Những Tòa Tháp Cuối Cùng Tại Vân Nam

Cầu nguyện buổi sáng tại một nhà thờ Hồi giáo ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, tháng 8 năm 2019. Vương Campion / Reuters

Tác giả: Haiyun Ma and I-wei Jennifer Chang

Ngày 6 tháng 9 năm 2023

Đinh Tỵ biên dịch

Cuối tháng 5, hàng ngàn người Hui Hồi giáo đã đụng độ với cảnh sát địa phương tại thị trấn Nagu nằm hướng tây nam tỉnh Vân Nam Trung Quốc nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ cho phá hủy mái vòm và các ngọn tháp tại giáo đường Najiaying, một công trình xây dựng có từ thế kỷ 14. Giáo đường Najiaying và giáo đường Shadian gần đó đứng sừng sững như một chứng tích thể hiện chính sách khoan dung đạo Hồi và tín đồ đạo Hồi của các chính thể trước kia. Đây là hai giáo đường còn sót lại tại một tỉnh vẫn mang đậm nét đặc trưng truyền thống Ả Rập, biểu hiện cụ thể qua mái vòm và các ngọn tháp. Những năm gần đây đã chứng kiến sự biến cải của một số giáo đường do chính quyền đứng đằng sau tại tỉnh Vân Nam, với các mái nhà được tôn tạo mang đậm nét đặc thù kiến trúc chùa Phật giáo và ngôi đền Khổng giáo. Những đợt trùng tu đó đi quá xa phong cách kiến trúc và biểu lộ thứ chủ nghĩa dân tộc không thỏa hiệp là đặc tính chung dưới ách cai trị Trung Quốc củaTập Cận Bình.

Chính sách trấn áp hà khắc của Tập nhắm vào nhóm thiểu số Hồi giáo khác, người Duy Ngô Nhĩ, khiến công luận thế giới không thể mãi thờ ơ. Nhưng chính sách Hán hóa tinh vi hơn của ông nhắm vào đối tượng các sắc dân thiểu số khác ngày càng tăng cường độ do ít người lưu tâm. Ước khoảng có hơn 11 triệu người Hui Hồi giáo cư trú chủ yếu ở các tỉnh thuộc miền tây và trung của Trung Quốc. Cộng đồng này sống ở Trung Quốc từ thời xa xưa, có nguồn gốc là những người di dân Hồi giáo xuất phát từ vùng Trung Á và Trung Đông từ thế kỷ thứ 8. Không giống như người Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ, người Hui Hồi giáo nói tiếng Quan thoại Trung Quốc và các phương ngữ địa phương. Họ thực tập nghi thức Hồi giáo, gắn liền với các kết nối hầu như không thể tách rời với văn hóa không thuộc người Hán, nếu chiếu theo tầm nhìn bản sắc quốc gia của Tập họ sẽ chẳng còn đất sống.

Sự khoan dung sắc tộc tôn giáo từng diễn ra êm thấm dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới triều đại của Tập thì khác. Bắc Kinh quyết tâm loại bỏ các tàn tích còn sót lại trong kiến trúc tôn giáo từ bên ngoài truyền sang, bao gồm các đặc thù nổi bật được gọi là phong cách Ả Rập. Những bằng chứng về thế giới đại đồng hoặc sính ngoại như thế gây đụng đầu với ý niệm ý thức hệ “chủ nghĩa xã hội mang đặc thù Trung Quốc” mà Tập đã dụng công trong những năm qua, mục tiêu nâng tầm di sản người Hán Trung Quốc so với truyền thống và lịch sử các sắc dân khác. Các vụ biểu tình hồi tháng 5 đã cứu mái vòm và các ngọn tháp yên ổn được chốc lát. Bất hạnh thay cho người Hui và nhiều nhóm thiểu số khác, chẳng có gì có thể cản đường Tập và quyết tâm xây dựng một nước Trung Hoa mới của ông.

QUÊ HƯƠNG NGƯỜI HỒI TẠI TRUNG QUỐC

Người Hồi giáo đã cư ngụ tại Trung Quốc hàng ngàn năm nay. Mối liên lạc ngoại giao sớm nhất được biết giữa người Ả Rập Hồi giáo và một triều đại Trung Quốc diễn ra vào năm 651 khi các vị đại sứ vương quốc Hồi giáo đầu tiên đến yết kiến hoàng đế nhà Đường. Một thế kỷ sau, đế chế Abbasid bành trường về hướng đông đụng đầu với đà bành trướng về hướng tây của nhà Đường dẫn đến xung đột năm 751 tại chiến địa Talas (Kazakhstan ngày nay). Sự kiện quân Trung Quốc bị đại bại đã dẫn đến sự truyền bá đạo Hồi tại Trung Á. Mặc dù thông qua các hoạt động giao thương và sự di dân lần hồi, không phải qua các cuộc chinh phạt quân sự, các cộng đồng Hồi giáo bắt đầu xuất hiện tại vùng đất Trung Quốc ngày nay. Người Trung Đông và các bộ tộc Trung Á mới được cải đạo đã chiếm đa số trong khu vực định cư người Hồi ban đầu – những người đã lũ lượt kéo đến các thành phố lớn và các điểm trung chuyển ven biển Trung Quốc. Họ được xem là tổ tiên của người Hui ngày nay. 

Dưới triều đại Nguyên-Mông – cai trị Trung Quốc từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 14, tín đồ Hồi giáo định cư khắp mọi nơi trên đất nước Trung Quốc. Các mối quan hệ giữa các khu vực Hồi giáo do người Mông Cổ kiểm soát, bao gồm tiều quốc Chagatai tại Trung Á và Ilkhanate – Hãn quốc Mông Cổ thành lập tại Ba Tư (Iran ngày nay), đã đưa nhiều người Hồi vào sinh sống ở Trung Quốc. Một lượng lớn người Hồi Trung Á làm đủ mọi ngành nghề đã đến Trung Quốc để giúp sức bộ máy cai trị Mông Cổ.

Tuy nhiên, sự kiện cáo chung của đế chế Mông Cổ vào giữa thế kỷ thứ 14 đã khiến cộng đồng người Hồi đối mặt với làn sóng bài ngoại ngày càng dữ dội trong suốt triều đại nhà Minh bản địa. Trên thực tế, triều đại nhà Minh là chế độ Trung Quốc đầu tiên nỗ lực – xem chính sách Hán hóa các sắc tộc Hồi giáo là quốc sách. Những năm đầu tiên của triều đại này, người Hồi dù có nguồn gốc xuất thân hoặc sử dụng ngôn ngữ gì đi nữa buộc phải tiếp nhận ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc và bị ép kết hôn với người dị giáo. Một số học giả và quan chức Hồi giáo, muốn làm việc cho triều đình buộc phải trải qua cuộc thi tuyển vào bộ máy quan liêu Khồng giáo hoặc tinh thông giáo lý kinh điển của Trung Quốc, đã khởi xướng việc nghiên cứu đạo Hồi thông qua sự vay mượn Khổng giáo để phù hợp hơn các quy định nghiêm ngặt của nhà nước. Một phong trào văn hóa và tôn giáo trong giai đoạn cuối nhà Minh và đầu nhà Thanh đã sản sinh một bộ sưu tập dồi dào các bộ thánh kinh đạo Hồi bằng chữ Trung Quốc – còn gọi là han kitab – đã khắc họa khả năng thích ứng của đạo Hồi với ý thức hệ Khổng giáo của nhà nước.

Đảng Cộng sản cai trị Trung Quốc từ năm 1949 đã áp lên thách thức khác cho người Hồi giáo tại nước này. Chủ nghĩa duy vật Mác xít được khuấy động bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng chủ trương vô thần nhắm vào mọi hình thức mang tính tôn giáo và tâm linh. Các vụ tấn công của Hồng vệ binh nhắm vào các cộng đồng người Hồi giáo Trung Quốc đạt đến cao trào trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa trong những năm 1960-1970. Nhà nước đã tống giam nhiều giáo sĩ và nhiều thánh đường bị biến thành kho thóc, nhà kho hoặc thậm chí trang trai nuôi heo. Năm 1975, người Hui Hồi giáo tại Vân Nam đã phản kháng vụ việc một thánh đường tại thị trấn Shadian bị đóng cửa. Để trả đũa, quân đội Trung Quốc đã xóa sổ ngôi làng này và một số ngôi làng gần kề. Qua nhiều ước tính, binh sĩ Trung Quốc đã tàn sát hơn 1,600 đàn ông, phụ nữ và trẻ em người Hui.

Chủ trương của nhà nước đối với người Hui Hồi giáo mềm mỏng hơn trong giai đoạn cải cách của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, người lên nắm quyền năm 1978. Đặng theo đuổi lối tiếp cận hòa giải hơn với đạo Hồi qua khẳng định chủ nghĩa xã hội có thể dung hòa tôn giáo và qua hành động cho phép việc trùng tu các thánh đường bị phá hủy và cáp phép xây dựng các cơ sở mới. Chính sách này được giữ nguyên trong 20 năm liền suốt nhiệm kì các lãnh đạo Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Người Hui không hề cảm giác lạc lõng khi sống trong nước Trung Quốc.

NGƯỜI BẢN XỨ QUAY LẠI

Tuy nhiên, dưới triều đại Tập, mọi thứ đã đảo lộn hoàn toàn. Trái với các vị tiền nhiệm, ý thức hệ được Tập cổ súy được hiểu là chủ nghĩa xã hội được vay mượn nhiều từ lịch sử và văn hóa truyền thống của người Hán. Mao Trạch Đông, cha đẻ đồng thời là lãnh tụ đầu tiên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa, tìm cách bám rễ tầm nhìn của ông về chủ nghĩa xã hội Trung Quốc trong thực tế của đất nước vào đầu thế kỷ 21, Tập thậm chí đi xa hơn, quay về lịch sử 5,000 năm trước zhonghua minzu (dân tộc Trung Hoa), một thuật ngữ được các nhà dân tộc chủ nghĩa phát minh và dần trở nên thông dụng vào đầu thế kỷ 20. 

Tập khẳng định ông chỉ đơn thuần đi theo đường mòn của Mao, mang đến một “sự kết hợp kép” học thuyết Mác xít và hoàn cảnh thực tế ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế cách thể hiện của ông khác hẳn Mao; Mao không gắn chặt mát xít với văn hóa và lịch sử truyền thống người Hán, có lẽ do đánh giá tính thiếu nhất quán cố hữu giữa chủ nghĩa xã hội – tìm kiếm sự loại bỏ mọi giai cấp xã hội và Khổng giáo – đặt niềm tin trong sự bảo toàn thứ bậc tôn ti trong xã hội.

Tuy nhiên, tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10 năm 2022, Tập đã tái khẳng định “để gìn giữ và phát triển chủ nghĩa Mác xít, chúng ta phải đồng nhất nó với văn hóa truyền thống đặc sắc củaTrung Quốc. Điều này chỉ thành công bằng cách bén sâu gốc rễ vào mảnh đất giàu lịch sử và văn hóa của đất nước và quốc gia có thể tin tưởng chủ nghĩa Mác xít sẽ thăng hoa ở đây”. Trong thế giới quan của ông, chỉ có văn minh người Hán truyền thống mới có thể mang lại cho cái gọi là các đặc thù Trung Quốc của chủ nghĩa Mác xít đương đại. 4 tháng sau, bản thông cáo phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 đã yêu cầu cho thông qua các cương lĩnh căn bản của chủ nghĩa Mác xít cho “văn hóa truyền thống đặc sắc” của Trung Quốc.

Trong tiến trình theo đuổi mô hình bản sắc mới này của Trung Quốc, Tập đã năng nổ thúc đẩy việc nghiên cứu lịch sử người Hán. Năm 2019, nhà nước cho thành lập một ban mới tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Đại học Trung Quốc nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử và văn hóa Trung Quốc. Ba năm sau, Tập cho phê chuẩn việc xây dựng công trình Lưu trữ Quốc gia về Xuất bản và Văn hóa Trung Quốc, một hành động bắt chước nhà Thanh trong việc thiết lập thư viện và bộ sưu tập văn bản vào cuối thế kỷ thứ 18. Phong trào cách tân này diễn ra vào thời cận đại là một phần trong nỗ lực về ý thức hệ bao quát hơn nhằm Hán hóa chủ nghĩa Mác xít. Chủ trương đề cao chủ nghĩa dân tộc nhằm khoe khoang văn minh và văn hóa Trung Quốc là độc nhất vô nhị, đặt Tập vào hàng ngũ các lãnh đạo dân túy đầu tàu hiện nay, gồm thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ, tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, thủ tướng Viktor Orban của Hungary và cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. 

THỐNG NHẤT MÀ KHÔNG ĐA DẠNG

Khao khát của Tập hướng đến chủ nghĩa xã hội Hán hóa và đưa ách gông bản sắc hiện đại Trung Quốc chuyển sang một bản sắc Hán cổ, trên thực tế gạt ra rìa các sắc tộc tôn giáo thiểu số chẳng hạn như người Hui Hồi giáo, vốn có lịch sử và văn hóa gắn liền họ với các nước Trung Đông, Trung Á và Đông Nam Á. Dưới nhãn quan của Bắc Kinh, các phong cách kiến trúc du nhập từ nước ngoài và không phải người Hán không được nghênh đón; chúng không phù hợp với mô hình chủ nghĩa xã hội đương đại của Tập với các đặc thù văn hóa người Hán. Và để hoàn thiện mô hình này, nhà nước dùng mọi gian kế để quét sạch các di sản ngoại lai tại tỉnh Vân Nam và các nơi khác.

Lực phản kháng chống đỡ làn sóng thanh trừng văn hóa này rất yếu ớt. Các cuộc biểu tình chống lại việc phá hủy tại tỉnh Vân Nam đã thu hút nhiều sự chú ý của cong luận vì đây là một trong những thành trì cuối cùng của người Hồi giáo phản kháng sự trấn áp tôn giáo. Nhưng đây dường như là một trận chiến không cân sức, dân địa phương bất lực trong việc chống đỡ chủ trương Hán hóa của nhà nước; sau lần trì hoãn ít lâu, các giới chức chính phủ đã gỡ bỏ mái vòm và các cột tháp của giáo đường Najiaying. Ngoài ra nhà nước còn cho triển khai một lực lượng hùng hậu gồm cảnh sát và bộ phận an ninh chống biểu tình và lật đổ tới thị trấn trong đợt biểu tình hồi tháng 5, sắc lệnh chính quyền địa phương mới nhất, được ban hành trong tháng 6, nhấn mạnh công việc Hán hóa thánh đường Najiaying sẽ hoàn tất trong vòng 6 tháng. Các quan chức ghé từng nhà các gia đình địa phương người Hui để ép họ ký cái gọi là các biểu mẫu thỏa thuận cho việc phê chuẩn “trùng tu” ngôi thánh đường.

Tham vọng của Tập sẽ không dừng ở việc chuyển đổi phong cách kiến trúc. Có khả năng cao nhà nước sẽ phân loại chức danh giáo sĩ qua tiêu chí (hoặc tẩy não họ để dần tin vào) sự nhất thiết trong việc Hán hóa đạo Hồi, bảo đảm rằng những giáo sĩ bị tiêm nhiễm chính trị này sẽ thuyết giảng giáo lý qua phương thức cũng cố chủ nghĩa xã hội và các giá trị văn hóa người Hán. Chính phủ sẽ kìm kẹp việc thực hành tôn giáo và văn hóa đối với đa số tín đồ đạo Hồi, chẳng hạn như duy trì thói quen thực hành đức tin, mặc áo choàng rũ, và học tiếng Ả Rập. Động thái này có khả năng sẽ đưa đến việc phát triển hơn nữa tính đồng nhất đạo Hồi tại Trung Quốc, phục dựng truyền thống han kitab của một phiên bản đạo Hồi Trung Quốc. Bằng cách này, chiến dịch Hán hóa sẽ chia tách đạo Hồi Trung Quốc ra khỏi thế giới Hồi giáo rộng lớn hơn.

Chủ trương đó được xem như một sự hà hơi tiếp thêm sinh lực quyền lực mềm Trung Quốc. Chiến dịch Hán hóa quyết liệt đầy tương phản với đề xuất hồi tháng 3 của Tập vì một “sáng kiến văn minh toàn cầu”. Theo Tập, sự khoan dung, sự chung sống, trao đồi và cùng chia sẻ giữa các nền văn minh khác nhau đóng mọt vai trò không gì thay thế cho phép nhân loại đạt được sự tiến bộ và thịnh vượng. Nhưng sự biểu hiện với các nền văn minh khác nghe sao tình cảm nồng nàn quá đỗi, còn các dân tộc trong biên giới Trung Quốc nghe sao quá lạ tai. Khi tận mắt chứng kiến các thị trấn và các cộng đồng Trung Quốc, nhắc lại nguồn cội Hồi giáo tại Trung Đông nghe thật não lòng.    

Có một dạo khi Trung Quốc cố thuyết phục thế giới họ xứng đáng đứng vào hàng ngũ xứ sở của một “nhà nước-văn minh”, tuy nhiên các chiến dịch văn hóa của họ có thể tổn hại thanh danh họ và ảnh hưởng của họ trong thế giới Hồi giáo càng yếu đi. Và nó có thể gây ra phản ứng ngược tại cư dân địa phương Trung Quốc; đề án Hán hóa của Tập đe dọa một sự chia tách văn hóa giữa người Trung Quốc và người Hồi giáo tại các nước láng giềng có đông đảo người Hồi giáo tại các nước Nam Á và Đông Nam Á.

Bên cạnh những tác động có thể xảy đến trên trường quốc tế của Trung Quốc, chiến dịch có rủi ro làm nghèo đi tính đa dạng của xã hội Trung Quốc trong nước. Chương trình Hán hóa cưỡng ép của Tập thể hiện sự từ bỏ ý niệm duo yuan yi ti (đoàn kết đa nguyên) trong lối tiếp cận nhà nước do người Hán cầm cương trong mối quan hệ với các nhóm thiểu số sắc tộc khác. Thay vào đó, chủ nghĩa đa nguyên đang dần trở thành mục tiêu thứ yếu so với mệnh lệnh đoàn kết cấp thiết, với di sản văn minh người Hán là khuôn vàng thước ngọc trong hệ thống đảng-nhà nước. Đề cao tính ưu việt về văn hóa người Hán như thế chỉ tổ làm lộ ra tính phức tạp của Trung Quốc và xem nhẹ tính quốc gia – châm ngòi cho nỗi bất mãn, bất đồng và kháng cự đối với những người mà nhà nước quyết trừ tiệt văn hóa cho kỳ được.


Về tác giả:

HAIYUN MA là phó giáo sư lịch sử tại trường Frostburg State University.
I-WEI JENNIFER CHANG là nhà Trung Quốc học tại Viện Exovera. 

https://www.foreignaffairs.com/china/last-minarets-yunnan-muslims-nationalism

Bình luận về bài viết này