nhau hơn. Chẳng hạn: trong phần “Tạp vụ” của GĐB số 9 (ra ngày 24/3/1870) có 9 bài của 8 người khác nhau là thông ngôn, giáo tập.

  1. Về nội dung của tờ báo

Là tờ công báo của chính quyền bảo hộ Pháp ở Nam kỳ nhằm thực hiện chính sách đồng hóa người dân Nam kỳ vào quỹ đạo của Pháp, nên nội dung chính của tờ báo chủ yếu truyền tải các yết thị, nghị định và thông tư của chính quyền đến người dân. Ngoài ra, để thu hút công chúng, báo cũng đăng một tác phẩm văn học, bài phổ biến kiến thức lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam cũng như các nước khác. Tuy nhiên, những bài này chỉ là phần phụ, được xếp vào phần “Tạp vụ”, “Thứ vụ” và in cạnh các “Lời rao’, “Quảng cáo”. Theo thời gian, GĐB gồm có các phần phần chính sau:

– Từ 1886 – 1869, GĐB gồm ba phần chính: Công vụ, Tạp vụ và Giá chợ.

Trong thời gian này phần “Công vụ” không in nguyên văn “Chỉ thị” hay “Nghị định”, “Sắc lệnh” của chính quyền như sau đó mà chỉ giới thiệu về nội dung. Ví dụ: trong số 3/1866 và số 8/1867 có “yết thị” và “nghị định” như sau:

3

Yết thị trong số 3/1866 và Nghị định trong số 8/1867

Còn trong số 8/1868 có đăng tin nhiều người được Quan Nguyên-Soái cấp bằng, trong số đó có Đỗ Hữu Phương và Trần Bá Lộc được “làm chức đốc phủ sứ, ăn lộc một năm là bốn ngàn tám trăm quan tiền; kể từ ngày rằm tháng aout năm 1868” (So sánh với Trương Vĩnh Ký năm 1869 được giao làm “Gia Định báo tổng tài, cho ăn lộc 3000”).

– Từ 1881 đã có phần “Tóm lại” ngay dưới măng sét. Trang cuối cùng có Quảng cáo.

– Từ năm 1883, phần “Công vụ” đăng nguyên văn các Nghị định với tên người ký. Phần Tạp vụ được thay bằng “Ngoài công vụ” (đăng tin tức các nơi cùng các “lời rao”, “giá gạo”) và “Thứ vụ” (đăng các mẩu chuyện, thơ ca, phổ biến kiến thức).

4

– Từ năm 1892 trở đi không còn phần “Thứ vụ”. Phần Tạp vụ có Lời rao phổ biến được đăng trong mấy năm liền là “Lời rao thuế chánh ngạch Sài gòn và Chợ lớn”.

5

– Từ tháng 6/1894 trở đi, sau các “Lời rao” trong phần “Tạp vụ” đăng thêm “Tục ngữ Annam”, “Thơ ca”. Đáng chú ý, số 9 (ra ngày 2/3/1897) và số 10 (ra ngày 9/3/1897) đăng 2 bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Có lẽ đây là hai bài thơ duy nhất của Nguyễn Đình Chiểu đăng trong GĐB, chỉ sau khi ông mất. Trong nửa năm 1897, báo đăng “Quy định cấm quan chức bổn quốc nhận lễ vật và cấm đi lễ” của Toàn quyền Paul Boumer và Thống đốc Nam kỳ Nicolai.

6

7

– Từ tháng 8/1897 trở đi không còn trang Quảng cáo cuối tờ báo như trước. Các bài thơ, văn hay bài phổ biến kiến thức, vốn được đăng trong phần “Thứ vụ” trước đó, nay được đăng trong phần “Tạp vụ”. Chẳng hạn từ số ra ngày 3/8/1897, báo đăng “Đại Nam quốc sử diễn ca”.

8

Trang quảng cáo của GĐB, số ra ngày 29/6/1897

  1. Một vài nhận xét

Như vậy, với 424 số GĐB từ trang mạng của Thư viện Quốc gia Pháp, chúng tôi thấy có thể nêu ra một vài nhận xét sau đây:

– Thời gian ấn hành GĐB không thống nhất giữa các năm và không hoàn toàn nhất quán với thời gian được ghi dưới phần “ngày phát nhựt trình.”

– Số báo phát hành trong các năm, thậm chí trong các tháng không hoàn toàn giống nhau. Thời gian đầu mỗi tháng 1 số, sau đó mỗi tháng 2 số. Tiếp đến mỗi tháng 4 số, sau đó lại mỗi tháng 2 số, rồi trở lại 4 số. Có những năm phát hành 52 số (nhiều nhất), song có năm (như năm 1901) chỉ 9 số? Số trang báo cũng đa dạng: ít nhất là 4 trang, nhiều nhất 16 trang.

– Báo có nhiều người phụ trách, mặc dù có những năm không thấy ghi tên. Trong số những người phụ trách có ghi tên, người có thời gian phụ trách lâu nhất là Ernest Potteaux, thông phán.

– Với việc Trương Vĩnh Ký chỉ phụ trách 55 số báo và chỉ trong 3 năm, so với khoảng thời gian tồn tại hơn 40 năm của GĐB, thật khó có thể nói rằng ông là người có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Gia Định báo, như một số người khẳng định. Chẳng hạn, có tác giả đã viết rằng: “từ khi Trương Vĩnh Ký đảm nhiệm (năm 1869), tờ báo mới thật sự được “sống” với độc giả là người dân nhờ hướng đi quan trọng: cổ động cho một lối học mới, phát triển chữ quốc ngữ.” và “Trương Vĩnh Ký đã tìm cách biến viên chức địa phương thành những “tuyên truyền viên” cho chữ quốc ngữ, đồng thời đào luyện họ thành những cộng tác viên cho tờ báo, thậm chí đào luyện họ thành những người viết báo bên cạnh một nhóm cộng sự của mình[7].

Nhưng, thật sự không phải đợi đến khi Trương Vĩnh Ký làm “tổng tài” mà từ trước đó, Ernest Potteaux, người phụ trách GĐB đã kêu gọi các thông ngôn “cộng tác”, gửi bài cho GĐB (Xem screenshot dưới đây). Và, một số số GĐB đã có sự cộng tác của nhiều người. Chẳng hạn như trong mục “Tạp vụ” số 9/1867 có các bài của Tân Pétrus, Thomas Sanh, Alamel, thông ngôn, P. Thới; số 4/1868 có bài của P. Thới, Minh, Gueldre, thông ngôn.

9

Lời rao của chủ bút E. Potteaux đăng trong GĐB  số 2/1866

– Một điều quan trọng cần biết thêm rằng GĐB là tờ báo do chính quyền kiểm soát, như Phó đề đốc Nam kỳ đã nói toạc ra khi Nghị viên Hội đồng Quản hạt Trần Bá Thọ chê GĐB nghèo nàn và yêu cầu chuyển một khoản tài trợ của chính quyền cho GĐB sang cho báo Nam Kỳ[8]. Phó đề đốc nói: “Tờ báo chính thức này (tức Gia Định báo-VXQ) thuộc sự kiểm soát của cấp cao hơn và mọi vấn đề nó ấn hành đều được xem xét kỹ càng; người An Nam không thảo luận về nó. Gia Định báo là một tờ báo chính thức, trong khi Nam Kỳ có thể ấn hành những gì mà nó muốn phổ biến, tuy nhiên, không khuấy động các vấn đề chính trị có thể dẫn người dân bản xứ của chúng ta lạc hướng và gây tổn hại đến nền an ninh mà chúng ta đã phải mất đến hai mươi năm mới đạt tới tại xứ này…”[9]

Có lẽ vì sự “khô khan” của GĐB và “coi sách dạy lắm, nó cũng nhàm; nên phải có cái chi vui pha vào một hai khi, nó mới thú”[10] mà năm 1888 chính Petrus Trương Vĩnh Ký đã cho ra đời một tờ báo khác của mình dưới dạng tạp chí là “Miscellanées” (Thông loại khóa trình), tờ báo tư nhân bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên ở Việt Nam, trước khi một tờ báo Quốc Ngữ tư nhân đúng nghĩa khác là “Nam Kỳ” ra đời năm 1897.

Rất tiếc là vì chưa có cơ hội được đọc các số GĐB hiện còn lưu giữ ở  TVLS và TVKHXH nên chúng tôi chưa thể có được một cái nhìn toàn diện và cụ thể hơn về tờ báo này. Hy vọng trong tương lai không xa, hai cơ quan này cũng số hóa những số báo giấy ở đây và công bố trên mạng để những ai quan tâm có thể tiếp cận được./.


Chú thích

[1] Lê văn Cẩn, Góp ý với ông Phạm Long Điền về Gia Đính báo, Bách Khoa, số 416, 10/9/1974, tr. 73-74

[2] https://leminhquoc.vn/hoi-hoa/tu-lieu-le-minh-quoc/1628-vai-thong-tin-ve-gia-dinh-bao-to-bao-quoc-ngu-dau-tien-cua-viet-nam.html?start=6

[3] https://leminhquoc.vn/hoi-hoa/tu-lieu-le-minh-quoc/1628-vai-thong-tin-ve-gia-dinh-bao-to-bao-quoc-ngu-dau-tien-cua-viet-nam.html?start=2

[4] http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=WHjH18900603&e=——-vi-20–1–img-txIN——

[5] Trần Nhật Vy, “Bếp núc” tờ Gia Định báo (https://tuoitre.vn/bep-nuc-to-gia-dinh-bao-443229.htm)

[6] Tác giả Trần Nhật Vy cũng viết “thời gian làm “Gia Định báo chánh tổng tài” của cụ Trương cũng không dài, nhiều nhất là từ năm 1869-1871 (bài đã dẫn).

[7] https://tuoitre.vn/lam-bao-de-co-vu-chu-nghia-van-chuong-496929.htm

[8] https://nghiencuulichsu.com/2021/04/22/nam-ky-to-bao-quoc-ngu%CC%83-cuoi-the-ky%CC%89-19-con-it-duo%CC%A3c-biet-den/

[9] Milton E. Osborne, The French Presence in Cochinchina and Cambodia: Rule and Response (1859-1905), Milton E. Osborne, Cornell University Press.1969. Có thể xem lược dịch một chương cuốn sách này tại: http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacEOsborne2.htm

[10] Trích “Bảo” (Lời đề từ) “Thông loại khóa trình”, tr.1.

Bình luận về bài viết này