HỒI ỨC LÍNH BỘ BINH
Nikolai Obryn’ba
Tôi ba lần căm thù những kẻ mà,
vì gây ra chiến tranh,
đã buộc tôi phải giết người
Đầu đội những chiếc mũ sắt vuông cạnh, hai ống tay áo xắn cao, tiểu liên lăm lăm trong tay, bọn Đức tiến thành một hàng dài dọc con đường làng, chốc chốc lại nã một loạt đạn, đó đây có những binh lính ta chui ra khỏi chỗ ẩn nấp để đầu hàng. Leshka (hay Lesha hoặc Leshka đều là tên gọi thân mật của Alexei – Oleg Sheremet) nhảy lên phía trên chỗ tôi:
“Chúng đang ở rất gần rồi!”
Chúng tôi giấu những khẩu súng của mình xuống dưới lớp rơm, lúc này đã có thể nghe thấy tiếng chúng nói:
“Rus! Los, los!” (tiếng Đức: “Bọn Nga kia! Nào, ra nào!” – LTD.)
Bọn Đức cười lớn và đưa chúng tôi tới nhập vào nhóm binh lính ta đang đứng xa xa, có hai tên lính đứng gác.
Chúng tôi đứng đằng trước một ngôi nhà trong làng, chia từng nhóm 3 đến 4 người, và rồi, sau khi nhóm bên trong đi ra, một nhóm tù binh mới được dẫn vào trong nhà. Tại đó họ bị lục soát, kiểm tra giấy tờ từng người và tìm xem có ai giấu vũ khí trong người hay không.
Tôi bước vào ngôi nhà. Một lớp rơm vàng mới tinh được phủ lên trên sàn nhà, một trong những chiếc cửa sổ được che bằng một tấm chăn, trong phòng có chừng năm tên Đức, gồm cả một tên thiếu uý hãy còn trẻ. Chúng bắt chúng tôi tháo balô, mặt nạ phòng độc ra và đặt tất cả lên bàn, và bắt đầu lục soát cẩn thận. Một tên trong bọn tìm thấy mẩu salo (mỡ lợn muối – Oleg Sheremet.) trong túi của tôi, phủ đầy vụn bánh mì. Hắn lẳng lặng bỏ nó vào túi mình, cùng một miếng đường còn sót lại mà tôi định để dành phòng những khi thiếu thốn.
Lục tung chiếc túi cứu thương của tôi, bọn Đức không lấy đi món gì, ngoại trừ sau khi tìm thấy một hũ đựng mật ong bên ngoài có dán nhãn một loại thuốc nào đó, xoay xoay nó trong lòng bàn tay một lúc lâu, ngửi ngửi nhưng rồi cho rằng đó là một loại thuốc và ném trả nó lại vào trong túi. Một tên Đức vừa tuột chiếc thắt lưng có khảm những miếng đồng kiểu Cápcadơ khỏi quần tôi rồi đeo thử nó vào người, vừa nói: “Đồ lưu niệm, gut, gut…” Tôi hiểu ra rằng chúng đang lấy đi bất cứ thứ gì của chúng tôi mà chúng thích, và sự đê tiện này làm tôi thấy kinh ngạc: tại sao một người lính lại đi lấy một miếng đường, một mẩu mỡ lợn, một chiếc khăn tay còn sạch của một người lính khác?
Thế rồi một tên feldwebel (hạ sĩ quan – LTD) tóc đỏ mặt đầy tàn nhang lôi cuốn album có chứa những bức vẽ của tôi về cuộc đời quân ngũ từ chiếc túi đựng mặt nạ phòng độc ra, miệng nói “kunstmaler, kunstmaler” (nghệ sĩ – LTD), và xem nó một cách chăm chú. Đám còn lại vội đặt balô của chúng tôi sang một bên và cũng bắt đầu chăm chú nhìn, ngón tay chỉ trỏ, miệng cười thích thú. Tên thiếu uý cấm lấy cuốn album, xem qua nó rồi tra hỏi tôi:
“Từ đâu tới?”
Tôi trả lời:
“Moskau, kunstmaler Akademie.” (tiếng Đức: “Ở Maskva, Học viện Nghệ thuật” – LTD)
Điều này làm hắn chú ý. Mở cuốn album ra chỗ một trang còn trống, hắn chỉ ngón tay vào đấy, rồi chỉ ngược lại vào người hắn, miệng nói:
“Zeichnen, zeichnen portrait.” (tiếng Đức: “Vẽ đi, vẽ chân dung tao này” – LTD)
Tôi lấy ra một chiếc bút chì và bắt đầu phác thảo chân dung của hắn. Bọn Đức và những tù binh còn lại đờ người ra quan sát. Năm phút sau tất cả đều đã nhận ra chân dung tên thiếu uý và bắt đầu xì xào: “Gut! Prima!..” (tiếng Đức: “Tuyệt! Số một!” – LTD) Tôi xé tờ giấy có vẽ bức chân dung ra và đưa nó cho tên thiếu uý. Hắn quan sát nó thật tỉ mỉ rồi nhét vào trong túi áo.
…Ngày thứ mười bốn của cảnh bị giam cầm. Đã tới Holm-Zhirkovskiy. Sau mười ngày phải chờ sau hàng rào kẽm gai nơi chúng nhồi nhét những tù binh từ con số 350 ngàn người bị bọn Đức bao vây hồi tháng Mười năm 41 ở Viazma, chúng bắt đầu dẫn chúng tôi đi về phía tây, dọc theo một con đường lớn. Trong mười ngày đó chúng không cấp cho chúng tôi cả thức ăn lẫn nước uống, và chúng tôi phải ngồi chen chúc ngoài trời không mái che. Những đợt tuyết sớm rơi vào khoảng đầu tháng Mười của năm đó, trời rất lạnh và thời tiết thật ẩm ướt khó chịu. Tại đây, lần đầu tiên trong đời, chúng tôi phải trông thấy cảnh những con người đang khoẻ mạnh đã ngã ra chết vì đói như thế nào.
Chúng tôi đi đến ngày thứ tư trên con đường quốc lộ Warsaw dẫn về Smolensk, nghỉ chân tại những khu trại được bố phòng đặc biệt, bao quanh bởi những hàng rào kẽm gai và các tháp canh có đặt đại liên, chúng rọi đèn pha vào chúng tôi xuyên suốt qua màn đêm. Đi bên chúng tôi là một hàng dài những tù binh bị thương – nằm trên những chiếc xe ngựa thường, những xe ngựa hai bánh hay đi bộ. Phần đuôi của đoàn tù binh, rải dài từ ngọn đồi này qua ngọn đồi nọ, kéo ra cho tới tận đường chân trời. Tại những điểm dừng chân và dọc trên suốt chặng đường đi nằm rải rác hàng ngàn xác người chết vì đói và rét. Những kẻ còn ngắc ngoải bị bọn lính bắn hạ bằng tiểu liên, một tên lính gác giơ chân đá vào một tù binh đã ngã và, nếu anh ta không thể đứng dậy kịp thời, hắn liền nổ súng. Tôi theo dõi trong khiếp hãi cảnh chúng biến những con người khoẻ mạnh dần thành những những kẻ hoàn toàn kiệt quệ và cuối cùng là tới cái chết. Mỗi lần trước khi chúng tôi khởi hành, đám lính gác cầm dùi cui lại tập hợp dọc hai bên hàng người, tiếp theo là một mệnh lệnh vang lên:
“Tất cả mọi người, chạy!”
Đám người co chân chạy, cùng lúc đó những cú quật văng xối xả vào chúng tôi.
Chạy được khoảng một – hai kilômét, một mệnh lệnh khác lại ban ra:
“Dừng lại!”
Nghẹt thở, nóng bức, mồ hôi đầy mình, chúng tôi dừng lại, và chúng thường để chúng tôi cứ đứng như thế trong mưa và tuyết, vặn mình dưới những ngọn gió buốt lạnh thấu xương suốt cả tiếng đồng hồ. Những bài luyện tập đó được lặp đi lặp lại nhiều lần, kết quả là sau đó chỉ những người khoẻ mạnh nhất là còn bước đi trên đường. Rất nhiều đồng chí của chúng tôi phải nằm lại đó, và những phát súng lẻ tẻ vang lên – bọn chúng đang kết liễu những ai không thể đứng dậy được.
Đôi khi chúng dồn chúng tôi đi sang hai bên đường, điều này nhằm mục đích dọn sạch những quả mìn; nhưng chỉ có những quả mìn cá nhân bị nổ, sức nặng của chúng tôi không đủ để kích nổ những quả mìn chống tăng, và khi chúng cho những chiếc xe đi qua các ngả đường đã được dọn, xe của chúng thường bị nổ tung.
Đoàn chúng tôi dừng lại vì một chiếc ôtô Đức vừa trúng mìn, tôi rút cuốn sổ tay của mình ra và bắt đầu phác lại cảnh đó. Đột nhiên một tên lính cưỡi ngựa phi tới chỗ tôi và giơ chiếc roi lên, nhưng may thay viên đại tá đang đi chiếc xe mui trần cạnh đó gọi hắn quay lại. Tên đại tá gọi tôi tới, hỏi xem tôi đang làm gì. Tôi đáp rằng mình là một nghệ sĩ đang vẽ. Hắn xem các bức phác thảo và nói:
“Anh không đước phép. Anh không được vẽ cảnh các binh sĩ Đức hy sinh.”
Tôi lẩn vào đám tù binh đang đi qua một con đường bị rải mìn, ở đó chúng sẽ không thể tìm ra tôi.
…Tuyết đang tan và ráng chiều lặn xuống nhợt nhạt, bóng đen của những người đang xây dựng một cây cầu nổi lên trên đó, hình dáng chiếc cầu cùng với những mố trụ trông như bộ xương của một con cá khổng lồ. Chúng tôi đã tới Yartsevo, đoàn tù binh kéo vào một khu bao quanh bởi hàng rào kẽm gai, nằm trên khu đất của một nhà máy sản xuất gạch bỏ hoang. Nó được chia thành nhiều gian với những tháp canh đặt trên những chiếc cột mảnh khảnh, trong đặt những ụ súng máy – chiếc tháp canh trông như một con nhện.
Tôi mang chiếc túi đựng bông băng và thuốc mangan trên vai đi dọc suốt đoàn tù binh. Hai đồng đội của tôi, Sasha (hay Sasha hoặc Sashka đều là tên gọi thân mật của Alexander – Oleg Sheremet) Lapshin and Alexei Avgustovich, cùng tôi, những sinh viên của Học viện Nghệ thuật Maskva, đều là y tá cứu thương. Chúng tôi nảy ra ý đăng ký vào một bệnh viện để chữa trị các tù binh bị thương. Chúng tôi rời khỏi hàng và giải thích đề nghị của mình với một tên lính gác, hắn kêu một tên polizei (cảnh binh -LTD) tới và bắt tên kia đi gọi một bác sĩ. Chúng tôi đứng lại chờ, một dòng người đang kiệt sức đi ngang qua chúng tôi, họ cố bước để giữ cho chân mình đừng đổ gục xuống. Cuối cùng người bác sĩ, cũng là một tù binh, đã tới. Đáp lại lời đề nghị của chúng tôi, anh ta nói rằng mình đã có nhiều bác sĩ hơn là cần thiết, nhưng lại quá ít y tá. Nhưng đột nhiên, như chợt nhớ ra điều gì, anh ta chấp nhận chúng tôi vào trại để chữa chạy cho những người bị thương nặng. Chúng tôi vui mừng đồng ý.
Tên polizei (cảnh binh) dẫn chúng tôi đi qua nhiều khu vực có rào kẽm gai để tới một căn lán gỗ. Lúc này bên ngoài trời đã tối. Một người to con mở cửa cho chúng tôi, anh ta là người phục vụ ở đây. Sau khi cho chúng tôi vào, hắn lập tức đóng cửa lại. Trong bóng tối chúng tôi không trông rõ cái gì, nhưng mùi hôi của da thịt thối rữa lập tức chọc vào mũi chúng tôi. Chúng tôi nép mình vào bức vách gỗ, những khe hở của nó cho phép chút không khí trong lành và ánh sáng le lói lọt qua. Người phục vụ theo dõi chúng tôi với thái độ thù địch không cần che đậy, tôi không tài nào hiểu được lý do sự bất mãn của y. Cuối cùng y thốt lên:
“Ở đây không có chỗ nào để ngủ hết. Các bác sĩ không tới đây. Tất cả những người bị thương ở đây đều đã vô hy vọng.”
Sửng sốt trước sự tàn nhẫn không giấu diếm của hắn, thậm chí hắn cũng không thèm hạ thấp giọng, chúng tôi im lặng không trả lời.
“Dù sao thì họ cũng sẽ chết,” hắn lại tiếp tục. “Thế các anh sẽ làm cái gì ở đây?”
Tôi tuyên bố một cách kiên quyết:
“Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để giảm bớt đau đớn cho những người này, nói chung là tất cả những gì trong khả năng có thể. Tối nay chúng tôi sẽ nghỉ ở đây và bắt tay làm việc vào sáng mai.”
Các giường ngủ được ghép thành ba tầng. Một lối đi chỉ rộng khoảng bảy mươi hay tám mươi xăngtimét trải dọc suốt chiều dài của chiếc lán. Mọi người nằm chen chúc nhau, ép sát vào những người kề bên, cố gắng giữ cho mình được ấm. Có ai đó chạm vào ống tay áo tôi và tôi nghe thấy tiếng thều thào rên rỉ:
“Bác sĩ, bác sĩ, xin hãy cứu tôi, tôi muốn sống, tôi có một ngôi nhà với khu vườn và lũ trẻ, ba đứa cả thảy, bác sĩ ơi, cắt tay tôi đi, nó đau lắm, chỉ cần sống là được… “
Một cơn nghẹn dâng trong cổ tôi, nhưng, cố gắng kìm mình lại, tôi trả lời bằng cách kiên quyết nhất mà tôi có thể làm được:
“Tôi sẽ khám và chữa cho tất cả mọi người vào ngày mai. Hiện giờ thì không được, trời quá tối.”
Tôi không có đủ can đảm để thú nhận rằng mình không phải là một bác sĩ bởi không muốn làm cho những con người đang ngắc ngoải kia buông xuôi, không muốn lấy đi hy vọng của họ. Các bạn tôi đứng đó không thốt nổi nên lời, bị giằng xé bởi lòng thương xót và cảm giác bất lực trước những đau đớn của họ.
Gã “phục vụ” đã leo lên chiếc giường của hắn đặt tại một ngăn riêng trong căn nhà, còn chúng tôi chui xuống những chiếc hố phía dưới giường, chật vật xoay sở trong khoảng trống chật hẹp, và cuối cùng cũng thu xếp được chỗ để nằm nghỉ.
Trên đường di chuyển. Tháng Mười năm 1941 Cảnh tù binh đang lột da một xác ngựa. Được vẽ ở mặt sau của một tờ truyền đơn Đức.
Trên đường đi. Tháng Mười năm 1941. Cái rãnh bên đường. Tháng tư năm 1942. Trên đường đi các tù binh thường đổ xô tới các xác ngựa, cố xé lấy cho mình một miếng thịt đã đóng băng. Bọn gác đôi khi nổ súng để ngăn chặn. Ở phía bên phải là một cái rãnh chất đầy xác tù binh tại trại Borvukha-1. Những chiếc rãnh trải rất dài, hơn 3.000 xác chết được ném vào mỗi rãnh như vậy. Sau đó những rãnh mới sẽ được đào tiếp. Bức vẽ được thực hiện trên mặt sau của một tờ truyền đơn Đức. Nếu phạm tội xé rách một tờ truyền đơn – kẻ phạm tội sẽ bị xử bắn; nếu vi phạm nội dung tờ truyền đơn – sẽ bị treo cổ.
Không khí thật ngột ngạt, nhưng mùi hôi dần trở nên đỡ khó chịu hơn, sự mệt mỏi đã choán chỗ tất cả. Tôi nhắm mắt lại và lập tức hình ảnh con đường ướt át trơn trượt bắt đầu chập chờn trước mặt tôi, cùng với những xác chết, xác chết, xác chết… Chúng tôi nằm không nhúc nhích trong chiếc hố giữa những đau đớn, mê sảng, chết chóc, và mặc cho sợ hãi, thậm chí chúng tôi đã bắt đầu thấy dễ chịu, người ấm dần lên, và từ từ chúng tôi đi vào giấc ngủ. Đột nhiên một thứ chất lỏng ấm ấm xối từ trên xuống, lập tức chân tôi bị ướt sũng. Ban đầu tôi không hiểu đó là cái gì, nhưng rồi Sashka nói:
“Tôi bị ướt khắp người rồi, những người bị thương đang đái lên chúng ta đấy.”
Buổi sáng xám xịt, nhớp nháp đã tới. Ngay khi chúng tôi chui ra khỏi chỗ nằm của mình, mọi người ở đó đều đã hiểu rằng các bác sĩ đã tới. Bọn Đức không cấp chút nước nào cho những người bị thương, họ chỉ được phát một cốc nước trà hoặc cà phê – một thứ chất lỏng đùng đục có màu nâu – vào mỗi buổi sáng. Nhưng tôi cần có nước sôi để bắt tay vào làm việc.
Một cảnh được mô tả chi tiết. 1942
Để lấy nước tôi phải tìm mọi cách để tới được khu bếp ở trong trại. Nó được đặt trong một cái lán rộng, lửa được giữ bằng cách nhét thẳng củi vào dưới những chiếc nồi đang treo lơ lửng, có khoảng hai mươi cái như vậy. Họ khuân tới đây những xác ngựa chết được nhặt dọc đường, xả chúng ra và ném những súc thịt lớn vào những chiếc nồi đầy nước, rồi họ lấy thịt ra và chặt thành từng mảnh nhỏ. Tôi như nghẹn thở trước cảnh người ta đang mang tới những con ngựa đặt trên những chiếc xe ngựa hai bánh do người kéo. Mọi thứ xung quanh đều phủ đầy khói và mồ hóng, làn khói dầy đặc màu xám có pha sắc hồng, toé ra những tia lửa, bay trên những chiếc nồi treo lơ lửng, bị những lưỡi lửa đỏ quạch từ dưới phụt lên. Những con người vàng vọt xám xịt với vành mũ buông xuống che kín hai tai đang lột da những xác ngựa treo lơ lửng. Một cái bóng khổng lồ của ai đó, lắc lư thành thạo giữa những đám mây khói và hơi nước đang bay lên và tản ra, biến mất dần dưới mái của chiếc lán khổng lồ. Tất cả những điều đó trông tựa như trong đoạn mô tả Cảnh Địa ngục của Dante; điều đáng sợ nhất trong tất cả những thứ đó là tôi không hề nghe thấy bất cứ một giọng nói nào, tựa hồ như tất cả mọi người đều đã câm tiếng.
Chật vật lắm tôi mới tìm thấy một bình nước sôi và chúng tôi liền bắt tay vào việc. Phần lớn những người bị thương chỉ mới được băng bó sơ sài ngay trên chiến trường. Một vết thương đã được băng thường được quấn thêm bên ngoài bằng những chiếc xà cạp. Khi vừa tháo lớp băng cũ ra, tôi phát mửa bởi mùi hôi thối từ vết thương. Sasha và Alexei lập tức bị loại khỏi công việc, tôi phải đặt họ nằm ra ngoài hàng hiên chỗ gần bức tường. Lớp băng mới tôi quấn cho những người bị thương rất chắc chắn gọn gàng, tôi rửa sạch vết thương bằng mangan và băng nó lại, ấn tượng của lớp băng mới đem lại cho người bị thương một cảm giác hy vọng sẽ chóng lành bệnh. Khi tôi tìm thấy người đồng hương “với khu vườn” của mình (anh ta phát âm với giọng Ukraina – Oleg Sheremet), anh ta đã chết, có lẽõ anh bị hoại thư từ trước đó.
Chỉ những người bị thương nặng được tập trung ở đây, tôi thậm chí đã phải tiến hành một cuộc phẫu thuật – cắt rời bằng con dao phần còn lại của một cánh tay bị dập nát. Bệnh nhân của tôi bất tỉnh, tôi cho anh ta ngửi nước đái quỉ và quay sang tiếp tục làm việc. Khi anh ta nhìn thấy cánh tay cụt của mình đã được quấn một lớp băng trắng tinh, một thoáng cười hiện lên đôi môi xám nhợt của anh. Hay ít nhất cũng gần như vậy, bởi ngay lúc đấy mọi thứ trở nên chao đảo trước mắt tôi, tôi cảm thấy buồn nôn… Khi tỉnh lại, có ai đó dúi một điếu thuốc vấn bằng makhorka (loại thuốc lá nặng và rẻ tiền – Oleg Sheremet) vào môi tôi, thứ này gần đây đã trở thành vô cùng có giá trị, do đó có thể hiểu đây là biểu hiện của lòng biết ơn vô hạn từ bệnh nhân của tôi. Và rồi lại quay về với việc băng bó: đầu, bụng, hạ bộ – thật là một vị trí vô cùng bất tiện để quấn băng. Alexei và Sasha phân phát thức ăn cho người bị thương, xua người phục vụ đi, hắn thường không thương xót đánh cắp thức ăn của họ. Ngoài trời mưa tuyết đang rơi, hàng đoàn tù binh mới vẫn tiếp tục dồn tới. Một nhóm người mới đến chạy tới căn lán của chúng tôi, họ gõ cửa đề nghị chúng tôi mở ra và cho họ vào. Tôi biết rằng nếu thậm chí chỉ một người trong bọn họ bắt đầu phá vỡ một tấm vách để lọt vào trong – căn lán sẽ bị phá sập, đập nát trở thành củi đốt. Sau khi tưởng tượng ra hình ảnh đó, tôi đeo chiếc túi có chữ thập đỏ của mình lên vai và bước ra ngoài, chắn ngang cánh cửa bằng thân hình của mình. Đám đông những con người đau khổ đó gầm lên đầy đe dọa và bắt đầu xô đẩy nhau. Đột nhiên, một kẻ trong bọn họ nhảy tới phía tôi:
“Hãy để tôi vào!”
Tôi đá vào bụng hắn, hắn lập tức đổ xuống và bắt đầu rên rỉ. Tôi cảm thấy chua xót và xấu hổ. Tôi quan sát khắp những khuôn mặt xanh xám vì lạnh, đang nhìn tôi qua những hốc mắt tối sẫm, rồi nói:
“Những người bị thương nặng đang ở đây. Thậm chí ở đây không còn chỗ cho những người cứu thương chúng tôi. Chúng tôi đang băng bó những người bị thương, và nếu lúc này họ không được bảo vệ, tất cả bọn họ sẽ chết hết.”
Đám đông xám xịt ngập ngừng, nhưng rồi một tên trong bọn hét lên:
“Các anh nghe lời lũ chó này làm gì?! Chết lũ con hoang này đi!”
Trong một giây thoáng qua tôi nhận ra rằng bản năng giết chóc hiện đang chiếm số đông, trong khi tôi đang đứng đơn độc chống lại tất cả bọn họ – điều đó thật kinh khủng và bất công; cứ như thể họ đang tự bào chữa cho mình bằng sự đồng thuận của số đông, như thể họ muốn xé tan thành từng mảnh và giết chết không chỉ một người y tá đang bảo vệ những kẻ bị thương – giết chết tôi, họ sẽ giết được một lực lượng đen tối nào đó đang muốn tiêu diệt họ. Và tôi cất tiếng hét lớn. Tôi không thể phô bày sự yếu đuối của mình. Trong tiếng hét đó tôi trút xuống họ quyền năng của lời buộc tội sự tàn nhẫn đối với những người bị thương và tàn phế – để cho họ không còn gì dể bào chữa nữa.
Đám đông rút lui. Tôi gục xuống, run rẩy vì những gì mình vừa phải trải qua.
Không còn ai dám tới khu lán lần nữa, nhưng chúng tôi vẫn giữ cảnh giác suốt đêm hôm đấy.
Sang ngày thứ ba nguồn thuốc của tôi đã cạn sạch, tôi cảm thấy choáng váng vì kiệt sức, vì những đau đớn về tinh thần; dường như tôi đang bắt đầu thối rữa tựa như những thương binh của mình. Tôi vẫn còn hũ mật ong được cất kín, trong có cả sáp và ong non, phòng cho những tình huống như hiện giờ tôi đang trải qua. Tôi quyết định đem chia chỗ mật cho ba người chúng tôi, nhưng gã phục vụ lại gần và khuyên chúng tôi đổi mật ong cho đám đầu bếp để lấy thịt ngựa. Sau một hồi thương lượng qua hàng rào thép gai, chúng tôi đồng ý đổi nó cho một tay đầu bếp, cũng là một tù nhân, anh ta đã có đủ thịt ngựa và muốn kiếm món gì khác ngon miệng hơn. Chúng tôi đưa anh ta mật ong, và tôi sẽ tới chỗ anh ta vào ban đêm, khi thịt ngựa đã chín, lấy về một cái đùi để đổi lấy chỗ mật cho tay đầu bếp lúc đó đã được ăn no đủ. Tay đầu bếp – một thợ đào than to con vùng Donbass có cặp lông mày đen tên là Anton, anh ta nói giọng pha lẫn âm Ukraina và Nga, đặc điểm của người miền Nam Ukraina – bảo:
“Đừng lo, tôi sẽ đưa ngay cho anh chiếc đùi khi anh vừa tới. Nhớ đừng để bị bắt bởi bọn polizei (cảnh binh Ukraina – LTD) đứng canh cổng.”
Tôi phải trườn dưới lớp kẽm gai của cái hàng rào ngăn chia căn lán chúng tôi với khu sân bếp, chạy băng qua cái sân mà không bị phát hiện, rồi đột nhập vào đằng cửa bếp ngay trước mặt một tên cảnh binh (polizei).
Anton bảo rằng nồi của anh ta nằm hàng thứ hai tính từ giữa phòng. Và quả thế, tôi đã tìm được đúng anh ta.
“Tốt, hãy xem đây, anh đã tìm ra tôi, dù anh rất sợ bị bắt. Mật ong của anh đã được sử dụng vào mục đích tốt, tôi có một người bạn bị bệnh, anh ta cần được uống trà với mật ong. Đây, hãy lấy chiếc đùi phần anh đi.”
Anh ta lôi một chiếc đùi ngựa khổng lồ từ trong nồi ra, nó đang bốc khói nên không thể cầm mang đi ngay được. Tôi để cho nó nguội đi một chút rồi nhét nó vào dưới nách, cuộn lại bằng chiếc chăn màu đỏ của Tonia, vật đã cứu mạng tôi không biết bao nhiêu lần. Tôi luồn ra phía cửa, nhưng chưa kịp bước qua ngạch cửa thì đã nghe tiếng tên cảnh binh gọi giật lại:
“Mày mang cái gì vậy?!” – và chộp lấy cái chăn.
Không cần nghĩ ngợi, tôi giật phắt ra và, với đầu óc thật tập trung tỉnh táo, chạy nhanh về góc nhà bếp. Tên polizei vồ trượt và ngã xuống, xé rách một mảnh của chiếc chăn, hét toáng lên: “Bắt nó lại! Bắt nó lại!..” Một cú đẩy nữa và tôi chạy ra nhanh như cắt, Sasha đang chờ sẵn ở ngoài kia, tay nhấc cao cái hàng rào kẽm gai. Một khẩu súng máy khạc đạn dọc theo hàng rào, nhưng lúc này tôi đã được kéo an toàn vào trong lán, chúng tôi đóng cửa lại và chặn ngang nó bằng một chiếc gậy. Chúng tôi nghe thấy tiếng bọn polizei lùng sục, chửi rủa, chúng đang phát điên lên như thể chính bọn chúng vừa bị trộm mất vậy, thật khó mà tưởng tượng ra điều gì sẽ chờ đợi tôi ngoài sân trại vào ngày hôm sau nếu tôi để bị chúng bắt.
Nhưng chúng tôi đang cảm thấy hạnh phúc và ấm cúng, tay vuốt ve súc thịt hãy còn ấm trong bóng tối. Chúng tôi chia thịt ngựa ra thành bốn phần, và rồi vồ lấy chiếc đùi đã róc thịt. Nhoáng cái đã chỉ còn lại những chiếc xương sạch nhẵn, mọi thứ đều được cho vào bụng, vậy mà dường như vẫn còn quá ít. Chúng tôi đưa một phần cho tay lính thủy phục vụ (đó là biệt hiệu trong trại đặt cho do chiếc áo lót kẻ sọc của anh ta), anh ta rất vui, luôn miệng đảm bảo với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ luôn thành công nếu nghe theo lời anh ta. Chúng tôi phát vài miếng cho những người nằm kề bên. Mọi người đều hạnh phúc, và yên lặng, chầm chậm, xé ra từng sớ thịt một, nhai kỹ, và mọi người đều nghĩ tới một điều gì đó thật dễ chịu… Đột nhiên, nhận ra rằng chúng tôi có thể ăn hết ngay mọi thứ, tôi thì thào với mọi người:
“Các bạn, ăn thế đủ rồi! Cất tất cả đi, sau này nó sẽ trở thành hữu ích đấy.”
Sashka giấu phần của mình vào một cái nồi nhét trong balô, còn tôi quấn nó trong một cái khăn mặt. Leshka, mặc dù là người gầy nhất trong bọn, khổ sở hơn tất cả chúng tôi trước khi chịu rời miếng thịt.
Chúng tôi lăn ra ngủ trong cái góc hôi hám của mình, tiếng mê sảng của những người bị thương vang lên không dứt, chốc chốc lại có người dậy đi về phía cửa, anh ta cần cần ra ngoài nhưng cửa đã bị gác và không cho ai ra vào. Cuối cùng mọi người nằm yên và giấc ngủ tới, có thể nghe thấy tiếng một tên polizei hét xa xa, tôi kéo chiếc chăn rách nát của Tonia chùm lên trên đầu.
Những tia sáng mảnh dẻ của buổi bình minh ảm đạm đã xuyên qua những chiếc lỗ trên vách lán, Sashka đang lay tôi dậy; nhận ra tôi đã tỉnh giấc, cậu ta bắt đầu thì thầm với tôi rằng chúng tôi cần phải rời đi, chúng tôi không thể làm thêm điều gì để giúp những người bệnh mà chỉ tổ làm thiệt mạng chính mình. Ngay lúc đó có tiếng người gõ mạnh vào cửa một cách hách dịch. Tôi trèo qua người Leshka, vẫn ngủ mà không biết chuyện gì đang xảy ra, cậu ta chống trả lại bằng hết sức mình. Cuối cùng tôi tới được cửa và mở nó ra. Người bác sĩ đã gửi chúng tôi tới đây đang đứng trước mặt tôi. Anh ta ngạc nhiên khi thấy chúng tôi, và cả hai chúng tôi đều rất mừng rỡ. Người bác sĩ đã có được giấy do tên sếp Đức cấp cho phép chọn lấy một nhóm người bị thương còn có thể tự di chuyển được để cùng đi với đoàn tù binh tới Smolensk. Anh ta quyết định lấy chúng tôi đi theo làm người phục vụ để hộ tống những người bị thương tại đây tới địa điểm.
Thật đau khổ khi nhớ lại việc quyết định những người được chọn đã diễn ra khó khăn như thế nào, mọi người đều hiểu là ở lại khu lán ấy có nghĩa cầm chắc cái chết. Nhiều bàn tay vươn về phía chúng tôi, những người bị thương đều đảm bảo với chúng tôi là họ cảm thấy khoẻ mạnh, cố gắng tỏ vẻ dũng cảm, thậm chí hạnh phúc trên nét mặt – nhưng tôi nhớ lại mình đã băng những vết thương ở bụng, tay và chân bị gãy nát, và hiểu rõ những nụ cười cố gắng vượt quá sức người ấy đã bắt họ phải trả giá thế nào. Và trên đường đi, ngay lần ngã gục đầu tiên và phải chịu cú đá từ chiếc giày của tên lính gác, nếu anh ta không thể đứng dậy, anh ta sẽ bị kết liễu ngay lập tức. Khi ấy tim anh sẽ như nảy bật lên – anh đã chọn anh ta cùng đi, và sẽ có không biết bao nhiêu lần anh tự nhủ rằng dù sao anh ta cũng sẽ chết, nhưng điều đó cũng không làm anh khuây khỏa.
Một vụ xử tội. Cảnh bọn polizei đang đánh đòn tù binh. Tháng Tư năm 1942. Vẽ trên mặt sau một tờ truyền đơn Đức.
Trời rất lạnh, tuyết rơi biến con đường thành một hỗn hợp màu vàng sệt. Đoàn người tập hợp lại và khởi hành về hướng Smolensk. Hình ảnh về những gì tôi đã trải qua luôn chập chờn trước mắt tôi: nơi đây tôi rửa sạch vết thương, băng bó chúng, nắn lại xương, những gương mặt méo mó vì đau đớn… Căn bếp của khu trại… Rồi kế tới là cảnh một cuộc xử bắn: một tên feldwebel (hạ sĩ quan, cai đội – LTD) đang la hét rằng bọn Nga là lũ lợn, còn chúng, người Đức – là một dân tộc vĩ đại; một thân mình dang chân dang tay nằm không nhúc nhích, hai tên súc sinh polizei ngồi lên đầu và chân anh ta, còn tên thứ ba quật mạnh vào thân hình đang run lẩy bẩy ấy, tên feldwebel đếm từng cú đánh một. Khi lần đầu tiên nghe thấy những tiếng đánh ấy, tôi cứ nghĩ đó là tiếng ai đập bụi một tấm đệm; sau khi tận mắt trông thấy căn nguyên tiếng động, tôi cảm thấy buồn nôn và tim mình nghẹn lại từng chập – trận đòn thật kinh tởm; thậm chí giết chết người ta đi còn tốt hơn. Nhưng rồi, cái chết đâu phải xa xôi gì…
Đoàn tù binh chúng tôi bước đi, mọi người nép sát vào nhau, nâng đỡ những người bị kiệt sức. Những chiếc xe phủ bạt màu xám và xe mui trần phóng ngang qua chúng tôi hướng về phía đông, chất đầy những người đang cười vào mặt chúng tôi, chĩa máy ảnh vào chúng tôi, những kẻ đã bị nhiễm thứ dịch hạch nâu (chỉ bộ đồng phục màu nâu của Đảng Quốc xã – LTD).
Vâng, đó là chiến tranh, chúng tôi đang phải đối mặt không chỉ với sự hủy diệt về thể xác – bọn phát xít đang cố gắng huỷ diệt nhân cách của chúng tôi, niềm tin vào những giá trị tốt đẹp của chúng tôi. Thật rất khó để tồn tại trong cái địa ngục này, nhưng hàng trăm ngàn lần khó hơn nữa để tồn tại mà ta vẫn còn nhân tính.
Một chiếc ôtô đi ngang làm bắn toé bùn lạnh lên mình chúng tôi, vấy lên lớp băng trắng của những người bị thương, chúng tôi nghe thấy tiếng bọn Đức cười đùa, tiếng kèn ắcmônica…
Chúng tôi được chất lên một đoàn tàu tại Smolensk. Chúng lùa chúng tôi lên các toa bằng báng súng, thúc mạnh thẳng vào lưng chúng tôi. Đám đông xô đẩy lẫn nhau, ta phải giữ thăng bằng trên hai tấm ván đặt dốc để lao lên, có người trượt chân, ngã xuống và không thể đứng lên được. Bọn Đức la hét: “Schneller! Schneller!” (tiếngĐức: “Nhanh lên! Nhanh lên!” – LTD), bọn polizei chửi rủa. Cùng với Alexei và Sasha, tôi leo lên được giữa nhóm người đầu tiên, và chúng tôi xoay xở tới được một chỗ tốt trong góc toa. Nhưng các tù nhân vẫn được tiếp tục dồn lên toa, ngày càng chặt hơn. Chúng tôi tìm cách ngồi được xuống, thu chân vào dưới thân mình, nhưng những người khác thì phải đứng. Có khoảng hai mươi nữ cứu thương được dồn lên toa trong đợt cuối cùng, họ chỉ còn có thể đứng ở gần cửa toa. Cuối cùng cánh cửa kêu rít lên, chiếc then sập xuống. Nhưng đoàn tàu vẫn chưa chuyển bánh. Sau chuyến đi và lần chuyển trại mọi người đều đã kiệt sức, mặt mũi râu ria tua tủa, mũ tụt xuống tận mang tai; áo choàng không còn thắt lưng, rất nhiều người bị lấy mất thắt lưng trong khi lục soát; balô và túi đựng mặt nạ phòng độc lép kẹp, bọn Đức đã ăn cướp gần hết; thứ duy nhất còn lại chỉ là chiếc gà mèn đeo phía trước – vật dụng chính phục vụ cho mục đích tồn tại. Một người trung niên trông hốc hác quị xuống trên hai chân ngay cạnh tôi, anh ta đeo một cặp kính, nhưng một bên tròng đã bị vỡ, và anh ta nghiêng mái đầu một cách kỳ lạ để nhìn cho rõ bằng một con mắt cận thị của mình, một tay bịt con mắt còn lại; anh ta nói không rõ, đôi môi của anh đã phồng rộp lên nên ta chỉ có thể nghe thấy tiếng khò khè khó nhọc phát ra từ chúng: “Nước…” Nhưng phần lớn trong chúng tôi đã không ai còn nước, và những ai còn giữ được thì giấu đi, phòng khi chính mình sẽ phải rên rỉ giống như thế để mong làm ẩm đôi môi và cổ họng mình. Những chiếc tăm pông tàu va vào nhau loảng xoảng, một cú nhấn, rồi một cú nữa, toa tàu giật mạnh rồi đoàn tàu lăn bánh chậm chạp và miễn cưỡng, những tiếng la hét trên sân ga Smolensk tan dần vào không trung.
“Chúng đang đưa chúng ta đi đâu?” người ở bên phải tôi thì thào.
“Chuyện ấy giờ còn ý nghĩa gì nữa?” một người khòng lưng mặc chiếc áo choàng xanh lá cây có khuôn mặt râu ria lởm chởm, có lẽ là một dân quân bị bắt làm tù binh (opolchenets – thành viên của narodnoye opolcheniye, tức “dân quân vũ trang”, lực lượng quân sự tình nguyện không thường trực được thành lập nhằm đẩy lui làn sóng quân Đức dâng cao tại thời điểm khủng hoảng năm 1941 – Oleg Sheremet) “Ở đâu thì chúng ta cũng bị giam cầm cả thôi. Có lẽ chúng đang chở chúng ta về Đức.”
Đoàn tàu vẫn lăn đều bánh trên đường ray…
Người đứng kế bên trái tôi đã thôi khò khè và tôi cảm thấy rõ thân mình anh đang đè nặng lên tôi, tôi cố thoát ra nhưng không thểû, do anh ta cũng bị xô lấn từ nhiều phía khác. Đột nhiên tôi trông thấy một dòng chất lỏng trào ra khỏi đôi môi sưng phồng của anh ta và đầu anh gục xuống. Hiển nhiên là anh ta đã chết. Tôi kêu lên: “Anh ấy chết rồi.” Không có ai phản ứng, mọi người đều quay đi. Leshka nhăn mặt đau đớn, nói thầm với tôi: “Nikolay, tôi phải làm gì bây giờ? Bụng tôi đau lắm, tôi cần phải ra ngoài.” Tôi chật vật rút một chiếc khăn mặt khỏi túi đựng mặt nạ phòng độc ra và đưa cho anh: “Lót nó dưới mình cậu đi.” Leshka xoay sở với chiếc khăn của tôi, nhưng vẫn không đủ, cậu ta đã mắc bệnh ỉa chảy và viêm ruột. Cạnh đó, một cậu lính rất trẻ, gần như vẫn còn là một cậu bé, đang gục dần xuống xác người nằm bên cạnh tôi, đôi mắt đảo nhanh điên dại, cậu ta cũng đang chết khát.
Một giờ, rồi hai giờ trôi qua. Tôi nhận thấy lúc này không ai còn đứng nữa, mọi người đều ngồi xuống, cố gắng xoay trở để giành lấy chỗ ngồi thuận tiện. Chỉ còn đám nữ y tá là đang đứng ở gần cửa; tìm cách che chở lẫn nhau, họ cố gắng giữ mình trong kỷ luật. Sasha đang ngồi nhắm nghiền mắt, còn tôi cảm thấy rất buồn ngủ, hay có lẽ đơn giản là tôi sắp ngất đi, không khí ngột ngạt trong toa là nguyên nhân tình trạng này…
Đoàn tàu chạy chậm dần rồi dừng lại. Có tiếng la hét bằng tiếng Đức và tiếng ủng nện trên sân ga. Cái gì ngoài kia vậy? Chúng tôi đang ở đâu đây? Không một ai còn đồng hồ, vài người đã bị lấy mất trong khi khám xét, số khác đã giấu chúng đi và cương quyết không cho ai biết. Vài người thốt lên một tiếng rên như tuột khỏi cổ họng: “Aah,” rồi ngã xuống bất động. Tôi không còn ngạc nhiên khi thấy người bên cạnh mình đang ngồi trên một xác chết, anh ta làm mấy cử động rất lạ rồi đột nhiên bắt đầu nghẹn thở, liên tục đớp đớp không khí, cặp mắt xanh của anh lóe sáng thậm chí ngay trong toa tàu tối lờ mờ. Anh ta xé rách chiếc mũ đang đội trên đầu, quờ quạng cánh tay một cách vô thức, làm tuột mấy chiếc nút áo sơmi. Đột nhiên anh ta nắm lấy đầu tôi: “Nước, nước…” Tôi cố gắng thoát ra, nhưng anh ta nắm tóc tôi rất đau, tôi đã dùng hết sức để gỡ tay anh ta ra nhưng không được. Leshka tới giúp tôi, chúng tôi không nhận ra rằng anh ta đã chết. Chúng tôi gỡ tay anh ta khỏi tóc tôi, anh ta ngã ra, đầu anh gục xuống, ánh sáng từ cửa sổ phản chiếu lên cặp mắt mở to điên dại. Người ngồi kế bên phải kéo mũ của người chết xuống che mắt cho anh ta. Một cô gái trong nhóm nữ y tá hét lên kinh hòang… Qua chiếc cửa sổ ở trên cao, trời đã bắt đầu tối. Một tên lính gác bước đều trên nóc toa tàu, chúng tôi nghe rõ tiếng bước chân nặng nề của hắn.
…Chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Trong toa trở nên rộng rãi hơn, rất nhiều người đã nằm xuống, và không ai biết được anh ta sẽ ngủ thiếp đi trong bao lâu. Tôi đang phải khó nhọc chịu đựng cơn khát, nhưng chúng tôi không còn một giọt nước nào; tôi đã quên mất từ lâu là mình đang đói, tôi chỉ còn biết rằng mình đang khát nước. Thời gian chậm chạp trôi qua, hay thậm chí như đang đứng hẳn lại, do chúng tôi không còn cả mục đích lẫn hy vọng. Trời đã hoàn toàn tối sẫm… Có tay ai đó sờ soạng sau lưng tôi để cố thò vào trong balô, tôi gạt nó ra. Bàn tay giật lại, họ đã nhận ra là tôi vẫn còn sống, tôi nghe thấy có tiếng thở rầm rĩ. Tôi lại tiếp tục rơi vào trạng thái mơ màng…
Tôi đã tỉnh lại. Đoàn tàu đang đứng yên, bọn chúng đang dùng báng súng đập vào cửa toa, then cửa vừa bật ra là chúng đã hét lên:
“Los, los! Schneller!” (tiếng Đức: “Nào, nào! Nhanh lên!” – LTD)
Cánh cửa kêu rít lên, trượt dọc theo cái rãnh sắt, không khí trong lành và ánh bình minh xám xịt ùa vào trong toa tàu. Sasha lay mạnh Leshka, cậu ấy đã hoàn toàn kiệt sức, khuôn mặt chuyển sang màu vàng nhợt nhạt. Tôi và cậu ta không thể đứng lên được, đôi chân chúng tôi đã tê dại, chúng tôi phải cố quỳ dậy trên đầu gối. Đám phụ nữ đã đi ra, số còn lại trong chúng tôi di chuyển về phía cánh cửa, bước qua những xác chết. Chúng tôi rất chật vật mới ra được khỏi toa tàu, do không còn đủ sức để nhảy xuống. Tôi đỡ lấy Lesha, cậu ấy đã ngồi dậy trên đôi chân đờ đẫn, Sasha cũng tới giúp sức. Sau cùng chúng tôi đỡ nốt Sasha ra ngoài. Nhà ga đã bị phá huỷ gần một nửa, các đoàn tàu nằm trên đường ray – hóa ra chúng chuyển chúng tôi tới Vitebsk, chúng tôi rất mừng vì đó không phải là nước Đức. Bọn Polizei giúp đám lính gác Đức la mắng và quất dùi cui nếu có ai đó đi chậm lại dù chỉ chút ít. Chúng dẫn chúng tôi tới một trại tù binh – một khu đất rộng rào kín bởi nhiều lớp hàng rào kẽm gai, tháp canh có đặt súng máy và lính gác cùng chó canh. Tôi bước đi như trong mơ ngủ, trong khi Leshka đã tươi lên và thậm chí còn đùa cợt:
“Chúng ta sẽ không được tắm, hết khăn để tắm rồi.”
Chúng dẫn chúng tôi ra ngoài sân trại và tập hợp chúng tôi lại. Một tên phiên dịch hét lớn:
“Hỡi các tù binh chiến tranh! Bộ chỉ huy Đức không cho phép các sĩ quan và chính trị viên được ở chung với binh lính! Chúng ta muốn dành cho họ những tiện nghi tốt hơn! Như một sĩ quan đánh được hưởng! Ai là chính trị viên và sĩ quan, hãy lên trước một bước!”
Nhưng không ai thực hiện cái bước chết người đó. Mệnh lệnh lại vang lên lần nữa. Đột nhiên có nhiều người bước ra, nhưng trông tất cả bọn họ đều no đủ, khoẻ mạnh. Tên phiên dịch nói:
“Các anh là chính trị viên phải không?”
Cả năm đều đáp:
“Vâng!”
Tên sĩ quan ra lệnh:
“Múc cho họ một gà mèn súp đầy!” Và bắt đầu tán dương họ.
Tôi rất muốn nói rằng mình cũng là một chính trị viên do mùi súp thơm đã hoàn toàn xâm chiếm đầu óc tôi. Nhưng Sashka ngăn lại:
“Cậu không thấy à, chúng là bọn khiêu khích đó. Còn ở đằng kia, xem kìa, chỗ đất hãy còn mới – đó mới là huyệt mộ của các chính trị viên thực sự.”
Không kiếm được gì từ chúng tôi, chúng tập hợp chúng tôi thành đoàn rồi đưa chúng tôi đi lấy bánh mì và balanda (tiếng lóng của tù binh Nga, chỉ món súp loãng – Oleg Sheremet). Tôi đã gần như bất tỉnh, Leshka và Sasha đỡ hai bên để tôi khỏi ngã xuống, nhưng có kẻ nào đó đã tháo mất cái gà mèn thiếc của tôi, tôi không còn vật gì để đựng và do đó, không thể có balanda. Sasha luồn xuống cuối hàng, nhét tôi vào đó, rồi chen lấn lên phía trước, nhận và mau chóng ăn hết phần súp, rồi đưa tôi cái gà mèn của mình. Sau món balanda mọi chuyện đã trở nên khá hơn, và sung sướng ngồi trên sàn nhà bếp của khu trại, tôi ăn một cách từ tốn phần bánh mì của mình.
Sự sung sướng tại trại Vitebsk không diễn ra được lâu. Sớm hôm sau bọn chúng đã tập hợp chúng tôi lại và tiếp tục dẫn chúng tôi đi qua những dãy phố đổ nát của Vitebsk, chúng tôi đã biết chắc rằng mình sẽ bị đưa tới nước Đức.
Lần này chúng tôi di chuyển trên những toa mui trần có thành toa rất cao. Việc lên tàu diễn ra rất lâu, những câu chửi thề cả bằng tiếng Đức lẫn tiếng Nga tuôn ra như mưa, bọn polizei liên tục quất roi, tù binh rên rỉ, ngã từ ván thang xuống vì bị xô lấn, bọn Đức bắn tất cả những ai quá yếu sức một cách không thương xót, và rồi, yên vị trong góc cạnh thành toa, chúng tôi thậm chí còn cảm thấy ấm áp thoải mái do đã yên tâm không còn lo sợ bị xử bắn nữa.
Tù binh Xôviết. Mùa thu 1941.
Những đám mây xám xịt kéo tới trên đầu chúng tôi, cái thành toa lạnh lẽo và những tấm ván nứt nẻ lót sàn toa không giữ được nhiệt độ lâu hơn, trong toa mau chóng lạnh cóng, màn mưa bụi lạnh lẽo trùm lên tấm chăn mỏng màu đỏ có in hoa của Tonia, vật che chắn duy nhất của chúng tôi khỏi mưa tuyết và giá rét. Chiếc cửa sắt nặng nề đóng sầm lại, tiếng còi vang lên, những chiếc cột điện tín bắt đầu trôi qua ngày càng nhanh, và rồi chúng tôi không thể trông rõ bất cứ thứ gì nữa, chỉ còn đám khói đen sẫm bay dọc theo tấm thân kim loại chất đầy người của con tàu.
Như thường lệ, mọi người bắt đầu xoay trở, tìm lấy một chỗ thoải mái, một vài người, do quá yếu, đã nằm bệt bất động. Tôi cũng đã quá yếu đến nỗi không thể cố xoay trở nổi, đành ngồi xuống, hai tay bó sát bên người. Bất ngờ Sashka nảy ra một ý kiến:
“Các bạn ạ, hãy thử đổi chác xem sao.”
“Đổi cái gì?” Tôi hỏi một cách ngờ nghệch. “Với ai?”
“Với dân địa phương.”
“Dân địa phương nào?” Tôi vẫn chưa hiểu ra cậu ta muốn gì.
“Nhưng chúng sẽ không cho chúng ta ra ngoài,” Leshka nói.
Sasha rút một thanh xà phòng giặt từ balô ra, Leshka và tôi giương mắt nhìn đần độn, còn cậu ta vẫn thao thao về ý tưởng của mình:
“Toa tàu trống ở phía trên. Chúng ta sẽ bỏ bánh xà phòng vào một cái gà mèn. Khi tàu dừng lại ta sẽ treo nó ra ngoài thành toa bằng thắt lưng của mình, và sẽ hét lên: “đổi nào, đổi nào.”
Lập tức chúng tôi sôi nổi hẳn lên, mơ mộng trong đầu: sẽ có một người địa phương nào đó tới và bỏ vào một mẩu bánh mì hay thứ gì đó khá khá. Chúng tôi cởi thắt lưng của mình ra, tôi thậm chí còn rút cả sợi dây đeo vai của cái balô trên lưng mình. Chúng tôi nhất trí là Sasha sẽ leo lên lưng tôi để với được tới đỉnh của thành toa, còn Leshka sẽ phải trong tư thế sẵn sàng để thế chỗ cho tôi.
Chúng tôi đã tới một ga nọ, đoàn tàu dừng lại; có ai đó đang chạy bên ngoài, chúng tôi nghe thấy bọn lính la mắng đám phụ nữ đang tiến gần đoàn tàu. Sashka leo lên lưng tôi, thả chiếc gà mèn thiếc xuống và đu đưa nó nhằm thu hút sự chú ý, nhưng cậu ấy không thò được mặt mình lên, cậu ấy cũng la hét, nhưng giọng bị ngắt quãng:
“Đổi đi… lấy bánh mì …”
Leshka thế chỗ cho tôi, nhưng cũng chẳng khá hơn. Mọi người trong toa ngạc nhiên quan sát bọn tôi, rồi bọn họ hiểu ra, nhưng phải phối hợp hai ba người mới làm được chuyện đó, và trong khi những người khác đang bàn bạc thì chúng tôi đã bắt tay vào đổi chác rồi.
Nhưng rồi đoàn tàu chuyển bánh, Sasha kéo chiếc gà mèn thiếc đựng bánh xà phòng lên, chúng tôi tiếp tục bị nhồi lắc trên toa tàu đang di chuyển.
Đột nhiên có tiếng súng nổ. Tôi yêu cầu Sashka khòm lưng xuống chống trên hai tay hai chân để mình leo lên quan sát. Đoàn tàu đang đi ngang qua một đoạn đường đắp cao uốn cong thành hình bán nguyệt. Có nhiều người đã leo lên thành một toa mui trần rồi nhảy xuống, một người bị ngã rất đau và tôi trông thấy anh ta bị bắn hạ ngay trước mắt, nhưng hai người còn lại đứng dậy và bỏ chạy, ngã xuống rồi lại tiếp tục đứng dậy chạy về hướng khu rừng. Tim tôi như sẵn sàng bật tung khỏi lồng ngực vì hồi hộp và lo lắng – ô kìa, tôi phải lập tức làm một điều gì đó! Liên tiếp lại có người nhảy khỏi chính cái toa tàu đó và bỏ chạy trên mặt cỏ phủ tuyết. Súng bắt đầu nổ từ tháp canh đặt trên một toa nằm giữa đoàn tàu, toa của chúng tôi nằm gần cuối nên tôi có thể trông rõ mọi việc xảy ra. Đầu tiên chúng bắn bằng hai khẩu tiểu liên, và rồi một khẩu đại liên lên tiếng. Hai người mặc áo choàng ngã xuống ngay lập tức, người thứ ba vẫn chạy, ngã xuống rồi tiếp tục trườn đi. Súng vẫn nổ ran. Tôi thấy rõ hai người bọn họ bị thương, họ cố đứng dậy nhưng lập tức bị mấy phát súng trường kết liễu. Đoàn tàu đang chạy đến khúc đường cong, và bắt đầu một cuộc săn để tìm người cuối cùng. Anh ấy đã tới được chỗ cái khe núi – chỉ một bước nữa thôi là anh sẽ an toàn! Nhưng bọn chúng đã hạ được anh ta, không cho anh ta thực hiện nốt cái bước đó. Tôi rơi từ lưng Sasha xuống, tôi không còn muốn bỏ chạy chút nào nữa, cơ thể tôi như kiệt hết sức lực. Một người ngồi kế phía trên đầu tôi cau mày, giày của anh ta suýt nữa chạm vào môi tôi, lên giọng lý sự:
“Đừng làm ầm lên, ngồi yên đấy, nếu không bọn chúng sẽ bắn hạ anh như một con thỏ vậy.”
Thời gian trôi qua, mưa ngừng rơi, trời đã chuyển về chiều…
Lại có tiếng đập mạnh và tiếng loảng xoảng, chúng tôi bị lắc mạnh và rồi đoàn tàu dừng lại trên một sân ga. Sasha và Leshka lại một lần nữa dựng lên một “chốt đổi hàng”, lần này Sashka chống trên hai tay hai chân, còn Lesha đứng trên lưng cậu ta, cất tiếng rao kéo dài:
“Đổi đi, đổi đi. Xà phòng đây…”
Đột nhiên Leshka nhận thấy có ai đó kéo chiếc gà mèn thiếc! Cậu ta luống cuống kéo nó lên rồi hạ vào trong toa – trong gà mèn đựng đầy một thứ phó mát nhà làm lấy! Chúng tôi không nhận thấy những người khác đang nhích lại gần chúng tôi, nhưng Sashka thì thấy, và ngay lúc đó có người xô rất mạnh vào hông tôi, Sashka vội thò tay mình vào trong gà mèn và nắm lấy mớ phó mát. Nhiều bàn tay tóm lấy cậu ta, Alexei và tôi gạt chúng ra, có ai đó ngã ra và lăn tròn trên sàn toa, nhưng có rất nhiều người đè lên trên chúng tôi, một tay to lớn rít lên: “Đưa nó cho tao!” – nhưng không người nào biết được miếng phó mát giờ nằm trong tay ai. Nhiều phút giành giật vô ích trôi qua, và rồi mọi người, lúc này đã kiệt sức, trườn dần ra xa. Chúng tôi đang ở trong góc toa, Sasha dựa lưng vào thành tàu ngồi nghỉ. Khi chúng tôi quây quần lại, cậu ta nhè miếng phó mát trắng dính mấy gân máu đỏ ra tay, bảo: “Tớ đã giấu nó trong miệng mình.” Chúng tôi chia nó ra, mỗi người một mẩu, và gắng ngậm nó trong miệng mình càng lâu càng càng tốt. Chúng tôi không còn thứ gì để đổi chác. Đoàn tàu vẫn tiếp tục chạy.
Đoàn tàu dừng lại một lần nữa và lần này dừng rất lâu. Đang là ban đêm. Mưa trút xuống, chúng tôi ngồi dựa vào thành toa, thu mình lại cho nhỏ và nhét balô xuống dưới người. Đầu gối chúng tôi bắt đầu tê bại. Chúng tôi rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa thức. Những xác chết lúc trước nằm gần chúng tôi, giờ đã bị ai đó lôi ra xa. Lúc ban chiều họ còn mặc áo khoác, nhưng giờ họ chỉ còn là những đốm trắng, áo của họ đã bị lột mất, do cái lạnh giá và ẩm ướt đang thấm sâu vào xương tủy của từng người. Đoàn tàu trườn đi, lâu lâu dừng lại một lần, và chúng tôi, bị cơn buồn ngủ đánh gục, ngủ mê mệt trong đủ loại tư thế, lăn lóc trên sàn toa trong giấc ngủ say…
Bình minh đem lại một chút tươi tỉnh cho mọi người, tàu của chúng tôi đang dừng lại, ngọn gió khởi lên từ sáng sớm thổi tới những đám mây tối sầm, không làm chúng tôi ấm người hơn. Chúng tôi thèm ngủ vô cùng. Lúc này bọn tôi chỉ còn biết đung đưa chiếc gà mèn thiếc bên ngoài thành tàu, và trong một lần thực hiện vô vọng như vậy năm củ khoai tây đã được bỏ vào đó. Khoai còn sống, chúng thật khó ăn, nhưng không ai tìm cách lấy chỗ khoai sống đó của chúng tôi, và chúng tôi chật vật nuốt trọn tất cả.
Đoàn tàu lại tiếp tục di chuyển. Những bông tuyết to và xốp bắt đầu rơi, ban đầu rơi chầm chậm, rồi sau đó bay thốc vào mặt chúng tôi đang quay ngược chiều tàu chạy. Bây giờ chúng tôi có bốn người, chúng tôi lặng lẽ trò chuyện, tất cả đều ủ rũ, đói khát và thiếu ngủ. Số người chết ngày càng tăng, họ bị lôi về phía cuối toa, và không còn biết xấu hổ gì nữa, những người khác lột quần áo của họ rồi mặc lên người mình. Nhưng tôi để ý rằng không ai lấy ủng của họ, có lẽ tất cả đều nghĩ rằng họ sẽ không còn dịp đi mòn hết giày của mình.
…Đoàn tàu dừng lại trên một cánh đồng, mọi thứ đều phủ đầy tuyết ướt đang tan. Qua tiếng la hét bên ngoài chúng tôi hiểu rằng bọn chúng sẽ không đưa chúng tôi đi xa hơn nữa do đường tàu đã bị phá huỷ, trong khi còn rất nhiều đoàn tàu từ Đức tới theo hướng ngược lại. Các con tàu rầm rầm chạy ngang chúng tôi, khi ta nhìn qua khe hở trên thành toa, ta có thể thấy những toa trần chở xe tăng, toa chở lính, toa chở hàng – mọi thứ đang di chuyển về phía đông. Sẽ không ai chặn chúng lại được sao? Trong một góc tâm hồn có một thoáng hy vọng rằng một điều gì đó mà chúng tôi không biết được sẽ xảy ra, và cơn triều này sẽ bị bẻ gãy; nhưng giờ đây chúng tôi đang đi dần tới cái chết mà không còn cơ hội sống sót, xa dần khỏi đau đớn và giá rét, không thể hỗ trợ cùng nhau, chúng tôi chuyển thành những con người nô lệ cho bản năng sinh tồn của mình, không còn khả năng hy sinh giúp đỡ lẫn nhau, giữa một đống những xác người chết trong cô độc.
Cửa toa rít mạnh, bọn chúng bắt đầu đưa chúng tôi ra ngoài tới một nơi theo chúng tôi dường như là một cánh đồng. Rất khó để bắt đôi chân chúng tôi tuân lời, và khó hơn nữa để bước hay bò khỏi toa ra ngoài bùn tuyết ẩm ướt. Chúng tập hợp chúng tôi, tất cả những ai còn sống sót, cạnh các toa tàu và phát một ổ bánh mì còn ấm cho mỗi người, mùi thơm sực nức, sự ấm áp mà từ lâu chúng tôi không còn được cảm thấy, chúng tôi quấn nó vào những mảnh giẻ và bắt đầu bẻ nó cho vào miệng, từng miếng một, lo ngại nó sẽ chóng hết; những người khác, với cặp mắt đầy thù hằn, tọng những miếng lớn vào mồm họ – họ đã đói khát tới mức cùng cực, họ đang sắp chết. Đám cảnh binh la hét, nhưng không chửi bới. Một người trong bọn họ la lớn:
“Những người Nga kia, các anh hãy tập trung tất cả sức mình lại để đến được khu trại! Hãy giúp đỡ những người yếu sức, đừng để họ bị bắn chết!”
Người cảnh binh nào đã dám nói những lời như vậy? – Thật là một con người dũng cảm và chân chính. Tôi nhớ mãi những lời lẽ và giọng nói ấy cho tới cuối đời mình.
Chúng tôi chật vật bước đi trên con đường ngập bùn, lướt qua những người bị đánh. Có ai đó ngã xuống, tiếng súng của bọn lính gác vang lên. Và giọng nói kia lại cất lên lần nữa:
“Những người Nga kia, hãy tới giúp đồng đội các anh đi!”
Tôi không thể làm thế, chân tôi như rời ra vì kiệt sức, nhưng Valodia (tên gọi tắt của Vladimir – Oleg Sheremet) đã tới dìu đỡ cho một người nào đó đang đi bên cạnh, còn Sasha thì tới giúp tôi. Tôi trông thấy một gốc bắp cải đã được thu hoạch nhô lên rất gần con đường, liền cúi xuống và nhổ nó lên. Sashka giấu nó vào trong mình cậu ta, còn tôi đã rất yếu sau nỗ lực ấy, thở dốc như đứt hơi. Chúng tôi đang ở cạnh những hàng rào kẽm gai chăng quanh những gốc thông cao, ngọn của chúng đã đẩy lên đỉnh cái cổng trại cả một búi dây kẽm đang đung đưa.
Bọn chúng dẫn chúng tôi tới một ngôi nhà và nhốt vào trong đó. Tôi bị nhét trên tầng hai, Sasha, Valodia, Lesha cũng cùng chung với tôi. Căn phòng rộng khoảng bốn mươi mét vuông; cạnh một khoảng trống nhỏ gần cửa ra vào có một cái sân chung cho toàn bộ tầng nhà, rất nhiều người được nhồi nhét trong đó. Chỉ tới lúc này bọn chúng mới cảnh cáo chúng tôi không được thò đầu ra ngoài cửa sổ, còn đi vệ sinh – một lần mỗi ngày. Bọn chúng không cấp cho chúng tôi nước. Nhưng bên ngoài đang có tuyết, những người liều lĩnh cột thắt lưng của mình lại và ném một cái gà mèn qua cửa sổ, nếu ai xúc lên được thì thật may mắn, nhưng anh ta cũng có thể bị ăn một viên đạn do bọn gác bắn ra.
Trên đời không gì khổ sở bằng chuyện không được uống nước. Lạy Chúa, nó thiêu đốt con người thật khủng khiếp! Và không ở đâu, không có gì làm người ta chết nhanh bằng chuyện khát nước. Người ta phải liên tục chuyển xác chết ra khỏi căn phòng. Tất cả chúng tôi cùng ở trên chiếc giường, nằm, ngồi, không nói với nhau một lời. Tôi vẽ vào cuốn album của mình khuôn mặt gầy gò hốc hác của những người chết, đang ngồi với ánh mắt chằm chằm vô hồn. Đổi chác vẫn tiếp diễn nơi đây. Một người gạ bán một điếu thuốc, đòi giá tới hai mươi lăm rúp. Một người khác buộc những chiếc thắt lưng lại rồi ném gà mèn của mình ra ngoài cửa sổ. Xúc được một ít tuyết, anh ta vội chúi xuống dưới bậu cửa sổ, và ngay lập tức một tràng tiểu liên bắn vỡ nốt phần kính cửa còn lại, làm vữa trần lả tả rơi xuống. Nhưng trong tay anh chàng ủ rũ ấy đã có chiếc gà mèn chứa đầy tuyết mịn, múc được khoảng vài thìa đầy. Anh ta lập tức đem đổi một thìa tuyết ấy, giờ có giá hai mươi lăm rúp, lấy một điếu thuốc lá và liếm hết chỗ tuyết còn lại trong gà mèn. Mọi người theo dõi đầy ghen tị, không rời mắt khỏi anh chàng vừa lấy được nước. Bất ngờ anh ta chìa một thìa tuyết vào miệng tôi:
“Đây, ăn đi.”
Tôi đẩy đi:
“Tôi không còn tiền hay thứ gì khác.”
“Không mất tiền, ăn đi, anh cần nó hơn. Anh vẽ đi, tất cả chúng ta sẽ chết ở đây, nhưng có thể bức vẽ của anh còn lại, và mọi người sẽ biết được chúng ta không phải là những kẻ phản bội tổ quốc.”
Những lời nói đó làm tôi sững sờ, tôi cảm thấy xấu hổ và đau đớn vì một lẽ gì đó, nhưng tôi không thể kìm mình được nữa, đôi môi khô nẻ khó nhọc chạm vào chiếc thìa, chất nước mát lạnh tan ra trong miệng tôi, và những giọt nước lăn xuống từ hai mắt. Mọi sự khiếp hãi đều không thể làm được cái điều mà ngụm nước con người đó ban cho tôi đã làm. Một ngụm nước cho tất cả, cho những chịu đựng và những tủi nhục của họ. Tôi cảm thấy đau xót cho mọi người và cho bản thân, tôi muốn làm một điều gì đó cho mọi người, muốn thay đổi một cái gì đó… Có thể từ giờ phút này tôi đã hiểu thấu những gì đã xảy đến với tôi, cảm thấy trách nhiệm về tất cả trong suốt thời gian qua. Giây phút đó sẽ đi cùng trong suốt quãng đời còn lại của tôi, những lời người đó sẽ luôn vang lên như một mệnh lệnh: “Anh hãy vẽ đi!” Có những phút giây trong một đời người khi anh ta đột nhiên hiểu ra ý nghĩa sự tồn tại của mình – lúc đó mọi chuyện đều trở nên rõ ràng, và ý nghĩa cuộc đời anh ta thật sáng tỏ. Cứ như thể những lời của con người đó đã đánh thức sự tỉnh táo và nhân tính trong tôi, tôi rời bỏ những bản năng thú vật, và sau đó niềm tin rằng mình sẽ chóng thoát khỏi cảnh giam cầm miễn là lấy lại được sức khoẻ đã quay về với tôi. Miễn là tôi có cơ hội. Điều đó sẽ sống mãi trong tôi.
Dịch từ Nga sang Anh: Oleg Sheremet
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân
Ảnh chụp và hình vẽ lấy từ tư liệu của N. Obryn’ba
Pingback: Ký ức chiến tranh (Hồi ức của những binh sĩ Xôviết từng tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại)- Phần 1 | Nghiên Cứu Lịch Sử