Lê Tư
Theo lời tự giới thiệu, Kathlene Baldanza là sử gia chuyên về Việt Nam-Trung Hoa thời sơ kỳ cận đại, bà có sở thích về lịch sử thư tịch, trao đổi ngoại giao-văn hóa và lịch sử môi trường.
Kathlene Baldanza từng theo học ngành Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á tại Đại học Pennsylvania; bà tốt nghiệp Thạc sĩ năm 2004, Tiến sĩ năm 2010. Hiện Phó Giáo sư Baldanza đang giảng dạy tại chính ngôi trường xuất thân, chủ yếu về Lịch sử và Nghiên cứu châu Á.
Liên quan đến Việt Nam, Baldanza có các bài viết “Books without Borders: Phạm Thận Duật (1825-1885) and the Culture of Knowledge in Mid-Nineteenth Century Vietnam” [Sách vở không biên giới: Phạm Thận Duật (1825 – 1885) và Văn hóa Tri thức tại Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX], “Publishing, Book Culture, and Reading Practices in Vietnam: The View from Thắng Nghiêm and Phổ Nhân Temples” [Nghề Xuất bản, Văn hóa Sách và Thực hành Đọc tại Việt Nam: Cái nhìn từ Chùa Thắng Nghiêm và Phổ Nhân], đăng trên các tạp chí Journal of Asian Studies và Journal of Vietnamese Studies. Riêng quyển “Ming China and Vietnam: Negotiating Borders in Early Modern Asia”, đối tượng chúng ta đang khảo sát, từng được tặng giải thưởng “Sách đầu tay” của Weatherhead East Asia Institute thuộc Đại học Columbia, New York.
Bài viết này nhằm nhặt sạn nên không bàn đến mặt tích cực rất hiển nhiên của tác phẩm mà chỉ thu gọn vào những chi tiết hé lộ mặt yếu của tác giả trong thao tác nghiên cứu. Bài gồm 16 điểm, mỗi điểm chia thành hai phần nhỏ, nhại kiểu văn xưa: cương và mục. Phần cương ghi lại trình bày “có vấn đề” trong sách, phần này sẽ được để nguyên tiếng Anh khi cần đối chiếu kỹ năng dịch thuật, và được chuyển sang tiếng Việt khi bàn đến những khía cạnh khác. Phần mục làm rõ vấn đề đã nêu.
- Map 1 (trang xii): Bản đồ Trung Hoa dưới triều Minh và Đại Việt (ảnh trên)
Nhận xét: Zhennan pass (Trấn Nam quan) từng mang tên Kê Lăng, Trấn Di vào đầu đời Minh. Trấn Nam chỉ xuất hiện từ thời Tuyên Đức hoặc sau đó. Vì thế, không thể gọi bản đồ có tên Zhennan là bản đồ Trung Hoa đời Minh và Đại Việt. Nó chỉ là bản đồ Trung Hoa dưới một số đời vua Minh và Đại Việt. Ghi chú như tác giả khiến người đọc ngỡ rằng cửa ải chỉ mang độc một tên suốt đời Minh.
- Nguyễn Phúc Ánh vừa ngự trị ngai vàng của triều Nguyễn tân lập tại Việt Nam với danh hiệu hoàng đế Gia Long (trị vì 1802 – 1820).(2)
Nhận xét: nên gọi chính xác tên tự xưng Nguyễn Phước Ánh của nhà vua. Đọc đúng chữ Hán là một việc, phát âm đúng tên người là việc khác. Gia Long là chúa Đàng Trong, dùng binh lực Gia Định để nhất thống đất nước, vậy nên gọi tên cụ theo cách cụ tự xưng hoặc theo cách mọi người xung quanh thường gọi. Khoảng 50 năm trở lại đây, sách vở miền Nam bị hạn chế lưu hành nên chữ Phúc trở nên thông dụng hơn, tuy nhiên, tài liệu nghiên cứu cần tiếp cận với thực tế. Nên gọi Nguyễn Phước Ánh thay vì Nguyễn Phúc Ánh, cũng như nên gọi Võ Tánh, Ngô Tùng Châu và Phan Châu Trinh thay vì Vũ Tính, Ngô Tòng Chu và Phan Chu Trinh. Như vậy mới phù hợp với bầu khí quyển của trung tâm động lực lịch sử đương thời.
- Ngay cả sau khi Việt Nam giành được độc lập vào thế kỷ X và chọn quốc danh Đại Cồ Việt (về sau rút gọn thành Đại Việt), hai nước vẫn duy trì quan hệ chính trị-văn hóa thân thiết. Học giả Việt Nam vẫn tiếp thu cội nguồn văn hóa cổ điển giống như các đồng nghiệp phương Bắc, và cũng giống như họ khi xem nhà nước của mình là truyền nhân của triều đại nhà Chu (1046 – 256 TCN).(3)
Nhận xét: Dùng chữ “Vietnam” và “independence” là không phù hợp, vì vào thế kỷ X hai khái niệm này chưa xuất hiện tại Đại Cồ Việt. Dù Baldanza có biện bạch thế nào, việc dùng hai từ hiện đại tràn lan trong sách vẫn làm giảm giá trị tác phẩm. Ngay trong đoạn trích chúng ta cũng thấy bà gọi trí thức Đại Cồ Việt-Đại Việt là “Vietnamese scholars” dù quốc danh Việt Nam chưa được khai sinh. Cách dùng tên gọi “xuyên không” như vậy khó thể gọi là logic. Dùng “independence” lại càng tệ, quan hệ thiên triều-chư hầu có đặc điểm riêng, không thể nhập nhằng về mối quan hệ giữa các nước độc lập hiện đại với quan hệ giữa các triều đại quân chủ Á Đông thời tiền hiện đại. Nguyên thủ của một quốc gia độc lập trong thế kỷ XXI, trên danh nghĩa, không là bầy tôi của nguyên thủ một quốc gia khác. Khó hiểu tại sao Baldanza lại dùng từ này dù bà hiểu rất rõ tính chất “không thể so sánh” (incommensurability) trong mối quan hệ giữa Trung Hoa và các nước khác cũng như tính chất “bình đẳng” (equality) giữa các quốc gia theo mô hình Westphalia.
- Vua Trần đương trị vì là Trần Dụ tông phản đối việc quân đội nước ngoài băng ngang lãnh thổ của mình, đặc biệt khi (đạo quân đó) mở ra chiến dịch quân sự nhằm chống lại một đồng minh của nhà Trần là Nam Tống.(4)
Nhận xét: Khi quân Mông Cổ muốn mượn đường đánh Nam Tống vào năm 1257 thì Trần Thái tông còn tại vị. Ông làm vua đến năm 1258 mới nhường ngôi cho Trần Thánh tông để lên làm Thái thượng hoàng. Trần Dụ tông trị vì từ năm 1341 đến năm 1369.
- Map 2 (trang 30): Vùng phía Nam thời Hán.
Nhận xét: Có vẻ hơi tùy tiện khi dùng ba thứ ký hiệu ngôn ngữ để ghi địa danh trên một bản đồ: Gulf of Tonkin…, Jiaozhi…., Hai Van Pass…. Gọi vùng biển quốc tế bằng tiếng Anh “South China Sea” giúp mọi người nhận ngay ra khu vực địa lý nào thì tạm chấp nhận được. Gọi Hợp Phố trên đất Trung Hoa ngày nay là Hepu thì chấp nhận được. Nhưng nếu gọi Mê Linh là Me Linh và đèo Hải Vân là Hai Van Pass trong khi biến Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thành Jiaozhi, Jiuzhen, Rinan thì rất khó chấp nhận. Theo chúng tôi, địa danh trên đất Trung Hoa ngày nay nên phiên theo Pinyin, địa danh trên đất Việt Nam ngày nay nên ghi theo tiếng Việt, dù không bỏ dấu. Ở đây, tuy địa danh được trình bày thiếu sáng sủa nhưng người xem vẫn hiểu, riêng việc thể hiện thời Hán có cửa quan tên Hai Van hoặc vịnh biển tên Tonkin thì khó bào chữa cho tác giả.
- Năm 1518, một lãnh đạo có sức hấp dẫn đặc biệt là Lê Lợi đã nổi lên ở Thanh Hóa thuộc vùng biên giới phía Nam.(5)
Nhận xét: Lê Lợi băng hà năm 1433.
- Mạc Đĩnh Chi được hoan nghênh khi trở về Đại Việt do thành công, được tôn biệt danh “Thủ khoa của hai nước” (luong Quoc trang Nguyen).(6)
Nhận xét: Lẽ ra phải là (Lưỡng quốc Trạng nguyên), lỗi viết in hoa cho thấy Baldanza không nắm vững nội dung từ kép “Trạng nguyên”.
- Vào thế kỷ XIII, cụ tổ tên Hồ Liêm di cư đến Thanh Hóa. Hồ Liêm được Lê Huấn, hoàng đế Đại Cồ Việt, nhận làm con nuôi nên ông chuyển sang họ cha.(7)
Nhận xét: An Nam không có vị hoàng đế nào tên Lê Huấn, chỉ có Lê Hoàn (941 – 1005), nhưng nhà Tiền Lê cùng vương quốc Đại Cồ Việt không thọ đến thế kỷ XIII. Toàn Thư chép rằng Lê Huấn, người mà cụ tổ Hồ Liêm của Hồ Quý Ly xin được làm con nuôi, giữ chức quan Tuyên úy tại Thanh Hóa. Baldanza đã nhầm lẫn giữa Le Huan và Le Hoan.
- Các sai sót trong phần dịch thuật liên quan đến “Bình Ngô đại cáo”:
a. Với đoạn mở đầu Đại Cáo: “Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân. Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo. Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang…”
Baldanza dùng bản tiếng Anh như sau:
“To promote kindness and justice, the people must be at peace. But in withdrawing or advancing an army, neither side will first discard violence. Only our country of Dai Viet is truly a domain of manifest civility (wenming zhi bang)…”(8)
Nghĩa: Để khuyến khích lòng nhân từ và công lý, dân chúng phải được sống trong hòa bình. Tuy nhiên, khi lùi hoặc tiến quân, sẽ không bên nào chịu từ bỏ bạo lực trước. Chỉ nước Đại Việt ta mới thực là nước văn hiến…(văn minh chi bang)…
Vì hiểu như thế nên Baldanza trượt chân khi suy luận thêm: “Trước tiên, Lê Lợi (phát biểu qua Nguyễn Trãi) nhìn nhận và than vãn về những hạn chế trong việc đạt đến một xã hội công bằng trong thời chiến, cũng như nỗi khó khăn để chấm dứt sự thù địch. Tiếp theo, ông nhấn mạnh rằng chỉ riêng Đại Việt là “nước văn hiến”…(lược một đoạn)….Ở đây, Lê Lợi phá vỡ vai trò trung tâm của trật tự thế giới kiểu Trung Hoa bằng cách loại bỏ nước Minh ra khỏi thế giới văn hiến.”(9)
Để dễ cảm thụ và so sánh, có thể dịch đoạn văn bên trên một cách tẳn mẳn như sau:
Việc nhân nghĩa (việc cai trị của quân chủ nho giáo) rốt lại chỉ để giúp dân chúng sống yên bình. (Điều động) quân thăm dân phạt tội, không gì ưu tiên bằng trừ khử kẻ tàn bạo. Nước Đại Việt ta quả thực là nước văn hiến…
Baldanza ghi chú ở chân trang 80 rằng đoạn văn được trích từ trang 546 sách TT (Đại Việt sử ký toàn thư). Trong phần nguồn tài liệu tiếng Á châu, bà liệt kê quyển Toàn Thư biên tập bởi Trần Kinh Hòa in tại Nhật Bản năm 1984. Chúng tôi không rõ trong quyển này có phần dịch tiếng Anh không, nhưng ghi chú như thế khiến độc giả nghiêng về cách hiểu rằng bà đã tự dịch phần trích từ sách viết bằng ngôn ngữ Á châu sang Anh ngữ.
Nếu thực tế đúng như vậy, thì Baldanza cũng giống các học giả phương Tây khác mà chúng tôi từng đọc, từng ngẫm ngợi về những bài viết liên quan đến Bình Ngô đại cáo của họ. Chưa bao giờ các học giả đó thấu triệt tinh thần của văn bản này. Dù Baldanza không biết điển tích ẩn sau hai chữ “điếu phạt” thì cũng không thể nào hiểu đó là “tiến hoặc lui binh”, cũng không thể nào hiểu “mạc tiên khử bạo” là “không bên nào từ bỏ bạo lực trước”. Thất vọng hơn, bà nhầm nghĩa chữ “duy” vốn là trợ từ đầu câu thành “only-duy nhất” nên khẳng định rằng Lê Lợi không xem Trung Hoa như một “nước văn hiến” bởi chính Đại Việt mới là nước duy nhất thực sự “văn hiến”.
Người Việt chưa bao giờ loại Trung Hoa ra khỏi thế giới văn hiến. Baldanza từng nắm rõ điểm then chốt này, nhưng vì kỹ năng đọc hiểu chưa chín nên bà đi ngược lại chính tri thức của mình thể hiện ở trang 6: “…đối với thần dân Việt Nam, Đại Việt là nước phương Nam (Nanguo-Nam Quoc), hình thành một nhị phân với nước phương Bắc (China)”. Cũng chính bà phân tích sự tự nhìn nhận đó, cùng với tác động của nó, khá chi li trong phần “Hai mặt trời trên bầu trời”, trang 101. Qua đoạn vừa trích, Nguyễn Trãi rõ ràng chỉ muốn nhấn mạnh rằng Đại Việt là nước văn hiến đích thực, xứng đáng đối ứng với Trung Hoa.
Không hiểu sao Baldanza dùng ký âm kiểu Tàu “wenming zhi bang-văn minh chi bang” để chỉ “văn hiến chi bang”. Gọi là sơ suất hay cẩu thả đều được.
Lầm lạc dịch thuật tuy ngớ ngẩn nhưng vẫn chưa khiếp bằng cách Baldanza hiểu đoạn văn dưới đây. Bà trích dẫn như sau:
b. “Recently the trivial and demanding policies of the Ho gave rise to popular resentment and rebellion. The violent Ming waited for their chance, and used this [resentment] to poison our people. An evil clique harbored treason and went so far as to betray our country. “Xin/han” is pronounced like xiang/huong spliced with jin/can; it is a firearm. The common people were trapped in the flames of tyranny, and innocents were sunk in pit of despair…”(10)
Nghĩa: Mới đây, chính sách tầm thường, hạch sách của nhà Hồ đã khiến oán hận và nổi loạn bùng phát khắp nơi. Người Minh hung hãn chờ cơ hội, khai thác sự [oán hận] này để phá nát dân ta. Một lũ ác ôn nuôi lòng tráo trở đến mức phản bội đất nước ta. “Xin/han” được phát âm như xiang/huong nối với jin/can; nó là một loại súng. Dân thường vướng trong lửa hung tàn, người vô tội chìm dưới hố tuyệt vọng…
Baldanza cho biết đoạn văn trên được trích từ Toàn Thư trang 545, 546.
Chúng tôi sao lại hai trang Toàn Thư có liên quan từ nomfoundation.org dưới đây:
Phiên âm đoạn văn vừa đề cập như sau:
“Khoảnh nhân: Hồ chính chi phiền hà, trí sử nhân tâm chi oán bạn. Cuồng Minh tứ khích nhân dĩ độc ngã dân, Ác đảng hoài gian cánh dĩ mại ngã quốc. Hân [Hương cân thiết hoả khí dã] thương sinh ư ngược diễm, hãm xích tử ư hoạ khanh.”
Nghĩa: Vừa rồi, do chính sách nhà Hồ phiền hà khiến lòng người oán phản. Giặc Minh ngông cuồng chực cơ hội thừa dịp làm hại dân ta; đảng ác ôm ấp mưu gian cũng nhân đó mà bán nước ta. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Độc giả kém cỏi nhất cũng có thể nhận ra câu in đậm trong phần phiên âm (tương ứng với 6 chữ cỡ nhỏ đóng khung màu lam thuộc dòng cuối cùng bên trái trong bản Nho bên trái) chỉ là câu hướng dẫn cách phát âm chữ “hân” của người chú giải hay biên tập chứ không thuộc chính văn, nhưng vị Phó Giáo sư thì khác, bà say sưa luận giải:
“Việc lên án triều Hồ của Lê Lợi và nhắc nhở về những rắc rối mà ông đã giúp dân chúng vượt thoát là bình thường. Nhận xét ngẫu nhiên của ông về súng ống là khác thường. Ông giới thiệu từ xin và dùng hệ phiên thiết (fanqie) để chỉ dẫn cách phát âm bằng âm đầu của “xiang” kèm phần cuối của “jin” – vậy đọc là “xin” (hoặc “han” theo tiếng Việt). Ông không giải thích tầm quan trọng của súng nhưng nói tiếp rằng dân chúng bị đè nặng dưới cuộc chiến của người Minh, cuộc chiến đặc trưng bởi việc áp dụng hỏa khí chết người. Tính mới lạ của những vũ khí này được nhấn mạnh bởi nhu cầu chú giải cách phát âm của từ.”(11)
Baldanza có vẻ đọc Sun Laichen nhiều hơn đọc sử Việt và sử Minh nên bị mê hoặc tới mức không nhận ra sáu chữ hướng dẫn cách phát âm “hân” nằm ngoài Bình Ngô đại cáo. Bà không ý thức được rằng sáu chữ khổ nhỏ đó chỉ như chú thích chân trang trong văn bản hiện đại. Mặt khác, vì cho rằng “hân” là “súng” nên Baldanza hiểu “hân thương sinh ư ngược diễm” như quân Minh “dùng súng lửa giết hại dân thường”. Thực tế, Toàn Thư phản ánh việc này như sau:
“Phụ sở chí đa hành sát lục, hoặc tích thi vi sơn, hoặc trừu trường hệ thụ thành tiên nhục thủ cao, hoặc bào lạc vi hí…”
Nghĩa: Phụ đi đến đâu, giết chóc rất nhiều, có nơi thây chất thành núi, có chỗ moi ruột quấn vào cây, hoặc rán thịt lấy mỡ, hoặc nướng đốt làm trò….
Trong chiến tranh Minh – Việt, các loại súng có vai trò cao hơn trước, rất đáng chú ý, rất xứng đáng gọi là đặc trưng cho các loại vũ khí của cuộc chiến, nhưng chưa tới mức là đặc trưng cho cuộc chiến. Đặc trưng quan trọng đồng thời quyết định chiến cuộc đối với người Việt vẫn là tượng binh và cách triển khai tượng binh. Tượng binh còn, quân Việt từ hòa tới thắng, tượng binh mất, quân Việt đại bại. Đại Ngu mất vì tượng binh rã ngũ tại thành Đa Bang. Đại Việt hồi sinh vì tượng binh đè bẹp quân Thôi Tụ tại cánh đồng Xương Giang. Người Minh cảm nhận tương tự khi ghi lại trận thư hùng cuối cùng. Minh Thực lục chép rõ đại quân Minh (khoảng 80.000 người theo sử Việt) tan vỡ đội hình khi phe Lam Sơn “đại khu tượng” (tạm dịch: lùa hết voi vào), hậu quả là bộ tư lệnh quân Minh bị bắt tại trận. Không một tiếng súng nào được ghi nhận trong trận đánh định hướng dòng chảy lịch sử này.
“Ngược diễm” (lửa hung tàn) hay “họa khanh” (hầm tai vạ) gợi nhớ về hai kiểu trừng phạt nổi tiếng của Trụ vương nhà Thương. Một, bào lạc là nướng người bằng ống đồng lớn bên dưới có lò chụm than củi, người phạm tội bị ép vào mặt ngoài ống sau khi ống được nung đỏ để nhận cái chết thê thảm đau đớn. Hai, sái bồn là hố sâu bên dưới chứa nhiều rắn độc, khi thi hành án, nạn nhân bị lột trần rồi quăng xuống hố cho bầy bò sát quấn mổ đến chết. Bằng hai câu văn ngắn, Lê Lợi đã xếp vua Minh cùng hạng vua Trụ.
Như vậy, “hân” là nướng bằng hỏa khí, tức bằng ống đồng nung đỏ, hành động man dại của người Minh mà Đại Việt sử ký toàn thư đã xác nhận bằng bốn chữ chúng ta vừa thấy bên trên: bào lạc vi hí (nướng đốt để làm vui).
Baldanza hiểu vài đoạn trong Bình Ngô đại cáo lệch lạc đến vậy nên dễ nhận ra giới hạn của bà:
- Không hiểu văn hóa quyền lực tại Đại Việt.
- Không hiểu ước thúc về nội dung và hình thức của văn bản hành chánh như Đại Cáo.
- Không hiểu công việc của Hoàng đế và Thừa chỉ.
- Kỹ năng đọc và cảm văn ngôn chưa đủ để nghiên cứu lịch sử Đại Việt.
- Năm 1467, Lê Tư Thành cố ý xoay hướng về phía bắc, đổi quốc danh từ Đại Việt sang “Thiên Nam” (Phương Nam của Trời) nhằm xác lập kết nối với văn hóa cổ điển cùng vị thế tương ứng với “Thiên triều” phương Bắc một cách rõ ràng hơn.(12)
Nhận xét: nước Việt Nam xưa chưa bao giờ chính thức mang tên “Thiên Nam”. Không biết tác giả lấy thông tin từ đâu. Dưới đời Lê Thánh tông chỉ có bộ sách “Thiên Nam dư hạ tập” do vua sai Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận chủ trì soạn thảo. Nhà vua cũng từng đề nghị triều thần cho khắc sáu chữ “Thiên Nam Hoàng đế chi bảo” lên quốc ấn, tuy nhiên, các nho gia phản ứng và cho rằng những câu như “Thuận thiên thừa vận chi bảo” hay “Hoàng đế thụ mệnh chi bảo” vốn hàm súc hoặc có tính truyền thống hơn. “Thiên Nam” là một đề xuất thất bại nên việc khẳng định vua Lê đổi quốc danh e rằng sai thực tế. Ngay cả khi các đại thần có chế tạo ấn với nội dung thuận ý chủ cũng không thể nào xem “Thiên Nam” như quốc danh. Ba cụm mỹ từ nói trên đều thể hiện vị thế cá nhân của nhà vua, tức chủ ấn, hơn là thể hiện tên nước. Nói Thiên Nam là quốc danh, đâm ra Thuận thiên hay Hoàng đế cũng nhiều khả năng là quốc danh vậy.
- Cân bằng quyền lực mỏng manh đạt được giữa Đại Việt và Champa từ thế kỷ X trở nên nghiêng lệch, vì quân đội Đại Việt dùng hỏa lực cải tiến để tiến đánh Champa, nó tỏ rõ là đòn chí mạng vào năm 1471, khi Đại Việt sáp nhập ¾ đất đai còn lại của Champa.(13)
Nhận xét: Đại Việt thắng Chiêm Thành nhờ nhiều yếu tố, nhấn mạnh chiến thắng năm 1471 của Đại Việt do dựa vào vào hỏa khí thì e rằng tác giả đã tối giản vấn đề.
- Năm tiếp theo, Mạc Đăng Dung được thăng tước Bá của Vũ Xuyên, một năm sau đó lại thăng tước Công của Minh Quận. “Công” là tước hiệu quý tộc cao nhất chỉ dưới tước Vương vốn dành cho thành viên hoàng gia.(14)
Nhận xét: Baldanza ghi tước Công của Mạc Đăng Dung là “Duke of Minh Quan” do bà không hiểu thứ bậc các tước Công của Đại Việt thời Lê gồm Quận-công, Quốc-công và Công. Theo Toàn Thư, Mạc Đăng Dung được phong “Minh Quận-công”, tức Quận-công cai quản đất Minh hoặc mỹ hiệu là Minh chứ không phải Công tước đại diện hoặc cai trị đất Minh Quận. Bà đã đọc tước hiệu của Đăng Dung là Minh-Quận công thay vì Minh Quận-công.
- Di Địch giống như loài cầm thú, vốn thiếu đạo đức của con người. Nếu điều tiết họ bằng luật Trung quốc thì không ai trong số họ xứng đáng ngôi vua. Nhưng nếu quản lý họ theo cách của Di Địch, thì Nguyên Hạo có thể làm lãnh chúa, những kẻ bất nghĩa có thể được phong tước hầu, hoặc ngay cả tước vương.(15)
Nhận xét: Đây là trích đoạn lời tâu của Đề đốc Lưỡng Quảng Tả Thị lang quân vụ bộ Binh Phan Đán lên hoàng đế Gia Tĩnh. Để đánh giá cách hiểu của Baldanza, chúng ta liệt kê dưới đây nguyên văn trong Minh Thực lục, bản dịch tiếng Việt của cụ Hồ Bạch Thảo và bản dịch tiếng Anh của Geoff Wade.
Nguyên văn: 夫夷狄禽獸本無人倫律以中國之法皆非所宜立若處之以夷狄之道則元昊可爵不義可侯而黎利可生也. phù di địch cầm thú bản vô nhân luân luật dĩ trung quốc chi pháp giai phi sở nghi lập nhược xử chi dĩ di địch chi đạo tắc nguyên hạo khả tước bất nghĩa khả hầu nhi lê lợi khả sinh dã.
Hồ Bạch Thảo dịch: “Phàm Di Địch như cầm thú, vốn không có luật của nhân luân; dùng pháp độ của Trung Quốc không thích hợp. Nếu xử theo đạo lý của Di Địch thì Nguyên Hạo được tước, Bất Nghĩa được phong Hầu, Lê Lợi có thể làm vua vậy.”(16)
Geoff Wade dịch: “The yi and di, like the birds and the beasts, are without human morality. Under the laws of China, none of these persons should be appointed as ruler. Thus, they should be handled in accordance with the ways of the yi and di, as in the past, when Yuan Hao could be appointed as a lord, Bu Yi could be appointed as a marquis and Li Li could be appointed as a king.” (17) Nghĩa: Di và Địch giống như loài cầm thú, thiếu đạo đức của loài người. Theo luật Trung Hoa, không ai trong số họ xứng đáng được chỉ định làm nhà cai trị. Vì thế, họ cần được quản lý theo kiểu Di Địch, như trước kia, Nguyên Hạo được làm lãnh chúa, Bất Nghĩa được tước hầu và Lê Lợi được phong vương.
Tác giả không ngờ Bất Nghĩa là nhân vật có thực thời Đông Hán. Chúng ta khó trách bà vì sao Hồ Bạch Thảo biết mà bà không biết, nhưng có thể trách bà vì sao Geoff Wade biết mà bà không biết. Baldanza tiếp tục phạm sai lầm này khi dịch lời phúc tấu của Thượng thư bộ Lễ Nghiêm Tung và Thượng thư bộ Binh Trương Tân lên vua Minh sau đó.(18)
Bà còn đọc sót tên Lê Lợi trong văn bản gốc, nhiều khả năng do không nhớ 黎利 là tên vua Đại Việt, nên chỉ dịch lướt đoạn sau khiến cái ý nhị quan trọng của lời tâu bị biến dạng.
- When Mac Dang Dung killed the king to seize the throne, he was like a man playing god; he acted as the ruler but he could not hold the territory, and so the land was lost. He is a traitor. He acted as the king but could not hold all the value, to the extent that he had bound himself and went to bow down before our enemies and let them grab all the honor – this is a man who lacks all integrity.(19)
Nghĩa: Khi Mạc Đăng Dung giết vua để soán ngôi, ông giống người đóng vai chúa trời; ông hành động như một nhà cai trị nhưng không bảo toàn được lãnh thổ nên đất đai bị mất. Ấy là một kẻ phản quốc. Ông hành động như vì vua nhưng không gìn giữ được giá trị, đến mức tự trói mình quỳ lạy quân giặc và để mặc họ tước đoạt mọi danh dự – đây là một con người hoàn toàn thiếu tính chính trực.
Rất tội nghiệp cho đoạn văn chỉ trích Mạc Đăng Dung trong quyển Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim!
Nguyên văn như sau: Mạc đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quí cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ.(20)
Xem ra Baldanza chưa tường tận văn chương của cụ Lệ Thần.
- “Nghịch thần” hàm nghĩa rất khác với “a man playing god” = một người dùng sức mạnh hay quyền lực để đưa ra những quyết định quan trọng mà chúng ta nghĩ rằng người thường không làm được, đặc biệt khi cho phép người khác được sống hoặc buộc họ phải chết.(21)
- “Cầu lấy cái phú-quí cho một thân mình và một nhà mình” không có điểm nào chung với “let them grab all the honor” = để giặc tước đoạt hết danh dự.
Có thể lần ra mạch tra cứu của Baldanza để hiểu tại sao “kẻ nghịch thần” lại có thể biến thành “a man playing god”. Chúng ta hãy chọn một tự điển Việt-Việt bất kỳ trên mạng, ví dụ như Soha, để tìm hiểu các giải thích và dõi theo luồng suy luận của tác giả:
- Kẻ: người hoặc những người như thế nào đó, nhưng không nói cụ thể là ai -> a man
- Nghịch: (trẻ con) chơi đùa những trò không nên hoặc không được phép vì có thể gây hại -> play, playful.
- Thần: lực lượng siêu tự nhiên được tôn thờ (như thần tiên, thần thánh), coi là linh thiêng, có sức mạnh và phép lạ phi thường, có thể gây hoạ hoặc làm phúc cho người đời, theo quan niệm mê tín hoặc theo quan niệm của tôn giáo -> spirit, god.
Cách nói quen thuộc “play god” dẫn dắt Baldanza trong vô thức đã biến kẻ-nghịch-thần (rebellious servant) thành man-playing-god (người lấn quyền tạo hóa).
- Chữ dong (động) thường được thấy qua các địa danh và là ký âm Hán tự của một từ Tai có nghĩa “lũng núi” hoặc “đất bằng giữa các ngọn đồi nằm cạnh dòng suối”, nó cũng được phát âm giống như âm Việt Nam chỉ “cánh đồng” (đồng). Vì thế sự hiện diện của từ này trong các địa danh chỉ báo rằng cư dân nguyên thủy tại những nơi đó thuộc về các sắc tộc phi Hoa.(22)
Nhận xét: Cả Toàn Thư lẫn Minh Thực lục đều ghi lại âm dong bằng chữ 峒 (động). Việt hiện đại vẫn dùng động để chỉ các địa điểm cư trú xưa của dân thiểu số trên vùng núi rừng. Dong là âm người Thái, Lào, Thà Vựng hiện nay dùng để biểu đạt khái niệm rừng, là âm người Khmu xưa chỉ đất rừng. Như vậy, động có vẻ là danh từ chung của nhiều giống dân nói tiếng Kra-Dai và Nam Á, tuy ý nghĩa của nó trong từng ngôn ngữ có chút khác biệt nhưng vẫn liên quan với nhau. Thật không chính xác khi Baldanza gắn kết động với đồng trong tiếng Việt. Đồng chỉ “cánh đồng” được ghi bằng chữ Nôm là 仝 hoặc 垌.
- “I have examined their letter of surrender and the characterization of the people of the country. Since the situation is understandable, I will pardon them. It has long been the plan of the Vietnamese people to get rid of this label of kingdom, in order to prevent uncontrolled power struggles among rival groups…(23)
Nghĩa: Trẫm đã xem xét biểu xin hàng và đặc điểm được tường trình của dân nước đó. Vì tình hình có thể hiểu được nên trẫm sẽ xá miễn cho bọn chúng. Từ lâu người Việt Nam đã tính đến việc bãi bỏ danh hiệu vương quốc để ngăn ngừa những cuộc đấu tranh quyền lực không thể kiểm soát giữa các nhóm thù địch …
Nhận xét: Đây là trích đoạn phán quyết của hoàng đế Gia Tĩnh ban xuống các đại thần như Cừu Loan, Mao Bá Ôn…sau khi xem xét biểu xin hàng của Mạc Đăng Dung (năm 1541).
Nguyên văn:察其降表與國人代陳情有可原姑宥之茲爲交人永圖革去王號毋許稱國庶免亂賊接跡相叛. Phiên âm: sát kỳ hàng biểu dữ quốc nhân đại trần tình hựu khả nguyên cô hựu chi tư vị giao nhân vĩnh đồ cách khứ vương hiệu vô hứa xưng quốc thứ miễn loạn tặc tiếp tích tương bạn.
Hồ Bạch Thảo dịch: Xem biểu xin hàng, cùng người trong nước thay thế trần tình, xin được tha thứ để lo cho dân Giao, xin bỏ tước vương, không gọi là nước để miễn loạn tặc tiếp tục làm phản…(24)
Geoff Wade dịch: On examining his memorial of surrender and the representations from the people of the country, I observe that the actions are excusable and thus I am leniently pardoning them. Also, in accordance with a long-held desire of the Jiao people, the title of king is being abolished and Annam is no longer permitted to refer to itself as a country. This is to avoid having refractory bandits continuing to rebel one after another.(25) Nghĩa: Sau khi xem xét biểu xin hàng (của Mạc Đăng Dung) và những biểu hiện của người dân nước đó, trẫm thấy rằng các hành vi có thể tha thứ được, vì thế trẫm rộng lòng xá miễn. Mặt khác, thể theo nguyện vọng lâu dài của người Giao, vương hiệu bị bãi bỏ và An Nam không còn được tự xem là một nước. Quyết định này nhằm ngăn ngừa bọn loạn tặc cứ mãi theo nhau nổi dậy.
Hãy xét cách chuyển ngữ “Giao nhân 交人” thành “Vietnamese – người Việt Nam” của Baldanza. Kiểu dịch này khá giống với kiểu dịch “Hán nhân” thành “người Kinh” của một số học giả Việt Nam. Về mặt lý, dịch “Giao nhân” thành “người Giao” là thỏa đáng nhất, nó lan tỏa bầu không khí văn hóa – chính trị đặc thù mà cụm từ “người Việt Nam” không truyền đạt nổi. Tại điểm này, có thể phê phán tác giả theo phong cách Liam C. Kelley, người từng chỉ trích kịch liệt việc chuyển “Hán” thành “Kinh”: “the English translation destroys the past” (bản dịch tiếng Anh hủy hoại quá khứ).
Về nội dung dịch thuật, do các dịch giả đã chấm câu văn trong Minh Thực lục theo cách khác nhau nên dẫn đến sự hiểu khác nhau. Khó nói ai đúng ai sai nên chỉ bàn rộng hơn để độc giả thẩm định.
Muốn hiểu hoàng đế Gia Tĩnh nói gì, phải tham chiếu biểu xin hàng của Mạc Đăng Dung được ghi lại trong Minh Thực lục. Qua lời vị chủ tể An Nam thì dân Giao chẳng có kế hoạch dài hạn nào nhằm bãi bỏ vương hiệu và không xưng vương quốc. Đó là ý định của chính người dâng biểu.
Mạc Đăng Dung đã phủ bác ý kiến người dân vốn được tường thuật trong biểu xin hàng, như sau:
Ngày 25 tháng Giêng năm Gia Tĩnh thứ 19 con thần là Doanh chẳng may mất sớm, người trong nước theo tục xưa muốn đưa con trưởng của Phương Doanh là Phúc Hải lên thay thế, để coi sóc dân chúng; thần nghĩ việc trao chức và nhận chức trước kia đã không ổn, nay nếu chiều theo lời xin của dân chúng thì tội càng nặng thêm, không có thể tự gỡ ra được; nên thần và cháu Phúc Hải chỉ biết đợi mệnh triều đình. (26)
Chính vua Mạc buộc dân chúng chấp nhận việc bỏ vương hiệu trong khi dân vẫn muốn theo xưa, tức duy trì quốc gia và niên hiệu:
Tuy tại nước thần các họ Đinh, họ Trần, họ Lê kế tục xưng hiệu và kỷ nguyên, riêng thần đã nghiêm lệnh người trong nước bỏ đi, để đợi mệnh; đâu dám dẫm vào sự sai lầm cũ, để hứng lấy sự trừng phạt của Thiên triều.(27)
Đăng Dung chỉ mong hoàng đế chấp nhận ý nguyện dân Di để họ nhà ông coi sóc việc An Nam, còn cấp bậc của An Nam do Thiên triều định đoạt. Riêng ông đề nghị được nội thuộc, tức muốn An Nam trở thành một đơn vị hành chính của Đại Minh:
Cúi mong Thánh triều thương xót tha tội cho tự đổi mới, đất đai đều là của Thiên triều, chỉ xin được theo ý nguyện của dân Di, tùy nghi mà khu xử; được nội thuộc, mãi mãi xưng Phiên thần; cũng xin được theo lệ phiên thuộc được ban lịch Đại Minh Nhất thống để in ra, truyền bá trong nước cùng phụng sự lịch Chính sóc thì thật là may mắn to lớn.(28)
Hoàng đế nhà Minh đã tha tội cho Mạc Đăng Dung để họ Mạc lãnh đạo dân chúng thực hiện kế hoạch dài hạn nhằm vĩnh viễn biến vương quốc Đại Việt thành An Nam Đô thống Sứ ty. Vậy, có thể dịch lại lời phán của Gia Tĩnh như sau:
Xem xét biểu xin hàng cùng với lời trần tình của người trong nước, trẫm thấy (tội họ Mạc) có thể dung thứ được nên đã rộng lòng miễn thứ, như vậy càng (khiến họ Mạc) giúp được người Giao kiên trì ý định từ bỏ vương hiệu, chẳng cầu xưng quốc; thế may ra tránh được việc loạn tặc tiếp tục thói cũ cùng nhau dấy phản.
Đúng như Baldanza nhận xét, Mạc Đăng Dung là người thắng cuộc trong áp phe xin hàng này. Ba điểm quan trọng nhất ông giành được gồm:
- Họ Mạc vẫn duy trì quyền lực và quyền lợi tại An Nam.
- Nếu họ Lê tiến đánh, đó không còn là việc tranh đoạt vương vị Đại Việt mà là cuộc tấn công vào lãnh thổ Đại Minh.
- Triều đình trung ương có khả năng hỗ trợ ông nhanh chóng, không cần phát minh lý do hợp pháp, vì quân đội có quyền đi đến bất cứ nơi nào bên trong quốc giới.
Vua Mạc đã tính hết việc của người, phần còn lại tựa vào trời. Cộng đồng thất bại nặng nề nhất trong quá trình biến Việt thành Minh của họ Mạc không phải là tập đoàn Lê-Trịnh, vốn kế thừa dòng máu kiêu bạc xem Thiên triều như nhà trẻ, mà là lớp người Việt Nam đầu tiên theo chủ nghĩa dân tộc, trong đó có Trần Trọng Kim.
Mười sáu hạng mục nêu trên vừa đủ để thấy Baldanza có hai điểm yếu chính: thứ nhất, hay nhầm lẫn ngày tháng và rối rắm trước nhân danh hoặc địa danh xa lạ; thứ hai, kỹ năng đọc văn Việt mới và văn Hán xưa chưa đạt chuẩn đủ dùng. Cái yếu trước chứng tỏ Baldanza viết sách phần nào dựa theo ký ức thay vì với tư liệu sẵn sàng trước mắt. Cái yếu sau thể hiện sự thiếu kiên nhẫn nghiền ngẫm đáo để những đoạn văn Hán hoặc Việt trước khi chuyển ngữ chúng để đưa vào sách. Theo thiển ý, một người trình độ sau tiến sĩ không thể vướng hai nhược điểm đó.
Những sai sót lọc ra trên đây nương theo phản xạ của trí nhớ chứ còn xa mới tới mức săm soi toàn bộ khiếm khuyết của quyển sách dựa vào thư khố liên quan. Vì thế chắc chắn vẫn còn điểm sai đâu đó chưa được điểm chỉ. Tuy nhiên, về cơ bản, Baldanza vẫn là nhà nghiên cứu với đầy đủ phẩm giá của danh hiệu này. Bà hồn nhiên lập luận theo cách hiểu chưa thật chuẩn của mình, chứ tuyệt nhiên không tỉa gọt, tái chế hay sáng chế dữ liệu để tạo cơ sở cho lập luận. Do vậy, quyển sách có thể được xếp vào loại “tác phẩm non tay” chứ không đến nỗi thuộc hàng “rác học thuật”.
Thế tại sao Viện Weatherhead East Asia lại trao giải thưởng “Sách đầu tay” cho chuyên khảo này? Chúng tôi nghĩ rằng họ trao giải cho một ngòi bút nhiều triển vọng chứ không phải cho một sản phẩm toàn bích.
Chú thích:
(1) Các ranh giới (borders): Baldanza giải thích “các ranh giới” trong câu “Rather than give a narrative overview of Sino-Viet history in this period, I have used the lives, letters, and poetry of individual scholars, officials, and emperors to guide us through particular moments when the cultural, historical, and political borders of the two countries were negotiated”. Ngoài việc cung cấp một tổng quan mang tính tường thuật về lịch sử Hoa-Việt trong giai đoạn này, tôi còn khai thác cuộc đời, thư tín, thi ca của từng học giả, quan chức, và hoàng đế để dẫn dắt chúng ta xuyên qua những thời khắc đặc biệt khi các ranh giới văn hóa, lịch sử, và chính trị của hai quốc gia được thương thảo.
(2) Nguyen Phuc Anh had recently ascended the throne of the newly established Nguyen dynasty of Vietnam as the Gia Long emperor (r. 1802–1820). Kathlene Baldanza, Ming China and Vietnam: Negotiating Borders in Early Modern Asia, Cambridge University Press (2016), trang 01.
(3) Even after Vietnam achieved independence in the tenth century, taking up the name Dai Co Viet (later shortened to Dai Viet), the two countries maintained close political and cultural relations. Vietnamese scholars drew from the same wellspring of classical culture as their northern counterparts, and like them saw their state as an heir of the Zhou dynasty (1046–256 BCE). Sđd, trang 13.
(4) The Tran ruler Tran Du Tong opposed a foreign army crossing his territory, particularly to launch a military campaign against a Tran ally, the Southern Song. Sđd, trang 18.
(5) In 1518, a charismatic leader, Le Loi, emerged from the southern frontier region of Thanh Hoa. Sđd, trang 69.
(6) Mac Dinh Chi was lauded for his success upon his return to Dai Viet given the nickname “Valedictorian of Two Countries” (luong Quoc trang Nguyen). Sđd trang 46.
(7) In the thirteenth century, an ancestor named Ho Liem immigrated to Thanh Hoa. Ho Liem was adopted by Le Huan, the emperor of Dai Co Viet, and took his surname as his own. Sđd, trang 62.
(8) Sđd, trang 80.
(9) First, Le Loi (speaking through Nguyen Trai) acknowledges and laments the limitations of achieving a just society in wartime, and the difficulty of ending hostilities. Next, he asserts that Dai Viet alone is a “domain of manifest civility.”… Here, Le Loi decenters the Chinese world order by excluding the Ming from the world of manifest civility. Sđd, trang 80, 81.
(10) Sđd, trang 81, 82.
(11) Le Loi’s condemnation of the Ho dynasty and his reminder of the troubles he saved the people from are conventional. His aside about firearms is unusual. He introduces the character xin and uses the fanqie phonetic system to indicate that it is pronounced like the initial sound “xiang” plus the final particle of “jin” – hence “xin” (or, in Vietnamese pronunciation, “han”). He does not explain the significance of this firearm, but goes on to explain that the people were oppressed by the Ming war, which was characterized by the use of deadly gunpowder weapons. The novelty of these weapons is underscored by the need to gloss the pronunciation of the character. Sđd, trang 81, 82.
(12) In 1467, Le Tu Thanh consciously pivoted toward the North, changing the name of the state from Dai Viet to “Thien Nam” (the Heavenly South) to make its links to classical culture and parallel position to the northern “Heavenly Court” more explicit. Sđd, trang 84.
(13) The tenuous balance of power that obtained between Dai Viet and Champa since the tenth century shifted, as Dai Viet troops used their improved firepower to deal Champa what proved to be its death blow in 1471, when it annexed three quarters of Champa’s remaining territory. Sđd, trang 85.
(14) The following year, Mac Dang Dung’s rank was increased to Marquis of Vu Xuyen, and just a year after that to Duke of Minh Quan. Duke was the highest aristocratic rank before prince, which was reserved for members of the royal family. Sđd, trang 88.
(15) The Yi and Di are like birds and beasts, fundamentally lacking human morality. If we regulate them with the laws of the Central Country, none of them would be fitting to take the throne. But if we manage them with the ways of the Yi and Di, then Yuan Hao can be a lord, the unrighteous can be marquis, or even king. Sđd, trang 103.
(16) Minh Thực lục quyển 3, Hồ Bạch Thảo dịch, Nxb Hà Nội (2019), trang 202.
(17) Geoff Wade, translator, Southeast Asia in the Ming Shi-lu: an open access resource, Singapore: Asia Research Institute and the Singapore E-Press, National University of Singapore, https://nus.edu/3NPbzXg.
(18) Kathlene Baldanza, Ming China and Vietnam: Negotiating Borders in Early Modern Asia, Cambridge University Press (2016), trang 104.
(19) Sđd, trang 113.
(20) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn Học (tái bản 2015), trang 300.
(21) Giải thích theo tự điển Macmillan.
(22) The character dong commonly occurs in place names and is the Chinese transliteration of a Tai word meaning “mountain valley” or “level ground between cliffs and beside a stream,” and also similar in pronunciation to the Vietnamese word for “field” (dong). The presence of this word in place names therefore indicates that the original residents were non-Hua. Sđd, trang 122.
(23) Sđd, trang 159.
(24) Minh Thực lục quyển 3, Hồ Bạch Thảo dịch, Nxb Hà Nội (2019), trang 225.
(25) Geoff Wade, translator, Southeast Asia in the Ming Shi-lu: an open access resource, Singapore: Asia Research Institute and the Singapore E-Press, National University of Singapore, https://nus.edu/3m7ecrp.
(26)(27)(28) Minh Thực lục quyển 3, Hồ Bạch Thảo dịch, Nxb Hà Nội (2019), trang 226-227.