Bàn thêm về quê hương của Ngô Quyền

Luoc do khu vuc cuoc khang chien chong quan Tong.png

Đặng Thanh Bình

Trong bài Bàn về quê hương của Ngô Quyền tôi cố gắng chứng minh, tất cả những giả thuyết từ trước tới nay, đều có thể đúng, không có một giả thuyết nào là ưu trội hơn cả. Trong bài này, chúng ta sẽ làm rõ hơn một số sự kiện quan trọng xảy ra dưới thời Ngô vương.

* Cuốn sách đầu tiên chép Ngô Quyền người Đường Lâm là bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên soạn năm 1479 [“Họ Ngô, tên húy là Quyền, người Đường Lâm, đời đời là nhà quý tộc. Cha là Mân làm chức Châu mục ở bản Châu”]. Các cuốn sử từ đây trở về sau đều ghi chép theo Đại Việt sử ký toàn thư. Chẳng hạn như Quốc sử quán triều Nguyễn khi soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Theo sách An Nam kỷ yếu, Ngô Quyền, người Ái Châu. Vậy rõ sách nào chép đúng”. Rõ ràng có chút đắn đo ở đây. Nhưng rồi về sau, Quốc sự quán triều Nguyễn vẫn theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, chép Ngô Quyền người Đường Lâm [Sách An Nam kỷ yếu cùng tuyến với An Nam chí lược]. Không chỉ có quê quán, mà gần như các sự kiện xảy ra thời Ngô Vương, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép lại từ Đại Việt sử ký toàn thư.

Nhưng Ngô Sĩ Liên tham khảo tài liệu nào để chép trong Đại Việt sử ký toàn thư là Ngô Quyền người Đường Lâm ?

Chúng ta biết được rằng: Ngô Sĩ Liên soạn Toàn thư trên cơ sở Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phạm Phu Tiên. Chắc chắn rằng: Trong Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu có chép về Ngô Vương. Bởi vì Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “Lê Văn Hưu nói: Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đến, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được”.

Sử của Lê Văn Hưu chắc chắn có chép về Ngô Quyền, tuy nhiên chúng ta chỉ biết có vậy, mà không thể biết rõ hơn: Văn Hưu có chép về quê của Ngô Quyền hay không ? Đại Việt sử ký được Lê Văn Hưu hoàn thành năm 1272. Trong khi đó Đại Việt sử lược được soạn vào thời nhà Trần khoảng năm 1377 và An Nam chí lược được Lê Tắc soạn nửa đầu thế kỷ 14 chép: “Lê Hưu (tức Lê Văn Hưu) là người có tài đức, làm phó quan của Chiêu Minh vương (Trần Quang Khải), thăng làm kiểm pháp quan, sửa (tu) Việt chí”.

Như vậy là 2 cuốn sử ra đời sau và gần nhất với Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, cuốn thì không chép gì về quê của Ngô Quyền [là cuốn Đại Việt sử lược] và cuốn thì có chép nhưng lại chép sai khác [An Nam chí lược chép: Ngô Quyền người châu Ái]. Vậy thì rất có thể Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu không chép về quê của Ngô Quyền. Và như thế thì, Ngô Sĩ Liên tham khảo tài liệu nào để chép Ngô Quyền quê ở Đường Lâm đây ?

Liệu rằng Ngô Sĩ Liên có tham khảo Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên hay Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp hay không ? Nếu là có đi chăng nữa thì cả 2 cuốn sách truyện này chỉ đề cập một cách gián tiếp tới quê của Ngô Vương (nếu có)! Việt điện u linh trong truyện Sóc Thiên Vương chép: “Theo Thiền uyển tập anh, vào đời Lê Đại Hành có Khuông Việt Thái Sư, không làm quan, thường nhàn du Vệ Linh Sơn ở quận Bình Lỗ”. Lĩnh Nam chích quái truyện Sóc Thiên Vương chép: “Theo sách Thiền Uyển Tập Anh, xưa vào thời vua Lê Đại Hành, nước Đại Việt có đại sư họ Ngô, thường đến chơi ở núi Vệ Linh thuộc làng Bình Lỗ”.

Vậy là cả 2 cuốn sách truyện này dẫn chúng ta đến cuốn sách Thiền uyển tập anh (một cuốn sách về lịch sử phật giáo Việt Nam). Thiền uyển tập anh chép: “Đại sư Khuông Việt (trước tên là Chân Lưu) (933 – 1011). Chùa Phật đà, làng Cát lợi, Thường lạc. Người Cát lợi, họ Ngô, thuộc dòng dõi Ngô Thuận Đế. Sư tướng mạo khôi ngô, tính tình phóng khoáng, nhỏ theo học Nho, lớn lên quy y Phật”.

Tác giả Nguyễn Lang đã trưng ra hai bằng chứng trong Việt Nam Phật giáo sử luận là: Thứ nhất, khi trả lời hoàng hậu Ỷ Lan, thiền sư Thông Biện đã nói về lai lịch của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi một cách khá rõ rệt. Thứ hai, trong Thiền uyển tập anh có đoạn nói về Thiền sư Thần Nghi ( ? – 1216) thưa với thiền sư Thường Chiếu: “Con theo phụng sự hoà thượng đã lây nhưng chưa rõ những nhân vật nào đã truyền thừa đạo này đầu tiên”. Thường Chiếu ( ? – 1203) đưa cho Thần Nghi xem một tài liệu của Thông Biện ( ? – 1134), trong đó có ghi chép về các tông phái. Thần Nghi đọc xong hỏi: “Tại sao hai hệ phái Nguyễn Đại Điên và hệ phái Nguyễn Bát Nhã không được chép vào đây”. Thường Chiếu trả lời: “Thông Biện đã suy nghĩ kỹ rồi mới không chép hai hệ phái ấy”. Qua hai chứng cứ trên mà tác giả Nguyễn Lang quả quyết thiền sư Thông Biện là người bắt đầu biên tập Thiền uyển tập anh.

Những chứng cứ mà tác giả Nguyễn Lang dẫn ra thực sự rất thuyết phục, ít nhất là chúng ta cũng biết được rằng: Thông Biện có biên tập Thiền uyển tập anh. Vậy thì rất có thể những thông tin về Khuông Việt đại sư trong Thiền uyển tập anh là do Thiên Biện chép. Hai vị thiền sư này cách nhau trên dưới 100 năm!

Tuy nhiên như Thường Chiếu trả lời Thần Nghi: “Thông Biện đã suy nghĩ kỹ rồi mới không chép hay hệ phái ấy” cho thấy Thông Biện thực ra người cận thận và việc “năm bốn mươi tuổi, danh Sư vang tới triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng mời đến, Sư đối đáp hiệp chỉ, bèn phong làm Tăng thống. Năm Thái Bình thứ hai (năm 917). Vua ban hiệu Khuông Việt đại sư” cho thấy Khuông Việt đại sư là một cao tăng, uy danh rất lớn, nên thông tin về ngài, hẳn là người đời sau còn biết tới. Do vậy mà những thông tin chép về Khuông Việt trong Thiền uyển tập anh là rất đáng tin cậy. Trong đó có 2 thông tin rất quan trọng với chúng ta, đó là: Khuông Việt có tên là Ngô Chân Lưu người hương Cát Lợi và là dòng dõi Ngô Thuận Đế.

Ngô Thuận Đế có thể là ai đây ? Thời điểm của Ngô Chân Lưu thì có thể kể đến: Ngô Mân (cha của Ngô Quyền), Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn (con của Ngô Quyền), Ngô Xương Xí và Ngô Nhật Khánh.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Lúc trước, Tiền Ngô Vương bệnh nặng, có di chúc giao cho Tam Kha giúp rập cho con. Khi Vương mất, Tam Kha cướp ngôi. Con trưởng của Ngô Vương là Xương Ngập sợ, chạy về Nam Sách Giang, trú ngụ ở nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương. Tam Kha lấy con thứ hai của Ngô Vương là Xương Văn làm con mình. Các con thứ của Ngô Vương là Nam Hưng, Càn Hưng còn bé, đều theo Dương quốc mẫu”.

“Vua tên húy là Xương Văn, con thứ của Tiền Ngô Vương. Tân Hợi, năm thứ 1 [951], (Chu Thái Tổ Quách Uy, Quảng Thuận năm thứ 1). Vua đã truất bỏ Tam Kha, lên ngôi vua, xưng là Nam Tấn [Vương], sai sứ đi đón anh là Xương Ngập về Kinh sư, cùng trông coi việc nước. Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương”.

“Ngô Nhật Khánh (xưng là Ngô Lãm Công) chiếm Đường Lâm (có sách chép là chiếm Giao Thủy) (…) Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, qua một đêm, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước. Nhật Khánh là con cháu của Ngô Tiên chúa Quyền, trước xưng An Vương, cùng 12 sứ quân mỗi người chiếm giữ một vùng. Tiên Hoàng dẹp yên, lấy mẹ Khánh làm hoàng hậu, lấy em gái Khánh làm vợ Nam Việt Vương Liễn, còn lo sinh biến, lại đem công chúa gả cho Khánh, ý muốn dập hết lòng oán vong của hắn”.

Theo như vậy, Ngô Quyền có 4 người con lần lượt là Xương Ngập, Xương Văn, Nam Hưng và Càn Hưng. Sau khi Quyền mất, Tam Kha tiếm quyền, 4 người con này, mỗi người một cảnh ngộ. 2 con nhỏ là Nam Hưng và Càn Hưng vì nhỏ nên theo Dương quốc mẫu. Xương Văn thì bị ép làm con nuôi của Tam Kha, còn Xương Ngập thì bị truy sát, phải trốn náu nhà Phạm Công Lệnh ở Hải Dương. Có lẽ, khi Tam Kha tiếm quyền, Xương Ngập đã phản đối nên bị truy sát, buộc phải trốn khỏi Cổ Loa. Khoảng 10 tuổi thì Ngô Chân Lưu tu tập ở hương Cát Lợi. Nếu Ngô Chân Lưu là con của Ngô Quyền thì hẳn là Chân Lưu phải giống như các anh em của mình là Nam Hưng và Càn Hưng, nương dựa Dương quốc mẫu, đằng này lại nương nhờ cửa phật. Chân Lưu lại càng không thể là con của Ngô Nhật Khánh vì nếu đúng là con của Nhật Khánh ông phải ở Đường Lâm mới phải. Do vậy khả năng cao nhất, Chân Lưu là con của Xương Ngập. Như vậy thì dòng dõi Ngô Thuận Đế, là dùng để ám chỉ Ngô Quyền hoặc Ngô Xương Ngập.

 Chúng ta thấy rằng: Thời điểm họ Khúc – Dương nắm quyền Tĩnh Hải quân, châu Giao và châu Ái là 2 vị trí trọng yếu. Các vương thì giữ châu Giao, cất cứ tướng thân tín trấn châu Ái. Khúc Hạo giữ châu Giao, cử Diên Nghệ giữ châu Ái, đến lượt Diên Nghệ giữ châu Giao, cử Ngô Quyền giữ châu Ái. Thế nhưng, đến khi Quyền nắm giữ châu Giao, thì vị tướng nào được cử giữ châu Ái ? Dù đó là ai, thì chắc chắn cũng không phải là Ngô Nhật Khánh ? Bởi từ đầu chí cuối, Nhật Khánh được ghi nhận là nắm giữ Đường Lâm. “Châu Đường Lâm vốn từng có tên châu Phúc Lộc (gồm ba huyện Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc), châu này nằm phía tây nam Ái châu, gần gũi Trường châu, về sau đã có lúc quy về Ái châu. Cả hai địa danh Đường Lâm và Phúc Lộc sau đời Đường đều bỏ. Dù vậy, có thể khẳng định rằng quê Ngô Quyền nằm loanh quanh giữa vùng Thanh Hóa – Nghệ An ngày nay mà khó có thể ở vị trí Sơn Tây (khi đó là huyện Gia Ninh của Phong Châu) được” [Đường Lâm là Đường Lâm nào ? của nhóm các tác giả Trần Ngọc Vượng, Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan].

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Họ Ngô, tên húy là Xương Xí, khi Thiên Sách Vương lánh nạn, lấy vợ ở Nam Sách Giang sinh ra, là cháu gọi Nam Tấn Vương bằng chú (…) Bính Dần, năm thứ 16 [năm 966], (Tống Càn Đức năm thứ 4). Nam Tấn [Vương] mất, các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ: Ngô Xương Xí chiếm Binh Kiều”.

Đây là một thông tin khá thú vị. Khi có loạn ở Cổ Loa, Xương Xí chạy về châu Ái để chiếm giữ Binh Kiều. Không lẽ châu Ái đang trống, không có người nào trấn giữ sao ? Nếu quân đội được Ngô Quyền cử giữ châu Ái thì hẳn phải đứng thứ 2 ở Tĩnh Hải quân, nếu vậy thì Xương Xí không tranh được ở Cổ Loa thì sao có thể chiếm được châu Ái dễ dàng vậy ? Rồi Tam Kha tiếm quyền, châu Ái không một động tĩnh gì. Vì sao vậy ? Lại thêm, Ngô Nhật Khánh chiếm giữ Đường Lâm từ rất sớm, vào thời Dương Tam Kha nắm quyền.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Canh Tuất, [950], (Dương Tam Kha năm thứ 6; Hán Ẩn Đế Thừa Hựu, vẫn dùng niên hiệu Càn Hựu năm thứ 3). Tam Kha sai Xương Văn và hai [chỉ huy] sứ họ Dương, họ Đỗ đem quân đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình (…) Ất Sửu, năm thứ 15 [965], (Tống Càn Đức năm thứ 3). Vua đem quân đi đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình, mới vào đến cõi, đỗ thuyền lên bộ đánh, bị phục binh tay nỏ bắn trúng chết. Đinh Liễn trở về Hoa Lư”.

Rõ ràng là Nhật Khánh chiếm giữ Đường Lâm từ thời Tam Kha, chúng ta có thể nghĩ rằng: Nhật Khánh chống đối Tam Kha do tiếm quyền họ Ngô, nhưng tại sao khi mà Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập lấy lại quyền lực cho họ Ngô, Nhật Khánh vẫn chống đối ? Có khi nào Nhật Khánh là con trai của Ngô Quyền không ? Vì như An Nam chí lược còn chép về một người con của Ngô Quyền tên là Ngô Xương Tuấn, là em của Xương Ngập và là anh của Xương Văn. Tuy nhiên, có thể An Nam chí lược đã có nhầm lẫn trong ghi chép này. Hãy lưu ý rằng: Châu Ái có một vị trí quan trọng như vậy mà tại vì sao Nhật Khánh có ý định chống Tam Kha lại không lấy Ái châu, mà chỉ giữ mãi Đường Lâm ? Hay Nhật Khánh không đủ sức ? Cũng không hẳn là không đủ sức, vì trong các sứ quân thì Đinh Tiên Hoàng lại ưu ái Nhật Khánh nhất, vì sao vậy ? Vì Nhật Khánh nắm giữ cửa ngõ phía nam của Hoa Lư, luôn có thể liên kết với các nước phía nam tấn công Hoa Lư và như lịch sử cho thấy năm 979, Nhật Khánh đã dẫn người Chiêm vào tấn công Đại Cổ Việt.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Lời cẩn án – Sử cũ chép “Ngô sứ quân gồm 2 năm”, để kế tiếp vào thế thứ Nam Tấn vương, vì Sử cũ nhận rằng sứ quân Ngô Xương Xí là con Ngô Xương Ngập. Nhưng nay xét: sau khi Nam Tấn vương mất, Xương Xí chiếm giữ Bình Kiều, thế lực rất yếu ớt, không khác gì các sứ quân ở các nơi khác; cho nên đem liệt cả vào một hàng sứ quân. Lại xét: Sử cũ chép Nam Tấn mất rồi, mười hai sứ quân đua nhau nổi lên, bắt đầu chép Ngô Xương Xí, cuối cùng chép Trần Minh Công; dưới đoạn ấy chép tiếp Đinh Bộ Lĩnh tự xưng Vạn Thắng vương rồi kể lại chuyện Bộ Lĩnh đi theo Trần Minh Công, khi Minh Công mất mới đứng quản lĩnh quân đội thay. Xét kỹ ra, thì ngay từ năm thứ nhất đời Nam Tấn, đã thấy có chép “Bộ Lĩnh giữ Hoa Lư, Nam Tấn vương và Thiên Sách vương đến đánh không được”. Vậy thì Trần Minh Công khởi binh phải ở vào trước khi Xương Văn chưa lấy lại được nước. Cứ thế mà suy ra, mười hai sứ quân chiếm giữ các huyện ấy phải có kẻ trước kẻ sau, không giống nhau, chứ không phải đến khi Nam Tấn vương mất rồi, mười hai sứ quân mới đồng thời nổi dậy. Nhưng Sử cũ vì không biết rõ năm tháng của từng sứ quân, nên mới nói tổng hợp ở cả một chỗ ấy đấy thôi. Nay không có văn kiện chép rõ có thể chứng thực được, nên hãy xin ghi để xét sau”.

Ngũ đại sử của Âu Dương Tu (1007-1072) chép: “Ngô Xương Văn ở Giao Châu chết, phụ tá của ông này là Lã Xử Bình cùng Phong Châu Thứ sử Kiều Tri Hựu tranh lập, Giao Chỉ đại loạn, Hoan Châu Đinh Liễn cử binh kích phá đám ấy”.

Sách Ngũ đại sử không chép đến Ngô Xương Xí trong khi lại chép về các tướng tranh lập ? Ngô Xương Xí nếu đúng là con của Xương Ngập, cháu của Xương Văn, là người nối ngôi vương chính thống, lại tranh lập với các vị tướng, nhưng không được, nên đành về giữ Bình Kiều, thì hẳn là sử phương bắc cũng phải có đôi dòng ? Như lời cẩn án của Quốc sử quán triều Nguyễn thì việc các tướng xưng sứ quân diễn ra từ rất sớm, vào thời của Xương Văn. Có lẽ người xưng sứ quân sớm nhất, bất tuân chính quyền Cổ Loa phải là Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm.

Chúng ta có khá nhiều những manh mối, tuy nhiên các manh mối này không dẫn chúng ta tới một kết luận nào cả, vì thế tới đây chúng ta phải đưa ra một giả thuyết, để giải thích cho những manh mối, giả thuyết là: Ngô Xương Xí không phải là con của Ngô Xương Ngập, ông là một chủ tướng, rất đáng tin cậy của Ngô Quyền. Được Ngô Vương Quyền cử trấn Ái châu. Chính vì thế mà Ngô Nhật Khánh là người có ý định và có cơ hội nhất để thâu tóm Ái châu, nhưng không thực hiện được. Khi Tam Kha tiếm quyền, nhiều vùng không phục, đến khi Xương Văn giữ quyền, các vùng vẫn bất tuân, trong đó chủ yếu là các vùng lãnh thổ phía nam. Ngô Quyền có thể nhìn nhầm người không ? Hoàn toàn có thể ? Như Tam Kha là một trường hợp. Ngô Xương Xí cũng có thể là một cách dùng người sai của Ngô Quyền. Trong sự im lặng của châu Ái trong việc Tam Kha tiếm quyền, hẳn là có một dụng ý khác của Xương Xí.

Khi Tam Kha tiếm quyền, truy sát Xương Ngập. Ngập không chạy về Đường Lâm nơi quê cha đất tổ, nơi mà người họ hàng Ngô Nhật Khánh đang chống lại Tam Kha, ông cũng không chạy về Ái châu ? Mà chọn chạy về nhà Phạm Công Lệnh ở Nam Sách. Thời gian trốn nấp của Xương Ngập không phải là ngắn, cũng hơn 5 năm ? Vì sao ông không về Đường Lâm hay Ái châu ? Có phải vì ông không tin Ngô Nhật Khánh và Ngô Xương Xí như Phạm Công Lệnh ? Đây thực sự là một việc khó hiểu.

Đương Lâm là Đường Lâm nào của nhóm tác giả Trần Ngọc Vượng, Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan viết: “vào thời Thập nhị sứ quân, một người bà con cùng họ của Ngô Quyền là Ngô Nhật Khánh (người mà Việt sử lược chép lầm là Trần Nhật Khánh) đã nổi dậy chiếm cứ Đường Lâm”.

Tôi đang nghĩ đến việc đặt một câu hỏi ngược lại ? Thực sự thì Việt sử lược chép nhầm hay là Đại Việt sử ký toàn thư chép nhầm, để rồi các bộ sử về sau, cũng theo đó mà chép nhầm ? Nhật Khánh có đúng họ Ngô và là bà con với Ngô Quyền hay ông mang họ Trần ? Nếu chúng ta để ý sử liệu, thì sẽ nhận thấy rằng: riêng về thời Ngô – Đinh các bộ sử của phương nam, đều chép về cơ bản là tương tự nhau, chỉ có một vài điểm khác biệt khá nhỏ. Vẫn là câu hỏi ngay từ đầu của chúng ta: Ngô Sĩ Liên căn cứ vào tại liệu nào để xác quyết Nhật Khánh họ Ngô và Xương Xí họ Ngô, trong khi Việt sử lược chép: “Trần Công Lãm tên là Nhật Khánh chiếm giũ Đường Lâm (bây giờ là làng Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây – ND) (…) Nguyễn Du Dịch tên là Xương Xí chiếm giữ Vương Cảo”.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đỗ Cảnh Thạc (xưng là Đỗ Cảnh Công) chiếm Đỗ Động Giang (…) Trần Lãm (xưng là Trần Minh Công) chiếm Bố Hải Khẩu (…) Khi Minh Công mất, gặp lúc bọn con em của Ngô Tiên chúa ở Đỗ Động Giang hơn 500 người đem quân đến đánh, mới vào đến đất Ô Man thì bị người làng ấy là Ngô Phó sứ đánh bại phải trở về. Bộ Lĩnh nghe tin, liền cất quân đi đánh vùng sông và động ấy, không bộ lạc nào không hàng phục. Từ đó lại dân ở kinh phủ đều khâm phục theo về. Nhà Ngô mất”.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tam Kha sai chỉ huy sứ là Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đem quân đến nhà Lệnh Công đòi bắt Xương Ngập (…) Tam Kha sai Xương Văn và hai [chỉ huy] sứ họ Dương, họ Đỗ đem quân đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình (…) Đến Từ Liêm, Xương Văn ung dung bảo hai sứ rằng: “Đức của Tiên vương ta thấm khắp lòng dân, phàm chính lệnh ban ra không ai không vui lòng nghe theo, không may lìa bỏ quần thần, Bình Vương tự làm việc bất nghĩa, cướp ngôi của anh em ta, tội không gì to bằng. Nay lại sai bọn chúng ta đi đánh ấp không có tội, may mà đánh được thì thôi, nếu họ không phục thì làm thế nào ?” Hai sứ đều nói: “Xin theo lệnh của ông”. Xương Văn nói: “Ta muốn đem quân quay lại đánh úp Bình Vương để khôi phục cơ nghiệp của Tiên Vương ta, có nên chăng ?” Hai sứ đều trả lời là nên lắm. Bèn quay về đánh úp Tam Kha”.

Nếu như quê hương của Ngô Quyền ở Đường Lâm, thì con em họ hàng của Quyền ở Đường Lâm cả. Nếu vậy khi khởi nghĩa hẳn là phải dưới sự chỉ huy của Ngô Nhật Khánh, người được coi là chính thống họ Ngô, đứng đầu đất tổ. Thế nhưng lại có 500 con em của Ngô Quyền ở Đỗ Động Giang, đất của Đỗ Cảnh Thạc. Vì sao 500 con em này không trở về Đường Lâm, hợp bình với Nhật Khánh ? Mà lại theo Cảnh Thạc ?  Qua việc 500 con em này đánh Trần Lãm, cho thấy đây là một đội quân, chứ không phải là dân chúng. Chắc 500 con em này chưa đi được xa, thì bị người làng là Ngô Phó sứ đánh bại, phải quay về ? Ở gần Đỗ Động Giang có 1 làng (vùng đất) có người họ Ngô làm phó sứ và người họ Ngô này cũng là người ở đây, vậy thì ở vùng này có người họ Ngô chăng ? Người họ Ngô này đánh bại được 500 con em, thì hẳn là quân đội cũng không thua kém. Bộ Lĩnh nghe tin đem quân đánh dẹp vùng sông và động ấy.

Qua việc Cảnh Thạc cùng Xương Văn đánh úp Tam Kha, cho thấy Thạc cũng là kẻ trung. Lại có con em họ Ngô trong địa giới lãnh thổ ông chiếm đóng, vậy thì rõ ràng Cảnh Thạc là người nghĩa. Nhưng trong lần tấn công Trần Lãm, không thấy nhắc tên ông ? Vì sao vậy ? Có khi nào 500 con em Ngô Quyền liên kết với Cảnh Thạc chiếm giữ một vùng đất rộng lớn. Nếu Xương Xí người họ Ngô, là con của Xương Ngập, chạy vào giữ Bình Kiều, 500 con em này không chạy vào cùng ? Năm 951 Nam Tấn Vương đánh Hoa Lư nhưng không được bắt Đinh Liễn về. Năm 965 Xương Văn chết, loạn tranh giành xảy ra, Liễn trốn về Hoa Lư. Nhưng tâm điểm của tranh đoạt ở Cổ Loa. Vì sao Đinh Bộ Lĩnh lúc này lại sang đầu quân cho Trần Lãm ? Và khá trùng hợp khi năm sau (năm 967) sứ quân Trần Lãm chết.

* Tư trị thông giám cương mục của Tư Mã Quang chép: “Tháng 3 năm Thiên Phúc thứ 2 (937) Giao châu tướng Kiều Công Tiễn giết An Nam Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, đại loạn.

Tháng 10 năm Thiên Phúc thứ 3 (938) tướng cũ của Dương Diên Nghệ là Ngô Quyền giữ Ái châu cử binh đánh Kiều Công Tiễn, Công Tiễn sai sứ sang cầu cứu nhà Nam Hán. Chúa Hán nhân loạn lấy châu, phong con là Vạn vương Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải tiết độ sứ, Giao vương, cầm binh cứu Công Tiễn, chúa Hán dẫn quân trấn ở Hải Môn, để chi viện. Chúa Hán hỏi kế Sùng văn sứ Tiêu Ích, Ích nói: “Hiện nay mưa dẫn đã mấy suốt mấy tuần, đường biển hiểm trở xa xôi, Ngô Quyền lại là người giỏi lắm, chớ nên coi thường. Đại quân phải nên giữ thận trọng, dùng nhiều người thăm dò rồi mới tiến”. Lưu Cung không nghe. Sai Hoằng Tháo tiến thủy binh vào sông Bạch Đằng quận Giao Châu. Quyền giết Công Tiễn, chiếm Giao Châu, dẫn binh nghênh chiến. Trước hết lấy cọc nhọn đẽo nhọn đầu, rồi lấy sắt bịt đầu, đóng ở cửa biển, rồi nhân lúc thủy triều lên, đưa thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua bỏ chạy. Hoằng Tháo đánh đuổi, khi nước thủy triều rút, thuyền chiến mắc phải cọc bịt sắt, không trở về được, quân Nam Hán thua to, sĩ khí giảm sút, Hoằng Tháo chết trận, chúa Hán khóc, dẫn quân trở về”.

Khi Kiều Công Tiễn sát hại Dương Đình Nghệ để tiếm quyền, lúc này Ngô Quyền trấn giữ Ái châu. Vì sao mà Công Tiễn sau khi giết hại Đình Nghệ không đem quân đánh phủ đầu Ngô Quyền, ông còn chờ gì nữa ? (hay Tiễn cảm thấy không địch nổi Quyền ? Hoặc có thể ông cho rằng: sau khi giết được Nghệ thì các nha thuộc của Nghệ sẽ quy thuận ông ?).

Điểm thú vị là khi Quyền dẫn quân ra bắc đánh Tiễn thì có quân Nam Hán cứu viện! Để có thể cứu viện thì chắc chắn là phải càng nhanh càng tốt, tuy nhiên quân Nam Hán lại không đi bằng đường bộ mà cứu viện bằng đường biển. Sau khi diệt Tiễn, Quyền dùng một kế sách rất hay. Đó là đóng cọc gỗ dưới cửa sông Bạch Đằng, dùng sắt nhọn bịt lấy đầu cọc, dùng thuyền nhỏ ra như đoàn thuỷ binh của Hoằng Tháo tiến vào, lợi dụng thuỷ triều lên xuống mà phá địch. Đây là một mưu kế rất hay.

Vấn đề là để thực hiện được kế sách này Quyền cần thời gian và Quyền phải biết được đường tiến quân của Nam Hán. Nhưng Quyền biết bằng cách nào và từ khi nào đây ? Chúng ta lưu ý một sự kiện là khi Quyền dẫn quân đánh Tiễn, Tiễn có cầu cứu viện nhà Nam Hán. Rất có thể khi sứ giả cầu viện sang Quảng Đông gặp Lưu Cung, Cung có cho sứ giả biết đường tiến quân cứu viện của quân Nam Hán (giả thuyết rằng: Quyền biết được đường tiến quân của Hoằng Tháo là nhờ thăm dò là không thuyết phục, bởi vì: khả năng thăm dò của 2 bên là giống nhau và khi quân Nam Hán là bên tấn công, thì phải thực hiện việc thăm dò tốt hơn đối phương mới phải, tuy nhiên như chúng ta thấy, không hề có sự thăm dò hay bất kỳ một thông tin nào ở Giao châu đến được tai quân Nam Hán, vì nếu đến được, thì hẳn Hoằng Tháo phải biết cái bẫy mà Quyền đặt).

Như vậy thì, kể từ khi Quyền làm chủ Giao châu, mọi hoạt động ở châu đều không bị lọt ra ngoài. Vậy Quyền biết được kế hoạch tấn công bằng đường thuỷ của quân Nam Hán phải là trước khi Quyền kiểm soát được châu, hay nói cách khác là: Quyền biết được kế hoạch tấn công của Hoằng Tháo là dựa vào việc khai thác thông tin từ Tiễn hoặc sứ giả mà Tiễn cử đi, sau khi Quyền tấn công và hạ được Tiễn.

Trở lại với quyết định sát hại Nghệ của Tiễn, sau khi giết hại Nghệ, Tiễn không cất quân thu phục Ái châu, có lẽ Tiễn nhận thấy không địch lại Quyền, nhưng nếu vậy thì sao Tiễn còn lên kế hoạch sát hại Nghệ. Khi nhận được thông tin cầu viện của Tiễn, thì Lưu Cung cử con là Hoằng Tháo dẫn thuỷ binh đi cứu, nhưng điểm thú vị là: phải mất hơn 15 tháng, Tháo mới tiến quân tới cửa Bạch Đằng. Trước đó Cung đích thân đóng giữ ở Hợp Phố. Đành rằng: để tấn công Tĩnh Hải quân bằng đường thuỷ, thì cần phải chuẩn bị rất nhiều, như thuyền chiến, lương thực và nước ngọt.

Nhưng sự kiện Cung trấn ở Hợp Phố, cho thấy không phải quân Nam Hán đang gấp rút chuẩn bị, mà là chuẩn bị song rồi, đang đóng ở Hợp Phố, nghe ngóng thông tin và luôn luôn sẵn sàng. Có phải là Lưu Cung cẩn thận không ? Cũng không hẳn, vì Hoằng Tháo là con của Cung, khi dẫn đại quân thuỷ chiến đánh Tĩnh Hải quân, tuổi còn rất trẻ, chỉ tầm 20 tuổi, thêm nữa lại không cân nhắc lời của Tiêu Ích là thực hiện thăm dò, một việc rất quan trọng trong dụng binh. Đây rõ ràng là sự kiện chỉ ra, Cung rất coi thường Quyền và Cung đóng quân ở Hợp Phố là thực hiện một kế hoạch khác chứ không phải do thận trọng.

Tôi cho rằng: Đã có một kế hoạch ở đây và kế hoạch này có bàn tay của nhà Nam Hán. Sau thua trận năm 931, nhà Nam Hán chắc chắn vẫn muốn thâu tóm Tĩnh Hải quân, nhưng nếu dùng binh thì chưa chắc đã đạt được mục đích, vì vậy một mặt nhà Nam Hán vẫn chuẩn bị quân lực, mặt khác mua chuộc các thân tín của Đình Nghệ và Công Tiễn là người được nhắm đến. Kế hoạch là Công Tiễn ám toán Đình Nghệ, nắm giữ Giao Châu, nhưng xưng thần và nằm dưới sự bảo trợ của nhà Nam Hán.

Trong trường hợp Tiễn thâu tóm được toàn Tĩnh Hải quân thì tốt, còn trong trường hợp gặp phải sự chống đối thì Nam Hán sẽ đem quân đến cùng hợp sức để thâu tóm nốt Ái châu và Hoan châu. Khi nghe tin, Quyền ở Ái châu dẫn binh ra đánh Tiễn, cảm thấy sức không địch được, Tiễn cử sứ giả sang đốc thúc Lưu Cung đem binh cứu viện gấp (như theo kế hoạch dự tính từ trước), nhưng lúc này Cung cũng có những toan tính riêng, trước hết là cứ đem thuỷ binh trấn ở Hợp Phố, để các thế lực ở Tĩnh Hải quân đánh lẫn nhau, tất sẽ có kẻ bị chết, người bị thương, khi ấy Cung dẫn quân, chỉ một trận là lấy lại được Tĩnh Hải quân, đây thực sự là một kế sách vẹn toàn, một mặt lấy được Tĩnh Hải quân, mặt khác lại không phải tổn hao nhiều binh lực. Thế nhưng Cung đã đánh giá thấp Quyền, sau khi hạ được Công Tiễn, Quyền biết được kế hoạch tiến quân của Hoằng Tháo và một kế sách tuyệt hảo đã được bày ra.

Đó là lý do giải thích vì sao Công Tiễn đủ gan sát hại Đình Nghệ mà không đem binh đánh Ngô Quyền, có thể Tiễn đang chờ quân đội của nhà Nam Hán. Đó cũng là lý do giải thích vì sao nhà Nam Hán có những hoạt động quân sự khó hiểu như: cầm quân đi cứu viện mà lại trấn giữ không chịu tiến.

 

 

 

 

Bình luận về bài viết này