Hiện tượng “hóa thạch ngoại biên” nhìn từ một vài phong tục của cộng đồng người Hoa ở Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai

nguoi hoa o dong nai

Các nhóm cộng đồng người Hoa ở tỉnh Đồng Nai

 

Huỳnh Thiệu Phong

(1 ) Việt Nam là quốc gia đa tộc người. Sự hiện hữu đa tộc người ấy được hình thành từ chính sự đa dạng của từng địa phương. Đồng Nai – một trong số 63 tỉnh thành của Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chính sự hợp cư của các tộc người thiểu số bên cạnh người Việt đã làm cho tổng thể bức tranh văn hóa Việt Nam muôn màu, muôn vẻ với nhiều gam màu đậm nhạt khác nhau. Đồng Nai hiện nay, ngoài người Việt là chủ thể chính, còn là địa bàn cư trú của 38 tộc người, và người Hoa chiếm tỉ lệ đáng kể tại đây với số dân chỉ đông sau người Việt. Vì lẽ đó, tìm hiểu về tộc người Hoa tại đây là góp phần vào việc nâng cao nhận thức về Đất và Người Đồng Nai.

Dưới những tác động và sự chi phối từ các biến thiên lịch sử, cộng đồng người Hoa tại chính quốc đã phải rời bỏ quê hương và di dân đến vùng đất mới để tìm kiếm con đường sinh tồn. Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng là một trong những trạm dừng chân ấy của cộng đồng tộc người này. Hơn 300 định hình, xây dựng, phát triển, cộng đồng người Hoa nơi đây đã chung lưng đấu cật cùng với người Việt, người Khmer, người Chăm, người Stiêng, người Mạ, người Chơro để cùng dựng xây nên một tỉnh Đồng Nai không chỉ trù phú về tài nguyên, mà còn đa dạng về sắc thái văn hóa, góp phần hình thành nên bản sắc chung của văn hóa Việt.

Không có một bề dày lịch sử như đất Cố đô Thăng Long, cũng chẳng có sự quyến rũ và lãng mạn của xứ Huế một thời được mệnh danh là đất Thần kinh, và lại càng không có nhịp sống năng động như vùng đất Sài Gòn, Đất và Người Đồng Nai vẫn ngự trị trong lòng du khách gần xa với những ấn tượng tốt đẹp và rất riêng với cái chất không lẩn đâu được.

(2) Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ với diện tích 5894,74 km2 – rộng thứ nhì trong các tỉnh thành Đông Nam Bộ (sau tỉnh Bình Phước) và rộng thứ ba trong các tỉnh thành Nam Bộ (sau Bình Phước và Kiên Giang), dân số hơn ba triệu người (đứng thứ nhì sau Thành phố Hồ Chí Minh). Vị trí địa lí của tỉnh được xác lập bởi các thông số: từ 10030’03 đến 11034’57’’Bắc và từ 106045’30 đến 107035’00 Đông. Vị trí tọa lạc của Đồng Nai thuận lợi cho các hoạt động giao lưu, thúc đẩy và phát triển kinh tế, giao thông vận tải; cụ thể: phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Đông Bắc giáp Lâm Đồng, Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương, phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phía Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh [1, tr.15].

Trải qua những lần thay đổi địa giới và phân chia hành chính, Đồng Nai hiện nay gồm một thành phố (Biên Hòa), một thị xã (Long Khánh) và chín tỉnh (Cẩm Mỹ, Định Quán, Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc). Đồng Nai cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu đã hình thành nên tứ giác kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài với tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm dẫn đầu trong cả nước. Những thành tựu ấy hứa hẹn góp phần mở ra một tương lai xán lạn cho nền kinh tế quốc dân.

Đó là xét về phương diện kinh tế, ở phương diện văn hóa-xã hội, Đồng Nai cũng sở hữu riêng cho mình những đặc thù riêng biệt, tạo dựng nên những sắc thái văn hóa đặc thù trong bức tranh văn hóa-xã hội của địa phương. Bức tranh ấy được phác họa từ yếu tố con người, trong đó bao hàm cả cộng đồng người Hoa.

(3) Ở khu vực Nam Bộ, bên cạnh Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… Người Hoa cư trú tập trung nhiều ở Đồng Nai, đặc biệt là tại Thành phố Biên Hòa. Sự hình thành khởi phát của cộng đồng tộc người Hoa tại đây thuộc về một hiện tượng xã hội, mang tính qui luật trong sự phát triển của nhân loại, đó là hiện tượng di dân (migration). Người Hoa tại Việt Nam nói chung và tại Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai nói riêng chính là biểu hiện và là hệ quả của hiện tượng ấy. Bên cạnh đó, như ta đã biết, người Việt, người Hoa và người Chăm vốn không phải là những tộc người bản địa tại đây, và sau quá trình di cư, hợp cư thì một hiện tượng tiếp theo là giao lưu và tiếp biến văn hóa (acculturation) đã diễn ra. Tuy nhiên, sự tương quan về mặt dân số giữa dân cư bản địa và cư dân mới lại là một tác nhân khác chi phối đến mức độ giao lưu như thế nào. Theo nguyên tắc thì nếu lượng dân cư bản địa áp đảo so với lượng cư dân mới thì có thể tỉ lệ đồng hóa văn hóa là rất cao, song cũng có trường hợp ngoại lệ, đó là mặc dù số dân ít, nhưng “… những nhóm dân di cư đến nơi mới cố kết lại, tạo thành những ốc đảo, “dị ứng” với những ảnh hưởng của môi trường tộc người xung quanh…” [3, tr.126]. Và tôi cho rằng, người Hoa ở Biên Hòa là thuộc trường hợp ngoại lệ đó. Đây là hiện tượng “Hóa thạch ngoại biên” (Peripheral Fossilization) trong nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là nhìn từ phương diện phong tục. Trải qua thời gian, có thể những phong tục ấy đã dần đi vào quên lãng, song nếu nhìn nó dưới lăng kính của một hiện tượng văn hóa thì vô cùng thú vị.

Không kể đến những đợt di dân từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam của cộng đồng người Hoa (trước Công nguyên) vì nhiều lí do, cũng như những đợt di dân trong giai đoạn những năm thuộc thế kỉ XX đến năm 1975 sau này, sự hiện diện của cộng đồng người Hoa ở Biên Hòa – Đồng Nai có thể được đánh dấu từ cuối thế kỉ XVII, đặc biệt là cột mốc năm 1679. Tình hình chính trị lúc bấy giờ ở Trung Quốc có sự thay đổi lớn với sự kiện nhà Mãn Thanh lên thay thế cựu triều Minh để cai quản đất nước vào năm 1644. Trong tình hình đó, một số tôi thần nhà Minh không chịu thần phục tân triều và nhất quyết không chịu để tóc đuôi sam nên đã phất cờ khởi nghĩa, song gần như họ không đủ sức để chống đối lại triều đình nhà Thanh, vì vậy, họ đành dong thuyền rời khỏi chính quốc để đến các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á để nương nhờ và củng cố thế lực hòng tìm ngày trở lại cố hương để “phản Thanh phục Minh”. Trong các điểm đến của những nhóm người Hoa này, Đàng Trong của Việt Nam lúc bấy giờ là một trong số đó.

Năm Kỉ Mùi 1679, nhóm của Tổng binh thành Long Môn tỉnh Quảng Tây là Dương Ngạn Địch cùng Phó tướng Hoàng Tiến và nhóm của Tổng binh Châu Cao, Lôi, Liêm tỉnh Quảng Đông là Trần Thượng Xuyên cùng Phó tướng Trần An Bình đã vào đến hải phận của nước ta, “Ban đầu, họ (nhóm người Hoa – HTP chú giải) cầu cứu chúa Trịnh, sau đó dẫn tùy tùng quân lính theo đường thủy đến Đà Nẵng đầu hàng chúa Nguyễn (Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần – HTP chú giải) và xin chúa Nguyễn nhận làm dân Việt…” [1, tr.32]. Trước lời thỉnh cầu ấy, Chúa Nguyễn sau khi suy xét tường tận đã cho phép nhóm 3000 người này vào khu vực Nam Bộ ngày nay để khẩn hoang. Cụ thể, nhóm người này đã chia tách thành hai nhóm nhỏ, một nhóm do Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình vào cửa Cần Giờ, ngược dòng sông Đồng Nai để cư trú tại vùng đất Biên Hòa (lúc bấy giờ là đất Trấn Biên), nhóm còn lại của Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến chỉ huy ngược dòng sông Tiền đến định cư tại vùng đất Định Tường (tức thuộc Mỹ Tho, Tiền Giang ngày nay) và xây dựng nên một “Mỹ Tho Đại phố” lừng danh một thời.

Vậy, từ những khái quát bước đầu về sự hình thành của cộng đồng người Hoa tại Đồng Nai, có thể nhận thấy nguồn gốc của người Hoa ở Đồng Nai nói riêng, Nam Bộ nói chung là những người có quê quán từ các tỉnh thuộc vùng Duyên hải cực Nam Trung Hoa. Vì những biến động về chính trị (sự kiện triều Minh bị lật đổ dẩn đến những bất mãn về thời cuộc), về xã hội (mưu sinh khó khăn, nạn dịch bệnh hoành hành, bất mãn với các thế lực cường hào ác bá áp bức…) đã khiến họ mong mỏi tìm kiếm vùng đất mới. Tuy nhiên, cần lưu ý một điểm quan trọng trong nhận thức của họ, đó là “đi để trở về”. Tâm thức ấy của họ mang ý nghĩa to lớn về mặt ý thức tộc người; hay nói khác đi, họ ra đi là tìm kiếm cơ hội trở về phục dựng triều đình nhà Minh, đó làm tâm thức yêu nước mãnh liệt, chứ không phải là ruồng bỏ cố hương và ra đi vì tâm lí vị kỷ. Sự nhầm lẫn hoặc hiểu không thấu đáo điểm mấu chốt ấy sẽ tạo ra những hiểu lầm sai lệch về tộc người này.

(4) Để thấy được ý thức tộc người ấy của người Hoa, tác giả qua quá trình tác nghiệp, qua tiếp cận tư liệu cũng như qua trao đổi với nhiều bạn bè, đồng nghiệp vốn là người Đồng Nai đã biết được người Hoa ở Biên Hòa trước đây có hai phong tục rất thú vị đó là: “Không ăn mừng tân gia khi xây nhà mới”, “Không sử dụng màu đỏ”. Lí giải về chúng sẽ có thể củng cố cho quan điểm về tinh thần dân tộc rất cao của tộc người này và quan trọng hơn, nó có sự trùng khớp với hiện tượng “Hóa thạch ngoại biên” (peripheral fossilization) mà các nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra.

Vậy, có thể hiểu hiện tượng “Hóa thạch ngoại biên” là gì?

Hiện tượng này liên quan mật thiết với chủ thể văn hóa – tức một cá thể hay một cộng đồng tộc người nhất định. Khi sinh sống trong chính nền tảng văn hóa bất kì mà do chính họ đã sáng tạo ra, có thể do những tác động khách quan, chủ quan mà theo thời gian, những giá trị văn hóa ấy có thể bị mai một hoặc mất dần. Tuy nhiên, khi chịu những tác động khác nhau và buộc cộng đồng ấy phải rời khỏi không gian văn hóa ấy để đến một không gian văn hóa khác sinh sống, trong trường hợp đó, ý thức tộc người của chủ thể trỗi dậy một cách mạnh mẽ dẫn đến ý thức bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống cũng theo đó được nâng cao hơn. Đó được gọi là hiện tượng “Hóa thạch ngoại biên”. Chẳng hạn, ta có thể thấy được hiện tượng ấy trong chính cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống tại Hoa Kì hay bất kì quốc gia nào khác; đơn cử như các phong tục liên quan đến việc kết hôn, cộng đồng Việt kiều có xu hướng tổ chức theo đúng qui trình truyền thống một cách kĩ càng, hầu như không lược bỏ bất kì bước nào. Trái lại, người Việt đang sinh sống ở Việt Nam lại có xu hướng lược bỏ bớt một số bước theo truyền thống dân tộc vì tốn kém thời gian, tiền của và không còn phù hợp trong đời sống hiện đại[1]. Do đó, khi soi hiện tượng ấy vào trường hợp người Hoa ở Biên Hòa trong lịch sử, có thể nhận thấy nó được thể hiện khá rõ nét thông qua hai phong tục sau:

Một là phong tục không ăn tân gia khi xây nhà mới[2]. Theo một số nghiên cứu đáng tin, tục lệ này có nguồn gốc từ đợt di dân vào năm 1679 do Tổng binh Châu Cao, Lôi, Liêm tỉnh Quảng Đông là Trần Thượng Xuyên cùng Phó tướng Trần An Bình dẫn đầu đoàn người đến Việt Nam và được Chúa Nguyễn cho phép vào định cư tại vùng đất này. Theo đó, ông Trần Thượng Xuyên đã căn dặn những lưu dân ấy phải tâm niệm vùng đất phương Nam này chỉ là nơi ở tạm, mà đã là tạm trú thì việc xây dựng nhà mới không phải là việc làm đáng mừng (theo quan niệm “An cư lạc nghiệp”). Hay nói cách khác đi, sau khi củng cố lực lượng sẽ quay về chính quốc để lật đổ triều đình nhà Thanh, khôi phục lại giang sơn nhà Minh của cha ông. Song, đáng tiếc là ước vọng ấy của Trần Thượng Xuyên và bầy tôi thần nhà Minh đã không thể thành sự thật khi chính triều đình này đã chính thức cáo chung vào năm 1912 dưới thời Hoàng đế Phổ Nghi – kết thúc hơn 2000 năm phong kiến Trung Hoa và mở ra một thời đại mới.

Dù ước vọng không thể thành sự thật, nhưng ta có thể thấy ý thức dân tộc của nhóm người Hoa đến định cư tại vùng đất Biên Hòa là rất cao. Việc không ăn tân gia khi xây nhà mới cho thấy tấm lòng mong nhớ cố hương. Đến nay, phong tục “không ăn tân gia” đã đồng hành với đời đời các thế hệ người Hoa, tuổi đời của phong tục ấy có lẽ cũng trên dưới 300 năm, tiệm cận với khoảng thời gian chính thức xác lập sự có mặt của họ tại vùng đất này.

Phong tục ấy mặc dù khởi thủy chỉ “đóng khung” trong nếp suy nghĩ của cộng đồng người Hoa, nhưng sau này, khi người Việt đến đây (vào năm 1698 với sự kiện Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn vào kinh lí đất Gia Định) đã tiếp nhận phong tục ấy của người Hoa và họ cũng không ăn tân gia. Tuy nhiên, vì là du nhập và không được lí giải nguyên nhân nên về sau, dần dần một số gia đình đã bỏ tục ấy bằng cách lấy một lí do khác để thông báo cho người thân, bạn bè đến ăn tân gia, chẳng hạn như: tiệc sinh nhật, tiệc đám giỗ hay tiệc thượng thọ của người nào đó trong gia đình… Điều này đã làm cho bức tranh văn hóa vùng đất Đồng Nai thêm phần đa sắc.

Hai là phong tục không sử dụng màu đỏ. Cũng như tục không ăn tân gia, tục không sử dụng màu đỏ cũng có nguồn gốc từ nhân vật Trần Thượng Xuyên. Trong tâm thức người Hoa ở Biên Hòa, Đồng Nai, vị thế của “Đức Ông” Trần Thượng Xuyên là vô cùng to lớn. Ông được xem như một vị Tiền hiền của cộng đồng người Hoa. Đình Tân Lân – công trình kiến trúc nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1991, chính là nơi thờ phụng vị danh tướng này. Chính điện là nơi đặt cốt tượng uy nghi của ông trong chiếc áo choàng màu đỏ rực. Và chính chiếc áo đó là nguồn cơn để tạo nên làn sóng kị màu đỏ. Vậy là, từ việc tránh lựa chọn việc trùng màu với phẩm phục của vị Tiền hiền của họ, đã dẫn đến tâm lí kiêng kị, và từ kiêng kị lâu dần theo thời gian, họ có xu hướng dần lãng quên. Dù cho vào những ngày lễ Tết – là những dịp mà sắc đỏ được tự do thể hiện thông qua các bao lì xì, những cặp liễn treo trước nhà… thì tuyệt nhiên, màu đỏ cũng không có chỗ đứng.

Từ việc sự trùng lặp màu sắc của phẩm phục vị Tiền hiền của cộng đồng, người Hoa tại Biên Hòa đã chứng minh một giá trị đặc sắc trong nhận thức, có giá trị bền vững theo thời gian. Giá trị ấy lại một lần nữa cho thấy tính dân tộc cao độ và Biên Hòa với tư cách như một “ốc đảo thu nhỏ của cộng đồng người Hoa” thực sự là một môi trường lí tưởng trong việc bảo lưu các giá trị truyền thống của tộc người. Thật đúng là một minh chứng sắc nét cho hiện tượng “Hóa thạch ngoại biên”!

(5) Tóm lại, Đồng Nai trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có được diện mạo như ngày nay với những thành tựu về kinh tế-văn hóa-xã hội đáng khích lệ là một quá trình chung tay góp sức không chỉ của các cấp lãnh đạo qua các thời kì, mà còn có sự chung tay của mọi tầng lớp nhân dân, các cộng đồng tộc người sinh sống trên địa bàn, trong đó có người Hoa. Bài viết đã đề cập đến một hiện tượng trong nghiên cứu văn hóa: “Hóa thạch ngoại biên” qua điển cứu trường hợp người Hoa ở Biên Hòa, Đồng Nai. Từ những biến động trong diễn trình lịch sử, người Hoa đã có mặt tại vùng đất Đồng Nai từ cuối thế kỉ XVII. Cùng với các tộc người khác, họ đã đồng lòng khai phá để biến Đồng Nai trở thành một vùng đất trù phú về thiên nhiên, đa dạng về sắc thái văn hóa. Trong sự cộng cư ấy, cộng đồng người Hoa tại đây đã cho thấy bản lĩnh trong ý thức tộc người thông qua hai phong tục rất thú vị là “không ăn mừng tân gia khi xây nhà mới” và “không sử dụng màu đỏ”. Hiểu được bản chất của hai phong tục ấy, ta sẽ thấy được tính đặc sắc vô cùng to lớn trong đời sống văn hóa của cộng đồng, đặc biệt là trong nhận thức.

                                                                                          H.T.P

Sài Gòn, 17.07.2017

Tài liệu tham khảo

[1] Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai (2009), Người Hoa ở Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.

[2] Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số (2016), Văn hóa người Hoa Nam Bộ, Nxb Văn hóa-Văn nghệ.

[3] Ngô Văn Lệ (2003), Một số vấn đề về văn hóa tộc người ở Nam Bộ và Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

[4] Nhà Bảo tàng Đồng Nai (2007), Lịch sử và Văn hóa Cù lao Phố, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.

[5] Huỳnh Thiệu Phong (2017), Vài nét về văn hóa tộc người Hoa ở Nam Bộ – nhìn từ khía cạnh tín ngưỡng: https://nghiencuulichsu.com/2017/04/20/vai-net-ve-van-hoa-toc-nguoi-hoa-o-nam-bo-nhin-tu-khia-canh-tin-nguong/

 

Chú thích:

[1]Về hiện tượng “Hóa thạch ngoại biên” của người Việt ở nước ngoài, có thể tìm hiểu thêm trường hợp nhóm người Việt đang sinh sống tại ba ngôi làng Vạn Vỹ, Ô Đầu, Sơn Tâm tại Thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc hiện nay. Hơn 500 năm trước, họ đã có mặt tại đây để định cư, lập nghiệp và vẫn giữ được những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Việt.

[2]Ngoài cách lí giải mà tôi cho rằng đáng tin hơn vì có thể xem nó như hiện tượng “Hóa thạch ngoại biên”, nhà Sử học Dương Trung Quốc còn có cách lí giải khác với phong tục này: Theo truyền thuyết thì nước Việt là nơi một con rồng trú ngụ, đầu rồng ở Huế, đuôi rồng ở Biên Hòa. Nếu động thổ xây cất thì chạm tới đuôi rồng, nên người dân Biên Hòa xưa không dám cúng kiến tạ ơn thổ thần thiên địa làm như thế chẳng khác nào báo cáo với trời đất là vừa xây xong một căn nhà trên đuôi rồng. Cách giải thích này tôi cho rằng không có cơ sở khoa học và mang đậm tính chất dân gian.

1 thoughts on “Hiện tượng “hóa thạch ngoại biên” nhìn từ một vài phong tục của cộng đồng người Hoa ở Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai

  1. Hồi những năm 80, bản nhân có đi khảo sát tại 2 xã Thạnh An và Thạnh Thắng thuộc huyện Thốt Nốt tỉnh Hậu Giang (nay thuộc thành phố Cần Thơ). Đây là vùng đất do Thầy Ký Nguyễn Ngọc Thơ quy hoạch dành cho bà con Công giáo di cư từ ngoài Bắc vào đến định cư.
    Dân Công giáo di cư vào Nam năm 1954 được phân vào hai nơi định cư chính, đó là Hố Nai, Biên Hòa, Đồng Nai và khu vực Thạnh An, Thạnh Thắng ở miền Tây. Nếu ở Hố Nai, dân bản địa (kể cả người Việt và người Hoa) có trình độ văn hóa, kinh tế cao thì dân di cư phải hòa đồng để học hỏi để hòa nhập thì ở miền Tây, người Công giáo di cư lại co cụm lại trở thành ốc đảo, tạo nên cái gọi là hóa thạch ngoại biên (đối với các dân cư bản địa ở xung quanh) để trở thành một hiện tượng hiếm thấy.
    Nơi đây, dân di cư được bố trí định cư dọc theo các kênh đào. Trừ kênh Thầy Ký (được đặt tên để tưởng nhớ Nguyễn Ngọc Thơ) còn các kênh khác được ký danh từ A đến H (hai kênh A và B thuộc địa phận tỉnh Rạch Giá, tức huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang ngày nay), mỗi kênh là cư dân của một giáo xứ (tức là thuộc mỗi tỉnh ở ngoài Bắc).
    Điều quan trọng là, ở thế hệ định cư đầu tiên, các cư dân đều có giọng nói và tập tục sản xuất, văn hóa của quê cha đất tổ nhưng đến thế hệ thứ hai, thứ ba…thì giọng nói của mọi người lại gần giống với giọng Hà Nội bây giờ và mọi tập tục đã tự dung hòa dẫn đến khu vực này trở thành ốc đảo, không chỉ riêng về ngôn ngữ mà là cả phong tục, tập quán và tôn giáo đối với người bản địa ở xung quanh.
    Vậy thì, khu vực này, chính là hóa thạch ngoại biên đối với xung quanh. Nhưng, cần phải suy ngẫm thêm về sức sống nội sinh của nó.

    Thích

Bình luận về bài viết này