Quốc hiệu thời Đinh Tiên Hoàng là “Việt Cồ”, không phải “Đại Cồ Việt”

Đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Các sách sử bằng chữ Quốc ngữ và sách giáo khoa Việt Nam ngày nay đều ghi quốc hiệu thời Đinh Tiên Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau một nghìn năm Bắc thuộc, là “Đại Cồ Việt”. Tên “Đại Cồ Việt” được đặt cho một con đường ở Hà Nội và một con đường ở Huế.

Người theo quan điểm quốc hiệu là “Đại Cồ Việt” viện dẫn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bằng chữ Hán (bắt đầu với Ngô Sĩ Liên dưới thời vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) và hoàn thành vào niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (1479) có chép 3 chữ 大瞿越.  Họ lý giải quốc hiệu này biểu thị lòng tự tôn dân tộc cao độ của Vua Đinh trong quan hệ với phong kiến Trung Hoa. 大 (Đại) chữ Hán là “to”, “lớn”, 瞿 họ đọc là “Cồ”, mà “Cồ” trong tiếng Việt cổ cũng là “to”, “lớn”. Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (Sài Gòn, 1896), “cồ” nghĩa là lớn, ví dụ “vịt cồ”, “gà cồ”. Vẫn theo quan điểm này, Đinh Tiên Hoàng dùng cả 2 chữ cùng nghĩa “to”, “lớn” để làm quốc hiệu cốt nhấn mạnh nước Việt là nước lớn!

Thế nhưng, cái tên “Đại Cồ Việt” không ngớt bị tranh cãi. Phe phản biện cho rằng tên nước chỉ là “Cồ Việt” và dẫn ra những bằng chứng sau.

Trước hết, đó là 2 câu đối chữ Hán ở đền vua Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư. (Di sản Hán Nôm ở Cố Đô Hoa Lư, Phạm Thị Nghĩa Vân, Thông báo Hán Nôm học 2005).

Câu đối thứ nhất:

瞿越國當宋開寶

華閭都是漢長安

嗣德甲子侍講學士鳳池武范啟東陽拜書

Phiên âm:

Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo

Hoa Lư đô thị Hán Tràng An

Tự Đức Giáp Tý. Thị giảng học sĩ Phượng Trì Vũ Phạm Khải đông dương bái thư.

Dịch nghĩa:

Nước Đại Cồ Việt sánh ngang niên hiệu Khai Bảo nhà Tống

Kinh đô Hoa Lư như kinh đô Tràng An nhà Hán.

Năm Giáp Tý (1864) niên hiệu Tự Đức. Thị giảng học sĩ Phượng Trì Vũ Phạm Khải Đông Dương bái đề.

Câu đối thứ hai:

萬勝威雄瞿越基開正統始

天書分定華閭運啟聖人生

保大丁卯年春安中社老阮大同階男舊正鄉會阮富強供進

Phiên âm:

Vạn thắng oai hùng Cồ Việt cơ khai chính thống thủy

Thiên thư phân định Hoa Lư vận khởi thánh nhân sinh

Bảo Đại – Đinh Mão xuân niên. Trường Yên trung xã, lão Nguyễn Đại Đồng giai nam cựu Chính hương hội Nguyễn Phú Cường cúng tiến.

Dịch nghĩa:

Vạn thắng oai hùng mở ra nền chính thống nước Đại Cồ Việt

Sách trời phân định đất Hoa Lư sinh bậc thánh nhân

Mùa xuân năm Đinh Mão niên hiệu Bảo Đại (1927). Xã Trường Yên trung, trưởng lão Nguyễn Đại Đồng cùng con trai là cựu Chánh hương hội Nguyễn Phú Cường tiến cúng.

Tiếp theo, đó là Việt Sử Diễn Nghĩa Tứ Tự Ca do Hồng Nhung và Hồng Thiết (con của Tuy Lý Vương) diễn dịch. Trong tác phẩm này cũng có “Cồ Việt” ở đoạn “Ông Ðinh Bộ Lĩnh, người xứ Hoa Lư, hiệu rằng Vạn Thắng, trí dũng có dư, dẹp yên các trấn, sắp đặt trăm quan, nước xưng Cồ Việt, đô đóng Trường An”.

Năm chữ “Quốc hiệu Đại Cù Việt” trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bằng chữ Hán

Về phần tôi, Cù Huy Hà Vũ, tôi cũng cho rằng quốc hiệu thời Đinh Tiên Hoàng là “Cồ Việt”. Trước khi đi vào chứng minh, tôi khẳng định sự tồn tại của “Đại Cồ Việt” trong các tài liệu chữ Quốc ngữ bắt nguồn từ Trần Trọng Kim, người sau này là Thủ tướng Đế quốc Việt Nam.

Thực vây, trong công trình “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim xuất bản năm 1920, cuốn sách lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, lần đàu tiên “Đại Cồ Việt” xuất hiện. Ông viết: “Năm mậu-thìn (968, Vạn-thắng-vương lên ngôi Hoàng-đế, tức là Tiên-hoàng-đế, đặt quốc-hiệu là Đại-cồ-việt 大瞿越, đóng đô ở Hoa-lư.”

Tuy nhiên, cần phải đính chính ngay là chữ 瞿 trong 大瞿越 được phát âm là “cù” (qū) chứ không phải “cồ”. Tất cả các từ điển tiếng Trung đều cho thấy rõ điều này. Nói cách khác, không có từ Hán nào đọc là “cồ”. Để nói, 大瞿越 phải được đọc là “Đại Cù Việt”. Cũng như vậy, 瞿越 trong hai câu đối ở đền thờ Đinh Tiên Hoàng phài được đọc là “Cù Việt”.

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm theo đó Đinh Tiên Hoàng, cũng như các vị sáng lập triều đại phong kiến khác ở Việt Nam, đều có lòng tự tôn dân tộc cao độ trong quan hệ với phong kiến Trung Hoa. Thế nhưng tại sao Đinh Bộ Linh khi lên ngôi hoàng đế vào năm 968 đã không đặt tên nước là “Đại Việt”, điều mà Lý Thánh Tông đã làm 86 năm sau khi lên ngôi vua vào năm 1054?

Năm 917, Tiết độ sứ Thanh Hải Quân kiêm Tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân Lưu Cung lập ra nước Đại Việt với Phiên Ngung (Quảng Châu, Trung Quốc ngày nay) là kinh đô. Nghĩa là Đại Việt bao gồm cả Tĩnh Hải Quân. Năm sau, 918, Đại Việt được đổi thành Hán, mà sử gọi là Nam Hán. Thế nhưng lúc đó, Tĩnh Hải Quân đang nằm dưới sự cai trị của Khúc Thừa Mỹ, con Khúc Hạo, trong tư cách Tiết độ sứ, được phong bởi nhà Hậu Lương ở Trung Nguyên, mà quốc gia này lại lớn hơn nhiều và thù địch với Nam Hán. Bởi lý do này, Khúc Thừa Mỹ công khai gọi Nam Hán là “ngụy đình”. Sau khi đánh tan tác quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938, Ngô Quyền bỏ chức Tiết độ sứ và xưng Vương, chính thức biến Tĩnh Hải Quân thành một Nhà nước tự chủ.

Khi lên ngôi hoàng đế đầu tiên của nước Việt, tức thiết lập nền độc lập với Nam Hán, lẽ dĩ nhiên Đinh Bộ Lĩnh không muốn dùng quốc hiệu cũ của Nam Hán. Bởi nếu vị Hoàng đế họ Đinh lấy “Đại Việt” làm quốc hiệu thì chẳng hóa ông thừa nhận đất nước mình thuộc Nam Hán, khiến Nhà nước phong kiến Trung Hoa này “bất chiến tự nhiên thành” sau khi đã phải “ôm đầu máu” trong cuộc xâm lược đúng 3 thập kỷ trước. 

Vậy để khẳng định mạnh mẽ vị thế ngang bằng với Nam Hán nói riêng, phong kiến Trung Hoa nói chung, của nước Việt độc lập, ông đã dùng “cồ” trong tiếng Việt có nghĩa là “to”, “lớn”, tương đương với “đại” trong tiếng Hán để ghép với “Việt” làm thành quốc hiệu. Cũng cần nhắc lại rằng thời Đinh Tiên Hoàng, “cồ” là một từ Việt thông dụng. Chỉ sau này, khi đã bị “to”, “lớn” thay thế, “cồ” mới được dán nhãn tiếng Việt cổ. Mặc dù vậy, “cồ” vẫn được người Hà Tĩnh ngày nay sử dụng. Ví dụ: “Thằng ni ngong cồ đó, nghĩa là ” “thằng này trông to con đó” (“ngong” là “nhìn, trông”).

Vấn đề tiếp theo là quốc hiệu thời Đinh Tiên Hoàng thực sự được gọi như thế nào. Có phải là “Cồ Việt”? Tôi cho rằng quốc hiệu trong tiếng Việt là “Việt Cồ” vì trong ngữ pháp tiếng Việt, tính từ đứng sau danh từ. Thế nhưng khi dùng chữ Hán để diễn đạt “Việt Cồ”, trật tự bị đảo, thành “Cồ Việt”. Bởi trong ngữ pháp tiếng Hán, tính từ đứng trước danh từ.

Nếu như chữ Hán 越 hoàn toàn thích hợp để diễn đạt “Việt” vì chữ Hán này đọc là “Việt” (điều này giải thích vì sao 越 được giữ lại trong chữ Nôm), thì không có chữ Hán nào đọc là “cồ”, như mọi từ điển tiếng Trung cho thấy. Thành thử, Đinh Tiên Hoàng phải lấy một chữ Hán có phát âm na ná “cồ” để ký âm từ Việt cổ này. Đó chính là 瞿, đọc là “cù” (qū).

Những người có học thời Đinh Tiên Hoàng hiểu được xuất xứ của 瞿 (cù) trong quốc hiệu thì đọc chữ này là “cồ”. Thế nhưng để làm cho Nhà nước phong kiến Trung Hoa nói riêng, người Hán nói chung, hiểu được nghĩa đích thực của 瞿 (cù) trong quốc hiệu của nước Việt độc lập là “to”, “lớn”, vị hoạng đế họ Đinh cho viết thêm chữ 大 (đại) trước chữ 瞿 (cù) như một sự chú nghĩa cho chữ này. Từ đó mà có quốc hiệu 大瞿越 hay Đại Cù Việt.

Có người nói “大瞿” (Đại Cù) là một chữ Nôm, tức đây chỉ là một chữ. Chữ này được cấu trúc bởi chữ 瞿(Cù, để chú thanh của Cồ) và chữ 大 (Đại), để chú nghĩa của “Cồ”. Tuy nhiên, theo tôi, quan điểm này không đứng vững vì không có chữ Nôm nào gồm hai chữ đứng tách biệt nhau. Trên thực tế, trong kho tàng văn bản chữ Nôm đã không tồn tại chữ nào được cấu trúc bởi chữ 大 (đại) đứng trên chữ 瞿(cù).

Vả lại, các nghiên cứu cho thấy chỉ từ thời Lý mới có chữ Nôm nhưng cũng xuất hiện một cách lẻ tẻ. Đó là trên quả chuông chùa Vân Bản, Hải Phòng (đúc năm 1076), trong bài bi ký ở chùa xã Hương Nộn, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ (tạc năm 1173 niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thứ 11) hay trên bia chùa Tháp Miếu, huyện Yên Lãng (nay thuộc Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (tạc năm 1210 triều vua Lý Cao Tông). Mặc dù vậy, tôi cho rằng việc dùng một chữ Hán để chú nghĩa cho một âm Việt trong “Đại Cù Việt” là xuất phát điểm cho việc hình thành chữ Nôm.

Kết luận lại, có hai cách gọi quốc hiệu thời Đinh Tiên Hoàng. Trong ngôn ngữ nói, đó là “Việt Cồ”. Trong ngôn ngữ viết (chữ Hán), đó là “Cồ Việt” (大瞿越 – Đại Cù Việt).

Do đó, Nhà nước, các nhà sử học và các nhà soạn sách giáo khoa Việt Nam cần thay “Đại Cồ Việt” bằng “Việt Cồ” trong quốc hiệu thời Đinh Tiên Hoàng. Có như thế mới đúng ý và vì vậy mới thỏa lòng vị Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam và trung thành với lịch sử dân tộc.


C.H.H.V

10/1/2024

Garden Grove, California, Hoa Kỳ.

2 thoughts on “Quốc hiệu thời Đinh Tiên Hoàng là “Việt Cồ”, không phải “Đại Cồ Việt”

  1. Tiếng Việt ta cũng có chữ/từ ghép “to lớn”. Trong đó “to” cũng nghĩa là “lớn’ mà “lớn” cũng có nghĩa là “to”. Do đó việc ghép 2 chữ đồng nghĩa là chữ “đại” và chữ “cồ” cũng không có gì là vô lý mà còn có nghĩa là 2 lần vĩ đại mà thôi.
    Dù sao thì cũng cảm ơn ông Cù Huy Hà Vũ có công tìm hiểu và giải thích rất chi tiết, ngọn ngành về tên Đại Cồ Việt của nước ta thời vua Đinh Tiên Hoàng.
    Tuy nhiên, tôi vẫn cho là không nên đổi tên Đại Cồ Việt thành Cồ Việt hay Việt Cồ trong sách giao khoa.

    Thích

Bình luận về bài viết này