Một số nhận xét về thời kì Bắc thuộc trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng

 Âu Lạc thế kỷ I-III (Nhà Hán . Nguồn diepdoan.violet.vn

Âu Lạc thế kỷ I-III (Nhà Hán) . Nguồn: diepdoan.violet.vn

Đặng Thanh Bình

  1. Hán thư chép: “Quận Nhật Nam, là quận Tượng của nhà Tần thời trước, đặt ra vào năm Nguyên Đỉnh thứ sáu(năm 111Tcn) thời Võ Đế” và “Năm Nguyên Phượng thứ năm(năm 76 TCN), mùa thu, bỏ quận Tượng, chia gộp vào các quận Uất Lâm, Tang Kha”.

Thứ nhất: Tác giả của Hán thư viết Địa lý về bộ Giao Chỉ vào những năm sau cuộc nam chinh của Mã Viện(năm 43), khi mà chắc chắn Cổ Việt đã thuộc Hán. Lại nữa trong 9 quận được kể tên và cho rằng thành lập năm 111Tcn, thì: Quận Tượng vẫn còn mà không được kể tên, Châu Nhai và Đàm Nhĩ chưa được thành lập nhưng lại được viết vào, do đó chúng ta hoàn toàn có thể nghi ngờ tên 9 quận, ở thời điểm được thành lập sau khi bình Nam Việt năm 111Tcn.

Thứ hai: Tác giả Hán thư, ghi nhận không có cuộc xâm chiếm nào của nhà Tây Hán đối với Cổ Việt sau năm 111Tcn, vì Cổ Việt đã thuộc Hán .

Thứ ba: Có những nghiên cứu chỉ ra rằng: Thực tế, thời Tần, quận Tượng không gồm Cổ Việt(221Tcn-206Tcn).

Kết luận: Cổ Việt bị Nam Việt thôn tính, sau thuộc Hán.

  1. Giao châu ngoại vực ký chép: “Vua nước (Nam) Việt sai hai sứ giả trông coi dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, sau nhà Hán sai Phục ba tướng quân là Lộ Bác Đức đánh vua nước Việt, Lộ tướng quân đến quận Hợp Phố, vua nước Việt sai hai sứ giả đem một trăm con bò, một ngàn vò rượu cùng sổ hộ khẩu dân hai quận đến gặp Lộ tướng quân, bèn bái hai sứ giả làm Thái thú của hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, các Lạc tướng vẫn trị dân như cũ”.

Thứ nhất:  Cổ Việt thuộc Nam Việt, chia thành 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân.

Thứ hai: Có 2 quan điển sứ trông coi 2 quận, dưới là chế độ Lạc tướng có từ thời Cổ Việt chưa bị thôn tính.

Thứ ba: Sau khi Nam Việt bị diệt, Cổ Việt thuộc Hán, xã hội không có xáo trộn.

Kết luận: Cổ Việt bị chia thành 2 quận, có các quan điển sứ trông coi, dưới là chế độ Lạc tướng cũ, từ thuộc Nam Việt sang thuộc Hán, xã hội không có xáo trộn.

Nghi vấn: Vua Nam Việt đã bị diệt trước đó rồi, thì sao có thể cử 2 sứ giả đến cống kẻ thù là Lộ tướng quân đây? Vậy, vị vua ấy phải là của Cổ Việt. Sau 2 sứ giả này được cử làm Thái thú, cũng chính là 2 viên quan điển sứ của nhà Triệu. Nhưng khó hiểu khi 2 viên điển sứ này phải vâng lời(dưới quyền) vua Cổ Việt!

  1. Sử ký chép: “Hơn một năm thì Cao Hậu chết(năm 180Tcn), liền rút quân. Đà nhân đó đem quân uy hiếp nơi biên giới, dùng tiền của trao tặng cho vua các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc, bắt vua các nước ấy theo phục”.

Thứ nhất: Vị thế của Âu Lạc cũng tương tự như Mân Việt trong mối quan hệ với Nam Việt.

Thứ hai: “Đến năm Kiến Nguyên thứ sáu(năm 135Tcn), vua nước Mân Việt đánh nước Nam Việt”. Vậy, thực tế Mân Việt hoàn toàn độc lập với Nam Việt.

Thứ ba: Các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc theo phục, được hiểu là các nước này chịu ảnh hưởng, nhưng vẫn độc lập với Nam Việt.

Kết luận: Âu Lạc độc lập, đồng thời chịu ảnh hưởng của Nam Việt.

  1. Sử ký lại chép: “Quan giám quận Quế Lâm của Việt tên là Cư Ông dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán”

Kết luận: Thực tế, Âu Lạc hoàn toàn độc lập với trước là Nam Việt, sau là Hán.

  1. Sử ký lại chép: “Nhà Hán dùng binh ba năm liền (từ năm Nguyên Đỉnh thứ sáu đến năm Nguyên Phong thứ hai), đánh người Khương, diệt nước Nam Việt, từ thành Phiên Ngu về phía tây đến phía nam quận Thục đặt ra mười bảy quận mới tạm theo tục cũ của họ để trị, không thu tô thuế. Các quận Nam Dương-Hán Trung trở đi đều tùy theo gần quận mới nào mà cấp tiền lương, đồ dùng, đồ xe ngựa cho quan quân của quận mới đó”.

Hậu hán thư chép: “Tấu kể luật của người Việt khác với luật của người Hán đến hơn mười điều, liền nêu rõ phép tắc cũ với người Việt để gò buộc họ, từ đó về sau người Lạc Việt làm theo phép cũ của Mã tướng quân”.

Thứ nhất: Nhà Hán không thực hiện chính sách tô thuế, đồng thời còn phải cấp tiền lương, đồ dùng, đồ xe ngựa cho quan quân của quận mới. Trong khi:

Hán thư chép: “Quận Giao Chỉ có 746.237 nhân khẩu, 92.440 hộ” và “Đất Việt ở gần biển, có nhiều tê, voi, đồi mồi, ngọc châu, ngọc ky, vàng, đồng, hoa quả, vải. Người Trung Quốc đi lại buôn bán, phần nhiều trở nên giàu có”.

Thủy kinh chú viết: “Giao châu Ngoại vực ký chép rằng khi chưa chia thành quận huyện, Giao Chỉ đã có ruộng Lạc”.

Như vậy là Hán triều không thể thực hiện được chế độ tô thuế ở Cổ Việt, chứ không phải Cổ Việt quá lạc hậu, không muốn thực hiện. Thậm chí, còn không có khoản thu để cấp tiền lương, đồ dùng cho quan quân, mà phải lấy từ triều đình gửi đến. Do đó có cơ sở để nghi ngờ sự tồn tại của chế độ cống nạp thời kỳ này.

Thứ hai: Cổ Việt vẫn “theo tục cũ của họ để trị” (trị theo Luật Việt) và dưới “để Lạc tướng cai trị dân như cũ”.

Kết luận: Nhà Tây Hán đã không áp đặt được sự cai trị như được thực hiện ở những quận khác. Cổ Việt vẫn tồn tại với các chế độ, luật pháp riêng. Mà Tây Hán gần như không có tác động, ảnh hưởng.

  1. Hán thư chép: “Tước hầu tên là (Cư) Ích Xương nối tước, đến năm Nguyên Phượng thứ tư (năm 54 TCN) mắc tội khi làm Thái thú Cửu Chân lén sai người ra mua tê ngưu, nô tì(người hầu gái), tôi tớ(người hầu trai) từ trăm vạn người trở lên, làm việc vô đạo, bị tội chết”.

Hậu hán thư chép: “Thời Bình Đế (năm 1Tcn – năm 5), người quận Hán Trung là Tích Quang làm Thái thú Giao Chỉ, dạy bảo dân chúng dần dần theo lễ nghĩa. Tên tuổi sánh ngang với Diên. Cuối thời Vương Mãng, đóng bờ cõi tự giữ. Đầu năm Kiến Vũ, sai sứ giả nạp cống, phong làm Diêm Thủy Hầu”.

Hậu hán thư chép: “Trước đây, Bành thân thiết với quan Mục bộ Giao Chỉ là Đặng Nhượng, gửi thư nêu rõ oai đức của nhà nước”, “do đó Nhượng cùng bọn Thái thú Giang Hạ là Hầu Đăng, Thái thú Võ Lăng là Vương Đường, Thừa tướng Tràng Sa là Hàn Phúc, Thái thú Quế Dương là Trương Long, Thái thú Linh Lăng là Điền Hấp, Thái thú Thương Ngô là Đỗ Mục, Thái thú Giao Chỉ là Tích Quang cùng nhau sai sứ nạp cống, đều được phong làm liệt hầu” và “Năm Kiến Võ thứ năm (năm 29) mùa đông, tháng mười hai, quan Mục bộ Giao Chỉ là Đặng Nhượng dẫn đầu các Thái thú của bảy quận sai sứ đến nạp cống”.

Hậu hán thư lại chép :  “Đầu năm Kiến Vũ (năm 25 đến năm 56), Diên dâng thư lên nhà vua muốn xin hài cốt, quỳ bái ở triều đình. Chiếu lệnh đi làm Thái thú Cửu Chân”.

Sách sử chép: “Nhâm Diên làm quan 4 năm, được triệu về nước, người quận Cửu Chân lập sinh từ thờ cúng ông” và “Năm 31, triệu hồi Thái thú Giao Chỉ Tích Quang về triều” (Năm 29 Tích Quang sang cống bắc triều được phong làm Diêm Thủy hầu. Có lẽ đây mới là năm Tích Quang thôi chức Thái thú Giao Chỉ).

Thứ nhất: Một thời gian khá dài, 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân được thành lập, song thiếu vắng những Thái thú được nêu tên.

Thứ hai: Đến khi Đặng Nhượng vào chầu(quy thuận Đông Hán) thì Nhâm Diên mới được cửu sang làm Thái Thú, nhưng chỉ được 4 năm thì bị triệu hồi. Sau không thấy Bắc triều cử ai sang thay. Trước đó, trong những người vào chầu không thấy có tên của quan Thái thú Cửu Chân.

Vậy: Ở Cửu Chân, 1 thời gian dài không có quan Thái thú.

Thứ ba: Khi Tích Quang bị triệu hồi năm 31(có thể là trước đó, năm 29) thì tới năm 34, Tô Định được cử sang làm thay. Vậy là trong ít nhất 3(hoặc 5) năm Giao Chỉ không có quan Thái thú.

Kết luận: Chức quan mà Hán triều đặt ra trên đất Cổ Việt, là hữu danh vô thực, có hay không có thì xã hội Cổ Việt không hề bị xáo trộn.

Tóm lại: Trong suốt thời kỳ từ Nam Việt(năm 180Tcn) đến Đông Hán(năm 34). Các triều đại phương bắc, coi Cổ Việt là lãnh thổ của mình và chia thành các quận huyện, đặt các chức quan quản lý song chỉ dừng lại trên danh nghĩa. Thực tế, Cổ Việt vẫn hoàn toàn tự chủ, với chế độ hành chính, luật pháp có từ trước khi theo phục Nam Việt. Tuy nhiên, quá trình tiếp xúc với Bắc triều, Cổ Việt tiếp nhận hình thái khác. Nhà nước phong kiến.

  1. Thời kỳ ấy không hề có sự xâm phạm lợi ích của Cổ Việt trên tầm phổ quát, nhưng thực tế đã thay đổi vào năm 34, khi võ tướng Tô Định được cử sang làm Thái thú Giao Chỉ. “Thái thú Giao Chỉ Tô Định lấy phép tắc ràng buộc, Trắc giận, cho nên làm phản”.

Thứ nhất: Đây là lần đầu tiên 1 võ tướng được cử sang làm Thái thú ở Cổ Việt

Thứ hai: Nhà Tây Hán cũng như Nam Việt trước đây đã sử dụng kế sách Hòa hợp Bách Việt. Thông qua Tô Định, nhà Đông Hán chuyển từ kế sách này sang chính sách Khai thác thuộc địa.

Kết luận: Sự xâm phạm quyền lợi của Cổ Việt xuất hiện, đồng thời hình thành ý thức rõ rệt về sự xâm lược này.

  1. Hậu hán thư chép: “Đến năm thứ mười sáu (năm 40) có người con gái quận Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh quận. Do đó người Man-Lí các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều ứng theo, đánh cướp cả thảy sáu mươi lăm thành, tự lập làm vua”.

Thứ nhất: Vào thời tự trị nhà Tân, quân đội nhà Đông Hán chưa thể có mặt ở quận Giao Chỉ được.

Thứ hai: Nếu ở Cổ Việt chỉ có các chức quan Thái thú thì cuộc nổi dậy của Hai Bà không cần sự huy động lực lượng lớn đến vậy.

Kết luận: Khi Tô Định sang làm Thái thú(trên danh nghĩa), đã đem theo quân đội sang, như vậy cho thấy nhà Đông Hán đã chuẩn bị kế hoạch Khai thác thuộc địa ở Cổ Việt.

  1. Khi Hai Bà hội nghĩa ở Hát Môn, có nghĩa quân ở Cửu Chân, Hợp Phố tham gia.

Hậu hán thư chép: “Viện đem hơn hai ngàn chiếc thuyền lầu lớn nhỏ, hơn hai vạn chiến sĩ đi đánh bè đảng của Trưng Trắc là bọn Đô Dương ở quận Cửu Chân, từ huyện Vô Công đến huyện Cư Phong”.

Kết luận: Như thế sau khi Nhâm Diên được triệu hồi, Cửu Chân và Nhật Nam không có Thái thú.

Tổng kết: Cho tới năm 34 Cổ Việt vẫn độc lập, tự chủ. Có chế độ chính trị(Chế độ Lạc tướng), có Luật pháp(Luật Việt) từ thời vua Hùng. Những chính sách của bắc triều chỉ là hình thức. Tuy nhiên Cổ Việt cũng bước đầu tiếp xúc với hình thái khác. Từ năm 34, sự áp đặt về nhiều mặt từ nhà Đông Hán thông qua Tô Định, khiến cấu trúc xã hội Cổ Việt biến đổi, sự xâm lược được ý thức ngày càng rõ ràng, cho tới năm 40, ý thức ấy được cụ thể hóa bằng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trương. Đây là cuộc khởi nghĩa(kháng chiến) rộng khắp, thành công và vĩ đại. Năm 34 là năm bắc triều chuyển từ chính sách Hòa hợp Bách Việt(Cơ sở) sang Khai thác thuộc địa, từ [Tự nhận] Cai trị danh nghĩa sang Cai trị thực chất(xâm phạm lãnh thổ).

Bình luận về bài viết này