Rào cản của Hồi giáo khi xâm nhập vào các tiểu quốc của Indonesia và Malaysia thế kỉ XIII-XVII

SE_Asia_Islam.jpg

Lê Văn Trường An

Hồi giáo sau khi xâm nhập vào các tiểu quốc của  Indonesia và Malaysia sau thế kỉ XIII đã nhanh chóng xác định được chổ đứng vững chắc của mình. Sự xâm nhập của Hồi giáo hầu như ít gặp những rào cản nào khi người đứng đầu chính quyền đã có những hành động bảo trợ cho Hồi giáo cũng như chuyển đổi sang tôn giáo mới. Điều mà Thiên chúa giáo sau này rất vất vả nhưng ít nhận được tín hiệu tích cực nào từ các quốc gia ở Đông Nam Á, điển hình là Việt Nam. Tuy vậy, bất cứ một nền văn hóa hay tôn giáo ngoại lai nào để có được vị trí của mình ở một vùng đất mới đều phải trải qua những rào cản khác biệt về ngôn ngữ, xã hội, trình độ phát triển và tín ngưỡng bản địa. Nếu như Ấn Độ giáo và Phật giáo được các quốc gia Đông Nam Á đón nhận thì chúng phải hòa nhập với tín ngưỡng bản địa và tất nhiên không thể xâm nhập bằng con đường bạo lực. Nho giáo và Đạo giáo ở Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam bằng cách cưỡng bức trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, nhưng để có chổ đứng và được sử dụng làm hệ tư tưởng chính thống cai trị thì chúng phải tự biến đổi để thích nghi. Một ví dụ điển hình nhất cho những khó khăn đó là Thiên Chúa giáo khi xâm nhập vào Việt Nam và Thái Lan.

Sự trái ngược trong cách thờ phụng đã khiến những người Việt trong thế kỷ XVI chưa thể chấp nhận tôn giáo này một cách công khai và người Thái đã chọn Phật giáo làm quốc giáo nên Thiên Chúa giáo mặc dù được người đứng đầu chính quyền cho phép truyền giáo nhưng người dân thờ ơ “trước sự cứu vớt con người khỏi đau khổ của chúa Giesu”  khi họ đã có thể “tìm được sự an yên trong những bài kinh của Đức Phật”. Hồi giáo cũng không phải là ngoại lệ khi xâm nhập vào hai quốc gia này và chính những rào cản ấy lý giải vì sao Hồi giáo không thể thống trị hoàn toàn ở quần đảo Indonesia và Malasyia:

Thứ nhất, sự thống trị vững chắc của Phật giáo và Ấn Độ giáo ở hai đế chế đảo Srivijaya và Majapahit.

Trước thế kỷ XIII, ảnh hưởng của Ấn Độ về hoạt động thương mại và văn hóa đến Đông Nam Á và đặc biệt là Đông Nam Á hải đảo rất rõ nét. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn sách của mình, G.E.Coedes gọi các nhà nước ở Đông Nam Á là “các quốc gia Ấn Độ hóa” . Sự xâm nhập của các tôn giáo Ấn Độ vào khu vực này diễn ra từ những năm đầu công nguyên và nhanh chóng phát triển trong thời gian sau đó.

Từ thế kỷ VII-IX, Phật giáo đã bám rễ vững chắc ở các đảo Sumatra và Java. Đi đôi với sự phát triển đó là việc hình thành ở Java một vương quốc Phật giáo Sailendra. Đáng kể hơn cả là Srivijaya, một đế chế đảo đã chọn Phật giáo làm công cụ để cai trị trong toàn lãnh thổ và dùng chính tôn giáo này gây sức mạnh ảnh hưởng sang các tiểu quốc lân cận.

Đến thế thế kỷ XIII, đế chế đảo này bị sụp đổ nhưng ảnh hưởng không dễ dàng mất đi khi nó một thời đã từng khống chế eo biển Malacca. Sự sụp đổ của một đế chế ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ được tiếp nối bằng một đế chế đảo khác cũng mang dấu ấn “Ấn Độ hóa” không kém khác. Hình thành vào thế kỷ XIII, Majapahit nhanh chóng khẳng định được vai trò của mình khi phạm vi chi phối của Majapahit bao trùm các đảo New Guineaquần đảo MoluccasJavaBali, phần phía nam đảo Borneo, phần lớn đảo Sumatra và  một phần phía nam của bán đảo Malay. Majapahit là quốc gia theo Ấn Độ giáo và Phật giáo. Hai tôn giáo của Ấn Độ phát triển rất mạnh ở đây và điều đặc biệt là chúng cùng tồn tại một cách hòa hợp.

Chính vì có một thời gian tồn tại lâu dài ở các quốc gia này nên ảnh hưởng của những tôn giáo Ấn Độ là rất lớn. Đến thế kỷ XIII, Hồi giáo đã chính thức được công nhận và bắt đầu xâm nhập mạnh vào các đảo ở Indoneisa và Malaysia. Ban đầu, Hồi giáo chỉ đặt  chân đến được các vùng ven biển nhất là các cảng biển chứ chưa tạo ra được sự chuyển đổi đồng loạt như trong thế kỷ XV-XVI. Người đứng đầu chính quyền và người dân bản địa không phải chấp nhận ngay tôn giáo này khi niềm tin mà họ dành cho Phật giáo và Ấn Độ giáo chưa hề suy giảm.

Sự kiên định về đức tin đã bắt đầu lay chuyển vào trong triều đình và trong từng người dân khi  Hồi giáo đem lại nhiều lợi ích hơn những điều mà họ từng mong đợi từ những tôn giáo trong quá khứ và những chi phối từ các đế chế đảo cũng không còn. Không thể phủ nhận Hồi giáo dễ dàng xâm nhập vào nơi này nhưng Hồi giáo cũng  mất nhiều thời gian và thậm chí thất bại hoàn toàn khi gặp phải một thành trì vững chắc che chắn là Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Điển hình là Bali, khu vực mà Hồi giáo không thành công trong việc xâm nhập. Bali là khu vực ổn định và thống nhất về tình hình chính trị. Cuộc chinh phạt Bali của Majapahit vào năm 1334 đã thắt chặt tình đoàn kết của người dân toàn đảo, và sau khi đế chế Majapahit suy tàn vào năm 1520, những ảnh hưởng của Ấn Độ giáo và Phật giáo đã kịp ăn sâu vào đời sống tin thần của khu vực này. Bali vào thế kỷ XVI không chỉ mở rộng quyền kiểm soát của mình ra toàn đảo mà còn cả về phía đông của đảo Java, cả một vùng lãnh thổ kéo dài từ Lombok đến Sumbawa.

Trong suốt giai đoạn này, những di sản từ Majapahit đã được thiết lập nhằm hình thành một trật tự xã hội độc đáo của người Bali với đặc . Vì thế, Bali đối đầu với sự phát triển của Hồi giáo trong thế kỷ XVI bằng sự lớn mạnh về chính trị và sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ giáo. Trong một xã hội đã phát triển hệ thống niềm tin và ổn định về mặt văn hóa để giải thích thế giới và vị trí con người trong đó, Hồi giáo khó có cơ hội xâm nhập. Sự kỳ thị mạnh mẽ đối với Hồi giáo càng dâng cao khi những người Hồi giáo từ Makassar tranh giành quyền kiểm soát Lombok của Bali.

Thứ hai, sự xâm nhập của Thiên chúa giáo trong thế kỷ XVI tạo nên một đối trọng phá vỡ thế độc quyền truyền bá của Hồi giáo.

sejarah-masuknya-islam-di-indonesia

Năm 1494, hiệp ước Tordesillas được kí kết đã chia thế giới thành hai khu vực quản lý tôn giáo của hai nước khác nhau. Một phần thuộc về giáo hoàng Tây Ban Nha, phần còn lại thuộc về Bồ Đào Nha. Công cuộc truyền giáo của các Hoàng gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được giáo hoàng giao quyền. Hoàng gia chịu trách nhiệm khai sáng và cải đạo cho những người ngoại đạo; việc xây dựng các nhà thờ Thiên chúa giáo, tu viện và chỉ định các Tổng giám mục và các chức sắc tôn giáo cấp thấp hơn, cung cấp tài chính cho nỗ lự truyền giáo. Do đó, không giống như bất cứ tôn giáo nào đã từng xâm nhập vào Đông Nam Á, Thiên chúa giáo tiến vào khu vực nhờ cam kết hỗ trợ của các chính quyền địa phương.

Sau khi những người Thiên chúa giáo đặt chân đến Philippines vào năm 1521, những nhà truyền giáo Tây Ban Nha nhanh chóng đưa tôn giáo này phát triển ra các đảo ở Philippines khi họ chứng kiến sự phát triển chóng mặt của Hồi giáo ở Malacca và các đảo lân cận. Người Bồ Đào Nha đã đáp lại những động thái của người Tây Ban Nha bằng hành động củng cố vững chắc tại Moluccas, nơi quốc vương Ternate quan tâm Thiên chúa giáo từ rất sớm, năm 1512. Năm 1522, với tuyên bố Moluccas nằm trong khu vực cai quản của công cuộc truyền giáo của Bồ Đào Nha như trong quy định của Hiệp ước Tordesillas, nước này đã chấp nhận lời mời của vua Ternate, đến xây dựng một pháo đài trên lãnh thổ của vương quốc này, trong khi đó cùng thời điểm này, Ternate cũng đang bảo trợ cho Hồi giáo.

Cao điểm của sự cạnh tranh truyền giáo giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo là sự xuất hiện của Francis Xavier tại Indoneisa vào năm 1546. Ông đã sống ở Moluccas hai năm và thuyết phục hàng nghìn người cải đạo sang Thiên chúa giáo, phần lớn trong số này là người Alifuru ở các bộ tộc sống trong vùng phi Hồi giáo[2, tr.205]. Nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha cũng học tập theo cách của Hồi giáo trong cách truyền bá đức tin. Đó là Xavier đã cho dịch các tác phẩm Thiên chúa giáo sang tiếng Malay và thậm chí là sang các ngôn ngữ địa phương khác như Ternate hay Siau để truyền giáo. Những nỗ lực này của Xavier đã kích thích được mối quan tâm rộng khắp  hơn của người bản địa với Thiên chúa giáo. Điều này gây một trở ngại không nhỏ cho việc Hồi giáo xâm nhập toàn bộ vùng Moluccas. Đến năm 1555, đã có 30 làng thuộc Ambom theo Thiên chúa giáo và gần 40.000 người tin theo tôn giáo này.

Sự có mặt của Thiên chúa giáo ở một số vùng trên quần đảo của Indonesia đã gây nên tình trạng thù địch tôn giáo với Hồi giáo. Trong quá khứ, hai tôn giáo này đã từng xem nhau là đối thủ cạnh tranh chính trong việc truyền bá ra bên ngoài. Những cuộc tấn công của Hồi giáo vào châu Âu khiến người Thiên chúa giáo hiểu rõ hơn sức mạnh của người Hồi giáo. Nếu không có cuộc chặn đứng của vua Charlle Martel trong trận Poitiers, Hồi giáo đã có thể xâm nhập toàn bộ châu Âu. Khi các hiềm khích cũ được khơi dậy và sự thù địch mới được tạo ra, xung đột giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo tại các quần đảo Indonesia và Malaysia diễn ra một cách dai dẵng giữa những người “có đức tin” và “không có đức tin”.

Một điều dễ nhận thấy là khi người Bồ Đào Nha và sau này là Hà Lan hiện diện ở các quần đảo Indonesia và Malaysia thì Hồi giáo dường như chỉ “quanh quẩn trong các hòn đảo mà mình có quan hệ buôn bán” trong các thế kỷ trước đó. Những người Thiên chúa giáo ở Malacca thường xuyên kêu gọi những cuộc chiến chống lại người Hồi giáo, những người mà Thiên chúa giáo liệt vào danh sách “những kẻ thù địch với Chúa”. Người Hà Lan khi đặt chân đến Java đã xem mối quan hệ của mình với người Hồi giáo là sự chạm trán của hai tôn giáo thù địch và họ có ý định sẽ đem tôn giáo này đến Bantam, Sulu, Mindanao trước khi Hồi giáo làm chủ toàn bộ khu vực này.

Cũng giống như Hồi giáo khi xâm nhập vào Ấn Độ, một nơi được xem là đất nước của các tôn giáo. Hồi giáo đã vấp phải những chống đối quyết liệt từ những tín đồ Phật giáo, Hindu giáo…nhưng những tôn giáo này ở Ẩn Độ lúc bấy giờ không còn đủ sức níu kéo niềm tin của người dân và nhanh chóng lụi tàn trước sự tấn công mạnh mẽ của người Hồi giáo. Trong khi đó, ở các quần đảo Indonesia và Malaysia, Hồi giáo vừa mới khập khiễn đặt chân đến vùng đất mới, những nhà truyền giáo chưa kịp thuyết giảng hết nội dung của kinh Qu’ran thì Thiên chúa giáo đã  xuất hiện và nhanh chóng lấp đầy những chỗ trống mà Hồi giáo chưa kịp đặt chân hết.

Không những vậy, những nơi Hồi giáo được xem là nhận sự bảo trợ từ chính quyền địa phương cũng phải chịu sống chung với Thiên chúa giáo. Lưỡi gươm tàn bạo của Hồi giáo trong quá khứ giờ đã không còn đủ sắc bén để đẩy những người Thiên chúa giáo ra khỏi vùng đất này. Phản ứng của những nhà truyền giáo là tìm cách thúc đẩy những mối liên kết giữa các tiểu quốc Hồi giáo để chống lại sự bành trướng của Thiên chúa giáo dưới danh nghĩa ngọn cờ chống thực dân. Những hiệu quả ban đầu đã đạt được khi nhiều nhà truyền giáo ở Indonesia đã không còn tha thiết ở lại một nơi mà Hồi giáo đã phát triển quá mạnh. Nhưng chính điều này lại tạo ra cơ hội mới cho Thiên chúa giáo khi những giáo sĩ quyết định chạy đến Philippines và họ đã thành công trong việc ngăn chặn làn sóng của Hồi giáo xâm nhập vào quốc gia này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. E.Coedes (2011), Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, NXB Thế giới, Hà Nội
  2. Ngô Văn Doanh (2009), “Các quốc gia Hồi giáo đầu tiên ở Đông Nam Á”, Nghiên cứu Đông nam Á-Số 4
  3. G.H. Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội
  4. Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (1999), Lịch sử Đông nam Á Tập 2 Từ 1500- 1800, (tài liệu dịch)

 

Bình luận về bài viết này