Hoàng Hữu Xứng: Nhà Sử học- Địa lý Việt Nam thế kỷ XIX

hoang-huu-xung-1831-1905_hoangtocbichkhe-com.jpg

Phan Thuận An

Hoàng Hữu Xứng là một người đã làm quan và làm sách vào hậu bán thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn. Ông sinh trưởng tại tỉnh Quảng Trị. Mấy mươi năm trên hoan lộ, ông đã trải qua nhiều nơi và nhậm chức một thời gian khá dài tại Kinh đô Huế. Cuối cùng ông trở về nghỉ hưu và mất tại quê nhà.

Trong thời gian tại chức, Hoàng Hữu Xứng đã lãnh trách nhiệm biên soạn một số sách mà quan trọng nhất là bộ “Đại Nam quốc Cương giới Vựng biên”. Nay xin dựa vào chính sử của triều Nguyễn, gia phả của họ Hoàng và một số tư liệu khác có được trong tay để tìm hiểu bước đầu về sự nghiệp văn hóa của ông. Bài viết lần lượt đề cập đến hai phần chính:

– Tiểu sử, thân thế, sự nghiệp sự nghiệp của Hoàng Hữu Xứng.
– Tìm hiểu về bộ sách “Đại Nam quốc Cương giới Vựng biên” của ông.

TIỂU SỬ, THÂN THẾ, SỰ NGHIÊP CỦA HOÀNG HỮU XỨNG

Hoàng Hữu Xứng sinh ngày 13 tháng 11 năm Tân Mão, tức là ngày 16 tháng 12 năm 1831, mất ngày mồng 3 tháng 12 năm Ất Tỵ, tức là ngày 28 tháng 12 năm 1905. Thọ 75 tuổi, ông đã sống qua 9 thời kỳ vua Nguyễn từ Minh Mạng đến Thành Thái, và ông đã làm quan liên tục trong 30 năm (1860 – 1900) dưới 7 thời vua kể từ thời Tự Đức. Ông đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện lịch sử của Việt Nam dưới triều Nguyễn từ hồi còn độc lập đến khi mất nước vào tay thực dân Pháp.

Hoàng Hữu Xứng có tên tự là Bình Như (1) hiệu là Song Bích. Nguyên quán làng Bích Khê, huyện Đăng Xương (2) (nay thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong), tỉnh Quảng Trị.

Sinh trưởng trong một gia đình có văn hóa và văn học. Hoàng Hữu Xứng là con trai đầu của ông Hoàng Hữu Lợi (1809 – 1876) và bà Lê Thị Hơn (1810 – 1886). Ông Lợi vốn là người giỏi về nho học nhưng thi không đậu vì phạm trường quy, sau về sống gần gũi với thiên nhiên, thích ngâm vịnh, sở trường về quốc âm. Bà Hơn là một phụ nữ thuần thục, có học thức, khéo cung phụng chồng và nuôi dạy con cái. Nhờ sống trong một môi trường có gia giáo và văn hóa như vậy, cho nên Hoàng Hữu Xứng rất dễ thành đạt.

Ông thi đậu cử nhân trong kỳ thi Hương năm Nhâm Tý thời Tự Đức (1852). Dù ông đậu thứ 9 nhưng vua Tự Đức nhận xét: “Ông Hữu Xứng là con tuấn mã trong hàng cử nhân” tuy nhiên, vì nhà nghèo nên ông không thể học tiếp để đi thi Hội.

Vào năm 1860, giữa lúc chưa tròn 30 tuổi, ông được bổ làm Huấn đạo huyện Tuy Viễn (thuộc tỉnh Bình Định). Sau 4 tháng, vì có công nên ông được thăng làm “quyền huyện Tuy Viễn” (1861). Vì có công điều tra ra năm sáu vụ án cướp và án mạng, cùng bắt được nhiều tên can phạm. Do đó, vào năm 1862, ông được cất lên làm Tri huyện Hà Đông ở tỉnh Quảng Nam (3).

Sau một thời gian, ông về Kinh đô Huế giữ chức Biện lý ở Bộ Binh. Năm 1869, ông và các đồng liêu trong Bộ làm việc tích cực, cho nên được vua Tự Đức khen thưởng rất hậu (4).

Vào năm 1873, khi đang làm Bố chính tỉnh Thanh Hóa, ông và các quan trong tỉnh không đánh dẹp được vụ “đốt nhà cướp của” do một đám giặc từ bên Tàu tràn qua, cho nên ông bị giáng 2 cấp, nhưng được tiếp tục làm việc tại chỗ (5).

Trong thời gian giữ chức Bố chính ở Thanh Hóa suốt hơn một thập kỷ, ông nổi tiếng là thanh liêm. Sách Đại Nam Thực Lục ghi rằng vào khoảng 1876 khi đi qua Thanh Hóa và Nam Định để nhậm chức Tổng đốc ở tỉnh Hải An, Phạm Phú Thứ nghe người địa phương nói rằng Phạm Đức Trạch đến giữ chức Bố chính ở Nam Định chỉ “mới một năm mà túi làm quan hơn số thu vào của Bố chính Hoàng Hữu Xứng 10 năm” (6).

Nhờ có đức tính thanh liêm như vậy, cho nên, qua năm sau (1877), Hoàng Hữu Xứng được triệu về kinh đô Huế giữ chức Tà Thị Lang Bộ Lại, Kiêm coi viện Đô Sát (7).

Vào năm 1879, xảy ra một vụ tham nhũng của Hồng lô Tự khanh sung Quản lý Thượng cục tỉnh Bình Thuận Nguyễn Chí Tâm. Các quan ở tỉnh tâu trình lên cho triều đình biết. Vua Tự Đức sai quan Khoa đạo Tạ Ngọc Đường đi điều tra nội vụ. Từ Huế vào đến Bình Thuận, Tạ Ngọc Đường nhận tiền hối lộ của Nguyễn Chí Tâm, nên bênh vực bị cáo, và “hặc tâu” ngay cả người đi điều tra vốn là một kẻ nghiện thuốc phiện nữa. Triều đình bèn cử Hoàng Hữu Xứng đi Bình Thuận tra xét vụ án. Ông đã điều tra mọi sự thật một cách minh bạch và kịp thời. Ngay sau đó, Nguyễn Chí Tâm và Tạ Ngọc Đường đều bị trị tội. Còn Hoàng Hữu Xứng thì “được thưởng gia 1 cấp, kỷ lục 6 thứ” (8).

Năm sau (1880), ông được thăng chức, bổ làm Thự Tuần Phủ tỉnh Hà Nội (9).

Vào đầu năm 1882, thấy Pháp chuẩn bị đánh thành Hà Nội lần thứ hai, ông đã cùng với một số quan chức đang trị nhậm tại Hà Nội và Sơn Tây mật tâu lên vua Tự Đức một “kế sách dự phòng” để giữ vững lãnh thổ Bắc Kỳ. Nhà vua nghe theo và cho thi hành kế sách phòng thủ đó (10).

Tuy nhiên, vì hai bên không cân sức nhau về mặt chiến thuật chiến lược cũng như vũ khí đạn dược, cho nên thành Hà Nội thất thủ vào tay thực dân Pháp. Quan thủ thành Hoàng Diệu thắt cổ tự tử để giữ tròn danh tiết. Các quan khác điều bỏ thành mà chạy. Riêng “Quan tuần Hoàng Hữu Xứng bị giặc bắt, chửi giặc thậm tệ, rồi nhịn ăn” (11). Ông tuyệt thực mấy ngày thành bệnh, rồi sau đó sức khỏe trở lại bình thường.

Nghe tin Hà Nội thất thủ, vua Tự Đức sai bắt trói tất cả quan tỉnh tại đây, đưa “về kinh đô đợi án”. Trong một bài dụ bây giờ nhà vua ca ngợi Hoàng Diệu và lên án tất cả quan tỉnh Hà Nội, như Bố chính Phan Văn Tuyền, Án sát Tôn Thất Bá, Đề đốc Lê Văn Trinh, các chánh phó lãnh binh Hồ Như Phong, Nguyễn Đình Dương, Lê Trực. Các quan viên ấy điều bị cách chức Hoàng Hữu Xứng cũng thế, nhưng ông được triều đình “phái đi hiệu lực”, nghĩa là bổ đi làm việc để đoái công chuộc tội. Qua thời kiến phúc (1884), trừ Phan Văn Tuyền là “bị cách chức về quê chịu sai dịch”, những người còn lưu lại đều được cho khai phục phẩm trật và chức tước (13).

Khi phái đi hiệu lực, Hoàng Hữu Xứng được bổ chức Chánh Sơn phòng Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị).

Qua năm 1884, ông được khai phục hàm Lâm Viện năm sau, thành Hán Lâm Viện Tu Soạn (14), rồi Quang lộc Tự Khanh. Cuối năm ấy (1885), sau khi vua Đồng Khánh lên ngôi, ông là một trong những triều thần được sung làm “nhật giảng quan” để giảng sách cho nhà vua.

Vào tháng 7 năm 1886, nhà vua “chuẩn cho Quang Lộc Tự Khanh lãnh Thị lang Bộ lại là Hoàng Hữu Xứng kiêm quản Viện Đô Sát”. Nhưng sau đó một tháng thì thân mẫu ông tạ thế, ông phải nghỉ 2 tháng để cử tang, cho nên, việc kiêm quản Viện Đô Sát được giao cho Tà Tham tri Bộ Hồ Trần Lưu Huệ.

Sau khi nghỉ tang xong, vào tháng 10-1886, Hoàng Hữu Xứng được triều đình giao phó đứng ra điều khiển làm bộ sách “Đại Nam quốc Cương giới Vựng biên”, vì thấy ông là “người trầm tĩnh, học vấn cũng rộng, văn phòng làm việc của ông đặt tại Nội các trong Từ Cấm Thành. Nhưng sau đó một tháng thì nhà vua cho phép ông chuyển nơi làm việc đến tại Sở Tu Thư ở Quốc Sử Quán trong Kinh Thành.

Sau 2 tháng làm việc, vào tháng 12-1886, ông dâng lên vua một bài phàm lệ gồm 11 điều quy định về cách thức biên soạn bộ sách ấy để thỉnh thị ý kiến của nhà vua. Nhà vua liền “chuẩn cho theo nghĩ làm việc”.

Qua gần nửa năm biên soạn, bộ sách được hoàn tất vào tháng 5-1887. Sách gồm 7 quyển và một bản đồ cả nước. Thấy sách soạn thảo thành công tốt đẹp, nhà vua cho Hoàng Hữu Xứng được hưởng thực phái đều được khen thưởng. Rồi nhà vua lại cho ông được sung chức Toản tu ở Quốc Sử Quán (15).

Vào thời Thành Thái (1889-1907), Hoàng Hữu Xứng ngoài chức Toản tu còn kiêm giữ chức vụ Sử Quán, lãnh thượng thư Bộ Công, kinh diên Giảng quan, quản chiếu Tu thư sở (16).

Đến năm 1900, quan hàm của ông được ghi như sau: phó Tổng tài, Hiệp biện Đại học sĩ sung Kinh diên Giảng quan. Với chức vụ phó tổng tài ấy, Hoàng Hữu Xứng đã phụ trách biên soạn xong bộ Đại Nam Thực Lục chính biên Đệ ngũ kỷ, viết về những sự kiện lịch sử xảy ra tại Việt Nam từ cuối 1883 đến 1885 (17).

Làm xong bộ sử vào năm 1900, ông đã bước vào tuổi thất tuần.

Năm ấy (1900), ông dâng sớ xin nghỉ hưu. Vua Thanh Phái phê rằng: “Ông là người kỳ cựu trong triều đình, đã từng trải trong ngoài, nay tuổi già sức yếu, viện lệ xin hưu. Trẫm cũng chuẩn y để tỏ lòng yêu mến tôi lão”. Từ đó, ông về sống cuộc đời nhàn tản ở quê nhà. Đến năm 1905, ông chỉ bị bệnh nhẹ rồi qua đời, được an táng tại nền đình cũ trong làng, có xây lăng và dựng bia. Nhưng trong cuộc đấu tranh vừa qua (1972), lăng và bia điều bị hư hỏng. Vào năm 1987, di hài ông được con cháu dời về quy táng tại Nương Âm, cũng là một địa danh ở trong làng Bích Khê (19).

Thuở sinh thời, tuy ông chỉ đổ cử nhân, nhưng vì có kiến thức rộng, cho nên ông đã hai lần được triều đình cử chấm thi chiến Tiến sĩ. Trong lần chấm khoa thi Hội năm 1892, ông đã chấm đậu các tử sĩ dưới đây (về sau trởi thành danh nhân):

– Vũ Phạm Hàm, đậu đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ.

– Nguyễn Thượng Hiền, đậu đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân.

– Chu Mạnh Trinh, đậu đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân (20). Và trong lần chấm khoa thi Hội năm 1898, ông đã lấy Đào Nguyên Phổ đậu đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân và lấy 5 sĩ tử người Quảng Nam đậu tiến sĩ cùng một lượt (Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Truân, Dương Hiền Tiến), được gọi là “Ngũ phụng tề phi” (21).

BỘ SÁCH “ĐẠI NAM QUỐC CƯƠNG GIỚI VỰNG BIÊN” CỦA HOÀNG HỮU XỨNG.

Sử chép rằng vào tháng 9 năm Đồng Khánh nguyên niên (tháng 10-1886), triều đình nhà Nguyễn đã quyết định cử đại thần Hoàng Hữu Xứng đứng ra phụ trách việc biên soạn bộ sách Đại Nam quốc Cương giới Vựng Biên. “Bấy giờ, viện Cơ Mật tâu nói: Cương giới nước ta, phía bắc gần với nước Đại Thanh, phía tây nam giáp với nước Xiêm La, Miến Điện; Từ trước phải có giới hạn đích ở chỗ nào. từ trước đến giờ, quốc sử ít thấy chép đến… Kể ra bờ cõi non sông cũng là cách học bác vật, biển rộng mây trùng, đường xa muôn dặm, người ta còn nghĩ dò tìm được, huống chi cương giới nước ta, mà lại còn không bàn, bàn mà không xét, tưởng không phải chỉ để cho người biết được ít nhiều! Nghĩ nên xin phái quan, thuộc, tìm xét khắp cả, duy công việc ở Bộ, Viện, Quán, Các, bề bộn, nếu giao cho làm kiêm cả, sợ không chuyên chú kỹ càng, khó mong thành hiệu. Xin nên đặt viên có trách nhiệm để đôn đốc việc ấy. Quang lộc Tự Khanh lãnh Thị lang Bộ lại là Hoàng Hữu Xứng là người trầm tĩnh, học cũng hơi rộng, xin cho theo nguyên hàm sung làm đồng lý, cấp cho ấn khâm phái quan phòng, và phái viên dịch theo để làm việc, đến ở phòng nội các làm việc. Phàm hễ nước ta tiếp giáp với nước Thanh, nước Xiêm, và sông Khung Giang (tức là sông Cửu Long), đích là chỗ nào, đều xem xét rõ ràng, cần có chứng cớ đích xác, biên chép thành sách và vẽ đồ bản để tham khảo(22).

Chính Hoàng Hữu Xứng đã có công thực hiện tác phẩm ấy, cho nên, cách đây khoảng 20 năm, trong một bộ sách mang tính văn tịch chỉ xuất bản tại Hà Nội, ông Trần Văn Giáp và các đồng tác gia đã liệt Hoàng Hữu Xứng vào hàng 852 tác gia Việt Nam từ xưa đến thế kỷ XX. “Lược truyện các tác gia Việt Nam là một cuốn sách ghi rõ tên tuổi, sự nghiệp, văn chương các nhà trứ thuật của Việt Nam… Chúng tôi quan niệm tác gia là tất cả các vị nào đã có làm sách, về bất cứ một môn loại nào, từ thi văn, sử truyện, cho đến bút ký phiên dịch v.v…(23)

Riêng về tác gia Hoàng Hữu Xứng nằm ở số 576 (tập I, trang 437), Trần Văn Giáp ghi rằng ngoài bộ sách “Đại Nam quốc Cương giới Vựng biên”, ông còn có viết bài bạt cho cuốn sách “Cung kỷ luân âm”, và sau đó là dấu hiệu viết tắt hai chữ vân vân. Nhưng, trong mục sách dẫn ở tập II, ông Trần không cho biết gì thêm về “Cung kỷ luân âm” và tác giả của nó. Ông chỉ mách rằng nó thuộc loại văn học và số ký hiệu của nó ở thư viện khoa học xã hội là A.417. Trong khi đó thì “Đại Nam quốc Cương giới Vựng biên” được xếp vào loại sách sử địa và mang số ký hiệu là A.748.

Hiện nay, các sách loại đó đã được chuyển về Viện nghiên cứu Hán Nôm ở đường Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội.

Một nguồn tin chính thức cho biết Viện nghiên cứu Hán Nôm đang bảo lưu đến 5 bản “Đại Nam quốc Cương giới Vựng biên” với 5 ký số hiệu khác nhau:

1. Bản A.748 : gồm 7 quyển, 398 trang, kể cả tờ tấu, phàm lệ và mục lục.
2. Bản A.249 : có 220 trang, lược sao từ bản A.748.
3. Bản A.1.342 : có 104 trang, gồm quyển 3 và quyển 5.
4. Bản A.1.109 : có 96 trang, gồm quyển 6 và quyển 7.
5. Bản VHv.1.721 : có 98 trang, chép riêng tỉnh Quảng Nam.

Tất cả 5 bản đều ở dạng chép tay, chưa được khắc in.

Nhìn chung, 4 bản đều là những bản lược sao hoặc trích sao từ bản trước (A.748). Do đó, chỉ có bản này là quan trọng và đáng chú ý nhất.

Vừa qua, chưa có dịp trở lại Hà Nội để nhân bản toàn bộ các tư liệu chữ Hán này, chúng tôi chỉ nhờ photocopy được 14 trang quan trọng nhất thuộc các phần sau đây của bản chính (A.748):

– Tờ tấu của Hoàng Hữu Xứng sau khi soạn xong bộ sách (4 trang).
– Bài phàm lệ đầu sách (6 trang).
– Bản mục lục sách (4 trang).

Tờ tấu của Hoàng Hữu Xứng đề ngày mồng 9 tháng 4 năm Đồng Khánh thứ hai, tức ngày 1-5-1887, nay xin tạm dịch toàn văn như sau:

Khâm phái Sở Tu Thư, Quang lộc Tự khanh, Lãnh Hữu thị Lang Bộ Lại, thần là Hoàng Hữu Xứng, kính tâu: vừa biên soạn thành dạng bản sách Đại Nam quốc Cương giới Vựng biên, nay cung kính tiến trình cùng với bản tấu để xin Hoàng thượng thẩm định. “Vào một ngày thuộc tháng 9 năm ngoái, tiếp được phiến chỉ do Viện Cơ Mật cung lục, Hoàng thượng chuẩn định thần sung làm đồng lý trong việc nghiên cứu kiểm tra cương giới nước ta, tỉnh nào tiếp giáp với Trung Quốc, Xiêm La, Miến Điện, Khung Giang (sông Cửu Long), đích thị là xứ nào, cần có căn cứ chính xác, sưu tập lại, biên chép thành sách và vẽ thành bản đồ. Khảo cứu đầy đủ rồi lại được Hoàng thượng đặt tên cho sách là “Đại Nam quốc Cương giới Vựng biên”, và tuân hành làm theo bài phàm lệ gồm 11 điều (24).

Thần trộm nghĩ sách này có thể làm rõ về sự quan hệ ở cương giới. Cương giới phía tây của miền thượng du nước ta, từ xưa đến nay triều đình chưa đến kinh lý, còn có nạn sách vỡ tam sao thất bản, việc khảo đính lại thiếu xót.

Nhưng nay tuân chiếu theo phàm lệ, thần đôn đốc việc sưu tầm tìm hiểu các sách và bản đồ nước ta và Trung Quốc cũng như Tây phương, rồi nghiên cứu, dịch thuật, ghi chép, thu thập lại (Sách là Thực Lục chính biên của nước ta, tham khảo thêm những sách của các nhà biên thuật. Bản đồ thì các loại bản đồ của nước ta, tham khảo thêm bản đồ của Trung Quốc và Tây Phương, cùng bản đồ mới vẽ của các tỉnh. Nếu có nhượng bỏ đến năm ba tỉnh thì cũng kính xin đề cập tới luôn, vì sự ghi chép cương giới ở những nơi đó cũng chưa được rõ ràng).

Nếu có chỗ chưa biết được rõ thì để khuyết chứ chẳng dám làm một cách khiêng cưỡng hoặc lấy ý mình mà điền thế vào. Tùy theo nơi, nếu cần thì làm phần cẩn án phụ thêm ở dưới mỗi khoản, đợi sau sẽ khảo đính. Toàn bộ sách và từng phần của sách đều có bản đồ kèm theo; cùng với phụ lục và phụ khảo, đóng thành 7 quyển. Thần chẳng ngại dốt, kính sợ tuân theo lệnh của Hoàng thượng, chẳng dám ngại khó, kính tham khảo thêm những tài liệu ngoài sử sách của triều đình, lượm lặt các sách vở cũ ngày xưa còn xót lại, và hỏi han thêm ý kiến của nhiều người, tuy đã cố gắng nhiều nhưng vẫn còn sai lầm thiếu sót, xin kính sợ tuân theo những điều sữa chữa.

Hoàng thượng đã chuẫn cho các đại thần ở viện Cơ Mật là Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình, Nguyễn Thuật và Hoàng Hữu Thường đọc và sửa.

Nay kính cẩn viết thành dạng bản và vẽ riêng một bức bản đồ chung lớn (đại tổng đồ), đều xin tiến trình, dám xin mạo muội kính đệ lên cùng tập tấu, và xin đợi tôn ý quyết định của Hoàng thượng.

Kính tâu,

Ngày mồng 9 tháng 4 năm Đồng Khánh thứ hai.
Thần: Hoàng Hữu Xứng
.

Về bài phàm lệ tiếp theo sau đó, chúng tôi xin khỏi dịch ra ở đây, vì hơi dài và đã có dịch ở sách Đại Nam Thực Lục (25).

Nhưng, để biết qua nội dung cốt lõi của bộ “Đại Nam quốc Cương giới Vựng biên”, chúng tôi xin dịch phần mục lục của nó, như sau:

“Quyển 1: – Phần tổng quát của bộ sách
                 – Phủ Thừa Thiên, trực thuộc Kinh sư.

Quyển 2:  – Hai tỉnh Hữu trực kỳ: tỉnh Quảng Trị, tỉnh Quảng Bình. 
                – Ba tỉnh Hữu kỳ: tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa.

Quyển 3: – Hai tỉnh Tả trực kỳ: tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi.
                – Bốn tỉnh Tả kỳ: tỉnh Bình Định, tỉnh Phú Yên, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Bình Thuận.

Quyển 4: Các tỉnh Bắc kỳ: tỉnh Ninh Bình, tỉnh Nam Định, tỉnh Hà Nội (dạo Mỹ Đức phụ thuộc), tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Yên.

Quyển 5: Các tỉnh Bắc kỳ (tiếp theo): tỉnh Sơn Tây, tỉnh Hưng Hóa, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Cao Bằng.

Quyển 6: Các tỉnh Nam kỳ: tỉnh Biên Hòa, tỉnh Gia Định, tỉnh Định Tường, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh An Giang, tỉnh Hà Tiên.

                – Phần phụ lục: thành Trấn Tây.

Quyển 7: – Các thuyết khác nhau về cương giới 
                – Các thuyết khác nhau về Khung Giang  
               – Các thuyết nói ngờ vực về cương giới: Đồng trụ (của Phục Ba tướng quân Mã Viện)- Phụ lục về các nước hiện nay tiếp giáp với nước ta: Xiêm La, Nam Chưởng, Cao Man
               – Phụ khảo về Vạn Tường, Chiêm Thành, Thủy Chân Lạp

Nhìn chung, bộ sách “Đại Nam quốc Cương giới Vụng biên” ghi chép về địa lý toàn quốc, bao gồm Kinh đô Huế và các tỉnh địa hạt, vị trí và tên gọi thay đổi qua các thời. Ngoài ra, còn có phần khảo cứu riêng về sông Cửu Long, về cột Đồng trụ thời xưa và về một số nước có biên giới sát với nước ta lúc đó.

Trong lịch sử Việt Nam, tính đến cuối thế kỷ XIX, dường như chưa có bộ sách nào chuyên khảo về biên giới quốc gia như “Đại Nam quốc Cương giới Vụng biên” mà Hoàng Hữu Xứng biên soạn.

Sống trong thời điểm phần lớn đất đai các tỉnh thành nước ta đã mất hẳn vào tay thực dân Pháp và chủ quyền của dân tộc xem như không còn nữa mà viết được và vẽ được thành bản đồ về lãnh thổ và lãnh hải quốc gia mình một cách cụ thể như thế, thì đó là cả vấn đề. Nó biểu hiện sự can đảm và tấm lòng yêu quý Tổ quốc của những người đề xuất, và nhất là của tác giả, trước cường quyền của ngoại bang. Ít nhất, đây cũng là lời xác quyết một lần nữa về chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của dân tộc “Đại Nam” đương thời.

Trên hoạn lộ đầy thăng trầm của mình suốt ba thập kỷ từ năm 1860 đến 1900. Và trong bối cảnh lịch sử đầy biến động đau thương của đất nước, Hoàng Hữu Xứng đã đi từ “một con tuấn mã trong hàng Cử nhân” của vua Tự Đức, đến một lão thần mến yêu của vua Thành Thái. Quá trình hoạt động và sự nghiệp đời ông gắn liền với thời kỳ mạt vận đầy khó khăn phức tạp của triều Nguyễn.

Tiếp thu được một nền nho học truyền thống của gia đình và của triều đình, ông đã đem hết sở học sở tồn ra phục vụ dân tộc với một cuộc sống thanh liêm, trong sáng. Nhờ có tính trung thực, ông đã hai lần được bổ nhiệm đứng đầu Viện Đô Sát (1877 – 1886) là cơ quan trung ương có quyền giám sát và hạch tội tất cả các quan lại và cả nhà vua. Ông cũng được triều đình cử đi thanh tra vụ án tham nhũng và hối lộ lem nhem tại tỉnh Bình Thuận vào năm 1879.

Về sự nghiệp văn hóa, lúc mới ra làm quan (1860) ông giữ chức huấn đạo, tức là người cầm đầu ngành giáo dục của một huyện Tuy Viễn (Bình Định). Về sau, khi về nhậm chức tại Kinh đô, ông đã được cử làm “Đổng Lý” trong việc biên soạn bộ “Đại Nam quốc Cương giới Vựng biên” vào những năm 1886 – 1887 và làm phó Tổng tài phụ trách việc biên soạn bộ “Đại Nam Thực Lục chính biên Đệ ngũ kỷ” vào những năm 1894 – 1900. Ngoài ra, ông còn viết bài bạt cho cuốn “Cung kỷ luận âm” và làm nhiều thơ phú. Như vậy, ông đã dạy học, chấm thi, làm sách, làm văn, làm thơ. Sự nghiệp văn hóa nói chung đáng được gọi là một tác gia, và nên chăng, một nhà văn hóa.

 P.T.A (Cửa Việt – Số 17 – Tháng 10 năm 1992)

(Bà con họ Hoàng hậu duệ của ngài Hoàng Hữu Xứng xin phép được trích đăng bài viết của nhà sử học Phan Thuận An với lòng trân trọng và biết ơn tác giả).


Chú thích:

(1) Về tên tự và hiệu của Hoàng Hữu Xứng, có ba tư liệu nói khác nhau: Bình Như, Bình Chi, Bích Chi.

– Gia phả họ Hoàng viết: “Tự Bình Như, hiệu Song Bích”

– Sách “Lược truyện các tác gia Việt Nam” ghi “Tự Bình Chi hiệu Song Bích”.

– Bài “Hà Thành chính khí ca” viết: “Bích Chi là hiệu, năm mươi tuổi già”.

(2) Vì nguyên quán là làng Bích Khê thuộc huyện Đăng Xương, cho nên khi làm lại gia phả họ Hoàng vào năm 1876, Hoàng Hữu Xứng đã dùng cái tên sau đây để đặt cho nó: “Xương Khê Hoàng tộc thống phố chính biên”. Chữ Khê lấy ở tên làng, chữ Xương lấy ở tên huyện.

3,4,5,6,7,8,9,10,12,13,15,16,17,22,25 Đại Nam Thực Lục, bản dịch của Viện Sử học, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1974.

(11) Hoàng Đạo Thúy “người và cảnh Hà Nội”, nxb Hà Nội 1982, trang 200.

(14) “Xương Khê Hoàng tộc Thống phố chính biên” in ronéo. Đà Nẵng 1984, trang 36.

(18) Dẫn từ tập tiểu sử một nhân vật họ Hoàng, nhan đề là “Họ Hoàng Bích Khê Triệu Phong – Quảng Trị”, ấn hành tại Sài gòn năm 1989, in typo, không đánh số trang. Theo anh Hoàng Hữu Chỉ, cháu gọi Hoàng Hữu Xứng bằng cố, bài thơ này đã từng được viết lên một tấm áo hoành phi, treo ở nhà thờ của anh, tại 183/15/8 đường 68. Thành phố Huế.

(19) “Xương Khê Hoàng tộc thống phố chính biên”, đã dẫn, trang 35 – 36. Bia ở mộ Hoàng Hữu Xứng hiện nay đã được làm mới và ghi bằng chữ quốc ngữ.

(20) Cao Xuân Dục, Quốc Triều Khao Bảng lục, Long Cương tàng bản, quyển III, tờ 14 ab, 15ab, quyển IV, tờ 4b, 5ab, 6a.

(21) Tham khảo thêm: Cao Xuân Dục, Quốc Triều Đăng Khoa lục, bản dịch của Lê Minh Lưu, Bộ Quốc Gia giáo dục xuất bản. Sàigòn 1962. Trang 213-215,229-233.

(23) Trần Văn Giáp và các cộng tác viên, sách đã dẫn, tập I, trang 7, sách gồm hai tập: Tập I in năm 1971, đề cập đến 735 tác giả viết sách bằng chữ khối vuông (Hán, Nôm). Tập II in năm 1972, đề cập đến 117 tác giả viết sách bằng chữ La tinh (Quốc Ngữ).

(24) Bài phàm lệ chi có 11 điều. Nhưng sách DNTL (tập XXXVII, trang 217) viết thành 12 điều.

vnmap

Đây là bản đồ ĐẠI NAM QUỐC CƯƠNG GIỚI VỰNG BIÊN do Ngài Hoàng Hữu Xứng truyền lại. Hiện đang được ông Hoàng Thạch Thiết (Đ.17) bảo quản theo trách nhiệm của dòng trưởng.

Nguồn bài đăng

Bình luận về bài viết này