Nguyên soái Khalifa Haftar – Ông là ai và tại sao lại là ông?

Khalifar Haftar

Long Vũ / ncls group

Bằng nhiều cách, Libya trong suy nghĩ nhiều người không có gì khác ngoài Muammar Gaddafi. Nhưng gần đây, một nhân vật bất ngờ nổi lên trên các trang báo về Libya, mà quan trọng là được nhắc đến như một nhân vật đứng về phe Nga, đôi lúc được lấy ra làm minh chứng cho ”chiến thắng của Nga ở Libya”. Ông là Nguyên soái Khalifa Haftar, chỉ huy lực lượng mà chúng ta hay gọi là LNA đang kiểm soát phần lớn Libya.

Vậy Nguyên soái Khalifa Haftar là ai? Ông quan trọng đến mức nào? Và tại sao một nhân vật như vậy lại vắng bóng trên các mặt báo từ trước đến nay? Bài viết này tổng hợp những thông tin trả lời cho caai hỏi đó

1/ Khalifa Haftar là ai?

Dù nhiều người chưa hề nghe đến tên của ông trước đây, thực tế là Khalifa Haftar đã là một nhân vật nổi tiếng từ lâu đối với những người nghiên cứu về Trung Đông – Châu Phi. Ít nhất họ cũng biết ông là nhân vật quân sự cấp cao bậc nhất không chỉ ở Libya mà trong cả thế giới Arab.

Không biết chính xác nhưng người ta cho rằng tướng Haftar sinh ngày 7 tháng 11 năm 1943 tại Ajdabiya. Libya cho đến năm 1969 vẫn là một Vương quốc Hồi giáo, tương đối bảo thủ và hạn chế quan hệ với nước ngoài. Tướng Haftar được sau đó được học ở Học viện quân sự Hoàng gia Benghazi danh giá nhất của đất nước, nơi những tướng lĩnh cao cấp nhất được đào tạo. Nhưng ngôi trường cũng là nơi tập hợp của những sĩ quan cấp tiến, những người chống đối nhà vua và những người ủng hộ chủ nghĩa Thế tục mà nổi tiếng nhất chính là Muammar Gaddafi.

Khalifa Haftar tốt nghiệp học viện vào năm 1966, trở thành sĩ quan quân đội Libya.

2/Con đường binh nghiệp của Khalifa Haftar.

Dù trở thành sĩ quan quân đội Hoàng gia những Hafar sớm tỏ ra không phục tùng nhà vua Idris I, và vì thế, ông tham gia Phong trào Sĩ quan tự do của Muammar Gaddafi, dự tính đảo chính lật đổ nhà vua để thiết lập nền Cộng hòa.

Ngày 1/9/1969, một cuộc binh biến chớp nhoáng đã xảy ra ở Benghazi lớn nhất ở miền Đông Libya. Các sĩ quan Tự do đã chiếm được thành phố và tuyên bố phế truất vua Idris I. Không lâu sau, toàn bộ quân đội Libya ủng hộ cuộc đảo chính, và Vua Idris chấp nhận thoái vị trong cuộc chính biến không đổ máu. Libya chuyển sang nền Cộng hòa một cách êm đẹp, đưa Muammar Gaddafi lên trở thành Lãnh đạo quốc gia.

Trong cuộc cách mạng này, tướng Khalifa Haftar có vai trò lớn nhất, là sĩ quan thân cận nhất với Gaddafi. Vậy nên không khó để ông thăng tiến vượt bậc dưới thời Gaddafi. Tướng Haftar được cử đi đào tạo quân sự ở Liên Xô, sau đó trở về Ai Cập để tiếp tục được các cố vấn Liên Xô ở đây huấn luyện. Sau khi hoàn tất huấn luyện, tướng Khalifa Haftar được Gaddafi ưu ái, nghiễm nhiên trở thành Tham mưu trưởng quân đội Libya.

Khalifa Haftar tham gia cuộc chiến tranh lớn đầu tiên vào năm 1973. Khi quân đội Ai Cập và Syria phát động cuộc chiến bất ngờ tấn công Israel vào tháng 10 năm 1973, với tư cách là một sĩ quan được đào tạo ở Ai Cập, Khalifar Haftar đã dẫn đầu lực lượng Libya đến Ai Cập để hỗ trợ nước này.

Trong cuộc chiến tháng 10 năm 1973, hay gọi là Chiến tranh Yom Kippur, các nước Arab lẫn Liên Xô và Cuba đã đẩy viện trợ cho Syria và Ai Cập lên mức cao nhất. Gần 1 triệu quân cùng những vũ khí hiện đại nhất của Liên Xô đã đổ vào cuộc chiến này. Nhưng Israel, với sự hỗ trợ của người Mỹ, đã chống trả thành công. Cuộc chiến dù kết thúc với thắng lợi của Ai Cập, giành lại các vùng đất đã mất, nhưng sau đó là thất bại chiến lược của họ và Liên Xô, làm thay đổi cán cân chính trị khu vực. Ai Cập kí thỏa thuận hòa bình công nhận Israel, quay lưng với Liên Xô. Các cố vấn Liên Xô lẫn những sĩ quan của các nước Arab khác được huấn luyện ở Ai Cập đều bị trục xuất, trong đó có tướng Haftar của Libya. Điều này làm quan hệ giữa Libya và Ai Cập xấu đi nghiêm trọng. Với bản thân tướng Haftar, thất bại trong cuộc chiến với Israel đã làm giảm uy tín của ông trong quân đội Libya.

Năm 1977, do sự xấu đi trong quan hệ, lãnh đạo Libya Gaddafi tuyên bố Libya sẽ thay thế Ai Cập trong vai trò lãnh đạo khối Arab. Để thực thi lời tuyên bố đó, ngày 21 tháng 7 năm 1977, quân đội Libya tấn công qua biên giới Ai Cập, mở đầu cho cuộc chiến chớp nhoáng giữa hai nước và thường rất ít khi được nói tới. Trong cuộc chiến này, tướng Khalifa Haftar đã không được Gaddafi trọng dụng. Quyền chỉ huy quân Libya tấn công Ai Cập được giao cho tướng Không quân Mahdi Saleh al-Farijani thiếu kinh nghiệm. Điều này đã khiến quân Libya chuốc lấy thất bại nặng nề sau 4 ngày tham chiến, và phải nhờ các nước khác đứng ra giàn xếp thỏa thuận ngừng bắn khẩn cấp với Ai Cập. Thất bại đã khiến cho uy thế chính trị của Libya giảm đáng kể, trong khi Ai Cập củng cố lại vị thế lãnh đạo khối Arab của mình. Mặt khác, nó cũng khiến Gaddafi quay lại tin tưởng vào tướng Haftar.

Để gạt bỏ thất bại trước Ai Cập, chỉ một năm sau Libya gây hấn với nước láng giềng Chad ở phía Nam. Lợi dụng các vấn đề biên giới với Chad, cụ thể là tranh chấp dải Aouzou và việc các nhóm phiến quân Chad nổi dậy chống chính phủ, năm 1978 quân đội Libya đã xâm chiến dải Aouzou, sau đó thiết lập một chính phủ bù nhìn thân Libya ở miền Bắc Chad. Dù sau đó phiến quân được Libya hỗ trợ đã nhiều lần tấn công và chiến thắng, thậm chí từng chiếm được thủ đô N’Djamena, nhưng nhờ sự can thiệp của Pháp và các đồng minh, chính phủ Chad vẫn đứng vững và đẩy lùi các phiến quân này.

Để giải quyết tình thế giằng co ở Chad, Muamar Gaddafi quyết định đẩy mạnh can thiệp vào Chad. Năm 1986, một lực lượng lớn chưa từng có của quân Libya với hàng chục nghìn lính cùng những vũ khí tân tiến nhất của Liên Xô đã được đưa sang Chad, đặc biệt là trực thăng Mi-25 tham chiến lần đầu tiên. Ý đồ của quân Libya định sử dụng một lực lượng quân sự lớn để chiếm đóng lâu dài miền Bắc Chad. Để chỉ huy một lực lượng lớn như vậy, Libya cần một chỉ huy cấp cao, và lần này Gaddafi đã chọn tướng Haftar. Năm 1986, Khalifa Haftar được đưa sang Chad làm tổng chỉ huy các lực lượng Libya. Tổng hành dinh quân Libya được đặt ở căn cứ Ouadi Doum, một căn cứ nằm giữa sa mạc mà Libya tuyên bố ”bất khả xâm phạm”. Căn cứ Ouadi Doum được bảo vệ bởi 5.000 quân Libya, với 3 mặt được phủ kín mìn.

Thế nhưng, kết thúc nỗ lực này là một thảm họa của quân Libya. Họ đánh giá qua thấp tinh thần của quân Chad và quyết tâm bảo vệ đồng minh của Pháp. Đối đâu với quân Libya với xe tăng, trực thăng hiện đại, Chad đã động viên tất cả các thiếu niên từ 14 tuổi gia nhập quân đội. Họ thay thế xe bọc thép bằng những chiếc xe bán tải Toyota, từ đó khai sinh ra cái tên ”Chiến tranh Toyota” làm thay đổi bộ mặt chiến trường Trung Đông từ đó. Dù Chad không có không quân, quân đội Pháp đã giúp họ. Máy bay quân đội Pháp đã oanh tạc phủ đầu căn cứ không quân Ouadi Doum, khiến căn cứ bị phá hủy nghiêm trọng và binh sĩ Libya hoảng loạn, nhiều người bỏ chạy và chết bởi mìn.

Ngày 16/2/1987, sau khi quân Libya đã thất bại khắp các chiến trường, quân đội Chad và Pháp giáng đòn cuối cùng vào quân Libya. Máy bay Pháp chở lính Chad nhảy dù xuống căn cứ Ouadi Doum, nơi họ phát hiện lúc này chỉ còn 700 lính Libya còn ở lại. Nhưng họ đã có được chiến lợi phẩm lớn nhất: bắt sống Tham mưu trưởng Khalifa Haftar của quân Libya. Chiến thắng này của quân Chad được ví với chiến công bắt sống tướng Đờ-cát ở Điện Biên Phủ của QĐNDVN.

Chiến tranh Libya-Chad kết thúc năm 1987 với thảm bại của Libya. Gần 8.000 lính chết và 3.000 quân bị bắt ở lại Chad cùng với Tham mưu trưởng Khalifa Haftar. Tòa án quốc tế xử Libya thua kiện toàn bộ các tranh chấp. Nhưng đó chưa phải là thảm họa cuối cùng.

Bằng một lý do mà đến nay vẫn không ai rõ, sau chiến tranh Gaddafi đã từ chối việc hồi hương 3.000 tù binh chiến tranh Libya ở Chad, trong đó có cả tướng Haftar. Ở quê nhà Gaddafi thay thế một Tham mưu trưởng mới, tuyên bố rằng tướng Haftar đã phản bội và đầu hành quân Chad, mặc dù thực tế là họ đã chiến đấu kiên cường. Các binh sĩ Libya bị kẹt ở Chad trong các trại tù của Chad trong 3 năm. Việc bị từ chối hồi hương làm họ vô cùng bất bình, cho rằng bị phản bội bởi Gaddafi. Để phản đối Gaddafi, nhiều tù binh Libya đã tuyên bố bỏ đạo Hồi. Cũng trong thời gian bị giam ở Chad, Khalifa Haftar cùng nhiều sĩ quan đã hình thành quan điểm chống đối Gaddafi.

Đến năm 1990, do tình hình kinh tế khó khăn chính phủ Chad không chấp nhận giam giữ các tù binh Libya lâu thêm nữa, đã đàm phán để đưa số tù binh này sang nước thứ 3. Ban đầu họ được người Pháp sắp xếp để sang Zaire (nay là CHDC Congo). Nhưng sau khi sang Zaire,phần lớn số tù binh này đã quyết định trở về Libya. Số còn lại đi theo tướng Haftar, thành lập một tổ chức đối lập với Gaddafi. Họ sang Kenya năm 1990, với khoảng 300 sĩ quan. Ở Kenya, nơi Mỹ có một trụ sở lớn của tình báo CIA, Khalifa Haftar đã móc nối với người Mỹ.

Năm 1996, một cuộc nổi dậy nhỏ đã nổ ra ở miền núi phía Đông Libya, tướng Haftar đã trở về Libya định tham gia nổi dậy. Nhưng cuộc nổi dậy không lan rộng, nên tướng Haftar đã bay sang Mỹ ngay sau đó. Ông và gia đình định cư tại Virginia, Hoa Kỳ và gần như biến mất khỏi chính trường.

Thậm chí đến năm 2011, khi Gaddafi bị lật đổ, Tướng Haftar vẫn không hề xuất hiện. Nhưng từ năm 2014, mọi chuyện bất ngờ thay đổi chóng mặt. Tướng Haftar bất ngờ trở lại Libya. Có lẽ không ai ngờ sự có mặt của tướng Haftar lại thay đổi tình hình Libya đến như vậy. Sau khi Haftar trở về, hàng loạt các sĩ quan, binh sĩ lẫn chính trị gia Libya đã đổ về miền Đông Libya để ủng hộ ông. Ngay sau đó tướng Khalifa Haftar được tôn làm chỉ huy Quân đội quốc gia Libya (LNA), nơi ông tự xưng Nguyên soái. Sự có mặt của tướng Haftar, cơ bản đã làm tình hình chia năm xẻ bảy ở Libya giảm bớt, hiện chỉ còn 2 phe lớn là LNA của Haftar và phe Chính phủ đoàn kết dân tộc GNA ở phía Tây, nắm giữ thủ đô Tripoli.

3/ Vai trò của tướng Haftar trong cuộc khủng hoảng hiện nay

Ở tình hình hiện tại, phe LNA của Haftar được coi là phe mạnh nhất. Tướng Haftar được coi là có uy tín lớn nhất và là người có khả năng nhất lãnh đạo Libya trong tương lai. Uy thế rất lớn của tướng Haftar trong thế giới Arab giúp ông có sự ủng họ lớn của các nước lớn trong khối Arab, như Ai Cập, Arab Saudi, UAE,…Đặc biệt, tướng Haftar được coi là đồng minh của Nga, Pháp và chống lại phương Tây. Thậm chí đã có bằng chứng cho thấy lính đánh thuê Nga đang xuất hiện ngày càng nhiều trong hàng ngũ LNA.

Chống lại LNA, chính phủ GNA ở miền Tây được LHQ và Liên minh Châu Âu công nhận, nhưng lại chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ quân sự. Nhưng vấn đề ở chỗ, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ lại đang gia tăng nguy hiểm. Mới đây Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi quân trực tiếp đến Libya, hành động bị coi là thách thức trực tiếp Nga và khối Arab. Trong bối cảnh đó, Nga và các nước Ai Cập có vẻ chưa tìm ra cách đối phó. Còn EU dùng ủng hộ GNA nhưng lại không dám đưa quân vào Libya.

Chiến sự ở Libya đã leo thang rất nhanh trong năm 2019. Hiện tại sau 1 năm, quân LNA đã tiến rất nhanh và đã kiểm soát tuyệt đại đa số lãnh thổ Libya và hiện nay đang vây hãm thủ đô Tripoli. Chiến sự ở Tripoli đang rất khốc liệt, và quân LNA vẫn chưa kiểm soát được thủ đô, trong khi sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đang gây lo ngại. Mới đây nhất, cuộc đàm phán ở Nga đã thất bại, tướng Haftar cự tuyệt ngừng bắn.

Chiến sự Libya còn đang diễn biến phức tạp và chưa thể đoán được tình hình tiếp theo. Nhưng chắc chắn Nguyên soái Khalifa Haftar vẫn sẽ là người có vai trò lớn nhất trong tình hình sắp tới, do thế thượng phong mà LNA của ông đang nắm giữ.

4/ Vị thế của Haftar trong quan hệ quốc tế.

Tướng Haftar tự nhận mình là người theo chủ nghĩa Thế tục, chống lại Hồi giáo cực đoan. Điều này đã chi phối các quan hệ quốc tế của ông.

Tướng Haftar được coi là đồng minh của Nga và Tổng thống Putin. Rất nhiều vũ khí và lính đánh thuê Nga đã tới hỗ trợ LNA của tướng Haftar. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng tướng Haftar ”hiếu chiến” hơn so với Putin mong đợi, và cự tuyệt đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài Nga, Pháp được coi là đồng minh lớn thứ 2 của tướng Haftar. Nhưng họ không hoàn toàn nghiêng hẳn về Haftar. Pháp được cho là ủng hộ tướng Haftar nhằm bảo vệ các tài nguyên dầu mỏ của Pháp ở miền Đông Libya. Nhưng trong lịch sử Libya, nước Pháp lại có một vai trò đặc biệt, nên nghiễm nhiên họ cũng có ảnh hưởng lớn tới tình hình Libya.

Đối với các nước Arab, chủ nghĩa thế tục của Haftar được ủng hộ bởi Ai Cập, UAE, Jordan,…Nhất là với Ai Cập, đất nước này rất đặc biệt với Haftar. Mẹ của Haftar là người Ai Cập. Ông được đào tạo quân sự ở Ai Cập, tham chiến cùng quân đội nước này trong chiến tranh. Hiện nay, tướng Haftar có quan điểm rất tương đồng với Tổng thống al-Sisi của Ai Cập – một tướng quân đội cứng rắn chống lại Hồi giáo cực đoan. Ai Cập là đồng minh hỗ trợ tại chỗ lớn nhất cho LNA của Haftar.

Ngược lại, kẻ thù lớn nhất với tướng Haftar được xác định là Thổ Nhĩ Kỳ, mà có người nói là cá nhân Tổng thống Erdogan. Tướng Haftar nổi tiếng là người chỉ trích việc xa rời chủ nghĩa thế tục của Tổng thống Erdogan. Tướng Haftar từng tuyên bố ông Erdogan muốn trở thành “một Sultan thế kỷ 21”, một câu nói sau đó được phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên sử dụng. Còn trên thực địa, rõ ràng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang chống lưng cho GNA và trực tiếp đối đầu với LNA của tướng Haftar.

Đối với châu Âu, thực tế ngoài Pháp thì đa số các nước còn lại đều không ủng hộ tướng Haftar. Họ ủng hộ GNA, với lý do GNA được LHQ công nhận. Nhưng các nước này rất không muốn can thiệp hành động quân sự nào vào Libya. Châu Âu đã cực lực phản đối hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhân tố cuối cùng là nước Mỹ, cũng là điều duy nhất chưa rõ ràng. Cho đến hiện tại người ta vẫn chưa biết liệu Mỹ sẽ ngang về bên nào trong tình hình Libya, nhưng nhiều người cho rằng nếu Mỹ thực sự ủng hộ LNA sẽ là dấu chấm hết cho cuộc chiến, bởi phe LNA gần như sẽ chắc thắng.

Tuy vậy, thực sự tình thế của nước Mỹ cũng rất khó xử. Trước kia, Mỹ và châu Âu đều ủng hộ GNA được LHQ ủng hộ. Nhưng từ khi tướng Khalifa Haftar quay về Libya, nước Mỹ đã lâm vào thế rất khó xử. Chỉ riêng việc hiện tại, tướng Haftar vẫn là công dân Mỹ đã đủ khiến họ đau đầu. Lật lại lịch sử, Mỹ chính là nước đỡ đầu, hỗ trợ cho phe đối lập của tướng Haftar, cứu ông khỏi trại tù binh ở Chad sau khi bị Gaddafi bỏ rơi. Công khai chống lại tướng Haftar chẳng khác nào hành động tự bắn vào chân của Mỹ. Vậy nên cho đến lúc này, Mỹ đang chọn cách rút chân khỏi Libya, nhường sân chơi cho Nga-Thổ. Đây là điều nhiều người xem là “chiến thắng” của Nga trước Mỹ tại Libya.


 

Bình luận về bài viết này