Jason Ho
Lịch sử của người Slav là một câu chuyện dài cổ xưa. Nguồn gốc của họ xuất phát từ rất lâu rồi trong quá khứ, từ những chương đầu tiên trong sách sử Châu Âu. Những dân tộc có mối liên hệ về văn hóa, ngôn ngữ và bộ gen này đã sinh sống trên những vùng đất rộng lớn khắp Châu Âu qua nhiều thế kỷ. Theo thời gian, các nhóm dân người Slav bắt đầu nổi lên: người Polabia ở phía cực Bắc, người Slav phía Tây, người Slav phương Nam, và người Slav phương Đông. Và chính những bộ tộc người Slav này đã hợp thành vùng lãnh thổ Kiev Rus’ sau này.
Đã có nhiều tài liệu viết về những vùng đất phương Đông cổ đại này cùng với việc nghiên cứu sự xuất hiện và lịch sử của Nhà nước Kiev Rus’, một liên bang thời Trung Cổ của các bộ tộc Đông Slav với một lịch sử độc đáo và phong phú. Các quốc gia hiện đại ngày nay như Nga, Ukraine và Belarus đều có nguồn gốc hình thành từ Nhà nước Kiev Rus’. Nhưng ai là người lãnh đạo liên bang này? Và những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của vương quốc này là ai?
KHỞI THỦY CỦA CÔNG QUỐC KIEV RUS’
Từ buổi ban đầu, dọc theo vùng bờ Biển Baltic đã là nơi cư ngụ của các bộ tộc người Slav. Khi đó người Balt, một nhánh họ hàng cổ xưa của người Slav, chỉ phát triển ở khu vực Tây Bắc vùng bờ Biển Baltic. Từ vùng đất này, dọc theo phía Nam tới Biển Đen, là nơi các bộ tộc Đông Slav định cư hàng mấy thập kỷ, luôn có xu hướng mở rộng về phía Đông.
Về phía Bắc, xung quanh vùng Novgorod, là nơi định cư của tộc người Slav Ilmen, hay còn gọi là người Slovene, có mối liên hệ về ngôn ngữ với người Slav Polabia ở phía Tây. Hàng xóm của họ chính là Kryvichi, một liên hiệp các bộ tộc người Slav hùng mạnh. Các hàng xóm khác của người Slovene là người Drevlyan, người Volhynian, người Polan, người Radimich, người Dregovich, và người Vyatich. Phía Bắc của người Slovene là các bộ tộc Phần Lan, chủ yếu là người Chud và người Vep. Và về phía Đông là các bộ tộc Phần Lan Volga, người Mordvin, người Merya, người Mari, và người Muromian. Vô số tộc người, vô số ngôn ngữ và các nền văn hóa khác nhau cùng tạo nên một khung cảnh sống động thú vị. Cac mối quan hệ giữa các bộ tộc này tương đối là hòa bình.
Các bộ tộc người Slav và Phần Lan khu vực này đa số là những người nông dân bình dị, hiền lành. Họ thờ phụng những vị thần trong tự nhiên. Những bộ tộc này đa phần là các gia tộc lớn, tương tự như các gia tộc trên Cao nguyên Scotland, hay các bộ tộc Serbia cổ xưa ở Montenegro.
Do quá hiền hòa nên các bộ tộc Đông Slav và Phần Lan này thường phải thần phục các bộ tộc khác lớn mạnh hơn họ. Vào khoảng thế kỷ 9 Công Nguyên, các lãnh thổ này chịu ảnh hưởng bởi người Khazar ở phía Đông Nam, và người Varangian ở phía Tây Bắc. Người Varangia này chính là người Viking, phần lớn là người Bắc Âu từ Thụy Điển, xuôi dòng tới phương Đông từ hệ thống các dòng sông trong lục địa. Hệ thống sông ngòi này được bảo vệ bởi các pháo đài của người Slav dọc theo bờ sông. Người Varangian bắt đầu định cư tại vùng đất này, và áp các loại “thuế” lên các bộ tộc người Slav này.
Theo tác phẩm Biên Niên Sử Nguyên Thủy (Primary Chronicle), người Slav đã từng chiến đấu với người Varangian vào năm 862, và đẩy họ ra khỏi vùng đất này. Nhưng không lâu sau, vì không có sự lãnh đạo tập trung nào, họ rơi vào các cuộc xung đột nội bộ gây bất ổn. Nhiều tài liệu còn cho rằng những bộ tộc này quyết định mời người Varangian quay lại để cai quản họ, theo các bộ luật của người Varangian, nhằm thoát khỏi bất ổn. Có 3 thủ lãnh người Varangian nổi bật định cư tại vùng này như những người cai trị. Đó là Sineus, Truvor và Rurik, họ cai trị lần lượt các vùng lãnh thổ Izborsk, Beloozero, và Novgorod. Sau này, chỉ còn Rurik còn sống, và do đó trở thành người cai trị duy nhất của toàn bộ lãnh thổ, là tổ tiên của vương triều hùng mạnh cai trị xứ Nga cho tới tận năm 1610, Vương triều Rurikid.
LÀM THẾ NÀO MÀ NGƯỜI BẮC ÂU PHƯƠNG BẮC THÀNH LẬP KIEV RUS’
Nhưng những người Rus’ này là ai trên vùng đất mà Vương triều Rurikid bắt đầu thống trị? Cho đến ngày nay, nguồn gốc của người Rus’ vẫn còn được tranh luận. Cái tên Rus’, có thể được bắt nguồn từ “rusъ” theo tiếng Slav nguyên thủy, có nghĩa là “tóc vàng, dày”. Nhưng liệu đây có phải là những người nhập cư Bắc Âu vào vùng đất của người Slav, hay chính là người Slav, điều này không thể được khẳng định chắc chắn. Nhưng cho dù bằng cách nào, nhóm dân số nhỏ người Bắc Âu đến cai trị người Slav đã nhanh chóng bị đồng hóa vào xã hội và văn hóa của người Slav, và tên người Bắc Âu của họ đã được “Slav hóa”.
Sau khi Rurik qua đời vào năm 879 Công Nguyên, người họ hàng đồng tộc của ông là Oleg (Helgi trong tiếng Bắc Âu cổ) trở thành người kế thừa, do con trai của Rurik là Igor (Ingvar trong tiếng Bắc Âu cổ) còn quá nhỏ để cai trị. Một năm sau khi kế thừa, Oleg xứ Novgorod dẫn dắt lực lượng xuôi dòng sông Dnieper đến Kiev, đồng thời chinh phục một số thị trấn trên đường đi. Ông tiêu diệt 2 thủ lãnh Bắc Âu ở Kiev là Askold và Dir, chiếm lĩnh thành thị, và biến nơi này thành thủ phủ các vùng lãnh thổ của người Rus’, đặt nền móng cho sự thành lập Công quốc Kiev Rus’ sau này.
Từ Kiev, Oleg xứ Novgorod mở chiến dịch đi xa hơn dọc theo hệ thống sông ngòi vào vùng lục địa của người Slav. Ông chinh phục người Slav, áp đặt sự cai trị, đánh thuế họ, và củng cố sự cai trị của ông. Khu vực này là một địa điểm có khả năng kinh tế cao, và các dân tộc Bắc Âu hiểu rõ thực tế này. Các tuyến đường thương mại chính đều đi qua vùng đất của người Slav, và khu vực này rất giàu tài nguyên thiên nhiên, nhiều nô lệ và thú lấy lông. Những yếu tố kinh tế này đã mang lại cho Công Quốc Kiev Rus’ sự giàu có và quyền lực để vươn xa hơn nữa trong tương lai.
Từ thủ phủ mới là Kiev, Oleg sớm mở một chiến dịch đầy tham vọng vào trái tim của Đế chế Byzantine: thành Constantinople. Vào năm 907 Công Nguyên, với sự hỗ trợ từ các chiến binh người Slav, ông thành công trong việc tấn công thành Constantinople, đem lại một hiệp định thương mại có lợi lớn cho người Kiev Rus’.
Người kế thừa của Oleg là Igor. Ông tiếp tục công cuộc mở rộng lãnh thổ cho Công Quốc Kiev Rus’, tiến hành bao vây thành Constantinople hai lần, vào năm 941 và 944 Công Nguyên. Năm 945, ông ký một hòa ước với người Byzantine. Cùng năm đó, Hoàng tử Igor bị giết bởi người Slav trong khi yêu cầu lòng thành kính từ họ. Người Slav đã bẻ cong hai cây bạch dương non, cao, buộc Hoàng tử vào giữa chúng và để chúng mọc trở lại, và khi đó xé xác ông thành nhiều mảnh. Cuối cùng ông được kế vị bởi con trai của mình, Sviatoslav I xứ Kiev huyền thoại.
CHIẾN BINH LÝ TƯỞNG CỦA KIEV RUS’ — SVIATOSLAV
Trong dòng lịch sử của Công Quốc Kiev Rus’, Sviatoslav là người cai trị đầu tiên của vương triều Rurikid lấy một cái tên Slav (Sviato Slav, holy Slav, Slav thần thánh), chứng minh cho tốc độ đồng hóa của họ vào xã hội Slav. Cũng có thể Sviatoslav được đặt tên này để xoa dịu hơn nữa các bộ tộc người Slav và khiến những người cai trị của Rurikid dễ dàng được chấp nhận hơn.
Sviatoslav cai trị từ Kiev từ năm 945 cho tới khi qua đời vào năm 972 Công Nguyên và là một trong những người cai trị nổi bật nhất Công Quốc Kiev Rus’. Triều đại của ông đánh dấu bằng các chiến dịch quân sự tới phía Đông và phía Nam, dẫn đến sự sụp đổ của hai cường quốc trong khu vực lúc bấy giờ: Đế chế Bulgaria Thứ Nhứt và Vương quốc Khazaria của người Khazar.
Các quy tắc cai trị của ông thể hiện rõ bản chất của vương triều Rurikid. Ông cố ý chia rẽ người Slav, và từ Kiev, ông tiến hành chinh phạt thành công và khuất phục các bộ tộc Đông Slav bán độc lập. Ông tiếp tục đánh bại người Alan và người Volga Bulgar. Đồng thời, ông thường xuyên thành lập liên minh với người Pecheneg và người Magyar, kẻ thù truyền kiếp của người Slav.
Tuy nhiên, Sviatoslav I là người cai trị đầu tiên của vương triều Rurikid hoàn toàn được “Slav hóa”, mặc dù vẫn còn nhiều hậu duệ Bắc Âu tranh luận nhiều về điều này. Ông được miêu tả là để tóc lọn bên hông, có ria mép lớn và tuyên thệ trước các vị thần người Slav là Perun và Veles.
Triều đại hùng mạnh và ảnh hưởng lớn của Sviatoslav chấm dứt đột ngột vào năm 972 Công Nguyên sau cái chết của ông. Để ngăn chặn sự bành trướng của ông và tăng thêm mối hiềm khích giữa Kiev Rus’ và người Pecheneg, người Byzantine đã mua chuộc Khả Hãn của người Pecheneg để ám sát Sviatoslav. Sự kiện này xảy ra ở Thác nước Khortitsa.
Sau cái chết của Sviatoslav, lịch sử Công Quốc Kiev Rus’ bước sang một trang mới quan trọng. Ông có 3 người con trai, trong đó, Oleg và Yaropolk với một người vợ không rõ danh tánh và người con còn lại là Vladimir của một nữ nô lệ tên Malusha. Sau cái chết của Sviatoslav, 2 người con trai bắt đầu tranh dành ngai vàng Kiev Rus’.
Cuộc xung đột đã lên đến đỉnh điểm khi một cuộc chiến chính thức nổ ra giữa Yaropolk và Oleg vào năm 976 Công Nguyên. Oleg bị giết trong cuộc xung đột này, chỉ còn lại Yaropolk và Vladimir. Khi nghe tin anh trai mình qua đời, Vladimir đã chạy đến vùng Scandinavia của người anh em họ là Haakon Sigurdsson để tránh bị ám sát. Tại đây, ông tập hợp một lực lượng lính đánh thuê người Viking, và trở về vùng đất của mình vào năm 980. Sau đó ông tiêu diệt Yaropolk và trở thành người cai trị duy nhất của Công Quốc Kievan Rus’.
ĐỈNH CAO QUYỀN LỰC DƯỚI TRIỀU ĐẠI YAROSLAV I
Khi trở thành người thống trị, Vladimir đưa Công Quốc Kiev Rus’ lên đỉnh cao quyền lực và tầm ảnh hưởng. Ông trở thành Vladimir Đại Đế, Đại Công của Kiev Rus’, và tiếp tục công cuộc mở rộng lãnh thổ của mình. Và, dựa vào tầm ảnh hưởng chánh trị của mình vào thời điểm đó, Vladimir thay thế tôn giáo đa thần cũ của người Slav và tiến hành “Cơ Đốc hóa” toàn bộ lãnh thổ Kiev Rus’.
Như là truyền thống, khi Vladimir qua đời, các con trai của ông đối đầu nhau tranh dành quyền lực. Con trai ông, Sviatopolk I đã giết 3 anh em của mình, nhưng cuối cùng lại bị tiêu diệt bởi người anh em còn lại là Yaroslav.
Yaroslav I hay còn gọi là Yaroslav Thông Thái đã cai trị Kiev Rus’ trong một thời gian dài, và đó là khoảng thời gian Kiev Rus’ đạt đến đỉnh cao vinh quang về quân sự, văn hóa, và quyền lực chánh trị. Ông củng cố thành công quyền cai trị của mình, bảo vệ đường biên giới, và vận động hành lang chống lại người Byzantine. Hơn nữa, ông tiến hành ban bố bộ luật pháp lý đầu tiên trong lịch sử Kiev Rus’.
Thật không may, sau cái chết của Yaroslav I, sức mạnh của Kiev Rus’ dần suy giảm. Các thị tộc và các lãnh chúa trong khu vực bắt đầu dành được nhiều quyền lực hơn, góp phần làm chia cắt vương quốc. Hơn nữa, vấn đề kế vị càng trở nên trầm trọng hơn vì các anh em liên tục đấu đá nhau dành quyền lực. Từ những mối thù này nảy sinh ra vấn đề xung đột chia rẽ giữa các thành thị lớn. Điều này dẫn đến việc hình thành Cộng Hòa Novgorod và Công Quốc Polotsk, cả hai vương quốc này đều thù ghét lẫn nhau. Ở phía Bắc, người Slav bắt đầu thành lập lãnh thổ cho riêng mình, là nền tảng để thành lập Đại Công Quốc Moscow về sau. Một công quốc khác cũng được thành lập trong giai đoạn này là Công Quốc Vladimir – Suzdal.
Tất cả mọi sự thù ghét gây chia rẽ này đã tạo ra một tình hình chánh trị bất ổn trong khu vực, khiến cho Công Quốc Kiev Rus’ hùng mạnh một thời dần suy tàn. Khi người Mông Cổ xâm lược lãnh thổ của Kiev Rus’ vào thế kỷ 13, Công Quốc chánh thức diệt vong. Cho tới tận năm 1547 Công Nguyên, vùng lãnh thổ thuộc Kiev Rus’ cũ này hợp nhất một lần nữa thành Đế chế Nga dưới quyền Ivan IV Bạo Chúa.
Nguồn tham khảo: Aleksa Vučković
Russia and Russians: A History. Harvard Uni Press
Medieval Russia, 980-1584. Cambridge Uni Press)