Đại Cáo: Huyền Thoại về Vị Vua Khai Quốc Lê Lợi (Bài 3)

8f04a9d244c1e2710757a7c2929898be.jpg

Lê Tư

IV . HUYỀN THOẠI CỦA THẾ KỶ XV

  1. Đại Cáo là huyền thoại xã hội:

Xin hiểu huyền thoại ở đây theo định nghĩa của Roland Barthes.

Roland Gérard Barthes (1915 – 1980), học giả Pháp, chuyên về lý thuyết xã hội, ký hiệu học, phê bình văn học, triết học… Ông đã kinh qua những lĩnh vực huyền thoại, ký hiệu, văn bản để sau cùng là tự chiêm nghiệm. Mỗi giai đoạn đều có tác phẩm tiếng tăm như: “Mythologies” (Các huyền thoại); “The Death of the Author” (Cái chết của Tác giả); “S/Z” (Phân tích tác phẩm Sarrasine của Balzac); “A Lover’s Discourse: Fragments” (Một Diễn ngôn của Tình nhân: Các mẫu vụn); tự truyện “Roland Barthes”… Barthes từng khuấy động các trào lưu “cấu trúc luận”, “phê bình ký hiệu” và “hậu cấu trúc luận” tại Tây Âu, ảnh hưởng đến cả Hoa Kỳ, Nhật Bản. Dù được xếp vào nhóm trí thức thiên tả nhưng ông không gia nhập Đảng Cộng sản, cũng chưa bao giờ nhận mình theo chủ nghĩa Marxism.

Quyển Các huyền thoại (Mythologies 1957) được chia thành hai phần: phần I gồm 53 bài báo(254) đăng trên tạp chí cánh tả Les Lettres nouvelles trong quãng 1954-1956; phần II là tiểu luận đưa ra nhận xét tổng quan, cũng như phương pháp đọc hiểu, về cái mà Barthes mệnh danh “huyền thoại ngày nay” vốn đã được giải hoặc ở phần I. Các bài báo thâm nhập vào thế giới vật chất-văn hóa mang tính đại chúng thể hiện qua báo chí, phim ảnh, quảng cáo, nhiếp ảnh, sân khấu …; đối tượng là các sự vật hay sự việc như xe hơi, bột giặt, thực phẩm, trận đấu vật, phiên tòa, cuộc triển lãm, vòng đua xe đạp…Barthes tháo dỡ lớp hàm nghĩa bao phủ các mẫu chuyện đồng thời chỉ ra động cơ và ý định của người xếp đặt các câu chuyện đó. Các huyền thoại ra đời trong ba thập niên kinh tế tăng trưởng vượt bậc (1945 – 1975), song hành với sự co rút của đế quốc Pháp. Lúc ấy trận Điện Biên phủ vừa kết thúc và cuộc chiến Algeria đang tiếp diễn. Tác phẩm đích thực là nổ lực nhận dạng lại căn tính của nước Pháp, người Pháp, văn hóa Pháp vốn bị thể hiện méo mó bởi các phương tiện giao tiếp quần chúng chi phối bởi chính trị gia cánh hữu.

Theo truyền thống, có hai định nghĩa về huyền thoại:
– Là ý tưởng hay niềm tin sai lầm nhưng vẫn được lưu truyền bền lâu.
– Là truyện cổ nói về thời sơ sử của một cộng đồng người, hoặc nhằm giải thích các hiện tượng xã hội hay tự nhiên, thường có sự tham gia của các nhân vật, sự kiện siêu phàm.

Huyền thoại của Barthes gần gũi với định nghĩa thứ nhất. Nhưng để tra vấn huyền thoại, ông tiếp cận chúng từ phương diện hình thức và đưa ra định nghĩa riêng, cụ thể như sau:

Huyền thoại là một kiểu ngôn luận.

…huyền thoại là một hệ thống giao tiếp, một thông điệp. Điều này cho phép ta lĩnh hội được rằng huyền thoại không có thể là một đồ vật, một khái niệm hay một ý tưởng; nó là một phương thức biểu hiện, một hình thức.(255)

Dựa vào khái niệm cơ bản về ký hiệu của Ferdinand de Saussure,(256) và vào khái niệm nhiều-tầng-nghĩa của Louis Hjemslev,(257) Barthes giải thích thêm:

Tuy nhiên, huyền thoại là một hệ thống đặc biệt ở chỗ nó được dựng lên từ một chuỗi ký hiệu tồn tại trước nó: nó là hệ thống ký hiệu cấp hai. Ký hiệu (tổng kết hợp của một khái niệm và một hình ảnh)(258) của hệ thống thứ nhất chỉ là cái biểu đạt của hệ thống thứ hai.(259)

Ông đề xuất mẫu hình huyền thoại như sau:

1.png

Roland Barthes, Mythologies, Annette Lavers dịch sang tiếng Anh, Nxb Hill and Wang 2013, trang 224
Signifier: cái biểu đạt – Signified: cái được biểu đạt – Sign: ký hiệu. Language: ngôn ngữ – Myth: huyền thoại

Có thể thấy hai hệ thống ký hiệu trong huyền thoại, một trong hai được xếp lệch với phần còn lại: một hệ thống ngôn ngữ, ngôn ngữ (hoặc các phương thức thể hiện đồng hóa với nó),(260) sẽ được mang tên ngôn-ngữ-đối-tượng, bởi chính ngôn ngữ được huyền thoại nắm lấy để tạo nên hệ thống riêng của mình; và bản thân huyền thoại, mà tôi sẽ gọi là siêu-ngôn-ngữ, vì đó chính là ngôn ngữ thứ hai, trong đó người ta nói về (ngôn ngữ) thứ nhất.(261)

Để hiểu rõ hơn các định nghĩa về huyền thoại của Barthes, cũng để thuận lợi hơn trong việc phân giải Đại Cáo ở đoạn tiếp theo, chúng ta hãy xem lại ví dụ lừng danh về huyền thoại của xã hội tư sản Pháp thập niên 1950: bức hình bìa tạp chí Paris Match số 326 (23/6-2/7/1955).

2.png
(http://bit.ly/2zlnisa)

Bức hình thể hiện một thanh niên da đen mặc đồng phục Pháp trong tư thế chào, mắt hướng lên, có vẻ về phía lá cờ tam tài. Theo Barthes, đó chính là nghĩa (meaning) của bìa báo. Tuy nhiên, ông tiếp tục bộc lộ chuỗi dài cảm tưởng:

Chẳng biết có ngây thơ hay không, nhưng tôi nhận rõ thông điệp từ bức hình: Pháp là một Đế quốc vĩ đại, rằng tất cả con trai của nó, không phân biệt màu da, đang phục vụ trung thành dưới cờ, rằng không câu trả lời nào cho bọn xúc xiểm về chủ-nghĩa-bị-đồn-là-thực-dân tốt hơn lòng nhiệt thành phục vụ cho nhóm bị-coi-là-kẻ-đàn-áp trình diễn bởi Người da đen này. Vì thế tôi lại lần nữa đối diện với một hệ thống ký hiệu, lớn hơn: tồn tại một cái biểu đạt, hình thành từ hệ thống trước (chiến sĩ da đen đang chào kiểu Pháp); tồn tại một cái được biểu đạt (ở đây là hỗn hợp quyết tâm của tính chất Pháp và tính chất quân sự); sau cùng, hiện hữu một cái được biểu đạt thông qua cái biểu đạt.(262)

Cái Barthes gọi là nghĩa (meaning), hay hiển nghĩa,(263) thuộc về cấp một, tức thuộc hệ thống ngôn ngữ. Cảm nhận tiếp theo thuộc về cấp hai, tức thuộc bản thân huyền thoại, tạm gọi là ý nghĩa (signification), hay hàm nghĩa.(264)

Barthes diễn đạt ý tưởng bằng văn phong tài hoa đòi hỏi cách cảm thụ công phu, tuy nhiên, có thể trình bày suy nghĩ của ông về hai cấp ký hiệu theo cách giản dị hơn như sau:

– Nghĩa cấp 1, hiển nghĩa: người lính da đen có vẻ như chào cờ Pháp như mọi lính Pháp da trắng khác.
– Nghĩa cấp 2, hàm nghĩa: Đế quốc Pháp bao gồm nhiều chủng tộc và tất cả đều được đối xử đúng mực nên ai cũng sẵn lòng phục vụ. Nó là thực thể vĩ đại, hùng mạnh và chính đáng.

Như vậy, hình bìa tạp chí nói trên chính là một huyền thoại về đế quốc Pháp, nó đảo ngược tình trạng đang rạn vỡ của thực thể chính trị lớn thứ nhì thế giới lúc bấy giờ. Cho nên theo Barthes, huyền thoại là kiểu ngôn luận được định rõ bằng sự cố tình; nó không giấu giếm gì cũng chẳng phô trương gì, không dối trá cũng chẳng thú nhận, huyền thoại chỉ đóng vai trò làm biến dạng hay chuyển hướng. Đặc tính của huyền thoại hiện đại là biến Lịch sử thành Tự nhiên, nói cách khác, biến nghĩa (meaning) thành hình thức (form) rồi điền kín hình thức bằng khái niệm (concept) mới để tạo nên nghĩa mới gọi là ý nghĩa (signification). Khi quan sát bức hình, người xem lấy đi Chiến-sĩ-da-đen-đang-chào-cờ, không với mục tiêu biến nó thành thí dụ hay biểu tượng, mà nhờ nó để biến Đế quốc Pháp thành tồn tại tự nhiên. Huyền thoại này xua đuổi, khước từ ác cảm về một định chế trưởng thành từ bạo lực và sắp lụi tàn trong bạo lực, nó được xếp đặt với những toan tính điều khiển bởi ý thức.

Qua phân tích các huyền thoại kiểu mới, Barthes chỉ ra lối tuyên truyền tinh vi thực hiện bởi thành phần cầm cân nảy mực đương thời, hoặc bởi cái bóng của nó. Tuy vậy, dễ nhận thấy hoạt động đó không phải là đặc sản chỉ tư bản Pháp mới có. Tất cả những nhà cai trị trước và sau Barthes, trong hay ngoài châu Âu, dù áp dụng hình thái ý thức nào, đều tìm cách thuyết phục đám đông bằng mọi cách; vì niềm tin tập thể vào một xã hội ổn định, tự mãn, tồn tại hiển nhiên theo kiểu bất khả tranh nghị, sẽ củng cố địa vị và duy trì lợi ích của kẻ đương quyền. Đại Việt đầu thế kỷ XV không ngoại lệ, Đại Cáo chỉ là một đơn vị trong phức hợp huyền thoại gồm Lam Sơn thực lục, Đại Việt sử ký, Dư địa chí, thơ phú sơ Lê…Chúng dù bị biến dạng nhiều do tam sao thất bổn nhưng vẫn rõ nét là những tập hợp ký hiệu phát đi lời biện minh cho tính chính đáng của tông tộc quyền lực.

Mythologies phơi trần ước muốn của giới cầm quyền tư sản: duy trì đế chế thực dân Pháp (Ngữ pháp Phi châu),(265) khẳng định ưu việt chủng tộc (Bichon giữa người Da đen),(266) khuyến khích phụ nữ làm mẹ và làm vợ (Các lứa đôi),(267) áp đặt giá trị chủ quan lên tha nhân (Dominici, hay Toàn thắng của Văn chương)(268)… Bằng nghiên cứu của mình, Barthes một mặt phá vỡ ranh giới giữa “văn hóa cao” và “văn hóa bình dân” (Trên sàn đấu vật),(269) mặt khác lại bộc lộ đề kháng trước sự tràn lấn của văn hóa đại chúng đậm vị tiểu tư sản (Phê bình Câm và Mù).(270) Giai đoạn tái xây dựng nước Pháp sau khi thoát ách phát-xít không khác gì giai đoạn phục hưng Đại Việt sau đánh đuổi giặc Minh. Qua Đại Cáo chúng ta thấy Lê Lợi định nghĩa đế quốc Đại Việt, tư cách thần dân Đại Việt, truyền thống Đại Việt đồng thời chính thức tuyên bố áp dụng học thuyết quân chủ Nho giáo. Học thuyết này hàm chứa những qui định về phương pháp cai trị, về vai trò của vua quan, trí thức và phụ nữ… mà vài thập kỷ trước còn nằm trong giấc mơ của nhóm nhà Nho phụng sự triều đình sùng Phật. Nguyễn Trãi dự trù Đại Cáo cho cả đối tượng thuộc “truyền thống lớn” lẫn “truyền thống nhỏ”, có lẽ theo mệnh vua Lê, nhưng qua ghi chép cá nhân, ông bộc lộ nỗi lo âu trước văn hóa thiếu tinh tuyển của giới quý tộc mới, loại văn hóa vốn là tổng hòa văn hóa của hai khu vực bắc bộ và bắc trung bộ với ưu thắng từ phía nam.

Để tìm hiểu chi tiết các lớp nghĩa của Đại Cáo, thay vì đọc theo kết cấu cương-mục, chúng tôi sẽ đọc theo “đoạn văn”.(271) Các đoạn văn được xếp theo chiều dọc trong biểu dưới đây đánh dấu theo thứ tự A, B, C…như trình bày ở phần II. Theo chiều bên là hai tầng nghĩa dựa trên mẫu hình huyền thoại và được chú bằng “hiển nghĩa” hay “hàm nghĩa”. Hàm nghĩa gồm hai phần, phần thế kỷ XV được giả định dưới góc nhìn đồng đại, phần thế kỷ XX dưới góc nhìn hiện đại.

Văn bản Hiển nghĩa Hàm nghĩa (thế kỷ XV) Hàm nghĩa (thế kỷ XX)
  Ngôn ngữ Huyền thoại Huyền thoại
(A) Vua có trách nhiệm nuôi và bảo vệ dân, dùng binh chỉ để diệt kẻ tàn bạo. Người tuyên cáo đứng ở vị trí đế vương. Lê Lợi-Nguyễn Trãi dương cờ nhân nghĩa để chống xâm lược bạo tàn.
(B) Đế quốc Đại Việt có lãnh thổ, nhân dân và chính sự riêng đối xứng với Đế quốc phương bắc. Thế giới văn minh chia làm hai cực, Nam đế và Bắc đế; Đại Việt và Đại Hán. Tuyên ngôn độc lập thứ hai sau bài thơ “Thần” kháng Tống.
(C) Đại Việt đánh bại tất cả các tướng Nam Hán, Tống, Nguyên. Tiên báo số phận bất hạnh dành cho mọi thế lực muốn thay đổi trật tự đã định. Một giai đoạn lịch sử vẻ vang, nhắc lại truyền thống chống xâm lăng lâu đời của dân tộc.
(D) Do chính quyền cũ sai lầm nên giặc Minh phối hợp với một số người địa phương ác ôn hãm dân chúng và mọi loại sinh linh vào đường cùng bằng nhiều phương cách ác độc; thần, người, trời đất đều căm giận. Quá trình khổ nạn, gây nên bởi thù trong giặc ngoài, để đi đến cứu rỗi của sinh linh Đại Việt. Dự cảm kết thúc xấu cho bọn hiếu chiến và tham lam. Giặc Minh hại người, hại cả môi trường. Tội ác vô cùng, trời không dung đất không tha. Bản tố cáo mang nhiều yếu tố của Tuyên ngôn nhân quyền.
(E) Xem giặc Minh là “thù truyền kiếp”, Lê Lợi vào núi để rèn luyện khả năng đánh giặc, khởi nghĩa nổ ra theo tình thế dù giặc đang mạnh. Từ giao điểm của trời và đất, Lê Lợi dần tích lũy trí lực vô song. Ông giữ vị thế chính nghĩa của Vũ vương nhà Chu dù tạm thời yếu hơn kẻ thù. Lê lợi xuất thân khiêm tốn nhưng hoài bão lớn, nuôi lòng căm thù giặc sâu sắc. Ông là hình ảnh của nhân dân Việt Nam.
(F) Ít người có khả năng giúp kháng chiến bằng trí và lực xuất hiện, ông muốn giải phóng đồng bằng nên luôn mong chờ hiền tài. Sự cô đơn của đấng cứu rỗi.  
(G) Thiếu hỗ trợ từ lớp tinh hoa giàu có, tài giỏi nên kháng chiến sớm kiệt lực; với ý chí phi thường Lê Lợi nhận mệnh trời, huy động bình dân, bước đầu tìm thấy lối ra. Quá trình thương khó của chúa Lam Sơn, ông vừa mang tính chất nhà vương chính danh, vừa mang tính chất giáo chủ. Dù thiếu thốn mọi bề nhưng nhóm kháng chiến vẫn lạc quan, tin tưởng vì biết dựa vào dân. Khẳng định sức mạnh của dân, tức manh lệ, là tư tưởng rất tiên tiến.
(H) Dùng nhân nghĩa chế ngự tàn bạo, quân khởi nghĩa liên tiếp đánh bại giặc, thu phục đất cũ; chúng xin hòa rồi lại tiếp tục chống cự. Á thánh Mạnh Tử đứng về phía Lê Lợi, tiên báo về thất bại của bọn cưỡng lại trật tự thế giới được thực hiện bước đầu. Chiến thắng dồn dập bộc lộ sức mạnh không gì cưỡng nổi của đạo quân theo truyền thống nhân nghĩa.
(I) Tuyên Đức sai Liễu Thăng và Mộc Thạnh sang cứu, quân ta liên tục giết chủ tướng rồi hai thuộc tướng khiến đạo quân xâm lược tự rối loạn. Tiên báo được tiếp tục thực hiện, một lần nữa chính nghĩa của vua Lê lại hiển lộ. Quân dân ta từng bước thực thi công lý.
(J) Chuẩn bị tốt về trang bị và nhân lực, ta nhanh chóng đánh bại cả hai đạo viện binh, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc, ép Mộc Thạnh bỏ chạy. Giặc chết rất nhiều. Các thành lần lượt ra hàng. Hiện thực đáp ứng hoàn toàn tiên báo, Lê Lợi diệt Minh chẳng khác gì Vũ vương diệt Trụ. Bản anh hùng ca chiến thắng mang tầm vóc vũ trụ.
(K) Vương Thông, Phương Chính được cấp thuyền, ngựa để về nước. Vua Lê tránh tạo thêm tổn thất cho cả hai bên tạo cơ sở cho hòa hiếu lâu dài. Quốc gia bền vững, đất nước thái bình nhờ trời đất và tổ tiên nhà vua âm phù. Vua ta thuận đạo hiếu sinh nên quân dân hai bên đều hưởng phúc. Ông tỏa sáng nhờ mệnh trời và đức của tổ tiên. Bọn giặc hèn nhát, thảm hại được tha chết làm nổi bật chính nghĩa Đại Việt. Nhắc nhở mọi người tự hào quá khứ, yêu hiện tại, hướng tới tương lai.
(L) Một lần mặc giáp mà lập nên võ công chưa từng có. Nay bốn biển thanh bình, bố cáo đổi mới để mọi người nghe biết. Tái khẳng định vị thế Lê Lợi tương tự vị thế Chu Vũ vương. Hội duy tân mở đường xây dựng mùa xuân dân tộc.

Tổng kết:

Văn bản Hiển nghĩa Hàm nghĩa (thế kỷ XV) Hàm nghĩa (thế kỷ XX)
  Ngôn ngữ Huyền thoại Huyền thoại
Toàn bộ Tường trình cuộc chiến đấu kháng Minh phục Việt thành công dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi. Lê Lợi hội đủ tài đức nên việc ông nhận thiên mệnh cai trị Đế quốc phương nam là lẽ đương nhiên. Việt Nam là dân tộc phi thường: đoàn kết, dũng mãnh, đạo đức, họ vượt trên và đi trước thời đại.

Phần hàm nghĩa thế kỷ XV được rút ra khi đọc Đại Cáo giữa mạng lưới kinh truyện Nho giáo phổ biến dưới thời phong kiến.

Phần hàm nghĩa thế kỷ XX được rút ra khi đọc Đại Cáo giữa mạng lưới văn bản sách giáo khoa, nghiên cứu viết bằng chữ quốc ngữ.

Đại Cáo không phải lời nói của cần lao hay của nhà cách mạng mà là “đức âm”, lời vua. Với hơn một tầng nghĩa, nó chính là huyền thoại. Nếu huyền thoại thời Barthes củng cố ý thức hệ tư sản thì huyền thoại thời Lê Lợi giới thiệu ý thức hệ Nho giáo với khái niệm Vua-Con trời nhằm thay thế ý thức hệ Phật giáo với khái niệm Vua-Phật thời Lý Trần đã lạc hậu vào giai đoạn đó. Sản phẩm huyền thoại chỉ dành cho nhóm tiêu dùng nhất định tại thời điểm nhất định nên chúng ta hiếm thấy người tân học hiểu Đại Cáo đúng mức. Việc cắt nhỏ văn bản thành nhiều đoạn văn để lộ một khoảng trống trong cách tiếp thu hiện đại, các thế hệ sử dụng chữ quốc ngữ hầu như lướt qua thời điểm cô đơn tuyệt đối của đầu mục Khả Lam. Dường như họ chỉ thấy ở đó cái khó khăn gian khổ thuần vật chất. Sự thiếu quan tâm đến nút thắt tinh thần của câu chuyện dẫn đến hiểu biết mù mờ về toàn thể câu chuyện.

Nhằm ngụy trang bản chất “hệ thống ký hiệu” của huyền thoại dưới lớp áo “hệ thống sự việc”, người sáng chế ra chúng phải sử dụng một số kỹ thuật nhất định. Huyền thoại tư sản, theo Barthes, chủ yếu dùng bảy hình thái tu từ để chinh phục người đọc: tiêm ngừa, tước bỏ lịch sử, đồng nhất hóa, trùng ngôn, chủ nghĩa không này-không kia, lượng hóa phẩm chất, và tuyên bố dữ kiện. Hình thức phong phú của những cái-biểu-đạt-huyền-thoại sẽ tự xếp đặt để đạt được các hình thái đó. Ông cho rằng khả năng có nhiều hình thái khác nữa, kiểu cũ chìm dần, kiểu mới luôn xuất hiện. Ngoài những tương đồng mục đích điểm qua bên trên, chúng ta thử xét dưới đây từng dạng tu từ một để xem Đại Cáo có tương đồng với huyền thoại hiện đại trong việc khai thác các kỹ thuật thuyết phục hay không.

Tiêm ngừa (Inoculation):

Barthes cho rằng giới tư sản thích cho quần chúng biết cái xấu xí tình cờ của một định chế mang tính giai cấp hơn là toàn bộ nguyên tắc độc hại của họ. Lượng thông tin nhỏ tương tự liều chủng ngừa bé xíu giúp con người làm quen để đề kháng với bệnh tật nặng hơn. Thủ thuật này có vẻ rất gần với cách giải thích lỗi lầm nào đó chỉ là hiện tượng thay vì bản chất. Trong xã hội phong kiến, cách thuyết phục như thế không phổ biến vì quan niệm nguồn gốc quyền lực hoàn toàn khác. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề trong kết luận của phần này.

Tước bỏ lịch sử (Privation of History):

Tước bỏ tính lịch sử khỏi một sự kiện hay hiện tượng xã hội là thao tác cô lập sự kiện/hiện tượng đó khỏi mạng lưới nguyên nhân khiến chúng xảy ra cũng như hậu quả rối rắm do chúng mang đến. Khi đó sự kiện/hiện tượng chỉ đơn thuần tồn tại một cách tự thân và hồn nhiên trước cặp mắt của người quan sát. 

Để thuật lại hoạt động của Lê Lợi và quân đội Lam Sơn, Nguyễn Trãi sử dụng nhiều ý, từ và thành ngữ đã được dùng trong các thiên Thái Thệ, Vũ Thành, Đại Cáo thuộc kinh Thư. Bảng liệt kê dưới đây giúp thấy rõ hơn cách diễn đạt dựa trên vốn cổ đã gắn kết hoạt động của hai nhóm người ở hai thời đại khác nhau, hai vùng địa lý cách xa nhau như thế nào:

Hình ảnh Lịch sử Kinh Thư
An dân khử bạo Mục đích khởi nghĩa chống Minh Mục đích Thành Thang diệt Hạ
Quan quả điên liên Thủ lĩnh Việt lên án giặc Minh Chu Thành vương lên án Vũ Canh
Niệm thế thù Lê Lợi thù giặc Minh Cơ Phát thù vua Trụ
Đại nghĩa chí nhân Tinh thần chúa tôi Lam Sơn Tinh thần vua tôi nhà Chu
Đảo qua tương công Quân Liễu Thăng tự đánh nhau Quân Thang tự đánh nhau
Huyết / chử phiêu Quân Mộc Thạnh tự vỡ Quân Đế Tân tự vỡ
Tổ tông chi linh Lê Lợi qui công cho tổ tiên Vũ vương qui công cho cha
Nhất nhung đại định Lê Lợi bình Ngô Vũ vương diệt Trụ
Tứ hải vĩnh thanh Lời đại cáo của vua Lê Lời hiểu dụ của vua Vũ

Ta thường gọi những nhóm từ ngắn gọn nhắc đến các câu chuyện xưa trong kinh sử Trung Hoa là điển tích, chúng khơi gợi liên tưởng nên có thể áp mẫu hình huyền thoại, minh họa bằng các thuật ngữ của riêng Barthes, cho các tất cả trường hợp cục bộ trên như sau:

Cái biểu đạt cấp 1 Cái được biểu đạt cấp 1  
Ký hiệu cấp 1 (nghĩa) = Cái biểu đạt cấp 2 (hình thức) Cái được biểu đạt cấp 2
(khái niệm)
Ký hiệu cấp 2 (ý nghĩa)

Quá trình tước bỏ lịch sử chính là quá trình “nghĩa” chuyển hóa thành “hình thức” để sẵn sàng tiếp nhận “khái niệm” mới và cho ra “ý nghĩa” mới. Có thể so sánh quá trình này với hoạt động “đánh cắp ngôn ngữ” hay “phi chính trị hóa” vì cả ba đều lấy đi nghĩa của ký hiệu cấp I, để biến cái lóe lên giây phút thành muôn thuở.

Nguyễn Trãi tường thuật hoạt động của Lê Lợi trong thế tương ứng với hoạt động của các vua nhà Chu. Sức thuyết phục của cách làm này nằm ở chỗ nó đồng hóa một hoạt động tại thời điểm-địa điểm nhất định, tức vận động lịch sử, với một điển mẫu mang tính thiên định, tức số mệnh hay loại vận động nằm trên ý muốn con người. Ức Trai tách Lê Lợi khỏi bối cảnh lịch sử đầy đủ tính nhân-quả bằng một bối cảnh khác có sẵn, đã hóa thạch, mang tính vĩnh hằng.

Đồng nhất hóa (Identification):

Barthes xem thái độ muốn đồng nhất hóa đối tượng giao tiếp là đặc thù của giới tiểu tư sản. Theo ông, thành phần tiểu tư sản luôn từ chối hoặc lãng tránh sự xuất hiện của Kẻ khác, hoặc luôn có nhu cầu biến người khác thành chính họ. Trường hợp không đồng hóa được Kẻ khác, họ sẽ xem đối tượng như món đồ, như con rối… và hạ chúng xuống vị trí ngoại biên của nhân tính.

Nho gia cũng vậy, họ luôn muốn áp đặt đặc điểm nội tại của mình lên tha nhân dù đó là đối tượng giao lưu hay tranh đấu. Tùy hoàn cảnh, họ sẽ đặt Kẻ khác vào thế giới Nho giáo hoặc thế giới man di. Về điểm này, Nguyễn Trãi thật may mắn vì ông được đào tạo theo khuôn mẫu Khổng Mạnh, do đó không cần phải gò ép người Minh theo triết thuyết của mình.

Câu đầu tiên của Đại Cáo nhấn mạnh ý hướng muốn đồng nhất như thế: “Duy, ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang”, Xét như nước Đại Việt ta, thực là một nước văn hiến. Quá nhiều người thắc mắc vì sao để nhấn mạnh tương phản giữa Nam và Bắc nhà thơ lại mở đầu bằng yếu tố tương đồng, là điểm tự hào chung của cả hai bên? Nếu soi vào tư duy Ức Trai bằng hình đồ Thái cực, chúng ta sẽ thấy “văn hiến” chính là đường tròn viền quanh hình vẽ. Nó là khung chuẩn mực căn bản để định nghĩa và bàn luận sự khác biệt. “Văn hiến” tượng trưng hệ thống tiêu chí Nho giáo mà soạn giả dựa vào nhằm biện giải đúng sai, như một nhân viên giám định đưa ra cái TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) hay ISO (tiêu chuẩn quốc tế) nào đó trước khi tiến hành công việc. Thực tế, bản án chế độ thực dân Minh của ông hoàn toàn đặt cơ sở trên “nhân”, “nghĩa”, “hiếu sinh”…, là những khái niệm đạo đức cổ điển mà hai phe đều dương cao. Bản án có vẻ tương tự như bản án của loại Tòa quốc tế được cả bên nguyên lẫn bên bị công nhận; nó tránh khỏi phận bèo bọt của phán quyết từ Tòa án Trọng tài thường trực về vụ kiện biển đảo do Philippines đứng nguyên đơn. Theo Barthes, cái cân chỉ cân được một vật bằng vật tương đương, nên có thể nói sức mê hoặc của Đại Cáo đã có phần phát huy từ thao tác đồng nhất hóa này. Phê phán Đại Cáo hướng về người Minh đáng tin hơn chỉ trích mà nhà nho Ngô Sĩ Liên nhắm vào hoạt động Phật giáo của vua Trần, hay công kích mà các nhà dân tộc chủ nghĩa dành cho nền chính trị kiểu Nho giáo của triều Nguyễn.

Trùng ngôn (Tautology):

Theo Barthes, “trùng ngôn” định nghĩa vật tương tự bằng vật tương tự, ví dụ như “vở tuồng là vở tuồng”, “công việc là công việc”, “Racine là Racine”.(272)

Dẫn quan niệm của Jean-Paul Sartre,(273) Barthes cho rằng trùng ngôn thể hiện cách ứng xử mang tính ma thuật, người ta ẩn vào nó vì sợ, giận, buồn, khi bất ngờ mất khả năng giải thích. Đi xa hơn, ông miêu tả trùng ngôn là sự bất tỉnh đúng thời điểm, sự mất ngôn ngữ mang tính tiết kiệm, nó báo hiệu cái chết, hoặc có thể là vở hài, hay cách “biểu thị” đầy phẫn nộ những quyền của hiện thực, bao trùm và ở trên ngôn ngữ. Barthes tin rằng trùng ngôn là một cách ngăn cản tư duy.

Nguyễn Trãi sử dụng trùng ngôn mở rộng hơn, rất nghệ thuật, kiểu “tồn tại hay không tồn tại” của Shakespeare.

Một lần, khi Lam Sơn nối tiếp giành lợi thế qua các trận Bồ Đằng, Trà Lân, Ninh Kiều, Tốt Động. Sau chuỗi chiến thắng, quân Minh không còn cơ hội nào để xoay trở tình thế nữa. Có lẽ cả hai bên đều ý thức rõ rằng với tương quan tại chỗ thì Vương Thông chỉ còn tìm kế sinh tồn mà thôi.

Vương Thông gỡ rối, đám cháy lại càng bùng,
Mã Anh cứu nguy, lửa thù càng thêm bốc.

Lời dịch hay và đủ ý, nhưng thiếu trùng ngôn “焚者益焚…怒者益怒 phần giả ích phần…nộ giả ích nộ”, cháy càng thêm cháy…giận càng thêm giận.

Rất đáng chú ý, những đặc điểm khá lan man của trùng ngôn hầu như hiện diện cả ở đây, khi giặc Minh tan vỡ lớn ở ngoại vi Đông Quan. Đó là thời điểm “bất tỉnh” của cả hai bên. Vương Thông “thúc thủ” vì viện binh sung sức chịu tổn thất nặng, Lam Sơn tạm thời “bất chiến” vì đội quân nhỏ bé của Lê Triện thành công quá mức.(274) Phía Minh, đó chính là cái chết; phía khởi nghĩa, họ xem việc Trần Hiệp-Lý Lượng bỏ mạng như tấn trò hài. Ức Trai chuẩn y quan niệm của Barthes xem trùng ngôn như cách “biểu thị” đầy phẫn nộ những quyền của hiện thực. Nó kìm lời để hiện thực tự nói lên câu chuyện của mình.

Nếu “Racine” bao gồm nhiều đặc tính như thơ-thuần-khiết, tôm-hùm, kinh-thánh, đam-mê…,“nộ” cũng bao hàm ẩn nghĩa vì nó trùng ngôn không chỉ nội tại mà còn với văn bản bên ngoài. Mạnh Tử giảng rằng vua Vũ cũng vì một cơn “nộ” mà làm cho nhân dân trong thiên hạ hưởng cuộc an cư lạc nghiệp.(275) Lời Nguyễn Trãi dừng lại ở đây, để người đọc trượt đến không gian cổ kính bất động, nơi thất bại của Vương Thông đã được dự tính.

Lần khác, để diễn tả món nợ người Minh phải trả.

Ninh Kiều máu chảy thành sông, trôi tanh muôn dặm,
Tốt Động thây phơi đầy nội, để thối ngàn năm.

Lạng Sơn, Lạng Giang thây chất đầy đường,
Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước.

Suối Lãnh Câu, máu chảy trôi chày, nước sông rền rĩ,
Thành Đan Xá, thây chất thành núi, cỏ nội đỏ lòm.

Dịch như trên là thỏa đáng. Ta lập biểu hậu quả ba trận đánh như sau:

Trận đánh Máu Xác
Ninh Kiều – Tốt Động
(Vương Thông, Mã Anh)
Huyết thành xuyên
(Máu chảy thành sông)
Thi tích dã
(Thây phơi đầy nội)
Lạng Sơn – Xương Giang
(Liễu Thăng, Thôi Tụ)
Huyết xích thủy
(Máu trôi đỏ nước)
Thi tắc đồ
(Thây chất đầy đường)
Lãnh Câu – Đan Xá
(Mộc Thạnh)
Huyết chử phiêu
(Máu chảy trôi chày)
Thi sơn tích
(Thây chất thành núi)

Cách trình bày uyển chuyển nhưng nội dung về hậu quả giặc phải gánh chịu qua các trận đánh vẫn cảm nhận được theo kiểu trùng ngôn mạnh dần “thi giả ích thi”, xác càng thêm xác; “huyết giả ích huyết”, máu càng thêm máu. Tăng triển về mức độ các thi thể phơi bày từ “đầy đồng” thoáng nghĩa rải rác, đến “nghẽn đường” có tính bức bối, sang “thành núi” đã trở nên trấn áp nặng nhọc. Tăng triển về mức độ máu đổ từ “thành sông” tương đương khái niệm, đến có tác động màu sắc “đỏ nước”, và sau cùng là tác động vật lý “trôi chày”.

“Phần”, “nộ”, “thi”, “huyết” bao gồm tất cả những gì thuộc về chúng như “Racine” bao gồm tất cả những gì thuộc về Racine. Tự bản thân “lửa”, “giận”, “xác”, “máu” đã đủ để tường trình câu chuyện chiến tranh, không cần người kể, nên Barthes nghĩ phương pháp trùng ngôn như ma thuật ẩn mình để cho sự việc/sự vật diễn biến hay tồn tại như đương nhiên chúng phải thế. Ở Đại Cáo, Lê Lợi ẩn mình theo kiểu đặc biệt, ông không từ chối trách nhiệm gây chết chóc kinh hoàng cho giặc Minh nhưng thoái danh (exnomination) bằng cách tôn vinh hành động đại khai sát giới như biểu trưng cho chí nhân và đại nghĩa. Ông đẩy guồng máy vũ trụ thuận theo lòng trời khiến người Minh nhận lại đủ những gì họ đã gieo xuống An Nam. Điều đó có vẻ tự nhiên theo cách hiểu của nhà Nho.

Chủ nghĩa không này – không kia (Neither/norism):

Barthes cho rằng lập luận “không này – không kia” là kiểu dẫn dụ trốn tránh thực tại để khuyến khích con người ngoan ngoãn chấp nhận thực tại. Ông minh họa bằng hình tượng cái cân, người ta quy hiện thực về những cái tương tự rồi đặt lên hai đĩa cân, khi cân quân bình thì vứt bỏ tất cả, có lẽ vứt luôn mối gút mắc về thế sự! Dễ hiểu hơn là ví dụ về việc xem bói, điềm rủi luôn được nối tiếp bằng điềm may để cân bằng tâm lý thân chủ, sự cân bằng sau rốt làm đông cứng các giá trị, cuộc sống, vận mệnh…Thuật chiêm tinh đề nghị mọi người chịu đựng thay vì lựa chọn, bởi nhân loại chưa đủ sức tái sắp xếp các chòm sao.

Hình thái tu từ này xuất hiện chủ yếu trong đoạn thuật lại quãng thời gian chúa Lam Sơn mới khởi binh. Các từ diễn tả sự thưa thớt, ít, cạn, thiếu, không, không đủ… như bất túc, thu diệp, thần tinh, phạp, quả, tận, vô…xoáy mạnh vào thời kỳ tận đáy nhẫn nhục của vị thủ lĩnh nổi dậy. Cân đối những sự vật tính chất hoàn toàn khác nhau làm bật lên trạng thái trống rỗng, ngưng trệ của hoạt động kháng chiến.

Hoàn cảnh Đã Lại
Rửa/ghi tội giặc không đủ (bất túc) nước Đông hải không đủ (bất túc) trúc Nam sơn
Nhóm binh thưa thớt (thu diệp) nhân tài loe hoe (thần tinh) tuấn kiệt
Hoạt động ban đầu thiếu (phạp) tướng hiệu ít (quả) mưu sĩ
Thua trận cạn (tận) thức ăn không (vô) bộ đội

Cũng như bất kỳ thiên tài làm thay đổi xã hội nào khác, Lê Lợi phải trải qua khoảnh khắc đơn độc. Nó vừa là thực tiễn, vừa là nút thắt của tự sự. Ông bị nén dưới những “không này không kia” nhưng xem đó là cái thăng bằng tĩnh xếp đặt có chủ ý bởi ông trời. Quan niệm như thế chuẩn bị cho một hiện thực sinh động hơn thay vì thụ động thích nghi hiện thực. Lê Lợi cam chịu chẳng phải để chấp nhận số mệnh mà để đón nhận thiên mệnh; vì ông là người tạo ra, chứ không tiếp thu, huyền thoại.

Lượng hóa phẩm chất (Quantification of quality):

Barthes viết về vấn đề này như sau: Đây là hình thái tiềm tàng trong tất cả các hình thái đề cập bên trên. Bằng cách hạ thấp bất kỳ phẩm chất nào thành số lượng, huyền thoại tiết kiệm trí thông minh: nó hiểu hiện thực theo cách ít tốn phí hơn.(276) Ông đưa ra ví dụ như việc lượng hóa tài năng nghệ sĩ bằng giá vé; khi đó, cái đang có nghĩa “thiên bẩm” của diễn viên trước hết lại là một lượng dễ nhận thấy của hiệu quả. Lượng hóa phẩm chất giúp quần chúng trực cảm huyền thoại thay vì mày mò đọc, phân tích, hay cắt nghĩa nó.

Sự lượng hóa phẩm chất vũ khí và con người đã mang đến cảm xúc lập tức, vừa huy hoàng vừa ấn tượng.

Chủ thể Chất lượng Thao tác Số lượng
Gươm Cứng, bén Mài Khuyết quả núi
Voi Khỏe, hung tợn Uống Cạn nước sông
Binh lính Thiện chiến Giải quyết trận đánh Một hồi trống
Giặc Thê thảm Chết Đầy đồng, nghẽn đường, chất như núi
Vua ta Hào hiệp, nhân từ Ban cho hàng binh Năm trăm thuyền, vài ngàn ngựa

Quy mô hoặc lớn, hoặc nhỏ một cách bất thường của số lượng khiến Đại Cáo mang cả chất huyền thoại xã hội lẫn chất huyền thoại cổ sơ.

Tuyên bố dữ kiện (Statement of facts):

Barthes nói: Các huyền thoại thiên về tục ngữ. Ý thức hệ tư sản đầu tư vào hình thái này những lợi ích gắn chặt với bản chất thực sự của nó: tính chất phổ quát, sự từ chối bất kỳ giải thích nào, và một trật tự thế giới không thay đổi được.(277) Ông phân biệt hai loại tục ngữ:

Tục ngữ phổ thông tiêu biểu cho ngôn ngữ hành động, nó dần cô đọng thành ngôn ngữ phản ánh. Khi tính phản ánh bị cắt bớt thì tục ngữ hạ giảm thành câu tuyên bố dữ kiện. Tục ngữ phổ thông dự đoán hơn là quả quyết. Chúng ta có thể tạm lấy ví dụ: Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão.

Tục ngữ tư sản là siêu ngôn ngữ, là ngôn ngữ cấp hai dựa vào những sự vật/sự việc đã được chuẩn bị. Hình thức cổ điển của nó là châm ngôn. Ở đây, lời tuyên bố không nhắm đến một thế giới sẽ được tạo nên mà phủ lên một thế giới đã được tạo nên, nó vùi lấp sự kiến tạo này dưới bộ mặt hiển nhiên của vĩnh cửu: đó là sự phản-giải thích, vật tương đương đúng đắn của “trùng ngôn”, của chữ “tại vậy đó!” hống hách mà bậc cha mẹ thiếu kiến thức treo lơ lửng trên đầu con họ.(278)

Nguyễn Trãi hai lần tuyên bố dữ kiện: lần đầu là những đặc điểm của đế quốc Đại Việt, lần sau là về sự âm phù Lê Lợi bởi trời đất tổ tiên. Các khẳng định này biến dự tính truy tìm chân lý khác, nếu có, thành viển vông.

Nước Đại Việt thực chất chỉ là một sản phẩm lịch sử, nó mang tính lịch sử, có xuất hiện và sẽ có lúc biến mất. Nhưng ở đây đất nước không đứng lẻ loi mà đối xứng Hoa Hạ, như đã nói nhiều lần ở các phần trên, Lê Lợi gắn Đại Việt vào nửa phần của cấu trúc âm-dương, nam-bắc, sáng-tối…vốn là định dạng không thay đổi được của thế giới, vũ trụ và của cả nguyên lý theo đó chúng vận hành. Tuyên bố dữ kiện kiểu nối liền hữu hạn với vô hạn, Đại Cáo thật sự đã che vùi lịch sử bằng bộ mặt khác, bộ mặt mang tính trường tồn tự nhiên.

Lê Lợi nổi lên giữa nhiều cuộc đề kháng lớn nhỏ của người Việt. Ông tiến từng bước tới thắng lợi tùy thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế-chính trị tức thời tại cả An Nam lẫn Trung Hoa. Tài năng của Bình Định vương là khai thác mọi tình huống cụ thể sao cho thuận lợi để lèo lái phong trào về đích. Ông cũng chỉ sinh ra từ lịch sử, từ chí lớn, nhưng cũng từ kết tập nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Trần Ngỗi thất bại vì tài, nhưng một phần cũng vì thời. Điểm chín của lực lượng Lam Sơn rơi nhằm điểm chớm suy của triều Minh. Lòng cương quyết của vua Lê lên đỉnh cao khi Tuyên Đức phân vân chính sách mới. Sức chịu đựng dân đen rơi xuống mức quá hạn dưới hoạt động ngạo ngược của Mã Kỳ…Đại Cáo giản lược nhiều rắc rối bằng cách choàng lên Lê Lợi cái hào quang của “Đức”. Khi ông hành động như chiếc bóng của thánh vương cổ đại trên mặt đất thì mọi ngẫu nhiên đã biến mất. Nguyễn Trãi không cần giải thích vì sao Lê Lợi, thay vì Trần Cảo, phải làm chủ phương Nam.

Bảy hình thái tu từ của văn nghệ sĩ tư sản Pháp và nhà văn phong kiến Việt, ngoài tương đồng mục đích và kỹ thuật, có những điểm khác biệt phát sinh từ ý thức hệ như sau:

Hình thái tu từ Huyền thoại tư sản Đại Cáo
Tiêm ngừa Để thích nghi với những điều xấu hơn Không
Tước bỏ lịch sử Để thực tại trở thành tự nhiên Để thực tại mang nghĩa số mệnh
Đồng nhất hóa Vào thế giới tiểu tư sản Vào thế giới Nho giáo
Trùng ngôn Nơi ẩn náu của giai cấp tư sản Nơi hiện diện của đạo trời
Không này – không kia Chấp nhận hiện thực thụ động Chấp nhận hiện thực chủ động
Lượng hóa phẩm chất Đơn giản hóa vấn đề Ấn tượng hóa vấn đề
Tuyên bố dữ kiện Thực tại là vĩnh cửu Thực tại đã được quy định

Dân Pháp thời Barthes là những người tự do. Từ lâu họ đã thoát khỏi gánh nặng của tôn giáo, vương triều, và làng xóm họ tộc. Quyền lực nước Pháp đến từ bên dưới nên giới tư sản thống trị có vẻ chông chênh khi không thụ nhận được sức mạnh từ Chúa Trời. Bù lại, họ có sức mạnh từ các phương tiện truyền thông mới, loại hình nghệ thuật mới, sinh hoạt xã hội mới vốn bùng nổ theo cuộc cách mạng kỹ nghệ. Giai cấp tư sản qua những hình thức giao tiếp tân tiến với quần chúng, cái mà Barthes gọi là huyền thoại, đã kiên trì bộc lộ hệ tư tưởng của mình. Theo Barthes, mục đích tối hậu mà huyền thoại nhắm đến không gì khác hơn là tạo ra một xã hội đông cứng, một lần và mãi mãi. Nơi đó, thỏa mãn của người dân về cuộc sống được giải thích như sinh ra cho chính họ cùng tồn tại bền vững với tôn ti trật tự về tài sản. Điểm cốt tử của huyền thoại nằm ở sự thoái danh, người tạo ra xã hội tư sản tự nhận hóa thân vào dân tộc, khiếm diện trước thực tại tù đọng khoác vẻ tự nhiên. Đối lại, mục đích chính của việc phân tích huyền thoại thực hiện bởi Barthes không gì khác hơn là chỉ cho mọi người thấy rằng xã hội luôn biến đổi. Nó ngừng lại chỉ vì có người muốn nó phải ngừng.

Đại Việt vẫn thuộc giai đoạn quyền lực cai trị được ban xuống từ bên trên. Do vậy, kỹ thuật sử dụng ngôn từ thuyết phục dù không khác mấy thời tư sản nhưng chủ thể tạo ra huyền thoại đứng tư thế khác. Họ không lẩn tránh, thoái thác trách nhiệm như tác giả huyền thoại hiện đại; vì đại diện cho hoàng thiên, Lê Lợi có dáng uy nghi sang cả của một vị thần. Nếu hiện thực tư sản tự nhiên như một phần của thế giới chuyển động quanh nó, hiện thực Đại Việt tự nhiên vì chỉ diễn lại những gì đã được ghi chép sẵn ở trên…trời. Muốn đóng vai trò của Barthes, chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ gian khổ là chứng minh Thượng đế đã chết.

  1. Đại Cáo là huyền thoại về nhân vật siêu phàm với sự nghiệp siêu phàm:

a. Cách quảng bá Đại Cáo đến người không biết chữ Nho

Đại Cáo dù được viết bằng chữ Hán nhưng không chỉ hướng đến độc giả có văn học. Nó quá quan trọng nên không thể sử dụng một cách phung phí như thế. Vấn đề ở chỗ người mù chữ, nhiều khả năng chiếm hơn 99% dân số thời đó, đã được tạo điều kiện để tiếp cận văn bản như thế nào. Nhằm hình dung cách phổ biến Đại Cáo trong quần chúng, hãy xem vài trường hợp công bố chiếu, sắc, lệnh… còn lưu lại trong thư tịch xưa.

Khoảng năm 1375-1376, Nguyễn Ứng Long nhận mệnh đến Trường Châu để huy động quân lương. Qua bài thơ “Phụng chiếu Trường An đạo trung tác” ông tả cảnh tuyên chiếu như sau:

Sân quận lỵ, không khí ấm áp, tuyết tan trên cành hoa.
Binh lính khóc mừng khi xem chiếu nhà Đường,
Phụ lão chống gậy lê lắng nghe lệnh triều Hán.

Quang cảnh nơi khá hẻo lánh vẫn rất trang trọng khi văn bản được công bố. Hai nhóm khán giả nổi bật gồm quân nhân và phụ lão, họ vừa xem (nguyên văn: quan 觀) vừa nghe (nguyên văn: thính 聽), nghĩa là tờ chiếu vừa được niêm yết vừa được tuyên xướng. Dù giữ vị trí tướng hiệu hay đầu mục thôn làng, tức dạng tiểu quý tộc, ta cũng không chắc họ đọc được chữ Hán hay nghe được âm Hán Việt. Nhưng thực tế nhóm người đó đã hiểu và cảm xúc. Có vài ghi chép khác giúp đoán được ngoài việc đọc lên bằng âm Hán Việt, quan Kiểm chính hoặc trợ lý của ông còn phải giảng tiếp ý nghĩa bản văn bằng tiếng nói thông thường.

Trước đó gần trăm năm (1288), xảy ra câu chuyện buồn cười dưới sự chứng kiến của vua Trần Nhân tông về việc tuyên chiếu được Toàn Thư ghi lại, như sau:

Lệ cũ, mỗi khi tuyên đọc lời vua thì viện Hàn lâm lĩnh đưa bản thảo tờ chiếu cho Hành khiển để giảng tập trước. Đến khi tuyên đọc thì giảng cả âm nghĩa cho dân thường dễ hiểu, vì chức Hành khiển chỉ dùng hoạn quan thôi. Bấy giờ, Lê Tòng Giáo làm tả phụ, vốn bất hòa với Hàn lâm phụng chỉ Đinh Củng Viên. Ngày tuyên đọc lời vua đã đến rồi mà Củng Viên vẫn cố ý không đưa bản thảo. Tòng Giáo đòi nhiều lần vẫn không được.

Hôm ấy, xa giá sắp ra ngoài cung, Củng Viên mới đưa bản thảo. Tòng Giáo tuyên đọc tờ chiếu đại xá, không hiểu âm nghĩa, phải im lặng. Vua gọi Củng Viên đứng đằng sau, nhắc bảo âm nghĩa. Tòng Giáo rất thẹn. Tiếng nhắc của Củng Viên to dần, mà tiếng đọc của Tòng Giáo lại nhỏ đi, trong triều chỉ còn nghe thấy tiếng của Củng Viên thôi (Toàn Thư II, 66-67).

Như vậy, người tuyên chiếu phải vừa phát âm, vừa diễn nghĩa và phải luyện tập trước. Chính sử chép quy trình soạn và công bố văn bản triều đình là “lệ cũ” tức nó tồn tại từ lâu trong xã hội mà ngôn ngữ quan phương khác ngôn ngữ hàng ngày.(279) Việc này cần thiết vì chưa chắc toàn thể võ quan, hoạn quan đều biết chữ. Nhóm quan lại cao cấp tới mức được phép trực tiếp chầu hầu vẫn cần người giảng giải khi nghe chiếu(280) thì không hy vọng gì các trưởng bản hay lính thú Trường Châu đủ khả năng tiếp nhận trực tiếp lời vua.

Trong lệnh ban cho tướng hiệu, quân nhân các xứ Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa vào năm 1427, ở cuối văn bản vua Lê quy định cách phổ biến như sau:

Mỗi đội đều phải chép lại một bản lệnh này, mỗi ngày đọc đi đọc lại nhiều lần cho quân lính được biết (Toàn Thư II, 288).

“Lệnh này” viết bằng chữ Hán vẫn lưu nguyên vẹn trong Toàn Thư, quân lính thì gần như chắc chắn không nhận dạng được chữ “đinh”, vậy đọc đi đọc lại bằng cách nào? Có thể Đại Việt cũng giống vài nơi ở châu Âu trung cổ khi xử lý văn bản La Tinh; một số nhân viên được chọn để học thuộc lòng lời diễn nôm của lệnh vua, sau đó họ sẽ trình diễn trước đám đông theo thời biểu do quan trên xếp đặt. Không giống hoàn toàn, nhưng bóng dáng cách làm đó thấp thoáng trong việc tuyên chiếu của Lê Tòng Giáo thời Trần miêu tả ở trên.

Đến đời Nguyễn gần đây (1808), Đại Nam Thực lục có đề cập việc Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành dùng bài hát để phổ biến chính sách nhà nước trong dân chúng:

Trước là giặc giã ở Bắc thành mượn tiếng tôn nhà Lê nên dân ngu nhiều người bị mê hoặc. Nguyễn Văn Thành sai Trần Hựu làm bài hát “Điểm mê” dùng lời quốc âm để hiểu thị. Khi ấy trong hạt lại có người làm bài hát “Tố khuất” quy cho bọn quan lại tham nhũng nên sinh giặc. Thành lại sai sở tại rộng mở hiểu dụ. Từ đó lòng dân mới yên.(281)

Tâm lý phù Lê chống lại sự nhất thống đất nước ở Đàng ngoài rất thịnh, nguyên ủy chỉ là giới tinh hoa cũ bị mất địa vị nên kích động nông dân phá phách chính quyền mới khi có cơ hội. Quan Tổng trấn bỏ qua đám sĩ phu bất mãn bằng khúc quốc âm trực tiếp với dân thường. “Rộng mở hiểu dụ” giúp ta suy đoán bài văn vần được các tuyên truyền viên học thuộc lòng để diễn ngâm tận các đơn vị hành chính hay giáo dục nhỏ nhất. “Lòng dân mới yên” cho thấy tuyệt đại đa số thần dân mù chữ đã được tiếp cận và cơ bản họ chấp nhận lời kêu gọi.

Chúng tôi tin rằng Đại Cáo, vì tính chất khai mở triều đại của nó, được phổ biến đến tận làng xóm không phải chỉ một lần bởi những người học thuộc lòng lời diễn nôm y như thế. Đối tượng của Đại Cáo sẽ “văn tri”, nghe biết – chứ không phải đọc biết – như Nguyễn Trãi đã nhấn mạnh ở cuối bài.

b. Người mù chữ hiểu Đại Cáo như thế nào?

Dĩ nhiên họ mù tịt hoặc chỉ loáng thoáng về điển tích hay triết lý Trung Hoa. Loại trừ sự tích cầu kỳ rút từ kinh sách, người bình dân có thể tiếp thu câu chuyện đánh giặc như sau:

Văn bản Tình tiết Thông điệp Cổ tích
I II III IV
(A) Vua có trách nhiệm nuôi và bảo vệ dân, dùng vũ lực chỉ để diệt kẻ tàn bạo. Vua động binh để duy trì hòa bình cho dân. Mở
(B) Đế quốc Đại Việt có lãnh thổ, nhân dân và chính sự riêng đối xứng với Đế quốc phương bắc. Nước Nam và người Nam khác với nước Ngô và người Ngô. Nước Nam muốn sống hòa thuận với láng giềng. Dù hàng xóm phương Bắc từng nhiều lần gây chuyện nhưng chưa lần nào thành công.
(C) Đại Việt đánh bại tất cả các tướng
Nam Hán, Tống, Nguyên.
Từ xưa, giặc Ngô động đến nước Nam đều thảm bại.
(D) Do chính quyền cũ sai lầm nên giặc Minh sang, chúng kết hợp với một số người địa phương ác ôn hãm dân chúng và mọi loại sinh linh vào đường cùng bằng nhiều phương cách ác độc; thần, người, trời đất đều căm giận.

Họ Hồ kém việc trị nước nên giặc Ngô có cớ tiến sang cùng bọn người Nam phản chủ gieo tai ương cùng cực cho mọi người.

Nhà Hồ mất lòng người nên bọn nghịch giúp giặc vào nước, đẩy dân chúng vào lầm than chưa từng có.

(E) Xem giặc Minh là “thù truyền kiếp”, Lê Lợi vào núi để rèn luyện khả năng đánh giặc, khởi nghĩa nổ ra theo tình thế dù giặc đang mạnh.

Vua lên núi tầm phương giải thoát.

Thủ lĩnh mới xuất hiện, ông vào núi luyện binh, đọc sách, tìm cách đuổi giặc. Người giàu, có ăn học ít ai muốn giúp đỡ ông.

(F) Ít người có khả năng giúp kháng chiến bằng trí và lực xuất hiện, ông muốn giải phóng đồng bằng nên luôn mong chờ hiền tài.  

Ông đơn độc khi giao tiếp với Trời.

(G) Thiếu hỗ trợ từ lớp tinh hoa giàu có, tài giỏi nên kháng chiến sớm kiệt lực; với ý chí phi thường Lê Lợi nhận mệnh trời, huy động bình dân, bước đầu tìm thấy lối ra. Trời thử thách bằng thiếu thốn âu lo nhưng vẫn che chở cho vua, dân nghèo mến phục theo ông rất đông.

Trời giúp ông qua khó khăn cực độ, sau rốt cầm đầu đám dân đen nổi dậy.

(H) Dùng nhân nghĩa chế ngự tàn bạo, quân khởi nghĩa liên tiếp đánh bại giặc, thu phục đất cũ; chúng xin hòa rồi lại tiếp tục chống cự. Vua đánh giặc thành công lấy lại gần hết đất cũ, nhưng lũ gian ác phản phúc bất thường chưa chịu đầu hàng.

Nhờ sức mạnh dựa vào nhân nghĩa nên Thủ lĩnh thành công chớp nhoáng. Ông tàn sát vô số quân giặc nhưng tha chết cho bọn đầu hàng.

(I) Tuyên Đức sai Liễu Thăng và Mộc Thạnh  sang cứu, quân ta liên tục giết chủ tướng rồi hai thuộc tướng khiến đạo quân xâm lược tự rối loạn. “Nhãi ranh” nước Ngô sai binh tướng sang trả thù nhưng vua đánh giết được nguyên soái của chúng.
(J) Chuẩn bị tốt về trang bị và nhân lực, ta nhanh chóng đánh bại cả hai đạo viện binh, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc, ép Mộc Thạnh bỏ chạy. Giặc chết rất nhiều. Các thành lần lượt ra hàng.

Vua đại sát giặc dữ, bắt tù quan to, buộc các thành đầu hàng.

(K) Vương Thông, Phương Chính được cấp thuyền, ngựa để về nước. Vua Lê tránh tạo thêm tổn thất cho cả hai bên tạo cơ sở cho hòa hiếu lâu dài. Quốc gia bền vững, đất nước thái bình nhờ trời đất và tổ tiên nhà vua âm phù. Vua cấp ngựa, thuyền cho tù hàng binh về nước. Từ bi hỉ xả cứu mạng nhiều người, ông nhờ mệnh trời và phúc đức tổ tiên nên sẽ dẫn dắt thịnh thế lâu bền.

Ông thả tù binh làm phước, đất nước vui hưởng thái bình lâu dài.

(L) Một lần mặc giáp mà lập nên võ công chưa từng có. Nay bốn biển thanh bình, bố cáo đổi mới để mọi người nghe biết. Vua chỉ phất tay mà xong đại sự. Dân chúng an tâm xây dựng đời mới.

Kết

Đại Cáo không chỉ mang tính chất thông báo, bản thân nó là một câu chuyện có đầu đuôi rõ ràng. Chúng tôi tin rằng cột thứ III từ trái sang là những gì các đầu mục địa phương, số người được triệu tập trực tiếp nghe lời vua, tiếp thu khi nghe bài Cáo. Cột thứ IV là những gì còn lại về sự tích vị vua đang ngự trị ở Đông Kinh khi lan tỏa đến các khu vực xa xôi trong đế quốc. Nếu nội dung cột III được phát tán qua những buổi họp theo nghi thức triều đình thì nội dung cột IV lan truyền qua những đám cỗ, bến sông, bờ giếng, phố chợ… và đó chính là nội dung được lưu truyền rộng rãi, in sâu trong trí nhớ quần chúng nhất sau bao cuộc biển dâu.

Về đại thể, Đại Cáo được chia thành ba phần, gồm giới thiệu (A, B), diễn biến (C, D, E, F, G, H, I, J), kết quả (K, L) tương tự như truyện kể dân gian. Kết cấu như thế còn có thể thấy trong các truyện Nôm như Song Tinh Bất Dạ, Thúy Kiều hay Lục Vân Tiên…

Lồng trong kết cấu ba phần là mô hình tiên báo-đáp ứng đậm màu sắc tâm linh. Ký ức Đại Việt từ Đinh đến Trần bị các loại nước Ngô cướp phá nhưng đều chống trả thành công không thuần túy là lịch sử, nó tiên báo chiến thắng của Lê Lợi trước giặc Minh về sau. Hình ảnh nước Đại Việt bá chủ phương Nam cũng thế, nó tiên báo triều đại nhà Lê hiển hách thời hậu chiến. Mô hình tiên tri-ứng nghiệm tồn tại từ rất lâu đời trong Cựu Ước và Tân Ước. Ví dụ như chuyện về con rắn đồng mà Moses treo lên cây sào để người bị rắn cắn giải độc khi nhìn vào đó; hình ảnh rắn đồng tiên báo sự kiện chúa Jesus bị đóng đinh trên thập giá và ai ngước tin vào Ngài đều được cứu độ. Chuyện dân Do Thái lang thang 40 năm trong sa mạc để thử thách lòng tin trước khi vào Đất Hứa tiên báo việc tín hữu Ky Tô ngày nay phải chịu đày đọa trong thế gian trước khi vào được Nước Trời. Nếu cố sự Cận Đông được ghi nhận bởi Cựu Ước, cố sự Việt ngoài phản ánh bởi sử ký còn được ghi lại trong quyển sách huyền ảo mà sử gia gọi là Thiên Thư. “Tiên báo” ở vùng văn hóa Viễn Đông gánh thêm đặc tính của “số mệnh”.

Tuy là văn bản hành chính, Đại Cáo lại ôm trong lòng nó nhiều mô-típ (motif) truyện kể dân gian như: nhân vật phẩm cách cô đơn, tha thứ kẻ thù đã chịu phục, núi thiêng, sự tái sinh…Các mô-típ cùng với hình thức huyền thoại theo định nghĩa Barthes là những công cụ nghệ thuật hiệu quả để gieo rắc niềm tin vào lòng người đọc.

Nhưng thú vị nhất khi chúng ta đối chiếu Đại Cáo với Cuộc du hành của anh hùng vạch ra bởi Joseph Campbell.(282) Đây là siêu típ (super type) thần thoại-truyện kể hội tụ nhiều mô-típ đặc trưng. Dù bài cáo khá ngắn gọn vẫn có thể so sánh tương đối hành trình Lê Lợi đã trải qua với các bước đi của người anh hùng phi thời gian dưới đây:

Hành trình 17 bước
của anh hùng
Đại Cáo Lam Sơn thực lục
Đại Việt sử ký toàn thư
1. Tiếng gọi phiêu lưu Tàn ác cực điểm của bọn xấu và chịu đựng tận cùng của dân: những điều đánh động lương tri khiến Lê Lợi thức tỉnh.  
2. Từ chối lời mời gọi   Chỉ mong toàn tính mệnh, chưa có ý dành thiên hạ.
3. Trợ giúp bởi lực lượng siêu nhiên   Gươm thần, ấn, người con gái áo trắng-xuyến vàng hóa thành chồn đánh lừa chó ngao truy tìm Lê Lợi.
4. Vượt qua ngưỡng thứ nhất Phất cờ khởi nghĩa.  
5. Bụng cá voi Nhân tài, hào kiệt bất hợp tác. Quân tan, lương hết.  
6. Con đường thử thách Các trận đánh.  
7. Gặp gỡ nữ thần Chí nhân và đại nghĩa.  
8. Phụ nữ như người đàn bà gợi cảm   Hiến tế bà Ngọc Trần.
9. Chuộc lỗi với người Cha Nhãi con Tuyên Đức, thả tù hàng binh.  
10. Sự tôn vinh (thánh) Thần võ bất sát, Thượng đế hiếu sinh.  
11. Lợi ích sau cùng Giang san đổi mới, xã tắc vững bền.  
12. Từ chối trở về   Từ chối giết Trần Cảo.
13. Cuộc đào thoát có phép màu   Trần Cảo chạy trốn.
14. Giải cứu từ bên ngoài   Trần Cảo bị ép uống thuốc độc.
15. Vượt qua ngưỡng trở về Rửa sỉ nhục, mở thái bình.  
16. Làm chủ hai thế giới Thắng trận trong thực tế nhờ được tổ tiên và trời đất âm phù. Trở lại cuộc sống bình thường.  
17. Sống tự do Làm vua.  

Cuộc du hành của anh hùng được rút ra từ kết quả khảo sát huyền thoại của nhiều nền văn hóa. Campbell(283) cho rằng tất cả huyền thoại về anh hùng đều có khung sườn giống nhau và được kể đi kể lại mãi qua vô số biến thể.

Do Đại Cáo là thông báo chính thức của triều đình Nho giáo nên các yếu tố huyền hoặc không được đưa vào, ta chỉ tìm thấy chúng trong Lam Sơn thực lục. Riêng Trần Cảo xuất hiện cả trong Thực lục lẫn Toàn Thư nhưng bị loại bỏ khỏi Đại Cáo vì điều kiện để công bố một triều đại mới buộc vị vua Trần cuối cùng phải biến mất. Bảng kê 17 bước bên trên được xác lập khi đọc Đại Cáo giữa mạng lưới văn bản chính trị thời đầu Lê sơ.

Các giai đoạn của chuyến du hành có thể được trình bày bởi vòng tròn khép kín như dưới đây:

3.png
Lập bởi Reg Harris (http://bit.ly/2wVHQ9A)
1. Call to Adventure: Tiếng gọi phiêu lưu 2. Refusal of the Call: Từ chối lời mời gọi 3. Supernatural Aid: Trợ giúp bởi lực lượng siêu nhiên 4. Crossing the first Threshold: Vượt qua ngưỡng thứ nhất 5. Belly of the Whale: Bụng cá voi 6. Road of Trials: Con đường thử thách 7. Meeting with the Goddess: Gặp gỡ nữ thần 8. Woman as Temptress: Phụ nữ như người đàn bà gợi cảm 9. Atonement with Father: Chuộc lỗi với người cha 10. Apotheosis: Sự tôn vinh 11. The Ultimate Boon: Lợi ích sau cùng 12. Refusal of the Return: Từ chối trở về 13. Magic Flight: Cuộc đào thoát có phép màu 14. Rescue from Without: Giải cứu từ bên ngoài 15. Crossing the Return Threshold: Vượt qua ngưỡng trở về 16. Master of Two Worlds: Làm chủ hai thế giới 17. Freedom to Live: Sống tự do

Xin được giải thích thêm các bước 5, 7, 8, 9, 12, 13, 14, 16 là những điểm còn chưa rõ và một số không được thể hiện trong Cáo bình Ngô nên chưa bàn đến ở các phần trước.

Bước 5 – Bụng cá voi:

Đây là điển tích về ngôn sứ Jonah lấy từ Kinh Thánh. Để lẫn tránh lệnh Thiên Chúa yêu cầu ông đi rao giảng sự sám hối cho dân thành Niveneh,(284) Jonah bắt thuyền đi Tarsish theo hướng ngược lại. Chúa tạo cơn bão đe dọa chiếc thuyền khiến thủy thủ phải ném vị ngôn sứ xuống biển để tránh tai họa. Jonah trôi vào miệng một con cá rất lớn. Ba ngày trong bụng cá, ông sám hối, luôn cầu Chúa phù trợ và ca ngợi Ngài. Sau cùng, chú cá nôn Jonah ra một bãi biển để ông tiếp tục trách nhiệm được giao. Jonah trước và sau khi bị cá nuốt là hai nhân cách khác nhau, một người dao động và một người vững niềm tin vào Chúa.

Lê Lợi sau khi giương cờ nghĩa và trước khi chiêu tập manh lệ nằm trong trường hợp tương tự. Ban đầu, ông mong giới trung-thượng lưu đến hợp tác để nhanh chóng tạo sức mạnh cho lực lượng khởi nghĩa nhưng không thành công. Chấp nhận mọi thất bại như thử thách của Trời,(285) ông đã đi đúng hướng khi chuyển sang huy động thành phần thấp kém trong xã hội. Lê Lợi khi chưa và đã cảm nhận thiên mệnh là hai người khác nhau. Ông như được tái sinh để phiêu lưu xa hơn vào thế giới chưa biết rõ. Campbell cho rằng trong bước này, người anh hùng thay vì vượt qua những giới hạn của thế giới nhìn thấy được lại du hành vào nội tâm, để chào đời thêm lần nữa.

Bước 7 – Gặp gỡ nữ thần:

Nữ thần tượng trưng cho phần âm tính của anh hùng, nếu được thần giúp đỡ người anh hùng sẽ trở nên hoàn thiện và có sức mạnh lớn hơn. Nữ thần còn mang bóng dáng bà mẹ thiên nhiên chủ về sinh sản và dưỡng dục.

Lê Lợi bước đầu lao đao vì mãi suy ngẫm về thao lược, hưng vong; tức thiên về tranh đoạt, cai trị, bạo lực. Ông uổng công khi lấy sức mới nhóm để đọ với sức đương hồi cường thịnh. Trong vòng vây của kiệt quệ và cô độc, Lê Lợi buộc phải nghĩ đến tạo sinh lực lượng thay vì lôi kéo những lực lượng rời rạc đang có sẵn. Đó là thời điểm ông nhận mệnh trời hay hợp nhất với phần nữ tính của chính mình để toàn vẹn hơn. Quan hệ giữa thủ lĩnh với cộng sự ngoài ý ràng buộc huyết thống còn mang tính nuôi dưỡng: “Đầu giao hưởng sĩ phụ tử chi binh nhất tâm. 投醪饗士父子之兵一心.” Đổ rượu (xuống sông) thết đãi tướng sĩ, quân đội như cha con cùng một lòng. Nếu khởi đầu quân Lam Sơn nổi dậy vì nghĩa, tức lẽ phải, thì lần này họ hồi sinh với hai đặc tính đại nghĩa và chí nhân. Cùng đi với bạo động, hủy diệt có thêm sinh sôi, nuôi nấng.

Bước 8 – Phụ nữ như người đàn bà gợi cảm:

Campbell dẫn lời Tu sĩ Hindu Shankaracharya như sau: “Nếu người nào còn quan tâm chút gì đến thân xác tựa-thây-ma này thì người ấy không thanh khiết và sẽ chịu thua trước kẻ thù cũng như (chu kỳ) sinh, bệnh, tử; tuy nhiên, khi cho bản thân mình là thanh khiết, là bản chất của Chính Trực và Kiên Định, thì người ấy trở nên tự do. Hãy vất bỏ thật xa giới hạn của thân xác vốn trơ trẽn, thô bỉ. Đừng nghĩ về nó. Cái gì bị nôn ra (như bạn nôn mửa thân xác của chính bạn) chỉ kích thích sự ghê tởm khi được nhớ đến.”(286)

Với người dám từ bỏ nhục thể thì cám dỗ từ đàn bà đương nhiên trở thành vô nghĩa. Vị thần ở Triều Khẩu muốn lấy nàng thiếp của Lê Lợi thay vì bất kỳ phụ nữ nào nên có thể xem câu chuyện mang tính biểu trưng. Đồng ý hiến tế Ngọc Trần có nghĩa là chúa Lam Sơn đã vượt lên mọi ham muốn có thể gây trở ngại cho cuộc phiêu lưu đến nghiệp đế.(287) Tranh đấu với kẻ thù chỉ là nửa phần, với bản thân là nửa phần còn lại. Hành động dứt khoát của ông bộc lộ sự cương quyết thanh tẩy để trở thành siêu việt.

Bước 9 – Chuộc lỗi với người Cha:

Hình tượng người Cha đại diện cho một quyền lực lớn đủ sức tác động hành trình của anh hùng. Campbell viết: Vấn đề của người anh hùng khi sắp gặp cha là ông ta phải cởi mở tâm trí để băng qua khiếp sợ, tới mức đủ chín chắn để hiểu làm thế nào mà những bi kịch kinh tởm và điên khùng của cái vũ trụ rộng lớn, tàn nhẫn này lại được chuẩn y hoàn toàn nhân danh tính tôn nghiêm của Sự Sống. Người anh hùng vượt quá cuộc sống với điểm mù đặc biệt và trong khoảnh khắc vươn đến cái thoáng nhìn về nguồn cội. Ông trông thấy gương mặt của người cha, chợt hiểu – và hai bên được hòa giải.(288)

Đối với Lê Lợi người Cha như thế chính là hoàng đế phương Bắc. Để liên tục hành trình ông phải đánh bại vua Minh; để hoàn tất hành trình, ông lại phải hòa giải với chính thế lực ấy. Thực tế diễn ra đúng như vậy, Lê Lợi giết và bắt sạch quân tướng của “nhãi ranh” nhưng vẫn phải thả tù hàng binh và cầu phong với hoàng đế Trung Hoa. Qua bao nhiêu năm đối đầu, Lê Lợi không nhầm lẫn về khả năng cũng như giới hạn chịu đựng của đối thủ. Ngược lại, Tuyên Đức cũng biết mình đi được đến đâu. Hòa giải đứng chân trên sự quân bình mà hai bên cùng thừa nhận.

Bước 12 – Từ chối trở về:

Tháng 11 ta năm Bính Ngọ (1426), Lê Lợi tìm được con một người ăn mày tên Hồ Ông giả xưng miêu duệ họ Trần. Để đối phó với nhà Minh, có lẽ cũng để thu phục nhân tâm đồng bằng, ông đón lập Hồ Ông, tức Trần Cảo, làm vua, niên hiệu Thiên Khánh.

Ngày 12 tháng 12 ta năm Đinh Mùi (1427) quân Minh rút về nước. Lê Lợi chưa thể đăng quang chính thức nếu Thiên Khánh vẫn còn. Các quan dâng sớ xin sớm trừ Cảo vì ông ta không có công gì. Toàn Thư chép: Vua cũng biết là như vậy, nhưng trong lòng không nỡ, đối xử càng hậu (Toàn Thư II, 309).

Theo Campbell, khi mục đích theo đuổi đã hoàn thành, người anh hùng phải trở về với chiến lợi phẩm làm thay đổi cuộc sống. Vòng khép kín, nguyên tắc của chuyến du hành, buộc ông ta phải mang thành quả trở về đời sống bình thường. Tại đây, phần thưởng từ cuộc phiêu lưu sẽ đóng góp vào sự đổi mới vương quốc.(289)

Với lý tưởng dẹp giặc an dân ngay từ ban đầu, Lê Lợi buộc phải trở về. Do vậy việc tạm thời từ chối giết Trần Cảo đích thực là quyền mưu. Ông chỉ phân vân trong việc tìm cách loại bỏ Cảo sao cho ít gây chấn động nhân tâm phù Trần mà thôi.

Bước 13 – Cuộc đào thoát có phép màu:

Theo Campbell, nếu chiến thắng của anh hùng được thánh thần phù trợ ông ta sẽ được chính thức ủy nhiệm mang quà thưởng trở về, các thế lực siêu nhiên sẽ giúp chuyến đi mỹ mãn. Trường hợp việc chiếm phần thưởng gây hại quyền lợi của người giám hộ, hoặc ước muốn trở về tạo bất bình cho ác thần hay quái vật thì bước cuối cùng của chu trình thần thoại sẽ biến thành cuộc rượt đuổi sinh động, thường là buồn cười. Việc đào thoát có thể trở nên phức tạp bởi sự cản trở, lẫn tránh, tác động bởi pháp thuật.

Quyền cai trị Lê Lợi giành được từ người Minh dĩ nhiên khiến giám hộ của ông, trên danh nghĩa là vua Thiên Khánh, cảm thấy bất an. Tương quan sức mạnh thực tế khiến Trần Cảo, thay vì Lê Lợi, phải đào thoát. Toàn Thư chép rằng Cảo biết người trong nước không phục nên ngầm đi thuyền biển vào châu Ngọc Ma, quan quân đuổi theo bắt lại được. Thật kỳ lạ, cũng chính Toàn Thư phủ lớp huyền ảo lên việc ẩn tránh khi đưa ra ba giả thuyết: một, Cảo nghĩ trong nước không thể có hai mặt trời nên ngầm đi thuyền ra biển; hai, ông cùng bọn Văn Nhuệ đi thuyền biển đến ải Cổ Lộng; ba, Thái tổ đánh tiếng hăm dọa khiến Cảo phải chạy đến ải Cổ Lộng. Phép màu trong chuyến đào tẩu không chi phối hành động của Trần Cảo, nó hiện ra như nhằm giải thích sự tàn lụn triệt để của hoàng gia cũ. Nhà Trần đến Thăng Long từ miền dưới, nay họ quay lại biển để hoàn thành chuyến đi vĩ đại của gia tộc. Phần vua Lê, nếu có chuyến đào thoát nào thì đó chính là cuộc trốn chạy khỏi “cái gọi là” lương tâm.

Bước 14 – Giải cứu từ bên ngoài:

Toàn Thư chép: “Ngày mồng 10, Trần Cảo uống thuốc độc chết” (Toàn Thư II, 309). Trương Phụ dẫn quân bộ rời Đông Quan ngày 17 tháng chạp năm Đinh Mùi (1427), như vậy chỉ 23 ngày sau Cảo đã chầu trời. Giải quyết như thế có thể gọi là nhanh. Toàn Thư ghi thêm sự kiện quan quân bắt Cảo về Đông Quan buộc uống thuốc độc chết mà tránh nói ai ra lệnh tử hình này. Trong ba thuyết hoài nghi sử ký đưa ra sau đó, thuyết thứ nhất nói Cảo chết ngoài biển, hai thuyết sau nói vua Lê cho người đuổi theo, giết Cảo rồi vất xác vào bụi gai.

Phần chính thức có lẽ là thông tin do bộ phận xử lý Trần Cảo đưa ra. Án tử xếp đặt bởi Lê Lợi nhưng bầy tôi muốn tránh tiếng cho ông. Giả định tiếp theo lại hướng nhận định của độc giả về phía biển mơ hồ, hoàn toàn thiếu bàn tay ác nghiệt của ai đó. Nho gia dường như muốn sự giải cứu nút bế tắc trên đường đến ngai vàng phải từ bên ngoài, nó phù hợp với mệnh trời hơn. Hai thuyết sau nêu đích danh thủ phạm là Lê Lợi; có lẽ là sự thật, mà như không chắc thật, nó đã bị làm nhòe như chúng ta làm nhòe nhân dạng trong các khuôn hình nhạy cảm ngày nay.

Bước 16 – Làm chủ hai thế giới:

Sau khi đuổi giặc Minh, Lê Lợi nhận rằng đó là do được trời và tổ tiên phù hộ. Vua chủ động cả ở thế giới hiện thực lẫn thế giới thần linh. Nhưng cần nói thêm rằng sau bao nhiêu thử thách, ông làm chủ cả giai đoạn khủng hoảng lẫn giai đoạn bình thường của Đại Việt.(290) Hơn nữa, ông còn làm chủ cả ngoại tại lẫn nội tâm của bản thân.

Dựa vào Đại Cáo và vài thông tin tích hợp từ các nguồn đương thời về khởi nghĩa Lam Sơn, ta thấy Lê Lợi hướng dẫn kháng chiến theo tiến trình hầu như khớp với 17 bước phiêu lưu của anh hùng vạch ra bởi Joseph Campbell.

Vì sao quá trình đi đến quyền uy của vị vua Việt thế kỷ XV lại có thể tương thích với lộ đồ chỉ ra bởi nhà nghiên cứu Mỹ thế kỷ XX? Chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên khi biết lộ đồ đó cũng tương thích với cuộc đời của Thái tử Tất Đạt Đa, chúa Jesus và Tiên tri Muhammad. Nó cũng phù hợp với từng nấc phát triển của nhân vật chính trong các bộ phim Ma trận,(291) Chiến tranh giữa các vì sao(292)… hay hoạt động ly kỳ của thám tử Sherlock Holmes.

Christopher Vogler,(293) chuyên gia điện ảnh, đã nhận xét quyển “The Hero With a Thousand Faces”, Thiên Diện Anh Hùng của Campbell một cách sâu sắc như sau:

Quyển sách được đặt nền tảng trên ý tưởng về những nhân vật lập đi lập lại liên tục kiểu “cổ mẫu” của Jung,(294) chúng nảy ra từ giấc mơ của mọi người và được tìm thấy trong huyền thoại của mọi nền văn hóa.
Jung tin rằng các cổ mẫu đó phản chiếu đầu óc con người – rằng đầu óc chúng ta tự phân chia thành những nhân vật để trình diễn kịch tính trong cuộc sống của chính chúng ta.
Các nhân vật trở đi trở lại của huyền thoại anh hùng – như anh hùng trẻ, người già thông thái, người đàn bà biến hình, sự trừng phạt mờ ảo – giống với các cổ mẫu trong trí óc người, như hiện ra trong mộng. Đó là lý do tại sao huyền thoại, và các truyện dựng trên mẫu huyền thoại, luôn xác đáng về mặt tâm lý.
Những truyện như thế là mô hình chính xác về vận hành của bộ óc người, là bản đồ tâm lý đúng nghĩa. Chúng có hiệu lực tâm lý và hiện thực ngay cả khi chúng mô tả các sự kiện kỳ quái, bất khả hay không có thực.
(295)

Khi đọc ý kiến Vogler, bạn có bàng hoàng trước kỹ năng nắm bắt tâm lý nhân loại của các chuyên gia “tâm công”, hiểu theo nghĩa rộng, thời Lê Lợi? Họ chính là những cán bộ tuyên huấn lão luyện bậc thầy. Số văn bản tàn khuyết và các câu chuyện lẻ tẻ chúng ta còn biết hôm nay có thể chỉ là phần nhỏ của tập hợp các tác phẩm, ký tái hay truyền khẩu, phục vụ binh-dân vận thuở đó.

Nổ lực “tâm công” hiệu quả đến mức nào?

Có những quãng trầm đen tối đối với nhà Lê. Khi những sĩ quan người Trại lần lượt nằm xuống theo bước chinh phục của Lê Thánh tông ở Chiêm Thành, Ai Lao, Malacca; thực lực đạo quân không còn như trước vì sự hao mòn tướng hiệu cấp trung, nhóm nhân sự giữ vai trò xương sống của bất kỳ lực lượng chiến đấu nào. Theo miêu tả của Hưng Đạo vương trong Hịch tướng sĩ, các tỳ tướng của ông chỉ có nhiệm vụ đánh nhau và giải trí, họ thuộc những gia đình chuyên nghề võ, biết gìn giữ gia thanh khỏi tiếng bại trận. Lúc quân lực hoàng gia Trần tan tác trên đất Chiêm, số thiên tỳ tiểu hiệu tinh nhuệ về lại được quê nhà chắc chẳng bao nhiêu nên đồng bằng sông Hồng không gánh nổi vai trò chủ đạo chiến tranh suốt hơn năm thế kỷ sau.(296) Suy yếu của quân Trại cũng thế, đã mở đường cho họ Mạc tạm thời khuynh đảo triều chính. Nhưng may mắn, nhà Lê không mất gần hết tinh hoa quân sự như nhà Trần. Mặt khác, ngoại trừ số ưu tú Hán hóa sâu ủng hộ triều Mạc, phần lớn xã hội vẫn tin vào tính chính thống của họ Lê, nhờ vậy Trịnh Tùng mới có cơ hội rước vua về kinh đô cũ. Niềm tin này bền chặt đến mức đồng bằng bắc bộ hầu như im lặng, nếu không muốn nói lắm kẻ vui mừng, khi Tôn Sĩ Nghị nhập Việt; rồi lại tranh thủ dương cờ phù Lê khi Tự Đức thất lợi tại miền Nam. Nhiều yếu tố tác động đến niềm tin nhưng có lẽ sách lược tuyên truyền chiếm vai trò không nhỏ mà Đại Cáo từng một thời giữ vị trí trung tâm.

Trong xã hội trung cổ, khi thông tin chưa đến mức tràn ngập, nhiễu loạn, các văn bản hiếm hoi hay các chuyện kể hấp dẫn hẳn gây tác động lên quần chúng mạnh mẽ gấp nhiều lần ảnh hưởng từ những chương trình tâm lý chiến hiện đại.

  1. Ai là tác giả Đại Cáo?

Ai là tác giả của tuyệt tác “Oan thán”? Chúng ta có thể trả lời ngay: Nguyễn Trãi. Ông đã bùng phát bi phẫn của mình qua khổ thơ luật Đường nổi tiếng lúc bị giam trong ngục. Ai là tác giả tuyệt phẩm điện ảnh “Bố già”? Hẳn không chỉ một mình Mario Puzo, hay Francis Coppola, hay Marlon Brando, hay nhóm kỹ thuật viên hậu trường… Quá trình sản sinh Đại Cáo không phức tạp như quá trình làm phim “Bố già”, nhưng cũng không đơn giản như quá trình sáng tác thơ “Oan thán”. Trước khi được xem như kiệt tác văn chương, hay như huyền thoại, Đại Cáo đã là một văn kiện quan phương đặc trưng cho chế độ quân chủ Á Đông. Nó phải được soạn thảo theo điển lệ dưới sự chỉ đạo và hiệu chỉnh của chính hoàng đế hoặc các đại thần đầu triều. Vận dụng luận giải về “hình thức” và “khái niệm” của Barthes(297) có thể lập các bước hình thành Đại Cáo như sau:

(1) Lê Lợi muốn có một bá cáo thuật lại quá trình chiến đấu thắng lợi do ông lãnh đạo, qua đó khẳng định ông xứng đáng giữ đế vị phương Nam: Lê Lợi có một khái niệm.
(2) Ông chỉ định Nguyễn Trãi thực hiện văn bản: Nguyễn Trãi được giao việc tìm hình thức cho khái niệm đó.
(3) Nguyễn Trãi thảo luận với vua (triều thần cũng có thể tham gia nhưng vua quyết định) để chọn lựa chi tiết và cách trình bày cần thiết nhằm thể hiện cuộc kháng chiến sao cho mọi việc diễn biến như do trời xếp đặt: câu chuyện hình thành như một khái niệm chi li, trực tiếp hơn.
(4) Nguyễn Trãi viết bài theo kiến văn của một nhà Nho: ông tạo ra hình thức thích hợp.

Tạm vẽ sơ đồ tham gia sáng tạo như dưới đây:

Cái biểu đạt cấp 1 (100% Nguyễn Trãi) Cái được biểu đạt cấp 1 (50% Nguyễn Trãi + 50% Lê Lợi)  
Ký hiệu cấp 1 = Cái biểu đạt cấp 2
(75% Nguyễn Trãi + 25% Lê Lợi)
Cái được biểu đạt cấp 2
(100% Lê Lợi)
Ký hiệu cấp 2
(37.5% Nguyễn Trãi + 62.5% Lê Lợi)(298)

Vậy có thể nói Lê Lợi, Nguyễn Trãi cùng sáng tác Đại Cáo và vua Lê là tác giả chính.

 

Chúng ta đã đi: qua đánh giá của một số học giả, trong và ngoài nước, về Đại Cáo; qua vài định nghĩa về dân tộc của phương Tây để có khái niệm về cấu tạo dân số Đại Việt; qua phân tích Cáo bình Ngô cũng dựa vào lý thuyết phương Tây. Hình ảnh sau lăng kính xa lạ hiện lên không quen mắt, không quen nghĩ, nên người theo chủ nghĩa quốc gia có thể phản ứng rằng “chẳng cần ai cắt nghĩa hộ về dân tộc, về văn hóa; chỉ người Việt mới hiểu được nhau”, hay tự tôn hơn, “chẳng cần ai giải thích hộ về đất nước hay lòng yêu nước”.

Nhưng vấn nạn là trí thức Việt chưa nghĩ ra hệ thống lý thuyết nào để tìm hiểu các chủ đề đã đề cập. Chúng tôi muốn nói loại lý thuyết được cộng đồng học thuật quốc tế thảo luận rộng rãi chứ không phải những ý tưởng chỉ trong nhà nhìn nhận với nhau. Yếu kém đó không có gì đáng xấu hổ vì trên thế giới chưa quá mươi dân tộc làm được những công trình như thế, và thực tế dù ta suy nghĩ thế nào, các học giả được trích dẫn trong bài vẫn mãi là những người mở đường của nhân loại. Ta chỉ đủ khả năng kịp bước cùng họ, nếu và chỉ nếu, hiểu được họ đồng thời nhận thức được thực trạng của mình.

Mong rằng bài viết đóng góp được phần nhỏ vào việc tìm hiểu thực trạng ấy.


Chú thích:

(254) Số bài dựa theo bản tiếng Anh của nhà Hill and Wang. Có tài liệu cho là gồm 54 bài, từng đăng trên tạp chí Esprit, nhật báo Combat, và tạp chí Les Lettres nouvelles.
(255) Roland Barthes (1957), Mythologies, dịch sang tiếng Anh bởi Annette Lavers, Nxb Hill and Wang 2013, trang 217. Tiếng Anh: Myth is a type of speech và…that myth is a system of communication, that it is a message. This allows one to perceive that myth can not possibly be an object, a concept, or an idea; it is a mode of signification, a form.
(256) Ferdinand de Saussure (1857 – 1913): người Thụy Sĩ, đặt nền tảng cho khoa học ngôn ngữ thế kỷ XX. Ông đưa ra các khái niệm đồng đại, lịch đại, và phân biệt lời nói – ngôn ngữ.
(257) Louis Hjemslev (1899 – 1965): nhà ngôn ngữ học người Đan Mạch.

(258) Barthes bao gồm cả âm hình (acoustic image).
(259) Roland Barthes (1957), Mythologies, dịch sang tiếng Anh bởi Annette Lavers, Nxb Hill and Wang 2013, trang 223. Tiếng Anh: But myth is a peculiar system, in that it is constructed from a semiological chain which existed before it: it is a second-order semiological system. That which is a sign (namely the associative total of a concept and an image) in the first system becomes a mere signifier in the second.
(260) Các phương thức thể hiện đồng hóa với ngôn ngữ có thể là hình ảnh trên tạp chí, cuốn phim, vở kịch, cuộc triển lãm, sự kiện…
(261) Sđd, trang 224. Tiếng Anh: It can be seen that in myth there are two semiological systems, one of which is staggered in relation to the other: a linguistic system, the language (or the modes of representation which are assimilated to it), which I shall call the language object, because it is the language which myth gets hold of in order to build its own system; and myth itself, which I shall call the metalanguage, because it is a second language, in which one speaks about the first.
(262) Sđd, trang 225. Tiếng Anh: But, whether naively or not, I see very well what it signifies to me: that France is a great Empire, that all her sons, without any color discrimination, faithfully serve under her flag, and that there is no better answer to the detractors of an alleged colonialism than the zeal shown by this Negro in serving his so-called oppressors. I am therefore again faced with a greater semiological system: there is a signifier, itself already formed with a previous system (a black soldier is giving French salute); there is a signified (this is here a purposeful mixture of Frenchness and militariness); finally, there is a presence of the signified through the signifier.
(263)(264) Tương đương “denotation” và “connotation”.
(265) Ngữ pháp Phi châu (African Grammar): Barthes mỉa mai cách sử dụng ngôn ngữ huyễn hoặc của chính trị gia và truyền thông cánh hữu nhằm phủ nhận phong trào đòi độc lập ở các thuộc địa châu Phi.
(266) Bichon giữa người Da đen (Bichon Among the Blacks): Một em bé Pháp thuần phục được nhóm da đen hung tợn.
(267) Các lứa đôi (Conjugals): Cái đinh của những cặp đôi trong bài viết là hoa hậu châu Âu năm 1953 Sylviane Carpentier. Bà quay lưng với vinh quang để lấy một anh thợ điện, sống bình dị trong căn hộ đơn giản. Theo Barthes, câu chuyện thôi thúc ý muốn an phận, cưỡng lại thay đổi.
(268) Dominici, hay sự Toàn thắng của Văn chương (Dominici, or the Triumph of Literature): Cụ già chăn cừu Dominici ra tòa do sát hại một gia đình người Anh. Ông bị kết án không dựa vào chứng cứ mà dựa vào suy luận nặng tâm lý tiểu tư sản. Lời tuyên án hay tường thuật phiên tòa đều dùng loại ngôn ngữ hoa mỹ Dominici không hiểu được.
(269) Trên Sàn đấu vật (In the Ring): Trận đấu vật, món giải trí bình dân, được phân tích theo phương pháp phân tích tuồng (drama) hay nhạc kịch (opera).
(270) Phê bình Mù và Câm (Criticism Blind and Dumb): Barthes chỉ trích thái độ “xảo quyệt” của giới phê bình tiểu tư sản, những người loại bỏ chủ nghĩa Marxism hay thuyết hiện sinh bằng cách tuyên bố họ chẳng hiểu gì về chúng.
(271) Gần gũi với “lexie” của Barthes.
(272) Racine: tức Jean-Baptiste Racine (1639 – 1699), nhà viết kịch Pháp. Tác phẩm nổi tiếng có các vở Andromaque, Britannicus, Phèdre, Athalie…
(273) Jean-Paul Sartre (1905 – 1980): triết gia Pháp, cha đẻ thuyết Hiện sinh.

(274) Lê Triện có thể truy kích Vương Thông, bao vây Đông Quan nhưng vấn đề nan giải của ông là hệ thống cai trị của người Minh trên đồng bằng thình lình biến mất. Lê Lợi buộc phải tiến gấp ra bắc, một phần gia tăng sức ép quân sự, phần quan trọng chẳng kém là để tổ chức bộ máy hành chính mới. Công việc quản lý xã hội vượt quá khả năng của một võ tướng như Triện.
(275) “Nhi Võ vương diệc nhứt nộ nhi an thiên hạ chi dân. 而武王亦一怒而安天下之民.” Xem Tứ thư, Mạnh Tử, Lương Huệ vương chương cú hạ, dịch giả Đoàn Trung Còn, Nxb Thuận Hóa (tái bản 2013), trang 52-53.
(276) Roland Barthes (1957), Mythologies, dịch sang tiếng Anh bởi Annette Lavers, Nxb Hill and Wang 2013, trang 268. Tiếng Anh: This is a figure which is latent in all the preceding ones. By reducing any quality to quantity, myth economizes intelligence: it understands reality more cheaply.”
(277) Sđd, trang 269. Tiếng Anh: Myth tend towards proverbs. Bourgeois ideology invests in this figure interests which are bound to its very essence: universalism, the refusal of any explanation, an unalterable hierachy of the world.
(278) Lược dịch. Xem Roland Barthes (1957), Mythologies, dịch sang tiếng Anh bởi Annette Lavers, Nxb Hill and Wang 2013, trang 269.
(279) Đây là một đặc điểm của cộng đồng sắc tộc quý tộc.
(280) Điều này xác nhận số người gốc Bắc ở Đại Việt không nhiều. Tầng lớp thế lực đa số vẫn là hào trưởng địa phương theo văn hóa Hán.

(281) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục tập I, Nguyễn Ngọc Tỉnh (Viện Sử Học) phiên dịch, Nxb Giáo Dục 2002, trang 729. Sự kiện này còn được chép trong sách “Hoàng Việt long hưng chí” của Ngô Giáp Đậu (1853 – ?). Xem Hoàng Việt long hưng chí, Ngô Đức Thọ, Mai Xuân Hải, Nguyễn Văn Nguyên dịch, Nxb Hồng Bàng 2013, trang 423.
(282) Xem Joseph Campbell (1947), The Hero With a Thousand Faces, Princeton University Press 2004, trang 45-226. Bản pdf: http://bit.ly/2IaUOGU.
(283) Joseph Campbell (1904 – 1987): nhà văn, nhà tâm lý, nhà nghiên cứu huyền thoại người Mỹ. Tác phẩm đáng chú ý có: “The Masks of God”, Các Mặt nạ của Thượng đế; “The Power of Myth”, Sức mạnh của Huyền thoại…
(284) Niveneh: thủ đô vương quốc Assyria, kẻ thù của người Do Thái.

(285) “Cái thiên dục khốn ngã, dĩ giáng quyết nhiệm. 蓋天欲困我以降厥任.” Dường như trời muốn làm ta khốn đốn để ban cho chức vị.
(286) Xem Joseph Campbell (1947), The Hero With a Thousand Faces, Princeton University Press 2004, trang 113. Bản pdf: http://bit.ly/2IaUOGU.

(287) Xem Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên II, Lam Sơn thực lục, Nxb Văn Học, trang 344.
(288) Xem Joseph Campbell (1947), The Hero With a Thousand Faces, Princeton University Press 2004, trang 135. Bản pdf: http://bit.ly/2IaUOGU.
(289) Phần cuối Đại Cáo quả thật nhắc nhiều đến sự đổi mới này. Nguyễn Trãi liên tục dùng nhiều từ ngữ thể hiện biến chuyển theo chiều tích cực như: cải quán, bĩ phục thái, hối phục minh, duy tân.
(290) Nguyễn Trãi có đôi câu thơ rất hay về hai giai đoạn: “Quyền mưu bản thị dụng trừ gian, Nhân nghĩa duy trì quốc thế an. 權謀本是用除奸仁義維持國勢安.” Sử dụng quyền mưu chỉ để trừ gian, Duy trì thế nước yên ổn cần nhân nghĩa. Nhà thơ nhận thức rành rẽ về hành động thích hợp của anh hùng trong và sau giai đoạn khủng hoảng.

(291) Ma trận: tên tiếng Anh “The Matrix”, phim khoa học viễn tưởng, đạo diễn bởi Lana Wachowski và Lilly Wachowski, hãng Warner Bros. phát hành năm 1999.
(292) Chiến tranh giữa các vì sao: tên tiếng Anh “Star Wars”, gồm ba phần mỗi phần ba bộ phim, công chiếu từ năm 1977 đến năm 2015. Tác giả kiêm đạo diễn George Lucas, phát hành bởi hãng 20th Century Fox.
(293) Christopher Vogler (sinh năm 1949): nhà văn, nhà viết kịch bản phim, nhà giáo dục người Mỹ. Tác phẩm nổi tiếng có “The Writer’s Journey: Mythic Structure for Writers”, Hành trình của Tác giả: Cấu trúc Huyền thoại dành cho Nhà văn.
(294) Carl Jung: Tức Carl Gustav Jung (1875 – 1961), nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần Thụy Sĩ, người sáng lập ngành Tâm lý học Phân tích. Jung đề xuất và phát triển các quan niệm về nhân cách hướng ngoại và hướng ngã, cổ mẫu, vô thức tập thể. Tác phẩm đáng chú ý có: “Psychology and Religion”, Tâm lý và Tôn giáo; “Psychologie und Alchemie”, Tâm lý và Thuật giả kim; bán tự truyện “Erinnerungen, Träume, Gedanken”, Ký ức, Giấc mơ, Suy gẫm.
(295) Nguyên văn: The book is based on Jung’s idea of the “Archetypes” constantly repeating characters who occur in the dreams of all people and the myths of all cultures.

Jung believed that these archetypes are reflections of the human mind — that our minds divide themselves into these characters to play out the drama of our lives.
The repeating characters of the hero myth, such as the young hero, the wise old man, the shape-shifting woman, and the shadowy nemesis, are identical with the archetypes of the human mind, as shown in dreams. That’s why myths, and stories constructed on the mythological model, are always psychologically true.
Such stories are true models of the workings of the human mind, true maps of the psyche. They are psychologically valid and realistic even when they portray fantastic, impossible, unreal events. Xem “A Practical Guide to The Hero With a Thousand Faces”, bản điện tử: http://bit.ly/2WJxdBl.
(296) Tướng quân Thần Vũ Nguyễn Kim Ngao bị Quý Ly chém do bỏ chạy trước quân Chiêm (1380), Hoa Ngạch tướng quân Lê Mật Ôn bị giặc bắt sống gần kinh thành (1383), Tướng Hữu Thánh Dực Nguyễn Chí lại bị giặc bắt tại Thanh Hóa kèm 70 tướng chết trận (1389), Tướng quân Tả Thánh Dực Hoàng Phụng Thế đầu hàng người Chiêm khiến Quý Ly phải chém 30 đại đội phó khi họ rã ngũ chạy về (1392)… Những chi tiết như thế cho thấy kỹ năng chiến đấu của tướng hiệu giảm sút nghiêm trọng.
(297) Xem Roland Barthes (1957), Mythologies, dịch sang tiếng Anh bởi Annette Lavers, Nxb Hill and Wang 2013, trang 226-231.
(298) Số phần trăm mang tính tương đối vì công thức là kết hợp của hai cái tương đương (equivalence) chứ không phải hai cái bằng nhau (equality).

 

One thought on “Đại Cáo: Huyền Thoại về Vị Vua Khai Quốc Lê Lợi (Bài 3)

  1. Pingback: Đại Cáo: Huyền Thoại về Vị Vua Khai Quốc Lê Lợi (Bài 1) | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s