Tào Tháo với ba lần cười trong Tam Quốc Diễn nghĩa

4eb1cc5anvb1a3h360bys&690.jpg

                                                         Đặng Thành

                                                               
Nhân vật lịch sử Tào Tháo với ba lần cười đã trở thành những giai thoại tuyệt bút trong tiểu thuyết Tam Quốc Chí Diễn nghĩa của La Quán Trung.

Tam Quốc Diễn Nghĩa là bộ tiểu thuyết do tập thể sáng tác nhưng về phương diện biên soạn chủ yếu là công lao của La Quán Trung.

Cuối đời nhà Nguyên, La Quán Trung đã viết bộ tiểu thuyết Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa và tất nhiên trong khi viết,ông có tham khảo những văn bản của các nhà viết sử nhưng quan trọng nhất vẫn là kinh nghiệm của bản thân ông và tài năng văn học kiệt xuất của ông.

Đến đầu đời nhà Thanh, Mao Tôn Cương người Tràng Châu, tỉnh Giang Tô đã hiệu đính lại toàn bộ tác phẩm văn học lớn lao này và công việc hiệu đính hoàn tất vào khoảng năm Khang Hy thứ 18 (1679).

Năm 1958, Nhân dân Văn học Xuất bản xã Bắc Kinh dựa vào bản của Mao Tôn Cương hiệu đính và sửa chữa lại những chỗ Mao Tôn Cương đã sửa hỏng với nguyên bản của La Quán Trung. Còn những chi tiết thuộc về lịch sử như tên người, tên đất, tên chế độ nếu cả hai bản đều sai thì hiệu đính lại theo sử sách.

Sau đây là vài nét sơ lược về nhân vật lịch sử Tào Tháo.

Tào Tháo (chữ Hán: 曹操; 155 – 220), tự là Mạnh Đức (孟德) là nhà thơ, nhà chính trị, nhà quân phiệt cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc.

Minh họa Tào Tháo trong tác phầm Tam tài đồ hội (三才圖會) đời nhà Minh.

 Cha của Tào Tháo là Tào Tung, con nuôi hoạn quan Tào Đằng, một thái giám đầy quyền lực dưới triều Đông Hán đã phục vụ qua 5 đời vua Hán An Đế, Hán Thuận Đế, Hán Xung Đế, Hán Chất Đế và Hán Hoàn Đế.

Tào Tháo sinh trưởng từ gia đình giàu có tại huyện Tiêu, nước Bái. Thuở thiếu thời, ông ham chơi phóng túng, ít chịu học hành nên người chú thường mách với Tào Tung những hành vi của cháu ruột mình. Tào Tháo biết vậy nên nghĩ cách đối phó. Một hôm ông giả vờ trúng gió ngã lăn trên đất. Người chú vội chạy báo cho Tào Tung biết, nhưng khi thấy cha đến, Tào Tháo tươi tỉnh ngay. Tào Tung hỏi nguyên do, ông đáp: 

”Vì chú không thích con nên chú bịa chuyện ra nói vậy chứ con có sao đâu!” Từ đó về sau, Tào Tung không còn để ý đến những lời mách của người chú nữa.

Về chuyện này, Mao Tôn Cương khi bình Tam Quốc Diễn Nghĩa cho rằng ngay từ nhỏ Tào Tháo đã có những mầm móng gian xảo, mưu mô, quỉ quyệt. Còn Nguyễn Tử Quang trong tác phẩm Tam Quốc Bình Giảng lại cho rằng khuyết điểm này là do người chú vốn đã có thành kiến với Tào Tháo nên thay vì ông vội chạy vào báo với Tào Tung, người chú bế cháu vào nhà gặp cha thì Tào Tháo không còn cách gì dối cha lừa chú được.

Năm 20 tuổi, Tào Tháo thi đổ Hiếu Liêm. Ông được quan Kinh Triệu Doãn Tư Mã Phòng (cha của Tư Mã Ý) tiến cử giữ chức Bắc Bộ Úy ở kinh thành Lạc Dương và ông nổi tiếng là người làm việc rất nghiêm; không khoan nhượng bất kỳ ai kể cả người đó thuộc hoàng thân quốc thích. 

Năm 184, cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân bùng nổ, Tào Tháo cùng các tướng sĩ địa phương hợp lực với các tướng sĩ trong triều đình đàn áp thành công nên ông được Hán Linh Đế tin dùng và phong chức Điển Quân Hiệu Úy. Lúc đó mâu thuẫn giữa phe ngoại thích do Hà Tiến đứng đầu và phe hoạn quan ngày càng gay gắt. Tào Tháo tuy xuất thân từ gia đình hoạn quan nhưng ông lại đứng về phe ngoại thích Hà Tiến. Năm 189, Đại Tướng Hà Tiến bị phe hoạn quan lừa vào cung giết, Tào Tháo một lần nữa hợp lực với Viên Thiệu, một thủ hạ đắc lực của Hà Tiến đánh vào hoàng cung, diệt trừ tận gốc phe hoạn quan. Trong số các quan lại cứu vua có Đổng Trác, Thứ sử Tây Lương. Nhân cơ hội này, Đổng Trác khuynh đảo triều đình rồi sau đó phế truất vua Thiếu Đế, lập Trần Lưu Vương lên làm hoàng đế; tự mình giữ chức Tướng Quốc nắm hết thực quyền trong tay.

Đổng Trác. Nguồn hình: Wikipedia

Năm 190, Tào Tháo được Đổng Trác phong chức Kiêu Kỵ Hiệu Úy. Hành vi lộng quyền và tàn bạo của Đổng Trác làm các quan trong triều bất bình. Tào Tháo cùng Tư Đồ Vương Doãn, một trung thần của triều đình âm mưu ám sát Đổng Trác nhưng thất bại và ông bỏ trốn khỏi kinh thành Lạc Dương.

Tư Đồ Vương Doãn. Nguồn hình: Wikipedia

Khi chạy đến Thành Cao phía bắc Trịnh Châu, Tào Tháo ghé thăm một người quen và nghỉ qua đêm tại nhà Lã Bá Sa. Người nhà Lã Bá Sa mài dao làm heo đãi khách nhưng vì tính đa nghi, Tào Tháo tưởng họ âm mưu giết mình nên ông đã giết hết cả nhà họ Lã; ông còn nhẫn tâm giết nốt Bá Sa vì sợ Bá Sa đi tố cáo đúng với quan điểm của ông:

”Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta!”

Sau đó Tào Tháo chạy đến huyện Trung Mâu thì bị tráng đinh bắt giữ vì nghi ông trốn binh dịch nhưng sau buổi thẩm vấn, ông được Trần Cung thả ra (1).

Tào Tháo từ Trung Mâu chạy về hướng Đông đến quận Trần Lưu. Đúng lúc đó Viên Thiệu phát hịch đi các trấn kêu gọi chống Đổng Trác. Ông bàn mưu với Thái Thú Trần Lưu là Trương Mạo khởi binh chống Đổng Trác. Vệ Tư, một mạnh thường quân tặng tiền bạc cho ông để mộ binh. Tào Tháo chiêu mộ được năm ngàn người đi đánh Đổng Trác dưới quyền của Trương Mạo.

Các chư hầu hội binh chống Đổng Trác khi đó có 10 lộ quân. Viên Thiệu đứng đầu các lộ quân và cử Tào Tháo làm Phấn Vũ Tướng Quân.

Tháng 3 năm 191, Đổng Trác đốt kinh thành Lạc Dương, mang Hán Hiến Đế chạy sang Tràng An; Tào Tháo kiến nghị Viên Thiệu đem quân truy kích nhưng Viên Thiệu không chấp thuận chỉ cấp cho Tào Tháo vài ngàn quân nên ông bị Từ Vinh đánh bại.

Tào Tháo trở về hợp binh với các chư hầu và đề nghị Viên Thiệu thống lãnh đại binh đánh thẳng vào Thành Cao, bao vây Lạc Dương; còn Viên Thuật từ Nam Dương đánh úp vào cửa Vũ Quan chiếm Tràng An cắt đứt con đường huyết mạch của Đổng Trác. Nhưng Viên Thiệu một lần nữa không chấp thuận lời đề nghị của ông nên ông bỏ đi. Ông tuyển mộ thêm bốn ngàn binh mã nữa rồi tiến đánh Lạc Dương nhưng giữa đường quân mới mộ làm phản và ông lại thất bại.

 Năm 192, Tào Tháo mang quân chủ lực đánh chiếm Đông Quận, căn cứ của quân khởi nghĩa Khăn Vàng (Hoàng Cân) và nơi đây trở thành căn cứ đầu tiên của Tào Tháo. Không lâu sau, quân Khăn Vàng tiến đánh Duyện Châu giết Thứ sử Lưu Đại. Tào Tháo mang quân cứu viện thành công và được Trần Cung thuyết phục thủ hạ của Lưu Đại tôn Tào Tháo thay Lưu Đại quản lý Duyện Châu. Sau cùng, Tào Tháo dồn quân Khăn Vàng vào Tế Bắc rồi bao vây. Lúc đó Thanh Châu và Ký Châu do Viên Thiệu trấn giữ nên quân Khăn Vàng hết đường chạy và phải đầu hàng. Tào Tháo chọn mười vạn quân trong số ba mươi vạn hàng quân đưa vào quân đội của mình. Kể từ đó lực lượng của ông trở nên vững mạnh hơn nhiều.

Hình minh họa Viên Thiệu trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa xuất bản thời nhà Thanh.

Giữa năm 193, Tào Tung từ Lạc Dương đến Lang Nha định dưỡng lão, mang theo hơn 100 xe vàng bạc châu báu (2). Khi đi ngang qua Từ Châu, Tào Tung bị bộ tướng của Đào Khiêm là Trương Cương giết và cướp hết hành lý. Tào Tháo nghe tin cha bị giết, liền đem vài chục vạn quân tiến đánh Từ Châu để báo thù cho cha. Quân Tào chiếm hơn 10 thành và giết hơn một vạn quân Từ Châu (3). Đào Khiêm hợp với quân Lưu Bị rút vào thành Đan Dương cố thủ. Tào Tháo vây đánh nhiều ngày nhưng không sao phá được, liền trút hận thù lên dân thường: Ông ra lệnh tàn sát hơn mười vạn người ở 5 thành Thủ Lự, Tuy Lăng, Hạ Khâu, Bành Thành và Phó Dương(4).

Năm 194, Trần Cung và Trương Mạo nghe tin Tào Tháo tàn sát người vô tội nên phát động binh biến ở Duyện Châu rồi tôn Lã Bố lên làm Thứ Sử Duyện Châu và giao 10 vạn quân cho Lữ Bố cai quản. Nghe tin này, Tào Tháo mang quân về cứu hậu phương. Ông nhận thấy Lã Bố đặt bản doanh tại Bộc Dương mà không đóng quân tại các nơi hiểm yếu như Kháng Phụ, Tế Ninh và bến đò Hoàng Hà. Tào Tháo cho rằng Lã Bố là kẻ vô mưu nên ông dẫn quân tấn công Bộc Dương. Lã Bố theo kế của Trần Cung đánh tan đại quân Tào ở Bộc Dương và Tào Tháo suýt bị quân Lã Bố bắt sống: Trong đêm, quân kỵ của Lã Bố đuổi theo sát Tào Tháo nhưng vì không biết mặt nên hỏi ông:

– “Tào Tháo ở đâu?”.

Ông nhanh trí chỉ tay về phía trước nói:

-“Người cưỡi ngựa vàng chỗ kia là Tào Tháo.” 

Quân Lã Bố tiến lên phía trước truy đuổi, nhờ vậy Tào Tháo quay đầu chạy thoát nạn. Sau nhiều trận giao tranh giữa quân Tào và quân Lữ Bố, cuối cùng Tào Tháo cũng tái chiếm được Duyện Châu.

Một vệ tướng của vua Hán Hiến Đế nhận thấy Tào Tháo có thực lực lớn mạnh liền bí mật cho người tới Duyện Châu gọi Tào Tháo đến Lạc Dương bảo giá. Tào Tháo không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng, lập tức sai người nghênh đón vua Hiến Đế. Vì kinh thành Lạc Dương đã đổ nát, ông liền đưa Hiến Đế đến Hứa Xương, sai xây dựng lại nơi này cho vua ở. Đây là bước chuyển rất quan trọng trong sự nghiệp của Tào Tháo. Tuy triều đại nhà Hán suy vong nhưng mọi người vẫn dành một chỗ đứng vững chắc trong lòng họ; và Tào Tháo thừa hiểu rằng ai nắm được Thiên Tử thì người đó có cớ nhân danh nhà vua ban ra chính lệnh để sai khiến chư hầu.

Hình minh họa Tào Tháo trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, vào thời nhà Thanh

Đến Hứa Xương, Hán Hiến Đế phong Tào Tháo làm Vũ Bình Hầu giữ chức Tư Không kiêm Hành Xa Kỵ Tướng Quân. Kể từ đó phủ Tư Không của Tào Tháo thực sự trở thành nơi ban hành mọi sắc lệnh của triều đình nhà Hán.

Chiến tranh liên miên trong nhiều năm liền khiến nền nông nghiệp bị đình trệ, ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp lương thực cho quân đội trong các cuộc giao tranh giữa các chư hầu. Để hướng tới một nền nông nghiệp an toàn và bền vững, Tào Tháo cho xây dựng những đồn điền trồng lúa trong các vùng do ông cai quản. Theo phương pháp này, ông cho chiêu mộ những nhóm nông dân sống lưu lạc rày đây mai đó trở về để xây dựng đồn điền. Nông dân được cấp trâu bò, nông cụ, hạt giống để tự canh tác rồi chính quyền dựa vào số lúa thu hoạch được để thu tô. Nhờ áp dụng chính sách này mà vùng Duyện Châu do ông cai quản có đủ lương thực để ăn.

Để làm bá chủ trung nguyên, Tào Tháo từng bước thôn tính các nước chư hầu. Ông chủ trương diệt các lực lượng yếu trước, mạnh sau. Nam Dương là vùng đất phía nam do Trương Tú quản lý, có thể đe dọa đến an ninh thuộc vùng đất ông cai quản.

Đầu năm 197, Tào Tháo đích thân mang quân đánh chiếm Nam Dương. Trương Tú liệu thế không chống nổi nên đầu hàng. Trong bữa tiệc rượu chiêu đãi các tướng của Trương Tú, Tào Tháo đi mời rượu lúc nào cũng có mãnh tướng Điển Vi cầm rìu đi đằng sau để uy hiếp tinh thần thực khách; do vậy không ai dám ngẩng mặt nhìn ông. 

Hơn mười ngày sau, Trương Tú bất ngờ làm phản, đem quân tập kích trại Tào. Sự việc xảy ra quá đột ngột làm Tào Tháo không kịp trở tay. Quân cảm tử Trương Tú tràn vào doanh trại Tào chém giết bừa bãi; nhờ có Điển Vi đánh chặn cửa trước nên Tào Tháo dẫn khinh kỵ chạy thoát ra cửa sau. Cuối cùng Điển Vi cũng bị quân Trương Tú giết chết. Tào Ngang, con cả Tào Tháo và cháu là Tào An Dân cũng bị giết trong đám loạn quân.

Sau đó không lâu, Tào Tháo lại mang quân đánh Trương Tú. Sau hai lần giao chiến, Trương Tú không chống trả nổi; ông bỏ chạy về Kinh Châu theo Lưu Biểu. Về sau, Trương Tú nhận ra rằng: Sở dĩ trước kia Lưu Biểu dung chứa mình chẳng qua Lưu Biểu dùng ông làm vùng đệm cho Tào Tháo. Do đó Trương Tú quyết định ra hàng quân Tào. Tào Tháo chấp nhận cho Trương Tú hàng, không kể lại mối thù xưa.

  Năm 195, Tào Tháo thay đổi chiến thuật, ông chia nhiều cánh quân đánh bại Lã Bố. Lã Bố thua chạy sang Từ Châu nương nhờ Lưu Bị. Một thời gian sau, Lã Bố đánh cướp thủ phủ Từ Châu là Hạ Bì của Lưu Bị. Lưu Bị yếu thế phải chạy ra đóng quân ở Tiểu Bái. Ba năm sau, Lữ Bố muốn đánh chiếm cả Từ Châu. Lưu Bị cầu cứu Tào Tháo. Ông sai Hạ Hầu Đôn đem quân tiếp cứu nhưng 2 đạo quân vẫn không chống trả nổi. Lưu Bị phải chạy sang Hứa Xương nương nhờ Tào Tháo.

Hình minh hoạ Lã Bố. Nguồn hình: Wikipedia
Lã Bố bị Đổng Trác rượt đuổi và phóng kích vì bị bắt quả tang tình tự với Điêu Thuyền (Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung). Nguồn hình: Wikipedia.

Tháng 9 năm 198, Tào Tháo cùng Lưu Bị mang quân đánh Từ Châu, hạ thành Bành Thành. Sau đó Tào Tháo tiến đánh Hạ Bì. Lữ Bố cố thủ trong thành Hạ Bì. Quân Tào bao vây một tháng không hạ được thành. Tào Tháo có ý muốn lui binh nhưng Tuân Du và Quách Gia khuyên ông đánh gấp. Theo kế của 2 mưu sĩ, Tào Tháo khơi dòng chảy của 2 sông Nghi Thủy và Tứ Thủy đổ nước vào thành Hạ Bì. Thành ngập nước, Lã Bố phải rút lên cố thủ ở lầu Bạch Môn. Theo Tam Quốc Diễn Nghĩa, Ngụy Tục và Tống Hiến đồng mưu với Hầu Thành trói Lã Bố lại rồi mở cửa cho quân Tào vào (5). Lữ Bố muốn hàng nhưng theo lời khuyên của Lưu Bị (6), Tào Tháo sai người mang Lã Bố ra chém. Sau đó Tào Tháo cũng giết luôn Cao Thuận và Trần Cung, người mà trước kia đã một lần cứu ông.

Trận Quan Độ

Trận Quan Độ xảy ra vào năm 200 tại Quan Độ thuộc bờ Nam sông Hoàng Hà giữa Tào Tháo và Viên Thiệu là 2 thế lực quân sự mạnh nhất trong thời kỳ tiền Tam Quốc. Trận chiến kéo dài nhiều tháng nhưng không phân thắng bại; mặt khác, quân Tào sắp cạn kiệt lương thảo nên Tào Tháo muốn lui binh. Ông viết thư hỏi ý kiến Tuân Úc đang trấn giữ Hứa Xương. Tuân Úc viết thư trả lời, khuyên Tào Tháo kiên trì giữ, nhất định không được rút lui, nếu không hậu qủa sẽ rất xấu (7).

Đúng lúc đó, một thủ hạ của Viên Thiệu là Hứa Du có người thân bị tội vào ngục. Hứa Du xin Viên Thiệu tha cho người nhà của ông nhưng không được nên ông bất mãn, bỏ sang hàng Tào Tháo. Được tin báo của Hứa Du về việc Viên Thiệu sai Thuần Vu Quỳnh mang một vạn quân về Ô Sào nhận lương để chuyển ra mặt trận. Tào Tháo đích thân mang năm ngàn khinh kỵ đuổi gấp đến kho lương của Viên Thiệu ở Ô Sào. Đang đêm quân Tào tập kích đốt sạch kho lương của Viên Thiệu. Quân của Thuần Vu Quỳnh đại bại: hơn một ngàn quân bị giết, số còn lại đầu hàng. Tào Tháo sai cắt hết mũi xác chết (8), giao cho quân đầu hàng mang về đưa cho Viên Thiệu để uy hiếp tinh thần chiến đấu của địch quân.

Hình minh họa Viên Thiệu trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa xuất bản thời nhà Thanh.

Trận chiến ở Ô Sào đã làm thay đổi toàn bộ cục diện của trận đại chiến Quan Độ. Viên Thiệu hốt hoảng cùng con là Viên Đàm dẫn 800 quân kỵ vượt sông Hoàng Hà. Hơn bảy vạn quân của Viên Thiệu không theo kịp chủ đều xin hàng Tào Tháo. Trong số đó có vài người không hoàn toàn quy thuận, có biểu hiện trá hàng. Tào Tháo sợ phát sinh hậu hoạn nên ra lệnh chôn sống cả 7 vạn hàng binh (9).

Kết quả trận đại chiến Quan Độ là Tào Tháo tiêu diệt gần như toàn bộ quân số của Viên Thiệu, từ đó làm bàn đạp tiêu diệt sạch các thế lực chống đối ở trung nguyên, tạo điều kiện xây dựng nên nhà Tào Ngụy, chính thức chấm dứt thời kỳ tiền Tam Quốc, mở đầu cho thời kỳ Tôn Quyền và Lưu Bị xây dựng cơ nghiệp.

  Trận Xích Bích

Xích Bích là trận đánh lớn cuối thời Đông Hán có tính cách quyết định đến cục diện chia 3 thời Tam Quốc. Trận đánh diễn ra vào mùa đông năm Kiến An thứ 13 (năm 208) giữa liên quân Tôn Quyền – Lưu Bị với quân đội lấy danh nghĩa triều đình của Tào Tháo.

Bản đồ trận Xích Bích năm 208. Nguồn hình: Wikipedia.

Trận Xích Bích kết thúc với chiến thắng quyết định của liên quân Tôn Quyền – Lưu Bị trước đội quân đông đảo hơn nhiều của Tào Tháo. Chiến thắng này đã góp phần củng cố vị trí cho hai chư hầu Ngô, Thục ở hai bên bờ Trường Giang đồng thời ngăn cản việc Tào Tháo mở rộng phạm vi quyền lực xuống phía nam Trung Hoa và tạo cơ sở cho sự hình thành hai nước Thục Hán và Đông Ngô.

Tào Tháo cùng các tướng Tào Nhân, Tào Thuần, Nhạc Tiến, Mãn Sủng…dẫn khoảng hai mươi hai vạn quân (10) áp sát Giang Đông. Với lực lượng hùng hậu như vậy, Tào Tháo coi thường lực lượng nhỏ bé của Tôn Quyền.

Thủy quân Tôn Quyền, Lưu Bị ngược dòng Trường Giang từ Phàn Khẩu – Hán Khẩu tới Xích Bích giao tranh với tiền quân Tào Tháo. Quân Miền Bắc không quen thủy chiến, không hợp thủy thổ lại bị bệnh dịch hoành hành nên không giành được chiến thắng trong những trận giao tranh ban đầu và buộc phải lui quân về đóng ở Ô Lâm, phía Bắc Trường Giang. Theo kế của Bàng Thống (11) để giảm thuyền tròng trành, Tào Tháo cho lấy đinh lớn đóng kẹp các chiến thuyền rồi dùng xích sắt nối nhiều chiến thuyền lại với nhau và như vậy quân lính di chuyển trên thuyền khi tác chiến cũng giống như di chuyển trên bộ. Quan sát động thái này của Tào Tháo, tướng Hoàng Cái bên Đông Ngô kiến nghị với Đô Đốc Châu Du dùng chiến thuật hỏa công đánh Tào Tháo và ý kiến này được Châu Du tán đồng. Châu Du bàn với tướng Hoàng Cái dùng khổ nhục kế để qua mặt Tào Tháo rồi sai quan Tham Mưu Hám Trạch mang thư trá hàng và Tào Tháo tin ngay.

Hình minh họa Chu Du thời nhà Thanh.

Đêm bắt đầu xuống chậm…Gíó Đông Nam thổi mạnh. Đúng giờ hẹn, đội hỏa thuyền của Hoàng Cái xuôi theo chiều gió Đông Nam lướt nhanh về phía trại thủy quân Tào. Đoàn thuyền trá hàng tới gần, Trình Dục nhìn thấy có vẻ khả nghi, liền cấp báo với Tào Tháo. Ông hạ lệnh tướng Văn Sánh khẩn cấp dẫn 100 thuyền nhỏ xông ra ngăn chặn:

– ”Dừng lại! Lệnh Thừa Tướng không cho phép bất cứ thuyền nào vào gần doanh trại”. 

Bất ngờ một mũi tên cắm sâu vào cánh tay trái của tướng Văn Sánh. Ông ngã nhào vào trong chiến thuyền của quân Tào. Lúc bấy giờ đoàn chiến thuyền Giang Nam đã lướt tới gần thủy trại Tào Tháo. Tướng Hoàng Cái ra lệnh châm lửa và toàn đội hỏa thuyền đồng loạt lao thẳng vào hạm đội của quân Tào. Các chiến thuyền của Tào Tháo được xích lại chặt chẽ với nhau và trong lúc bối rối không gỡ ra kịp nên nhanh chóng bắt lửa liên hoàn, bốc cháy dữ dội. Chỉ trong chốc lát, mặt sông Trường Giang biến thành một biển lửa, khiến quân Tào vừa chết cháy vừa chết đuối, binh sĩ hoảng loạn không còn chỉ huy được nữa. Về phía quân Tào thiệt hại không sao kể xiết.

Trong lúc quân Tào đang hoảng hốt vì trận hỏa công thì liên quân Châu Du – Lưu Bị đã hoàn toàn làm chủ trận địa: Theo đúng kế hoạch hành quân, liên quân chia từng toán đánh thốc vào các trại bộ binh Tào Tháo. Hầu hết các doanh trại Tào đều bốc cháy dữ dội. Bại binh Tào Tháo tranh nhau chạy, giẫm đạp lên nhau chết nhiều vô số kể. Tình cảnh kinh hoàng, tiếng kêu khóc của bại quân hết sức thảm thiết… buộc Tào Tháo ra lệnh lui quân sau khi phá hủy một số chiến thuyền còn lại.

Trong trận Xích Bích ,theo kế phản gián của Châu Du, ông hiến kế cho Tào Tháo dùng xích sắt ghép các chiến thuyền lại với nhau để tránh cho quân sĩ say sóng nhưng thực ra ý đồ đó phục vụ cho kế hỏa công (Wikipedia, Phần Bàng Thống – Trương Nhiệm).

Tào Tháo có dũng tướng Trương Liêu bảo vệ dẫn hơn 100 quân kỵ thoát được ra ngoài. Bốn bề lửa cháy ngút trời. Trương Liêu khẩn khoản đề nghị Tào Tháo:

-“Xin Thừa Tướng chạy về phía Ô Lâm, hiện không có lửa, may ra thoát được”.

Hình minh họa Trương Liêu từ Tam Quốc Diễn Nghĩa thời nhà Thanh

Vừa mới chạy được một đoạn đường, Tào Tháo thấy Lữ Mông xuất hiện; Trương Liêu xông ra đánh chặn; nhờ đó Tào Tháo mới thoát hiểm. Tào Tháo cùng đoàn tùy tùng chạy được một quãng lại gặp Lăng Thống chặn đường. May thay có Từ Quáng kịp thời chạy tới đánh giải vây. Ông cùng đoàn tùy tùng nhắm hướng núi phía Bắc chạy thẳng. Trên đường tháo chạy, Tào Tháo gặp các toán quân bại trận, họ liền kết hợp với nhau chạy tiếp. Lúc đó ông chỉ còn trông mong đến quân tiếp viện từ Hiệp Phi, nhưng ông đâu có biết đường Hiệp Phi đã bị Tôn Quyền phong tỏa rồi. Tôn Quyền lại sai Lục Tốn nổi lửa và cho một toán quân đánh thốc tới. Tào Tháo vội vả chạy sang ngả Di Lăng, gặp Trương Hấp vừa thua trận chạy tới. Tào Tháo nhìn ánh lửa xa xa hỏi:

– “Đây là nơi nào?”

Quân sĩ thưa:

” Phía Tây là rừng Ô Lâm, phía Bắc là Nghị Độ”.

 Tào Tháo ngồi trên lưng ngựa, ngửa mặt lên trời cười không dứt, ông nói:

-”Ta không cười người khác, ta chỉ cười Châu Do là kẻ vô mưu; Gia Cát Lượng (12) là người thiểu trí. Nếu ta dụng binh, ta sẽ cho một đội binh mai phục nơi đây thì…có Trời cũng không thoát được”. 

Vừa dứt lời, bỗng nhiên chiêng trống nổi lên, danh tướng Triệu Vân của Lưu Bị xuất hiện:

-” Ta là Triệu Tử Long. Ta chờ nhà ngươi ở đây lâu lắm rồi!”

Từ Quáng và Trương Hấp xông lên nghinh chiến để Tào Tháo chạy. Ông thoát nạn khi trời hừng sáng và mưa bắt đầu nặng hạt.

Hình minh hoạ Triệu Vân (Triệu Tử Long). Nguồn hình: Wikipedia.

Khóc và cười là hai trạng thái biểu lộ tình cảm đối lập nhau. Con người có thể khóc khi vui và có thể cười khi gặp hoàn cảnh đau đớn. Tào Tháo, một nhân vật lịch sử thời tiền Tam Quốc đã trải nghiệm qua hai hoàn cảnh nêu trên và đó là lần cười thứ nhất của Tào Tháo.

Chạy được một quãng,Tào Tháo hỏi:

-” Đây là đâu?”

Quân sĩ thưa:

-” Một ngả đi Nam Di Lăng có đường lớn, một ngả đi Bắc Di Lăng có đường nhỏ.”
Tào Tháo ra lệnh đi về hướng Nam Di Lăng.

Tới cửa khẩu Hồ Lô, quân sĩ chết dọc đường rất nhiều, Tào Tháo ra lệnh dừng quân. Cơn mưa mùa đông đã tạnh, quân Tào chuẩn bị nấu cơm. Tào Tháo ngồi dưới gốc cây bất giác cười lớn. Các tướng hỏi:

“- Đêm hôm qua Thừa Tướng cười thì có Triệu Tử Long xuất hiện; còn bây giờ Thừa Tướng cười là ý gì?”

“- Ta nghĩ Gia Cát Lượng và Châu Do, mưu trí chưa đủ. Nếu ta là địch, ta đã cho một đạo quân mai phục nơi đây; kết qủa không đánh cũng thắng!”

Tào Tháo vừa dứt lời, đội quân phục kích của Trương Dực Đức reo hò vang dội một góc trời! Có tiếng nạt lớn:

“- Tào Tháo chớ chạy!”

Nhìn ra thấy Trương Phi…,Tào Tháo thực sự sợ hãi; ông mất hết tinh thần và sinh lực. Hứa Chữ vội nhảy lên ngựa không yên xông ra đánh. Tào Tháo thừa cơ hội thoát khỏi quân truy kích. Đó là lần cười thứ hai của Tào Tháo.

Hình minh hoạ Trương Phi (Tự: Dực Đức). Nguồn hình: Wikipedia

Đang chạy có tiếng quân báo:

“- Trước mặt có 2 đường: đường lớn xa khoảng mười dặm, đường nhỏ rất khó đi, gọi là khe núi Hoa Dung”.

Tào Tháo lên cao nhìn, ông thấy phía cửa ải Hoa Dung có khói. Ông truyền lệnh theo khe núi Hoa Dung mà đi. Dù các tướng ra sức khuyên can:” Nơi nào có khói, tức nơi đó có quân mai phục”; nhưng Tào Tháo một mực khẳng định: ”Binh pháp phải hư hư thực thực. Gia Cát Lượng cho đốt lửa ở khe núi Hoa Dung là cốt ý để ta không đi ngõ đó. Thực ra ông ấy cho quân mai phục ở đường lớn. Đừng mắc mưu Gia Cát Lượng!”

Các tướng đều khen Thừa Tướng mưu cao. Đi được vài dặm mọi người lại nghe Tào Tháo cười khúc khích. Các tướng thất kinh, hồn xiêu phách tán. Tào Tháo giải thích:

“- Gia Cát Lượng và Châu Du thiếu khôn ngoan! Nếu họ cho một đạo quân mai phục nơi đây thì ta chỉ còn nước xuống ngựa xin hàng!”

Bất ngờ, một tiếng nổ kinh hoàng…đồng thời Quan Vân Trường cầm thanh đao xông ra chặn đường. Mọi người nhìn nhau bàng hoàng…Tào Tháo giục: 

-” Tất cả đều xuống ngựa!”

Các tướng liều chết đánh một trận giải vây nhưng Tào Tháo một lần nữa cứng rắn lặp lại lệnh trên. Sau đó ông hạ giọng giải thích: “Vân Trường là một danh tướng có tài! Chúng ta đã hết sức rồi! Đánh, chắc chắn chúng ta sẽ bị giết hoặc bị bắt hết. Ông ta là người luôn trọng nghĩa; để ta tìm cách dùng lời lẽ chinh phục ông ấy”.  

Tranh vẽ Quan Vũ . Nguồn hình: Wikipedia

Tào Tháo xuống ngựa đến chào và hỏi thăm sức khỏe Quan Vân Trường. Ông trả lời Tào Tháo với thái độ nghiêm trang và qủa quyết:

– “Tôi và ông không còn chuyện gì để nói nữa. Tôi vâng lệnh quân sư đến đây để bắt ông, hãy giơ tay chịu trói.”

Thấu hiểu tâm lý của Quan Vân Trường là người giàu tình cảm và coi trọng tình cũ nghĩa xưa, Tào Tháo kể lể những kỷ niệm của những ngày xưa cũ và tình cảnh của những kẻ ở thế bước đường cùng, cốt để làm mềm lòng Quan Vân Trường và cuối cùng Tào Tháo đã thành công. 

Tranh vẽ Quan Vũ vừa được chữa vết thương ở tay, vừa chơi chơi cờ. Nguồn hình: Wikipedia

Vân Trường suy nghĩ những lời Tào Tháo nói không phải là không đúng… Nhưng công lý lại trỗi dậy trong ông và ông đã đổi ý: Ông hét lên một tiếng. Hàng binh Tào đều qùi xuống như van xin lòng độ lượng của ông và hành động đó làm ông mũi lòng… Quan Vân Trường thở dài… rồi cho phép toàn bộ hàng binh Tào được tự do. Tào Tháo về đến Nam Quận chỉ còn 27 quân kỵ. Đây là lần cười thứ ba của Tào Tháo.

Cả ba lần cười của ông đã nói lên con người thực của Tào Tháo: thông minh, năng động, vui tính và để lại trong lòng mỗi người những cảm nghĩ riêng về sự nghiệp của một vị anh hùng dân tộc hay một tên gian hùng trong thời loạn.

Sau trận Đại Chiến Xích Bích, các lực luợng của Ngô, Thục và Tào tương đối khá cân bằng và thế chân vạc đã hình thành rõ nét. Cũng qua trận đánh lịch sử này, hoài bảo thống nhất thiên hạ của Tào Tháo coi như chấm hết và tất nhiên ông không còn cơ hội để nhìn thấy cơ nghiệp do chính ông đã dày công xây dựng sẽ mất vào tay nhà Tấn. Tháng giêng năm 220, ông qua đời vì bệnh; hưởng thọ 66 tuổi. 
                                               


 

Chú thích: 

(1) Sử không ghi rõ Trần Cung có phải là huyện lệnh Trung Mâu hay không.
(2) Lê Đông Phương “Kể Chuyện Tam Quốc”,NXB Đà Nẳng 2007,tr.87,tr.88.
(3) Lê Đông Phương,Vương Tử Kim,”Kể chuyện Tần Hán” NXB Đà Nẳng 2007 tr.368.
(4) Lê Đông Phương sách dẫn tr.88    
(5) Sử chép: Thủ hạ của Lã Bố là Hầu Thành bị trách phạt nên oán hận Lã Bố. Hầu Thành trói Trần Cung và Cao Thuận rồi mở cửa ra hàng quân Tào. Tào Tháo và Lưu Bị thúc quân vào thành. Lã Bố trên lầu Bạch Môn bị dồn vào đường cùng phải qui hàng.
(6) Chính Lã Bố đã từng cứu mạng Lưu Bị (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia – Phần Lưu Bị).
(7) Lê Đông Phương – Vương Tử Kim “Kể chuyện Tần Hán” NXB Đà Nẳng 2007 tr.389
(8) Lê Đông Phương “Kể chuyện Tam Quốc” NXB Đà Nẳng 2007 tr.131
(9) Lê Đông Phương(2007)Sách dẫn tr.130
(10) Lê Đông Phương ”Kể Chuyện Tam Quốc” ,NXB Đà Nẳng 2007 tr.197.
Theo Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, lực lượng quân Tào có 83 vạn quân (Hồi 48).
(11) Bàng Thống, tự Sĩ Nguyên (178-213) là quân sư của Lưu Bị. Trước, Bàng Thống theo Tôn Quyền nhưng ông không được Tôn Quyền trọng dụng cho nên ông đến Kinh Châu theo Lưu Bị. Bàng Thống chết năm 35 tuổi trong trận phục kích của Trương Nhiệm tại Gò Lạc Phượng.
(12) Gia Cát Lượng (181- 234) là Quân Sư (năm ông mới 27 tuổi) của Lưu Bị và là đại thần của nước Thục thời Hậu Hán. Ông là một chính trị gia đại tài, một nhà quân sự lỗi lạc, một học giả uyên thâm. 
Trong trận Xích Bích, Gia Cát Lượng đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng để đem lại chiến thắng cuối cùng cho liên quân Ngô – Thục.

 

Tài liệu tham khảo:

*Lịch sử Trung Quốc 5.000 năm, Tập 1 và 2 của Lâm Hán Đạt, Tào Dư Chương NXB Văn Hoá Thông Tin, 1997.
*Kể chuyện Tam Quốc của Lê Đông Phương, NXB Đà Nẳng 2007.
*Kể chuyện Tần Hán của Lê Đông Phương và Vương Tử Kim,  NXB Đà Nẳng  2007.
*Tam Quốc Bình giảng của Nguyễn Tử Quang, NXB Tổng hợp An Giang 1989.
*Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
*Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung trang mạng IPVNN.

Nguồn bài đăng

1 thoughts on “Tào Tháo với ba lần cười trong Tam Quốc Diễn nghĩa

Bình luận về bài viết này