Nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển của tôn giáo

_110008106_f1717b77-b3a3-433e-8b42-5a8cc78023b5.jpg

Brandon Ambrosino

Trong một cuộc khảo sát năm 2017 trên 15 quốc gia phương Tây, 64% những người có niềm tin tâm linh nhưng không theo một tôn giáo nào cho biết mặc dù họ không tin vào Chúa như được mô tả trong Kinh Thánh, nhưng họ tin vào một đấng quyền năng cao hơn.

 

1. Tôn giáo đã xuất hiện thế nào

“Này là thân thể ta.”

Những lời này, mà theo Tin Mừng là lời của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, vang lên hàng ngày tại các buổi lễ cầu nguyện trên khắp thế giới trước mỗi bữa ăn.

Thời nay, mỗi khi người Kitô giáo nghe những lời này thì đó là lúc chúng ta được nhắc nhở về quá khứ. Vậy người Kitô giáo được nhắc nhở về quá khứ nhiều tới mức nào?

Chắc chắn là trong hai thiên niên kỷ qua, ngoài các nghi thức tôn sùng Thánh Thể còn rất nhiều những tranh cãi về giáo lý, những cuộc phân nhánh thành các giáo hội khác nhau, những giai đoạn bạo lực, những cuộc rút phép thông công, các công bố về giáo hoàng và các cuộc tranh luận siêu hình, tất cả đều diễn ra xoay quanh bữa ăn hiệp thông.

Nhưng chúng ta có thể quay trở lại quá khứ xa hơn, tìm về thời kỳ bắt đầu có những tập tục truyền miệng, sau được viết thành văn bản rồi được tập hợp vào Tân Ước. Chúng ta cũng có thể băn khoăn muốn tìm hiểu về bữa ăn lịch sử, sự kiện được nhiều phiên bản ghi chép khác nhau về Bữa Tiệc Ly dựa vào để miêu tả.

Chúng ta có thể quay trở lại xa hơn, từ rất lâu trước khi Kitô giáo ra đời. Xét cho cùng, Chúa Giêsu là người Do Thái, và vì vậy, hành động Ngài bẻ bánh chia cho các môn đệ gợi cho ta nhớ về toàn bộ lịch sử của người Do Thái, gồm cả cuộc đào thoát đầy đau đớn của họ khỏi cảnh làm nô lệ cho Ai Cập và đón nhận bộ răn dạy Torah trên cao nguyên Sinai.

Nhưng ta có thể quay trở lại còn xa hơn cả thời điểm đó nữa.

Bữa ăn tôn giáo bất kể thế nào thì trước tiên vẫn là một bữa ăn. Đó là việc ngồi ăn chung với nhau, một nghi thức chắc chắn là rất quan trọng ở vùng Cận Đông cổ đại.

Lễ Vượt Qua của người Do Thái rồi sau đó là lễ thông công của người Ki-tô giáo đã được ‘nâng lên’ để thể hiện tính thần học và phụng vụ, nhưng những cảm xúc tích cực xung quanh việc ngồi ăn chung với nhau thì vốn đã có sẵn. Những cảm xúc đó đã tồn tại kể từ khi có sự hiện diện của con người hiện đại, khoảng 200.000 năm trước.

Chưa hết – người thông minh (Homo sapiens) không phải là loài duy nhất phát hiện ra lợi ích của việc chia sẻ thức ăn. Người Neanderthal chắc chắn đã góp chung thực phẩm. Một số nhóm người khác cũng đã làm vậy kể từ hai triệu năm trước.

“Hãy nghĩ về việc những người săn bắn – hái lượm vì lợi ích chung của cả nhóm, cùng ăn với nhau,” một trong các giáo sư thần học nói khi tôi còn đang băn khoăn tự hỏi về lịch sử tiến hóa sâu sắc đằng sau Bí tích Thánh Thể.

“Những người thợ săn cảm thấy tự hào vì đã làm tốt phần việc của mình và chia sẻ thực phẩm với gia đình họ; những thành viên chế biến chuẩn bị đồ ăn thì được ghi nhận và trân trọng phần công sức đóng góp. Mọi người đều được ăn no và cảm thấy dễ chịu; và rất nhiều các hoạt động tiếp xúc xã hội tích cực diễn ra. Cho nên ta sẽ không mấy ngạc nhiên khi thấy rằng có rất nhiều những câu chuyện thần thoại đã được xây dựng xung quanh bữa ăn.”

Nhưng việc chia sẻ thức ăn thậm chí còn có từ trước khi có sự tồn tại của tổ tiên loài người chúng ta, điều mà ngày nay ta có thể nhận thấy ở tinh tinh và vượn bonobos.

Trên thực tế, một bài báo gần đây thậm chí còn ghi nhận nghiên cứu về việc vượn bonobo chia sẻ thức ăn với những con bonobo nằm ngoài nhóm của chúng.

Barbara Fruth, một trong những tác giả của nghiên cứu, nói với tạp chí kỹ thuật số Sapiens rằng việc chia sẻ bữa ăn “phải có nguồn gốc từ tổ tiên chung cuối cùng của chúng ta”. Dựa trên phân tích về phân tử, con người và vượn lớn có tổ tiên chung gần nhất (last common ancestor – LCA) là vào thời điểm cách đây khoảng 19 triệu năm.

Khi nghe thấy những từ “Này là thân thể ta” là lúc tâm trí tôi lập tức nảy ra một cuộc đua nhằm chạy đến xuất phát điểm của quá trình tiến hoá.

Nguồn gốc sâu xa của tôn giáo

Tôi sẽ bắt đầu bằng việc thảo luận về Bí tích Thánh Thể, vì tôi là người Kitô giáo.

Nhưng quan điểm mà tôi nêu ra – rằng những trải nghiệm tôn giáo xuất hiện từ những quá trình lịch sử rất cụ thể, rất dài – có lẽ sẽ phù hợp với hầu hết các hiện tượng tôn giáo.

Đó là bởi, theo lời của nhà xã hội học quá cố Robert Bellah, thì “Không có gì mất đi cả”. Lịch sử quay trở lại; chúng ta là ai, chúng ta đang như thế nào và chúng ta đang ở đâu, đó chính là kết quả của quá trình lịch sử.

Nếu chúng ta sẽ nghĩ về lịch sử sâu xa của tôn giáo, thì chúng ta cần phải làm rõ rõ, tôn giáo là gì.

Trong cuốn sách Vượn Bonobo và Người Vô thần (The Bonobo and the Atheist), nhà nghiên cứu linh trưởng Frans de Waal chia sẻ câu chuyện hài hước liên quan đến một hội thảo do Học viện Tôn giáo Hoa Kỳ tổ chức.

Khi một người tham gia đề nghị mọi người bắt đầu với việc đưa ra định nghĩa về tôn giáo, có người đã nhanh chóng lưu ý rằng trong lần hội thảo trước họ đã cố gắng làm thế, nhưng “một nửa số cử toạ đã giận dữ bỏ ra khỏi phòng họp”. De Waal nói một cách châm biếm: “Mà đây lại chính là học viện mang danh nghĩa tôn giáo!”

Thế nhưng chúng ta vẫn cần phải bắt đầu từ đâu đó, vì vậy de Waal nêu ra định nghĩa như sau: tôn giáo là “lòng tôn kính chung dành cho đấng siêu nhiên, sự linh thiêng, tâm linh cũng như các biểu tượng, nghi lễ và sự thờ cúng đi kèm”.

Định nghĩa của de Waal lặp lại định nghĩa từng được nêu ra bởi nhà xã hội học Émile Durkheim, người cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những trải nghiệm chung “được kết hợp thành một cộng đồng có chung tiêu chuẩn đạo đức”.

Sự tiến hóa của tôn giáo ở loài người không thể tách rời khỏi tính xã hội ngày càng tăng của nhân loại. Như Bellah chỉ ra, tôn giáo là một cách để tồn tại. Chúng ta cũng có thể xem tôn giáo như một cách để cùng nhau cảm nhận.

Phần lớn nghiên cứu khoa học về tôn giáo là nhằm tìm hiểu về các loại tôn giáo dựa trên thần học, nhưng nhà tâm lý học tiến hóa Robin Dunbar cho rằng đó chỉ là một cách nghiên cứu hạn hẹp bởi nó đã “hoàn toàn bỏ qua thực tế rằng hầu hết các tôn giáo trong lịch sử loài người đều có một hình thức pháp sư rất khác biệt, thứ không có các vị thần và các quy tắc đạo đức”. (Dunbar dùng chữ pháp sư – ‘shaman’ – để chỉ các tín ngưỡng chủ yếu gắn với việc lên đồng và kết nối với linh hồn người chết.)

Trong khi các hình thức tôn giáo thần học mới chỉ tồn tại vài nghìn năm và là nét đặc trưng cho các xã hội hậu nông nghiệp, thì Dunbar lập luận rằng các hình thức pháp sư đã có từ 500 nghìn năm trước. Những thứ này, ông nói, là đặc trưng của người săn bắn hái lượm.

Để hiểu được làm thế nào và tại sao tôn giáo phát triển, Dunbar nói rằng chúng ta cần phải bắt đầu bằng cách xem xét các tôn giáo theo cách “gạt bỏ các yếu tố phát triển văn hoá”. Chúng ta cần bớt chú ý vào các câu hỏi về các vị thần quan trọng và các tín ngưỡng, và cần đặt trọng tâm vào câu hỏi những năng lực gì đã khiến tổ tiên xa xưa của chúng ta tiến tới sống chung với nhau thành cộng đồng.

Thích ứng hay sản phẩm phụ?

Mọi xã hội xét cho cùng dường như đều có tôn giáo dưới hình thức này hay hình thức khác. “Không có ngoại lệ,” de Waal nói với tôi qua điện thoại.

Có hai quan điểm chính lý giải điều này.

Một được gọi là thuyết chức năng, hay thuyết thích nghi. Thuyết này cho rằng tôn giáo đem lại lợi ích tích cực cho quá trình tiến hóa, chủ yếu là nhờ vào sự đóng góp của các thành viên trong nhóm vào đời sống chung. Như de Waal, thì “Nếu mọi xã hội đều có [tôn giáo], thì tôn giáo hẳn phải có mục đích xã hội.”

Thuyết thứ hai thì cho rằng tôn giáo là một ‘mắt cửa’ (‘spandrel’), hay một sản phẩm phụ của quá trình tiến hóa.

‘Mắt cửa’ là từ được dùng để chỉ một hình dạng kiến trúc ít ai để ý, nằm giữa phần mái vòm và trần nhà. Tôn giáo, theo cách giải thích này, giống như một cơ quan chỉ để lại vai trò mờ nhạt trong cơ thể. Có thể là nó từng thích nghi được trong môi trường đã khiến nó phát sinh, nhưng trong môi trường khác, nó lại không thích nghi nổi. Hoặc có lẽ niềm tin tôn giáo là kết quả của việc các cơ chế tâm lý phát triển nhằm xử lý những vấn đề sinh thái không liên quan đến tôn giáo.

Dù là giải thích theo cách nào thì cả hai thuyết trên đều cho rằng sự tiến hóa đã không “hướng tới” tôn giáo; tôn giáo chỉ trỗi dậy khi sự tiến hóa “hướng tới” những thứ khác.

Mặc dù những người ở cả hai phía của cuộc tranh luận này đều có cái lý của mình, nhưng dường như việc đóng khung sự phát triển tôn giáo theo một trong hai cách trên không giúp đem lại lời giải đáp thoả đáng.

Một thứ dù chỉ là sản phẩm phụ của quá trình tiến hóa mù quáng vẫn có thể được con người nắm bắt để thực hiện một chức năng, hoặc để xử lý một vấn đề cụ thể nào đó.

Điều này là đúng đối với nhiều hành vi ứng xử – bao gồm cả âm nhạc – nhưng tôn giáo đưa ra một câu đố cụ thể, vì nó thường liên quan đến các hành vi cực kỳ đắt giá, chẳng hạn như lòng vị tha và có những lúc là cả sự tự hy sinh.

Vì lý do này, một số nhà lý thuyết như Dunbar cho rằng chúng ta cũng cần phải nhìn xa ra bên ngoài phạm vi một cá nhân, để nhìn vào vấn đề sinh tồn của cả nhóm.

Đây được gọi là sự lựa chọn đa cấp, theo đó “thừa nhận rằng các cá nhân đôi khi được hưởng lợi nhiều hơn nhờ vào kết quả mà cả nhóm đạt được thay vì lúc nào cũng chỉ trực tiếp dựa vào hành động đơn lẻ của từng cá nhân”, Dunbar nói.

Một ví dụ có thể nêu ra là việc cùng nhau săn bắn – việc đi cùng với nhau cho phép các thợ săn bắt được con mồi to hơn so với việc bất kỳ cá nhân đơn lẻ nào đi săn một mình.

Con mồi lớn hơn cũng đồng nghĩa với việc phần thịt mỗi người nhận được sẽ nhiều hơn, ngay cả khi họ phải chia sẻ với những thợ săn khác (vì con thú săn được lớn hơn nhiều so với bất kỳ con thú nào mỗi người có thể tự mình bắt được).

Những phối hợp ở cấp độ nhóm như vậy “đòi hỏi cá nhân phải nhạy cảm với nhu cầu của các thành viên khác trong nhóm”, Dunbar nói.

Không có lịch sử tôn giáo của một sinh vật đơn lẻ. Câu chuyện của chúng ta là nói về chúng ta.

2 .Tôn giáo và nhu cầu sống thành nhóm ở loài người

Sau rốt, chúng ta là hậu duệ của một chuỗi dài các thế hệ linh trưởng tiền nhân với “các mối quan hệ xã hội lỏng lẻo và không có cấu trúc nhóm ổn định”, Jonathan Turner, tác giả của cuốn Sự Xuất hiện và Phát triển của Tôn giáo (The Emergence and Evolution of Religion), nói.

Điều này đưa Turner đến với câu hỏi trị giá triệu đô la: “Tại sao thuyết lựa chọn của Darwin về giải phẫu thần kinh ở tông người lại khiến con người ưa giao tiếp xã hội hơn, dẫn đến việc con người có thể tạo ra những gắn bó xã hội để hình thành nên những nhóm quần thể nguyên thuỷ đầu tiên?” ông hỏi tôi qua điện thoại. “Đó không phải là điều tự nhiên đối với các loài linh trưởng.”

Nhu cầu giao tiếp xã hội

Gốc gác chung cuối cùng, nơi tổ tiên loài người có chung tổ tiên với linh trưởng, là cách đây 19 triệu năm về trước.

Đười ươi orangutan tách ra vào khoảng 13-16 triệu năm trước, còn khỉ đột gorilla, khoảng 8-9 triệu năm trước.

Rồi tông người tách ra thành hai nhánh vào khoảng 5-7 triệu năm trướcc, với một nhánh tiến hoá thành tinh tinh (chimpanzee) và vượn bonobos, còn một nhánh trở thành chúng ta.

Con người hiện đại chúng ta có chung 99% các bộ gene với tinh tinh, và điều đó có nghĩa hai loài này là họ hàng gần gũi nhất với nhau trong toàn bộ họ linh trưởng.

Những nét tương đồng giữa con người và tinh tinh đã được biết đến, nhưng có một điểm khác biệt quan trọng giữa hai loài, đó là quy mô nhóm sinh sống cùng nhau.

Tinh tinh trung bình duy trì khoảng 45 cá thể mỗi nhóm, nhà tâm lý học tiến hóa Robin Dunbar nói. “Đây có vẻ như là quy mô nhóm lớn nhất,” ông nói. Thế nhưng ở con người thì con số này trung bình là 150, được gọi là Số của Dunbar.

Lý do, theo Dunbar, là bởi con người có khả năng đạt được các mối liên hệ xã hội lớn gấp ba lần so với tinh tinh nếu bỏ ra cùng mức độ nỗ lực trong giao tiếp xã hội. Tôn giáo khiến con người tăng khả năng giao tiếp xã hội.

Sao có thể thế?

Khi tổ tiên linh trưởng của chúng ta chuyển từ việc sống trong rừng sang các môi trường mở như thảo nguyên savannah ở đông và nam Phi, áp lực của sự lựa chọn tự nhiên theo học thuyết Darwin đã khiến họ phải tăng cường giao tiếp xã hội để tăng cơ hội được bảo vệ khỏi những loài mãnh thú ăn thịt và để có được nguồn thực phẩm dự trữ tốt hơn.

Còn một chuyện nữa, là việc này cũng giúp cho việc tìm kiếm bạn tình thuận lợi hơn.

Nếu như không thể duy trì các cơ cấu mới, như tạo thành các nhóm nhỏ gồm khoảng năm, sáu gia đình nhỏ, Turner nói, thì các loài linh trưởng sẽ không có khả năng sinh tồn.

Vậy thế giới tự nhiên đạt được tiến trình xã hội hóa này như thế nào?

Tiến hóa về cảm xúc

Turner nói điểm then chốt không phải là điều chúng ta vẫn thường nghĩ tới, trí thông minh, mà là cảm xúc. Đây là thứ gắn liền với một số những thay đổi quan trọng trong cấu trúc não của chúng ta.

Cho dù tân vỏ não (neocortex), tức là phần não chịu trách nhiệm về ngôn ngữ và ý thức, đóng vai trò chủ đạo trong nhiều giả thuyết về sự tiến hóa của tôn giáo, nhưng Turner nói rằng các phần quan trọng hơn là các phần ở dưới vỏ não, là các bộ phận khiến tông người có được năng lực trải nghiệm một loạt các cảm xúc phong phú hơn.

Những cảm xúc này giúp làm tăng mức độ gắn bó giữa các cá thể với nhau, điều rất quan trọng để tôn giáo phát triển.

Tiến trình cải thiện phần dưới vỏ não, theo Turner, diễn ra từ khoảng 4,5 triệu năm trước, khi vượn người phương nam (còn gọi là ‘vượn người Australopithecine‘) đầu tiên xuất hiện.

Lúc ban đầu, Turner nói, là sự lựa chọn tăng kích thước não lên, lớn hơn chừng 100 phân khối so với não tinh tinh, đạt khoảng 450 phân khối ở vượn người Australopithecine.

So sánh cho dễ hình dung, thì kích thước này nhỏ hơn não của tông người – xuất hiện sau đó – xảo nhân, hay còn gọi là người khéo léo (Homo habilis) có kích thước sọ là 775 phân khối, trong lúc người đứng thẳng (Homo erectus) thì có não lớn hơn một chút, 800-850 phân khối.

Con người hiện đại thì có não với kích cỡ to hơn hẳn, tới 1.400 phân khối.

Nhưng việc có kích thước não nhỏ hơn đáng kể không có nghĩa là không có chuyện gì xảy ra trong não ở tông người.

Kích thước não được đo bằng phần hốc xương sọ, nhưng Turner nói rằng những thứ này không thể hiện được sự cải thiện của phần dưới vỏ não, vốn xuất hiện trong thời kỳ từ lúc bắt đầu có vượn người phương nam (Australopiths), khoảng bốn triệu năm trước, và người đứng thẳng (Homo erectus), 1,8 triệu năm trước.

“Việc đó nằm trong câu chuyện các cơ chế phần dưới vỏ não này tiến hóa ra sao, để cuối cùng dẫn đến sự ra đời của tôn giáo.”

Cho dù tân vỏ não ở người lớn gấp ba lần so với bộ phận tương đương ở các loài linh trưởng, nhưng phần dưới vỏ não thì chỉ lớn gấp đôi, và điều này khiến cho Turner tin rằng việc cải thiện cảm xúc ở tông người đã diễn ra từ trước khi tân vỏ não bắt đầu phát triển cho tới kích thước ở người hiện nay.

Đây chính là chỗ mà thế giới tự nhiên đã thành công.

Có lẽ bạn đã từng nghe những thảo luận về cái gọi là các cảm xúc căn bản: hung hăng, sợ hãi, buồn rầu, và hạnh phúc.

Bạn có nhận ra bất kỳ điều gì từ danh sách liệt kê trên không?

Ba trong số các cảm xúc đó là mang tính tiêu cực. Nhưng việc thúc đẩy tinh thần đoàn kết thì đòi hỏi phải có các cảm xúc tích cực – cho nên tiến trình lựa chọn tự nhiên phải tìm cách tắt đi các cảm xúc tiêu cực và tăng các cảm giác tích cực, Turner nói.

Khả năng có cảm xúc ở các loài linh trưởng lớn (đặc biệt là ở tinh tinh) đã đạt mức tinh tế hơn nhiều so với các loài động vật có vú khác, cho nên sự lựa chọn tự nhiên cần phải có cách phát triển tiếp.

Tại điểm này trong lập luận của mình, Turner đưa ra khái niệm những sự kết hợp nhân tố bậc một và nhân tố bậc hai, theo đó cho rằng các cảm xúc là kết quả của sự kết hợp giữa hai cảm xúc căn bản trở lên.

Chẳng hạn như hạnh phúc kết hợp với tức giận sẽ tạo nên cảm xúc báo thù, trong khi sự ghen tuông là kết quả của việc kết hợp giữa tức giận và sợ hãi.

Nỗi kinh sợ, vốn đóng vai trò quan trọng trong tôn giáo, là sự kết hợp giữa nỗi sợ hãi và niềm hạnh phúc.

Các kết hợp theo nhân tố bậc hai thậm chí còn phức tạp hơn, và chúng xuất hiện trong quá trình tiến hoá từ người đứng thẳng (Homo erectus), 1,8 triệu năm trước, lên người thông minh (Homo sapiens), khoảng 200 ngàn năm trước.

Chẳng hạn như cảm giác tội lỗi và hổ thẹn, là hai cảm xúc rất quan trọng cho sự phát triển tôn giáo, là sự kết hợp giữa đau buồn, sợ hãi và tức giận.

Khó để mà tưởng tượng ra tôn giáo không có năng lực trải qua những kết hợp cảm xúc này, với cùng lý do của việc khó mà tưởng tượng ra những nhóm xã hội khép kín không có năng lực đó: một bảng cảm xúc như vậy ràng buộc chúng ta với những người khác ở tầm mức nội tâm bên trong.

“Những tính đoàn kết ở con người chỉ có thể hình thành nhờ có những cảm xúc được phát triển lên từ những cảm xúc tích cực – yêu thương, hạnh phúc, thoả mãn, chăm sóc, trung thành – và sự làm dịu bớt sức mạnh của các cảm xúc tiêu cực, hoặc ít nhất cũng là của một số cảm xúc tiêu cực,” Turner nói.

“Và một khi những hoá trị mới về cảm xúc tích cực này trở thành chịu điều khiển của hệ thần kinh, chúng sẽ kết hợp với các nghi lễ và các hành vi ứng xử khơi gợi cảm xúc khác để tăng đặc tính thống nhất, và cuối cùng tạo ra những khái niệm về các vị thần quyền lực và các thế lực siêu nhiên.”

Điều quan trọng ở đây là chúng ta cần hiểu được cảm giác xoay trục là thế nào trong sự phát triển của tôn giáo.

Như Darwin cảm thấy bị thuyết phục, thì không có khác biệt nào giữa cảm xúc tôn giáo với bất kỳ loại cảm xúc nào khác.

Nếu như điều này là đúng, thì điều đó có nghĩa là các nguyên nhân gây ra cảm xúc tôn giáo cũng có thể được xác định và được nghiên cứu giống như bất kỳ cảm xúc nào khác.

3 . Nghi lễ, sự cảm thông và tôn giáo thuở sơ khai

Do tiến trình lựa chọn tự nhiên diễn ra với việc có những thay đổi trong cấu trúc não bộ và việc phát triển khả năng xúc cảm, giao tiếp, một số thiên hướng ứng xử ở linh trưởng bắt đầu tiến hoá.

Một số thiên hướng mà Jonathan Turner, tác giả của cuốn Sự Xuất hiện và Phát triển của Tôn giáo (The Emergence and Evolution of Religion), liệt kê là đã tồn tại sẵn ở linh trưởng gồm có: khả năng đọc biểu hiện trong ánh mắt và gương mặt, khả năng bắt chước cách biểu cảm trên khuôn mặt; khả năng biết cảm thông ở một chừng mực nào đó; khả năng cảm nhận được môi trường xã hội xung quanh; khả năng thực hiện các nghi lễ; có ý thức ứng xử có đi có lại và công bằng; và khả năng tự nhận biết bản thân mình là một vật thể trong môi trường xung quanh.

Theo Turner thì việc gia tăng cung bậc cảm xúc ở linh trưởng khiến cho năng lực thực hiện các hành vi ứng xử này cũng tăng lên.

Có khá nhiều, nếu không muốn nói nói là tất cả các hành vi ứng xử này đã được ghi nhận ở các loài linh trưởng.

Tuy nhiên, tôi muốn tập trung vào hai hành vi trong số đó, là nghi lễ và sự cảm thông. Đây là hai hành vi mà nếu chúng không tồn tại thì sẽ không thể có tôn giáo.

Nghi lễ

Trong một đoạn băng hình lưu trữ, nhà linh trưởng học và nhân chủng học Jane Goodall mô tả vũ điệu thác nước nổi tiếng của tinh tinh. Nhận xét của bà được trích dẫn một đoạn dài:

Khi tinh tinh đến gần, chúng nghe thấy âm thanh gầm vang này, và bạn sẽ thấy lông chúng dựng lên một chút, rồi chúng di chuyển nhanh hơn một chút.

Khi tới nơi, chúng sẽ lắc lư theo nhịp điệu, mà thường là đứng thẳng lên, nhặt những viên đá lớn ném đi trong chừng có lẽ là 10 phút.

Đôi khi chúng trèo lên những gốc nho ở bên cạnh rồi đu bay ra, ẩn thân vào màn hơi nước, rồi chúng nhảy xuống nước, điều mà bình thường thì chúng sẽ tránh làm.

Sau đó, bạn sẽ thấy chúng ngồi trên một tảng đá nằm giữa dòng chảy, nhìn lên trên, ngắm làn nước đổ xuống, rồi nhìn nước trôi đi. Tôi không thể không nghĩ rằng màn trình diễn, hoặc là vũ điệu thác nước này, có lẽ chính là được tạo ra từ cảm giác dễ chịu, cảm giác thấy rằng mọi thứ thật tuyệt.

Não của tinh tinh cũng giống như não người: chúng có những cảm xúc rõ ràng là tương tự hoặc giống hệt như những cảm xúc mà chúng ta gọi là hạnh phúc, buồn, sợ, kinh hãi, và các cảm xúc khác – những khả năng trí tuệ phi thường mà chúng ta từng nghĩ rằng chỉ con người mới có.

Vậy tại sao chúng lại không có cảm xúc về một dạng nghi lễ nào đó, điều sẽ thực sự là kỳ diệu nằm bên ngoài mỗi bản thân chúng ta?

Goodall đã quan sát thấy hiện tượng tương tự xảy ra trong một trận mưa lớn. Quan sát này khiến bà đi đến kết luận rằng tinh tinh cũng có những nghi lễ như chúng ta.

“Chúng không thể phân tích nghi lễ đó, chúng không nói về nghi lễ đó, chúng không thể mô tả cảm giác mà chúng cảm thấy. Nhưng bạn sẽ cảm nhận được rằng mọi thứ đều được cất giấu bên trong chúng, và cách duy nhất để chúng thể hiện ra chính là thông qua vũ điệu nhịp nhàng tuyệt diệu này.”

Bên cạnh việc có những màn trình diễn mà Goodall mô tả, những người khác đã quan sát được nhiều màn trình diễn lễ hội, những đợt gõ đập, và nhiều nghi thức hú hét ở tinh tinh.

Gốc rễ của nghi thức thì nằm trong thứ mà Bellah gọi là “màn trình diễn nghiêm túc”, các hoạt động được thực hiện vì chính nó, có thể không phục vụ cho năng lực sinh tồn ngay lập tức nhưng có “tiềm năng rất lớn trong việc phát triển thêm các năng lực khác”.

Quan điểm này phù hợp với những thuyết trong khoa học phát triển theo đó cho rằng các hoạt động vui đùa đóng vai trò rất quan trọng cho việc phát triển các khả năng quan trọng như thuyết tâm ý (theory of mind) và tư duy đối chứng (counterfactual thinking).

Màn trình diễn, đặt trong bối cảnh tiến hoá này, thì có nhiều đặc tính độc đáo: nó phải được thực hiện “trong một môi trường thư giãn” – khi con vật được cho ăn uống đầy đủ, khoẻ mạnh và không bị stress (đó là lý do vì sao đây là hiện tượng phổ biến nhất xảy ra trong các loài có tập tính chăm sóc con non trong một thời gian dài).

Màn trình diễn cũng xuất hiện trong các cuộc đọ sức: có sự bắt đầu và kết thúc rõ ràng.

Chẳng hạn như ở chó, màn trình diễn bắt đầu với động tác ‘cúi chào’. Màn trình diễn liên quan tới cảm giác công lý, hoặc ít nhất cũng là sự bình thản: những con vật cỡ lớn cần phải tự điều chỉnh cân bằng để không làm tổn hại đển các con nhỏ hơn.

Và không cần nói cũng rõ, màn trình diễn là sự tự thể hiện bản thân.

Bây giờ, hay so sánh màn trình diễn với nghi lễ xem cái nào là diễn, cái nào là tự thể hiện bản thân.

Các nghi lễ thì có sự bắt đầu và sự kết thúc. Cả hai đều đòi hỏi phải chia sẻ mục đích, chia sẻ sự chú ý.

Có những quy tắc, tiêu chuẩn trong đó. Các nghi lễ được thực hiện trong một khoảng thời gian nào đó, vượt ra ngoài giới hạn thời gian hàng ngày. (Chẳng hạn như, hãy thử nghĩ về một trận bóng đá khi bóng bị bắt ở “ngoài vòng cấm địa” và thời gian thi đấu sẽ ngừng lại. Chúng ta thường tham gia vào những tình huống thực tế trong đó chúng ta sẵn lòng bỏ qua “thế giới thực”. Màn trình diễn cho phép chúng ta làm điều này.)

Quan trọng hơn cả, Bellah nói, màn trình diễn bản thân nó là một sự thực hành, và “không phải là thứ có một sự kết thúc bên ngoài”.

Bellah gọi nghi lễ là “hình thức nguyên thuỷ của sự trình diễn nghiêm túc trong lịch sử tiến hoá của loài người”, có nghĩa là nghi lễ là sự nâng cao của những năng lực khiến cho việc trình diễn lần đầu tiên trở nên khả thi trong những loài động vật có vú.

Có sự tiếp nối liền lạc giữa hai vấn đề này.

Trong lúc Turner thừa nhận rằng có thể sẽ là quá đà nếu coi vũ điệu dưới thác nước của tinh tinh là Nghi lễ (với chữ N viết hoa), thì có thể khẳng định rằng “những thiên hướng hành xử giống như nghi lễ cho thấy có một số thứ cần có đối với cách hành xử tôn giáo là một phần có trong gene của tinh tinh, và do đó, trong tông người.”

Sự cảm thông

Đặc tính thứ hai mà chúng ta cần phải xem xét đến là sự cảm thông. Cảm thông không phải là thứ có sẵn trong tâm trí. Nó là trong cơ thể, hay ít nhất đó cũng là nơi nó bắt đầu.

De Waal viết rằng nó bắt đầu “với sự đồng bộ hoá của các cơ thể, chạy khi người khác chạy, cười khi người khác cười, khóc khi người khác khóc, hoặc ngáp khi người khác ngáp”.

Sự cảm thông chắc chắn là nằm ở trung tâm thứ mà ta gọi là giá trị đạo đức, de Waal nói. “Nếu không có sự cảm thông, bạn không thể có giá trị đạo đức con người. Nó khiến chúng ta quan tâm đến người khác. Nó khiến chúng ta có cảm xúc với người khác.”

Nếu như tôn giáo, theo định nghĩa của chúng ta, là một cách để chúng ta ở bên nhau, thì giá trị đạo đức, thứ chỉ định cho chúng ta những cách thức tốt nhất để ở bên nhau, là một phần không thể thiếu được trong đó.

De Waal đã bị chỉ trích trong nhiều năm về việc đưa ra cách diễn giải màu hồng về hành vi ứng xử của động vật.

Thay vì coi hành vi ứng xử của động vật là có tính vị tha và do đó dẫn tới sự cảm thông, thì các nhà khoa học thông thái này nói với chúng ta rằng chúng ta nên coi hành vi ứng xử này theo cách đúng với bản chất của nó: sự ích kỷ. Các con vật đều muốn sinh tồn. Chấm. Bất kỳ hành động nào chúng cần có đều được giải nghĩa trong khuôn khổ ma trận này.

Thế nhưng đây là một cách nói sai lầm về lòng vị tha, de Waal nói.

“Chúng ta thấy rằng động vật muốn chia sẻ thức ăn cho dù như vậy chúng có thể thiệt thòi. Chúng ta làm các thử nghiệm trên chúng, và kết luận chung được đưa ra là khuynh hướng đầu tiên xuất hiện ở nhiều con vật là sự cảm thông và hợp tác. Khuynh hướng cảm thông diễn ra một cách hết sức tự nhiên ở nhiều loài động vật.”

Nhưng phải chăng đó chỉ là sự tự bảo tồn? Chẳng phải là các con vật chỉ hành động vì lợi ích riêng của mình sao? Nếu như chúng cư xử như thể đầy lòng vị tha, liệu có phải chúng chỉ chuẩn bị để cho lúc chúng cần sự giúp đỡ?

“Gọi đó là ích kỷ,” de Waal đầy hoài nghi nói, “bởi vì cuối cùng thì tất nhiên là những khuynh hướng mang tính ủng hộ mối quan hệ xã hội sẽ có lợi sao?” Để làm vậy, ông nói, thì định nghĩa về các từ sẽ trở nên vô nghĩa.

Đúng vậy, tất nhiên là có những cảm xúc dễ chịu gắn với hành động trao tặng cho người khác. Nhưng sự tiến hoá đã tạo ra những cảm xúc dễ chịu đối với các hành vi ứng xử mà chúng ta cần làm, như làm tình, ăn uống, hay người mẹ cho con bú. Điều đó cũng đúng đối với lòng vị tha, de Waal nói. Điều đó không thay đổi về mặt căn bản hành vi ứng xử.

Vậy làn ranh giới cứng rắn giữa lòng vị tha và sự ích kỷ, nếu nói dễ nghe nhất thì ta nói là ngây thơ, còn nếu nhìn nhìn một cách khắt khe, thì nó có tính lừa gạt.

Các nhà triết học như David Hume đã nêu ra sự khác biệt giữa một hành vi ứng xử ‘cần tồn tại’ và một hành vi ứng xử ‘nên tồn tại’, thứ là đề tài cho việc cân nhắc thận trọng về đạo đức.

Một con vật có thể có hành vi ứng xử X, nhưng nó làm vậy bởi vì cảm thấy là nó cần phải làm vậy, nhờ vào sự đánh giá đúng đắn đối với một chuẩn mực?

Sự khác biệt này là thứ mà de Waal đã nhận thấy từ các nhà triết học, những người nói rằng bất kỳ quan sát nào của ông về sự cảm thông hay đạo đức ở động vật đều không thể nói cho ông biết liệu chúng có những chuẩn mực hay là không.

De Waal không tán thành ý này, và nói rằng động vật có nhận thức được các chuẩn mực:

Ví dụ đơn giản nhất là mạng nhện. Nếu như bạn khuấy động đến nó, thì con vật sẽ sửa chữa mạng ngay lập tức, bởi chúng có chuẩn mực đối với việc mạng nhện trông phải thế nào, và cần hoạt động ra sao.Chúng hoặc là sẽ bỏ luôn, hoặc bắt đầu sửa chữa mạng nhện.

Động vật có khả năng đặt ra các mục tiêu và cố gắng đạt được các mục tiêu đó.

Trong thế giới có mối quan hệ xã hội, nếu như có giao tranh, chúng sẽ tập hợp bên nhau và cố sửa chữa thiệt hại. Chúng cố đưa trở lại tình trạng cần có. Chúng có tiêu chuẩn về việc sự phân chia này cần phải được thực hiện ra sao.

Ý tưởng cho rằng tính cách quy chuẩn chỉ có ở con người là không chính xác.

Trong cuốn Vượn Bonobo và Người Vô thần, de Waal lập luận rằng các loài động vật dường như sở hữu một cơ chế để hàn gắn xã hội. “Khoảng 30 loài linh trưởng khác nhau hoà giải sau giao tranh, và sự hoà giải đó không chỉ có ở các loài linh trưởng. Có những bằng chứng cho thấy cơ chế này cũng tồn tại ở linh cẩu, cá heo, sói, dê nhà.”

Ông cũng tìm thấy những bằng chứng cho thấy các loài động vật “chủ động tìm cách bảo toàn sự hoà hợp trong mạng lưới xã hội của chúng… bằng cách hoà giải sau xung đột, phản kháng những phân chia bất bình đẳng, và phá vỡ các cuộc giao tranh giữa chúng với nhau.”

“Hành xử của chúng mang tính quy chuẩn, nhìn theo hướng nhằm sửa chữa hoặc tìm cách sửa chữa những lệch lạc trượt ra khỏi tình trạng lý tưởng.”

“Chúng cũng thể hiện việc tự kiềm chế cảm xúc và tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột nhằm ngăn chặn những sự lệch lạc đó. Điều này khiến cho việc dịch chuyển từ cách hành xử của linh trưởng sang các quy chuẩn đạo đức ở con người có khoảng cách nhỏ hơn so với những gì ta thường nghĩ.”

Rõ ràng là có khoảng cách giữa việc sửa chữa xã hội ở linh trưởng và việc có cơ cấu tổ chức với những quy tắc đạo đức trong xã hội loài người hiện đại.

Kể cả như vậy, de Waal nói, thì toàn bộ “những hệ thống đạo đức của con người đều sử dụng các khuynh hướng như của linh trưởng.”

Những khuynh hướng này bắt đầu có từ khi nào? Có lẽ là giống như các khả năng khác vốn cho phép màn trình diễn (và lên đến tột cùng là nghi thức) được thực hiện, chúng có từ thời bắt đầu xuất hiện bản năng cha mẹ chăm sóc con cái.

“Trong 200 triệu năm tiến hoá của động vật có vú, các con cái nhạy cảm với con non của chúng hơn sẽ sinh đẻ nhiều hơn so với những con thờ ơ, ít quan tâm đến con cái,” de Waal nói.

Tất nhiên việc chăm sóc con non cũng có cả ở những loài như cá, cá sấu và rắn, nhưng khả năng chăm con non ở các loài động vật có vú thì thực sự là bước đại nhảy vọt trong câu chuyện tiến hoá.

Tôn giáo thuở sơ khai

Các buổi hành lễ tôn giáo ngày nay của chúng ta có vẻ như vô cùng cách xa so với các màn trình diễn và thể hiện tình cảm ở động vật có vú vốn từng có trong quá khứ xa xưa của chúng ta, và thực sự thì tôn giáo được thể chế hoá đã tiến xa vượt bậc so với cái được gọi là màn khiêu vũ dưới thác nước.

Thế nhưng sự tiến hoá dạy cho chúng ta biết rằng những hiện tượng phức tạp, tiến bộ đều phát triển từ những khởi đầu đơn giản. Như Bellah nhắc nhở chúng ta, chúng ta không phải là bỗng dưng mà xuất hiện. “Chúng ta gắn bó với lịch sử sinh học và vũ trụ học sâu xa.”

Khi dòng vượn tiến hoá từ tổ tiên chung gần nhất với loài người chúng ta để sống được trong những môi trường mở, thì điều cần thiết là phải tạo áp lực để vượn người, những động vật thích sống đơn lẻ, phải cùng nhau tạo thành những cơ cấu xã hội tồn tại bền vững hơn.

Lựa chọn tự nhiên đạt được chiến thắng đáng kinh ngạc này bằng cách phát triển cao hơn các bảng màu cảm xúc mà tổ tiên chúng ta vốn đã có sẵn từ lâu.

Với việc có thêm nhiều cảm xúc phong phú, bộ não ở tông người đã có thể phát triển, nâng cao được một số các năng lực, trong đó có một số năng lực tự nhiên trao cho họ cách thức để thực hành tôn giáo.

Bởi các năng lực này được nhanh chóng nâng cao với sự phát triển ở não người Homo và sự phát triển của tân vỏ não, các hành vi ứng xử như màn trình diễn và nghi lễ bước vào một giai đoạn mới trong sự phát triển của tông người, trở thành nguyên liệu thô để cuộc tiến hoá về văn hoá bắt đầu trở thành tôn giáo có tổ chức kết cấu chặt chẽ.

Và mặc dù quá trình lịch sử này không định đoạt chúng ta – đi cùng với mỗi một giai đoạn mới trong câu chuyện cuộc đời sẽ là mức quyền lực to lớn hơn – nhưng quá trình lịch sử sinh học – vũ trụ học này ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm.

Ngay cả quyết định có vẻ như tự trị của con người cũng được đưa ra từ lịch sử này. Đó chính là bức tranh rộng lớn. Đó là điều chúng ta giữ trong tâm trí khi nhìn lại quá khứ, nhìn lại cả một quá trình mà những hạt giống tiến hoá ban đầu được hình thành, và rốt cuộc từ từ phát triển thành tôn giáo.

Tuy vậy, tôi thường suy nghĩ về mặt thần học của câu “Này là thân thể ta,” tôi không thể bỏ qua thực tế căn bản rằng sự thông công chính là cơ thể – của bạn, của tôi, của chúng ta.

Tôn giáo là một hiện tượng được hiện thân bởi cách thức con người thực hành tôn giáo đã được phát triển trong hàng triệu năm, khi cơ thể của tổ tiên chúng ta tiếp xúc với các cơ thể khác ở xung quanh.

Cho dù đó có phải là sự thông công hay không, hay thậm chí có phải là tôn giáo hay không, thì chúng ta, với những năng lực trình diễn đã được tiến hoá, lúc nào cũng tìm kiếm trong thế giới quanh mình để cảm thông, và để cùng người khác kỷ niệm các nghi lễ.

 

3 . Về thuyết ‘Chúa là một loại ma túy’

Khi tôi còn đi học, quảng cáo chống ma túy thường xuyên xuất hiện trên truyền hình.

Có vài phiên bản khác nhau nhưng nội dung chính thường là một quả trứng hiện ra trên màn ảnh cùng với giọng nói vang lên, “Đây là bộ não của bạn.” Sau đó, quả trứng bị đập vỡ vào một cái chảo và giọng nói sẽ bảo, “Đây là bộ não của bạn khi có tác động của ma túy.” Thế là tất cả chúng ta đều nhận thức được vấn đề: ma túy đã tác động lên não của bạn.

Thuyết ‘Chúa là một loại ma tuý’ của Giáo hội Ngũ Tuần

Tại Giáo hội Ngũ Tuần (Pentecostal Church) của tôi, ma túy lại được đề cập tới theo cách khác.

Chúng tôi luôn được dạy rằng không cần đến ma túy, bởi vì Chúa đem đến cho chúng ta niềm hưng phấn.

Giống như ma túy, Chúa có thể tác động tương tự – khiến ta rạo rực, phấn khích – nhưng bộ não của ta sau đó sẽ không bị xáo trộn.

Chúa ban tặng cho chúng ta tất cả các “hiệu ứng tốt đẹp” của heroin mà không kèm theo tác dụng phụ tai hại.

(Tất nhiên, khi xét mức độ bạo lực tôn giáo trong suốt chiều dài lịch sử thì không thể nói là có một số đức tin đối với Chúa không hề gây ra bất kỳ ảnh hưởng tai hại nào. Tôi sẽ nói thêm về điều này sau.)

Tôi đã thôi đến nhà thờ thời thơ ấu của mình từ lâu, song vẫn thường cảm thấy xấu hổ về thuyết “Chúa là một loại ma túy” này.

Nhưng càng nghĩ về tôn giáo như một hiện tượng mới nổi, tôi càng băn khoăn tự hỏi liệu có phải bằng những từ vựng Ngũ Tuần vụng về của họ, những người dẫn dắt trẻ của giáo phái này khi đó đã nhận ra một điều: Chúa đã tác động lên bộ não của chúng ta.

“Đây là não của bạn. Đây là bộ não của bạn trong tay Chúa.”

Andrew Newberg, nhà thần kinh học chuyên nghiên cứu não bộ con người với những trải nghiệm tôn giáo, đã dành cả sự nghiệp để theo đuổi thế giới tâm linh của con người.

“Nếu bạn chiêm ngưỡng Chúa đủ lâu,” ông viết trong cuốn How God Changes Your Brain (Chúa Thay Đổi Não Bộ Của Bạn Như Thế Nào), “điều kỳ diệu sẽ xảy ra trong não.”

“Chức năng thần kinh bắt đầu thay đổi. Nhiều mạch thần kinh được kích hoạt, trong khi một số khác ngừng hoạt động.”

“Các nhánh thần kinh mới được hình thành, các mối nối thần kinh mới được tạo ra, và bộ não trở nên nhạy cảm hơn với những tầng tinh tế của trải nghiệm tôn giáo.”

“Nhận thức đổi thay, niềm tin bắt đầu thay đổi, và nếu Chúa có ý nghĩa với bạn, thì Chúa trở thành hiện thực dưới quan điểm thần kinh học.”

Tâm linh và nhu cầu tự tại ở con người

Ngồi trong phòng làm việc của mình ở Pennsylvania, ông nói với tôi rằng trải nghiệm tôn giáo cần đáp ứng hai chức năng cơ bản của não bộ: tự duy trì sự sống (“Làm thế nào để sinh tồn với tư cách cá thể và tư cách loài?”), và tự vượt lên (“Làm thế nào để tiếp tục tiến bộ và thay đổi bản thân như mọi người?”).

Newberg và nhóm của ông scan não những người tham gia các nghi lễ tôn giáo, chẳng hạn như cầu nguyện hoặc thiền.

Ông nói rằng không phải là chỉ có một phần nào đó của não bộ đóng vai trò trong những trải nghiệm này – “Nếu có một phần não riêng cho thế giới tâm linh, thì đó chính là toàn bộ bộ não” – và ông chủ yếu tập trung vào hai phần: thùy đỉnh và thùy trán.

Phần đầu tiên, thùy đỉnh, nằm ở phần trên phía sau của vỏ não, là khu vực xử lý thông tin cảm giác, giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện hữu của chính chúng ta và giúp thiết lập mối quan hệ giữa bản thân với phần còn lại của thế giới, Newberg nói.

Thật thú vị, ông phát hiện ra rằng thùy đỉnh rơi vào trạng thái tĩnh khi chúng ta thực hiện một số các nghi thức tôn giáo nhất định.

“Khi bạn bắt đầu thực hành một số loại nghi lễ, dần dần vùng não đó dường như ngừng hoạt động,” ông nói.

“Bởi đây là vùng não mà khi ở trạng thái bình thường nó sẽ giúp ta nhận thức về bản thân, cho nên khi nó bắt đầu dần rơi vào trạng thái tĩnh thì bạn cảm thấy sự hiện hữu của bản thân bắt đầu nhạt nhoà dần.”

“Ranh giới giữa cái tôi bên trong với những thứ bên ngoài – như là một người khác, một nhóm người khác, Chúa, vũ trụ, hoặc bất cứ điều gì bạn cảm thấy có liên kết – bắt đầu tan biến. Rồi bạn cảm thấy hòa làm một với vạn vật.”

Phần thứ hai của bộ não liên quan nhiều đến trải nghiệm tôn giáo là thùy trán, nơi thường giúp chúng ta tập trung chú ý và tập trung tâm trí vào các thứ chúng ta làm, Newberg nói.

“Khi vùng đó ngừng hoạt động, về mặt lý thuyết thì nó giống như là chúng ta không còn suy nghĩ về hành động có chủ đích nữa. Cụ thể là chúng ta không làm gì để khiến cho một điều gì đó xảy ra, thế nhưng điều đó vì lý do nào khác vẫn xảy ra với chúng ta.”

Newberg cho rằng tất cả các kết quả scan não mà ông thu thập được giúp lý giải cho câu hỏi tại sao bộ não lại được thiết kế để sẵn sàng đáp ứng các nghi lễ tâm linh.

“Nếu là người duy tâm hay có niềm tin tôn giáo, bạn sẽ thấy điều đó hoàn toàn là đương nhiên,” ông nói.

Nhưng ngay cả khi không đề cập đến Chúa, chúng ta vẫn phải tự hỏi tại sao bộ não phát triển theo hướng không chỉ đáp ứng mà còn có vẻ ưu ái thúc đẩy các loại trải nghiệm mà Newberg nghiên cứu. Chúng dường như là một phần không thể thiếu trong sự sống của loài người.

Mối liên hệ giữa tôn giáo và tâm lý con người

“Ta có thể lý giải được niềm tin và hành vi tôn giáo thông qua cách mà tâm trí của loài người vận hành,” nhà nhân loại học người Pháp Pascal Boyer viết trong cuốn Religion Explained (Lý Giải Về Tôn Giáo).

Ông nói rằng ông thực sự đề cập tới toàn bộ các niềm tin và hành vi tôn giáo, bởi “các thuộc tính của tâm trí con người được tìm thấy trong tất cả những ai có não bộ bình thường”.

Hãy xem xét một số thuộc tính này, bắt đầu với một thứ gọi là Cơ Chế Nhận Biết Yếu Tố Siêu Nhạy Cảm (Hypersensitive Agency Detection Device – HADD).

Giả sử đang đứng giữa thảo nguyên Bắc Mỹ thì bạn nghe thấy tiếng bụi cây xào xạc. Bạn nghĩ sao? “À, chỉ là gió thổi thôi. Mình cứ đứng nguyên tại chỗ là ổn.” Hoặc, “Trời, có thú dữ, phải chạy ngay!”

Theo quan điểm tiến hóa thì tình huống thứ hai sẽ là hợp lý.

Nếu bạn cảnh giác, chạy trốn và rốt cuộc tiếng xào xạc chẳng qua chỉ là tiếng gió thổi thì bạn thực sự cũng chả mất gì. Nhưng nếu bạn quyết định phớt lờ âm thanh báo động và một con mãnh thú sắp vồ lấy bạn, thì bạn tất sẽ bị ăn thịt.

Nhà khoa học nhận thức Justin Barrett đã theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu cấu trúc nhận thức, thấy nó gần như phù hợp một cách tự nhiên với niềm tin tôn giáo.

Một trong những năng lực nhận thức mà Barrett quan tâm là HADD. Ông viết trong cuốn sách The Believing Primate (Loài Linh Trưởng Có Đức Tin) rằng đó chính là thuộc tính khiến chúng ta gán mác siêu nhiên cho các vật thể và tiếng ồn mà chúng ta bắt gặp nhưng không lý giải được đó là gì.

Đó là lý do khiến tất thảy chúng ta đều nín thở khi nghe thấy tiếng sàn nhà cọt kẹt ở phòng bên cạnh, căn phòng mà chúng ta tin là bỏ trống, không có ai ở.

Barrett nói rằng cơ chế phát hiện này khiến chúng ta gán mác siêu nhiên cho các sự kiện không có nguyên nhân vật lý rõ ràng (ví dụ, tôi thấy hết đau đầu sau khi cầu nguyện) và các họa tiết khó hiểu mà ta không thể giải thích một cách đơn giản vì sao chúng lại xuất hiện (phải có ai đó làm nên cái họa tiết vòng tròn bí ẩn này chứ).

Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp khi có yếu tố khẩn cấp. “Một người đi săn để kiếm sống sẽ cảm nhận HADD rõ nét hơn một người đi săn chỉ để tiêu khiển,” Barrett viết.

4 .Niềm tin và đức tin tôn giáo của con người

“Ta có thể lý giải được niềm tin và hành vi tôn giáo thông qua cách mà tâm trí của loài người vận hành,” nhà nhân loại học người Pháp Pascal Boyer viết trong cuốn Religion Explained (Lý Giải Về Tôn Giáo).

Hãy xem xét một số thuộc tính tâm trí của con người, bắt đầu với một thứ gọi là Cơ Chế Nhận Biết Yếu Tố Siêu Nhạy Cảm (Hypersensitive Agency Detection Device – HADD).

HADD là thứ mà nhà khoa học nghiên cứu cấu trúc nhận thức Justin Barrett gọi là niềm tin nội tâm và có tính bản năng. Nó luôn hoạt động trong não bộ của chúng ta ngay cả khi ta không nhận ra là nó đang hoạt động.

Thế còn đức tin mà chúng ta lĩnh hội được là những thứ chúng ta chủ động suy nghĩ tới.

Niềm tin nội tâm hình thành từ các công cụ tâm lý khác nhau, mà Barrett gọi là “các hệ thống suy luận trực giác”.

Ngoài việc phát hiện những dấu hiệu tâm linh, những công cụ tâm lý này bao gồm trực giác sinh học, trực giác vật lý và trực giác đạo đức.

Chẳng hạn, trực giác vật lý khiến trẻ em tự nhiên đã biết rằng các vật thể rắn không thể xuyên qua các vật thể rắn khác và sẽ rơi xuống đất nếu không được cầm nắm.

Đối với trực giác đạo đức, nghiên cứu gần đây cho thấy rằng đánh giá của trẻ sơ sinh ba tháng tuổi về hành vi phù hợp xã hội và hành vi không phù hợp xã hội của một người là giống với quan niệm đạo đức của người trưởng thành.

Mối liên hệ giữa niềm tin nội tâm và đức tin

Barrett nói rằng niềm tin nội tâm chiếm vị trí rất quan trọng trong việc hình thành đức tin mà con người ta lĩnh hội được.

“Niềm tin nội tâm của một người càng cao thì càng có nhiều khả năng là người đó sẽ lĩnh hội được đức tin.”

Để đánh giá đức tin của con người đối với Chúa, chúng ta cần bắt đầu tìm hiểu xem liệu những đức tin đó có bám rễ sâu vào niềm tin nội tâm hay không.

Nhưng làm thế nào để chúng ta đi từ những niềm tin nội tâm như HADD và trực giác sinh học đến những đức tin được lĩnh hội như đặt lòng tin vào Chúa, tin tưởng rằng Chúa sẽ ban phước cho người thiện lành và trừng phạt kẻ xấu?

Đây chính là điểm để Barrett viện dẫn đến ý tưởng về các khái niệm hiệu ứng phản trực quan tối thiểu (MCI – minimally counterintuitive concepts). Về cơ bản, nó chính là trực giác với một vài điều chỉnh nho nhỏ.

Barrett đưa ra ví dụ về tấm thảm bay: đó là một tấm thảm không khác gì những tấm thảm bình thường, ngoại trừ việc nó có thể bay.

“Các ý tưởng trực quan khi được đơn giản hoá và kết hợp với một chút sáng tạo thì sẽ gây chú ý nhiều hơn, và nhờ vậy các ý tưởng đó được người ta nhận biết rõ ràng, sâu sắc hơn.”

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nghiên cứu về giao thoa văn hóa đã chỉ ra rằng các khái niệm MCI được nhớ lại và chia sẻ một cách dễ dàng.

Có hai lý do dẫn đến việc này, Barrett nói.

Thứ nhất là các MCI vẫn duy trì cấu trúc khái niệm của chúng. Và thứ hai, các MCI có xu hướng nổi bật hơn so với các khái niệm thông thường.

“Cái gì sẽ khiến bạn chú ý tới nhiều hơn,” ông viết, “một củ khoai tây màu nâu, một củ khoai tây nặng hai cân Anh, hay một củ khoai tây vô hình?”

Đức tin tôn giáo được chia sẻ – và chúng được chia sẻ bởi loài người có cấu trúc giải phẫu thần kinh giống nhau.

Bộ công cụ tâm lý của chúng ta chứa đầy các thành kiến tích tụ từ bao đời, chẳng hạn như thuộc tính HADD khiến chúng ta đưa ra một số những kết luận sai lầm. (Hầu hết các lần ta nghe thấy tiếng xào xạc thì đó chỉ là âm thanh do gió gây ra chứ không phải là do có thú dữ đang rình mò xung quanh. Thế nhưng HADD khiến ta e rằng có thú dữ, cho nên cảnh giác, đề phòng hơn, và điều đó có lợi cho sự sinh tồn của chúng ta.)

Đối với những ai có bộ não dễ bị kích thích, ưa tìm đến sự trung gian và tìm kiếm sự chú ý ở mọi nơi, tôn giáo được tiếp nhận một cách rất tự nhiên.

Tinh thần, thể xác và linh hồn

Như Daniel Dennett, triết gia, cây viết đồng thời là nhà khoa học nhận thức, chỉ ra, chúng ta rất khó nguyện ý từ bỏ quan điểm của mình, nhất là sau khi có người thân yêu qua đời.

Ông viết rằng, cái chết đó “khiến chúng ta phải đối đầu với một nhiệm vụ quan trọng về nhận thức: đó là phải thay đổi mọi thói quen suy nghĩ để thích nghi với một thế giới mà trong đó mình vừa mất đi một người thân”.

Cho nên chúng ta nói về những người thân yêu đã qua đời như thể họ vẫn còn ở quanh đâu đây, kể chuyện về họ, tự nhủ với lòng mình rằng có lẽ là họ sẽ đồng ý với các quyết định của mình.

Nói tóm lại, chúng ta vẫn giữ họ bên mình.

Nhưng về mặt vật lý thì đó là điều không thể, bởi vì, như nhà nhân loại học nổi tiếng Boyer đã chỉ ra, xác chết là một vấn đề. “Cần phải làm điều gì đó” đối với các thi thể.

Thực sự thì “tôn giáo ít liên quan đến cái chết mà liên quan nhiều hơn tới thi thể”.

Vì lý do này, một số người cho rằng các yếu tố siêu nhiên xuất hiện sớm nhất chính là những người đã khuất, những hồn ma: hồn ma hầu như giống hệt chúng ta, ngoại trừ việc hồn ma có thể xuyên qua tường rồi biến mất.

Liên quan chặt chẽ đến ý tưởng nhân tố siêu nhiên là những điều Dennett gọi là hiện tượng chơi bài ngửa.

Cơ chế nhận biết đi kèm với những rủi ro nhất định: có ai đó biết về chuyện xấu mà ta đã làm không? Làm thế nào mà ta chắc chắn rằng người đó biết, và làm thế nào để ta biết chắc là chuyện đó khiến người đó nghĩ về ta như thế nào? Đó là những câu hỏi phức tạp, và con người không đủ khả năng trả lời.

Để học cách tránh bị sa lầy vào chuyện này, mọi người cần được dạy luật chơi bằng cách đặt ngửa tất cả các quân bài lên bàn. Khi đó, người dạy chúng ta chơi bài là người xem được toàn bộ các quân bài: họ nhìn thấy mọi thứ và dựa theo đó mà đưa ra các chỉ dẫn cho chúng ta.

Những người đầu tiên nhìn được mọi thứ, Dennett nói, chính là tổ tiên đã khuất của chúng ta. Và những mầm mống sơ khai này đã được chính thức hoá trong các học thuyết thần học khác nhau.

Bản năng ‘không tự giác’ ở con người

“Con người không xử sự đúng mực chỉ vì họ sẽ bị trừng phạt nếu không xử sự đúng mực,” nhà tâm lý học tiến hóa Robin Dunbar nói, “nếu không thì tất cả chúng ta sẽ đều lái xe an toàn mà không chạy quá tốc độ.”

Vấn đề thực sự không phải là hình phạt được áp dụng sẽ nặng nề đến mức nào, mà là nguy cơ hành vi không đúng mực đó bị phát hiện cao tới mức nào. Nếu nguy cơ thấp, ông nói, con người ta sẽ sẵn sàng chấp nhận hình phạt.

Đây là một vấn đề lớn trong thời tiền sử. Khi các nhóm săn bắn hái lượm phát triển, họ cần thiết lập một cơ chế trừng phạt – nhưng nhóm càng đông thì càng ít có cơ hội phát hiện ra hành vi vi phạm.

Và thế là xuất hiện những người biết được mọi thứ: “Chúng ta không nhìn thấy ngươi đã làm gì vào tối thứ Bảy, nhưng có người biết đấy, hãy coi chừng,” Dunbar nêu giả định.

Ý tưởng này phù hợp với các công cụ tâm lý trực giác như thuộc tính HADD và trực giác đạo đức, cho nên nó được tổ tiên chúng ta với bộ não đã tiến hoá dễ dàng tiếp nhận. Thêm nữa, nó còn có tác dụng theo dõi, điều chỉnh hành vi từ dưới lên trên trong toàn bộ cấu trúc xã hội.

“Bạn luôn hành xử tốt hơn khi hành vi của bạn là xuất phát từ cam kết tự giác cá nhân chứ không phải do bị bắt buộc,” Dunbar nói.

Như tôi đã phân tích trong phần trước của loạt bài này, đạo đức xuất hiện trước tôn giáo, điều đương nhiên hợp lý dựa trên những gì chúng ta biết về nguồn gốc xưa cũ của sự cảm thông và màn trình diễn.

Song câu hỏi chưa được giải đáp là tại sao đạo đức lại được kết nối rõ ràng với tôn giáo.

Boyer đặt mối liên hệ này trong trực giác đạo đức và niềm tin của chúng ta rằng các vị thần và tổ tiên đã khuất ảnh hưởng tới các lựa chọn đạo đức của chúng ta.

“Trực giác đạo đức cho rằng nếu bạn có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh, không bị làm biến dạng, bạn sẽ ngay lập tức nhận định xem nó đúng hay sai. Khái niệm tôn giáo chỉ là khái niệm của những người ngay lập tức có viễn cảnh về bức tranh đó.”

Ví dụ: Giả sử tôi làm điều gì đó mà bản thân cảm thấy là có lỗi. Như vậy có nghĩa là một Đấng nào đó có thông tin tổng thể về hành động của tôi sẽ coi hành động này là sai. Tôn giáo cho tôi biết rằng những Đấng nào đó này có tồn tại, và phải mất một chặng dài để giải thích lý do tại sao tôi cảm thấy có lỗi ngay từ đầu.

Boyer tóm tắt lại như sau: “Hầu hết các trực giác đạo đức của chúng ta đều rõ ràng nhưng chúng ta không hiểu căn nguyên khiến phát sinh các trực giác đó… Việc coi những trực giác này là do ý của một Đấng nào đó sẽ giúp đơn giản hoá vấn đề để lý giải vì sao chúng ta lại có những trực giác này.”

Do đó, Boyer kết luận, các khái niệm tôn giáo, theo một cách nào đó “tồn tại ký sinh trên các trực giác đạo đức.”

5 .Nghi thức tôn giáo thuở sơ khai và thách thức Thời Trục

Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng niềm tin tôn giáo là kết quả suy ngẫm của từng cá nhân đơn lẻ, nhưng chúng thực sự mang tính xã hội.

Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên vì, như tôi đã phân tích trong loạt bài này, tôn giáo xuất hiện từ một quá trình tiến hóa vốn buộc loài vượn người phải trở nên có tính kết nối cộng đồng cao hơn (xem chi tiết trong các bài với đường dẫn dưới đây).

Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để duy trì được sự bền vững của cộng đồng một khi cộng đồng đó phát triển, có đông thành viên hơn nữa, nhà tâm lý học tiến hóa Robin Dunbar giải thích.

Trước khi tổ tiên của chúng ta định cư thành các làng xóm, họ chỉ đơn giản là “di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác khi có mâu thuẫn”.

Tuy nhiên, sau khi định cư, họ vẫn phải đối mặt với một vấn đề rất nghiêm trọng: “làm thế nào để không để xảy ra tình trạng mọi người tàn sát nhau”. Thế là bắt đầu xuất nhu cầu quan tâm chăm sóc gây cảm tình thông qua đụng chạm cơ thể – chải lông, bắt rận – nhằm tăng tình cảm gắn bó giữa các cá thể trong cộng đồng.

Quá trình kết thân giữa các cá thể diễn ra dựa vào các hệ thống endorphin trong não, được kích hoạt bởi tập tính chải lông bắt rận nhằm tăng tình cảm bầy đàn, gây dựng cảm tình với nhau.

Đối với các nhóm lớn, Dunbar nói, việc lấy lòng bằng cách tiếp xúc trực tiếp có hai nhược điểm: tại bất kỳ thời điểm nào thì việc chải lông bắt rận cũng chỉ có thể thực hiện được với một cá thể; và mức độ đụng chạm thân mật đòi hỏi phải có mối quan hệ thân thiết.

Dữ liệu gần đây cho thấy các loài linh trưởng trong đời sống hoang dã dành tối đa là 20% thời gian hoạt động hàng ngày vào việc chải lông bắt rận cho nhau.

Dunbar tính toán rằng điều này chỉ có thể xảy ra ở các quần thể có dưới 70 cá thể, tức là thấp hơn đáng kể so các nhóm người hiện đại vốn thường có khoảng 150 thành viên.

Cho nên vấn đề nảy sinh là cần tìm cách thúc đẩy mối liên kết xã hội mà không cần đến phải dùng đến việc gần gũi thân mật.

Tiếng cười và âm nhạc là những giải pháp tốt, mà Dunbar cho rằng hai thứ này tạo ra các hiệu ứng giải phóng endorphin tương tự như đụng chạm cơ thể.

Ngôn ngữ cũng có tác dụng, một lý thuyết mà Dunbar đã khám phá từ rất lâu trong cuốn sách Grooming, Gossip, and the Evolution of Language (Chải Lông Gây Cảm Tình, Tán Gẫu Và Sự Tiến Hóa Của Ngôn Ngữ).

Do những hiệu ứng này có thể đạt được mà không cần đụng chạm cơ thể, chúng giúp gắn bó cộng đồng ở quy mô lớn hơn nhiều.

Theo Dunbar thì tôn giáo phát triển theo cách cho phép nhiều người cùng tham gia kích hoạt giải phóng endorphin.

Những nghi thức tôn giáo thuở sơ khai

Nhiều nghi thức liên quan đến tôn giáo, như hát, múa và các tư thế mô phỏng khác nhau để cầu nguyện, “là những kích hoạt tố cực kỳ tốt lên hệ thống endorphin, bởi chúng gây áp lực căng thẳng tinh thần hoặc đau đớn thể chất lên cơ thể.”

Một nghi thức Dunbar cho rằng có liên quan trong các tôn giáo có thầy cúng hay pháp sư, thầy phù thuỷ – tức những loại tôn giáo xuất hiện sớm nhất trong số các loại tôn giáo không có giáo lý – là lên đồng.

Dunbar nói nghi thức này là để khôi phục trạng thái cân bằng xã hội.

Trong thực tế, ông nói, hiệu quả dược lý (trong việc giải phóng endorphine) khi tham gia lên đồng cũng tương tự như hành vi đụng chạm khi chải lông: các cá nhân cảm thấy họ rất gắn bó gần gũi với nhau.

“Khi bước ra khỏi trạng thái này, bạn cảm thấy thư thái bình yên và gắn bó với những người đã tham gia cùng bạn,” Dunbar nói.

“Sau đó, bạn bắt đầu hỏi rốt cuộc đó là thứ gì. Làm sao mà tôi lại cảm thấy dễ chịu sau khi tham gia?”

“Tiếp đến có lẽ sẽ xuất hiện một ít những nhà thần học thông tuệ có thể lý giải việc đó. ‘Ta sẽ giải thích cho ngươi mọi nhẽ!’ Thế là bạn đã sẵn sàng tiếp nhận các tôn giáo mang tính chất giáo lý cao hơn.”

Nhưng những điệu nhảy lẻ tẻ này chỉ có tác dụng cho đến khi tổ tiên chúng ta bắt đầu sống ổn định.

Khi những người săn bắn hái lượm hình thành các nơi chốn sinh sống ổn định, khoảng 12.000 năm trước, cần phải có một điều gì đó bền vững hơn để khuyến khích dân chúng cư xử nền nếp với nhau.

Đặc biệt với sự căng thẳng gây hấn mới phát sinh khi bắt buộc phải sống trong những nhóm lớn là không thể tránh khỏi.

Việc lên đồng có thể thực hành trong các cộng đồng đông dân này với tần suất định kỳ – chẳng hạn như hàng tháng – nhưng cần phải có các nghi thức được thực hiện đều đặn hơn để khuyến khích sự gắn kết xã hội.

Cách mạng nông nghiệp và sự ra đời của các khu định cư

Sự hình thành các nơi chốn sinh sống ổn định lâu dài tương ứng với sự ra đời của nền nông nghiệp.

Cuộc cách mạng nông nghiệp, hay thời đồ đá mới, bắt đầu từ vùng đất Trăng Lưỡi Liềm Màu Mỡ ở Trung Đông, nơi được coi là cái nôi của nền văn minh nhân loại.

Dunbar nói rằng tại các khu định cư này xuất hiện không gian tâm linh đầu tiên trong lịch sử, trong đó lâu đời nhất là Gobekli Tepe ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Được khảo sát lần đầu tiên vào thời thập niên 1960, địa điểm này được khai quật từ năm 1996-2014 bởi một nhóm do nhà khảo cổ học người Đức Klaus Schmidt dẫn đầu.

Trong bài báo đăng trên thuộc Tạp chí Smithsonian năm 2008, Schmidt đã gọi nơi này là “thánh đường trên ngọn đồi” đầu tiên của nhân loại.

Gobekli Tepe, có nghĩa là “đồi bát úp” theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, là nơi không có dân cư, có vẻ như là nơi có nhiều ngôi đền khác nhau được dựng lên bằng những cây cột. Nó được cho là đã tồn tại từ khoảng 10.000 năm trước Công nguyên.

Như nhà sử học David Christian viết trong cuốn Câu Chuyện Nguồn Gốc: Lịch Sử Vĩ Đại Về Vạn Vật (Origin Story: A Big History of Things), nông nghiệp là một sự đổi mới vĩ đại, kỳ diệu.

Thật vậy, nông nghiệp là một cột mốc lớn mà một khi vượt qua được, tổ tiên chúng ta tiến vào một hành trình phát triển như vũ bão tạo ra các xã hội phức tạp hơn, thống trị lịch sử cận đại của loài người.

Khi dân số tăng, tại các khu định cư đông dân, xã hội ngày càng trở nên phức tạp, và thế là các mạng lưới chính trị, kinh tế và quân sự bắt đầu xuất hiện, Christian nói.

Trật tự xã hội dần được hình thành

Để phù hợp với các nhóm lớn như vậy, những quan niệm trước đây chủ yếu về mối quan hệ huyết thống họ hàng thân thích phải được cải tiến bằng “các quy tắc mới về tài sản, quyền hạn, thứ hạng tầng lớp xã hội và quyền lực.”

Kết quả của bảng xếp hạng mới này là khái niệm chuyên biệt hóa, dẫn đến sự phân chia các giai cấp khác nhau trong xã hội. Một số trở thành những người cai trị, một số là thương nhân, một số là linh mục.

Tương phản với nhu cầu tôn giáo của con người trong thời săn bắn hái lượm, các nghi thức tôn giáo của người thời đại đồ đá mới “tập trung tất cả vào một người, là vị vua thiêng liêng, được coi như vị thần hoặc á thánh, và một số ít người gồm các tu sỹ hoặc người thuộc dòng dõi hoàng thất,” nhà xã hội học quá cố Robert Bellah viết.

Điều quan trọng là trong thời kỳ này, “vua và thần linh đã kết hợp với nhau… và tiếp tục duy trì mối liên kết bền chặt đó trong suốt quá trình lịch sử”.

Thời Trục

Và rồi sự liên kết đó đã bị thách thức trong giai đoạn mà một số người gọi là Thời Trục (Axial Age).

Khái niệm ‘Thời Trục’ do nhà triết học Karl Jaspers đưa ra, dùng để chỉ thời kỳ diễn ra những thay đổi sâu rộng trước Công Nguyên ở Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Israel và Hy Lạp.

Jaspers nói rằng đó là lúc mà “con người bắt đầu nhận thức rõ ràng về việc mình Tồn Tại như một cá thể trọn vẹn” và “đạt tới trải nghiệm tuyệt đối về những thay đổi nhanh chóng”. Khi đó, nhân loại đã “bước chân vào thế giới vạn vật bao la”.

Khái niệm tính hướng trục là điều gây tranh cãi, theo Jasper.

Không chỉ có những ý kiến khác nhau về chuyện giai đoạn lịch sử này là gì, xảy ra vào khi nào, mà, như Bellah đã lưu ý, phần lịch sử Jaspers nêu ra rất giống với triết lý sinh tồn của ông.

Tuy nhiên, Bellah nghĩ rằng khái niệm này đáng để cân nhắc, dẫu cho nó cần phải được cân nhắc bằng những đánh giá dè dặt.

Dù chúng ta có bỏ qua triết lý của Jaspers thì vẫn không thể phủ nhận rằng sự chuyển đổi lớn về nhận thức đã xảy ra rất nhanh trong Thiên niên kỷ 1 trước Công Nguyên.

Khi tôi hỏi Dunbar rằng liệu ông có đồng ý với giả thuyết Thời Trục không, ông nói, “nếu ý ông cho rằng giả thuyết này đề cập đến một giai đoạn chuyển đổi trong đó có sự xuất hiện đột nhiên và nhanh chóng của các tôn giáo với các nghi lễ và hệ thống giáo lý, thì câu trả lời là có.”

Vậy bản chất hướng trục là gì trong thời đại này?

Đầu tiên, tất cả những cái gọi là đột phá trục xảy ra bên ngoài các trung tâm đế quốc.

Bellah nói rằng cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nước đã “tạo điều kiện cho các học giả tuỳ ý bôn tẩu mà không chịu sự ràng buộc từ giới tăng lữ hoặc quan lại trung ương tập quyền”.

Đặc điểm của Thời Trục là các gương mặt tên tuổi của thời này có thể đứng từ bên ngoài mà chỉ trích chính quyền trung ương. Trên thực tế, một sử gia đã gọi Thời Trục là “thời đại chỉ trích”.

Bellah nói rằng câu hỏi quan trọng nhất trong giai đoạn đột phá này là, “ai là bậc quân vương, là người thực sự thực thi công đạo?”

Cho nên, chẳng hạn như ở Hy Lạp, triết gia Plato giảng giải rằng chúng dân chớ hướng vào những người thuộc giới quý tộc như Achilles, mà cần học hỏi triết gia Socrates.

Ở Ấn Độ, Đức Phật là người từ bỏ ngai vàng. Và ở Israel, sự hợp nhất giữa Thần linh và vua đã phá vỡ những câu chuyện tiên tri về việc Đức Chúa Trời (YHWH) tuỳ ý phế truất và lập các vị vua.

Nói tóm lại, Bellah nói, tính hướng trục bao gồm khả năng hình dung ra các mô hình mới, thực tiễn, hấp dẫn hơn để thay thế cho các mô hình đã có.

Chìa khóa cho sự chuyển đổi sang thời đại chỉ trích này là khả năng phát minh hình vẽ (ký hiệu tượng hình) và lưu giữ trí nhớ dưới dạng văn bản, nếu không có cầu nối chuyển giao này thì sẽ không thể xảy ra sự chuyển dịch từ Thời Đồ Đá Mới sang con người hiện đại, theo Bellah.

Nếu không có khả năng lưu trữ thông tin bên ngoài bộ não con người, con người sẽ không thể phát triển tư duy bậc cao. Và nếu không có điều đó, chúng ta sẽ không bao giờ có thể mã hóa các trải nghiệm tôn giáo của mình thành các học thuyết thần học phức tạp.

Chắc chắn là học thuyết và sự phân tích đã tồn tại từ trước khi có chữ viết, như Bellah thừa nhận.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua thực tế rằng ngôn ngữ truyền miệng và ngôn ngữ bằng văn bản cùng tồn tại đan xen theo các cách khác nhau, khiến khó có thể nói rằng thứ gì đó là hệ quả của duy nhất chữ viết.

Tất nhiên, như Bellah lưu ý, chúng ta cũng không thể coi nhẹ tầm quan trọng của chữ viết, công cụ đã cho phép các câu chuyện được viết ra, được tìm hiểu và so sánh, “do đó làm tăng khả năng suy ngẫm, phân tích”.

Lối tư duy mà ông thấy xuất hiện trong Thời Trục là học thuyết về các học thuyết, tư duy về các lối tư duy.

Chính khả năng tư duy bậc cao đã dẫn đến bước đột phá về tôn giáo và triết học: “không chỉ là sự đánh giá lại quan trọng về những gì đã được lưu truyền từ đời trước, mà còn là một khám phá mới về bản chất của thực tế, quan niệm thượng tôn sự thật trước những gian dối có thể bị phán xét, và niềm tin rằng sự thật điều có tính phổ quát chứ không phải là điều mang tính địa phương cục bộ”.

Sử gia Antony Black, người cực lực phản đối quan niệm của Jaspers về Thời Trục, cũng đồng ý rằng trong cùng khoảng thời gian đó đã xuất hiện “một cách tiếp cận về cái tôi và vũ trụ hợp lý, sâu sắc hơn, mang tính phản ánh, giác ngộ, đồng thời mạch lạc hơn…. Tựu chung lại chính là một cách giải thích mới về trải nghiệm và một loạt các mục tiêu mới của chúng ta.”

Nói tóm lại, dấu ấn hướng trục của Thời Trục vẫn còn đến tận ngày hôm nay.

“Các thành phần cơ bản trong lối tư duy của chúng ta và sự khởi đầu của các tôn giáo trên thế giới mà con người vẫn đang theo đuổi đã được tạo ra trong thời kỳ này,” Jaspers viết.

Tất nhiên, những tôn giáo và triết học này đã trải qua một số thay đổi, nhưng chúng đại diện cho những thứ mà từ đó hình thành nên tất cả các tôn giáo đương đại của chúng ta.


Brandon Ambrosino viết bài cho New York Times, Boston Globe, The Atlantic, Politico, Economist và các báo khác. Ông sống tại Delaware. Đây là phần một của loạt bài đặc biệt, tìm hiểu về cội rễ tiến hoá của tôn giáo.

Nguồn bài đăng

Bình luận về bài viết này