Bình Lục xưa

 

maxresdefault

Hội Đình Làng Thanh Nghĩa-Đồn Xá-Bình Lục-Hà Nam

Khổng Đức Thiêm

Bình Lục là huyện nằm ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, thuộc về phía đông nam tỉnh Hà Nam; phía nam giáp huyện Ý Yên, Vụ Bản và phía đông giáp huyện Mỹ Lộc của tỉnh Nam Định; phía bắc giáp huyện Lý Nhân, Duy Tiên; phía tây giáp huyện Thanh Liêm cùng tỉnh.

Bình Lục là tên huyện xuất hiện từ thời Trần. Khi đất nước bị nhà Minh thống trị, huyện bị lệ thuộc vào phủ Lỵ Nhân thuộc Giao Châu. Dưới thời nhà Lê, huyện lần lượt nằm trong Nam Đạo (1428), Thừa tuyên Sơn Nam (1466), sau đổi thành xứ Sơn Nam (1490). Lúc trấn Sơn Nam chia thành hai lộ Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ thì Bình Lục nằm trong phủ Lỵ Nhân thuộc lộ Sơn Nam Thượng. Thời Tây Sơn (1788-1802) chuyển lộ thành trấn, huyện Bình Lục mang tên là Ninh Lục thuộc phủ Lỵ Nhân trấn Sơn Nam Thượng.

Dưới thời Nguyễn, trấn Sơn Nam Hạ đổi gọi là Nam Định; trấn Sơn Nam Thượng được gọi là Sơn Nam thuộc Bắc Thành tổng trấn. Năm 1831, bãi bỏ Bắc Thành tổng trấn, Ninh Lục trở lại tên cũ là Bình Lục; phủ Lỵ Nhân đổi thành phủ Lý Nhân. Năm 1832, Bình Lục cùng Nam Xang lập thành phần phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội. Trong hai năm (1832 – 1833) huyện Bình Lục không do phủ Lý Nhân kiêm lý, mà được đặt lại chức Tri huyện, kiêm nhiếp luôn cả huyện Thanh Liêm. Năm 1834, xứ Bắc Kỳ ra đời, phân phủ Lý Nhân bị bãi bỏ, Bình Lục lại thuộc phủ Lý Nhân tỉnh Hà Nội, gồm 4 tổng (Ngô Khê, Bồ Xá, An Đổ, Mai Động) với 37 xã.

Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) thành phố Hà Nội ra đời, chỉ chiếm một phần của tỉnh Hà Nội, do đó phần còn lại đặt thành tỉnh Hà Đông. Kể từ thời điểm này trở đi, địa giới của huyện Bình Lục có nhiều thay đổi.

Vào ngày 21-3-1890, nhà cầm quyền Pháp ra Nghị định đưa tổng Ngọc Lũ (Mỹ Lộc – Nam Định), tổng Cổ Viễn (Thượng Nguyên – Nam định), tổng Vụ Bản (Vụ Bản – Nam Định) và tổng mới Văn Mỹ (được thành lập từ một số xã tách ra từ tổng Ngô Khê của huyện Nam Xang và một số xã thuộc tổng Đọi Sơn – Duy Tiên) về huyện Bình Lục nâng số tổng của huyện lên con số 8 rồi cùng với các huyện Thanh Liêm, Nam Xang lập thành phủ Liêm Bình nhập về tỉnh Nam Định. Chỉ 7 tháng sau, ngày 20-10-1890 khi tỉnh Hà Nam ra đời thì Bình Lục và các huyện trong phủ Liêm Bình được tách khỏi tỉnh Nam Định, nhập trở về phủ Lý Nhân của tỉnh Hà Nam.

Từ tháng 3-1910 đến tháng 3-1923, Bình Lục thuộc Đại lý Hà Nam lệ thuộc vào tỉnh Nam Định. Sau đó, tỉnh Hà Nam tái lập, huyện Bình Lục trở lại như cũ gồm có 8 tổng (Ngô Xá, Bồ Xá, Văn Mỹ, Ngọc Lũ, An Đổ, Vụ Bản, Mai Động, Cổ Viễn) với số xã dao động từ 67-70 đơn vị.

Trong kháng chiến chống Pháp, do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, ngày 28-5-1949, Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu III ra Quyết nghị số 584NG/Q lập các đại xã như An Lão (Bối Kênh, An Lão), Liên Đích (Liên Đích, Tiêu Động), La Hào (La Hào, La Sơn), An Đổ (Giáp Bảy, Phù Tải), Trung Lương (Giáp Ba, Trung Lương), Mỹ Thọ (Mỹ Thọ, An Dương), Bối Cầu (Cao Cái, Bối Cầu), Đồn Xá (Đồn Xá, Bồ Xá), Ngô Khê (Ngô Khê, Tràng Duệ), Cát Lại (Cát Lại, An Quốc), Trịnh Xá (An Cư, Trịnh Xá), Đinh Xá (Tái Kênh, Đinh Xá) và giữ nguyên xã An Nội, Văn Ấp, Vụ Bản, Hưng Công, Ngọc Lũ, Vũ Bị, An Ninh, Thành Thị, Đồng Du, Tử Thanh, Tiên Khoán, Nguyễn Xá. Ngày 18-11-1949, Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu III ra tiếp Quyết nghị số 1191NG/Q hợp nhất xã Vũ Bản với xã Thành Thị lấy tên là xã Vũ Bản, xã An Ninh hợp nhất với xã Nguyễn Xá lấy tên là xã An Ninh, xã Ngọc Lũ hợp nhất với xã Văn Ấp lấy tên là xã Ngọc Lũ, xã An Nội, xã Tử Thanh, xã Tiên Khoán hợp nhất lấy tên là xã An Nội.

Hòa bình lập lại, việc thay đổi địa danh, địa giới hành chính trong huyện Bình Lục vẫn tiếp diễn kể cả khi địa phương nằm trong Nam Hà, Hà Nam Ninh và cả khi Hà Nam tái lập.

Ngày 29-1-1966, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 24-BNV hợp nhất hai xã Tiêu Động và Bình Thành lấy tên là Tiêu Động; sáp nhập thôn Vĩnh Tứ  thuộc xã Hòa Bình vào xã Quế Sơn; sáp nhập xóm Quang Trung thuộc xã Đồng Du về xã Hưng Công; sáp nhập thôn Ngọc Lâm thuộc xã Hưng Công về xã Bối Cầu.

Ngày 15-9-1969 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 177/CP hợp nhất hai huyện Bình Lục và Thanh Liêm thành huyện Thanh Bình. Trong quá trình chuẩn bị, do nhiều lý do khác nhau cho nên đến ngày 19-1-1974, Hội đồng Chính phủ lại ra Quyết định số 17/CP dừng hợp nhất hai huyện Bình Lục và Thanh Liêm.

Ngày 18-12-1976, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng ra Quyết định số 1506-TCCP hợp nhất xã Quế Tân và xã Hòa Bình thành xã An Lão.

Ngày 27-4-1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 125-CP sáp nhập 9 xã thuộc thành phố Nam Định là Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận, Mỹ Tiến, Mỹ Thành, Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Phúc, Mỹ Hưng, Mỹ Trung vào huyện Bình Lục (tuy nhiên vào ngày 12-1-1984 Hội đồng Bộ trưởng lại ra Quyết định số 5-HĐBT bàn giao hai xã Mỹ Phúc, Mỹ Trung về thành phố Nam định).

Ngày 13-2-1987, thị trấn Bình Mỹ được thành lập tại Quyết định số 26-HĐBT để làm huyện lỵ của huyện Bình Lục với diện tích 256,83 ha đất và dân số 1.571 người.

Ngày 6-11-1996, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 đã phê chuẩn việc tái lập tỉnh Hà Nam. Theo đó, huyện Bình Lục bàn giao lại 7 xã để tỉnh Nam Định tái lập huyện Mỹ Lộc vào tháng 2-1997.

Năm 2012, diện tích Bình Lục là 167,2 km2 gồm thị trấn huyện lỵ Bình Mỹ và 20 xã (An Đổ, An Lão, An Mỹ, An Ninh, An Nội, Bình Nghĩa, Bồ Đề, Bối Cầu, Đinh Xá, Đồn Xá, Đồng Du, Hưng Công, La Sơn, Mỹ Thọ, Ngọc Lũ, Tiêu Động, Tràng An, Trịnh Xá, Trung Lương, Vũ Bản).

Năm 2013, các xã Đinh Xá, Trịnh Xá sáp nhập vào thành phố Phủ Lý. Huyện Bình Lục còn lại thị trấn huyện lỵ Bình Mỹ và 18 xã với diện tích là 154,9 km2.

Huyện Bình Lục ngày nay thể hiện đầy đủ của một Bình Lục gốc ra đời từ hàng ngàn năm trước, kết hợp với nhiều vùng đất lân cận vốn từ Mỹ Lộc, Thượng Nguyên, Vụ Bản, Nam Xang, Duy Tiên hợp thành, tạo ra sự đa dạng phong phú về điều kiện phát triển kinh tế và truyền thống văn hóa, lịch sử.

Vốn nằm trong khu vực đồng bằng tích tụ trũng xen đồi sót, cấu tạo biển nông và sông biển, vì thế mà đặc trưng cơ bản nhất của đồng ruộng trong huyện là thấp và bằng phẳng, dốc thẳng từ đông bắc xuống tây nam. Đây là kết quả của quá trình bồi đắp phù sa của sông Hồng và sự chinh phục đồng bằng của các lớp cư dân thời cổ đại. Tuy sử dụng phương thức chủ yếu là lấn biển, quá trình khai thác diễn ra chậm chạp do mật độ dân cư lúc đầu còn thưa thớt mà đất đai thì màu mỡ nên vào thời kỳ xuất hiện các quốc gia Văn Lang – Âu Lạc, Bình Lục cơ bản đã trở thành một khu vực quần cư quan trọng.

Bên cạnh các đồi phiến sa thạch, đá kết ở khu vực Quế Sơn – dấu vết của những đỉnh thuộc hệ thống núi đã bị sụt võng, do con người sớm can thiệp bằng cách đắp đê ngăn lũ nên đất đai ở đây trở thành dạng đồng bằng tích tụ trũng xen đồi sót với một loạt đồng chiêm trũng điển hình “sống ngâm da, chết ngâm xương”, được gọi là “cái rốn nước” của đồng bằng Bắc Bộ. Đồng ruộng trước đây thường chỉ cấy một vụ, sau nhiều năm được cải tạo bởi hệ thống thủy nông quy mô, nhiều nơi đã thành ruộng 2 vụ.

Khí hậu ở Bình Lục phù hợp với việc gieo trồng lúa nước và nhiều loại cây nhiệt đới khác. Nhiệt độ không khí trung bình trong năm là 22,50 – 23,50 và lượng mưa trung bình 1.400 – 2.000mm, tổng nhiệt là 8.300 – 8.7000/năm. Do việc mùa đông có tới 3 tháng nhiệt đới trung bình xuống dưới 180C – thậm chí có năm còn dưới 150C khiến cho việc thực hiện các mùa vụ diễn ra một cách chặt chẽ. Để bù lại việc khó tăng mùa vụ cho các loại cây trồng nhiệt đới, việc canh tác hoa màu và một số cây ngắn ngày á nhiệt đới thực hiện được dễ dàng. Nhờ đó cơ cấu cây trồng ở đây trở nên đa dạng.

Bình Lục có nhiều sông nội đồng, sông đào chảy trong các ô nội địa tạo ra các kênh tưới tiêu lớn nhỏ. Đáng kể nhất là sông Châu Giang mà người Pháp gọi là Faux canal de Phủ Lý (Giả kênh đào Phủ Lý), chi lưu của sông Đáy từ giang phận Phủ Lý chảy vào Bình Lục qua các khu vực Tái Kênh, Đinh Xá, Văn Mỹ, Tràng Duệ, Ngô Khê, Cát Lại, An Bài, Hưng Công, Cổ Viễn, Sơ Lâm, Hàn Mặc, Ngọc Lũ, Văn Ấp, Bỉnh Trung, Vũ Bị và An Ninh, dài 34,250km.

Ở phía nam của huyện là sông Ninh Giang – chi lưu của Châu Giang, chảy qua khu vực An Ninh, Nguyễn Xá, Đông Thành, Vũ Bị, Thành Thị, Hưng Vượng, Vụ Bản, Độ Việt, Xuân Lôi, Khê Câu, An Lã, Duy Dương, Trung Lương, Phù Tải, Mai Động, Tiêu Động, An Lão, Vinh Tứ, Mỹ Đô và Bối Kênh, dài tới 29km.

Sông Mới được đào từ năm 1903 nối Châu Giang với Ninh Giang, chảy qua An Bài, Ô Mễ, An Tập, Cao Cái, An Đổ, Trung Lương, Mạnh Chư, Phù Tải và Mai Động dài 9,750km.

Sông Luyện Giang bắt nguồn từ Châu Giang tại Phù Tải, chạy qua Mạnh Chư, La Hào, La Sơn, An Đổ dài 6km.

Sông Dương Giang – tục gọi là sông Gừng nối với Châu Giang ở Duy Dương chảy qua An Đổ, An Nội dài 3,500km.

Như vậy, chế độ về thủy văn khá phù hợp với đặc điểm của địa hình và đã tạo ra hai mùa thủy chế khá rõ rệt ở Bình Lục.

Về giao thông đường bộ, Bình Lục có đường liên tỉnh 21 và đường sắt xuyên Việt chạy qua nối liền thành phố Phủ Lý với thành phố Nam Định, ngoài ra còn có đường 62, 64, 56… và hệ thống đê điều có thể đi lại được quanh năm như đê Ất Hợi, đê sông Sắt. Hệ thống giao thông đường bộ này là những tuyến đường nối liền Bình Lục với Ý Yên qua bến đò Vĩnh Tứ để qua đó sang Ninh Bình, Tam Điệp, địa bàn yết hầu cửa ngõ vào miền Trung, đồng thời nối liền Bình Lục với Lý Nhân, Duy Tiên qua bến chợ sông và cầu Tái (bến đò Câu Tử) để sang khu tả ngạn sông Hồng, nhất là qua Duy Tiên sang thị xã Hưng Yên, xưa là Phố Hiến sầm uất một thời thủ phủ của Sơn Nam trấn từ thế kỷ XVIII về trước. Đây cũng chính là con đường từ Bình Lục lên thẳng kinh thành Thăng Long không qua thị xã Phủ Lý bây giờ mà bằng chứng là những dòng chữ ghi trong tấm bia cổ mang niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 7 (1625) ở thôn Tái xã Đinh Xá nói về việc triều đình cho Binh bộ lang trung Lê Cảnh được công đức vào việc xây dựng cầu Tái để tiện lợi cho việc ra vào chốn đế đô. Phần lớn số đường bộ có từ thời xưa, thời kỳ Pháp thuộc được mở rộng tôn cao và nắn lại cho thẳng. Từ sau Cách mạng tháng Tám, nhất là từ năm 1954 đến nay hệ thống đường bộ của Bình Lục, ngày càng được hoàn thiện. Đến năm 2005 đã có trên 600km đường được nhựa hóa, bê tông hóa, đá hóa.

Cách ngày nay 4000 – 7000 năm con người mới từ các vùng đồi xen thung lũng xuống định cư ở vùng đồng bằng châu thổ. Sau hàng ngàn năm khai phá, họ đã dựng nên những làng mạc khá trù phú. Cùng với quá trình ấy, những cư dân lúa nước đã sáng tạo ra nền văn hóa sông Hồng – tức nền văn hóa đồ đồng rực rỡ – tiêu biểu là những trống đồng tìm thấy ở Ngọc Lũ, Vũ Bị, An Tập và An Lão(1).            

Xã hội nông nghiệp được in khá rõ trên các trống đồng ở Bình Lục như cảnh giã gạo chày tay trên trống Ngọc Lũ. Cuộc sống sông nước, môi trường châu thổ lắm sông ngòi hiện lên với những loài chim chuyên sống ở vùng đầm lầy, các đoàn thuyền trên tay trống. Nhiều hoạt động nghệ thuật tái hiện sinh động với nhiều nhạc cụ như trống, xênh, khèn, các tốp múa khoác áo lông chim.

Qua các  di tích khảo cổ, nhất là hệ thống gò mộ cổ thời Bắc thuộc, dựa vào dấu vết của các bãi sú vẹt được đào dưới các độ sâu trên một số cánh đồng thuộc Bình Lục, người ta lại thấy rõ những trăm năm đầu của thiên niên kỷ thứ nhất, vùng đất này rất gần biển khơi. Các đợt di dân, chuyển cư, lấn biển đã tạo nên sự trù phú, đông đúc của địa phương. Dù đã trải qua hàng ngàn năm, nhân dân Bình Lục vẫn ghi lòng tạc dạ nhiều truyền thuyết về quá trình dựng làng ấp, về những dòng họ có công lao khai phá đầu tiên. Những nhân vật góp mặt trong buổi đầu khai thiên lập địa đó trở thành các thành hoàng được phụng thờ trong đình làng Ông Cách (La Sơn), thôn Trần (Đinh Xá), thôn An Dân (Tràng An). Nhiều người về lập nghiệp ở địa phương có cả dòng dõi hoàng tộc, con cái danh tướng như những người trong dòng họ Lê ở thôn Phạm Xá (Đinh Xá), hoặc họ Đặng ở làng Thành Thị (Vụ Bản), họ Trần thuộc dòng dõi Đặng Đình Tướng, Trần Khát Chân ở thôn Văn An (Vụ Bản).

Với 67 xã khi đó, Bình Lục có hàng trăm thôn xóm, tức hàng trăm điểm tụ cư khác nhau. Mối quan hệ khép kín cùng với lối cư trú theo dòng họ – huyết thống biểu hiện khá rõ theo kết cấu xóm ngõ và phe giáp. Hầu như làng nào cũng chia thành vài ba giáp, chuyên lo về phù sinh tống tử, quản lý nhân đinh, phân cấp công điền công thổ.

Trong sản xuất nông nghiệp người nông dân Bình Lục đi từ kỹ thuật canh tác theo nước triều lên xuống đến việc định ra được lịch thời vụ, trong đó chủ yếu là cấy lúa chiêm với các biện pháp thâm canh, thủy lợi, tập hợp cơ cấu giống cây trồng, chọn các giống thích nghi với thổ ngơi. Giống lúa Câu cánh của An Lão ngon có tiếng, tương truyền được dùng để cung tiến và giá ươm từ hạt bông để nấu thành món canh bún giá bông rất được ưa chuộng. Việc trị thủy và xây dựng hệ thống đê điều được nhân dân chú trọng từ rất sớm, luôn vươn lên để giành giật với thiên nhiên nhưng do địa hình thấp trũng nên việc trồng lúa chủ yếu chỉ trông cậy vào vụ chiêm, nhất là khi sông Châu Giang bị lấp ở Vĩnh Trụ, Phương Trà (Lý Nhân) nước không thoát ra sông Hồng được. Khi sông Đáy làm xong cống tiêu nước, diện tích lúa mùa mới tăng lên đáng kể. Năm 1935, Bình Lục có 32.640 mẫu lúa chiêm, 9.000 mẫu lúa mùa và 2.000 mẫu trồng màu. Nhìn chung tình trạng chiêm khê mùa thối chưa thay đổi nhiều. Ngoài sản xuất nông nghiệp nhân dân Bình Lục ở một số thôn xã còn làm thêm nghề thủ công trong những ngày nông nhàn mà hầu hết các nghề đó đều liên quan đến nông nghiệp như nghề dệt vải kéo sợi ở Ngọc Lũ, An Nội, Bồ Đề; nghề xe gai, đan lưới, đan võng ở An Bài; nghề đan lát tre nứa và làm lược bí ở An Nội; nghề ấp vịt ở Đồng Du, Trịnh Xá, Bồ Đề; nghề làm bún bánh ở Đinh Xá, Vũ Bản, An Ninh. Nổi trội hơn cả là một số nghề cổ truyền nổi tiếng một thời hoặc sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều địa phương như nghề mộc, dựng nhà cửa đình chùa ở Vũ Bản, nghề nhuộm và nghề làm quạt ở Phú Đa, Bối Cầu, vì vậy mà có câu ca:

Quạt nan mũ bạc nhài đồng

Phú Đa thợ nhuộm trát hồng tô xanh

Ở Đô Hai xã An Lão từ nghề truyền thống lâu đời làm rẻ quạt bằng sừng trâu và xương trâu mà ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX nhân dân địa phương đã làm được nhiều mặt hàng mỹ nghệ bằng sừng, từng được xuất sang Pháp. Hiện nay sản phẩm mỹ nghệ bằng sừng là mặt hàng xuất khẩu vẫn được nhân dân nhiều nước yêu chuộng. Ngoài những nghề thủ công mỹ nghệ ở một số vùng trong huyện đã có nhiều người làm nghề y cổ truyền bốc thuốc chữa bệnh, đặc biệt là nhân dân làng Sái (An Thái) xã An Mỹ có truyền thống chữa bệnh vô sinh bằng phương pháp đông y khá nổi tiếng.

Việc buôn bán trong huyện xưa nay thuận lợi nhờ có giao thông thủy bộ thông suốt. Các chợ ở Bình Lục tuy là chợ vùng nhưng có sức cuốn hút mạnh mẽ nhiều tổng xã và các huyện xung quanh. Có chợ như Quán Tiên (Tiên Quán), chợ Bồ Đề (Bỉnh Trung) họp vào tất cả các buổi sáng trong tháng. Có chợ như chợ Trâu (An Đổ), chợ Phó Tái (Đinh Xá), họp tháng 6 phiên; chợ Và (Vị Hạ), chợ Sái (An Thái), chợ Quắn (Cổ Viễn), chợ Vọc (Thành Thị), chợ Chùa Đô (Vũ Bản), chợ Chấp (Văn Ấp) tháng họp 9 phiên. Các chợ khác như chợ Họ (Duy Dương), chợ Giải (Phù Tải), chợ Thọ (Mỹ Thọ), chợ Lão (An Lão), chợ Môi (Mai Động), chợ Giằm (Tiêu Động), chợ Cầu Điềm (Tiêu Viên), chợ Đồn (An Ninh), chợ Chủ (Ngọc Lũ), chợ Đôn (Đôn Thư), chợ Nội (Đồng Du), chợ Bùi (Trịnh Xá), chợ Sông (Ngô Khê), tháng họp 12 phiên. Phố Phủ cũng một thời tấp nập kẻ bán người mua. Tuy nhiên, hầu hết những người buôn bán ở các chợ chỉ là các tiểu thương hoặc bán nông bán thương, chưa hoàn toàn thoát ly khỏi xóm làng, đồng ruộng. Sản phẩm trao đổi chủ yếu vẫn là thóc gạo, thực phẩm, gia súc, gia cầm hoàn toàn là tự sản tự tiêu.

Theo thống kê sơ bộ, vào đầu thế kỷ XX, toàn huyện Bình Lục có trên 180 ngôi đình, như vậy làng nào cũng có tới 1-2 ngôi đình để thờ đức Thành hoàng, dùng làm nơi họp dân đinh khi có việc, nơi tế tự và tổ chức hội lệ. Ở Ngọc Lũ có đình công hàng xã, 2 miếu thờ đặt ở hai bên. Thôn Chợ Kênh và Bến Đò đều có đình nhỏ gọi là vạn. Đình công ở Thành Thị thờ Trần Thái Tông và Trần Hưng Đạo. Đặc biệt xã Vũ Bản có tới 11 ngôi đình. Việc thờ tụ nhiều nơi còn thực hiện ở đền – thường là thờ vọng; ít nơi dùng đền làm nơi thờ chính và có nơi đình còn thực hiện chức năng của chùa và phủ (thờ cả phật lẫn tiên).

Các thần được thờ ở đình, đền gồm nhân thần và thiên thần. Đình Tái Kênh thờ Quỳnh Trân Công chúa. Đình Gôi thờ Học Công, Ngọc Nương, Hồng Nương. Đình Cát thờ 3 chị em họ Trương. Đình Nhân Dực thờ các tướng sĩ của Hai Bà Trưng. Một số đình khác như Mỹ Đô thờ Đương Chu; đình Thanh Khê thờ Nguyễn Ninh, Nguyễn Tĩnh; đình Mai Động thờ Phạm Hán, Phạm Hổ là các danh tướng thời Đinh.

Đạo Phật du nhập vào Bình Lục muộn nhất là vào thời Lý, dấu tích còn khá rõ ở ngôi chùa An Lão mà sách Việt sử lược cho biết chùa này được xây dựng vào năm Hội Phong thứ 8 nhà Lý (1099) – nay vẫn còn nhiều gạch ngói, hoa ống và quy mô nền móng để minh chứng.

Đạo Thiên chúa phát triển ở địa phương cuối thế kỷ XIX với nhiều nhà thờ, nhà nguyện được dựng tại Hà Nội, Hà Ngoại, Đại Phu, Cao Dương, An Tập, Trung Lương, La Cầu, Đạo Truyền, Tiên Lý, Thanh Nghĩa, Văn Khê, Đồng Lẫm, Bối Kênh, Mai Động, Mỹ Đô, Tiêu Động, Tiêu Viên, Vinh Tú, An Nội, Cổ Viễn, Hàn Mặc, Hưng Công, Nhân Trai, Viễn Lai, Cát Lại, Đinh Xá, Mỹ Duệ, Khê Câu, An Bài, Hòa Mục, Công Dân, Ngọc Lũ…

Núi An Lão của huyện được mệnh danh là một danh thắng tiêu biểu của Bình Lục, còn có tên là Nguyệt Hằng, Quế Thường, Lão Sơn, Quế Sơn, Tượng Sơn, các tao nhân mặc khách thường tới du ngoạn vãn cảnh ngọn núi có hình của cái lọng tròn này. Xưa, chùa Tiên được xây dựng bằng đá với 6 pho tượng đá và một bàn cờ tiên được dựng ở đỉnh núi, chúa Trịnh đến viếng có đề thơ tặng lại. Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến lấy tên Quế Sơn làm tên hiệu của mình cũng có thơ ca tụng.

Ngoài ra, trong huyện còn di tích phủ đệ của Thái sư Thượng phụ Trần Thủ Độ ở Thành Thị (thời Trần nơi đây gọi là Quốc Hương hoặc Giác Hương, thời Nguyễn Gia Long ghi là Cổ Thị). Nay còn đền thờ liền với cánh đồng Thượng Phụ, có đường tới Chân Thành Nội, Chân Thành Ngoại. Đây vốn là trung tâm của căn cứ Thiên Trường hồi kháng chiến chống Nguyên Mông. Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đã từng đưa đoàn thuyền của Hoàng Thái tử và các cung phi, công chúa cùng vợ con tướng lĩnh về đây lánh nạn. Khu vực Đình Cả và khu chùa Thành Thị khi đào lên còn bắt gặp nhiều đồ gốm thời Trần. Ở làng Vũ Bị có phủ thờ Thiềm Hoa công chúa, thời Lý bị Trần Thủ Độ đưa về an trí ở đây. Hiện còn cột đá Thạch kiệt ghi lại số ruộng của công chúa và đôi câu đối:

“Thần minh đế trụ, Cổ Pháp cựu sơn hà, bát diệp tôn diệu truyền quốc tử.

Anh kiệt nữ lưu, Vũ tòa thử lăng miếu, tứ thời ba thảo đới thiên hương”.

Tấm bia đá được khắc từ đời Trần Dụ Tông, niên hiệu Đại Trị (1358-1369) ở chùa Dâu (Đinh Xá) cũng là một di sản có giá trị. Văn bia còn đọc được cho biết vào năm Hưng Long thứ 6 (1298), Trần Anh Tông ban tên hiệu cho Ngô Lãm – người thôn Mai là Ngô Không cư sĩ. Đến ngày 25 tháng 8 năm Hưng Long thứ 12 (1304) Ngô Không cư sĩ đưa hài cốt của viên Đại sa môn về táng ở khu núi đất, tâu xin nhà vua lấy ruộng của am Long Hưng cấp cho am nhỏ thôn Mai.

Những di tích lịch sử và dấu vết còn lại minh chứng nhiều nơi trên đất Bình Lục xưa gắn bó với hai vương triều Lý – Trần, nếu đi sâu nghiên cứu chắc chắn sẽ khai thác được nhiều tư liệu quý giá.

Bình Lục cũng nổi tiếng vì truyền thống cử nghiệp và hiếu học. Nhiều làng xóm như Thành Thị, An Bài, Cát Lại, Vũ Bản, Hưng Công, Tử Thanh, Đồng Xuân, Thượng Thọ, Tập Mỹ đã xây văn từ, văn chỉ để thờ phụng ông tổ của đạo Nho và ghi danh các bậc tiên hiền.

Theo truyền thuyết, từ thời Lý, làng Đồn Xá đã có Lý Công Bình thi đậu Thái học sinh; thời Lê có Bùi Tử Kiến – Bùi Tử Lãm ở Mỹ Thọ đỗ tiến sỹ; Trần Văn Bảo đỗ Đệ nhất giáp danh (Trạng nguyên) là người Phù Tải, làm đến Binh bộ Thượng thư, được thờ ở miếu Đông Lân và ở Mạnh Chư có Trạng Dừa (Trạng Lợn).

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào sử sách ghi chép lại thì các bậc đại khoa của Bình Lục nở rộ từ đầu thế kỷ XV gồm Nguyễn Khắc Hiếu (1429), Phạm Phổ (Trịnh Xá, 1463), Trần Thế Vinh (Bỉnh Trung, 1499), Nguyễn Tông Mại (An Đổ, 1736), Nguyễn Kỳ (An Lão, 1748), Nguyễn Khuyến (An Đổ, 1871), Nguyễn Hoan (An Đổ, 1889). Kho tàng văn học dân gian của Bình Lục khá rực rỡ và phong phú.

Bình Lục là quê hương của nhiều chuyện kể dân gian nối tiếng như truyện Trạng Lợn Dương Đình Chung ở Mạnh Chư cùng với hàng trăm huyền tích, huyền thoại khác về hàng loạt những nhân vật thần thoại, những nhân vật có thật đã điểm tô cho sự đa dạng, phong phú của kho tàng trí tuệ còn lưu trong nhân dân.

Hội hè ở Bình Lục thông qua một số nét sinh hoạt văn hóa từ lâu đã là một khía cạnh về truyền thống thượng võ của nhân dân địa phương. Mùa xuân đến, lễ hội diễn ra suốt một vùng rộng lớn, từ Hòa Trung (An Mỹ), Nguyễn Xá (An Đổ) đến Ngô Khê, Cát Lại, An Dương, An Tập, Vụ Bản, Vũ Bị, An Bài, Đồng Vinh, Đỗ Khê. Lại có tục cướp cầu (vật cù) ở La Cầu, Ngô Khê, Tràng An; múa rồng, múa sư tử ở Vụ Bản; đánh đu ở Đồng Du, Đồng Dồi, La Hào, Tập Mỹ hoặc những đêm hát trống quân ở Trần Bái, Đinh Xá, Vị Hạ, Trung Lương. Đặc biệt nhất là võ vật diễn ra ở nhiều nơi trên đất Bình Lục.

Những câu ca dao tục ngữ đã ghi nhận niềm tự hào kiêu hãnh đối với bao trai tài, gái giỏi mang nặng truyền thống thượng võ của nhân dân Bình Lục. Không những thế, nó còn được đúc kết lại như những thành ngữ: Võ quyền Sở Đọ, lờ đó Chảy Chằm, tơ tằm Dằm Giải; Tiên Lý miếng gồng, Thượng Đồng miếng bốc; Vật bế Giải Dằm, vật nằm Ba Chạ.

Chính truyền thống thượng võ tốt đẹp kể trên đã tạo nên tinh thần dũng cảm quật cường của nhân dân Bình Lục trước họa ngoại xâm. Nguyễn Thị Quỳnh Trân, quê xã Tái Kênh mới 16 tuổi vì căm giận Tô Định sát hại thân phụ đã tụ tập hàng trăm trai tráng dựng cờ khởi nghĩa, được nhân dân suy tôn là Đức Lý vua bà rồi hợp binh với Hai Bà Trưng ở Hát Môn đuổi giặc Hán ra khỏi cõi bờ. Khi Mã Viện đem quân sang xâm lấn, Quỳnh Trân anh dũng cự địch ở vùng Phật Tích (Tiên Du – Bắc Ninh), giữ tròn khí tiết đến hơi thở cuối cùng; về sau dân làng Tái Kênh lập miếu phụng thờ, dâng lên thần hiệu Đô Đức Lý Vua bà Quỳnh Trân Công chúa. Phạm Hán, Phạm Phổ quê làng Mai Động lớn lên giữa thời 12 sứ quân tranh giành quyền lực, đã mộ quân đánh cho Ngô Nam, Phạm Phòng át nhiều trận tơi bời, sau theo về Đinh Bộ Lĩnh lập nhiều công lớn, giúp nhiều cho việc thống nhất đất nước thời Đinh.

Dưới thời Trần, Hồ Tố quê làng An Lão, chiến đấu dũng cảm cứu được vua Trần Nhân Tông thoát khỏi vòng vây, hiến kế cho Trần Hưng Đạo cắm chông và lưới sắt trên sông Bạch Đằng chặn giặc. Liễu Toàn, quê làng Văn Mỹ, sát cánh chiến đấu bên cạnh Trần Hưng Đạo, luôn cầm quân đi tiên phong, lập nhiều công lớn.

Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa trên đất Lam Sơn (Thanh Hóa), Bình Lục có Lê Nguyên, Lê Thuận và Lê Toản người xã Văn Mỹ đã 10 năm sát cánh cùng người anh hùng áo vải chiến đấu chống quân Minh xâm lược. Ngoài ra, còn tấm gương chiến đấu của Nguyễn Thị Huệ – từ quê mẹ là làng Cổ Thọ đến đầu quân và cùng bà Lương dùng kế dụ địch chui vào túi ngủ, hạ gục nhiều giặc Minh đóng ở thành Cổ Lộng (Ý Yên – Nam Định). Tấm gương của những người phụ nữ ở thế kỷ XV được Lê Tung hết sức ca ngợi.

Chiến công của bà Nguyễn Thị Huệ còn được ghi lại trong thần tích Ả Đào tiên chúa và trong các sắc phong thờ phụng tại đình Mỹ Thọ. Hàng năm nhân dân vẫn đến khói hương để tưởng nhớ công lao của bà đối với quê hương đất nước.

Từ mảnh đất chiêm trũng Bình Lục, biết bao thế hệ đã vượt lên để chiến thắng thiên nhiên, đánh đuổi ngoại xâm, tạo dựng nên cuộc sống ngày càng tươi đẹp. Đó chính là những di sản quý báu nhất mà các thế hệ tiếp nối được thừa hưởng để cùng nhau viết tiếp những trang sử mới trong thời đại mới.

K.Đ.T

 

 

——————————–

(1) Vào khoảng năm 1893-1894 các ông Nguyễn Văn Ý và Nguyễn Văn Tức cùng với một số người khác nữa ở xã Ngọc Lũ trong khi đào đất đắp đê ở độ sâu 2 mét đã tìm thấy chiếc trống đồng này, bèn đưa về đình làng cất giữ. Ngày 15-11-1902, trống Ngọc Lũ được đưa về trưng bày tại Nhà đấu xảo Hà Nội, sau đó trường Viễn đông Bác cổ mua lại. Hiện lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Ngoài ra, trường Viễn đông Bác cổ còn mua tại Ngọc Lũ một trống đồng khác, đặt tên là trống Ngọc Lũ II, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Tháng 6-1981, ông Trần Ngọc Tăng là người trong xã tìm được trống Ngọc Lũ III tại chân gò Mả Mọn thuộc cánh đồng Mả Cả, ở độ sâu 0,5 mét, hiện lưu giữ ở địa phương.

Năm 1969, trong khi đào mương, nhân dân Vũ Bị tìm thấy một trống đồng ở độ sâu 1 mét 40 tại cánh đồng Mạc (Mả Chè). Vũ Bị có tên cũ là Đại Vũ, vốn thuộc tổng Ngọc Lũ. Hiện trống được lưu giữ tại địa phương.

Trống đồng An Tập do Tổng đốc Nam Định Vũ Văn Bảo mua tặng, để tại nhà thờ họ La khoảng 1 thế kỷ trước. Hiện chưa rõ ở đâu.

Trống đồng An Lão được phát hiện ở sườn phía nam núi An Lão do trận mưa lớn ngày 14-9-1985 làm sạt lở đất. Trống nằm ở độ sâu 1 mét 50 cùng với 3 thố đồng. Hiện trống được lưu giữ ở địa phương.

(2) Tổng Bồ Xá 27 miếu, tổng An Đổ 24 miếu, tổng Mai Động 15 miếu, tổng Ngọc Lũ 13 miếu, tổng Ngô Xá và Văn Mỹ – mỗi tổng 12 miếu, tổng Vũ Bản và Cổ Viễn – mỗi tổng 11 miếu.

Bình luận về bài viết này