Tử hình bọn tham nhũng có phải xài “luật rừng” không?

tham-nhung            

Nguyễn Văn Nghệ

   Sau khi bài viết ‘Tội rất nặng nhưng hình phạt rất nhẹ” của tôi đăng trên trang Web Nghiên cứu lịch sử và trang Facebook Nghiên cứu lịch sử đã có một số độc giả viết bình luận. Trong đó độc giả Nguyễn Duy Minh viết trên trang Facebook: “Hổ vồ lợn trông oai hùng, chó cắn gà đập chả tha” khiến tôi nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn mà tôi đọc từ hồi còn bé nhưng nay đã quên tên câu chuyện: Cách nay rất là lâu, ông Trời giáng xuống một cơn dịch bệnh, làm muông thú chết rất nhiều. Sư tử là chúa sơn lâm, bèn triệu tập muông thú lại để tự thú tội lỗi của mình, hầu mong ông Trời nguôi ngoai cơn giận chăng? Sư tử với tư cách là chúa sơn lâm, đứng ra tự thú tội trước tiên: Tôi cũng thường bắt thú khác xé xác để ăn thịt. Kế đến là hổ, báo, lang, sói…lần lượt tự thú tội mình. Cuối cùng là con cừu đã tự thú tội mình: Một hôm nọ tôi đi ngang cánh đồng lúa, tôi đã ăn vài bụi lúa của người nông dân nọ. Sau khi nghe con cừu tự thú tội xong, muông thú đều đồng loạt kết án, do tội của con cừu mà ông Trời mới giáng tai họa xuống cho muông thú. Thế là muông thú quyết định giết con cừu để tạ tội ông Trời.

   Sư tử, hổ, báo, lang, sói… xé xác thú khác để ăn thịt thì không sao, còn con cừu chỉ ăn vài bụi lúa của nông dân lại bị làm vật tế thần!

  Cuối bài viết ấy tôi đã viết: “Nếu ‘tội chí trọng nhi hình chí khinh’ (tội rất nặng mà hình phạt rất nhẹ) như hiện nay thì việc chống tham nhũng khó lòng mà có hồi kết. Campuchia đã bãi bỏ án tử hình, Việt Nam vẫn còn duy trì. Tại sao ta không tử hình vài đứa ‘ăn dày’, ‘ăn trên lưng’ mọi người để những kẻ khác ‘trông thấy sờn lòng’”[1]

   Với đề nghị tử hình bọn tham nhũng, nên độc giả Phat viết  bình luận trên trang Web Nghiên cứu lịch sử ngày 15/10/2021: “Tác giả nói thì hay nhưng thật ra luận điệu y chang luật rừng, tác giả tôn trọng luật pháp thì viện dẫn ra luật nào đủ để kết tội mấy ông này tử hình giùm cái?? Nếu chỉ vì bức xúc hay để vừa lòng số đông mà tử hình thì chả cần luật pháp làm gì?? Mà nếu làm vậy không khéo tác giả lại nói làm màu hay thanh trừng dã man nội bộ không có tình người?? Nhắc cho tác giả nhớ miền Nam Việt Nam từng có một ông tổng thống từng được xử luật rừng giết ngay tại chỗ đấy”[2]

   Ngày 13/6/2018 khi thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Bắc Việt của tỉnh Ninh Thuận phát biểu: “Tham nhũng cũng như sâu, cỏ đối với cây trồng, đối với sự phát triển. Đối với sâu, cỏ thì phải nói diệt chứ không nói chống”[3]

   Trước đó vào buổi chiều ngày 26/5/2015 trong buổi thảo luận về Bộ Luật Hình sự sửa đổi, đại biểu Quốc hội của TP HCM là Đỗ Văn Đương phát biểu: “Phải cứng rắn như lửa đỏ để cho người phạm tội sờ vào thấy sợ và những người khác không dám lăm le. Đấy mới là Luật Hình sự”[4]

   Cũng trong buổi thảo luận ấy, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung- Giám đốc Công an Hà Nội phát biểu: “Ta thử suy nghĩ, người nghèo, những người không có điều kiện về dân trí, họ không có điều kiện để sinh sống, đi buôn ma túy vẫn bị án tử hình. Người có học hành, am hiểu pháp luật, được giáo dục lại tham ô, tham nhũng mà thoát án tử hình thì có điều gì đó không công bằng ở đây”[5]

    Nên biết “Phạt nặng không có nghĩa là tàn bạo hay ác nghiệt, vì mục đích của việc phạt nặng không đơn giản là phạt mỗi người phạm tội, mà nó còn có tác dụng giết gà dọa khỉ, để cho những người sau lấy đó làm bài học, sợ phải chịu hình phạt đó nên không dám phạm tội. Đây có thể coi là một thủ đoạn chấp pháp rất hữu hiệu và cũng rất đáng để làm theo”[6].

   Ngày 21/10/2021 độc giả Năng Giả đã trích dẫn Đại Việt sử ký toàn thư Trần Anh Tông- Hoàng đế kỷ [Năm Hưng Long thứ 4, tuế thứ Bính Thân, 1296]: “Nhân Huệ vương tên là Khánh Dư từ trấn Bài Áng[tên thái ấp] vào chầu [ở thành Thăng Long]. Người trấn ấy tố cáo Khánh Dư tham ô, quan Hành khiển đem chuyện ấy kể cho nhà vua biết. Khánh Dư nhân đó tâu rằng: “Tướng như chim ưng, quân-dân như con vịt. Lấy vịt để nuôi chim ưng thì có gì lạ đây!”. Nhà vua không vui, Khánh Dư liền về. Bấy giờ Khánh Dư vào chầu, ở lại không quá 4 ngày thì quay về, có lẽ là sợ ở lại lâu thì bị nhà vua trách phạt vậy”. Độc giả Năng Giả đã bình luận: “Từ xưa đã có chuyện nương tay hoặc bao che cho nhau của giới chính trị chính quyền rồi. Giới chính trị, chính quyền có ai lại đi bẻ hết móng vuốt chim ưng của mình đâu”[7]

   Qua lời bình luận của Năng Giả cho thấy giới chính trị, chính quyền nay cũng giống như giới chính trị, chính quyền xưa là bao che cho thuộc cấp đồng đảng của mình. Ngày 12/12/2020 tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng được tổ chức trực tuyến với khoảng 5000 đại biểu. trong đó điểm tập trung là hội trường Bộ Quốc phòng với sự tham dự của khoảng 700 đại biểu cùng với đó là 82 điểm cầu ở tất cả các tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Thái Học- Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đã phát biểu: “Có công thì thưởng, có tội thì phải xử lý nghiêm, không ai được đứng trên pháp luật và không ai đứng ngoài pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”[8]

   Nếu ở Việt Nam lâu nay thực hiện đúng như phát biểu của ông Nguyễn Thái Học thì ông Nguyễn Đức Chung đã không có phát biểu về án tử hình đối với cán bộ tham nhũng!

  Độc giả Phil Nguyễn viết bình luận trên Facebook Nghiên cứu lịch sử sau khi đọc bài “Tội rất nặng nhưng hình phạt rất nhẹ”: “Vấn đề không đơn giản thế đâu. Xưa Minh Mạng xử tử được vì hệ thống là chuyên chính tập quyền. Còn nay nó là phân quyền, không ai có quyền lực tuyệt đối cả, everyone connects everyone, các nhóm chia sẻ quyền lực và lợi ích. Họ cũng biết rõ nếu cắn nhau thì chỉ có tự họ bị thiệt, nên giằng co vừa đủ ở thế cân bằng, đủ có tuồng cho dân xem thôi”.

   Khi nào chính quyền Việt Nam thực hiện đúng phương châm “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” thì khi ấy tuồng “chống tham nhũng” mới có hồi kết.

                                        


Chú thích

[1][2][7]- nghiencuulichsu.com/2021/10/15/toi-rat-nang-nhung-hinh-phat-rat-nhe/

[3]- mattran.org.vn/tin-tuc/tham-nhung-nhu-sau-phai-diet-chu-khong-chong-12740.html

[4][5]- vietnamnet.vn/thoi-su/tuong-chung-tham-nhung-thoat-an-tu-hinh-thi-khong-cong-bang-239485.html

[6]- caotang.vn/han-phi-tu-muu-luoc-tung-hoanh-dung-hinh-phat-tieu-tru-hinh-phat-phat-nang-nhung-nguoi-pham-toi-nhe-643514—2

[8]- tuoitre.vn/phong-chong-tham-nhung-khong-co-vung-cam-bat-ke-la-ai-20201212081525191.htm

3 thoughts on “Tử hình bọn tham nhũng có phải xài “luật rừng” không?

  1. Toàn Đường thi

    君之堂兮千里遠,君之門兮九重閟.
    君耳唯聞堂上言,君眼不見門前事。
    貪吏害民無所忌,奸臣蔽君無所畏。
    Chốn công đường của chính phủ ở xa xôi nghìn dặm, cánh cửa của công đường đóng kín chín lớp.
    Chính phủ chỉ nghe báo cáo giấy tờ ở trên công đường, chính phủ không nhìn thấy việc thực tế ở ngoài công đường kia ra làm sao.
    Bọn quan lại tham ô hại dân không chút kiêng dè gì, bọn sai nha gian manh che mắt chính phủ không mảy may sợ hãi gì.

    __________________

    Vậy nên:

    Luận ngữ

    篤信好學,守死善道。危邦不入,亂邦不居。天下有道則見,無道則隱。
    Dốc lòng tin chăm chỉ học đạo, dù có chết cũng giữ cái đạo [của thánh nhân là nhân nghĩa lễ trí tín]. Nước nguy không vào. Nước loạn không ở. Thiên hạ có đạo thì ra làm quan. Thiên hạ vô đạo thì đi ở ẩn.

    ______________

    Chính phủ hủ bại thối nát thì không phải ngày một hai mà thay đổi được. Đó là việc của quan chức.

    Còn kẻ đọc sách thì chỉ cần giữ sự thiện lương thì trời xanh tất tự có an bài tốt nhất.

    Thích

  2. 1. Nhân tướng khác với quỷ tướng, quan nhân khác với quan quỷ, cho dù, chúng hô khẩu hiệu kiểu gì đi nữa thì trong chế độ do bọn quan quỷ cầm quyền thì dân chúng vẫn là kẻ bị trị mặc dù được khoác cái áo “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”, rất vĩ đại và hoành tráng.
    2. Dưới chế độ của đám quan quỷ cầm quyền thì chống tham nhũng chỉ là lấy lại quyền ăn cắp từ tay thằng này để trao cho thằng khác mà thôi, dân chúng hãy run sợ hơn khi có một thằng nào đó khi nhậm chức thề “vì dân…..”, vì, cái lời thề của nó được lót đường bởi mọi thứ bẩn thỉu nào đó, và bởi lời thề đó nhận ra rằng “tiền ở ở trong dân còn rất nhiều!”

    Thích

  3. Tôi hết sức thận trọng và cảnh giác với các bài viết về Lịch Sử của Nguyễn Văn Nghệ.
    Người này mạt sát cụ Phan Khôi, khi cụ ca ngợi nhà văn Lỗ Tấn.
    Lỗ Tấn là nhà văn lớn của TQ, đổng thời nổi tiếng thế giới vì các tác phẩm của ông vạch ra những bất cập của xã hội Trung Quốc (rất nhiều tư liệu để chúng ta tra cứu).
    Lỗ Tấn chết rất lâu trước khi ĐCS TQ giành được chính quyền. Nghĩa là ông chẳng dính dáng gì tới CS. Trong khi Phan Khôi từng ví CS như cây “chó đẻ” mọc hoang tàn, rất khó triệt hạ.
    Cụ Phan ca ngợi Lỗ Tấn chẳng có gì đáng phê phán.

    Thích

Bình luận về bài viết này