
Đại đội, Frans Hals và Pieter Codde, 1633-1637, sơn dầu trên vải, 209 x 429 cm. Binh lính cầm cờ và đeo dải băng màu da cam. Màu cam được gắn liền với Hà Lan và đạo Tin Lành vì đó là màu của Hoàng gia Hà Lan tức là triều Nhà Orange (Cam). William xứ Orange là một quý tộc đã lãnh đạo chiến tranh cách mạng giành độc lập của Hà Lan và hậu huệ của ông duy trì vị trí đứng đầu nhà nước Hà Lan đến tận ngày nay.
Đặng Thái biên soạn
Những con buôn thông minh
Đã bao giờ bạn tự hỏi: tại sao chúng ta lại gọi là đậu Hà Lan chứ không phải bất kì tên gọi nào khác? Trong lịch sử thế giới, đã có những quốc gia trở nên giàu mạnh và duy trì vị trí hàng đầu trong cả thế kỷ. Nếu như thế kỷ 20 thuộc về hai siêu cường Liên Xô và Hoa Kỳ, thế kỷ 19 chứng kiến sự thống trị của đế quốc Anh và thế kỷ 18, cả châu Âu phục tùng nước Pháp thì sớm hơn nữa, vào thế kỷ 17, Hà Lan đã từng đạt đến đỉnh cao về mọi mặt trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta đã quen thuộc với cụm từ “phép màu Đông Á” chỉ sự phát triển thần kỳ của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc trong thế kỷ hai mươi nhưng có lẽ vẫn còn xa lạ với “phép màu Hà Lan”. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sự tiến bộ phi thường của Hà Lan, từ một vùng đất chịu sự cai trị của đế quốc Tây Ban Nha trở thành một quốc gia phát triển bậc nhất thế giới mà lịch sử gọi dưới cái tên “kỷ nguyên vàng của người Hà Lan”.

Phiên gác đêm, Rembrandt van Rijn, 1642, sơn dầu trên vải, 379.5 x 453.5 cm. Đây được coi là một kiệt tác hội họa của Hà Lan và thế giới. Bức tranh thể hiện quyết tâm của quân và dân Hà Lan nhằm chống lại người Tây Ban Nha cai trị.
Vì sao “đất thấp”?
Trong tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, đất nước và dân tộc này thường được gọi dưới cái tên Hà Lan (trong thư tịch cổ của ta gọi là Hòa Lan), do phiên âm từ Holland (Hô-lan). Nhưng thực tế, Hà Lan chỉ là một phần của quốc gia, nơi có những thành phố, cảng biển lớn nhất, tập trung sức mạnh kinh tế và quân sự. Người dân gọi đất nước của họ là Nederland (Ne-đơ-lan) tức là “vùng đất thấp” do phần lớn diện tích lãnh thổ nằm thấp hơn mực nước biển, những người không sống ở các tỉnh thuộc vùng Hà Lan không muốn bị gọi là người Hà Lan. Ngày nay trong quan hệ quốc tế, người ta thường dùng Netherlands trong tiếng Anh hoặc Pays-Bas trong tiếng Pháp đều có nghĩa là “vùng đất thấp”. Tuy vậy trong bài này, ta tạm dùng Hà Lan để chỉ Nederland vì đây là từ ngữ đã quen thuộc với người Việt Nam.
Nhà nước tư sản đầu tiên
Năm 1579 chứng kiến một sự chia rẽ sâu sắc ở Hà Lan dưới sự cai trị của Tây Ban Nha.
Ngày 6. 1. 1579, các tỉnh miền nam (nước Bỉ sau này) tuyên bố trung thành với triều đình và giáo hội Công giáo Tây Ban Nha. Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 23. 1. 1579, bảy tỉnh miền bắc đã kí Hiệp ước Utrecht (U-trếch) để cùng bảo vệ nhau và chống lại sự cai trị của người Tây Ban Nha. Sự kiện này là kết quả của những mâu thuẫn và xung đột từ lâu: chính quyền muốn áp đặt một tôn giáo duy nhất là Công giáo trong khi phần lớn dân chúng miền bắc lại theo đạo Tin Lành vì sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Kháng Cách, nhằm tách khỏi Giáo hội La Mã tham nhũng và bảo thủ. Đồng thời sưu cao thuế nặng và sự bóp nghẹt kinh tế của nhà nước đã khiến dân chúng và tầng lớp thương nhân bất bình. Hai năm sau, 1581, các tỉnh liên hiệp miền bắc tuyên bố độc lập và chính thức phủ nhận sự cai trị của vua Tây Ban Nha. Nước Cộng hòa Hà Lan, nhà nước tư sản đầu tiên trên thế giới ra đời. Nhưng nhà nước non trẻ còn phải chiến đấu trong gần 70 năm nữa cho đến tận năm 1648 mới được triều đình Tây Ban Nha chính thức công nhận độc lập, đồng thời một loạt hòa ước được kí trong năm này đã thiết lập một trật tự chính trị mới ở châu Âu.

Sau Hiệp ước đình chiến năm 1609, Cộng hòa bảy tỉnh liên hiệp (màu cam) tạm thời có được độc lập. Tỉnh Holland nằm ở phía ngoài, giáp biển. Tỉnh thứ tám là Drenthe do quá nghèo nên không có đại biểu ở chính phủ trung ương. Ở giữa màu vàng là vùng đất thuộc nước Cộng hòa do giành được trong chiến tranh. Phần miền Nam (màu tím) chính là hai nước Bỉ và Luxembourg ngày nay.
Công ty đa quốc gia đầu tiên và việc phát hành cổ phiếu đầu tiên của nhân loại
Cộng hòa Hà Lan, với những cảng biển lớn và tầng lớp tư sản giàu mạnh lại được hưởng nhiều quyền tự do mà một tôn giáo mới, một chế độ mới ưu việt hơn mang lại, đã phát triển kinh tế nhanh chóng. Rất nhiều thợ thủ công lành nghề theo đạo Tin Lành đã rời khỏi miền Nam công giáo về định cư tại thương cảng Amsterdam (Am-xtéc-đam), cùng với đó những trí thức, người giàu có và người Do Thái bị Công giáo đàn áp ở khắp Trung và Nam Âu đã đồ về miền bắc Hà Lan.
Với nguồn nhân lực chất lượng cao, chính phủ mới đã đưa ra chính sách kinh tế thông thoáng và cực kỳ tiến bộ đó là tập trung vào thương mại, đặc biệt là ngoại thương. Do đó Công ty Đông Ấn Hà Lan được thành lập vào năm 1602. Đây được coi là công ty đa quốc gia đầu tiên trên thế giới và cũng là công ty đầu tiên trong lịch sử nhân loại phát hành cổ phiếu. Thị trường chứng khoán Amsterdam được hình thành và tổ chức của nó rất giống với những thị trường chứng khoán mà ta thấy ngày nay.

Trong sân của sàn chứng khoán Amsterdam, 1653, Emanuel de Witte, sơn dầu trên gỗ, 49 x 47.5 cm
Tiếp theo đó năm 1609, Ngân hàng Amsterdam (tiếng Hà Lan: Amsterdamsche Wisselbank) thành lập, ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới đã giúp chính phủ điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng hiệu quả. Các nhà buôn dễ dàng có tiền để đóng tàu và chiếm ưu thế gần như áp đảo trong việc vận chuyển thương mại ở châu Âu. Phương thức huy động vốn mới mẻ qua giao dịch chứng khoán rộng rãi và hệ thống tài chính công hợp lý đã giúp Công ty Đông Ấn Hà Lan có dư dả tiềm lực để theo đuổi một mục tiêu lớn lao hơn nữa: độc quyền buôn bán với châu Á. Những quốc gia phong kiến ở Viễn Đông lúc này vẫn duy trì hệ tư tưởng Nho giáo với trật tự xã hội: “sĩ-nông-công-thương” đã coi thường giá trị kinh tế của thương mại. Các triều đình phong kiến nắm vai trò độc quyền ngoại thương và bế quan tỏa cảng, không giao tiếp với bên ngoài. Một đoạn trích từ nhật ký của các thương nhân Hà Lan đến buôn bán ở Việt Nam lúc bấy giờ (1):
“Hôm nay, chúa (Trịnh) ban yến cho mấy quan cai bộ để dò hỏi họ luôn thể xem ý kiến họ đối với chúng tôi ra sao? Họ trả lời tốt lắm; đồng thanh cho rằng người Hoà Lan đáng tin hơn người Trung Hoa, người Bồ Đào Nha và các dân tộc khác đã qua đây. Họ còn thuật lại những lời tâu ấy cho chúng tôi nghe; nhưng chúng tôi đã thừa biết rằng họ nói thế để mua chuộc cảm tình chúng tôi, chứ thật ra họ vẫn cấm dân sự buôn bán với chúng tôi, và họ giữ lấy tất cả số tơ trong xứ để bán lại rõ thật đắt.”
Nhưng người Hà Lan không dễ dàng bỏ cuộc, họ vừa đánh (các chúa Nguyễn) vừa kiên trì thuyết phục chính quyền (các chúa Trịnh) và thậm chí thỏa hiệp, đồng ý cống nạp (bao gồm cả gả vợ, như trường hợp vua Lê Thần Tông) cho các triều đình Đông Á để đổi lấy quyền buôn bán những sản vật mà châu Âu không hề có. “Của một đồng, công một nén”, những thứ gia vị, tơ lụa và gốm sứ châu Á mang về châu Âu trở thành những món hàng xa xỉ, lợi nhuận rất cao mà nhu cầu gần như vô hạn. Thành ngữ Hà Lan hiện đại có câu: “Đắt như hạt tiêu” là vậy. Vì thế, bất chấp đường sá xa xôi, núi sông hiểm trở, các tàu buôn Hà Lan vẫn lũ lượt tiến về châu Á. Họ đã thương lượng được với Mạc Phủ của Nhật để mở một cảng xuất nhập khẩu duy nhất trên một hòn đảo bé xíu tên là Dejima ở bờ biển Nagasaki và họ là những người phương Tây duy nhất làm thương mại với người Nhật trong suốt hai thế kỷ.

Một tàu lớn của Hà Lan và thuyền buổm nhỏ phía sau, Ludolf Bakhuizen, 1694, sơn dầu trên vải, 55.8 x 76.2 cm.
Vừa buôn bán vừa chiếm đóng
Trong hai trăm năm tồn tại của mình, công ty Đông Ấn Hà Lan đã chuyên chở giữa châu Á và châu Âu khoảng 2.5 triệu tấn hàng hóa bằng 4785 con tàu cùng với một triệu người châu Âu. Công ty này đã vượt mặt tất cả các đối thủ cạnh tranh của nó trong đó có công ty Đông Ấn Anh đứng thứ hai với lượng hàng hóa chỉ bằng một phần năm. Xét về mặt kinh tế, với lợi tức chia cho cổ đông là 18% mỗi năm trong hai trăm năm liên tục thì thành công của công ty này là vô tiền khoáng hậu.
Nhưng công ty đặc biệt này không chỉ dừng lại ở làm ăn kinh tế. Ban lãnh đạo của nó đã nhanh chóng đề xuất ý tưởng chiếm đóng những vùng đất quan trọng trên hải trình từ châu Âu sang châu Á và thực dân hóa những vùng nguyên liệu ở Viễn Đông nơi mà bộ máy chính quyền còn yếu. Nó dần hoạt động độc lập như một dạng chính phủ lưu động khi mà nó cũng có thể tuyên bố chiến tranh, bắt giữ tù bình, đàm phán hiệp ước, đúc tiền và thành lập thuộc địa. Tên của nó được đặt cho một thuộc địa khổng lồ ở Đông Nam Á: “Đông Ấn Hà Lan” (Dutch East Indies) chính là nước Indonesia sau này. Nhiều nhà hàng của người Indonesia ở nước ngoài vẫn còn đặt theo tên Batavia, tức là tên người Hà Lan đặt cho thủ phủ của thuộc địa, tiền thân của thành phố Jarkarta ngày nay.
Người Hà Lan đã có thuộc địa, thường là những vùng đất nhỏ quanh thương cảng ở khắp nơi trên thế giới: Nam Phi (mũi Hảo Vọng), Sri Lanka , Đài Loan, Bắc-Trung-Nam châu Mỹ. Những hành trình trên biển của người Hà Lan đã mang đến cho nhân loại những phát kiến địa lý quan trọng, trong đó có việc tìm ra châu Đại Dương và lưu lại hai cái tên đến tận ngày nay “New Zealand” (Zeeland là một trong bảy tỉnh liên hiệp) và hòn đảo lớn nhất đồng thời là một bang của Australia: “Tasmania” (đặt tên theo nhà hàng hải Abel Tasman).

Một tấm bản đồ thể hiện hai vùng đất mới được tìm thấy là Tân Hà Lan và Tân Tây Lan còn chưa vẽ được trọn vẹn bờ biển.
Riêng với châu Mỹ và vùng biển Caribbean (Ca-ri-bê), một công ty thứ hai được thành lập là công ty Tây Ấn Hà Lan, chuyên tập trung trồng mía dưới hình thức đồn điền để sản xuất đường. Lúc bấy giờ người châu Âu mới bắt đầu biết dùng đường trong ăn uống nên nhu cầu tăng vọt. Khi nguồn nhân lực trồng mía ở châu Mỹ khan hiếm, công ty này đã kiêm luôn việc buôn bán nô lệ da đen từ bờ Tây châu Phi. Việc đường ăn dần trở thành thứ hàng hóa giá trị nhất sau ngũ cốc trong thương mại châu Âu đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Hà Lan.
Nước giỏi cái gì cũng giỏi
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã quên mất một trong những bài học đầu tiên về sinh học ở chương trình phổ thông là về kính hiển vi. Người Hà Lan là những người đầu tiên làm ra hai loại kính để nhìn ở hai phạm vi đặc biệt: kính thiên văn và kính hiển vi. Antonie van Leeuwenhoek là người phát minh ra kính hiển vi và được coi như người đầu tiên nghiên cứu vi sinh học. Đó chỉ là một ví dụ tiêu biểu cho vô số những thành tựu khoa học mà người Hà Lan đạt được trong thế kỷ 17. Một châu Âu đang bùng nổ những phát kiến của một cuộc cách mạng khoa học lớn chưa từng có, với nhiều nghiên cứu bị Giáo hội Công giáo cấm đoán khiến nhiều nhà trí thức kéo về Hà Lan, tập trung tại trường đại học đầu tiên ở Hà Lan là đại học Leiden, thành lập năm 1575. Nơi đây lại có các điều kiện để áp dụng lý thuyết vào thực tiễn sản xuất.
Những đoàn tàu buôn và thuyền chiến hùng mạnh của Hà Lan có được là nhờ ngành công nghiệp đóng tàu phát triển. Nếu như những người thợ dùng lưỡi cưa thẳng theo kiểu “kéo cưa lừa xẻ” thì sẽ rất tốn nhân lực và thời gian để làm ra những con tàu lớn vượt đại dương. Người thợ Hà Lan đã phát minh ra lưỡi cưa đĩa tròn và lợi dụng sức gió để cưa những thân gỗ rất dài và nặng làm vỏ tàu. Những xưởng cưa được thành lập chỉ chuyên một nhiệm vụ là xẻ những khúc gỗ lớn với những “cối xay gió” trên nóc. Việc định hướng và tìm đường chính xác trong ngành hàng hải cũng do kĩ thuật chế tác những thấu kính hiện đại làm ống nhòm và các nghiên cứu thiên văn học tiến bộ.

Xưởng cưa De Salamander chạy bằng sức gió, hoạt động từ năm 1777 đến tận năm 1953. Ảnh: Vincent van Zeijst. Chúng ta thường gọi hệ thống cơ khí gắn với những cánh quạt này là “cối xay gió” nhưng trên thực tế chúng được sử dụng với rất nhiều mục đích khác nhau.
Người Anh có câu: “Chúa trời tạo ra thế giới còn người Hà Lan tạo ra nước Hà Lan” không hề phóng đại chút nào. Thiên nhiên khắc nghiệt với lũ lụt, triều cường, gió to bão lớn và rất nhiều đất đai ngập nước mặn đã không làm nản chí người dân. Họ xây dựng những con đê chắn biển và sử dụng sức gió rất mạnh vùng duyên hải để bơm nước mặn ra ngoài. Hàng nghìn vùng đất có được do ngăn biển này được sử dụng để sản xuất những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Từ một nước đất chật người đông, họ trở thành nhà xuất khẩu nông nghiệp vào châu Âu và cả sang châu Á. Cho đến tận ngày nay, hình ảnh cô gái Hà Lan tay xách xô sữa bò vẫn luôn là một biểu tượng cho thành tựu này. Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm lương thực, bơ sữa, người Hà Lan đã biến hoa tươi, đặc biệt là hoa tulip thành một ngành xuất khẩu giá trị nhờ việc nhân giống và làm hoa nở thành công trong điều kiện khí hậu châu Âu tại trường đại học Leiden. Cả châu Âu đã từng lên cơn sốt, điên cuồng tìm mua loài hoa này.

Những chiếc bình sứ cầu kỳ này được đặt làm ra chỉ chuyên dùng để cắm hoa tulip. Những người giàu có còn đặt làm tại Trung Quốc nơi có đồ sứ tốt nhất thế giới thời đó. Ảnh: A.J. (Ton) van der Wal, Rijksdienst voor het Cultureel Erfgoed.
Quả đậu Hà Lan cũng không có nguồn gốc ở Hà Lan nhưng đã được họ mang vào nước ta cùng nhiều loại rau châu Âu từ thế kỷ 17 như thế.
Lê triều dã sử (2) chép: “Năm đầu niên hiệu Nguyên Hòa, người nước Hòa Lan ở Tây Dương, còn gọi là Hoa Lang, từ sở hội thương ở Mã Lục Giáp, Tân Gia Ba (tức là Malacca của Malaysia và Singapore ngày nay) đến Gia Định xin thông thương mua bán hàng hóa, xin chịu nộp thuế. Lại từ Gia Định vượt thuyền đến vạn Lai Triều ở trấn Sơn Nam cư trú, mở chợ buôn bán. Các thứ hàng quần áo nhung vải rất tinh xảo, giá cũng rất đắt nhưng được người trong nước ưa chuộng. Tương truyền nước ấy có một giống đậu, vị béo ngọt, nhỏ như lá tre, màu xanh mượt, hạt như đậu trắng. Người nước ta chọn được giống ấy, phần nhiều gieo trồng, nhân đó gọi là đậu Hòa Lan, có lẽ lấy tên nước đặt cho nó”.
Không chỉ dừng lại ở khoa học tự nhiên mà khoa học xã hội cũng phát triển mạnh mẽ. Chính phủ không áp đặt kiểm duyệt nên ngành in ấn bùng nổ. Tất cả các nghiên cứu tôn giáo, triết học, văn học đều được xuất bản. Các tài liệu bị cấm ở khắp châu Âu được tuồn về Hà Lan để in rồi lại bí mật đem trở lại vào châu Âu. Với việc lãnh thổ của Hà Lan mở rộng khắp thế giới và xuất hiện xung đột với các đế chế khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, các học giả Hà Lan đã tiến hành những nghiên cứu đầu tiên về luật pháp quốc tế như điều ước song phương, luật hàng hải, luật thương mại. Trong đó có những khái niệm đến tận ngày nay vẫn còn áp dụng như “tự do hàng hải”.
Phép màu Hà Lan ươm phép màu Nhật Bản
Người Bồ Đào Nha đã đến Đông Á từ trước nhưng chỉ khi người Hà Lan đến thì thế giới phương Đông mới thực sự được tiếp xúc với những thành quả của văn minh phương Tây mà Hà Lan đang là nước dẫn đầu. Người Hà Lan phát minh ra đồng hồ quả lắc có thể kiểm soát thời gian chính xác đã khiến người phương Đông coi như một món đồ cực kỳ tinh xảo. Phủ biên tạp lục(3) của Lê Quý Đôn có miêu tả chi tiết với sự thích thú và kinh ngạc:
“Văn Tú lại chế tạo một cái đồng hồ hạng trung… đo với bóng mặt trời mà nghiệm thì rất đúng. Văn Tú là người xã Đại Hào, huyện Đăng Xương. Khi trẻ đi học ở nước Hòa Lan, học hai năm biết được nghề, có thể chế các hạng đồng hồ và làm được kính thiên lý rất khéo. Văn Tú lại làm một cái đồng hồ cũng như cái đồng hồ của họ Nguyễn đã giao cho chữa lại. Nhưng về mặt trước, phía trong có thêm 2 bánh xe đồng, có lỗ thông ra ngoài ở hai bên tả hữu cái kim. Phía tả có 60 phiến đồng khắc chữ từ giáp tý đến quý hợi, phía hữu có 30 phiến đồng khắc từ mồng 1 đến ngày 30. Hễ gặp ngày nào thì hai bên hiện chữ ra, hết vòng thì trở lại, thật là tuyệt diệu.”

Đồng hồ thời Edo do người Nhật chế tác, thế kỷ 18.
Vậy là thời bấy giờ, nước ta cũng đã có người đi du học tận Hà Lan vì sự hấp dẫn của khoa học kỹ thuật hiện đại. Các Tướng quân của Mạc Phủ Nhật Bản cứng rắn duy trì việc đóng cửa đất nước nhưng vẫn không thể cưỡng lại sự quyến rũ bởi những phát minh hữu dụng của người Hà Lan. Người Nhật dùng cụm từ Rangaku (Hán-Việt: Lan học) để chỉ việc “học từ người Hà Lan” (và phương Tây nói chung). Trong hai trăm năm tiếp xúc với người Hà Lan qua một cái cầu nhỏ nối đảo Dejima và thành phố Nagasaki, người Nhật đã cập nhật được những phát kiến mới nhất ở châu Âu để hình thành một nền tảng lý thuyết về tư tưởng hiện đại, khoa học (bao gồm cả y học phương Tây) và kỹ thuật cơ bản.
“Phép màu Nhật Bản” hóa ra cũng là nhờ một phần lớn ở “phép màu Hà Lan”. Người Nhật tiếp thu văn minh phương Tây thông qua người Hà Lan, rồi sau đó là người Mỹ, những dân tộc có quan điểm tiến bộ do không theo Công giáo. Do thế mà người Nhật cũng có sự thông thoáng trong tư duy khi tiến hành cải cách mặc dù đạo Tin Lành bị đàn áp dã man và chưa bao giờ thành công ở Nhật như ảnh hưởng khủng khiếp của nó ở Hàn Quốc. Mục đích cai trị của thực dân những nước Công giáo thường không chỉ đơn thuần dừng lại ở quyền lợi kinh tế như thực dân Tin Lành, ta có thế thấy thư Bá Đa Lộc (4) được chép lại trong chính sử Nhà Nguyễn có nói:
“Ông muốn việc cứu viện Nam Hà phải về tay một cường quốc Công giáo, gạt ra ngoài bọn Thệ phản Anh, Hòa Lan. Ông muốn huấn luyện đứa bé ba tuổi (Hoàng tử Cảnh) thành một giáo dân kiểu mẫu để cho thần dân nó sau này noi theo”.
Vì vậy sau khi người Mỹ dùng quân sự buộc Nhật Bản phải mở cửa (1854) và Mạc Phủ sụp đổ (1868) thì nước Nhật nhanh chóng vươn lên và trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, người Nhật đã biết tạo ra dòng điện hay đã làm được quả địa cầu để hình dung thế giới. Họ đã có những yếu tố cần để phát triển và Minh Trị duy tân là yếu tố đủ chứ không phải chỉ đơn thuần với sự lên ngôi của Thiên hoàng Minh Trị mà nước Nhật có thể phát triển hùng cường.

Một cuốn sách về giải phẫu học của phương Tây lần đầu tiên được dịch ra tiếng Nhật vào năm 1774.
Quà từ châu Á
Chiều ngược lại, những chuyến đi của người Hà Lan cũng đã mang về châu Âu rất nhiều kiến thức về một châu Á huyền bí. Nhà bác học người Anh Isaac Newton, trong tác phẩm khoa học kinh điển Các nguyên lý (Principia Mathematica) viết bằng tiếng Latin (1687), khi giải thích hiện tượng thủy triều, có nhắc đến địa danh cảng Batsham nằm trong vĩ độ 20°50′ bắc, thuộc vương quốc Tunquini (Tonkin – Đàng Ngoài), nơi mà thủy triều đặc biệt lên xuống chỉ một lần trong ngày. Một cảng biển nào đó ở khu vực Hải Phòng mà ngày nay chúng ta còn không biết nhưng lại được một nhà khoa học tận bên kia Trái đất nhắc đến từ nhiều thế kỷ trước là do những ghi chép đầy đủ của các nhà du hành Hà Lan thời ấy.
Nhiều giống cây mới, hoa quả và những thực phẩm mới đã làm thay đổi cả lối sống của người châu Âu như trà và cà phê. Một số ít người Hà Lan đã bắt đầu sưu tập những tranh khắc gỗ rẻ tiền (ukiyo-e) của Nhật mà sau này ảnh hưởng sâu rộng đến những họa sĩ châu Âu vì tính độc đáo so với các nền văn hóa châu Á khác của chúng. Những mẫu họa tiết và cách ăn mặc phương Đông đã ảnh hưởng lên nhiều công trình kiến trúc và tác phẩm nghệ thuật phương Tây. Hà Lan trở thành một đất nước thịnh vượng, và theo quy luật “phú quý sinh lễ nghĩa”, nền hội họa của họ lúc bấy giờ đã đánh dấu một mốc son trong lịch sử nghệ thuật của nhân loại.

“The Astronomer”, Johannes Vermeer
Vào tham quan các bảo tàng mỹ thuật lớn trên thế giới, nhất là ở phương Tây, ta sẽ luôn tìm thấy một khu vực trưng bày tranh riêng biệt dành cho hội họa Hà Lan thế kỷ 17, không chỉ vì chất lượng của các tác phẩm thời kỳ này mà còn vì số lượng đồ sộ được sản xuất ra bởi các họa sĩ Vùng đất thấp đương thời. Sau khi độc lập, Cộng hòa Hà Lan nhanh chóng trở thành quốc gia giàu có bậc nhất châu Âu, nhu cầu chi tiêu cho nghệ thuật tăng vọt, kết hợp với sự di cư của các thợ thủ công và nghệ sĩ về đây đã để lại một dấu ấn đậm nét trong lịch sử mỹ thuật của nhân loại. Khi nói đến mỹ thuật Hà Lan, người ta thường bao gồm cả các họa sĩ vùng Flanders (người Flemish), tức là những người nói tiếng Hà Lan nhưng sống ở phía bắc nước nước Bỉ, dưới sự cai trị của triều đình Tây Ban Nha. Trong bài này, ta chỉ bàn đến những tác phẩm được tạo ra ở nước Cộng hòa Hà Lan, nơi mà hội họa không còn bị ràng buộc bởi những đề tài và chuẩn mực khắt khe của tôn giáo và xã hội Trung Cổ.
Đến nhà anh bán thịt cũng treo tranh
Khi chiến sự với quân Tây Ban Nha sau gần 80 năm (1568-1648) đi dần đến hồi kết cũng là lúc Hà Lan bắt đầu ổn định và số lượng thương nhân giàu có tăng lên nhanh chóng. Đô thị hóa cao độ đã sinh ra tầng lớp trung lưu và thị dân, những người đã đủ ăn đủ mặc và dần xuất hiện nhu cầu mua tranh. Trước hết là tranh chân dung để lưu lại hình ảnh của bản thân và gia đình, đa phần các họa sĩ kiếm sống nhờ thể loại này. Có một bức tranh chân dung trong nhà vừa thể hiện được tiềm lực kinh tế lại vừa khẳng định được địa vị xã hội. Phòng khách của các nhà giàu thường dùng cho việc ký kết hợp đồng, thanh toán tiền nong nên việc treo mươi, mười lăm bức tranh ở đây nhằm tạo sự yên tâm cho khách hàng về khả năng tài chính của gia chủ. Lần đầu tiên trong lịch sử phương Tây, những người bảo trợ cho các họa sĩ không còn dừng lại ở giới tăng lữ nhà thờ và quý tộc mà phạm vi đã mở rộng đến mọi tầng lớp, những khách hàng thực sự, có tiền và cần tranh.

Người mẹ đang bắt chấy cho con, Pieter de Hooch, vẽ khoảng 1658-1660, sơn dầu trên vải, 52.5 × 61 cm. Bức tranh này mô tả bên trong một căn nhà bình thường, ta thấy có ít nhất hai bức tranh trên tường.
Việc vẽ tranh trở thành một nghề chính thức và số lượng họa sĩ tăng đột biến. Họ đã làm việc cật lực và di sản để lại sau gần hai thế kỷ thật khổng lồ, người ta ước tính số lượng tranh Hà Lan phải lên đến vài triệu bức. Sau gần bốn trăm năm, dù chỉ 1% số đó tồn tại thì ngày nay lượng tranh Hà Lan trên khắp thế giới vẫn còn tương đối nhiều. Với số lượng lớn họa sĩ hành nghề và sản lượng tranh rất cao thì thị trường đã tự điều tiết khiến giá tranh trở thành rất rẻ.
Có hai ghi chép đáng chú ý của người ngoại quốc là của hai khách lữ hành người Anh Peter Mundy và William Aglionby. Peter là một thương nhân đã đi rất nhiều nơi, sang cả Trung Hoa và Nhật Bản, vậy mà khi đến Amsterdam năm 1640 đã phải ngạc nhiên trước sự yêu thích tranh của người Hà Lan: “Nói về hội họa và tình cảm yêu quý của người ta dành cho những bức tranh thì tôi nghĩ không ở đâu có thể bì được với nơi đây”. Ông cho biết không chỉ những thương nhân giàu có mà ngay cả thợ làm bánh mì, thợ sửa giày, anh hàng thịt hay bác thợ rèn cũng có tranh treo trong nhà. William ghi lại trong tác phẩm Phản ánh hội họa qua ba cuộc đối thoại (1686) sự kinh ngạc của mình khi chứng kiến “những căn nhà của người Hà Lan tràn ngập các bức tranh, từ những người giàu nhất cho đến những người nghèo nhất”. Ta có thể thấy điều này là sự thực vì vô số bức tranh thời kì này mô tả các không gian nội thất khác nhau có sự xuất hiện của các khung tranh treo trên tường.
Baroque kiểu Hà Lan
Kỷ nguyên vàng của hội họa Hà Lan xảy ra đồng thời với trào lưu Baroque ở châu Âu nên các họa sĩ Hà Lan chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của trường phái này, một số họa sĩ như Rembrandt và Vermeer còn trở thành đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật Baroque. Tuy nhiên người Hà Lan với chất thực dụng và giản dị Bắc Âu vẫn tạo ra những khác biệt cơ bản với các nhánh Baroque Pháp và Nam Âu. Baroque Hà Lan tập trung phản ánh hiện thực và mô tả nó rất chất phác mà chi tiết, không lý tưởng hóa nhân vật, không thể hiện tình yêu và dục vọng mỹ miều, không có những chi tiết lộng lẫy và phù phiếm, khác hẳn với người anh em miền Nam của nó ở Flanders (những cơ thể phụ nữ sồ sề và đàn ông thì cơ bắp cuồn cuộn). Còn những tính chất cơ bản khác của Baroque, chủ yếu là về kỹ thuật thì vẫn được bảo toàn: lối dùng màu đậm, nét, có chiều sâu, áp dụng chính xác luật xa gần và phối cảnh với ánh sáng trong tranh tương phản sáng-tối cao độ, hay với đề tài tôn giáo thì tranh thường miêu tả kịch tính cao trào. Ngoài ra có một chi tiết về ánh sáng rất lạ trong tranh Hà Lan mà ít người để ý: đó là ánh sáng luôn đi vào tranh từ bên trái, nguồn sáng thường hắt qua cửa sổ từ phía trái, đến nay người ta vẫn không lý giải được tại sao lại như vậy.

Diana và các nàng tiên, Johannes Vermeer, khoảng 1653-1654, sơn dầu trên vải, 97.8 × 104.6 cm.
Như đã nói, xã hội Hà Lan đang bước vào chế độ tư bản, cả nền kinh tế bị chi phối bởi quy luật cung cầu và tranh cũng không ngoại lệ. Hầu hết các tranh ở châu Âu, bắt đầu từ Phục Hưng là tranh tôn giáo (Thiên Chúa Giáo-Công giáo) vì nhà thờ là chủ đầu tư. Nay Hà Lan công nhận đạo Can-vanh (Calvin) là quốc giáo nhưng đồng thời cũng không hề cấm đoán các tôn giáo khác. Đạo Do Thái, các phái Tin Lành khác tha hồ tuyên truyền (trừ Công giáo bị cấm nhưng Nhà nước vẫn nhắm mắt làm ngơ cho các nhà thờ Công giáo đi vào hoạt động bí mật) nên đề tài tôn giáo không còn chiếm vị trí độc tôn trong mỹ thuật nữa. Đồng thời nơi đây đã có truyền thống vẽ các đề tài hiện thực từ trước, nay lại gặp thời cơ khi dân cũng bỏ tiền vào nghệ thuật nên các thể loại “hiện thực tư bản chủ nghĩa” nở rộ, tạo ra một thời kì độc đáo bậc nhất trong lịch sử nghệ thuật.
Mặc dù các họa sĩ Hà Lan ngày ấy không chính thức công nhận hệ thống phân cấp trong hội họa, nhưng rõ ràng luật bất thành văn về đẳng cấp của các đề tài vẫn được ngầm chấp nhận:
– Danh giá nhất vẫn là tranh có đề tài lịch sử (bao gồm tôn giáo, truyền thuyết và văn học cổ). Thể loại này giờ đã không còn được ưa chuộng, ít người mua, nhưng kích thước lớn và đòi hỏi kỹ thuật cao vẫn khiến nó được ngồi chiếu trên trong bảng xếp hạng (tương tự như nhạc cổ điển nước mình bây giờ). Các họa sĩ chịu ảnh hưởng mạnh từ phong cách Ý (và sang cả Ý du học), đồng thời thể hiện những hình ảnh rực rỡ về khoảnh khắc dâng trào nhất trong một điển tích do ảnh hưởng của phong trào Baroque.

Các mục đồng đến thăm Chúa hài nhi (Adoration of the shepherds), Gerard van Honthorst, 1622, sơn dầu trên vải.
– Tiếp đến là tranh chân dung. Người ta thuê vẽ tranh chân dung nhiều nhất là khi làm đám cưới và vẽ cả gia đình (y hệt như nghề ảnh bây giờ vậy). Mặc dù kiếm được tiền nhưng các nghệ sĩ vẫn kêu than là chán ngán thể loại này vì công việc cứ lặp đi lặp lại và ít sáng tạo, nhất là vẽ những gia đình ở tỉnh lẻ. Những người này có nhiều tiền (do làm trang trại) nhưng sùng đạo và gu thẩm mỹ hạn chế nên chỉ thích vẽ quần áo tối màu, bối cảnh phía sau đơn giản, trong nhà, không giống như giới quý tộc và quân đội, thích quần áo sáng màu và khung cảnh khoáng đạt phía sau. Quần áo trong tranh rất quan trọng, các họa sĩ hơn nhau ở chỗ diễn tả các nếp gấp và chất liệu có giống thật hay không, có biết thêm vào các chi tiết thời trang hay không.

Gerard Terborch (1617-1681) “Margaretha van Haexbergen, vợ của Jan van Duren”
Có nhiều chi tiết về thực tế khi vẽ thể loại chân dung này rất thú vị vì nó là tranh phục vụ thương mại. Ví dụ như vẽ tranh hai vợ chồng mới cưới thì họa sĩ sẽ để trống ra một khoảng bên cạnh, lúc đầu thì cứ vẽ bàn ghế, về sau khi có con thì sẽ vẽ đè em bé lên chỗ đó. Các nhân vật trong gia đình thường vẽ ngồi cùng một cao độ để sau này có thêm người thì chỉ việc vẽ ngồi cùng hàng. Các học giả cũng thường thuê vẽ chân dung, ông nào nghiên cứu ngành nào thì sẽ có bộ đồ nghề tương ứng trong tranh: quả địa cầu, kính thiên văn, bản đồ, sách vở, đầu lâu hoặc là xác chết đang mổ. Người Hà Lan cũng phát minh ra thể loại chân dung một nhóm người, thường là một hội nghề nghiệp, quỹ từ thiện hoặc đoàn binh lính. Tiền vẽ tranh là do cả nhóm góp lại, ông nào chọn được vẽ ngồi giữa thì phải trả nhiều tiền hơn, ông nào ít tiền thì vẽ sẽ sát về khung tranh hoặc bị đứng khuất, chỉ có bán thân nhô lên thôi.
Thời kì này có một loại chân dung Hà Lan đặc biệt gọi là tronie, tức là chỉ vẽ mỗi phần đầu và vai của nhân vật đang biểu lộ một cảm xúc gì đó trên khuôn mặt, nhiều khi đặt nhân vật ở trong một ô cửa sổ. Tronie thường do họa sĩ hứng lên là vẽ, rất phóng túng, không phải vì tiền, ví dụ như hầu hết tronie của Rembrandt là tự họa. Cũng có những tronie nổi tiếng như Cô gái đeo hoa tai ngọc trai của Vermeer.
– Kế đến là tranh vẽ cuộc sống thường nhật (genre painting): Đây là thể loại tranh thú vị nhất của hội họa Hà Lan vì nó mô tả đa chiều cuộc sống của người dân. Giống như những tranh Bắc Âu thời kì trước, nhiều đồ vật và con vật trong tranh đều mang một ý nghĩa biểu tượng. Mặc dù rất nhiều bức tranh nhằm ngụ ý hoặc ẩn dụ cho một câu tục ngữ hay truyện ngụ ngôn nào đó, nhưng những thiết kế đồ vật và hình ảnh trong tranh rõ ràng là lấy từ cuộc sống thật. Đó là nguồn tư liệu lịch sử vô giá, cho ta cái nhìn toàn diện và tỉ mỉ từ cung vua phủ chúa cho đến góc bếp của chị nông dân. Không chỉ dừng lại ở giá trị tư liệu mà những bức tranh này cực kỳ giàu cảm xúc, những nhân vật trong tranh dù chỉ đang làm những việc đơn giản mà cực kỳ sống động và có hồn. Lối vẽ này đã mở ra một mục đích mới của hội họa, không chỉ dừng lại ở mô tả thần thánh hay một vài nhân vật bằng chân dung, nó ảnh hưởng đến các họa sĩ hiện đại hàng trăm năm sau, cũng vẽ những sinh hoạt giản dị mà đầy tính nhân văn, đầy chất thơ trong đó.

Bức thư tình, Johannes Vermeer, khoảng 1669, sơn dầu trên vải, 44 cm × 38.5 cm. Bức tranh trao trên tường phía sau có hai hình ảnh ẩn dụ: con thuyền là người tình và đại dương là tình yêu.
Có một điều lạ là đàn ông rất ít xuất hiện trong những tranh này, và mặc dù là một cường quốc về hàng hải nhưng tranh vẽ thủy thủ hay công nhân làm việc ở cảng lại rất ít. Chủ yếu tranh mô tả phụ nữ là các bà nội trợ, chị hầu gái, vú em, cô giúp việc, gái điếm, tiểu thư, bà chủ đang sinh hoạt bên trong một căn phòng, có lẽ là tại định kiến khi đó: đàn bà thì phải ở trong nhà chăng?
– Thứ tư là tranh phong cảnh (bao gồm thiên nhiên và đô thị) là một đề tài lớn giai đoạn này. Ngoài các tranh vẽ núi rừng thì rõ ràng đề tài thuyền và biển phổ biến vô cùng. Một đất nước đã tiến ra biển lớn và giàu có nhờ biển thì các tranh vẽ tàu thuyền trên biển đương nhiên là rất nhiều. Tàu chiến, tàu buôn, thuyền chài, xuồng gỗ la liệt trên các bến cảng. Sóng biển được nhiều họa sĩ vẽ đi vẽ lại đến mức nhuần nhuyễn bậc thầy. Sóng cuồn cuộn cùng giông tố, các cảnh hải chiến cho thấy một thời đỉnh cao của Hải quân Hà Lan với lá cờ ba màu (da cam, trắng, xanh) tung bay trong gió (5). Các thành phố được quy hoạch khoa học với rất nhiều công trình xây dựng tốn kém cũng trở thành đề tài phổ biến cho các nghệ sĩ.

Chợ lớn ở Haarlem với Nhà thờ nhìn từ hướng Tây, Gerrit Berkheyde, 1696, sơn dầu trên vải, 69,5 x 90,5 cm. Bên tay phải là Nhà thờ lớn Grote Kerk của thành phố Haarlem (vẫn tồn tại tới nay) xuất hiện trong rất nhiều bức tranh đương thời.
– Xếp cuối bảng là tranh tĩnh vật. Tĩnh vật giai đoạn này nổi tiếng nhất với đề tài bàn tiệc hoặc các bữa ăn nhẹ với đủ kiểu thức ăn bày la liệt trên mặt bàn cùng các đồ gia dụng đắt tiền như thủy tinh hoặc bạc. Các bức tranh tĩnh vật mô tả ánh sáng trên đồ vật cực kỳ sống động và chân thực, tuy nhiên mỗi hình ảnh trong tranh đều mang một ý nghĩa tượng trưng về đạo đức chứ không đơn thuần là những đồ vật vô tri vô giác.
Các thể loại càng bị coi là “đẳng cấp thấp” thì càng phổ biến và có số lượng lớn. Tuy nhiên vẫn có nhiều họa sĩ nổi tiếng chỉ với một thể loại dù là tĩnh vật hay phong cảnh. Phần lớn các họa sĩ vẽ tranh lịch sử đều kiêm thêm vẽ chân dung và nhiều người thành danh nhờ vẽ chân dung là chính như Rembrandt chẳng hạn.

Tĩnh vật với pho mát, a-ti-sô và sơ-ri, Clara Peeters, 1625, sơn dầu trên ván gỗ, 46.67 × 33.34 cm
Cây lanh: nguyên liệu mới của hội họa
Một đặc điểm quan trọng của hội họa Hà Lan chính là chất liệu. Thông thường người xem luôn quan tâm hơn đến hình ảnh trong bức tranh nhưng các họa sĩ mới chính là những người chú tâm nhất đến chất liệu (vì “có bột mới gột nên hồ”). Ta dễ dàng nhận thấy chất liệu chiếm vị trí độc tôn của hàng triệu bức tranh thời đó là sơn dầu – một nguyên liệu đã thay thế hoàn toàn tempera (màu vẽ trộn bằng lòng đỏ trứng, sữa và keo) của thời Phục Hưng và Trung Cổ. Sự phổ biến của sơn dầu ngày nay chính là bắt nguồn từ khi nó được sử dụng rộng rãi trong tranh thời kỷ nguyên vàng Hà Lan. Vậy sơn dầu là gì và có từ bao giờ?

“Bài học giải phẫu của bác sĩ Nicolaes Tulp”, Rembrandt, 1632, sơn dầu trên vải,169.5 ×216.5 cm
Nhiều người vẫn cho rằng Jan van Eyck là người phát minh ra sơn dầu. Sự thực thì nguồn gốc của sơn dầu vẫn chưa rõ ràng (đã có những tranh bích họa sơn dầu tìm thấy ở châu Á từ thế kỷ XIII) nhưng quả đúng Jan van Eyck là một trong những người sớm nhất sử dụng sơn dầu một cách thành công trong lịch sử mỹ thuật. Các họa sĩ cũng thời của ông (mỹ thuật Hà Lan thời kỳ đầu – khoảng thế kỷ 15) nhanh chóng nhận ra những đặc tính ưu việt của loại chất liệu mới này: phản quang tốt, tạo hiệu ứng ánh sáng giống thật, dễ pha màu, trơn ướt và quan trọng là lâu khô. Nhưng phải mất nhiều năm sau, khi công thức bí mật của Jan van Eyck được lưu truyền rộng rãi thì sơn dầu mới phổ biến khắp châu Âu và sang cả Ý – nơi các họa sĩ Hà Lan vẫn phải cắp cặp đến tìm thầy học.
Đầu tiên, dầu được ép từ các loại hạt, trong đó có hạt lanh (tiếng Anh: linseed) là hạt của cây lanh – một loại cây công nghiệp. Sau đó người ta lấy dầu lanh đem pha loãng với dầu thông(6) và trộn cùng bột màu tạo thành hỗn hợp sơn dầu – một loại màu vẽ bóng bẩy và có thể dùng để miêu tả tự nhiên và quần áo một cách chân thực hơn nhiều lần tempera. Kỹ thuật vẽ lúc này cũng thay đổi, các họa sĩ vẽ tranh bằng nhiều lớp màu, lớp dưới cùng chỉ đơn sắc hoặc gồm những màu cơ bản nhất, rồi phủ lên các lớp màu đa dạng bên trên sau khi lớp đầu tiên đã khô, cuối cùng là lớp láng (bằng dầu trong suốt) để bảo vệ màu và tạo độ bóng. Nhờ thế mà màu của tranh rất đều và siêu bền, đến tận bây, giờ sau cả nửa thiên niên kỷ mà màu của đa số tranh vẫn còn nguyên.
Không chỉ màu vẽ mà cái nền để vẽ lên cũng đã có những thay đổi mang tính cách mạng. Như bạn đọc có thể thấy ở các tranh đương thời, chất liệu đa phần là “sơn dầu trên vải” (tiếng Anh: oil on canvas) trong khi vẫn có một số bức là “sơn dầu trên ván gỗ” (tiếng Anh: oil on wood panel). Ván gỗ là công cụ truyền thống từ lâu đời để các họa sĩ vẽ tranh lên nhưng có cái bất tiện là nặng nề và kích thước thường hạn chế, muốn vẽ tranh to thì phải ghép nhiều tấm lại. Thời kì này ngành hàng hải của châu Âu đang phát triển như vũ bão và các họa sĩ Ý đã tìm ra một chất liệu tuyệt vời, vốn dùng làm buồm cho tàu thuyền: vải lanh. Cũng từ cây lanh, lần này là thân cây phơi khô rồi tước thành sợi, người ta đã dệt nên một loại vải vô cùng bền chắc. Loại vải này đã được dùng từ thời cổ đại, và những tấm vải lanh liệm xác ướp Ai Cập sau mấy nghìn năm đến nay vẫn còn nguyên xi. Chữ lingerie nghĩa là “đồ lót phụ nữ” cũng xuất phát từ lingetrong tiếng Pháp mang nghĩa “vải lanh”.
Đến thế kỉ 17 thì vải lanh được sử dụng rộng rãi trong hội họa Bắc Âu vì nó nhẹ, dễ sử dụng và căng lên khung là vẽ được tranh khổ lớn thoải mái. Vì vải màu nâu nên người ta phải bồi nền bằng màu sáng (thường là trắng), vừa là để màu sơn không ngấm trực tiếp vào vải. Loại chất bồi này gọi là gesso làm bằng keo trộn với phấn hoặc thạch cao, rồi bôi lên mặt vải sẽ tạo ra mặt phẳng cứng để vẽ. Ngày nay thì ta chỉ việc mua toan (tiếng Pháp: toile) ngoài hiệu dệt bằng các loại sợi tổng hợp đã nhuộm trắng để vẽ (và còn được căng sẵn lên khung nữa chứ).
Nhờ có hai chất liệu tiến bộ này mà hội họa Hà Lan đã phát triển với một tốc độ thần kì. Các bức tranh vẽ ra đạt chất lượng cao và giá thành giảm đã khiến nghệ thuật đi vào cuộc sống của nhân dân một cách rất tự nhiên. Nghề họa sĩ đã thành một nghề lao động chuyên nghiệp đòi hỏi phải có đào tạo tay nghề, có chứng chỉ và những hiệp hội họa sĩ ra đời dưới dạng thức sơ khai nhất của nó.
“Thợ sơn” và “họa phường”
Trong tiếng Anh thì thợ sơn và họa sĩ là cùng một từ (painter). Chúng ta thường dùng “thợ sơn” để châm biếm những họa sĩ làm ra các tác phẩm kém chất lượng nhưng không phải ai cũng biết rằng thợ sơn và họa sĩ, vào thuở sơ khai ở châu Âu vốn là cùng một nghề. Ngay cả khi các họa sĩ chỉ chuyên vẽ tranh, không trang trí trực tiếp trên tường nữa thì họ vẫn hoạt động trong cùng một “hiệp hội nghề nghiệp” với các thợ sơn. Khi nhu cầu thị trường ở các nước Vùng đất thấp tăng cao thì các họa sĩ dần tách riêng ra rồi tập hợp nhau lại thành các phường hội, tương tự như phường hội của các ngành nghề khác (buôn vải, thợ thủ công…) mà ta có thể tạm gọi là “họa phường”. Các họa phường này đảm nhận vai trò đào tạo lứa họa sĩ mới, bảo vệ quyền lợi cho các họa sĩ những cũng đồng thời quản lý việc giao dịch tranh ra thị trường.

“Những người đứng đầu Họa phường Thánh Luke ở Haarlem”, Jan de Bray, 1675, sơn dầu trên vải, 130 cm ×184 cm. Các họa phường luôn đặt tên theo Thánh Luke vì đây là vị thánh bảo trợ cho họa sĩ.
Các học sinh được huấn luyện theo phương pháp cổ điển từ thời Trung Cổ đó là một thầy một trò, nhiều nhất là hai trò. Thầy trực tiếp dạy và cho người học việc làm quen với tất cả các công đoạn và kỹ thuật của một họa sĩ. Quá trình đào tạo không chỉ tốn kém mà còn rất khắc nghiệt, ít nhất là từ ba đến năm năm để đạt mức “thạo việc” (journeyman) nên các họa sĩ Hà Lan đều có kỹ thuật cực kỳ điêu luyện nhưng lại thường bị ảnh hưởng hoàn toàn bởi lối vẽ của thầy. Nhiều tác phẩm của các bậc danh họa là do học trò của họ hoàn thiện các chi tiết phụ trong tranh. Khi người sinh viên đã nắm vững kỹ thuật và muốn ra làm riêng thì sẽ vẽ một bức tranh để tốt nghiệp với sự chấp thuận của họa phường và được công nhận danh hiệu “tay nghề bậc thầy” (master). Người này lại tiếp tục nhận học trò và cứ thế phong cách vẽ được định hình dần dần từ người thầy đầu tiên. Lần lượt các thành phố lớn của Các tỉnh liên hiệp Hà Lan đều thành lập các họa phường và sản sinh ra phong cách riêng cho từng thành phố. Không chỉ họa sĩ mà những người vẽ tranh minh họa cho sách, thợ khắc bản in cũng được gia nhập cho đến khi ngành in ấn phát triển thành một mảng riêng biệt.
Mặc dù các họa sĩ vẫn thường bán tranh trực tiếp cho người mua tại xưởng vẽ của mình, nhưng các bức tranh đều chịu sự định giá của họa phường. Khung giá đưa ra nhằm đảm bảo các họa sĩ không bị bắt chẹt bởi một nghề mới trong xã hội: môi giới nghệ thuật hay nôm na là buôn tranh. Nhiều họa phường có riêng người làm giao dịch và môi giới nghệ thuật. Tuy nhiên những họa sĩ có tài năng vượt bậc lại chịu thiệt thòi vì những quy chế khắt khe của họa phường.
Các họa phường chỉ dần tan rã khi nhu cầu của thị trường bùng nổ. Các họa sĩ không chịu sự điều khiển của hiệp hội nữa để đảm bảo chất lượng và giá cao cho tác phẩm. Họ vẽ những gì muốn vẽ chứ không phải vẽ theo nhu cầu đặt hàng. Nhất là khi hình thức giáo dục đại trà ra đời, các đơn vị học thuật như trường đại học tham gia giảng dạy mỹ thuật một cách hàn lâm để đáp ứng nhu cầu rất lớn của những người yêu nghệ thuật và muốn trở thành họa sĩ. Việc mua bán tranh lúc này bị tách bạch hẳn khỏi quá trình đào tạo. Các họa phường độc quyền dần đi đến chỗ giải thể trước khi chính thức bị cấm hoạt động dưới thời Napoleon, khi Pháp chiếm Hà Lan và kết thúc kỉ nguyên vàng của Vùng đất thấp vào thế kỉ 18.
Delftware: làm nhái hàng Tàu
Ngày nay nói đến việc sản xuất đồ nhái lại các sản phẩm của Tàu thì nhiều người hẳn cho là điên rồ, nhưng cách đây mấy trăm năm thì tình hình lại không như vậy. Khi ấy sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Trung Hoa nổi tiếng đến mức không chỉ dừng lại ở tầm thương hiệu quốc gia mà người phương Tây còn lấy nó để gọi luôn tên đất nước: China – Đồ sứ. Đồ sứ Trung Quốc là thứ đồ gia dụng cao cấp nhất mà chỉ các đại gia châu Âu mới có tiền để mua. Nhu cầu mua đồ sứ nhập khẩu rất cao mà nhà Minh lại hạn chế ngoại thương khiến người Hà Lan tìm nhiều cách để thâm nhập thị trường.
Sau khi Hoàng đế Vạn Lịch nhà Minh băng hà năm 1620, triều đình đã suy yếu trầm trọng, Công ty Đông Ấn Hà Lan tranh thủ sự kiện này để tấn công, ép Trung Quốc phải mở cảng Phúc Kiến. Tuy nhiên các cuộc tấn công đều bất thành, quân đội nhà Minh liên tiếp đánh bại người Hà Lan. Cuối cùng vào năm 1662, Hà Lan còn bị đánh bật ra khỏi đảo Formosa (Đài Loan), mất luôn thuộc địa ở đây. Cùng giai đoạn đó khởi nghĩa của Lý Tự Thành và việc quân Mãn Thanh tràn xuống dẫn đến sự sụp đổ của nhà Minh vào năm 1644 khiến cho tình hình Trung Quốc vô cùng rối ren.
Những sự kiện này gây ra hiện tượng khan hiếm đồ sứ Trung Quốc đã buộc các thợ thủ công Hà Lan tìm cách chế ra một loại sản phẩm tương tự để đáp ứng nhu cầu thị trường. Dùng những kỹ thuật nung gốm học được từ Ý, thợ gốm ở thành phố Delft đã làm ra một loại gốm tráng men vẽ mực xanh được biết đến với tên gọi “gốm Delft” (tiếng Hà Lan: Delfts blauw, tiếng Anh: Delft blue). Gốm Deflt trông rất giống sứ men trắng hoa lam của Đông Á nhưng thật ra chỉ được làm bằng đất sét mác-nơ (tiếng Anh: Marl) một loại đất chứa nhiều đá vôi và đất sét, rồi tráng men bằng ôxít thiếc (SnO2) để tạo màu trắng (nhiều khi bị trắng đục).

Giá cắm nến, nghệ sĩ Andriaen Kocks, lò gốm De Grieksche A Pottery, khoảng 1690 – 1700, 21.6 ×15 ×15 cm, Mã số BK-1955-72-B, Bảo tàng Rijksmuseum, Amsterdam. Điều đáng ngạc nhiên nhất chính là trên thân giá cắm nến có những chữ loằng ngoằng vô nghĩa được vẽ để nhái chữ Hán
Cái hay của những tác phẩm gốm Delft này nằm ở hoa văn họa tiết trang trí trên gốm. Người Hà Lan không còn bị phụ thuộc vào những đề tài chim hoa lá quả của Trung Quốc mà có thể thỏa thích vẽ người, điển tích Thiên Chúa giáo hay vẽ cối xay gió, thuyền chài và những gì đặc trưng của Hà Lan lên bát đĩa. Gốm Delft phổ biến đến mức về sau các lò gốm ở Trung Quốc và Nhật Bản (và có thể cả Việt Nam) vẽ lại những mô típ trang trí này trên sứ để xuất khẩu sang châu Âu. Vì đồ gốm này rẻ nên họ còn sản xuất cả gạch ốp tường hàng loạt với mỗi viên gạch vuông lại có một hình vẽ nho nhỏ ở giữa để trang trí. Đến nay ở Bắc Âu và Pháp vẫn còn rất nhiều nhà cửa, lâu đài, bể bơi có loại gạch ốp này.
Vậy là chúng ta đã có một cái nhìn khái quát về hội họa và thủ công mỹ nghệ của Hà Lan trong thế kỷ 17, thời kỳ mà họ đạt đến đỉnh cao của thế giới về nhiều mặt. Qua đó ta cũng hiểu được rằng, nền kinh tế thị trường tự do sơ khai tuy còn nhiều mặt trái nhưng đã đem lại sự thịnh vượng cho một đất nước nhỏ bé với thiên nhiên khắc nghiệt, và hơn hết đã đem đến việc làm và cải thiện đáng kể đời sống của người dân để họ được thưởng thức nghệ thuật như một phần cơ bản của đời sống tinh thần.
(1) Bản dịch của Nguyễn Trọng Phấn
(2) Lê triều dã sử, Nguyễn Huy Thức – Lê Văn Bảy (sưu tầm và biên dịch), NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2006.
(3) Phủ biên tạp lục, Viện sử học, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2007.
(4) Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Tạ Chí Đại Trường, NXB Văn Sử Địa, Sài Gòn, 1973.
(5): Lá cờ này chính là nguồn gốc của cờ Nam Phi cũ và cờ của Thành phố New York bây giờ. Từ năm 1630, Hà Lan sử dụng màu đỏ thay cho màu da cam ở vạch trên cùng, người ta biết được điều này cũng là nhờ các bức tranh đương thời thể hiện, vì tàu đi biển thì màu cam hay bị phai, phẩm nhuộm màu vàng bay đi mất chỉ còn lại màu đỏ, mà màu đỏ lại nổi bật, dễ nhận biết hơn màu cam nên được chọn để dùng. Lá cờ này là lá cờ tam tài lâu đời nhất còn được sử dụng đến ngày nay, và mặc dù người Indonesia không thừa nhận, thì sự thực vẫn rành rành: lá cờ của họ là do xé mất phần xanh trong cờ Hà Lan mà ra (trong những năm đấu tranh chống Hà Lan, dân Indo đã làm vậy).
(6) Dầu thông (tiếng Anh: turpentine) là dầu thu được sau quá trình chưng cất nhựa thông, dùng làm dung môi để pha loãng sơn dầu. Ngày nay người ta sản xuất ra một sản phẩm có tính năng tương tự gọi là “dầu thông vô cơ” hoặc “nước khoáng” (tiếng Anh: mineral turpentine) chiết xuất từ dầu mỏ, không có tí nhựa thông nào cả. Nếu ai hay sơn tường, sơn cửa sẽ quen thuộc với loại “chất tẩy rửa” này dùng để rửa chổi, con lăn dính sơn và véc-ni. Ở Tây bây giờ, họa sĩ vẽ sơn dầu cũng có thể dùng loại này rửa cọ nhưng thường họ sẽ dùng loại cao cấp hơn để tránh làm hỏng màu. Ở ta thì nhiều họa sĩ vẫn dùng tạm dầu hỏa hoặc xăng.
Càm ơn bài viết rất công phu
ThíchThích