Tìm hiểu ân oán Việt Nam- Cambodia

tumblr_nbdmr3o8p61qzcciuo2_1280.jpg

Nguyễn Phương Mai

Tại sao xương máu của bao người Việt ngã xuống mà vẫn không thể đổi lại được lòng tin và tình bằng hữu của nước láng giềng? 

Cách đây lâu rồi, tôi có hân hạnh được đọc bản thảo cuốn “When broken glass floats” của Chanrithy Him trước khi nó được xuất bản và trở thành một cuốn sách bán chạy khắp thế giới. Tôi đọc say mê, tím tái cả thân thể bởi câu chuyện rùng rợn của một đứa trẻ sống dưới chế độ Khơ-me Đỏ. Chỉ đến khi đọc tới câu cuối cùng, tôi mới như bị dội một xô nước lạnh vào mặt. Chanrithy nói rằng, cô “…thoát chết trong gang tấc, và trái tim cô gái nhỏ thắt lại, bởi cùng với nỗi khổ hạnh đã qua, cô nhìn thấy đất nước Campuchia đang chuẩn bị chìm trong bóng tối cuộc xâm lược từ một kẻ thù truyền kiếp: Việt Nam”.

Những cuộc biểu tình phản đối Việt Nam, những cuộc đụng độ và bài trừ dân Việt ở Campuchia đã diễn ra từ tháng 7 năm ngoái khi chính quyền thân Việt của Hun Sen thắng cử với nhiều cáo buộc gian lận. Đỉnh điểm vào ngày 6-6, Tham tán ĐSQ Việt Nam Trần Văn Thông tuyên bố rằng miền Nam VN đã chính thức thuộc về VN từ rất lâu, trước cả khi Pháp chiếm đóng. Bắt đầu từ tuyên bố này, cờ Việt bị đốt, người Việt bị thanh trừng, lãnh đạo đảng đối lập liên tục gọi thiểu số Việt là “yuon” (savage/man rợ [*]). Trên face của tôi, bạn bè quốc tế liên tục inbox hỏi thăm, bàn bè làm ăn ở Cam cũng cập nhật tình hình lo ngại, báo chí quốc tế hối hả bình luận. Nhưng đương nhiên, cả trăm triệu dân Việt ở ngay sát nách Campuchia phần lớn vẫn nằm duỗi chân ăn mừng quốc khánh của dải đất hình chữ S. Tại sao báo chí VN không đưa tin?

“Nước mày hình chữ C thì có, “Cờ” … kứt ý!” – một bình luận viên gõ như vậy trên một facebook cá nhân mà tôi quen. Hẳn nhiên, comment vô văn hóa này không thể khiến tôi ngồi yên. Căm ghét kẻ dám xúc phạm quê hương là một chuyện, nhưng tôi cũng thấy mình có trách nhiệm phải đi tìm bằng được những lý giải cho nỗi căm ghét đó. Lịch sử ngày bé tôi học chỉ thấy nói người Cam biết ơn người Việt, đâu có nói đến sự căm hận đến mức như vậy?

Một bài viết trên báo Campuchia ngày 6-9 đưa lời dẫn của môt thanh niên Cam “17/20 người trong số bạn bè của tôi ghét VN, và cho rằng VN có âm mưu mờ ám”.. Bài báo cũng nêu ra thực trạng của nhiều người Việt ở Cam, không có quốc tịch, con cái không được đến trường, không được mua đất, chủ yếu sống trên thuyền với nghề sông nước.

Lịch sử (chính thống) luôn được viết bằng ngòi bút của kẻ chiến thắng (Churchill). Chính vì vậy, để trả lời cho câu hỏi tại sao một bộ phận dân Cam ghét VN, tôi quyết định chọn đọc những tư liệu của bên thứ ba, tức là những tư liệu được viết bởi những tác giả không phải người Việt hoặc Cam, và ít có liên quan nhất đến cả Việt Nam và Campuchia. (Tất nhiên không tài liệu nào hoàn toàn khách quan cả, nhưng “không Việt không Cam” thì sẽ dễ có khả năng khách quan hơn). Sau đây là tóm tắt một cách sơ lược nhất. Đề nghị các bạn tìm danh sách tư liệu tham khảo bên dưới để đọc chi tiết.

Vương quốc Khmer nằm kẹp giữa hai láng giềng lớn Việt Thái dần dần mất đất từ nhiều lý do khác nhau. Người Campuchia có câu: “cây thốt nốt mọc đến đâu, đất (xưa) của người Cam trải dài đến đó”. Sách sử Việt Nam có một cách gọi khác, hào hùng hơn: “mang gươm đi mở nước”. Hẳn nhiên, đây là một đường đi phát triển tất yếu của xã hội loài người “cá lớn – cá bé” ở đâu cũng vậy. Đường biên của các bộ lạc, thành phố tự trị, lãnh thổ chư hầu, đế chế và nay là quốc gia đã luôn luôn đổi thay dựa vào thế mạnh yếu của từng xã hội. Lịch sử mà VN gọi là “mang gươm đi mở nước” thực chất là một quá trình lâu dài và phức tạp của nhiều yếu tố chứ không chỉ là thanh gươm: di dân, đồng hóa, áp đặt, thỏa hiệp, và cả đánh chiếm từ Bắc xuống Nam (đề nghị xem thêm các tài liệu tham khảo đã liệt kê ở dưới).

Chính vì vậy, bất kỳ một quốc gia nào cũng nuôi ít nhiều hằn thù với các nước láng giềng bởi những hiềm khích không thể tránh khỏi trong quá trình xác định biên giới bờ cõi. Đối với người Cam, đế chế KHmer rộng lớn khi xưa bị mất hẳn là một lịch sử tơi bời, và điều này có thể khiến chúng ta hiểu tại sao Campuchia chưa bao giờ hết xích mích với người Thái và chưa bao giờ tin tưởng vào người Việt. Khi Việt Nam với tham vọng thành lập một liên mính chống Pháp trên toàn Đông Dương, trực tiếp giúp thành lập Đảng dân tộc cách mạng Campuchia (tiền thân của Đảng Cộng sản Campuchia, tức Khmer Đỏ), thì hai bên trở thành đồng minh thân thiết. Tuy nhiên, đằng sau vỏ đồng minh là niềm uất hận mất nước không bao giờ nguôi ngoai, thậm chí biến thành dã tâm tiêu diệt 50 triệu người Việt đến kẻ cuối cùng. Khmer Đỏ cho rằng Việt Nam âm mưu thành lập Khối Đông Dương (Indochina Federation) và dắt mũi các nước khác trong đó có Campuchia. Với hai lý do này, Khmer Đỏ yêu cầu Việt Nam trả lại đất tổ tiên (đề nghị xem thêm các tài liệu tham khảo đã liệt kê ở dưới)

Với quân số nhỏ hơn nhiều lần, nhưng Khmer Đỏ liên tục thực hiện các cuộc tàn sát đẫm máu dọc biên giới Việt – Cam làm hơn 300.000 người thiệt mạng. Ngày 17-4-1977, chính quyền VN vẫn còn gửi thông điệp chúc mừng chính quyền Khmer Đỏ sau 2 năm thành lập. Đáp lại lời chúc này, 2 tuần sau, đúng dịp 30-4, quân Khmer bất ngờ tấn công thẳng vào An Giang và Châu Đốc, giết hại hàng trăm dân thường. VN đáp trả. Cuối cùng, chịu không nổi những cuộc đụng độ và tàn sát dã man, cộng với lý do cho là Campuchia cấu kết với Trung Quốc, Việt Nam quyết định chính thức kết thúc mối quan hệ đồng minh lúc đó chỉ còn trên danh nghĩa và lật đổ chính quyền Khmer Đỏ bằng vũ lực. Lấy cớ Khmer phạm tội diệt chủng, quân VN tiến vào “giải phóng” Campuchia, lật đổ chính quyền của kẻ từng là đồng minh.

Tuy nhiên, VN không ĐÁNH rồi RÚT, mà dựng lên chính quyền bù nhìn thân Việt và bắt đầu thời kỳ hơn 10 năm đóng quân và ảnh hưởng. Lý do thì có nhiều, trong đó có việc VN muốn diệt hoàn toàn tàn quân Khmer Đỏ. Lưu ý rằng đến tận năm 92, khi các hiệp định quan trọng đã được ký kết thì Khmer Đỏ vẫn tiếp tục tìm giết người Cam gốc Việt với hy vọng họ sẽ không thể bỏ phiếu. Trong khi người Việt gọi đây là cuộc giải phóng nước láng giềng anh em và giúp bạn xây dựng đất nước, chính bản thân người Cam và hầu hết các tư liệu lịch sử ngoài biên giới VN lại cho rằng đây là cuộc xâm lược – (invasion). Khi tôi đến nhà tù S21 nơi trưng bày hàng trăm cái đầu lâu của dân Cam bị giết, giấy trắng mực đen ở đây vẫn tuyên bố VIệt Nam xâm lược Campuchia. Tại sao người Cam coi VN là quân xâm lược? Một lý giải cho cách hiểu này là do VN không bó hẹp các hoạt động của mình tại Cam trong phạm vi quân sự để tiêu diệt tàn quân Khmer, mà nhúng tay quá sâu vào chính trường, áp đặt ảnh hưởng của mình lên chính trường Campuchia, hoặc có những chính sách thiếu khôn khéo khiến nhiều người Cam cho rằng VN không chỉ kết thúc chế độ diệt chủng mà còn đang lũng đoạn hệ thống chính trị Cam. Cần phải phân biệt rõ ràng hai chuyện này với nhau, vì đây là hai thái độ tình cảm riêng biệt. Họ mang ơn vì một chuyện (Khmer Đỏ), nhưng mang oán vì một chuyện hoàn toàn khác (thao túng chính trị). Tuy nhiên, Trung Quốc coi việc VN dựng lên chính quyền bù nhìn thân Việt là một hành động qua mặt “láo xược” của đàn em nên đã khơi nguồn cuộc chiến tranh biên giới 79 để chia lửa với Khmer Đỏ, và để dằn mặt, nhằm bắt Việt Nam dời quân từ phía Nam lên phía Bắc, tạo điều kiện cho Khmer Đỏ lấy lại sức mạnh (xem trích nguồn bên dưới **).

Trong thời kỳ trụ lại Campuchia, Việt Nam bị dư luận thế giới lên án mạnh mẽ với lý do đã dùng vũ lực chiếm đóng nước khác. Nhiều tư liệu cho rằng các quyết định của chính quyền Campuchia trong thời kỳ này đều phải qua sự kiểm duyệt cuối cùng của VN. Mỗi bộ trưởng Cam đều đi kèm một cố vấn người Việt, chưa kể các cố vấn cho thứ trưởng. 80 nước trên thế giới và Liên Hiệp Quốc công nhận chính quyền Khmer Đỏ là chính quyền duy nhất đại diện cho Campuchia, phủ nhận chính quyền bù nhìn do VN lập nên. Nhiều quốc gia dù CÔNG NHẬN CÔNG TRẠNG của VN trong việc xóa bỏ chế độ man rợ của Khmer Đỏ, nhưng lại không tin rằng ý đồ nguyên thủy của VN là thực sự muốn kết thúc chế độ diệt chủng Khmer. Nhiều nước coi việc VN đánh đổ Khmer chỉ là hệ quả phụ của một ván bài chính trị sau khi Khmer tấn công dân thường VN và không còn là đồng minh của chính quyền VN. Thaí Lan không những cưu mang những thành viên thất trận của Khmer Đỏ mà còn cùng khối ASEAN yêu cầu VN lập tức rút quân để người Cam có thể thực hiện một cuộc bỏ phiếu mà không bị ảnh hưởng của thế lực nước ngoài. Một số nghiên cứu thậm chí cáo buộc VN vi phạm nhân quyền khi phong tỏa lương thực các vùng do tàn quân Khmer Đỏ chiếm giữ, khiến hệ quả phụ là hơn 600.000 dân Campuchia chết đói (xem trích dẫn nguồn ở dưới**).

Người Việt lâu nay vốn hay coi thường người Cam, cộng thêm sự kiêu hãnh/ thậm chí thành kể cả ngạo mạn của kẻ tự cho mình là quân giải phóng cứu dân Cam khỏi họa diệt chủng, sự mù mờ dối trá của môn lịch sử đang giảng dạy tại nhà trường (mà thực chất là môn chính trị học, sàng lọc sự kiện)… là những lý do khiến Việt Nam thiếu sự đề phòng với đất nước láng giềng vẫn còn như con thú bị thương này. Bạn tôi nói một bộ phận người Cam nhìn người Việt còn nhiều nghi ngờ sâu sắc hơn cả người Việt nhìn người Trung Quốc. Những người biểu tình chống VN hiện nay ở Cam không đòi lại đất ngày xưa mà chỉ yêu cầu người phát ngôn của VN rút lại lời tuyên bố hồi tháng 6 về thực trạng chủ quyền một phần miền Nam VN trước khi Pháp đô hộ. Những kẻ cực đoan và bị kích động thì yêu cầu đuổi người Cam gốc Việt về nước.

Sẽ còn mất nhiều thời gian để chúng ta hiểu rằng tại sao 15.000 chiến sĩ hy sinh xương máu ở Campuchia với 30.000 người bị thương mà một bộ phận dân Campuchia lại nhanh chóng chuyển từ biết ơn sang oán thán? Tại sao 5% thiểu số người Việt phần lớn là dân nghèo làm nghề chài lưới hiện ở Cam bị một số người bản xứ nhìn nhận như kẻ thù hơn là những người nhập cư đến làm ăn sinh sống? Bản thân tôi sẽ phải tự đi tìm câu trả lời tại sao gia đình của chính mình phải chịu cảnh chia cắt khi đất nước đã thống nhất mà người đàn ông (ba tôi) vẫn phải tiếp tục lên đường cầm súng ở một chiến trường khác ? Tại sao Khmer Đỏ gọi Việt Nam là “cá sấu”? Cuốn sách đen (The Black book) của Khmer ám chỉ rằng chẳng ai tin con cá sấu, kể cả khi nó rơi nước mắt.

Vậy tại sao tôi viết post này? Lý do thứ nhất đơn giản vì báo chí VN không đưa tin, hoặc đưa tin nhỏ giọt. Bất kể một người dân bình thường nào cũng có quyền được biết nếu quốc kỳ của họ bị đốt ở một xứ ngoại bang. Họ có quyền được biết, và có quyền được hiểu tại sao lại nên cơ sự. Có bạn bảo là tôi đổ dầu vào lửa. Ơ hay, ở Cam mới có lửa chứ ở VN thì đã làm gì có dầu mà đòi châm lửa. Nhiều người Việt không hề biết cờ Tổ Quốc bị đốt, rằng người láng giềng ghét mình như mẻ, thì tôi dựng cột khói báo tín hiệu cho hay. Nghe tin dữ yếu tim không chịu được thì mắng người đưa tin là sao? Lại nữa, có bạn kêu vừa đi Cam về xong, chả thấy gì? Đương nhiên là bạn không thấy gì rồi. Bạn muốn trước khi người ta đốt cờ VN sẽ gửi email thông báo đến tất cả mấy chục triệu người ở khắp Campuchia để họ và bạn chuẩn bị mang máy ảnh đến chứng kiến chắc? Hay là bạn muốn bản thân mình ngồi trong quán cà phê mà thấy được tất cả những gì diễn ra ở mọi xó xỉnh trên đời? Ai mà cũng như Phật Bà ngàn mắt ngàn tay thấy được mọi thứ như thế thì cần cóc gì đến báo chí? Trong cuốn Con Đường Hồi giáo tôi vừa xuất bản, có hẳn một chương tôi ở Syria cả tháng trời giữa lúc đất nước nội chiến mà chẳng thấy một giọt máu. Bạn không -thấy-gì không có nghĩa là không-có-gì xảy ra.

Thứ hai, tôi cho rằng sách sử Việt Nam không đưa ra cái nhìn khách quan chân thực. Hẳn nhiên, chúng ta sẽ không-bao-giờ có được cái nhìn khách quan tuyệt đối, nhưng với sự va chạm của những nguồn tư liệu khác nhau không bị kiểm duyệt, chúng ta có thể cố gắng chạm vào gần hơn đến Sự Thật.

Lý do thứ ba, tôi muốn hiểu tại sao người Cam chưa bao giờ ghét người Trung Quốc như ghét người Việt, dù TQ từng chống lưng Khmer Đỏ, thậm chí từ trước khi TQ đầu tư hàng tỷ đô la vào đây và viện trợ đầy phóng khoáng cho Cam? Tại sao Campuchia bỏ phiếu phản lại nỗ lực của khối ASEAN bảo vệ chủ quyền biển Đông chống Trung Quốc tại hội thảo ASEAN 2 năm trước?

Tại sao bên cạnh rất nhiều những người Cam yêu VN lại có những người Cam ghét người Việt đến thế? Tại sao cờ Tổ Quốc tôi bị đốt cháy? Tại sao người Việt ở Cam đang ngày đêm lo sợ?

Tại sao xương máu của bao người Việt ngã xuống mà vẫn không thể đổi lại được lòng tin và tình bằng hữu của nước láng giềng? Tại sao VN tốn kém sức người sức của đến thế mà đổi lại chỉ là một sự nghi ngờ từ phía dân chúng? Nếu ván bài chính trị này tính sai, VN được gì ngoài sự ngã xuống của hàng vạn thanh niên để đổi lại một gia tài oán hận? Khi Hun Sen không còn nắm quyền, VN sẽ xử lý ra sao với một Campuchia thân TQ, xử lý ra sao với tình trạng cả phía Nam lẫn phía Bắc bị bủa vây bởi những láng giềng không hữu hảo?

Ai thực sự biết ơn VN, người Cam hay Hoàng gia Cam? Có phải họ tuy biết ơn VN đã cứu thoát khỏi họa diệt chủng nhưng không thể nguôi đi nỗi thù mất nước từ xa xưa? Có phải họ chịu ơn cứu mạng của VN nhưng lại nhanh chóng bị mất lòng tin khi thấy quân VN sau khi đánh đổ chế độ diệt chủng thì không rút đi mà tiếp tục ở lại, thành lập rồi giật dây chính quyền bù nhìn Heng Samrin? 

Có phải những hận thù này đang được cố tình đổ dầu vào lửa, được các đảng phái chính trị đối lập với độc tài Hun Sen ở Cam lợi dụng cho những ván bài chính trị mới, kích động một bộ phận dân chúng tuy nhỏ nhưng hung hăng để tạo phản ứng dây chuyền, và kẻ chịu nạn là những người Cam gốc Việt vô tội?

Hận thù với láng giềng thì hầu như nước nào cũng có. Và tôi tin rằng hận thù nào cũng có thể hóa giải. Trân trọng quá khứ và cởi mở với nhau là điều kiện tiên quyết để tạo nên các mối giao hảo vững bền. Hơn bao giờ hết, quyền lợi của các quốc gia đang được thắt chặt vào nhau.

Hãy nhìn châu Âu mà xem, giết nhau hàng bao nhiêu thế kỷ mà giờ đường biên thênh thang không có cả lính gác. Tạo sao? Bởi châu Âu cũng như rất nhiều nước ngoài châu Âu không ngần ngại phán xét lịch sử của chính mình, phân tích chi ly cái gì đúng cài gì sai, chửi rủa những lỗi lầm của chính mình, liên tục nhắc thế hệ đi sau về những sai phạm của thế hệ đi trước. Có bạn tên @Phạm Trang comment ở dưới nói rằng có đất nước nào bôi xấu lịch sử của mình đâu. Sai! Lịch sử VN thì đương nhiên là ta làm cái gì cũng đúng. Nhưng nếu bạn bước ra thế giới sẽ thấy nhiều nước văn minh không dùng lịch sử như một thứ đồ trang điểm cho đẹp hay công cụ tuyên truyền mà là một KHOA HỌC, tức là có đúng có sai, có phản biện và tranh luận. Cứ cách vài chục bước chân ở trung tâm Berlin bạn sẽ thấy những tấm biển lớn, chữ hai thứ tiếng Anh-Đức thông báo về những sự kiện lịch sử đen tối của Quốc Xã đã từng diễn ra ở địa điểm hay tòa nhà này trong quá khứ. Trẻ con Hà Lan được học về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dã man ở Nam Phi mà chính cha ông họ dựng lên, thậm chí bài quốc ca của họ vẫn còn nguyên trạng lời hát: “chúng ta nguyện trung thành với hoàng đế Tây Ban Nha”. Người Pháp và Anh thẳng thắn nhìn nhận hậu quả của những năm dài đô hộ thế giới, lập ra hàng trăm quỹ cứu trợ để hòng chuộc lại một phần lỗi lầm. Người Mỹ không che giấu sự thật về những vụ tàn sát người da đỏ. Thậm chí cả những nước có chủ nghĩa dân tộc cao như Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu công nhận cuộc diệt chủng người Armenia. Thế giới vừa kỷ niệm 100 năm chiến tranh thế giới thứ nhất, hàng triệu bông hoa được cài lên áo cho TẤT CẢ những chiến sĩ ngã xuống ở cả hai phe, bất phân ta-địch.

Người chết luôn luôn được tôn trọng, nhưng những nguyên nhân và hệ quả của chiến tranh, những quyết định của KẺ LÀM LÃNH ĐẠO thì phải được nhìn nhận rõ ràng đúng sai. Phán xét lịch sử KHÔNG ĐỒNG NGHĨA với phán xét hành động hy sinh xương máu của các chiến sĩ mà là phán xét quyết định của người làm lãnh đạo, gửi quân ra chiến trường. Nói một cách khác, phải phán xét đúng sai để có thể tiết kiệm và tránh được đổ máu cho những người lính của hiện tại và tương lai. Như vậy, cái chết của họ mới không thành những con số vô nghĩa. Tại sao những quốc gia này làm thế? Bởi lịch sử sẽ trở nên vô dụng nếu ai cũng chăm chăm cho rằng mình làm gì cũng đúng, nếu sai thì thì có những lý do này nọ để thông cảm được. Chỉ có tôn trọng lịch sử, nhìn nhận và phán xét đúng sai rõ ràng thì những mối thâm thù mới có thể hóa giải, mới thấy cái chết là không cần thiết, những người từng giết nhau mới có thể nắm tay nhau trở thành bạn làm ăn.

Mối quan hệ Việt Cam may mắn chưa đến mức thảm sát nghiêm trọng như những ví dụ tôi nêu ra ở trên, nhưng cũng lại phức tạp hơn vì trắng đen không rõ ràng, người Cam vừa mang ơn vừa mang oán. Các làn sóng nghi ngờ, thậm chí thù hằn đối với người Việt là có thật. Tôi tin rằng hai nước Việt Cam hoàn toàn có thể để quá khứ sang một bên, hóa giải ân oán như chúng ta đã từng làm với Nhật, Pháp, Mỹ. Nếu chúng ta có thể tha thứ được cho kẻ thù, tại sao không thể lắng nghe tâm tư của kẻ mình từng cứu nạn? Và để hóa giải thì buộc phải có sự chân thành, phải có thành ý thực sự muốn tìm hiểu tại sao người hàng xóm lại ghét và nghi ngờ tấm chân tình của mình đến thế dù được mình cứu sống. Trước khi mắng họ vô ơn, hãy kiềm chế cơn giận và lắng nghe họ giãi bày.

Đường biên giới Việt Cam có thể sẽ không bao giờ thay đổi nữa. Cũng như những đường biên giới khác trên thế giới này sẽ không bao giờ thay đổi nữa. Tôi cũng như hàng triệu người Việt khác sẽ luôn ôm vào lòng hình ảnh đất nước hình chữ S. Nhưng tôi cũng sẽ phải hiểu rằng, cùng với hình ảnh lá cờ Tổ Quốc bị đốt cháy, lịch sử không bao giờ khép lại hay sang trang. Người ta chỉ cố tình hay vô ý quên nó đi trong chốc lát mà thôi.

Chú thích:

(*) Nhiều người Cam gọi Việt là “youn”, nhưng một số không hiểu nghĩa. Một cách lý giải khác cho từ này là do chiết xuất từ chữ Yueh theo cách người Tàu gọi người Việt.

(**) Con số người Cam chết được trích từ tư liệu của cuốn “Cambodia’s Curse: The Modern History of a Troubled Land” (Lời nguyền của Campuchia: Lịch sử hiện đại của một mảnh đất đầy trắc trở), tác giả Joel Brinkley

(***) Sách tham khảo thì rất rất nhiều. Tuy nhiên đây là hai cuốn tôi cho là có khá nhiều thông tin cho những ai muốn tìm một ý kiến ngoài cuộc về lịch sử của mối quan hệ Việt Cam. Không nhất thiết phải đồng ý, nhưng đọc để tham khảo và biết các nhà sử học quốc tế nhìn nhận chúng ta như thế nào: 
– “Why Vietnam Invaded Cambodia: Political Culture and the Causes of War” (Tại sao Việt Nam xâm lược Campuchia – Văn hóa chính trị và nguyên nhân của cuộc chiến), tác giả Stephen J. Morris 
– Genocide by Proxy: Cambodian Pawn on a Superpower Chessboard (Con tốt đen Campuchia trong ván cờ của các nước lớn), của tác giả Micheal Haas.

 

1. Bạn gọi quá trình VN mở rộng xuống phía Nam là gì tùy bạn. Ở post này, tôi chỉ đưa ra hai cách nhìn, một là của lịch sử VN (mở nước). Hai là của người Cam (mất nước). Bản thân tôi chấp nhận cả hai. Quan điểm của tôi là luôn nhìn lịch sử thông qua những mất mát cũng như vinh quang của cả hai phe.

2. Người Cam đương nhiên biết ơn người Việt, Hun Sen lại càng biết ơn tợn. Thế nên ông ấy mới lên tiếng đính chính là “người Việt không xâm lược Campuchia mà là revive (cứu sống) Campuchia. Không có người Việt, dân Cam chắc không chỉ dừng lại ở con số hơn 2 triệu người chết dưới bàn tay diệt chủng man rợ của Khmer Đỏ.

3. Tuy nhiên, cùng với sự biết ơn đó là sự oán ghét CHƯA thể nguôi ngoai. Tâm lý người Cam vì vậy rất nhạy cảm, vì họ vừa biết ơn lại mang oán. Thế nên mới có chuyện trong khi chúng ta tưởng họ mang ơn mình thì họ đốt cờ VN. Mối thù này tuy không bùng phát ra ngoài, không phải ai ai cũng mang trong đầu, chỉ một số nhỏ dân chúng bị kích động, nhưng nó là mối thù có thật, và nó được các đảng đối lập lợi dụng triệt để để thu hút phiếu bầu. Post này để cho bạn biết cái gì đang diễn ra, và cá nhân tôi đang cố gắng tìm hiểu tại sao nó lại diễn ra như thế. Đừng có đặt chữ vào mồm tôi, cho là tôi ủng hộ các đường biên quốc gia trên thế giới có thể vẽ lại. Vẽ lại thế quái nào được. Ai mà cũng đòi trả lại đất đai từ xa xưa thì thành Israel-Palestine hết à? Mệt lắm các nhà suy diễn ạ! Đừng có hồ đồ kết luận tôi phản động, vô ơn, về phe nọ phe kia, không tôn trọng xương máu người ngã xuống. Bạn nào mắc lỗi này tôi xin block thẳng luôn. Đơn giản vì bạn đã vi phạm một trong những nguyên tắc tối thiểu của tranh luận văn minh: chỉ thảo luận về ý kiến chứ không xúc phạm cá nhân người nêu ý kiến.

4. Vì vậy post này là hành trình cá nhân tôi đi tìm câu hỏi tại sao người Cam mang ơn mà trả oán. Nhiều bạn cứ thích xoáy vào những dẫn chứng lịch sử, không chịu mở lòng đặt mình vào vị thế của người Cam để có thể hiểu được nỗi lòng của họ. Thậm chí có bạn còn ngang nhiên nói rằng bản chất của người Cam là như thế: VÔ ƠN. Nói thế thì có khác gì những người Trung Quốc mắng VN vô ơn, được TQ giúp cho bao nhiêu đạn dược để đánh nhau mà lại phản bội lại công hàm Phạm Văn Đồng? Có bao nhiêu người TQ có thể ngồi xuống bình tĩnh lắng nghe người Việt giải thích ngọn ngành? Nếu mình không thể làm được thế với Campuchia thì đừng đòi hỏi TQ phải hiểu tại sao VN nổi giận.

5. Một số bạn bảo sao lại nói ra chuyện này, không có lợi. Tôi cho rằng nhiều người Việt không hể biết một bộ phận dân Cam lại có thể ghét mình đến mức này. Phải lựa chọn giữa hai trường hợp: (1) Sống cạnh một người hàng xóm ghét mình nhưng mình BIẾT TẠI SAO nó ghét mình, và (2) Sống cạnh một người hàng xóm ghét mình nhưng minh KHÔNG HỀ BIẾT, lại cứ tưởng nó MANG ƠN mình nhiều lắm. Bạn chọn cách nào?

6. Đừng có đòi tôi phải đưa ra giải pháp. Tôi là dân đen giống như bạn, thấy chuyện thì tri hô lên, cùng lắm là tốn công mày mò thêm để hiểu “tại sao”. Chúng ta trả thuế cho nhà nước làm cái việc “tìm ra giải pháp”. Tôi không phải là nhà nước.

7. Tuy nhiên, nếu bạn hỏi tôi sẽ làm gì với tư cách cá nhân, thì tôi xin thưa là sẽ gửi tất cả những người bạn Campuchia mình quen biết một lá thư, nói rằng mày biết không, có một ông nhà thơ ở nước tao tên Nguyen Duy nói rằng: “bên nào thắng thì nhân dân cũng bại”. Tao hiểu tại sao mày cáu, tao hiểu tại sao mày ghét người Việt. Tao hứa sẽ tìm hiểu thêm về lịch sử. Chuyện của chính quyền với nhau, xin mày đừng lẫn lộn với chuyện của dân đen.

Các bài báo về vấn đề này đây nhé! Tôi chọn 4 link, để tạo sự khách quan, một link của Cam, link của Việt (hai thứ tiếng của báo Thanh Niên và Dân Trí), hai link còn lại của phương Tây, và Al-jazeera được tôi coi như hãng thông tấn có vai trò làm cân bằng cán cân với phương Tây.

Báo chính thống của Campuchia
http://www.cambodiadaily.com/news/khmer-krom-protesters-burn-vietnamese-flag-66356/

Báo nhà mình
http://dantri.com.vn/kieu-bao/mot-nguoi-viet-tai-campuchia-bi-danh-hoi-dong-den-chet-839801.htm
http://www.thanhniennews.com/politics/vietnam-pm-asks-cambodia-to-discourage-antivietnamese-nationalism-30108.html

Hãng thông tấn Al-jazeera
http://www.aljazeera.com/indepth/features/2014/01/cambodia-protests-unmask-anti-vietnam-views-2014122101345786547.html

Hãng thông tấn Reuter
http://www.reuters.com/article/2014/04/29/us-cambodia-racism-idUSBREA3R1CN20140429

Nguồn bài đăng

45 thoughts on “Tìm hiểu ân oán Việt Nam- Cambodia

  1. Bài viết này rất hay, rất đáng suy nghĩ. Rất cám ơn tác giả đã cho thấy một cái nhìn mới mẻ về một sự kiện lịch sử còn mù mờ trong mắt tất cả mọi người. Xin cám ơn

    Đã thích bởi 1 người

  2. Bạn viết khá thú vị nhưng hãy đặt câu hỏi về những kẻ khủng bố tại Châu Âu hiện nay,những kẻ được cưu mang lúc khó khăn tuyệt vọng nhất nhưng nay quay lại giết người cưu mang mình,tàn phá đất nước đã cho mình cơ hội sống tốt hơn nhiều.Vậy Châu Âu có lỗi gì với bọn khủng bố đó?Ý kiến của bạn chỉ một chiều mà chưa thấy được cái gì thực sự dẫn tới thái độ của Campuchia đối với Việt nam

    Đã thích bởi 1 người

    • Câu hỏi của bạn hay lắm. Muốn hiểu nói thì phải quay lại vấn đề thời chiến tranh lạnh. Năm 78 khi Liên Xô đem quân đến đánh các quân phiệt nổi dậy chống lại chính quyền Cộng Sản ở Afganistan thì Mỹ đã ngầm hỗ trợ và đào tạo và cung cấp tiền bạc cho Al queda để làm lực lượng chống lại quân Xô Viết. Khi Liên Bang xô viết sụp đổ thì người Mỹ không ngừng mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến các nước Hồi Giáo, mặc khác lại vứt Al queda như là việc qua cầu rút ván, vắt tranh bỏ bỏ. Người hồi giáo cực đoan họ không muốn Mỹ can thiệp vào thế giới của họ và họ lên phương án đánh trả. Và thế là thổ chức khủng bố Al queda quay ra khủng bố Mỹ và các nước đồng Minh. Khi Alque da và taliban ở Afganistan bị Mỹ và đồng minh tiêu diệt thì Mỹ lại đánh Iraq, tiêu diệt chính quyền Husen với cái cớ là “vũ khí hóa học, sinh học” nhưng thực chất là vì dầu mỏ. Các chính quyền bù nhìn lập lên ở những nước Mỹ đi qua như Irag Siria Lybia không phải là chính quyền được lòng dân, hoặc có khả năng thống nhất dân tộc, các bất công, tham nhũng kỳ thị khiến cho cuộc sống của người dân lại càng khổ cực hơn thời hậu chiến, và thế là ISIS có cơ hội ngóc đầu dậy. Họ coi người Mỹ và các nước đồng minh là kẻ thù số một cần phải tiêu diệt để thành lập một nhà nước Hồi giáo thống nhất. Như bạn thấy khủng bố chỉ diễn ra ở các nước thân Mỹ chứ ISIS không/chưa đánh bom ở các nước trung lập khác. VIệc đánh bom khủng bố nhằm huy trương thanh thế và phá hoại nền kinh tế của các nước này khiến cho Mỹ và liên quân khó khăn hơn.

      Nếu bạn đọc lại bài viết của tác giả bạn sẽ thấy thái độ hiềm khích của người Cam với người VIệt vốn đã có lịch sử lâu đời từ thời Nhà Nguyễn lấn đất chiếm các tỉnh phía nam bộ và đảo phú quốc mà trước đây là lãnh thổ của người Kherme. Trong chiến tranh Việt Nam, tuy quân VIệt lật đổ chính phủ polpot nhưng polpot cũng lại là chính phủ cộng sản từng được đào tạo ở Hà Nội những năm 60. Người Cam vốn hận chính quyền cộng sản polpot đến xương tủy thì họ cũng không ưa gì chính phủ cộng sản VIệt Nam cả. Lính Việt chiếm đóng ở Prompenh cả 10 năm trời. Tuy quân luật không cho phép trộm cướp nhưng lính việt cũng là những kẻ đói khát chứ thanh cao gì cho sang. Các báo cáo về việc lính việt cướp của giết người hãm hiếp bị bưng bít đi. Dân việt nam thì tràn qua biên giới chiếm đất của họ làm ăn sinh sống buôn bán sinh sôi nảy nở khiến cuộc sống của họ bị phần chèn ép. Có báo cáo rằng sau chiến tranh biên giới, quân đội VN đã nhổ cọc biên giới lui 30 km về phía cam. Cách đây vài năm, thủ tướng Hunsen của Campuchia đã ký một hiệp ước cắt hẳn hai ngôi làng có rất đông người Campuchia sinh sống sát nhập vào lãnh thổ VIệt Nam chỉ vì trước năm 75 hai ngôi làng này là căn cứ địa cách mạng của quân Bắc VIệt. https://www.youtube.com/watch?v=W5vm45RlUPw Hành động này bị chỉ trích là bán nước.

      Thích

      • Ít ra thì VN cũng dựng lên được một chính phủ thân Việt tồn tại và ổn định hàng chục năm rồi , chứ không như Mỹ lật đổ mấy chính phủ độc tài Trung Đông ,rồi để lại những đất nước hoang tàn, động loạn như ta đã thấy.

        Thích

      • Campuchia ghét VN cũng như VN ghét TQ vậy, mỗi khi đến nhiệm kỳ mới là phe phái đối lập sẽ làm khủng hoảng truyền thông rằng chính quyền hiện tại bán đất cho VN (giống như CS bán đất cho TQ) để kích động dân chúng, hạ thấp uy tín của phe lãnh đạo. Campuchia nó tệ hơn ở chỗ nó nhồi nhét vào đầu dân của nó rằng trước kia nó là một đế chế rọng lớn và cổ xưa, rằng kim tự tháp của nó là hình mẫu của kim tự tháp toàn thế giới nhưng nó đã bị phương tây bôi xóa lịch sử, rằng lịch sử của nó phải từ 2700 năm trước công nguyên mà lui đến tận năm 700 sau công nguyên. Còn VN trong mắt nó chỉ là lợi dụng cướp đất khi nó ở thời kỳ suy yếu. Nói chung nó xếp tầm nước nó ngang với TQ. Còn các công trình cổ của Ai Cập cũng chỉ là copy chịu ảnh hưởng của nó mà thôi. Như vậy các bạn thấy dân Campuchia có bệnh hoạn không? VN mình với Myanmar có quá khứ cũng là đế quốc nhưng có bao giờ dạy dân theo cách như thế không? Sớm muộn gì dân tộc Campuchia cũng sẽ bị diệt vong trong tay TQ

        Thích

  3. Bài viết rất hay tác giả có 1 góc nhìn rất khách quan về lịch sử. Đúng lịch sử phải đc nhìn nhận dưới góc độ khoa học và phân tích nó. Cảm ơn tác giả có bài viết hay sâu sắc.

    Thích

  4. Bài viết phân tích rất trúng căn nguyên sâu xa của vấn đề thù hằn của một bộ phận người Cam đối với con người ,đất nước VN. Chúng ta ,nhân dân Việt,yêu cầu nhà cầm quyền VN phải giải quyết trên tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử và tôn trọng lẫn nhau giữa hai dân tộc láng giềng trong cố gắng cho mọi người dân của hai bên thấy rõ và chấp nhận sự thật lịch sử mà quá khứ để lại.

    Thích

  5. Quan hệ VN – Campuchia thời gần đây có những khuất tất do VN có tham vọng lập Liên bang Đông dương,từ thời thành lập DDCSDDD, nuôi và kết nạp biết bao người Cam vào ĐCS, nhất là thời gian chống Khơ me đỏ xong, không rút quân về ngay mà vẫn ở lại thành lập chính quyền bù nhìn, bị cả thế giới lên án.

    Thích

  6. Việt Nam không phải giúp Campuchia vô tư đâu … không có lợi thì họ không làm và giúp đánh Campuchia chưa được sự đồng ý của liên hiệp quốc có nghĩa là xâm lược và đảo chính , chính quyền của họ

    Thích

  7. Cảm ơn bài viết rất hay và đầy đủ thông tin. Hiểu về lịch sử để giải thích hành động hiện tại của họ là điều nên làm. Hi vọng đến một ngày lịch sử Việt Nam sẽ được nhìn nhận khách quan.

    Thích

  8. Tôi thích câu “…nhiều nước văn minh không dùng lịch sử như một thứ đồ trang điểm cho đẹp hay công cụ tuyên truyền mà là một KHOA HỌC, tức là có đúng có sai, có phản biện và tranh luận”. Cảm ơn tác giả đã cho thấy cái nhìn đa chiều!

    Thích

  9. Mục số 7 phần chú thích. Tôi cũng tạm hiểu là: Chúng ta không chống lại dân trung quốc, mà chỉ chống chính quyền trung quốc. Ý của tác giả là chúng ta không bàn về chính quyền, chỉ dân đen với nhau thì sẽ có cái nhìn và cảm thông với nhau.
    Những người con có thể bình đẳng chơi vô tư với nhau hay không khi bố mẹ chúng dậy chúng tư tưởng khác nhau. Muốn chúng chơi đc với nhau, điều kiện cần là bố mẹ chúng phải cùng tư tưởng với nhau, điều kiện đủ là bố mẹ phải có phương pháp để dạy con theo ý mình.

    Thích

  10. bài viết rất hay, gợi đúng những gì tôi đang cố tìm hiểu nhưng chưa đủ … ! ví dụ như sách sử K hiện nay đang dạy gì với học sinh của họ về mối quan hệ láng giềng này, hơn nữa hiện nay tôi nghe và thấy phần nhiều các hướng dẫn viên du lịch của họ thường nhắc đến hai từ Nam Vang xuất phát từ ông Năm Giảng (Trương Minh Giảng là đại diện bảo hộ K thời M2) kể tội ác ông ta đã làm đối với dân K và mặc dù có nhắc đến công ơn VN giúp tiêu diệt chế độ diệt chủng nhưng tránh dùng từ Khơ me đỏ ? Lần gần đây tôi có trở lại thăm đất nước K để xem sự phát triển của họ và để thăm lại chiến trường xưa mà những đồng đội tôi đã vĩnh viễn nằm lại, dù chỉ là giao tiếp thông thường nhưng hầu như không nhiệt tình thân thiện cho lắm, có cái gì đó không bình thường trong cặp mắt sâu thẳm, né tránh …

    Thích

  11. Cảm ơn tác giả về bài viết rất công phu và cách đặt vấn đề khách quan. Tôi cũng có dịp làm việc cùng các bạn Campuchia nên rất chia sẻ những quan sát của tác giả về mỗi quan hệ giữa hai dân tộc. Một số người Việt nhìn người Cam và người Lào với con mắt rất kẻ cả. Chúng ta cần một thái độ chân thành và trung thực trong nhìn nhận về lịch sử quan hệ giữa hai nước mới có hi vọng xây dựng được tình hữu nghị vững bền giữa hai dân tộc.

    Thích

  12. Mình biết là bài báo đã viết từ rất lâu rồi. Nhưng mà mình có một thắc mắc muốn hỏi bạn và cũng là khúc mắc còn thiếu trong bài viết chưa được giải thích rõ ràng. Đó là tại vì sao Khmer đỏ-người từng là đồng minh của Việt Nam lại bỗng trở lên thù ghét và tấn công muốn tiêu diệt Việt Nam. Tác động nào đã gây lên sự thù địch đó. Cám ơn bạn nhiều lắm. Bài viết vô cùng bổ ích.

    Thích

    • Aka Polpot và Aka …từng là đồng minh thân thiết và cùng là những đứa em thân yêu của anh Mao .
      3 anh em Aka giống nhau nhiều mặt từ ngoài đến trong , thậm chí là cơ hội , vận hên , đến tư tưởng.
      Đài Bình Phước chiếu cảnh Aka tiến vào Pnom Pen nếu ko nghe tiếng và nhìn thoáng qua thìtửơng như xem cảnh sài Gòn ngày 30/04/ 75.
      Họ giống nhau rồi ,vậy tại sao họ đâm nhau ? 2 Aka dã tâm như nhau thì bụp nhau thôi , họ , Polopt cho rằng theo mô hình tiến nhanh tiến mạnh lên cncs thì Cam sẽ hùng mạnh .
      Aka kia thì nghĩ Pháp ,Mỹ chơi được thì chả có gì là không thể .
      Khi 2 Aka nhận ra là không giải quyết nội bộ được nửa thì xuất khẩu ra láng giếng .
      Hehe Aka đều giáo dục gần như nhau nên não họ giống nhau là thường

      Thích

  13. Có vấn đề tác giả chưa để ý là những người có trí thức, hiểu biết và biết ơn…họ đã không có cơ hội để biểu lộ vì họ đã bị giết gần hết, con cháu họ bị những kẻ xưa kia theo Khmer Đỏ đầu độc tư tưởng nhiều năm nên suy nghĩ chỉ thấy tiêu cực. Nên người Cam bây giờ rất khó cảm nhận khách quan cũng như thiện cảm với Việt Nam.

    Thích

  14. TÔI CŨNG KHÓ HIỂU .
    1 – Một đất nước có đạo chủ là ĐẠO PHẬT . Thế mà họ tự tàn sát dân tộc mình tới 1/3 dân số .
    2 – Lẽ ra dân CPC phải nhớ ơn quân dân VN đã giải phóng dân tộc họ thoát nạn diệt chủng . Nhưng một số có tuổi sinh từ 1970 về trước thì đa số họ nhớ ơn . Nhưng thế hệ trẻ kg nếm mùi diêtn chủng và một số người lớn tỏ thái độ kg ưa VN .
    3 – Họ muốn ta giải phóng xong thì rút về và trả họ . Nhưng POLPOT quay lại dưới sự ủng hộ của TQ thì họ giữ làm sao được . Mặt khác luc đó cả thế giới kẻ thù đang cay cú với chúng ta đánh thắng MỸ NGỤY . Chỉ còn mỗi LIÊN XÔ ủng hộ chúng ta .
    4 – Rồi ngay lịch sử của chúng ta cũng bị chúng ta xuyên tạc , rẻ rúng , chối bỏ như . Như KHAI QUỐC ĐẠI ĐẾ TRIỆU ĐÀ . Chúng ta loại ra khỏi sử và cho rằng vụ là NGOẠI BANG XÂM LƯỢC . Với nhà NGUYỄN công lao to lớn ta cũng coi là kẻ thù , cái gì của nhà NGUYỄN cũng bik bài xích .
    5 – Điều cuối cùng ta tự hào là chế độ ta là chế độ cộng sản ưu việt . Nhưng thưc tế kg được như vậy . Quan lại cầm quyền gần 100% là tham nhũng . Đất nước chưa được hài lòng dân .

    Thích

  15. Tác giả nên chuyển qua viết ngôn tình thì hợp hơn. Viết sử mà nào là “tím tái”, “dội gáo nước”, “duỗi chân ăn mừng quốc khánh”…lại còn nhồi nhét suy nghĩ vào hình tượng 1 đứa trẻ để cầu mong sự cảm thông nữa. Vẫn đề yêu ghét giữa Cam- Việt ko có gì lạ, chỉ những người ko biết lịch sử, ko cập nhật thông tin mới mù mờ.
    Mà cũng chả có việc đem quân đánh Cam để xin chút tình thương gì cả. Đơn giản là vấn đề chính trị, tồn vong của quốc gia. Nó đánh mình thì mình đánh lại, mà đã đánh thì phải đánh vào tận sào huyệt để triệt tận gốc, như cái cách Lý Thường Kiệt đánh vào Ung Châu để phá hủy căn cứ địch vậy thôi. Chuyện gì ra chuyện đó, vậy nghen.

    Thích

  16. Bài viết này cực nhiều mâu thuẫn. Chẳng biết những khán giả khác đọc có nhận ra ko ( ” Chanrithy nói rằng, cô “…thoát chết trong gang tấc, và trái tim cô gái nhỏ thắt lại, bởi cùng với nỗi khổ hạnh đã qua, cô nhìn thấy đất nước Campuchia đang chuẩn bị chìm trong bóng tối cuộc xâm lược từ một kẻ thù truyền kiếp: Việt Nam”.”). (Một đứa trẻ còn ngây thơ mà biết nhìn như vậy sao). Đây là ngòi bút của tác giả viết ra … Nói chung mục đích của bài này là bênh vực những nước trên thế giới lên án VN là đúng và chỉ trích chính phủ VN làm cho người dân ko tin vào chính phủ. Kích động, ĐÀO SÂU mâu thuẫn giữa dân Việt với dân Cam và ngược lại.

    Thích

  17. Ân oán giữa Miên – Việt cũng tựa như ân oán Việt – Trung. Thời phong kiến Trung lập An Nam đô hộ phủ trên đất Việt thì Việt cũng lập Trấn Tây thành trên đất Miên. Thời XHCN, Trung đánh chiếm biên giới phía bắc Việt 1 tháng, Việt phản công biên giới tây nam rồi đánh chiếm Miên 10 năm. Việt gọi Trung là “khựa” thì Miên gọi Việt là “duôn”. Khơme đỏ thì cũng là người Khơme, con cháu Khơme đỏ hận thù người Việt là điều tất nhiên, đồng bào của Khơme đỏ hận thù người Việt cũng là điều tất nhiên, không có gì khó hiểu. Người Việt cũng vậy, làm sao có thể lãng quên “Một ngàn năm nô lệ giặc tầu, một trăm năm đô hộ giặc tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Vấn đề bây giờ là làm sao hành xử một cách văn minh, phù hợp luật pháp quốc tế, chứ thời buổi này mà cứ dùng luật rừng thì sẽ bị công đồng quốc tế lên án và trừng phạt.

    Thích

  18. Bài này có chỗ phân tích đúng, nhưng cũng có chỗ nhiều lỗ hổng, và không chính xác.
    Vấn đề 1: quan điểm người Campuchia ghét VN vì 1 số lý do:
    – Lý do lịch sử, miền đất miền Nam Việt Nam là của dân tộc Khơ Me, cái này đúng, nhưng nên hiểu rằng, Khơ Me cũng ko kém cạnh gì trong việc đánh Chăm Pa, Đại Việt, … và khi mất đất (từ khá lâu, hơn 200 năm) thì phải tự nhận mình kém. Và việc dân Campuchia vẫn ghét vì lý do này là vì vấn đề chính trị, đảng đối lập (với 1 số thành phần mang tư tưởng polpot xưa) dùng bài chính trị này để đối đầu với Hunsen.
    – Lý do Việt Nam xây dựng chính quyền thân HN: cái này là hiển nhiên, tôi giúp anh đẩy lùi nạn diệt chủng, rõ ràng anh phải thân tôi, không nhẽ thân với kẻ thù? Còn nếu bảo VN can thiệp sâu vào chính trị thì lại càng sai. Vậy sao VN không xây dựng chế độ CS tiếp theo ở Campuchia, mà lại xây dựng hình thái nhà nước dân chủ đa đảng? Giải thích hộ cái.
    Vấn đề 2: việc lá cờ tổ quốc bị đốt cháy ở đâu đó, thì đó là việc cá nhân. Yêu hay ghét là tình cảm cá nhân, chứ nếu nó là ở tầm nhà nước thì nó sẽ có kết cục như thế nào? Mà đã là việc cá nhân, thì dẹp đi, ko cần phải quan tâm thái quá, nhà nước không đăng tin cũng là đúng.
    Vấn đề 3: người Campuchia ghét VN, ủng hộ TQ hơn thì cần xem lại ở tình hình hiện tại, các công trình lớn ở Campuchia là do nước nào làm? Người TQ đổ vốn vào đây là bao nhiêu? Vì chính trị, lịch sử, họ ghét mình là phải, nhưng về kinh tế thì người TQ đầu tư bên này quá nhiều, nên rõ ràng với giới trẻ, họ bị nhồi những tư tưởng ko đúng thì ghét Việt, thích tàu là điều đương nhiên.
    Tóm lại việc 1 vài thành phần ghét Việt, thì cũng ko phải là cái gì quá lớn lao, nhất là nó lại thuộc về vấn đề lịch sử.Ở Việt Nam, ghét tàu thì có thật, nhưng toàn đổ lỗi tào lao, vô căn cứ thì cũng ko kém gì dân campuchia. Nên mặc kệ, đừng lấy việc yêu thích của bộ phận nhỏ mà quy kết cho cả 1 dân tộc là điều sai lầm nhé

    Thích

  19. Cần gì giải pháp, Tổ tiên đã thực hiện sao vs chiêm thành cứ làm vậy vs campuchia thui. Thời nhà Lý đã xử lý khá tốt về liên minh Tống Chiêm. Thế mà cũng hỏi,tìm hiểu lịch sử kĩ vậy thì cố mà tìm thêm về lịch sử phát triển con người và phát triển của đất nước.

    Thích

  20. Mấy năm Việt Nam đóng quân là thời gian quá ngắn để thâm thù lớn như vậy. Cần nhìn xa hơn, ít nhất là từ thời Minh Mạng khi Việt Nam chiếm gần như toàn bộ Campuchia và có những đàn áp man rợ đối với dân bản địa. Ví dụ vua Minh Mạng có chỉ dụ yêu cầu quân lính phải tích cực thao luyện, lấy người bản xứ làm mục tiêu tập bắn v.v…

    Thích

Bình luận về bài viết này