Về bản tấu Xử Trí Nam kỳ Lục Tỉnh Tấu Nghĩ của Trần Sơn Lập

namkyluctinh1841-1862.jpg

Việt Anh

Trần Sơn Lập 陳 山 立 (1809-1878) là một cái tên không mấy quen thuộc trong số các tác gia Hán Nôm Việt Nam thế kỷ XIX. Ông thuộc dòng họ Trần định cư tại vùng đất bảy làng Canh cổ, nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Ông tổ của họ Trần nguyên quán ở miền Khoái Châu, đến khoảng thế kỷ XIV – XV thì chuyển lên lập nghiệp tại làng Hoàng Bảng vùng Canh, sau làng Hoàng Bảng gộp với làng Kim Bảng thành tên Kim Hoàng. Kim Hoàng chính là nơi làm ra một loại tranh dân gian đặc sắc, sánh cùng Đông Hồ, Hàng Trống trở thành bộ ba tranh dân gian nổi tiếng một thời ở xứ Bắc. Dòng họ Trần ở đây, trước đã có Trần Hiền 陳 賢 đỗ Đồng Tiến sĩ đời vua Lê Thuần Tông (1733), từng có Trần Bá Lãm 陳 伯 覽 đỗ Đệ nhất Chế khoa (tương đương Hoàng giáp) đời vua Lê Chiêu Thống (1787), lại có Trần Bá Kiên đỗ Giải nguyên trường Sơn Tây trong kỳ thi Hương đầu tiên (1807) của triều Nguyễn. Trần Sơn Lập là con trai thứ của Trần Bá Kiên, gọi Trần Bá Lãm là ông nội, gọi Trần Hiền là cụ nội.

Trần Sơn Lập nguyên húy là Chân 真, tự là Phong Chương 豐 彰, có hiệu là Thứ Trai 次 齋, sau mới đổi tên thành Sơn Lập. Chuyện nhà kể rằng, ông được đặt tên là Chân bởi ông sinh ra khi cha ông làm Tri huyện huyện Nam Chân (nay thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ông đỗ Cử nhân đời vua Tự Đức (1855), từng được bổ chức Huấn đạo ở các huyện Quế Dương, Võ Giàng (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh); chức Giáo thụ ở phủ Quảng Hóa; từng làm Tri huyện ở Đông Sơn (Thanh Hóa), và Tùng Thiện (nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây). Trần Sơn Lập được thăng Đô Sát viện Lễ khoa Cấp sự trung năm 1865 và ở chức quan này trong vòng hai năm. Chính ở cương vị đó, ông đã soạn một bản tấu dâng triều đình về việc xử trí sáu tỉnh Nam kỳ trong tình thế thực dân Pháp đang ngày càng lấn lướt hòng thôn tính đất đai miền Nam nước Việt. Bản tấu này được con cháu dòng họ Trần ở Vân Canh chép trong Thứ Trai văn tập hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Cùng với văn tập, tác phẩm của Trần Sơn Lập còn có cả thi tập và đối thảo tập. Bên cạnh văn chương thù tạc vịnh tả, bản tấu về vấn đề trọng điểm của nước nhà vào nửa cuối thế kỷ XIX là sự thể hiện trách nhiệm của công chức là sự biểu hiện năng lực của nhân sĩ trí thức trong xu thế thời đại đang biến động.

Xin được giới thiệu nguyên văn phần phiên âm và dịch nghĩa bản tấu này sau đây:

Phiên âm:

XỬ TRÍ NAM KỲ LỤC TỈNH TẤU NGHĨ

Tấu:

Nam kỳ lục tỉnh, hệ quốc gia long hưng chi địa, hiền tài đa do thử xuất, phú thứ giáp ư tha châu, ngã bang nhất đại đô hội xứ dã. Nãng giả dương di hợp đảng cấu biến, kinh tứ ngũ niên, lục tỉnh chi dân thiên thụ kỳ hại. Triều đình nghị tòng yêu thỉnh hòa hiếu tức dân. Cái bất dĩ kỳ sở dĩ dưỡng nhân giả hại nhân, tư tâm tức Chu Thái vương tỵ Địch khử Mân chi nhân tâm dã. Bỉ ký ngoại cứ kỳ tam tắc hổ phệ lang thôn; kỳ nội chi tam dĩ hữu tất bất khả thủ chi thế. Tư bỉ ngoan giảo bội minh phục cầu tính quản; niệm kỳ sài lang chi tâm ký bất khả dĩ ân tín kết; nhi giảo hoạt chi thế diệc vị khả dĩ binh lực trừ. Lượng thời đạc lực, tốn dĩ hành quyền, thời nghĩa ư đương nhiên dã. Nhiên nhi nhân dân thổ địa thụ chi quyết sơ, tuy quyền nghi cẩu tế vu nhất thời, tất tư tập dĩ đối vu thiên hạ. Phương kỳ thủy dữ chi tế, tảo vị chung thu chi mưu. Hữu chí giả sự cánh thành, thị diệc kỳ cơ chi đáng nghiên dã.

Thiết văn: lục tỉnh chi dân suất đa hiếu nghĩa. Tức như dương sư thượng sơ bá chiếm, viêm hốt chấn đãng, mạc cảm thuỳ hà; nhi hào cường củ hợp dữ bỉ kháng hành, huỷ đồng trù pháo, triệt sản vi lương. Dân khí dĩ khả khái hiện, tế đại sự giả tại nhân tâm. Nhân kỳ cố hữu phủ nhi dụng chi, lục tỉnh chi nhân tâm vị vong tắc lục tỉnh chi thổ địa do hữu khả phục chi nhật hỹ. Bất nhiên thổ địa ký ủy chi tha, chí kỳ nhân dân hựu vô nhất sách vi chi duy trì điều hộ tắc hướng nghĩa chi tâm cửu nhi hoặc trở; chung thu chi kế phục tương hà sở thị tai. Vị nghi cập kim tam tỉnh do vi quốc gia sở hữu hiệu lệnh đắc hành, tức ưng mật hành phi sức thủ thổ chi quan, các ư sở hạt tùy thế dũ dân, thị dĩ triều đình quyền nghi chế biến, cái bất đắc dĩ nhi hàm nhẫn dĩ sĩ thời, nguyên vô khinh khí kỳ dân đẳng đại ý. Mật vi chi ước, thử hậu nhược năng tương suất vi nghĩa tắc Bình Định dĩ bắc, triều đình tất lượng lực nhi xử chi. Vụ nông mẫu giả lượng thụ điền trù. Hữu tài lược giả giản liệt quan sứ. Chí nhược trùng thiên an thổ thính kỳ tự tại, nhưng khuyến mật tương củ hợp, niệm loạn dĩ đồ tồn, loại như tạc nhật nghĩa dân đẳng bối chi sở dĩ hành. Hựu mật mộ phương thuật chi sĩ sử dữ gián cư, tùy cơ sĩ thế, hoặc thiêu kỳ tích tụ, hoặc tàn kỳ bằng đồ, đam độc dĩ cổ kỳ tâm, kích thích dĩ tàn kỳ mệnh. Thả khả tẩm tích ưu nhụ thâm nhập chi, sử bỉ chi khả tín. Nhiên hậu duy ngô cho sở dục vi. Phàm khả dĩ quyết bỉ chi thế, chí bỉ chi lao giả các nghi phấn bất cố thân dĩ lánh sĩ triều đình chú thác. Phù như thị tắc quy nghĩa chi dân, phân cư yếu hạt, ký túc tăng tráng ngã chi phiên cán, nhi tự tại chi chúng địch khí tiêm cừu diệc năng vi bỉ phúc tâm chi đố. Bỉ kiến lục tỉnh chi dân đới quân duy cựu tắc chu trung địch quốc, tưởng dĩ mặc nhiên tâm hàn; nhi dân tâm chi bất khả sử tắc địa bất khả cư; tham giảo chi tình diệc bất đắc bất phản nhi tự lượng hỹ.

Ngã tắc tuân dưỡng thời hối, dưỡng dân dĩ cường binh, thừa thời nhi động, tướng cơ nhi vi, suất tôn quân thân thượng chi dân, phụ chi dĩ hoài thổ tư hương chi sĩ. Nghĩa thanh ký chấn, hưởng ứng tất đa, tắc luân cương khôi phục chi kỳ hữu khả bốc hỹ. ức hựu tư chi, dũ dân ư kim nhật cố đáng như tiền chi sơ trần; nhiên quy bỉ chi hậu phi hữu phẩm vọng tài khí giả vi chi chủ trương tắc sự quá ý tức, thử chí hoặc hôi, nguyên nguyên chi tâm vị tất bất cửu nhi hoặc giải dã. Thiết thường ám khuy quan tịch, kỳ quán ư lục tỉnh; phàm lục bách dư nhân. Tựu trung trạch kỳ trạng mạo phong hậu, tài trí dĩnh xuất, dữ phàm cẩn mẫn hữu tâm cơ giả, mật hành phỏng sát, lượng kỳ năng vi, tắc gia chi phẩm trật, hậu dĩ tư tài, dương vi biếm truất, lục tục nhi quy, khiển chi sử chi phục hồi cố thổ, ám củ đồng cừu, duy trì hiếu nghĩa chi dân tâm, kinh lý đương vi chi thiện sách. Cơ nhi kiến khả, tiềm dĩ thượng văn, lý ứng ngoại hợp chi cơ, tưởng diệc đắc thắng toán dã.

Nhất ngôn hồ giản binh

Nhi Bắc kỳ chi binh đa vi vô dụng giả, hà dã? Cái Bắc kỳ giản binh lệ thủ đa đinh cường phú; nhi vô lại đệ tử giả tuy khu tài tráng đại diệc dĩ sản thiển đinh đơn, bất trúng giản duyệt. Phù phú giả đa dịch hoài thổ nhi thâu an; bần giả vô dĩ tự tồn tắc cùng nhi vi lạm. Cố phàm lệ binh tịch giả đa thị phú ư tư tài, bình nhật tắc hối lộ quản quan hồi gia tác nghiệp, hữu sự trưng phát tắc cố tá đính đại cẩu tỵ phiền lao. Hựu thả tư lập khoá trình, hạn mãn hồi tịch, gián hữu bần hàn lệ ngạch tắc ngưỡng chi nguyệt hưởng, bất túc dĩ thiệm kỳ gia. Triêu thế mộ đào thế phi đắc dĩ. Cầu kỳ an tâm hành ngũ, thao diễn tri phương giả thập bất đắc nhất. Thị dĩ binh số tuy đa nhi tổng quy vô dụng. Chí ư vô lại chi đồ vô sở tư ngưỡng, doanh doanh sở đắc, hựu thả cấp dĩ dưỡng binh, tuế nhất bất đăng toại tương tụ nhi vi đạo. Tòng lai chi tệ lịch tại kiến văn. Thiết tưởng giản binh chi lệ bất tắc chuyên thủ phú cường. Phàm bần cùng cô độc nhi thân thể cương nghị giả giai khả giản chi; tại quan tắc chiếu thường cấp hưởng dĩ tư kỳ thân; tại dân tắc lượng chuẩn phú thất chi điền, thập thủ kỳ nhất, cấp vi khẩu phần, mỗi binh tam mẫu, sử dụng dĩ thiệm kỳ gia. Tráng tuế tòng quân, đáo lão nhi thải. Phù như thị tắc phú giả phân sản dĩ tư binh, bất quá thích như hối lộ quản quan phóng hồi chi trị; nhi an cư nông mẫu đắc dĩ phục sắc nhi lực điền. Vô lại tử đệ thúc chi vi binh, thân gia các hữu sơ tư tắc hành ngũ khả dĩ thê thân, bất chí thất sở nhi vi đạo. Lư diêm vô thâu thiết chi hoạn, hàng ngũ hữu tuế nguyệt chi an. Xích tịch thường sung, gian đồ bất tác. Phù nhiên hậu tỷ chi thập ngũ thời gia giản giáo, kỳ sĩ dũng nhi kỹ tinh giả thăng chi thượng quân, ưu kỳ lẫm thực, tác hưng cổ lệ, sử khả tức nhung nhi binh vi hữu dụng chi binh hỹ.

Nhất ngôn hồ trưng lương

Tòng lai công điền tư điền, thuế hữu định ngạch. Hạ vụ đông vụ, trưng hữu định kỳ. Nhiên đà khiếm giả đa, thôi đốc lao khổ, tắc dĩ hào cường chi tệ tích tập ký thâm; hoặc ẩn lậu mẫu sào, canh đa nạp thiểu; hoặc tiện nghi bá chiếm, bội quả ích đa. Tổng lý tại kỳ hạ lưu , lại ty duyệt kỳ xu sự. Cố kỳ điền liên thiên mạch giả, phân thu tiển khắc thủ doanh nhi cẩu hữu nhiêu bạc chi điền, tắc đa thủ bất tri kỷ bội. Hựu hoặc bất thu dân túc, cạnh mậu giá lương, túc giá đằng ngang, đăng thâu trì trệ.

Thiết tưởng kim nghi phỏng cổ tỉnh điền chi ý, lượng chiếu dân gian tư điền, thập phần nhi thủ kỳ nhất, trạch kỳ địa lực phì ốc, thủy hạn bất năng vi tai giả, liên mẫu nhi thủ chi; bán hạ bán thu định hữu thường xứ, như nhất xã chi trung hữu tư điền tam bách mẫu tắc thủ kỳ tam thập mẫu dĩ vi công điền. Lý trưởng giả suất kỳ dân chi hữu ngưu canh điền khí giả, tính lực nhi canh giá chi. Ký thực nhi thu tức dĩ đăng nạp. Tòng lai điền cốc sở nhập, kỳ trung thục giả diệc đắc mỗi sào tam ky, lượng đương lục thập quan đồng bát, tắc lượng thu mỗi sào thành túc nhất hộc; kỳ dư thính do lý trưởng lượng hoàn canh công. Kỳ thử ngoại tư điền bất phục canh trưng kỳ thuế. Duy nguyên hệ quan điền giả chiếu thủ như sơ. Như thử tắc tại dân điền địa tuy hữu nhất thời quy thủ chi phiền, nhi thế nghiệp sở canh vĩnh hữu vạn thế quyên tô chi lợi. Hào cường bất đắc dĩ ẩn lậu bá chiếm, hạ hộ bất chí hữu xưng đại ích doanh. Quốc khoá tảo hoàn, trưng thôi sự giản. Thả như tư điền thuế ngạch, điền hữu nhất đẳng nhị đẳng tam đẳng chi phân, nhi tam đẳng du di, đại suất tam bách mẫu chi điền, nhị vụ chỉ trưng nhị bách hộc thượng hạ. Kim nhi quy vi công điền tắc tam thập mẫu sở thu, nhất tuế khả đắc tam bách hộc. Thuế ngạch ký tăng, dân diệc vô khốn. Chí ư tư điền bất phục trưng thuế tắc dân tài nhật dụ nhi xã thương lạc quyên chi chính, khả dĩ thứ đệ cử hành, chẩn tuất hàm tư, phong hung hữu bị. Nhi trưng lương chi chính ư tư thiện hỹ.

Hữu xử trí Nam kỳ lục tỉnh tấu tính thôi binh trưng lương nhị điều giai Lễ khoa Cấp sự trung thời sở nghĩ dã.

Dịch nghĩa:

TỜ TẤU VỀ VIỆC XỬ TRÍ SÁU TỈNH NAM KỲ

Thần kính tâu rằng: sáu tỉnh Nam kỳ là đất dấy nghiệp của quốc gia, hiền tài có nhiều bậc xuất thân từ đó, sự giàu có hơn hẳn so với các miền khác. Đó là chốn đại đô hội của cả nước ta. Ngày trước, giặc Tây tụ đảng gây biến, trải bốn năm năm, dân sáu tỉnh đã chịu tổn hại. Triều đình nghị bàn xin hòa hiếu để an dân. ấy là bởi, không muốn cái nuôi sống người lại làm hại người, giống như tấm lòng nhân của Chu Thái vương tránh Địch trừ Mân đó. Bọn người kia đã chiếm được ba tỉnh bên ngoài với cái thói hổ báo ăn tươi nuốt sống, thì ba tỉnh bên trong đã ở thế không thể giữ. Nay chúng giảo hoạt bội thề, lại toan chiếm cả. Nghĩ rằng lòng dạ sài lang của chúng đã không thể kết lòng tin mà cái thế hung hãn giảo hoạt thì cũng chưa thể dùng binh để trừ. Tùy thời lượng sức, cân nhắc quyền nghi, ấy là làm theo nghĩa của chữ thời. Nhưng mà việc trao dân chúng và đất đai cho chúng dẫu là quyền nghi tạm cứu nhất thời, nhưng phải nghĩ để đổi lấy về cả thiên hạ. Ngay lúc ban đầu mới trao cho chúng cũng phải sớm mưu toan để cuối cùng lại thu về. Người có chí thì việc ắt thành, việc này có lẽ cũng đáng để suy xét kỹ. Trộm nghe: dân sáu tỉnh đa phần chuộng nghĩa. Đến như hồi quân Tây lúc đầu vào xâm chiếm, thế như gió cuốn, chẳng ai dám làm gì. Thế mà các bậc hào trưởng bừng bừng tập họp, đương đầu với chúng, nấu đồ đồng đúc súng, góp cơ nghiệp làm lương. Hào khí trong dân đà rõ mạnh, cứu vãn đại sự chính tại lòng người. Nhân vốn đã có, khích lệ mà dùng, lòng người sáu tỉnh chưa mất thì đất sáu tỉnh còn có ngày khôi phục. Không làm thế thì đất đai đành phó mặc cho người Tây, mà ngay cả nhân dân, nếu lại không có một kế sách nào để duy trì gìn giữ thì tấm lòng mộ nghĩa lâu dần sẽ nản. Kế khôi phục về sau sẽ trông cậy thế nào đây ?

Nay nói đến chuyện ba tỉnh, vẫn còn thi hành hiệu lệnh quốc gia; vậy hãy nên mật báo gấp cho các quan giữ đất, ở mỗi địa phương của mình, tuỳ thế khuyên dân, bảo cho biết triều đình tuỳ nghi ứng biến, thảy vì bất đắc dĩ mà nhẫn nhục đợi thời, chứ vốn không chủ ý bỏ mặc dân mình. Hãy bí mật kết ước, sau này nếu có thể dấy quân vì nghĩa thì từ Bình Định ra Bắc, triều đình nhất định sẽ lượng sức mà xử trí. Người làm ruộng thì xét mà cấp ruộng, người mưu lược thì cho dự hàng quan lại. Còn những ai muốn chuyển đến ở những vùng đất yên ổn thì cứ để thuận theo ý của họ, nhưng khuyên họ bí mật tụ họp, trong loạn lạc mà mưu tính tồn tại, như cách làm của nghĩa dân trước kia. Lại bí mật chiêu mộ thuật sĩ, sai trà trộn với người Tây, tùy cơ đợi thế, hoặc đốt phá kho tàng hoặc giết chết đồ đảng của chúng, đầu độc từ trong lòng chúng, kích thích sát hại lẫn nhau, cho đến khi đã quen thuộc, thâm nhập vào sâu, làm cho chúng tin. Sau đó tùy theo ý muốn của ta, nếu có thể thì bẻ gãy thế của chúng, làm cho chúng suy nhọc. Ai ai cũng cần gắng sức không nghĩ đến thân mình, để đợi giải pháp của triều đình. Như vậy, người ứng nghĩa nên chia ở các miền trọng yếu, đủ để tăng thêm vây cánh của ta; còn dân chúng tại chỗ thì nuôi chí căm thù ngấm ngầm gặm nhấm trong lòng địch. Bọn chúng thấy dân sáu tỉnh vẫn thờ vua như cũ, chung quanh đâu cũng hận thù, chắc rằng chúng sẽ run sợ. Lòng dân đã không sai khiến được, thì đất ở cũng chẳng yên. Thói tham lam giảo hoạt cũng không thể không cân nhắc lại. Ta thì tùy thời an dưỡng, nuôi dân để hưng binh, thừa cơ mà dấy, xét dịp mà làm, lôi kéo dân chúng biết tôn kính bề trên, tập hợp binh sĩ yêu thương đất nước. Nghĩa khí đà dấy lên, hưởng ứng ắt đông nhiều, cơ hội vãn hồi lãnh thổ có thể đoán trước.

Nhưng lại nghĩ rằng, khuyên dụ dân trong thời buổi này vốn phải làm như đã trình bày ở trên. Nhưng sau khi về với bọn người kia, những ai nếu không có phẩm chất chí khí, về làm việc cho chúng, việc qua rồi tình ý bặt; ý chí có thể nguội tàn, tấm lòng ban đầu lâu dần cũng có thể phai nhạt. Từng ngầm xét thân thế các quan, những vị quê ở sáu tỉnh này có tới hơn 600 người, trong đó hãy chọn ra những vị có dáng hình đầy đặn, tài trí hơn người, lại có tính cẩn trọng mẫn cán, ta hãy bí mật dò xét; nếu thấy có năng lực thì tăng thêm phẩm trật, hậu thưởng tiền của, vờ là biếm truất, lần lượt cho trở về quê cũ, ngầm tụ họp người chung chí thù giặc, duy trì lòng dân chuộng nghĩa, sắp đặt kế sách hợp thời; thấy cơ hội thích hợp thì ngầm báo lên trên, thừa cơ trong ngoài ứng hợp, thiết tưởng cũng là kế sách chắc thắng.

Xét về việc tuyển quân

Quân Bắc kỳ phần nhiều vô dụng, là bởi tại sao? Lệ tuyển quân ở Bắc kỳ thường chọn nhà giàu có đông con. Những con em nhà nghèo khó dù có vóc người cao to, nhưng lấy nê nhà nghèo con độc nên không trúng tuyển. Kẻ giàu thì lắm việc, tiếc đất mà ham an nhàn, người nghèo thì không biết sống bằng gì, cùng quẫn đành làm quá. Cho nên tên binh trong sổ sách phần nhiều là bọn giàu tiền của, bình thường thì hối lộ quan cai quản để về nhà sinh sống, khi có việc trưng dụng thì thuê người thay thế để tránh vất vả. Lại lập ra khóa luyện riêng để mãn hạn về quê. Với những kẻ thuộc ngạch bần hàn, chỉ trông chờ vào lương tháng thì không đủ nuôi nhà, nên sớm có mặt tối đào ngũ, không sao tránh được. Muốn tìm người an tâm trong quân để thao luyện phương lược thì trong mười kẻ kiếm không nổi một. Cho nên quân số tuy nhiều mà quy lại thảy vô dụng cả. Còn những người nghèo vốn không nơi trông cậy, có ở khắp nơi thì lại cho nuôi quân, hễ gặp năm mất mùa là tụ tập đi trộm cướp. Tệ nạn xưa nay từng nghe từng thấy. Thiết tưởng việc tuyển quân, không cứ phải nhằm vào nhà giàu. Những kẻ nghèo khó độc thân mà vóc sức tráng kiện đều nên lấy chứ. Làm quan thì theo lệ cấp lương để nuôi thân, làm dân thì chiếu trong số ruộng vườn của những nhà giàu có, cứ mười lấy một, cấp khẩu phần cho mỗi lính ba mẫu dùng để nuôi gia đình. Khỏe mạnh thì tòng quân, đến già thì cho về. Như vậy thì người giàu sẽ chia tài sản để đóng góp việc binh, không còn phải hối lộ quan cai quản để được ở nhà; an cư làm ruộng, dốc sức cấy cày. Bọn con em nhà nghèo thì gắn bó với nghiệp binh, bản thân cùng gia đình đều được chu cấp; vậy thì đội ngũ là nơi đáng gửi thân, không đến nỗi thất cơ phải đi làm đạo tặc. Xóm làng không còn lo trộm cướp, đội ngũ được ổn định lâu dài. Quân số luôn đủ đầy, gian tà không dấy nổi. Sau lại thi đua trong từng đội ngũ, rèn luyện thường xuyên; những binh sĩ dũng cảm và tinh nhuệ thì thăng lên thượng quân, cho hưởng bổng lộc cao hơn, có khích lệ khen tặng, để cho dầu có nghỉ đao binh thì quân vẫn là quân hữu dụng.

Xét về việc trưng lương

Xưa nay ruộng công ruộng tư, thuế đều có định mức. Vụ hạ vụ đông trưng nộp đều có định kỳ. Nhưng có nhiều kẻ dây dưa thiếu nợ, đốc thúc vất vả, tất xảy ra nạn cường hào, tích tụ lâu ngày đã thành lề thói. Hoặc là giấu lậu số sào, cấy nhiều nộp ít, hoặc tùy tiện chiếm đất nộp ít thu lợi nhiều. Chức sắc ở tổng ở làng thì lấy của dân đen, các viên ty lại thì mừng vì được biếu xén. Cho nên ruộng liền bờ ít khi thu được đầy đủ, còn những ruộng đất xấu thì lại thu không biết gấp bao nhiêu lần. Có khi lại không thu thóc của dân, cạnh tranh buôn lương thực. Giá thóc cao vọt, lưu thông trì trệ. Thiết nghĩ, nay nên học theo ý tỉnh điền thời cổ, ước lượng ruộng tư của dân, cứ mười phần thì lấy một, chọn nơi ruộng tốt đất màu, úng hạn không suy suyển mà lấy liền mẫu. Cứ nửa ruộng mùa, nửa ruộng chiêm ở từng xứ cố định. Ví như trong một xã có ba trăm mẫu ruộng tư thì lấy ba mươi mẫu làm ruộng công. Lý trưởng cai quản những người dân có trâu cày, dốc sức mà canh tác trên ruộng công đó, khi lúa chín thì thu nộp. Xưa nay, khi thu hoạch lúa, lúa chín cứ mỗi sào là ba thúng, tương đương sáu mươi bát đồng quan. Như vậy, cứ mỗi sào thành thóc thu một hộc, còn lại do Lý trưởng tính toán trả công làm. Ngoài ra các ruộng tư khác không phải nộp thuế nữa. Chỉ có những ruộng công thì chiếu thu như trước. Như vậy thì ruộng đất trong dân tuy có nhất thời phiền phức ở quy định trưng thu nhưng ruộng canh tác thuộc hạng thế nghiệp sẽ được lợi không phải thu thuế; cường hào không thể giấu lậu bá chiếm được; mà các hộ nghèo khó không đến nỗi phải vay nợ ngày một nhiều. Thuế nhà nước sớm xong, việc trưng thu đơn giản. Cứ theo mức thuế ruộng tư, có chia ra loại ruộng nhất đẳng nhị đẳng tam đẳng, thì ba loại ấy bù trừ cho nhau, nói chung ba trăm mẫu ruộng, hai vụ chỉ thu xấp xỉ hai trăm hộc. Nay quy thành ruộng công, thì ba mươi mẫu một năm cũng phải thu được ba trăm hộc, mức thuế thì tăng mà dân cũng không bị khó khăn. Ruộng tư không bị trưng thu thuế nữa thì của dân ngày một sung túc, từ đó xã có thể tiến hành lạc quyên vào kho dự trữ nguồn trợ cấp chu toàn, bội thu hay mất mùa đều có chuẩn bị đủ. Chính sách trưng lương, như vậy tốt quá!


 

Nguồn bài đăng

Bình luận về bài viết này