Alfred Schreiner và đóng góp của Nam Kỳ cho báo chí Quốc Ngữ cuối thế kỷ 19

Võ Xuân Quế

Trong số những tờ báo chữ Quốc Ngữ ra đời cuối thế kỷ thứ 19, Nam Kỳ là một tờ báo rất đáng chú ý về nhiều mặt. Nhưng cho đến nay tờ báo này cũng như người sáng lập và làm chủ bút vẫn chưa được biết đến nhiều, thậm chí biết còn thiếu chính xác[1]. Bài này xin giới thiệu vài nét về nhân vật đó, Alfred Schreiner, cũng như đóng góp của ông và báo Nam Kỳ cho báo chí Quốc Ngữ thời mới khởi nguồn.

I . Alfred Schreinermột người Pháp gắn bó với Nam Kỳ

1.1. Vài nét tiểu sử:

Trong số những người Pháp sống ở Nam Kỳ hai thập kỷ cuối thế kỷ 19 và thập kỷ đầu thế kỷ 20, Alfred Schreiner là một người khá đặc biệt. Mặc dù làm chủ bút 3 tờ báo (1 báo chữ Quốc Ngữ và 2 báo chữ Pháp), đồng thời viết cũng viết một số sách về lịch sử, truyện dân gian Việt Nam, song cuộc đời và đóng góp của ông không được biết nhiều với công chúng. Phải liên hệ với người phụ trách thông tin từ Thư viện Quốc gia Pháp, tôi mới nhận  được vài nét vắn tắt sau đây về ông.

Alfred Schreiner (tên đầy đủ là Louis-Alfred Schreiner) sinh ngày 6/1/1852 tại Strasbourg, Cộng hòa Pháp. Là một người thích thám hiểm, năm 1870, Schreiner gia nhập đội quân Zouave (lính quần rộng-Phan Khoang) của Pháp. Trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Đức (1870-1871) A. Schreiner bị bắt làm tù binh và ở lại Đức trong 4 tháng. Sau khi được ra tù, ông gia nhập hải quân năm 1872 và lên đường tham gia chiến dịch Caledonia (một hòn đảo ở Thái Bình Dương) từ 1873 đến 1877. Năm 1884 A. Schreiner đến Thái Lan và năm 1885 đến định cư ở Nam Kỳ. Kể từ đó ông ở lại Nam Kỳ cho đến cuối đời.

Sau khi trở thành một nhà đo đạc và phụ trách khảo sát địa chính, năm 1897, ông thành lập báo Nam kỳ bằng chữ Quốc Ngữ và một ấn bản chữ Pháp Le Nam kỳ vào năm 1899. Trong quá trình này, ông cũng làm chủ bút của báo Courrier saïgonnais. Năm 1902, ông giữ chức vụ phó chủ tịch của Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises). Năm 1903, ông được bổ nhiệm làm giám đốc của Livre Foncier de Cochinchine và sau sự thất bại của dịch vụ này, năm 1908 ông làm giáo sư tại Collège Chasseloup-Laubat (trường trung học đầu tiên của Sài Gòn, lúc đầu có tên là Collège Indigène -Trung học bản xứ)[2].

Ông mất ngày 8/7/1911 tại Sài Gòn.

1.2. Các ấn phẩm biên soạn và xuất bản của A. Schreiner

Mặc dù xuất thân là một người lính, sau đó hành nghề đo đạc và xuất bản, nhưng thật ngạc nhiên là sau 26 năm sống và làm việc ở Nam Kỳ (1885-1911), A. Schreiner đã viết và xuất bản khá nhiều ấn phẩm cả bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.

Theo dữ liệu trên trang mạng của Thư viện quốc gia Pháp[3] và Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l’Indochine[4], A. Schreiner đã xuất bản một số sách và báo sau đây:

Essai historique: la Nouvelle-Calédonie depuis sa découverte (1774) jusqu’à nos jours (Tiểu luận lịch sử: New Caledonia từ khi được phát hiện (1774) cho đến ngày nay. Paris : E. Dentu, 1882, 369p.

Les institutions annamites en Basse-Cochinchine avant la conquête française (Các thể chế của người An Nam ở Hạ Nam Kỳ trước cuộc chinh phục của người Pháp), 3 tập. Xuất bản lần đầu ở saigon, 1901. In lại Westmead, 1969.

Abrégé de l’histoire d’Annam; 2e édition, augmentée de la période comprise entre 1858 et 1889 (lược sử An Nam. Phiên bản thứ 2, từ giai đoạn giữa 1858 và 1889). Saïgon: l’auteur, 1906. 2e éd., 587p.

Ðại-nam quốc luợc̛ sử; Nguyễn-văn-Nhàn diễn ra quốc ngữ theo kì in tiếng langsa lần thứ hai, có chủ bút quản sóc, Saïgon: Impr. de Claude, 1905, 340p. (Bản dịch tiếng Việt cuốn “Abrégé de l’histoire d’Annam”).

– Báo Nam-kỳ. Nhựt trình mỗi tuần lễ in một lần nhằm ngày thứ nǎm (1897-1900)

Le Nam-ky. Édition française (Numérotation: 1899-juil -1901 [I-III n° 1-96]

Le Courrier saîgonnais (1899)

Le Livre foncier, suivi du rapport au lieutenant-gouverneur de la Cochinchine sur l’organisation de l’immatriculation foncière en divers pays, Saigon, 1904, 1 vol. 128p.

– “Conference sur l’enseignement en Indochine”, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises 44 (1), 1908, p.163-168.

Theo De Francis, Schreiner còn có tác phẩm chưa xuất bản: La langue annamite de Basse-Cochinchine[5].

II Gắn bó với Nam kỳ và góp phần thúc đẩy sự phát triển của báo chí chữ Quốc Ngữ

2.1. Không phải là một học giả hay nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, không giữ trọng trách gì trong bộ máy hành chính của chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ, song khi sang sống ở Nam Kỳ (từ năm 1885), Alfred Schreiner đã học tiếng Việt, chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán, văn hóa của người Việt để viết sách về lịch sử Việt Nam và làm báo cả bằng chữ Quốc Ngữ. Trong lời Tựa sách “Đại Nam quốc lược sử”, ông viết:

Người nào khôn tường thông phổ xứ mình, chẳng xứng làm quan, lo việc nước, lại cũng không đáng làm lê thứ nữa. Theo lẽ chung, ta nói kẻ nào chẳng rõ truyện tích tông môn mình, thời tỷ như người tha phương kia ở giữa gia quyến nó vậy, không gọi là chi hết. Ngày nào người ấy thuộc hiểu các việc tiên nhơn mình đã tác vi, thời mới gọi mình thiệt lương thân, lại dùng đặng gương những đứng đại nhơn để lại mà cầu cạnh, như nó mượn hơi vinh vang mấy người trong họ hàng đã được danh vọng vậy.

Ai ai cũng có quê hương như có gia thất. Phải tôn kính, mến yêu cả hai, lại có kính yêu đặng thật, là khi hiểu thấu những chuyện nhà cùng chung quanh mình, và biết việc kim thời, cổ tích. Sự truyền ngôn dạy về gia đạo, còn sử ký về tổ quán. Như muốn làm người hảo tâm, chớ bỏ sự nào trong hai đều nầy, bưởi chưng tại đó, người ta tìm đặng bội hơn mọi nơi khác, các gương lành để noi theo, lại trong cơn khốn khó, nhiều lời khuyên giải, giúp lòng mạnh mẽ, cùng trông cậy luôn.”(Đại Nam quốc lược sử, tr.III-IV)

Sách “Đại Nam quốc lược sử” thể hiện những tìm tòi, khảo cứu rất cặn kẽ, thận trọng và khoa học của ông về các nhân danh, địa danh và các sự kiện lịch sử, đồng thời chỉ ra những khác biệt hoặc nhầm lẫn của những người đi trước. Chẳng hạn, “Bắc-Thành” trong câu “Bắc-Kỳ nay cũng còn kêu là Đàng-Ngoài luôn, đôi khi kêu là Bắc-Thành” được ông chú thích: “Trong chỉ dụ đệ nhị, tiếp theo điều thứ 396 nơi Luật an-nam, thời gọi Bẳc-Kỳ là Bắc-Thành. Ông Philạstre tưởng đó là tên xưa người ta kêu thành Bắc-Ninh, là kinh đô Bắc-Kỳ, trước khi dời dinh thần về Hà-Nội.” (tr.3)

1

Bìa Abrége De L’histoire D’Annam (2013) và Les Institutions Annamite (1901)

Chỉ nói về hai địa danh “Gia định” và “Sài Gòn”, song ông viết rất cặn kẽ:

“Hai chữ nho chỉ tên Gia-Định nghĩa là thạnh-an. Mấy người an-nam đến trước hết tại Nam-Kỳ đều biết tên ấy để mà kêu xứ có sông Sài-Gòn thông qua. Lúc sau, ông Nguyễn-Anh lấy nó mà đặt cho thành của quan tổng binh Olivier lập. “Có một ít vị bổn quốc hay chữ không dẫn đặng gốc tên ấy cho khỏi trước đời vua Gia-Long. Mấy người đó lại luận rằng, chữ thứ nhứt xem như chiết trong niên hiệu đức hoàng đế Gia-Long, nên diển nghĩa Gia-Định như vầy: xứ vua Gia-Long bình giặc (Sách Monographie de la province de Gia-Định). Điền giác thể nầy xem ra khó ưng lý, nghĩ vì thành Gia-Định xây trong năm 1789, còn tên đức Gia-Long dẫn ra không quá năm 1802.

Theo lời ông Aubaret, là người diển sách Gia-Định thông chí, thì nói như vầy: chốn trung đô kêu là Sài-Gòn, thì thuở trước là tại Chợ-Lớn; còn chỗ nay là thành Sài-Gòn, xưa gọi là Bến-Nghé. Căn nguyên tên ấy có khi bởi tiếng cao-man mà ra. Ông Trương-Vĩnh-Ký lại rằng, người chép sách Gia-Định thông chí, là ông Trịnh-Hoài-Đức, có giải nghĩa tiếng ấy rồi (song ta không gặp đoạn đó trong sách người), nói Sài là chữ nho, nghĩa củi, còn chữ gòn là tiếng an-nam, chỉ là cây gòn; ông Pétrus Ký lại thêm: “người ta nói tên ấy đặt ra, tại dân cao-man trồng  gòn nhiều lắm chung quanh mấy đồn đất cũ thuộc về mình, nay còn lưu dấu tích nơi chùa Cây-Mai và lối kế cận đó”. Nhưng vậy, ông Trương-Vĩnh-Ký cũng tưởng Sài-Gòn là tên người đàng thổ lúc trước đặt ra mà kêu cả và miền, là nơi đến sau mới khai thành ra.

Tới phiên ta, ta xin ai nấy nghiệm lại, trước năm 1675, thời người cao-mên đã có một cái đồn tại Sài-Gòn. Vả chăng, trong sách Gia-Định thông chí của ông Aubaret dịch ra, thấy nơi trương thứ 3 có câu nầy: “Qua tháng tư, khi ấy nhằm mùa hạ (năm 1675) bình an-nam hãm lấy các đồn Sài-Gòn, Gò-Bích và Nam-Vang”. Một đều khác nữa chúng ta phải nhớ, là thành Chợ-Lớn nguyên của người tàu lập ra trong năm 1778, đặt tên là Tai-Ngon, nên từ tên kêu đó cho tới Sài-Gòn thì không bao xa” (Đại Nam quốc lược sử, tr.139).

Không chỉ thông hiểu tiếng Việt và chữ Quốc Ngữ, Alfred Schreiner còn biết chữ Hán. Khi viết về việc quan cai tàu Emmanuel (hay Manuel) tử trận trong cuộc giao chiến với quân Tây Sơn, ông viết:

“Ta cũng xin chỉ ra đây một ít chỗ sái. Trong sách Gia-Định thông chí[6], tại bài giải trương 49 và 50, thì thấy ông Aubaret nói như vầy, ông Emmanuel đặng tước khâm sai cai cơ, người cũng có thêm rằng: sau khi ông ấy chết “được phong là, hiệu nghĩa công thần quốc trụ thượng tướng quân”.

Còn ông Trương-Vĩnh-Ký kể ra như vầy: “ông Emmanuel là của đức thầy Bá-Đa-Lộc dưng cho vua Gia-Long đặng giúp người, thì người có cho ông nầy làm Khâm sai chưởng cơ (envoye royal contre-amiral). Khi ông ấy mạng rồi, thì tặng phong là hiệu ngãi công thần phụ quốc thượng tướng quân”.

Ta có tra kiếm trong sách Gia-Định thông chí chữ nhu ở tại nhà ông Paulus Của, thì thấy đề là: Khâm sai chưởng cơ, không phải Khâm sai cai cơ. Chưởng cơ với cai cơ cũng đồng nghĩa lãnh binh, tướng quân, song chức trước lớn hơn chức sau. Ta cũng xin ai nấy gẫm lại, tước quan tứ trụ chẳng hề để phong cho người ngoại quốc bao giờ. Ông Trương-Vĩnh-Ký dịch chưởng cơ là contre-amiral, đó là sự diễn nghĩa thong thả lắm (ta mới giải nghĩa chức ấy). Muốn cho có nghĩa riêng như vậy, phải xen chữ thủy hoặc thủy binh vào; song sự đó không ích chi cho người an-nam, vì chức lớn nơi con nhà nước Nam khôn tuy theo tài riêng mà lục dụng.” (Đại Nam quốc lược sử, tr.153-154)

Điều đáng chú ý hơn, tuy không phải là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, song Schreiner là người có cái nhìn rất khoa học và cấp tiến, khác với quan điểm dùng tiếng Pháp trong giáo dục ở Nam Kỳ của nhiều người đứng đầu trong bộ máy chính quyền thuộc địa Pháp lúc bấy giờ để thực hiện chính sách đồng hóa. Trong cuốn sách “Colonialism and Language Policy in Vietnam”[7], John DeFrancis đã viết về quan điểm này của Schreiner: “Ngầm thách thức lập trường đồng hóa văn hóa của những người theo chủ nghĩa đồng hóa như Aymonier, Schreiner đã lập luận cho chính sách sử dụng tiếng Việt làm phương tiện giảng dạy ở các trường tiểu học và tiếng Pháp ở trường trung học. Ông đã đưa ra cách tiếp cận của mình dựa trên kinh nghiệm cá nhân mình ở trường học.. Chính sách mà Schreiner gọi là “dân tộc hóa bằng ngôn ngữ” theo ông là một phát minh man rợ của người Đức, được thực hiện ở Phổ, công quốc Đan Mạch, Ba Lan, Alsace và Lorraine. Chỉ ở Alsace mới có một số thành công, bởi vì người dân nói một dạng tiếng Đức. Từ quan điểm ngôn ngữ học, hai dạng ngôn ngữ phải gần gũi, cũng như mối quan hệ lịch sử và chủng tộc của một dân tộc – khi đó, và chỉ khi đó, người dân mới có khả năng nói bằng ngôn ngữ khác này, rằng trái tim của họ sẽ cùng nhịp đập.” (Francis, tr.172)

Francis viết tiếp “Mặc dù có sự khác nhau giữa chữ Hán và chữ Quốc Ngữ, Schreiner lập luận trong bài báo của mình (1908: 172), rằng cần phải học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ – chữ Hán vì nền văn học đồ sộ, chữ Quốc ngữ vì nó là một thứ chữ viết phiên âm, tức là chữ viết mà con người hiện đại không thể thiếu. Không thể chỉ vì tiếng Việt có những nhược điểm mà có thể thay thế nó bằng cách dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ giảng dạy. Mặt khác, dù thế nào thì người Việt Nam cũng sẽ không bao giờ từ bỏ ngôn ngữ của họ.” (Francis, tr.173)

Cái nhìn đó cũng được Schreiner nói đến trong sách “Đại Nam quốc lược sử”: “Còn về sự dùng tiếng ngoại quốc mà dạy dỗ, đã đặng nửa đời rồi người ta có làm thử tại một ít nơi bên phương Tây, thấy nó được việc sai ý muốn và đáng thương hại… Theo ý ta tưởng, sự được việc trong cuộc dạy dỗ chữ nghĩa langsa đó hằng cải lẽ đặng luôn. Ta chẳng dứt nhắc đi nhắc lại điều này: bắt học tiếng ngoại quốc bao nhiêu tự ý, mà đừng lấy tiếng ngoại quốc mà dạy dổ.”

Bằng chứng thể hiện rõ ràng nhất cái nhìn tiến bộ của Schreiner là trong một bài đăng trên “Bulletin of the Society of Indochinese Studies” năm 1908, ông đã táo bạo phát biểu “Chúng ta không ở Đông Dương mãi mãi: tất cả lịch sử thuộc địa trên thế giới đều chứng tỏ điều đó. Khi chúng ta rời đi, dù là ngày mai hay trong vài thế kỷ nữa, tốt nhất nên để lại những kỷ niệm đẹp và gìn giữ mối quan hệ thân ái, thay vì tích tụ lòng thù hận không thể hàn gắn, một trong những lý do chính cho việc này là vi phạm ngôn ngữ của người bị thống trị.” (Francis, tr.173)

Sau 12 năm định cư ở Nam Kỳ, tháng 10/1897 Alfred Schreiner đã cho ra đời tờ báo chữ Quốc Ngữ với tên gọi Nam Kỳ và do ông làm chủ bút[8], một trong ba tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên được phát hành cuối thế kỷ XIX và là một trong hai tờ báo Quốc Ngữ tư nhân đầu tiên cùng với Thông loại khóa trình của Trương Vĩnh Ký. So với Gia Định báo và Thông loại khóa trình, Nam Kỳ mang tính báo chí nhiều hơn, đồng thời cũng “thuần” chữ Quốc Ngữ hơn[9].

Trang nhất báo Nam Kỳ số 1 ra ngày 21/10/1897 (hình dưới)

2

Mục đích làm báo Nam Kỳ, được Schreiner nói rõ trong “Lời cùng các người coi nhựt trình ta” là “để cho ai nấy coi chung; ấy là điều chúng ta muốn làm cho người Annam rõ biết sự Nhà nước cùng các quan trên nghị định nhiều việc là vì lẽ gì; nếu cắt nghĩa không rõ thì sẽ sinh ra điều lầm lạc, khó hiểu. Chúng ta cũng có ý muốn làm cho người Annam hiểu biết các nước ở chung quanh mình, cho biết chánh sự, phong tục cùng sự các nước ấy giao thông cùng nước Langsa thể nào, chúng ta cũng có ý binh vực các đều lợi ích cho dân bổn-quấc, làm cho người bổn-quấc hiểu biết sự thể mình ra làm sao, làm cho người bổn-quấc hiểu biết về sự ích lợi riêng ngoài, làm cho các kẻ ấy đặng nhớ.”

Để làm điều đó, ông đã có quan điểm rất rõ ràng về việc sử dụng từ ngữ trong tờ báo: “dùng những tiếng tầm thường sao cho dễ hiểu đối với tất cả mọi người.”

Về việc chữ nghĩa thì dùng những tiếng tầm thường, không dùng những tiếng cao kỳ, dân sự ít hiểu. Chúng ta có ý nói về đều này, là vì nhựt trình Nam Kỳ thì là để mà rao báo những chuyện có ích cho mọi người đều hiểu, không phải là chuyện cao xa đễ cho một ít người thông minh hiểu biết mà thôi. Những người Annam hay chữ nghĩa đã thông hiểu ý tứ chúng ta, thì biết việc rõ ràng, chẳng câu chấp sự chúng ta dùng những tiếng tầm thường, vì các người ấy đã biết là việc làm ích chung cho mỗi một người…” (Nam Kỳ, số 1, ra ngày 21/10/1897)

Với “mục đích” như vậy, Schreiner đã đưa vào báo Nam Kỳ nhiều nội dung phong phú, sinh động và thiết thực với người đọc hơn nhiều so với Gia Định báo cũng như Thông loại khóa trình. Cùng với những bài phổ biến “kiến thức hữu dụng”, mỗi số báo đều có các chuyên mục: “Công vụ” đăng các thông tư, nghị định của chính quyền Bảo hộ, “Ngoại quốc tân văn” giới thiệu về các nước, “Cõi Nội Tân văn”, “Tiếu đàm truyện”, “Điển báo”, “Tiểu tự” (Trả lời bạn đọc) “Tạp vụ” và “quảng cáo”. Nhiều số liền có mục “Thi pháp nhập môn” dành cho thơ, phú, với phần lớn các bài của Mai Nham (Trương Minh Ký).  Đồng thời mỗi số báo cũng có nhiều trang hơn: 16 trang so với 4 trang (Gia Định báo) và 11 trang (Thông loại khóa trình).

Trong những số đầu báo Nam Kỳ có sự cộng tác của ba nhân vật trí thức người Việt nổi tiếng lúc bấy giờ ở Nam Kỳ là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký, trong đó Trương Minh Ký (cùng với bút danh Mai Nham) là người cộng tác lâu dài và có nhiều bài viết nhất trên báo Nam Kỳ, tới tất cả 58/125 số.  Một số thành viên người Việt của Hội đồng thuộc địa, như Trần Bá Thọ, Diệp Văn Cương cũng có thơ, bài dịch trong Nam Kỳ. Đáng chú ý Nam Kỳ là tờ báo Quốc Ngữ đầu tiên đăng các chuyện dịch dài kỳ, như “Bảy cuộc hành lý phi thường của ông Sindbad” (trong 19 số); “Chuyện người cạo râu vô duyên bạc phận” (11 số) và “Chuyện Ali-Baba hay là Chuyện Bốn Mươi Ăn-Cướp” (15 số).

Nhận xét về nội dung và tính thiết thực của Gia Định báo và Nam Kỳ, ông Hội đồng Trần Bá Thọ đã nói trong một cuộc họp của Hội đồng Thuộc địa năm 1897 rằng “Gia Định Báo, không còn chứa đựng điều gì ngoài các thông báo chính thức và các quảng cáo các dược phẩm có cầu chứng bằng sáng chế. Nó “không dạy được bất cứ điều gì cho người An Nam. Người dân bản xứ đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy những điều như vậy trên một tờ báo của Chính quyền. Tôi đồng ý với ngài là giữ việc xuất bản Gia-định-bảo cho đến cuối thế kỷ, nhưng với điều kiện ngài phải làm cho nó thú vị.”[10] Ông Thọ yêu cầu tờ Gia Định báo cần phải đăng các bài tường tuật về các phiên họp của Hội đồng Thuộc địa. Nếu không làm điều này, một khoản trợ cấp cần phải được trao cho báo Nam Kỳ.”[11] Milton Osborne đã viết về ý kiến của ông Trấn Bá Thọ: “Ý kiến của Trần Bá Thọ là một ý kiến tương đối đúng: không còn điều gì liên quan đến người Việt Nam trong tờ báo, ngoài một sự loan báo ảnh hưởng trực tiếp đến một cá nhân.”[12]

Trong các số cuối cùng (118-124) phát hành vào năm 1900; Schreiner cho biết lý do ông phải về Pháp và sẽ trở lại Nam Kỳ: “Sau hết, ta cũng xin cho ngọc hữu rõ sự nầy: như ta ở xứ Nam-Kỳ đã đặng mười lăm năm mà nay ta về nước Langsa thì là bởi chuyện gia đạo ta. Ta sẽ mau trở lại xứ này, cùng ra sức làm tờ giao kèo với một sở nhựt trình lớn bên nước Langsa đặng có hình tốt và rẻ tiền mà in trong nhựt trình quấc-ngữ sẽ bày”.

Lời giãi bày của Schreiner trong “Lời cùng quý hữu coi nhựt báo ta” đã nói lên tình cảm của ông đối với người dân Nam Kỳ:

“Thuở ta lập nhựt báo nầy, ta tưởng có phép nói chuyện quốc chánh trong việc giúp đỡ người bổn quốc, ta tin chắc binh vực đặng sự mấy người ấy làm. Song việc bất thành, vì chung sự bàu chữa như thế, phải bao biếm, kêu nài, lại thường khi cũng phải chống kình cùng nhà nước. Vừa in số nhựt trình đầu, thì quan trên đà đe đều ấy, kế sau có một điều luật lập ra cấm tuyệt đi.

Người ta thường khi trách ta làm sao không dẫn hộ người bổn quốc, sự đó sái lắm, bởi vì ít kẻ biết sự ta mới nói đây, ít kẻ hiểu ta cũng như một người bị trói cột, khôn phương vùng vẫy[13]. Các đều ta thỉnh cho Ngọc-hữu rõ hôm nay là xin nghĩ đến lòng tốt ta, cùng xin nhớ ta chẳng khi nào nguôi ngoai hết mến con nhà an nam.”

Một trong những đóng góp quan trọng của Schreiner cho sự phát triển của báo chí Quốc Ngữ trong giai đoạn mới ra đời là quan điểm nhất quán của ông về việc viết tên riêng trong chữ Quốc Ngữ. Theo ông, tên riêng (cả địa danh và nhân danh) đều phải viết hoa chữ cái đầu của mỗi âm tiết. Vì vậy trong khi Gia Định báo và Thông loại khóa trình đều chỉ viết hoa chữ cái đầu của tên người cũng như địa danh thì trong Nam Kỳ cũng như trong Đại Nam quốc lược sử, Schreiner đều viết hoa tất cả các chữ cái đầu của mỗi âm tiết. Cách viết đó đã được chấp nhận như trong chính tả của chữ Quốc Ngữ ngày nay, chỉ khác là dấu gạch ngang giữa các âm tiết không còn được dùng nữa. Về vấn đề này, xin xem thêm ở bài viết “Nam Kỳ-tờ báo Quốc Ngữ cuối thế kỷ 19 còn ít được biết đến.”[14]  

Sau 4 năm phát hành đều đặn mỗi tuần một số, ngày 29/3/1900 báo Nam Kỳ ra số cuối cùng (số 125). Còn báo chữ Pháp, Le Nam Kỳ phát hành từ tháng 9/1899 đến tháng 7/1901 được 96 số thì đình bản. Đáp lại lời từ biệt của Schreiner, một số người mua và đọc báo của ông đã xúc động làm thơ đưa tiễn.

3

Sau khi trở về Pháp giải quyết việc gia đình, Alfred Schreiner đã trở lại Nam Kỳ và tiếp tục sống ở Sài Gòn. Rất tiếc từ lúc này ông không còn làm báo như đã dự định trước đó và không có nhiều thông tin được biết về ông, ngoài việc ông tham gia giảng dạy tại trường Collège Chasseloup-Laubat và làm phó chủ tịch Hội nghiên cứu Đông Đương. Ngày 8/7/1911 ông qua đời tại Sài Gòn.

Trong cuốn sách “Sài Gòn năm xưa”, học giả Vương Hồng Sển có viết “Ngoại trừ phần tử xấu, thực dân hạng nặng, qua đây vơ vét bóc lột, và tàn bạo, thì giới mô phạm, giới y tế, – phải nhìn nhận – đã để lại nhiều kỷ niệm tốt vì làm tròn nhiệm vụ khai hoá trí óc, nâng cao sức khỏe người Việt không ít.” Những người được ông nhắc đến tên là “trong số những người tiền phong phất cờ, phần nhiều lắm người hữu học, thông thái, như: Aubaret, Luro, Philastre, Doudard de Lagree, Francis Ganier…”[15]

Với những gì ông đã làm được trong 26 năm ở Sài Gòn còn để lại đến ngày nay, thiết nghĩ Alfred Schreiner cũng là cái tên đáng được ghi vào danh sách những người đó.


[1] https://tuoitre.vn/truong-minh-ky-nha-van-viet-chu-quoc-ngu-dau-tien-20190429123903436.htm

[2] Nay là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn.

[3] https://data.bnf.fr/fr/12426452/alfred_schreiner/

[4] A. Brébion, Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l’Indochine, 1935, pp. 345-346

[5] John De Francis, Colonialism and Language Policy in Vietnam, The Hague: Mouton, 1977. xv, 293 pp.

[6] Gia Dinh-Thung Chi – Histoire et description de la Basse Cochinchine, Gabriel Aubaret (1825-1894) dịch, Paris, Imprimerie Impériale 1864.

[7] John DeFrancis, Colonialism and Language Policy in Vietnam, Mouton Publisher-The Hague-Paris-New York 1977

[8] Có người khẳng định thiếu căn cứ rằng chủ bút của báo Nam Kỳ là Trương Minh Ký (xin xem: https://elearning.tdmu.edu.vn/elearning-ebook/T%E1%BA%A1p%20Ch%C3%AD%20S%E1%BB%91%20Ho%C3%A1/TranNhatVy502.pdf)

[9] https://nghiencuulichsu.com/2021/04/22/nam-ky-to-bao-quoc-ngu%CC%83-cuoi-the-ky%CC%89-19-con-it-duo%CC%A3c-biet-den/

[10] Milton E. Osborne, The French Presence in Cochinchina and Cambodia: Rule and Response (1859-1905), Cornell University Press, 1969, tr. 165

[11] Osborne, sđd., tr. 165

[12] Osborne, sđd., tr. 167

[13] Điều này được thể hiện trong trả lời ông Thọ của Phó thống đốc Nam Kỳ: “Gia Định Báo là một tờ báo chính thức, trong khi tờ Nam Kỳ có thể ấn hành những gì mà nó muốn phổ biến, tuy thế, không khuấy động các vấn đề chính trị có thể dẫn dắt người dân bản xứ của chúng ta lạc hướng và gây tổn hại đến nền an ninh mà chúng ta đã phải mất đến hai mươi năm mới đạt tới tại xứ sở này …” (Osborne, sđd., tr. 166) 

[14] https://nghiencuulichsu.com/2021/04/22/nam-ky-to-bao-quoc-ngu%CC%83-cuoi-the-ky%CC%89-19-con-it-duo%CC%A3c-biet-den/

[15] Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, phần thứ tám (https://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nmnqnqn0n31n343tq83a3q3m3237nvn#phandau).

Bình luận về bài viết này