Hãy chôn trái tim tôi ở Wounded Knee : Lịch Sử Dân Da Đỏ Miền Tây Hoa Kỳ – Phần 3

1

Đại úy jack, tức Kintpuash, chụp năm 1873.

Bury My Heart at Wounded Knee

Tác giả Dee Brown

Trần Quang Nghĩa dịch

10. Thử Thách của Đại Úy Jack

1873 – Ngày 6 tháng 1, Quốc hội Mỹ bắt đầu điều tra vụ tai tiếng của Tín dụng Mobilier. Ngày 3 tháng 3, Luật “Chiếm đoạt lương bổng” tăng lương cho các nghị viên và các viên chức nhà nước có hiệu lực truy hồi. Ngày 7 tháng 5, Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Panama để bảo vệ mạng sống và tài sản Mỹ. Ngày 15 tháng 9, những đơn vị cuối cùng của Quân đội Đức rời nước Pháp. Ngày 19 tháng 9, sự phá sản của Jay Cooke và Công ty tăng tốc cơn khủng hoảng tài chính. Ngày 20 tháng 9, Sàn Giao dịch Chứng khoán New York đóng cửa 10 ngày; khủng hoảng kinh tế trầm trọng lan tràn khắp quốc gia và thế giới. Cuốn Vòng Quanh Thế Giời trong Tám Mươi Ngày của Jules Verne và Thời Mạ Vàng của Mark Twain được xuất bản.

Tôi chỉ là một con người. Tôi là tiếng nói của dân tộc tôi. Trái tim họ như thế nào, tôi sẽ nói ra dùm họ. Tôi không muốn chiến tranh nữa. Tôi muốn là một con người. Các ông từ khước tôi quyền của một người da trắng. Da tôi màu đỏ; nhưng trái tim tôi chẳng khác trái tim người da trắng; nhưng tôi là người Modoc. Tôi không sợ chết. Tôi sẽ không rơi xuống núi đá. Khi tôi chết, các kẻ thù của tôi sẽ ở bên dưới tôi. Binh lính của các ông tấn công vào tôi khi tôi đang ngủ trên Sông Thất lạc. Họ đánh đuổi chúng tôi đến núi đá này, như một con hưu bị thương. . .

            Từ trước đến giờ tôi luôn bảo người da trắng hãy đến và định cư trong xứ sở tôi; rằng đó là xứ sở của y và của Đại úy Jack. Rằng họ có thể đến và sống ở đó với tôi và rằng tôi không hung dữ với họ. Tôi chưa bao giờ nhận vật gì từ người nào, chỉ mua và trả sòng phẳng. Tôi đã luôn sống như một người da trắng, và muốn sống như thế. Tôi đã luôn cố sống chung hòa bình và chưa hề xin ai điều gì. Tôi đã luôn sống bằng những gì tôi săn được bằng súng của mình, và bắt thú bằng bẫy.

  • KINTPUASH (ĐẠI ÚY JACK) CỦA BỘ TỘC MODOC

 

NHỮNG NGƯỜI DA ĐỎ CALIFORNIA TÍNH NHU HÒA như khí hậu nơi họ sinh sống. Bọn chinh phục Tây Ban Nha đặt tên cho họ, lập xứ đạo cho họ, cải đạo và làm hư đốn họ. Các tổ chức bộ tộc không phát triển trong cộng đồng Da Đỏ California; mỗi làng có thủ lĩnh riêng, nhưng không có những tù trưởng chiến tranh lớn trong số những người hiếu hòa này. Sau khi vàng được phát hiện vào năm 1848, người da trắng từ khắp nơi trên thế giới đổ xô vào California, tước đoạt những gì họ muốn từ những người Da Đỏ dễ bảo này, làm hư đốn những người chưa bị bọn Tây Ban Nha làm hư đốn, và rồi một cách có hệ thống tận diệt toàn bộ dân số từ lâu đã bị quên lãng. Không ai còn nhớ đến bộ tộc Chilula, Chimariko, Urebure, Nipewai, Alona, hoặc một trăm thị tộc khác mà xương cốt họ đã bị nén chặt bên dưới hàng triệu dặm đường xá, chỗ đậu xe, và nhà cửa.

            Một trường hợp đặc biệt của người Da Đỏ không phản kháng ở California là bộ tộc Modoc, sống trong vùng khí hậu khắc nghiệt hơn của Hồ Tule dọc theo biên giới với Oregon. Cho đến những năm 1850, người da trắng không được người Modoc biết tới; rồi thì dân định cư bắt đầu tràn vào, chiếm đoạt những đất đai màu mỡ nhất và mong đợi người Modoc ngoan ngoãn nhượng bộ. Khi người Modoc nổi lên chiến đấu, bọn xâm chiếm da trắng đòi tận diệt họ. Người Modoc đáp trả bằng những trận mai phục.

            Trong thời gian này một thanh niên trẻ Modoc có tên Kintpuash đang đến độ trưởng thành, và anh không thể hiểu tại sao Modoc và người da trắng không thể sống chung với nhau mà không phải cố giết nhau. Xứ Hồ Tule rộng bao la như bầu trời, đông đủ hưu, sơn dương, ngỗng, vịt, cá, và củ camas cho mọi người. Kintpuash trách móc cha vì không tạo dựng hòa bình với người da trắng. Cha anh, một tù trưởng, bảo Kintpuash rằng người da trắng rất trảo trở và phải bị đuổi ra khỏi đây trước khi có thể có hòa bình. Không lâu sau đó tù trưởng bị giết trong một trận đánh với bọn định cư da trắng, và Kintpuash trở thành tù trưởng của bộ tộc Modoc.

            Kintpuash đi vào các khu định cư để tìm người da trắng mà anh có thể tin tưởng, để tạo lập hòa bình với họ. Tại Yreka anh gặp một số người tử tế, và chẳng bao lâu mọi người Modoc đến đó để giao dịch. “Tôi vẫn luôn bảo người da trắng khi họ đến xứ sở tôi,” Kintpuash nói, “là nếu họ muốn cất nhà để sống họ có thể làm thế; và tôi không đòi họ trả tiền giống như dân tôi vậy. Tôi thích có họ đến đây sống. Tôi thích sống chung với người da trắng.” Tù trưởng trẻ tuổi cũng thích quần áo họ mặc, nhà cửa, xe ngựa, và gia súc của họ.

            Người da trắng quanh Yreka đặt cho những vị khách này tên mới, mà người Modoc thấy thích, và họ thường sử dụng tên này giữa họ với nhau. Kintpuash là Đại úy Jack. Một số người khác là Jim Móc Câu, Frank Tàu Hơi nước, Charley Mặt Thẹo, Boston Charley, Bác sĩ Tóc Xoăn . . .

            Trong thời gian Nội Chiến giữa người da trắng, rắc rối giữa người Modoc và dân định cư tăng lên. Nếu người Modoc không thể tìm được hưu để giết thịt cho gia đình họ, đôi khi họ quay ra giết bò của nông trại; hoặc nếu họ cần ngựa họ sẽ mượn một con ở ngoài đồng cỏ của dân định cư. Bạn da trắng của người Modoc thông cảm cho hành động này, coi đó như là “thuế” họ phải nộp cho người Da Đỏ vì sử dụng đất đai của họ, nhưng phần đông người da trắng không thích điều này và qua các chính trị gia họ sắp xếp một hiệp ước để đuổi người Modoc ra khỏi xứ Hồ Tule.

            Các ủy viên soạn hiệp ước hứa với Đại úy Jack và những người cầm đầu khác là nếu họ di dời về phía bắc đến khu dành riêng ở Oregon mỗi gia đình sẽ có đất đai riêng, đàn ngựa, xe ngựa, công cụ làm nông, quần áo, đồ đạc, và lương thực – tất cả đều do nhà nước cung cấp. Đại úy Jack muốn có đất gần Hồ Tule, nhưng các ủy viên không đồng ý. Hơi miễn cưỡng Jack đành phải ký hiệp ước, và người Modoc chuyển về bắc đến khu dành riêng Klamath. Ngay từ đầu đã gặp rắc rối. Khu dành riêng nằm trên lãnh thổ đã thuộc về người Da Đỏ Klamath, và người Klamath đối xử với người Modoc như kẻ đột nhập. Khi người Modoc cắt hàng rào để rào khu trại được phân cho, người Klamath đến và lấy cắp hàng rào. Đồ cung cấp mà chính quyền hứa hẹn không bao giờ đến; các viên quản lý phân phát thức ăn và quần áo cho người Klamath, nhưng hình như không hề cho người Modoc thứ gì cả. (Đại Hội Đồng ở Washington không biểu quyết số tiền dùng để mua đồ cung cấp cho người Modoc.)

            Khi Đại úy jack thấy dân mình sắp chết đói, ông dẫn họ đi khỏi khu dành riêng. Họ đi xuống Thung lũng Sông Thất Lạc, ở đó họ đã từng sống, để tìm kiến thú săn và củ camas. Tuy nhiên, các trại chủ da trắng sống trong thung lũng không muốn thấy người Modoc ở đó, và họ không ngớt phàn nàn với giới chức có thẩm quyền. Đại úy jack nhắc nhở dân mình tránh xa người da trắng, nhưng việc đó không dễ dàng đối với 300 người Da Đỏ muốn được vô hình. Trong mùa hè 1872 Văn phòng Da Đỏ cảnh báo Đại úy Jack phải trở về khu dành riêng Klamath. Jack trả lời rằng dân ông không thể sống với người Klamath. Ông yêu cầu một khu dành riêng cho người Modoc đâu đó trên Sông Thất Lạc, vốn từ lâu là xứ sở của họ. Văn phòng Da Đỏ xem yêu cầu này là điều hợp lý, nhưng các trại chủ chống đối việc nhượng lại một phần đất của đồng cỏ tươi tốt cho người Da Đỏ. Vào mùa thu 1872 chính quyền ra lệnh cho người Modoc trở lại khu Klamath. Jach từ chối. Quân đội được giao phó nhiệm vụ cưỡng chế di dời người Modoc. Vào ngày 28 tháng 11, 1872, dưới cơn mưa lạnh giá, Thiếu tá James Jackson và một đại đội 38 người thuộc Kỵ binh Thứ Nhất tiến ra Đồn Kalmath, hướng về nam đến Sông Thất Lạc.

            Ngay trước rạng đông kỵ binh đến trại Modoc. Họ xuống ngựa và với khẩu các-bin sẵn sàng nhả đạn, họ bao vây khu trại. Charley Mặt Thẹo và một số người khác cầm vũ khi tiến ra ngoài. Thiếu tá Jackson xin được gặp tù trưởng, và khi Jack xuất hiện thiếu tá bảo ông y được lệnh từ Vị Cha Lớn phải dẫn người Modoc trở lại khu dành riêng Klamath.

            “Tôi sẽ đi,” Đại úy Jack nói. “Tôi sẽ dẫn theo tất cả dân tôi, nhưng tôi không tin tưởng vào bất cứ điều gì mà người da trắng các ông nói với tôi. Ông thấy đó, ông đến trại tôi khi trời còn tối. Việc đó làm tôi và dân tôi đều sợ hãi. Tôi không chạy trốn ông. Hãy đến với tôi như những người đàn ông khi ông muốn gặp hoặc nói chuyện với tôi.

            Thiếu tá Jackson nói y không đến đó để gây rắc rối. Rồi y ra lệnh cho Jack tập họp người của ông trước binh lính. Ngay khi việc này làm xong, thiếu tá chỉ đến một bụi cây gai ở cuối đội hình. “Bỏ súng ống của các ông xuống đó,” y ra lệnh.

            “Để làm gì?” Jack gặn hỏi.

            “Ông là tù trưởng. Ông bỏ súng xuống trước, rồi mọi người sẽ làm theo. Như thế thì sẽ không có rắc rối.”

            Đại úy Jack do dự. Ông biết rằng người mình không chịu buông súng. “Tôi chưa hề đánh nhau với người da trắng,” ông nói, “và tôi cũng không muốn thế.”

            Thiếu tá khăng khăng là họ phải buông vũ khí. “Tôi sẽ không để ai gây hại cho ông,” y hứa.

            Đại úy Jack đặt súng mình xuống đất cạnh bụi cây gai và ra dấu cho những người khác làm theo. Họ bước lên từng người một, chất đống các súng trường. Charley Mặt Thẹo là người cuối cùng. Ông đặt súng của mình ở phía trên đống vũ khí, nhưng vẫn để lại khẩu súng lục vắt bên sườn.

            Thiếu tá ra lệnh nộp đến súng lục.

            “Ông đã lấy súng tôi rồi mà,” Mặt Thẹo trả lời.

            Thiếu tá gọi Trung úy Frazier Bouteille: “Tước vũ khí anh ta!”

            “Đưa khẩu súng đây, mau lên, thằng chết tiệt!” Bouteille quát lên và bước về phía trước.

            Mặt Thẹo cười lớn. Ông nói mình không phải là chó sao lại quát mắng.

            Bouteille rút súng lục ra. “Đồ chó đẻ, tao sẽ cho mày biết thế nào là lễ độ.”

            Mặt Thẹo lặp lại là mình không phải là chó, và nói thêm là mình muốn giữ lại khẩu súng.

            Khi Bouteille giơ súng lên trong tư thế sắp bắn, Mặt Thẹo nhanh như chớp rút khẩu súng lục từ thắt lưng. Cả hai nổ súng cùng một lúc. Viên đạn của Modoc xé toạc tay áo của tên trung úy. Mặt Thẹo không trúng đạn. Ông lao về phía đống vũ khí và chộp lấy súng trường của mình nằm ở trên cùng, và mọi chiến binh Modoc đều nhào tới làm theo ông. Chỉ huy kỵ binh ra lệnh binh lính khai hỏa. Trong một vài giây sau đó tiếng súng thi nhau nổ, và rồi binh lính rút lui, để lại một người chết và 7 người bị thương trên trận địa.

            Lúc này các phụ nữ và trẻ con Modoc đang ở trong thuyền độc mộc, chèo về hướng nam đến Hồ Tule. Đại úy Jack và các chiến binh đi theo dọc dòng sông, ẩn nấp trong những bụi sậy dày đặc. Họ đang hướng về chỗ ẩn nấp huyền thoại của người Modoc phía nam hồ – các Bãi Dung nham California.

             Bãi Dung nham là một bãi đá tan chảy do núi lửa phun biến thành các khe nứt, hang động. Một số khe sâu đến hàng trăm bộ. Hang động mà Đại úy Jack chọn làm căn cứ được bao quanh bởi một mạng lưới giao thông hào tự nhiên và công sự bằng Dung nham. Ông biết rằng số chiến binh nhỏ nhoi của mình có thể đẩy lùi một đạo quân nếu cần, nhưng ông hi vọng binh lính sẽ để yên họ lúc này. Chắc hẳn người da trắng không muốn chiếm vùng đá vô vụng này làm gì.

            Khi Thiếu tá Jackson đến trại của Đại úy Jack, một toán nhỏ Modoc dẫn đầu là Jim Móc Câu đang hạ trại bên bờ đối diện của Sông Thất Lạc. Trong những giờ đầu tiên của buổi sáng trong khi Đại úy Jack đang dong ruổi với người của mình đến Bãi Dung nham, ông có nghe tiếng súng nổ vọng từ hướng trại của Jim Móc Câu. “Tôi chạy đi và không muốn chiến đấu,” ông nói sau đó. “Họ bắn một số phụ nữ, và đàn ông. Tôi không ngừng thắc mắc về điều này, nhưng bỏ đi khỏi chỗ đó. Tôi có ít người và không muốn đánh nhau.”

            Ba ngày sau ông mới biết tin chuyện gì xảy ra với người của Jim Móc Câu. Rồi thình lình Jim Móc Câu xuất hiện bên ngoài căn cứ của Jack. Đi với ông là Bác sĩ Tóc Quăn, Boston Charley, và 11 chiến binh Modoc. Họ bảo với Jack là lúc binh lính đến trại của ông, một vài dân định cư đi theo và bắt đầu bắn hạ họ. Bọn da trắng này bắn chết một hài nhi còn trong vòng tay mẹ, giết một bà già, và làm bị thương vài người đàn ông. Trên đường đến Bãi Dung nham, Móc Câu và người của mình quyết tâm trả thù cho cái chết của những người vô tội. Dừng chân ngắn ngủi tại một trang trại biệt lập dọc theo đường, họ đã tàn sát 12 dân định cư ở đó.

            Lúc đầu Jack nghĩ Jim Móc Câu chỉ nói khoác, nhưng những người đồng hành nói việc đó là có thật. Khi họ kể tên các người da trắng xấu số, Jack không thể tin vào tai mình. Một số trong đó là những dân định cư ông quen biết và tin cậy. “Các anh giết những người đó vì cớ gì?” ông hạch hỏi. “Tôi không hề muốn các anh giết những người bạn của tôi. Các anh phải chịu mọi trách nhiệm về việc làm của mình.”

            Đại úy Jack giờ biết chắc chắn là thế nào binh lính cũng tràn đến, cho dù phải vào Bãi Dung nham rộng lớn họ cũng sẽ đến để trả thù. Và vì ông là tù trưởng Modoc ông phải trả lời cho những tội ác mà họ gây ra.

            Đến Mùa Trăng BăngTuyết thì bọn lính đến thật. Vào ngày 13/1/1873, người Modoc án ngữ vòng phòng vệ ngoài cùng nhìn thấy toán trinh sát Áo xanh đang tiến gần một dốc đứng nhìn qua Bãi Dung nham. Người Modoc đuổi chúng đi bằng vài phát súng tầm xa. Ba ngày sau một lực lượng gồm 225 lính chính qui yễm trợ bởi 104 Quân Tình nguyện Oregon và California cưỡi ngựa tiến đến như những bóng ma qua làn sương mù của một chiều mùa đông. Họ chiếm vị trí dọc theo sườn núi đối diện với căn cứ của Đại úy Jack, và khi bóng tối buông xuống họ bắt đầu đốt lửa để sưởi ấm. Các chỉ huy hi vọng rằng nếu người Modoc mục kích lực lượng hùng hậu của họ đang dàn ra, người Da Đỏ sẽ đi ra đầu hàng.

            Đại úy Jack thiên về giải pháp đầu hàng. Ông biết rằng binh lính trên hết là muốn bắt những người Modoc đã sát hại dân định cư, và ông muốn nộp mạng sống của mình và của những người phạm tội vào tay các xếp lính hơn là hi sinh mạng sống của tất cả người dân trong một trận chiến đẫm máu.

            Jim Móc Câu, bác sĩ Tóc Quăn, và những người tham gia sát hại chống đối việc đầu hàng, và họ bắt Jack họp hội đồng để biểu quyết hành động. Trong số 51 chiến binh trong căn cứ, chỉ có 14 muốn đầu hàng. Số còn lại muốn chiến đấu đến chết.

            Trước khi trời sáng vào ngày thứ 17, họ có thể nghe tiếng kèn lính vang vọng dọc khắp Bãi Dung nham phủ kín sương mù. Không lâu sau đó, các súng cối vang rền báo hiệu cuộc tấn công của Áo xanh bắt đầu. Người Modoc đã sẵn sàng chờ đón họ. Ngụy trang  bằng lá cây gai đội đầu, họ di chuyển vào ra các khe nứt, hạ từng tên lính một trong tuyến chạm trán đầu tiên.

            Vào giữa trưa các binh lính phân tán mỏng ra hơn một dặm, đường liên lạc của họ bị đứt gãy vì sương mù và địa hình. Khi ẩn khi hiện, chạy tới chạy lui liên tục, các chiến binh Modoc khiến kẻ thù tưởng quân số họ rất đông. Khi một đại đội binh lính tiến sát đến căn cứ, người Modoc tập trung hỏa lực vào chúng, các phụ nữ  cũng tham gia trận đánh. Khi chiều đến, Jack và Ellen Man mở cuộc tấn công khiến bọn lính tháo chạy, bỏ lại những người bị thương nằm trên trận địa.

            Ngay trước hoàng hôn sương mù tan hết, và người Modoc có thể trông thấy binh lính đã rút lui về trại của họ ở trên sườn núi. Các chiến binh tiến ra trận địa nơi các lính Áo xanh nằm chết. Họ thu gom được 9 súng các-bin và 6 dây nịt đạn. Ở xa hơn họ còn tịch thu được nhiều quân nhu và khẩu phần lương thực mà bọn lính đã bỏ lại khi rút lui.

            Khi bóng đêm buông xuống người Modoc đốt một lửa trại thật lớn và ăn mừng thắng lợi. Không có ai bị giết trong trận đánh, và không ai bị thương nặng. Họ đã tịch thu được số vũ khí và đạn dược để chiến đấu thêm một ngày nữa. Sáng hôm sau họ đã sẵn sàng nghênh đón các binh lính, nhưng chỉ có một nhúm nhỏ đến và mang cờ trắng. Họ muốn thu gom người chết. Trước khi hết ngày tất cả binh lính đều rút khỏi sườn núi.

            Tin rằng bọn Áo xanh sẽ trở lại, Đại úy Jack phái các thám báo ra xa để theo dõi chúng. Nhưng hết ngày này đến ngày khác không thấy chúng trở lại. (“Chúng tôi đã đánh bật bọn Da Đỏ qua Bãi Dung nham và tiến vào căn cứ của chúng,” tên chỉ huy của lực lượng tham chiến nói, “đặt ở trung tâm giữa hàng dặm khe nứt, hang động, hẽm núi đá, vực sâu . . . Phải cần 1,000 người mới có thể đánh bật chúng ra khỏi cứ điểm gần như là bất khả xâm phạm, và việc này phải tiến hành thận trọng, sử dụng tối đa khẩu đội súng cối . . . Xin gởi cho tôi 3000 bộ binh càng sớm càng tốt.”

            Vào ngày 28 tháng 2, em họ Đại úy Jack, Winema, đến Bãi Dung nham. Winema kết hôn với người da trắng tên Fank Riddle, và ông cùng ba người da trắng khác tháp tùng cô. Họ từng có thời gian thân thiết với người Modoc khi ở Yreka. Winema là một thiếu nữ bầu bĩnh, năng động, vui vẻ giờ có tên là Toby Riddle. Cô đã chấp nhận cách sống của chồng mình, nhưng Jack tin cậy cô. Cô bảo với ông là mình dẫn theo những người da trắng để bàn việc với ông, và họ dự định qua đêm tại căn cứ để chứng tỏ tình thân. Jack bảo đảm với cô là họ sẽ được tiếp đón tử tế và không có bất cứ rủi ro nào xảy ra với họ.

            Trong buổi họp tiếp sau, người da trắng giải thích vị Cha Lớn ở Washington đã phái một số ủy viên đến bàn chuyện hòa bình. Vị Cha Lớn hi vọng sẽ tránh được chiến tranh với người Modoc, và ông muốn người Modoc đến và nói chuyện với các ủy viên để họ có thể tìm ra con đường đến hòa bình. Các ủy viên đang đợi họ ở trang trại Fairchild không xa Bãi Dung nham lắm.

            Khi người Modoc đặt câu hỏi việc gì sẽ xảy ra với băng nhóm của Jim Móc Câu vì tội đã giết các dân định cư Oregon, họ được cho biết nếu họ đầu hàng như những tù binh họ sẽ không bị đưa ra xét xử theo luật Oregon. Thay vào đó họ sẽ được đem đi xa và sống trong một khu dành riêng tại một nơi ấm áp – Lãnh địa Da Đỏ tức Arizona.

            “Trở lại và nói với các ủy viên,” Jack trả lời, “rằng tôi muốn nghe họ trong hội đồng và xem họ gởi đến  gì  cho tôi và dân tôi. Bảo họ đến gặp tôi, hoặc nhắn tôi đến. Tôi sẽ đi và gặp họ nếu họ bảo vệ tôi khỏi kẻ thù trong lúc tôi dự họp.”

            Sáng hôm sau các vị khách ra đi, Winema hứa sẽ thông báo với Jack thời gian và địa điểm của cuộc họp nếu có. Cùng ngày đó Jim Móc Câu và đồng bọn chuồn đi đến trang trại Fairchild, tìm gặp các ủy viên, và tuyên bố mình muốn đầu hàng với tư cách là tù binh.

            Các thành viên của ủy ban hòa bình là Afred B. Meacham, từng là cán bộ quản lí người Modoc ở Oregon; Eleazar Thomas, một mục sư ở California; và L. S. Dyar, một phó quản lí của khu dành riêng Klamath. Theo dõi các hoạt động của họ là chỉ huy đội quân đóng ở bên ngoài Bãi Dung nham, Tướng Edward R. S. Canby – chính vị tướng Canby với biệt hiệu Xếp Đại bàng đã đánh nhau và làm hòa với người Navaho của Manuelito 12 năm trước ở New Mexico. (Xem Chương 2.)

            Khi người của Jim Móc Câu đến tổng hành dinh của Canby với thông tin đầu hàng bất ngờ, vị tướng quá đổi vui mừng đến nỗi ông đánh một điện tín khẩn đến Chiến binh Lớn Sherman ở Washington, báo cáo là cuộc chiến với người Modoc đã kết thúc và yêu cầu chỉ thị cho biết thời gian và địa điểm giải các tù binh của ông.

            Trong sự hồ hỡi Canby quên không câu lưu Jim Móc Câu và tám bộ hạ của ông. Người Modoc lang thang ra khỏi trại lính và quan sát kỹ hơn binh lính được giao nhiệm vụ bảo vệ họ khỏi sự quấy nhiễu của các công dân Oregon. Trong một cuộc đi rảo, họ tình cờ gặp một công dân Oregon. Người này nhận ra họ và đe dọa cho người bắt họ vì tội sát hại dân định cư ở Sông Thất lạc. Thống đốc Oregon sẽ bắt họ trả nợ máu, y nói, và ngay khi thống đốc tóm được gáy họ luật pháp sẽ treo cổ họ.

            Nghe thế, Jim Móc Câu và đồng bọn lập tức lên ngựa và sảy nhanh như có thể về Bãi Dung nham. Họ báo với Đại úy Jack đừng đi đến trang trại Fairchild để gặp các ủy viên; chúng chỉ bày mưu họp hội đồng để giăng bẫy bắt người Modoc và giải về Oregon treo cổ.

            Vài ngày sau, khi Winema và Frank Riddle đến cùng với những người đưa tin, sự ngờ vực của phe Jim Móc Câu chứng tỏ là đúng đối với họ. Áp lực chính trị từ Oregon bắt buộc Tướng Canby và các ủy viên rút lại sự khoan hồng đối với băng nhóm Jim Móc Câu. Tuy nhiên, Đại úy Jack và những người Modoc còn lại được tự do đến và đầu hàng dưới sự bảo đảm an toàn.

            Giờ thì Đại úy Jack mắc kẹt trong một tình thế khó xử. Nếu ông bỏ rơi người của Jim Móc Câu, ông có thể cứu người của mình. Nhưng Jim Móc Câu đã đến nhờ ông bảo vệ dưới danh nghĩa một tù trưởng của người Modoc.

            Vào ngày 6 tháng 3, với sự giúp đỡ của em gái Mary, Jack viết một bức thư cho các ủy viên, và cô giao thư cho họ ở trang trại Fairchild. “Hãy để mọi thứ được quét sạch, rửa sạch, và hãy ngưng đổ máu thêm nữa,” ông viết. “Tôi rất bất mãn với bọn sát nhân này. Tôi chỉ có ít người nên không có cách nào để giao nộp chúng. Họ có giao nộp người của họ đã phạm tội giết người của tôi không? Tôi không bao giờ đòi nộp những kẻ đã giết người của mình. . . Tôi có thể thấy tự nhiên khi nộp ngựa của tôi để xử treo cổ, và sẽ không than khóc về việc đó, nhưng nếu tôi giao nộp người của mình tôi chắc sẽ than khóc về việc đó.”

            Canby và các ủy viên, tuy nhiên, vẫn còn muốn gặp Đại úy Jack và thuyết phục ông là cuộc chiến vì dân ông sẽ tồi tệ hơn là giao nộp bọn sát nhân. Thậm chí Chiến binh Lớn Sherman còn khuyên Canby sử dụng binh lính chống người Modoc để “không cần lập khu dành riêng mới cho họ trừ ra những nấm mồ trên vùng Bãi Dung nham mà họ chọn,” vị tướng vẫn tỏ ra nhẫn nại.

            Vào ngày 21 tháng 3 Đại úy Jack và Charley Mặt Thẹo trông thấy Canby và một toán kỵ binh hộ tống đang phi ngựa xuống sườn núi nhìn qua căn cứ của ông. Jack không biết làm sao trước sự tiếp cận táo bạo này. Ông dàn quân trong bãi đá, và theo dõi một bóng người đơn độc cưỡi ngựa đến tách khỏi toán hộ tống. Người đó là bác sĩ quân y, và anh đề nghị một cuộc họp không chính thức giữa Tướng Canby và Đại úy Jack. Một vài phút sau đó họ trao đổi với nhau. Canby bảo đảm với Jack là nếu ông dẫn người của mình ra khỏi Bãi Dung nham họ sẽ được đối xử tử tế; họ sẽ được chu cấp thức ăn, quần áo, và nhiều quà cáp. Jack trả lời bằng cách hỏi Canby tại sao ông không mang theo một ít quà tặng nếu ông có quá nhiều thứ cho người Modoc. Ông cũng hỏi Canby tại sao y không đem binh sĩ đi khỏi; tất cả những gì người Modoc muốn là được để yên, ông nói.

            Trong cuộc trao đổi ngắn ngủi này Jack lẫn Canby đều không đề cập đến băng nhóm của Jim Móc Câu và vụ sát hại tai tiếng. Jack cũng không hứa hẹn gì; ông muốn đợi xem Canby tiếp theo sẽ làm gì.

            Việc Canby làm tiếp theo là đưa thêm binh lính và dàn quân trên phía đối diện căn cứ người Modoc. Các đại đội Kỵ binh Thứ nhất và Bộ binh Thứ 21, được Pháo binh Thứ 4 yễm trợ, giờ sẵn sàng cho một trận giáng trả.

            Vào ngày 2 tháng 4 Đại úy Jack gởi một thông điệp đến các ủy viên. Ông muốn gặp họ giữa đường giữa trại lính gần nhất và căn cứ của ông. Cùng ngày Canby, Meacham, Thomas, và Dyar, cùng với Winema và Frank Riddle, cưỡi ngựa đến một bãi đá phía dưới trại lính trên dốc đứng. Jack, Jim Móc Câu, và vài người Modoc đang đợi họ ở đó; họ đã mang theo các phụ nữ như một dấu hiệu của hòa hiếu. Mặc dù Jack tiếp đón Meacham như một người bạn cũ, ông nói có phần chua chát với Canby, hỏi tại sao y đem quân áp sát cả hai bên căn cứ Modoc.

            Canby cố tránh né bằng cách đáp là vì y muốn họ gặp nhau thuận tiện hơn, và rằng y muốn cảm thấy an toàn. Jack không chấp nhận cách lý giải của Canby; ông yêu cầu binh lính rút ra khỏi Bãi Dung nham và về nhà. Và rồi ông nêu lên vấn đề nhạy cảm về băng nhóm của Jim Móc Câu. Sẽ không cần bàn bạc gì thêm về vấn đề đầu hàng, Jack nói, trừ phi những người của Jim Móc Câu được đối xử như những người Modoc khác. Canby trả lời rằng Quân đội sẽ quyết định biện pháp đối với họ; ông ta không thể hứa hẹn việc khoan hồng cho những kẻ sát nhân.

            Trong khi họ đang nói chuyện, mây đen vần vũ trên bầu trời Bãi Dung nham, và cơn mưa lạnh giá bắt đầu đổ xuống. Canby nói không thể bàn bạc ngoài mưa. “Các ông ăn mặc đàng hoàng hơn chúng tôi,” Jack trả lời châm biếm, “và tôi sẽ không tan chảy như tuyết đâu.” Canby không để ý đến lời nhận xét của Jack, nói rằng ông ta sẽ dựng lều cho buổi họp sau.

            Sáng hôm sau Canby ra lệnh một số binh lính đến dựng lều họp. Họ không dựng ngay vị trí hôm qua, mà chọn một nơi từ đó nhìn rất rõ trại lính và dàn pháo khủng khiếp của họ.

            Hai ngày sau Jack gởi một thông điệp đến Alfred Meacham, nói rằng ông muốn gặp y và người bạn già, John Fairchild, chủ sở hữu trang trại gần đó. Jack ra điều kiện là không được mang Tướng Canby hoặc Mục sư Thomas. Meacham và Fairchild khó hiểu trước yêu cầu này, nhưng vẫn đi ra ngoài đến lều họp cùng với Winema và Frank Riddle. Người Modoc đang đợi, và Jack đón tiếp họ một cách thân tình. Ông giải thích là ông không tin cậy Canby, vì y mặc quân phục xanh và nói qua nhiều về tình thân hữu đối với người Da Đỏ, nhưng những lời nói ấy không mấy trung thực, vì y cứ đem binh lính áp sát Bãi Dung nham. Về phần Mục sư Thomas, y là một “thầy mo chủ nhật,” và pháp thuật của y chống lại tín ngưỡng của người Modoc. “Giờ chúng ta có thể nói chuyện,” Jack nói. “Tôi quen anh và Fairchild. Tôi biết rõ lòng các anh.” Ông nói tiếp, giải thích binh lính đã cưỡng chế họ ra khỏi Sông Thất lạc ra sao, giờ phải trú ẩn tại Bãi Dung nham. “Cho tôi một ngôi nhà trên Sông Thất lạc,” ông cầu xin. “Tôi có thể chăm sóc dân tôi. Tôi không cần được giúp đỡ. Chúng tôi tự có thể kiếm sống cho mình. Hãy cho chúng tôi cơ hội giống như những người khác.”

            Meacham chỉ ra rằng Sông Thất lạc nằm trong bang Oregon, ở đó người Modoc đã vấy máu người định cư da trắng. “Máu sẽ luôn luôn là vấn đề giữa anh và người da trắng,” ủy viên tuyên bố.

            Jack ngồi im lặng vài phút. “Tôi đã nghe những lời anh nói,” ông nói. “Cho tôi Bãi Dung nham này làm nhà. Tôi có thể sống ở đây; mang binh lính đi, và chúng tôi có thể giải quyết mọi chuyện. Không ai đói hoài tới những núi đá này; cho tôi làm nhà ở đây.”

            Meacham trả lời rằng người Modoc có thể sống hòa bình ở Bãi Dung nham trừ khi họ giao nộp những kẻ phạm tội sát nhân ở Sông Thất lạc. Họ sẽ được đối xử công bằng, ông ta hứa, trong một phiên tòa.

            “Ai sẽ xử án họ?” Jack hỏi. “Người da trắng hay người Da Đỏ?”

            “Người da trắng, tất nhiên,” Meacham nhìn nhận.

            “Thế thì các anh có nộp những người da trắng đã tàn sát những đàn bà và trẻ con da đỏ trên Sông Thất lạc, để được người Modoc xử án không?”

            Meacham lắc đầu. “Luật lệ của người Modoc đã chết; giờ luật lệ của người da trắng cai trị xứ sở này; tại một thời điểm chỉ có một thứ luật lệ.”

            “Các anh có xử những người bắn vào dân tôi không?” Jack hỏi. “Bằng luật lệ riêng của các anh à?”

            Meacham biết và Đại úy Jack biết là việc này không thể thi hành. “Luật lệ của người da trắng cai trị đất nước,” vị ủy viên lặp lại. “Luật lệ của người Da Đỏ đã chết.”

            “Luật lệ của người da trắng thì tốt cho người da trắng,” Jack nói, “nhưng luật lệ ấy làm ra không đếm xỉa đến người Da Đỏ. Không, bạn ơi, tôi không thể giao nộp những chiến binh trẻ để bị treo cổ. Tôi biết họ làm sai – máu họ xấu xa. . .  Nhưng họ không khơi mào, người da trắng khơi mào trước. . . Không, tôi không thể giao nộp người của mình; mang binh lính đi đi, và mọi rắc rối sẽ hết.”

            “Binh lính không thể đi,” Meacham trả lời, “trong khi anh còn ở lại Bãi Dung nham.”

            Nắm lấy cánh tay Meacham, Jack hỏi thiết tha: “Hãy bảo tôi biết, bạn của tôi, tôi phải làm gì bây giờ? Tôi không muốn đánh nhau.”

            “Con đường duy nhất đến hòa bình là ra khỏi vùng núi đá,” Meacham bảo anh cộc lốc. “Không thể có hòa bình nếu anh cứ nán lại ở đây.”

            “Anh kêu tôi bước ra và đặt mình vào tay các anh,” Jack kêu lên. “Tôi không thể làm như vậy được. Tôi sợ – không, tôi không sợ, nhưng dân tôi sợ. . . Tôi là tiếng nói của dân tôi. .  Tôi là người Modoc. Tôi không sợ chết. Tôi có thể cho ông ta [Canby] thấy một người Modoc sẽ chết như thế nào.”

            Cả hai biết rằng không còn có gì để nói thêm nữa. Meacham mời Jack trở lại trại lính cùng với ông và tiếp tục bàn bạc với Tướng Canby và các ủy viên khác, nhưng Jack từ chối. Ông nói rằng trước tiên ông phải bàn luận với người của ông, và sẽ tin cho các ủy viên nếu cần phải bàn bạc tiếp.

            Khi Meacham thông báo với Tướng Canby là Đại úy Jack không bao giờ giao nộp băng nhóm Jim Móc Câu và do đó sẽ không ra khỏi căn cứ Bãi Dung nham nếu không có đánh nhau, Canby quyết định cho phép người Modoc nào muốn bỏ đi một cơ hội để làm như thế. Hôm sau ông phái Winema thông báo với Jack là ai trong số dân ông muốn đầu hàng có thể đi theo cô.

            Trong khi Winema đợi, Đại úy Jack họp hội đồng. Chỉ có 11 người Modoc đồng ý chấp nhận đề nghị của Canby. Phần đông đều lớn tiếng phản đối đầu hàng, kết tội Canby và các ủy viên đang bày mưu tráo trở. Buổi họp kết thúc với lời đe dọa của băng nhóm Jim Móc Câu sẽ giết bất kỳ người Modoc nào đi đầu hàng.

            Chiều đó, khi Winema cưỡi ngựa trở lại trại lính, một thanh niên Modoc tên Weuim có bà con với Winema dừng cô lại trên đường. Y cảnh báo cô không nên trở lại căn cứ Modoc lần nữa, và người da trắng đừng hội họp với dân y nữa. Đám bộ hạ của Jim Móc Câu đang lên kế hoạch tàn sát bất kỳ ai chống đối họ, Weuim nói. Winema trở lại trại lính, nhưng cô sợ nên chỉ báo cho chồng biết tin ấy. Frank Riddle, tuy nhiên, ngay lập tức báo cho các ủy viên về việc này. Nhưng họ chỉ cho đó là lời nói trong một cơn nóng giận.

            Tuy nhiên, tại Bãi Dung nham, những lời nói căm hận trút lên bọn ủy viên da trắng bùng lên. Vào đêm 7 tháng 4, Jim và đồng bọn quyết định lật tẩy với tù trưởng của họ. Một số trong họ nghi ngờ Jack chuẩn bị phản bội họ.

            Schonchin John mở đầu cuộc họp với những lời cay chua: “Tôi đã bị người da trắng giăng bẫy và lường gạt nhiều lần. Tôi không muốn bị lừa lần nữa.” Y kết án các ủy viên hòa bình về tội lật lọng, về tội câu giờ chờ Quân đội mang binh lính và súng đến nhiều hơn. “Khi chúng thấy đã có đủ người, chúng sẽ vồ lấy chúng ta và giết sạch không còn một móng.”

            Tới Jim Đen nói: “Tôi không muốn làm chim mồi để bị binh lính bắn như một con chó. Tôi sẽ giết chúng trước khi chúng giết tôi.” Rồi y hô hào tàn sát các ủy viên hòa bình tại buổi họp sau với họ.

            Khi Đại úy Jack thấy buổi họp đã đi quá xa, ông cố thuyết phục các người phát biểu là họ đã sai. Ông yêu cầu thêm thời gian để bàn bạc với các ủy viên, và cố cứu sống băng nhóm Móc Câu cũng như được một vùng đất tốt hơn làm khu dành riêng. “Tôi chỉ yêu cầu các anh một điều là hành xử đúng mực và chờ đợi.”

            Jim Đen kết tội Jack là mù quáng. “Bộ anh không thấy binh lính cứ hai hay ba ngày là đến hay sao? Bộ anh không biết những tên cuối cùng đều mang các súng lớn bắn ra những viên đan to như đầu anh hay sao? Các ủy viên dự tính làm hòa với anh bằng cách bắn bay đầu anh bằng súng lớn của chúng.” Những người khác đồng tình với phát biểu của Jim Đen và khi Jack một lần nữa cố biện bác với họ, họ quát ông im: “Lời anh nói không tốt! Chúng ta tiêu rồi. Chúng ta hãy đánh để được chết sớm hơn. Chúng ta dù gì cũng chết.”

            Biết là nói thêm cũng vô ích, Jack bỏ buổi họp bước ra, nhưng Jim Đen đã ngăn lại. “Nếu anh là tù trưởng chúng tôi, hãy hứa là anh sẽ giết Canby lần sau khi gặp hắn.”

            “Tôi không thể và tôi không làm như vậy.”

            Jim Móc Câu, tự nảy giờ chỉ im lặng lắng nghe, giờ bước đến bên tù trưởng của mình. “Anh phải giết Canby hoặc bị giết chết. Anh phải giết hoặc bị giết bởi người của mình.”

            Jack biết đây là một thách thức cho quyền thủ lĩnh của mình, nhưng anh nén giận. “Tại sao anh ép buộc tôi hành động như một tên hèn nhát?”

            “Đó không phải là hành động của một tên hèn nhát,” Móc Câu bẽ lại. “Đó là hành động dũng cảm khi dám giết Canby trước sự hiện diện của tất cả bọn binh lính.”

            Từ chối không hứa hẹn điều gì, một lần nữa Jack định bước ra ngoài thì một vài đồng bọn của Jim Móc Câu ném khăn và quần áo phụ nữ lên vai ông, đùa cợt: “Anh là đồ đàn bà, đàn bà thỏ đế. Anh không phải người Modoc. Chúng tôi tẩy chai anh.”

            Để cứu lấy quyền lực mình, để tranh thủ thời gian, Jack biết rằng mình phải nói. “Được, tôi sẽ giết Canby,” ông nói. Ông đẩy bọn chúng ra và một mình bước đến hang động.

            Ngày hôm sau Winema không đến với người đưa tin nào và cả ngày sau nữa, và vì thế Boston Charley, người có thể nói và hiểu tiếng Anh, được phái tới để báo cho Tướng Canby biết rằng người Modoc muốn bàn bạc với ông và các ủy viên vào sáng thứ sáu, ngày 11/4. Người Modoc sẽ đến lều họp không mang vũ khí, Boaton Charley bảo Canby, và họ hi vọng các ủy viên cũng đến không mang theo vũ khí.

            Vào sáng ngày 10 tháng 4, Jack gọi người của ông ra khỏi hang động. Một ngày mùa xuân, mặt trời nhanh chóng phá tan lớp sương mù. “Tim tôi nói với tôi rằng tôi nên nói chuyện với mây và gió,” ông nói, “nhưng tôi muốn nói cuộc sống thì ngọt ngào, tình yêu thì mạnh mẽ; con người phải chiến đấu để cứu lấy đời mình; con người cũng phải giết để chiến thắng khao khát của trái tim mình; đó là tình yêu. Cái chết là điều vô cùng xấu xa. Cái chết sẽ đến với chúng ta sớm sủa.“ Ông bảo với những người đang lắng nghe ông nói là nếu đánh nhau lần nữa, tất cả sẽ chết hết, kể cả đàn bà và trẻ con của mình. Nếu phải chiến đấu, hãy để binh lính ra tay trước. Ông nhắc nhở họ là ông đã hứa với các ủy viên là không  gây hành động chiến tranh nào trong khi hội đồng hòa bình đang diễn tiến. “Hãy cho tôi chứng tỏ với thế giới là Đại úy Jack là một con người biết giữ lời,” ông khẩn khoản. Rồi ông đề cập đến lời hứa của mình là phải giết Tướng Canby. “Đừng ép tôi phải giữ lời. Nếu các người bắt tôi phải giữ lời trong lúc tôi nói trong cơn thịnh nộ, thì chúng ta tiêu đời. Jim Móc Câu, anh biết điều đó cũng như tôi mà.”

            “Chúng tôi bắt anh phải giữ lời,” Móc Câu trả lời. “Anh phải giết Canby. Anh nói rất hay, nhưng giờ đã quá trễ để đặt điều.”

            Jack nhìn khắp 50 người ngồi chung quanh ông trên tảng đá. Ánh nắng chiếu sáng trên gương mặt đen đúa của họ. “Ai muốn tôi giết Canby,” ông nói, “hãy đứng dậy.” Chỉ khoảng chục người thuộc hạ thân tìn của ông ngồi yên.

            “Tôi thấy là các người không yêu quí cuộc sống hay bất cứ thứ gì khác.” Giọng nói ông trầm xuống khi ông nắm bắt một giải pháp khác. Trong hội đồng với Canby, ông nói, ông sẽ nói với vị tướng những gì người Modoc mong muốn. “Tôi sẽ hỏi ông ấy nhiều lần. Nếu ông đồng ý với điều kiện của tôi tôi sẽ không giết ông ta. Các ngươi có nghe không?”

            “Có,” mọi người đều đáp.

            “Đồng ý phải không?”

            “Vâng,” họ đồng ý.

            Giờ chỉ còn những lời nói của Canby là có thể ngăn được vụ sát hại.

            Thứ sáu tốt lành, 1873, bắt đầu rạng, với một cơn gió lạnh thổi bập bềnh chiếc lều họp, vẫn còn đứng giữa trại lính và căn cứ Bãi Dung nham. Đại úy Jack, Jim Móc Câu, Ellen Man, Schonchin John, Jim Đen. . . đến lều họp sớm, và một người trong nhóm đốt lửa bằng bụi gai để giữ ấm trong khi chờ đợi các ủy viến. Lần này họ không mang theo các bà vợ. Không ai mang theo súng, nhưng tất cả đều lận súng lục bên dưới lớp áo choàng.

            Các ủy viên đến trễ (Winema đã cảnh báo họ đừng đến), nhưng ngay sau 11 giờ Tướng Canby và Mục sư Thomas xuất hiện. Họ đi  bộ trong khi trên lưng ngựa có LDyar, Meacham, Winema, và Riddle. Tháp tùng các ủy viên và những người thông ngôn là Boston Charley và Bogus Charley, đã đi vào trại để gặp họ. Cả hai Charley đều mang súng trường trên vai một cách lơ đãng. Không thấy các ủy viên để lộ ra vũ khí; Meacham và Dyar đều có mang súng lục ngắn trong túi áo choàng.

            Canby mang theo một hộp xì gà, và ngay khi đến nơi ông mời mỗi người một điếu. Dùng khúc củi đang cháy từ đống lửa cây gai, họ châm thuốc và ngồi trên những tảng đá quanh đống lửa, lặng lẽ hút thuốc trong một vài phút.

            Như Frank Riddle nhớ lại sau đó, Canby nói trước tiên. “Ông bảo họ là mình đã giải quyết vấn đề người Da Đỏ gần 30 năm nay, và ông đã đến đây để lập lại hòa bình với họ và nói chuyện thiện chí; và rằng bất kì điều gì ông hứa với họ ông sẽ xem xét để việc đó được thực hiện; và nếu họ đi ra cùng ông, ông sẽ đưa họ đến một xứ sở tốt đẹp, rèn luyện họ để họ có thể sống như người da trắng.”

            Meacham nói theo sau, mở lời bằng những nhận xét sơ khởi quen thuộc về vị Cha Lớn ở Washington gởi ông đến đây để quét sạch mọi máu đã đổ xuống. Ông nói rằng mình hi vọng mang họ đến một xứ sở tốt đẹp hơn, nơi họ có thể có nhà cửa đàng hoàng và thức ăn, quần áo, và chăn nệm đầy đủ. Khi Meacham nói xong, Đại úy Jack bảo là mình không muốn rời bỏ xứ sở Modoc, và cầu xin một khu dành riêng đâu đó gần Hồ Tule và Bãi Dung nham. Ông cũng lặp lại yêu cầu trước đây là phải rút binh lính ra khỏi đây trước khi nói chuyện hòa bình.

            Rõ ràng là Meacham phát cáu vì các đòi hỏi lặp đi lặp lại của Jack. Ông lớn tiếng: “Chúng ta hãy nói chuyện như những người đàn ông, không phải như trẻ con.” Rồi ông đề nghị người Modoc nào muốn làm thế có thể ở lại Bãi Dung nham cho đến khi khu dành riêng được tìm thấy nơi họ có thể sống trong hòa bình.

            Schonchin John, ngồi trước mặt Meacham khoảng ba mét, nói một cách giận dữ bằng tiếng Modoc, bảo các ủy viên hãy im miệng. Lúc này Jim Móc Câu đứng dậy và bước đến bên con ngựa của Meacham, đang đứng bên cạnh vị ủy viên. Áo khoác ngoài của y vắt qua yên. Móc Câu lấy áo khoác, mặc vào, và gài nút cẩn thận, làm trò hề một chút khi bước đến đứng trước đống lửa. Những người khác đã ngừng nói và nhìn y. “Các ông xem tôi có giống Meacham không nào?” y nói bằng thứ tiếng Anh gãy gọng.

            Meacham trả đũa bằng cách đưa mũ mình cho Móc Câu. “Này lấy cái này và đội luôn đi; thế ông sẽ là Meacham.”

            Jim Móc Câu dừng lại trò hề. “Ông giữ một lát đi. Mũ sẽ là của tôi thôi.’

            Canby tức thì hiểu được ý nghĩa những lời Móc Câu nói. Y nhanh nhẹn nối lại cuộc trao đổi bằng cách nói rằng chỉ có vị Cha Lớn ở Washington có quyền rút quân đi. Y yêu cầu Jack hãy tin tưởng mình.

            “Tôi muốn nói với ông, Canby, “Jack trả lời, “là chúng tôi không thể làm hòa bao lâu mà binh lính vẫn bu quanh tôi. Nếu ông có hứa cho tôi một chỗ ở, đâu đó trong xứ sở này, thì hãy hứa ngay hôm nay. Nào, Canby, hứa với tôi đi. Tôi không muốn điều gì khác. Giờ là dịp ông nói đó. Tôi mệt vì phải đợi ông nói.”

            Meacham cảm nhận được tính khẩn trương trong giọng nói của Đại úy Jack. “Tướng quân, vì trời, hãy hứa với ông ta đi,” y kêu lên.

            Trước khi Canby có thể nói, Jack đã bật dậy và di chuyển khỏi đống lửa. Schonchin John quay về hướng vị tướng. “Ông hãy mang binh lính đi, trả lại đất đai cho chúng tôi,” y hét lên. “Chúng tôi mệt vì phải nói nhiều. Không nói nữa!”

            Đại úy Jack quay quắt người, nói bằng tiếng Modoc: “Ot-we-kau-tux-e (Tất cả sẵn sàng!)” Ông rút súng lục từ áo choàng, chĩa thẳng vào Canby. Cò đã bóp nhưng súng không nổ. Canby nhìn ông trân trân trong nỗi kinh hoàng, và rồi khẩu súng phát nổ và Canby ngã xuống chết. Gần như cùng một lúc, Boston Charley bắn Mục sư Thomas, giết chết ông ta. Winema cứu sống Meacham bằng cách gạt khẩu súng của Schonchin John qua một bên. Trong lúc hỗn loạn, Dyar và Riddle tẩu thoát.

            Sau khi lột binh phục của Canby, Jack dẫn người Modoc trở lại căn cứ, chờ đợi binh lính ập đến. Điểm cốt lõi của cuộc bàn cãi – vụ giao nộp bọn sát nhân Jim Móc Câu – đã không được đề cập đến trong buổi họp cuối cùng đó.

            Ba ngày sau cuộc chiến bắt đầu. Từng khẩu đội súng cối nả vào Bãi Dung nham, và những đợt bộ binh tràn vào công sự bằng đá. Khi cuối cùng binh lính tràn ngập căn cứ, họ tìm thấy nó trống trơn. Người Modoc đã lẻn đi qua các hang động và hẽm núi. Không có hứng thú gì khi lùng sục các chiến binh Da Đỏ gan góc này ra khỏi nơi trú ẩn, Quân đội thuê 72 lính đánh thuê người Da Đỏ Tenino từ khu dành riêng Suối Nước Nóng ở Oregon. Những trinh sát này phát hiện nơi trú ẩn của Modoc, nhưng khi binh lính tới vây bắt, Đại úy Jack phục kích và gần như quét sạch đội tiên phong.

            Cuối cùng với quân số áp đảo và hỏa lực khủng khiếp binh lính buộc người Modoc phải phải phân tán. Họ phải giết ngựa để ăn thịt, và nhiều ngày không có nước để uống. Khi số thương vong tăng lên, Jim Móc Câu bắt đầu kiếm chuyện với Đại úy Jack về chiến thuật của ông. Sau một ít ngày tháo chạy, lẫn trốn, và chiến đấu, Jim Móc Câu và băng nhóm bỏ người tù trưởng đã cho mình chỗ trú ẩn và đã không nỡ nộp mình cho Canby. Jack chỉ còn lại 37 chiến binh để đánh với 1,000 binh lính.

            Không lâu sau đó, băng Jim Móc Câu đầu hàng binh lính và giúp sức họ truy lùng Đại úy Jack để đổi lấy sự khoan hồng. Chỉ huy mới, Tướng Jefferson C. Davis, cho Quân đội bảo vệ họ, và vào ngày 27 tháng 5 Jim Móc Câu và ba thuộc hạ lên đường để phản bội lại tù trưởng của mình. Chúng tìm thấy Jack ở gần Hồ Trong, bàn bạc với ông, và bảo ông họ được phái đến để khuyên ông đầu hàng. Binh lính sẽ cho người Modoc công lý, chúng nói, và nhiều thức ăn.

            “Tụi bây không khác những con sói đồng hoang,” Jack trả lời chúng. “Tụi mầy đến đây bằng ngựa của binh lính, đeo vũ khí của chính quyền. Tụi bây dự tính mua tự do của tụi bây bằng cách truy lùng và bắt tao nộp cho binh lính. Tụi bây biết rằng cuộc sống thì ngọt ngào, nhưng tụi bây không nghĩ như thế khi bắt ép tao phải hứa giết cho được người đàn ông đó, Canby. Lúc nào tao cũng biết cuộc sống thì ngọt ngào; đó là lý do tại sao tao không muốn đánh nhau với người da trắng. Tao tưởng là chúng ta sẽ sát cánh nhau để chiến đấu, và chết khi chiến đấu. Giờ tao thấy ra tao là người duy nhất phải đền mạng vì đã giết Canby, có thể với một hoặc hai người khác. Bọn nộp mình tụi bây đang sống thoải mái, ăn uống phủ phê. Ôi, tụi bây những thằng có trái tim của chim, tụi bây đã quay ra chống lại tao. . . “

            Điều làm cho tù trưởng Modoc cay đắng nhất là chính bọn này vài tuần trước là đã ném quần áo phụ nữ lên đầu ông và gọi ông là đàn bà, do đó ép buộc được ông phải hứa giết Canby. Giờ thì chúng cũng như ông đều biết rằng đã quá trễ để đầu hàng; ông sẽ bị treo cổ vì tội sát hại Canby. Ông bảo với chúng mình đã quyết định chết với khẩu súng trong tay thay vì tròng đầu vào thòng lọng, và rồi ra lệnh cho chúng đi trở về sống với người da trắng nếu chúng muốn. Nhưng ông thề với chúng lần tới nếu gặp chúng trong tầm bắn ông sẽ bắn hạ chúng như những con chó bẩn thỉu.

            Cuộc săn đuổi tiếp tục thêm ít ngày nữa. Đó là “một cuộc săn thú dữ hơn là cuộc chiến,” Tướng Davis nói, “mỗi phân đội cạnh tranh nhau xem ai là người đầu tiên đến mức trước.”

            Sau cuộc săn lùng rã rời băng qua những bãi đá lỡm chỡm và bụi cây dày đặc, một toán lính nhỏ bao vây Đại úy Jack cùng với ba chiến binh theo ông tới phút cuối cùng. Khi Jack bước ra để đầu hàng ông đang mặc bộ quân phục xanh của Tướng Canby; nó đã dơ bẩn và tả tơi. Ông giao súng trường cho một sĩ quan. “Chân cẳng của Jack đã rã rời,” ông nói. “Tôi sẵn sàng để chết.”

            Tướng Davis muốn ông chết ngay tức thì bằng cách treo cổ, nhưng Bộ Chiến tranh ở Washington ra lệnh phải xét xử. Phiên tòa tiến hành tại Đồn Klamath vào tháng 7, 1873. Đại úy Jack, Schonchin John, Boston Charley, và Jim Đen đều bị kết tội mưu sát. Không có luật sư nào đại diện bên bị cáo, và mặc dù họ được cho quyền đối chứng, hầu hết bọn họ hiểu rất ít tiếng Anh, và tất cả đều nói rất tệ. Trong khi phiên toàn tiến hành binh lính dựng một giá treo cổ bên ngoài lô cốt của tù nhân, đủ biết chắc chắn bản án sẽ ra sao.

            Trong số những nhân chứng chống lại những con người bạc mệnh này có Jim Móc Câu và đồng bọn. Quân đội đã cho chúng tự do vì tội phản bội đồng bào mình.

            Sau khi Jim Móc Câu bị bên nguyên cật vấn, Đại úy Jack không hề đối chất với y, nhưng trong lời nói cuối cùng tại tòa, được Frank Riddle dịch lại, Jack nói: “Jim Móc Câu là người luôn muốn đánh nhau, và khởi mào việc giết chóc và tàn sát. . . Cuộc sống chỉ của riêng tôi trong một thời gian ngắn. Người da trắng các ông không chế ngự được tôi; chỉ có người của tôi mới chế ngự được tôi.”

            Đại úy Jack bị treo cổ vào ngày 3 tháng 10. Vào đêm sau cuộc hành hình, thi thể ông được bí mật đào lên, mang về Yreka, và được ướp xác. Một thời gian ngắn sau đó nó xuất hiện trong các thành phố miền đông như một tiết mục thu hút trong các hội chợ, vào cửa với giá 10 xu.

            Về phần 153 người sống sót, kể cả đàn ông, đàn bà, và trẻ con bao gồm Jim Móc Câu và đồng bọn, họ được lưu đày đến Lãnh địa Da Đỏ. Sáu năm sau Móc Câu chết, và hầu hết đồng bọn đều chết trước năm 1909, khi chính quyền quyết định cho phép số 51 người Modoc còn lại trở về khu định cư Oregon.                     

     

11. Cuộc Chiến Cứu Vớt Bò Rừng

1874 – Ngày 13 tháng giêng, các nhân công thất nghiệp ấu đã với cảnh sát ở thành phố New York; hàng trăm người bị thương. Ngày 13 tháng 2, binh lính Mỹ đổ bộ lên Honolulu để bảo vệ nhà vua. Ngày 21 tháng 2, Benjamin Disraeli trở thành Thủ tướng Anh, thay thế William E. Gladstone. Ngày 15 tháng 3, Pháp giành quyền bảo hộ Annam (Việt Nam). Ngày 29 tháng 5, Đức giải tán đảng Dân chủ Xã hội. Tháng 7, Alexander Graham Bell trình diện phát minh mới của ông, điện thoại. Ngày 7 tháng 7, Theodore Tilton kết án Mục sư Henry Ward Beecher tội ngoại tình. Ngày 4 tháng 11, Samuel J. Tilden được bầu làm thống đốc New York sau khi lật đổ Tweed Ring. Tháng 12, Đường dây Uýt-ki, liên can đến các nhà chưng cất rượu và viên chức chính quyền Mỹ, bị phanh phui.

Tôi đã nghe các ông dự tính định cư chúng tôi trên một khu dành riêng gần vùng núi. Tôi không thích định cư. Tôi thich dong ruổi trên đồng cỏ. Ở đó tôi cảm thấy được tự do và sung sướng, nhưng khi định cư chúng tôi trở nên xanh xao và chết mòn. Tôi đã bỏ lại giáo, cung, và khiêng, nhưng tôi vẫn thấy bình yên trong sự hiện diện của các ông. Tôi đã nói lên sự thật. Tôi không có gì phải giấu giếm, nhưng tôi không biết các ủy viên tính thế nào. Họ có sáng suốt như tôi không? Cách đây lâu lắm đất này thuộc về cha ông chúng tôi; nhưng khi đi về hướng con sông tôi trông thấy nhiều trại lính đóng trên bờ. Binh lính này đốn cây của tôi; họ giết bò của tôi; và khi nhìn thấy việc đó, trái tim tôi như vỡ ra; tôi rất xót xa.  . . Có phải người da trắng đã trở thành một đứa trẻ khi y giết bừa bãi bò rừng mà không ăn? Khi người Da Đỏ săn thịt thú, họ làm thế để có thể sống mà không chết đói.

-SATANTA, TÙ TRƯỞNG CỦA BỘ TỘC KIOWA

 

Dân tôi chưa hề là người bật dây cung hoặc đầu tiên nổ súng chống lại người da trắng. Đã có rắc rối trên biên giới của chúng ta, và các thanh niên của tôi đã nhảy vũ điệu của chiến tranh. Nhưng chiến tranh không phải do chúng tôi khơi mào. Chính các ông đã phái đi tên lính đầu tiên còn chúng tôi chỉ phái đi người thứ hai. Cách đây hai năm tôi đi trên con đường này, đuổi theo bò rừng, để vợ con tôi có đôi má hồng hào và thân thể ấm áp. Nhưng các binh lính đã bắn vào chúng tôi, và từ đó vang rền những âm thanh sấm sét, khiến chúng tôi không biết đi đường nào. Và đó là chuyện ở Canada. Và chúng tôi không phải kêu khóc chỉ một lần. Các binh lính áo xanh và người Ute xuất hiện từ bóng đêm khi trời tối và yên tĩnh, và để đốt lửa trại chúng đốt lều chúng tôi. Thay vì săn thú chúng tàn sát các chiến binh của tôi, và các chiến binh của bộ tộc cắt gọt mái tóc của họ cho người chết. Đó là chuyện ở Texas. Chúng mang buồn khổ vào trại chúng tôi, và chúng tôi đi ra như lũ bò rừng khi các bò cái bị tấn công. Khi tìm thấy chúng chúng tôi giết chúng, và da đầu của chúng treo đầy trong lều chúng tôi. Người Comanche không yếu đuối và mù quáng, như lũ chó con mới đẻ. Họ rất mạnh mẽ và nhìn xa, như ngựa trưởng thành. Chúng tôi chiếm đường của chúng và đi lại trên đó. Các bà da trắng la hét và các phụ nữ chúng tôi thì cười to.

            Nhưng có những điều các ông nói với tôi mà tôi không thích. Những điều ấy không ngọt như đường, mà chát như bầu bí. Các ông nói các ông muốn mang chúng tôi vào khu dành riêng, xây nhà cửa cho chúng tôi và khu khám bệnh cho chúng tôi. Tôi không muốn điều đó. Tôi sinh ra trên đồng cỏ, nơi gió thổi tự do và không có gì che chắn ánh sáng mặt trời. Tôi sinh ra nơi không có rào cản, nơi mọi thứ đều hít thở tự do. Tôi muốn chết ở đó, chứ không muốn chết giữa bốn bức tường. Tôi quen thuộc mọi dòng sông và mỗi rừng cây trong vùng giữa Rio Grande và Arkansas. Tôi đã săn bắn và sống trên xứ sở đó. Tôi sống như cha ông tôi đã sống trước tôi, và, như họ, tôi sống rất hạnh phúc.

            Khi tôi đến Washington vị Cha Lớn Da Trắng bảo tôi rằng mọi đất Comanche là của người Comanche, và không ai có quyền cản ngăn chúng tôi sống trên đó. Vậy sao các ông kêu chúng tôi rời bỏ con sông, bỏ ánh mặt trời, bỏ luồng gió, và về sống trong những căn nhà? Đừng bắt chúng tôi từ bỏ bò rừng thay bằng trừu. Các người trẻ nghe nói đến việc này, tất cả đều buồn và giận. Đừng nói về chuyện ấy nữa. . .

            Nếu người Texas ra khỏi xứ sở, hòa bình sẽ có tức thì. Đất đai mà các ông muốn chúng tôi phải sống trên đó thì quá hẹp. Người Texas đã lấy đi những nơi cỏ mọc dầy nhất và rừng cây xum xuê nhất. Nếu chúng tôi được giữ những vùng đất ấy, chúng tôi có thể làm hết những điều các ông yêu cầu. Nhưng giờ thì quá muộn rồi. Người da trắng đã lấy xứ sở mà chúng tôi yêu quí, và chúng tôi chỉ mong ước được lang thang trên đồng cỏ cho đến khi chết.

PARRA-WA-SAMEN (MƯỜI GẤU) CỦA BỘ TỘC YAMPARIKA COMANCHE

   

   SAU TRẬN ĐÁNH WASHTA vào tháng 12, 1868, Tướng Sheridan ra lệnh mọi người Cheyenne, Arapaho, Kiowa, và Comanche vào Đồn Cobb đầu hàng, hoặc đối diện với sự tận diệt sau khi bị săn lùng và tàn sát bởi binh lính Áo xanh (Xem chương 7.) Áo Choàng Nhỏ, người kế tục Ấm Đen làm tù trưởng, dẫn người Cheyenne vào. Gấu Vàng dẫn người Arapaho vào. Một vài thủ lĩnh Comanche – đặc biệt Tosawi, mà Sheridan đã từng bảo ông là người Da Đỏ chỉ tốt khi y đã chết – cũng đến đầu hàng. Bộ tộc Kiowa tự do và kiêu hãnh, tuy nhiên, không cho thấy dấu hiệu hợp tác, và Sheridan phái Lưng Chắc Custer cưỡng chế họ đầu hàng nếu không muốn bị tận diệt.

            Người Kiowa không thấy lý do gì phải đi đến Đồn Cobb, nộp vũ khí, và sống trên đồ bố thí của người da trắng. Hiệp ước ở Medicine Lodge, mà các tù trưởng đã ký vào năm 1867, ban cho họ lãnh thổ riêng để sống và có quyền săn thú trên bất kỳ vùng đất nào ở phía nam Arkansas “chừng nào mà số bò rừng sống trong đó đủ lớn để hợp lý hóa việc săn bắn.” Giữa Arkansas và các nhánh của Sông Đỏ, các đồng bằng đen ngợp với hàng ngàn bò rừng bị đuổi xuống đây từ phía bắc bởi bước tiến của nền văn minh da trắng. Người Kiowa rất giàu có về ngựa chạy nhanh, và khi súng đạn thiếu hụt họ có thể sử dụng cung tên để giết đủ số dùng làm lương thực, quần áo, và lều trú ẩn.

            Tuy nhiên, những đạo quân lính áo xanh cưỡi ngựa đi đến trại trú đông Kiowa trên Suối Núi Mưa. Không muốn đánh nhau, Santana và Sói Cô độc, với đoàn hộ tống, đi ra ngoài để nói chuyện với Custer. Santana là một người to lớn vam vỡ, tóc đen dày đổ xuống bờ vai to bè. Cánh tay và chân ông nổi cuồn cuộn cơ bắp, gương mặt quang đãng biểu lộ một sự tự tin mạnh mẽ vào sức mạnh của mình. Ông sơn màu đỏ sáng trên mặt và thân hình, và mang những cờ dải đỏ trên giáo. Ông thích cưỡi ngựa và đánh nhau. Ông ăn uống nhiệt tình, và cười dòn dã. Ông thậm chí khoái kẻ thù của mình. Khi ông cưỡi ngựa đến đón Custer ông cười khoái trá. Ông đưa tay ra, nhưng Custer bắt tay một cách khinh khỉnh.

            Đã ở quanh các đồn Kansas đủ lâu nên ông rành rẽ thành kiến của người da trắng, Satanta vẫn kềm chế được. Ông không muốn dân mình bị tiêu diệt như dân của Ấm Đen. Câu chuyện trở nên lạnh nhạt, với hai thông dịch viên cố gắng phiên dịch những lời trao đổi. Nhận ra các người thông ngôn biết ít tiếng Kiowa hơn ông hiểu tiếng Anh, Satanta gọi một chiến binh của mình, Chim Đi Bộ, người có một vốn kha khá từ ngữ từ dân đánh xe da trắng. Chim Đi Bộ nói tiếng Anh đầy tự tin với Custer, nhưng xếp lính lắc đầu; y không thể hiểu được giọng Kiowa. Quyết tâm làm cho người ta hiểu được mình nói tiếng Anh, Chim Đi Bộ tiến sát gần hơn đến Custer và bắt đầu vuốt ve cánh tay của y như anh đã nhìn bọn lính vuốt ve ngựa của mình.

            Không ai cười. Các thông ngôn cuối cùng làm cho Satanta và Sói Cô độc hiểu được là họ phải mang băng nhóm Kiowa vào Đồn Cobb nếu không sẽ bị binh lính y tiêu diệt. Rồi, vi phạm lệnh hưu chiến, Custer bất ngờ ra lệnh bắt giữ các tù trưởng và đoàn hộ tống; họ sẽ bị giải đến Đồn Cobb và giam giữ ở đó như những tù nhân cho đến khi dân họ nhập bọn với họ tại đó. Satanta chấp nhận lời thông báo một cách trầm tĩnh, nhưng nói rằng ông sẽ gởi một thông điệp để triệu tập dân ông đến đồn. Ông cho con trai mình trở lại làng Kiowa, nhưng thay vì ra lệnh dân mình theo ông đến Đồn Cobb, ông cảnh báo họ hãy trốn thoát về hướng tây đến xứ bò rừng.

            Trên đường về Đồn Cobb, mỗi đêm một ít người Kiowa bị bắt xoay sở lẻn ra ngoài. Satanta và Sói Cô độc được canh giữ quá cẩn mật nên không trốn thoát được. Lúc bọn Áo xanh tới được đồn, hai tù trưởng là hai tù nhân còn sót lại. Nổi giận vì chuyện này, Tướng Sheridan tuyên bố rằng Satanta và Sói Cô độc sẽ bị treo cổ trừ phi tất cả dân họ phải đến Đồn Cobb đầu hàng. Đó là cách thức bằng sự lừa gạt và tráo trở mà phần đông người Kiowa bị cưỡng chế phải từ bỏ tự do của mình. Chỉ một tù trưởng nhỏ, Tim Đàn bà, trốn thoát với dân minh đến vùng đồng bằng Staked, tại đó họ nhập bọn với bạn bè người Kwahadi Comanche.

            Để theo dõi sát người Kiowa và Comanche, Quân đội xây dựng một thị trấn lính mới cách biên giới Sông Đỏ một ít dặm về phía bắc, và gọi nó là Đồn Sill. Tướng Benjamin Grierson, một người hùng của cuộc Nội Chiến, chỉ huy binh lính, hầu hết là những binh lính da đen của Đoàn Kỵ binh Số 10. Người Da Đỏ gọi họ là binh lính Bò Rừng, vì màu da và màu tóc của họ. Chẳng bao lâu một cán bộ không có tóc trên đầu đến từ miền Đông dạy họ cách sinh sống bằng làm nông thay vì săn bò. Tên ông là Lawrie Tatum, nhưng người Da Đỏ gọi ông là Đầu Hói.

3

Satanta, tức Gấu Trắng. Hình chụp năm 1870.

             Tướng Sheridan đến đồn mới, phóng thích Satanta và Sói Cô độc, và mở hội đồng trong đó ông trách mắng những tù trưởng vì những hành dộng sai quấy của họ trong quá khứ và cảnh báo họ nên vâng lời cán bộ.

            “Bất cứ điều gì ngài bảo tôi,” Satanta trả lời, “tôi sẽ giữ chặc lấy. Tôi sẽ nhặt nó lên và giữ nó sát ngực tôi. Nó không thay đổi ý kiến của tôi một chút nào nếu ngài nắm lấy tay tôi, hoặc bắt và treo cổ tôi. Ý kiến tôi cũng sẽ như vậy. Những gì ngài đã bảo tôi hôm nay đã mở mắt cho tôi, và trái tim tôi cũng mở ra. Tất cả đất đai này là của ngài dùng để làm đường cho chúng tôi đi lại. Sau việc này, tôi sẽ có đường xá của người da trắng, gieo bắp và trồng bắp. . . Ngài sẽ không nghe nói về việc người Kiowa giết người da trắng nữa. . .Tôi không nói dối ngài. Đó là sự thật.”

            Vào thời điểm gieo hạt trồng bắp, 2,000 người Kiowa và 2,500 người Comanche định cư trên khu dành riêng mới. Đối với người Comanche có một điều gì đó mỉa mai trong việc chính quyền cưỡng chế họ bỏ việc săn bò rừng mà đi làm nông. Người Comanche đã phát triển một nền kinh tế nông nghiệp ở Texas, nhưng người da trắng đã đến đó và chiếm đoạt nông trại của họ, cưỡng chế họ đi săn bò để sống còn. Giờ ông già tốt bụng này, Đầu Hói Tatum, lại cố bảo họ nên dùng đường xá của người da trắng và đi làm nông, như thể người Da Đỏ mù tịt về việc trồng bắp. Không phải chính người Da Đỏ đầu tiên đã dạy cho người da trắng cách gieo hạt và làm nó mọc mạnh hay sao?

            Đối với người Kiowa lại là một vấn đề khác. Các chiến binh coi việc đào đất là việc của đàn bà, không xứng đáng cho thợ săn cưỡi ngựa nhúng tay vào. Ngoài ra, nếu họ cần bắp họ có thể trao đổi bằng ruốc và quần áo với người Wichita., như họ đã từng làm. Người Wichita thích trồng bắp, nhưng quá béo và biếng nhác để săn bò. Vào giữa hè người Kiowa phàn nàn với Đầu Hói về hạn chế của việc làm nông. “Tôi không thích bắp,” Satanta bảo ông. “Nó làm răng tôi đau.” Ông cũng mệt mỏi khi phải ăn thịt bò Longhorn có nhiều thớ, và ông xin Tatum phân phát quân nhu và vũ khí để người Kiowa có thể tiếp tục săn bò rừng.

2

Sói Cô độc, tức Guipago. Ảnh chụp khoảng 1867 hay 1874

             Mùa thu đó người Kiowa và Comanche thu hoạch được khoảng 4,000 giạ bắp. Nó không kéo dài lâu, vì phải nuôi 5,500 miệng ăn và vài ngàn ngựa. Vào mùa xuân 1870 các bộ tộc chết đói, và Đầu Hói Tatum cho phép họ đi săn bò.

            Vào Mùa Trăng Hè 1870, người Kiowa tổ chức lễ vũ điệu mặt trời lớn trên Ngã Ba Bắc Sông Đỏ. Họ mời người Comanche và Nam Cheyenne đến làm khách, và trong khi lễ hội nhiều chiến binh vỡ mộng bàn tán

về việc ra ngoài ở đồng bằng và sống no đủ với bò rừng thay vì quay về khu dành riêng để được nhận những của bố thí dè sẻn.

            Mười Gấu người Comanche và Chim Đá người Kiowa phản đối ý kiến này; họ nghĩ tốt nhất cho các bộ tộc là tiếp tục bắt tay với người da trắng. Các người trẻ Comanche không lên án Mười Gấu; dù sao ông ta cũng quá già để đi săn hoặc chiến đấu. Nhưng người trẻ Kiowa thì khinh thị lời khuyên của Chim Đá; ông từng là một chiến binh lớn trước khi người da trắng nhốt ông trong khu dành riêng. Giờ ông ăn nói như đàn bà.

            Ngay khi lễ nhảy múa chấm dứt, nhiều người trẻ cưỡi ngựa ra đi đến Texas để săn bò và đột kích người Texas đã chiếm đất đai của họ. Ho đặc biệt căm giận những thợ săn da trắng đến từ Kansas để giết hàng ngàn bò; sau đó họ chỉ lấy da, để những thi thể đầy máu phân hủy hôi thúi trên đồng bằng. Đối với người Kiowa và Comanche người da trắng hình như căm ghét mọi thứ của thiên nhiên. “Xứ sở này đã già,” Satanta trách móc Lão Già Sấm Sét Hancock khi ông gặp y tại Đồn Larned năm 1867. “Nhưng các ông đốn cây, và giờ xứ sở không còn gì nữa hết.” Tại Rạch Medicine Lodge ông phàn nàn lần nữa các ủy viên hòa bình: “Cách đây lâu lắm đất này thuộc về cha ông chúng tôi; nhưng khi lên hướng con sông tôi trông thấy nhiều trại lính đóng trên bờ. Binh lính này đốn cây của tôi; họ giết bò của tôi; và khi nhìn thấy việc đó, trái tim tôi như vỡ ra; tôi rất xót xa.”

            Qua Mùa Trăng Hè 1870 đó, các chiến binh ở lại trên khu dành riêng chế giễu Chim Đá không thương tiếc vì ủng hộ việc làm nông thay vì săn bắn. Cuối cùng Chim Đá không thể chịu nỗi. Ông tổ chức một toán chiến binh và mời các tên dày vò ông – Sói Cô độc, Ngựa Trắng, và Satank – đồng hành cùng ông trong một vụ đột kích vào Texas. Chim Đá không có cơ thể to lớn và nhiều cơ bắp như Satanta. Ông mảnh khảnh, gân guốc, và da mét. Ông có thể khá nhạy cảm vì ông không phải người Kiowa thuần chủng; một ông tổ của ông là người Crow.

            Với 100 chiến binh sau lưng, Chim Đá vượt qua biên giới Sông Đỏ và chận bắt một xe thư như là một thách thức đối với binh lính ở Đồn Richardson, Texas. Khi bọn Áo xanh ra khỏi đồn nghênh chiến, Chim Đá phô trương kỹ năng về chiến thuật quân sự của mình bằng cách giao tranh trực diện với binh lính đồng thời phái hai gọng kềm nhằm đánh vào sườn và tập hậu. Sau khi đánh tơi bời bọn lính trong tám giờ dưới trời nóng như đổ lửa, Chim Đá ngưng đánh và đắc thắng dẫn các chiến binh trở về khu dành riêng. Ông đã chứng tỏ quyền được làm tù trưởng của mình, nhưng từ hôm đó trở đi ông chỉ làm việc cho hòa bình với người da trắng.

            Khi mùa lạnh đến, nhiều băng nhóm lang thang trở về nơi cắm trại của mình gần Đồn Sill. Vài trăm người trẻ Kiowa và Comanche, tuy nhiên, vẫn ở lại trên đồng bằng mùa đông đó. Tướng Grierson và Đầu Hói Tatum khiển trách các tù trưởng đã đột kích vào Texas, nhưng không thể phản bác lại thịt bò phơi khô và quần áo da bò mà người đi săn mang về để giúp gia đình trụ qua một mùa khấu phần ít ỏi khác của nhà nước.

            Quanh lửa trại Kiowa mùa đông đó họ bàn nhiều về việc người da trắng dồn ép họ từ bốn hướng. Satank buồn nhớ con trai mình, đã bị người Texas giết năm đó. Satank đã mang về nắm xương của con mình và đặt chúng lên một bệ cao trong một gian lều đặc biệt, và giờ đây ông luôn nghĩ là con trai mình đang ngủ, không phải chết, và mỗi ngày ông đều đặt bên cạnh bệ cao thức ăn và nước uống để cậu có thể dùng khi tỉnh dậy. Vào những buổi tối ông già ngồi đưa mắt nhìn đống lửa trại, những ngón tay xương xẩu nắn nót chòm râu xám. Hình như ông đang đợi một điều gì đó.

            Satanta đi tới đi lui không ngừng, nói chuyện không nghỉ, đưa ra những đề nghị cho những tù trưởng khác xem họ phải làm gì. Từ khắp nơi họ nghe tin đồn là đường thép cho Ngựa Sắt sắp sửa đi vào xứ bò rừng của họ. Họ biết rằng đường ray đã đuổi bò đi khỏi vùng Platte và vùng Đồi Khói; họ không thể cho phép đường ray đi qua xứ bò rừng của họ. Satanta muốn nói chuyện với các sĩ quan ở đồn, thuyết phục họ nên đem binh lính đi hết và để người Kiowa sống như họ đã từng sống, không có đường ray làm kinh hoảng đàn bò.

            Cây Lớn thì thẳng thừng hơn. Ông muốn đi đến đồn một tối nào đó, và phóng hỏa trại lính, rồi giết sạch bọn lính khi chúng chạy ra ngoài đồn. Satank thì phản đối. Nói với bọn sĩ quan chỉ phí lời, ông nói, và thậm chí nếu họ giết sạch bọn lính ở đồn, thì nhiều binh lính hơn sẽ đến thay thế. Bọn da trắng như sói đồng cỏ; luôn luôn có nhiều đứa hơn, dù chúng có chết bao nhiêu đi nữa. Nếu người Kiowa muốn đuổi người da trắng ra khỏi xứ sở mình và cứu đàn bò, họ nên bắt đầu bằng dân định cư. Chính chúng lúc nào cũng rào đồng cỏ và xây cất nhà cửa, làm đường ray và tàn sát tất cả thú săn.

            Khi mùa xuân 1871 đến, Tướng Grierson phái những đội tuần tra trong số binh lính da đen của y đến canh các đồn dọc theo Sông Đỏ, nhưng các chiến binh hồ hỡi muốn đến gặp đàn bò lần nữa, nên lẻn qua mặt bọn lính. Khắp nơi họ đi qua trên đồng bằng Texas vào mùa hè đó họ đều trông thấy nhiều hàng rào hơn, nhiều trang trại hơn, và nhiều bọn săn bò da trắng hơn với những khẩu súng tầm xa chết chóc tàn sát những đàn bò ngày càng thưa thớt dần.

            Vào Mùa Trăng Lá của mùa xuân đó, một số tù trưởng Kiowa và Comanche dẫn đầu đoàn đi săn hùng hậu ngược lên Ngã Ba Bắc Sông Đỏ, hi vọng tìm gặp bò mà không cần phải rời bỏ khu dành riêng. Họ chỉ thấy ít bò, hầu hết là những đàn xa tắp trong miền Texas. Quanh đống lửa trại họ bắt đầu nói về việc người da trắng, nhất là người Texas, cố đuổi tất cả người Da Đỏ vào trong lòng đất. Chẳng bao lâu họ sẽ có Ngựa Sắt chạy băng qua đồng cỏ, và tất cả đàn bò sẽ biến mất. Mamanti Người Đi Trên Trời, một thầy mo lớn, đề nghị là đã đến lúc họ phải đi xuống Texas và bắt đầu đánh đuổi người Texas vào lòng đất.

4

Chim Đá, tù trưởng Kiowa. Ảnh chụp năm 1868.

             Họ chuẩn bị, và giữa tháng 5 nhóm chiến binh tránh né được các toán tuần tra của Grierson và ào ạt tràn qua Sông Đỏ vào Texas. Satanta, Cây Lớn, và nhiều thủ lĩnh chiến tranh khác có mặt trong nhóm, nhưng vụ đột kích là do Mamanti mặc khải, và do đó ông làm thủ lĩnh. Vào ngày 17 tháng 5 Mamanti cho nhóm dừng lại trên một ngọn đồi nhìn qua đường mòn Buteerfield giữa đồn Richardson và Belknap. Ở đó họ đợi qua đêm và trưa hôm sau, họ trông thấy một xe cứu thương Quân đội có binh lính cưỡi ngựa hộ tống đi về phía đông dọc theo con đường. Một số chiến binh muốn tấn công, nhưng Mamanti từ chối ra hiệu lệnh. Ông bào đảm với họ rằng sẽ có một phần thưởng đáng giá hơn sắp đến, có thể là một chuyến xe chứa đầy súng và quân nhu. (người Da Đỏ không biết, hành khách trên xe Quân đội không ai khác hơn là Chiến binh Lớn Sherman đang trên đường thanh sát các đồn tây nam.)

            Như Mamanti dự đoán, một đoàn xe chở hàng 10 chiếc lăn bánh vào tầm nhìn một vài giờ sau đó. Mamanti ra hiệu cho Satanta, đang cầm kèn sẵn sàng. Satanta thổi một hồi kèn vang dội, và các chiến binh ào ạt lao xuống dốc. Bọn đánh xe vội vàng quây vòng chống cự một cách tuyệt vọng, vì cuộc đột kích của số chiến binh Kiowa và Comanche quá sức đối với chúng. Các chiến binh xuyên thủng phòng tuyến, giết chết 7 người đánh xe, và để mặc người khác tẩu thoát trong vùng lau sậy gần đó để cướp bóc xe hàng. Nhưng họ không tìm thấy súng hoặc quân nhu, không có gì trừ bắp. Họ bắt lừa kéo xe, buộc những người bị thương lên ngựa, và chạy về phía bắc đến Sông Đỏ.

            Năm ngày sau Chiến binh Lớn Sherman đến Đồn Sill. Khi Tướng Grierson giới thiệu Đầu Hói Tatum cho ông ta, Sherman hỏi cán bộ cán bộ có tên Kiowa hoặc Comanche nào vắng mặt tại khu dành riêng trong tuần lễ vừa qua hay không. Tatum hứa điều tra về việc này.

            Không lâu sau đó vài tù trưởng từ trại của họ kéo đến lãnh khẩu phần hàng tuần. Chim Đá, Satank, Cây Lớn, Sói Cô độc, và Satanta có mặt trong số đó. Cán bộ Tatum mời họ vào văn phòng. Với sự trang trọng tử tế bình thường, Tatum hỏi họ có nghe nói về một cuộc đột kích đoàn xe chở hàng ở Texas hay không. Nếu có ai nghe tin gì về vụ đó, ông nói, ông muốn nghe trực tiếp từ họ.

            Dù sự thật là Mamanti đã cầm đầu vụ tấn công, nhưng Satanta lập tức đứng dậy và bảo rằng mình là thủ lĩnh. Họ đưa ra nhiều lý do khác nhau tại sao ông làm thế. Đó có phải do hợm hĩnh? Có phải ông chỉ khoác lác, hoặc có phải ông nhận hết trách nhiệm vì đó bổn phận của một của một tù trưởng? Dù với bất kỳ lý do nào, ông lợi dụng cơ hội này để phê phán Tatum về cách thức người Da Đỏ bị đối xử” “Tôi đã nhiều lần yêu cầu ông cho vũ khí và quân nhu, nhưng ông không cung ứng, và còn những yêu cầu khác nữa không được chấp nhận. Ông không lắng nghe tôi nói. Người da trắng chuẩn bị xây dựng đường ray qua xứ chúng tôi, khi chưa được phép. Cách đây vài năm chúng tôi bị nắm tóc kéo gần sát đến người Texas tại đó chúng tôi phải chiến đấu. . . Khi Tướng Custer ở đây hai ba năm trước, ông ta bắt tôi và giam tôi trong khám vài ngày. Nhưng giờ đây việc bắt giữa người Da Đỏ xảy ra như cơm bữa. Vì những bức xúc này, cách đây không lâu, tôi đã dẫn theo khoảng 100 chiến binh, với các tù trưởng Satank, Tim Đại bàng, Cây Lớn, Cung Lớn, và Gấu Nhanh. . . Chúng tôi đến Texas ở đó chúng tôi vây bắt một đoàn xe hàng không xa Đồn Richarson bao nhiêu. . . Nếu có người Da Đỏ khác nào đến đây khai là mình được danh dự là người thủ lĩnh vụ đó thì y đang nói dối với ông đấy vì chính tôi là người làm vụ đó!”

            Tatum bề ngoài vẫn giữ vẻ điềm tĩnh trước tuyên bố đáng kinh ngạc của Satanta. Ông bảo Satanta ông không có quyền phát vũ khí và đạn dược, nhưng Chiến binh Lớn Sherman đang thăm Đồn Sill, và nếu các tù trưởng muốn thỉnh nguyện Sherman về vũ khí và đạn được thì họ cứ tự nhiên.

            Trong khi các tù trưởng Kiowa đang bàn cãi có nên họp với Sherman hay không, Tatum gởi một tin nhắn đến Tướng Grierson, báo y biết là Satanta đã thú nhận đã cầm đầu vụ đột kích đoàn xe hàng và đã xưng tên những tù trưởng khác tham gia. Không lâu sau khi Grierson nhận được tin và chuyển cho Tướng Sherman, Satanta một mình đến đồn, xin được gặp xếp lính lớn từ Washington đến. Sherman bước ra hiên, bắt tay với Satanta, và bảo ông mình đang triệu tập tất cả tù trưởng để họp hội đồng.

            Hầu hết các tù trưởng được triệu tập đến một cách tình nguyện, nhưng binh lính phải bắt ép Satank đến dự. Cây Lớn định bỏ chạy, nhưng bị bắt giữ. Tim Đại bàng tẩu thoát được khi ông thấy binh lính bắt giữ những người khác.

            Ngay khi các tù trưởng tụ tập trên hiên, Sherman bảo họ là mình đang bắt giữ Satanta, Satank, và Cây Lớn vì tội mưu sát các người đánh xe ở Texas. Sau đó, binh lính ông sẽ giải họ về Texas để ra tòa.

            Satanta vung chiếc chăn đang mặc ra và giật phắt khẩu súng lục, la lớn lên bằng tiếng Kiowa là mình thà chết hơn là bị bắt làm tù nhân ở Texas. Sherman bình tĩnh ra lệnh; các tấm sáo trên cửa sổ hiên bật mở, và một chục khẩu các-bin nhắm thẳng vào các tù trưởng. Văn phòng bản doanh chứa đầy binh lính da đen của Đội Kỵ binh Thứ 10.

            Chim Đá đứng lên kháng cự. “Ông mời những người này đến để giết họ,” ông nói. “Nhưng họ là người của tôi, và tôi không để ông làm vậy. Ông và tôi sẽ chết ngay tại đây.”

            Lúc này một toàn kỵ binh đến nơi. Khi họ chiếm vị trí dọc theo hàng rào đối diện với hiên, Sói Cô độc cưỡi ngựa đến. Không đếm xỉa đến các binh lính, ông xuống ngựa thản nhiên, buộc ngựa vào hàng rào, rồi đặt hai khẩu liên thanh của mình xuống đất. Ông đứng đó một lúc buộc chặc thắt lưng, cặp mắt cảnh giác, gương mặt biểu lộ một vẻ khinh thị vui thú. Rồi ông nhặt vũ khí lên và sảy bước đến hiên. Khi đến các bậc thang ông trao khẩu súng lục cho tù trưởng gần nhất và nói lớn bằng tiếng Kiowa: “Cho nó bốc khói nếu có gì xảy ra.” Ông ném một khẩu các-bin cho một tù trưởng khác, rồi ngồi xuống trên sàn hiên, lên cò khẩu súng còn lại của mình và chăm chăm nhìn Chiến binh Sherman một cách xấc xược.

            Một sĩ quan ra lệnh, và toán kỵ binh vào tư thế nhắm bắn, và lên cò.

            Satanta giơ hai cánh tay lên. “Không, không, không!” Ông kêu lên.

            Sherman bình tĩnh ra lệnh binh lính hạ vũ khí xuống.

            Đó là ngày 6 tháng 6, vào Mùa Trăng Hè, bị còng tay và trói chân bằng xiềng xích, Satanta và Cây Lớn bị đẩy vào một xe còn Satank vào một xe khác, đi một chuyến dài đến Đồn Richardson.

            Klhi đoàn xe lăn bánh ra khỏi đồn với binh lính hộ tống, Satank bắt đầu cất tiếng hát bài ca tử thần của bộ tộc Kiowa”

            Ôi mặt trời, người tồn tại mãi mãi, nhưng chúng tôi bộ tộc Kaitsenko phải chết

            Ôi trái đất, người còn mãi mãi, nhưng chúng tôi bộ tộc Kaitsenko phải chết.

            Ông chỉ vào một thân cây nơi con đường uốn khúc để băng qua một dòng suối. “Ta không bao giờ đi quá cái cây này,” ông la lớn bằng tiếng Kiowa, rồi giật tấm chăn qua khỏi đầu. Bên dưới tấm chăn, ông xé rách da thịt từ cổ tay mình khi ông giật chúng ra khỏi xích xiềng. Ông rút một con dao dấu dưới quần. Với một tiếng kêu tuyệt vọng ông chồm lên tên lính gác gần nhất, đâm và ném hắn khỏi xe. Một thoáng sau đó ông đã giật được khẩu các-bin khỏi tay của một tên lính gác khác còn chưa hoàn hồn. Bên ngoài, một trung úy hét ra lệnh khai hỏa. Một loạt đạn làm ngã gục chiến binh già Kiowa. Đòan xe phải ngừng lại khoảng một tiếng để binh lính đợi Satank tắt thở. Xong họ ném xác ông xuống một con mương cạnh đường và tiếp tục lên đường đến Texas.

            Vụ xét xử Satanta và Cây Lớn về tội sát nhân bắt đầu vào ngày 5 tháng 7, 1871, trong tòa án ở Jacksboro, Texas. Một bồi thẩm đoàn gồm các trại chủ và cao bồi mang súng lục trong thắt lưng ngồi lắng nghe các chứng cứ trong ba ngày, và nhanh chóng đưa ra phán quyết có tội. Thẩm phán kết án các bị can bị treo cổ. Thống đốc Texas, tuy nhiên, lo ngại vụ hành hình có thể kích động những người Kiowa nổi loạn, nên ông chuyển thành án tù chung thân ở Trại Cải tạo Huntsville.

            Giờ Kiowa đã mất ba ba tù trưởng cừ nhất của họ. Trong mùa thu nhiều người trẻ lẻn đi từng nhóm nhỏ để gia nhập với những người Da Đỏ đang sinh sống tự do theo lối cũ bằng cách bám vào Đồng bằng Staked. Tránh các thợ săn và dân định cư da trắng, họ đuổi theo các đàn bò giữa Sông Đỏ và Canadian. Khi Mùa Trăng Ngỗng Bay Đi họ hạ trại trú đông ở Hẽm Núi Palo Duro. Người Kwahadi Comanche đông đảo nhất trong nhóm Da Đỏ này, nhưng họ chào đón số người Kiowa mới đến gia nhập.

            Sói Cô độc đã từng đi săn với người Kwahadi và chắc hẳn suy nghĩ ít nhiều về việc nhập bọn với họ, nhưng trong những tháng đầu của năm 1872 ông bận tranh cãi với Chim Đá người Kiowa về việc nên đi theo chiều hướng nào. Chim Đá và Gấu Sẩy Chân ủng hộ lối sống của người da trắng, cho dù phải bỏ săn bò ở Texas. Sói Cô độc chống đối ý kiến này. Người Kiowa không thể sống mà không săn bò. Nếu người da trắng ương ngạnh bắt ép người Da Đỏ phải săn bắn trong khu dành riêng, ông nói, thế thì khu dành riêng phải mở rộng đến Rio Grande về phía nam và Missouri về phía bắc!

            Lời biện bác hùng hồn của Sói Cô độc khiến ông được sự ủng hộ mạnh mẽ khi người Kiowa chọn ông làm đại diện chính của họ thay vì Chim Đá và Gấu Sẩy Chân trong sứ mạng đến Washington. Vào tháng 8 Văn phòng Da Đỏ mời phái đoàn từ tất cả bộ tộc tranh chấp trong lãnh thổ để thăm viếng Washington để bàn về những nghĩa vụ hiệp ước.

            Khi một ủy viên đặc biệt, Henry Alvord, đến Đồn Sill để hướng dẫn phái đoàn Kiowa đến Washington, Sói Cô độc báo với vị ủy viên là ông không thể đi đến Washington nếu không tham vấn với Satanta và Cây Lớn. Dù họ hiện đang ở nhà tù Texas, Satanta và Cây Lớn vẫn là thủ lĩnh của bộ tộc, và không có quyết định nào có thể đưa ra ở Washington mà không có sự đồng ý của họ.

            Alvord sửng sốt, nhưng sau khi hiểu ra rằng Sói Cô độc không phải nói ngoài miệng, ông bắt đầu cuộc sắp xếp phức tạp một buổi họp với các tù trưởng đang bị giam cầm. Thống đốc Texas cuối cùng đành phải miễn cưỡng chấp nhận giao hai tù nhân tiếng tăm cho Quân đội Hoa Kỳ kiểm soát tạm thời. Một chỉ huy đoàn kỵ binh cực kỳ chuyên nghiệp nhận các tù trưởng bị xiềng xích tại Dallas, Texas vào ngày 9/9/1872 và khởi hành đến Đồn Sill. Hộ tống toán kỵ binh là các nhóm người Texas, mỗi người đều sốt sắng kiếm lấy tiếng tăm là người giết chết được Satanta hoặc Cây Lớn.

            Khi đoàn xe tiến gần Đồn Sill, chỉ huy đồn quá lo sợ cho nên phái một trinh sát dân sự đến cảnh báo với sĩ quan kỵ binh là hãy đem các tù nhân của y đi nơi khác: “Người Da Đỏ ở chung quanh khu dành riêng đồn Sill. . . đều ủ rũ, bực tức và hiếu chiến. . . Mang Satanta, tù trưởng chiến tranh chính của họ, đến đây với tay chân bị xiềng xích và sau đó giải ông ta về lại Trại Cải Tạo Tiểu Bang, không gặp rắc rối, chắc chắn là một thách đố tuyệt vọng, gần như là không thể được.  . . Do đó tôi cầu xin các anh, dù như vậy là trái lệnh, đừng mang họ vào khu dành riêng, mà đem họ đến ga cuối hiện thời của đường Tàu Missouri, Kansas, và Texas.”

            Ủy viên Alvord giờ phải đi thuyết phục người Kiowa là cuộc họp với Satanta và Cây Lớn đang được sắp xếp ở thành phố lớn St. Louis.  Để đến được đó, Alvord giải thích, họ phải đi bằng đường ray và cưỡi Ngựa Sắt. Với các chiến binh hộ tống, phái đoàn Kiowa ngờ vực đi 165 dặm đường về hướng đông đến Atoka, Lãnh thổ Da Đỏ, ga cuối của tuyến tàu hỏa Missouri, Kansas, và Texas.

            Tại Atoka diễn tiến của sự kiện này giống như một tuồng hát opera lên đến cao trào. Gần như ngay khi Alvord đến đó với phái đoàn của Sói Cô độc, ông nhận được một tin báo từ chỉ huy đoàn kỵ binh là y đang mang Satanta và Cây Lớn đến ga tàu hỏa để giao cho ủy viên canh giữ. Alvord hoảng hốt trước một viễn ảnh choáng váng. Ga cuối là một nơi vắng vẻ, và vị ủy viên sợ rằng nếu Satanta thình lình xuất hiện ở đó, phản ứng tình cảm có thể bùng phát thành một tình thế không sao kiểm soát được. Ông vội vã thúc người đưa tin trở lại vị chỉ huy kỵ binh, xin y giữ kín tù nhân của mình ở đâu đó trong rừng sồi cho đến khi ông có thể đưa phái đoàn Kiowa đến St. Louis.

            Cuối cùng, vào ngày 29/9, trong những gian phòng đặc biệt ở Tòa nhà Everett tại St. Louis, Satanta và Cây Lớn ăn mừng tự do tạm thời của mình với Sói Cô độc, người sắp xếp mọi việc. Ủy viên Alvord mô tả cuộc hội ngộ này là “một cảnh tượng xúc động và gây ấn tượng nhất,” nhưng rõ ràng ông không biết là các tù trưởng Kiowa đang bàn bạc chuyện quan trọng: trước khi Satanta và Cây Lớn được giải trở về khám, Sói Cô độc biết chính xác mình phải làm gì trong sứ mạng ở Washington.

            Vài phái đoàn Da Đỏ khác cũng đến Washington cùng một lúc với người Kiowa – vài tù trưởng Apache không tiếng tăm, một nhóm Arapaho, và một ít người Comanche. Người Kwahadi Comanche, sức mạnh thực sự trong bộ tộc, không gởi người nào đi; Mười Gấu đại diện cho băng Yamparika, và Tosawi đại diện Penatekas.

            Các viên chức Washington cho người Da Đỏ tham quan một tua lớn, phô trương sức mạnh quân sự của chính quyền, một buổi giảng đạo Chủ nhật có thông dịch viên, và một buổi chiêu đãi do vị Cha Lớn Ulysses Grant mời tại Phòng Phía Đông của Nhà Trắng. Sau khi mọi người đã trao đổi những bài diễn văn hoa mỹ, Ủy viên Phòng Da Đỏ Sự Vụ, Francis Walker, sắp xếp để nói riêng với người Kiowa và Comanche. Ông đưa ra một tối hậu thư gây kinh ngạc: “Trước tiên, người Kiowa và Comanche hiện diện ở đây phải, trước ngày 15 tháng 12 sau, phải hạ trại của dân mình trong phạm vi 10 dặm quanh Đồn Sill và cục quản lý; họ phải lưu lại ở đó cho đến mùa xuân, không được gây rắc rối, và không được bỏ đi nếu không có sự đồng ý của cán bộ họ.” Ông tiếp tục nói rằng người Kwahadi Comanche và các băng nhóm khác đã không chịu gởi đại diện đến Washington sẽ sớm nhận tin binh lính Hoa Kỳ hành quân trực chỉ đến họ. Hơn nữa, mỗi người Da Đỏ không hạ trại trong vòng 10 dặm quanh Đồn Sill trước ngày 15 tháng 12 sẽ bị coi như kẻ thù của chính quyền Hoa Kỳ, và các binh lính sẽ giết họ khi gặp họ bất cứ đâu.

            Mười Gấu và Tosawi trả lời rằng băng Comanche của họ sẽ làm những gì vị Cha Lớn muốn họ làm, nhưng Sói Cô độc nghi ngờ mình khó có thể ép buộc mọi người Kiowa nghe theo tối hậu thư đó. Satanta và Cây Lớn, ông giải thích, là tù trưởng chiến tranh của bộ tộc, và chừng nào mà người Texas còn giam giữ họ, nhiều chiến binh trẻ sẽ không chần chừ mà không gây chiến với người Texas. Hòa bình chỉ có thể đạt được nếu Satanta và Cây Lớn được trả tự do và trở lại khu dành riêng, nơi họ có thể kềm giữ bọn trẻ không đánh phá Texas.

            Điều kiện này, tất nhiên, là điều đã được quyết định trong “một cảnh tượng xúc động và gây ấn tượng nhất,” trong cuộc hội ngộ của các tù trưởng Kiowa ở St. Louis. Tài xoay sở của Sói Cô độc không thua kém một nhà ngoại giao thực thụ, và mặc dù Ủy viên Walker không có quyền ra lệnh cho thống đốc Texas phóng thích Satanta và Cây Lớn, ông cuối cùng phải hứa trả tự do các tù trưởng trước khi Sói Cô độc đồng ý tuân theo tối hậu thư. Hơn nữa, Sói Cô độc đặt ra một thời hạn chót cho việc phóng thích – chậm nhất là cuối Tuần Trăng Mầm sắp tới và bắt đầu Tuần Trăng Lá, tức khoảng cuối tháng ba, 1873.

            Một hậu quả trong chuyến viếng thăm Washington là việc Mười Gấu bị người Comanche xa lánh. Trong khi Sói Cô độc trở lại khu dành riêng như một người hùng, Mười Gấu không được ai ngó ngàng tới. Bệnh hoạn và kiệt sức, người thi sĩ già của Đồng bằng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 23/11/1872. “Trừ đứa con trai của ông,” thầy giáo tại khu dành riêng, Thomas Battey nói, “tất cả người dân đều bỏ rơi ông.”

            Trong khi đó, trên Đồng bằng Staked, như Ủy viên Walker đã cảnh báo, Quân đội bắt đầu lùng sục người Kwahadi Comanche tự do. Từ Đồn Richardson, đoàn Kỵ binh thứ 4 rình mò qua những ngã ba phía thượng lưu của Sông Đỏ. Chỉ huy đoàn là Ranald Mackenzie, một Xếp Đại bàng dẻo dai, nóng tính, có lông mặt hai bên mép tai. Người Comanche gọi y là Ba Ngón. (Y mất ngón trỏ trong cuộc Nội Chiến.) Vào ngày 29/9, dọc theo Suối McClellan, toán trinh sát của Ba Ngón phát hiện một ngôi làng Comanche rộng lớn, người của Gấu Bò. Người Da Đỏ đang bận rộn sấy khô thịt để dự trữ cho mùa đông. Phi ngựa ào ạt tấn công, bọn kỵ binh tràn ngập ngôi làng, giết chết 23 người Comanche, bắt đi 120 phụ nữ và trẻ con, và tịch thu hầu hết đàn ngựa ở đó, hơn 1,000 con. Sau khi thiêu rụi 262 lều, Mackenzie trở lại hạ lưu và hạ trại nghỉ đêm. Trong lúc đó, hàng trăm chiến binh đã tẩu thoát khỏi cuộc đột kích đã đi bộ đến một ngôi làng Comanche gần đó. Với ngựa mượn và lực lượng yễm trợ còn khỏe họ mở một cuộc đột kích ban đêm bất ngờ vào nhóm kỵ binh. “Chúng tôi lấy lại được hết ngựa và bắt được một số lính,” một chiến binh kể lại sau đó. Nhưng họ không thể giải cứu đàn bà và trẻ con bị bắt, và sau khi Mackenzie giải họ đến Đồn Sill, Gấu Bò và một số người Kwahadi khác đến khu dành riêng để hội ngộ với gia đình họ. Nhưng lực lượng chính của Kwahadi vẫn còn dong ruổi với đàn bò, tiếp tục chiêu mộ những bộ tộc tây nam khác, và dưới sự lãnh đạo của Quanah Parker, dân lai 27 tuổi, càng lỳ lợm hơn bao giờ.

5

Mười Gấu của bộ tộc Comanche. Ảnh chụp năm 1872.

             Với những dấu hiệu đầu tiên của mùa xuân năm 1873, người Kiowa bắt đầu chuẩn bị lễ ăn mừng tưng bừng ngày trở về của Satanta và Cây Lớn. Suốt mùa đông dài, Đầu Hói Tatum đã dùng ảnh hưởng của mình để ngăn cản việc phóng thích các tù trưởng, nhưng Ủy viên Da Đỏ Sự vụ đã bác bỏ ông. Tatum xin từ chức, và James Haworth đến thay thế ông. Khi Mùa Trăng Mầm qua và Mùa Trăng Lá đến, Sói Cô độc bắt đầu bàn bạc việc đánh nhau với người Texas nếu họ khước từ việc trả tự do. Chim Đá thúc giục các chiến binh hãy kiên nhẫn; thống đốc Texas đang gặp rắc rối với các dân định cư vốn thù ghết người Da Đỏ. Cuối cùng, vào Mùa Trăng Hưu Rụng Sừng (tháng 8), các viên chức từ Washington sắp xếp cho Satanta và Cây Lớn chuyển đến Đồn Sill như những tù nhân. Không lâu sau đó chính thống đốc Texas đích thân đến họp hội đồng.

            Vào ngày hội đồng Satanta và Cây Lớn được phép có mặt dưới sự canh gác. Thống đốc mở lời, bảo rằng người Kiowa phải định cư trên những nông trại gần cục quản lý. Họ phải đến lãnh khẩu phần và trình diện khi điểm danh ba ngày một lần, họ phải ngăn không cho bọn trẻ đột kích vào Texas, họ phải nộp vũ khí và ngựa và trồng bắp như những người Da Đỏ văn minh. “Trong lúc này,” ông tiếp tục, “Satanta và Cây Lớn phải ở trong nhà bảo vệ cho đến khi chỉ huy Đồn Sill bằng lòng với những điều kiện đã được thực hiện.

6

Ngựa Trắng, tức Tse-tainte. Ảnh chụp năm 1870

             Sói Cô độc là người đầu tiên lên tiếng: “Các ông đã làm cho trái tim chúng tôi khỏe ra khi mang về những tù nhân này. Hãy làm chúng khỏe hơn nữa bằng cách thả họ ngay hôm nay.”

            Nhưng thống đốc không nhượng bộ. “Tôi sẽ không thay đổi các điều kiện này,” ông nói, và buổi họp kết thúc.

            Sói Cô độc bất mãn ra mặt. Các điều kiện quá khắt khe, và các tù trưởng vẫn còn là tù nhân. “Tôi muốn hòa bình,” ông bảo Thomas Battey, người thầy giáo. “Tôi đã nỗ lực vì việc đó. Washington đã lừa dối tôi – đã không chịu tin tưởng tôi và dân tôi- đã bẽ gãy lời hứa; và giờ không còn gì cho chúng tôi ngoài chiến tranh. Tôi biết chiến tranh với Washington có nghĩa là sự tận diệt của dân tôi, nhưng chúng tôi bắt buộc phải làm; chúng tôi thà chết hơn sống.”

            Thậm chí Chim Đá cũng thấy mình bị xúc phạm bởi những yêu sách của thống đốc. “Tim tôi như một tảng đá; không có chỗ nào mềm. Tôi đã nắm tay người da trắng, nghĩ rằng họ là bạn, nhưng hóa ra họ không phải là bạn; chính quyền đã lừa dối chúng tôi; Washington là đồ thối tha.”

            Battey và vị cán bộ mới, Haworth, cả hai đều biết rằng việc đổ máu, thậm chí một cuộc chiến mở rộng, là điều chắc chắn nếu thống đốc không làm một cử chỉ thiện chí bằng cách phóng thích Satanta và Cây Lớn. Họ đi đến thống đốc, giải bày tình hình cho ông, và khẩn khoản thuyết phục ông nới tay. Đến tận khuya thống đốc gởi cho Sói Cô độc và các tù trưởng khác một bức thư, yêu cầu được gặp lại họ vào sáng hôm sau. Người Kiowa đồng ý, nhưng trước khi trời sáng họ quyết định sẽ không lắng nghe những lời hứa hẹn nào nữa. Họ đến buổi họp trang bị vũ khí đầy đủ, với các chiến binh bố trí gần phòng bảo vệ và ngựa chiến sẵn sàng đào tẩu.

            Không có gì qua mắt thống đốc Texas. Ông nói ngắn gọn, là ông tin tưởng người Kiowa sẽ giữ lời giao ước, và rồi thông báo là ông cho Satanta và Cây Lớn hưởng án treo dưới sự giám sát của cán bộ quản lý của họ. Họ là những người tự do. Sói Cô độc một lần nữa chiến thắng một trận không đổ máu.

            Trong Mùa Trăng Lá Rụng, Satanta di chuyển đến căn lều tepee sơn đỏ của ông có cờ đuôi nheo đỏ báy phấp phới trên đầu cột phía trên lỗ thông khói. Ông tặng ngọn giáo yếm bùa màu đỏ cho người bạn già Chim Hét Trắng, và nói rằng ông không muốn làm tù trưởng nữa. Ông chỉ muốn tự do và hạnh phúc, dong ruổi trên đồng cỏ. Nhưng ông giữ lời và ở gần sát cục quản lý, và không chuồn đi mùa thu đó để săn bò với các chàng trai trẻ trên Đồng bằng Staked. 

7

Lều tepee truyền thống của người Da Đỏ

 

            Trong Mùa Trăng Ngỗng Bay Đi một số tên trộm da trắng từ Texas đột kích những đàn ngựa Comanche và Kiowa và trộm mất 200 con ngựa tốt nhất của họ. Một toán chiến binh truy đuổi nhưng chỉ bắt lại một số ít trước khi các tên trộm Texas vượt qua Sông Đỏ.

            Một thời gian ngắn sau đó một nhóm 9 chàng trai Kiowa và 21 Comanche quyết định đi về nam để bắt ngựa thay thế số ngựa bị đánh cắp. Không muốn gây rắc rối cho Satanta và Cây Lớn nếu đột kích ở Texas, nên họ hướng về Mexico. Tránh các khu định cư, họ phi nhanh qua 500 dặm đường và vượt qua Rio Grande giữa Chốt Đại bàng và Laredo. Ở Mexico họ đột kích các trang trại cho đến khi lấy được bằng số ngựa đã mất. Nhưng họ phải giết chết một vài người Mễ, và trên đường về họ giết thêm 2 người Texas tính ngăn cản họ. Sau đó bọn Áo xanh đến truy đuổi ráo riết, và trong một trận giao chiến trên lưng ngựa không xa Đồn Clark 9 chàng trai Da Đỏ bị giết. Trong số đó có Tauankia và Guitan, con trai và cháu của Sói Cô độc.

            Lúc đó đang giữa mùa đông khi các chiến binh sống sót trở về Đồn Sill. Người Kiowa và Comanche than khóc sự mất mát các chàng trai dũng cảm nhất của họ. Trong nỗi đau đớn vì mất con, Sói Cô độc cắt đi mái tóc, đốt lều mình, tàn sát ngựa, và thề sẽ báo thù người Texs.

            Ngay khi cỏ lên xanh trên đồng vào mùa xuân 1874, Sói Cô độc tổ chức một đội chiến binh đi sâu vào tận Texas để thu hồi thi thể của Tauankia và Guitan. Vì họ bị theo dõi rất gắt gao trên khu dành riêng, nên người Kiowa không thể giấu giếm được chuyến đi. Họ chỉ vừa mới vượt Sông Đỏ là các toán Áo xanh đã cưỡi ngựa chặn đánh- từ các đồn Concho, McKavett, và Clark. Nhưng Sói Cô độc đã xoay sở và tránh né được tất cả quân truy kích. Đội của ông đến được nơi chôn cất, thu hồi được thi thể của con trai và đứa cháu, và quay ngựa về hướng bắc phía Đồng bằng Staked. Một toán kỵ binh bám theo quá gắt khiến Sói Cô độc đành phải cải táng thi thể bên chân núi. Phân tán thành những toán nhỏ, người Kiowa phóng chạy băng qua Đồng bằng Staked. Phần đông đều đến được Sông Đỏ vừa kịp để nghe tin về một lễ hội vũ điệu mặt trời rất đặc biệt đang tưng bừng trên Suối Nai.

            Nhiều năm rồi người Kiowa luôn mời bạn bè Kwahadi Comanche của họ tham dự vũ điệu mặt trời của mình, người Comanche luôn đến làm khách nhưng chưa bao giờ tổ chức lễ hội của riêng mình. Trong mùa xuân 1874 đó họ mời người Kiowa đến dự lễ vũ điệu mặt trời đầu tiên của họ và giúp họ tính xem phải làm gì đối với bọn săn thú da trắng đang hủy hoại đàn bò trên Đồng bằng Staked. Chim Đá từ chối lời mời. Ông đã nghe nói người Kwahadi Comanche đã tổ chức vũ điệu mặt trời, và vì họ được coi là thù địch với chính quyền, Chim Đá thuyết phuc người của mình hãy ở yên trong trại và đợi cho đến tháng 7 sẽ tha hồ vui với lễ hội của mình. Sói Cô độc, tuy nhiên, vẫn còn đau lòng trước mất mát của con trai và còn căm giận bọn da trắng về việc ngăn không cho ông mang hài cốt của con về an táng cho đúng nghi thức, quyết định dẫn người của mình đến tham dự lễ hội của Comanche. Satanta cùng đi với ông; tù trưởng bị án treo thấy không có gì hại khi tham gia lễ hội Comanche trong biên giới của khu dành riêng; đó là một cử chỉ lịch sự.

            Người Kwahadi Comanche đến Suối Nai rất đông, cưỡi ngựa đến từ Đồng bằng Staked với tin xấu về đàn bò. Các tay thợ săn và thợ lột da da trắng có mặt khắp nơi; mùi hôi thúi của xác chết phân hủy lan theo gió ra khắp đồng bằng; như người Da Đỏ, các đàn bò lớn cũng bị đẩy vào lòng đất.

            (Trong số 3,700,000 đầu bò bị hủy diệt từ 1872 đến 1874, chỉ có 150,000 con là bì giết thịt bởi người Da Đỏ. Khi một nhóm người Texas quan ngại hỏi Tướng Sheridan phải làm gì để ngăn chận người da trắng tàn sát vô tội vạ, ông ta trả lời: “Cứ để họ giết, lột da, và bán cho đến khi đàn bò tận diệt, vì đó là cách duy nhất để mang lại hòa bình lâu dài và cho phép văn minh phát triển.”

            Người Kwahadi tự do không muốn thứ văn minh phát triển nhờ vào sự hủy diệt các động vật hữu ích. Tại lễ hội vũ điệu mặt trời, một nhà tiên tri Kwahadi có tên Isatai hô hào một trận chiến để cứu vớt đàn bò. Isatai là người có nhiều pháp thuật; người ta đồn rằng ông có thể nôn ra những khối quân nhu từ bụng của ông, và rằng ông có quyền năng làm đứng lại các viên đạn của người da trắng đang khi chiến đấu.

            Quanah Parker, tù trưởng trẻ tuổi của người Kwahadi, cũng hô hào chiến tranh đánh đuổi người da trắng ra khỏi vùng đất chăn thả. Ông đề nghị là họ nên ra tay trước tại căn cứ của thợ săn, một trạm giao dịch gần Sông Canadian được biết dưới tên Tường Gạch Sống.   

            Trước khi vũ điệu mặt trời kết thúc, một đội Cheyenne và Arapaho đến từ khu dành riêng ở phía bắc. Họ rất nổi giận vì một số tên ăn cắp ngựa người da trắng đã lấy đi 50 ngựa thảo nguyên tốt nhất của họ. Họ nghi bọn trộm cắp chính là các thợ săn bò. Khi họ nghe về kế hoạch của người Quanah định tấn công các tay thợ săn da trắng ở Tường Gạch Sống, họ quyết định tham gia cùng với người Kwahadi. Sói Cô độc và Satanta và các chiến binh Kiowa của họ cũng tình nguyện chiến đấu. Theo ý họ, việc cứu bò rừng khỏi bị tuyệt chủng là vấn đề cấp thiết và quan trọng hơn nhiều so với việc tuân theo những luật lệ vụn vặt của khu dành riêng. Nói cho cùng, không phải bọn đi săn xâm nhập vào vùng bò rừng dành riêng theo hiệp ước cho người Da Đỏ độc quyền sử dụng hay sao? Nếu binh lính không có ý định đuổi bọn đi săn trộm này đi thì chính họ sẽ làm điều ấy.

            Thế là 700 chiến binh phi ngựa về hướng tây từ Suối Nai trong Mùa Trăng Hè đang khuyết. Dọc đường đi Isatai làm phép và trấn an các chiến binh. “Bọn da trắng đó không thể bắn các bạn,” ông nói. “với bùa chú của tôi tôi sẽ ngăn tất cả súng của chúng. Khi chúng tấn công, các bạn sẽ quét sạch chúng đi.”

            Trước khi rạng đông vào ngày 27 tháng 6, các chiến binh cưỡi ngựa tiến sát Tường Gạch Sống và sẵn sàng cho một cuộc đột kích dữ dội sẽ quét sạch bọn săn trộm bò trong trạm căn cứ. “Chúng tôi đột kích rất nhanh trên lưng ngựa, bụi đường bốc cao,” Quanah Parker sau đó kể lại. Trên mặt đất có nhiều hang chó đồng cỏ, nên một số móng ngựa lọt vào hất tung các chiến binh rơi và lăn tòm trên đất. người Da Đỏ bắt gặp hai thợ săn toan trốn thoát trong xe ngựa, chúng hạ sát và lột da đầu cả hai. Tiếng súng và tiếng vó ngựa khiến các người da trắng đang ngủ choàng tỉnh. Họ bật dậy lôi ra các khẩu súng trường tầm xa đặc biệt để săn bò. Người Da Đỏ tản đi và rồi bắt đầu dàn đội hình tấn công vòng cung truyền thống, các chiến binh từng người một xông vào và ném lao hoặc bắn qua cửa sổ.

            “Tôi tiến sát nhà gạch sống với một người Comanche,” Quanah nói. “Chúng tôi chọc lỗ qua mái nhà để bắn xuống.” Một vài lần người Da Đỏ rút lui để rồi tấn công tiếp, hi vọng bắt buộc bọn thợ săn tiêu hết đạn được. Trong một lần đột kích này ngựa của Quanah bị bắn từ bên dưới, và khi anh cố tìm chổ núp, một viên đạn xé toạc vai anh. Anh bò vào một bụi mận gai và sau đó được cứu sống.

            “Các tay săn bò quá mạnh đối với chúng ta,” một chiến binh Comanche thú nhận. “Họ bắn từ trong nhà gạch sống. Họ có kính viễn vọng gắn trên súng. . . Một người của ta bị bắn ngã khỏi mình ngựa bằng một viên đạn ở cuối đạn đạo bắn ở tầm khoảng một dặm. Viên đạn làm y choáng váng nhưng không giết chết.”

            Ngày đầu giờ chiều người Da Đỏ rút lui khỏi tầm bắn của các súng bắn bò cực mạnh. Mười lăm chiến binh thiệt mạng; nhiều người hơn bị thương nặng. Họ trút cơn thịnh nộ và bực dọc lên Isatai, vốn đã hứa bảo vệ họ khỏi các viên đạn của người da trắng và thắng lợi lớn lao. Một người Cheyenne nổi dóa quất roi vào người Isatai, và một số người khác hùa theo đánh, nhưng Quanah đã ngăn lại. Trừng trị Isatai như thế là quá đủ, anh nói. Từ ngày đó, Quanah Parker không hề đặt tin tưởng vào thầy mo nào nữa.

            Sau đó Sói Cô độc và Satanta dẫn các chiến binh trở lại Ngã ba Bắc Sông Đỏ để tham gia vũ điệu mặt trời của người Kiowa. Tất nhiên họ mời bạn bè người Comanche và Cheyenne đến chơi. Mùa hè đó tiết mục chính của lễ hội Kiowa là ăn mừng ngày trở về khu dành riêng của Satanta và Cây Lớn. Người Kwahadi và Cheyenne dè bĩu những người trong khu dành riêng ăn mừng trong khi bò của họ đang bị xóa sạch bởi các tay săn da trắng. Họ kêu gọi tất cả người Kiowa đến nhập bọn cùng họ trong cuộc chiến cứu vớt đàn bò.

8

Quanah Parker . Ảnh chụp khoảng năm 1891-1893

             Chim Đá không lắng nghe lập luận nào của họ. Ngay khi lễ hội kết thúc, ông bắt đầu cùng thuộc hạ vội vã về cục quản lý.  Sói Cô độc và đồng bọn, tuy nhiên, cho rằng nghĩa vụ của mình là đi theo người Kwahadi đầy quyết tâm.

            Lần này Satanta không đi cùng Sói Cô độc. Cho rằng mình đã tận lực tri thiên mệnh, người tù trưởng năng động, thích giao du miễn cưỡng quay về Đồn Sill. Trên đường ông dẫn gia quyến và một số bạn bè đi xuống Suối Núi Mưa để thăm khu dành riêng Wichita và giao dịch với người Da Đỏ trồng bắp này. Đó là một mùa hè thú vị, và ông không gấp gáp trở về Đồn Sill theo lịch trình diện và lãnh khẩu phần.

            Trên Đồng bằng vào cuối hè đó hình như mọi thứ đều hóa ra tồi tệ. Ngày này qua ngày khác mặt trời nung đốt đất đai ngày càng khô khốc hơn, các dòng suối ngừng chảy, những cơn lốc xoáy châu chấu khổng lồ vụt ra từ bầu trời màu kim loại và trong chớp mắt ăn sạch đám cỏ vàng úa. Nếu một mùa quái ác như thế đã đến đất này vài năm sớm hơn, một cơn sấm động sẽ rung chuyển đồng cỏ khi một triệu con bò trong cơn hoảng loạn sẽ ồ ạt chạy đi tìm nước. Nhưng giờ đây đàn bò đã đi rồi, bày ra một cảnh tượng hoang vu của  xương và sọ và các móng chân phân hủy. Hầu hết những thợ săn da trắng đã bỏ đi. Từng băng nhóm Comanche, Kiowa, Cheyenne, và Arapaho lang thang không ngừng, tìm kiếm một ít đàn lẻ tẻ, nhưng nhiều người phải trở về khu dành riêng để khỏi bị chết đói.

            Tại các cục quản lý khu mọi thứ xáo trộn cả lên.  Quân đội và Văn phòng Da Đỏ có mục tiêu trái nguoc nhau. Đồ tiếp tế không đến. Một số cán bộ quản lý rút khẩu phần để trừng phạt người Da Đỏ vì tội đi lang thang không xin phép. Đây đó những cuộc bạo động bùng phát; binh lính và chiến binh xả súng bắn nhau. Vào giữa tháng 7 phân nửa người Kiowa và Comanche đăng ký tại cục quản lý Đồn Sill đã bỏ đi. Như thể do một quyền năng thần bí nào đó, những bộ tộc cuối cùng sống bằng bò rừng này phải kéo về trung tâm của bãi bò cuối cùng, Khu vực Cây Xoan, hay Hẽm Núi Palo Duro.

9

Người Da Đỏ săn bò rừng

            Palo Duro không thấy được khi nhìn từ chân trời bằng phẳng, một khe nứt uốn cong rạch vào Đồng bằng, một ốc đảo của suối và thác nước và nguồn mạch giữ cho cây liễu và cỏ ống bò ăn luôn xanh tươi và mượt mà. Hẽm núi chỉ có thể xâm nhập bằng một ít đường mòn do đàn bò dẫm đạp. Coronado đã đến đó vào thế kỷ 16, nhưng từ đó chỉ một số ít người da trắng từng thấy nó hoặc biết được sự tồn tại của nó.

            Qua suốt mùa hè 1874 người Da Đỏ và đàn bò tìm được chỗ trú ẩn ở đó. Người Da Đỏ chỉ giết đủ số bò để làm lương thực cho mình trong mùa đông – tách thịt ra cẩn thận rồi phơi khô trong nắng, cất tủy và mỡ trong da, lấy gân làm dây cung và sợi chỉ, làm thìa và cốc từ sừng, bện lông thành dây thừng và dây nịt, thuộc da thành lều bạt, quần áo, và giày moc-ca-sin.

            Trước khi Mùa Trăng Lá Vàng bắt đầu, nền đất của hẽm núi dọc theo suối là một cánh rừng những lều tepee – Kiowa, Comanche, và Cheyenne – lều nào cũng đầy ắp thức ăn sử dụng đến mùa xuân. Hầu hết 2,000 ngựa cùng nhau chia sẻ đồng cỏ dồi dào với đàn bò. Không lo sợ, các phụ nữ đi ra ngoài lo công viêc còn trẻ con thì chơi đùa dọc con suối. Đối với Quanah và Kwahadi đây là cuộc sống họ đã từng quen; đối với Sói Cô độc và người Kiowa và những kẻ bỏ trốn khỏi khu dành riêng khác đây là ngày trở về lại với nếp sống ngày xưa.

            Mối thách thức như thế tất nhiên là không chịu nỗi đối với giới thẩm quyền trên những khu dành riêng bị bỏ trống. Người Kwahadi cứng rắn và các đồng minh của họ chỉ vừa mới định cư trong các làng ẩn khuất cho mùa đông thì Chiến binh Lớn Sherman đã bắt đầu phát lệnh hành quân. Vào tháng 9 năm đạo quân Áo xanh lên đường. Từ Đồn Dodge, Áo Gấu Nelson Miles hướng về nam; từ Đồn Concho, Ba Ngón Mackenzie hành quân về bắc. Từ Đồn Bascom, New Mexico, Thiếu tá William Price di chuyển về đông; từ các đồn Sill và Richarson các đại tá John Davidson và George Buell đến. Hàng ngàn lính Áo xanh trang bị súng liên thanh và pháo hạng nặng đang săn lùng vài trăm người Da Đỏ chỉ muốn cứu vớt đàn bò và sống cuộc sống tự do.

            Sử dụng các trinh sát thuê người Tonkawa, kỵ binh của Mackenzie tìm được ngôi làng rộng lớn Palo Duro vào ngày 26 tháng 9. Người Kiowa của Sói Cô độc chịu đựng bão táp của cuộc đột kích đầu tiên. Mặc dù bị đánh úp bất ngờ, các chiến binh tử thủ rất lâu cho đàn bà và trẻ con của họ tẩu thoát, và sau đó họ rút lui dưới đám mây khói thuốc súng dày đặc. Binh lính của Mackenzie tràn ngập con suối, đốt rụi lều trại và phá hủy đồ dự trữ mùa đông của người Da Đỏ. Vào cuối ngày họ gom được hơn 1,000 ngựa. Mackenzie ra lệnh đưa chúng vào Thung lũng Tule, và ở đấy binh lính Áo xanh tàn sát chúng, một ngàn đầu ngựa chết chiêu đãi bầy kên kên nhộn nhịp bay lượn vòng.

            Băng qua Đồng bằng những người Da Đỏ chạy bộ tứ tán, không thức ăn, quần áo, hoặc chỗ trú ẩn. Và hàng ngàn lính Áo xanh từ bốn hướng săn đuổi họ có phương pháp, theo kiểu cài răng lượt, tóm được những người Da Đỏ bị thương trước, rồi đến người già, rồi đàn bà và trẻ con.

            Sói Cô độc và 252 người Kiowa xoay sở tránh bị bắt, nhưng cuối cùng họ không thể chạy thêm được nữa. Vào ngày 25 tháng 2, 1875, họ đến Đồn Sill xin đầu hàng. Ba tháng sau Quanah nộp mình cùng với người Kwahadi.

            Trong cơn náo loạn của những chiến dịch quân sự các tù trưởng bị án treo, Satanta và Cây Lớn, trốn khỏi khu dành riêng. Khi đến cục quản lý Cheyenne trình diện, họ bị xiềng xích và nhốt trong nhà bảo vệ.

            Tại Đồn Sill mỗi băng nhóm Da Đỏ đầu hàng được dồn vào rào, ở đó binh lính tước vũ khí. Tất cả tài sản ít ỏi của họ đều bị tịch thu và chất đống, sau đó bị đốt rụi. Ngựa và lừa bị dẫn ra đồng bắn bỏ. Các tù trưởng và chiến binh bị tình nghi là có trách nhiệm trong việc xúi dân bỏ đi khỏi khu dành riêng đều bị nhốt trong xà lim hoặc nhốt giữa bốn bức tường cao nhưng không mái che. Mỗi ngày cai tù ném cho họ những mẩu thịt sống như thể họ là thú rừng trong lồng.

            Từ Washington, Chiến binh Lớn Sherman ra lệnh xét xử và kêu án đối với tù nhân. Cán bộ quản lý Haworth yêu cẩu khoan hồng cho Satanta và Cây Lớn. Sherman không ghét bỏ gì Cây Lớn, nhưng ông không quên cử chỉ thách thức của Satanta, và thế là chỉ mình Satanta bị đưa trở lại Trại Cải Tạo Texas.

            Vì các giới thẩm quyền quân sự không thể quyết xem ai trong số tù nhân cần phải bị trừng trị, họ ra lệnh Chim Đá chọn ra 26 người Kiowa bị lưu đày đến ngục tối của Đồn Marion, Florida. Dù ghê tỡm công việc mình làm, nhưng Chim Đá phải tuân lệnh. Ông biết rằng Sói Cô độc phải đi, Tim Đàn Bà và Ngựa Trắng, và Mamanti Người Đi Trên Trời, vì vụ đánh nhau của họ ở Texas. Phần còn lại, họ chọn các chiến binh không tiếng tăm và một số tù nhân Mễ đã lớn lên trong bộ tộc.

            Dù như thế, vai trò của Chim Đá trong việc phán xử người trong bộ tộc cũng làm ông đánh mất sự ủng hộ của thuộc hạ mình. “Tôi như một tảng đá, đã bễ nát và bị ném đi,” ông bảo Thomas Battey một cách buồn bã. “Một phần ném chỗ này, một phần ném chỗ kia.”

            Vào ngày các tù nhân xiềng xích bị chất vào xe ngựa cho chuyến đi dài đến Florida, Chim Đá cưỡi ngựa ra nói lời chia tay với họ. “Tôi rất tiếc cho các bạn,” ông nói. “Nhưng bởi vì sự cứng đầu của các bạn, tôi đã không thể tránh cho các bạn khỏi gặp rắc rối. Các bạn đáng bị chính quyền trừng phạt. Sẽ không lâu đâu. Tôi yêu quí các bạn và sẽ hoạt động để các bạn được thả.”

            Mamanti khinh bĩ trả lời: “Ông được tự do, một ông lớn của bọn da trắng. Nhưng ông không sống lâu đâu, Chim Đá. Tôi sẽ sống mà coi chuyện đó.”

            Hai ngày sau, sau khi uống một cốc cà phê trong lều gần đồn, Chim Đá chết một cách bí ẩn. Ba tháng sau, tại Đồn Marion, sau khi hay tin về cái chết của Chim Đá, Mamanti cũng ra đi thình lình, và người Kiowa cho rằng thầy mo Mamanti đã tình nguyện lấy cái chết của mình để đánh đổi sinh mạng của Chim Đá bằng pháp thuật. Ba năm sau, kiệt quệ trong bệnh viện nhà tù ở Texas, Satanta lao mình từ một cửa sổ trên tầng cao để tìm giải thoát trong cái chết. Cùng năm đó, Sói Cô độc, bị hành hạ bởi chứng sốt rét, được phép trở về Đồn Sill, nhưng ông cũng qua đời trong năm đó.

            Những thủ lĩnh vĩ đại đã đi hết; sự hùng tráng của Kiowa và Comanche đã tan tác; giống bò mà họ tính cứu vớt cũng biến mất. Tất cả những điều này xảy ra trong chưa đầy một thập niên.                                     

 

12 . Cuộc Chiến cho các Ngọn Đồi Đen

1875 – Ngày 1 tháng 5, truy tố 238 thành viên của đường dây uýt-ki về tội gian lận thuế; các viên chức cao cấp trong chính quyền có liên can. Ngày 6 tháng 12, Quốc hội thứ 44 họp; đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện lần đầu tiên kể từ năm 1859.

1876- Ngày 7 tháng 2, thư ký riêng của Tổng thống Grant, Orville Babcock, được tha bổng tội đồng lõa trong đường dây Uýt-Ki, nhưng Grant sa thải y khỏi nhiệm sở. Ngày 4 tháng 3, Quốc hội Mỹ truy tố Bộ trưởng Chiến tranh Belknap vì đồng lõa trong vụ đường dây gian lận người Da Đỏ. Ngày 10 tháng 5, Triển lãm 100 năm ở Philadelphia. Ngày 11 tháng 6, đảng Cộng hòa chỉ định Rutherford B. Hayes làm ứng viên Tổng thống. Ngày 27 tháng 6, đảng Dân chủ chỉ định Samuel J. Tilden làm ứng viên Tổng thống. Ngày 9 tháng 7, vụ tàn sát dân quân da đen ở Hamburg, Nam Carolina. Ngày 1 tháng 8, Colorado được nhận vào Liên bang trở thành bang 38. Tháng 9, Thomos Edison lập phòng thí nghiệm ở Menlo Park, New Jersey. Ngày 17 tháng 9, chiến tranh chủng tộc bùng nổ ở Nam Carolina. Ngày 7 tháng 11, cả hai đảng chính trị đều tuyên bố mình là người chiến thắng trong cuộc bầu cử  tổng thống; Tilden thắng trong số phiếu phổ thông. Ngày 6 tháng 12, Ủy ban Bầu cử họp và cho Hayes 185 số phiếu bầu đại cử tri, Tilden 184 phiếu.

Không người da trắng nào hoặc người nào được phép định cư hoặc chiếm đóng bộ phận nào của lãnh thổ, hoặc được băng qua lãnh thổ mà không có sự đồng ý của người da đỏ.

  • HIỆP ƯỚC 1868

 

Chúng tôi không muốn người da trắng ở đây. Những ngọn Đồi Đen thuộc về tôi. Nếu người da trắng cố chiếm chúng, tôi sẽ chiến đấu.

-TATANKA YOTANKA (BÒ NGỒI)

 

Người ta không bán đất trên đó người ta bước đi.

-TASHUNKA WITKO (NGỰA ĐIÊN)

 

Người da trắng ở trong vùng Đồi Đen giống như những con giòi, và tôi muốn các ông lôi chúng ra nhanh như có thể. Xếp của tất cả bọn trộm cắp (Tướng Custer) làm đường vào đất Đồi Đen mùa hè trước, và tôi muốn vị Cha Lớn đền bù thiệt hại mà Custer đã gây ra.

  • BAPTISTE GOOD

 

Đất Đồi Đen được người Da Đỏ coi là trung tâm đất mẹ của họ. Mười quốc gia Sioux nhìn về hướng ấy như trung tâm của xứ sở mình.

  • TATOKE INYANKE (LINH DƯƠNG CHẠY)

Các thanh niên của vị Cha Lớn chuẩn bị mang vàng ra khỏi vùng đồi. Tôi tin là họ sẽ chất đầy nhiều ngôi nhà bằng số vàng này. Để bù lại tôi muốn dân tôi được chu cấp đến suốt đời.

-MATO NOUPA (HAI GẤU)

 

Vị Cha Lớn bảo các ủy viên rằng mọi người Da Đỏ có quyền trong vùng Đồi Đen, và rằng bất cứ kết luận nào người Da Đỏ đi đến sẽ được tôn trọng. . . Tôi là một người Da Đỏ và được người da trắng coi là một thằng ngu; nhưng đúng là như thế vì tôi nghe theo lời khuyên của người da trắng.

  • SHUNKA WITKO (CHÓ KHỜ)

 

Vị Cha Lớn của chúng ta có một tủ tiền lớn, chúng tôi cũng vậy. Ngọn đồi là tủ tiền lớn của chúng tôi. . . Chúng tôi muốn 70 triệu đô la cho các ngọn Đồi Đen. Hãy cất tiền ở nơi nào xin lãi để chúng tôi có thể mua gia súc. Đó là cách thức người da trắng làm.

-MATO GLESKA (GẤU ĐỐM)

 

Các ông đã chụm đầu chúng tôi lại với nhau và trùm chúng bằng một cái chăn. Ngọn đồi đó là tài sản của chúng tôi, nhưng các ông muốn lấy nó khỏi tay chúng tôi. . . Da trắng các ông đã đến khu dành riêng của chúng tôi và tự tiện lấy đi tài sản chúng tôi, mà vẫn chưa hài lòng, các ông còn làm tới muốn lấy toàn bộ tủ tiền của chúng tôi.

  • MẮT CHẾT

 

Tôi chưa hề muốn rời bỏ xứ sở này; tất cả người thân của tôi đều nằm đây dưới lòng đất, và khi tôi tan rã từng mảnh tôi sẽ tan rã từng mảnh ở đây.

  • SHUNKAHA NAPIN (VÒNG CỔ CHÓ SÓI)

 

Chúng tôi đã ngồi đây và nhìn họ đi qua lấy vàng đem đi và chúng tôi không nói gì. . . Các bạn của tôi ơi, khi tôi đến Washington tôi đến thăm nhà tiền của các bạn, dẫn theo một số người trẻ, nhưng không người nào lấy đi tiền ra khỏi ngôi nhà đó khi tôi ở đó với họ. Cùng lúc ấy, khi người dân của vị Cha Lớn đến xứ sở tôi, họ đi vào nhà tiền của tôi [các Đồi Đen] và họ lấy tiền đem đi.

  • MAWATANI HANSKA (LONG MANDAN)

 

Các bạn của tôi ơi, nhiều năm qua chúng tôi đã sống trong xứ sở này; chúng tôi chưa hề đi đến xứ sở của vị Cha Lớn và quấy rầy ông về bất cứ điều gì. Chính dân ông đã đến xứ sở chúng tôi và quấy nhiểu chúng tôi, làm nhiều điều tác tệ và dạy chúng tôi làm kẻ xấu xa. . . trước khi người các bạn vượt đại dương để đến xứ sở này, và từ đó đến nay, các bạn chưa hề đề nghị mua một xứ sở nào bằng xứ sở này về tài nguyên. Các bạn của tôi ơi, xứ sở này mà các bạn đến để mua là xứ sở tốt nhất mà chúng tôi có. . . xứ sở này là của tôi, tôi lớn lên ở đây; cha ông tôi sống và chết ở đây; và tôi muốn ở lại đây.

KANGI WIYAKA (LÔNG QUẠ)

 

Các ông đã đuổi thú săn và phương tiện sống của chúng tôi ra khỏi xứ sở này, cho đến khi giờ đây chúng tôi không còn lại gì có giá trị trừ các ngọn đồi mà các ông yêu cầu chúng tôi giao nộp. . . Đất đai đầy những khoáng chất đủ mọi loại, và mặt đất bao phủ bởi những cánh rừng thông sừng sững, và khi chúng tôi giao nộp những thứ này cho vị Cha Lớn chúng tôi biết rằng mình giao nộp vật cuối cùng có giá trị với chúng tôi cũng như với người da trắng.

  • WANIGI SKA (MA TRẮNG)

 

Khi đồng cỏ bắt lửa các ông thấy muông thú bị lửa bao vây; các ông nhìn thấy chúng chạy và cố lẫn trốn để không bị bỏng. Chúng tôi giờ đây giống như thế.

  • NAJINYANUPI (BỊ BAO VÂY)

 

KHÔNG LÂU SAU KHI Mây Đỏ và Đuôi Đốm và người Teton định cư trong khu dành riêng của họ ở tây bắc Nebraska, tin đồn bắt đầu lan rộng trong các khu định cư da trắng là những số lượng vàng lớn được cất giấu ở vùng Đồi Đen. Paha Sapa, Đồi Đen, là trung tâm của thế giới, nơi của các thần linh và các núi thiêng, nơi các chiến binh đến để trò chuyện với Đấng Thần linh Lớn và mong đợi sự khải thị. Vào năm 1868 vị Cha Lớn coi các ngọn đồi này là vô giá trị và giao cho người Da Đỏ vĩnh viễn bằng hiệp ước. Bốn năm sau các người khai mỏ da trắng vi phạm hiệp ước. Họ xâm chiếm Paha Sapa,  tìm trong các hẽm núi đá và các con suối chất kim loại màu vàng khiến người da trắng phát rồ. Khi người Da Đỏ nhìn thấy những người da trắng phát rồ này lẻn vào các đồi thiêng của họ, họ tàn sát chúng hoặc săn đuổi chúng ra ngoài. Vào năm 1874 sự huyên náo rộ lên trong cộng đồng da trắng hám vàng đến nỗi Quân đội được lệnh đi trinh sát vào vùng Đồi Đen. Chính quyền Hoa Kỳ không buồn tìm kiếm sự đồng ý của người Da Đỏ trước khi bắt đầu cuộc hành quân xâm lấn này, mặc dù hiệp ước 1868 ngăn  cấm người da trắng đi vào nếu không có phép của người Da Đỏ.

            Vào Mùa Trăng Dâu Đỏ, hơn 1,000 kỵ binh tiến qua các đồng bằng từ Đồn Abraham Lincoln đến Đồi Đen. Họ là Kỵ binh thứ 7 và cầm đầu là Tướng George Armstrong Custer, chính là Xếp Sao mà vào năm 1868 đã tàn sát người Nam Cheyenne của Ấm Đen ở Washita. Người Sioux gọi y là Pahuska, Tóc Dài, và vì họ không được cảnh báo về việc y đến, nên họ chỉ có thể quan sát từ xa khi đạo quân các kỵ binh áo xanh và xe ngựa tiếp tế che mui xâm nhập vào vùng đất thiêng của họ.

            Khi Mây Đỏ nghe được cuộc hành quân của Tóc Dài, ông phản kháng: “Tôi không thích Tướng Custer và tất cả binh lính của hắn đi vào Đồi Đen, vì đó là xứ sở của người Oglala Sioux.” Đó cũng là xứ sở của người Cheyenne, Arapaho, và những bộ tộc Sioux khác. Cơn thịnh nộ của người Da Đỏ đủ mạnh khiến vị Cha Lớn, Ulysses Grant, tuyên bố quyết tâm của ông là “ngăn cản mọi sự xâm lấn xứ sở này bởi những kẻ xâm nhập trong khi mà luật lệ và hiệp ước đã bảo đảm cho người Da Đỏ.”

            Nhưng khi Custer báo cáo là các đồi chứa đầy vàng “từ rễ cỏ trở xuống,” các toán da trắng bắt đầu tụ tập như châu chấu mùa hè, bắt đầu phát hoang và đào xới như phát rồ. Con đường mà trên đó các xe ngựa tiếp tế của Custer đã lấn vào trong trái tim của Paha Sapa sớm trở thành Đường Đạo Tặc.

            Mây Đỏ đang gặp rắc rối vào mùa hè đó với cán bộ quản lý khu dành riêng, J. J. Saville, về chất lượng tồi của lương thực và đồ tiếp tế phát cho người Oglala. Vì quá bận rộn , Mây Đỏ không thể đánh giá đầy đủ tác động của việc Custer xâm lấn Đồi Đen lên người Sioux, nhất là lên những người rời khỏi khu dành riêng mỗi mùa xuân để đi săn thú và hạ trại gần các ngọn đồi. Như nhiều thủ lĩnh lớn tuổi khác, Mây Đỏ quá chú tâm đến các chi tiết lặt vặt, và ông đang đánh mất sự gắn bó với người trẻ trong bộ tộc.

            Vào mùa thu tiếp theo chuyến hành quân của Custer, người Sioux đã đi săn trên miền bắc bắt đầu trở lại cục quản lý của Mây Đỏ. Họ giận dữ như ong bắp cày về vụ xâm lấn Paha Sapa, và một số người bàn về việc lập toán chiến binh trừng trị bọn khai mỏ đang đổ xô vào vùng đồi. Mây Đỏ lắng nghe bàn tán, nhưng khuyên bọn trẻ hãy kiên nhẫn; ông tin chắc vị Cha Lớn sẽ giữ lời và phái binh sĩ đuổi cổ bọn khai mỏ. Tuy nhiên, trong Mùa Trăng Lá Rụng, một sự kiện xảy ra khiến Mây Đỏ biết được bọn trẻ của ông căm tức bọn binh lính của Tóc Dài đến cỡ nào. Vào ngày 22 tháng 10 cán bộ Saville phái một số công nhân da trắng của ông đốn một cây thông cao và mang thân cây về lô cốt. Khi người Da Đỏ nhìn thấy cây thông nằm trên mặt đất họ hỏi Saville nó được sử dụng vào việc gì. Một cột cờ, viên quản lý bảo họ, ông sẽ cho lá cờ bay trên lô cốt. Người Da Đỏ phản đối Tóc Dài Custer treo cờ trong trại mình nhìn qua khu Đồi Đen; họ không muốn có lá cờ nào hoặc bất cứ thứ gì trong cục của họ nhắc họ nhớ đến binh lính.

            Saville phớt lờ lời phản đối, và sáng hôm sau ông cho người đào lỗ chôn cột cờ. Trong vài phút một nhóm chiến binh trẻ đến với rìu và bắt đầu chặt cột cờ ra từng mảnh. Saville ra lệnh họ dừng tay, nhưng họ phớt lờ, và viên quản lý sảy bước đến văn phòng của Mây Đỏ và xin ông ngăn các chiến binh. Mây Đỏ từ chối, ông biết rằng các chiến binh chỉ biểu lộ sự bức xúc của họ về việc xâm lấn Đồi Đen của Tóc Dài.

            Nổi dóa, Saville bèn ra lệnh cho một công nhân phi ngựa đến Thị trấn Lính (Đồn Robinson) và yêu cầu một đại đội kỵ binh đến trợ giúp. Khi các chiến binh trông thấy tên công nhân phi ngựa về hướng đồn, họ đoán ra nhiệm vụ của y. Họ liền chạy vù về lều của mình, mang vũ khí và bôi lên người màu sắc chiến đấu, và đi chặn đầu bọn kỵ binh. Chỉ có 26 lính áo xanh do một trung úy chỉ huy; các chiến binh bao vây họ, bắn súng chỉ thiên, và la lên những tiếng hú hét chiến tranh. Trung úy (Emmet Crawford) không tỏ vẻ hoảng sợ. Qua đám bụi mù mịt mà các chiến binh làm dậy lên, y vẫn cho người của mình vững vàng tiến tới về hướng cục. Một số chiến binh trẻ bắt đầu tiến sát, ép sát ngựa của mình với ngựa các kỵ binh, quyết tâm gây chiến.

            Lần này không phải là một toán kỵ binh khác đang phi nước đại đến giải cứu Trung úy Crawford, mà là một băng Sioux ở cục do Người-Trẻ-Sợ-Ngựa-Của-Mình, con trai của Người-Già-Sợ-Ngựa-Của-Mình. Người Da Đỏ ở cục đâm qua vòng vây của các chiến binh, tạo một bức tường bảo vệ quanh các binh lính, và hộ tống họ đến lô cốt. Các chiến binh hiếu chiến vẫn còn tức tối, định đốt rụi lô cốt, và chỉ nhờ có tài hùng biện của Chó Đỏ và Người-Già-Sợ-Ngựa-Của-Mình mới ngăn được vụ chạm trán xảy ra.

            Một lần nữa Mây Đỏ từ chối can thiệp. Ông không ngạc nhiên khi nhiều người chống đối thu dọn hành lý, dở lều bạt, và đi trở lại miền bắc để qua mùa đông bên ngoài khu dành riêng. Họ đã chứng tỏ với ông là vẫn còn những chiến binh Sioux khác không coi nhẹ bất kỳ sự xâm lấn nào vào Paha Sapa, vậy mà rõ rằng Mây Đỏ không biết rằng mình đang đánh mất các người trẻ này mãi mãi. Họ đã khước từ quyền lãnh đạo của ông để chịu sự lãnh đạo của Bò Ngồi và Ngựa Điên, hai thủ lĩnh này chưa hề chịu sống trong một khu dành riêng hoặc nhận của bố thí của người da trắng.

            Vào mùa xuân 1875, các câu chuyện về vàng ở Đồi Đen đã kéo hàng trăm người khai mỏ lên thượng lưu Sông Missouri và đi trên Đường Đạo Tặc. Quân đội phái binh lính ngăn chận dòng người tìm vàng. Một số bị đuổi ra khỏi vùng đồi, nhưng không có sự răn đe luật pháp chống lại họ, nên chẳng mấy chốc họ quay lại tìm vàng tiếp. Tướng Crook (Người Da Đỏ Đồng bằng gọi ông là Ba Sao thay vì Sói Xám) cho binh lính trinh sát vùng Đồi Đen, và phát hiện có hơn 1,000 người khai mỏ trong khu vực. Ba Sao lễ phép thông báo với họ là họ đang vi phạm luật lệ và ra lệnh họ rời đi, nhưng ông không sử dụng sự trấn áp hay cưỡng chế.

            Đánh động về cơn điên thèm khát vàng của người da trắng và sự bất lực ngăn chận của Quân đội để bảo vệ lãnh thổ của mình, Mây Đỏ và Đuôi Đốm gởi những kháng nghị mạnh mẽ lên Washington. Vị Cha Lớn liền gởi một ủy ban “để thương thảo với người Sioux từ bỏ vùng Đồi Đen.” Nói cách khác, thời cơ đã đến để chiếm đoạt thêm một phần lãnh thổ đã giao cho người Da Đỏ vĩnh viễn. Như thường lệ, ủy ban gồm các chính trị gia, mục sư, nhà buôn, và sĩ quan. Thượng nghị sĩ William B. Allison bang Iowa là trưởng đoàn. Mục sư Samuel D. Hinman, từ lâu đã nỗ lực thay thế tôn giáo và văn hóa của người Santee bằng Cơ đốc giáo, là giáo sĩ chính. Tướng Alfred Terry đại diện phe quân sự. John Collins, nhà buôn ở Đồn Laramie, đại diện lợi ích của giới thương mại.

            Để bảo đảm có đủ đại diện của người Da Đỏ sống trong lẫn ngoài khu dành riêng, ủy ban mời cả Bò Ngồi, Ngựa Điên, và những tù trưởng “chịu quậy” khác đến dự hội đồng. Khi nghe người lai Louis Richard đọc thư chính quyền gởi đến ông, Bò Ngồi trả lời: “Ta muốn anh đi gặp và nói với Cha Lớn là ta không muốn bán phần đất nào cho chính quyền.” Ông nhặt lên một nhúm bụi và nói thêm: “Dù chỉ bán nhiều chừng này.” Còn Ngựa Điên cũng chống đối việc bán đất Sioux, nhất là vùng Đồi Đen. Ông từ chối dự hội đồng, nhưng Người Lớn Nhỏ sẽ đi như một quan sát viên cho người Oglala tự do.

            Nếu các ủy viên tưởng chỉ gặp gỡ lặng lẽ một số ít các tù trưởng dễ bảo và sắp xếp một vụ mua bán giá hời, họ sẽ bị ngạc nhiên bất ngờ. Khi họ đến nơi hội họp – trên Sông Trắng giữa cục của Mây Đỏ và Đuôi Đốm – đồng bằng hàng dặm bao quanh tấp nập những lều trại Sioux và nhiều đàn ngựa đông đúc đang gặm cỏ. Từ Sông Missouri về phía đông đến xứ  Sừng Lớn về phía tây, tất cả các quốc gia Sioux và nhiều bạn bè Cheyenne và Arpaho đã tề tựu lại đây – hơn 20,000 người Da Đỏ.

            Trong số họ chỉ có ít người được nhìn thấy một bản sao của hiệp ước 1868, nhưng đại đa số hiểu được ý nghĩa một vài mệnh đề trong văn bản thiêng liêng đó: “Không hiệp ước nào cho phép nhượng lại bất kỳ phần nào của khu dàng riêng mô tả trong đây. . . sẽ được coi là có giá trị hoặc có quyền lực . . . trừ khi được xác nhận và được ký tên bởi ít nhất ba phần tư của toàn thể nam thanh niên Da Đỏ, đang ở hoặc quan tâm đến phần đất đó.” Thậm chí nếu các ủy viên có thể hù dọa hoặc mua chuộc mọi tù trưởng có mặt, họ cũng không thể kiếm được hơn vài chục chữ ký trong số hàng ngàn chiến binh thịnh nộ, trang bị đầy đủ, quyết tâm giữ gìn từng nhúm bụi và lá cỏ trong lãnh thổ của mình.

            Vào ngày 20/9/1875, ủy ban họp lại dưới tấm bạt cạnh một cây dương trên đồng bằng bát ngát. Các ủy viên ngồi trên hàng ghế đối diện hàng ngàn người Da Đỏ đang di chuyển không ngớt từ khoảng xa. Một toán 120 kỵ binh cưỡi ngựa trắng xếp hàng đi từ Đồn Robinson và tiến đến dàn một hàng ngang phía sau chỗ họp. Đuôi Đốm đến bằng xe ngựa từ cục của mình, nhưng Mây Đỏ đã thông báo mình không đến. Một vài tù trưởng khác lần lượt bước vào, và rồi thình lình một đám mây bụi bốc lên từ mõm một gò cao ở xa. Một băng Da Đỏ phi nước đại đến lều họp. Các chiến binh ăn vận kiểu tác chiến, và khi họ đến gần hơn họ quành vòng tròn bao lấy các ủy viên, nổ những phát súng chỉ thiên, và hú hét trước khi đến xếp hàng ngay phía sau đoàn kỵ binh. Lần này một băng thứ hai Da Đỏ tiến đến, và cứ như thế hết bộ tộc này đến bộ tộc kia đi tới, biểu dương sức mạnh, cho đến khi chung quanh lều họp có đến vài ngàn chiến binh. Bây giờ các tù trưởng bước vào, thỏa mãn vì họ đã cho các ủy viên một ấn tượng mạnh mẽ để suy nghĩ. Họ ngồi thành nửa vòng tròn đối diện với các người da trắng lo âu, bồn chồn muốn nghe những gì họ sẽ nói về Đồi Đen.

            Trong một ít ngày dừng chân ở Đồn Robinson, các ủy viên cũng cảm nhận được tâm trạng của những người Da Đỏ, họ nhận ra việc mua Đồi Đen là vô vọng, nên đã quyết định thay bằng việc thương lượng quyền khai thác khoáng sản. “Giờ đây chúng tôi xin hỏi các ông có muốn nhượng cho dân tôi quyền khai mỏ trong vùng Đồi Đen,” Thượng nghị sĩ Allison bắt đầu, “cho đến khi nào vàng hoặc khoáng sản quí khác được tìm thấy, với một số tiền chính đáng và công bằng. Nếu các ông đồng ý, chúng tôi sẽ mặc cả với các ông giá của quyền này. Khi vàng hoặc các khoáng sản có giá trị được mang đi, xứ sở một lần nữa lại là của các ông.”

            Đuôi Đốm xem đề nghị này là một trò đùa lố bịch. Có phải ủy viên xin người Da Đỏ cho người da trắng  mượn Đồi Đen trong một thời gian phải không?  Lời bẽ lại của ông là hỏi Thượng nghị sĩ Allison là liệu ông ta có cho ông mượn một đàn lừa với những điều kiện đó hay không.

            “Chính quyền khó lòng ngăn cản người da trắng xâm nhập vùng đồi,” Allison tiếp tục. “Nếu cố ngăn cản họ chính quyền và các ông sẽ gặp rắc rối to, vì số người da trắng muốn đến đó rất đông.” Sự dốt nát của Thượng nghị sĩ về tình cảm của người Da Đỏ đồng bằng đối với xứ Sông Powder thể hiện trong đề nghị sau của ông: “Có một xứ khác cách đây khá xa về hướng mặt trời lặn, trên đó các ông mặc tình lang thang và săn bắn, chưa được nhượng quyền, trải dài đến đỉnh của Núi Sừng Lớn. Còn vùng Đồi Đen hình như không có nhiều giá trị đối với các ông và các ông cũng ít sử dụng. Dân chúng tôi nghĩ rằng họ muốn có một phần của nó như tôi đã mô tả.”

            Trong khi yêu sách của Thượng nghị sĩ được phiên dịch, Chó Đỏ cưỡi ngựa đến và thông báo y có một thông điệp của Mây Đỏ. Tù trưởng Oglala vắng mặt, chắc hẳn đoán biết ý đồ tham lam của các ủy viên, nên yêu cầu hoãn họp một tuần cho các bộ tộc có thời gian họp hội đồng của họ để cứu xét tất cả đề nghị liên quan đến đất đai của họ. Các ủy viên bàn bạc và đồng ý cho người Da Đỏ ba ngày để hội họp. Vào ngày 23/9 họ hi vọng nhận được câu trả lời dứt khoát từ các tù trưởng.

10

Bò Ngồi

            Việc nộp vùng đất săn cuối cùng của họ là việc quá lố bịch đến nỗi không có tù trưởng nào thèm bàn bạc về nó trong các cuộc họp hội đồng. Họ chỉ bàn luận một cách gay go về vấn đề Đồi Đen. Một số lý luận rằng nếu chính quyền Hoa Kỳ không có ý định thi hành cưỡng chế hiệp ước đối với người da trắng vi phạm, thế thì có lẽ người Da Đỏ nên đòi họ trả tiền – một số tiền lớn – cho số kim loại vàng lấy ra từ các ngọn đồi. Những người khác quyết định không chịu bán dù với bất cứ giá nào. Đồi Đen thuộc về người Da Đỏ, họ lập luận; nếu binh lính Áo xanh không đuổi được người khai mỏ, thì để cho các chiến binh làm việc ấy.

            Vào ngày 23/9 các ủy viên, đến họp bằng xe cứu thương Quân đội từ Đồn Robinson và được hộ tống bởi một đoàn kỵ binh hùng hậu hơn. Mây Đỏ đến sớm, và ông chống đối kịch liệt sự hiện diện quá đông của binh lính. Ngay khi ông chuẩn bị đọc lời phát biểu sơ khởi với các ủy viên, một sự náo loạn bất ngờ xảy ra trong số những chiến binh ở đàng xa. Khoảng 300 người Oglala đã đến từ xứ Sông Powder đi chầm chậm xuống dốc, thỉnh thoảng khai hỏa. Một số cất tiếng hát một bài ca Sioux:

            Đồi Đen là đất của ta và ta yêu quí nó

            Bất cứ ai đến xâm phạm

            Sẽ nghe tiếng súng này.

            Một người Da Đỏ cưỡi con ngựa xám xông qua hàng ngũ các chiến binh đang tụ tập quanh lều họp. Ông là đại diện của Ngựa Điên, Người Lớn Nhỏ, trong y phục tác chiến với hai khẩu súng lục vắt ở hông. “Tôi sẽ giết người tù trưởng đầu tiên nào ủng hộ việc bán Đồi Đen!” y la lớn. Y cho ngựa nhún nhảy trong khoảng trống giữa các ủy viên và tù trưởng.

            Người-Trẻ-Sợ-Ngựa-Của-Mình và một nhóm cảnh sát không chính thức người Sioux lập tức áp quanh người Lớn Nhỏ và kè y đi ra ngoài. Tuy nhiên, các tù trưởng và ủy viên chắc cũng đã đoán ra là Người Lớn Nhỏ nói lên ước vọng của hầu hết những chiến binh hiện diện. Tướng Terry đề nghị các ủy viên đánh xe về Đồn cho an toàn.

            Sau khi cho người Da Đỏ một vài ngày hạ hỏa, các ủy viên lẳng lặng sắp xếp một cuộc họp với 20 tù trưởng trong tòa nhà hành chính của cục Mây Đỏ. Trong ba ngày phát biểu, các tù trưởng khẳng định cho các đại diện chính quyền biết rằng Đồi Đen không thể được bán rẻ, nếu không muốn nói là với bất cứ giá nào. Đuôi Đốm cuối cùng mất kiên nhẫn với các ủy viên và yêu cầu họ viết ra đề nghị cụ thể.

            Họ đưa giá 400,000 đô la một năm cho quyền khai thác khoáng sản hoặc nếu người Sioux muốn bán đứt đồi thì giá là 6 triệu đô la trả trong 15 năm. (Thật ra đây là một giá quá hời, nếu xét chỉ một mỏ ở Đồi Đen sẽ cho hơn 500 triệu đô la vàng.)

            Thậm chí Mây Đỏ không xuất hiện trong buổi họp cuối cùng, để Đuôi Đốm nói thay người Sioux. Đuôi Đốm bác bỏ cả hai lời chào giá, một cách chắc nịch. Đồi Đen không cho thuê hay bán.

            Các ủy viên khăn gói trở lại Washington, báo cáo là họ đã thất bại trong nhiệm vụ được giao, và đề nghị Quốc hội bỏ ngoài tai ý muốn của người Da Đỏ và chiếm hữu với giá “tương đương với giá các ngọn đồi.” Việc mua cưỡng chế Đồi Đen này nên “trình ra cho người Da Đỏ như một sự chung quyết,” họ nói.

            Từ đó một loạt các biện pháp bắt đầu chuyển động, sẽ đưa đến một thảm bại lớn nhất mà Quân dội Hoa Kỳ từng gánh chịu trong các cuộc chiến với người Da Đỏ, và cuối cùng sẽ hủy diệt mãi mãi sự tự do của người Da Đỏ Đồng bằng phía bắc.

Ngày 9 tháng 11, 1875: E. C. Watkins, thanh tra đặc biệt của Văn phòng Da Đỏ, báo cáo với Ủy viên thuộc Da Đỏ Sự vụ là các người Da Đỏ Đồng bằng đang sống bên ngoài khu dành riêng có đầy đủ lương thực và vũ khí, có thái độ rất nghênh ngang và độc lập, và do đó là mối đe dọa cho hệ thống khu đành riêng. Thanh tra Watkins kêu gọi binh lính được gởi đến để trấn áp những người Da Đỏ rừng rú này “vào mùa đông, càng sớm càng tốt, và bắt chúng phải thuần phục.”

Ngày 22 tháng 11, 1875: Bộ trưởng Chiến tranh W. W. Belknap cảnh báo về tình hình lộn xộn ở Đồi Đen “trừ khi phải làm gì đó để có được quyền sở hữu vùng đất đó cho  người khai mỏ da trắng đã bị thu hút đến đây rầm rộ vì nghe tin có trữ lượng lớn kim loại quí tại đó.

Ngày 3 tháng 12: Ủy viên Da Đỏ Sự vụ Edward P. Smith ra lệnh cho các cán bộ quản lý Cheyenne và Sioux báo cho tất cả người Da Đỏ sống ngoài khu dành riêng đến trình diện với cán bộ quản lý của họ chậm nhất là  ngày 31/1/1876, nếu không một “lực lượng quân sự sẽ được phái tới cưỡng chế họ.”

Ngày 1 tháng 2, 1876: Bộ trưởng Nội vụ nhắc cho Bộ trưởng Chiến tranh biết rằng thời hạn cho “người Da Đỏ thù địch” đến trình diện đã hết hạn, và rằng ông chuyển giao họ cho phe quân sự để Quân đội có những hành động thích hợp với tình thế.

Ngày 7 tháng 2, 1876: Bộ Chiến Tranh ủy quyền Tướng Sheridan, chỉ huy Sư đoàn Missouri, bắt đầu hành quân chống lại “người Sioux thù địch,” kể cả các băng nhóm dưới quyền Bò Ngồi và Ngựa Điên.

Ngày 8 tháng 2, 1876: Tướng Sheridan ra lệnh cho các tướng Crook và Terry bắt đầu chuẩn bị các chiến dịch theo hướng các con sông chính Powder, Tongue, Nụ Hồng, và Sừng Lớn, “nơi Ngựa Điên và đồng minh thường lui tới.”

            Một khi mà bộ máy nhà nước bắt đầu chuyển động, không có sức mạnh gì kềm lại được. Khi các người đưa tin từ các cục đi ra vào cuối tháng 12 để báo tin cho các tù trưởng ở bên ngoài hãy đến trình diện, tuyết rơi phủ đầy vùng Đồng bằng phía bắc. Các trận bão tuyết và cái rét cắt da khiến những người đưa tin không thể trở về cho đến nhiều tuần liền sau thời hạn chót 31 tháng 1; như vậy là không thể di chuyển đàn bà và trẻ con bằng ngựa hoặc giá kéo. Nếu có một vài ngàn người “thù địch” đến được các cục, thì hẳn họ đã chết đói ở đó. Trên khu dành riêng trong những ngày cuối đông, lượng thực phẩm tiếp tế quá ít đến nổi hàng trăm người Da Đỏ phải bỏ đi về phía bắc vào tháng 3 để tìm thú săn bổ sung thêm vào khẩu phần dè sẻn của nhà nước.

            Vào tháng giêng một người đưa tin tìm được Bò Ngồi đang dựng trại gần cửa Sông Powder. Tù trưởng của bộ tộc Hunkpapa gởi người đưa tin trở lại cán bộ quản lý, thông báo là mình sẽ xem xét lệnh trình diện, nhưng chỉ có thể đến vào Mùa Trăng Cỏ Xanh Mọc.

            Những người Oglala của Ngựa Điên đang ở trại trú đông gần Mõm Gấu, nơi Con Đường Đạo Tặc chạy vào Đồi Đen từ phía bắc. Trong mùa xuân đó là một nơi lý tưởng để tập kết các nhóm đột kích chống lại người khai mỏ vi phạm vùng Paha Sapa. Khi các người đưa tin của cục lặn lội qua tuyết để đến Ngựa Điên, ông lễ phép bảo họ là ông không thể đến cho đến khi cái lạnh đã hết. “Trời đang giá rét,” một người trẻ Oglala nhớ lại sau đó, “và nhiều người trong số chúng tôi và ngựa có thể sẽ chết trong tuyết giá. Không hề chi, chúng tôi đang ở trong xứ sở mình và không làm hại ai.”

            Tối hậu thư 31 tháng 1 chẳng khác nào một lệnh tuyên chiến chống lại người Da Đỏ độc lập, và nhiều người trong số họ chấp nhận điều đó. Nhưng họ không ngờ bọn Áo xanh ập tới quá sớm. Vào Mùa Trăng Tuyết Lóa, Ba Sao Crook hành quân về phía bắc từ Đồn Fetterman dọc theo Đường Bozeman cũ, nơi mà 10 năm trước Mây Đỏ đã khơi mào cuộc chiến cam go để giữ cho xứ Sông Powder không vị xâm phạm.

            Vào lúc này, một băng phối hợp gồm người Bắc Cheyenne và Oglala Sioux rời cục Mây Đỏ để đi đến xứ Sông Powder, ở đó họ hi vọng tìm được một ít bò và sơn dương. Khoảng giữa tháng 3 họ nhập bọn với một số người Da Đỏ tự do hạ trại cách chỗ nhánh sông Powder đổ vào Sông Powder một ít dặm. Hai Trăng, Sói NHỏ, Gấu Già, Cây Thích, và Bò Trắng là những thủ lĩnh Cheyenne. Chó Lùn là tù trưởng Oglala đi cùng một số chiến binh từ làng của Ngựa Điên xa hơn về phía bắc.

            Không báo trước, vào lúc rạng đông ngày 17 tháng 3, đội tiền quân của Crook dưới quyền chỉ huy của Đại tá Joseph J. Reynolds tấn công lều trại bình yên này. Không đề phòng vì đang ở trong chính xứ sở mình, người Da Đỏ đang say ngủ khi toán quân ngựa trắng của Đại úy James Egan xông vào ngôi làng lều, bắn súng lục và các-bin. Cùng lúc, một toán kỵ binh thứ hai tấn công vào sườn trái, và thứ ba lùa đàn ngựa Da Đỏ đi.

            Phản ứng đầu tiên của các chiến binh là lùa các phụ nữ và trẻ con càng nhiều càng tốt ra khỏi đám binh lính đang bắn thật rát về đủ mọi hướng. “Những người già loạng choạng và tập tễnh bước ra khỏi lằn đạn,” Chân Gỗ kể lại sau này. “Các chiến binh giật lấy súng ở đâu có được và cố gắng chống đỡ cuộc đột kích.” Ngay sau khi những người không chiến đấu đã được đưa lên hết trên dốc núi lỡm chỡm, các chiến binh chiếm vị trí trên các gờ đá hoặc sau những tảng đá lớn. Từ những vị trí này họ cầm chân được binh lính cho đến khi các bà và con trẻ có thể trốn thoát qua Sông Powder.

            “Từ xa chúng tôi có thể trông thấy ngôi làng bị hủy diệt,” Chân Gỗ nói. “Các căn lều bị đốt rụi cùng với mọi thứ trong đó. . . Tôi không còn gì ngoài quần áo đang mặc.” Bọn Áo xanh tàn phá tất cả ruốc và yên ngựa trong trại, và xua đi hầu hết ngựa của người Da Đỏ, “khoảng 1,200 đến 1,500 con.” Ngay khi đêm buông xuống, các chiến binh trở lại nơi binh lính hạ trại, quyết tâm lấy lại số ngựa bị mất. Hai Trăng mô tả súc tích những gì xảy ra: “Đêm đó binh lính đang ngủ, để đàn ngựa sang một bên; vì thế chúng tôi bò lên và lấy ngựa lại, và rồi chạy đi.”

            Ba Sao Crook nổi dóa với Đại tá Reynolds vì để người Da Đỏ trốn thoát được và lấy lại ngựa đến nỗi ông mang y ra tòa án binh. Quân đội thông báo về vụ cướp phá này là “cuộc tấn công vào làng Ngựa Điên,” nhưng Ngựa Điên hạ trại cách đó nhiều dặm về hướng đông bắc. Đó là nơi Hai Trăng và những tù trưởng khác dẫn những người vô gia cư của họ đi tìm thức ăn và chổ trú. Họ chỉ đi ngót ba ngày thì nhiệt độ đã xuống dưới 0 độ vào ban đêm; chỉ một số ít có áo da bò; và rất ít lương thực.

            Ngựa Điên tiếp đón những người trốn chạy một cách niềm nỡ, cho họ thức ăn và quần áo, và lều trú ẩn. “Tôi mừng có các bạn đến, “ ông nói với Hai Trăng sau khi nghe kể về vụ thảm sát và cướp bóc của bọn Áo xanh. “Chúng ta sắp sửa đánh nhau với bọn da trắng lần nữa.”

            “Đúng vậy,” Hai Trăng trả lời. “Tôi sẵn sàng chiến đấu. Tôi đã từng chiến đấu. Dân tôi đã bị sát hại, ngựa tôi đã bị ăn cắp; tôi vui lòng mà chiến đấu.

            Vào Mùa Trăng Ngỗng Đẻ, khi cỏ đã cao và ngựa đã khỏe, Ngựa Điên nhổ trại và dẫn người Oglala và Cheyenne lên bắc đến miệng Sông Tongue, tại đó Bò Ngồi và người Hunkpapa đã sống qua mùa đông. Không lâu sau đó, Hưu Què đến với một băng Minneconjou và xin phép được hạ trại gần đó. Họ đã nghe tin về vụ lính Áo xanh xông vào vùng đất săn của Sioux nên muốn ở gần bộ tộc Hunkpapa hùng mạnh của Bò Ngồi để được an tâm.

            Khi thời tiết ấm áp, các bộ tộc bắt đầu di chuyển về hướng bắc để tìm thú săn và cỏ tươi. Dọc theo lộ trình họ được nhập bọn với các băng Brile, Sans Arc, Sioux Chân Đen, và Cheyenne. Phần đông họ đã bỏ khu dành riêng theo điều khoản của hiệp ước với vai trò thợ săn, và những người đã nghe nói về tối hậu thư 31 tháng 1 nhưng coi nó chỉ như một lời hù dọa suông khác của các cán bộ quản lý hoặc không tin là nó áp dụng cả cho những người Da Đỏ hòa bình. “Nhiều người trẻ háo hức muốn đi đánh nhau với binh lính,” chiến binh Cheyenne Chân Gỗ nói. “Nhưng các tù trưởng và người già đều chằn chằn bảo họ tránh xa người da trắng.”

            Trong khi nhiều ngàn người Da Đỏ này cắm trại ở Nụ Hồng, nhiều chiến binh trẻ từ các khu dành riêng xin nhập bọn. Họ mang theo tin đồn về những lực lượng hùng hậu lính Áo xanh hành quân từ ba hướng. Ba Sao Crook đến từ hướng nam. Người Khập Khiễng (Đại tá John Gibbon) đến từ hướng tây. Một Sao Terry và Tóc Dài Custer đến từ hướng đông.

            Vào đầu Mùa Trăng Vỗ Béo, người Hunkpapa có lễ hội mặt trời hàng năm. Trong ba ngày Bò Ngồi nhảy múa, tự mình trích máu, và nhìn chằm chằm vào mặt trời cho đến khi rơi vào trạng thái xuất  thần. Khi ông đứng dậy, ông nói với dân mình. Trong ảo giác của mình ông nghe một tiếng nói: “Ta cho nhà ngươi những cái này vì chúng không có tai.” Khi ông nhìn lên trời ông thấy binh lính rơi xuống như cào cào, đầu trút xuống và mũ rơi ra. Chúng rơi thẳng xuống trại Da Đỏ. Vì người da trắng không có tai nên không nghe, Wakantanka Đấng Thần linh Lớn đang gởi các binh lính này đến cho người Da Đỏ tàn sát.

            Một vài ngày sau một nhón đi săn người Cheyenne trông thấy một đạo quân Áo xanh cắm trại qua đêm trong thung lũng Nụ Hồng. Họ chạy về trại, hú lên tiếng kêu báo nguy của loài sói. Ba Sao đang đến, và y đã mướn thuê người Crow và Shoshone trinh sát đi trước đạo quân.

            Những tù trưởng khác phái những người đưa tin của mình qua làng họ và rồi vội vã họp hội đồng. Họ quyết định để lại khoảng phân nửa số chiến binh để bảo vệ làng trong khi số còn lại sẽ đi vào ban đêm và đột kích binh lính của Ba Sao vào sáng hôm sau. Khoảng 1,000 người Sioux và Cheyenne họp thành mũi chiến đấu. Có một ít phụ nữ đi theo coi giữ các con ngựa dư ra để thay thế khi cần. Bò Ngồi, Ngựa Điên, và Hai Trăng có mặt trong số các thủ lĩnh. Trời vừa hừng sáng họ tháo yên cương và nghỉ ngơi một lát; rồi họ quay đi khỏi con sông và phi ngựa qua đồi.

            Các trinh sát người Crow của Ba Sao đã bảo y về một ngôi làng Sioux lớn phía dưới Nụ Hồng, và vị tướng phái các trinh sát này ra đi từ sáng sớm hôm đó. Khi người Crow cưỡi ngựa qua đỉnh đồi và bắt đầu xuống dốc, họ chạm trán với các chiến binh Sioux và Chetenne. Họ bắt đầu săn đuổi người Crow theo mọi hướng, nhưng bọn Áo xanh bắt đầu tiến đến rất nhanh, khiến các chiến binh phải lùi lại.

            Trong một thời gian dài Ngựa Điên đã đợi cơ hội để thử sức với bọn Áo xanh. Trong suốt những năm kể từ trận chiến Fetterman tại Đồn Phil Kearny, ông đã nghiên cứu binh lính và cách đánh của họ. Mỗi lần ông đi vào Đồi Đen để tìm sự thấu thị, ông đã xin Thần linh Wakantanka ban cho ông sức mạnh bí ẩn để ông có thể biết được cách dẫn dắt người Oglala đi đến thắng lợi. Ngay từ thời con trẻ, Ngựa Điên đã biết rằng thế giới mà con người đang sống chỉ là bóng hình của một thế giới thực. Để bước vào thế giới thực, y phải nằm mơ, và khi bước vào thế giới thực mọi vật đều trôi nổi và nhảy múa. Trong thế giới thực ngựa của y nhún nhảy như thể ngựa hoang hay điên, và chính vì thế mà ông đặt tên mình là Ngựa Điên. Ông đã biết rằng nếu ông tự mơ thấy mình lạc vào thế giới thực trước khi ra trận, ông có thể chịu đựng được tất cả.

            Vào ngày này, 17 tháng 6, 1876, Ngựa Điên mơ thấy mình đi vào thế giới thực, và ông bày cho người Sioux cách làm nhiều thứ mà họ chưa từng làm trong khi đánh nhau với binh lính da trắng. Khi Crook phái kỵ binh của y tấn công, thay vì lao vào giữa hỏa lực của súng các-bin, người Sioux sẽ giạt sang hai bên và đánh vào những chổ yếu bên sườn của chúng. Ngựa Điên luôn giữ các chiến binh trên lưng ngựa và di động liên tục từ chỗ này đến chỗ khác. Vào lúc mặt trời ở trên đỉnh đầu ông đã làm binh lính rối loạn hàng ngũ trong trận đánh riêng lẻ. Bọn Áo xanh quen với việc dàn quân theo đội hình mai phục và mặt tiền thật mạnh, và khi Ngựa Điên ngăn không cho chúng làm vậy chúng rơi vào cảnh hổn loạn. Bằng cách tạo ra nhiều đợt tấn công chớp nhoáng trên những con ngựa chiến, người Sioux khiến cho binh lính rời rạc và luôn trong tình trạng phòng thủ. Khi hỏa lực áo Xanh quá rát, người Sioux phải tránh đi, chọc giận một số binh sĩ chạy theo rượt đuổi, rồi bất ngờ quay lại hùng hỗ tấn kích.

            Người Cheyenne cũng nổi bật vào ngày hôm đó, nhất là trong những cuộc đột kích nguy hiểm. Tù-Trưởng-Xuất-Hiện là người dũng cảm nhất, nhưng khi anh quay ngựa lại sau một đợt tấn công vào sườn bọn Áo xanh con vật bị trúng đạn của bộ binh. Thình lình một người cưỡi phi nhanh ra khỏi hàng ngũ Cheyenne và quày ngựa để che chở cho Tù-Trưởng-Xuất-Hiện khỏi hỏa lực của binh lính. Nhanh như chớp Tù-Trưởng-Xuất-Hiện nhảy thót lên ngồi phía sau người kỵ mã liều lĩnh đó. Người giải cứu anh chính là em gái anh, Bà-Bò-Bê-Đường, người đi theo để coi giữ đàn ngựa dự phòng. Đó là lý do tại sao người Cheyenne luôn nhớ trận đánh này là Trận Cô Gái Cứu Anh Mình. Người da trắng gọi đó là Trận Nụ Hồng.

            Khi mặt trời lặn, cuộc chiến kết thúc. Người Da Đỏ biết rằng mình đã cho Ba Sao một trận ra trò, nhưng họ không biết cho đến sáng hôm sau là mình đã quật sụm họ. Lúc rạng đông, các trinh sát Sioux và Cheyenne đi dọc theo rìa núi, họ có thể thấy rõ đạo quân Áo xanh đang rút binh rất xa về hướng nam. Tướng Crook trở về trại căn cứ trên Suối Ngỗng để chờ viện binh hoặc tin tức từ Gibbon, Terry, hoặc Custer. Người Da Đỏ trên Nụ Hồng quá mạnh đối với một đạo quân.

            Sau trận Nụ Hồng, các tù trưởng quyết định di chuyển về hướng tây đến thung lũng Cỏ Mỡ (Little Sừng Lớn). Các trinh sát đến báo cáo là có nhiều bầy sơn dương lớn ở phía tây đó, và họ nói rằng cỏ cho ngựa mọc rất nhiều trên những bãi đất ven sông gần đó. Chẳng bao lâu những vòng lều trại trải rộng dọc theo bờ tây ngoằn ngoèo của vùng Cỏ Mỡ trong gần 3 dặm. không ai biết chắc chắn có bao nhiêu người Da Đỏ ở đó, nhưng con số không thể nhỏ hơn 10,000, trong đó có 3 đến 4 ngàn chiến binh. “Đó là một làng rất lớn và bạn khó có thể đếm hết số lều trại,” Nai Đen nói.

            Xa nhất trên thượng nguồn về phía nam là trại của Hunkpapa, với người Sioux Chân Đen gần đó. Người Hunkpapa luôn hạ trại ở lối vào, hoặc ở mút đầu của vòng lều. Bên dưới họ là Sans Arc, Minneconjou, Oglala, và Brule. Ở mút phía bắc là người Cheyenne.

            Thời gian còn sớm trong Mùa Trăng Trái Anh Đào Chín, ban ngày trời khá nóng cho bọn trẻ bơi lội trong nước băng tan của vùng Cỏ Mỡ. Các đội săn đến và đi theo hướng Sừng Lớn, ở đó họ đã tìm thấy một ít bò và sơn dương. Các bà thì đào của củ cải rừng trên đồng cỏ. Đêm đêm một hay nhiều bộ tộc mở hội nhảy mùa, và vài đêm một lần các tù trưởng họp hội đồng. “Các tù trưởng của các bộ tộc khác nhau coi nhau ngang hàng,” Chân Gỗ đáp. “Chỉ có một người được coi là ở cao hơn tất cả người khác. Đó là Bò Ngồi. Ông được nhìn nhận như tù trưởng già của tất cả trại hợp nhất.”

            Bò Ngồi không tin vào thắng lợi ở Nụ Hồng đã hoàn thành tiên đoán của ông về các binh lính rơi nhào xuống trại Da Đỏ. Tuy nhiên, kể từ khi Ba Sao rút binh, không có nhóm săn nào nhìn thấy bất kỳ tên lính Áo xanh nào giữa Sông Powder và Sừng Lớn.

            Cho đến sáng ngày 24/6 họ mới biết tin Tóc Dài Custer đang rình mò dọc theo Nụ Hồng. Sáng hôm sau các trinh sát báo cáo binh lính đã vượt qua sườn núi cao cuối cùng giữa Nụ Hồng và trại Da Đỏ và đang tiến về Sừng Lớn.

            Tin tức về cuộc tiến quân của Custer đến người Da Đỏ bằng nhiều cách:

            “Tôi và 4 phụ nữ cách trại một khoảng ngắn đang đào củ cải,” Ngựa Đỏ nói, một tù trưởng Sioux. “Thình lình một bà chỉ cho tôi đám bụi mù bốc lên từ một khoảng cách khá gần trại. Ngay lập tức tôi thấy binh lính đang tấn công vào trại. Tôi và các bà chạy ù về trại. Khi tôi đến trại một người bảo tôi chạy nhanh đến lều hội đồng. Binh lính tấn công quá nhanh đến nỗi chúng tôi không kịp nói. Chúng tôi bước ra ngoài lều hội đồng và loan tin khắp mọi hướng. Người Sioux lên ngựa, lấy súng, và đi đánh bọn lính. Đàn bà và trẻ con lên ngựa chạy trốn ra khỏi vùng lửa đạn.”

            Pte-San-Waste-Win , một anh em họ của Bò Ngồi, là một trong những phụ nữ đào củ cải sáng hôm đó. Cô ấy nói binh lính cách xa từ 6 đến 8 dặm khi đầu tiên được nhìn thấy. “Chúng tôi có thể nhìn thấy những chớp lóe của gươm họ và có rất nhiều lính trong đoàn.” Binh lính đầu tiên mà Pte-San-Waste-Win và những người Da Đỏ khác ở giữa trại trông thấy là của tiểu đoàn Custer.      

                 Những người Da Đỏ này không hay biết gì về cuộc đột kích bất ngờ của Thiếu tá Marcus Reno tại đầu phía nam của trại cho đến khi họ nghe hỏa lực súng trường từ hướng lều người Sioux Chân Đen. “Binh lính tràn ngập chúng tôi. Qua các cột dựng lều đạn của chúng kêu réo. . . Đàn bà và trẻ con la khóc, sợ bị giết, nhưng các ông, người Hunkpapa và Chân Đen, Oglala và Minneconjou, lên ngựa phóng tới lều trại Chân Đen. Chúng tôi có thể trông thấy binh lính của Tóc Dài bước tới từ xa, và người chúng tôi, bị bất ngờ, và từ một vị trí mà họ không nghĩ là bị tấn công, đang hát bài ca chiến đấu vào trận đánh phía sau làng Chân Đen.

            Nai Đen, một thằng bé Oglala 13 tuổi, đang bơi lội với bạn bè trong sông nhánh Little Sừng Lớn. Mặt trời ngay trên đỉnh đầu và đang nóng kinh khủng khi cậu nghe một người hét lên trong trại Hunkpapa: “Bọn lính tấn công! Chúng tấn công!” Lời báo động được các người cảnh giới Oglala lặp lại, và Nai Đen có thể nghe tiếng cảnh báo thất thanh từ trại này đến trại khác xa về hướng bắc đến trại Cheyenne.

            Chó Lùn, một tù trưởng Oglala, cũng nghe tiếng kêu báo động này. “Tôi không tin lắm. Tôi tưởng là báo động lầm. Tôi không nghĩ lúc này bọn da trắng có thể tấn công chúng tôi, khi mà chúng tôi quá mạnh. Dù vậy tôi cũng nhanh chóng sẵn sàng. Khi đã lấy súng và chạy ra khỏi lều trận tấn công đã bắt đầu ở cuối trại nơi Bò Ngồi và người Hunkpapa đóng quân.“

            Sấm Sắt đang ở trong trại Minneconjou. “Tôi không hay biết gì về cuộc đột kích của Reno cho đến khi binh lính đến quá sát đến nỗi đạn bắn tới tấp qua lều, và mọi thứ hỗn loạn cả lên. Ngựa sợ quá chạy tán loạn khiến chúng tôi không thể tóm chúng lại.”

            Vua Quạ, đang ở trong trại Hunkpapa, nói rằng các kỵ binh của Reno bắt đầu khai hỏa khi cách trại khoảng 400 ya (khoảng 365 mét). Người Hunkpapa và Sioux Chân Đen chầm chậm rút lui để cho đàn bà và trẻ con có thời gian chạy đến nơi an toàn. “Những người Da Đỏ khác lấy ngựa chúng tôi. Lúc đó chúng tôi có chiến binh đủ để đương đầu với bọn da trắng.”

            Gần trại Cheyenne, cách ba dặm về hướng bắc, Hai Trăng đang tắm ngựa. “Tôi tắm chúng bằng nước lạnh, rồi tắm mình. Tôi đi bộ trở về trại. Khi đến gần lều, tôi ngước nhìn Little Sừng Lớn về hướng trại của Bò Ngồi. Tôi thấy một đám bụi to bốc lên, giống như một cơn gió lốc. Bổng một chiến binh Sioux lao ngựa thẳng vào trại, kêu thất thanh: “Lính đến! Nhiều lính da trắng!”

            Hai Trăng ra lệnh các chiến binh Cheyenne lên ngựa, và bảo các bà tìm chỗ ẩn núp xa trại. “Tôi cưỡi nhanh về phía trại Bò Ngồi. Rồi tôi nhìn thấy các binh lính da trắng đang dàn hàng ngang chiến đấu. Người Da Đỏ tràn ngập mặt đất. Họ bắt đầu đánh đuổi bọn lính chạy tán loạn – Sioux, rồi binh lính, rồi thêm nhiều Sioux, và tất cả bắn giết. Không khí đầy khói súng và bụi mù. Tôi trông thấy binh lính tháo lui và rơi xuống lòng sông như lũ bò tháo chạy.”

            Tù trưởng chiến tranh nâng cáo sĩ khí người Da Đỏ và đẩy lùi cuộc đột kích của Reno là một người Hunkpapa, 36 tuổi, ngực nở, gân guốc có tên Pizi, tức Mật. Mật đã lớn lên trong bộ tộc như một trẻ mồ côi. Ngay từ trẻ anh nổi bật là một tay săn và chiến binh cừ khôi, và Bò Ngồi đã nhận anh làm em trai. Vài năm trước, trong khi các ủy viên đang cố thuyết phục người Sioux quay ra làm nông như một điều khoản của hiệp ước 1868, Mật đi đến Đồn Rice để nói thay người Hunkpapa. “Chúng tôi sinh ra trần truồng,” anh nói, “và đã được dạy dỗ cách đi săn và sống bằng thú săn. Các ông bảo chúng tôi phải học làm ruộng, sống trong một căn nhà, và bắt chước lối sống các ông. Giả sử có người sống bên kia biển lớn đến đây bảo các ông thôi làm nông và giết gia súc các ông, và chiếm đoạt nhà cửa và đất đai các ông, các ông sẽ làm gì? Các ông có đánh lại họ không?” Trong một thập niên tiếp sau lời phát ngôn đó, không có gì làm thay đổi được ý kiến của Mật về sự xấc xược thẳng thừng của người da trắng, và vào mùa hè 1876 anh được toàn thể người Hunkpapa công nhận là phó tướng của Bò Ngồi, tù trưởng chiến tranh của bộ tộc.

            Đợt tấn công đầu tiên của Reno lấy mạng một số đàn bà và trẻ con ngay lập tức, trong đó có gia đình của Mật. “Nó làm trái tim tôi đau đớn,” anh nói với một phóng viên vài năm sau đó. “Sau đó tôi tàn sát mọi kẻ thù của tôi bằng rìu.” Anh mô tả những chiến thuật được sử dụng để chặn đứng Reno cũng súc tích như vậy: “Bò Ngồi và tôi đang ở nơi Reno tấn công. Bò Ngồi là thầy mo lớn. Đàn bà và trẻ con được nhanh chóng lùa xuống bờ suối. . . Đàn bà và trẻ con bắt ngựa cho chiến binh; chiến binh lên ngựa và phản kích Reno và chặn đứng y, và đánh đuổi vào rừng cây.”

            Theo thuật ngữ quân sự, Mật đánh bật sườn của Reno và dồn y vào rừng cây. Sau đó anh khiến Reno hoảng sợ phải rút binh vội vã và người Da Đỏ truy đuổi khiến chúng tán loạn. Kết quả là Mật có thể quay hàng trăm chiến binh về để công kích trực diện đạo quân của Custer, trong khi Ngựa Điên và Hai Trăng đánh vào sườn và hậu quân.

            Trong khi đó Pte-San-Waste-Win và những phụ nữ khác đang lo âu dõi theo binh lính của Tóc Dài ở bên kia sông. “Tôi có thể nghe được tiếng kèn thổi và có thể nhìn thấy đạo quân quay sang trái để tiến xuống về hướng sông nơi cuộc tấn công bắt đầu. . . Chẳng bao lâu tôi trông thấy một số chiến binh Cheyenne cưỡi ngựa xuống sông, rồi vài chiến binh của băng nhóm tôi, rồi nhiều người khác nữa, cho đến khi hàng trăm chiến binh trên sông. Hàng trăm người vượt qua sông và lao đến khe núi, một số ở lại, cũng còn rất đông, lùi xa sông và đợi cuộc tấn công. Và tôi biết rằng các chiến binh Sioux, có đến hàng trăm, đang ẩn nấp trong khe núi sau ngọn đồi mà Tóc Dài đang tiến tới, và y sẽ bị tấn công từ hai phía.”

            Giết Đại Bàng, một tù trưởng Sioux Chân Đen, sau đó nói rằng người Da Đỏ xua quân về hướng đạo quân của Custer dữ dội như một cơn bão táp. . . như một đàn ong vỡ tổ.” Hump, đồng chí người Minneconjou của Mật và Ngựa Điên trong những ngày xưa trên Sông Powder, nói rằng cuộc đột kích ào ạt đầu tiên của người Da Đỏ khiến xếp tóc dài và binh lính của y rối loạn hàng ngũ. “Ngay từ đợt xông lên đầu tiên của người Da Đỏ ngựa tôi bị bắn từ bên dưới và tôi bị thương – phía trên đầu gối, và viên đạn chui ra ở hông, và tôi té xuống và nằm ở đó.” Vua Quạ nói: “Phần lớn chiến binh tập trung vào mũi tiên phong và chúng tôi lao ngựa vào chúng. Cùng lúc các chiến binh lao ngựa dọc hai bên sườn và bao vây chúng vào giữa.” Nai Đen 13 tuổi, đứng theo dõi từ bên kia sông, có thể nhìn thấy   bụi bay mù trời trên đồi, và rồi ngựa bắt đầu chạy ra khỏi bụi mù đó mà với ngựa không người.

11.png

Mật

12.png

Hai Trăng, tù trưởng của bộ tộc Cheyenne

13.png

Hump, chụp tại Đồn Bennet, Nam Dakota, 1890

14.png

Vua Quạ của bộ tộc Sioux

 

            “Khói súng và bụi do ngựa dấy lên che khuất cả ngọn đối,” Pte-San-Waste-Win nói, “và binh lính bắn loạn xạ, nhưng chiến binh Sioux bắn thẳng và binh lính ngã chết. Các bà vượt sông sau khi im tiếng súng, và khi

chúng tôi đến đồi không binh lính nào còn sống hết và Tóc Dài nằm chết lẫn lộn trong đó. . . Máu người thì nóng và tim họ thì xấu, và hôm đó họ không có tù binh.”

            Vua Quạ nói rằng tất cả binh lính đều xuống ngựa khi bị bao vây. “Họ cố bám lấy ngựa, nhưng khi chúng tôi tiến sát hơn họ bỏ ngựa. Chúng tôi tràn ngập họ và tàn sát tất cả. Họ vẫn giữ trật tự và chiến đấu như những chiến binh dũng cảm cho đến người cuối cùng.”

            Theo Ngựa Đỏ, ở phần cuối của trận đánh với Custer, “những binh lính này như nổi điên, nhiều người ném súng đi và dơ hai tay lên, kêu gào, ’Soux, hãy thương xót tôi; hãy bắt tôi làm tù binh.’ Người Sioux không bắt tù binh, mà tàn sát sạch; không để ai sống thậm chí trong vài phút.”

            Sau trận chiến, Bò Trắng của bộ tộc Minneconjou vẽ bốn bức tranh minh họa anh túm lấy và giết chết một lính được nhận diện là Custer. Trong số những người khác tuyên bố là mình giết Custer có Mưa-Ngay-Mặt, Hông Dẹp, và Gấu Gan. Ngựa Đỏ nói một chiến binh Santee không biết tên mới là người giết Custer. Hầu hết người Da Đỏ kể về trận chiến này đều nói họ không hề thấy Custer và không biết ai giết Custer. “Chúng tôi không biết cho đến khi trận đánh đã qua chính đó là xếp trắng,” Chó Lùn nói.

            Trong một cuộc phỏng vấn ở Canada một năm sau trận đánh, Bò Ngồi nói rằng ông chưa hề thấy Custer, nhưng rằng những người Da Đỏ khác có thấy và nhận ra y ngay trước khi y bị giết. “Y không đội bộ tóc dài như bình thường,” Bò Ngồi nói. “Tóc y ngắn, nhưng có màu cỏ khi sương giá đến. . .” Nhưng Bò Ngồi không nói ai giết Custer.

            Một chiến binh Arapaho đi cùng với người Cheyenne nói rằng Custer bị giết bởi vài người Da Đỏ. “Y mặc áo da hưu, áo khoác ngoài và quần dài, và đang lồm cồm. Y đã bị bắn qua sườn, và miệng chảy ra máu. Y hình như nhìn dáo dác những chiến binh Da Đỏ di chuyển quanh y. Bốn binh sĩ đang ngồi quanh y, nhưng tất cả đều bị thương nặng. Tất cả những người khác đã chết. Thế rồi người Da Đỏ xốc tới quanh y, và rồi tôi không thấy gì nữa.”

            Không cần biết ai đã giết Custer, Tóc Dài, người đã làm Đường Đạo Tặc đi vào Đồi Đen đã chết cùng với binh lính của ông ta. Tuy nhiên, binh lính của Reno, được binh lính của Thiếu tá Frederic Benteen viện trợ, đào hố phòng thủ trên một ngọn đồi xa hơn phía bờ sông. Người Da Đỏ vây kín ngọn đồi và canh chừng binh lính suốt đêm, và đến sáng hôm sau đánh tiếp. Trong ngày, các thám báo trở lại báo tin có thêm nhiều binh lính đang tiến đến theo hướng Little Sừng Lớn.

            Sau khi họp hội đồng, họ quyết định nhổ trại. Các chiến binh đã tiêu gần hết đạn dược, và họ biết rằng nếu tiếp tục chiến đấu sẽ là điều điên rồ. Trước khi mặt trời lặn họ lên đường tới thung lũng về phía Núi Sừng Lớn, các bộ tộc chia tay nhau trên đường đi và rẽ những hướng khác nhau.

            Khi người da trắng ở miền Đông nghe tin về trận thảm bại của Tóc Dài, họ gọi đó là một trận tàn sát và nổi điên vì giận dữ. Họ muốn trừng trị tất cả người Da Đỏ ở miền Tây. Bởi vì họ không thể trừng trị Bò Ngồi và các tù trưởng chiến tranh, Đại Hội Đồng ở Washington quyết định trừng phạt người Da Đỏ nào họ tìm được – những người ở lại trên khu dành riêng và không có dự phần vào trận đánh.

            Vào ngày 22 tháng 7 Chiến binh Lớn Sherman nhận lệnh nắm quyền kiểm soát quân sự trên khắp khu dành riêng trong xứ Sioux và đối xử những người Da Đỏ ở đó như những tù binh. Vào ngày 15 tháng 8 Đại Hội Đồng ra một luật mới yêu cầu người Da Đỏ từ bỏ mọi quyền hạn đối với xứ Sông Powder và Đồi Đen. Họ thực thi điều này bất chấp hiệp ước 1868, với cái cớ là người Da Đỏ đã vi phạm hiệp ước khi gây chiến với Hoa Kỳ. Điều này thật khó hiểu đối với người Da Đỏ sống ở khu dành riêng, vì họ không tấn công binh lính Hoa Kỳ, chiến binh của Bò Ngồi cũng không tấn công binh lính Hoa Kỳ mà chỉ tự vệ khi bị Custer và Reno tấn công.

            Để giữ cho khu dành riêng được yên ổn,  vào tháng 9 Cha Lớn cử một ủy ban mới để phỉnh phờ và đe dọa các tù trưởng và thu thập được các chữ ký của họ nhằm hợp thức hóa việc chuyển nhượng khối tàn sản vô giá của khu Đồi Đen cho người da trắng chiếm hữu. Vài thành viên của ủy ban là những con cáo già chuyên ăn cắp đất Da Đỏ, trơ tráo nhất là Newton Edmunds, Giám mục Henry Whipple, và Mục sự Samiel D. Hinman. Tại cục quản lý Mây Đỏ, Giám mục Whipple đọc kinh cầu mở đầu hội đồng, và rồi Chủ tích George Manypenny đọc những điều khoản mà Quốc hội đưa ra. Vì những điều khoản này được soạn thảo theo thứ ngôn ngữ luật gây hoang mang như thường lệ, Giám mục Whipple cố gắng giải thích chúng thành những cụm từ mà thông dịch viên có thể sử dụng.

            “Trái tim tôi nhiều năm nay rất nồng ấm với người da đỏ. Chúng tôi đến đây để mang một thông điệp từ Cha Lớn đến cho bạn theo chính xác lời ông nói. Chúng tôi không thể thay đổi những lời ấy cho dù một dấu phẩy. . . Khi Đại Hội Đồng biểu quyết quỹ trợ cấp cho năm nay để tiếp tục tiếp tế cho các ông kèm theo vài điều khoản, ba điều khoản tất cả, và trừ khi những điều khoản này được thực hiện, Quốc hội sẽ không cứu xét tiền trợ cấp nào. Ba điều khoản đó là: Thứ nhất, các ông phải từ bỏ xứ Đồi Đen và xứ sở phía bắc; thứ hai, các ông sẽ nhận được khẩu phần trợ cấp tại Sông Missouri; và thứ ba, Cha Lớn được phép xây dựng ba con đường chạy từ Sông Missouri băng qua khu dành riêng đến xứ sở mới trong vùng Đồi Đen.  . . Cha Lớn nói rằng trái tim ông chứa đầy tình cảm nồng hậu đối với con cái da đỏ của người, và người chọn ra ủy ban gồm những người bạn của người Da Đỏ để họ có thể phác thảo một kế hoạch, do người hoạch định, để các quốc gia Da Đỏ có thể được cứu vớt, và thay vì càng ngày càng nhỏ hẹp cho đến khi chỉ còn người Da Đỏ cuối cùng đứng nhìn phần mộ của mình, họ sẽ trở nên như người da trắng đã trở nên, một dân tộc hùng mạnh và vĩ đại.”

            Đối với những cử tọa đang lắng nghe Giám mục Whipple, việc này hình như là một phương cách kỳ lạ để cứu vớt người Da Đỏ, chiếm đoạt vùng Đồi Đen và đất săn của họ, rồi đuổi họ đi khỏi đến Sông Missouri. Hầu hết các tù trưởng đều biết rằng việc cứu Đồi Đen đã quá trễ, nhưng họ vẫn kháng cự quyết liệt không muốn dời khu dành riêng của mình đến Sông Missouri. “Tôi nghĩ nếu dân tộc tôi dời đến đó,” Mây Đỏ nói, “tất cả bọn họ sẽ bị tiêu diệt. Ở đó có quá nhiều người xấu xa và rượu uýt ki xấu xa; do đó tôi không muốn đi đến đó.”

            Không Trái Tim nói rằng người da trắng đã hủy hoại xứ Sông Missouri thành ra người Da Đỏ không thể sống ở đó. “Các ông đi lại trên Sông Missouri và các ông không còn thấy rừng cây nào,” anh tuyên bố. “Trước đây rừng cây có mặt ở mọi nơi, và con cái của Cha Lớn đã tàn phá tất cả.”

            “Chỉ có 6 năm kể từ khi chúng tôi đến sống trên đây,” Chó Đỏ nói, “và không có gì hứa hẹn với chúng tôi đã được thực hiện.” Một tù trưởng khác nhớ lại từ khi Cha Lớn hứa với họ là họ sẽ không bao giờ bị dời đi thì họ đã bị dời đi 5 lần. “Tôi nghĩ các ông nên đặt người Da Đỏ lên bánh xe,” ông nói mỉa mai, “để các ông chở họ đi đâu các ông muốn.”

            Đuôi Đốm kết án chính quyền và các ủy viên đã phản bội người Da Đỏ, bẻ gãy lời hứa và nói lời dối trá. “Cuộc chiến này không tự dưng từ dưới đất vọt lên; cuộc chiến này gây ra cho chúng ta bởi con cái của Cha Lớn, người đã đến lấy đất chúng ta mà không trả tiền, và trên đất chúng ta, đã làm nhiều điều xấu ác. . . Cuộc chiến đã đến từ trộm cắp – trộm cắp đất đai chúng ta.” Về phần di dời đến Missouri, Đuôi Đóm hoàn toàn chống đối, và ông bảo các ủy viên mình sẽ không ký cho đi Đồi Đen cho đến khi ông có thể đi đến Washington và nói chuyện với Cha Lớn.

            Các ủy viên cho người Da Đỏ một tuần để bàn bạc với nhau các điều khoản, và có thể thấy rõ là họ sẽ không ký gì cả. Các tù trưởng chỉ ra rằng hiệp ước 1868 đòi hỏi phải có chữ ký của ba phần tư thành viên nam trưởng thành của các bộ tộc Sioux mới có thể thay đổi hiệp ước, và hơn phân nửa chiến binh còn đang ở phía bắc với Bò Ngồi và Ngựa Điên. Trả lời việc này các ủy viên giải thích rằng người Da Đỏ ở ngoài khu dành riêng là thù địch; chỉ có người Da Đỏ thân hữu mới liên quan đến hiệp ước. Phần đông tù trưởng không chấp nhận điều này. Để phá vỡ sự chống đối của họ, các ủy viên ám chỉ mạnh mẽ rằng trừ khi họ chịu ký, nếu không Cha Lớn trong cơn giận dữ sẽ cắt bỏ mọi khẩu phần ngay tức khắc, và sẽ di dời họ đến Lãnh địa Da Đỏ ở phía nam, và Quân đội sẽ tịch thu súng và ngựa của họ.

            Không còn đường thoát. Vùng Đồi Đen đã bị cướp; xứ Sông Powder và các đàn thú săn đã không còn. Không thú săn hoặc khẩu phần, dân chúng sẽ chết đói. Ý nghĩ về việc phải di dời đến một nơi xa lạ ở phía nam thât không thể chịu được, và nếu Quân đội tước đoạt súng và ngựa nữa, thì họ không còn là con người.

            Mây Đỏ và các phó tù trưởng ký trước tiên, và rồi Đuôi Đốm và người của ông. Sau đó các ủy viên đi tới các cục ở Đá Dựng, Sông Cheyenne, Suối Quạ, Brule Hạ, và Santee, và quấy rầy các tù trưởng Sioux khác ký tên. Thế là Paha Sapa, linh hồn của nó, bí ẩn của nó, và những cánh rừng thông bạt ngàn của nó, và hàng tỷ đô la vàng vuột mãi mãi khỏi bàn tay người Da Đỏ rơi vào lãnh thổ của Hoa Kỳ.        

            Bốn tuần sau khi ký, tám đại đội Kỵ binh Hoa Kỳ dưới quyền chỉ huy của Ba Ngón MacKenzie (Xếp Đại Bàng người hủy diệt Kiowa và Comanche ở Hẽm Palo Duro) hành quân ra khỏi Đồn Robinson vào trại của cục quản lý. Dưới lệnh của Bộ Chiến tranh, MacKenzie đã đến để tịch thu ngựa và súng của người Da Đỏ trong khu dành riêng. Tất cả bọn đàn ông bị giữ, lều tepee bị lục soát và tháo dỡ, súng tích thu, và tất cả ngựa bị gom lại cho binh lính. MacKemzie cho phép phụ nữ dùng ngựa để chở hành lý vào Đồn Robinson. Đàn ông, kể cả Mây Đỏ và các tù trưởng khác, bắt buộc phải đi bộ đến đồn. Từ đó bộ tộc phải sống tại Đồn Robinson dưới mũi súng của binh lính.

            Sáng hôm sau, để hạ nhục các tù nhân nhiều hơn nữa, Mackenzie trình diện một đại đội thám báo Pawnee đánh thuê (cũng chính là người Pawnee mà người Sioux đã đánh đuổi ra khỏi xứ Sông Powder của họ) cưỡi những con ngựa mà binh lính đã tịch thu từ người Sioux.

15.png

Người Lớn Nhỏ

 

            Người tù trưởng chiến tranh Sioux cuối cùng giờ trở thành một người Da Đỏ sống trong khu dành riêng, bị tước vũ khí, bị lấy ngựa, không còn quyền hành gì với dân mình, một tù binh của Quân đội, lực lượng chưa hề đánh bại ông trong chiến đấu. Vậy mà ông vẫn còn là một người hùng đối với người trẻ, mà sự nịnh hót của họ khiến những tù trưởng lớn hơn trong cục ganh tỵ. Ngựa Điên vẫn vẻ kiêu kỳ, ông và thuộc hạ của mình chỉ sống chờ cái ngày mà Ba Sao sẽ thực hiện lời hứa cho họ một khu dành riêng ở xứ Sông Powder.

            Vào cuối mùa hè, Ngựa Điên hay tin Ba Sao muốn ông đến Wasgington dự hội đồng với Cha Lớn. Ngựa Điên từ chối lời mời. Ông không thấy có hi vọng gì về khu dành riêng đã hứa. Ông đã chứng kiến những gì xảy ra với các tù trưởng đã đến gặp nhà Cha Lớn ở Washington; họ trở về béo ra do theo lối sống của người da trắng và những nét dạn dày của họ đã biến mất. Ông có thể nhận ra những thay đổi ở Mây Đỏ và Đuôi Đốm, và họ biết là ông nhận ra và họ không thích ông vì điều đó.

            Vào tháng 8 có tin là người Nez Perce, đang sống bên kia Núi Chói Lọi, đang có chiến tranh với binh Áo xanh. Tại những cục quản lý, các xếp lính bắt đầu chiêu mộ các chiến binh để làm công việc trinh sát cho họ chống lại người Nez Perce. Ngựa Điên bảo người trẻ Sioux đừng tham gia chống lại những người Da Đỏ xa xôi đó, nhưng một số vẫn không nghe lời. Vào ngày 31 tháng 8, ngày mà các chiến binh Sioux bán mình cho binh lính, vận quân phục Áo xanh lên đường nhận nhiệm vụ, Ngựa Điên quá chán chường đến nỗi ông tính sẽ dẫn dân mình trở lại bắc đến xứ Sông Powder.

            Khi Ba Sao hay tin điều này từ những gián điệp của ông, ông ra lệnh 8 đại đội kỵ binh tiến đến trại của Ngựa Điên bên ngoài Đồn Robinson và bắt giữ ông. Tuy nhiên, trước khi binh lính đến nơi, bè bạn của Ngựa Điên đã báo động với ông. Không hiểu mục đích của họ là gì, Ngựa Điên ra lệnh phân tán dân chúng, và rồi ông ra đi một mình đến cục của Đuôi Đốm để tìm nơi trú ẩn với người bạn cũ Chạm Tầng Mây.

            Binh linh tìm thấy ông ở đó, bắt ông giam giữ , và báo ông rằng họ sẽ giải ông đến Đồn Robinson để gặp Ba Sao. Khi đến đồn, Ngựa Điên được báo là giờ này quá trễ để gặp Ba Sao. Ông được giao lại cho Đại úy James Kennington và một cảnh sát trong cục. Ngựa Điên nhìn trân trân vào vị cảnh sát. Y là chính Người Lớn Nhỏ, mà cách đây không lâu đã thách thức các ủy viên đến ăn cướp Paha Sapa, cũng chính là người đe dọa sẽ giết tù trưởng đầu tiên nào nói bán vùng Đồi Đen, cũng là Người Lớn Nhỏ dũng cảm đã sát cánh chiến đấu cùng Ngựa Điên trên những sườn dốc băng giá của Núi Sói chống lại Áo Gấu Miles. Giờ người da trắng đã mua được Người Lớn Nhỏ và biến y thành một viên cảnh sát của cục.

            Khi Ngựa Điên đi giữa họ, ông để họ dẫn mình đến đâu thì đến, chắc hẳn ông đang mơ ước giá mình được sống trong thế giới thực, muốn thoát ly khỏi cái thế giới bóng đen trong đó mọi thứ đều là điên đảo. Họ kè ông bước qua một tên lính đang mang súng tuốt lưỡi lê trên vai, và rồi họ đứng trong khung cửa của một tòa nhà. Cửa sổ tòa nhà bị chặn bằng những thanh sắt, và ông có thể nhìn thấy những người bên trong song sắt chân bị xích xiềng. Đó là cái bẫy cho một con thú, và Ngựa Điên phóng đi như một con thú bị mắc bẫy, nhưng Người Lớn Nhỏ đã giữ chặt. Một cuộc vật lộn sau đó chỉ diễn ra vài giây. Một lệnh được một người nào đó hô lên, và rồi tên lính gác, Binh nhì William Gentles, thọc sâu lưỡi lê vào bụng Ngựa Điên.

            Ngựa Điên mất ngay đêm đó, ngày 5/9/1877, ở tuổi 35. Ngày hôm sau lúc rạng đông các binh lính đưa thi thể tù trưởng cho cha mẹ ông. Họ đặt thi thể Ngựa Điên trong một thùng gỗ, buộc nó vào giá kéo phía sau ngựa, và mang đến cục Đuôi Đốm, tại đây nó được nâng lên giàn an táng. Qua suốt Mùa Trăng Cỏ Úa, những người viếng tang trông chừng bên cạnh nơi an táng. Và rồi trong Mùa Trăng Lá Rụng một tin sét đánh đưa tới: khu dành riêng Sioux phải rời Nebraska và di dời đến một khu dành riêng trên Sông Missouri.

            Qua mùa thu khô ráo mát mẻ của năm 1877, hàng dài người Da Đỏ bị lưu đày bị bọn binh lính dẫn đi về hướng đông nam đến vùng đất hoang hóa. Dọc đường, vài băng nhóm chuồn đi và quay về tây bắc, quyết tâm tẩu thoát đến Canada nhập bọn cùng Bò Ngồi. Đi với họ có cha mẹ của Ngựa Điên, mang theo trái tim và xương cốt của con trai mình. Tại một nơi chỉ có họ biết họ chôn Ngựa Điên đâu đó gần Chankpe Opi Wakpala, một con suối có tên Wounded Knee [Đầu Gối Bị Thương].

 

BÀI CA CỦA BÒ NGỒI

Một chiến binh

Tôi đã từng là.

Giờ thời đó đã xa.

Một thời gian khổ

Tôi đã trải qua.

    

13 . Cuộc Đào Thoát của Bộ Tộc Nez Percé

1877 – Ngày 1 tháng 1, Nữ hoàng Victoria được tuyên bố là Nữ Hoàng Ấn độ. Ngày 25 tháng 1, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Ủy ban Bầu Cử yêu cầu đếm lại số phiếu bầu; cuộc chiến Hayes-Tilden vẫn còn chưa phân thắng bại. Ngày 12 tháng 2, công nhân đường sắt bắt đầu đình công phản đối cắt giảm lương bổng. Ngày 26 tháng 2, đảng Dân chủ miền Nam họp kín với các đại diện Cộng hòa của Hayes và kết quả là Thỏa ước 1877, trong đó Dân chủ miền Nam đồng ý ủng hộ đảng Cộng hòa đổi lại sự rút lui của quân đội liên bang ra khỏi miền Nam và kết thúc thời kỳ Tái Thiết. Ngày 27 tháng 2, Ủy ban Bầu cử công bố việc đếm lại phiếu nghiêng phần thắng về Hayes. Ngày 2 tháng 3, Quốc hội tuyên bố Hayes đắc cử. Ngày 5 tháng 3, Hayes được tấn phong làm Tổng thống. Ngày 10 tháng 4, Tổng thống Hayes bắt đầu rút quân liên bang ra khỏi các bang miền Nam, ký tên kết thúc thời kỳ Tái Thiết. Ngày 15 tháng 4, điện thoại doanh nghiệp đầu tiên được thiết lập giữa Boston và Somerville, Massachusetts. Ngày 14 tháng 7, tổng đình công làm ngưng trệ các chuyến tàu hỏa. Ngày 20 tháng 7, các cuộc đình công nổi loạn lan tràn khắp nước Mỹ. Ngày 21-27 tháng 7, binh lính đánh nhau với công nhân đường sắt và cưỡng chế kết thúc đình công toàn quốc. Ngày 17 tháng 10, hợp đồng giữa Đường sắt Pennsylvania và Công ty Dầu khí Standard củng cố thế độc quyền vận tải –dầu. Tháng 12, Edison sáng chế đĩa hát. Anna Karenina của Tolstoy được xuất bản.

Người da trắng chỉ nói một phía. Chỉ nói làm vui lòng mình. Nói nhiều thứ không thực. Chỉ nói những thành tích tốt nhất của họ, chỉ nói những điều tệ nhất của người Da Đỏ, người da trắng nói như vậy đó.

  • SÓI VÀNG CỦA BỘ TỘC NEZ PERCE

Trái đất được tạo ra nhờ có mặt trời phụ giúp và nên để nguyên như thế. . .Xứ sở được tạo ra không có đường ranh giới, và việc phân chia nó không phải là việc của con người. . . Tôi thấy người da trắng trên khắp xứ đều lo kiếm của cải, thấy họ chỉ muốn giao cho chúng tôi những vùng đất vô giá trị. . .Mặt đất và chính tôi đều là một. Đo đạc đất đai và đo đạc cơ thể chúng tôi đều như nhau. Hãy nói cho chúng tôi biết nếu có thể, là các ông được Quyền năng Sáng tạo phái đến để nói chuyện với chúng tôi. Có thể các ông nghĩ Đấng Sáng tạo phái các ông đến đây để trừ khử chúng tôi nếu thích hợp. Nếu chúng tôi nghĩ các ông được Đấng Sáng tạo phái đến đây tôi có thể xiêu lòng mà cho rằng các ông có quyền trừ khử tôi. Đừng hiểu lầm tôi, nhưng hãy tìm hiểu tôi đầy đủ trong quan hệ đến tình cảm của tôi dành cho đất nước mình. Tôi chưa hề nói đất đai là của tôi và tôi muốn làm gì cũng được. Người duy nhất có quyền trừ khử nó là người đã tạo ra nó. Tôi tuyên bố mình có quyền sinh sống trên đất nước mình, và các ông có đặc quyền sống trên đất nước các ông.

  • HEINMOT TOOYAKET (TÙ TRƯỞNG JOSEPH) CỦA BỘ TỘC NEZ PERCE

 

VÀO THÁNG 9, 1805, khi Lewis và Clark đi xuống dãy núi Rockies trong hành trình về hướng tây của họ, toàn bộ đội thám hiểm gần như là chết đói và bị bệnh tiêu chảy – quá yếu để có thể tự bảo vệ mình. Họ đang ở bên  trong xứ sở của bộ tộc Nez Percé, các thợ đánh bẫy Pháp đặt tên họ như thế vì thấy một số họ đeo những dây chuỗi vỏ sò xuyên qua mũi [Nez Percé tiếng Pháp có nghĩa đâm xuyên qua mũi: ND]. Nếu người Nez Perce muốn, họ có thể đặt dấu chấm hết cho chuyến khảo sát của Lewis và Clark trên bờ Sông Nước Trong, và tịch thu tài sản và ngựa lừa của họ. Thay vào đấy người Nez Perce tiếp đãi những người Mỹ da trắng, tiếp tế cho họ thức ăn, và chăm sóc ngựa của các nhà thám hiểm trong vài tháng trong khi họ tiếp tục hành trình bằng thuyền đến bờ biển Thái Bình Dương.

            Từ đó nảy nở một tình bạn lâu dài giữa người Nez Perce và những người Mỹ da trắng. Trong 70 năm bộ tộc khoe rằng không có người Nez Perce nào đã tàn sát một người da trắng nào. Nhưng lòng tham lam vàng bạc và đất đai của người da trắng cuối cùng đã làm tan vỡ mối thân tình.

            Vào năm 1855 Thống đốc Isaac Stevens ở Lãnh địa Washington mời người Nez Perce đến dự hội đồng hòa bình. “Ông nói có nhiều người da trắng trong xứ, và nhiều người hơn sẽ đến nữa; rằng ông muốn đất đai phải đánh dấu để người Da Đỏ và da trắng có thể sống riêng lẻ. Nếu họ muốn sống trong hòa bình, ông nói, thì cần thiết phải để người Da Đỏ có xứ sở dành riêng của mình, và họ phải ở lại trong xứ đó.”

            Tuekakas, một tù trưởng được người da trắng biết dưới tên Già làng Joseph, bảo Thống đốc Stevens rằng không ai sở hữu phần đất nào trên mặt đất, và một người không thể bán những gì mình không sở hữu.

            Thống đốc không sao hiểu được một thái độ như thế. Ông thúc ép Già làng Joseph ký hiệp ước và nhận chăn mềm làm quà biếu. “Mang giấy tờ của ông đi đi,” tù trưởng trả lời. “Tôi sẽ không rờ đến nó bằng bàn tay của tôi.”

            Aleiya, được người da trắng gọi là Luật sư, ký vào hiệp ước, cùng với một vài người Nez Perce khác, nhưng Già làng Joseph dẫn dân mình trở lại đất nhà ở Thung lũng Wallowa, một xứ sở xanh tươi với dòng nước uốn khúc, đồng lúa bao la, rừng núi, và một hồ xanh trong. Băng nhóm của Già làng Joseph nuôi ngựa và gia súc, sống trong các lều trại đẹp, và khi cần đến thứ gì từ người da trắng họ sẽ trao đổi bằng gia súc của mình.

            Chỉ một vài năm sau khi ký kết hiệp ước đầu tiên, viên chức chính quyền một lần nữa ùa tới quanh người Nez Perce, muốn đoạt thêm đất đai. Già làng Joseph cảnh báo dân chúng không được nhận quà cáp của họ, thậm chí một cái chăn cũng không. “Nếu các con nhận,” ông nói, “một thời gian sau họ sẽ tuyên bố là các con đã nhận tiền bán xứ sở của mình.”

            Vào năm 1863 một hiệp ước mới được trình ra cho người Nez Perce. Theo đó nó chiếm Thung lũng Wallowa và ba phần tư phần còn lại của đất đai họ, chỉ để lại cho họ một khu dành riêng nhỏ bé ở nơi bây giờ gọi là Idaho. Già làng Joseph từ chối dự buổi ký kết, nhưng Luật sư và vài tù trưởng khác – không có ai đã từng sống trong Thung lũng Suối Uốn Khúc – ký giao đất đai của dân tộc họ. “Hiệp ước ăn cướp,” Già làng Joseph gọi như thế, và ông quá phẫn nộ đến nỗi ông xé toạc cuốn Kinh Thánh mà một cha sứ da trắng đã tặng ông để cải giáo ông sang đạo Cơ đốc. Để cho người da trắng biết mình còn có quyền trong Thung lũng Wallowa, ông trồng cột quanh biên giới của vùng đất nơi dân tộc ông sinh sống.

            Không lâu sau đó, Già làng Joseph qua đời (1871), và quyền lãnh đạo băng nhóm truyền đến con trai ông, Heinmot Tooyalaket (Joseph Trẻ), lúc đó khoảng 30 tuổi. Khi các viên chức nhà nước đến ra lệnh cho người Nez Perce ra khỏi Thung lũng Wallowa và đi đến khu dành riêng Lapwai, Joseph Trẻ không nghe lời. “Luật sư lẫn bất kỳ tù trưởng khác nào, không ai có quyền bán đất này,” ông nói. “Đất này luôn luôn thuộc về dân tôi. Nó được cha ông chúng tôi truyền lại, và chúng tôi sẽ bảo vệ vùng đất này chừng nào còn một giọt máu của người Da Đỏ sưởi ấm trái tim họ.” Ông thỉnh nguyện vị Cha Lớn, Ulysses Grant, hãy để dân ông ở lại nơi họ đã sống từ bao đời, và vào ngày 16 tháng 6, 1873, Tổng thống ban hành lệnh lượt bỏ Thung lũng Wallowa ra khỏi khu định cư của người da trắng.

            Trong một thời gian ngắn một nhóm ủy viên đến để bắt đầu tổ chức một cục quản lý Da Đỏ mới trong thung lũng. Một trong số họ đề cập đến việc lợi ích của trường học dành cho con em Da Đỏ. Joseph Trẻ trả lời rằng người Nez Perce không muốn dùng sách vở của người da trắng.

            “Tại sao ông không muốn có trường học?” Ủy viên hỏi.

            “Vì trường sẽ dạy chúng tôi phải có nhà thờ,” Joseph Trẻ đáp.

            “Bộ ông không muốn nhà thờ sao?”

            “Không, chúng tôi không muốn nhà thờ.”

            “Tại sao ông không muốn nhà thờ?”

            “Vì nhà thờ dạy chúng tôi gây gổ về Chúa,” Joseph nói. “Chúng tôi không muốn học điều đó. Chúng tôi có thể gây gổ nhau về những chuyện trên mặt đất, nhưng chúng tôi không hề gây gổ nhau về Chúa. Chúng tôi không muốn học điều đó.”

            Trong khi đó, những dân định cư da trắng xâm nhập thung lũng, nhìn thèm thuồng vùng đất Nez Perce. Vàng được tìm thấy trong vùng núi gần đó. Bọn đi tìm vàng lấy cắp ngựa của người Da Đỏ, bọn chăn giữ súc vật lấy cắp gia súc của họ, đóng dấu vào gia súc để người Da Đỏ không thể đòi lại. Các chính trị gia da trắng lặn lội đến tận Washington, thêu dêt những chuyện dối trá về người Nez Perce. Họ tố cáo người Da Đỏ là mối đe dọa cho dân chúng và ăn cướp gia súc của người định cư. Đây là lời nói dối trắng trợn, nhưng như Joseph nói, “Chúng ta không có bạn có thể bênh vực chính nghĩa của chúng ta trước hội đồng luật pháp.”

16.png

Tù trưởng Joseph của bộ tộc Nez Perce

             Hai năm sau khi vị Cha Lớn hứa giao Thung lũng Wallowa cho dân Joseph mãi mãi, ông đưa ra lời tuyên bố mới, mở lại thung lũng cho người da trắng định cư. Người Nez Perce được cho “một khoảng thời gian hợp lý” để di chuyển đến khu dành riêng Lapwai. Joseph không có ý định giao nộp thung lũng của cha ông, nhưng vào năm 1877 chính quyền phái Xếp lính Một Tay, Tướng Howard, quét sạch người Nez Perce ra khỏi vùng Wallowa.

            Trong bốn năm trôi qua kể từ khi Oliver Otis Howard đối xử với người Cochise và Apache một cách công minh, ông đã học được một điều là Quân đội không dung thứ cho “người yêu Da Đỏ.” Bây giờ ông đến xứ Tây bắc, quyết tâm phục hồi vị thế của mình trong quân đội bằng cách thực thi mệnh lệnh nhanh chóng và đầy đủ đến từng chữ một. Tâm sự riêng với bạn bè tin cậy ông nói “đó là một sai lầm lớnkhi đoạt lấy thung lũng đó của người Nez Perce.” Nhưng trong tháng 5, 1877, ông triệu tập Joseph đến Lapwai họp hội đồng để xác định thời hạn họ phải giao nộp đất đai của họ.

            Để đồng hành cùng mình đến Lapwai, Joseph chọn Chim Trắng, Gương Soi, em ông Ollokot, và tiên tri Wallowa Toohoolhoolzote. Nhà tiên tri là người Da Đỏ rất xấu xí, cổ bạnh, cao lớn có năng khiếu phản biện hùng hồn. “Một người trốn chạy địa ngục,” là cách thức người da trắng mô tả ông. Mở đầu cuộc họp hội đồng, được tiến hành trong một trụ sở đối diện với nhà bảo vệ Đồn Lapwai, Joseph giới thiệu Toohoolhoolzote là một phát ngôn viên của người Wallowa Nez Perce.

            “Một bộ phận người Nez Perce đã giao nộp đất,” nhà tiên tri nói. “Chúng ta không bao giờ làm. Mặt đất là một phần của cơ thể chúng tôi, và chúng ta không hề giao nộp mặt đất.”

            “”Các ông biết rất rõ là chính quyền đã ấn định một khu dành riêng, và rằng người Da Đỏ phải đi vào đó,” Howard tuyên bố.

            “Ai tính chia đất đai và bắt chúng tôi vào đó?” Toohoolhoolzote hỏi.

            “Tôi là người đó. Tôi đứng đây đại diện cho Tổng thống.” Howard bắt đầu mất bình tĩnh. “Lệnh tôi rất rõ ràng và sẽ được thi hành.”

            Nhà tiên tri tiếp tục châm chích Xếp Lính Một Tay, hỏi y đất đai làm sao có thể thuộc về người da trắng được khi mà nó đã được truyền lại cho người Nez Perce từ cha ông mình. “Chúng tôi đến từ mặt đất, và thân xác chúng tôi sẽ đi về đất, bà mẹ của chúng tôi,” ông nói.      

            “Tôi không muốn xúc phạm tôn giáo của ông,” Howard trả lời cáu kỉnh, “nhưng ông phải nói những điều thực tế. Hơn 20 lần tôi đã nghe ông nói mặt đất là bà mẹ của ông và quyền tù trưởng từ đất đai. Tôi không muốn nghe thêm nữa, hãy đi vào vấn đề ngay đi.”

            “Ai có quyền bảo tôi phải làm gì trong xứ sở của tôi?” Toohoolhoolzote vặn lại.

            Cuộc tranh cãi tiếp tục cho đến khi Howard cảm thấy mình phải biểu dương quyền lực. Y ra lệnh bắt giữ nhà tiên tri nhốt vào nhà bảo vệ, và sau đó thông báo cụt ngủn với Joseph là người Nez Perce có 30 ngày để di chuyển từ Thung lũng Wallowa đến khu dành riêng Lapwai.

            “Dân tôi đã luôn là bạn bè của người da trắng,” Joseph nói. “Sao ngài vội vàng như thế? Tôi không thể chuẩn bị kịp trong vòng 30 ngày. Gia súc chúng tôi phân tán, và Sông Rắn thì rất sâu. Hãy đợi sang thu, khi nước sông cạn hẳn.”

            “Các ông chỉ cần trễ một ngày,” Howard trả lời gay gắt, “binh lính sẽ đến đây đẩy các ông vào khu dành riêng, và khi đó tất cả gia súc và ngựa của các ông ở bên ngoài khu dành riêng sẽ rơi vào tay người da trắng.”

            Joseph biết là mình không có giải pháp nào khác. Để bảo vệ thung lũng với quân số 100 người là điều bất khả thi. Khi ông và các phó tù trưởng trở về trại họ đã thấy binh lính ở đó. Họ họp hội đồng và quyết định tập họp gia súc ngay tức thì để di chuyển đến Lapwai. “Người da trắng thì đông và chúng tôi không thể bảo vệ người của mình. Chúng tôi như hưu, họ như gấu xám. Xứ chúng tôi bé nhỏ, còn xứ họ rộng lớn. Chúng tôi bằng lòng để sự vật y nguyên như Thần Linh tạo ra. Còn họ thì không thế, họ thay đổi sông suối và núi đồi nếu họ thấy chúng không hợp ý họ.”

            Thậm chí trước khi họ bắt đầu chuyến đi dài, một số chiến binh râm ran bàn việc đánh nhau chứ không chịu bị lùa như chó từ vùng đất chôn nhau cắt rún. Toohoolhoolzote, vừa được phóng thích, tuyên bố là chỉ có máu mới rửa sạch hết ô nhục mà Xếp Lính Một Tay đã gây cho ông. Joseph, tuy nhiên, tiếp tục theo đuổi hòa bình.

            Để kịp thời hạn chót mà Tướng Howard đặt ra, họ phải để lại phần lớn gia súc trong thung lũng, và khi họ đến Sông Rắn nước sông cuồn cuộn vì tuyết đang tan chảy từ núi xuống. May phước họ đem được đàn bà và trẻ con qua được trên những chiếc bè da bò mà không gặp tai nạn nghiêm trọng nào. Nhưng trong lúc họ bận vượt sông thì một toán da trắng đến lấy cắp một số gia súc của họ đang chờ trên bờ bên kia. Rồi, khi họ nỗ lực lùa đàn gia súc còn lại vượt sông, nhiều gia súc bị nước chảy xiết cuốn trôi mất dạng.

            Cay đắng hơn nữa, các tù trưởng yêu cầu Joseph dừng lại ở Hẽm Rocky và họp hội đồng. Toohoolhoolzote, Chim Trắng, và Ollokot muốn chiến tranh. Joseph bảo họ “nên sống trong hòa bình hơn là gây chiến và nằm chết cả bọn.” Họ gọi ông là tên hèn nhát, nhưng ông vẫn không nhượng bộ.

            Trong khi cắm trại trong hẽm núi, một nhóm nhỏ các chiến binh một đêm nọ lẻn đi, và khi họ trở lại người Nez Perce không còn có thể tuyên bố là mình chưa từng giết một người da trắng nào. Các chiến binh đã giết tất cả 11 người, để trả thù cho tội ăn cắp gia súc và đuổi họ đi khỏi thung lũng.

            Như nhiều tù trưởng Da Đỏ yêu hòa bình khác, Joseph giờ bị mắc kẹt giữa áp lực của người da trắng và cơn thịnh nộ của người dân đang tuyệt vọng của mình. Ông chọn ở lại với con dân mình. “Tôi sẽ dâng hiến sinh mạng tôi,” ông nói, “tôi có thể đã không để dân tôi tàn sát người da trắng. Tôi đổ lỗi cho bọn trẻ của mình và cũng đổ lỗi cho người da trắng . . . Đáng lẽ tôi dẫn dân tôi đến xứ bò rừng [Montana] mà không phải đánh nhau, nếu có thể. . . Chúng tôi di chuyển đến Suối Chim Trắng, cách đó 16 dặm, và rồi hạ trại ở đó, dự định thu gom gia súc trước khi bỏ đi; nhưng binh lính tấn công chúng tôi, và trận đánh đầu tiên bắt đầu.”

            Mặc dù quân số bị áp đảo 1 chống lại 2, chiến binh Nez Perce dụ binh lính của Howard vào bẫy tại Hẽm Chim Trắng vào ngày 17 tháng 6, đánh vào sườn bọn tấn công, tàn sát một phần ba quân số, và làm bọn còn lại tháo chạy. Mười ngày sau Xếp Lính Một Tay tiến đến với lực lượng tiếp viện hùng hậu và mở cuộc tấn công mới, nhưng người Nez Perce đã chuồn đi băng qua vùng núi. Trong một loạt các hành động mưu trí, Joseph lừa được bọn lính truy đuổi, trừng trị thẳng tay phân đội tiền quân, và sau đó chạy đến Nước Trong, tại đó tù trưởng Gương Soi đang đợi với nhiều chiến binh hơn.

            Lực lượng phối hợp của Nez Perce giờ lên đến 250 chiến binh, với 450 người không chiến đấu, hành lý, và 2,000 ngựa. Tại Khe Chim Trắng họ đã lấy được vài khẩu súng trường và nhiều đạn dược.

            Sau khi rút lui bên kia Nước Trong (nơi cha ông họ đã tiếp đón Lewis và Clark như những người tiên phong của nền văn minh da trắng), Joseph cho họp hội đồng các tù trưởng. Tất cả họ đều hiểu rằng mình không bao giờ có thể trở về Thung lũng Dòng nước Uốn khúc hoặc về Lapwai nộp mình mà không bị trừng trị. Chỉ còn một con đường dành cho họ – đào thoát đến Canada. Bò Ngồi của người Sioux đã đào thoát đến vùng đất Mẹ, và binh lính Mỹ không dám đến đó giết ông. Nếu người Nez Perce có thể tới được Đường mòn Lolo và vượt qua Núi Bitterroot, họ có thể trốn thoát đến Canada.

            Vì họ đã quen với việc vượt qua Bitterroots để săn bắn ở Montana, người Nez Perce nhanh chóng bỏ xa đạo quân trang bị nặng nề của Howard. Vào ngày 25 tháng 7 họ đang lần lượt xuống hẽm núi gần miệng Suối Lolo thì nhóm trinh sát của họ nom thấy binh lính đằng trước mặt. Bọn Áo xanh đang xây dựng hàng rào chướng ngại vật bằng thân cây tại một nơi hẹp ngay chốt.

            Cầm lá cờ hưu chiến, Joseph, Gương Soi, và Chim Trắng cưỡi ngựa xuống hàng rào chướng ngại vật, điềm tĩnh xuống ngựa, và bắt tay với sĩ quan chỉ huy, Đại úy Charles Rawn. Các tù trưởng nhận xét là có khoảng 200 binh lính trong trại.

            “Chúng tôi sẽ phải đi qua các anh mà không đánh nhau, nếu các anh để chúng tôi qua,” Joseph nói với viên đại úy, “nhưng cách nào chúng tôi cũng phải đi qua.”

            Rawn bảo Joseph rằng họ chỉ có thể vượt qua nếu nộp vũ khí. Chim Trắng trả lời chiến binh của mình không bao giờ làm thế.

            Biết rằng Tướng Howard đang tiến đến gần từ hướng tây và rằng một lực lượng lớn khác dưới sự chỉ huy của Đại tá John Gibbon cũng đang tiến đến từ hướng đông, Đại úy Rawn quyết định câu giờ. Anh đề nghị hôm sau gặp nhau lại bàn bạc về việc đi qua. Các tù trưởng đồng ý, nhưng sau một hai ngày thảo luận không có kết quả, các thủ lĩnh Nez Perce quyết định là không thể chờ thêm được nữa.

            Sáng sớm ngày 28 tháng 7, Gương Soi di chuyển chiến binh dàn tuyến lá chắn giữa vùng cây cối trên bờ dốc cao của hẽm núi. Cùng lúc, Joseph dẫn những người không đánh nhau và gia súc lên một khe sâu, trèo lên đến mõm núi, và ở bên kia hàng rào chướng ngại vật trước khi Đại úy Rawn phát hiện những gì Nez Perce đang làm. Đại úy cho binh lính truy đuổi người Da Đỏ, nhưng sau một vài cuộc đột kích vào hậu quân của Joseph y quyết định không dám liều một trận đánh thực sự và trở lại hàng rào chướng ngại vật vô dụng của mình.      

            Tin tưởng là mình đã trốn thoát khỏi Howard, và không biết quân của Gibbon đang tiến đến, các tù trưởng quyết định di chuyển theo hướng nam đến vùng đất săn quen thuộc Sông Hố Lớn. Ở đó họ có thể cho ngựa nghỉ ngơi và săn thú. Nếu người da trắng để họ yên, họ có thể sẽ không đi đến Đất Mẹ và nhập bọn với Bò Ngồi.

            Vào đêm 9 tháng 8, Người Khập Khiễng (Đại tá Gibbon) tiến đến với một đạo quân hỗn hợp lính tình nguyện địa phương và bộ binh cưỡi ngựa. Họ ẩn nấp trên một sườn đồi nhìn qua trại của Nez Perce trên Sông Hố Lớn. Khi rạng đông đến gần, các lính tình nguyện hỏi Gibbon họ có phải bắt tù binh trong cuộc tấn công không. Gibbon trả lời là y không muốn tù binh Da Đỏ nào cả, đàn ông cũng như đàn bà. Trời đêm đó rất lạnh, và binh lính sưởi ấm bằng rượu uýt ki. Khi bình minh vừa ló dạng một số người đã say xỉn khi Gibbon ra lệnh tấn công. Bộ binh khai hỏa từng loạt, và đột kích vào lều tepee của người Nez Perce.

            Kowtolik 15 tuổi đang ngủ khi cậu nghe tiếng súng tạch tạch. “Tôi tung chăn nhảy xuống và chạy khoảng 10 mét và bò xuống đất. Một bà lão, Patsikonmi, ở lều bên cũng làm thế – cúi xuống bò đi trên đầu gối. Bà ở bên trái tôi và bị bắn giữa ngực. Tôi nghe tiếng đạn va đập. Bà nói với tôi, “Cháu đừng nên ở đây. Đi đi. Bà bị bắn rồi.” Rồi bà chết. Tất nhiên tôi chạy trối chết và nấp trong bụi rậm. Binh lính hình như bắn khắp mọi phía. Qua lều và bất cứ ở đâu họ nom thấy người Da Đỏ. Tôi trông thấy những em nhỏ bị giết và các ông ngã xuống trước làn đạn rải như mưa.”

            Một thiếu niên khác, Ó Đen, choàng tỉnh khi nghe tiếng đạn xuyên qua lều mình. Trong cơn hoảng loạn cậu chạy và nhảy ùm xuống sông, nhưng nước sông quá lạnh. Cậu chạy lên bờ và giúp cứu đàn ngựa bằng cách dẫn chúng lên đồi và ra khỏi tầm mắt bọn lính.

            Trong lúc đó người Da Đỏ đã bừng tỉnh khỏi cú sốc của trận đột kích bất ngờ. Trong khi Joseph chỉ đạo việc giải cứu đàn bà và trẻ con, Chim Trắng dàn chiến binh để phản công. “Chiến đấu! Bắn hạ chúng!” ông hô to. “Chúng ta có thể bắn bọn lính càng nhiều càng tốt.” Tài thiện xạ của người Nez Perce thật ra cao hơn binh lính của Gibbon. “Giờ chúng tôi làm rối loạn hàng ngũ binh lính cả lên,” Sói Vàng nói. “Hoảng sợ, chúng chạy lui qua con sông. Họ hành động như thể đã uống rượu. Chúng tôi nghĩ một số bị giết vì say xỉn.”

            Khi bọn lính tính lắp đặt dàn pháo, các chiến binh Nez Perce ào ào xông tới bọn pháo binh, đoạt lấy đại bác, và phá hủy nó. Một chiến binh nhắm vào Đạt tá Gibbon bắn một phát và khiến y trở thành Người Khập Khiễng Hai Lần.

            Lúc này Joseph đã huy động dời trại, và trong khi một nhóm chiến binh cầm chân binh lính Gibbon phía sau một chướng ngại vật dừng tạm thời bằng súc gỗ và đá tảng, người Nez Perce tiếp tục cuộc đào thoát. Họ quay về hướng nam và đi xa khỏi Canada, vì họ tin rằng đó là các duy nhất để khỏi bị kẻ thù đeo bám. Các chiến binh đã giết được 30 binh sĩ và làm bị thương ít nhất 40 tên. Nhưng bên Nez Perce có đến 80 người chết, hơn hai phần ba số đàn bà và trẻ con, thi thể của họ lỗ chỗ vết đạn, đầu họ nát bét vì đế giày giẫm đạp  và báng súng đánh xuống. “Không khí đau buồn u uất,” Sói Vàng nói. “Một số binh lính hành động một cách điên cuồng.”

            Hậu quân của Nez Perce có thể đã vây hãm binh lính sau chướng ngại vật đến chết đói hoặc tiêu diệt họ nếu Tướng Howard không đến giải cứu bằng một lực lượng kỵ binh mới sung trận. Rút lui vội vã, các chiến binh đuổi kịp Joseph để cảnh báo ông là Xếp Lính Một Tay đang trên đường truy kích họ lần nữa.

            “Chúng tôi đã rút chạy nhanh như có thể,” Joseph nói. “Sau sáu ngày Tướng Howard tiến sát chúng tôi, và chúng tôi ra ngoài và tấn công y, bắt giữ gần hết số ngựa và lừa của y.” Thật ra gia súc bị bắt hầu hết là lừa chuyên chở đồ tiếp tế và quân nhu của Howard. Để lại binh lính hoảng loạn ở phía sau, người Da Đỏ vượt qua Chốt Targhee vào Công viên Yellowstone vào ngày 22/8.

            Chỉ cách đây 5 năm Đại hội đồng ở Washington đã biến vùng Yellowstone thành công viên quốc gia đầu tiên của xứ sở, và vào mùa hè 1877 đó những du khách Mỹ thích phiêu lưu đến đó và trầm trồ trước kỳ quan thiên nhiên của nó. Trong số họ không ai khác hơn là Chiến binh Lớn Sherman, đã ra ngoài miền Tây trên một chuyến thanh sát để tìm hiểu làm sao mà một nhóm ít hơn 300 chiến binh Nez Perce, đùm đề gánh nặng đàn bà và trẻ con, có thể đánh lừa được toàn Quân đội Tây bắc.

            Khi Sherman biết rằng những người Da Đỏ đào thoát đang vượt qua Công viên Yellowstone hầu như là trong tầm nhìn của doanh trại sang trọng của y, y bắt đầu phát lệnh đến các chỉ huy đồn trong mọi hướng để giăng lưới tóm gọn các chiến binh xấc xược này. Gần hơn tất cả là Đoàn Kỵ binh thứ 7, vốn đã lấy lại khí thế kể từ khi Custer dẫn nó đến thảm bại ở Little Bighorn. Hăng hái muốn lấy lại danh dự của trung đoàn bằng một thắng lợi áp đảo, đoàn kỵ binh tiến theo hướng tây nam về phía Yellowstone. Trong tuần đầu tiên của tháng 9 các trinh sát Nez Perce và trinh sát của kỵ binh đều quan sát thấy đối phương gần như mỗi ngày. Bằng sự điều động khôn khéo, người Da Đỏ thoát khỏi Kỵ binh thứ 7 sau một cuộc chạm trán ở Suối Khe, và hướng về phía bắc đến Canada. Tất nhiên, họ không thể nào biết được là Chiến binh Lớn Sherman đã ra lệnh cho Áo Gấu Miles gấp rút hành quân từ Đồn Keogh, theo một lộ trình nhằm cắt ngang đường thoát của họ.

            Vào ngày 23 tháng 9, sau khi đánh nhau với hậu quân địch gần như mỗi ngày, người Nez Perce vượt sông Missouri tại Bãi Đảo Bò. Trong ba ngày sau các trinh sát báo cáo không thấy dấu hiệu binh lính ở đâu cả. Vào ngày 29, các người đi săn định vị được một đàn bò nhỏ. Vì thiếu lương thực và đạn được và ngựa thì kiệt sức vì luôn chạy nhanh trên đường trường, các tù trưởng quyết định hạ trại trong vùng Núi Chân Gấu. Hôm sau, sau khi ăn uống no nê bằng thịt bò, họ tính toán sẽ đến được biên giới Canada trong một chuyến đi dài nữa.

            “Chúng tôi biết rằng Tướng Howard ở sau lưng chúng tôi hơn hai mặt trời,” Sói Vàng nói. “Không có gì khó để bỏ xa y.”

            Sáng hôm sau, tuy nhiên, hai trinh sát phi nước đại trở về, hô to lên, “Lính tới! Lính tới!” Trong khi đang chuẩn bị nhổ trại, một trinh sát khác xuất hiện trên một dốc cao đằng xa, vẫy chăn ra hiệu – Kẻ thù đến sát chúng ta! Họ sắp tấn công!

            Đó là đòn đột kích của kỵ binh dưới quyền của Áo Gấu Miles, mà các trinh sát Da Đỏ của họ một ít giờ trước đã phát hiện dấu vết của người Nez Perce. Phóng ngựa cùng với kỵ binh là 30 trinh sát Sious và Cheyenne đã bị Áo xanh mua chuộc tại Đồn Robinson, những chiến binh trẻ đã quay lưng lại với dân tộc mình bằng cách ăn mặc quân phục binh lính – một hành động đã đưa đến việc ám sát Ngựa Điên.

            Tiếng vó ngựa sấm sét của hơn 600 con ngựa phi nước đại làm mặt đất rung chuyển, nhưng Chim Trắng bình tĩnh cắm các chiến binh trước trại. Khi đợt sóng đầu tiên của kỵ binh ào ạt xông đến, người Nez Perce khai hỏa chính xác đến chết người. Trong vòng vài giây, họ giết được 24 tên, bị thương 42 người khác, và chận được vụ đột kich khiến ngựa đâm sầm hỗn loạn và binh lính té lăn cù.

            “Chúng tôi đánh ở cự ly gần,” Tù trưởng Joseph nói, “cách không hơn 20 bước, và đánh bật bọn lính trở lại tuyến chủ lực, để lại các thi thể. Chúng tôi tước vũ khí và đạn được của chúng. Chúng tôi mất, trong một ngày đêm đầu tiên, 18 đàn ông và 3 đàn bà.” Trong đó có em của Joseph Ollokot và nhà tiên tri già gan góc Toohoolhoolzote.

            Khi màn đêm buông xuống người Nez Perce cố gắng lẻn đi về hướng bắc, nhưng Áo Gấu đã bố trí vòng vây binh lính bao quanh toàn bộ khu trại. Các chiến binh suốt đêm phải đào hào, chờ đợi một cuộc tấn kích khác vào buổi sáng.

            Tuy nhiên, thay vì tấn công, Áo gấu phái một người đưa tin cầm cờ trắng. Người đưa tin đưa ra yêu cầu Joseph đầu hàng để cứu mạng sống của dân mình. Joseph đưa trở lại câu trả lời: ông sẽ duy nghĩ và cho Tướng Miles biết quyết định của mình sớm. Tuyết đã bắt đầu rơi, và các chiến binh hi vọng một trận mưa tuyết có thể che chở cuộc đào thoát đến Canada.

            Vào cuối ngày, một số trinh sát Sioux của Miles cưỡi ngựa đến với lá cờ trắng. Joseph bước ra trận địa để gặp họ. “Họ nói rằng họ tin tưởng Tướng Miles thật tâm muốn hòa bình. Tôi liền đi thẳng đến lều của Tướng Miles.”

            Trong hai ngày sau đó Joseph bị Áo Gấu giữ làm tù binh, vi phạm nguyên tắc cờ trắng hưu chiến. Trong lúc này Miles bố trí dàn pháo và mở lại cuộc tấn công, nhưng các chiến binh Nez Perce vẫn giữ vững phòng tuyến, còn Joseph thì bác bỏ việc đầu hàng trong khi mình là tù nhân. Trong hai ngày liền một trận gió rét đậm ném những cơn mưa tuyết lên trận địa.

            Vào ngày thứ ba, các chiến binh của Joseph xoay sở giải thoát được ông. Họ bắt một sĩ quan của Miles và đe dọa viết y trừ khi vị tướng phóng thích tù trưởng của họ. Tuy nhiên, cùng ngày, Tướng Howard và đạo quân ì ạch của y kéo đến để yễm trợ cho Miles, và Joseph biết rằng băng chiến binh teo tóp của mình đã tiêu đời. Khi Miles phái người đưa tin đến đề nghị sắp xếp một hội đồng, Joseph đến để nghe những điều khoản đầu hàng của vị tướng. Điều khoản rất rõ ràng và đơn giản: “Nếu các ông bước ra và nộp vũ khí,” Miles nói, “tôi sẽ tha mạng các ông và đem các ông về khu dành riêng.”

            Trở lại trạm bị bao vây, Joseph họp với các tù trưởng của mình lần cuối cùng. Gương Soi và Chim Trắng muốn đánh tiếp, đến chết nếu cần thiết. Họ đã cật lực vượt qua 1,300 dặm; họ không thể bỏ cuộc bây giờ. Joseph đành phải đồng ý hoãn lại quyết định. Chiều đó trong cuộc chạm trán vào ngày thứ 4 của cuộc vây hãm, một thiện xạ Áo xanh bắn Gương Soi ngay giữa trán và giết ông tức thì.

            “Vào ngày thứ 5,” Joseph nói, “Tôi đi đến Tướng Miles và giao nộp súng.” Ông cũng đưa ra một phát biểu hùng hồn, được Trung úy Charles Erskine Scott Wood * dịch lại bằng tiếng Anh, và chẳng bao lâu nó trở thành một phát biểu được trích dẫn nhiều nhất bởi người Mỹ Da Đỏ:

            Bảo với Tướng Howard tôi hiểu trái tim ông. Những gì ông bảo với tôi trước đây tôi vẫn giữ trong tim. Tôi mệt mỏi vì đánh nhau. Các tù trưởng của chúng tôi đã bị giết. Gương Soi đã chết. Toohoolhoolzote đã chết. Mọi người già đều đã chết. Bây giờ chính người trẻ là người nói có hay không. Người đã dẫn dắt bọn trẻ [Ollokot] đã chết. Trời thì rét mà chúng tôi không có chăn. Các trẻ em đang dần chết cóng. Dân tôi, một số đã chạy qua đồi, và không có chăn, không thức ăn; không ai biết họ đang ở đâu – có lẽ họ đang chết vì lạnh cứng. Tôi muốn có thời gian để tìm con cái của tôi và xem có thể tìm được bao nhiêu. Có thể tôi sẽ tìm được ho trong số những người đã chết. Hãy nghe tôi, các tù trưởng của tôi! Tôi đã thấm mệt; trái tim tôi yếu ớt và buồn rầu. Từ nơi mặt trời giờ đang đứng tôi sẽ ngừng chiến đấu mãi mãi.

 

  • Trung úy Wood rời quân ngũ không lâu sau đó để trở thành một luật sư và tác giả các bài tiểu luận và thơ ca châm biếm. Trải nghiệm của ông với tù trưởng Joseph và người Nez Perce ảnh hưởng đến quãng đời sau của ông; ông trở nên một nhà tranh đấu nồng nhiệt cho công bình xã hội và bảo vệ người vô gia cư.     

            Sau khi trời tối, trong khi việc sắp xếp thủ tục đầu hàng đang tiến hành, Chim Trắng và một băng chiến binh bất khuất của ông lẻn qua các khe núi từng nhóm nhỏ và bắt đầu chạy bộ đến biên giới Canada. Vào ngày thứ hai họ qua được biên giới, và vào ngày thứ ba họ trông thấy những người Da Đỏ cưỡi ngựa từ đằng xa. Một người trong số họ ra dấu hiệu: Anh là bộ tộc nào?

            Nez Perce, họ trả lời, và hỏi: Còn anh là ai?

            Sioux, là câu đáp lại.

            Ngày hôm sau Bò Ngồi mang những người chạy nạn Nez Perce vào ngôi làng Canada của mình.

            Còn tù trưởng Joseph và những người khác, tuy nhiên, không có được tự do. Thay vì dẫn họ về Lapwai, như Áo Gấu đã hứa, Quân đội chở họ như gia súc đến Đồn Leavenworth, Kansas. Ở đó, trên mặt đất lầy lội, họ bị nhốt như tù binh. Sau khi gần 100 người chết, họ được chuyển đến một đồng bằng trơ trụi trong Lãnh địa Da Đỏ. Như đã xảy ra với người Modoc, người Nez Perce đau ốm và chết – vì sốt rét và đau tim.

            Các quý ông Cơ đốc và quan lại thăm viếng họ thường xuyên, thốt ra những lời tình cảm và viết báo cáo không ngừng cho các tổ chức khác nhau. Joseph được cho phép đến thăm Washington, ở đó ông gặp hầu hết những quan chức lớn của chính phủ. “Họ đều nói họ là bạn bè tôi,” ông nói, “và rằng tôi sẽ có được công lý, nhưng trong khi miệng họ nói toàn điều đúng tôi không hiểu tại sao không có gì được thực hiện cho dân tôi. . . Tướng Miles hứa là chúng tôi có thể trở về xứ sở của mình. Tôi tin Tướng Miles, nếu không tôi sẽ không bao giờ đầu hàng.”

            Rồi ông đưa ra lời kêu gọi đến công lý đầy xúc động: “Tôi đã nghe nói và nói, nhưng không có ai làm gì. Những lời tốt đẹp không sống lâu trừ khi chúng đưa đến điều gì đó. Lời nói không đền bù được những người dân đã chết của tôi. Lời nói không đền bù được xứ sở tôi, giờ đang bị người da trắng dẫm đạp.  . . Lời nói tốt đẹp không cho dân tôi sức khỏe tốt và giúp họ khỏi chết. Lời nói tốt đẹp không mang lại nhà cửa cho dân tôi nơi họ có thể sống trong hòa bình và tự chăm sóc mình. Tôi mệt phải nghe nói những lời trống rỗng. Nó làm tim tôi đau nhói khi nhớ lại bao lời nói tốt đẹp và những lời hứa bị phản bội. . . Bắt những con sông chảy ngược dòng cũng khó như bắt một người vốn sinh ra tự do lại bằng lòng khi bị giam hãm và tước đoạt tự do đi đến nơi nào mình muốn. . . Tôi đã hỏi một số xếp da trắng lớn từ đâu họ có được quyền bảo người Da Đỏ phải ở một nơi cố định, trong khi người Da Đỏ trông thấy người da trắng đi bất cứ nơi nào họ muốn. Các ngài ấy không thể trả lời được.

            “Hãy để tôi là một người tự do – tự do đi lại, tự do dừng lại, tự do làm việc, tự do giao dịch ở đâu tôi chọn, tự do chọn thầy giáo của mình, tự do theo tôn giáo của cha ông tôi, tự do suy nghĩ và nói năng và hành động cho chính mình – và tôi sẽ tuân theo luật pháp, hoặc chịu hình phạt.”

            Nhưng không ai lắng nghe. Họ đưa Joseph trở lại Lãnh địa Da Đỏ, và ông ở đó cho đến 1885. Trong năm đó, chỉ có 287 người Nez Perce bị bắt còn sống, hầu hết đều quá trẻ để nhớ cuộc sống tự do trước đây của mình, hoặc quá già và bệnh tật và sụp đổ tinh thần để có thể đe dọa được sức mạnh vô song của Hoa Kỳ. Một số người sống sót được phép trở lại khu dành riêng của họ ở Lapwai. Joseph và khoảng 150 người khác được coi là quá nguy hiểm để được nhốt chung với các người Nez Perce khác. Chính quyền chở họ đến Nespelem trên khu dành riêng Colville ở Washington, và ở đó họ sống kiếp lưu đày đến hết đời. Khi Joseph mất vào 21/9/1904, bác sĩ của cục quản lý báo cáo nguyên nhân tử vong là “vỡ tim.”

 

14. Chuyến Ra Đi của Bộ Tộc Cheyenne

1878 – Ngày 10 tháng 1, Thượng viện đưa ra nghị quyết phụ nữ được nghe điều trần về quyền bầu cử. Ngày 4 tháng 6, Vương quốc Anh chiếm Cyprus từ tay người Thổ Nghĩ Kỳ. Ngày 12 tháng 7, dịch sốt vàng da bùng phát ở New Orleans; 4,500 người chết. Ngày 18 tháng 10, Edison thành công trong việc chia nhỏ dòng điện, nhờ đó có thể ứng dụng cho điện nhà; cổ phần khí ga rớt giá trên thị trường chứng khoán New York. Tháng 12, ở St. Peternurg, Nga, sinh viên đánh nhau với cảnh sát và bọn Cô-dắc. Ở Áo, Ferdinand Mannlicher sáng chế ra súng liên thanh có ổ đạn. David Hughes sáng chế ra kính hiển vi. Dàn nhạc Giao hưởng New York được thành lập. Gilbert và Sullivan trình diễn H. M. S. Pinafore. 

Chúng tôi đã ở phương nam và ở đó chúng tôi chịu đựng nhiều. Nhiều người đã chết vì những chứng bệnh chúng tôi không biết tên. Trái tim chúng tôi nhìn và mơ ước về xứ sở nơi chúng tôi sinh ra. Chỉ có một số ít chúng tôi bỏ đi, và chúng tôi chỉ muốn một mảnh đất nhỏ, nơi chúng tôi có thể sinh sống. Chúng tôi bỏ lều đứng đó, và trốn đi trong đêm. Binh lính đuổi theo chúng tôi. Tôi cưỡi ngựa ra và bảo với binh lính là chúng tôi không muốn đánh nhau; chúng tôi chỉ muốn đi về hướng bắc, và nếu họ để yên chúng tôi sẽ không giết ai. Câu trả lời duy nhất chúng tôi nhận được là một loạt đạn. Sau đó chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu để tìm đường thoát, nhưng chúng tôi không giết người nào không bắn chúng tôi trước. Em tôi, Dao Cùn, dẫn theo nửa băng nhóm và đầu hàng gần Đồn Robinson. . . Họ giao nộp súng, và rồi người da trắng giết tất cả họ.

  • OHCUMGACHE (SÓI NHỎ) CỦA BỘ TỘC BẮC CHEYENNE

 

Tất cả những gì chúng tôi xin là được phép sống, và sống trong hòa bình. . . Chúng tôi cúi đầu trước ý muốn của vị Cha Lớn và đi về nam. Ở đó chúng tôi nhận ra là người Cheyenne không thể sống được. Vì thế chúng tôi về nhà. Chúng tôi cho rằng thà chết trong chiến đấu còn hơn bị hủy diệt vì bệnh tật.  . . Các ông có thể giết chúng tôi ở đây; nhưng các ông không thể bắt chúng tôi đi trở lại. Chúng tôi sẽ không đi. Cách duy nhất để đưa chúng tôi về đó là đến đây bằng dùi cui và đập đầu chúng tôi, và lôi chúng tôi ra và mang đến đó khi chúng tôi chỉ là những xác chết.

  • TAHMELAPASME (DAO CÙN) CỦA BỘ TỘC BẮC CHEYENNE

 

Tôi xem những bộ tộc Cheyenne của người Da Đỏ, sau khi làm quen với nhiều băng nhóm, là bộ phận tốt đẹp nhất của chủng tộc đó mà tôi từng gặp.

  • BA NGÓN (ĐẠI TÁ RANALD S. MACKENZIE)

 

VÀO MÙA TRĂNG Cỏ Xanh, 1877, khi Ngựa Điên đem người Oglala Sioux đến Đồn Robinson đầu hàng, những băng nhóm khác nhau người Cheyenne đã nhập bọn với ông trong mùa đông cũng giao nộp ngựa và vũ khí, đặt mình dưới lòng thương xót của binh lính. Trong số các tù trưởng Cheyenne có Sói Nhỏ, Dao Cùn, Nai Đứng, và Heo Rừng.  Dân số toàn thể của họ ước 1,000 người. Hai Trăng và 350 người Cheyenne, đã bị chia cách với người khác sau trận Little Bighorn, đi xuống Sông Tongue và đến Đồn Keogh đầu hàng Áo Gấu Miles.

            Người Cheyenne đến đồn Robinson hi vọng được sống trên khu dành riêng với người Sioux theo đúng hiệp ước 1868, mà Sói NHỏ và Dao Cùn đã ký. Tuy vậy, các viên chức từ Văn phòng Da Đỏ thông báo với họ là hiệp ước ủy thác họ sống hoặc trên khu dành riêng Sioux hoặc trên một khu dành riêng ấn định cho người Nam Cheyenne. Các viên chức khuyên người Bắc Cheyenne nên chuyển đến Lãnh địa Da Đỏ để sống với bà con của họ là người Nam Cheyenne.

            “Dân tôi không thích nghe chuyện đó,” Chân Gỗ nói. “tất cả chúng tôi muốn ở lại trong xứ này gần Đồi Đen. Nhưng chúng tôi có một tù trưởng lớn, Nai Đứng, luôn nói rằng tốt hơn chúng tôi nên đến đó. Tôi nghĩ trong toàn bộ tộc không có đến 10 người đồng ý với ông ta. Cảm nghĩ chung là ông chỉ nói như thể để tự cho mình là người Da Đỏ lớn trong mắt người da trắng.”

            Trong khi giới thẩm quyền nhà nước quyết định phải làm gì với người Bắc Cheyenne, các xếp Áo xanh ở Đồn Robinson chiêu mộ một số chiến binh để làm nhiệm vụ trinh sát giúp tìm kiếm những băng nhóm còn phân tán bên ngoài và không muốn chấp nhận sự đầu hàng như một điều không thể tránh khỏi.

            William P. Clark, một trung úy kỵ binh, thuyết phục Sói Nhỏ và một ít chiến binh của ông làm việc cho y. Clark đội một mũ trắng trong khi ra ngoài đồng, và đó là cái tên người Cheyenne đặt cho y – Mũ Trắng. Họ sớm khám phá ra rằng Mũ Trắng thực sự quí người Da Đỏ, quan tâm đến lối sống, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, và tập tục của họ. (Clark sau này xuất bản một luận thuyết uyên thâm về ngôn ngữ ký hiệu của người Da Đỏ.)

            Sói Nhỏ có thể đã ở lại Đồn Robinson với Mũ Trắng, nhưng khi lệnh từ Washington ban xuống bắt người Cheyenne phải đi bộ đến Lãnh địa Da Đỏ, ông quyết định đi cùng dân mình. Trước khi đi, các tù trưởng Cheyenne băn khoăn xin được họp lần cuối cùng với Ba Sao Crook. Vị tướng cố trấn an họ, bảo họ cứ đi xuống đó và ngắm nhìn tận mắt Lãnh địa Da Đỏ; nếu họ không thích ở đó họ có thể trở lại phía bắc. (Ít nhất đây là cách mà các thông dịch viên phiên dịch những lời của Crook.)

            Người Cheyenne muốn Mũ Trắng đi nam với họ, nhưng Quân đội cử Trung úy Henry W. Lawton chỉ huy đoàn hộ tống. “Anh ta là người tốt,” Chân Gỗ nói, “luôn tử tế với người Da Đỏ.” Họ gọi Lawton là Người Da Trắng Cao, và hài lòng khi thấy anh cho người già và người bệnh ngồi vào xe ngựa của lính vào ban ngày và cho họ lều quân đội để ngủ vào ban đêm. Người Da Trắng Cao cũng thấy rằng mọi người đều nhận đủ bánh mì và thịt và cà phê và đường.

            Trên đường xuôi nam họ đi theo những đường mòn săn bắn quen thuộc, tránh xa thị trấn, nhưng họ có thể nhận ra rằng Đồng bằng đang thay đổi, chứa đầy đường ray và rào cản và tòa nhà khắp mọi nơi. Họ nom thấy một ít đàn bò và sơn dương nhỏ, và người Da Trắng Cao phát súng cho 30 chiến binh được tuyển chọn bởi các tù trưởng để họ ra ngoài săn bắn.

            Có 972 người Cheyenne khởi hành từ Đồn Robinson vào Mùa Trăng Ngựa Rụng Lông. Sau khi đi gần 100 giấc ngủ, 937 người đến được Đồn Reno trên khu dành riêng Cheyenne-Arapaho, ngày 5/8/1877. Một số người già đã chết trên đường đi; một số người trẻ đã chuồn đi để quay về bắc.

            Ba Ngón Mackenzie ở Đồn Reno đến gặp họ. Ông lấy ngựa của họ và một ít vũ khí họ có, nhưng lần này ông không bắn ngựa của họ, hứa là cán bộ quản lý sẽ trả lại ngựa cho họ sau khi họ đã định cư làm ruộng trên vùng đất mới. Rồi ông chuyển người Cheyenne cho cán bộ quản lý John D. Miles coi sóc.

            Sau một hai ngày người Nam Cheyenne mời bà con miền bắc của họ đến dự lễ hội bộ tộc truyền thống dành cho người mới đến, và đó là lúc mà Sói Nhỏ và Dao Cùn lần đầu tiên phát giác có điều gì sai. Buổi tiệc  chỉ là một lọ súp lỏng bỏng; đó là tất cả những gì người Nam Cheyenne đãi khách. Như vậy là trên đất đai trống trơn này không có đủ để ăn – không thú săn, không nước sạch để uống, và cán bộ không cung cấp đủ khẩu phần để nuôi sống họ. Để làm vấn đề càng tệ hơn, cái nóng mùa hè không thể chịu nỗi, và không khí đầy muỗi và bụi bay.

            Sói Nhỏ đi đến cán bộ và bảo y rằng họ chỉ đến đây để ghé mắt nhìn khu dành riêng. Giờ, vì họ không thích chỗ này, nên họ sẵn sàng đi về bắc như Ba Sao Crook đã hứa. Cán bộ trả lời rằng chỉ có Cha Lớn ở Washington mới có thể quyết được chuyện cho người Bắc Cheyenne trở lại vùng Đồi Đen hay không. Y hứa sẽ có nhiều thức ăn hơn; một đàn bò thịt đang được chăn dắt từ Texas đến cho họ.

            Loại bò sừng dài của Texas đầy xương xẩu, và thịt chúng dai như da chúng, nhưng ít nhất người Bắc Cheyenne giờ có thể nấu súp như bà con của họ làm. Vào cuối mùa hè, người miền bắc bắt đầu đổ bệnh với những cơn rét run người, cơn sốt hừng hực, và xương cốt nhức buốt. Người bệnh sút đi nhanh chóng trong nỗi khổ sở. “Dân tôi chết, chết, chết, nối tiếp nhau ra khỏi thế giới này.”

            Sói Nhỏ và Dao Cùn phàn nàn với cán bộ quản lý và xếp lính ở Đồn Reno cho đến khi Quân đội cuối cùng phái Trung úy Lawton, người Da Trắng Cao, đi thanh tra trại Bắc Cheyenne. “Họ không nhận đủ đồ tiếp tế để khỏi chết đói,” Lawton báo cáo. “Nhiều đàn bà và trẻ con ốm vì thiếu ăn. Một ít thức ăn được phát cho họ nhưng họ không dùng, nói là đem về cho con cái, đang khóc vì đói. . . . Thịt bò phát cho họ có chất lượng rất thấp, và được coi là không thể bán được để sử dụng vào việc gì.“

            Sĩ quan quân y không có ký ninh để cầm cự với dịch sốt rét đang giết hại người miền bắc. “Y thường khóa trái văn phòng vì y không có thuốc và bỏ đi, vì y không muốn bị người Da Đỏ mời đến mà không thể làm gì cho họ.”

            Người Da Trắng Cao họp cùng với các tù trưởng, không để nói mà để lắng nghe. “Chúng tôi xuống đây theo lời Tướng Crook,” Dao Cùn nói. “Chúng tôi còn là kẻ xa lạ trong xứ sở này. Chúng tôi muốn an cư ở nơi chúng tôi có thể sống vĩnh viễn và sau đó chúng tôi sẽ đưa con đến trường học.”

            Các tù trưởng khác biểu lộ sự nóng nảy trước lời lẽ của Dao Cùn. Ông nói không đủ mạnh. Họ trao đổi với nhau rồi chọn ra Heo Rừng để nói thay họ.

            “Kể từ khi chúng tôi ở cục này,” Heo Rừng nói, “chúng tôi đã lãnh từ cán bộ bắp, bánh mì cứng, cháo ngô, gạo, đậu, hoặc muối; bột men và xà bông thỉnh thoảng mới có một lần. Lượng đường và cà phê chúng nhận được chỉ đủ dùng trong ba ngày, trong khi ấn định cho 7 ngày; và thịt bò cũng vậy. Bột thì rất tệ, rất đen, và chúng tôi không thể làm nó nổi lên.” Về phần gia súc lấy thịt, Heo Rừng nói thêm, “nhiều con thì què, và trông như bị bỏ đói cho chết.”

            Những tù trưởng khác cũng lên tiếng phát biểu và kể về những thứ bệnh và mức tử vong trong người dân. Người Cheyenne đã đồng ý sử dụng thuốc của người da trắng, nhưng họ không thể tìm ra bác sĩ để phát thuốc cho họ. Nếu Người Da Trắng Cao để họ đi săn, họ nói, họ có thể tìm được thịt bò để ăn cho khỏe mạnh hơn.

            Chỉ có cán bộ quản lý mới có quyền cấp phép cho họ đi săn, Lawton trả lời, nhưng y hứa hỏi Ba Ngón Mackenzie (lúc này là chỉ huy Đồn Sill) để can thiệp cho họ.

            Mackenzie, đã từng tạo nên sự nghiệp bằng cách tàn sát người Cheyenne và ngựa của họ, nay bổng nhiên tỏ ra có lòng trắc ẩn đối với những người sống sót giờ đang bất lực. Sau khi nhận được các báo cáo của Trung úy Lawton, Ba Ngón gay gắt phàn nàn với Tướng Sheridan: “Tôi được kỳ vọng để chứng kiến những người Da Đỏ hành xử thích đáng đang bị nhà nước bỏ đói – và không chỉ điều đó, mà là bỏ đói trong sự vi phạm trắng trợn thỏa ước.” Cùng lúc đó, ông khuyên chỉ huy ở Đồn Reno, Thiếu tá John K. Mizner, hợp tác với cán bộ quản lý để có được khẩu phần cho người Cheyenne. “Nếu người Da Đỏ vì đói phải trốn đi, đừng cố bắt họ trở lại, nếu không chính binh lính bị đặt trong một tư thế tiếp tay cho cái xấu xa.”

            Chỉ đến khi những con trăng lạnh lẽo đến cán bộ Miles mới nhận được phép cho người Bắc Cheyenne ra ngoài săn bắn, và rồi y cẩn thận cắt vài người miền nam rình rập để xem họ có chạy ra bắc trên lưng những con ngựa đã được giao cho họ đi săn. Việc săn bắn có kết quả thảm hại đến nỗi các tay săn có thể đùa cợt về chuyện đó nếu không có việc mọi người đang đói meo ở nhà. Xương bò rải rác khắp mọi nơi trên Đồng bằng phía nam, những đống xương ma quái mà người da trắng bỏ lại, nhưng người Cheyenne không tìm thấy gì để săn trừ một vài con chó đồng cỏ. Họ giết những con chó và ăn chúng, và trước khi mùa đông qua đi họ phải ăn tất cả những con chó nhà để bổ sung vào khẩu phần thịt bò dè sẻn. Một số bàn về việc ăn thịt ngựa, nhưng các tù trưởng không muốn nghe những chuyện đó. Nếu họ tính đi về bắc họ sẽ cần mỗi con ngựa họ có thể có được.

            Trong thời gian này, Ba Ngón và Người Da Trắng Cao cật lực kiếm nhiều thức ăn hơn cho người Cheyenne, nhưng không có đáp ứng nào từ Washington. Khi bị áp lực phải giải thích, Bộ trưởng Nội vụ mới, Carl Schurz, nói rằng “những chi tiết như thế về bản chất của sự việc không phải là việc Bộ trưởng cần biết. Đó là vấn đề của Phòng Da Đỏ.” Vậy mà Schurz đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng vì ông đã bày tỏ quyết tâm mang đến những cải cách cho Phòng Da Đỏ. Ông tuyên bố rằng sự bất mãn của người Bắc Cheyenne là do các tù trưởng muốn “giữ nguyên truyền thống cũ và không muốn người Da Đỏ làm việc.” Ông thú nhận rằng sự chiếm hữu không đủ để mua đủ các khẩu phần theo đúng các điều khoản của hiệp ước, nhưng hi vọng rằng qua “sự tiết kiệm tối đa” và “quản lý thận trọng” Phòng Da Đỏ sẽ có thể vượt qua năm nay với chỉ một ít thiếu thốn. (Một số tù trưởng Lãnh địa Da Đỏ có đi thăm Washington năm đó thấy là Schurz dốt nát về các vấn đề Da Đỏ đến mức gây ngạc nhiên. Người Cheyenne gọi ông là Mah-hah-Ich-hon, Mắt Lớn, và thắc mắc tại sao một người có cơ quan thị giác lớn như thế lại biết quá ít,)

 

Dao Cùn

 

            Khi các mùa trăng ấp áp đến, muỗi bắt đầu sinh sôi trong các vũng nước ao tù của khu dành riêng, và chẳng bao lâu người Bắc Cheyenne lại một lần nữa bị sốt rét hành hạ. Chưa hết, một trận dịch sởi giáng xuống các trẻ em. Trong Mùa Trăng Anh Đào Đỏ, có quá nhiều lễ an táng đến nỗi Sói Nhỏ quyết định các tù trưởng phải đi đến và đương đầu với cán bộ Miles. Ông và Dao Cùn đều luống tuổi –  qua xa mức nửa thế kỷ – và họ hiểu rằng dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không thành vấn đề với họ. Nhưng trách nhiệm của họ là phải cứu người trẻ, cứu bộ tộc, khỏi bị xóa sạch khỏi mặt đất.

            Miles đồng ý gặp họ, và Sói Nhỏ là người phát ngôn. “Từ khi chúng tôi ở xứ này, chúng tôi chết dần mỗi ngày,” ông nói. “Đây không phải là xứ sở lành cho chúng tôi, và chúng tôi muốn trở về nhà trong vùng núi. Nếu ông không có quyền cho phép chúng tôi trở lại đó, hãy cho phép một số người trong chúng tôi đến Washington, và kể với họ tình trạng ở đây, hoặc nhờ ông viết thư đến Washington và xin phép dùm chúng tôi được về miền bắc.”

            “Tôi không thể làm việc này bây giờ,” cán bộ trả lời. “Hãy ở yên đây thêm một năm nữa, và sau đó chúng tôi sẽ tính tiếp phải làm gì cho các ông.”

            “Không.” Sói Nhỏ nói cứng rắn. “Chúng tôi không thể ở lại thêm một năm nữa; chúng tôi muốn đi ngay bây giờ. Trước khi một năm trôi qua, không chừng chúng tôi đều chết hết, và không còn ai ở lại để đi về bắc.”

            Một số thanh niên sau đó xin phép góp tiếng nói trong hội đồng. “Chúng tôi bệnh tật và chết mòn ở đây,” một người nói, “và không còn ai nhắc đến tên chúng tôi khi chúng tôi đã về đất.”

            “Chúng tôi sẽ đi về bắc dù bất trắc thế nào,” một người khác nói, “và nếu chúng tôi chết trong chiến đấu tên tuổi chúng tôi sẽ được mọi người nhớ đến và ca tụng.”

 

Sói Nhỏ

 

            Vào tháng 8 các tù trưởng bàn bạc cùng nhau, và đưa đến việc phân chia. Nai Đứng, Chân Gà Tây, và một số người khác ngại đi về bắc, vì sợ binh lính truy đuổi và tàn sát. Họ muốn tốt hơn là chết trong khu dành riêng. Đầu tháng 9 Sói Nhỏ, Dao Cùn, Heo Rừng, và Bàn Tay Trái di chuyển băng nhóm của mình cách xa những người khác một ít dặm để khi thời cơ đến có thể ra đi nhanh chóng về bắc. Hàng ngày họ bận rộn giao dịch, đổi những của cải thân yêu lấy ngựa tốt và các súng cũ mà người Nam Cheyenne và Arapaho muốn từ bỏ. Nhưng họ không tính đánh lừa cán bộ. Thật ra, khi Sói Nhỏ quyết định khởi hành đi bắc trong Mùa Trăng Cỏ Khô, ông đến gặp Miles và bảo y rằng ông chuẩn bị trở về xứ. “Tôi không muốn thấy máu đổ trong cục này. Nếu ông tính phái binh lính đuổi theo chúng tôi, tôi mong là trước tiên ông nên để tôi đi một khoảng đường  khỏi cục này. Sau đó nếu ông muốn đánh nhau, tôi sẽ đánh nhau với ông, và chúng ta có thể đổ máu trên mặt đất ở nơi đó.”

            Miles rõ ràng không tin các tù trưởng bất mãn thực sự toan tính một chuyến đi bất khả thi như thế; y lý luận rằng họ hiểu cũng như y là Quân đội sẽ ngăn họ lại. Nhưng y cũng thận trọng phái Edmond Guerrier (người Nam Cheyenne lai Mỹ đã sống sót trận Suối Cát năm 1864) đến trại của Suối Nhỏ để cảnh báo ông.

            “Nếu ông đi,” Guerrier bảo Sói Con, “ông sẽ gặp rắc rối.”

            “Chúng tôi không muốn rắc rối,” Sói Nhỏ đáp. “Chúng tôi không tìm thứ gì thuộc loại đó. Tất cả điều chúng tôi muốn là trở lại nơi chúng tôi xuất phát.”

            Trong đêm 9/9, Sói Nhỏ và Dao Cùn bảo dân mình khăn gói chuẩn bị và sẵn sàng khởi hành vào rạng đông. Họ vẫn để nguyên lều teppe của mình ở lại và tiến bước về bắc băng qua các đồi cát – 297 đàn ông, đàn bà, và trẻ con. Không tới một phần ba là chiến binh – những con người có trái tim dũng cảm nhất trong một bộ tộc kiêu hãnh và đọa đày. Không có đủ ngựa cho tất cả, và họ thay phiên cưỡi ngựa và lội bộ. Một ít người trẻ dong ngựa đi trước để tìm thêm ngựa khi nào bắt gặp.

            Vào những ngày khi mà người Cheyenne có dân số lên đến hàng ngàn, họ có nhiều ngựa hơn bất cứ bộ tộc nào ở Đồng bằng. Họ được gọi là Dân tộc Xinh đẹp, nhưng số mệnh đã quay ra chống lại họ ở phía nam cũng như phía bắc. Sau 20 năm bị sát hại họ tiến gần đến sự hủy diệt hơn cả bò rừng.

            Trong ba ngày họ dong ruổi như thể, bị thúc đẩy bởi một ý chí chung, gắng sức và căng cơ, không thương xót sức ngựa. Vào ngày 13 tháng 9 họ vượt qua Cimarron 150 dặm về phía bắc Đồn Reno, và chọn vị trí phòng ngự là nơi bốn hẽm núi giao nhau. Bụi cây tuyết tùng là nơi ẩn nấp lý tưởng của các chiến binh.

            Binh lính bắt kịp họ ở đó, và phái một hướng đạo Arapaho vào hẽm núi để thương thảo. Người Arapaho ra những dấu hiệu bằng cách phất chăn, cảnh báo người Cheyenne quay lại và trở về khu dành riêng. Khi Sói Nhỏ tự lộ diện, người Arapaho tiến đến sát hơn và bảo ông rằng xếp lính không muốn chiến đấu, nhưng nếu người Cheyenne không theo y về Đồn Reno, họ sẽ bị tấn công.

            “Chúng tôi đang đi về bắc,” Sói Nhỏ trả lời, “vì đã được hứa là có thể, nên chúng tôi mới bằng lòng đi xuống xứ này. Chúng tôi đi một cách hòa bình, không làm hại hoặc hủy diệt bất cứ tài sản nào của người da trắng trên đường đi, và chúng tôi không tấn công ai trừ khi bị quấy nhiễu trước tiên. Nếu binh lính bắn chúng tôi, chúng tôi sẽ bắn lại, và nếu dân da trắng tấn công chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ tấn công lại.

            Ngay sau khi người Arapaho về báo lại câu trả lời của Sói Nhỏ cho Xếp lính (Đại úy Joseph Rendlebrock), binh lính liền tiến vào các hẽm núi và bắt đầu khai hỏa. Đây là một hành động điên rồ của binh lính, vì người Cheyenne đều ẩn nấp chung quanh họ trong các bụi cây tuyết tùng. Suốt ngày và suốt đêm họ giăng bẫy binh lính ở đó không có nước để uống. Sáng hôm sau người Cheyenne bắt đầu lẻn đi về phía bắc từng tốp nhỏ, để lại binh lính rút lui.

            Giờ thì cuộc chiến trở thành trận đánh trên lưng ngựa băng qua Kansas và vào địa phận Nebraska. Binh lính tràn đến từ mỗi đồn – các kỵ binh phi nước đại từ các đồn Wallace, Hays, Dodge, Riley, và Kearney, bộ binh chuyển tới bằng các toa tàu hỏa đi dọc theo ba tuyến đường ray song song chạy giữa Cimarron và Platte. Để luôn di chuyển nhanh, người Cheyenne đổi ngựa kiệt sức của mình lấy ngựa khỏe của người da trắng. Họ cố lẫn tránh giao chiến, nhưng bọn trại chủ, cao bồi, và dân định cư, thậm chí các tay lái buôn trong các thị trấn nhỏ, cũng tham gia truy đuổi. Mười ngàn binh lính và ba ngàn người da trắng càn quấy những người Cheyenne trốn chạy không ngừng nghỉ, làm mỏng lực lượng chiến binh phòng ngự, bắt giữ người già và người trẻ rơi lại phía sau. Trong hai tuần cuối cùng của tháng 9, binh lính bắt kịp họ năm lần, nhưng mỗi lần họ tìm được cách chạy thoát. Bằng cách bám theo vùng gồ ghế, để binh lính không thể sử dụng xe ngựa hoặc dàn pháo trên bánh xe. Nhưng ngay khi họ tẩu thoát khỏi một đạo quân Áo xanh, một đạo quân khác đã ào tới thế chỗ và cuộc săn đuổi lại tiếp tục.

            Vào những ngày đầu tiên của Tuần Trăng Lá Rụng, họ băng qua tuyến tàu hỏa Liên hiệp Thái bình dương, vượt sông Platte, và phi nhanh đến đồi cát quen thuộc của Nebraska. Ba Sao Crook phái những đạo quân tiến song hành cắt ngang lộ trình của họ, nhưng thú nhận rằng “bắt họ khó như bắt một đàn quạ hoảng sợ.”

            Vào buổi sáng giờ đây đã có sương giá đọng trên cỏ úa, nhưng không khí mát lạnh đúng là liều thuốc bổ sau một mùa hè nóng bức kéo dài trong Lãnh địa Da Đỏ. Sáu tuần đào thoát đã khiến quần áo và chăn họ tả tơi; không có đủ thức ăn; ngựa còn quá ít đến nỗi phân nửa đàn ông phải thay phiên cưỡi ngựa và chạy bộ.

            Tại lều trại vào một đêm, các tù trưởng đếm lại số người. Ba mươi tư người khởi hành từ Lãnh địa Da Đỏ đã lạc mất tích. Một số tứ tán trong lúc chiến đấu và kiếm đường lên bắc bằng con đường khác, nhưng hầu hết đã chết dưới đạn pháo của kẻ địch. Người già đã kiệt sức, trẻ con khổ sở vì thiếu ăn, và chỉ còn một số ít còn đủ sức đi xa hơn nữa. Dao Cùn nói rằng họ nên đi đến cục của Mây Đỏ và xin Mây Đỏ cho họ thức ăn và chổ trú ẩn trong những mùa trăng lạnh lẽo, chẳng bao lâu sẽ ập đến. Nhiều lần họ đã giúp đỡ Mây Đỏ khi ông chiến đấu vì xứ Sông Powder. Giờ đến lượt ông giúp người Cheyenne.

            Sói Nhỏ chế giễu ý kiến đó. Ông sắp sửa đến xứ Cheyenne, đến thung lũng sông Tongue, nơi họ có thể tìm khối thịt và da và sống như người Cheyenne lần nữa.

            Cuối cùng các tù trưởng giải quyết vấn đề một cách thân hữu. Ai muốn đi đến Sông Tongue có thể theo Sói Nhỏ; ai đã thấm mệt vì trốn chạy có thể theo Dao Cùn đến cục của Mây Đỏ. Sáng hôm sau, 53 đàn ông, 43 đàn bà, và 38 trẻ em tiếp tục đi về hướng bắc với Sói Nhỏ. Khoảng 150 quay về hướng tây bắc với Dao Cùn – một ít chiến binh, người già, trẻ em, người bị thương. Sau vài cân nhắc, Heo Rừng và Bàn Tay Trái cũng đi với Dao Cùn, cùng với con cái của họ, những hạt mầm mạnh mẽ cuối cùng của Dân tộc Xinh Đẹp.

            Vào ngày 23 tháng 10 nhóm của Dao Cùn chỉ cách Đồn Robinson hai giấc ngủ thì một trận bão tuyết ùa tới dùi dập họ giữa đồng trống. Những bông tuyết ướt và nặng nề che mù những tấm thân ì ạch, phủ trắng áo ngựa, và làm chậm bước đi của chúng. Thình lình, từ trong cơn lốc xoáy, xuất hiện một toán kỵ binh ma quái. Người Cheyenne đã bị bao vây.

            Xếp lính, Đại úy John B. Johnson, phái một thông dịch viên và sắp xếp một cuộc nói chuyện. Dao Cùn bảo với đại úy là ông không muốn rắc rối; tất cả điều ông muốn chỉ là đến Mây Đỏ hoặc Đuôi Đốm để người của ông có thức ăn và chỗ trú.

            Mây Đỏ và Đuôi Đốm đã được chuyển tận miền bắc đến Dakota, đại úy thông báo cho ông biết. Ở Nebraska không còn khu dành riêng nào nữa, nhưng Đồn Robinson vẫn chưa đóng cửa. Binh lính sẽ mang họ về đồn.

            Lúc đầu Dao Cùn phản đối, nhưng khi hoàng hôn đến bão tuyết rét đến cắt da; người Cheyenne đang sắp chết cóng. Dao Cùn đành phải theo binh lính về đồn.

            Đêm tối xuống mau, và binh lính hạ trại dọc theo suối, cho người canh gác quanh nhóm Cheyenne. Đêm đó các tù trưởng trao đổi nhau đầy lo âu, không biết binh lính sẽ đối xử với họ như thế nào. Họ quyết định tháo rời các súng tốt nhất của họ, chỉ giao nộp những súng cũ hư nếu binh lính ra lệnh nộp vũ khí. Trong bóng tối họ tháo rời các bộ phận súng ống, giao nòng súng cho phụ nữ che giấu dưới lớp áo, buộc lò xo, cò, chốt, băng đạn, và những phụ tùng linh tinh khác thành chuỗi đeo trên người và giày moc-ca-sin làm như thể chúng là đồ trang sức. Và đúng thật, sáng hôm sau, Đại úy Johnson ra lệnh người của ông giải giới chiến binh Cheyenne. Họ đặt những khẩu súng gãy, và cung tên thành đống, và viên đại úy để mặc cho binh lính lấy làm kỷ niệm.

            Vào ngày 25/10 họ đến Đồn Robinson và được phân bố trong một doanh trại bằng gỗ được dựng lên để chứa đại đội binh lính 75 người. Mặc dù 150 người Cheyenne phải chen chúc nhau, nhưng họ mừng vì có chỗ tạm trú. Binh lính phát họ chăn, nhiều thức ăn và thuốc men, và trong mắt các người lính canh ánh lên một niềm khâm phục và thân ái.

            Mỗi ngày Dao Cùn hỏi chỉ huy đồn, Thiếu tá Caleb Carlton, khi nào họ có thể đi tiếp đến cục mới của Mây Đỏ. Carlton bảo ông họ phải đợi cho đến khi ông ta nhận được lệnh từ Washington. Để bày tỏ tình cảm đối với người Cheyenne, ông ta thỉnh thoảng cho phép một vài chiến binh ra ngoài săn thịt, cho họ mượn súng săn và ngựa. Họ chỉ tìm được một ít thú săn linh tinh; đồng cỏ quanh Đồn Robinson trống không và cô độc không có bóng dáng căn lều tepee nào, nhưng người Cheyenne tận hưởng không khí tự do dông rủi mà không sợ hãi, mặc dù mỗi lần chỉ được một ngày.

            Vào đầu Mùa Trăng Sói Chạy Bầy, bạn họ Thiếu tá Carlton rời đồn và vị chỉ huy mới là Đại úy Henry W. Wessells. Người Cheyenne nghe binh lính nói về y như Người Hà Lan Bay; Wessells luôn luôn rảo quanh đồn, theo dõi người Cheyenne, bước vào doanh trại của họ không báo trước, dòm ngó các góc khuất, cặp mắt láo liêng. Chính trong mùa trăng này mà người da trắng gọi là tháng 12 Mây Đỏ được đưa xuống từ Dakota để bàn bạc với họ.

            “Tim chúng tôi lấy làm đau đớn cho bạn,” Mây Đỏ nói. “Nhiều thân thích của chúng tôi nằm trong số những người chết của bạn. Điều này làm tim chúng tôi xót xa. Nhưng chúng ta có thể làm gì? Vị Cha Lớn thì toàn năng. Dân của ông tràn ngập mặt đất. Chúng ta phải làm theo những gì ông ấy nói. Chúng tôi đã xin ông cho phép các anh đến sống cùng chúng tôi. Chúng tôi hi vọng ông ấy sẽ đồng ý. Những gì chúng tôi có chúng tôi sẽ chia sẻ với anh. Nhưng hãy nhớ, những gì ông ấy chỉ bảo, anh phải làm theo. Chúng tôi không thể giúp anh. Tuyết rơi dầy trên sườn đồi. Ngựa chúng ta thì gầy. Thú săn ít ỏi. Anh không thể chống lại, chúng tôi cũng vậy. Vì thế hãy lắng nghe lời bạn cũ và làm mà không phàn nàn những gì Cha Lớn bảo.”

            Như vậy là Mây Đỏ đã già và quá cẩn trọng trong những năm cuối đời. Dao Cùn đã nghe nói ông là tù nhân trong chính khu dành riêng Dakota của mình. Tù trưởng Cheyenne đứng dậy, buồn bã nhìn vào gương mặt đầy dấu chân chim của người anh Sioux già.

            Dao Cùn quay sang Đại úy Wessells: “Bảo Cha Lớn là Dao Cùn và người của ông ta chỉ xin được kết thúc ngày tháng của họ ngay tại đây trong miền bắc nơi họ được sinh ra. Bảo ông ấy chúng tôi không muốn chiến tranh nữa. Chúng tôi không thể sống ở miền nam; ở đó không có thú săn. Ở đây, khi khẩu phần thiếu hụt, chúng tôi có thể đi săn. Bảo ông ấy nếu ông ấy cho Dao Cùn ở lại đây người của Dao Cùn sẽ không xâm phạm ai nữa. Bảo ông ấy nếu ông ấy cứ bắt chúng tôi quay về chúng tôi sẽ lấy dao sẽ tự cắt thịt mình.”

            Wessells ậm ừ một vài lời. Y hứa cho Cha Lớn biết những gì Dao Cùn đã nói.

            Không đầy một tháng sau, ngày 3 tháng 1, 1879, một thông điệp gởi đến Đại úy Wessells từ Bộ Chiến tranh. Tướng Sheridan và Schurz Mắt To đã quyết định về số phận người Cheyenne của Dao Cùn. “Trừ khi họ được trả về nơi họ xuất phát,” Sheridan nói, “toàn bộ hệ thống khu dành riêng sẽ nhận một cú sốc gây nguy hiểm cho sự ổn định của nó.” Schurz kết luận: “Người Da Đỏ nên được trả về khu dành riêng của họ.”

            Theo cung cách làm việc của Bộ Chiến tranh mệnh lệnh phải thực thi ngay lập tức, không cần biết đang là thời tiết mùa đông. Đó là Mùa Trăng Tuyết Lùa Vào Tepee, mùa của cái rét cắt da và bão tuyết gầm thét.

            “Bộ Cha Lớn muốn chúng tôi chết hay sao?” Dao Cùn hỏi Đại úy Wessells. “Nếu vậy chúng tôi sẽ chết ngay tại đây. Chúng tôi không đi trở lại!”

            Wessells trả lời rằng y sẽ cho người Cheyenne năm ngày để thay đổi ý định. Trong thời gian họ sẽ bị giữ làm tù binh trong doanh trại và sẽ bị cắt lương thực, hoặc củi đốt lò sưởi.

            Và thế là trong năm ngày liền người Cheyenne túm tụm bên nhau trong doanh trại. Tuyết rơi gần như mỗi đêm, và họ cạo tuyết trên bậc cửa sổ để thế nước. Nhưng không có gì để ăn trừ những mẩu vụn và xương còn sót lại từ những bữa ăn trước.

            Vào ngày thứ 9 của tháng giêng, Wessells triệu tập Dao Cùn và các tù trưởng khác đến văn phòng y. Dao Cùn không chịu đi, nhưng Heo Rừng, Quạ, và Bàn Tay Trái đi theo bọn lính. Sau một vài phút Bàn Tay Trái chạy ra ngoài với cổ tay bị còng, binh lính chạy theo bao vây ông, nhưng trước khi bị trấn áp ông kịp la lớn cho mọi người trong doanh trại biết chuyện gì đã xảy ra. Trong văn phòng, Heo Rừng bảo với Đại úy Wessells là không người Cheyenne nào phải đi nam lần nữa, và đại úy đã ra lệnh xiềng xích ông. Trong một nỗ lực để tẩu thoát, Heo Rừng cố giết các binh lính, nhưng họ đã trấn áp ông.

            Sau một lúc Wessells bước ra ngoài doanh trại và nói với họ qua cửa sổ. “Cho đàn bà và trẻ con đi ra,” y ra lệnh, “để họ khỏi phải chịu đựng thêm.”

            “Tất cả chúng tôi sẽ chết tại đây trước khi bị lôi về nam,” họ trả lời.

            Wessells bỏ đi, và rồi các tên lính đến và khóa và chận cửa ra vào bằng những thanh sắt. Đêm đến, ánh trăng phản chiếu trên tuyết khiến cảnh vật bên ngoài rõ như ban ngày; nó chiếu lấp lánh trên những lưỡi lê của sáu tên lính canh trong áo choàng trùm kín đầu, giậm chân tới lui để giữ ấm.

            Một chiến binh đẩy lò sưởi lạnh lẽo qua một bên và nâng một tấm lát sàn. Bên dưới trên nền đất khô là 5 nòng súng, được cất giấu ngay từ ngày đầu tiên. Từ các đồ trang sức và giày moc-ca-sin, họ bắt đầu tập trung cò súng và chốt đập và đạn. Chẳng bao lâu các súng trường và súng lục được ráp trở lại. Người trẻ vẻ mặt mày và mặc những bộ đồ đẹp nhất, trong khi các bà chất chồng các yên ngựa và gói đồ bên dưới mọi cửa sổ để mọi người có thể bước lên và nhanh chóng nhảy ra ngoài. Rồi các tay chiến binh thiện xạ chiếm vị trí ở những cửa sổ, mỗi người chọn một tên lính gác đứng bên ngoài làm mục tiêu.

            Vào lúc 9:45 tối những phát súng đầu tiên được khai hỏa. Cùng lúc đó, mọi khung cửa sổ bị đẩy bật tung ra ngoài, và người Cheyenne tràn ra khỏi doanh trại. Giật các khẩu súng của lính gác chết và bị thương, họ chạy về phía sườn dốc đứng bên kia hàng rào của đồn. Họ chạy được mười phút thì toán kỵ binh đầu tiên đã đuổi kịp, một số còn mặc đồ ngủ. Các chiến binh nhanh chóng lập phòng tuyến phòng thủ trong khi đàn bà và trẻ con băng qua suối. Vì có ít vũ khí, các chiến binh vừa bắn vừa lùi. Binh lính đến nhiều hơn, tạo thành một cánh cung bao bọc, và họ bắn mỗi người Da Đỏ di chuyển qua mặt tuyết. Trong giờ đầu tiên của trận chiến, hơn phân nửa các chiến binh bị tiêu diệt, và rồi binh lính cũng bắt kịp các băng nhóm đàn bà và trẻ con, tàn sát trước khi họ kịp đầu hàng. Trong số người chết có con gái của Dao Cùn.

            Khi sáng đến, binh lính dồn 65 tù nhân Cheyenne, 23 trong số đó bị thương, trở về Đồn Robinson. Phần lớn là đàn bà và trẻ con. Chỉ có 38 người tẩu thoát được còn sống và tự do; 32 người đi với nhau, hướng về bắc qua các vùng đồi và bị bốn đại đội kỵ binh săn đuổi. Sáu người khác ẩn nấp trong bãi đá chỉ cách đồn một vài dặm. Đó là Dao Cùn, vợ ông, con trai ông, con dâu ông, cháu nội ông, và một cậu trai tên Chim Đỏ.

            Trong vài ngày kỵ binh đuổi theo 32 người Cheyenne, cho đến khi cuối cùng giăng bẫy được họ gần Dốc Suối Mũ trong một bãi trâu nằm sâu. Tấn công đến bờ của bãi, kỵ binh xả hết đạn vào đó, rút lui, nạp đạn, rồi lặp lại hành động cho đến khi không nghe hỏa lực đáp trả của người Da Đỏ. Chỉ 9 người Da Đỏ sống sót, hầu hết là đàn bà và trẻ con.

            Trong những ngày cuối cùng của tháng 1, chỉ đi lại trong đêm, Dao Cùn và gia đình lần mò ra bắc đến Pine Ridge. Ở đó họ trở thành tù nhân trên khu dành riêng của Mây Đỏ.

            Sói Nhỏ và bộ hạ trải qua mùa đông trong những hào kín mà họ đào dọc theo bờ đông cứng của Suối Anh đào Dại, một trong những phụ lưu của Sông Niobrara. Khi thời tiết hơi ấm lên Trong Mùa Trăng Mắt Đau, họ khởi hành về bắc đến xứ Sông Tongue. Trên Suối Box Elder họ gặp Hai Trăng và 5 người Bắc Cheyenne khác, đang làm việc với bọn Áo xanh ở Đồn Keogh với vai trò trinh sát.

            Hai Trăng bảo Sói Nhỏ là Mũ Trắng Clark đang ra ngoài tìm ông, và muốn họp hội đồng với ông. Sói Nhỏ trả lời rằng ông vui mừng được gặp lại bạn cũ, Mũ Trắng. Họ gặp nhau khoảng nửa dặm từ trại Cheyenne, Trung úy Clark bỏ vũ khí của mình để chứng tỏ thiện chí. Trung úy nói rằng anh có lệnh mang người Cheyenne về Đồn Keogh, ở đó một số bà con của ông đầu hàng và giờ đang sống yên lành. Giá của tự do, anh nói thêm, là súng và ngựa của họ; họ có thể giữ ngựa cho đến khi tới Đồn Keogh, nhưng bây giờ phải giao nộp súng.

            “Từ khi chia tay với anh ở cục Mây Đỏ,” Sói Nhỏ trả lời, “chúng tôi đã đi xuống phương nam, và đã đau khổ nhiều ở đó. . . Anh em tôi, Dao Cùn, dẫn phân nửa băng nhóm và đầu hàng gần Đồn Robinson. Ảnh nghĩ anh còn ở đó và sẽ đi tìm ảnh. Họ giao nộp súng và rồi người da trắng giết sạch họ. Tôi ở ngoài đồng cỏ, và cần có súng ở đây. Khi tôi đến Keogh tôi sẽ nộp súng và ngựa, nhưng tôi không thể nộp súng bây giờ. Anh là người duy nhất chịu nói chuyện trước khi chiến đấu, có vẻ như thể cơn gió, vốn đã làm tim tôi xao xuyến quá lâu, giờ sẽ lặng xuống.”

            Sói Nhỏ phải giao nộp súng, tất nhiên, nhưng chỉ đến khi ông tin chắc Mũ Trắng không để binh lính giết hại dân ông. Họ đi tiếp đến Đồn Keogh, và ở đó hầu hết các người trẻ đều được tuyển làm trinh sát. “Trong một thời gian dài chúng tôi không làm gì nhiều trừ tập luyện và làm ra những súc gỗ từ cây rừng,” Chân Gỗ nói. “Tôi học uống uýt ki tại Đồn Keogh. . . Tôi tiêu hầu hết tiền lương trinh sát cho uýt ki.” Người Cheyenne uống uýt ki vì buồn chán và tuyệt vọng; điều đó khiến các nhà buôn da trắng giàu có, và nó hủy diệt những gì còn lại trong giới lãnh đạo của bộ tộc. Nó hủy diệt Sói Nhỏ.

            Sau tháng này qua tháng khác của sự lề mề quan liêu ở Washington, các góa phụ và trẻ mồ côi và tàn tích còn lại của các chiến binh ở Đồn Robinson được chuyển về cục của Mây Đỏ tại Pine Ridge, ở đó họ nhập bọn với Dao Cùn. Và rồi sau nhiều tháng chờ đợi thêm nữa, người Cheyenne ở Đồn Keogh được ban cho một khu dành riêng trên Sông Tongue, và Dao Cùn cùng với một số ít người teo tóp còn lại ở Pine Ridge được phép đi đến người của họ.

            Nhưng đối với hầu hết, điều đó đã quá muộn. Sức mạnh đã đi khỏi bộ tộc Cheyenne. Trong những năm kể từ vụ Suối Cát, số mệnh đã đuổi theo Dân tộc Xinh đẹp. Hạt giống của bộ tộc đã bay tứ tán theo gió. “Chúng tôi sẽ đi về bắc dù gặp nguy hiểm nào,” một chiến binh trẻ đã nói, “và nếu chúng tôi chết trong chiến đấu tên tuổi chúng tôi sẽ được nhớ đến và yêu quí bởi mỗi người dân chúng tôi.” Chẳng bao lâu sẽ không còn ai ở lại buồn nhớ đến, không ai ở lại để nói đến tên họ giờ khi họ đã đi rồi.                                

(còn tiếp)

One thought on “Hãy chôn trái tim tôi ở Wounded Knee : Lịch Sử Dân Da Đỏ Miền Tây Hoa Kỳ – Phần 3

  1. Pingback: Hãy chôn trái tim tôi ở Wounded Knee : Lịch Sử Dân Da Đỏ Miền Tây Hoa Kỳ – Phần 1 | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s