Bước đầu tìm hiểu trống đồng Cổ Chiên

1

Trống đồng Cổ Chiên. Hình: Xuân Phúc.

Phong Lâu

Trống này do ông Nguyễn Minh Thành (ngụ khóm Tân Vĩnh, phường Trường An, thành phố Vĩnh Long) lúc chài lưới bắt cá, vớt được từ sông Cổ Chiên (đoạn giữa Cồn Chim thuộc phường Trường An – TP Vĩnh Long và cù lao An Bình- huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), vào tháng 2/2020. Chúng tôi tạm gọi là trống đồng Cổ Chiên.

Mặt trống Cổ Chiên có đường kính 78cm. Trang trí ở giữa mặt trống là hình mặt trời có 12 tia, xen giữa các tia mặt trời là những họa tiết hình tam giác; rìa mặt trống có 4 khối tượng cóc. Mặt trống khá nguyên vẹn, hoa văn còn sắc nét, tang trống có nở phình, thân trống bị vỡ còn khoảng 1/3 thân. Không thấy chân trống. Trống hiện lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.

23456

Dòng sông Cổ Chiên – một thủy lộ quan trọng của vương quốc Phù Nam

Sông Cổ Chiên dài khoảng 82 km, là một nhánh lớn của sông Tiền; đổ ra Biển Đông theo cửa Cung Hầu và cửa Cổ Chiên, là hai trong chín cửa của dòng sông Cửu Long. Đầu năm 2017, trên dòng sông Cổ Chiên từng vớt được tượng nữ thần Saraswati. Pho tượng cổ phát hiện trên sông Cổ Chiên có chiều cao 140cm, phần thân tượng cao 113cm, làm bằng đá sa thạch, nặng hơn 100 kg; thuộc dòng văn hóa Óc Eo, có niên đại từ khoảng thế kỷ VI đến thế kỷ VII.

7

Nữ thần Saraswati là một vị thần trong Ấn Độ giáo. Phát hiện này cho thấy sông Cổ Chiên từng là một thủy lộ giữa khu vực Tây Nam bộ với các nước Đông Nam Á, kể cả Ấn Độ. Ở chiều kích ngược lại, Cổ Chiên là thủy lộ được cư dân nền văn hóa Óc Eo dùng liên hệ với nền văn hóa Đông Sơn là một nhận định hoàn toàn khả dĩ. Dưới lòng sông này cũng từng vớt được thuyền độc mộc cổ, hiện trưng bày ở Bảo tàng Vĩnh Long.

8

Từ thế kỷ I – VII, Phù Nam từng là một quốc gia phát triển mạnh về kinh tế biển ở vùng Đông Nam Á. Theo lịch sử vùng bờ sông Cổ Chiên, cư dân từng sinh sống vùng này thuộc nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Ngay từ thế kỷ I, về phía hạ nguồn dòng sông Cổ Chiên thuộc địa phận huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) ngày nay, đã hình thành một trung tâm đô thị gọi là Thành Mới thuộc nền văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam. Những di chỉ Phù Nam phát hiện ở Vũng Liêm không nhiều như vùng Gò Tháp (Đồng Tháp), nhưng qua những đợt thám sát và khai quật những năm 2000 ở Vũng Liêm đã chứng tỏ người Phù Nam đã sinh sống trong khu vực Thành Mới ở gò Cây Me (ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp) và giáp ấp Bình Thạnh (xã Trung Hiếu) từ trước thế kỷ I kéo dài đến thế kỷ VII.[1] Năm 1944, nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret đã đến nghiên cứu Thành Mới và mang về Saigon nhiều hiện vật quý.

Trống đồng Đồng Nai

Theo chúng tôi, trong hệ thống thủy lưu nền văn hóa Óc Eo có sông Đồng Nai, trước đây đã từng vớt được trống đồng Heger loại II ở dòng sông này. Nếu nhìn sông Đồng Nai trên tổng thể hệ thống thủy lộ của nền văn hóa Óc Eo – thay vì xét tách biệt sông Đồng Nai chỉ thuộc trong nền văn hóa Đồng Nai – thì nhận định về sự có mặt của trống đồng Heger loại II trên sông Đồng Nai sẽ sáng tỏ hơn. Đồng thời, sự có mặt trồng đồng Cổ Chiên được kết hợp với trống Đồng Nai (tạm gọi) sẽ hỗ trợ thêm cho luận điểm: Văn hóa Đồng Nai là cội nguồn bản địa của văn hóa Óc Eo.[2]

Ngoài ra, cần trình bày thêm liên quan về trống Đồng Nai như sau: một khi đã công khai triển lãm (‘Cổ vật từ các dòng sông Nam Bộ’, tháng 12/2008, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Saigon, Nguyễn Bỉnh Khiêm) và lập hồ sơ nghiên cứu, lai lịch chiếc trống này cần được công bố rộng rãi hơn.

Kết luận

1/ Giống như tượng nữ thần Saraswati, trống đồng Cổ Chiên không phải là vật chế tác bản địa mà là vật phẩm từ phương xa đến. Chúng đã lưu lại dưới lòng sông Cổ Chiên bởi những những biến cố bất thường trong quá khứ. Cần biết rằng, Andreas, Vin, và Seng (2009) từng đề cập đến hệ thống trao đổi trống đồng (bronze drum network) và hệ thống trao đổi đồ vàng (golden network) ở châu Á những thế kỷ trước và sau Công nguyên. Do đó, sự có mặt của các vật phẩm “ngoại nhập” là điều bình thường trên dòng sông Cổ Chiên.

2/ Bằng phương pháp so sáng đối chiếu, bước đầu chúng tôi nhận thấy như sau:

2.1 Căn cứ trên quai: có 4 quai kép, một đầu được gắn vào tang trống, đầu còn lại gắn vào thân trống: trống Cổ Chiên thuộc dòng trống Đông Sơn.

9

10

2.2/ Mặt trống Cổ Chiên: có hình người nhảy múa gắn lông chim trên đầu, có trang trí vành chim lạc. Các tia mặt trời mảnh, không mập.

Căn cứ theo cách phân loại của Viện Khảo Cổ Học Việt Nam, dựa trên sự phân bố của những hình khắc và hoa văn trên trống, chúng tôi xác định bước đầu trống đồng Cổ Chiên thuộc trống đồng Đông Sơn nhóm C.

Do trống bị mất chân, thân bị vỡ nên chúng tôi không xác định rõ được trống Cổ Chiên thuộc loại nào của Heger. Tuy nhiên căn cứ vào hình dáng tang trống, thân trống, hình khối cóc – chúng tôi cho rằng trống đồng Cổ Chiên thuộc loại I Heger nhóm muộn.


[1] Ngọc Trảng-Phương Thư, 2019.Vĩnh Long “góp mặt” buổi bình minh vùng đất Nam Bộ”. Vĩnh Long Online. 29/10. Accessed Jun. 08, 2020.

http://www.baovinhlong.com.vn/van-hoa-giai-tri/201910/nhung-tang-tram-tich-van-hoa-o-vinh-long-2971057/#.Xt3S3Od7mUk

[2] Nguyễn Thị Hậu, 2014. “Văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai : Tương đồng và khác biệt”. Diễn đàn Forum. Accessed Jun. 08, 2020.

https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/van-hoa-dong-son-va-van-hoa-dong-nai-tuong-dong-va-khac-biet

 

Bình luận về bài viết này