Việt Nam cuộc chiến cần thiết – Bài 7

Lý giải lại cuộc chiến thảm khốc nhất của Hoa Kỳ

Michael Lind

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 6 : CHIẾN TRANH VIỆT NAM CÓ BẤT CHÍNH KHÔNG?

Chiến tranh Việt Nam có phải là một cuộc chiến bất chính không?  Ngay cả khi người ta thừa nhận rằng nhiều lý lẽ mà phong trào chống Chiến tranh Việt Nam sử dụng đều dựa trên sự giả dối, vẫn có thể đưa ra lập luận chống lại tính chính đáng của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương. Lập luận đạo đức chống lại Chiến tranh Việt Nam có thể được chia thành ba lập luận khác nhau:

  • Chiến tranh Việt Nam là vô đạo đức vì nó là chiến tranh, và tất cả các cuộc chiến tranh đều vô đạo đức.
  • Chiến tranh Việt Nam là vô đạo đức vì nó là một chiến dịch trong Chiến tranh Lạnh, và Chiến tranh Lạnh nói chung là vô đạo đức.
  • Chiến tranh Việt Nam nói riêng là vô đạo đức, ngay cả khi các chiến dịch khác trong Chiến tranh Lạnh của Mỹ như Chiến tranh Triều Tiên không hề vô đạo đức.

Chỉ lập luận thứ ba trong số này mới cần yêu cầu phải thảo luận về các chi tiết của Chiến tranh Việt Nam. Rõ ràng là nếu tất cả các cuộc chiến tranh đều bất chính, hoặc nếu Chiến tranh Lạnh nói chung là bất chính, thì suy ra Chiến tranh Việt Nam là bất chính.

Trong chương này và chương tiếp theo, tôi sẽ đề cập đến ba lập luận này về tính công chính của Chiến tranh Việt Nam. Hầu hết các cuộc thảo luận sẽ được dành cho lập luận thứ ba cho rằng Chiến tranh Việt Nam là một chiến dịch bất chính trong một cuộc đấu tranh lẽ ra chỉ là Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, trước khi có thể trả lời lập luận đó, cần phải giải quyết vấn đề đạo đức của việc phản đối chiến tranh nói riêng và vấn đề đạo đức chống lại Chiến tranh Lạnh nói chung.

Khi phân tích tính đạo đức của chiến tranh Việt Nam, tôi sẽ không chỉ nói lý thuyết chiến tranh công chính theo Thiên Chúa giáo hoặc phiên bản thế tục của nó. Phiên bản tôn giáo của lý thuyết chiến tranh công chính không có thẩm quyền bên ngoài Thiên Chúa giáo. Những nỗ lực thế tục nhằm thảo luận về tính công chính của các cuộc chiến tranh bằng cách sử dụng thuật ngữ “chính nghĩa” và “tính cân xứng” chắc chắn sẽ thất bại, bởi vì bên ngoài một truyền thống nghiêm ngặt và có thẩm quyền, ý nghĩa của những thuật ngữ đó có thể bị thao túng để đưa ra bất kỳ kết luận mong muốn nào. Thay vào đó, trong chương này, tôi sử dụng những so sánh giữa Chiến tranh Việt Nam và những nỗ lực quân sự tương đương của Mỹ, chẳng hạn như Chiến tranh Triều Tiên và Thế chiến thứ hai, mà hầu hết người Mỹ coi là những cuộc chiến chính nghĩa và đạo đức.

Công chính của ai, đạo đức của ai? Những lập luận về công chính của Chiến tranh Việt Nam, giống như hầu hết các cuộc tranh luận về tính công chính trong chính sách đối ngoại, thể hiện những đặc điểm của một loại lập luận đạo đức nhất định được triết gia Alasdair MacIntyre xác định. Chúng không bao giờ có thể được giải quyết, bởi vì những người tranh luận thuộc về những truyền thống đạo đức không tương thích và những lý lẽ từ những tiền đề đạo đức khác nhau. Trong cuốn sách After Virtue (1981), MacIntyre đưa ra những quan điểm trái ngược nhau về công lý trong chiến tranh như là ví dụ đầu tiên của ông về các cuộc tranh luận đạo đức đương thời “không ngừng nghỉ”:

1 (a) Một cuộc chiến tranh chính đáng là một cuộc chiến trong đó những điều tốt đẹp cần đạt được sẽ lấn át những điều xấu xa liên quan đến việc tiến hành chiến tranh và trong đó có thể phân biệt rõ ràng các chiến binh – những người mà sinh mạng đang bị đe dọa – và những dân thường không tham chiến vô tội. Nhưng trong một cuộc chiến tranh hiện đại, tính toán về sự leo thang trong tương lai không bao giờ đáng tin cậy và không thể đưa ra sự phân biệt nào có thể áp dụng được trên thực tế giữa những người tham chiến và những người không tham chiến. Vì vậy không có cuộc chiến tranh hiện đại nào có thể là một cuộc chiến tranh chính đáng và tất cả chúng ta bây giờ phải là những người theo chủ nghĩa hòa bình. 

(b) Nếu bạn mong muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh. Cách duy nhất để đạt được hòa bình là ngăn chặn những kẻ xâm lược tiềm tàng. Vì vậy, bạn phải tăng cường vũ khí của mình và nói rõ rằng việc tiến hành chiến tranh ở bất kỳ quy mô cụ thể nào không nhất thiết bị các chính sách của bạn loại trừ. Một phần không thể tránh khỏi của việc làm rõ điều này là việc chuẩn bị cả cuộc chiến tranh hạn chế và không chỉ đi tới mà còn vượt ra ngoài bờ vực hạt nhân trong một số trường hợp nhất định. Nếu không bạn sẽ không tránh được chiến tranh và bạn sẽ bị đánh bại.

(c) Chiến tranh giữa các cường quốc hoàn toàn mang tính hủy diệt; nhưng các cuộc chiến tranh được tiến hành để giải phóng các nhóm bị áp bức, đặc biệt là ở Thế giới thứ ba, cần phải có biện pháp và phương tiện để tiêu diệt sự thống trị bóc lột đứng giữa nhân loại và hạnh phúc. 

Để có tính toàn diện, sẽ rất hữu ích khi thêm vào danh sách của MacIntyre cái có thể được gọi là lập luận “quân phiệt” hoặc “phát xít”:

(d) Đời sống xã hội, giống như đời sống sinh học, bao gồm cuộc đấu tranh không ngừng để sinh tồn và thống trị. Hạng người vinh quang nhất là chiến binh, và cuộc đời duy nhất đáng sống là cuộc chiến vũ trang chống lại kẻ thù quốc gia hoặc cá nhân. Hòa bình là một trạng thái đáng khinh miệt, chỉ có thể chấp nhận được khi tạm dừng giữa các chiến dịch chinh phục hoặc để tránh bị chinh phục.

Những người đi theo bốn quan điểm đạo đức trong chiến tranh này có rất ít điều để nói với nhau, ngoài việc nói lên quan điểm của mình . MacIntyre nhận xét: “Từ những kết luận đối địch của chúng ta, chúng ta có thể lập lluận ngược lại những tiền đề đối địch của mình, nhưng khi chúng ta đi đến tiền đề của mình thì lập luận chấm dứt và việc viện dẫn tiền đề này đấu lại tiền đề khác trở thành vấn đề của sự khẳng định và phản khẳng định thuần túy. Suy ra cuối cùng có lẽ là giọng điệu hơi chói tai của rất nhiều cuộc tranh luận về đạo đức.”

Cuộc tranh luận giữa bốn đạo đức này không thể được giải quyết ở đây, nếu nó có thể được giải quyết. Tôi lập luận rằng quan niệm đạo đức về chiến tranh được tóm tắt bởi quan điểm (b), quan điểm “hiện thực” của MacIntyre, là đúng, và ba quan điểm còn lại – người theo chủ nghĩa hòa bình, người theo chủ nghĩa Marx và người theo chủ nghĩa quân phiệt là những quan niệm dựa trên quan niệm sai lầm về đạo đức. 

Quan điểm quân phiệt, cùng với những giá trị mà nó biện minh, là xa lạ với Hoa Kỳ và các xã hội tương tự, bất chấp sự hấp dẫn của nó đối với các cộng đồng trong lịch sử như cộng đồng người Viking, người Mông Cổ và bọn phát xít thế kỷ 20, và có lẽ đối với một thiểu số nhỏ bé trong các nền dân chủ tự do. Tầm quan trọng về mặt chính trị và xã hội ngày nay là đạo đức cánh tả theo chủ nghĩa hòa bình và cách mạng – nền đạo đức trước đây chịu ảnh hưởng của tôn giáo siêu nhiên, đặc biệt là một số dòng Tin lành và Thiên Chúa giáo, còn nền đạo đức sau được gọi tên là tôn giáo chính trị thế tục của chủ nghĩa Mác, dưới cả hai hình thức Lêninit hay không  Lêninit.

Trong hai luận cứ “tôn giáo” này, luận cứ của tôn giáo chính trị Mác xít dễ dàng bác bỏ. Trong phạm vi mà ý tưởng về cuộc cách mạng giải phóng ở Thế giới thứ ba phụ thuộc vào giá trị của chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác, thì nó không bao giờ có giá trị, bởi vì chủ nghĩa Mác, với cách lý giải sai lầm về các xu hướng lịch sử và lý thuyết giá trị lao động thặng dư sai lầm của nó, đã nhầm lẫn về xã hội và chính trị ngay từ đầu. Điều này không có nghĩa là các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống lại các đế quốc đa quốc gia (bao gồm các đế quốc đa quốc gia của Liên Xô, Trung Cộng và Việt Nam cộng sản sau năm 1975) sẽ không được biện minh trong nhiều trường hợp, chỉ có điều các cuộc cách mạng chỉ có thể được biện minh trong từng trường hợp một, chứ không phải là minh họa về một xu thế chuyển đổi mang tính cách mạng toàn cầu.

Ngược lại, gần như không thể bác bỏ một cách hợp lý chủ nghĩa hòa bình của Cơ đốc giáo, vốn đứng vững hay sụp đổ, không chỉ dựa trên niềm tin vào một sự mặc khải cụ thể được cho là thiêng liêng, mà còn dựa trên cách giải thích cụ thể về sự mặc khải đó. Mặt khác, chủ nghĩa hòa bình thế tục dễ dàng bị bác bỏ. Để chứng minh chỉ cần nhận xét rằng tất cả các chính thể hiện có và từng có trong lịch sử đã được thiết lập và sau đó được duy trì như là kết quả trực tiếp hoặc gián tiếp của các cuộc xung đột vũ trang; rằng không có quốc gia nào trên thế giới, kể cả Vatican, thiếu lực lượng quân sự, dù yếu đến đâu; và rằng không có cộng đồng nào dù kéo dài trong khoảng thời gian bao lâu lại không tôn vinh những con người chiến đấu vì nó (điều này đúng ngay cả với những xã hội dân sự nơi binh lính không được giao vị thế cao nhất). Trong suốt lịch sử và trên toàn thế giới, những người đàn ông từ chối tham gia nghĩa vụ quân sự bảo vệ cộng đồng của mình hầu như luôn bị coi là những kẻ hèn nhát và ăn bám. Chỉ những cộng đồng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hòa bình tôn giáo này hay chủ nghĩa hòa bình khác mới thể hiện sự khoan dung đối với những người theo chủ nghĩa hòa bình; và ngay cả sự khoan dung đó cũng bị hạn chế và có xu hướng rút lui trong các cuộc khủng hoảng. Chủ nghĩa hòa bình đòi hỏi sự trừng phạt siêu nhiên, bởi vì đối với các đầu óc thông thường, thế tục thì những người theo chủ nghĩa hòa bình có vẻ là các thần dân xấu, hoặc công dân xấu, trốn tránh nghĩa vụ đối  với cộng đồng, nhà nước. (Tất nhiên, cả hai loại người này  không phải lúc nào cũng trùng khớp; trong một đế chế hoặc liên bang đa quốc gia bao gồm hai hoặc nhiều cộng đồng, nghĩa vụ đạo đức của một người chiến đấu cho nhóm sắc tộc mình có thể không chuyển thành nghĩa vụ đạo đức để chiến đấu cho nhà nước. )

Từ đó đưa ra kết luận rằng không có gì mang tính “bảo thủ” hay “cánh hữu” về quan điểm “thực tế” được nêu trong quan điểm (b) của MacIntyre. Còn lâu mới là quan điểm của cánh hữu chính tri, đây phải là quan điểm của tất cả các nhà tư tưởng và chính khách thế tục, ở cánh tả, cánh hữu và trung dung, những người bác bỏ cả chủ nghĩa cách mạng lãng mạn Mác-xit và chủ nghĩa hòa bình tôn giáo siêu nhiên, đồng thời bác bỏ cách giải thích quân phiệt về chiến tranh (một quan điểm đạo đức sai lầm đôi khi được biện minh bằng các học thuyết thế tục – ví dụ, Thuyết  Darwin xã hội đã ảnh hưởng đến hệ tư tưởng của Đức Quốc xã). Suy cho cùng, trong thế kỷ 20, một nước Mỹ xã hội chủ nghĩa dân chủ sẽ có nhiều lý do để lo sợ một thế giới bị thống trị bởi những chế độ toàn trị cộng sản phát xít như một nước Mỹ tư bản dân chủ.

Thế thì cách tiếp cận hiện thực đối với các vấn đề thế giới là hoặc nên là cách tiếp cận được chia sẻ bởi tất cả những người theo chủ nghĩa thế tục, không phải những nhà quân phiệt tôn vinh chiến tranh, cũng như bởi những tín đồ tôn giáo không chủ trương hòa bình.

Có tồn tại loại đạo đức hiện  thực về chiến tranh không?

Để chấp nhận quan điểm hiện thực về chính trị thế giới như một đấu trường thường xuyên (mặc dù không phải là vĩnh viễn) và xung đột vũ trang hợp pháp, không cần thiết phải từ chối nỗ lực vận dụng lập luận đạo đức vào chiến tranh. Điểm này thường bị che khuất bởi sự tương phản quen thuộc giữa “chủ nghĩa hiện thực” và “chủ nghĩa lý tưởng ”. Hiểu một cách đúng đắn, chủ nghĩa hiện thực là một lý thuyết đặc biệt về đạo đức chính trị, không phải là một lý thuyết thừa nhận sự không tương thích giữa chính trị và đạo đức.

Thật vậy, chủ nghĩa hiện thực mang tính đạo đức hơn các đạo đức đối nghịch, như chủ nghĩa quân phiệt khát máu hoặc chủ nghĩa hòa bình phản chiến. Đối với những người theo chủ nghĩa hiện thực, chiến tranh giống như một cuộc phẫu thuật – một hoạt động gây đau đớn và nguy hiểm đôi khi cần thiết. Nghệ thuật chiến tranh có mối quan hệ tương tự với nghệ thuật chính trị toàn diện hơn, giống như nghề phẫu thuật có mối quan hệ tương tự với ngành y học toàn diện hơn. Người ta có thể phản đối một trường hợp phẫu thuật cụ thể không cần thiết – và ngược lại có thể lập luận rằng phẫu thuật là cần thiết để cứu một bệnh nhân cụ thể. Nhưng thật vô lý, thậm chí điên rồ nếu chống lại phẫu thuật về nguyên tắc hoặc chủ trương phẫu thuật về nguyên tắc. Chống chiến tranh một cách bừa bãi, cũng như hậu thuẫn một cách bừa bãi là nhầm lẫn về mặt đạo đức theo cùng một cách. Một người theo chủ nghĩa hòa bình giống như một nhà Khoa học Cơ đốc giáo phản đối phẫu thuật ngay cả khi lựa chọn đó có thể khiến bệnh nhân bị tê liệt hoặc tử vong, trong khi một người theo chủ nghĩa quân phiệt có thể được so sánh với một kẻ có sự hưng phấn bệnh hoạn là cắt xẻ và làm đau đớn người khác.

Sự tương tự có thể được mở rộng thành sự so sánh giữa  người lính và bác sĩ phẫu thuật. Binh lính giết người trong khi làm nhiệm vụ không phải là những “kẻ sát nhân”, cũng như bác sĩ phẫu thuật mổ người sống không phải là “những kẻ tra tấn”. Những người theo chủ nghĩa hòa bình thường cho rằng tôn vinh binh lính có nghĩa là chấp nhận những tệ nạn của chiến tranh. Nhưng việc tôn vinh các bác sĩ không liên quan gì đến việc tôn vinh những căn bệnh hay những tai nạn không may xảy ra, tạo cơ hội cho các bác sĩ thể hiện chuyên môn và đức tính cá nhân của mình. Quả thực, nếu người lính cố gắng kích động chiến tranh, giống như bác sĩ hay y tá cố tình giết hại bệnh nhân, như cảnh sát  là một kẻ tống tiền và lính cứu hỏa lại là kẻ đốt nhà, là một nhân vật phản diện cổ điển trong tiểu thuyết và phim ảnh.

Đối với sự so sánh này, có thể đưa ra phản đối rằng “việc phẫu thuật” thay mặt cho chính trị được ẩn dụ bằng cơ thể có thể và thực sự dẫn đến việc gây tổn hại hoặc hủy diệt con người thực sự. Điều này đúng – nhưng điều này cũng đúng trong trường hợp có nhiều chính sách công không liên quan gì đến quốc phòng và việc phóng chiếu quyền lực quốc gia. Cái giá phải trả của việc thực thi pháp luật trong nước là  con số không nhỏ những sinh mạng đã chết trong các cuộc đấu vũ trang hàng năm các cảnh sát cũng như tội phạm, cùng với mức độ “thiệt hại đáng kể ngoài dự kiến” đối với dân thường dưới hình thức vô tình lạc đạn và tai nạn đâm xe. Đạo đức, hiểu đúng, đòi hỏi phải cân nhắc chi phí và lợi ích của việc thực thi pháp luật, nhưng nó không yêu cầu từ bỏ nỗ lực thực thi pháp luật với lý do bất kỳ tổn thất nào về sinh mạng vô tội là không thể chấp nhận được.

Mặc dù chủ nghĩa hiện thực là một đạo đức chứ không phải là nằm ngoài phạm vi đạo đức, chiều hướng đạo đức của tư tưởng hiện thực tương đối chưa phát triển. Thực vậy, toàn bộ chủ đề đã bị bóp méo bởi ảnh hưởng của một loại chủ nghĩa hiện thực cụ thể – “chủ nghĩa hiện thực tối thiểu”. Như chúng ta đã thấy trong Chương 2, những người theo chủ nghĩa hiện thực tối thiểu có xu hướng xem các cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20 như sự tái hiện các cuộc đấu tranh giữa các cường quốc trong hệ thống nhà nước châu Âu cũ, trong khi những người theo chủ nghĩa hiện thực tối đa thường coi các cuộc chiến tranh thế giới là những cuộc nội chiến có ảnh hưởng quốc tế,  nếu không muốn nói là các cuộc thập tự chinh gần như có tính tôn giáo.

Sự khác biệt giữa hai trường phái này rất quan trọng, bởi vì phần lớn ngôn ngữ “đạo đức” của chủ nghĩa hiện thực đương thời thực sự bao gồm ngôn ngữ của ngoại giao châu Âu kiểu cũ, được nâng lên từ hiện trạng của một tập hợp ngẫu nhiên và có tính lịch sử của các phong tục tập quán khu vực lên đến hiện trạng của các chuẩn mực đạo đức vĩnh cửu. Sự khác biệt có thể được minh họa bằng các quan điểm theo chủ nghĩa hiện thực tối thiểu và chủ nghĩa hiện thực tối đa về “chủ quyền quốc gia”. Những người theo chủ nghĩa hiện thực tối thiểu, gắn liền với quan niệm của thế kỷ 19 về một thế giới có chủ quyền mà các mối quan hệ của nó được quản lý chặt chẽ và giới hạn ở một số kênh, có nhiều khả năng hơn những người theo chủ nghĩa hiện thực tối đa khi coi “sự vi phạm” “chủ quyền quốc gia” như một tội ác đạo đức gần như có thể so sánh được với tội diệt chủng hoặc tra tấn. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa hiện thực tối đa ở các quốc gia tự do đã nhận thức rõ các cuộc chiến tranh thế kỷ 20 chống lại chế độ toàn trị phát xít và chế độ toàn trị  cộng sản như các chiến dịch được tiến hành ở nhiều cấp độ, bằng nhiều phương tiện – từ cấm vận và hoạt động bí mật đến trợ cấp hoặc viện trợ quân sự cho các đảng thân phương Tây cho đến đối đầu trực tiếp giữa các cường quốc hàng đầu. Nếu việc tuân theo các quy ước ngoại giao lỗi thời của châu Âu cản trở cuộc đấu tranh, thì những người theo chủ nghĩa hiện thực tối đa sẵn sàng hy sinh các quy ước hơn là bỏ cuộc trước những kẻ như Hitler, Stalin và Mao. Do đó, những người theo chủ nghĩa hiện thực tối đa có nhiều khả năng hơn những người theo chủ nghĩa hiện thực tối thiểu trong việc bảo vệ nhiều hoạt động bí mật mà Hoa Kỳ đã tham gia trong Chiến tranh Lạnh, bao gồm các khoản trợ cấp bí mật cho các chính trị gia thân Mỹ ở Nhật Bản và Ý, và các nỗ lực nhằm ám sát hoặc lật đổ Fidel Castro hoặc những tay chân khác của Liên Xô tại các nhà nước chủ chốt. Về phần mình,  Liên Xô, Trung Cộng và các tay chân của họ coi các khái niệm về chủ quyền nhà nước là điều lừa mị của bọn “tư sản”, phải bị đánh đổ vì lợi ích lớn hơn của giai cấp vô sản và nhân loại, như được giải thích bởi học thuyết Mác-Lê.

Tính Đạo Đức của các Chiến tranh Ủy nhiệm 

Bảo vệ đạo đức cho Chiến tranh Lạnh ngày nay cũng không cần thiết như bảo vệ đạo đức cho các nỗ lực chống phe Trục trong Thế chiến thứ hai. Không thể phủ nhận rằng chủ nghĩa Mác-Lê – vốn chịu trách nhiệm về những sinh mạng  bởi câc vụ hành quyết, lao động cưỡng bức hoặc nạn đói do nó tạo ra lên tới một trăm triệu người ở Liên Xô, Trung Quốc và các quốc gia khác thuộc khối cộng sản – là một hệ tư tưởng xấu xa như Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia Đức. Quả thực, các phiên bản cộng sản và phát xít của chủ nghĩa toàn trị, bất chấp những khác biệt về triết học, minh chứng cho các chế độ tương tự nhau một cách đáng kinh ngạc.

Một số người phản đối Chiến tranh Lạnh lập luận rằng Liên Xô, dù xấu xa đến đâu, cũng không bao giờ đủ mạnh để biện minh cho việc nỗ lực chống Liên Xô. Do đó, Chiến tranh Lạnh chỉ là dựa trên sự hoang tưởng của Mỹ. Những người đưa ra lập luận này phải giải thích tại sao bệnh hoang tưởng về sức mạnh của Liên Xô cũng được chia sẻ bởi các nhà lãnh đạo Tây Âu, Nhật Bản và cộng sản Trung Quốc; nếu mối đe dọa của Liên Xô là một trò lừa bịp thì đó là một trò lừa bịp phụ thuộc vào sự cộng tác của rất nhiều người khá khác nhau trên nhiều châu lục trong nửa thế kỷ.

Hơn nữa, tuyên bố rằng Chiến tranh Lạnh là không cần thiết, bởi vì Liên Xô chưa bao giờ có khả năng chinh phục thế giới, đã đưa ra vấn đề sai lầm. Ở đỉnh cao quyền lực, Đức Quốc xã và Liên Xô không có khả năng hơn Hoa Kỳ trong việc chinh phục và chiếm đóng thế giới về mặt vật chất. Mục tiêu của Hoa Kỳ và các đồng minh là ngăn chặn một trong hai nhà nước toàn trị đạt được và củng cố vị thế bá chủ quân sự ưu việt của thế giới – một vị thế không đòi hỏi quyền bá chủ kinh tế tương xứng, chỉ cần có cơ sở kinh tế đủ để một quân đội có khả năng đe dọa các đối thủ tiềm tàng phải chấp nhận. Một thế giới do Đức Quốc xã hay Liên Xô thống trị sẽ không phải là một thế giới trong đó tất cả các nước đều theo chủ nghĩa phát xít hoặc cộng sản (mặc dù số lượng các quốc gia toàn trị sẽ tăng lên rất nhiều do sự lật đổ hoặc bắt chước). Thay vào đó, một thế giới dưới quyền bá chủ của Đức Quốc xã hoặc Liên Xô sẽ là một thế giới phản ánh những ưu tiên của Đức Quốc xã hoặc Liên Xô về các quy tắc trật tự thế giới-quy tắc của chiến tranh ngoại giao, thương mại, quyền công dân, v.v. Bởi vì người chiến thắng sẽ viết ra luật lệ cho thế giới, trong một thế hệ hoặc lâu hơn, Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh không phải là những cuộc xung đột giữa các cường quốc thông thường mà là những cuộc chiến tranh bá quyền, trong đó bản chất và tương lai của nền văn minh thế giới đang bị đe dọa.

Khi đó, để ủng hộ chính nghĩa của Hoa Kỳ trong các cuộc chiến tranh thế giới chống lại các chế độ toàn trị, không cần thiết phải tin rằng một thế giới trong đó Hoa Kỳ và các đồng minh chiếm ưu thế về mặt quân sự sẽ giống như một thế giới lý tưởng; không có người Mỹ trung thực nào lập luận như thế. Cũng không nhất thiết phải ủng hộ việc phổ cập hóa các thể chế của Mỹ như dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản tự do. Chỉ cần tin rằng quyền bá chủ của quân đội Mỹ được ưu tiên hơn quân đội hoặc quyền bá chủ của Liên Xô hay Đức, trong một thời đại mà ba cục điện  đó là những lựa chọn thay thế thực tế duy nhất. Điều này mở ra khả năng rằng một trật tự thế giới nào khác, dựa trên một số siêu cường hoặc liên minh khác, có thể thích hợp hơn trật tự thế giới do Mỹ thống trị ở một tương lai xa. Điều luôn luôn không thể xảy ra là một trật tự thế giới không dựa vào, trong phân tích cuối cùng,  ưu thế quân sự của một hoặc một vài quốc gia hùng mạnh, cho dù ưu thế quân sự đó có thể được ngụy trang bởi các thể chế quốc tế.

Lập luận ủng hộ tính công chính cho chính nghĩa của Mỹ trong các cuộc chiến tranh thế giới không bị mất uy tín khi chỉ ra thực tế rằng động cơ của Hoa Kỳ luôn ích kỷ, mặc dù họ không chỉ là ích kỷ. Ngay cả khi Hoa Kỳ đã chiến đấu với Hitler và những người cộng sản chỉ dựa trên những tính toán tư lợi của các nhà giai cấp tư bản thống trị, thì điều này cũng không làm thay đổi kết luận rằng nhân loại sẽ tốt đẹp trong một trật tự thế giới do Washington định hình hơn là trong một trật tự được thiết kế ở Berlin hay Mátxcơva. Trường hợp mà chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dựa vào sự trùng hợp giữa lợi ích chung của nhân loại và lợi ích riêng của Hoa Kỳ, chứ không dựa trên quan điểm cho rằng điều gì tốt cho thế giới thì tốt cho nước Mỹ và ngược lại trong mọi hoàn cảnh. (Lý lẽ đạo đức cho sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Thế chiến thứ nhất còn có vấn đề, bởi vì quyền bá chủ của Đế quốc Đức chứ không phải Đế quốc Anh hay Hoa Kỳ sẽ không gây ra thảm họa rõ ràng cho nền văn minh như chiến thắng địa chính trị của Chủ nghĩa Quốc Xã hay Chủ nghĩa Mác-Lê sẽ như vậy.)

Nhiều người biết suy nghĩ thừa nhận tính hợp pháp và thực sự cần thiết về mặt đạo đức của cuộc chiến tổng lực chống lại Đức Quốc Xã và các đồng minh của nó, dù vậy cũng đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các cuộc chiến tranh ủy nhiệm do Hoa Kỳ và các đồng minh tiến hành chống lại các cường quốc cộng sản. Người ta thường cho rằng việc tấn công bãi biển Omaha [trong ngày Mỹ và Đồng minh đổ bộ lên Normandy cuối Thế chiến] bằng cách nào đó ít mơ hồ về mặt đạo đức hơn so với việc tuần tra các ngôi làng ở miền Nam Việt Nam bị quân du kích được các cường quốc cộng sản hỗ trợ đe dọa. Mặc dù ý tưởng này là phổ biến nhưng giả định này bị nhầm lẫn về mặt đạo đức.

Khả năng hiểu biết của chúng ta về các cuộc xung đột trên thế giới trong thế kỷ 20 bị cản trở bởi xu hướng gần như phổ biến là đồng nhất hai cuộc xung đột đầu tiên với các giai đoạn chiến tranh tổng quát không giới hạn giữa các cường quốc. Vì vậy, Thế chiến thứ nhất được cho là đã kéo dài từ năm 1914–18 và Thế chiến thứ hai từ 1939-45. Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp, cuộc chiến tranh tổng quát diễn như một kết quả của một “chiến tranh lạnh” trước đó. Trước Thế chiến thứ nhất là “chiến tranh lạnh” giữa Đế quốc Đức và các cường quốc đối thủ như Anh, Pháp và Nga có thể bắt đầu vào những năm 1890, nếu không muốn nói là sớm hơn. Cuộc tổng chiến bùng nổ vào năm 1939 sau cuộc chiến tranh lạnh kéo dài sáu năm giữa Đức Quốc xã và các đối thủ của nó. Khi đó, việc mô tả sự kình địch Xô-Mỹ như Thế chiến thứ ba là không hoàn toàn chính xác, nếu khi nói “các cuộc chiến tranh thế giới” người ta muốn nói đến “các cuộc chiến tranh nóng” bắt đầu vào năm 1914 và 1939. Đúng hơn là Chiến tranh Lạnh Xô-Mỹ năm 1946- 91 nên được so sánh với sự cạnh tranh Anh-Đức từ những năm 1890 đến năm 1914, cũng như sự cạnh tranh giữa các cường quốc phe Trục và kẻ thù của họ trước năm 1939. Tuy nhiên, các cuộc chiến ủy nhiệm giữa khối cộng sản và liên minh chống cộng như Hàn Quốc, Việt Nam và Afghanistan là vấn đề địa chính trị không phải đạo đức, tương đương với Nội chiến Tây Ban Nha – vốn là cuộc chiến ủy nhiệm giữa khối phát xít và Liên Xô.

Sự giống nhau giữa Chiến tranh Lạnh Xô-Mỹ và các cuộc chiến tranh Lạnh trước đó của thế kỷ 20 đã được nhà sử học người Đức Ludwig Dehio chỉ ra vào năm 1959. Lưu ý rằng thuật ngữ “Chiến tranh khô hạn” đã được người Đức sử dụng trước năm 1914 để mô tả sự cạnh tranh hải quân Anh-Đức, Dehio đã viết:

Đặc điểm của một cuộc chiến tranh “khô” hay “lạnh” như vậy là gì? Tham vọng cuối cùng của những người [như Đế quốc Đức và Liên Xô] thực hiện điều đó là đạt được mục tiêu của mình một cách hòa bình. Nhưng những mục tiêu này mang tính tấn công chứ không phải phòng thủ. Mục đích là buộc đối phương rời khỏi vị trí và cấp bậc hiện tại của họ, đồng thời đạt được những gì chỉ có thể đạt được bằng cách sử dụng vũ khí. Vú khi cũng đóng vai trò của mình; vì để áp đặt đường hướng mong muốn, dù bằng sự sợ hãi hay đe dọa, việc sản xuất vũ khí phải được đẩy nhanh – luôn với hy vọng rằng sẽ không cần phải sử dụng đến chúng. Toàn bộ ý tưởng là vũ khí của chính mình, làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh khiến đối thủ không dám thoát ra khỏi cuộc chiến tranh lạnh để bước vào  cuộc chiến nóng bỏng, và khi kiệt sức, anh ta sẽ nhường vị thế của mình một cách hòa bình. .. Bản thân một cuộc tấn công hòa bình kiểu này cũng phải chấp nhận rủi ro chiến tranh, điểm khác biệt duy nhất là quyết định ra đòn đầu tiên, nếu cần thiết, để ép buộc phía bên kia. Trong trường hợp này, vai trò của kẻ xâm lược và người phòng thủ, trong trường hợp xảy ra chiến tranh thực tế không mong muốn, dường như đã hoàn toàn bị đảo ngược. Nói chung, toàn bộ sự phát triển mà chúng ta đã thảo luận luôn thể hiện sự pha trộn giữa các yếu tố tấn công và phòng thủ cũng như hòa bình và gây chiến, nhưng trên thực tế, những tham vọng tấn công hòa bình của sức mạnh đang trỗi dậy khống chế vũ đài cho đến thời điểm tới hạn  đối thủ bị kích động có thể mạo hiểm đi bước cuối cùng vào cuộc chiến.

Dehio đưa ra câu trả lời cho một lập luận có vẻ thuyết phục của các đối thủ phương Tây trong Chiến tranh Lạnh – nếu Liên Xô thực sự là “kẻ gây hấn”, thì tại sao Hoa Kỳ lại gửi quân đến các nước khác thường xuyên hơn và với số lượng lớn hơn Liên Xô? (Cho đến khi Liên Xô xâm lược Afghanistan, việc triển khai quân quy mô lớn bên ngoài lãnh thổ Liên Xô chỉ giới hạn ở các vụ xâm lược Đông Âu nhằm đè bẹp các cuộc cách mạng chống cộng trước khi chúng lan rộng từ Đông Đức, Hungary và Tiệp Khắc.) Trong Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ là cường quốc phòng thủ bá quyền, và Liên Xô là kẻ thách thức đang lên – vai trò lần lượt được thực hiện bởi đế quốc Anh và Đế quốc Đức trong những năm trước 1914. Nếu Dehio đúng, thì trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh, một bá quyền phòng thủ như Anh hay Mỹ có thể được biện minh – về mặt đạo đức cũng như chiến lược – trong việc đưa ra phản ứng quân sự trước một “cuộc tấn công hòa bình”. Sức mạnh phòng thủ đang bị bao vây có thể “đánh đòn đầu tiên” một cách hợp pháp, sử dụng vũ khí thay vì đồng ý bị di dời khỏi vị trí của mình trên thang bậc  quyền lực thế giới bởi một kẻ thù sử dụng các phương pháp khác ngoài phương pháp tấn công trực tiếp, chẳng hạn như tăng cường vũ khí đáng sợ hoặc tài trợ cho hoạt động lật đổ hoặc cách mạng ở các quốc gia và khu vực quan trọng.

Quả thực, đó là một phần thưởng cho  sự thành công của Mỹ trong việc kết thúc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô mà không leo thang thành chiến tranh nóng, theo như các cuộc chiến tranh lạnh trước đó liên quan đến Đức  Một trong những lý do khiến giai đoạn Chiến tranh Lạnh với các cuộc xung đột trong thế giới thứ ba không bao giờ leo thang thành giai đoạn chiến tranh nóng – “Chiến tranh Thế giới III” mà cả hai bên đều muốn tránh – là sự cân bằng tính khủng bố do vũ khí hạt nhân áp đặt. Nếu ta giả định rằng các cường quốc trong những năm 1930 đã sở hữu vũ khí hạt nhân, và nếu người ta cũng giả định (một giả định lớn) rằng Hitler sẽ không sử dụng chúng, vì sợ hậu quả đối với Đức, thì sự cạnh tranh giữa các cường quốc thuộc phe Trục, Liên Xô, và các nền dân chủ tự do có thể đã có một hình thức giống với hình thức của Chiến tranh Lạnh sau năm 1946 hơn. Không thể xâm chiếm quê hương của nhau, các khối đối địch có thể đã tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm cấp thấp và kéo dài ở những nơi như Bắc Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Lịch sử của cuộc xung đột toàn cầu thứ hai có thể bao gồm các giai đoạn được gọi là “Nội chiến Nicaragua” và “Sự can thiệp  Mãn Châu.” Thật vậy, không khó để tưởng tượng một vũ trụ song song trong đó Hoa Kỳ gửi quân đội tham gia cùng với các đồng minh Pháp của mình trong một cuộc chiến ủy nhiệm ở Đông Dương chống lại các tay chân  của Đế quốc Nhật Bản và các đồng minh. của Đệ Tam Đế chế Đức, như một phần của Chiến tranh Lạnh chống phát xít, thời kỳ 1936-78, chẳng hạn. 

Vấn đề là thế này: Một cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại Đức Quốc xã và các đồng minh của nó, được tiến hành bằng các cuộc chạy đua vũ trang và chiến tranh ủy nhiệm, sẽ hợp pháp về mặt đạo đức như cuộc  chiến tổng lực thực sự diễn ra sau năm 1939. Thật vậy, nếu nó đã có thể xảy ra, thì có lẽ sẽ tốt hơn về mặt đạo đức nếu việc đánh đổ chế độ Trục xảy ra một khoảng thời gian dài hơn, đồng nghĩa với việc gây ra ít thương vong hơn trên toàn thế giới. Khoảng 35 đến 40 triệu người đã chết trong Thế chiến thứ hai. Ngay cả khi tính cả hàng triệu người đã chết trong các cuộc chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam và Afghanistan, số người chết trong Chiến tranh Lạnh vẫn thấp hơn nhiều.

Nội chiến xét như Cuộc chiến Ủy nhiệm

Vì vậy, trên cơ sở nhân đạo, người ta nên chuộng những cuộc chiến tranh thế giới diễn ra dưới hình thức các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và chạy đua vũ trang có giới hạn hơn là những  cuộc chiến tổng lực nổ ra giữa các cường quốc và kết thúc bằng việc chiếm đóng quê hương của một hoặc nhiều nước tham chiến. Nhưng điều gì về những cư dân kém may mắn của các quốc gia và khu vực có lãnh thổ được chọn làm đấu trường để kiểm tra sức mạnh giữa các siêu cường và liên minh đối thủ? Chẳng phải là vô đạo đức hay sao khi các cường quốc kéo dài các cuộc nội chiến bằng cách can thiệp vào chúng – ngay cả khi mục tiêu can thiệp là cuối cùng và gián tiếp đánh bại một cường quốc như Đức Quốc xã hay Liên Xô?

Nếu đạo đức cấm các cường quốc kéo dài các cuộc nội chiến để biến chúng thành các cuộc chiến ủy nhiệm, thì các cường quốc tự do sẽ bị tước đoạt một trong các phương tiện chính, nếu không muốn nói là phương tiện chính duy nhất để ngăn chặn các siêu cường phản tự do đạt được sự thống trị thế giới bằng các phương pháp trừ sự chinh phục trực tiếp. Các cuộc chiến tranh bạo lực nhất kể từ năm 1945 là Chiến tranh Triều Tiên (1950-53), nội chiến Nigeria (1967-70), Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba ở Campuchia, đẩy những kẻ chinh phục Việt Nam và các đồng minh Campuchia của họ chống lại nhân dân Campuchia thù địch Việt Nam (1975- 89), Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai hay Chiến tranh “Việt Nam” (1959-75), Chiến tranh Ethiopia (1962-91), và Chiến tranh Afghanistan (1979-89). Ngoại trừ cuộc nội chiến ở Nigeria, tất cả các cuộc xung đột này đều không chỉ là nội chiến mà còn là chiến tranh ủy nhiệm trong đó có Hoa Kỳ, Liên Xô và/hoặc Trung Quốc tham gia. Mỗi vụ xung đột này đều kéo dài vì một hoặc nhiều siêu cường hơn đã cung cấp vũ khí và viện trợ kinh tế cho một trong các phe phái hoặc cử quân đội của chính họ đến hỗ trợ hậu cần hoặc tham gia chiến đấu.

Nhà khoa học chính trị Charles Tilly viết về sự thay đổi của chính trị quốc tế sau năm 1945: “Chiến tranh Việt Nam bi kịch hóa những gì đã xảy ra với hệ thống nhà nước, khi một hay nhiều cường quốc, trực tiếp hoặc gián tiếp, tham gia cuộc nội chiến thay mặt cho các bên bản địa.” Tilly lưu ý rằng “cuộc tranh chấp hiếm khi liên quan đến lãnh thổ bị chiếm đóng bởi một quốc gia cụ thể; thay vào đó, các chiến binh tranh nhau xem nhóm nào sẽ kiểm soát “nhà nước đang tồn tại trong phạm vi ranh giới đã được thiết lập của nó.” Phần lớn là kết quả của việc các cuộc chiến tranh ủy nhiệm đã thay thế cuộc chiến tranh trực tiếp giữa các cường quốc, tỷ lệ người chết trong các cuộc nội chiến so với các cuộc chiến tranh giữa các nhà nước đã tăng từ 1948-58 lên 15,9%; từ năm 1959-69 đến 59,4% và từ 1970-80 đến 89,0 %.

Vấn đề đạo đức mà việc này đặt ra không nên được giảm thiểu. Hầu hết trong số ba triệu người Triều Tiên đã chết trong Chiến tranh Triều Tiên sẽ sống sót nếu Hoa Kỳ chọn cách không phản đối cuộc chinh phục Hàn Quốc được Trung Quốc và Liên Xô hỗ trợ. Trong Chiến tranh Afghanistan, cuộc chiến cuối cùng trong ba cuộc chiến ủy nhiệm lớn ở châu Á giữa Hoa Kỳ và khối Xô Viết, ước tính có khoảng 1,5 triệu người Afghanistan đã chết, bắt đầu từ năm 1979. Nếu Hoa Kỳ bị lên án vì đã kéo dài Chiến tranh Việt Nam bằng cách đến viện trợ chính phủ miền Nam Việt Nam cũng như các đồng minh của Hoa Kỳ ở Lào và Campuchia, khi đó sự nhất quán đòi hỏi Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này cũng phải bị lên án vì đã kéo dài Chiến tranh Afghanistan bằng cách trang bị vũ khí và trợ cấp cho lực lượng kháng chiến Afghanistan.

Trong khi các cuộc chiến tranh thế giới do phe ủy nhiệm tiến hành cướp đi sinh mạng của hàng triệu cư dân ở các nước yếu, thì các cuộc chiến tranh thế giới trong đó các cường quốc tấn công đất nước của nhau lại gây ra nhiều tổn thất sinh mạng và sự hủy diệt đối với các quốc gia ngoại vi ở quy mô lớn hơn. Trong Chiến tranh Lạnh, người Hàn Quốc, người Việt Nam, người Afghanistan và người Cuba thấy mình bị cuốn vào các cuộc chiến tranh hạn chế giữa các khối siêu cường; nhưng sau đó trong Thế chiến thứ hai, người Trung Quốc, Ai Cập, Na Uy và Hy Lạp đã không thể thoát khỏi việc bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc chiến tranh tổng lực giữa các cường quốc. Hầu hết trong số hàng chục triệu nạn nhân của Thế chiến thứ hai (mặc dù không phải là nạn nhân của Holocaust của Hitler) sẽ không chết nếu Hoa Kỳ và các đồng minh của họ làm hòa với Đức Quốc xã và các cường quốc phe Trục khác vào đầu những năm 1940. Nếu một nền hòa bình xấu  xa được ưa chuộng hơn một cuộc chiến chính nghĩa vì tổn thất về nhân mạng thấp hơn, thì quyền bá chủ của Đức Quốc xã ở châu Âu và thế giới sẽ tốt hơn về mặt đạo đức so với việc kéo dài Chiến tranh thế giới thứ hai do Mỹ đứng về phía đế quốc Anh và Liên Xô. Không làm giảm thiểu nỗi đau khổ của các cá nhân hoặc thậm chí cả quốc gia, người ta có thể kết luận một cách hợp lý rằng mục tiêu ngăn chặn sự thống trị thế giới của Đức Quốc xã hoặc Liên Xô đủ quan trọng để biện minh cho những tổn thất to lớn về con người.

Mỹ và Nội chiến Việt Nam – Can thiệp hay Xâm lược?

Trong cuốn sách đầy ảnh hưởng của ông Just and Unjust Wars [Những Cuộc chiến Chính đáng và Bất chính (1977), triết gia Michael Walzer cố gắng xác định đạo đức của chính trị quốc tế bằng cách chuyển các quan niệm từ luật pháp quốc tế và thực tiễn ngoại giao, chủ yếu là địa vị gần như thiêng liêng của “chủ quyền” – sang lĩnh vực đạo đức, với rất ít sửa đổi. Nỗ lực này bị hiểu sai, vì hai lý do— thứ nhất, đạo đức và luật pháp (chưa nói đến thực tiễn ngoại giao) là những thứ khác nhau; và thứ hai, các quy ước về luật pháp quốc tế và ngoại giao lỗi thời mà Walzer viện dẫn đã lỗi thời trong một thế kỷ chiến tranh ý thức hệ giữa các khối siêu cường (ngay cả khi một số lời nói ngoài môi vẫn hỗ trợ cho họ sau năm 1945).

Theo Walzer, việc một quốc gia can thiệp để giúp đỡ một đồng minh bị xâm lược là hợp pháp – nhưng việc một quốc gia can thiệp để giải cứu một chính phủ đồng minh khỏi bị lật đổ từ bên trong là không hợp pháp. Theo lý thuyết này, Việc Hoa Kỳ tham chiến ở Triều Tiên để giải cứu Hàn Quốc khỏi cuộc xâm lược xuyên biên giới của Triều Tiên là hợp pháp – nhưng việc Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh để ngăn chặn chế độ miền Nam Việt Nam rơi vào tay tổ chức nổi dậy ở miền Nam Việt Nam là sai lầm về mặt đạo lý: “Chiến tranh Triều Tiên có thể trông rất khác nếu quân miền Bắc đã không hành quân ồ ạt vượt qua vĩ tuyến 38, mà thay vào đó bí mật liên lạc với một cuộc nổi dậy ở Nam Hàn.” Walzer Southern kết luận bằng việc so sánh nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ các chế độ phi cộng sản ở Nam Việt Nam, Campuchia và Lào chống lại việc sáp nhập vào khối cộng sản với các  “cuộc chinh phục Tiệp Khắc, Ba Lan, Đan Mạch, Bỉ và Hà Lan của Đức Quốc xã.”

Ảnh hưởng của lối lập luận chung này (nếu không muốn nói là sự so sánh gây sốc và ác ý của Walzer về Hoa Kỳ với Đức Quốc xã) có thể được rút ra từ sự kiện là cả phe ủng hộ lẫn phe phản đối Chiến tranh Việt Nam đều đã dành rất nhiều nỗ lực để chứng minh rằng cuộc xung đột “thực sự” là một cuộc nổi dậy hoặc “thực sự” là một cuộc xâm lược. Sự thật có thể bị thao túng để hỗ trợ cho cả hai bên. Trước cuộc tấn công Tết Mậu Thân, cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam chủ yếu là cuộc nổi dậy và hầu hết Việt Cộng là cư dân miền Nam chứ không phải xâm nhập từ miền Bắc. Khi đó, cuộc chiến giữa năm 1965 và 1968 “thực sự” là một cuộc nổi dậy của miền Nam chứ không phải một cuộc xâm lược.

Những người bảo vệ chiến tranh có thể trả lời rằng cuộc nổi dậy ở miền Nam đã được chế độ độc tài Bắc Việt lên kế hoạch và kiểm soát ngay từ đầu. Điều này đã bị phủ nhận vào thời điểm đó bởi cánh tả phương Tây. Chẳng hạn, trong The Indochina Story [Câu chuyện Đông Dương] (1970), Ủy ban Học giả Quan tâm Châu Á đã nói như sau:

Từ “đâu đó ở Nam Bộ” vào tháng 12 năm 1960, gần một trăm người đã tuyên bố thành lập “Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam”. Họ kêu gọi toàn quốc nổi dậy chống chế độ Sài Gòn. Mặc dù có chút miễn cưỡng, Hà Nội không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp thuận sáng kiến ​​miền Nam hoặc đánh mất mọi ảnh hưởng đạo đức mà họ có ở phía nam Khu phi quân sự.

Trong cuốn The United Sates in Vietnam [Hoa Kỳ ở Việt Nam], một cuốn sách khác được phe cánh tả phản chiến coi là nguồn thông tin học thuật, George McTurnan Kahin và John W. Lewis đã viết: “Tóm lại, cuộc nổi dậy có nguồn gốc từ miền Nam; nó phát sinh theo sáng kiến ​​​​của miền Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu của miền Nam.” Theo các học giả Mỹ có ảnh hưởng này, các nhà bất đồng chính kiến ​​ở miền Nam Việt Nam “đã mất kiên nhẫn với miền Bắc cộng sản và cuối cùng đã tự mình giải quyết vấn đề.” Chế độ Hồ Chí Minh chỉ dần dần quay lại ủng hộ cuộc nổi dậy độc lập ở miền Nam: “Đến tháng 9 năm 1960, khi Chính quyền miền Bắc cuối cùng đã công khai ngăn cản cuộc khởi nghĩa ở miền Nam, sức mạnh và tiềm năng của cuộc khởi nghĩa đó đã trở nên quá rõ ràng đến nỗi nếu Hà Nội không tuyên bố tán thành thì có thể đã mất mọi ảnh hưởng đối với diễn biến tương lai của các sự kiện bên dưới vĩ tuyến 17.” Kahin và Lewis viết: “Hà Nội tiếp tục không sẵn sàng khuyến khích kháng chiến vũ trang chống lại chế độ Diệm” và kết luận: “Không có bằng chứng nào khẳng định, như trong Sách Trắng năm 1965 của Mỹ cho rằng “Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập theo lệnh của Hà Nội”.

Trên thực tế, khẳng định của Sách Trắng Hoa Kỳ là hoàn toàn chính xác: “Mặt trận Giải phóng là do Hà Nội sáng tạo ra; nó không độc lập cũng không phải xuất phát từ miền Nam, và điều nó tìm kiếm không phải là giải phóng mà là chinh phục miền Nam.” Đó là sự thật.

Đúng là nhiều thành viên Việt Cộng miền Nam, không biết về sự kiểm soát của Hà Nội đối với bộ sậu của cuộc nổi dậy, đã chân thành tin rằng MTDTGP và nhánh chính trị của nó, Chính phủ Cách mạng Lâm thời, là các tổ chức độc lập ở miền Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đã lừa dối nhân dân Việt Nam bằng cách ngụy trang sự kiểm soát của Đảng Cộng sản đối với mặt trận yêu nước Việt Minh theo cách tương tự. Sau khi Bắc Việt chiếm miền Nam Việt Nam năm 1975, Nguyễn Khắc Viện, một nhà sử học của đảng, đã thú nhận: “Chính phủ Cách mạng Lâm thời luôn đơn giản là một nhóm xuất phát từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tên chính thức của Bắc Việt Nam. Nếu chúng tôi (VNDCCH) phải giả vờ trong một thời gian dài như vậy, đó chỉ là vì trong chiến tranh chúng tôi buộc phải sắp xếp các con bài của mình.”

Một cuộc nổi dậy trong một nhà nước, do chính phủ ở một nhà nước khác kiểm soát, được cho là có nhiều điểm chung với cuộc xâm lược của nhà nước bên ngoài hơn là với một cuộc nổi dậy tự phát và thuần túy trong nước. Dù sao đi nữa, sự khác biệt giữa nổi dậy và xâm lược ở Việt Nam đã sụp đổ sau năm 1968. Sau sự tiêu hao của Việt Cộng trong các trận đánh Tết Mậu Thân, Chiến tranh Việt Nam chủ yếu diễn ra dưới hình thức một cuộc xâm lược quý ước của miền Bắc Việt Nam vào miền Nam Việt Nam. Cuộc xâm lược thất bại của Bắc Việt năm 1972 và cuộc xâm lược thành công năm 1974-75 không khác gì cuộc xâm lược của Bắc Triều Tiên vào Hàn Quốc vào mùa hè năm 1950. Nếu Hoa Kỳ có lý do chính đáng về mặt đạo đức khi tiến hành chiến tranh để đáp lại cuộc xâm lược xuyên biên giới của Hàn Quốc vào năm 1950, thì theo logic tương tự, Hoa Kỳ có mọi quyền về mặt đạo đức để bảo vệ miền Nam Việt Nam trước một cuộc xâm lược xuyên biên giới tương tự sau năm 1968, nếu không muốn nói là sớm hơn. 

Thật vậy, ở cả Hàn Quốc và Việt Nam, một cuộc xâm lược thông thường diễn ra sau sự thất bại của cuộc nổi dậy của cộng sản ở miền Nam, một khu vực phi cộng sản phía nam của một quốc gia bị chia cắt. Cuộc xâm lược của Bắc Triều Tiên vào năm 1950 được bắt đầu bằng một cuộc chiến tranh du kích từ năm 1945 đến năm 1950, trong đó ước tính có hàng trăm nghìn người Triều Tiên đã thiệt mạng. Cuộc nổi dậy của cộng sản ở Hàn Quốc từ năm 1945 đến năm 1950 chưa bao giờ tiến xa như cuộc nổi dậy của Việt Cộng từ năm 1959 đến năm 1965. Nhưng giả sử như vậy thì sao? Giả sử rằng vào năm 1950, chế độ của Lý Thừa Vãn ở Hàn Quốc đang trên bờ vực thất bại trước một cuộc nổi dậy phần lớn ở miền Nam do tay chân và người ủy nhiệm của Stalin là Kim Nhật Thành chỉ đạo thì sao? Truman có lẽ sẽ phải đối mặt với một tình huống tương tự như tình huống mà chính quyền Johnson gặp phải vào năm 1965. Câu hỏi này không mang tính suy đoán như người ta tưởng, bởi vì Triều Tiên vẫn kiên trì thực hiện các nỗ lực xâm nhập và khủng bố vào Hàn Quốc sau năm 1953, và bởi vì Hàn Quốc, giống như Miền Nam Việt Nam nhiều lần rơi vào tình trạng bất ổn chính trị bởi các cuộc đảo chính quân sự.

Do đó, sự phân biệt giữa “xâm lược” và “nội chiến” không thể biện minh cho Chiến tranh Triều Tiên trong khi làm mất uy tín của Chiến tranh Việt Nam. Cả hai cuộc chiến, trong tất cả các giai đoạn của chúng, đều là nội chiến và chiến tranh ủy nhiệm cùng một lúc. Từ góc nhìn của các thủ đô dính líu vào Chiến tranh Việt Nam – Sài Gòn, Hà Nội, Washington, Moscow và Bắc Kinh – cuộc nổi dậy và xâm lược chỉ đơn giản là hai công cụ trong một chiến lược duy nhất của Bắc Việt. (Những thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và những người ủng hộ họ ở cánh tả phương Tây, những người tin vào điều ngược lại, đã bị sốc vào năm 1975.) Các cuộc chiến ủy nhiệm trong Chiến tranh Lạnh ở Đông Dương khác về chi tiết, nhưng không phải về mặt thể loại, so với các cuộc chiến ủy nhiệm lớn của Chiến tranh Lạnh ở các khu vực khác như bán đảo Triều Tiên, Afghanistan và Hy Lạp.

Thế thì người theo chủ nghĩa hiện thực đạo đức phải kết luận rằng không phải đương nhiên là vô đạo đức khi tiến hành các cuộc chiến tranh thế giới bằng các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, cũng không là vô đạo đức khi tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm bằng cách can thiệp vào các cuộc nội chiến; thật ra , mệnh lệnh đạo đức trong việc ngăn chặn siêu cường hoặc một khối toàn trị đạt được quyền bá chủ quân sự và ngoại giao và sử dụng quyền bá chủ đó để viết lại các quy tắc của trật tự thế giới có thể đòi hỏi sự can thiệp của một cường quốc vào cuộc nội chiến cụ thể. Điều này không có nghĩa là mọi cuộc chiến ủy nhiệm được tiến hành nhằm phục vụ một chiến lược toàn cầu hợp pháp đều nhất thiết phải hợp lý. Có thể Chiến tranh Lạnh nói chung là đạo đức, nhưng một chiến dịch cụ thể trong Chiến tranh Lạnh, chẳng hạn như Chiến tranh Việt Nam, thì không. Tính hợp pháp  đạo lý của chiến tranh Việt Nam nói riêng vẫn còn phải thảo luận.

Ủng hộ chế độ độc tài Sài Gòn có phải là vô đạo đức?

Trường hợp phản bác tính đạo đức của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam không chỉ giới hạn ở lập luận về tính hợp pháp của sự can thiệp của Mỹ vào một cuộc nội chiến. Nhiều nhà phê bình chiến tranh cho rằng chế độ miền Nam Việt Nam mà Hoa Kỳ đang cố gắng giải cứu là quá tàn ác nên không đáng được Mỹ ủng hộ. Chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm là chế độ độc tài dân sự đàn áp; sau khi ông bị quân đội mình  sát hại, miền Nam Việt Nam được cai trị bởi các tướng lĩnh.

Có phải đó là vô đạo đức đối với Hoa Kỳ khi ủng hộ chế độ độc tài quân sự ở miền Nam Việt Nam? Nếu đúng như vậy thì việc ủng hộ những kẻ độc tài quân sự ở Hàn Quốc, Đài Loan và Campuchia (dưới thời Tướng Lon Nol) hẳn cũng là vô đạo đức. Từ năm 1946 đến năm 1991, trung bình một quốc gia thuộc Thế giới thứ ba bị quân đội kiểm soát trong hơn một nửa lịch sử của mình với tư cách là một quốc gia độc lập. Cho đến cuối những năm 1970, chỉ có khoảng hơn 20 trong số 144 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc là các quốc gia dân chủ theo đúng nghĩa. Trong phần lớn thế kỷ 20, bất kỳ chính sách đối ngoại nào của Mỹ vượt ra ngoài phạm vi bảo vệ Bắc Mỹ và Tây Âu đều cần các liên minh của Hoa Kỳ với các nhà độc tài quân sự cũng như với các loại bạo chúa khác (bao gồm cả những kẻ độc tài cộng sản như Stalin trong Thế chiến II và Mao trong những năm 1970).

Mục đích chính sách Đông Á của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh không phải là mang lại nền dân chủ tự do cho các quốc gia Đông Á. Nó chỉ nhằm ngăn chặn sự thành công của thách thức địa chính trị của Liên Xô đối với vị thế đứng đầu thế giới của Mỹ bằng cách ngăn chặn Liên Xô hoặc Trung Quốc mở rộng căn cứ ở châu Á với cái giá khổng lồ của sức mạnh và uy tín của Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử tự do cuối cùng đã diễn ra ở Hàn Quốc và Đài Loan sau nhiều thập kỷ.của sự cai trị độc tài, và một phần nhằm đáp lại áp lực từ phía Mỹ. Nếu miền Nam Việt Nam có thể sống sót thì chính phủ của họ ắt hẳn  đã phát triển theo hướng dân chủ tự do, giống như Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, chừng nào Đảng Cộng sản còn nắm quyền thì chế độ dân chủ hiện thực sẽ không thể tồn tại ở Việt Nam.

Phong trào phản chiến lên án điều mà Richard Falk gọi là “những chính sách và hành động ghê tởm” của các nhà độc tài quân sự ở Sài Gòn. Cả họ và nạn nhân của họ là Diệm đều không phải là hình mẫu về đạo đức hay năng lực, theo tiêu chuẩn của các nền dân chủ tự do ở Bắc Đại Tây Dương. Nhưng đó là tiêu chuẩn sai lầm để so sánh. So sánh với các đồng minh khác của Mỹ ở Đông Á, giới tinh hoa Sài Gòn dường như không phải là thành phần tệ hại nhất. Và nhìn lại, họ có vẻ tương đối sáng suốt so với hầu hết các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông.

Lịch sử chính trị của Hàn Quốc cũng được đánh dấu bằng cuộc đảo chính, bạo loạn và đàn áp như lịch sử của miền Nam Việt Nam. Nhà lãnh đạo đầu tiên, Lý Thừa Vãn, là một người theo chủ nghĩa dân tộc chống cộng, giống như Diệm, đã sống lưu vong nhiều năm. Hoa Kỳ đã mất 56.000 quân trong cuộc chiến nhằm khôi phục quyền lực cho Vãn. Một cuộc nổi dậy do sinh viên lãnh đạo đã buộc Vãn phải ra đi vào năm 1960; vào năm 1961, chế độ kế nhiệm đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự do Park Chung Hee, một sĩ quan được huấn luyện tại Nhật. Sau mười tám năm cai trị ngày càng chuyên quyền [tuy cương trực và thanh liêm và góp công sức rất lớn  biến Hàn quốc trở nên hùng mạnh như ngày nay], Park bị người đứng đầu Cục Tình báo Hàn Quốc sát hại vào năm 1979. Trong số những hành động quá đáng khác của mình, Park đã bắt cóc nhà bất đồng chính kiến ​​hàng đầu Kim Dae Jung ở Tokyo và lẽ ra đã ra lệnh giết ông ta nếu Hoa Kỳ không can thiệp. (Kim được bầu làm tổng thống Hàn Quốc năm 1998.) Sau một thời gian hỗn loạn sau vụ ám sát Park, quyền lực được củng cố bởi một vị tướng tên là Chun Doo Hwan. Chun áp đặt thiết quân luật và trấn áp những người bất đồng chính kiến, bắt giữ Kim Dae Jung cùng những người khác. Hơn hai trăm công dân đã bị quân đội tàn sát khi đàn áp cuộc biểu tình ở Kwangju. Việc Chun chỉ định người kế nhiệm được lựa chọn cẩn thận của ông, một vị tướng khác tên là Roh Tae Woo, làm ứng cử viên tổng thống của đảng cầm quyền đã gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Vì phe đối lập theo chủ nghĩa tự do chia rẽ phiếu bầu nên Roh đã giành được chức tổng thống trong một cuộc bầu cử tự do với chỉ 36% số phiếu phổ thông vào năm 1987, khi Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc.

Các chế độ độc tài kế tiếp của Hàn quốc cũng tàn ác như ở miền Nam Việt Nam. Sự tàn bạo của chính quyền miền Nam Việt Nam khi tra tấn những người bất đồng chính kiến ​​và tù nhân chiến tranh và giam giữ họ trong những “chuồng cọp” khét tiếng được sánh đôi với Hàn Quốc. Dưới bàn tay của những mật vụ dưới thời Tổng thống Park, những người chống đối chế độ đã bị tra tấn bằng cách ngâm trong nước hoặc bị treo lên và đốt cháy, một hình thức tra tấn được gọi là “thịt nướng Hàn Quốc”.

Nếu những kẻ độc tài ở Nam Việt Nam không tệ hơn Hàn Quốc thì họ cũng không tệ như một số kẻ chuyên quyền ở Trung Đông mà Hoa Kỳ đã hỗ trợ để phục vụ cho đại chiến lược toàn cầu của mình. Nhiều chiến binh mujahideen Hồi giáo ở Afghanistan, những người được Hoa Kỳ giúp đỡ trong cuộc đấu tranh chống lại Liên Xô vào những năm 1980, hiện đang tham gia vào một chiến dịch. thánh chiến giết người hay thánh chiến chống lại Mỹ và phương Tây. So sánh với chế độ Taliban chống cộng ở Afghanistan, miền Nam Việt Nam có vẻ như là chế độ đã được khai sáng. Trong Chiến tranh vùng Vịnh, Hoa Kỳ đã phái quân đội của mình tham gia trận chiến để khôi phục một quốc vương phong kiến, tiểu vương của Kuwait, lên ngôi tại một quốc gia vốn đã được Sir Percy Cox của Bộ Ngoại giao Anh cắt ra từ tỉnh Basra của  Iraq vào năm 1921. Tờ New York Times mô tả Kuwait là “một công ty dầu mỏ do một gia đình làm chủ có quốc kỳ chứ không thể sánh bằng một quốc gia.” Sau khi Hoa Kỳ và các lực lượng quân sự đồng minh khôi phục lại quyền cai trị của mình, tiểu vương quốc này bị cáo buộc đã có những hành vi sai trái, như tham gia vào các vụ hành quyết, tra tấn, trục xuất và nhiều hành vi ngược đãi khác. Bất chấp điều này, tờ New York Times, tờ báo đã từng yêu cầu đuổi Diệm khỏi chức vụ ở Sài Gòn và tố cáo sự vô đạo đức của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương, đã tuyên bố rằng “nếu có chiến tranh nào có thể được gọi là ‘chính nghĩa’, thì Chiến tranh Vùng Vịnh đủ tiêu chuẩn được gọi là chính nghĩa”

Tham nhũng và đàn áp, Miền Nam và Miền Bắc

Vậy thì nhìn lại, chế độ miền Nam Việt Nam dường như không tệ hơn các chế độ độc tài và quân chủ khác mà Hoa Kỳ đã hỗ trợ như một phần trong chính sách đối ngoại của mình. Những người độc tài Sài Gòn thậm chí còn có vẻ tốt hơn, khi so sánh  với giới tinh hoa cộng sản ở miền Bắc Việt Nam và Việt Nam cộng sản sau khi thống nhất vào năm 1975-76.

Giống như hầu hết các chế độ hậu thuộc địa ở các nước đang phát triển, chế độ miền Nam Việt Nam cực kỳ tham nhũng. Trong tác phẩm bút chiến phản chiến Fire in the Lake [Lửa Trong Hồ] (1972) đoạt giải Pulitzer của mình, nhà báo Frances Fitzgerald đã trình bày một bức tranh biếm họa về miền Nam Việt Nam như một khu chợ đen lớn kết hợp với khu đèn đỏ dành cho lính Mỹ. Bà tuyên bố chỉ có “ngọn lửa cách mạng dữ dội” mới có thể thanh lọc được một xã hội sa đọa đến vậy. “Ngọn lửa cách mạng dữ dội” mà Fitzgerald và phe cánh tả phương Tây cầu nguyện đã đến vào năm 1975. Một cựu quan chức cấp cao của Việt Nam mô tả kết quả. Các cán bộ cộng sản miền Bắc “đấu đá nhau vì nhà cửa, xe cộ, gái gú và hối lộ… Cứ như thể thành phố [Sài Gòn] đã bị một đàn châu chấu xâm chiếm.” Trong số giai cấp thống trị cộng sản mới, một cựu quan chức cộng sản khác, Bùi Tín, viết: “Càng ngày họ càng trở nên giống Mafia, Tư bản đỏ, những kẻ từ trong rừng nổi lên theo cách chưa từng được chứng kiến ​​trong lịch sử nước ta.”

Theo thông lệ của các đối tác của họ ở Liên Xô, Trung Quốc, Cuba và các chế độ độc tài cộng sản khác, giới lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam có những cửa hàng đặc biệt của riêng họ ở Hà Nội, nơi gia đình các quan chức ưu tú có thể mua những thứ xa xỉ ngay cả khi thần dân của mình đang đói kém. Sau khi Sài Gòn thất thủ năm 1975, những biệt thự sang trọng nhất được giao cho các quan chức đảng. Một ủy viên Bộ Chính trị tiêu biểu có một biệt thự riêng và một đoàn tùy tùng xứng tầm lãnh chúa phong kiến, trong đó có một thiếu tá quản lý nhà cửa, một người đầu bếp, người hầu và đôi khi là những nhiếp ảnh gia cá nhân. Các thành viên của tầng lớp tinh hoa trong đảng sẽ trưng dụng trực thăng và máy bay để sử dụng trong các kỳ nghỉ riêng.

Chế độ gia đình trị của Diệm và các nhà cai trị miền Nam Việt Nam khác cũng đầy tai tiếng. Những người cai trị cộng sản của Việt Nam thống nhất cũng phạm tội lạm dụng quyền lực làm lợi  cho người thân của mình. Theo Bùi Tín, một quan chức thoát ly cấp cao của Việt Nam, sau khi thống nhất, Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ đã sắp xếp để em gái ông quản lý các cửa hàng tư nhân của giới thượng lưu trong đảng, trong khi anh trai ông là Đinh Đức Thiện được giao phụ trách quản lý, theo thứ tự, nhà máy thép, vật tư quân sự và ngành dầu khí – mặc dù thực tế là ông không đủ tiêu chuẩn cho bất kỳ vị trí nào trong số này. Thêm một người anh em của Lê Đức Thọ, không có kinh nghiệm điều hành, trở thành Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.

Cũng giống như tầng lớp thượng lưu da trắng giàu sụ của Mỹ dựa vào việc hoãn nghĩa vụ và hoãn tham gia Lực lượng Vệ binh Quốc gia để giúp các con trai đang học đại học của họ khỏi chiến đấu ở Đông Nam Á trong Chiến tranh Việt Nam, các quan chức chóp bu cộng sản ở Việt Nam sau năm 1975 đã sử dụng các mối quan hệ của họ để đảm bảo con trai mình khỏi chiến đấu trong thời kỳ Việt Nam chiếm đóng Campuchia. Hầu hết trong số 52.000 binh sĩ chết trong cuộc chinh phục và chiếm đóng Campuchia của Việt Nam đều là con em của tầng lớp lao động nghèo khổ Việt Nam.

Khi đó, những người cộng sản Việt Nam ít nhất cũng tham nhũng như Diệm và các tướng lĩnh Sài Gòn—và họ còn áp bức nhiều hơn. Sau vụ Bắc Việt chiếm miền Nam Việt Nam năm 1975, sự tàn tệ của chủ nghĩa Mác-Lê ở Việt Nam là điều không thể phủ nhận được nữa. Khoảng 1,5 đến 2 triệu người Việt Nam liều mạng tìm cách trốn thoát. Nhiều “thuyền nhân”, “người vượt biên” bị cướp, hãm hiếp; một số lượng lớn đã chết đuối hoặc bị giết khi cố gắng trốn thoát khỏi Việt Nam giờ đây đã trở thành một trại tù rộng lớn. Điều này lẽ ra không có gì đáng ngạc nhiên nếu ta nhớ đến cuộc di cư hàng loạt khỏi miền Bắc Việt Nam vào những năm 1950.

  • Chính vào giữa những năm 1950, chứ không phải giữa những năm 1970, mà bản chất của những người cộng sản Việt Nam đáng lẽ phải trở nên rõ ràng với mọi người. Việc tập thể hóa nông nghiệp ở miền Bắc Việt Nam, hay “cải cách ruộng đất”, cho thấy rõ Hồ Chí Minh và các đồng sự của ông là những học trò nhẫn tâm của học thuyết Stalin và Mao. Trong cuộc chiến chống cả đối thủ cộng sản và không cộng sản, chế độ miền Nam Việt Nam đã phạm nhiều tội ác. Và giai cấp nông dân miền Nam Việt Nam đã phải chịu đựng sự đàn áp và các chương trình như cưỡng bức di dời. Nhưng không có gì trong hồ sơ đẫm máu của chế độ Sài Gòn có thể so sánh được với sự tàn ác của những vụ hành quyết máu lạnh và có hệ thống của chế độ Hà Nội, từ làng này đến làng khác ở miền Bắc Việt Nam, với ít nhất mười nghìn cá nhân đã được xếp vào các phạm trù giai cấp tùy tiện vay mượn từ Liên Xô và Trung Quốc. Vụ giết người hàng loạt của Bắc Việt, giống như những vụ tương đương ở Liên Xô và Trung Quốc, cấu thành tội diệt chủng – diệt chủng trên cơ sở “giai cấp” hơn là cơ sở  “chủng tộc”.

Sự khác biệt giữa các chế độ “độc tài” và “toàn trị”, chủ nghĩa chống cộng được những người bảo thủ và tự do Hoa Kỳ phổ biến trong những năm 1970 và 1980, không nhất thiết phải tương ứng với sự phân biệt giữa thiện và ác. Một chế độ độc tài như chế độ độc tài Indonesia của Suharto có thể tham gia vào các hành động tàn bạo hơn một chế độ toàn trị như Nam Tư cộng sản của Tito. Mặc dù vậy, sự phân biệt chuyên chế/toàn trị có tác dụng tốt trong việc giải thích những khác biệt về chính trị và đạo đức giữa Nam Việt Nam và Bắc Việt Nam, cũng như sự khác biệt giữa Nam và Bắc Triều Tiên, Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Về vấn đề tham nhũng và gia đình trị, chế độ độc tài ở Sài Gòn không kém gì chế độ toàn trị ở Hà Nội. Về vấn đề đàn áp chính trị, họ không tệ bằng. Cũng không thể tranh luận rằng người dân bình thường ở Việt Nam sống tốt hơn dưới sự cai trị của cộng sản. Không thể nghi ngờ là Việt Nam, miền Bắc và Miền Nam, lẽ ra sẽ thịnh vượng hơn nhiều dưới sự cai trị của những kẻ độc tài, dù tham nhũng và đàn áp đến đâu, so với dưới sự cai trị của các hệ tư tưởng Mác-Lê. Nội chiến Việt Nam không phải là cuộc chiến giữa đen và trắng; nó đúng hơn là một cuộc đụng độ giữa nền độc tài xám xịt và nền toàn trị màu đen.

Lập luận cho rằng chế độ Sài Gòn là xấu xa đến mức không nên ủng hộ đã sụp đổ hoàn toàn khi tính đến các liên minh lợi ích tạm thời của Mỹ với các cường quốc cộng sản. Thật khó để tưởng tượng lý thuyết về đạo đức quốc tế sẽ cho phép Hoa Kỳ liên minh cùng với Stalin chống lại Hitler, và sau đó với Mao chống lại Liên Xô, tuy nhiên lại cấm Hoa Kỳ liên minh với Pháp ở miền Nam hoặc Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo của Chiến tranh Lạnh ở Đông Dương. Hoa Kỳ đã trợ cấp cho Pháp trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất để kiểm soát quyền lực của Liên Xô, giống như trước đó họ đã trợ cấp cho Liên Xô để ngăn chặn quyền lực của Đức Quốc xã; đế quốc Xô viết còn ác độc hơn đế quốc Pháp rất nhiều. Để nhất quán về mặt đạo đức, những người phản đối liên minh của Hoa Kỳ với chế độ độc tài miền Nam Việt Nam lẽ ra phải dành phần lớn thời gian của thập niên 1970 cho các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại liên minh của Hoa Kỳ với Mao, người trực tiếp hoặc gián tiếp tàn sát nhiều người hơn cả Stalin hay Hitler. Tiêu chuẩn kép của phe cánh tả phương Tây trong Chiến tranh Lạnh thể hiện rõ ở chỗ các thành viên ủng hộ việc Hoa Kỳ xích lại gần các bạo chúa cộng sản lớn như Mao trong khi chỉ trích các liên minh của Hoa Kỳ với các bạo chúa chống cộng nhỏ như Diệm và Thiệu.

Khi xem xét, lập luận cho rằng bản chất xấu xa của chế độ miền Nam Việt Nam khiến nó không thích hợp làm đồng minh của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh hóa ra là một tập hợp các điểm tranh luận không tạo nên một lập luận đạo đức mạch lạc gì cả.

Thắc Mắc về Tính Hợp Pháp của Người Quốc Gia

Có thể là những người cai trị miền Nam Việt Nam thiếu tính hợp pháp quốc gia trên đất nước của họ, ngay cả khi họ được ưu thích, trên cơ sở đạo đức trừu tượng, hơn những người cộng sản Việt Nam, miền Bắc và miền Nam. Rõ ràng có một sự khác biệt về mặt đạo đức, cũng như một sự khác biệt thực tế, giữa nỗ lực của một cường quốc bên ngoài như Hoa Kỳ nhằm yểm trợ một chính phủ thiểu số có tính hợp pháp đáng ngờ chống lại một cuộc nổi dậy  thiểu số có tính hợp pháp đáng ngờ, một mặt, và, mặt khác, nỗ lực của một thế lực bên ngoài nhằm thiết lập một chế độ trước sự thù địch của một đa số người quốc gia cố kết (như việc Pháp đưa Hoàng đế Maximilian lên làm người cai trị Mexico vào năm 1864). Nhiều người phản đối Chiến tranh Việt Nam cho rằng nỗ lực của Mỹ rơi vào loại thứ hai chứ không phải loại thứ nhất. Họ tuyên bố rằng cuộc chiến không phải là cuộc xung đột giữa các nhóm thiểu số có vũ trang, mỗi nhóm được hỗ trợ bởi các cường quốc bên ngoài, trong khi đa số thụ động và sợ hãi theo dõi và cố gắng sống sót. Đúng hơn, họ lập luận rằng đó là cuộc đấu tranh giữa những người Việt yêu nước, mà người lãnh đạo hợp pháp duy nhất là Hồ Chí Minh và những người kế nhiệm ông, chống lại các nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam thiếu tính hợp pháp  quốc gia. Theo quan điểm này, chiến tranh Việt Nam có thể được mô tả như một cuộc chiến ủy nhiệm chứ không phải là một cuộc nội chiến. Sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam Việt Nam không giống một cuộc giải cứu một chính phủ bản địa đang gặp khó khăn mà giống như việc thiết lập một chế độ bù nhìn bởi một cường quốc nước ngoài.

Lập luận này được đưa ra bởi Michael Walzer trong Những Cuộc chiến Chính đáng và Bất chính. Walzer lập luận, ngay cả khi sự chống can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam là chính đáng, thì cuộc chiến vẫn là vô đạo đức vì nó thực sự là cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và những người cộng sản Việt Nam (vì mục đích của lập luận này, việc Việt Cộng có kiểm soát từ Hà Nội hoặc độc lập là không quan trọng). “Chúng tôi quan trọng đối với chính phủ hơn họ [Bắc Việt] đối với quân nổi dậy. Và thực tế đó phải đặt ra những câu hỏi nghiêm túc nhất về hệ thống phòng thủ của Mỹ: vì về mặt đạo đức, việc chống can thiệp chỉ có thể thực hiện được trên danh nghĩa của một chính phủ (hoặc một phong trào, đảng phái hoặc bất cứ điều gì) đã vượt qua bài kiểm tra tự lực.” Hãy lưu ý nghịch lý cố hữu trong lý thuyết can thiệp của Walzer: chỉ một chính phủ đủ nổi tiếng mới tồn tại được mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài mới có lý khi yêu cầu sự trợ giúp từ bên ngoài.

Theo quan điểm này, Chiến tranh Việt Nam không phải là một cuộc chiến ở Việt Nam; đúng hơn, đó là một cuộc chiến tranh giành Việt Nam, một sự xâm lược hung hãn một quốc gia bất lực bởi một siêu cường đế quốc quái dị. Sự sụp đổ của chế độ miền Nam Việt Nam vào năm 1974-1975, sau khi Hoa Kỳ bỏ rơi nó để bị xâm lược bởi quân đội chính quy của Bắc Việt do Liên Xô và Trung Quốc trang bị, đã được coi là bằng chứng cho thấy chế độ này hoàn toàn thiếu sự ủng hộ của quần chúng. Nếu đây thực sự là tình huống thì tốc độ sụp đổ của chế độ Lý Thừa Vãn ở Hàn Quốc trước cuộc xâm lược của Triều Tiên do Liên Xô và Trung Quốc bảo trợ vào năm 1950 sẽ dẫn đến kết luận rằng chế độ Nam Hàn không hợp pháp hơn chế độ Bắc Hàn. chế độ Hàn Quốc. Đường dây lý luận này, nói cách khác, dẫn đến kết luận rằng cả hai cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam đều là những “cuộc xâm lược” bất hợp pháp, hay sử dụng thuật ngữ của Walzer, “các cuộc chiến tranh hung hãn” có thể so sánh với cuộc xâm lược của Đức Quốc xã vào các nước láng giềng. Ngay cả ở phe cánh tả, rất ít người sẵn sàng lên án đồng thời Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam.

Nhưng không thể tránh khỏi sự so sánh. Mô tả khinh miệt của Walzer về chế độ Sài Gòn cũng áp dụng tương đương với chế độ độc tài Hàn Quốc của Lý Thừa Vãn. Mỗi chế độ chuyên chế phi cộng sản này “là một thứ tạo tác của Mỹ đến mức chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố cam kết với nó và có nghĩa vụ phải tuân theo nó” để đảm bảo sự sống còn của nó là điều khó hiểu. Như thể tay phải của chúng ta phải tận tụy với tay trái của chúng ta. Không có tác nhân chính trị hoặc tính đạo đức độc lập nào ở phía bên kia của mối ràng buộc và do đó không có mối ràng buộc thực sự nào cả.”

Lời đáp lại rõ ràng là nhiệm vụ của Mỹ ở Đông Dương sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu các đồng minh Nam Việt Nam thực sự chỉ là những tay sai được mô tả trong tuyên truyền của khối cộng sản và cánh tả phương Tây. Chính quyền Kennedy âm mưu lật đổ Diệm chính vì ông ta miễn cưỡng tuân theo mệnh lệnh của Washington. Các tướng kế vị ông mềm dẻo hơn nhưng vẫn còn lâu mới là kẻ phục tùng – ta chỉ cần nghĩ đến sự bực bội của chính quyền Johnson và Nixon vì sự ngoan cố của Tổng thống Thiệu. Các nhà cai trị miền Nam Việt Nam, giống như các nhà cai trị miền Bắc Việt Nam, là tay chân của các cường quốc chứ không phải là con rối của họ.

Sự thất bại của các chế độ Sài Gòn kế tiếp trong việc tạo ra một “quốc gia” miền Nam Việt Nam cũng không thể là bằng cứ  chống lại họ được. Tất nhiên, không có cộng đồng Miền Nam nào tương ứng với nhà nước Miền Nam Việt Nam, vì cộng đồng đó là toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung. Giống như Hàn Quốc, Đài Loan và Tây Đức, Nam Việt Nam là một xã hội bị phân mảnh, là kết quả của sự thỏa hiệp giữa các siêu cường trong Chiến tranh Lạnh.

Sự so sánh với Hàn Quốc là đặc biệt thích hợp. Triều Tiên bị Mỹ, Liên Xô và Anh chia cắt vào tháng 12 năm 1945, giống như cách Việt Nam bị chia cắt tại Hội nghị Geneva năm 1954 với sự đồng ý chính thức hoặc ngầm của Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc. Tuyên bố rằng miền Nam Việt Nam đã phải gánh chịu số phận ngay từ đầu, bởi vì sự phân chia của Việt Nam là quá giả tạo, khó có thể phù hợp với tuyên bố của chuyên gia về Hàn Quốc Gregory Henderson cho rằng việc phân chia Triều Tiên thậm chí còn kém ý nghĩa hơn:

Không có sự phân chia một quốc gia nào trên thế giới hiện nay có nguồn gốc đáng kinh ngạc như sự phân chia Triều Tiên; không có sự phân chia nào chả dính líu gì đến các điều kiện hoặc tình cảm trong chính quốc gia đó vào thời điểm diễn ra sự chia cắt; không có sự phân chia nào cho đến ngày nay vẫn không thể giải thích được; không có sai lầm và việc giám sát lên kế hoạch nào dường như đóng một vai trò lớn đến vậy. Cuối cùng, không có sự chia cắt nào mà chính phủ Hoa Kỳ phải chịu một phần trách nhiệm nặng nề như sự chia cắt  Triều Tiên.

Nếu sự phụ thuộc vào quân đội Mỹ và ảnh hưởng của Mỹ trong nhiều chính sách đối nội cũng như đối ngoại chứng tỏ rằng một quốc gia chỉ là, sử dụng thuật ngữ của Walzer, một “thứ tạo tác” của Hoa Kỳ, thế thì là Tây Đức và Hàn Quốc chắc chắn phù hợp với tiêu chí cũng như Nam Việt Nam, vốn không giống như các quốc gia đó chỉ được Hoa Kỳ đưa quân đồn trú trên quy mô lớn sau năm 1965.

Nhiều người phản đối Chiến tranh Việt Nam cho rằng  người cộng sản phe Hồ Chí Minh là những người theo chủ nghĩa dân tộc hợp pháp duy nhất ở Việt Nam. Sự thật lại có phần phức tạp hơn kịch bản quá đơn giản này là đưa những người yêu nước phe Hồ Chí Minh ra đọ sức với bọn cơ hội không yêu nước mà Hoa Kỳ kế thừa từ thực dân Pháp.

Đúng là không có chế độ kế tiếp nào ở miền Nam Việt Nam đã từng thành công trong việc thiết lập một cơ sở chính đáng vững chắc trong cộng đồng dân cư bị chia rẽ sâu sắc. Cũng đúng là phe cộng sản được một bộ phận đáng kể dân chúng miền Nam Việt Nam ủng hộ. Tuy nhiên, các sự thật này tương thích với hai cách giải thích về chính trị Việt Nam. Một là cho rằng đa số rõ ràng ủng hộ những người cộng sản. Cách giải thích khác hợp lý hơn cho rằng cả chế độ Hà Nội lẫn chế độ Sài Gòn đều không có quyền lực mang tính đa số rõ ràng, trên lãnh thổ của họ hoặc trong toàn bộ nhân dân Việt Nam. Theo quan điểm này, cuộc nội chiến ở Việt Nam, giống như nhiều cuộc nội chiến khác, là cuộc đọ sức giữa hai nhóm thiểu số trong đó phần lớn dân chúng chỉ quan tâm đến các vấn đề sinh tồn và địa phương, theo dõi xem bên nào sẽ thắng. Thắng lợi cuối cùng của phe cộng sản không liên quan nhiều đến thành công của họ trong việc chiếm được “trái tim và khối óc” của nhân dân Việt Nam mà là nhờ tài tổ chức vượt trội và cách biện pháp cưỡng chế tàn nhẫn và hiệu quả hơn của họ. Những người theo chủ nghĩa Lênin ở Hà Nội thuận lợi hơn trong việc đè bẹp những người bất đồng chính kiến ​​trên lãnh thổ của họ và khai thác sự chia rẽ ở miền Nam Việt Nam vì họ là những người Lêninit chứ không phải vì họ là những người yêu nước.

Việc xem xét các ghi chép lịch sử một cách khách quan ủng hộ cách giải thích này về vấn đề  tính hợp pháp quốc gia ở Việt Nam. Vào cuối Thế chiến thứ hai, một số phe phái theo chủ nghĩa dân tộc Việt Nam đã tách ra độc lập với nhóm mặt trận Việt Minh do cộng sản kiểm soát. Năm 1945, ngoài một số người khác, cộng sản xử tử Bùi Quang Chiêu, lãnh đạo Đảng Lập Hiến; Võ Văn Ngà, người đứng đầu Đảng Độc lập; và Ngô Đình Khôi, anh trai của Ngô Đình Diệm, người sau này trở thành nhà độc tài của miền Nam Việt Nam. Vào mùa thu năm 1945, các đội hành quyết Việt Minh đã sát hại tất cả những người theo chủ nghĩa Trotsky (đối thủ cánh tả của cộng sản theo chủ nghĩa Stalin) mà họ có thể tìm thấy. Một người cánh tả Pháp, Daniel Guerin, đã hỏi Hồ về vụ sát hại một người theo chủ nghĩa Trotsky nổi tiếng của Việt Nam, Tạ Thu Thâu: “‘Thâu là một người yêu nước vĩ đại và chúng tôi thương tiếc ông,’ Hồ Chí Minh nói với tôi bằng một cảm xúc chân thành. Nhưng một lúc sau ông ta nói thêm với giọng đều đều: ‘Tất cả những ai không tuân theo đường lối tôi đã đặt ra sẽ bị tiêu diệt.’ “

Tiếp theo là những vụ thủ tiêu và thanh trừng khi Đại hội toàn quốc đầu tiên của Việt Minh, do cộng sản kiểm soát, triệu tập tại Hà Nội. Đại hội đã giao toàn bộ quyền lực cho Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc do cộng sản thống trị, và Giáp làm chủ tịch. Đã giao toàn quyền cho Hồ và Giáp, đại hội hoãn lại chỉ sau bốn giờ làm việc; và chỉ gặp nhau một lần nữa. Trong những tháng tiếp theo, Giáp – ở lại nắm quyền trong khi Hồ sang Pháp để đàm phán—tận diệt một cách có hệ thống hoặc thu phục các đảng phái quốc gia không cộng sản như VNQDĐ, Đại Việt, Lập hiến, Độc lập và phe Trotsky. Trong các cuộc thanh trừng bắt đầu vào tháng 3 năm 1946 và lên đến đỉnh điểm vào mùa hè, hàng nghìn nhà lãnh đạo tiềm năng của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam phi cộng sản đã bị sát hại. Trong tiểu sử về Giáp, John Colvin viết: “Những kẻ khủng bố đã giết chết hầu hết những nhà lãnh đạo như vậy; có những vụ hành quyết tập thể, chết bằng bừa, một số bị chôn sống, nhiều người sau những hình thức tra tấn hèn hạ nhất.” Giáp “dân tộc chủ nghĩa” đã không ngần ngại sử dụng 1.500 quân Nhật và cộng tác với chính quyền Pháp để tiêu diệt sự phản kháng của những người quốc gia phi cộng sản chống đối chế độ Xta-lin-nit của Hồ.. 25.000 người quốc gia bị ném vào các trại lao động, trong khi 6.000 người chạy trốn sang Trung Quốc (khi đó do những người Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch kiểm soát). Mọi đảng phái khác hơn Việt Minh bị cấm chỉ hoặc thay thế bởi các mặt trận tay sai và chính quyền địa phương nào mà người cộng sản không kiểm soát được đều bị  thanh trừng. Để đảm bảo rằng không có phe đối lập mới nào xuất hiện, chế độ độc tài của Hồ đã thành lập các ủy ban bí mật ở mỗi làng để theo dõi người dân. Họ cũng kiểm soát dân số bằng cách sao chép hệ thống giấy phép đi lại  của Liên Xô giữa các vùng. Vào tháng 5 năm 1949, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Acheson đã chuẩn y một bức điện bác bỏ lập luận rằng Hồ nên được coi là một “người theo chủ nghĩa dân tộc” chứ không phải là một “người theo chủ nghĩa cộng sản”.

Câu hỏi liệu Hồ có theo chủ nghĩa dân tộc hay Cộng sản hay không là không thích đáng. Tất cả những người theo chủ nghĩa Stalin ở các vùng thuộc địa đều là những người theo chủ nghĩa dân tộc. Một khi đạt được các mục tiêu quốc gia (tức là độc lập), mục tiêu của họ nhất thiết phải trở thành sự phục tùng của nhà nước trước các mục đích Cộng sản và sự tiêu diệt không thương tiếc không chỉ các nhóm đối lập mà còn tất cả các phần tử bị nghi ngờ đi sai lệch đường lối dù là nhỏ nhất.

Vào giữa những năm 1950 ở miền Bắc Việt Nam, mọi việc đã diễn ra đúng như Acheson đã tiên đoán.

Trong Chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà báo, nhà hoạt động và chính trị gia phản chiến ở Hoa Kỳ đã nhắc lại như vẹt luận điệu cộng sản cho rằng chiến tranh chỉ là sự tiếp nối của cuộc đấu tranh chống Pháp và chế độ Sài Gòn do những người cộng tác với Pháp thống trị. Trên thực tế, Diệm có thái độ thù địch với Pháp và đã cố gắng hết sức để thanh lọc quân đội của mình và chính phủ khỏi những người có cảm tình với Pháp. Có lẽ nhà sử học cánh tả duy nhất viết một cách trung thực về chủ đề này là Gabriel Kolko trong Anatomy of a War [Giải Phẩu Cuộc Chiến (1994). Kolko viết: “Người Việt Nam thân Pháp và được Pháp hậu thuẫn đặt ra mối đe dọa trực tiếp lớn hơn đối với việc củng cố quyền lực của Diệm so với những người Cộng sản”. Với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, muốn thay thế ảnh hưởng của Pháp bằng ảnh hưởng của mình ở Đông Dương, Diệm vào giữa năm 1955 đã tấn công “các quân đội riêng Bình Xuyên, Cao Đài và Hòa Hòa, tất cả đều được Pháp tài trợ cho đến đầu năm đó. Tháng 10 phế truất Bảo Đại, cuối năm cắt đứt quan hệ kinh tế  với Pháp và rời khỏi Liên hiệp Pháp, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Cộng hòa. Các chứng tích chính thức của trật tự thuộc địa Pháp đã không còn.” Sau đó, Diệm thanh trừng quân đội, loại bỏ những người trung thành với Pháp trước đây và thay thế họ bằng những sinh viên tốt nghiệp các trường sĩ quan mới do ông thành lập. Khi củng cố quyền lực của mình, “Diệm vây bắt các đối thủ mà không quan tâm đến hệ tư tưởng, và những người Việt Nam thân Pháp đặc biệt dễ bị tổn thương.” Diệm và những người ủng hộ ông ta là bất cứ hạng gì ngoài những con rối của Pháp.

Trong phân tích cuối cùng, chính người Việt Nam là những người duy nhất có khả năng đánh giá mức độ tương hợp giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Cựu quan chức cấp cao của chế độ cộng sản, Đại tá Bùi Tín, mới đây đã than thở về “sự mù quáng của dân tộc mình khi đi theo hệ tư tưởng ngoại lai và tôn sùng nó như chân lý tối cao”. Theo Tín:

Sau khi chấp nhận chủ nghĩa Mao, chúng ta cũng chịu ảnh hưởng của Stalin. Những tác phẩm của ông được in và tái bản bằng tiếng Việt rất lâu sau khi ông ấy bị mất uy tín ở Liên Xô, đã trở thành bài học bắt buộc đối với tất cả cán bộ cấp trung và cấp cao. Sau đó là những bức ảnh. Khắp mọi nơi, ở mọi cơ quan và dọc các con đường chính, khuôn mặt của những người cộng sản hàng đầu thế giới đều nhìn xuống chúng tôi. Nhưng người ta nhận thấy rằng ngoại trừ Mao Trạch Đông, tất cả họ – Marx, Engels, Lenin, Stalin và Hồ Chí Minh – đều có râu hoặc trong trường hợp của Stalin là một bộ ria mép lớn. Vì vậy dân gian kháo nhau, đánh đồng chủ nghĩa Cộng sản với  “những quý ông có râu”, và không phải lúc nào cũng lịch sự.

Giống như Kim Il Sung của Bắc Triều Tiên và Pol Pot của Campuchia, Hồ Chí Minh Việt Nam không thấy sự mâu thuẫn giữa chủ nghĩa dân tộc và “chủ nghĩa quốc tế vô sản”. Được hướng dẫn bởi tôn giáo thế tục phổ quát của chủ nghĩa Mác-Lê, Hồ và cấp dưới đã cố gắng hết sức để đàn áp cả văn hóa Việt Nam truyền thống và hiện đại nhằm thay thế chúng bằng những bản sao thô sơ của văn hóa chính thống Liên Xô và Trung Quốc. Bài thơ của nhà thơ Đảng Tố Hữu viết về cái chết của Stalin năm 1953 là một ví dụ về thể loại văn học được chế độ Hà Nội ưa chuộng:

Ông Xít-ta-lin ơi, 

Ông Xít-ta-lin ơi!

Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?

Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình thương một, thương Ông thương mười

Yêu con yêu nước yêu nòi

Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!

Ngày xưa khô héo quạnh hiu

Có người mới có ít nhiều vui tươi

Ngày xưa đói rách tơi bời

Có người mới có được nồi cơm no

Ngày xưa cùm kẹp dày vò 

Có người mới có tự do tháng ngày

Ngày mai dân có ruộng cày

Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai

Ơn này nhớ để hai vai 

Một vai ơn Bác một vai ơn Người

Các nhà thơ, tiểu thuyết gia và nhạc sĩ từ chối điều chỉnh tác phẩm của mình để tôn vinh chủ nghĩa cộng sản Việt Nam và nước ngoài đều bị đàn áp và thường xuyên bị bỏ tù. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, một trong số những thành viên của phong trào nhà văn bất đồng chính kiến Miền Bắc ​​năm 1956 bị giam trong “trại cải tạo” hàng chục năm, đã tìm cách tuồn ra ngoài một tập thơ viết tay tựa đề “Hoa địa ngục” cho các nhà ngoại giao Anh ở Hà Nội năm 1980. Trong một bài, nhà thơ bất đồng chính kiến ​​đã viết:

Nếu Bác và Đảng, chúng ta hãy  giả sử,

Cho phép di chuyển tự do ra vào,

Thiên đường của ông nội Marx Sẽ sớm trở thành nơi hoang dã chỉ có lũ khỉ lang thang.

Do đó, có rất nhiều bằng chứng cho thấy Hồ Chí Minh chưa bao giờ được ngưỡng mộ rộng rãi ở đất nước của mình như phe cánh tả phương Tây tuyên bố. Đoàn Văn Toại, một nhà bất đồng chính kiến ​​miền Nam bị cầm tù sau khi cộng sản xâm chiếm miền Nam năm 1975, nhớ lại một sự việc trong tù: “Khi chúng tôi cùng hát bài ‘Đêm Qua Em Mơ Gặp Bác Hồ’, tôi nhận ra rằng có nhiều giọng nói trong dàn hợp xướng thay ‘Em mơ gặp ‘ thành ‘Em mơ thịt.’ Không còn nghi ngờ gì nữa, phiên bản mới phù hợp hơn với thực tế giấc mơ của họ.”

Khi đó, ghi chép lịch sử cho thấy rằng việc chế độ Sài Gòn không giành được tính hợp pháp vững chắc của nhân dân không có nghĩa là chế độ Hà Nội đã thành công trong nhiệm vụ tương tự. Sài Gòn thất thủ là kết quả của cuộc xâm lược của Bắc Việt chứ không phải của cuộc nổi dậy ở miền Nam vốn yếu hơn sau năm 1968 so với trước đó. Việc miền Bắc do Liên Xô hậu thuẫn xâm chiếm miền Nam Việt Nam sau khi bị Hoa Kỳ bỏ rơi không thể được coi là bằng chứng cho thấy miền Nam hoàn toàn thiếu tính chính đáng, trừ khi rút ra một kết luận tương tự về tính hợp pháp của Hàn Quốc, chế độ đã sụp đổ nhanh chóng vào tay Bắc Triều Tiên xâm lược năm 1950, và tồn tại sau năm 1953 chỉ dưới sự bảo vệ của hàng chục nghìn quân Mỹ.

Việc chế độ Hồ Chí Minh không bao giờ độc quyền chủ nghĩa dân tộc Việt Nam cũng được đề xuất bởi sự chạy trốn của phần lớn người dân Việt Nam khỏi sự thống trị của cộng sản trong những năm 1950 và một lần nữa trong những năm 1970 và 1980, và bởi thực tế là nhiều người miền Nam yêu nước đã chiến đấu để ngăn chặn sự thống trị của cộng sản bành trướng khắp đất nước của họ. Quả thực, tính hợp pháp của Đảng Cộng sản ở miền Bắc Việt Nam rõ ràng là yếu kém ngay từ đầu đến mức Hồ và những người kế nhiệm ông, cho đến ngày nay, vẫn còn chưa dám cho phép bầu cử tự do và dập tắt một cách tàn bạo những người bất đồng chính kiến. Cả hai cuộc phản kháng bất bạo động và vũ trang chống lại sự cai trị của cộng sản ở Việt Nam vẫn tiếp tục kể từ năm 1975, mặc dù nó đã bị truyền thông phương Tây phớt lờ. Chế độ Hồ ưu việt hơn các chính quyền Sài Gòn kế tiếp trong việc dùng biện pháp cưỡng chế phục vụ cho việc trấn áp nội bộ, tự vệ, lật đổ và xâm lược. Chế độ Sài Gòn có tất cả những điều tồi tệ mà các đối thủ của nó tuyên bố  – độc tài, tham nhũng, bất tài. Nhưng nó không sụp đổ vì sự chuyên chế. Nó rơi vào tay một chế độ chuyên chế nham hiểm hơn nhưng lại hiệu quả hơn, một phần vì nó tàn bạo hơn

Chiến tranh Việt Nam có Dã Man Chưa Từng Có Hay Không

Năm 1980, nhà xã hội học Peter Berger, một người từng phản đối Chiến tranh Việt Nam, đã viết một bài trên tờ Commentary xem xét tính đạo đức của chiến tranh Việt Nam. Berger thừa nhận rằng việc cộng sản tiếp quản Đông Dương là một “thảm họa nhân đạo có quy mô lớn” và do việc Hoa Kỳ rút lui khỏi Đông Nam Á nên “chủ nghĩa toàn trị đã mạnh mẽ hơn”. Tuy nhiên, ông viết, “Tôi tiếp tục tin rằng chiến tranh Việt Nam được đánh dấu bằng một sự tàn bạo đặc biệt không thể bị che đậy bởi một tuyên bố nào đó cho rằng tất cả chiến tranh đều là địa ngục.” Nhận thức này cho rằng Chiến tranh Việt Nam tàn bạo một cách độc nhất được phổ biến rộng rãi, được chia sẻ, thậm chí giữa những người Mỹ nói chung không phản đối đến Chiến tranh Lạnh. Nhưng điều đó có chính xác không?

Tai tiếng của Chiến tranh Việt Nam được gán cho là một cuộc chiến khủng khiếp chưa từng có dựa chủ yếu là do có nhiều hình ảnh hoặc các hình ảnh trực quan không bị  kiểm duyệt như trong thời Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên, và sau đó là Chiến tranh vùng Vịnh. Công chúng ở Hoa Kỳ và khắp thế giới chưa bao giờ nhìn thấy những xác chết cháy đen ở Hiroshima hay Dresden – hoặc trên “xa lộ tử thần” của Iraq. Kết quả là, những hình ảnh khủng khiếp và những sự kiện ác mộng đều xảy ra trong hầu hết các cuộc chiến tranh, không chỉ với Chiến tranh Việt Nam.

Ví dụ, vào năm 1966, nhà báo Malcolm Browne đã xuất bản một cuốn sách về cuộc xung đột ở Việt Nam có tựa đề The New Face of War [Bộ Mặt Mới của Chiến Tranh]. Theo William Prochnau, “Bức ảnh bìa cho thấy một lính Mỹ trố mắt đang đẩy ra phía trước một thủ cấp bị chặt của một du kích Việt Cộng.” Hình ảnh đó thật kinh hoàng – nhưng nó hầu như không phải là bộ mặt mới của chiến tranh. Vào tháng 10 năm 1943, Tổng Tham mưu trưởng George C. Marshall đã gọi điện cho các chỉ huy Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, chỉ thị họ ngăn cản binh lính đua nhau làm vòng cổ từ răng của những lính Nhật đã chết và chụp ảnh các giai đoạn lóc thịt khỏi hộp sọ. Vào ngày 22 tháng 5 năm 1944, tạp chí Life, nhận xét rằng “lực lượng vũ trang cực lực phản đối điều này”, đã đăng một bức ảnh chụp một phụ nữ bang Arizona đang nhìn chăm chú vào một hộp sọ Nhật Bản do bạn trai cô gửi cho cô với dòng chữ: “Đây là một tên Nhật tốt – một xác chết được vớt lên trên bãi biển New Guinea.”

Các hành vi giết người, hãm hiếp và cướp bóc cá nhân đã được quân đội Hoa Kỳ thực hiện trong mọi cuộc chiến tranh của Mỹ. Lời tuyên bố rằng vụ thảm sát khét tiếng hàng trăm thường dân không vũ trang vào ngày 16 tháng 3 năm 1968 tại Mỹ Lai cho thấy binh lính và các đơn vị Mỹ có nhiều khả năng tham gia vào các hành động  tàn bạo ở Việt Nam nhiều hơn so với lính Mỹ trong các cuộc chiến trước đây chỉ là ảo tưởng, được tạo ra bởi sự thiếu kiểm duyệt tương đối trong Chiến tranh Việt Nam. Trong Thế chiến thứ hai, nhà báo Eric Sevareid phàn nàn rằng quân đội Mỹ thường bắn lính Đức và thường dân Ý để tránh phải giam giữ họ. Sevareid viết: “Nhiều tuần trôi qua và trải nghiệm này được lặp lại nhiều lần, thậm chí tôi không còn ngạc nhiên nữa, tôi không bao giờ có thể viết hoặc nói với sự phẫn nộ về việc người Đức vi phạm ‘các quy tắc chiến tranh’.”

Bất chấp những sự việc như vậy, nhà báo và nhà sử học Philip Knightley vẫn “không thể tìm thấy bất kỳ báo cáo nào trên báo chí Đồng minh về một hành động tàn bạo do một người lính Đồng minh gây ra” trong Thế chiến thứ hai. Ngược lại, trong Chiến tranh Việt Nam, những hành động tàn bạo như vậy đã được đưa tin rộng rãi (nhưng chỉ sau khi công chúng và giới tinh hoa đã quay lưng lại với cuộc chiến vì chi phí của nó). Tuy nhiên, một cuộc thăm dò của tạp chí Time vào tháng 5 năm 1970 cho thấy đa số người Mỹ tin tưởng một cách chính xác rằng những sự cố như Mỹ Lai xảy ra trong mọi cuộc chiến. Ngay cả Peter Arnett, nhà báo phản chiến, người đã đưa tin sai sự thật trên CNN vào năm 1998 về việc binh lính Mỹ đã sử dụng khí độc thần kinh ở Việt Nam, ông thừa nhận trong thời gian làm phóng viên thời chiến ông chưa từng thấy lính Mỹ nào sát hại dân thường. “Họ thậm chí còn không nghĩ đến điều đó. Mọi đơn vị mà tôi tham gia, bộ binh Mỹ đều cố gắng hết sức để đối xử tử tế  với người dân.”

Việc phê phán đạo đức đối với các phương pháp quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam không chỉ giới hạn ở việc chỉ trích tội ác của cá nhân binh lính. Nhiều người chỉ trích cuộc chiến cho rằng bản thân các chiến thuật mà Hoa Kỳ sử dụng là bất công. Quả thực, một số chiến thuật của Mỹ có thể bị chỉ trích một cách hợp lý, dựa trên cơ sở đạo đức. Tuy nhiên, việc so sánh một cách khách quan các phương pháp mà Hoa Kỳ sử dụng ở Việt Nam và các cuộc chiến tương đương không đưa ra bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố rằng Chiến tranh Việt Nam là một sự tàn bạo khủng khiếp chưa từng có .

Không Chiến  ở Việt Nam

Chiến dịch Sấm Rền, chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam kéo dài từ năm 1965 cho đến năm 1968, tập trung vào các mục tiêu quân sự và công nghiệp. Chỉ có 8 trong số 91 con đê của miền Bắc Việt Nam bị ném bom – và những con kênh này đã hỗ trợ vận chuyển hàng hóa quân sự. Không thể tránh khỏi, những người khác vô tình bị trúng đòn. Hầu như tất cả các mục tiêu ném bom của Mỹ đều ở xa các trung tâm dân cư. Một nghiên cứu lưu ý rằng “rủi ro đối với các trung tâm dân cư là thấp, bất chấp tuyên truyền của Hà Nội. Dân thường thực sự trở nên ít bị tổn thương trong các vụ tấn công hơn khi chiến tranh tiến triển.” Những vụ sơ tán khỏi các thành phố và thị trấn lớn sau năm 1965 đã giảm thiểu số thương vong.

Những số liệu thống kê về số lượng bom Mỹ ném bom, muốn nhìn một cách đúng đắn, phải tính đến hệ thống phòng không tinh vi mà Bắc Việt lắp đặt và vận hành với sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc. Với 250 máy bay đánh chặn, hơn 8.000 pháo phòng không và 25 tiểu đoàn tên lửa đất đối không, Bắc Việt Nam có mạng lưới phòng mà chỉ có mạng lưới phòng không của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai là sánh ngang tầm. So với Bắc Việt, Bắc Triều Tiên trong Chiến tranh Triều Tiên, Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh và Serbia trong Chiến tranh Kosovo thực tế là không có khả năng tự vệ trước hoạt động ném bom của Mỹ.

Ước tính hơn 50.000 thường dân Bắc Việt đã thiệt mạng do bị Mỹ ném bom. Tính theo phần trăm dân số, 0,3% dân số miền Bắc Việt Nam bị thiệt mạng trong chiến dịch Sấm Rền năm 1965 chỉ là một phần nhỏ so với 3% dân số Nhật Bản và 1,6% dân số  Đức đã thiệt mạng trong các cuộc ném bom của quân Đồng minh trong Thế chiến thứ hai. 

Khi ném bom miền Bắc Việt Nam, chính quyền Johnson đã bác bỏ kiểu ném bom khủng bố quy mô lớn vào dân thường vốn là chính sách của Hoa Kỳ không chỉ ở Thế chiến II mà còn trong Chiến tranh Triều Tiên. Năm 1952, sau khi ném bom ngăn chặn đã không thuyết phục được người Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, đồng ý với các điều khoản của Hoa Kỳ/LHQ, trọng tâm chuyển sang tấn công tinh thần dân chúng. Vào mùa xuân và mùa hè năm 1952, Hoa Kỳ tấn công các nhà máy thủy điện dân sự. Vào ngày 11 và 29 tháng 7 năm 1952, như một phần của chiến dịch ném bom napalm  mang tên “Bơm áp lực”, lực lượng không quân Hoa Kỳ đã bỏ hàng nghìn tấn bom napalm xuống các mục tiêu được cho là quân sự. Một chiến dịch theo kế hoạch mang tên Strike, vốn sử dụng bom lửa và bom nổ chậm từ máy bay B-52 để xóa sổ 78 thị trấn và làng mạc, đã bị dừng lại sau khi hai thị trấn bị thiêu hủy vì sự phản đối của Bộ Ngoại giao. Quả thực, các đồng minh như Anh và các nước trung lập như Ấn Độ chỉ trích các chiến dịch ném bom của Mỹ ở Triều Tiên vào năm 1952 và 1953.

Vụ đánh bom mới nhằm vào tinh thần dân chúng diễn ra vào tháng 5 năm 1953, khi nguồn cung cấp lương thực của Triều Tiên bị nhắm tới bằng cách phá hủy các con đập. Thiếu tướng Emmett O’Donnell của Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược muốn Hoa Kỳ “bắt tay vào việc đốt cháy 5 thành phố lớn ở Triều Tiên và tiêu diệt hoàn toàn từng mục tiêu trong số khoảng 18 mục tiêu chính.” Tuy nhiên, trong trường hợp này, Hoa Kỳ đã không thực hiện chính sách tạo ra bão lửa ở các thành phố của Hàn Quốc, như quân Đồng minh đã làm ở Nhật Bản và Đức trong Thế chiến thứ hai.

Một trong những tình tiết gây tranh cãi nhất trong Chiến tranh Việt Nam là cuộc ném bom Linebacker II – chiến dịch đánh phá miền Bắc Việt Nam mà Richard Nixon ra lệnh vào tháng 12 năm 1972 nhằm buộc miền Bắc Việt Nam nối lại đàm phán hòa bình. Được các nhà báo phản chiến mệnh danh là “vụ đánh bom Giáng sinh”, nhằm tìm cách làm cho nó nghe có vẻ đặc biệt vô nhân đạo, Linebacker II đã bị nhiều người theo chủ nghĩa tự do trên báo chí và Quốc hội tố cáo là một hành động tàn bạo theo kiểu Hitler. Ngày 26 tháng 12, Tom Wicker thông báo rằng “chúng ta… đã mở cửa địa ngục.” Cùng ngày, George McGovern nói với NBC: “Chính sách giết người hàng loạt đang được thực hiện nhân danh nhân dân Mỹ.” McGovern mô tả Linebacker II là “vụ oanh tạc từ trên không giết người nhiều nhất trong lịch sử thế giới” và “hành động vô đạo đức nhất mà quốc gia này từng thực hiện trong lịch sử lập quốc của mình.” Nhà báo chuyên mục Anthony Lewis tuyên bố rằng Linebacker II là “một chính sách mà nhiều người phải biết lịch sử sẽ phán xét là một tội ác chống lại loài người.” Theo Lewis, vụ đánh bom Hà Nội là “sự tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người.”

Trớ trêu thay, chế độ độc tài Miền Bắc có phản ứng kiềm chế hơn nhiều so với những người cánh tả và những người tự do phản chiến ở Mỹ. Theo chế độ Hà Nội, 1.624 thường dân đã thiệt mạng ở hai thành phố trong chiến dịch Linebacker II. Con số này có thể so sánh với ngưỡng trên của số người Iraq thiệt mạng ước tính trong vụ ném bom Iraq kéo dài một tuần của Tổng thống Clinton vào tháng 12 năm 1998 (chính phủ Mỹ ước tính rằng khoảng sáu trăm đến hai nghìn người Iraq đã bị giết). Ngược lại, gần 84.000 người đã thiệt mạng trong một đêm Mỹ ném bom Tokyo vào tháng 3 năm 1945. Sự tương phản khiến cho tuyên bố của George McGovern rằng Linebacker II là “vụ ném bom giết người nhiều nhất trong lịch sử thế giới” và khẳng định của Anthony Lewis rằng nó là “sự tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người” có vẻ kỳ dị. Telford Taylor, cựu công tố viên trong Vụ án Nuremberg và là người chỉ trích Chiến tranh Việt Nam, đã có mặt tại Hà Nội trong thời gian xảy ra vụ đánh bom.  “Bất chấp sức nặng khổng lồ của những quả bom được thả xuống”, Taylor nói “Tôi nhanh chóng bị thuyết phục rằng chúng ta đã không nỗ lực phá hủy Hà Nội. Thành phố phần lớn vẫn còn nguyên vẹn và dường như khá rõ ràng rằng nếu có nỗ lực phá hủy Hà Nội thì nó có thể được thực hiện rất dễ dàng trong hai hoặc ba đêm.” 

Trong cả Chiến dịch Sấm Rền và Linebacker, những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm hạn chế thiệt hại bên lề đã bị hạn chế bởi công nghệ sẵn có vào thời điểm đó. Trong vụ đánh bom ở Đức và Nhật Bản, sai số trung bình dao động từ hàng nghìn bộ (vài trăm mét) đến hàng dặm. Trong Chiến tranh vùng Vịnh, 85% số “bom thông minh” đã hạ cánh cách mục tiêu trong vòng 10 bộ (3 mét); sai số trung bình của đạn dược dẫn đường bằng laser chỉ là một hoặc hai bộ. Nhờ mức độ chính xác phi thường này, cuộc bắn phá lớn vào Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh đã khiến khoảng 1.500 đến 2.000 thường dân Iraq thiệt mạng. Liên minh do Mỹ dẫn đầu làm tê liệt các nhà máy lọc dầu của Iraq, giảm sản lượng điện xuống 15% và đánh sập 50 cây cầu ở Iraq với ít lần xuất kích hơn và trong thời gian ngắn hơn nhiều so với yêu cầu cho các nhiệm vụ tương tự ở Việt Nam, Triều Tiên và Thế chiến thứ hai. Những tiến bộ cả về công nghệ và chiến thuật cũng cho phép NATO đánh bom vào Serbia để từ bỏ Kosovo. Ngược lại, Bắc Việt được quân đội Liên Xô và Trung Quốc cài đặt và vận hành công nghệ tiên tiến; thậm chí có phi công tiêm kích Liên Xô tham gia không chiến, bắn hạ phi công Mỹ. Vì những lý do này, các phi vụ ném bom miền Bắc Việt Nam nguy hiểm hơn rất nhiều so với các phi vụ chống lại Iraq hoặc Serbia. Trong Chiến tranh Việt Nam, cứ 25 lần xuất kích lại có một máy bay Mỹ bị mất; trong Chiến tranh vùng Vịnh, tỷ lệ này là một chiếc máy bay cho mỗi 750 phi vụ. Hình ảnh “quốc gia bé nhỏ, nghèo nàn” bị siêu cường công nghệ buộc phải khuất phục có thể áp dụng cho Chiến tranh vùng Vịnh và các chiến dịch ném bom sau đó chống lại Iraq và Serbia của chính quyền Clinton nhiều hơn là  cho Chiến tranh Việt Nam. 

Bình định ở miền Nam Việt Nam

Tại chính miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và các đồng minh miền Nam Việt Nam đã tiến hành hai cuộc chiến tranh – một cuộc chiến tranh tiêu hao quy ước với lực lượng du kích Việt Cộng và các đồng minh Bắc Việt của họ, và một cuộc chiến mà đại sứ Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam Henry Cabot Lodge gọi là “cuộc chiến khác” nhằm bình định nông thôn. Thuật ngữ “bình định” bao gồm một loạt các hoạt động, từ việc cung cấp an ninh cho dân làng miền Nam Việt Nam bởi các đơn vị quân đội Hoa Kỳ và Nam Việt Nam cho đến các hoạt động phát triển kinh tế và nhân đạo do các cơ quan Hoa Kỳ thực hiện như USAID cho đến những nỗ lực do Hoa Kỳ tài trợ nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng bí mật   của Việt Cộng (VCI). Nỗ lực sau này là cần thiết vì chính quyền ngầm của Việt Cộng ở miền Nam bao gồm cả các cán bộ chính trị. cũng như cán bộ quân đội. Các cán bộ tuyển quân mới, vận hành mạng lưới hậu cần, đánh thuế dân làng ở những khu vực mà họ kiểm soát và ám sát hàng chục nghìn quan chức và thường dân miền Nam Việt Nam. Việc xác định và ngăn chặn những cán bộ Việt Cộng này đòi hỏi sự kết hợp giữa công tác tình báo, cảnh sát và hành động quân sự. Vào tháng 5 năm 1967, chính quyền Johnson đã thống nhất các chương trình bình định dân sự và quân sự của Hoa Kỳ dưới sự kiểm soát của một cơ quan do Robert W. Komer điều hành, có tên là Hỗ trợ Phát triển và Hoạt động Dân sự (CORDS). CORDS giám sát một chương trình do CIA tài trợ có tên mã là “Phượng Hoàng,”

Các khía cạnh thu thập thông tin tình báo của các chương trình này không gây tranh cãi, nhưng việc “vô hiệu hóa” cán bộ Việt Cộng thì có. Phóng viên Tad Szulc của New York Times tuyên bố rằng “có tới 20.000 Việt Cộng hoặc bị tình nghi là Việt Cộng được cho là đã bị sát hại dưới sự bảo trợ của Chiến dịch Phượng hoàng… Cùng với vụ thảm sát thường dân Mỹ Lai của quân đội Mỹ,  Chiến dịch Phượng hoàng  “không còn nghi ngờ gì nữa, được coi là một trong những công việc hèn hạ nhất do người Mỹ thực hiện ở Việt Nam.” Hình ảnh những lực lượng  miền Nam Việt Nam ám sát một số lượng lớn thường dân không vũ trang là không chính xác. Richard A. Hunt viết trong cuốn Pacification: The American Struggle for Vietnam’s Hearts and Minds [Bình Định Hóa: Cuộc Đấu Tranh của Mỹ cho Trái Tim và Khối Óc của Việt Nam](1995): “Việc đánh đồng những người thuộc MTGPDT với những thường dân thực sự là sai lầm, và không tính đến mục đích bạo lực và mang tính lật đổ của cơ sở hạ tầng. Với cách mà đảng cộng sản Việt Nam tiến hành chiến tranh, không có ranh giới sáng sủa, rõ ràng nào để phân biệt quân sự và dân sự.” Hầu hết các thành viên cơ sở hạ tầng của Việt Cộng thiệt mạng đều bị giết trong chiến đấu. “Chỉ trong một số trường hợp quân Đồng minh mới có cơ hội thực tế để vô hiệu hóa các cán bộ  nằm vùng bất hợp pháp bằng các phương pháp không liên quan đến chiến đấu,” sử gia Mark Moyar viết trong nghiên cứu kỹ lưỡng nhất về chương trình Phượng hoàng. Những nỗ lực bắt giữ cán bộ Việt Cộng có vũ trang thường biến thành các cuộc đấu súng. Từ tháng 1 năm 1970 đến tháng 3 năm 1971, 9.000 trong số 10.444 thành viên cơ sở hạ tầng Việt Cộng là những tên bị giết chết trong các cuộc đọ súng với quân đội, mãi sau này họ mới được xác định danh tính. Chưa đến 2% số VC nằm vùng bị bắt, tập trung hoặc bị giết trong cùng thời kỳ là các mục tiêu bị bắt giữ. 

Việc nhân viên Hoa Kỳ chỉ đơn thuần là cố vấn cho lực lượng quân đội và cảnh sát miền Nam Việt Nam đã hạn chế khả năng  ngăn cản họ tham gia vào các hoạt động giết người, tra tấn và khai thác. Mặc dù vậy, các cố vấn Hoa Kỳ đã tạo động lực cho các lực lượng bình định bắt giữ các nhân viên Việt Cộng hơn là giết họ. Thật là vô lý khi bắt Miền Nam, trong cuộc nội chiến phải đạt tiêu chuẩn cao hơn các chính phủ thuộc Thế giới thứ ba trong các cuộc nội chiến tương đương chống quân nổi dậy, chẳng hạn như Peru hay Thổ Nhĩ Kỳ. Trong sự hỗn loạn của thời chiến, các nỗ lực bình định có thể không phải lúc nào cũng  phân biệt được VC với thường dân, nhưng chúng còn phân biệt tốt hơn nhiều so với chiến lược tiêu hao mà Hoa Kỳ và các đồng minh miền Nam Việt Nam sử dụng. Cuộc chiến không thể thắng nếu không xác định và tiêu diệt mạng lưới chính trị bí mật của Việt Cộng. Quả thực, sau chiến tranh, những người cộng sản thừa nhận rằng chương trình Phượng Hoàng, cùng với các hoạt động quân sự và chương trình “chiêu hồi” những người cộng sản về phía chế độ Sài Gòn, đã làm suy yếu sức mạnh của cuộc nổi dậy miền Nam và góp phần thúc đẩy Hà Nội chuyển sang xâm lược theo kiểu chiến tranh quy ước  sau năm 1968

Cuộc chiến tranh tiêu hao ở miền Nam Việt Nam

Ở miền Nam Việt Nam, như chúng ta đã thấy, quân đội Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Tướng Westmoreland đã phải đối mặt với sự đe dọa có đặc điểm của cả cuộc nổi dậy và cuộc chiến tranh quy ước bằng cách tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao chủ yếu là quy ước từ năm 1965 đến năm 1968. Mục tiêu đã nêu của Westmoreland là sử dụng hỏa lực áp đảo của Hoa Kỳ để tiêu diệt VC và bọn xâm nhập Bắc Việt cho đến khi đạt đến “điểm tới hạn” mà tại đó số người chết vượt quá số thay thế. Những tuyên bố cho rằng sự tiêu hao đại diện cho chiến lược diệt chủng là vô nghĩa; trong chiến tranh, dân số miền Nam Việt Nam tăng nhanh gấp đôi dân số Hoa Kỳ. Nhưng cách tiếp cận tiêu hao đã làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc trong tâm trí của nhiều nhà quan sát, những người hoàn toàn không phản đối Chiến tranh Lạnh nói chung hay chiến tranh Việt Nam nói riêng. Guenter Lewy, một nhà phê bình thân thiện với chính phủ Hoa Kỳ, ước tính rằng từ năm 1965 đến năm 1974 có 1.160.600 dân thường thương vong trong chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, trong đó có 301.000 người thiệt mạng. Ngay cả những ước tính thận trọng cũng cho rằng khoảng một nửa số thương vong này là do các đơn vị Hoa Kỳ và Nam Việt Nam gây ra.

Quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng sức mạnh không quân một cách ồ ạt như thể chiến tranh chỉ là một cuộc chiến thông thường – và như thể miền Nam Việt Nam là quê hương của kẻ thù chứ không phải là quê hương của những người dân mà Hoa Kỳ đang cố gắng bảo vệ. Vào đỉnh điểm của cuộc chiến, Không quân Hoa Kỳ bay 300 phi vụ một ngày – không phải chống lại Bắc Việt mà nhằm vào các mục tiêu ở Nam Việt Nam. Ngoài ra còn có 200 phi vụ mỗi ngày của lực lượng không quân thủy quân lục chiến và 100 phi vụ của không quân Nam Việt Nam, chưa kể các phi vụ phản ứng ngoài kế hoạch. Ngoài ra, từ năm 1966 đến năm 1972, trực thăng vũ trang đã thực hiện 3.592 phi vụ tấn công. Thiệt hại bên lề ở mức độ cao đối với sinh mạng dân thường và tài sản của họ là không thể tránh khỏi do thực tế là các phi công của lực lượng không quân trong hầu hết các trường hợp đều được lệnh ném bom ở độ cao không thấp hơn 3.500 bộ. Đến cuối chiến tranh, Hoa Kỳ đã thả 13 triệu  tấn bom xuống miền Nam Việt Nam, cùng với hơn 400.000 tấn bom napalm và 11,2 triệu ga-long chất độc màu da cam, loại chất diệt cỏ gây ung thư, được cho là đã gây ra một số lượng đáng kể các dị tật bẩm sinh ở Việt Nam cũng như bệnh tật của nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ. Ước tính khoảng 25 triệu mẫu đất nông nghiệp và 12 triệu mẫu rừng đã bị phá hủy. Việc tố cáo chiến lược tiêu hao đã tạo ra những kết quả như vậy không chỉ giới hạn ở cánh tả phản chiến. Tướng Harold K. Johnson, tham mưu trưởng quân đội, phàn nàn rằng “[chúng tôi] đã sử dụng hỏa lực bừa bãi. Tôi nghĩ chúng tôi đã tàn phá vùng nông thôn.”

Chiến lược tiêu hao đã được sử dụng ở Hàn Quốc cũng như ở Việt Nam. Trong Chiến tranh Triều Tiên, Tướng James Van Fleet của Quân đoàn số 8 đã ra lệnh cho các chỉ huy của mình “sử dụng thép và hỏa lực chứ không phải con người. Tôi muốn có nhiều lỗ pháo để một người có thể bước từ lỗ này sang lỗ khác.” Một báo cáo thiểu số năm 1951 về Chiến tranh Triều Tiên của các ủy ban Thượng viện về nghĩa vụ vũ trang và quan hệ đối ngoại đã đặt câu hỏi về tính đạo đức của các chiến thuật tiêu hao như vậy ở Hàn Quốc:

Chính sách của Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, như được nêu trong lời khai của Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và những người khác là phá hủy cốt lõi hiệu quả của quân đội Cộng sản Trung Quốc bằng cách giết chết những người lính đã được huấn luyện của chính phủ đó, với hy vọng rằng sẽ có người thương lượng. Chúng tôi cho rằng chính sách như vậy về cơ bản là vô đạo đức, không có khả năng tạo ra chiến thắng ở Triều Tiên hoặc chấm dứt xâm lược. Đồng thời, chính sách như vậy có xu hướng phá hủy uy tín đạo đức của Hoa Kỳ với tư cách là nước lãnh đạo trong đại gia đình các quốc gia.

Việc sử dụng tính tiêu hao trong các cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam không tàn bạo hơn so với các chiến trường khác nhau của Thế chiến Thứ hai. Đại tá Lewis L. Millett, người đã chiến đấu trong Thế chiến thứ hai, Hàn Quốc và Việt Nam, nói với nhà sử học Mark Moyar rằng trong Thế chiến thứ hai ở Ý, “Nếu chúng tôi muốn chiếm một thị trấn, trước tiên chúng tôi sẽ cho nổ tung tất cả thành từng mảnh. … Nếu tình cờ có dân thường ở đó thì thật là gay.”

Ngay cả khi sự phụ thuộc vào hỏa lực khủng được biện minh trong Chiến tranh Triều Tiên kiểu quy ước, hoặc trong Chiến tranh Việt Nam sau khi nó trở thành một cuộc xâm lược chủ yếu quy ước của Bắc Việt sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân, thì điều đó không có nghĩa là chiến lược tiêu hao được biện minh trong chiến dịch chống lại cuộc nổi dậy của miền Nam Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968.

Trong một bài phê bình sau chiến tranh, Đại tá John M. Collins, trưởng Nhóm Lập kế hoạch Chiến dịch ở Việt Nam, năm 1967-1968, đã lên án quân đội Hoa Kỳ sử dụng bạo lực quá mức chống lại quân du kích Việt Cộng: “Tướng Sir Gerald Templer, Cao ủy Anh ở Malaysia không sử dụng sức mạnh không quân để tiêu diệt phiến quân trong rừng rậm. Không một quả bom nào được thả xuống. [Ramon] Magsaysay [ở Philippines] chưa bao giờ dùng bom napalm tập trung tấn công vào các làng do người Huk [cộng sản] nắm giữ.” Việc hủy diệt và ném bom ồ ạt xuống nhiều vùng quê bằng không lực có hiệu quả theo nghĩa hẹp là nó giúp ngăn cản sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn trước cuộc nổi dậy do Hà Nội kiểm soát từ năm 1965 đến năm 1968. Nhưng xét đến sự tồn tại các phương pháp chống nổi dậy nhân đạo hơn, phân biệt bạn thù rõ ràng hơn cũng như hiệu quả hơn, có thể đưa ra một lập luận mạnh mẽ rằng như vậy việc sử dụng hỏa lực không cân xứng không chỉ phản tác dụng mà còn vô đạo đức.

Tính Công Chính và Cuộc Chiến Ủy Nhiệm ở  Đông Á

Những kết luận nào được rút ra về tính đạo đức của các phương pháp được Hoa Kỳ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam? Cố vấn chính quyền Johnson, John McNaughton, trong một bản ghi nhớ năm 1964 về chính sách Việt Nam của Hoa Kỳ, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Hoa Kỳ “vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng mà không dính vết nhơ nào không thể chấp nhận được do các phương pháp được sử dụng.” Một trường hợp thuyết phục có thể được đưa ra là Hoa Kỳ đã sai vì đạo đức cũng như vì lý do thực tế khi để phụ thuộc nhiều vào chiến lược tiêu hao ở miền Nam Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968, khi cuộc chiến là sự kết hợp giữa nổi dậy và chiến tranh quy ước. Chiến lược tiêu hao có khả năng phòng thủ tốt hơn trong giai đoạn chủ yếu là quy ước của cuộc xung đột ở Việt Nam từ 1969-75.

Tuy nhiên, giải pháp thay thế về mặt đạo đức cho việc tiến hành Chiến tranh Việt Nam bằng những phương tiện bừa bãi và không cân xứng là tiến hành nó bằng những phương tiện không bừa bãi và cân xứng hơn –   không bỏ rơi Đông Dương cho chủ nghĩa Stalin, trước nỗi khốn khổ của cả nhân dân Đông Dương và hệ thống đồng minh do Hoa Kỳ lãnh đạo. Người ta có thể lên án nhiều chiến thuật mà Hoa Kỳ sử dụng ở Việt Nam mà không hẳn lên án toàn bộ cuộc chiến, cũng như người ta có thể lên án vụ đánh bom khủng bố vào dân thường ở Đức và Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai mà không cho rằng cuộc chiến chống lại các cường quốc phe Trục là bất chính. 

Khi so sánh toàn bộ hai cuộc xung đột ủy nhiệm trong Chiến tranh Lạnh ở Đông Á, rõ ràng là Chiến tranh Triều Tiên tàn khốc hơn Chiến tranh Việt Nam. Việc Mỹ ném bom ở Triều Tiên bừa bãi hơn. Mặc dù các phi công chiến đấu Liên Xô đã tham gia chiến đấu ở Triều Tiên, giống như sau này ở Việt Nam, Triều Tiên vẫn thiếu hệ thống phòng không hiệu quả, hệ thống mà Liên Xô và Trung Quốc cung cấp cho miền Bắc Việt Nam. Vào cuối Chiến tranh Triều Tiên, hầu hết mọi thành phố, thị trấn và làng mạc trên Bán đảo Triều Tiên đều bị hư hại hoặc bị phá hủy. Khi so sánh thương vong, Chiến tranh Triều Tiên thậm chí còn tồi tệ hơn. Ước tính có khoảng ba triệu người chết ở bán đảo Triều Tiên chỉ trong vòng ba năm—hầu hết trong số họ chết trong một thời gian ngắn khi bắt đầu xung đột. Ngược lại, ước tính có khoảng hai triệu người chết trong Chiến tranh Việt Nam trong khoảng thời gian một thập kỷ rưỡi. Bảy mươi phần trăm số người thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên là dân thường, so với 45 phần trăm trong Chiến tranh Việt Nam. Sự chênh lệch giữa Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam càng trở nên rõ ràng hơn khi người ta nhớ rằng Chiến tranh Việt Nam diễn ra ở ba quốc gia, trong khi Chiến tranh Triều Tiên chỉ diễn ra ở một quốc gia.

Cuộc giao tranh ác liệt, bừa bãi, tập trung nhất giữa hai liên minh trong Chiến tranh Lạnh đã diễn ra, không phải ở Đông Dương trong khoảng thời gian từ 1959 đến 1973, mà ở bán đảo Triều Tiên từ năm 1950 đến năm 1953. Các cuộc chiến tranh của Mỹ ở cả Triều Tiên và Việt Nam về cơ bản, và không phải chỉ ngẫu nhiên đều là vô đạo đức – hoặc đều là hợp đạo đức


HẾT

Bình luận về bài viết này