Sự trỗi dậy và suy tàn của đế chế Seleucid

Seleucid

Đế chế Seleucid năm 200 trước Công Nguyên

Jason Ho

Đế chế Seleucid là một vương quốc thuộc thời kỳ Hy Lạp hóa tồn tại vào khoảng giữa thế kỷ 4 và thế kỷ 1 trước Công Nguyên. Vương quốc được thành lập bởi Seleucus I “Nicator” (nghĩa là Người chinh phục), một trong số “diadochi” (nghĩa là người kế thừa) của Alexander Đại Đế. Seleucus dành được quyền kiểm soát các tỉnh phía Đông, và đế chế của ông là lớn nhất trong số các vương quốc khác kế thừa từ Đế chế Macedonia của Alexander. Vào thời kỳ đỉnh cao, Đế chế Seleucid trải dài dài từ vùng Thrace ở phía Tây cho tới tận biên giới với Ấn Độ ở phía Đông.

Tuy nhiên, kích thước lãnh thổ của Đế chế Seleucid đều có điểm mạnh và điểm yếu của nó, vì quá rộng lớn nên khiến họ gặp khó khăn trong việc giữ vững lãnh thổ của mình. Người Seleucid thường hay gây chiến với những người kế thừa khác của Alexander, đáng chú ý nhất trong đó chính là đội quân của Ptolemy. Tuy nhiên, cuối cùng, hai bên đều không thể đánh thắng lẫn nhau và chính người La Mã đã đánh bại cả người Seleucid và đội quân của Ptolemy.

CUỘC KHỦNG HOẢNG THỪA KẾ CỦA ĐẾ CHẾ MACEDONIA

Vào ngày 10 hoặc 11 tháng 6 năm 323 trước Công Nguyên, Alexander Đại Đế qua đời tại thành Babylon. Vấn đề là ông qua đời mà người kế thừa chưa đủ lớn, điều này dẫn việc Đế chế Macedonia đối mặt với một cuộc khủng hoảng thừa kế.

Có hai ứng cử viên đủ điều kiện kế thừa Alexander là anh trai cùng cha khác mẹ của ông, Philip III Arrhidaeus, và người con trai chưa ra đời của ông với bà Roxana, Alexander IV. Trong cả hai trường hợp đều cần quan nhiếp chính vì Alexander IV quá nhỏ còn Philip III bị suy nhược và động kinh.

Vào thời điểm Alexander qua đời, một trong những người quyền lực nhất trong đế chế là Perdiccas, một “chiliarchos” (nghĩa là Chỉ huy thiên quân), và là chỉ huy của đội Kỵ Binh Chiến Hữu thiện chiến của Đế chế Macedonia. Còn nữa, Perdiccas chính là người được Alexander đưa cho chiếc nhẫn trước khi qua đời, chỉ ra rằng ông sẽ làm quan nhiếp chính.

Hầu hết người của Alexander đều chấp nhận Perdiccas là quan nhiếp chính, mặc dù ông có một người khác thách thức vị trí là Meleager, chỉ huy đội bộ binh. Tuy hai bên đã có hòa giải, nhưng Perdiccas sớm loại bỏ Meleager. Vị trí nhiếp chính của Perdiccas không được đảm bảo vì ông có một kẻ địch hùng mạnh khác, và người này đã sớm nổi loạn. Kẻ nổi loạn này là Ptolemy I Soter, người đã thành lập Vương triều Ptolemaic ở Ai Cập.

Trong khi hành quân chống lại Ptolemy vào năm 321 / 320 trước Công Nguyên, các vị chỉ huy nổi loạn và ám sát Perdiccas. Một trong những vị chỉ huy này là Seleuces, giữ vị trí “Tư lệnh hậu cần” cho Perdiccas từ năm 323 trước Công Nguyên. Với cái chết của Perdiccas, Đế chế Macedonia một lần nữa lại chia rẽ.

Seleucus được giao chức vụ “satrapy” (tương đương thống đốc) thành Babylon như là phần thưởng cho vai trò của ông trong vụ ám sát Perdiccas. Năm 316 trước Công Nguyên, Seleucus đào tẩu sang triều đình của Ptolemy để tránh bị bắt giữ bởi Antigonus Monophthalmus, một vị “diadochi” khác. Ông phục vụ dưới quyền Ptolemy cho tới khi được thả vào năm 312 trước Công Nguyên, sau khi đại thắng trong Trận Gaza.

KHỞI NGUỒN CỦA ĐẾ CHẾ SELEUCID

Cùng năm đó, Seleucus tiến hành tái chiếm lại thành Babylon với một đội quân nhỏ, và đánh dấu khởi đầu cho Đế chế Seleucid. Mặc dù Antigonus cố gắng trục xuất Seleucus khỏi Babylon, gởi Nicanor, một trong những vị tướng dưới quyền ông, tấn công ở phía Đông, và Demetrius, con trai ông, tấn công vào phía Tây, nhưng cuối cùng vẫn không thành công.

Vào năm tiếp theo, Seleucus củng cố địa vị của mình và vào năm 305 trước Công Nguyên, nhận danh hiệu “basileus” (nghĩa là vua). Vào khoảng thời gian đó, Đế chế Seleucid bắt đầu bành trướng, thôn tính các quốc gia láng giềng thẳng tiến tới biên giới Ấn Độ.

Tại đó, bước tiến của Seleucus bị chặn đứng bởi một bậc quân vương đáng gờm khác là Chandragupta Maurya, người sáng lập nên Vương triều Maurya nổi tiếng. Một hòa ước được lập nên bởi hai nhà cai trị trong đó Seleucus nhượng bộ một phần lãnh thổ để đổi lấy 500 con voi. Thêm nữa, hòa ước càng được củng cố thông qua hôn nhân khi Seleucus gởi một trong những người con gái của ông tới để kết hôn với Chandragupta hoặc một trong những người con trai của ông.

Ở phía Tây của Đế chế, Seleucus gia nhập liên minh với Ptolemy, Cassander, và Lysimachus, được thành lập để chống lại Antigonus và Demetrius. Tại Trận Ipsus vào năm 301 trước Công Nguyên, Antigonus bị đánh bại hoàn toàn bởi liên quân của Seleucus, Cassander, và Lysimachus.

Người chiến thắng được quyền chia chác lãnh thổ của người chiến bại và Seleucus dành được vùng Syria. Trong khi đó, đội quân còn lại không tham chiến của Ptolemy đang chiến giữ Coele Syria, vùng phía Nam của Syria. Mặc dù Seleucus không đưa ra yêu sách cho vùng này, nhưng về sau đây sẽ là nguồn gốc cho cuộc xung đột giữa Seleucus và Ptolemy.

Năm 281 trước Công Nguyên, trận Corupedium diễn ra giữa quân đội của Seleucus và Lysimachus. Lysmachus thiệt mạng và lãnh thổ của ông được sát nhập vào Đế chế Seleucid.

Lúc này, Seleucus đang đứng trên đỉnh cao quyền lực, ông cai trị hầu hết các vùng lãnh thổ từng nằm dưới quyền của Alexander ngoại trừ Ai Cập của Vương triều Ptolemaic. Tuy nhiên định mệnh đã không trao cho ông cơ hội cai trị toàn bộ lãnh thổ của một Đế chế Macedonia thống nhất, khi ông bị ám sát bởi Ptolemy Ceranus, con trai cả của Ptolemy, người đã xin tỵ nạn tại triều đình của Seleucus một thời gian ngắn sau chiến thắng trước Lysimachus.

THỪA KẾ VÀ CHIẾN TRANH CỦA ĐẾ CHẾ SELEUCID

Seleucus trao lại quyền cai trị cho con trai ông là Antiochus I Soter, người trị vì cho tới năm 261 trước Công Nguyên. Dưới triều đại của ông đã diễn ra cuộc xung đột đầu tiên giữa Đế chế Seleucid và Vương triều Ptolemaic ở Ai Cập đối với quyền sở hữu vùng Coele Syria. Đây là cuộc chiến đầu tiên trong 6 cuộc chiến gọi chung là Chiến Tranh Syria, bắt đầu từ năm 274 trước Công Nguyên và kết thúc vào năm 271 trước Công Nguyên với chiến thắng dành cho Vương triều Ptolemaic. Hơn nữa, Antiochus còn phải đối phó với cuộc xâm lược của người Celt vào Anatolia (năm 278 trước Công Nguyên), mà ông đã đẩy lùi thành công.

3 nhà cai trị tiếp theo của Đế chế Seleucid là Antiochus II Theos (261 — 246 trước Công Nguyên), Seleucus II (246 — 225 trước Công Nguyên), và Seleucus III (225 — 223 trước Công Nguyên). Khoảng thời gian này diễn ra 2 cuộc chiến là Chiến Tranh Syria lần thứ 2 và lần thứ 3 giữa quân đội Ptolemy với Đế chế Seleucid đang dần suy tàn sau triều đại của Antiochus II.

Khoảng năm 246 trước Công Nguyên, Đế chế Seleucid mất dần phần lớn lãnh thổ của họ ở phía Đông. 2 thống đốc của Đế chế là Diodotus và Andragoras, tuyên bố độc lập cùng lúc. Người đầu tiên là Thống đốc của vùng Bactria, tuyên bố thành lập Vương quốc Graeco-Bactria, còn người sau là Thống đốc vùng Parthia.

Vương quốc Graeco-Bactria tồn tại cho tới tận thế kỷ 2 trước Công Nguyên, trong khi vùng Parthia bị chinh phục bởi Arsaces, một thủ lãnh bộ tộc ở Parthia vào năm 238 trước Công Nguyên. Đây là tiền đề cho việc thành lập Vương triều Arsacid, cai trị Đế chế Parthia.

Rắc rối mà Seleucus II đối mặt không chỉ có những vùng phía Đông. Ở phía Tây, Chiến Tranh Syria lần thứ 3 nổ ra vào năm 246 trước Công Nguyên. Thêm nữa, người em trai đầy tham vọng của Seleucus là Antiochus Hierax, đòi hỏi vùng Tiểu Á bị chiếm đóng sau cuộc chiến với Vương triều Ptolemaic, nhà vua không còn cách nào khác đành nhượng bộ.

Vào cuối Chiến Tranh Syria lần thứ 3 năm 241 trước Công Nguyên, Seleucus nỗ lực lấy lại vùng Tiểu Á, và một cuộc nội chiến nổ ra giữa hai anh em. Antiochus cố gắng giữ vững lãnh thổ của mình, sau khi đánh bại Seleucus trong Trận Ancyra khoảng năm 239 trước Công Nguyên. Cùng năm đó, Seleucus buộc phải bỏ vùng Tiểu Á để đối phó vấn đề ở phía Đông, để lại bình yên cho em trai mình.

Vận may của Đế chế Seleucid đã quay lại khi chứng kiến thời kỳ đỉnh cao dưới triều đại của Antiochus III Đại Đế vào năm 223/2 trước Công Nguyên. Ông là con trai của Seleucus II, em của Seleucus III, người mà ông đã kế vị. Buổi đầu triều đại của Antiochus, ông phải đối phó với các cuộc nổi dậy của các Thống đốc. Ở phía Đông, Thống đốc vùng Media, Molon tuyên bố độc lập khỏi Đế chế Seleucid và tự phong mình là vua.

Antiochus hành quân chống lại Molon và đánh bại ông vào năm 220 trước Công Nguyên. Trong chiến dịch này, Antiochus đồng thời chinh phục luôn khu vực phía Tây Bắc của Media là Atropatene. Ở vùng Tiểu Á, một vị tướng khác, Achaeus, nổi dậy sau khi dành lại các lãnh thổ bị mất bởi Đế chế Seleucid cho Vương quốc Attalid ở Pergamon.

Tuy nhiên, Antiochus chưa tấn công Achaeus ngay mà ông tiến hành Chiến Tranh Syria lần thứ 4, diễn ra từ năm 219 tới năm 217 trước Công Nguyên. Tại trận Raphia, Antiochus bị đánh bại bởi quân đội của Ptolemaic và một hòa ước được lập ra giữa 2 bên. Sau khi kết liên minh với Attalus I xứ Pergamon, Antiochus tấn công Achaeus và tái chiếm lại vùng Tiểu Á vào năm 213 trước Công Nguyên.

Năm tiếp theo, Antiochus mở chiến dịch tấn công vào các khu vực phía Đông để tái chiếm lại vùng lãnh thổ bị mất từ thời cha ông. Dựa vào sự thành công từ chiến dịch “Đông tiến” này mà Antiochus được đánh giá ngang với Alexander và được trao tặng danh hiệu “Đại Đế”.

Năm 205 trước Công Nguyên, khi Antiochus quay về từ chiến dịch “Đông tiến”, tin tức về bệnh tình của Ptolemy IV truyền tới tai ông và ông âm mưu với Philip V xứ Macedon cùng tấn công Ai Cập. Năm 204 trước Công Nguyên, Ptolemy IV qua đời. Năm 202 trước Công Nguyên, Chiến Tranh Syria lần thứ 5 nổ ra. Cuộc chiến kết thúc vào năm 195 trước Công Nguyên, Đế chế Seleucid dành quyền kiểm soát khu vực phía Nam Syria cùng lúc với phần lãnh thổ của Vương triều Ptolemaic ở Tiểu Á.

Sau khi đánh bại Ptolemy, Antiochus quay mũi dùi về khu vực phía Tây. Mặc dù vào năm 196 trước Công Nguyên, Đế chế Seleucid đã vượt Eo biển Hellespoint (ngày nay là Eo biển Dardanelles thuộc Bán đảo Gallipoli), vùng Thrace chỉ được sát nhập vào Đế chế 2 năm sau đó. Cuộc “Tây tiến” của Đế chế Seleucid vào Châu Âu đã đánh động người La Mã.

Người La Mã cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách gởi sứ giả tới triều đình Antiochus. Người La Mã yêu cầu Đế chế Seleucid tránh xa khỏi Châu Âu và trả tự do cho toàn bộ cộng đồng tự trị ở khu vực Tiểu Á. Nói cách khác, Đế chế Seleucid phải từ bỏ các vùng lãnh thổ phía Tây của mình, một điều hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Antiochus. Căng thẳng giữa hai thế lực tiếp tục gia tăng và vào năm 192 trước Công Nguyên bùng nổ thành xung đột giữa Đế chế Seleucid và Đế chế La Mã.

Năm 190 trước Công Nguyên, Antiochus bị đánh bại bởi người La Mã tại Trận Magnesia, kết quả là ông bị ép phải từ bỏ công cuộc chinh phạt Châu Âu và phần phía Tây vùng Tiểu Á ở Dãy Taurus. Ông phải bồi thường 1 vạn 5000 đồng talent trong vòng 12 năm, giao nộp voi và chiến hạm, đồng thời gởi con tin, trong đó có con trai ông là Antiochus IV, tới La Mã.

3 năm sau Trận Magnesia, Antiochus “Đông tiến” một lần nữa. Ông thiệt mạng trong khi tấn công vào đền thờ thần Baal ở Susa (thuộc Iran ngày nay) nơi ông tới để thu cống nạp.

Antiochus được kế vị bởi con trai ông, Seleucus IV, mà dưới triều đại của ông luôn phải xoay sở để kiếm tiền cống nạp. Sau khi Seleucus bị ám sát vào năm 175 trước Công Nguyên, sát thủ là Heliodorus ngồi lên ngai vàng, sau này lại bị lật đổ bởi em trai của Seleucus là Antiochus IV.

Vương triều Ptolemaic coi tình trạng hỗn loạn này là cơ hội để tái chiếm lại các vùng lãnh thổ bị mất đồng thời dành quyền kiểm soát Coele Syria, Palestine, và Phoenicia, những vùng bị chinh phục bởi Antigonus III. Hậu quả là, Chiến Tranh Syria lần thứ 6 nổ ra vào năm 170 trước Công Nguyên.

Antiochus tấn công đầu tiên bằng cách xâm lược Ai Cập và vào năm 169 trước Công Nguyên, toàn bộ vương quốc, ngoại trừ thành Alexandria, đều bị chiếm đóng bởi Đế chế Seleucid. Nhưng chiến thắng không kéo dài lâu, vì vào năm tiếp theo người La Mã chánh thức can thiệp vào.

Người La Mã gởi đại sứ là Gaius Popillius Laenas trình tối hậu thư tới Antiochus ở Eleusis, ngoại ô Alexandria. Người La Mã yêu cầu Antiochus rút lui khỏi Ai Cập và đảo Cyprus, nhận thấy việc từ chối yêu cầu của người La Mã sẽ đồng nghĩa với việc gây ra một cuộc chiến tranh khác, Antiochus buộc phải tuân theo điều kiện này.

SỰ SỤP ĐỔ CỦA ĐẾ CHẾ SELEUCID TỪ BÊN TRONG

Antiochus cũng là một nhà tôn sùng văn hóa Hy Lạp nhiệt thành và được nhớ đến vì đã khuyến khích phát triển nền văn hóa và thể chế Hy Lạp trên khắp vương quốc của mình. Cuối cùng, các chính sách Hy Lạp hóa của Antiochus đã khiến ông xung đột với các thần dân gốc Do Thái.

Mồi đuốc cuối cùng của người Do Thái chính là việc ông cho dựng một ban thờ thần Zeus trên đỉnh Olympus trong một Thánh đường ở Jerusalem và yêu cầu người dân hiến tế cho vị thần của ông. Vào năm 167 trước Công Nguyên, một nhóm người Do Thái gọi là người Hasidean, do Judas Maccabeus phát động một cuộc chiến tranh du kích chống lại Đế chế Seleucid.

ZEUS JERUSALEM

Ban thờ thần Zeus trong Đền thờ Jerusalem

Antiochus và các tướng lãnh của ông không đạt được thành công trong việc đối phó với các cuộc nổi loạn của người Do Thái dẫn tới việc quyền tối cao của người Do Thái được thiết lập vào năm 160 trước Công Nguyên. Không lâu sau Cuộc nổi dậy của Maccabeus, Antiochus phát động cuộc chiến chống lại người Parthia đang đe dọa biên giới phía Đông của Đế chế. Và chính trong chiến dịch này, Antiochus qua đời vì một cơn bạo bệnh ở Tabae, Persis năm 164 trước Công Nguyên.

Antiochus IV là nhà cai trị đáng chú ý cuối cùng của Đế chế Seleucid và Đế chế dần dần suy tàn trong vài thập niên tiếp theo. Trong khi nội chiến phá hủy Đế chế từ bên trong, thì bên ngoài liên tục bị người Parthia đe dọa. Năm 141 trước Công Nguyên, vùng Seleucia bị chiếm đóng, và cho tới năm 139 trước Công Nguyên, quyền kiểm soát Cao nguyên Iran rơi vào tay người Parthia.

Đế chế Seleucid tiến tới diệt vong vào năm 83 trước Công Nguyên khi Syria bị chinh phục bởi người Armenia. Tuy nhiên, vào năm 69 trước Công Nguyên, Đế chế Seleucid được khôi phục lại như một nhà nước suy tàn bởi người La Mã. Và vào năm 63 trước Công Nguyên, Syria bị Pompey biến thành một tỉnh của Đế chế La Mã, do đó chính thức kết thúc Đế chế Seleucid một cách tốt đẹp.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s